Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 8 năm 2019

Thu bạc tỷ từ bơ Mỹ xen canh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Trong tuần đầu tháng 8 vừa qua, vườn bơ Mỹ 600 cây (chủ yếu bơ Booth và bơ Pinkerton) trồng xen canh trên diện tích 3 ha cà phê của anh Huỳnh Điểu ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh bước vào thu hoạch đều đặn mỗi ngày, thống kê năng suất lên đến 150 kg/cây, tăng tỷ lệ khoảng 20% so cùng kỳ năm 2018.

Thời điểm hiện tại, với giá bơ Mỹ bán ra tại vườn trên dưới 50.000 đồng/kg, ước tính kết thúc mùa bơ năm 2019 (vào khoảng giữa tháng 10), hạch toán với tổng số 600 cây bơ nói trên của anh Huỳnh Điểu đạt tổng doanh thu khoảng 4,5 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3, chủ vườn Huỳnh Điểu thu hoạch các giống bơ Mỹ tự chọn tạo, ghép mầm chồi với gốc bơ địa phương lâu năm trên địa bàn Lâm Đồng. Ở đây, thời gian tính từ khi ghép mầm chồi bơ Mỹ thành công đến chăm sóc và thu hoạch rộ vụ đầu tiên trung bình khoảng 3 năm.

VĂN VIỆT 

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Sau tín hiệu tích cực là… thách thức

Nguồn tin:  Báo Hà Nội Mới

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2019 đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực này là những thách thức không nhỏ khi giá trị nhiều mặt hàng nông sản chính sụt giảm đáng kể. Vậy đâu là giải pháp để ngành Nông nghiệp cán đích mục tiêu kế hoạch năm với kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD?

Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam giảm về kim ngạch xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Nhóm hàng nông sản chính giảm mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 5 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn là thủy sản khoảng 4,7 tỷ USD, lâm sản đạt 6,01 tỷ USD. Riêng mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ - điểm sáng xuất khẩu của ngành, mang lại 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, cùng với kết quả tích cực, nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề đặt ra. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, mặc dù nhiều sản phẩm có sản lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm sâu, như hạt điều giảm 20,6%, tiêu 25,2%, cà phê 12%, gạo 16%...

Thậm chí, thủy sản vốn là mặt hàng có thế mạnh, nằm trong nhóm có giá trị xuất khẩu lớn, song kim ngạch 7 tháng qua cũng giảm 1%. Lý giải thêm về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN& PTNT) Trần Đình Luân thông tin, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm bởi hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, xuất khẩu cá tra đạt 1,16 tỷ USD, giảm 3,2%; tôm các loại đạt 1,73 tỷ USD, giảm 10,4%.

Về nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới. Nhiều nước đã và đang quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp khiến nông sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều gia tăng biện pháp bảo hộ nông sản trong nước thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc… Ngoài ra, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất từ biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp đang phải ứng phó với nhiều thách thức từ vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản dự báo sẽ đối diện với nhiều thách thức. Ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 43 tỷ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, với những diễn biến không mấy thuận lợi từ đầu năm đến nay, mục tiêu này là khá khó khăn”.

Chú trọng ngành hàng thế mạnh, mở rộng thị trường

Để vượt qua những thách thức, khó khăn mà nông sản Việt Nam đang phải đối mặt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng phân tích: Đối với thị trường Trung Quốc, những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của nước này đang là rào cản với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản sang thị trường này giảm 10,3% về giá trị. Tuy nhiên, những tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc mà phía Trung Quốc đưa ra là yêu cầu tất yếu, cần đáp ứng, bởi đây cũng là yêu cầu của nhiều thị trường lớn khác, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương.

"Doanh nghiệp cần coi đây là cơ hội để đổi mới, đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài", ông Trần Công Thắng nêu.

Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, Tập đoàn đang đầu tư xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 600ha và tiếp tục mở rộng thêm 2.500ha. Từ đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, từ nuôi trồng, chế biến, đến xuất khẩu. Song song với đó, Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, tận dụng các hiệp định thương mại để phát triển thị trường mới.

Cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn cho rằng: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Song cùng với đó, doanh nghiệp cũng như ngành Nông nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu... để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực rất lớn nhằm tạo hành lang pháp lý, hành lang thương mại cho các doanh nghiệp khai thác thị trường lớn. Riêng thị trường Trung Quốc, Bộ đang nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vấn đề phát sinh trong xuất khẩu nông sản giữa hai nước...

Mặt khác, Bộ NN&PTNT đã và đang cùng các địa phương, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đến đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu, cấp mã vùng đạt chuẩn quốc tế… nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh để đạt được mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2019.

"Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy nhanh, đẩy mạnh khai thác lĩnh vực lâm nghiệp. Cùng với đó tập trung khai thác thế mạnh từ thủy sản, trọng tâm là tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để lấy lại "thẻ xanh", hướng tới phát triển thủy sản bền vững. Đây sẽ là 2 khu vực mang lại động lực cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

ĐỖ MINH

Văn Quan (Lạng Sơn): Chủ động phòng chống sâu bệnh hại cây hồi

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Hiện nay, diện tích cây hồi trên địa bàn huyện Văn Quan bị bệnh đốm lá (thán thư), bọ ánh kim gây hại. Để hạn chế, không bùng phát sâu bệnh gây hại thành dịch, cơ quan chuyên môn, người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Những ngày đầu tháng 8/2019, chúng tôi gặp anh Vy Văn Chiến, thôn Pò Xè, xã Tân Đoàn khi anh đang thu hái quả hồi. Trèo lên cây hồi, sau mỗi lần hái quả bỏ vào túi đựng, anh Chiến lại vạch từng kẽ lá, nhành cây như tìm kiếm một vật gì đó. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Chiến cho biết: Tôi vừa thu hái hồi, vừa kiểm tra xem có bọ ánh kim gây hại hay không để bắt. Đặc biệt vào thời điểm này, bọ ánh kim đã chuyển sang giai đoạn đẻ trứng. Vì vậy, trong quá trình thu hái quả, tôi tìm và bắt ngay bọ ánh kim và các ổ trứng. Một ổ trứng của bọ ánh kim có thể nở ra hàng trăm con, việc bắt bỏ các ổ trứng sẽ tránh được thiệt hại nặng do bọ ánh kim gây ra. Bởi nếu bọ ánh kim gây hại nặng, việc diệt trừ bằng phun thuốc rất khó khăn, một bình phun 20 lít chỉ phun được từ 6 đến 7 cây hồi, do địa hình đồi dốc, cây cao, rất khó phun.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân xã Tân Đoàn cách phòng trừ bọ ánh kim gây hại

Không chỉ anh Chiến, nhiều gia đình trong thôn cũng chủ động bắt bọ ánh kim gây hại. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, cán bộ nông lâm xã Tân Đoàn cho biết: Toàn xã có trên 200 ha hồi, việc phòng trừ sâu bệnh cho hồi được xã quan tâm chỉ đạo. Trong đó, hằng năm, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mở lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại hồi. Do xã và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ nên bọ ánh kim được khống chế, mật độ gây hại thấp. Hiện nay, bọ ánh kim tiếp tục gây hại rải rác ở các thôn của xã nhưng với mật độ thấp. Trong tháng 7 vừa qua, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh mở lớp tập huấn tại xã cho trưởng thôn, người dân của 11/11 thôn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây hồi. Qua đó không để sâu bệnh, nhất là bọ ánh kim gây hại.

Tại xã Tràng Phái, ngay sau khi phát hiện bệnh đốm lá trên cây hồi vào tháng 5/2019, anh Hoàng Văn Ba, thôn Còn Chuông báo cáo với UBND xã. Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã thông tin đến phòng chuyên môn huyện và được cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Anh Ba cho biết: Qua theo dõi tình hình bệnh đốm lá gây hại và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hiện nay, tôi chuẩn bị mua thuốc về phun phòng trừ. Một số gia đình trong thôn xuất hiện bệnh đốm lá trên cây hồi đã chủ động mua thuốc về phun.

Xã Tràng Phái có gần 460 ha hồi, hiện bệnh đốm lá và bọ ánh kim đang gây hại. Trong đó, cây hồi các thôn: Còn Chuông, Phai Làng, Túng Nọi, Còn Riềng bị bệnh đốm lá gây hại; thôn Túng Nọi, Còn Riềng bị bọ ánh kim gây hại với mật độ thấp. Hiện đang là mùa thu hoạch quả hồi, nên người dân vừa thu hái vừa dùng biện pháp thủ công (bằng tay) để loại bỏ sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, trong tháng 7/2019, xã phối hợp tổ chức tập huấn cho người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây hồi.

Huyện Văn Quan có khoảng 13.000 ha hồi, từ đầu năm đến nay có bọ ánh kim, bệnh đốm lá gây hại. Để phòng trừ sâu bệnh gây hại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh; tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây hồi. Cùng với đó, trong tháng 7/2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn về chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cây hồi cho một số xã như: Tràng Phái, Tân Đoàn, Bình Phúc. Qua đó, cây hồi phát triển ổn định, không có sâu bệnh gây hại thành dịch.

Ông Mã Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay, bọ ánh kim gây hại, mật độ 2 – 4 con/cây và trứng từ 6 – 10 ổ/cây; bệnh đốm lá gây hại tỉ lệ 8% – 15% lá tập trung ở các xã: Bình Phúc,Yên Phúc, Tân Đoàn,Tràng Phái, Chu Túc. Dự báo thời gian tới, bọ ánh kim trưởng thành tiếp tục đẻ trứng, bệnh đốm lá tỉ lệ bệnh phát triển tăng dần. Vì vậy, Trung tâm cử cán bộ theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, người dân cần chủ động vệ sinh rừng, bắt bọ ánh kim và trứng để hạn chế trứng nở thành sâu non gây hại vào năm sau.

DUY PHÁT

Đồng Tháp: Toàn tỉnh thu hoạch hơn 115 ngàn ha lúa hè thu

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch 115.332/196.605ha lúa hè thu, năng suất bình quân 6,05 tấn/ha. Các diện tích lúa còn lại đang ở các giai đoạn đẻ nhánh 2.990ha, làm đòng 24.683ha, trổ chín 53.600ha...

Thu hoạch lúa hè thu

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) dự báo, trong tuần này, tình hình sâu rầy sẽ có chuyển biến phức tạp. Cụ thể, rầy nâu ở độ tuổi 2 - 3 tiếp tục phát triển và gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, cục bộ có diện tích nhiễm nặng trên lúa giai đoạn trổ do rầy tích lũy mật số từ đầu vụ; sâu cuốn lá có thể gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có thể bị hại nặng.

Trong khi đó, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt có mức nhiễm sẽ tăng trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – trổ chín do giai đoạn lúa thích hợp và điều kiện thời tiết có mưa nhiều, ẩm độ cao thuận lợi cho các loại bệnh tiếp tục phát sinh gây hại, đặc biệt là những diện tích gieo trồng các giống: IR 50404, OM 4218, Jasmine 85, VD 20, nếp. Ngoài ra, các đối tượng khác như: sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm... xuất hiện gây hại chủ yếu ở mức nhẹ đến trung bình.

Để bảo vệ các trà lúa đảm bảo ăn chắc, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bón vùi phân bón theo tỉ lệ 100% DAP, 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)... nhằm giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, giảm áp lực sâu bệnh hại, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại và tác động các giải pháp kỹ thuật để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Nông dân có thể phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trổ lẹt xẹt và trổ đều; tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc; không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm; thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đối với những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa thu đông, nông dân cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 2 tuần, theo dõi chặt chẽ tình hình rầy vào đèn, xuống giống tập trung, né rầy theo từng ô bao, cánh đồng tại địa phương nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Trang Huỳnh

Cảnh giác dịch bệnh trên cây trồng mùa mưa bão

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Qua thống kê nhanh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh ghi nhận có gần 2.000ha lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch và lúa Thu đông mới gieo sạ bị sinh vật gây hại, trong đó diện tích nhiễm rầy nâu là 316ha, ốc bươu vàng cắn phá 150ha, bọ trĩ tấn công 143ha, đạo ôn lá nhiễm 282ha, lem lép hạt nhiễm 267ha. Đồng thời, có gần 2.560ha cây ăn trái bị dịch hại tấn công, chủ yếu trên cây có múi, khóm, mãng cầu xiêm, nhãn, xoài…

Làm nhà lưới, đánh rãnh tạo luống thoát nước là giải pháp hạn chế rau màu bị ngập úng trong mùa mưa.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì thời tiết trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh vẫn còn mưa do ảnh hưởng của dải hội tụ phía Bắc kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương phối hợp chặt cùng nông dân trong việc thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp quản lý, phòng trừ hiệu quả nhằm bảo vệ năng suất cây trồng. Riêng đối với cây mía, nông dân cần vệ sinh lá già ủ để tạo thông thoáng, hạn chế sâu, bệnh gây hại. Bên cạnh đó, cần bồi đất thêm vào gốc ở giai đoạn mía vươn lóng để hạn chế đổ ngã. Còn rau màu, nông dân thường xuyên cắt tỉa vệ sinh để tạo thông thoáng, đồng thời đánh rãnh tạo luống rút thoát nước nhanh nhằm hạn chế ngập úng khi mưa lớn xảy ra; riêng hộ nào có điều kiện thì làm nhà lưới để bảo vệ vườn rau được an toàn hơn...

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nông dân kỳ vọng hồ tiêu sẽ lại là ‘vàng đen’

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Những năm qua, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị “say” bởi những “con sóng” lên xuống của giá hồ tiêu, dù vậy người trồng tiêu vẫn tin tưởng vào loại cây trồng được ví như “vàng đen” này với hy vọng giá cả sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Ngoài chú trọng khâu sản xuất, các chuyên gia nhận định, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu hồ tiêu BR-VT ra thị trường trong nước, quốc tế. Trong ảnh: Nông dân xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc giới thiệu quy trình sản xuất tiêu hữu cơ của mình với Đoàn khảo sát của Hội Hồ tiêu thế giới.

Không chặt bỏ ồ ạt

Xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc là một trong những vùng trồng hồ tiêu chủ lực của huyện, với diện tích đỉnh điểm là gần 300ha. Thời gian qua, việc giá hồ tiêu giảm kỷ lục, khiến nhiều nông dân thua lỗ. Tuy vậy, diện tích hồ tiêu của Hòa Hội cũng chỉ giảm khoảng 20ha, vì nông dân vẫn chờ đợi giá sẽ tăng bật trở lại.

Bà Nguyễn Thị Lành, ấp 5, xã Hòa Hội đang trồng 1ha hồ tiêu. Bà Lành cho biết, trồng tiêu cần đầu tư lớn. Theo tính toán, chi phí đầu vào cho 1kg hồ tiêu (phân bón, công chăm sóc, thu hoạch) vào khoảng 55-65 ngàn đồng. Như vậy, nếu tính theo giá hiện nay, nông dân thua lỗ 2-10 ngàn đồng/kg. “Chăm bẵm kỹ lưỡng vườn tiêu cả năm trời, mà thua lỗ khiến tôi rất chán nản. Nhưng đất đai ở đây khó chuyển sang trồng cây gì cho năng suất cao. Hơn nữa, tôi vẫn hy vọng, giá tiêu sẽ tăng trở lại nên vẫn cố giữ vườn tiêu”, bà Lành nói.

Theo ông Lê Văn Tứ, chuyên viên phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện vào khoảng 7.000ha, giảm khoảng 200ha so với năm 2016. Ông Tứ cho rằng, giá hồ tiêu thấp kỷ lục nên diện tích tiêu giảm là hợp lý. Dù vậy, khác với một số địa phương trong cả nước, diện tích tiêu của huyện không giảm đột biến mà giảm chủ yếu do nông dân phải chặt bỏ các vườn cây mắc dịch bệnh chết nhanh, chết chậm… Đa số bà con vẫn giữ kỳ vọng với loại cây trồng này.

Hồ tiêu được ngành nông nghiệp xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của BR-VT. Trong ảnh: Nông dân xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức thu hoạch hồ tiêu.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Dù gặp nhiều khó khăn, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn giữ niềm tin với cây hồ tiêu, với hy vọng loại cây công nghiệp này sẽ trở lại thời hoàng kim. Hồ tiêu cũng được ngành nông nghiệp tỉnh xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của BR-VT. Tuy nhiên, để ngành này phát triển bền vững, cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (tỉnh Đồng Nai) - HTX đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu sang châu Âu và đang liên kết, thu mua hồ tiêu tại BR-VT, muốn phát triển bền vững, nông dân phải sản xuất được hồ tiêu sạch. Ông Luân cho biết: “Đứng dưới góc nhìn của DN thu mua hồ tiêu xuất khẩu, chúng tôi cho rằng, nếu nông dân giữ được quy trình sản xuất hữu cơ, cho ra sản phẩm sạch, thì tương lai của hồ tiêu không đến mức quá ảm đạm. Trong thời điểm này, nông dân nên xen canh hồ tiêu với các loại cây trồng khác, vừa bảo đảm được thu nhập vừa giữ được vườn tiêu”, ông Luân cho biết.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh, ngoài chú trọng vào sản xuất sản phẩm chất lượng, cần có các giải pháp vĩ mô để giúp phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Cụ thể, hồ tiêu BR-VT có chất lượng cao, được đăng ký thương hiệu trên thị trường nên giá loại nông sản này luôn cao hơn các tỉnh lân cận 2-3 ngàn đồng/kg. Dù vậy, không có DN trong tỉnh nào liên kết nông dân trong sản xuất hay thu mua, chế biến để xuất khẩu mà đều từ các tỉnh lân cận.. Bên cạnh đó, giá tiêu nông dân bán được cũng giảm nhiều do DN phải trừ vào chi phí thu mua, vận chuyển. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có thêm nhiều biện pháp để thu hút các DN tới BR-VT xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm của nông dân sẽ có đầu ra, giá cả ổn định hơn.

Bài, ảnh: QUANG VINH

Thêm giống lúa mới cho nông dân và người tiêu dùng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Hơn 1 năm triển khai đề tài “Tuyển chọn và nhân các giống lúa theo hướng thảo dược ở Thừa Thiên Huế”, hướng nghiên cứu này đang cho thấy khả năng thành công, thêm lựa chọn cho nông dân và người tiêu dùng về thực phẩm sạch.

TS. Lê Tiến Dũng (trái) thăm đồng, theo dõi tình hình phát triển của lúa thảo dược được trồng thử nghiệm

Trồng thử nghiệm

Dẫn chúng tôi thăm đồng, ông Trương Khiết, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) chia sẻ, giống lúa thảo dược do các chuyên gia từ Viện Công nghệ sinh học (CNSH) Đại học (ĐH) Huế cung cấp trồng thử nghiệm phát triển khá tốt.

Kết quả thu hoạch từ vụ đông xuân cho thấy, so với các giống lúa thông thường, năng suất của lúa thảo dược tuy có thấp hơn, nhưng so với các giống lúa hữu cơ khác là tương đương. Điều đặc biệt là chất lượng gạo ngon và nhiều dinh dưỡng.

“Hầu hết giống lúa hữu cơ đều khó đạt năng suất như các giống lúa khác, nhưng sản lượng thu hoạch vừa qua của lúa thảo dược khoảng 1,8 – 2 tạ/sào theo tôi là ổn. Đáng quan tâm là giống lúa này chất lượng vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học”, ông Khiết nói.

Lúa thảo dược được trồng thử nghiệm tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền)

Lúa thảo dược được Viện CNSH ĐH Huế triển khai nghiên cứu thử nghiệm từ tháng 4/2018. TS. Lê Tiến Dũng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, để triển khai hướng nghiên cứu này, ông và các cộng sự đã trải qua rất nhiều bước, từ việc nghiên cứu trên nhiều nguồn giống thông qua các phương pháp lai tạo giống, xử lý đột biến, chọn ra các giống mới chất lượng, trong đó có 3 giống lúa thảo dược được tuyển chọn thành công là TD1, TD2, TD3.

Nội dung nghiên cứu về nhân giống với các chỉ tiêu đánh giá tỷ lệ mọc; sức nẩy mầm; các đặc trưng, đặc tính nông sinh học của giống và nghiên cứu các chỉ tiêu chất lượng theo hướng thảo dược về màu sắc hạt, chất lượng thành phần, chất lượng hạt đều đúng theo các tính toán của nhóm nghiên cứu.

Để triển khai hướng nghiên cứu này, các chuyên gia đã kế thừa các kết quả nghiên cứu chọn giống lúa mới chất lượng cao, đồng thời bố trí các thí nghiệm đồng ruộng để nhân giống phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ cho biết, quá trình thử nghiệm một số vụ, có thể thấy triển vọng từ giống lúa này, nhất là tỷ lệ sâu bệnh thấp.

“Sâu bệnh xảy ra trong quá trình bón phân tỷ lệ không cân đối. Trong lúa hữu cơ sử dụng phương thức bón phân hữu cơ tỷ lệ phù hợp nên quá trình sản xuất vừa qua gần như ít thấy sâu bệnh”, ông Ba nhấn mạnh.

Triển vọng

Tháng 7/2019, Viện CNSH ĐH Huế đã có phân tích chất lượng lúa, kết quả cho thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng từ protein, lipid, amylose đều khá tốt so với các giống lúa HT1 (giống trồng phổ biến ở Huế), khang dân, Ari… Điểm đặc biệt của giống lúa thảo dược mới là hàm lượng chất sắt và 3 loại omega 3 – 6 – 9 cao, rất tốt cho sức khỏe. Đây là các thành phần quan trọng nhất giúp hạt gạo cung cấp những hoạt chất rất tốt cho người bị bệnh huyết áp, xương khớp, mờ mắt, tiểu đường…

Theo TS. Lê Tiến Dũng, nhu cầu người tiêu dùng bây giờ chuyển từ ăn no sang ăn ngon, ăn ít nhưng đầy đủ chất và hướng nghiên cứu lúa thảo dược giải quyết được vấn đề đó.

Theo PGS.TS.Trương Thị Hồng Hải, xu hướng hiện nay người tiêu dùng tìm đến thực phẩm sạch, nông sản hữu cơ. Thời gian qua, nhiều người lựa chọn sử dụng gạo lứt với mong muốn hướng đến tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị bệnh tiểu đường và người có mong muốn giảm cân. Tuy nhiên, hầu hết các loại gạo lứt đang bán trên thị trường thì cơm khô và ăn không ngon. Trong khi đó, theo nghiên cứu, gạo thảo dược chất lượng tốt hơn, loại gạo này nấu cơm ngon, nhiều chất bổ và dinh dưỡng.

Với xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng, việc phát triển giống lúa thảo dược tạo thêm nguồn giống mới cho người nông dân. So với các giống lúa thông thường, giá thành của giống lúa thảo dược chắc chắn cao hơn.

Đại diện Viện CNSH cho biết, sau khi nghiệm thu đề tài (khoảng tháng 3/2020), Viện sẽ đề xuất xin kinh phí để xây dựng trồng các mô hình thử nghiệm tại các địa phương trồng lúa trong tỉnh, đồng thời làm các thủ tục công nhận giống.

Với mong muốn hỗ trợ người nông dân, khi hướng nghiên cứu này kết thúc, Viện có thể phối hợp với các địa phương, cơ quan phụ trách về nông nghiệp để chuyển giao giống và quy trình canh tác, đồng thời trao đổi để có hướng quy hoạch, phân vùng trồng thích hợp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

‘Mô hình thí điểm sản xuất luân canh lúa sen an toàn’ giúp nông dân ổn định sản xuất

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Giúp nông dân ổn định sản xuất và yên tâm gắn bó với cây sen, Hội Nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (gọi tắt là IUCN) thực hiện “Mô hình thí điểm sản xuất luân canh lúa sen an toàn”. Bước đầu cho thấy, mô hình giúp nông dân trồng sen nâng cao thu nhập và giảm thiểu được tỷ lệ sen bị nhiễm bệnh thối ngó và chạy dây hiệu quả.

Nông dân phấn khởi khi bệnh thối ngó, chạy dây trên cây sen bước đầu được kiểm soát

Mô hình sản xuất lúa sen an toàn được thực hiện thí điểm trên diện tích 22ha ở xã Tân Kiều. Mô hình thực hiện trong vòng 7 tháng và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, nông dân được hướng dẫn thực hiện mô hình trồng sen an toàn kết hợp nuôi cá; giai đoạn 2, nông dân sẽ chuyển sang trồng lúa an toàn kết hợp nuôi cá. Mục tiêu của mô hình là góp phần giúp nông dân tại địa phương phát triển sinh kế bền vững trong mùa lũ, từ đó nâng cao thu nhập cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biển đổi khí hậu.

Mặc dù mới đi được hơn nửa quãng đường nhưng mô hình này được nhiều nông dân đánh giá cao khi giải quyết hiệu quả một số loại bệnh hại nguy hiểm trên cây sen như: bệnh thối ngó và bệnh chết dây.

Ông Nguyễn Thanh Tùng ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười là 1 trong 17 hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, bệnh chạy dây và bệnh thối ngó là hai loại bệnh làm cho nông dân ngán ngại nhất khi trồng sen. Trong vụ mùa này, nhờ làm theo hướng dẫn của các chuyên gia và sử dụng một số loại chế phẩm sinh học mà những ruộng sen của mô hình gần như không xuất hiện hai loại bệnh này. Hiện tại, các ruộng sen trong mô hình đang phát triển rất tốt, lên bông khá nhiều. Chúng tôi hi vọng với khởi đầu tốt đẹp này, mô hình sẽ tìm ra giải pháp xử lý triệt để hai loại bệnh nguy hiểm trên cây sen, giúp nông dân có thể yên tâm sản xuất hơn”.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười thông tin: “Đến thời điểm hiện tại, mô hình này cơ bản được kiểm soát tốt tỷ lệ bệnh thối ngó và chạy dây trên tổng diện tích thực hện. Tỉ lệ bệnh giảm rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, trước khi thực hiện mô hình, tỷ lệ nhiễm bệnh tại các ruộng sen trung bình từ 30 – 40%, thậm chí trên 50% thì hiện nay tỷ lệ này chỉ còn dưới 15%. Hiện nay, giá gương sen chỉ từ 8 ngàn – 9 ngàn đồng/kg nhưng sen trong mô hình không bị bệnh hại nên nông dân vẫn có lợi nhuận tốt”.

Mỹ Lý

Lạng Sơn: Hồng không hạt xã Bảo Lâm: Đối mặt nguy cơ thoái hóa

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Là xã biên giới của huyện Cao Lộc, Bảo Lâm (tỉnh Lạng Sơn) vốn nổi tiếng là “cái nôi” của cây hồng không hạt. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, giống hồng này bị nhiều sâu bệnh, đứng trước nguy cơ thoái hóa và mất dần thương hiệu “đặc sản” vốn có.

Những ngày đầu tháng 8/2019, chúng tôi có dịp đến xã Bảo Lâm. Nếu như trước đây, dọc đường vào xã là những vườn hồng sai lúc lỉu quả hồng không hạt nức tiếng gần xa, thì năm nay, cũng trên cung đường ấy, những vườn hồng chỉ còn lác đác một vài quả thưa thớt, đâu đó là những cây hồng trụi lá và đã chết khô.

Gia đình bà Mai Kim Ngọc, thôn Nà Pàn là một trong số ít hộ trên địa bàn xã còn duy trì và phát triển cây hồng không hạt Bảo Lâm. Bà Ngọc cho biết: “Những năm trước, nhà tôi trồng rất nhiều hồng, năm sai nhiều cũng thu được 3 – 4 tấn quả. Nhưng mấy năm gần đây, hồng có dấu hiệu bị các bệnh như: mọt đục thân, sâu đục cuống, thán thư… 2 năm trước, gia đình tôi còn 200 cây cho thu quả thì năm nay chỉ còn 100 cây được thu hoạch, nhiều cây hồng bị chết, quả rụng nhiều, một số cây còn cho thu hoạch cũng chỉ lác đác quả nhỏ và vỏ không mượt như trước”.

Người dân thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm bên cây hồng không hạt Bảo Lâm bị bệnh mọt đục thân

Không chỉ gia đình bà Ngọc, trước đây, hầu như gia đình nào ở Bảo Lâm cũng trồng cây hồng không hạt, nhà nào nhiều có 700 – 800 cây, nhà ít cũng có 200 – 300 cây. Khi phát triển tốt, một cây hồng có thể cho năng suất từ 80 kg – 1 tạ/vụ với giá bán từ 25 – 30 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã có thu nhập cao, có cuộc sống khá giả từ cây hồng.

Theo người dân trên địa bàn xã, cây hồng không hạt được đưa vào trồng từ năm 1996. Hồng Bảo Lâm nổi tiếng xa gần và được ưa chuộng bởi vị ngọt, thơm, giòn đặc trưng và đặc biệt là không hạt. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều diện tích hồng của xã đã bị thoái hóa. Những cây hồng cổ thụ bị mọt đục thân, chỉ sau một thời gian cây sẽ rụng hết lá và chết; những cây hồng non thường bị bệnh thán thư, sâu đục cuống gây rụng quả…

Ông Triệu Ngọc Kim, Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 năm về trước, trên địa bàn xã trồng rất nhiều hồng, sản lượng mỗi năm lớn, hàng năm thương lái đến vườn thu mua nhộn nhịp. Những năm gần đây, giống hồng đặc sản này còn số lượng rất ít, nhiều nhà đã bỏ trồng hồng. Nguyên nhân là do cây trồng đã nhiều năm, thời tiết thay đổi dẫn đến cây bị sâu bệnh…

Trước thực trạng đó, một số hộ dân trong xã đã ươm, ghép, trồng lại vườn hồng với mong muốn cải thiện về năng suất cũng như chất lượng. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan. Từ chỗ một cây trồng đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao, giờ đây, cây hồng hầu như không phát huy được thế mạnh đó. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 15 ha hồng không hạt Bảo Lâm với khoảng 100 hộ còn có cây hồng. Trong đó, chỉ còn 5 – 6 hộ còn nhiều (số lượng 100 – 200 cây/vườn)

Theo ông Vũ Kì Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc, hằng năm, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, ra nhiều thông báo khuyến cáo và hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh trên cây hồng cho bà con. Tuy nhiên, do trên địa bàn xã có nhiều cây hồng già cỗi, bên cạnh đó, người trồng chưa quan tâm, chăm sóc cây sau thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh không đúng kỹ thuật, chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp thủ công nên hiệu quả không cao. Để khắc phục tình trạng đó, hiện nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, tập huấn cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2018, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện dự án “Cải tạo, phục tráng, bảo tồn phát triển và Xây dựng nhãn hiệu Hồng không hạt Bảo Lâm” tại tất cả các xã trồng hồng trên địa bàn huyện. Tại xã Bảo Lâm dự án thực hiện ở thôn Cốc Tào, diện tích 4 ha. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn cuốc hố, trồng cây. Hy vọng qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án thành công sẽ được nhân rộng để cây “đặc sản” hồng không hạt Bảo Lâm không chỉ là món quà tạo hóa ban tặng cho vùng đất nổi tiếng này mà còn góp phần đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho bà con.

NGUYỄN PHƯƠNG - KIM HUYÊN

Trồng chanh leo lãi gấp ba ngô

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã thành công khi chọn mô hình trồng cây chanh leo.

Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất đai thuận lợi và đặc biệt là đã liên kết với doanh nghiệp nên mô hình bước đầu đem lại kết quả khả quan, hứa hẹn nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Cây chanh leo thích nghi khí hậu Mai Châu, Hòa Bình.

Ông Bùi Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: "Thời gian qua, xã khuyến khích, vận động người dân tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu vùng núi cao phát triển các loại cây đặc thù, đồng thời áp dụng KH-KT vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân cải thiện thu nhập. Do đó, diện tích trồng các loại cây ôn đới ngày càng mở rộng, cho năng suất, hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Năm 2017, cây chanh leo được đưa vào trồng thí điểm tại xóm Bò Báu với diện tích 3,3 ha. 100% giống chanh leo Đài Nông 1 của xã được cung cấp từ Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc và được công ty bao tiêu sản phẩm.

Những ngày đầu triển khai, ngoài sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng từ Công ty Nafoods Tây Bắc, người dân còn được hỗ trợ vốn vay mua phân bón, làm giàn từ đề án phát triển nông nghiệp của HĐND huyện Mai Châu. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trồng chanh leo, tham quan thực tế tại tỉnh bạn nhằm đưa mô hình đạt kết quả cao nhất.

Đánh giá, sau 2 năm thực hiện mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, chanh leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, diện tích ngày càng được mở rộng.

Đến nay, diện tích trồng chanh leo toàn xã đạt khoảng 8,3ha với gần 40 hộ tham gia trồng. Theo tính toán, năm đầu trồng chanh leo phải đầu tư gần 200 triệu đồng/ha (làm giàn và cột chống...). Sau 4 - 5 tháng chanh bắt đầu cho thu hoạch và cho thu liên tục trong thời gian khoảng 2 - 3 năm mới phải trồng lại gốc mới.

Chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt.

Chanh leo là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nhưng quan trọng phải cung cấp đủ nước tưới thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó cũng cần tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt phải thu hái bằng tay để đảm bảo giữ được mẫu mã sản phẩm.

Chanh leo ra quả quanh năm, do vậy năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Theo tính toán sơ bộ, một vụ ngô mỗi năm cho người dân thu nhập chưa đến 20 triệu đồng, thì khi trồng cây chanh leo, người dân đã có thu nhập 40- 50 triệu đồng. Như vậy có thể khẳng định mô hình trồng cây chanh leo là một hướng đi mới cho người dân địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Là hộ tham gia trồng 3.000m2 cây chanh leo, bà Hà Thị Nguyệt, xóm Bò Báu chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, nhưng qua nhiều năm, đất bị bạc màu nên chất lượng ngô giảm, năng suất thấp. Bên cạnh đó, do khí hậu lạnh, mùa đông thường xảy ra sương muối nên cả năm chỉ trồng được 1 vụ ngô nên hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bấp bênh.

Tham gia dự án trồng chanh leo của xã, nhận thấy cây trồng này chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhất là hiện tượng sương muối, ít sâu bệnh, cho hiệu quả, năng suất cao. Sau năm đầu tiên thu hoạch, số tiền gia đình thu về cao gấp 3 lần so với trồng ngô. Hiện tại, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo nhằm nâng cao sản lượng cây trồng”.

Có thể thấy, cây chanh leo đã thực sự là một trong những giống cây đem lại hiệu quả thiết thực, vừa tạo thu nhập cho người dân, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bà con yên tâm đầu ra cho sản phẩm đã được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua với giá được điều chỉnh theo giá thị trường, đặc biệt khi thị trường không tiêu thụ, doanh nghiệp sẽ thu mua với giá bảo hiểm 4.000 đồng/kg đối với tất cả các loại quả. Đây là tín hiệu đáng mừng, là hướng đi mới đang cần được nhân rộng tại địa phương.

"Với kết quả ban đầu thu được, cây chanh leo hứa hẹn sẽ là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Để nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Từ đó đưa sản phẩm chanh leo đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và đơn vị bao tiêu sản phẩm, từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu nông sản vùng cao, góp phần phát triển KT-XH địa phương”, ông Bùi Văn Hiểu.

THANH HẰNG - Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình

Điện Biên kỳ vọng phát triển vùng trồng chanh leo

Nguồn tin: VOV

Kỳ vọng đến năm 2021, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển được vùng nguyên liệu cây ăn quả, với khoảng 1.000ha chanh leo trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, Điện Biên là địa phương có tiềm năng rất lớn về đất đai, khí hậu, phù hợp với việc trồng cây ăn quả.

Trong đó những loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao được xác định là những loại cây có múi hay những cây ăn quả ngắn ngày như: dứa, chanh leo… Riêng đối với cây chanh leo đã được trồng thử nghiệm khoảng 30ha tại 2 địa phương là Tuần Giáo và Mường Ảng, đều cho kết quả khả quan, năng suất, chất lượng tốt.

Kỳ vọng đến năm 2021, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển được vùng nguyên liệu cây ăn quả, với khoảng 1.000ha chanh leo trên địa bàn tỉnh.

Tuy có lợi thế đất đai nhưng hiện toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 2.600ha cây ăn quả, chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có. Do đó việc kỳ vọng đẩy mạnh vùng nguyên liệu chanh leo với diện tích khoảng 1.000ha cùng với Công ty Cổ phần NaFoods Tây Bắc là định hướng được ngành nông nghiệp tỉnh xác định sẽ tập trung triển khai tại các địa phương trong thời gian tới. Qua đó nhằm mở ra hướng phát triển mới, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

“Chúng tôi cũng xác định xây dựng đề án phát triển cây ăn quả trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đang đề xuất với công ty là ngoài cây chanh leo thì cây dứa cũng là một trong những tiềm năng lợi thế”, ông Hải cho biết.

Ông Hải cũng cho biết thêm “thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có định hướng cụ thể để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư như sắp xếp vùng nguyên liệu đáp ứng được để doanh nghiệp yên tâm thu mua, bà con có đầu ra ổn định”.

Với những tín hiệu mừng từ kết quả khả quan của việc trồng thử nghiệm cây chanh leo trên địa bàn và những định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, kỳ vọng chanh leo sẽ là loại cây ăn quả chủ lực giúp bà con các dân tộc trên địa bàn xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Vũ Lợi / VOV - Tây Bắc

Sầu riêng non rụng hàng loạt, người trồng điêu đứng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Đang chuẩn bị bước vào vụ mùa thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của mưa bão nên nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) bị gãy đổ và rụng trái non, khiến nông dân tổn thất nặng.

Gia đình bà Hồ Thị Châu (thôn Tân Hưng, xã Ea Knuếc) trồng được hơn 1 ha sầu riêng trên đất thuê của Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10, mỗi một năm thu đợc 30 tấn quả, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Năm nay sầu riêng cũng đậu nhiều quả, được gia đình chăm sóc cẩn thận, chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, nhưng nhiều ngày qua do ảnh hưởng của bão số 3, cả vườn đã bị rụng hơn 8 tạ quả non.

Bà Châu chia sẻ, mặc dù gia đình đã cột quả, cột cành và chống cành chắc chắn, kỹ càng nhưng vẫn bị rụng quả nhiều, một số cây còn bị gãy cành, gãy nửa thân cây. Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hiệp (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) cũng thuê hơn 2 ha đất của Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10 để trồng sầu riêng, bình quân mỗi năm thu được hơn 70 tấn quả, lãi hơn 2 tỷ đồng. Nhưng chỉ mới mấy ngày qua, vườn sầu riêng của gia đình đã rụng hơn 2 tấn quả non. Chị Hiệp cho biết, mưa, gió vẫn tiếp tục kéo dài, khiến nhiều người dân đứng ngồi không yên, đáng lo nhất là cây bị đổ ngã, bật gốc sẽ bị thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Sầu riêng non mới rụng trong vườn bà Nguyễn Thị Kim Hiệp (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh)

Theo ông Trần Thành Vinh, Chủ tịch xã Ea Kênh, hầu hết các vườn sầu riêng trên địa bàn đều bị rụng quả non, mỗi vườn rụng từ 4 tạ cho đến vài tấn quả, một số hộ bị ảnh hưởng nặng hơn do cây gãy cành, bung gốc. Hiện tại, thời tiết vẫn mưa gió sẽ ảnh hưởng lớn đến mùa vụ năm nay.

Ông Nguyễn Đức Thành (thôn Tân Hưng, xã Ea Knuếc) bất lực nhìn sầu riêng non rụng trong vườn.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, toàn huyện có khoảng 2.100 ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là hơn 1.000 ha. Sầu riêng thiệt hại do bão tương đối nhiều, trung bình 3 – 4 tạ/ha. Hiện tại, sầu riêng vẫn rụng rải rác nên chưa thể thống kê được con số chính xác, bước đầu Phòng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp tình hình cụ thể để báo cấp trên có hướng hỗ trợ người dân.

Phương Thảo

Phong Điền (Thừa Thiên Huế): Thanh trà mất mùa do nắng nóng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Toàn huyện Phong Điền có hơn 270 ha cây thanh trà, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Mưa đầu vụ, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển quả thanh trà, dẫn đến tình trạng mất mùa cục bộ.

Vườn cây thanh trà của ông Nguyễn Châu (thị trấn Phong Điền) mất mùa do nắng nóng

Tại xã Phong Thu có 432 hộ gia đình trồng 120ha thanh trà, trong đó có 50ha thanh trà đã cho thu hoạch. Riêng năm 2018, tổng thu nhập từ cây thanh trà trên địa bàn xã là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nắng nóng nên nhiều vùng ở xã Phong Thu bị mất mùa.

Theo ông Ngô Quang Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thu, mặc dù người dân đã chủ động trong phòng chống hạn như: đầu tư kinh phí mua máy bơm, bắt hệ thống tưới nước tự động để tưới cho vườn thanh trà, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, không đủ nước tưới nên sản lượng giảm.

Hải Huế

Ông Tỷ nuôi trùn quế, thu nhập ổn định

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Huỳnh Văn Tỷ ở thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), có thâm niên nuôi trùn quế gần 10 năm. Năm nay, ông thu hoạch được ít nhất 70 tấn.

Ông Tỷ trong trang trại nuôi trùn quế - Ảnh: MINH NHẬT

Theo ông Tỷ, ban đầu, do chưa biết kỹ thuật nuôi, con trùn quế trở chứng, chuồng nuôi mất trắng. Thất bại nhiều lần nhưng ông Tỷ không hề nản chí, quyết tâm nghiên cứu, và hiện nay ông đã làm chủ được kỹ thuật nuôi trùn quế. Theo ông Tỷ, nuôi trùn quế không cần làm chuồng trại tốn kém, chỉ cần tận dụng chuồng heo cũ, nhà kho không sử dụng, che chắn lại không cho mưa tạt, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp là có thể nuôi.

Hiện tại hộ ông Tỷ nuôi trùn quế với diện tích khoảng 400m2 chia làm 4 ô nuôi. Ông Tỷ cho biết: Sản phẩm thu hoạch hàng tháng chủ yếu là phân trùn quế, bình quân các năm trước khoảng 40 tấn phân/năm, năm nay do mua được nhiều phân bò nên lượng phân trùn thu hoạch được ít nhất cũng 70 tấn. Qua đó, tôi tiếp tục đầu tư nghiên cứu máy móc, công nghệ để kinh doanh mặt hàng phân trùn cao cấp, có thương hiệu, bao bì để cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh với giá 4.000 đồng/kg (bao 5kg).

Ngoài việc bán phân trùn, ông còn cung cấp sinh khối (ổ trùn) với giá 10.000 đồng/kg và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ nông dân có nhu cầu nuôi trùn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Để người nuôi thành công, ông đến tận nơi tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch và sẵn sàng mua lại phân trùn quế với giá 2.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Trưởng Trạm Khuyến nông Tây Hòa, phân trùn quế hay còn gọi là phân trùn đỏ. Đây là loại phân bón thiên nhiên giàu dinh dưỡng có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của cây trồng. Không giống như phân chuồng, phân trùn được hấp thu ngay một cách dễ dàng bởi cây trồng. Phân trùn không chỉ kích thích cây trồng tăng trưởng mà còn tăng khả năng giữ nước trong đất và ngăn ngừa các bệnh về rễ…

“Thời gian qua, nhiều nông dân quanh vùng đến nhà ông Huỳnh Văn Tỷ học tập cách nuôi trùn quế và làm theo. Nuôi trùn quế có thuận lợi là tận dụng nguồn phân bò dồi dào tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho hộ gia đình”, ông Viên nói.

MINH NHẬT - LÊ TRÂM

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng: Các tỉnh thận trọng bàn việc tái đàn

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Sau khi phủ kín cơ bản 63 tỉnh, thành trên cả nước, dịch tả lợn Châu Phi thời gian gần đây có chiều hướng lắng xuống, tuy nhiên hầu hết các tỉnh, thành đều rất thận trọng trong tái đàn ở thời điểm này.

Tự ý tái đàn sẽ không được hỗ trợ

Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu công bố xuất hiện tại Việt Nam ngày 19/2/2019 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 6 tháng dịch đã lây lan ra hầu hết 63 tỉnh, thành trên cả nước với số lượng lợn chết và tiêu hủy đến nay đã trên 4 triệu con.

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, người chăn nuôi rục rịch tái đàn (Ảnh mang tính minh họa).

Việc dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng suy giảm cộng giá lợn hơi phục hồi và duy trì mức giá ở ngưỡng xung quanh 43.000 đồng/kg những tuần gần đây nên người chăn nuôi bắt đầu rục rịch tái đàn với hy vọng đón sóng giá lợn dịp cuối năm theo kịch bản giá lợn sau dịch tại Trung Quốc tăng vọt.

Để phục vụ việc vận chuyển, xác nhận, tái đàn trong bối cảnh sống chung với dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi các địa phương hướng dẫn chi tiết các yêu cầu về an toàn sinh học và nội dung, thẩm quyền, quy trình khi thực hiện tái đàn.

Theo hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY về việc kiểm soát, vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có dịch tả lợn Châu Phi do Thứ trưởng của Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ký ban hành ngày 18/6/2019, Điều 6 mục Tổ chức thực hiện quy định rõ: Căn cứ vào hướng dẫn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương.

Sau khi có hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có công văn chỉ đạo trực tiếp hoặc giao Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý chặt chẽ việc tái đàn theo hướng an toàn và thận trọng nhất có thể.

Tự ý tái đàn sẽ không được hỗ trợ (Ảnh mang tính minh họa).

Trong văn bản gửi Sở NN-PTNT và UBND các quận, huyện, thị xã ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu phải tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi Thủ đô theo hướng đa dạng hóa. Trước mắt, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn trong lúc chưa khống chế được dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội khẳng định: TP Hà Nội cũng yêu cầu hạn chế tối đa chăn nuôi lợn trong khu dân cư, đặc biệt là các quận, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng được điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, không đảm bảo quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh và lưu ý, UBND TP Hà Nội chỉ đạo không tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế theo quy định. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Thận trọng, an toàn

Trao đổi với NNVN về quan điểm chủ trương tái đàn của tỉnh Thái Bình, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết, quan điểm của địa phương việc tái đàn lợn hết sức cẩn trọng, không vội vàng hấp tấp và phải đặt an toàn lên ưu tiên số 1.

Theo ông Nhương, mặc dù Thái Bình là một trong những tỉnh có số lợn phải tiêu hủy do dịch tả Châu Phi rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn con nhưng hiện tại số lượng lợn an toàn trong dân vẫn còn khá nhiều nên chưa tới mức độ quá thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới.

“Hiện nay Thái Bình chỉ tái đàn ở mức độ thăm dò đối với lợn giống được nuôi trong nội bộ tỉnh. Tạm thời chưa khuyến khích lợn giống từ các tỉnh khác nhập vào với mục đích nuôi làm giống hay thương phẩm bởi nguy cơ tái bùng phát dịch là rất lớn, trong khi đó chính sách chi tiết đối với những đàn lợn tái đàn nhưng bị dịch hiện nay chưa rõ là có được hỗ trợ hay không nên quan điểm của Thái Bình vẫn phải hết sức thận trọng”, ông Nhương chia sẻ.

Quan điểm của các địa phương hiện nay là chỉ cho tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn sinh học.

Còn theo Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng Bùi Văn Luyện, bản thân Hải Phòng không có chủ trương bế quan tỏa cảng với lợn giống ngoại tỉnh, nếu các trang trại đáp ứng được theo hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY của Bộ NN-PTNT như xét nghiệm âm tính, đầy đủ giấy kiểm dịch, cơ sở chăn nuôi đáp ứng đầy đủ an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Tuy nhiên, ông Luyện cho rằng, thực tế cho thấy việc tái đàn tại Hải Phòng hiện nay chủ yếu diễn ra đối với những trang trại lớn của doanh nghiệp, HTX quy mô lớn, song chỉ mang tính chất thăm dò. Những cơ sở tái đàn đa phần chưa bị dịch hoặc mới xây dựng, còn các chuồng trại đã bị dịch dù nhiều nơi đã qua 30 ngày những bản thân người chăn nuôi vẫn rất run nên chưa dám tái đàn.

Còn Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thọ cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay đơn vị nhận được rất nhiều công văn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành gửi tới đề nghị không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lợn giống từ Bắc Ninh vào địa bàn tỉnh, thành của họ.

Theo ông Thọ, về mặt văn bản quy phạm pháp luật đây chỉ là công văn đề nghị phối hợp, không phải văn bản pháp lý nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh hiện cũng chỉ biết dựa vào thực tế để xử lý cho hợp tình, hợp lý.

Hiện tại, trước khi cấp giấy kiểm dịch đối với lợn giống tới địa phương nào ngoại tỉnh Bắc Ninh, ngoài yêu cầu về xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh có thêm công đoạn nữa là trao đổi với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thy1 y địa phương nơi lợn giống được vận chuyển đến và chủ trại giống để cùng thống nhất phương án nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Tái đàn với hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ rất nguy hiểm

Trao đổi với chúng tôi về quan điểm tái đàn ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho rằng, kinh nghiệm tại Trung Quốc sau 4 tháng kể từ ngày công bố hết dịch tả lợn Châu Phi mới cho phép tái đàn trở lại.

Còn với tình hình tại Việt Nam, ông So cho rằng việc tái đàn nên từ từ, từng bước, chỉ cho phép tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đáp ứng được đầy đủ an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, việc tái đàn với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ rất nguy hiểm bởi nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao, nếu phải tiêu hủy nhà nước không thể đủ kinh phí để hỗ trợ.

NGUYÊN HUÂN

Tăng hiệu quả kinh tế nhờ nuôi heo rừng bằng bã bia, bã đậu nành

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Dùng bã bia, bã đậu nành nuôi heo rừng đã giúp nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tăng hiệu quả kinh tế.

Bã bia, bã đậu nành hiện có giá từ 1.300-1.500 đồng/kg. Trung bình một con heo rừng nuôi 6 tháng được xuất bán, đạt trọng lượng từ 20-25kg, chi phí thức ăn bằng bã bia, bã đậu nành chưa đến 400.000 đồng, với giá bán 100 đồng/kg heo thịt, trừ hết chi phí con giống và thức ăn, người nuôi lãi gần 1,5 triệu đồng/con. Anh Nguyễn Văn Thì (bìa trái) cho biết, nuôi heo rừng bằng bã bia, bã đậu nành ngoài việc chi phí đầu tư khá thấp, heo còn ít bệnh, tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi. Chất lượng thịt cũng ngon hơn, ít mỡ hơn so với hình thức nuôi thông thường. Với gần 20 con heo bố mẹ nuôi bằng bã bia và bã đậu nành, mỗi năm gia đình anh xuất bán gần 2 tấn heo thịt và gần 30 con heo giống, thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Tin, ảnh: QUỐC HƯNG

Tuyên Quang: Tổng đàn trâu của tỉnh xếp thứ 8 toàn quốc

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có gần 102 nghìn con trâu. Tổng đàn trâu của tỉnh xếp thứ 6 so với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và xếp thứ 8 so với đàn trâu của toàn quốc.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình nuôi trâu nhốt chuồng theo chuỗi liên kết tại xã Thổ Bình (Lâm Bình).

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 2,7 nghìn tấn. Để nâng cao chất lượng đàn trâu, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 271/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm khoảng 16 nghìn con trâu, nghé có chất lượng.

Tin, ảnh: Trần Liên

Đàn gia cầm của Bình Định vẫn đảm bảo an toàn

Nguồn tin: Báo Bình Định

Trước thông tin dịch cúm gia cầm chủng H5N6 xảy ra trên đàn gà nuôi của 2 hộ dân tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có số gà giống nhập về đều xuất phát từ tỉnh Bình Định, ngày 7.8, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch nên nhiều năm qua, tỉnh ta không xuất hiện dịch cúm gia cầm. Hiện đàn gia cầm của tỉnh có trên 7 triệu con, nghề chăn nuôi gia cầm đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân.

Về sản xuất và cung ứng gà giống, tỉnh ta có 2 DN chuyên sản xuất với số lượng lớn gia cầm giống loại 1 ngày tuổi chất lượng cao, khi bán sang các tỉnh đều có giấy kiểm dịch Thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trường hợp gà giống bị nhiễm vi rút dịch cúm thì sau từ 5-7 ngày nhập về sẽ phát bệnh và chết, trong khi đó, số gia cầm bị dịch bệnh ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã được thả nuôi từ 19 ngày đến trên 3 tháng tuổi (tuổi xuất chuồng) mới bị nhiễm bệnh. Vì vậy, khả năng gà bị nhiễm vi rút dịch cúm tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tồn tại ở địa phương chứ không thể do gà giống của Bình Định bị nhiễm bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nắm bắt thêm thông tin về vấn đề trên, không để dư luận hiểu nhầm về gà giống tại Bình Định bị nhiễm bệnh.

MINH HẢI

Khởi nghiệp với mô hình nuôi vịt khép kín

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng anh chị Trương Nhật Tiến - Nguyễn Thị Cẩm Vân ở thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đã từ bỏ công việc với mức thu nhập khá ở tỉnh Bình Dương, về quê khởi nghiệp với trang trại nuôi vịt khép kín.

Chị Vân chăm sóc đàn vịt trong trang trại của mình

Trao đổi với chúng tôi, chị Vân cho biết, vốn là nhân viên của công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bình Dương nên anh chị có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều mô hình chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi vịt khép kín từ nuôi vịt đẻ lấy trứng - ấp nở - bán vịt con. Cơ duyên đến với gia đình anh chị vào cuối năm 2017 khi về quê thăm người thân, chị được biết xã Hải Khê đang có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hộ chăn nuôi với quy mô lớn khi xây dựng trang trại tại đây. Nhận ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở về Bình Dương, chị bàn với chồng rồi quyết định xin nghỉ việc để trở về quê lập nghiệp. Ổn định cuộc sống xong, vợ chồng anh chị đến UBND xã Hải Khê xin được cấp đất mở trang trại nuôi vịt khép kín với quy mô từ 1.000 - 2.000 con. “Khi nghe vợ chồng tôi trình bày dự án trang trại chăn nuôi vịt khép kín của mình xong, lãnh đạo UBND xã quyết định cấp cho chúng tôi 4.000 m2 đất tại vùng chăn nuôi tập trung của xã”, anh Tiến cho hay.

Với kinh nghiệm có được từ những năm làm cho công ty thức ăn chăn nuôi, đầu năm 2018 anh chị dốc toàn bộ nguồn vốn tích lũy của gia đình, vay thêm bạn bè và ngân hàng được gần 450 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi, bể nước để vịt bơi lội, mua một lò ấp trứng công nghiệp bằng điện và thả nuôi 1.000 con vịt đẻ. Tham quan trang trại của chị Vân, chúng tôi thấy chuồng trại được xây dựng thoáng mát, yên tĩnh, không bị ẩm ướt, dễ xử lí chất thải, được đầu tư bài bản từ hệ thống nước uống, máng ăn, thông gió, ánh sáng; 2 bể nước rộng gần 50 m2 mỗi bể dùng cho vịt bơi lội được thay nước hằng ngày… tất cả nhằm mục đích cho vịt phát triển tốt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Lò ấp trứng được xây tách biệt hẳn với khu chuồng trại để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con giống. Chị Vân cho biết, mỗi ngày đàn vịt 1.000 con trong trang trại của chị đều đặn cho từ 700 - 750 quả trứng. Sau khi thu nhặt, trứng được phân loại, chọn lựa kĩ càng và đưa ngay vào lò ấp tự động. Do có chất lượng tốt nên vịt con ra lò đến đâu đều được thương lái thu mua ngay đến đó, nhiều khi không đủ cung cấp cho thị trường. “Bình quân mỗi tháng gia đình tôi cho ra lò khoảng 20.000 vịt con 1 ngày tuổi. Không chỉ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận mà còn vươn sang nước bạn Lào. Với giá bán 11.000 đồng/con, ước tính doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng”, chị Vân chia sẻ.

Theo chị Vân, nuôi vịt theo mô hình khép kín này không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, để có đàn vịt đẻ tốt, người nuôi nên tìm mua ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; tiếp đó cần đảm bảo tỉ lệ đực cái trong đàn để đạt tỉ lệ ấp nở cao. Cụ thể đối với đàn vịt của mình chị luôn đảm bảo tỉ lệ 1 vịt đực - 4 vịt mái. Sau từ 5 - 5,5 tháng nuôi, vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng hai năm. Để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm để kích thích vịt đẻ trứng; sau hai năm nên tiến hành thay đàn vịt mới nhằm tăng năng suất và chất lượng trứng. Để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất trứng cao thì quá trình vịt đẻ trứng phải chú ý đến chế độ ăn uống của vịt đẻ, cho vịt ăn đầy đủ, thức ăn có chất lượng cao để tăng sức đề kháng cho đàn vịt nuôi. Chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên và tiêm phòng vắc xin theo đúng quy định. Ngoài ra, phải đảm bảo chuồng trại luôn thoáng mát, nền chuồng cao ráo, thoát nước, đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mùa hè; có diện tích mặt nước để vịt tắm táp, bơi lội. Việc ấp nở cũng phải cẩn trọng, đảm bảo nền nhiệt ổn định theo từng mùa. “Với thời tiết nắng nóng gay gắt, hằng ngày cần phải cho vịt uống nước điện giải Gluco, bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng cho đàn vịt, đảm bảo năng suất trứng”, chị Vân lưu ý.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển trong thời gian tới chị Vân cho biết, hiện gia đình chị đã xây dựng xong một khu chuồng nuôi mới rộng gần 200 m2 , dự kiến sẽ thả nuôi thêm khoảng 1.000 - 1.500 vịt đẻ; đồng thời mua thêm 2 lò ấp trứng tự động để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, chị Vân cũng băn khoăn là trong khi các hộ chăn nuôi các đối tượng bò, lợn, gà ở khu chăn nuôi tập trung này đều được nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì với mô hình chăn nuôi vịt khép kín của mình đến thời điểm này chị vẫn chưa được nhận bất kì một sự hỗ trợ nào trong khi đây là mô hình đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn xã Hải Khê.

Thục Quyên

Hiểu đúng về thị trường Trung Quốc để xuất khẩu hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông – thủy sản của Đồng Tháp giảm so với cùng kỳ những năm trước. Nguyên nhân khách quan chính là do ảnh hưởng từ việc Chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu và siết chặt hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn ở yếu tố chủ quan thì việc chưa sẵn sàng để thích ứng với “sân chơi” mới, lại là nguyên nhân quan trọng tác động đến tình hình xuất khẩu trong những tháng đầu năm.

Kiểm soát vùng trồng, đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm là những yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch

Với những ưu thế như “sông liền sông, núi liền núi” khoảng cách vận chuyển ngắn, chi phí thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có ưu thế nổi trội khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thời kỳ “vàng son” theo kiểu “có chi bán nấy” ở khu vực biên giới đã qua. Để tăng cường chính sách bảo hộ cho nền sản xuất trong nước, thời gian gần đây, Trung Quốc đang đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật để giám sát hàng hóa nhập khẩu. Hiện Trung Quốc cũng đang siết chặt nhập khẩu hàng hóa theo hướng tiểu ngạch và thay vào đó nhập khẩu chính ngạch là giải pháp đang được “quốc gia tỷ dân” này đẩy mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cho rằng: “Những qui định thắc chặt về nhập khẩu không phải là vấn đề mới mà Trung Quốc đã thông báo từ trước đó. Vấn đề là chúng ta luôn giữ quan điểm rằng Trung Quốc vẫn còn xuề xòa, chúng ta chưa thật sự hiểu đúng và đầy đủ về sự phát triển của nước láng giềng này. Vì vậy, khi Trung Quốc “mạnh tay” đưa ra những rào cản kỹ thuật thì nhiều DN, nhà sản xuất lại tỏ ra lúng túng”.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc phát triển rất hiện đại, bên cạnh các kênh mua bán truyền thống thì hệ thống các siêu thị hiện đại, trung tâm mua sắm lớn đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng tiêu dùng của quốc gia này. Mua sắm trực tuyến thông giao các sàn thương mại điện tử là hình thức giao thương phổ biến của Trung Quốc hiện nay. Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển rất tiên tiến, vì vậy yêu cầu về tiêu dùng của người dân Trung Quốc khắt khe hơn.

Xuất khẩu chính ngạch – giải pháp sống còn cho nông sản

Là một trong những DN mạnh của Việt Nam về chế biến nông sản và cũng là một trong những DN có “thâm niên làm ăn” với Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viêm - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit phân tích về nguyên nhân vì sao DN Việt Nam cần sớm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến cho DN của Việt Nam thích xuất khẩu tiểu ngạch là do xuất khẩu theo con đường này thủ tục thực hiện khá đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, khi xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch sẽ bộc lộ nhiều hạn chế như: hàng hóa xuất khẩu phải đi qua nhiều tầng nấc, từ đó chi phí giá thành của sản phẩm sẽ đội lên rất cao. Ngoài ra, DN sản xuất cũng khó có thể định giá hay quyết định được “số phận” sản phẩm của mình làm ra sẽ “đi đâu về đâu”. Sau khi sản phẩm của Việt Nam qua bên kia biên giới thì đường đi của sản phẩm hoàn toàn lệ thuộc vào phía DN nhập khẩu của Trung Quốc. Khi xuất khẩu hàng hóa bằng con đường tiểu ngạch thì DN Việt Nam chỉ có thể tiếp cận được một phân khúc rất nhỏ khách hàng ở khu vực biên giới còn các kênh tiêu thụ khác ở sâu bên trong nội địa Trung Quốc thì hầu như không thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, nếu đảm bảo các quy chuẩn mà Trung Quốc đưa ra đối với hàng hóa nhập khẩu thì xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp cho DN phát triển bền vững hơn nhiều. Hiện nay, Trung Quốc có hơn 10.000 siêu thị lớn, có hơn 50.000 cửa hàng tiện lợi và trên 30.000 chợ truyền thống phủ khắp cả nước... Đây thật sự là 1 mạng lưới tiêu thụ khổng lồ so với một phân khúc thị trường rất nhỏ ở khu vực biên giới mà các DN cần quan tâm.

Cũng đồng quan điểm với chủ DN Vinamit, bà Phan Gia Mẫn - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Vũ Thạnh, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khác với xuất khẩu tiểu ngạch, để có thể xuất khẩu chính ngạch lâu dài thì DN sản xuất phải bỏ nhiều “tâm tư” hơn. Trong đó, việc thấu hiểu về văn hóa, thói quen tiêu dùng của người dân bản địa là những vấn đề mà DN phải quan tâm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu chính ngạch cũng cần quan tâm đến vấn đề về chính trị, pháp luật của nước sở tại... sẽ có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhất định, DN cần nghiên cứu kỹ và nắm bắt động thái của thị trường mục tiêu, cần phân tích và nghiên cứu kỹ trước khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc...”.

Mặc dù, con đường xuất khẩu chính ngạch không hề “dễ đi”, song bà Phan Gia Mẫn cũng khẳng định nếu làm tốt các khâu chuẩn bị thì thị trường Trung Quốc là một thị trường to lớn mà Việt Nam có nhiều ưu thế. Và, con đường xuất khẩu chính ngạch không chỉ giúp DN tăng trưởng ổn định mà các rủi ro về thương mại cũng sẽ giảm thiểu so với xuất khẩu tiểu ngạch.

Những thay đổi về chính sách nhập khẩu nông – thủy sản của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu. Vì vậy nếu không sớm thay đổi để thích ứng thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ mất vị thế ở thị trường “tỷ dân” này. Bởi không riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia trong khối Asean như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia... đang có nhiều thay đổi về phương thức sản xuất để phù hợp với thị trường nhập khẩu lớn là Trung Quốc. “Nước đã đến chân” nếu DN, nhà sản xuất vẫn mãi chần chừ thì tương lai con đường xuất khẩu nông sản sẽ còn gian nan hơn rất nhiều.

Mỹ Lý

Quảng Điền (Thừa Thiên Huế): mỗi trang trại doanh thu 800 triệu đồng/năm

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

Đánh giá về kinh tế trang trại (KTTT) của huyện Quảng Điền vào ngày 7/8 cho thấy, mô hình KTTT của huyện tiếp tục phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Các địa phương, ban ngành đã tổ chức cắm mốc và triển khai các nội dung theo quy hoạch phát triển KTTT vùng cát nội đồng.

Đến nay, toàn huyện có 109 trang trại trên vùng rú cát, doanh thu bình quân mỗi trang trại đạt 800 triệu đồng/năm/. Các mô hình sản xuất gà giống, nhà máy ấp trứng gia cầm, 5 trại nuôi lợn và 2 trại nuôi gà liên kết với Công ty cổ phần CP Việt Nam, Công ty GreenFeet tiếp tục sản xuất có hiệu quả.

Hoàng Triều

Hiếu Giang tổng hợp 

 
 
 
 

 

 
 
 
 

 

 
 
 
 
 

 

 
 
 
 

 

 
 
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 
 
 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop