Tin nông nghiêp ngày 11 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 11 tháng 01 năm 2020

Cam đường canh Hưng Yên: Ngọt vị phù sa

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Ở Hưng Yên, cam đường canh được trồng chủ yếu ở các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên... Khí hậu hiền hòa và chất đất phù sa màu mỡ đã giúp cam đường canh Hưng Yên có chất lượng vượt trội, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, mùi thơm mát đặc trưng mà cam đường canh trồng ở các vùng khác khó có thể so sánh.

Vườn cam đường canh của gia đình anh Nguyễn Đình Thấm ở thôn Thọ Bình, xã Tân Dân (Khoái Châu)

Hàng năm, cứ đến tầm tháng 11, tháng 12 (âm lịch), ruộng đồng xã Tân Dân (Khoái Châu) lại rực lên sắc cam đường canh chín. Nhìn những luống cam đều tăm tắp, quả chín đỏ rực hòa trong màu xanh thẫm của lá thật thích mắt. Hiện nay, toàn xã có trên 100 mẫu trồng cam các loại thì có tới 77 mẫu trồng cam đường canh.

Đến thăm vườn cam đường canh của gia đình anh Nguyễn Đình Thấm ở thôn Thọ Bình đúng vào vụ thu hoạch. Những cây cam cao quá đầu người sai trĩu quả, phải dùng gậy để chống đỡ. Với hơn 4 mẫu cam đường canh, qua 18 mùa cam nếm đủ cả cay đắng, ngọt bùi, anh Thấm đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá.

Anh Thấm cho biết: “Trồng cam đường canh không khó, loại cây này cũng ít mắc bệnh hơn so với cam Vinh. Yếu tố quan trọng nhất để trồng cam đường canh thành công là phải lựa chọn được cây giống chuẩn, khỏe mạnh, sạch bệnh. Cây giống sau khi trồng từ 2 - 3 năm có thể cho thu hoạch quả và khai thác trong 6 - 8 năm mới phải trồng lại”.

Năm nay, gia đình anh Thấm ước tính thu khoảng 8 tấn cam đường canh, với giá bán hiện nay là 30.000 - 38.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Xã Quảng Châu hiện có diện tích cam đường canh lớn nhất ở thành phố Hưng Yên với 32ha. Hơn 10 năm trước, người dân trong xã bắt đầu đưa loại cây này vào canh tác. Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây cam đường canh, do đó, chất lượng quả cao, giữ được vị đặc trưng của cam đường canh. Từ đó, xã Quảng Châu đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cây ăn quả để mở rộng diện tích trồng cam đường canh trong xã.

Dẫn khách đi thăm vườn cam đường canh sai trĩu quả, anh Trần Văn Cần ở thôn 1, xã Quảng Châu cho biết: “Cách đây 6 năm, gia đình tôi bắt đầu trồng 1 mẫu cam đường canh. Trước đây, tôi chủ yếu chăm sóc dựa trên kinh nghiệm, khi tham gia Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu, tôi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, thực hành trồng cam theo quy trình VietGAP nên năng suất cam tăng, chất lượng ngon ngọt hơn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Cam đường canh của gia đình anh Cần bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 11 âm lịch và được thương lái đến tận vườn mua. Năm nay, gia đình anh thu khoảng 8 tấn quả, bán giá trung bình từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, ước thu lãi trên 200 triệu đồng từ cam đường canh.

Anh Nguyễn Văn Biết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Châu cho biết: Những năm gần đây, cây cam đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nông dân trong xã, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ trồng cam. Trong đó, giống cam đường canh không chỉ cho chất lượng vượt trội mà còn được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong xã.

Để cây cam phát triển bền vững, nhiều hộ trồng cam trong xã đã liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu với 46 hộ thành viên và tổng diện tích cam 32,5ha trong đó 17,5ha cam đường canh. Hợp tác xã sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với tiêu chí “hoa quả sạch”. Đồng thời, liên kết với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cam...

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trước đây, cam Hưng Yên chủ yếu được trồng tại huyện Khoái Châu và Văn Giang với diện tích không lớn, nhưng những năm qua, diện tích cam trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Hiện cam là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của Hưng Yên với gần 2.000ha cam các loại, sản lượng ước đạt trên 35.000 tấn/năm.

Hương Giang

Dưa hấu, mãng cầu Xiêm hồi hộp trước giờ ‘G’

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Những ngày này, nông dân trồng dưa hấu, mãng cầu Xiêm xử lý cho trái vụ tết thắc thỏm, lo lắng vì ít thương lái đến đặt mua, hợp đồng hay giá vẫn còn là "ẩn số" khó đoán.

Người trồng dưa hấu hồi hộp

Những ngày này, dọc tuyến đường tỉnh 865, đoạn qua các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có rất nhiều ruộng dưa dấu đang cho trái và chờ thương lái đến mua. Khác với mọi năm, thời điểm này thương lái đã về các ruộng dưa để xem, xúc tiến hợp đồng, chốt ngày thu hoạch với nông dân. Tuy nhiên, năm nay giá dưa không cao, thương lái vắng bóng.

Nông dân Võ Văn Phu (ấp 5A, xã Phú Cường) trồng 2 ha dưa tròn không hạt, dưa vàng Kim Hồng và dưa An Tiêm. Dẫn chúng tôi tham quan ruộng dưa, ông lắc đầu ngao ngán: “Chưa năm nào thương lái ít như năm nay, giá cũng thấp hơn so với năm rồi khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Người trồng dưa hấu đang chờ thương lái.

Hiện nay, thương lái mua 6.000 đồng/kg dưa tròn không hạt, 6.200 đồng/kg dưa An Tiêm và 9.000 đồng/kg dưa vàng Kim Hồng. Nếu trong những ngày cận tết, dưa hấu hút hàng thì giá sẽ tăng lên. Còn dội chợ, giá sẽ còn xuống thêm”.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Thái Lộc (ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B) trồng 4 công dưa hấu An Tiêm cũng đang lo lắng vì giá đang ở mức thấp, đầu ra chưa thuận lợi. Ông Lộc cho biết: “Hằng năm, thời điểm này thương lái tìm đến hỏi mua rất nhiều; còn năm nay, chúng tôi chưa thấy một thương lái nào đến. Biết rằng, người dân trồng dưa hấu lâu năm đều có thương lái quen, nhưng thời điểm này của những năm trước, thương lái “lạ” cũng tìm đến ruộng dưa để hỏi thăm, riêng năm nay cũng không thấy”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh, nông dân xuống giống khoảng 770 ha dưa hấu. Trong đó, dưa hấu cung cấp cho thị trường tết chiếm đa số. Dưa hấu đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Với giá dao động như hiện nay, năng suất dưa khoảng 20 - 25 tấn/ha, người trồng từ huề đến lỗ vốn do chi phí trồng vụ này tăng khá cao, mỗi ha trồng dưa không dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người trồng có kinh nghiệm vẫn lạc quan cho rằng: Thời điểm này, thương lái thường đang tìm nơi tiêu thụ, còn nguồn đã có sẵn. Vì vậy, khoảng ngày 20 tết trở lên, thương lái bắt đầu xuống ruộng xem dưa, cho giá và đưa ra ngày thu hoạch. Đến thời điểm đó, nông dân sẽ biết được giá bao nhiêu và lời lỗ ra sao.

Mãng cầu Xiêm chờ giờ “G”

Mãng cầu là loại trái cây được người dân ưa chuộng lựa chọn chưng trên mâm ngũ quả trong ngày tết. Chính vì vậy, người dân trồng mãng cầu Xiêm ở huyện Tân Phú Đông nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang tất bật chăm sóc để cung ứng cho thị trường. Vụ tết này, mãng cầu Xiêm thất mùa, số lượng không nhiều.

Bà Phạm Thị Nhu (ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông) trồng 2 ha mãng cầu Xiêm cho biết, vườn chỉ cung ứng khoảng vài trăm kg trái cho thị trường tết này. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, gia đình xử lý trái bán tết đạt thấp.

Còn ông Huỳnh Ngọc Thật (ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông) trồng trên 1 ha mãng cầu Xiêm và cũng là thương lái thu mua mãng cầu Xiêm trên địa bàn cho biết, mãng cầu Xiêm ở đây đang trong giai đoạn già cỗi hoặc bệnh khá nhiều. Vài năm trước, những ngày giáp tết, ông mua khoảng 100 tấn trái bán thị trường tết, năm rồi cũng mua được 30 - 40 tấn; còn riêng năm nay, ông dự báo chỉ mua được khoảng vài tấn trái. Bởi những vườn mãng cầu Xiêm nơi đây thu hoạch không đồng đều, thất mùa và đa số cây bị chết cây do già cỗi. Một nguyên nhân khác, thời gian dài, giá mãng cầu Xiêm luôn ở mức thấp, nên người dân không mặn mà chăm sóc, khiến cây suy kiệt và chết dần.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, toàn tỉnh có 1.191 ha mãng cầu Xiêm, giảm gần 100 ha so với cuối năm 2018. Trong đó, huyện Tân Phú Đông có 770 ha. Mãng cầu Xiêm được trồng nhiều tại các xã Tân Phú, Tân Thạnh, Phú Đông, Phú Thạnh… Nguyên nhân diện tích giảm là do người dân chuyển sang nuôi tôm hoặc cây trồng khác.

SĨ NGUYÊN

Ninh Thuận: Triển vọng mô hình thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP ở Thuận Nam

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Đặc thù là địa phương phụ thuộc vào lượng nước mưa tích trữ thông qua các ao hồ, Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) gặp khá nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp để thích ứng tốt với chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chịu hạn. Vừa qua, “Mô hình thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP” (mô hình) được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét, mở ra triển vọng mới cho các hộ dân trên địa bàn xã Phước Minh nói riêng và huyện Thuận Nam nói chung.

Những ngày cuối năm, ông Võ Hồng Tâm, thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh đang dồn sức chăm sóc 0,5 ha mãng cầu ta để thu hoạch bán vụ tết. Nhìn những cây mãng cầu xanh tốt, cho trái đồng đều, ông kỳ vọng năm nay sẽ có một cái tết ấm áp hơn. Thành quả có được chính là từ việc ông tham gia vào mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Thuận Nam triển khai. Ông Tâm cho biết: Vườn mãng cầu này đã hơn 4 năm tuổi nhưng trước đây vì quen với lối canh tác cũ, chủ yếu theo kinh nghiệm, ít chú trọng tuân thủ quy trình chăm sóc khoa học nên năng suất thấp, chất lượng kém. Từ khi tham gia vào mô hình, được cán bộ của trạm hướng dẫn kỹ thuật, cải tạo chăm sóc theo hướng khoa học nên cây trồng phát triển rất tốt, cho ra trái nhiều hơn. Qua mô hình, nhận thấy cần phải thay đổi nhận thức trong chăm sóc cây trồng để thích ứng tốt hơn với sự thay đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.

Ông Võ Hồng Tâm trao đổi với cán bộ về kỹ thuật chăm sóc cây măng cầu ta.

Theo đó, mô hình được Trạm Khuyến nông huyện Thuận Nam triển khai từ cuối tháng 5-2019, quy mô 4 ha, với 8 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính trên cây mãng cầu; nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng”; cách phòng trừ dịch hại bằng các loại thuốc sinh học, thảo mộc và bằng phương pháp IPM. Đồng thời, được hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn ở Việt Nam. Sau nửa năm triển khai, bước đầu mô hình đã mang lại kết quả khá rõ nét. Năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha/vụ, cao hơn 18 tạ/ha/vụ so với năng suất đại trà. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, chất lượng tốt hơn nên giá bán của các hộ tham gia mô hình cũng cao hơn bên ngoài 1.000 đồng/kg, đạt mức 25.000 đồng/kg. Theo tính toán, áp dụng mô hình này vào trồng trọt, bình quân mỗi năm, 1 ha mãng cầu thu về 380 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi khoảng gần 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 37,8% so với các hộ ngoài mô hình.

Ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết: Mô hình tạo bước đột phá lớn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông sản đạt chất lượng an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Từ đó góp phần hình thành những vườn cây ăn quả chuyên canh sản xuất theo hướng VietGAP. Mô hình cũng mang lại những hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và cộng đồng, giúp cân bằng hệ sinh thái. Điều quan trọng nhất, từ mô hình này, nhận thức của nông dân về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt được trao đổi và nâng lên rõ rệt. Thành công của mô hình sẽ là tiền đề, tạo động lực để các hộ dân khác tiếp tục nhân rộng và cải tạo hơn 30 ha mãng cầu hiện có trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Ngọc Diệp

Công ty Cổ phần Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu: Ký kết hợp tác sản xuất lúa - tôm với 5.000 nông dân

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về phát triển và nâng chất mô hình sản xuất lúa - tôm theo hướng “gạo thơm - tôm sạch”, Công ty Cổ phần Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu đã ký kết hợp tác sản xuất lúa - tôm với các hợp tác xã ở huyện Phước Long, huyện Hồng Dân và TX. Giá Rai (ảnh).

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa - tôm ở vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A triển khai sản xuất khoảng 5.000ha, thu hút 5.000 hộ nông dân tham gia. Quá trình sản xuất được áp dụng theo quy trình sạch, sử dụng vi sinh.

Theo nội dung ký kết, Công ty Cổ phần Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân cao hơn giá thị trường; đồng thời trang bị kỹ thuật và cung ứng vật tư cho nông dân.

Mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị này giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường sinh thái; đặc biệt là tạo sản phẩm sạch để cạnh tranh về chất lượng và chủ động về đầu ra trên thị trường.

PV

Tây Ninh: Mô hình trồng măng tây ở Chà Là

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Mới đưa vào trồng thử nghiệm khoảng 6 tháng, mô hình trồng măng tây của Hợp tác xã nông nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) phát huy hiệu quả kinh tế khá tốt.

Ông Phạm Văn Trung giới thiệu mô hình trồng măng tây (bìa phải).

Với 600m2 đất, từ đầu tháng 7.2019, ông Phạm Văn Trung - Giám đốc HTX nông nghiệp Chà Là đưa cây măng tây về trồng thử nghiệm. Ông Trung cho biết, măng tây có giá trị kinh tế cao lại dễ chăm sóc, chỉ cần thực hiện đúng kỹ thuật bón phân, phun thuốc, măng tây sẽ phát triển tốt. Hiện nay, sản phẩm măng tây của HTX bán với giá 100.000 đồng/kg. Với 600m2 đất này, mỗi ngày ông Trung thu được từ 400.000 - 500.000 đồng.

Hạt giống măng tây sau khi ươm trong bầu khoảng hơn 2 tháng là có thể trồng xuống đất, sau 5-6 tháng bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Trong thời gian chờ thu hoạch, nông dân có thể tận dụng đất trống ở chân cây trồng xen canh đậu đen, đậu xanh… để lấy ngắn nuôi dài. Măng tây chỉ cần trồng một lần, thu hoạch kéo dài từ 5 - 7 năm, sản lượng cao nhất thường tập trung từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Khi cây đã ra măng thì ngày nào cũng cho thu hoạch.

Theo ông Trung, để cây măng tây phát triển có hiệu quả, HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động dưới gốc măng. Công nghệ phun sương này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi hơn trong việc chăm sóc măng tây mà lượng nước của hệ thống đưa đến các cây cũng liên tục, thấm đều hơn, giúp cây sinh trưởng tốt, phát triển ổn định.

Xác định măng tây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường đang có nhu cầu lớn, có thể giúp tăng thu nhập cho người dân, HTX nông nghiệp Chà Là đang có hướng mở rộng diện tích trồng thêm khoảng 1 ha.

Vũ Nguyệt

Hơn 500 tấn tỏi Đà Lạt cung ứng ra thị trường

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22,4 ha đất trồng tỏi (thấp hơn năm 2018 2 ha). Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với diện tích 13 ha, Đà Lạt 4,1 ha và Đơn Dương 2,5 ha. Mặc dù được trồng ở các địa bàn khác nhau song nông dân và thương lái vẫn gọi chung loại nông sản này là tỏi Đà Lạt. Sản lượng chung trong năm nay đạt 501 tấn, giảm 23 tấn so với năm 2018.

Tỏi được thu hoạch tại khu vực Thánh Mẫu - Đà Lạt

Chị Thanh Vy - người dân trồng tỏi nhiều năm ở Đà Lạt cho biết: Diện tích trồng tỏi ở Đà Lạt không nhiều, chủ yếu ở các khu vực Thánh Mẫu, Đất Mới, Tùng Lâm thuộc địa bàn Phường 7. Tỏi Đà Lạt củ vừa, độ chắc cao, vỏ ngoài màu tím nâu, khó bóc; tỏi Đà Lạt có mùi thơm, cay nồng đặc trưng. Do diện tích sản xuất ít, chất lượng cao nên tỏi Đà Lạt được bán lẻ với giá dao động từ 90.000 - 100.000/ kg song vẫn không đủ hàng để bán.

Thời điểm hiện tại nhiều nhà vườn đang thu hoạch tỏi để phục vụ thị trường tết, tuy nhiên sản lượng không lớn. Song tại các chợ trên địa bàn tỉnh thì lại bày bán nhiều loại tỏi gắn “mác” tỏi Đà Lạt, vì vậy khách hàng cần phải thận trọng để mua đúng sản phẩm chất lượng.

H.MY - P.VÂN

Nông sản chờ tết

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề. Đây là thời điểm nông dân tích cực chăm sóc nông sản để đưa ra thị trường tết. Năm nay, một số loại nông sản được nhiều thương lái “săn lùng”, nhưng cũng có loại đang phải chờ…

Khóm phụng, khóm son đắt hàng

Ông Hà Văn Bảy (ấp Mỹ Lợi, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) là một trong những hộ có thâm niên trồng khóm phụng, khóm son, khóm đầu rồng lâu năm và trồng nhiều nhất trên địa bàn huyện. Năm nay, gia đình ông tiếp tục trồng 2.000 gốc khóm phụng, 50 gốc khóm son và 30 gốc khóm đầu rồng. Mấy ngày qua, thương lái khắp nơi liên tục tìm đến gia đình ông để đặt mua những trái khóm “độc”, “lạ” cung cấp cho thị trường tết. Không thể chờ đợi đến những ngày giáp tết, gia đình ông quyết định bán “xô” cả vườn. Thương lái mua với giá 160 ngàn đồng/trái khóm phụng, 12.000 đồng/trái khóm son và 25.000 đồng/trái khóm đầu rồng.

Ông Hà Văn Bảy đang tích cực chăm sóc khóm phụng để giao cho thương lái.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn, ông Bảy cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi, xử lý trái không như ý muốn, nhiều trái không đẹp nên giá không cao. Nếu một trái khóm phụng đẹp, hoàn chỉnh có giá từ 500 ngàn đến 700 ngàn đồng, tuy vậy, việc bán “xô” có lợi hơn, bởi nếu thương lái lựa trái đẹp thì những trái loại ra cũng bị bỏ. Năm nay, 2.000 gốc khóm phụng của ông chỉ bán được 50 trái, tính ra được 8 triệu đồng, khóm son cũng bán được vài trăm ngàn đồng. Số tiền trên cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng khóm thường.

Xoài cát Hòa Lộc thất mùa tết

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Thực cho biết, năm nay người trồng xoài cát Hòa Lộc tiếp tục thất mùa tết. Nguyên nhân, nông dân xử lý vụ nghịch để cung cấp cho thị trường tết đạt tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 30% - 35%. Vì thế, giá xoài cát Hòa Lộc đang khá cao. Hiện nay, thương lái mua tại vườn với giá dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/kg.

Gần đó, ruộng khóm phụng rất đẹp của ông Hà Kim Hoài cũng đã bán cho thương lái với giá 180 ngàn đồng/trái. Ông Hoài cho biết, ruộng khóm chưa đầy 1 công mà bán được 80 trái khóm phụng, thu được gần 15 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với người trồng khóm; bởi 1 công trồng khóm thường nơi đây chỉ thu lãi được vài triệu đồng. Trong thời gian tới, ông Hoài dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng khóm phụng và đầu tư nhiều hơn cho khâu chăm sóc để đáp ứng nhu cầu tết tốt hơn”.

Cũng tại xã Thạnh Mỹ, bà Nguyễn Thị Linh (ấp Mỹ Lợi) trồng khóm son để phục vụ thị trường tết. Bà Linh cho biết: “Mỗi năm, khóm son chỉ cho trái một vụ duy nhất vào dịp tết nên nông dân phải chăm sóc để cho thu hoạch vào khoảng ngày 23 - 27 tết. Năm nay, với giá bán cho thương lái 8.000 - 12.000 đồng/trái tại ruộng, sau khi trừ chi phí, 1 công đất trồng khóm son thu lãi khoảng 7 triệu đồng, cao hơn trồng khóm thường”.

Những nông dân trồng khóm cho biết, việc trồng khóm phụng, khóm son, khóm đầu rồng đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc nhiều. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho một trái. Vì vậy, muốn có khóm bán đúng dịp tết, từ khoảng tháng 2 ân lịch người dân bắt đầu trồng cây giống, đến đầu tháng 9 âm lịch tiến hành xử lý cho khóm ra hoa bằng cách dùng khí đá hòa tan với nước để tưới cho khóm. Bên cạnh đó, người trồng phải tưới nước đầy đủ, phòng trừ các loại côn trùng gây hại và phải che trái khi nắng nhiều (để không bị nám).

Theo một cán bộ UBND xã Thạnh Mỹ, hiện nay trên địa bàn xã Thạnh Mỹ có khoảng 2 ha của 20 hộ trồng khóm phụng, khóm son, khóm đầu rồng. Trong đó, nhiều hộ trồng nổi tiếng như: Ông Hà Văn Bảy, Hà Kim Hoài, Nguyễn Văn Trung… Các loại khóm này trồng nhiều ở ấp Mỹ Lộc và Mỹ Thuận. Về đầu ra, thương lái từ nhiều nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai… tìm đến tận vườn đặt tiền cọc trước và chờ đến ngày thu hoạch.

Khóm phụng, khóm đầu rồng có yêu cầu về hình dáng rất cao nên số trái đẹp mỗi vườn chỉ chiếm khoảng 20% - 30%. Vì vậy, giá bán cao hơn khóm thường rất nhiều.

“Săn lùng” bưởi thúng

Vài năm trở lại đây, mỗi khi đến gần tết, các doanh nghiệp, thương lái “săn lùng” bưởi thúng ở xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để bán kiếm lời hoặc tặng chưng trong những ngày tết. Năm nay, gia đình ông Võ Văn Nhì (ấp 4) tiếp tục có 10 cây bưởi thúng cho trái sai và đúng dịp tết. Ông Nhì cho biết, thương lái vừa đặt cọc lựa mua 10 trái với giá 700 ngàn đồng/trái, 20 trái có giá từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/trái. Tính ra lợi nhuận cao gấp 5 - 7 lần so với trồng bưởi da xanh; bởi loại bưởi này không cần đất trống, có thể trồng xen với các cây trồng khác trong khu vườn.

Trái bưởi thúng của ông Võ Văn Nhì bán được 700 ngàn đồng.

Hiện nay, ông Nhì đang chiết trên 50 gốc để trồng xen rải rác trong vườn. Ông Nhì tâm sự: “Trồng bưởi thúng thấy ham lắm, nhưng không phải ai trồng cũng đạt. Bưởi này chỉ để chưng tết, ăn không ngon. Vì vậy, việc xử lý trái to, đẹp và đúng ngay dịp tết có yếu tố quyết định đến sự thành công”.

Gần đó, ông Ngô Văn Tám là hộ tiên phong đem cây bưởi thúng về trồng ở vùng đất này. Thấy đẹp, ông chiết nhánh và nhân rộng đến ngày nay. Không những trồng trong vườn, ông còn chiết nhánh tặng hoặc bán cho các hộ dân có nhu cầu trong khu vực. Ông Tám là người xử lý bưởi thúng đạt số lượng rất cao.

Hiện nay, vườn bưởi thúng của ông Tám có trên 30 gốc. Trong vụ tết này, gia đình ông bán được 115 triệu đồng. Với việc cây bưởi thúng không chiếm nhiều diện tích, trồng xen trong vườn bưởi da xanh và chi phí không nhiều nên lợi nhuận mang lại rất cao.

Theo những người trồng bưởi thúng, sau vụ trước, thương lái, doanh nghiệp thường hợp đồng cho vụ sau. Vì vậy, số lượng bưởi tồn đọng rất ít, có chăng chỉ là bưởi không đẹp, trái nhỏ. Chính điều này, thương lái có tìm đến hỏi mua vào những ngày gần tết cũng không có.

Sở dĩ người ta gọi bưởi thúng vì trái rất to. Ruột bưởi màu đỏ, múi to nhưng có vị chua hơn các loại bưởi khác. Khi chín, bưởi ngả sang màu vàng rất đẹp. Mỗi trái nặng từ 5 - 7 kg.

Rau màu dồi dào

Người dân trồng rau ở xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang hối hả hơn bao giờ hết cho khâu chăm sóc nhằm cung ứng cho thị trường vào những ngày giáp tết.

Bà Nguyễn Thị Tươi (ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa) cho biết, gia đình có 6 công đất chuyên trồng các loại rau màu… Riêng vụ tết, gia đình chỉ trồng khổ qua, dưa leo để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Bởi đây là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, cho thu hoạch sau khoảng 35 - 40 ngày trồng đối với dưa leo, khoảng 45 - 60 ngày đối với khổ qua. Vì vậy, nông dân thường canh thời điểm gieo hạt để thu hoạch sao cho đúng ngay dịp tết. Có năm những ngày giáp tết khổ qua --hút hàng, giá tăng lên khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, người trồng lãi rất cao.

Theo ghi nhận, bên cạnh khổ qua, dưa leo, các loại rau ăn lá cũng được nông dân trên địa bàn tỉnh trồng tập trung như: Cải ngọt, hành, rau thơm và cải làm dưa. Đây là những sản phẩm được nông dân chọn lựa trồng khá nhiều nhằm cung ứng cho thị trường tết. Mặc dù giá bán chưa được thương lái đưa ra nhưng nông dân kỳ vọng rau màu sẽ được mùa, được giá vụ tết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích rau màu từ đầu năm 2020 đến nay là 7.340 ha, trong đó thu hoạch gần 2.250 ha, sản lượng gần 45 ngàn tấn; diện tích còn lại trên 5.000 ha và đang phát triển tốt. Dự kiến, cận Tết Nguyên đán, người dân thu hoạch rộ nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm.

Kiểm tra chặt chẽ nông sản tết

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Để hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng, chi cục phối hợp với các ngành có liên quan triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: Kiểm tra lại tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời với việc thanh tra, kiểm tra, ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở trồng trọt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Từ đó, giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; bảo đảm an toàn cho người sản xuất cũng như tiêu dùng và từng bước xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

SĨ NGUYÊN

Trà Vinh: Mặn xâm nhập nội đồng ‘đe dọa’ nhiều diện tích sản xuất

Nguồn tin:  Khuyến Nông VN

Mùa khô 2019-2020, mặn từ biển Đông theo 2 nhánh sông Cổ Chiên và sông Hậu xâm nhập khá sớm vào địa bàn tỉnh Trà Vinh, nguy cơ ảnh hưởng nhiều diện tích sản xuất của nông dân trong tỉnh.

Ông Đỗ Trưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh cho biết, mùa khô này, mặn xuất hiện sớm hơn khoảng 2 tháng so với đợt thiên tai hạn mặn năm 2015-2016.

Từ tháng 12/2019, tại phía Cổ Chiên và sông Hậu, ranh giới mặn đã lên đến hơn 4‰ và chiều dài ảnh hưởng sâu từ 60-70 km.

Toàn tỉnh có 48 cống điều tiết nước nhưng hiện nay 42 cống buộc phải đóng triệt để ngăn mặn, chỉ còn 6 cống có thể theo dõi quan trắc khi độ mặn xuống mức cho phép mới có thể lấy nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó, 4 cống lấy nước từ sông Hậu, gồm: Tân Dinh, Bông Bót, Mỹ Văn, Rùm Sóc và 2 cống lấy nước từ sông Tiền là Cái Hóp và Láng Thé.

Do thời điểm này chỉ mới vào vụ Đông Xuân nên nguy cơ thiếu nước tưới toàn tỉnh trong mùa khô này rất lớn, nhất là những diện tích sản xuất lúa.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho rằng, hàng năm, tháng 12 mặn mới xuất hiện nhưng năm nay, trung tuần tháng 11 mặn đã xuất hiện trên địa bàn huyện. Mặn xuất hiện sớm, cao và đi sâu vào nội đồng.

Đến nay, 7/7 cống điều tiết nước của huyện phải đóng triệt để ngăn mặn, do mặn thường xuyên ở mức từ 3-10‰. Nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Trà Cú hiện nay phải nhận tiếp nước từ huyện Cầu Kè, với dung lượng “nhỏ giọt”. Do vậy, huyện đã khuyến cáo người dân tạm ngưng sản xuất vụ lúa Đông Xuân để tránh thiệt hại.

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xuống giống 66.000 ha. Nhưng trước nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về tình hình hạn, mặn mùa khô này, ngày 12/12/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo nông dân trong tỉnh ngưng triệt để xuống giống lúa vụ Đông Xuân.

Tuy nhiên, nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo, đến nay đã xuống giống hơn 50.000 ha. Do vậy, hạn, mặn đang “đe dọa” nhiều diện tích sản xuất của nông dân trong tỉnh.

Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đối với diện tích đã xuống giống, để hạn chế rủi ro trong sản xuất, nông dân cần tập trung máy bơm, đắp đập, bơm chuyền tích trữ nước đảm bảo cung cấp lượng nước ngọt tưới cho đến lúc “lúa ngậm sữa”.

Lúa vào giai đoạn cuối cũng phải đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt, tối thiểu 1.000m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trổ đến chín. Trường hợp diện tích sản xuất bị ảnh hưởng hạn, mặn, người dân phải có giải pháp tưới tiết kiệm nước ngập khô xen kẽ, chủ động cung cấp nước cho lúa vào giai đoạn mới gieo sạ và đòng trổ; nếu không đủ nguồn nước ngọt để tưới có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 1‰ đối với giai đoạn mạ và trổ, dưới 2‰ đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh) hoặc dùng nước ngọt để tưới phun lá, tăng cường bón phân hữu cơ, vôi bột, lân nung chảy, sử dụng phân bón có chứa canxi, magie, silic để tăng cường sức chống chịu cho cây lúa.

Riêng đối với các diện tích ngưng xuống giống lúa vụ này, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi hạn, mặn và dễ tìm thị trường tiêu thụ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch bố trí lại mùa vụ sản xuất thích hợp cụ thể cho từng huyện với từng tiểu vùng sinh thái để né mặn.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu nhắm ứng phó hạn, mặn mùa khô 2019-2020, bảo vệ diện tích sản xuất của nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Trà Vinh, 2 cống ngăn mặn, trữ ngọt là Tân Dinh và Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) dự kiến trong tháng này sẽ đưa vào vận hành, rút ngắn thời gian thi công khoảng 7 tháng so với kế hoạch. Khi đưa vào sử dụng sẽ giúp địa phương chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, bảo vệ diện tích sản xuất hàng chục nghìn ha của người dân trên địa bàn tỉnh./.

Thanh Hòa - Theo TTXVN

Tuyên Quang: Lâm Bình cung ứng vật nuôi đặc sản phục vụ Tết

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Với lợi thế về hàng hóa đặc sản, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã phát triển được nhiều vật nuôi đặc sản như lợn đen, dê núi, cá bỗng, chiên, anh vũ… phục vụ thị trường Tết. Huyện đã triển khai Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế ở địa phương giai đoạn 2016 - 2020, trọng tâm là phát triển chăn nuôi lợn đen, dê núi và cá đặc sản...

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các hộ chăn nuôi lợn đen huyện Lâm Bình đã tập trung chăm sóc đàn lợn đen thương phẩm. Chị Ma Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Vinh Hoa, thôn Nà Bó, xã Thổ Bình (Lâm Bình) chuyên chăn nuôi lợn đen địa phương cho biết: Ngay từ tháng 8 âm lịch, chị và các thành viên trong HTX đã gia cố chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn chăn nuôi lợn đen thương phẩm phục vụ Tết. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, lợn thương phẩm có trọng lượng trên 20 kg/con, giá lợn hơi dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, hợp tác xã đã xuất bán 60 - 70 con. Hợp tác xã hiện còn hơn 100 con chuẩn bị xuất bán vào dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tuy nhiên, càng gần Tết giá lợn đen thương phẩm có xu hướng tăng.

Người dân thôn Nà Mèn, xã Lăng Can phát triển chăn nuôi dê.

Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Sơn Thảo, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đã liên kết với các hộ chăn nuôi lợn đen trên địa bàn huyện Lâm Bình và huyện Na Hang tiêu thụ lợn thương phẩm. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty, từ tháng 10 âm lịch đến nay, công ty xuất bán 2 tấn lợn thương phẩm/tháng. Trong đó, lợn đen thương phẩm có trọng lượng từ 20 - 25 kg/con giá 150.000 đồng/kg, loại trên 30 kg/con có giá 130 nghìn đồng/kg. Hiện công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng phục vụ Tết.

Dê núi, cá đặc sản cũng nức tiếng được người tiêu dùng lựa chọn trong dịp Tết này. Ông Vi Văn Quận, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp Thổ Bình cho biết, hiện nay dê núi Thổ Bình được chăn thả hoàn toàn tự nhiên trên đỉnh núi Phia Khan bởi chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, do người chăn nuôi chủ yếu tự tìm nguồn cung con giống, tự tìm đầu ra nên tương đối bấp bênh. Từ năm 2017, HTX đã thực hiện chuỗi liên kết cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên được nhiều người biết đến và đặt hàng. Số lượng đàn 300 con giống ban đầu, giờ đã tăng lên gấp đôi. Dịp tết này, có nhiều đơn đặt hàng của các nhà hàng ở thị trường huyện Hàm Yên, tỉnh Ninh Bình, TP Hải Phòng. Hợp tác xã đang xây dựng lò mổ để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu “Dê núi Thổ Bình”.

Trang trại chăn nuôi cá nơi lưng đèo Ái Au của gia đình anh Nguyễn Việt Hòa, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm dịp này nhiều khách đặt hàng phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán. Nhiều khách du lịch còn lựa chọn đến đây để được thưởng thức các món ăn tại chỗ chế biến từ các loại cá đặc sản gồm cá bỗng, cá chiên, cá anh vũ. Trong dịp Tết này, gia đình anh cung ứng cho thị trường 3 tấn cá đặc sản, hiện đã có đơn đặt hàng từ khắp nơi trong tỉnh.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, để đẩy mạnh phát triển vật nuôi đặc sản, UBND huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc sản. Những vật nuôi này hiện đã trở thành hàng hóa đặc sản đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là dịp lễ, Tết. Huyện định hướng và lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ người dân con giống phát triển chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Hải Hương

Thu nhập khá từ mô hình ủ chua cỏ nuôi bò

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Thời gian qua, ngoài cho bò ăn cỏ theo cách nuôi truyền thống, ông Nguyễn Hoàng Duy ở thôn Vĩnh Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) còn ủ chua cỏ và ủ rơm với urê để bổ sung trong khẩu phần ăn cho bò. Qua đó, ông vỗ béo giống bò Zebu và bò 3B (Blanc Bleu Belge) thu lãi khá.

Trước đó, năm 2018, ông Duy cũng nuôi bò nhưng theo phương pháp chăn thả để bò tự tìm thức ăn; tuy nhiên, nuôi theo phương pháp này, ông thấy tốn công mà không có lợi nhuận. Ông lên mạng internet tìm kiếm cách làm ăn và thấy có rất nhiều bài viết về mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ông quyết định bàn với vợ bán hết số bò cỏ và bò lai tạp đang nuôi, vay thêm vốn của Hội Nông dân mua 4 con bê đực Brahman hết 72 triệu đồng.

Lần đầu nuôi bò thịt theo phương pháp vỗ béo, cho bò ăn thêm cám viên và cám gạo, bột sắn, ông vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau 3 tháng nuôi vỗ béo, ông xuất bán 4 con bò cho thương lái, thu về 117 triệu đồng; sau khi trừ giống, thức ăn, lãi ròng 30 triệu đồng.

“Nuôi cách này thấy có lãi, đến đầu năm 2019, tôi mở rộng chuồng nuôi và trồng thêm cỏ, nâng quy mô nuôi lên mỗi lứa 10 con bò thịt. Ngoài cỏ tươi, cám viên và cám gạo, bột sắn, tôi còn học cách ủ chua cỏ và ủ rơm với urê để bổ sung trong khẩu phần ăn của bò. Bò sau khi vỗ béo thì tăng trọng đều đặn. Tháng 7/2019 vừa qua, tôi xuất bán 10 con bò thịt, trừ chi phí thu lãi ròng 83 triệu đồng”, ông Duy nói.

Theo Lê Vĩnh Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Giang, ngoài chăn nuôi 10 con bò thịt, ông Nguyễn Hoàng Duy còn làm thêm 1ha ruộng lúa nước, 3ha sắn và mía. Từ mô hình này, ông Duy đã được Hội Nông dân xã khen thưởng, được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh chứng nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

TRÂM TRÂN - BÍCH NGỌC

Tăng cường liên kết, chia sẻ lợi ích

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội đã phát triển được gần 60 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ trong chăn nuôi. Để xây dựng và phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này, cần có nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng cường tính liên kết, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với hộ dân, hợp tác xã...

Trang trại gà của một thành viên Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Hiệu quả thiết thực

Mô hình nuôi gà đồi theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm ở huyện Sóc Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, hệ thống chuỗi sản xuất, tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có 30 thành viên, mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 2 đến 3 tấn thịt gà. Do kiểm soát từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, xử lý môi trường nên gà đồi Sóc Sơn có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và ký kết được hợp đồng với nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn.

Cũng với mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và liên kết cùng các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, trang trại của ông Nguyễn Đình Tường ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đang nuôi 2.000 con lợn. Ông Nguyễn Đình Tường cho biết, trung bình mỗi ngày trang trại bán ra thị trường 3 tấn thịt lợn sạch với giá cả ổn định. Không chỉ nâng cao hiệu quả về kinh tế, việc sản xuất theo chuỗi khép kín còn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Năm 2019 khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp thì trang trại của gia đình ông vẫn giữ được tổng đàn và phát triển ổn định.

Không chỉ các hộ sản xuất theo chuỗi có thu nhập ổn định, mà các doanh nghiệp liên kết cũng bảo đảm được nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường. Theo ông Nguyễn Thái Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn bữa ăn An Toàn, từ việc liên kết với một số trang trại trong và ngoài thành phố, trung bình mỗi tháng công ty cung cấp 30-50 tấn thịt lợn và một số sản phẩm thịt chế biến như: Xúc xích, giò, chả... ra thị trường. Đồng thời, giá lợn hơi giữ ổn định từ 85.000 đồng/kg đến 88.000 đồng/kg, trong khi có thời điểm giá lợn hơi trên thị trường tăng lên 92.000-95.000 đồng/kg.

Đánh giá về hiệu quả của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, năm 2019 Hà Nội đã phát triển được 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó lĩnh vực chăn nuôi có gần 60 chuỗi. Việc sản xuất theo chuỗi không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết hiệu quả bài toán “được mùa mất giá” cho các hộ dân mà còn có thể chủ động nguồn cung cho thị trường, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cần tăng sự gắn kết

Thực tế cho thấy, Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi liên kết như: Gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì); trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai); chăn nuôi lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn)... mang lại giá trị kinh tế cao, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, kiểm soát được chất lượng, giá bán trên thị trường… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều mô hình vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, mà nguyên nhân không mới.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, hộ sản xuất thịt lợn sinh học ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín), hiện nay người chăn nuôi và doanh nghiệp dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ lợi ích, cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Các hộ chăn nuôi chưa chú ý tới việc liên kết mà vẫn mạnh ai nấy làm... Không ít trang trại, doanh nghiệp đã liên kết với hộ sản xuất để cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường, nhưng hộ sản xuất vẫn bán ra ngoài khi giá cao hơn, gây khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ. Để sản xuất theo chuỗi thực sự phát huy hiệu quả, ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt đề xuất, chính quyền địa phương nên tổ chức lại các hợp tác xã chăn nuôi làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, qua đó, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho các hộ. Mặt khác, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể về thị trường để thu mua với số lượng ổn định và cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro với hộ chăn nuôi khi giá thực phẩm xuống thấp...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân chia sẻ thông tin, để phát triển 8 chuỗi chăn nuôi trên địa bàn, huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, đưa doanh nghiệp về tìm hiểu, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, huyện hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, đưa đi trưng bày, quảng bá ở các hội chợ để tìm kiếm đối tác, ký hợp đồng trao đổi hàng hóa... Đây là kinh nghiệm hay có thể nhân rộng ở nhiều địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, năm 2019, việc sản xuất theo chuỗi, đặc biệt là chuỗi về chăn nuôi lợn đã phát huy hiệu quả, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn ổn định giá bán ra thị trường. Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, tập trung đều ở các khâu sản xuất, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt ngành Nông nghiệp sẽ làm đầu mối để lựa chọn doanh nghiệp có tâm huyết, khả năng đầu tư xây dựng chuỗi liên kết, chia sẻ lợi ích với các hộ dân và gắn các chuỗi với cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm.

Khi xây dựng được mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng; khi nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích, chắc chắn các chuỗi liên kết trong chăn nuôi sẽ phát triển, phát huy hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho thị trường.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop