Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 01 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 01 năm 2021

Giá bưởi da xanh giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

So với cách nay khoảng 1 tháng, giá bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre và nhiều địa phương ở vùng ÐBSCL giảm ít nhất từ 5.000-10.000 đồng/kg và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Bán các loại bưởi tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Bưởi da xanh là loại trái cây ngon đặc sản của tỉnh Bến Tre và giống bưởi này đã phát triển trồng tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL. Hiện bưởi da xanh loại 1 (khoảng từ 1,3 kg/trái trở lên) được nông dân bán cho thương lái và các cơ sở thu mua trái cây chỉ trên dưới 28.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm 2020 có giá từ 38.000-42.000 đồng/kg. Còn giá bưởi da xanh được nhà vườn bán xô ngay tại vườn cho thương lái ở mức 20.000-22.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ bưởi da xanh loại 1 tại nhiều chợ và siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận chỉ còn 45.000-48.000 đồng/kg.

Theo tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh trái cây, giá bưởi da xanh giảm thấp do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sức tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng chậm so với mọi năm. Bên cạnh đó, giá bưởi da xanh giảm còn do chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều loại bưởi và trái cây có múi, trái cây nhập khẩu có giá rẻ. Ðặc biệt, nhiều loại bưởi trồng tại các tỉnh, thành miền Ðông Nam Bộ và miền Bắc tuy ăn không ngon bằng bưởi da xanh, nhưng có mẫu mã khá đẹp, với giá tương đối rẻ và đã có mặt tại nhiều chợ, siêu thị ở các tỉnh, thành vùng ÐBSCL nên ảnh hưởng đến giá bán của bưởi da xanh.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hòa Bình: Mô hình vườn mẫu tiêu biểu ở xã vùng sâu Hưng Thi

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Trên lộ trình về đích nông thôn mới (NTM), bên cạnh việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã Hưng Thi (Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã xây dựng 5 khu vườn mẫu, góp phần nâng tầm NTM, tăng sức sống cho miền quê. Một trong những mô hình vườn mẫu tiêu biểu được nhiều người trong, ngoài vùng đến thăm quan, học hỏi là khu vườn của ông Bùi Đức Dịnh - hộ nông dân xóm Khoang.

Ông Bùi Đức Dịnh, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xóm Khoang,xã Hưng Thi (Lạc Thủy) với mô hình vườn mẫu.

Theo giới thiệu của đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến thăm mô hình vườn mẫu của ông Dịnh. Ấn tượng đầu tiên là không gian thoáng đãng, vườn được làm cỏ gọn ghẽ trên diện tích hơn 5.000 m2. Những cây bưởi Diễn thẳng hàng, ngay lối,sai trĩu quả. Đang chính vụ thu hoạch nên bưởi đã chuyển màu vàng rộm, chín đều, đẹp mắt. Ông Dịnh chia sẻ với sự vui mừng: Khu vườn này trước đây là vườn tạp,chỉ trồng mấy chục cây mơ và để thả gà. Từ năm 2013, gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa bỏ diện tích cây trồng không mang lại hiệu quả,thay thế vào đó là bưởi Diễn, nhãn, vải, hồng xiêm... có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, bưởi Diễn được trồng nhiều nhất với hơn 200 gốc, các loại cây ăn quả khác từ 10-50 gốc.

Trong các loại bưởi, duy nhất bưởi Diễn được các những người làm nghề bonsai chọn để ghép cây cảnh Tết nhờ có hình dáng đẹp, màu sắc vàng tươi, thời gian lưu quả trên cây dài. Đây cũng là lý do trong mấy năm gần đây, ông Dịnh thu được lợi nhuận khá từ việc bán quả non. Ông Dịnh cho biết: Bưởi đậu quả rất sai,người làm vườn thường phải tỉa bớt quả giúp cây giữ sức cho vụ sau, vừa làm cho những quả được giữ lại có chất lượng tốt hơn. Với bưởi Diễn, khi quả có đường kích 10 - 11 cm, khách hàng ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam lên thu mua tận vườn. Giá bán quả non từ 9.000 - 10.000 đồng/quả.

Năm nay, cũng như mọi năm, gia đình ông Dịnh chuẩn bị bán bưởi Tết. Vì đây là loại quả được ưa chuộng bày Tết, nên không khí thu mua nhộn nhịp nhất vào thời điểm trước Tết chừng 1 tháng. Khách hàng chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam... đến vườn thu mua theo chuyến với số lượng hàng nghìn quả. Ông Dịnh cho biết thêm: Thị trường và tình hình giá cả bưởi Diễn vẫn ổn định, dao động từ 10.000 -12.000 đồng/quả. Ở các vụ Tết trước, ông bán được 60-80 triệu đồng, nhưng vụ này, với lượng quả để được sai hơn, mẫu mã, chất lượng đồng đều,lợi nhuận sẽ cao hơn. Dự kiến, ông thu được khoảng 100 triệu đồng từ sản lượng bưởi Diễn.

Bên cạnh vườn mẫu, ông Dịnh cùng gia đình quy hoạch lại khu vực chuồng trại chăn nuôi. Cách lựa chọn "trồng cây gì, nuôi con gì" của ông cũng khá khác biệt so với các hộ chăn nuôi khác, đó là nuôi gà trống thiến và lợn nòi. Phương thức chăn nuôi được ông duy trì theo cách dân dã. Với lợn nòi cho ăn nguyên cám ngô, cám gạo và lá rau rừng. Cách nuôi gà trống thiến cũng vậy, nhờ tận dụng các phụ phẩm sau xay xát nên chất lượng đảm bảo, chắc thịt, thơm ngon, bán được giá cao.

Với cách đầu tư chăn nuôi trên, ông Dịnh cũng thường xuất bán chủ yếu vào dịp Tết. Bình quân từ 15-20 con lợn nòi và 50-60 con gà trống thiến/lứa. Cùng với nguồn thu từ vườn mẫu và chăn nuôi gà, lợn thương phẩm, gia đình ông Dịnh đạt thu nhập bình quân trên, dưới 150 triệu đồng/năm.

Bùi Minh

Quảng Bình: Để hạt tiêu Sen Thủy vươn xa

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bà con nông dân, những năm qua Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy (Lệ Thủy) đã xây dựng thành công sản phẩm hạt tiêu đen Sen Thủy. Hiện sản phẩm này đã được chế biến và khẳng định được thương hiệu, giá trị tại các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.

Khoảng 30 năm về trước, một cán bộ xã Sen Thủy đã cơm đùm, gạo bới đi bộ gần 20km vào huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị mua 2 bầu giống tiêu đem về trồng trong vườn nhà mình. Bởi ông nghĩ rằng, vùng đất đỏ Sen Thủy kết hợp với nguồn nước từ Bầu Sen quanh năm sẽ phù hợp cho cây tiêu phát triển. Những cây tiêu do người cán bộ xã trồng có hạt nhỏ, vị thơm, cay, nồng hơn tiêu các nơi khác. Thấy hiệu quả, bà con trong làng, trong xã đã đến nhà ông xin giống về trồng rồi nhân lên thành những vườn tiêu cho hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Sen Thủy tích cực chăm sóc vườn tiêu.

Năm 2008, toàn xã Sen Thủy đã phát triển khoảng 10ha diện tích trồng tiêu. Để khuyến khích bà con trồng tiêu, nâng cao chất lượng sản phẩm, Câu lạc bộ trồng tiêu sạch đã được thành lập. Từ đó, diện tích tiêu trên địa bàn xã tiếp tục được mở rộng, hàng trăm hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất sang trồng tiêu. Đến nay, toàn xã Sen Thủy đã trồng được khoảng 40ha hồ tiêu, tập trung ở các thôn: Sen Thượng 1, Sen Thượng 2, Sen Đông, Trầm Kỳ và Xóm Phường.

Để khẳng định được giá trị, đưa thương hiệu hạt tiêu Sen Thủy vươn xa, năm 2019, HTX sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy đã được thành lập với các ngành nghề chính, như: trồng, chế biến hạt tiêu, trồng cây ăn quả có múi, trồng rừng và kinh doanh dịch vụ phân bón…

Hiện HTX có 15 thành viên với 8ha diện tích đất trồng tiêu, trong đó có 5ha tiêu đã được xây dựng chuỗi liên kết (xã Sen Thủy 4ha và xã Thái Thủy 1ha). HTX cũng đã hỗ trợ cho bà con tập huấn khoa học kỹ thuật, giám sát quá trình sản xuất và ký cam kết tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên giá cao hơn giá thị trường.

Ông Lê Quang Hoản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy cho biết: “Trong quá trình trồng và sản xuất hạt tiêu, HTX luôn hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất của các thành viên từ khâu chăm sóc, thu hoạch cho đến phân loại, phơi khô, chế biến”.

Để khẳng định mình trồng tiêu sạch, mỗi hộ dân xã Sen Thủy tham gia chuỗi liên kết phải nuôi trong vườn tiêu ít nhất 2 tổ ong lấy mật.

Ông Hoàng Sỹ Sính, một thành viên trong HTX cho biết: “Để trồng cây tiêu theo chuỗi, chúng tôi đã lựa chọn những nơi đất đỏ, có độ dốc vừa phải, đủ nguồn nước tưới quanh năm. Trong quá trình chăm sóc, phải dùng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong vườn phải nuôi thêm 2 tổ ong lấy mật để ong thụ phấn cho tiêu, bắt các loại sâu bọ và khẳng định vườn tiêu không sử dụng các loại chất hóa học (dùng các loại chất hóa học phun cho tiêu thì đàn ong sẽ bay đi). Khi thu hoạch, tiêu phải đạt trên 50% quả chín và phơi đến khi nào độ ẩm còn dưới 13%. Trước khi đóng bao, đóng gói, tiêu phải được sàng, sấy nhiều lần để loại những hạt lép, bụi bẩn”...

Gia đình ông Sính trồng trên 1ha cây hồ tiêu, trong đó hơn một nửa diện tích được sản xuất theo chuỗi liên kết và số còn lại là diện tích mới trồng. Trồng tiêu đã giúp gia đình ông thu nhập mỗi năm từ 200 đến 250 triệu đồng.

Nhờ sản xuất theo quy trình hướng VietGAP, được sơ chế, đóng gói, bảo quản khép kín nên sản phẩm hạt tiêu đen Sen Thủy từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều nhà hàng, khách sạn tin dùng. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua từ 8-10 tấn tiêu của hội viên để chế biến và cho ra đời các sản phẩm từ tiêu như: hạt tiêu đen đóng gói trong bao giấy loại 250g, 500g; hạt tiêu đen đựng trong lọ thủy tinh loại 100g có chức năng xay, loại 100g không xay và loại 100g đã xay sẵn.

Sản phẩm hạt tiêu sạch Sen Thủy có kiểm định chất lượng, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc nên rất thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường. Hiện các sản phẩm từ hạt tiêu của Sen Thủy đã được bán trong 5 cửa hàng nông sản sạch của huyện Lệ Thủy, TP. Đồng Hới, TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và hàng chục nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh.

Những sản phẩm từ hạt tiêu Sen Thủy.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Để xây dựng thương hiệu hạt tiêu đen Sen Thủy đạt OCOP cấp tỉnh, đưa sản phẩm vươn xa, trước mắt huyện đã xây dựng chuỗi liên kết 5ha và hỗ trợ bà con 30% giá phân bón, 100% bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, thành lập website và biển quảng cáo. Mới đây, huyện cũng đã đánh giá sản phẩm của HTX đạt 2 sao và hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên đánh giá cấp tỉnh”…

Ông Lê Quang Hoản cho biết thêm, năm 2021, HTX sẽ đầu tư mua máy sấy để sản xuất thêm sản phẩm hạt tiêu đỏ, tiêu xanh ngâm muối. Khi chất lượng hạt tiêu được nâng lên, HTX tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, cải thiện mẫu mã, kết nạp thêm hội viên để mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến xuất khẩu hạt tiêu ra nước ngoài…

Xuân Vương

Ninh Thuận: Nông dân xã Nhơn Hải và Thanh Hải: Tập trung chăm sóc cây hành tím phục vụ Tết

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Vụ chính Bấc năm nay (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), xã Nhơn Hải và Thanh Hải (Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) xuống giống trên 110 ha cây hành tím. Hiện nông dân vùng chuyên canh cây hành tím lớn nhất tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Vùng trồng hành tím ở xã Nhơn Hải và Thanh Hải luôn duy trì sản xuất ổn định 3 vụ/năm và cung cấp cho thị trường gần 3.000 tấn hành lá, hành củ và hành giống. Mặc dù phải đối mặt với đợt hạn kéo dài hơn 10 tháng qua, nhưng khi bước vào vụ chính Bấc là vụ hành chính trong năm nhờ thời tiết thuận lợi nên bà con đã xuống giống hết toàn bộ diện tích. Hiện nay, bà con đang tập trung theo nước, bón phân và phun thuốc để kịp cung cấp hành củ và hành lá cho người tiêu dùng trong dịp Tết.

Anh Trần Văn Lập ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải (Ninh Hải) chăm sóc cây hành phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.

Hiện hành lá, hành củ và hành giống có giá cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, hành lá giá 11 đến 13.000 đồng/kg, hành củ từ 43 đến 45.000 đồng/kg; hành giống từ 78 đến 80.000 đồng/kg. Nếu mức giá giữ ổn định như hiện nay, thì vụ hành Tết năm nay nông dân xã Nhơn Hải và Thanh Hải sẽ thu lãi cao nhờ vào cây trồng này. Anh Phạm Minh Tân ở thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, phấn khởi: Từ trước tới nay chưa có năm nào hành được giá như vài tháng trở lại đây. Cây hành tím từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 2 tháng trở lại, các hộ làm hành đều trúng, bình quân làm 1 sào sau khi trừ chi phí thu lãi trên 35 triệu đồng/vụ.

Gia đình anh Trần Văn Lập ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải xuống giống 3 sào hành tím được 15 ngày, đang phát triển tốt. Anh chia sẻ: Vừa qua có mưa trên diện rộng, bổ sung nguồn nước để ổn định sản xuất. Vụ hành Tết năm nay nhờ thời tiết lạnh, nên thích hợp cho cây hành phát triển, đặc biệt là cây hành con từ 10 ngày đến 1 tháng tuổi, nếu thời tiết duy trì như hiện nay, khoảng 1 tháng nữa gia đình tôi sẽ có hành lá để bán Tết.

Ông Mai Anh Huấn, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Cây hành tím được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương, diện tích trồng ngày càng được bà con mở rộng. Giá hành tím tăng cao, thời gian qua đã giúp nhiều gia đình làm giàu từ cây trồng này. Vụ hành Tết năm nay thời tiết thuận lợi, cây hành phát triển tốt, hứa hẹn có một mùa vụ bội thu. Hiện nay chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền bà con thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc cây trồng hợp lý, đảm bảo đạt năng suất cao.

Kha Hân

Vụ đông xuân miền Trung gặp khó

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Thời điểm xuống giống vụ lúa đông xuân bắt đầu nhưng bà con nông dân Bắc miền Trung vẫn chưa thể xuống giống do đồng ruộng ngập úng, cát bồi lấp sau nhiều đợt bão dồn, lũ dập rồi đến mưa rét kéo dài.

Người dân ở Thạch Hà, Hà Tĩnh dọn ruộng để sản xuất vụ xuân. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương ở Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020. Theo ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, khó khăn nhất là lũ lụt đã làm gần như 100% lúa của bà con bị hư hỏng, khiến tình trạng thiếu lúa giống phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Địa phương đã báo cáo đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ khoảng 36 tấn lúa giống để gieo 450ha lúa, hỗ trợ giống lạc (đậu phộng) gieo tỉa khoảng 33ha diện tích…

Ông Trần Bá Thái (thôn Hòa Bình, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang hì hục kéo từng vạt cây bèo tây để giải phóng mặt bằng ruộng lúa. Mưa lũ rồi rét đậm rét hại kéo dài khiến bèo tây từ trên khu vực sông Rào Cái trôi dạt về phủ kín đồng ruộng. Mọi người trong thôn dùng các vật dụng kéo, đẩy bèo trôi theo dòng nước nhưng đều bất lực.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Phú (xã Quảng An, huyện Quảng Điền), cho biết, HTX có 100ha thấp trũng phải trồng lúa dài ngày. So với khung lịch thời vụ thì đã trễ gần 1 tuần nhưng chưa thể xuống giống vì đồng ruộng ngập sâu. Trong khi, hơn 1km tuyến đê nông đồng bị vỡ, tràn; 2ha ruộng bồi lấp, từ sau mưa lũ đến nay mới chỉ khắc phục được khoảng 500m, đoạn tuyến còn lại do nước còn ngập nên chưa thể tiến hành gia cố, khơi thông đồng ruộng được. Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, lo lắng, đã đến thời vụ gieo trồng nhưng do nhiều diện tích đang ngập nên nông dân chưa thể tiêu úng, làm đất và chưa tiến hành tu sửa kênh mương. Hiện có gần 300ha ruộng đang bị bèo, phù sa bồi lấp ở Quảng Điền và A Lưới đang tích cực khắc phục nhưng chưa hoàn thành.

Cùng với hơn 745km kênh mương nội đồng và hàng ngàn công trình thủy lợi bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, một trong những khó khăn nhất sau mùa mưa bão năm 2020 là đất trồng lúa tại khu vực Bắc miền Trung bị vùi lấp gần 3.000ha, trong đó, Quảng Trị là địa phương bị vùi lấp nhiều nhất với tổng diện tích khoảng 1.704ha.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương đang dốc sức cải tạo đất vùi lấp. Trong đó, những vùng đất trồng lúa nước bị vùi lấp bởi lớp mặt chủ yếu là cát mịn thì đang phân loại để tiếp tục trồng lúa hoặc chuyển sang cây trồng cạn. Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu dưới 20cm, tiến hành cày vùi cát, san phẳng sau đó tiếp tục cày, bừa kỹ đất để trồng lúa nước. Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu 20-50cm, địa hình trũng, không thể chuyển sang trồng cây trồng cạn thì sẽ cải tạo để tiếp tục trồng lúa nước.

Cùng với việc phân bổ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau mà Bộ NN-PTNT cấp cho người dân khôi phục sản xuất sau bão lũ, ngành nông nghiệp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế còn đề nghị Chính phủ hỗ trợ lúa giống với 2.000 tấn mỗi tỉnh, cùng hơn 400 tấn hạt giống ngô và rau để khôi phục sản xuất, cũng như phục vụ cho vụ đông xuân 2020-2021.

VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG

Bình Định: Hoài Ân có 34 trang trại đạt doanh thu 2 tỷ đồng/năm

Nguồn tin:  Báo Bình Định

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cho hay, ngành nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Hoài Ân đã đạt kết quả khả quan. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ, đạt 100,4% kế hoạch. Xu hướng chăn nuôi theo quy mô trang trại, đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch ngày càng phát triển. Đáng chú ý là có 34 trang trại chăn nuôi (33 trang trại nuôi heo và 1 trang trại nuôi gà) đạt doanh thu 2 tỷ đồng/trang trại/năm theo tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT.

Hiện nay, Hoài Ân tiếp tục tập trung xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; hỗ trợ về giống, kỹ thuật giúp người dân phát triển chăn nuôi gà ta và hỗ trợ DN hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm mua bán, giết mổ động vật tập trung trên địa bàn xã Ân Phong, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

TIẾN SỸ

Làm giàu từ trang trại VAC

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Ông Vũ Cao Mại (buôn Chư Jut, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là một trong những người tiên phong trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp vườn-ao-chuồng (VAC). Mô hình này đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 1984, gia đình ông Mại từ Thái Bình vào Krông Pa lập nghiệp. Sau khi tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi, ông nhận ra rằng, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập thì phải chuyển đổi cây trồng theo hình thức đa canh kết hợp với chăn nuôi để hỗ trợ lẫn nhau.

Do đó, năm 2010, ông Mại huy động tất cả các nguồn vốn để đầu tư đào ao nuôi cá, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo nái và trồng 1 ha cỏ, 1 ha cây ăn quả. Mỗi năm, gia đình ông lãi 400-500 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp này.

Ông Mại cho biết: “Trang trại của tôi có diện tích gần 3 ha. Làm kinh tế tổng hợp sẽ có sự bổ trợ cho nhau như: tận dụng nguồn nước ao cá để tưới cho vườn cây ăn quả và cỏ. Ngoài ra, tôi còn tận dụng phân chuồng để bón cho cây trồng. Ngược lại, những phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn thừa của gia súc cũng có thể làm thức ăn cho cá. Đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này xuống thấp thì sẽ có mặt hàng khác bù vào. Như vậy, nguồn thu của gia đình ổn định, bền vững”.

Ông Vũ Cao Mại (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Gia Hưng

Ông Mại cho biết thêm, ngoài 1.500 m2 ao nuôi tổng hợp các loại cá gồm: trắm, chép, mè, chim, diêu hồng thì ông còn nuôi riêng một ao cá trê với diện tích khoảng 200 m2. “Nuôi cá rất nhàn, chỉ cần sử dụng cám gạo, bắp, thức ăn tổng hợp và cắt cỏ cho ăn mỗi ngày 2 lần là được. Cá ít bị dịch bệnh, lại phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây nên phát triển rất nhanh. Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 2 tấn cá với giá 40-50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng thu lợi nhuận 50-70 triệu đồng”-ông Mại nói.

Ngoài nuôi cá, gia đình ông Mại đang nuôi 10 con heo nái, 40 con bò vỗ béo và 12 con bò lai 3B. Theo anh Đức (con trai ông Mại), mỗi năm, 10 con heo nái sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Còn 12 con bò 3B với giá hiện nay 100 ngàn đồng/kg hơi thì cũng bán được 40-45 triệu đồng/con. Ngoài ra, cứ vào đầu mùa khô, khi nguồn thức ăn ngoài thiên nhiên cạn kiệt, gia đình tìm mua 40-50 con bò (5-6 triệu đồng/con) về nuôi vỗ béo 6-7 tháng rồi bán cho thương lái ở tỉnh Bình Dương với giá 9-10 triệu đồng/con.

Gia đình ông Mại bắt cá để bán cho người dân trong huyện. Ảnh: Gia Hưng

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Mại còn thường xuyên tham gia các phong trào của địa phương, nhất là tham gia đóng góp cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ông thường xuyên giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, vốn làm ăn.

“Tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Nếu hộ nào muốn chăn nuôi heo mà không có vốn thì tôi có thể bán heo con giống và cho nợ lại đến khi xuất bán mới trả”-ông Mại nói.

Trao đổi với P.V, ông Nay Thí-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Gu-cho biết: Toàn xã có 820 hội viên nông dân nhưng ít có ai mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại như ông Mại. Cuối năm 2020, qua bình chọn, ông Mại là 1 trong 5 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Hội Nông dân huyện tặng giấy khen.

“Ở huyện Krông Pa nói chung và ở xã Chư Gu nói riêng thì mô hình này có hiệu quả kinh tế rất cao và ổn định. Hội Nông dân xã cũng xây dựng kế hoạch để tuyên truyền cho hội viên đến tham quan, học tập. Chúng tôi cũng muốn gia đình ông Mại tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ cho các hội viên khó khăn có thể vay vốn, mua cây-con giống và hỗ trợ kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế”-ông Nay Thí nói.

GIA HƯNG

Nhiều tín hiệu vui từ thị trường nông sản

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu nông sản đã đón nhận những tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng có những động thái tích cực thúc đẩy tiêu thụ nội địa một cách bài bản hơn.

Ngành nông nghiệp đang rốt ráo thúc đẩy XK ngay từ đầu năm để hướng tới mục tiêu XK khá cao là 44 tỷ USD năm 2021.

Mở màn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản đầu năm là ngày 5/1 tại Hậu Giang đã có 8 container hàng thủy sản chứa khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm, do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang chế biến xuất khẩu (XK) đi các nước.

Sau khi đạt kết quả ấn tượng với trị giá XK nông, lâm, thủy sản hơn 41,2 tỷ USD trong năm 2020, ngành nông nghiệp đang rốt ráo thúc đẩy XK ngay từ đầu năm để hướng tới mục tiêu XK khá cao là 44 tỷ USD năm 2021.

Bộ NN&PTNT cũng vừa ban hành Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản cho cả năm 2021. Hiện tại, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và triển khai một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra cho nông sản cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, song cũng tạo ra nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Bộ NN&PTNT đã có những phân tích sâu về thách thức đặt ra tại các thị trường XK trọng điểm. Điển hình như với Trung Quốc, hiện nay phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng, đồng thời đề nghị phía Việt Nam đôn đốc các cơ quan chức năng chuyên ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng nông, thủy sản XK. Điều này làm giảm hiệu suất thông quan, tăng áp lực đối với công tác phòng chống dịch bệnh.

Với EU, vấn đề tận dụng FTA Việt Nam-EU (EVFTA) được đặt ra rõ ràng. Cụ thể, Hiệp định EVFTA đã chính thức thực thi vào đầu tháng 8/2020 nhưng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn chưa có nhiều bước tiến rõ rệt. Các DN XK của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi để XK vào thị trường EU nhưng chưa tăng mạnh với hàng nông, lâm, thủy sản.

Tại thị trường Hoa Kỳ, lo ngại là Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng biện pháp bảo hộ thông qua việc áp thuế chống bán phá giá, tăng cường tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng… gây tác động bất lợi tới XK các nhóm hàng lớn là thủy sản, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Với khối thị trường ASEAN, theo Bộ NN&PTNT, thách thức cố hữu bao năm nay là sản phẩm nông sản tương đối tương đồng; cạnh tranh bởi nông sản của các nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Với những cơ hội và thách thức đặt ra cho XK nông, lâm, thủy sản năm nay, ngành nông nghiệp xác định tập trung cao độ thúc đẩy mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng để có thể về đích như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.

Trong thời gian tới, các hoạt động kết nối XK, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh biên giới nhằm đẩy mạnh XK hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam XK chính ngạch tại các thị trường (hoa quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi...).

Đáng chú ý, trong tính toán tiêu thụ nông sản năm nay, Bộ NN&PTNT dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường nội địa. Thời gian gần đây, thị trường nông sản trong nước được đánh giá tăng trưởng rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước tăng rõ rệt với hầu hết các loại nông sản thực phẩm. Tác động từ dịch bệnh COVID-19 cũng tạo ra nhận thức mới, xu hướng dịch chuyển trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại trên nguyên tắc hạn chế tiếp xúc đã tạo ra sự thay đổi về cầu, đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN.

Để phát triển tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, giải pháp cụ thể được Bộ NN&PTNT đưa ra là sẽ tổ chức luân phiên, liên tục các hội chợ triển lãm, tuần hàng nhằm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc sản của các địa phương, DN, hợp tác xã trực tiếp đến người tiêu dùng tại các thành phố lớn; đồng thời thúc đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng miền…

Đỗ Hương

Khấm khá nhờ nuôi bò sữa

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Ven trung tâm TP Cần Thơ hình thành một làng nuôi bò sữa với hơn 50 hộ tham gia ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Mô hình này đã giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu ổn định cuộc sống.

Trong số những người nuôi bò sữa khá giả nhất ở phường Long Hòa phải kể đến hộ ông Võ Thanh Cần là người tiên phong trong phong trào đưa vật nuôi này về địa phương và là mô hình mẫu để bà con ở khắp nơi đến tham quan học tập.

Sản phẩm sữa bò chất lượng ngày một ổn định hơn.

Theo ông Cần, khoảng năm 1999, qua xem báo, đài ông thấy nhiều người làm giàu từ việc nuôi bò sữa, nên gom tất cả tiền dành dụm mua 2 con bò giống về nuôi và sau đó tiếp tục tăng đàn. Ðến nay, ông Cần đã có hơn 30 con bò cho sữa mỗi ngày, sau khi trừ chi phí ông thu về hơn 30 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2004, ông Võ Thanh Cần đã cùng bà con thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Long Hòa do ông làm giám đốc với 30 xã viên, tổng đàn bò hơn 300 con. Ðến nay phường Long Hòa đã có hơn 50 hộ nuôi bò sữa, hộ nuôi ít có 5 con, có hộ nuôi nhiều lên đến 60 con.

Phóng sự ảnh: LÊ VŨ

Hòa Bình: Mật ong Lâm Sơn - sản phẩm OCOP 3 sao

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Xã Lâm Sơn (Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển diện tích rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả, đem lại nguồn nguyên liệu phấn hoa dồi dào, đa dạng cho việc nuôi ong lấy mật của người dân.

Sản phẩm mật ong của HTX ong mật Lâm Sơn (Lương Sơn) được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Với việc xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020, mật ong và các sản phẩm từ ong của HTX ong mật Lâm Sơn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Với vị trí giáp Thủ đô Hà Nội, đây là lợi thế giúp sản phẩm mật ong Lâm Sơn dễ tiếp cận nhiều khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mật ong Lâm Sơn có nguồn gốc từ các hộ thành viên HTX ong mật Lâm Sơn, với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi ong. Ban đầu, mật ong được lấy bằng đõ gốc cây của 5 - 10 hộ, mỗi hộ có từ 305 đõ, thu hoạch bằng cách vắt, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ gia đình và làm quà biếu người thân. Năm 2019, HTX ong mật Lâm Sơn được thành lập nhằm liên kết trong sản xuất, tìm thị trường ổn định tiêu thụ mật ong. Đến nay, toàn xã có hơn 30 hộ nuôi ong, hộ nuôi nhiều lên tới 200 đàn, nâng tổng số đàn ong của xã có thời điểm lên tới 2.500 đàn, sản lượng từ 13 - 15 tấn mật/năm; chưa kể các sản phẩm khác từ ong như phấn hoa, sữa ong chúa và sáp ong. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, khai thác sản phẩm bằng máy quay ly tâm, lắng lọc hạ thủy phần nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giữ nguyên màu sắc, mật ong Lâm Sơn trở thành đặc sản nổi tiếng tại địa phương. Với ưu điểm vượt trội về chất lượng cùng giá bán hợp lý, tạo cho mật ong Lâm Sơn có lợi thế cạnh tranh.

Bằng truyền thống, kinh nghiệm dày dặn trong việc nuôi ong của các thành viên, HTX ong mật Lâm Sơn khai thác hiệu quả nguồn lợi từ ong giống, một mặt tiết kiệm được chi phí sản xuất, không cần bỏ vốn đầu tư ong giống, mặt khác nhân giống, bảo tồn loài ong quý lưu truyền lại từ các thế hệ trước. Giống ong thuần chủng đã thích nghi điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương, có khả năng sinh trưởng, miễn dịch tốt, cho chất lượng mật thơm, trong. Bên cạnh đó, hiểu rõ tập tính sinh học của đàn ong, nắm được nguồn phấn hoa mùa nào thức ấy của địa phương di chuyển đàn ong đến các địa điểm kiếm mật (keo rừng, nhãn, vải, táo tự nhiên) để nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong.

Ông Lê Đình Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Cùng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, HTX ong mật Lâm Sơn đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý, thu hút, mở rộng số lượng thành viên và các hộ dân trên địa bàn liên kết, tham gia vào mô hình nuôi ong lấy mật. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hóa trang thiết bị, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm mật ong Lâm Sơn - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vươn ra thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.

Hải Linh

Nuôi chim yến còn mang tính tự phát, không bảo đảm môi trường, phòng dịch

Nguồn tin: Báo Long An

Qua rà soát, đánh giá, đa phần các nhà nuôi, dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh Long An mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn.

Nuôi chim yến ở tỉnh vẫn mang tính tự phát

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ số liệu thống kê gần đây, trên địa bàn tỉnh có 533 nhà nuôi yến, tổng diện tích là 160.130m2, ước số lượng đàn yến là 255.235 con, ước sản phẩm là 2.150kg tổ yến/năm. Trong đó, số nhà yến đang khai thác là 176 nhà (chiếm 33%) và chưa khai thác là 357 nhà (chiếm 67%).

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý xây nhà nuôi chim yến trong khu dân cư không có giấy phép xây dựng do hiện nay chưa có quy định thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà yến (209 nhà, chiếm 39%). Nhiều người nuôi còn tự ý cải tạo, thay đổi công năng nhà ở thành nhà nuôi chim yến.

Hầu hết nhà nuôi chim yến chưa thực hiện các hồ sơ bảo vệ môi trường (số nhà có hồ sơ môi trường là 39 nhà, chiếm 7,3%); số nhà yến có trang bị dụng cụ đo âm thanh là 210 nhà (chiếm 39,4%); số nhà yến có thực hiện việc khử trùng là 177 nhà (chiếm 33,2%).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thống kê trên cho thấy số lượng nhà yến phát triển rất nhanh qua các năm. Tuy nhiên, việc dẫn dụ, gây nuôi này còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Do đó, việc quản lý an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn cho con người chưa được bảo đảm./.

Lê Đức

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop