Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 02 năm 2020

Ảnh hưởng dịch nCoV: nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ở Trà Vinh thất thu

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh

Ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (NcoV) gây ra, thanh long ruột đỏ không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ mùa nghịch và thương lái thu mua thanh long ở Trà Vinh đang bị thất thu nặng nề.

Ảnh: Ông Lê Phước Trượng, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành thu hoạch thanh long mùa nghịch

Hiện thanh long ruột đỏ loại I, thương lái ở Trà Vinh chỉ mua với giá 10.000 đồng/kg, loại II 7.000 đồng/kg loại III có giá 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 35.000-45.000 đồng/kg so với 2 tuần trước và cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Cơ sở thu mua Vạn Phát Thành, (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cho biết, hiện ông rất lo lắng bởi hơn 1 tuần nay, 10 xe container chở thanh long ruột đỏ Trà Vinh (12 tấn/xe) của cơ sở ông trị giá 6 tỷ đồng đang chờ ở cửa khẩu Lào Cai và Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Khó khăn về đầu ra do không thể xuất khẩu thanh long và đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nhưng cơ sở ông vẫn không thể ngưng thu mua thanh long cho nhà vườn quen trong tỉnh. Tuy nhiên, thêm điều lo lắng là 2 kho lạnh của cơ sở với sức chứa 100 tấn đến nay đã gần đầy; và nếu trữ lạnh hơn 2 tuần chất lượng thanh long sẽ giảm đáng kể.

Ông Lê Phước Trượng, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông trồng 1,1 ha thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, vào vụ nghịch (từ tháng 10 âm lịch), gia đình ông đều xử lý xông đèn cho thanh long ra trái, thu hoạch khoảng 3 đợt. Nhiều năm nay, giá thanh long nghịch vụ luôn ở mức cao, nhờ vậy, gia đình ông luôn đảm bảo lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Hiện, vườn thanh long của ông còn khoảng 7.000 m2 đang thu hoạch đợt cuối mùa nghịch này, với sản lượng khoảng 4 tấn. Với giá bán giảm khoảng 40.000 đồng/kg so với cùng kì những năm trước, gia đình ông thất thu hơn 150 triệu đồng.

Ông Trượng chia sẻ, trồng thanh long xử lý mùa nghịch chi phí điện, nước, công lao động cao hơn nhiều so với mùa thuận. Giá thành sản xuất mỗi kg thanh long ruột đỏ mùa nghịch bình quân khoảng 15.000 đồng/kg, nếu dùng công nhà thì khoảng 10.000 đồng/kg; do vậy với giá bán này, nhà vườn trắng tay. Tuy nhiên, ông Lê Phước Trượng cho rằng, giá thanh long ruột đỏ sẽ mau chóng ổn định trở lại, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona được kiểm soát, thanh long tiếp tục xuất khẩu qua Trung Quốc.

Ông Lâm Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành cho biết, những năm gần đây, trước sức hấp dẫn về lợi nhuận, nhà vườn trên địa bàn xã liên tục mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ. Năm 2016, toàn xã chỉ trồng 16 ha thanh long ruột đỏ thì hiện nay đã phát triển lên gần 90 ha; trong đó, khoảng 70 ha đang cho trái. Điều chính quyền địa phương lo ngại là hiện nay, việc tiêu thụ thanh long ruột đỏ chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Lâm Hữu Tùng cho biết thêm, tại địa phương, 80% sản lượng thanh long ruột đỏ phải xuất khẩu sang Trung Quốc. Do vậy, địa phương tăng cường tuyên truyền người dân tạm ngưng mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng một số mô hình trồng các loại cây thích nghi điều kiện thổ nhưỡng địa phương và dễ tìm thị trường tiêu thụ bền vững.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng ứ đọng cục bộ, kịp thời báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường thu mua nông sản, có biện pháp quản lý chất lượng, bảo quản, chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước; giảm thiểu thiệt hại cho nông dân trong tỉnh.

Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 400 ha trồng thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và Càng Long.

TH

Thanh long Bình Thuận trong những ngày chống corona virus!

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Với gần 90.000 tấn thanh long đã, đang và sẽ chín tính đến cuối tháng 3/2020, trong khi dịch bệnh corona thì diễn biến ngày càng phức tạp, cửa khẩu Tân Thanh đã lùi thông quan đến cuối tháng 2, đã đưa nhà vườn, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh đứng trước cảnh: “Dầu sôi lửa bỏng”. Phải tính cho hiện tại và cả tương lai, khi toàn tỉnh Bình Thuận có đến 30.000 ha thanh long.

Ảnh: N Lân

Ưu thế xuất chính ngạch

Hôm 8/2, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cửa khẩu mà hơn 70% thanh long Bình Thuận qua mua bán, phía bên Trung Quốc đã lùi thông quan vào cuối tháng 2/2020, thay vì ngày 10/2 như dự tính ban đầu vì dịch bệnh corona đang diễn biến phức tạp. Điều này như đóng lại cơ hội cho hàng thanh long xuất theo đường tiểu ngạch, khi mà hiện tại Bình Thuận đang có 150 xe container thanh long đang chờ ở đây và tại tỉnh, rất nhiều vườn có thanh long đang chín cần phải thu hoạch. Trong khi đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu xuất hàng chính ngạch qua Trung Quốc đã thông quan và giải quyết xong khó khăn trong vấn đề tài xế qua lại cửa khẩu phải cách ly 14 ngày, ảnh hưởng lịch trình của các tài xế xe container bằng cách thành lập một tổ lái xe người Việt Nam tại Lạng Sơn. Điều đó cũng có nghĩa xuất khẩu thanh long chính ngạch theo đường bộ qua Trung Quốc đã thông thoáng. Còn xuất khẩu chính ngạch theo đường biển thì từ tết đến nay, mọi hoạt động vẫn bình thường. Vì vậy, các doanh nghiệp tại tỉnh xuất khẩu thanh long chính ngạch vẫn mua thanh long trữ lạnh, đủ đơn hàng để xuất đi nên vẫn ra quân mua thanh long từ ngày mùng 1 tết. Nổi lên có hơn 10 công ty như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiên Kiên, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty TNHH Thủy Rớt, Công ty TNHH XNK Nguyên Thuận, Công ty TNHH Hưng Nguyên… với thị trường xuất đi đến Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia. Bên cạnh đó, cũng có một số cơ sở thu mua đóng gói thanh long như Xuân Tình, Hồng Đào, Hòa Diệu… cũng mua thanh long và bảo quản tại kho lạnh để xuất khẩu. Từ đó, giá thanh long nhích lên 5.000 - 7.000 đồng, tính đến 7/2.

Lâu nay, nhà vườn không chú tâm đến sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, vì cho rằng không có gì khác biệt trong mua bán nhưng đến hoàn cảnh hiện nay mới thấy rõ, là thanh long VietGAP dễ dàng được mua, được giá hơn. Tương tự, những công ty, doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào thời điểm này mới được đánh giá rõ hơn, ghi nhận nhiều hơn về kinh doanh gắn liền với đạo đức, khi người nông dân ở thế khó. Tại cuộc họp bàn tiêu thụ, sản xuất thanh long do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 7/2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo các sở ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ liên quan đến thuê kho lạnh tạm trữ, hỗ trợ tiền điện tại các kho lạnh cho các doanh nghiệp vẫn mua thanh long từ tết đến giờ trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở đóng cửa.

Con đường quay về

Với khoảng 90.000 tấn thanh long đã, đang và sẽ chín đến cuối tháng 3/2020, trong đó tháng 2 phải thu hoạch là 44.586 tấn thanh long, tháng 3 thu hoạch 43.840 tấn, Bình Thuận đứng trước tình cảnh căng thẳng trong tìm cách để tiêu thụ hết sản lượng trên, tránh xảy ra chuyện đổ bỏ. Ở xuất khẩu, làm sao chuyển hướng thị trường kịp? Chủ Công ty TNHH Sơn Thủy cho rằng, thời điểm này bên cạnh xuất hàng đi theo đơn cần phối hợp hỗ trợ xúc tiến thương mại ở các nước gần ở Đông Nam Á để mở rộng luôn thị trường thì mới mong tiêu thụ tốt hơn sản lượng trên. Phải quay về thị trường nội địa. Sau các cuộc gặp nhiều bên, hệ thống các siêu thị lớn trong nước như Big C, Lotte Mart, Co.op Mart, Vin Mart… đã chung tay mua hàng thanh long Bình Thuận với số lượng dự kiến 120 tấn/ngày. Ngoài ra, Sở Công Thương TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đang giới thiệu 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

Việc tiêu thụ thanh long theo quá trình thu hoạch của dân mới bắt đầu, nhưng đã thấy rõ ưu thế của những nhà vườn sản xuất theo chuẩn VietGAP. Vì các siêu thị đều quan tâm đến chuẩn sản phẩm không chỉ vào thời điểm này. Thực tế, đó là câu chuyện dài. Nhìn lại gần 20 năm qua để thấy, thanh long Bình Thuận đã từng “lên bờ xuống ruộng”, vì thích thị trường dễ dãi nên phần lớn đều xuất tiểu ngạch qua biên giới. Trong khi đó, thị trường trong nước, cụ thể là các hệ thống siêu thị vì phải qua đàm phán tới lui, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn nên ngại. Thành ra, bỏ lửng, rồi khi xảy ra tình huống như hiện nay phải mong đến thị trường nội địa và đầu tiên nhất vẫn là hệ thống các siêu thị.

Vì vậy, lời của giám đốc một hệ thống siêu thị lớn cho rằng các HTX, doanh nghiệp mua bán thanh long cần tập trung cho thị trường trong nước với 100 triệu dân một cách nghiêm túc, cần phải suy ngẫm. Nghiêm túc ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh, vấn đề, không chỉ trái tươi mà còn phải đa dạng hóa sản phẩm để mở và giữ thị trường trước làn sóng trái cây ngoại ồ ạt vào. Bình Thuận hướng đến chế biến, từ sấy dẻo, sấy khô, ủ rượu từ thanh long và đã có thành phẩm đa dạng trên thực tế. Nhưng hầu hết chưa thể mở rộng sản xuất, vì nhiều lý do nhưng chung quy chưa tạo sự liên kết, kết nối các bên liên quan nên đầu ra còn bấp bênh.

Vấp phải thử thách từ dịch bệnh corona vào thời điểm này, không có nghĩa thanh long Bình Thuận không còn đối mặt với những thử thách khác nữa ở phía trước, nếu như không tìm cách hạ sản lượng thanh long lụy vào các chợ biên giới phía Bắc.

BÍCH NGHỊ

Kon Tum: Người trồng dưa hấu và thương lái ‘khóc ròng’ do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nCoV

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Đã vào vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) và thương lái đang “méo mặt”, vì dưa hấu “rớt giá” do không thể xuất sang Trung Quốc. Nếu như thời điểm này các năm trước giá dưa hấu có lúc lên đến 12.000 đồng/kg bán tại ruộng mà không có dưa bán thì hiện nay giá dưa tại ruộng chỉ còn khoảng 1.500 - 2.500 đồng/kg nhưng vẫn vắng người mua.

Mất mùa, mất giá

Thời tiết năm nay không khí lạnh kéo dài, người trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô chưa hết lo lắng bởi một vụ dưa thất bát, thì tiếp đến khi thu hoạch dưa hấu lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Một vài năm trước, vào thời điểm này, khi thị trường xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc bấp bênh, người nông dân thường bị các thương lái ép giá nhưng vẫn có người mua. Nhưng năm nay, kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, những hộ nông dân trồng dưa hấu thu hoạch sau thời điểm này đều bán không có người mua, vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (dịch bệnh nCoV) đã làm cho việc xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc (một trong những thị trường chính tiêu thụ dưa hấu của Việt Nam) bị ngưng trệ.

Theo tính toán của những người trồng dưa, mỗi hecta trồng dưa, người dân bình quân bỏ vốn đầu tư từ 80 - 90 triệu đồng và thu hoạch bình quân từ 40 - 45 tấn dưa. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay không thuận lợi nên sản lượng dưa ở nhiều chân ruộng giảm nhiều so với mọi năm. Vậy mà dưa hấu không tiêu thụ được, coi như vụ dưa năm nay người nông dân phải đối mặt với tình trạng vừa mất mùa, vừa mất giá.

Thương lái “bỏ của chạy lấy người”

Chỉ vài tuần trước đây, nhiều thương lái dự đoán năm nay do thời tiết lạnh kéo dài, mất mùa nên giá sẽ cao hơn mọi năm trước. Vì vậy, thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều thương lái đổ xô đi lùng sục các đám dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô để “đặt cọc” tiền trước cho chủ vườn nhằm bảo đảm nguồn cung với hy vọng sẽ thu lãi lớn. Nhưng đến nay, khi đến kỳ thu hoạch, chủ ruộng dưa nhiều lần liên lạc với các thương lái đến thu mua nhưng tất cả các thương lái đều từ chối.

Khi được hỏi vì sao không tiếp tục thu mua dưa hấu như hợp đồng cam kết với các hộ nông dân trồng dưa, bà T.T.S - một thương lái chuyên thu mua dưa hấu than vãn: Thôi chú ơi, đừng nhắc đến mua bán dưa hấu làm gì nữa, cũng bởi vì dưa hấu mà chỉ trong vòng chưa đầy tuần nay vợ chồng chúng tôi mất trắng hơn nửa tỷ đồng. Trước Tết Nguyên đán vài ngày, đi xem các ruộng dưa sắp đến kỳ thu hoạch chúng tôi chốt giá với người dân là sẽ thu mua 7.000 đồng/kg. Đón Tết Nguyên đán xong được vài ngày, chuẩn bị thu gom dưa thì nghe nói dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang hoành hành bên Trung Quốc và hai bên đóng cửa khẩu nên hàng ngàn tấn dưa hấu giờ không biết bán đâu.

“Chỉ tính riêng trên địa bàn 2 xã Diên Bình và Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) vợ chồng chúng tôi đặt cọc tiền trước gần 400 triệu đồng cho các hộ trồng dưa. Mấy ngày nay các hộ dân trồng dưa điện thoại réo liên tục hối lên cắt dưa và sẵn sàng hạ giá bán xuống còn 2.500 đồng/kg nhưng nếu tôi cắt dưa hấu rồi bán cho ai đây, vì không thể xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, giá dưa mua tại ruộng hiện nay ở một số huyện của tỉnh Gia Lai hạ xuống chỉ còn 500 đồng/kg mà cũng chẳng mấy ai mua. Thế nên chúng tôi đành phải mất trắng tiền đặt cọc. Mấy hôm nay nóng gan, nóng ruột như đang ngồi trên đống lửa vì hơn nửa tỷ đồng của gia đình tôi không cánh mà bay theo con vi rút Corona chỉ trong chốc lát...” - bà T.T.S giãi bày thêm.

Dưa hấu sau khi thu hoạch người nông dân đổ đống bán lẻ với giá bèo. Ảnh: ĐV

Người trồng dưa lao đao

Không còn cách nào khác, thương lái thì đành “bỏ của chạy lấy người”, còn người nông dân trồng dưa hấu thì bỏ bao nhiêu vốn liếng, dầm sương dãi nắng để bám trụ với ruộng dưa giờ cũng đứng ngồi không yên vì dịch bệnh nCoV.

Ông Lương Văn Hội - người trồng dưa ở thôn 4, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) than thở: Mùa dưa hấu năm nay tôi và đứa con trai cùng nhau trồng gần 5ha. Những ngày trước Tết Nguyên đán 2020, khi dưa còn xuất sang Trung Quốc, chúng tôi kịp thu hoạch được gần 2ha bán nhưng vẫn không có lời lãi bao nhiêu. Nguyên nhân là do năm nay đợt không khí lạnh kéo dài nên sản lượng dưa không đạt như mọi năm. Bao nhiêu hy vọng sẽ thu hồi vốn và có thêm tiền trang trải cuộc sống đều đặt hết vào 3ha dưa còn lại sẽ thu hoạch sau đợt Tết này. Thế nhưng, hy vọng đó đã tiêu tan theo mây khói.

Dừng lại châm điếu thuốc lá rít một hơi, ông Hội cho biết thêm, mấy hôm nay, nhiều người trồng dưa lân cận ruông dưa nhà tôi cũng đến kỳ thu hoạch, dưa nằm đầy ruộng nhưng vẫn không thấy ai đến mua. Hiện, tôi còn 3ha dưa sắp đến kỳ thu hoạch khoảng 130 tấn, nhưng giá dưa hấu tại ruộng tuột dốc từng ngày như hiện nay thì việc một mùa dưa thất bát nữa lại đến sẽ khó tránh khỏi. Hiện, dưa chưa thu hoạch, nhưng do giá xuống quá thấp nên việc chăm sóc, canh giữ dưa của các chủ vườn không còn coi trọng như trước đây. Một số người già, trẻ em trong khu vực lân cận hàng ngày ra đám xin cả bao dưa mang về là chuyện bình thường...

Đã hơn 5 giờ chiều, không khí lạnh bắt đầu kéo tới nhưng anh Lương Ngọc Tuấn vẫn ngồi tần ngần bên đống dưa mới thu hoạch gần 2ha của mình đổ bán khu bùng binh lên xã Pô Kô than thở: Chắc chắn những ngày tiếp theo giá dưa hấu sẽ còn xuống thấp nữa, vì lúc này nhiều người thu hoạch rộ, như vậy người dân “ôm nợ” vì một vụ dưa hấu thất bát đã quá rõ. Riêng chi phí giống, tiền thuê đất, phân bón, bạt ni lông để dẫn nước… cho 4ha dưa hấu, số tiền gia đình tôi đầu tư cũng lên đến khoảng 350.000 triệu đồng. Đó là chưa kể hơn 3 tháng bỏ công chăm sóc. Mấy ngày nay gia đình tập trung hết công suất vừa bán lẻ, vừa chở đi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng để chào hàng. 2 hecta dưa còn lại cũng chuẩn bị thu hoạch mà hiện giờ chưa biết tính sao, vì dưa bán quá chậm. Nhiều người trồng dưa ở đây đều không muốn thu hoạch, mặc dù dưa đang bắt đầu chín tới...

Ông Nguyễn Thành Thông - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết, do giá cả dưa hấu những năm gần đây không ổn định nên huyện Đăk Tô không giao diện tích về cho các địa phương. Đầu ra của dưa hấu lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên người nông dân không chủ động được đầu ra. Năm nay, các địa phương của huyện Đăk Tô trồng dưa hấu nhiều trên địa bàn huyện là xã Diên Bình, xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô. Nhưng so với mọi năm thì năm nay diện tích trồng dưa hấu không nhiều bằng, nhiều diện tích trồng dưa hấu trước đây, giờ thay thế bằng cây chanh dây…

Như vậy, đầu ra của dưa hấu chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những năm trước đây, khi chưa có dịch bệnh nCoV, chuyện thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom nông sản đẩy giá lên cao, sau đó ngưng thu mua khiến giá nông sản lao dốc không phanh đã không còn lạ lẫm đối với người dân Kon Tum. Vậy là lần này chúng ta lại có thêm bài học đắt giá cho phong trào trồng nông sản xuất sang Trung Quốc. Chỉ tiếc công sức người nông dân đổ ra cho loại cây trồng này chẳng khác nào một canh bạc, mà phần thua luôn nghiêng về người nông dân!

Bảo Châu

Nông dân thi đua làm giàu cho vùng đất mới Đồng Tháp Mười

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang), có diện tích tự nhiên trên 33.300 ha, 12 xã và 01 thị trấn, là nơi sinh sống của gần 16.500 hộ dân và trên 63.000 nhân khẩu. Dân cư phần lớn từ nhiều nơi khác hưởng ứng chủ trương di dân vào khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Tuy nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, đất đai hoang hóa hàng thế kỷ, nhiều khu vực bị nhiễm phèn nặng, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, nhưng Tân Phước giàu tiềm năng về phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt và chăn nuôi. Đất đai màu mỡ thích hợp để xây dựng các vùng trồng cây công nghiệp, trồng lúa, cây ăn trái,...Khoai mì Bến Kè, khoai mỡ, dứa (khóm)... là những cây trồng đặc hữu nổi tiếng của vùng Đồng Tháp Mười.

Nông dân Tân Phước trong những năm đầu tiên lập nghiệp gặp không ít khó khăn, đa phần bà con đều nghèo khó, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Tuy nhiên, với sự cần cù, chịu khó làm ăn cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về vốn, về kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng điện - đường - trường - trạm... đã tạo động lực để nông dân khai hoang, vỡ hóa, mở rộng sản xuất, đưa vùng đất mới Đồng Tháp Mười đi lên mạnh mẽ, hướng đến giàu đẹp và thịnh vượng.

Nổi bật phải kể đến phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi được hội viên nông dân tích cực hưởng ứng đã tạo khí thế thi đua làm giàu sôi nổi trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề nơi quê mới. Ban đầu bà con khai hoang trồng khóm (dứa), trồng khoai..., dần dần, đất đai được tháo chua rửa phèn, độ màu mỡ tăng cao, nông dân chuyển sang trồng lúa, cây ăn trái hoặc ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp trong sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp theo kiểu VAC, VACR phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nông dân Nguyễn Thành Hiển (sinh năm 1970), cư ngụ xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước canh tác 7 ha dứa (khóm), 01 ha khoai và 1,5 ha lúa năng suất cao cho biết: "Đất đai nơi đây thích hợp phát triển trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên, để thành công thì nông dân phải biết nhạy bén tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thâm canh để giành những vụ mùa bội thu". Đó là lý do ông thường xuyên tham dự những cuộc tập huấn, hội thảo về thâm canh khóm, lúa trên vùng đất nhiễm phèn... do cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật tổ chức. Qua đó, những giải pháp xử lý bệnh trên cây dứa như héo khô đầu lá, hạn chế teo đầu dứa, hạn chế ra hoa tự nhiên...; gieo sạ lúa theo lịch xuống giống tập trung, né rầy, áp dụng quy trình canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trên cây lúa; phòng trị bệnh trên cây khoai mỡ... được ông tiếp thu và áp dụng rộng rãi đã giúp tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi năm, với diện tích canh tác trên, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi ròng trên 500 triệu đồng. Từ chỗ nghèo khó, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau, sau vài năm lập nghiệp trên vùng đất mới Đồng Tháp Mười, gia đình ông Hiển đã trở thành triệu phú nông thôn.

Ông Dương Văn Tâm, cư ngụ ấp Kênh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước chọn mô hình thâm canh lúa năng suất cao kết hợp với lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản và chăn nuôi (VAC). Gia đình ông hiện canh tác 3,5 ha lúa năng suất cao và 0,25 ha đất vườn cây ăn trái. Học tập kỹ thuật canh tác lúa từ các lớp khuyến nông, bảo vệ thực vật do ngành chức năng tổ chức, ông Tâm đi tiên phong áp dụng các biện pháp thâm canh khoa học trong canh tác lúa như: Sạ thưa, sử dụng giống xác nhận, phẩm chất tốt, dùng phân và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" cùng những giải pháp khoa học tiên tiến khác. Đối với đất vườn, ông trồng dừa xen canh mít Thái siêu sớm. Đây là những cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, thích hợp thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, ông còn xây chuồng trại nuôi lợn thịt với qui mô xuất chuồng mỗi đợt khoảng 30 con, dưới ao thì nuôi thêm các loại cá nước ngọt như cá tra, trê lai, rô phi dòng gifl... để cải thiện thêm thu nhập. Với mô hình trên, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng trên 200 triệu đồng. Ông Dương Văn Tâm nhiều năm nay được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu trên vùng đất mới Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang. Ông là tấm gương sáng về lập thân, lập nghiệp ở huyện Tân Phước hôm nay.

Nuôi chí làm giàu trên quê hương mới nên khi vào lập nghiệp tại ấp 2, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, ông Lê Văn Neo quan tâm khai hoang, vỡ hóa, cải tạo đất đai và đưa cây thanh long về Đồng Tháp Mười dựng nghiệp. Thanh long ruột đỏ là cây trồng chịu hạn, thích hợp thổ nhưỡng vùng đất mới. Trái thanh long là nông sản có giá trị xuất khẩu cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Nhận thấy tiềm năng của cây ăn trái đặc sản này, năm 2013, ông lên liếp trồng 01 ha thanh long ruột đỏ. Ba năm sau, vườn thanh long đã cho năng suất ổn định, thu nhập bán được 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 700 triệu đồng. Thành công ngoài dự đoán, năm 2015 ông tiếp tục lên liếp và mở rộng diện tích thanh long thêm 1,2 ha. Năm 2017, trồng thêm 1,2 ha, nâng đến nay ông có tổng cộng 3,4 ha thanh long ruột đỏ chuyên canh. Với diện tích trên, trong năm qua, ông Lê Văn Neo bán thanh long thu 2,3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 1,6 tỷ đồng. Ông Neo cho biết, nhờ vườn thanh long chuyên canh, mấy năm nay, gia đình ông không những vượt qua khó khăn mà còn tạo dựng cơ nghiệp bền vững.

Theo ông Huỳnh Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước, trong 3 năm qua, địa phương đã bình chọn được trên 18.000 lượt nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ba cấp, trong đó có 1.154 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi được đẩy mạnh, trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong hội viên nông dân địa phương đã có tác động tích cực, là động lực để Tân Phước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Thấy rõ nhất là tạo quan hệ mới trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nói chung, góp phần mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông thôn; chuyển đổi về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hình những vùng nông sản hàng hóa xuất khẩu, nông nghiệp - nông dân - nông thôn hưởng lợi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nông thôn,...

Từ chỗ là vùng hoang hóa trong nhiều thế kỷ, nhiều nơi chưa in mấy dấu chân người, nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, của những nông dân năng động, nhạy bén trước những thời cơ và vận hội mới như: Nguyễn Thành Hiển, Dương Văn Tâm, Lê Văn Neo..., vùng Đồng Tháp Mười Tiền Giang nay là huyện Tân Phước sau gần 26 năm thành lập (1994 - 2020) đã trở thành huyện giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, có thế mạnh về những vùng chuyên canh cây trồng đặc sản hướng đến xuất khẩu, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước, hiện nay, địa phương đã định hình vùng trồng lúa năng suất cao gần 6.400 ha, trên 1.500 ha màu thực phẩm, gần 500 ha màu lương thực, vùng trồng dứa (khóm) chuyên canh trên 15.200 ha, trên 2.000 ha cây ăn trái đặc sản như thanh long ruột đỏ, mít, chanh,...Nhờ phát huy thế mạnh cây trồng đặc sản, toàn huyện đã có 5/12 đơn vị xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, đồng thời tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 5,3% mà thôi...

Minh Trí

Đắk Lắk: Cánh đồng mẫu cà phê ở Ea Ngai

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Bằng tư duy nhạy bén, một nhóm nông dân ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã xây dựng được vùng chuyên canh cà phê liền thửa, đồng nhất về giống, thống nhất về quy trình sản xuất để tạo ra hạt cà phê Robusta chất lượng cao.

Khi nông dân chủ động liên kết

7 năm trước, một vùng đất hơn 40 ha ở thôn 1, xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) được một doanh nghiệp rao bán sau khi đầu tư cây tràm gió thất bại. Anh Trần Xuân Phái (ở thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) nghe tin đã đến khảo sát và nhận thấy đây là vùng đất rất phù hợp để trồng cà phê quy mô lớn với nhiều lợi thế: đất đỏ bazan màu mỡ, độ cao trung bình 750 m so với mực nước biển, nhiệt độ môi trường thấp hơn từ 2 - 3oC so với các vùng đất khác trong tỉnh.

Anh Phái đã thuyết phục, huy động người thân, bạn bè cùng góp vốn mua lại toàn bộ phần đất này rồi chia theo tỷ lệ góp vốn của từng người. 13 chủ sở hữu mới đều là những người có kinh nghiệm canh tác cà phê lâu năm ở Cư M’gar và cùng thống nhất áp dụng chung một giống, chung một quy trình canh tác để hướng đến một vùng chuyên canh cà phê tập trung về diện tích, đồng nhất về chất lượng.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tiến Thành Trần Xuân Phái (bên trái) giới thiệu về quy trình canh tác cà phê TR4 của HTX.

Toàn bộ diện tích đều được các anh chọn giống cà phê TR4 từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên để canh tác. Các khâu cải tạo đất, xuống giống, chăm sóc đều được thực hiện đồng loạt theo đúng kỹ thuật tiếp thu từ Viện và các tài liệu chăm sóc cà phê. Một số vườn được xen canh cây ăn trái phù hợp để tạo môi trường sinh thái bền vững. Để có đủ vốn đầu tư, nhiều thành viên phải thế chấp tài sản để vay ngân hàng hoặc bán bớt phần đất rẫy ở nơi khác, tập trung xây dựng vùng cà phê mới. Anh Phái cũng đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) Nông nghiệp dịch vụ Tiến Thành để ký kết mua phân bón trả chậm và liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê nhân với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, hỗ trợ thành viên đầu tư sản xuất.

7 ha của gia đình anh Phái và diện tích cà phê của nhiều thành viên khác đều được thu hoạch theo đúng quy trình sản xuất bền vững.

Hướng đến thương hiệu cà phê đặc sản

Nhờ được đầu tư chăm sóc bài bản, kỹ lưỡng, toàn bộ diện tích vườn cà phê của các thành viên THT đều sinh trưởng tốt, sớm cho trái bói to, đều, đẹp với nhiều đặc tính vượt trội so với những giống cà phê cũ canh tác ở nơi khác. Đầu năm 2019, 13 thành viên THT thống nhất thành lập HTX, đầu tư chế biến cà phê chất lượng cao ngay tại vùng sản xuất.

Cà phê chế biến theo phương pháp Honey tại HTX Tiến Thành.

Các thành viên đã góp vốn đầu tư máy bóc vỏ quả tươi, máy phân loại, lò sấy, nhà màng phơi cà phê, sân phơi bê tông… Cà phê được hái chọn quả chín ngay từ trên cây rồi đưa vào bể rửa để loại bỏ quả nổi và tạp chất. Sau đó, nhân công của HTX sẽ tiếp tục đưa cà phê vào máy phân loại quả xanh, bóc vỏ quả chín và ủ cho đến khi dậy mùi lên men tương tự như mùi rượu vang. Đây là giai đoạn quyết định sự thành bại của mẻ cà phê chất lượng cao. Chỉ những mẻ đạt yêu cầu mới được đưa vào nhà màng, phơi trên giàn cao tạo thành cà phê thóc Honey. Trước đó năm 2018, THT đã sản xuất thử nghiệm được hơn 20 tấn cà phê chất lượng cao, bán cho công ty Đăk Man với giá chênh lệnh khoảng 10.000 đồng/kg so với giá thị trường. Phần cà phê không đạt tiêu chuẩn chất lượng cao được bán dưới dạng nhân xô song cũng được các doanh nghiệp thu mua tại địa phương đánh giá tốt nhờ hạt to, màu sáng, độ đồng nhất cao.

Vụ thu hoạch năm 2019, ước sản lượng vườn cà phê của HTX đạt gần 200 tấn, với năng suất bình quân 5 tấn nhân/ha. HTX dự kiến sẽ sản xuất khoảng 60 tấn cà phê Honey để cung ứng cho các doanh nghiệp và đơn vị rang xay. Bên cạnh đó, HTX đang thực hiện các bước xây dựng vùng canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C, thường xuyên gửi mẫu kiểm định thành phần, hàm lượng của cà phê chất lượng cao để làm cơ sở quảng bá sản phẩm, chủ động tiếp cận nhiều nhà rang xay hơn nữa.

Ông Trần Xuân Phái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, mục tiêu trước mắt của HTX là xây dựng vùng cà phê nguyên liệu chất lượng cao thật tốt, tiến tới việc phát triển các mặt hàng cà phê đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê đặc trưng của vùng đất này. Sau đó, HTX sẽ hướng đến các sản phẩm tinh chế kết hợp với hình thành những sản phẩm du lịch, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho chính những người sản xuất cà phê tại đây.

Năm 2019, HTX Tiến Thành được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng mua trang thiết bị mở rộng sản xuất cà phê chất lượng cao. Đây là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới Trung ương hỗ trợ các HTX nông nghiệp thành lập từ THT gắn với sản phẩm đặc trưng, làm tiền đề triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với phát triển du lịch nông thôn.

Đinh Nga

Nấm rơm có đầu ra ổn định nhờ bao tiêu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo thống kê của ngành chuyên môn, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hiện có khoảng 15ha sản xuất nấm rơm, đang cho thu hoạch. Phần lớn diện tích này đều được thương lái bao tiêu với giá 45.000 đồng/kg. Mặc dù giá bao tiêu này thấp hơn giá thị trường hiện nay gần 5.000 đồng/kg nhưng người trồng nấm rất phấn khởi, vì đầu ra ổn định.

Người dân thu hoạch nấm rơm bán cho thương lái.

Anh Nguyễn Văn Đông, người dân trồng nấm rơm ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết một vụ nấm rơm thường kéo dài khoảng hơn một tháng. Sau khi xuống meo là thương lái đến đặt cọc bao tiêu hết với giá cố định, nên nông dân rất an tâm sản xuất. Với giá bao tiêu vụ này, trừ hết chi phí sản xuất, người trồng nấm rơm lãi hơn 15.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Thuận Bắc (Ninh Thuận): Áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm ứng phó hiệu quả với nắng hạn

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa không đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) đã chủ động áp dụng hình thức tưới nước tiết kiệm, giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trong điều kiện nắng hạn.

Được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, với hơn 8.660 ha đất canh tác, tuy nhiên do tác động của biến đổi khí hậu, trong vài năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước tưới ngày càng nghiêm trọng, gây không ít khó khăn đối với việc sản xuất của người dân. Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, bên cạnh thực hiện đồng bộ giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện còn lựa chọn một số khu vực thường xuyên thiếu nước tưới để làm điểm xây dựng mô hình trình diễn về tưới tiết kiệm nước; đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư lắp đặt, tạo lượng nước tưới xuyên suốt mùa vụ, đảm bảo sản xuất bền vững trong mùa khô hạn.

Áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, giải pháp ứng phó hiệu quả với hạn hán của nông dân Thuận Bắc.

Mô hình tưới nước tiết kiệm ở huyện Thuận Bắc triển khai thí điểm vào năm 2014 tại xã Bắc Phong, theo đó, 9 nông hộ tại thôn Mỹ Nhơn, được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, mỗi hộ 6 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho hoa màu trên diện tích 6,5 ha. Chị Trương Thị Diệu, một trong những hộ tham gia mô hình, chia sẻ: Nếu sử dụng phương pháp tưới tràn như trước đây, không chỉ gây lãng phí nước, tưới không đồng đều mà còn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Từ khi áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, bà con không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước mỗi khi mực nước hồ xuống thấp, toàn bộ diện tích canh tác đều được bao phủ bằng hệ thống tưới phun nhỏ giọt. Với ưu điểm mang lại thiết thực, mô hình ngày càng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân trên địa bàn. Đơn cử, hộ anh Châu Văn Nho, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, 2 sào ớt và cỏ voi của gia đình luôn phát triển tốt, ít sâu bệnh, cây ớt cho năng suất trung bình từ 2-2,5 tạ/sào/vụ, tăng 1,5 lần so với sử dụng phương pháp tưới truyền thống.

Để từng bước nhân rộng mô hình trên diện rộng, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, ngày 18-8-2017 của UBND tỉnh, huyện Thuận Bắc tập trung hỗ trợ người dân mở rộng hệ thống tưới tiết kiệm, đến nay đạt trên 21,4 ha; trong đó, xã Bắc Phong 11,2 ha, Lợi Hải 6,8 ha, Công Hải 2,35 ha, Bắc Sơn 1 ha, chủ yếu trên cây măng tây xanh, cây ăn quả và cỏ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Bắc, cho biết: Để người dân có điều kiện đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm, mở rộng diện tích sản xuất trong tình hình nắng hạn, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đề xuất Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước; phối hợp với ngành chức năng tăng cường tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất với quy mô ngày càng tăng.

Hồng Lâm

Sóc Trăng: Trao chứng nhận VietGAP cho hành tím của Tổ hợp tác lúa - màu Cà Lăng B, TX. Vĩnh Châu

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngày 8-2, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng (TT-BVTV) phối hợp Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu tổ chức trao chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác (THT) lúa - màu Cà Lăng B, khóm Cà Lăng B, Phường 2 (TX. Vĩnh Châu). Đến dự có lãnh đạo Chi cục TT-BVTV, Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu cùng toàn thể thành viên THT lúa - màu Cà Lăng B.

Lãnh đạo Chi cục TT-BVTV trao Chứng nhận VietGAP cho THT lúa - màu Cà Lăng B. Ảnh: Thúy Liễu

THT lúa - màu Cà Lăng B được trao chứng nhận đạt VietGAP trên cây hành tím có diện tích 10,8 ha/23 thành viên tham gia, thời gian triển khai thực hiện vụ hành để đạt chứng nhận VietGAP vụ hành 2018 - 2019. Trước khi xây dựng mô hình trồng hành tím đạt chứng nhận VietGAP, Chi cục TT-BVTV đã tiến hành hỗ trợ THT về giống bằng cách sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, dùng phân bón trong danh mục phân bón được phép sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc, được phép sử dụng tại Việt Nam; nguồn nước tưới phải sạch; thời gian thu hoạch hành phải được cách ly theo đúng quy định, kèm theo đó thiết bị dụng cụ thu hoạch phải vệ sinh sạch sẽ cũng như quá trình vận chuyển hành không vận chuyển chung với các loại hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm...

Đại biểu tham quan ruộng hành tím của THT lúa - màu Cà Lăng B được trao Chứng nhận VietGAP. Ảnh: Thúy Liễu

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình sinh trưởng của cây hành THT được Chi cục BVTV tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác hành đạt tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ cơ sở vật chất. Sau thời gian triển khai mô hình trồng hành tím THT lúa - màu Cà Lăng B đã được Công ty Cổ phần giám định CaFe và hàng hóa xuất nhập khẩu kết luận hành tím của THT đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Chi Cục trưởng Chi cục TT-BVTV Nguyễn Thành Phước, cho biết: “Việc sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP là xu thế tất yếu tạo nên nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững và với cách sản xuất này ngăn ngừa, hạn chế các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm, môi trường, sức khỏe. Qua đó tạo điều kiện cho THT lúa - màu Cà Lăng B nâng cao chất lượng sản phẩm hành tím, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất…”.

THÚY LIỄU

Trồng xen trong vườn cà-phê mang lại hiệu quả cao

Nguồn tin: Nhân Dân

Việc trồng xen trong vườn cà-phê thời gian qua đã được nông dân nhiều nơi triển khai có hiệu quả nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập, hạn chế rủi ro, góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều vườn cà-phê sau khi trồng xen bơ, hồng, chanh leo, sầu riêng, hồ tiêu… đã tăng thu nhập thêm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà-phê. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay với 617.228 ha cà-phê ở bảy tỉnh (năm địa phương vùng Tây Nguyên và hai tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu) thì có hơn 115 nghìn ha cà-phê có trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều, mắc ca, hồng, chanh dây… Qua thống kê, đến nay việc trồng xen hồ tiêu trong vườn cà-phê là nhiều nhất, chỉ tính riêng ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Bình Phước đã có hơn 22 nghìn ha. Ngoài ra, diện tích trồng xen bơ ở ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai là 12.438 ha; diện tích trồng xen sầu riêng của ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai là 10.089 ha; diện tích trồng xen điều là 12.269 ha, trong đó tỉnh Bình Phước có diện tích lớn nhất với 11.800 ha.

Tại Đắk Lắk, mô hình trồng xen cây ăn quả, hồ tiêu… trong vườn cà-phê tái canh hiện nay đang được các hộ dân áp dụng khá thành công. Tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, tổng diện tích trồng xen trong vườn cà-phê khoảng gần 40 nghìn ha, chiếm 19,3% diện tích trồng cà-phê toàn tỉnh. Theo đánh giá, việc trồng xen trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp sản xuất mang tính bền vững. Qua đánh giá từ các mô hình cho thấy, việc trồng xen sầu riêng, bơ trong vườn cà-phê cho thu nhập bình quân cao hơn gấp từ 3 đến 5 lần so với trồng thuần cà-phê. Với thu nhập ổn định và trải đều trong năm giúp bà con nông dân có điều kiện đầu tư, chăm sóc, phát triển các vườn cà-phê trong thời gian tới. Còn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay cũng có hàng chục nghìn héc-ta bơ, sầu riêng, mắc ca, mít, hồng được trồng xen trong vườn cà-phê. Mặc dù trồng xen các loại cây khác nhưng năng suất cà-phê bình quân vẫn đạt khá cao (3 tấn nhân/ha); riêng trồng xen cây bơ, sầu riêng năng suất cà-phê có thể đạt hơn 4 tấn nhân/ha. So sánh hiệu quả kinh tế thì mô hình trồng xen sầu riêng và bơ cho hiệu quả kinh tế cao nhất (doanh thu 120 triệu đồng/ha/năm); trồng xen hồ tiêu, hồng (từ 54 đến 67 triệu đồng/ha/năm).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay trên địa bàn có khoảng hơn 1.000 ha cà-phê trồng xen các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, cam, quýt hay hồ tiêu... Theo đánh giá, mô hình xen sầu riêng cho năng suất cà-phê 3,2 tấn nhân/ha, năng suất sầu riêng là 3,5 tấn/ha; doanh thu từ mô hình này đạt khoảng 233 triệu đồng/ha, lợi nhuận 154 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng cà-phê thuần túy là 52 triệu đồng/ha. Mô hình trồng xen bơ cho năng suất cà-phê 3 tấn nhân/ha, năng suất bơ là 3,9 tấn/ha, doanh thu 237 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng thuần 54 triệu đồng/ha. Mô hình trồng xen hồ tiêu cho năng suất cà-phê 2,9 tấn nhân/ha, năng suất hồ tiêu là 1,2 tấn/ha, doanh thu 296 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng thuần 81 triệu đồng/ha... Có thể nói, việc trồng xen trong vườn cây cà-phê không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng riêng một loại cây mà còn có tác dụng che bóng mát, chắn gió cho vườn cà-phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây. Điều này góp phần phát triển sản xuất cà-phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, diện tích cà-phê ở nước ta phần lớn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, phân tán theo kiểu nông hộ, vì vậy việc trồng xen các loại cây trồng khác sẽ giúp tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững cây cà-phê trong thời gian tới. Nhưng để bảo đảm việc trồng xen phát huy được hiệu quả, theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các địa phương cần lưu ý một số tiêu chí chính như bảo đảm vườn cà-phê đạt năng suất hơn 3 tấn nhân/ha ổn định qua các năm; bảo đảm mật độ, khoảng cách cây trồng xen hợp lý; sử dụng lượng nước tưới hợp lý; duy trì và cải thiện độ phì đất; giảm thiểu phát sinh sâu bệnh mới trên vườn trồng xen. Từ đó, từng địa phương rà soát diện tích cà-phê có trồng xen, xác định vùng trồng xen tập trung mang lại hiệu quả và bảo đảm chế biến, tiêu thụ ổn định, phù hợp thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần căn cứ vào định hướng phát triển cây công nghiệp khác và cây ăn quả lâu năm để xác định cây trồng xen hợp lý, bảo đảm hiệu quả cho người sản xuất. Đồng thời, chú trọng nguồn nước tưới cho vùng trồng xen, khuyến cáo người sản xuất về cây trồng xen có hiệu quả, ít tranh chấp nguồn nước tưới đối với cây cà-phê, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

NGUYÊN PHÚC

Bắc Giang sản xuất vải thiều xuất khẩu: Tuân thủ quy trình chăm sóc

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Những ngày này, cùng với sản xuất lúa màu vụ xuân, nhà vườn Lục Ngạn (Bắc Giang) đang tập trung chăm sóc vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Tin vui với bà con trồng vải là năm nay, lần đầu tiên Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam. Ngay khi có thông tin, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã gấp rút phối hợp thực hiện các biện pháp. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang tiếp tục liên hệ với phía Nhật Bản để cập nhật các tiêu chuẩn cụ thể, hướng dẫn đến người dân.

Chị Trương Thị Tư, thôn Ngọt, xã Hồng Giang thu dọn tàn dư thực vật sau tỉa cành.

Dù vậy, do có kinh nghiệm sản xuất vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhiều năm qua, hiện nay nhà vườn tại Lục Ngạn đang tập trung chăm sóc để giúp cây sinh trưởng tốt, được mùa. Gia đình chị Trương Thị Tư, thôn Ngọt, xã Hồng Giang trồng hơn một ha vải thiều. Mấy năm gần đây, chị đều chăm sóc vải theo quy trình GlobalGAP nên sản phẩm luôn được giá, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay, cả vườn đều cho mầm hoa mập mạp, tín hiệu cho một mùa vải nhiều hoa, sai quả. Vì thế, chị Tư tỉa bớt một số cành rậm rạp để hạn chế sâu bệnh trú ngụ. Các cành sau cắt được thu gom sạch sẽ.

Ông Hoàng Văn Man, Trưởng thôn Ngọt cho biết, được tập huấn kỹ thuật, người dân đã biết cách chăm sóc vải bảo đảm an toàn; ghi nhật ký bón phân, phun thuốc. Bà con không mua thuốc trừ sâu, bệnh trôi nổi trên thị trường mà sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Sau 15 ngày phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mới thu hoạch sản phẩm. Nhờ đó, nhiều chuyến vải của thôn ngọt được xuất khẩu sang thị trường các nước như: Úc, Mỹ và một số nước châu Âu.

Lục Ngạn có hơn 16 nghìn ha vải. Trong đó, huyện tiếp tục duy trì sản xuất hơn 200 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường cao cấp, riêng thị trường Nhật Bản là 50 ha.

Tại thôn Kép1, xã Hồng Giang, gia đình anh Nguyễn Văn Quyên từ nhiều năm nay là hộ điển hình trồng vải GlobalGAP của huyện. Thành thạo kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và nhìn cây chăm bón, anh đã có một số vụ vải được mùa quả riêng dù các hộ trong xã đều mất mùa. Không chỉ vậy, chất lượng vườn vải này cao, mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện vườn đang cho nhiều hoa, anh Quyên tiếp tục chăm bón vải theo quy trình an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Được biết, Lục Ngạn có hơn 16 nghìn ha vải. Trong đó, huyện tiếp tục duy trì sản xuất hơn 200 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường cao cấp, riêng thị trường Nhật Bản 50 ha. Một số trận mưa lớn xảy ra hồi đầu năm nên nước tưới cho vải tương đối thuận lợi. Xác định tạo ra sản phẩm an toàn là trách nhiệm, vai trò của người sản xuất, cơ quan chuyên môn của huyện luôn đồng hành cùng người dân. Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Vải sớm ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%, tăng mạnh so với năm trước. Vải thiều lác đác ra hoa, dự báo tỷ lệ cũng đạt cao. Đây là giai đoạn quyết định đến chất lượng hoa vải, số lượng hoa trên cành nhiều hay ít sẽ đánh giá tỷ lệ đậu quả nên khâu chăm sóc rất quan trọng. Căn cứ điều kiện thời tiết, tình hình sinh trưởng, phát triển của vải, chúng tôi hướng dẫn các biện pháp thực hiện trong thời gian này”. Cũng theo ông Huy, đơn vị khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc thảo mộc, sinh học để chăm sóc cho cây vải. Tuyệt đối không được dùng thuốc nằm trong danh mục cấm.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, hiện tượng mưa đá, sương muối xuất hiện đã làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa và phát triển của cây vải, nhất là trà vải chính vụ và muộn. Bởi vậy, cây vải giai đoạn này cần được chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh sớm. Đối với trà vải sớm, hộ dân kiểm tra vườn thường xuyên, tập trung bón phân NPK, trung, vi lượng có thành phần magiê, kẽm, phân bón qua lá giúp giảm tỷ lệ rụng hoa và tăng sức đề kháng của cây, kết hợp tỉa cành, lá cành chồi vượt, chú ý giữ ẩm; phòng trừ một số sâu, bệnh gây hại như: Bệnh sương mai, sâu đo, sâu róm và đây là các đối tượng làm giảm chất lượng hoa, ảnh hưởng năng suất vải sau này.

Trên trà vải chính vụ và muộn, thường xuyên theo dõi, cắt các cành nhiễm sâu bệnh, tập trung nuôi mầm hoa phát triển tốt, bón phân và giữ ẩm vừa phải, sử dụng các loại phân trung, vi lượng. Thường xuyên vệ sinh vườn vải sạch sẽ, hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh và phun thuốc trừ bệnh thán thư, bọ xít, rệp muội...

Các nhà vườn, cơ quan chuyên môn luôn sát cánh để chăm sóc cây trồng tốt nhất mở ra triển vọng về một mùa vải mới bội thu.

Trường Sơn

Giá mít Thái giảm sâu, thương lái mua cầm chừng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Tình trạng này đang diễn ra với trái mít Thái ở một số địa phương.

Ghi nhận ngày 6/2/2020, giá mít Thái thương lái thu mua tại vườn chỉ còn khoảng 6.000-7.000 đ/kg. Anh Giang (thương lái ở TX Phụng Hiệp- Hậu Giang) cộ chiếc xe máy chở tầm 100kg mít Thái cho hay, từ sau tết tới nay anh vẫn đổ về Vĩnh Long để mua mít cầm chừng: “Mình vẫn đổ đường, bỏ công cán, vốn liếng để mua giữ mối của các nhà vườn quen, dù giá mít đang xuống thấp”.

Theo anh Giang, có như vậy thì dẫu giá trái cây có lên hay xuống thì lái vẫn ăn hàng được lâu bền.

Một vườn mít Thái sắp cho thu hoạch.

Chị Loan bán quán cà phê trên đoạn đường nông thôn dọc kinh Hai Quý (xã Thành Lợi- Bình Tân) nói ở đây chủ ruộng, nhà vườn đa số canh tác rẫy, trồng khoai lang, trồng mít Thái.

Một lão nông có trồng mít Thái ngồi trò chuyện với chúng tôi. Ông nói trước tết lái đến vườn thu mua tầm 20.000-30.000 đ/kg, nay qua mùng giá chỉ còn 6.000-7.000 đ/kg. Các anh lái buôn nói mua giá đó kèm lựa chọn kích cỡ trái mít. Đến đợt thu hoạch, lái vẫn đến vườn cắt mít, dù giá đã giảm sâu, nhưng nhà vườn vẫn phải bán.

Len lỏi vào sâu nội đồng các xã Tân An Thạnh, Thành Lợi, Thành Trung (Bình Tân), nhiều người dân nói giá mít Thái giảm sâu có thể do thị trường tiêu thụ Trung Quốc ngưng ăn hàng. Nhiều người dân tỏ ra am hiểu nói có lẽ bệnh về đường hô hấp ở quốc gia trên đã gây ảnh hưởng.

Là thương lái, anh Giang hiểu rõ giá cả một số loại trái cây: mít Thái, sầu riêng, chôm chôm đang giảm sâu do tác động của thị trường. Với trái mít Thái, anh vẫn duy trì thu mua “giữ mối” mần ăn. Vào đợt mua ít anh đem bỏ lẻ các chợ, nếu thu mua nhiều thì anh thông qua đầu mối “đóng công” đi thị trường miền Trung, phía Bắc, qua Campuchia.

Đi Đường tỉnh 908, rồi vào trong vùng nội đồng ở xứ rẫy này, ngoài khoai lang, thì thấy nhiều vườn mít Thái các lứa bén rễ. Một vài năm trước, có thời điểm giá bán mít Thái 30.000-40.000 đ/kg, thậm chí 50.000 đ/kg. Lấy giá tròn trên, mỗi trái mít 15-20-25kg thu cả triệu đồng.

Hay mới cuối năm ngoái, giá bán loại trái cây này vẫn còn cao, thì đùng cái giá giảm sâu do thị trường chững lại.

Nhiều bà con nông dân canh tác nông nghiệp khi giá cao họ lời nhiều, giá giảm họ lời ít. Thương lái cũng vậy, nông sản giữ mạch tiêu thụ đều hay chững, họ cũng như người nông dân. Như trái mít Thái hổm nay, nông dân có bán, thương lái vẫn mua, còn thị trường tiêu thụ đang nhỏ giọt.

Bài, ảnh: H.HẬU- M.THÁI

Bà Rịa - Vũng Tàu: Không chủ quan, lơ là về dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đến thời điểm này, theo đánh giá của ngành chăn nuôi, dịch tả heo châu Phi cơ bản đã được kiểm soát. Nhiều tuần qua, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch mới. Tổng đàn heo cũng đã bắt đầu hồi phục, giá heo giảm nhẹ… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Corona diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực để phòng chống, các địa phương càng không được chủ quan, lơ là với dịch tả heo châu Phi.

Ngành thú y khuyến cáo, dù dịch tả heo đã được kiểm soát, các địa phương, người chăn nuôi vẫn cần thận trọng, bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học. Trong ảnh: Nông dân tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức phun xịt khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại chăn nuôi.

TỔNG ĐÀN HEO ĐANG PHỤC HỒI NHANH

Sáng 7/2, tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, ngành thú y của xã nhận được tin báo của một hộ chăn nuôi là đàn heo có dấu hiệu mắc bệnh. Cụ thể, đàn heo sốt cao, bỏ ăn, lười vận động, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ và sau đó chết hàng loạt. Ngay lập tức, cán bộ thú y của xã, cùng với lực lượng dân quân đến trang trại chăn nuôi để lấy mẫu để Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh gửi mẫu đi xét nghiệm. Dù chưa có kết quả, nhưng để tránh việc chậm trễ khiến dịch bệnh lan rộng, lực lượng tại địa phương đã lựa chọn khu vực xa khu dân cư, khu vực chăn nuôi để tiêu hủy gần 20 con heo. Đây là một trong số ít trang trại có heo nghi nhiễm dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, các trường hợp này đều được tiêu hủy, xử lý theo đúng quy trình. Chuồng trại có heo mắc bệnh và khu vực xung quanh cũng được tiêu độc, khử trùng để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tiêu hủy heo nghi nhiễm dịch tả châu Phi tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc vào sáng 6/2/2020. Ảnh: HỒNG TUẤN

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến thời điểm này, tổng số lượng heo bị nhiễm và phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi là gần 42 ngàn con. Từ cuối tháng 12/2019 đến 6/2/2020, BR-VT xuất hiện thêm rất ít ổ dịch mới, chủ yếu là các trại heo nhỏ, lẻ và đều được lực lượng thú y các địa phương xử lý kịp thời. Theo đánh giá, các địa phương, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã có kinh nghiệm và thực hiện công tác phòng chống dịch rất tốt. Cùng với việc bảo vệ được đàn heo, các DN, trang trại chăn nuôi đang bắt đầu tăng đàn theo quy trình.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Vài tháng qua, Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo, hướng dẫn việc tăng đàn. Tính đến nay, tổng đàn heo của tỉnh là khoảng 340 ngàn con, tăng 40 ngàn con so với mức thấp kỷ lục vào tháng 11/2019. Đàn heo tăng nhanh chủ yếu nằm ở các trang trại của các DN lớn nhờ việc bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời, đàn heo giống của họ vẫn còn dồi dào nên việc tăng đàn được thực hiện khá thuận lợi”.

Còn tại các trang trại vừa và nhỏ, nhiều người chăn nuôi cũng đã tính tới chuyện tái đàn heo dù vẫn còn rất thận trọng. Ông Trần Thanh Tâm, xã Bình Ba, huyện Châu Đức có đàn heo hơn 50 con mắc bệnh và phải tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi vào tháng 9. Ông Tâm cho biết: “Chăn nuôi heo là trụ cột kinh tế của gia đình trong nhiều năm qua, việc đầu tư chuồng trại cũng tốn kha khá chi phí nên bỏ trống rất phí nên tôi đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, tôi được biết, virus gây dịch tả heo tồn tại rất lâu trong không khí nên hiện tại, đang có ý định mua khoảng 10 con heo giống để nuôi thăm dò. Nếu cảm thấy hiệu quả mới tăng đàn chậm trong thời gian tới. Cùng với đó, việc mua con giống bây giờ cũng không dễ dàng bởi các DN có xu hướng giữ nguồn cung để nuôi trong khi nguồn trong dân đã hết. Hiện, heo giống có giá hơn 3 triệu đồng/cặp nhưng rất khó mua được”.

Ông Lê Tĩnh, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức chăm sóc đàn heo của gia đình.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức: “Những ngày qua, các địa phương của huyện đang huy động lực lượng để thực hiện công tác phòng chống dịch Corona. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn vẫn không chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Các cán bộ thú y thường xuyên tới tận chuồng, trại vận động người chăn nuôi thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Khi xuất hiện ổ dịch nhỏ, lẻ, lực lượng tại địa phương cũng luôn được huy động kịp thời để xử lý nhanh, không để dịch bệnh lây lan. Không chỉ đối phó với dịch tả heo châu Phi, ngành nông nghiệp huyện Châu Đức cũng đã lên phương án ứng phó, phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc người chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn thận trọng, e dè và chỉ tăng đàn thăm dò cũng phù hợp với khuyến cáo của Bộ NN-PTNT.

THAY ĐỔI PHƯƠNG PHÁP CHĂN NUÔI

Việc kiểm soát được dịch bệnh là tín hiệu đáng mừng, giúp ngành chăn nuôi heo của tỉnh dần hồi phục. Tuy nhiên, theo ngành chăn nuôi, các địa phương và người chăn nuôi vẫn không được chủ quan bởi dịch tả heo châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại do chưa có vắc xin phòng ngừa. Do đó, các địa phương, bà con nông dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, thường xuyên ra quân đồng loạt dọn dẹp môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực lân cận. Đối với các trại nuôi có ý định tăng đàn, cần lựa chọn kỹ càng, chỉ nhập nguồn giống từ các cơ sở, DN uy tín và được kiểm tra để phát hiện mầm bệnh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh, dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo của tỉnh. Tuy nhiên, nó cũng đã đem lại một số điểm “tích cực”. Đó là việc nhiều người chăn nuôi đã thay đổi được tư duy, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, không đáp ứng được nhu cầu cũng dần phải đào thải. Cụ thể, trước dịch bệnh, tỷ lệ heo trong các trang trại quy mô nhỏ, dưới 200 con của tỉnh lên đến trên 60% thì nay giảm chỉ còn chưa đến 50%. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của chăn nuôi hiện đại.

Giá heo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới

Trước và trong Tết Nguyên đán 2020, giá heo hơi không xảy ra hiện tượng tăng “sốc” trên 100 ngàn đồng/kg như dự đoán mà ở mức khá ổn định từ 80-84 ngàn đồng/kg. Ngay sau Tết, giá heo đã tiếp tục giảm nhẹ, hiện giữ ở mức 77-80 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân chính của việc này là nhờ kiểm soát được dịch bệnh, tổng đàn tăng khiến nguồn cung đầy đủ. Theo dự báo, khi tổng đàn heo tăng nhanh, cộng với việc nhu cầu tiêu thụ giảm sau Tết, giá heo sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong vài tháng tới.

Qua khảo sát, nhiều nông dân cũng đang tính đến phương án xây dựng các chuồng trại ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Bà Phạm Thị Tánh (thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức), người đang nuôi 2.000 con heo thịt, cho biết: “Thời gian qua, tôi nhận thấy các trang trại được đầu tư theo mô hình chuồng lạnh, khép kín đều rất an toàn dịch bệnh. Sau khoảng thời gian có lãi lớn nhờ giá heo tăng cao, hiện nay, gia đình tôi đã mạnh dạn bỏ ra 8 tỷ đồng để xây dựng trang trại theo mô hình chuồng lạnh khép kín”. Đây là tín hiệu tốt, để các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp người chăn nuôi tiếp cận được các công nghệ tiên tiến; đồng thời có được nguồn vốn ưu đãi khi muốn mở rộng mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo bà con nông dân, DN nên xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng năng suất, chất lượng và ổn định nguồn cung thịt heo để phát triển bền vững.

Bài, ảnh: QUANG VINH

Vĩnh Phúc: Gần 1.000 hộ chăn nuôi lợn đã thực hiện tái đàn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, từ tháng 10/2019, ngành Nông nghiệp có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tái đàn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thịt lợn.

Phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi ở xã Cao Minh (Phúc Yên)

Tính đến hết tháng 1/2020, toàn tỉnh đã có gần 1.000 hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, với tổng số lợn khoảng 23 nghìn con, bao gồm hơn 2.500 con lợn nái, lợn đực giống; hơn 20 nghìn con lợn thịt. Trong tổng số lợn tái đàn, số lợn giống mua mới đạt gần 11 nghìn con, còn lại là từ đàn lợn không bị nhiễm dịch sinh ra.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, việc tái đàn chăn nuôi lợn đang tăng lên. Tuy nhiên, việc tái đàn hiện gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn giống chất lượng cao; giá lợn giống tăng mạnh; hơn 80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; nhiều hộ gia đình vẫn còn tâm lý chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong tái đàn…

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để việc chăn nuôi lợn đạt hiệu quả khi tái đàn, người chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tại những xã không bị dịch tả lợn châu Phi hoặc những xã bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái dịch; không tái đàn khi chưa đảm bảo về chăn nuôi an toàn sinh học.

Tái đàn cần nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau khi ổn định thì mới tăng quy mô lớn hơn vì tại vùng dịch đã công bố hết dịch nhưng mầm bệnh có thể vẫn còn tồn tại, lưu hành, tiềm ẩn nguy cơ tái dịch.

Tin, ảnh Nguyễn Khánh

Doanh nghiệp chia sẻ với nông dân cách nuôi gia cầm sạch, phù hợp xuất khẩu

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 8-2, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của tỉnh đã có buổi tham quan, làm việc tại Công ty Cổ phần Ba Huân (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM). Tham gia cùng đoàn còn có 15 hộ nông dân tiêu biểu thuộc TP Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông và huyện Tháp Mười.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, địa phương có truyền thống nuôi vịt chạy đồng, sau này có thêm vịt nuôi rọ. Trong thời gian vừa qua việc sản xuất, cung ứng ra thị trường gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không tuân theo các liên kết, không sẵn lòng tuân thủ, đáp ứng quy trình sản xuất an toàn. Quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ để bán ra thị trường, nên đầu ra bấp bênh…

Quy trình đóng gói trứng gà tại Công ty CP Ba Huân

Cuộc gặp gỡ này với mục đích tìm đầu ra cho sản phẩm trứng gia cầm của bà con nông dân Đồng Tháp, hướng đến xuất khẩu. Tại Công ty Cổ phần Ba Huân, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng các hộ nông dân tiêu biểu được tham quan mô hình sản xuất trứng sạch, lắng nghe những chia sẻ, khuyến cáo của bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân về những diễn biến của thị trường trong nước cũng như thế giới.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp trao đổi tại cuộc gặp gỡ

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho rằng, xu thế hiện nay người dân thay đổi theo hướng tăng cường sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, nên bà con nông dân cần bắt kịp xu thế này.

THI HỒNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop