Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 03 năm 2020

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác cây trồng sử dụng ít nước trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, nhằm ứng phó khô hạn, thiếu nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp, TP Cần Thơ tăng cường vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác cây trồng sử dụng ít nước trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Hiện nay, thành phố có 8.476ha gieo trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, cao hơn 2.280ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các loại rau, bắp, đậu, cây công nghiệp ngắn ngày... tập trung chủ yếu tại các huyện Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy. Các loại cây trồng trên phát triển tốt, sử dụng tiết kiệm nước trong quá trình canh tác.

Các loại rau sử dụng ít nước trong sản xuất được nông dân huyện Cờ Đỏ gieo trồng trong mùa khô hạn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ khuyến cáo: Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả. Đối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ, lưu ý đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân 2019-2020 và vụ rau màu, lúa hè thu 2020 ít nhất 3 tuần (nhằm tránh ngộ độc hữu cơ cho cây trồng); tăng cường nạo vét kênh, mương, làm thủy lợi nội đồng nhằm dự trữ nước ngọt để tưới cho rau màu trong những tháng nước mặn, hạn hán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá sản phẩm bảo dưỡng cây trồng trong mùa khô hạn, mặn xâm nhập…

Tin, ảnh: H.VĂN

Gắn ‘sao’ cho 45 sản phẩm OCOP trong chương trình ‘Mỗi xã một sản phẩm’

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Dựa trên kết quả đánh giá, phân hạng của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã công nhận 45 sản phẩm OCOP trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2019. Theo đó, 27 sản phẩm của 14 đơn vị doanh nghiệp được công nhận đạt hạng 4 sao; 18 sản phẩm của 15 tổ chức, cá nhân được công nhận đạt hạng 3 sao.

Có thể kể một số sản phẩm hạng 4 sao: Nếp quýt Đạ Tẻh (HTX Quyết Tâm), Trà Oloong Long Đỉnh (Công ty Long Đỉnh - Lâm Hà), Cây cảnh nội thất Quốc Việt (Cơ sở Phạm Quốc Việt - Di Linh), Rượu vang, nước cốt phúc bồn tử đỏ, đen (Công ty Langbiang.F Dâu rừng), Cà phê Arabica Cầu Đất (Doanh nghiệp cà phê Thái Châu), Hoa tươi mãi mãi (Công ty Rừng hoa Đà Lạt), Trà xanh, trà Oloong (Công ty Chè Cầu Đất)…

Các sản phẩm được công nhận sẽ được sử dụng logo OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Kết quả công nhận xếp hạng có giá trị trong 3 năm.

Được biết, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Chính phủ phê duyệt nhằm hướng đến phát triển nhóm sản phẩm được sản xuất tại nông thôn ở cấp xã, huyện; đi sâu chuẩn hóa sản phẩm làng nghề, phát triển ngành nghề nông thôn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Theo đó, các sản phẩm sẽ được gắn từ 1 đến 5 sao; sản phẩm 1 - 3 sao phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm 4 - 5 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu.

QUỲNH UYỂN

Hạn mặn đe dọa ‘vương quốc’ cây giống

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Vùng đất Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được mệnh danh là "vương quốc” sản xuất cây giống của cả nước, với sản lượng hàng năm trên 40 triệu cây giống và hơn 18 triệu sản phẩm hoa kiểng. Huyện Chợ Lách cũng có hơn 8.575ha vườn cây ăn trái, với nhiều loại trái ngon, đặc sản như sầu riêng Cái Mơn, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh... Lâu nay, Chợ Lách vốn có nước ngọt quanh năm, nhưng năm nay nước mặn xâm nhập với nồng độ rất cao đã đẩy nơi đây rơi vào tình cảnh bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Thời gian qua, cây giống của Chợ Lách và một số huyện ở lân cận như huyện Mỏ Cày Bắc không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại vùng ĐBSCL mà được tiêu thụ tại nhiều vùng, miền khác trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước bạn như Lào, Campuchia. Trong ảnh: cây giống tại huyện Chợ Lách được đưa đi tiêu thụ.

Thế nhưng, những ngày gần đây sản xuất cây giống tại địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn, một số lượng lớn cây giống có nguy cơ chết, bị mất trắng, nhất là những nơi cây bị tưới nhầm nước mặn đang chết dần hoặc khô héo. Dù nông dân nỗ lực dùng lưới che chắn, tạo bóng mát cho cây nhưng nắng gay gắt, thiếu nước ngọt rất khó duy trì sự sống cho cây trong thời gian dài.

Dù đã chủ động dự trữ nguồn nước ngọt trong mương vườn và các dụng cụ chứa nước nhưng do hạn mặn kéo dài, lượng nước dự trữ xài đã cạn, gần 1 tháng nay nhiều nông dân tại huyện chợ lách phải mua nước ngọt với giá 100.000-150.000 đồng/m3 để tưới cho cây giống và hoa kiểng. Đây là mức chi phí quá sức chịu đựng của nhiều hộ dân, nếu tình trạng này kéo dài thì dù cứu được cây trồng, khi bán sản phẩm sẽ không đủ bù phần chi phí đã bỏ ra.

Do thiếu phương tiện chuyên dụng, người dân phải sử dụng các loại bồn nhựa có dung tích khoảng 1m3 để vận chuyển về nhà. Hiện các xe lôi (ba gác) trên địa bàn huyện Chợ Lách hầu như đã được người dân huy động toàn lực để đi tìm nguồn nước ngọt chở về, nhiều xe hoạt động cả ngày lẫn đêm. Những hộ dân không có điều kiện mua xe phải thuê mướn xe để chở nước với giá khá cao.

Có hơn 4.000 cây giống các loại trên diện tích đất canh tác khoảng 700m2, nhưng mỗi ngày anh Nguyễn Hồng Sơn ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách phải lấy xe lôi đi chở 4 chuyến nước, với gần 4m3 nước để tưới cho cây. Anh Sơn cho biết, nhà có khoan giếng nhưng nước bị nhiễm phèn nặng và bơm lên khá yếu nên không đảm bảo nước tưới cho cây, phải chở nước ngọt từ nơi khác về. Cũng may, gia đình có sẵn xe lôi, nếu thuê xe sẽ tốn chi phí 400.000-500.000 đồng/ngày.

Nhiều nơi đường nhỏ chật hẹp, người dân không thể đưa xe lôi chở nước vào tận vườn để cứu vườn cây mà phải chuyền đường ống đi hàng trăm mét.

Để đảm bảo sinh kế và ổn định cuộc sống lâu dài, bên cạnh việc tự đầu tư các công trình trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt tại từng hộ gia đình, người dân rất mong Nhà nước kịp thời hỗ trợ đầu tư các công trình trữ nước và cung cấp nước ngọt với quy mô lớn, giúp người dân tiết kiệm chi phí, an tâm sản xuất.

KHÁNH TRUNG

Đồng Tháp: Giá sầu riêng tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Nông dân trồng sầu riêng phấn khởi vì giá tăng trở lại

Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng thuộc thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, sầu riêng Ri 6 đang được thương lái thu mua với giá 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Ông Đỗ Thành Đâu ngụ khóm Phú Mỹ Lương, thị trấn Cái Tàu Hạ cho biết: “So với các năm trước thì mức giá sầu riêng hiện nay vẫn bình ổn. Giá sầu riêng tăng trở lại do trái vụ nên sản lượng sầu riêng cung ứng ra thị trường không nhiều”.

Trang Huỳnh

Nông dân trồng chuối mất hàng trăm triệu đồng vì dịch bệnh Covid-19

Nguồn tin: VOV

Nhiều gia đình đã chi cả trăm triệu đồng để đầu tư trồng chuối, thậm chí vay ngân hàng để mua phân bón nay "tay trắng hoàn trắng tay".

Cùng với cả nước, tỉnh Lai Châu đang huy động các lực lượng vào cuộc để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập qua biên giới. Do dịch bệnh mà hàng nghìn ha chuối tại các xã biên giới huyện Phong Thổ đến kỳ thu hoạch không xuất khẩu được, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nông dân.

Cũng như nhiều hộ nông dân trong bản Hợp 2, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, cây chuối nhiều năm nay đã trở thành nguồn thu nhập ổn định của gia đình ông Lò Văn Dem. Với hơn 10 ha chuối, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng và nhờ nguồn thu nhập này, gia đình ông không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ giàu trong bản. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc, các thương lái cũng ngừng thu mua nên chuối đã chín đầy nương.

Chuối già đang chín dần trên cây, nhưng bà con chỉ biết nhìn mà tiếc của. Nhiều hộ gia đình chặt mang xuống quốc lộ bán, nhưng giá rẻ, người mua ít.

Ngồi thừ người dưới gốc, nhìn những buồng chuối chín bắt đầu rụng xuống gốc với đôi mắt ngấn lệ, ông Lò Văn Dem buồn rầu chia sẻ: Cả gia đình 7 nhân khẩu sinh sống nhờ vào nương chuối này, nếu không có dịch bệnh Covid-19, cửa khẩu thông thương nhộn nhịp trung bình mỗi buồng chuối bán cũng được từ 100 - 200 nghìn đồng. Giờ các thương lái không đến mua, chuối già chín hết, bán chẳng ai mua. Công lao chăm sóc cả năm trời đến ngày thu hoạch thì nay lại mất trắng.

“Tháng 2, tháng 3 năm nay nếu không có bệnh dịch đến thì giá một cân là 10.000 đồng, vụ này gia đình phải thu được hơn 100 triệu đồng. Nhà tôi có 10ha, bây giờ thì ném bỏ hết rồi!” - ông Dem nói.

Gia đình anh Lò Văn Thiệp, ở bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ có gần 15ha chuối, trong đó 3/4 diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều ngày nay không có tư thương tới mua, nên chuối chín vàng khắp nương. Tiếc của, gia đình cho chặt mang xuống đường quốc lộ bán, nhưng cũng chỉ được vài chục nghìn một buồng. Mấy hôm đầu còn bán được, nhưng thời gian gần đây chuối chín nhiều khắp vùng, hộ nào cũng mang bán nên lại càng rẻ hơn. Ước tính thiệt hại của gia đình trong đợt này lên đến gần trăm triệu đồng.

“Chuối hiện tại bên Trung Quốc người ta không mua, mang về nhà thì cũng không mang được, ăn thì cũng không ăn được. Bà con hầu như thu nhập chính toàn là từ cây chuối thôi, bây giờ mà họ không mua thì chẳng có chỗ mà xuất ra, chẳng bán được ở đâu. Tính ra so với năm ngoái thì gia đình bị thiệt hại gần 100 triệu” - ông Thiệp nói.

Chuối chín rụng đầy gốc mà không có nơi tiêu thụ, người nông dân huyện biên giới Phong Thổ đang thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Phong Thổ là địa phương thuần nông, có gần 4.000 ha chuối trải dài khắp các xã biên giới, trong đó trên 3.500ha đã cho thu hoạch, với sản lượng trung bình một năm khoảng gần 60.000 nghìn tấn. Từ đầu tháng 1 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, đã có gần 10.000 tấn chuối không thể xuất khẩu, gây thiệt hại cho bà con nông dân gần 60 tỷ đồng. Nhiều gia đình đã chi cả trăm triệu đồng để đầu tư, thậm chí vay ngân hàng để mua phân bón nay "tay trắng hoàn trắng tay".

Ông Phàn A Tỏn, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ cho biết: “Số lượng chuối của bà con trên địa bàn đang tồn đọng ở trên địa bàn, tại trên nương diện tích của bà con thì rất là nhiều. Hiện nay bà con trên địa bàn xã Bản Lang đang rất là lo lắng, băn khoăn. Chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chuyên môn, các cơ quan có thểm quyền, sớm có biện pháp làm thế nào để có cái đầu ra bao tiêu sản phẩm”.

Chuối là cây trồng chủ lực của hầu hết các xã biên giới tại huyện Phong Thổ nhiều năm nay và đã từng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, Hà Nhì, Thái... trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Từ cây chuối, đời sống người của hàng nghìn hộ nông dân không ngừng được nâng lên, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thế nhưng, do chuối là cây trồng tự phát, không được quy hoạch, nên đợt thiệt hại này không được chính quyền địa phương hỗ trợ.

“Thiệt hại trong việc trồng chuối của bà con thì hiện nay cũng chưa có chủ trương, chính sách cụ thể. Nên các cơ quan chuyên môn cũng chưa triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho dân thiệt hại do trồng chuối. Về phía cơ quan chuyên môn cũng mong muốn làm thế nào đó để bao tiêu sản phẩm đó cho dân các sớm càng tốt” - ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết.

Hiện với sự nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, cửa khẩu đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng lượng hàng nông sản như chuối xuất khẩu quá ít do phụ thuộc vào tư thương Trung Quốc, nên người trồng chuối rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Cô gái trẻ khởi nghiệp thành công từ nuôi trồng tảo xoắn Spirulin

Nguồn tin: VOV

Thực hiện mô hình nuôi trồng tảo xoắn Spirulin, Thư gặp không ít khó khăn khi tảo xoắn Spirulin (tảo mặt trời) là cái tên còn rất mới, ít người biết.

Tốt nghiệp Đại học ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thực phẩm, Đinh Nguyễn Hoàng Thư (31 tuổi) ở thành phố Đà Nẵng từng giữ vị trí Trưởng phòng Kinh doanh ở một công ty với mức thu nhập ổn định. Sau đó, Thư nghỉ việc và theo đuổi ước mơ riêng mình. Sau hơn 3 năm, hiện Thư đang là Giám đốc HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt cho ra đời những sản phẩm dinh dưỡng từ tảo xoắn Spirulin (tảo mặt trời).

Đinh Nguyễn Hoàng Thư là con gái trong một gia đình có truyền thống làm các loại bánh sản xuất trên dây chuyền hiện đại đã mấy chục năm. Ngay từ nhỏ, Thư đã quen với việc chọn nguyên liệu, làm đồ thực phẩm. Bố mẹ đã định hướng cho Thư nếu không muốn làm việc ở ngoài thì có thể nối nghiệp làm bánh của gia đình.

Đinh Nguyễn Hoàng Thư (bên trái) là Giám đốc HTX Công nghệ Mặt Trời Việt.

Thư tâm sự, năm 2016 khi biến cố xảy ra với ông ngoại, Thư chuyển hướng nghiên cứu về các loại thực phẩm bổ sung cho sức khỏe và biết đến loại tảo xoắn Spirulin (tảo mặt trời). Đây là tảo chứa nhiều chất có tác dụng phòng trị bệnh.

“Hồi đó ông ngoại đâu rất nặng, bị ung thư phổi, thời điểm đó ông chỉ còn 36kg, người bị suy nhược, không tiêu hóa được, rất đau đớn. Lúc đó tôi nuôi thử tảo xoắn Spirulina cho ông uống thì thấy về tiêu hóa cho ông cũng đỡ, nhưng chữa khỏi thì là điều không thể vì giai đoạn đó là hết thuốc chữa rồi. Từ cơ duyên đó, tôi bắt đầu theo đuổi ngành này với mong muốn tạo ra sản phẩm mang tính chất thương hiệu của Việt Nam nhưng có giá trị thực sự cho mọi người” - Đinh Nguyễn Hoàng Thư bộc bạch về bước ngoặt khởi nghiệp của mình.

Bắt tay thực hiện mô hình này, Thư gặp không ít khó khăn khi tảo mặt trời là cái tên còn rất mới ít người biết đến. Bố, mẹ không muốn Thư phải vất vả, một mình bươn chải. Nhưng Thư cho rằng “con đường khởi nghiệp luôn phải khó khăn nhưng hãy cứ đam mê và đừng bỏ cuộc giữa chừng thì chắc chắn thành công”. Sau khi thuyết phục được gia đình ủng hộ thì Thư lại đối mặt với những khó khăn lớn hơn là thiếu kinh nghiệm, thiếu mặt bằng để nuôi trồng và sản xuất tảo.

Cơ sở nuôi tảo của Thư ở bán đảo Sơn Trà.

Ban đầu, Thư nhập giống tảo từ nước ngoài về và tự nhân giống rồi tìm hiểu quy trình nuôi trồng. Sau nhiều lần thất bại, Thư đã tìm ra phương pháp nuôi trồng tảo cho riêng mình. Thành công với việc nhân giống, Thư bắt đầu mở rộng quy mô nuôi trồng và nghiên cứu mô hình khép kín (nuôi trồng - thu hoạch - lọc rửa - ép sấy) để đảm bảo vệ sinh cũng như giữ được chất dinh dưỡng trong tảo mặt trời.

Thư cho biết, nuôi trồng tảo theo mô hình khép kín vừa tạo được nguồn thu, vừa góp phần cải thiện môi trường. Với diện tích khu nuôi trồng và sản xuất khoảng 900 mét vuông tại bán đảo Sơn Trà, năm 2019, HTX Công nghệ Mặt Trời Việt của Đinh Nguyễn Hoàng Thư được thành lập. Hiện nay, các sản phẩm tảo của HTX đã có mặt tại 3 thị trường Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Nhiều loại sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.

Ông Phạm Đức Mẫn, thành viên trong hợp tác xã cho biết, mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm các loại và giải quyết công ăn việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương.

“Công việc ở đây rất thỏa mái và mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Đây là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho mọi người từ trẻ nhỏ cho đến người già tất cả đều sử dụng sản phẩm được. Đặc biệt hơn sản phẩm này còn mang tính bảo vệ môi trường, giúp ích cải thiện chất lượng nguồn nước” - ông Mẫn nói.

Mới đây, tại cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do UBND quận Sơn Trà và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức, Đinh Nguyễn Hoàng Thư đã đoạt giải nhất với ý tưởng “Ứng dụng năng lượng mặt trời và trang thiết bị cho nuôi trồng và chế biến tảo xoắn”.

Bà Đinh Thị Sơn Ca, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Đông, quận Sơn Trà Thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đinh Nguyễn Hoàng Thư là một trong những chủ nữ doanh nghiệp trẻ, năng động. Sản phẩm tảo của chị Thư giúp bảo vệ môi trường. Khi thu hoạch tảo thì lợi nhuận cũng như giá trị năng lượng của sản phẩm này rất cao. Hy vọng rằng trong những năm tiếp theo Hợp tác xã của chị Thư phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là một trong những thị trường cũng như định hướng cho các cô, các chị em muốn buôn bán, khởi nghiệp về dòng sản phẩm này”./.

Phương Cúc/VOV-Miền Trung

Trao đổi chăm cây trồng qua mạng xã hội

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Thời gian qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi mang lại hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, qua mô hình, các thông tin về kỹ thuật, cách chăm bón được người trồng và cán bộ kỹ thuật trao đổi thông qua mạng xã hội, giúp giảm chi phí, thời gian.

Sau chuyến ghe khoảng 1 giờ từ thị trấn Vạn Giã, chúng tôi đến xóm Ba Non (thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) khi những ruộng tỏi nơi đây chuẩn bị bước vào thu hoạch. Ông Võ Đình Tuấn, 1 trong 3 hộ trồng tỏi của xóm Ba Non được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh chọn thí điểm xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi cho biết, vụ tỏi này ông sản xuất 5.000m2 và sử dụng 1.500m2 để thực hiện mô hình tủ rơm. Trong quá trình chăm sóc, nhận thấy cây tỏi phát triển tốt hơn so với tỏi trên ruộng không tủ rơm nên ông áp dụng mô hình trên toàn bộ diện tích sản xuất tỏi. Quá trình triển khai, ông đã được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn cách chăm sóc tỏi. Do cách trở về địa lý nên hàng tuần, ông đều chụp ảnh quá trình sinh trưởng của cây tỏi gửi qua mạng xã hội Zalo để cán bộ kỹ thuật nắm bắt tình hình phát triển, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc tỏi. Nhờ đó, hiệu quả mang lại của vụ tỏi này đạt cao, năng suất cao hơn so với mọi năm khoảng 50%.

Năng suất mang lại của mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi cao hơn so với ruộng tỏi không tủ rơm khoảng 50%.

Cùng thực hiện mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi như hộ ông Tuấn, ông Huỳnh Đức Đủ rất phấn khởi khi hiệu quả mang lại của mô hình tủ rơm trên diện tích 1.500m2 ruộng tỏi rất khả quan. Quan trọng hơn, ông đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc tỏi đạt hiệu quả, tiết giảm chi phí, hứa hẹn mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Trước đây canh tác tỏi, cứ 7 ngày ông Đủ phun thuốc cho tỏi một lần; bây giờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, khi nào có sâu bệnh ông mới phun thuốc; khi thấy dấu hiệu bệnh thì chụp hình gửi qua Zalo trạm để được hướng dẫn thêm. “Thực hiện mô hình tủ rơm đã giúp gia đình giảm chi phí tưới tiêu, thuốc trừ sâu và công lao động”, ông Đủ nói.

Niên vụ tỏi 2019 - 2020, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh đã xây dựng mô hình tủ rơm trên ruộng tỏi tại xóm Ba Non trên diện tích 4.500m2. Ông Nguyễn Đình Cẩm - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình, do cách trở về địa lý nên trạm đã thực hiện việc hướng dẫn chăm sóc tỏi thông qua tương tác trên mạng xã hội Zalo. Theo đó, cán bộ kỹ thuật ra trực tiếp hướng dẫn cách làm đất và cây tỏi từ khi xuống giống đến các giai đoạn sinh trưởng đều được người trồng tỏi chụp ảnh, gửi đến cán bộ kỹ thuật hàng tuần để theo dõi sinh trưởng và sâu bệnh, trên cơ sở đó sẽ có tương tác hướng dẫn với người trồng tỏi biện pháp xử lý sâu bệnh, cách phun thuốc hiệu quả. Ngoài ra, hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của trạm sẽ trực tiếp ra Ba Non để kiểm tra tại từng chân ruộng đang thực hiện mô hình. Qua khoảng 4 tháng triển khai, mô hình trên đã phát huy hiệu quả khi năng suất thu hoạch ban đầu cao hơn từ 20 đến 30% so với trước. Mô hình còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất về phân, thuốc trừ sâu, tưới tiêu, đồng thời đã làm thay đổi tập quán canh tác của người trồng tỏi Ba Non, không còn lạm dụng thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất tỏi, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Cẩm cho biết, từ hiệu quả ban đầu của mô hình tại Ba Non, thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình này trong công tác quản lý, chăm sóc cây trồng trên địa bàn huyện thông qua mạng xã hội.

Thanh Hải

Hòa Bình: Dồn sức ngăn chặn dịch cúm A/H5N6 lây lan trên đàn gia cầm

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 vừa xuất hiện trên địa bàn xã Liên Sơn (Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Với tốc độ lây lan nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài như gà, vịt, ngan, chim cút..., tỉnh đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nếu không kịp thời ngăn chặn và khống chế dịch.

Cán bộ thú y xã Liên Sơn (Lương Sơn) phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi đang xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6.

Từ ngày 25/2 - 2/3, trên địa bàn xã Liên Sơn phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N6, đầu tiên là trại gà quy mô 5.000 con của hộ ông Đào Kim Toại, xóm 23/9. 2 ổ dịch mới phát hiện là ổ dịch trên đàn vịt 600 con của hộ ông Nguyễn Văn Chung, xóm 23/9, ổ dịch trên đàn vịt 5.000 con của gia đình ông Trịnh Ngọc Hà, xóm 3/2B. Ông Đào Kim Toại cho biết: Chỉ chưa đầy 1 tuần, 3.500 con gà thịt chuẩn bị đến kỳ xuất bán bỗng lăn ra ốm và chết hàng loạt. Khi đó, gia đình không rõ nguyên nhân nên chữa trị theo cách thông thường nhưng không hiệu quả. Biểu hiện của bệnh là gà sốt cao, ủ rũ, ăn ít, thể trạng xơ xác nằm la liệt dưới nền chuồng, phù đầu, mắt bị sưng, miệng chảy dịch lẫn thức ăn... Chỉ đến khi cơ quan chuyên môn về gia trại xác minh, thăm khám, lấy mẫu mới xác định đàn gà đã bị dịch cúm A/H5N6.

Mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H5N6 đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Dịch xảy ra trên địa bàn xã Liên Sơn do những nguyên nhân: Đàn gà chưa được tiêm vắc xin cúm A/H5N6; các hộ chưa thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; địa phương giáp ranh (Chương Mỹ - Hà Nội) đang có dịch; diễn biến thời tiết khí hậu phức tạp, ẩm độ thấp đột ngột làm gia cầm giảm sức đề kháng...

Đồng thời với diễn biến xảy ra, các giải pháp cấp bách chống dịch được huyện Lương Sơn tích cực triển khai. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, phòng, ban liên quan tập trung chống dịch cúm gia cầm quyết liệt. Đối với xã Liên Sơn đã công bố dịch theo quy định của Luật Thú y. Tổ chức tiêu hủy 100% số gia cầm tại 3 ổ dịch theo quy định. Cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra, vào khu vực có dịch. Huy động nhân lực tại chỗ thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi gia súc, gia cầm và môi trường chăn nuôi tại khu vực ổ dịch, rắc vôi bột toàn bộ đường làng, ngõ xóm, hệ thống cống, rãnh thoát nước...

Tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện khoảng trên 6 triệu con. Một số địa phương giáp ranh với TP Hà Nội và các tỉnh bạn đang đầu tư chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại, gia trại lớn như: Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy... Tỉnh ta là 1 trong 10 địa phương trên cả nước xuất hiện dịch cúm A/H5N6. Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh nhấn mạnh: Với mức độ lây lan nhanh như hiện nay, việc tập trung cao độ và dành nguồn lực triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N6 cho đàn gia cầm là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn, khống chế dịch.

Mặt khác, cần đẩy mạnh các biện pháp thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở về tình hình bệnh cúm gia cầm để người dân biết, chủ động phối hợp phòng, chống dịch theo quy định. Thực hiện 3 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền và xung quanh chuồng nuôi). Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Khi mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định. Người chăn nuôi và thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn gia cầm, nếu phát hiện gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu để chuẩn đoán, xét nghiệm xác định dịch bệnh.

Cúm A/H5N6 có con đường lây lan đa dạng qua không khí, thức ăn, quần áo bảo hộ của người không khử trùng tốt khi mang thức ăn, mang nước uống vào chuồng trại. Tuy nhiên, vi rút này có sức đề kháng yếu với thuốc sát trùng và dễ bị tiêu diệt ở môi trường nhiệt độ trên 300C. Lưu ý người chăn nuôi thực hiện tốt việc phòng ngừa bằng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng để hạn chế sự ảnh hưởng, lây lan của dịch cúm gia cầm.

Bùi Minh

Giá thực

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Theo nhận định của giới chăn nuôi, giá heo hơi lại tăng trong những ngày qua là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến lượng thịt heo nhập khẩu.

Trước đó, bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến tổng đàn heo trong cả nước giảm, việc tái đàn diễn ra chậm vì người nuôi lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ tiếp tục tăng khi học sinh đi học trở lại. Liệu có xảy ra đợt “sốt giá” thịt heo thời gian tới?

Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam), sau Tết Canh Tý, công ty xuất bán bình quân 17.000 con heo/ngày. Những ngày qua xuất bán tăng gần 70% nhằm góp phần bình ổn thị trường, nhưng việc tăng số lượng bán trong thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế và cũng không thể kéo dài, nếu chỉ có vài doanh nghiệp (DN) tham gia.

Từ giữa tháng 2-2020, nhiều DN chăn nuôi lớn đồng hành với Bộ NN-PTNT hạ giá heo hơi xuống mức 75.000 đồng/kg (giá thị trường trên 85.000 đồng/kg). Nhưng việc giảm giá heo hơi của một số DN lớn không có tác dụng điều tiết giá cả, lại tạo ra tình trạng đầu cơ, làm bất ổn thị trường.

Giá heo hơi của C.P. Việt Nam bán ra 73.000 - 75.000 đồng/kg, nhưng thương lái mua ra khỏi cổng trang trại đã bán lại với giá 85.000 đồng/kg. Vì vậy các ngành chức năng cần đưa ra những giải pháp nhằm ngăn ngừa hay ít ra hạn chế nạn đầu cơ mà chỉ thương lái hưởng lợi, làm bất ổn thị trường, người tiêu dùng phải mua với giá cao.

Sản xuất nông nghiệp có những đặc thù khác với các ngành công nghiệp. Năng suất và sản lượng sản xuất ra bị giới hạn bởi đặc tính sinh học. Một con heo nái sinh khoảng 27 - 28 con heo thịt/năm, heo con nuôi lấy thịt cần 24 tuần tuổi mới đạt 100kg để xuất chuồng. Đặc tính sinh học về chu kỳ sinh sản, sinh trưởng và giới hạn tiềm năng di truyền về năng suất của vật nuôi không cho phép nông dân chủ động tăng giảm sản lượng trong thời gian ngắn. Nông sản tươi sống càng không cho phép người sản xuất đầu cơ bằng cách gom hàng, bán phá giá hay nâng giá bán trong thời gian dài, vì heo không thể như lúa để trong kho.

Như vậy, nông hộ và cả DN lớn chăn nuôi heo không phải là đối tượng làm giá bán heo trên thị trường, mà là khâu phân phối. Do phải qua nhiều tầng lớp trung gian, giá heo từ chuồng trại đến miếng thịt người tiêu dùng mua ở thị trường chênh lệch lên đến 25% - 45%.

Các ngành chức năng cần xác định tình hình dịch bệnh hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời giúp người chăn nuôi sớm tái đàn. Ngoài nhập khẩu lượng thịt gia súc, gia cầm đủ bù vào số thiếu hụt của thị trường, cần khuyến khích người tiêu dùng chuyển qua các loại thực phẩm khác, thay vì chỉ sử dụng thịt heo (chiếm khoảng 70% các loại thịt hiện nay). Các cơ quan chức năng cùng với DN sản xuất, phân phối, thương buôn hình thành nên chuỗi cung - cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thực. Mọi thành phần tham gia trong chuỗi đều được hưởng lợi.

ĐĂNG LÃM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop