Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 06 năm 2016

Anh Sơn (Nghệ An): Đầu tư mô hình trồng rau nhà lưới công nghệ Isarel

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của ông Trương Văn Hòa - xóm 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) được đầu tư trên 1,4 tỷ đồng, trang bị hệ thống thiết bị nhà lưới, tưới nhỏ giọt kỹ thuật cao theo công nghệ hiện đại của Isarel. Mô hình sản xuất rau nhà lưới theo chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm rau sạch an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông sản hàng hóa trên thị trường.

Hệ thống bể ủ nguyên liệu được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn.

Hệ thống bể đẩy nước tự động lấy nước từ giếng khoan ngầm lên hệ thống nhỏ giọt cũng đồng bộ

Nguyên liệu phân được xử lý kỹ trước lúc đem vào công đoạn ủ

Nguyên liệu quan trọng nhất cho công tác đóng bầu ươm cây là xơ dừa. Nguyên liệu này cũng được nhập về từ các cơ sở chế biến ở tỉnh Bình Định.

Công tác đóng bầu nhanh chóng được nhân công triển khai cho kịp tiến độ...

Để trong khoảng 7 - 10 ngày nữa, cơ sở sẽ đi vào trồng 2.000m2 dưa lưới.

Ông Trương Văn Hòa - Chủ cơ sở trồng rau nhà lưới cho biết: Vụ hè thu 2016 này, sau khi hoàn thiện xây dựng hạ tầng, cây trồng được lựa chọn đầu tiên trong sản xuất là dưa gang, sau đó là các cây rau màu thích ứng với thời vụ tại Nghệ An như cà chua,ớt ngọt, rau cải...

Cây giống dưa gang được nhập về từ Nhật Bản,nguồn giống thế hệ đời F1 đảm bảo tính ưu việt, khả năng sinh trưởng tốt với giá nhập khẩu 2.500 đồng/hạt.

Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, ông Trương Văn Hòa đã ký kết được một số hợp đồng cung ứng sản phẩm như Công ty rau sạch Vĩnh Cường (Đồng Nai), một số nhà phân phối rau sạch lớn ở Hải Phòng, Đà Nẵng và các hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc như Hà Nội, Sài Gòn, Vinh. Theo hợp đồng cam kết ban đầu, các đơn vị sẽ thu mua sản phẩm dưa gang vụ hè thu này cho cơ sở của ông Hòa với giá 45.000 đồng/kg.

Lương Mai

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng): Thiếu mía giống cho vụ sản xuất mới

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

Sau đợt hạn, mặn kéo dài, những cơn mưa xuất hiện đã đem niềm vui cho người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), bà con đã tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ, nhưng việc trồng mới lại gặp nhiều khó khăn do giá mía giống tăng cao, lại khó tìm mua.

Nông dân Cù Lao Dung tập trung xuống giống lại vụ mía cho kịp thời vụ.

Mọi năm hom mía giống chỉ từ 1.300 - 1.500 đ/kg thì nay tăng lên 2.000 đ/kg nhưng vẫn khó tìm mua. Các hom mía giống: ROC 16, K95-156, K95-84, KK3... tăng từ 500-700 đ/kg, để có nguồn hom giống nông dân phải liên hệ trước khoảng 10 ngày tại các vùng mía như Hậu Giang, Trà Vinh, Long An...nhưng cũng không đủ đáp ứng cho sản xuất. Anh Nguyễn Thanh Hùng ở ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, cho biết: “Năm nay chi phí mua mía giống tăng cao, cộng thêm tiền vận chuyển từ Long An về đến nhà, tính ra 1kg hom mía có giá từ 2.000 đến 2.200 đồng”.

Đây là lần thứ 2 hộ ông Huỳnh Quốc Toản ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, phải trồng lại 3ha mía bị thiệt hại do hạn, mặn. Với 1.000m2 thì cần gần 1 tấn hom giống, vì vậy ông phải liên hệ khắp nơi để đặt mua với giá 2.000 đ/kg, nhưng chỉ mua được khoảng 20 tấn, phần diện tích còn lại ông áp dụng hình thức lưu gốc, nhằm giải quyết tình trạng thiếu giống và giảm một phần chi phí sản xuất. Ông Toản cho biết: “Đợt nắng hạn vừa qua ở khu vực trồng mía xã Đại Ân 1 có trên 80% diện tích mía bị mất trắng, nên khi có mưa bà con tranh thủ xuống giống lại cho kịp thời vụ dù hiện nay giá mía giống tăng rất cao. Nếu không trồng lại mía thì nông dân cũng không biết trồng cây gì, mà để đất trống thì không nỡ!”.

Theo ngành chức năng, niên vụ 2016-2017 bị thiếu mía giống vì nhiều diện tích mía niên vụ trước bị thiệt hại do thiên tai nên nguồn hom giống khan hiếm. Việc thiếu nguồn giống khiến cho thời vụ ở các xã Đại Ân 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3... trồng chậm hơn mọi năm. Hằng năm, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, nông dân đã xuống giống dứt điểm, thì nay diện tích mía của huyện chỉ khoảng 6.010 ha và còn gần 500 ha chưa xuống giống. Ông Cao Văn Minh, quyền Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Những diện tích mía bị thiệt hại từ 70% trở lên thì nông dân phải đốn bỏ hoàn toàn để trồng lại, nếu trồng dậm lại thì mía phát triển không đều, công chăm sóc nhiều hơn nhưng năng suất mía cuối vụ sẽ không cao. Ngành Khuyến nông có khuyến cáo bà con nên chọn những giống mía ngắn ngày, có khả năng chịu được hạn như giống K95-156, K95-84, KK3… để xuống giống trong niên vụ mía này”.

Dậm lại diện tích mía bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn nạn

Do ảnh hưởng thiên tai, nhiều diện tích mía phải trồng lại 2-3 lần và giá mía giống cũng tăng cao, nên chi phí sản xuất vụ này tăng từ 30 - 50%. Ngành chức năng địa phương đã rà soát lại nhu cầu mía giống của nông dân và liên hệ với các nhà máy đường cung cấp các giống mía có thời gian sinh trưởng ngắn, phát triển nhanh như K95-156, K833, KPS, KK 3... để giúp nông dân xuống giống cho kịp thời vụ, ổn định thu nhập cho người trồng mía huyện nhà./.

Đoan Trang

Vùng rau Tiền An (Quảng Ninh)

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Xã Tiền An (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những "vựa rau" lớn không những của thị xã mà của cả tỉnh. Hiện xã có 180ha trồng rau màu các loại, trong đó có 52ha rau an toàn theo hướng VietGap, thu hoạch trung bình 10 tấn/ngày. Để sản phẩm làm ra đúng chất lượng, tiêu chuẩn và tên gọi rau an toàn, thời gian qua xã luôn chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nhờ đó, vùng rau Tiền An đã từng bước khẳng định được thương hiệu và chất lượng trên thị trường tiêu dùng trong và ngoài thị xã.

Người dân xã Tiền An (TX Quảng Yên) đã chú trọng hơn trong việc đảm bảo VSATTP sản xuất nông nghiệp.

Dẫn chúng tôi tham quan khu trồng rau an toàn của xã, ông Vũ Văn Toại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, để thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP trong sản xuất nông nghiệp, xã thành lập Ban chỉ đạo ATTP gồm 13 thành viên, do đồng chí phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực kinh tế làm trưởng ban. Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từ thông tin, tuyên truyền cho người dân, đến kiểm tra, giám sát việc sản xuất đảm bảo VSATTP. Chị Đồng Thị Chi, người dân thôn Đình, chia sẻ: "Người dân Tiền An chúng tôi sống nhờ vào trồng rau màu, nên không sản xuất theo kiểu ăn xổi, mà trồng sản phẩm có chất lượng để làm ăn lâu dài. Vì vậy, vấn đề đảm bảo VSATTP luôn được đặt lên hàng đầu. Gia đình tôi không sử dụng các loại phân bón không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục cho phép, nguồn nước tưới ảnh hưởng đến an toàn sản phẩm… Đồng thời trang bị dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng, phương tiện phù hợp để sản xuất, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển, bảo đảm không gây độc hại, không gây ô nhiễm cho thực phẩm...".

Đối với các cơ sở sản xuất ban đầu là các hộ dân trực tiếp trồng trọt, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của thị xã và Viện Rau quả Trung ương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng VietGAP. Xã tổ chức cho 186 hộ dân thuộc vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn ký cam kết đảm bảo VSATTP. Công tác kiểm tra thực hiện nội dung cam kết chủ yếu giao cho HTX sản xuất rau an toàn thực hiện trong quá trình quản lý, điều hành. Đối với những hộ không phải xã viên HTX, xã tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo VSATTP. Cán bộ xã tăng cường đi thực tế tại các cánh đồng, đánh giá mức độ thực hiện VSATTP trong sản xuất nông nghiệp của các hộ dân.

Hằng năm, xã chỉ đạo rà soát các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; sử dụng các điều tra viên là trưởng thôn phối hợp điều tra việc sản xuất kinh doanh của các hộ. Xã thường xuyên giám sát, kiểm tra quy trình sản xuất của các hộ dân sản xuất nông nghiệp, nhất là những hộ nằm trong vùng quy hoạch trồng rau an toàn. Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, đa số các hộ dân đã thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP. Song, thực tế vẫn còn một số hộ dân chưa thực hiện đúng nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiện tượng dùng thuốc diệt cỏ cháy vẫn còn tồn tại; ý thức của một số người dân trong việc thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn chưa nghiêm túc, vẫn còn hiện tượng vất bừa bãi mặc dù đã có những bể chứa rác tại các cánh đồng…

Ông Lương Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo về ATTP của xã, cho biết: Thời gian qua, xã đã chủ động, tích cực trong vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm VSATTP. Nhưng do nguồn kinh phí hỗ trợ cho tập huấn, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn ít, nên tổ chức chưa thường xuyên. Nguồn cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ nhiều nguồn khác nhau, chưa thống nhất; cán bộ phân công quản lý chủ yếu là kiêm nhiệm, nên khó khăn cho việc theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm. Mong rằng thời gian tới, thị xã và các ngành liên quan hỗ trợ kinh phí, tiếp tục mở các lớp tập huấn về VSATTP; hỗ trợ nhân dân tiếp cận khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các bể chứa rác thải, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hoàng Anh

Phát triển hợp tác xã trong xây dựng cánh đồng lớn

Nguồn tin: Báo Long An

Việc thực hiện cánh đồng lớn (CĐL) trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò của hợp tác xã (HTX) đối với CĐL là vô cùng quan trọng. Khi các hộ nông dân tham gia mô hình thì việc sản xuất đạt hiệu quả cao, đầu ra, giá thành nông sản ổn định và cao hơn so với các hộ không tham gia. Bên cạnh đó, các thành viên được HTX tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất,…tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm hiệu quả.

Xây dựng CĐL gắn với phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới

Vai trò của HTX với CĐL

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 75 HTX nông nghiệp với khoảng 1.588 thành viên và 2 liên hiệp HTX. Trong năm 2015, có 20 HTX đạt doanh thu trên 4 tỉ đồng và có 4 HTX có lợi nhuận với tổng lợi nhuận hơn 1,4 tỉ đồng. Các HTX góp phần hỗ trợ cho kinh tế người dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong HTX và địa phương với thu nhập bình quân từ 2 – 3,5 triệu đồng/tháng. Các thành viên HTX tham gia CĐL được hỗ trợ về kỹ thuật, các chính sách về vốn, phòng trừ dịch bệnh, kết cấu hạ tầng, đồng thời được chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ.

Năm 2015, tỉnh phối hợp 20 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt CĐL với diện tích gần 25.000ha, trên 10.000 hộ dân tham gia. Vụ Đông Xuân 2016, thực hiện được 43 lượt CĐL với diện tích gần 15.000ha, hơn 4.600 hộ và 13 doanh nghiệp tham gia. Trong vụ Hè Thu 2016 có 57 CĐL diện tích 13.126 ha, với 5.506 hộ tham gia, có 12 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm. Việc thực hiện CĐL còn làm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời tạo thương hiệu nông sản cho tỉnh nhà.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 75 HTX nông nghiệp với khoảng 1.588 thành viên và 2 liên hiệp HTX

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được cho biết: “Việc tổ chức sản xuất theo CĐL mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình về năng suất, chất lượng và giá trị. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh thực hiện mô hình này cũng gặp khá nhiều khó khăn như doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL chưa nhiều, một số nơi chưa có HTX, nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ,…Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, giao cho các ngành liên quan cùng với người dân để phát triển CĐL gắn với HTX để phát triển kinh tế hợp tác”.

Đạt hiệu quả đáng kể

Trong những năm qua, việc phát triển CĐL gắn với HTX tạo chuyển biến tích cực của thành phần kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng)- Trương Hữu Trí cho biết: “HTX với quy mô sản xuất nông nghiệp 464 ha, với 103 hộ tham gia. Mô hình liên kết sản xuất thật sự cần thiết và có lợi mọi mặt: Thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển; nông dân sản xuất có thu nhập cao; tạo ra 1 chuỗi giá trị nông sản sạch cung cấp cho công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới; góp phần ổn định cuộc sống người dân. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, lợi nhuận trung bình của nông dân khoảng 28 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha, nông dân có đầu ra ổn định. Từ đó, từng thành viên HTX đồng tình tham gia. Vì thế, chúng tôi mong rằng, mô hình liên kết sản xuất trong CĐL được lâu dài và bền vững”.

Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thanh long bền vững

Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) – Trương Quang An cho biết: “Diện tích trồng thanh long của HTX là 60 ha, với 50 thành viên. Được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã tiếp cận được nguồn vốn vay để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khi mới thành lập HTX chủ yếu xuất hàng sang Trung Quốc. Hiện nay, sau khi được công nhận nhãn hiệu hàng hóa có uy tín và chất lượng, HTX được khách hàng nhiều nước tìm đến và mua sản phẩm như: Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Nhật, Mỹ. Trong năm 2016, HTX tham gia Đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thanh long bền vững tại tỉnh Long An do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì”.

Theo TS.Trần Minh Hải – Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, lợi ích của HTX sản xuất nông nghiệp là giảm chi phí do chuyên nghiệp hóa quản lý và chu kỳ sản xuất; giảm chi phí do sử dụng hiệu quả lao động và máy móc; giảm chi phí từ việc mua sắm các vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, …); hưởng lợi từ tính kinh tế của quy mô của các CĐL (áp dụng công nghệ hiện đại, chính xác và tiết kiệm thời gian). Vì vậy, để tạo chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả thì HTX cần tăng khả năng tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm của HTX; việc tiêu thụ nông sản trong CĐL qua HTX; xây dựng mạng lưới HTX liên kết theo cả chiều ngang cũng như chiều dọc; năng lực HTX càng mạnh thì tỷ lệ thực hiện hợp đồng cao và người dân tham gia sản xuất có lợi trong chuỗi liên kết./.

Lê Huỳnh – Thanh Mỹ

Tiền Giang: Quy định mức hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quyết định 24/2016/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Thu hoạch lúa tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Vân Anh

Theo đó, đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là tổ chức đại diện của nông dân) hoặc hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân); tổ chức đại diện của nông dân có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc nông dân...

Hỗ trợ đối với doanh nghiệp: Hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.

Đối với tổ chức đại diện của nông dân: Hỗ trợ 30% năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy, để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên với định mức của ngành Nông nghiệp.

Mức hỗ trợ cụ thể cho năm đầu và năm thứ 2: Đối với cây lúa 1.200.000 đồng/ha trong năm đầu và 800.000 đồng/ha trong năm thứ 2; đối với rau, củ, quả 2.000.000 đồng/ha trong năm đầu và 1.300.000 đồng/ha trong năm thứ 2; đối với cây ăn trái gồm xoài, thanh long, sầu riêng, vú sữa, cam, bưởi, khóm, sơri, sapô, nhãn, mãng cầu Xiêm là 2.000.000 đồng/ha trong năm đầu và 1.300.000 đồng/ha trong năm thứ 2.

Hỗ trợ 50% chi phí tập huấn, đào tạo một lần cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức. Mức hỗ trợ cụ thể: Hỗ trợ tiền ăn cho học viên là 35.000 đồng/ngày thực học/người. Hỗ trợ tiền nước uống cho học viên 5.000 đồng/người/ngày. Hỗ trợ tiền tài liệu 15.000 đồng/người/bộ tài liệu...

Hỗ trợ đối với nông dân: Được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và thông tin thị trường miễn phí liên quan đến loại sản phẩm tham gia cánh đồng lớn; hỗ trợ một lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng: Rau màu (giống F1), cây ăn quả (cây giống có nguồn gốc rõ ràng), lúa (giống cấp xác nhận) để gieo trồng vụ đầu tiên trong Phương án cánh đồng lớn, cụ thể như sau:

Đối với cây lúa hỗ trợ 600.000 đồng/ha. Hỗ trợ rau trồng bằng hạt 850.000 đồng/ha. Hỗ trợ rau trồng bằng thân, củ 3.000.000 đồng/ha. Đối với cây ăn trái: Xoài, vú sữa, bưởi, nhãn, sầu riêng, sapô, mãng cầu Xiêm hỗ trợ 1.800.000 đồng/ha; thanh long 4.800.000 đồng/ha; khóm 6.000.000 đồng/ha; cam, sơri 2.700.000 đồng/ha.

TUẤN ANH

Ký cam kết kiểm soát sản xuất, tiêu thụ rau an toàn

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 8-6, tại xã Vân Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức ký cam kết kiểm soát sản xuất, tiêu thụ rau an toàn (RAT) với các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT trên địa bàn xã Vân Nội.

Theo đó, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cam kết xây dựng danh mục vật tư đầu vào cho người sản xuất, hồ sơ ghi chép phục vụ kiểm tra chéo giữa các nhóm sản xuất, ban điều phối và chính quyền địa phương, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), hộ dân; tham gia lấy mẫu điển hình để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm… DN, HTX sản xuất bảo đảm số lượng, chủng loại, quy cách, phẩm chất RAT, chịu trách nhiệm về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng… Các đơn vị tham gia tiêu thụ RAT trên địa bàn xã sẽ truy xuất nguồn gốc tới từng nông hộ…

Huyện Đông Anh có hơn 1.300ha trồng rau, trong đó có hơn 500ha được thành phố quy hoạch sản xuất RAT tập trung. Đông Anh cũng là huyện đứng đầu thành phố về cơ sở sản xuất và sơ chế RAT với 37 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và 16 cơ sở đủ điều kiện sơ chế RAT...

Sơn Tùng

Phú Yên: Mưa kéo dài, dưa bị hư hại

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ruộng dưa hấu ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) hư hại nặng do mưa làm ngập úng - Ảnh: T.TRÂN

Hơn tuần qua, ở các vùng miền núi vào buổi chiều thường xuất hiện mưa, có những cơn mưa kéo dài sang đêm đã “giải hạn” cho mía, sắn đang khô hạn. Tuy nhiên, nhiều diện tích dưa đang chuẩn bị thu hoạch lại bị “ngâm” trong nước gây nũng thối, người trồng dưa thiệt hại nặng.

Những cơn mưa lớn kéo dài mấy ngày qua đã làm ngập úng các vùng trồng dưa gang, dưa bom ở các xã An Chấn, An Mỹ (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ra thăm ruộng dưa ở cánh đồng Miếu (xã An Chấn), nhiều nông dân trồng dưa trong xã sững sờ khi nhìn những trái dưa bị nứt nằm la liệt trên đồng. Bà Phan Thị Thâm ở xã An Chấn rảo quanh ruộng dưa bị nước mưa làm hư hại, hái dưa chai (phần ruột không chín mềm) chở về cho bò ăn và trở những trái dưa non bị thâm đen ở phần bụng, nói: “Tôi trồng 2 sào dưa, trong đó có 1 sào dưa bom trồng trên đất cát khi gặp mưa nước rút nhanh nên tôi phải chịu khó trở những trái dưa non, chứ để nằm một chỗ trên đất ướt thì 2-3 ngày nữa sẽ thối cả trái. Riêng 1 sào dưa gang trồng trên đất thịt, dưa đang già (chuẩn bị thu hoạch) thì gặp mưa, loại dưa này khi thấm nước mưa, sáng ra nứt toàn bộ, ước tính thiệt hại cả hàng triệu đồng.

Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Nhung cũng cho hay: Hồi đầu mùa, dưa có giá 6.000 đồng/kg nhưng sau đó gặp mưa nên ai cũng tranh thủ thu hoạch rồi bán đổ bán tháo, hiện dưa chỉ còn 2.000 đồng/kg; dưa bom trước 8.000 đồng/kg nay hạ còn 4.000 đồng/kg. Bán hết 2 sào dưa, chúng tôi ngồi ròng rã cả nửa tháng trời. Mấy năm trước, một sào dưa thu được 5 triệu đồng, nay do gặp mưa, dưa nứt nũng thối nên thu nhập chỉ còn một nửa.

Ông Phan Văn Xuân ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), than vãn: Tôi trồng 7 sào dưa hấu, khi dưa ra trái non thì gặp nắng hạn gay gắt. Sợ dưa héo, tôi xin HTX cho hút nước từ mương vào tưới, nào ngờ mới vừa dẫn nước vào được 2 ngày thì mưa to lại ập xuống, ruộng trũng không có chỗ thoát nên dưa bị hư hại toàn bộ. Trung bình mỗi sào dưa tiền đầu tư là 4 triệu đồng, vụ này tôi lỗ 28 triệu đồng.

Cũng theo ông Xuân, mấy năm nay ông trồng dưa ở vùng này, năng suất dưa trung bình đạt 2 tấn/sào. Đầu tư trong thời gian 2,5 tháng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ít nhất 7 triệu đồng/sào. Còn vụ này, thời gian trồng rút ngắn chỉ 50 ngày, với 7 sào dưa, ước tính ông sẽ thu gần 50 triệu đồng, nào ngờ giờ bị lỗ nặng.

Người trồng dưa hấu ở các xã miền núi cũng “méo mặt” vì mưa kéo dài. Ông Nguyễn Văn Hòa trồng 2 sào dưa hấu ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho biết: Những cơn mưa vừa qua “giải hạn” cho sắn, mía nhưng người trồng dưa “méo mặt”. Dưa hấu ra trái sắp đến ngày thu hoạch, chỉ sau 2 ngày gặp mưa, trái có nhớt ở phần tiếp giáp với đất, đến ngày thứ 3 lại xuất hiện đốm vàng bằng đầu đũa và lan rộng ra bầm đen dưới bụng trái dưa. Tôi trồng 4 sào dưa hấu, dự tính vài ngày nữa có thể cầm trong tay gần 30 triệu đồng. Nhưng mưa lớn bất ngờ, trái dưa bị “ngâm” nước mưa khiến toàn bộ ruộng dưa bị bệnh thối trái.

Còn bà Phan Thị Nữ, một người trồng dưa ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), nói: Tôi thuê 5 sào đất trồng dưa, lúc nắng nóng thì tôi đặt máy bơm hút nước từ suối lên tưới cho dưa. Khi dưa chưa kịp già thì mưa to ập xuống, vì là đất vùng gò đồi nên tôi chịu khó trở dưa, đồng thời lót ni lông cách đất cho dưa không bị nũng thối. Cuối tuần qua cơn mưa kéo dài từ chiều qua đêm, tôi vội thu hoạch và bán đổ bán tháo, chỉ 4.000 đồng/kg, thấp hơn đầu vụ 2.500 đồng/kg. Số tiền đó chỉ đủ trả các khoản chi phí, còn lỗ công chăm sóc.

Theo Sở NN-PTNT, vụ dưa hấu năm nay nông dân trồng hơn 300ha dưa, tập trung ở các huyện Tuy An, Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Còn nông dân các xã An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An) và xã An Phú (TP Tuy Hòa) trồng dưa gang, dưa bom. Những cơn mưa vừa qua đã làm nhiều diện tích dưa bị hư hại, gây thiệt hại nặng cho người trồng dưa.

TRÂM TRÂN

TP.Thái Nguyên: Triển khai mô hình trồng chanh đào

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Nhằm giúp người dân lựa chọn giống cây ăn quả mới có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, Trạm Khuyến nông TP. Thái Nguyên đang triển khai mô hình trồng chanh đào cho 20 hộ dân, tại các xã: Thịnh Đức, Phúc Hà, Tân Cương và Quyết Thắng với quy mô 2ha (khoảng 1.620 cây).

Đây là giống chanh có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, quả có vỏ mỏng màu vàng sáng, ruột màu hồng đào, mọng nước và có mùi thơm. Cây chanh đào có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt phát triển mạnh trên đất tơi xốp, giàu mùn và chất hữu cơ. Chanh thường ra quả nhiều vào mùa thu (khoảng tháng 8, 9 dương lịch), được nhiều người ưa chuộng bởi khi ngâm quả chanh kết hợp với mật ong hay đường phèn sẽ thành bài thuốc trị ho hiệu quả.

Theo hạch toán sơ bộ, giống chanh đào cho năng suất 1.000 kg/sào (cao hơn giống chanh ta 500 kg/sào). Với giá bán dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân có thể thu lãi được gần 20 triệu đồng/sào.

Vi Vân

Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp: Góp phần chuyển biến về tư duy làm nông nghiệp sạch của nông dân

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Những năm qua, bên cạnh những mô hình được ngành nông nghiệp chuyển giao, trong quá trình sản xuất, nhiều hội viên Hội Làm vườn (HLV) tỉnh có những đột phá mới, vận dụng kỹ thuật, những cách làm hay góp phần nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhà vườn trồng mận Lai Vung sử dụng mùng lưới để tránh dịch ruồi đục trái

Mận là một trong những loại cây ăn trái được trồng phổ biến ở Đồng Tháp, những năm gần đây dịch ruồi đục trái khiến nông dân trồng mận bị thiệt hại rất nhiều. Để duy trì sản xuất, giải pháp tăng cường phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là cách được nhiều nhà vườn lựa chọn, nhất là vào mùa mưa, tuy nhiên cách làm này ảnh hưởng đến chất lượng trái mận, người tiêu dùng cũng e dè khi sử dụng. Trước tình hình đó, một số nhà vườn ở Lai Vung đã sáng tạo ra cách dùng mùng lưới để ngăn ruồi đục trái và đạt kết quả thành công ngoài mong đợi.

Anh Lê Ngọc Giàu - hội viên HLV xã Định Hòa, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Khi điều kiện canh tác thay đổi, mình phải tìm cách làm mới để duy trì sản xuất. Giải pháp dùng thuốc hóa học để can thiệp không mang lại hiệu quả khi người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại với sản phẩm mận. Giải pháp dùng mùng lưới là phương án khả thi nhất giúp nhà vườn trồng mận thoát khỏi dịch ruồi đục trái, cũng như củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng trong xu hướng hội nhập, trước khi nghĩ tới việc xuất khẩu thì cần làm ra sản phẩm chất lượng phục vụ cho thị trường trong nước trước đã”.

Anh Tống Văn Phong - hội viên HLV xã Vĩnh Thới, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất quýt đường ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung thì cho rằng: “Đất nước đang hội nhập với thế giới, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng đang có nhiều thay đổi theo xu hướng hiện đại. Là nhà sản xuất, tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi, nắm bắt xu hướng thị trường để có những điều chỉnh sản xuất kịp thời. Sản xuất theo hướng an toàn, tiến tới đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là điều cần thiết”.

Để có những thay đổi tích cực trong nhận thức của người sản xuất, thời gian qua HLV tỉnh thường xuyên phối hợp với những đơn vị chuyên môn thực hiện công tác tuyên truyền; tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn, các khóa huấn luyện sản xuất trái cây theo hướng VietGAP một cách đều đặn và liên tục. Thông qua những chương trình này, bà con nhà vườn được các diễn giả, cơ quan chuyên môn hướng dẫn tường tận về kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, các thông tin về thị trường xuất khẩu trái cây, việc tham gia các Hiệp định thương mại của Việt Nam cũng được HLV thông tin cụ thể đến hội viên. Từ những hoạt động thiết thực của HLV tỉnh trong thời gian qua, nhận thức của bà con nhà vườn về sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch - bền vững được cải thiện đáng kể. Diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh được chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được mở rộng. Hiện nhiều mặt hàng trái cây của Đồng Tháp không những nhận được sự tin dùng của thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo thống kê của HLV tỉnh, đến nay toàn tỉnh có trên 500ha vườn cây ăn trái đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, VietGAP, GlobalGAP. Thời gian tới, con số này hứa hẹn nâng lên nhiều lần, bởi phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là định hướng lâu dài mà ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang hướng tới.

Mặc dù đại bộ phận nông dân nhất là hội viên HLV tỉnh đang có những chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, song để nông sản an toàn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người sản xuất và tiêu dùng thì vẫn cần sự nỗ lực hơn từ nhiều phía, nhất là các ngành chuyên môn.

Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch HLV Việt Nam nhận định: “Để các mặt hàng nông sản được chứng nhận VietGAP đến tay người tiêu dùng hiệu quả nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có nhãn mác được thiết kế riêng và đồng bộ trên toàn quốc dành cho các sản phẩm nông sản được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Đồng thời cũng cần có những quy chế, quy định về việc sử dụng loại nhãn mác này, nhằm tránh những trường hợp làm nhái hay giả mạo. Đây là cơ sở để người tiêu dùng kiểm soát được chất lượng thật sự những nông sản họ mua.

Ngoài ra, để chuỗi sản xuất nông sản an toàn phát triển bền vững, nông dân cần phát triển theo mô hình kinh tế hợp tác trong tổ chức hợp tác xã. Trong bối cảnh hội nhập, vấn đề về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, không có cách nào khác là nông dân phải sản xuất theo quy trình an toàn, được chứng nhận theo hướng VietGAP”.

Minh Nhật

Ngọt, giòn những trái ổi Đông Dư

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Những ngày này, người dân xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang vào vụ thu hoạch ổi. Những trái ổi vàng ươm, thơm lừng, sai trĩu trên cành, ăn vào ngọt mát, hấp dẫn đông đảo thực khách đến vườn.

Đông Dư đang thu hoạch vụ ổi chiêm.

Ổi Đông Dư từ lâu đã trở thành một trong những loại trái cây nổi tiếng của Hà Nội. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị theo chân những người nông dân xã Đông Dư vào tận vườn thu hái ổi. Theo chia sẻ của bà con nông dân, từ sáng sớm, khi chưa thấy rõ mặt họ đã vào vườn thu hái ổi để bán cho thương lái chuyển đi khắp các tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung. Từ 9 - 10 giờ trở đi, hầu hết bà con đã thu hái xong lượng ổi bán trong ngày.

Những trái ổi chín trên cây đang được thu hái.

Theo chia sẻ của bà con trồng ổi Đông Dư, đây là vụ ổi chiêm, thời gian thu hái từ tháng 3 đến tháng 7 Dương lịch. Sản lượng quả vụ chiêm chỉ bằng khoảng 2/3 sản lượng ổi của vụ mùa. Chất lượng quả ổi 2 vụ không có gì khác nhau, vì chất lượng thổ nhưỡng của Đông Dư được sông Hồng bồi đắp, cộng với kỹ thuật canh tác chuyên canh kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học mới của người dân ở đây đã tạo cho trái ổi ngọt, thơm, giòn.

Để có thương hiệu ổi Đông Dư như ngày nay, ông Nguyễn Hữu Nhật - Chủ tịch UBND xã Đông Dư cho biết: Để trái ổi không chỉ ngon mà còn an toàn cho người sử dụng, xã chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm - ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ sinh học theo quy trình sản xuất VietGAP.

Nếu như ổi găng trước kia chỉ có 1 vụ quả thì bây giờ người dân Đông Dư đã tự nghiên cứu ra cách chăm sóc cây để cho ra 2 vụ quả trong năm. Để cây ổi phát triển bền, chất lượng quả luôn giòn, ngọt, người trồng ổi Đông Dư đã hạn chế sử dụng phân bón hóa học, phần lớn nông dân ngâm ủ phân hữu cơ với đậu tương để bón cho cây. Đặc biệt, bà con đã phân khu để chăm bón cho cây ra quả lệch ngày nhau, tránh tình trạng ổi chín rộ sẽ bị tư thương ép giá.

Những cành ổi sai trĩu.

Ổi tiếp tục ra hoa, kết trái. Đây là lứa quả chính vụ sẽ cho thu hoạch từ tháng 8 đến Tết Nguyên đán.

Được biết, xã Đông Dư có 210ha đất nông nghiệp. Sau khi nhường đất cho xây dựng công trình đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nay còn 202ha. Trước kia, phần lớn diện tích đất của xã đều sản xuất lúa và trồng màu xen canh. Đến nay, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã được nông dân chuyển sang trồng ổi găng. Đây là giống ổi của địa phương được người dân Đông Dư chọn lọc ra giống ngon nhất đưa vào trồng.

Ổi Đông Dư theo những lái buôn đi khắp các tỉnh thành từ miền Trung trở ra.

Mỗi héc-ta đất canh tác trồng ổi hiện nay của Đông Dư cho thu nhập đạt từ 200 - 250 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần cấy lúa và chi phí thấp hơn sản xuất lúa. Mô hình phát triển cây trồng chuyên canh ổi găng không chỉ nâng cao thu nhập cho trên 60% hộ nông dân ở Đông Dư mà còn góp phần đưa xã về đích nông thôn mới năm 2015.

Hiện nay, giá bán ổi Đông Dư tại vườn 15.000 đồng/kg. Vào tận vườn mua, chúng ta không chỉ được trải nghiệm cùng nông dân hái quả mà còn được thưởng thức ngay những trái ổi chín vàng, căng tròn, tươi nguyên, mới thấy hết sự hấp dẫn của thương hiệu ổi Đông Dư nổi tiếng của Hà Nội.

Bích Hời

Lào Cai: Sản lượng dưa hấu xã Quang Kim ước đạt 420 tấn

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Năm nay, do ảnh hưởng của nắng hạn, nên năng suất dưa hấu của xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) thấp hơn so với năm 2015.

Năm 2016, nhân dân xã Quang Kim trồng được 30 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các thôn: Làng San 1, Làng San 2, Vĩ Kẽm, Làng Toòng. Do thời tiết nắng hạn, nên dưa hấu sinh trưởng, phát triển kém năm trước, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha (năm 2015, năng suất dưa hấu của xã đạt 15 tấn/ha).

Người dân xã Quang Kim thu hoạch dưa hấu.

Hiện nay, nông dân xã Quang Kim đã thu hoạch được 80% diện tích dưa hấu. Tổng sản lượng dưa hấu ước đạt 420 tấn.

Với giá bán trung bình 7.000 đồng/kg, thì thu nhập từ dưa hấu của nông dân xã Quang Kim năm nay đạt trên 2,9 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Ngoài nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng của thời tiết, còn vì một phần giống dưa hấu một số hộ dân trồng không đảm bảo, nên năng suất thấp. Trong thời gian tới, xã Quang Kim sẽ tham khảo một số giống dưa hấu cho năng suất cao để tư vấn cho bà con mua về trồng.

TUẤN NGỌC

Thủ Thừa (Long An): Nông dân xuống giống trên 50ha dưa hấu vụ Hè Thu

Nguồn tin: Báo Long An

Đến thời điểm này, nông dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xuống giống dưa hấu vụ Hè Thu được trên 50ha, tập trung ở các xã Tân Thành, Mỹ An, Mỹ Phú và Bình Thạnh.

Nông dân Thủ Thừa xuống giống trên 50ha dưa hấu vụ Hè Thu

Hiện tại, dưa hấu đang phát triển tốt. Dự kiến vào giữa tháng 7-2016, số dưa này sẽ chín rộ với năng suất ước đạt từ 15 đến 25 tấn/ha.

Những năm gần đây, diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Thủ Thừa phát triển mạnh, nhất là tại xã Mỹ Phú. Dưa hấu ở đây cho năng suất cao, chất lượng tốt, là nguồn cung cấp dưa cho nhiều nơi trong cả nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng dưa vì đầu ra của loại cây trồng này không ổn định, nếu trồng nhiều dễ bị ứ đọng, từ đó làm cho giá dưa thấp, nông dân sẽ bị thiệt hại./.

Huỳnh Du

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop