Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 06 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 06 năm 2020

Nông dân làm du lịch

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Năng động và có tư duy đổi mới, nhiều năm nay, ngày càng có nhiều nông dân mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế theo hướng kết hợp nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Với cách làm này, các nông hộ vừa góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, vừa tăng thu nhập hiệu quả.

Nằm lọt thỏm giữa bốn bề ruộng lúa ở ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ nhưng khoảng 3 năm nay, gia đình chị Ngô Thị Thảo được rất nhiều du khách trong và ngoài thành phố biết đến.

Bước qua căn nhà khang trang phía trước và khoảng đất trồng các loại rau thơm là tới vườn sầu riêng đang mùa thu hoạch. Mùi thơm đặc trưng của sầu riêng chín cây làm nhiều du khách phải hít hà, ngước mắt tìm kiếm. Chị Thảo kể: “Trên tổng diện tích 10 công đất vườn, vợ chồng tôi trồng được trên 300 gốc sầu riêng, măng cụt và bòn bon. Trong đó, phần nhiều là sầu riêng Ri6 và sầu riêng sữa. Mùa sầu riêng năm nay, tôi bắt đầu đón khách tới tham quan và bán sầu riêng tại vườn từ đầu tháng 4 âm lịch. Có những ngày, tôi đón khoảng 300 lượt khách chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh đến vườn nhà tham quan”. Với số lượng khách này, chỉ trong khoảng 2 tháng, vợ chồng chị Thảo đã có thu nhập trên 200 triệu đồng, bao gồm nguồn thu từ bán sầu riêng, vé vào vườn tham quan và dịch vụ ăn uống tại vườn. Không chỉ vậy, vợ chồng chị Thảo đang tạo việc làm cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Để có được thành quả này, vợ chồng chị Thảo trải qua không ít khó khăn. Chị cho biết: “Mảnh đất này trước đây chúng tôi trồng rẫy. Sau khi lên vườn trồng cây ăn trái đã có vài người bạn “bàn ra” vì nếu cho thuê 10 công đất đã kiếm được ít nhất là 50 triệu đồng/năm. Trong khi trồng cây ăn trái thì lâu cho thu hoạch. Chưa kể, những năm đầu vườn sầu riêng để trái, chúng tôi không biết cách thụ phấn cho hoa nên trái non rụng hết, không có thu nhập”. Tham khảo kiến thức từ những nhà vườn đi trước, vợ chồng chị dần tích lũy được kinh nghiệm, biết cách chăm sóc và sầu riêng ra trái đạt hiệu quả cao nhất. Năm 2017 là năm đầu tiên chị Thảo có trái sầu riêng đem bán trước nhà. Khách ghé mua ăn rồi xin vào tham quan vườn, chụp ảnh đăng mạng xã hội. Từ đó, khách đến vườn tham quan ngày càng đông.

Nhiều năm nay, một số hộ dân trồng cây ăn trái ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ chuyển hẳn từ mục tiêu trồng cây hái trái bán cho thương lái sang phục vụ khách du lịch tham quan. Ông Lâm Hồng Trọng, chủ vườn dâu 7 Trọng ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh là một trong số đó. Ông Trọng có mảnh vườn trồng khoảng 100 gốc dâu bòn bon 7 năm tuổi. Theo ông Trọng, trước đây, ông từng trồng cam nhưng lợi nhuận không cao. Thấy địa phương phát triển du lịch, đặc biệt là vườn nhà nằm ven trục đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, gần Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nên ông quyết định trồng dâu làm du lịch. Thay vì hái trái bán cho thương lái, ông Trọng giữ nguyên những chùm dâu xum xuê trên cây, để dành cho khách đến tham quan, chụp ảnh. Ngoài nguồn thu từ vé tham quan 40.000 đồng/người, vợ chồng ông Trọng bán thêm nước mía, nước cam. Vào chính vụ, dâu chín rộ trĩu cành với màu vàng nổi bật trên nền lá xanh mướt thu hút khách tham quan có khi lên đến cả trăm lượt mỗi ngày. Nhờ đó đã giúp ông bà có thu nhập rất khá so với hái dâu cân bán cho thương lái chỉ vài ngàn đồng mỗi ký. Ông Trọng cho biết, hiện ông đang trồng thêm dâu xanh, còn gọi là dâu Gia Bảo, năm sau sẽ cho trái, góp phần giúp khu vườn càng đặc sắc hơn.

Từ bến đò Cồn Sơn (thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) rẽ trái khoảng 300m là tới vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Năm. Ông có 10 công đất trồng cây ăn trái. Trong đó, 70% diện tích trồng chôm chôm, còn lại trồng dâu và măng cụt. Những gốc chôm chôm xù xì trên 40 năm tuổi được ông Năm cắt tỉa, tạo tán thấp vừa đầu người. Mùa này, chôm chôm chín đỏ, trĩu cành, nhiều cây trái sà xuống gần sát mặt đất. Những gốc dâu Gia Bảo cũng chín rộ, khiến nhiều du khách thích thú. Ông Năm nói: “Cũng như phần lớn nông hộ ở Cồn Sơn, nhiều năm trước, gia đình tôi cũng kiếm thu nhập từ việc trồng vườn, bán trái cây. Mới mấy năm gần đây, du lịch phát triển khá mạnh mẽ, gia đình tôi cũng đi theo xu hướng này. Nhờ làm thêm dịch vụ du lịch, cho khách đến tham quan vườn, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập khá bên cạnh cắt, bán trái cây. Ngoài tiền vé tham quan mỗi người 30.000 đồng, chúng tôi hái trái cân bán tại vườn cho du khách bằng giá bán ngoài thị trường nên nhiều khách du lịch rất hài lòng. Hiệu quả từ kinh doanh dịch vụ du lịch giúp nông dân thêm nguồn thu, giảm bớt nguy cơ lỗ lã vì mất mùa hoặc mất giá, tiêu biểu như mùa chôm chôm năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên giá bán chôm chôm xuống rất thấp”. Gần nhà ông Năm, gia đình bà Trần Thị Sa cũng tận dụng vườn bưởi của gia đình để kinh doanh dịch vụ du lịch. Gia đình bà là một trong những nông hộ tham gia kinh doanh du lịch ở Cồn Sơn sớm nhất, với khá nhiều dịch vụ: ăn uống, trải nghiệm làm bánh dân gian, tát mương bắt cá,… với 5 thành viên trong nhà tham gia phục vụ. Ông Năm ấp ủ dự định xây dựng mô hình du lịch vườn cây ăn trái chuyên nghiệp hơn. Vì thế ông khuyến khích con trai út đón ghi danh học nghiệp vụ hướng dẫn du lịch để phục vụ du khách chu đáo và chuyên nghiệp hơn.

Nhiều nông dân nhạy bén chuyển hướng mô hình kinh tế bằng cách kết hợp nông nghiệp với dịch vụ du lịch và cả lợi thế về tính cách hiếu khách, hào sảng của người dân Nam bộ để tạo nên thương hiệu du lịch miệt vườn rất riêng cho Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này phát triển bền vững, mang lại hiệu quả giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập rõ nét hơn cho lao động, rất cần sự quan tâm quảng bá, quy hoạch phát triển và quản lý chất lượng nhiều hơn từ chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Mô hình chống hạn hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Anh Đạo Thanh Truyền, Trưởng Ban quản lý thôn Lương Tri (Nhơn Sơn, Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đưa chúng tôi ra thăm gia trại của anh Đạo Ngọc Tiến là nông dân trẻ thực hiện hiệu quả mô hình chống hạn. Anh Tiến chủ động lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ kênh Bắc vào đất canh tác bơm tưới trồng cỏ, bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống cho đàn dê, cừu. Đồng thời lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm nước cho vườn táo vượt qua mùa khô hạn, đang đơm bông kết trái chuẩn bị vào mùa thu hoạch.

Chúng tôi gặp anh Đạo Ngọc Tiến (sinh năm 1984) đang cắt những bó cỏ xanh tươi chở vô chuồng trại cung cấp thức ăn buổi sớm cho đàn dê, cừu mập mạp. Khu gia trại rộng trên 1 ha của gia đình anh Tiến trồng táo, cỏ xanh mướt. Mô tơ công suất 5 ngựa bơm nước từ kênh Bắc dẫn vô tưới cho khu đất vượt qua mùa khô hạn. Đưa chúng tôi đi thăm vườn táo, anh Tiến cho biết gia đình vừa đầu tư trên 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống nhựa dài 500 m dẫn nước từ kênh Bắc vô gia trại, sử dụng mô tơ bơm tưới cho cây trồng. Các nông hộ Đạo Văn Kệ, Đạo Văn Liêm, Đạo Văn Lư, Hứa Văn Mại có đất canh tác ở gần gia trại được anh Tiến chia sẻ nguồn nước giúp các hộ ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống gia đình trong những tháng khô hạn.

Anh Đạo Ngọc Tiến trồng cỏ bơm nước bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dê cừu trong những tháng khô hạn.

Ít ai ngờ anh nông dân trẻ tất bật với công việc gia trại ở đồng đất ven khu dân cư Lương Tri đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Sau khi có tấm bằng cử nhân, anh trở về làng vay vốn ngân hàng 150 triệu đồng và huy động nguồn vốn của bà con tộc họ giúp chàng cử nhân trẻ sản xuất nông nghiệp theo mô hình gia trại từ năm 2012 đến nay. Bước đầu khởi nghiệp, anh Tiến xây dựng chuồng trại mua 20 con cừu giống khởi nghiệp với nghề chăn nuôi gia súc có sừng. Nhờ có kinh nghiệm từ thực tiễn phụ giúp ba mẹ nuôi dê, cừu kết hợp kiến thức từ các chương trình tập huấn khuyến nông giúp anh Tiến chăn nuôi hiệu quả. Anh chủ động trồng cỏ, trồng rau muống với diện tích 7 sào, bảo đảm nguồn thức ăn xanh quanh năm cho đàn dê, cừu. Anh tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho đàn dê, cừu theo hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở đồng thời chủ động chữa trị một số bệnh thông thường cho gia súc.

Sau 8 năm gắn bó, đàn dê, cừu được chăm sóc chu đáo, anh bán bớt cho bà con quanh vùng nuôi vỗ béo với giá dê đực giống 160 ngàn đồng/kg; cừu đực giống với giá 120 ngàn đồng/kg. Đàn dê, cừu nái giống của anh hiện còn 100 con, gồm 50 con dê và 50 con cừu nái sinh sản. Từ nguồn vốn chăn nuôi dê, cừu, anh Tiến tiếp tục đầu tư trồng 3,5 sào táo tận dùng lá cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Đồng thời sử dụng nguồn phân hữu cơ của đàn dê, cừu chăm bón cung cấp dinh dưỡng cho đất trồng táo canh tác theo hướng sinh học an toàn. Người bạn đời đồng hành cùng khởi nghiệp với anh nông dân trẻ Đạo Ngọc Tiến là chị Đạo Thị Kim Anh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành vật lý của Trường Đại học Đà Lạt. Đôi vợ chồng trí thức trẻ nỗ lực vươn lên làm giàu từ mô hình gia trại trên đồng đất Lương Tri.

Anh Đạo Ngọc Tiến, cho biết: “Tôi được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 7 triệu đồng kết hợp nguồn vốn gia đình 10 triệu đồng đầu tư lắp đặt 90 bét phun tưới tiết kiệm nước cho vườn táo phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn. Qua ba năm trồng táo áp dụng quy trình hữu cơ khép kín, tôi cũng vừa đầu tư 40 triệu đồng phủ màn phòng trừ ruồi vàng hại trái. Vườn táo đang đơm bông kết tái chuẩn bị cho thu hoạch vào cuối tháng 6- 2020. Được chăm sóc chu đáo và canh tác trong điều kiện thời tiết thuận lợi giá bán ổn định 8-10 ngàn đồng/kg, vườn táo của tôi có khả năng cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Tôi nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động bơm tưới phòng chống hạn hiệu quả, tạo sự phát triển gia trại theo hướng bền vững”.

Sơn Ngọc

Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong thời tiết nắng nóng

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang

Nhiều ngày qua, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ tới đàn vật nuôi, thủy sản của Bắc Giang. Nếu các địa phương, chủ trang trại, hộ gia đình không có biện pháp phòng tránh hiệu quả sẽ bị thiệt hại.

Thời tiết nắng nóng các hộ cần thường xuyên tắm, làm mát cho gia súc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 16/6, thời tiết cả nước vẫn tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng xấu tới sự sinh trưởng của đàn gia súc, gia cầm, cây trồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện gà chết rải rác tại Yên Thế, Hiệp Hòa. Đặc biệt là gà màu, vì chúng được chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp, chuồng trại không bảo đảm thoáng mát dẫn đến gà bị sốc nhiệt, chết.

Trên đàn trâu, bò, ngựa, đặc biệt là lợn đã xuất hiện nhiều con bị lở loét, tiêu chảy, giảm sức đề kháng... Nếu các bệnh do nắng nóng gây ra lại ghép với các bệnh khác như: Tụ huyết trùng, cầu trùng, lở mồm long móng... thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, để chống nắng nóng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi trong tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp “giải nhiệt” như: Tăng thức ăn thô xanh cho gia súc; bảo đảm cung cấp đủ nước sạch; khẩu phần ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, bổ sung chất điện giải, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, che chắn, phun nước làm mát cho đàn vật nuôi, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Tiến hành chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên vật nuôi, chủ nuôi cần thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Nắng nóng cũng khiến việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nhiệt độ tăng, giảm đột ngột sẽ gây sốc cho cá, làm tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh của cá thấp hơn nhiều so với cá sống trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, cá dễ bị xuất huyết, viêm ruột...

Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại ký sinh trùng, nấm bệnh, vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho cá phát triển.

Chăm sóc cá tại một hộ gia đình ở thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa).

Để giúp người nuôi phòng, tránh thiệt hại, Chi cục Thủy sản Bắc Giang đã có văn bản đề nghị, hướng dẫn cơ sở, người nuôi: Cải tạo ao nuôi sau mỗi vụ thu hoạch hoặc trước vụ thả cá giống.

Cá giống cần bảo đảm khỏe mạnh, đều cỡ, trước khi thả giống cần tắm cho cá bằng nước muối với nồng độ 2-3% trong 5-7 phút.

Trong quá trình nuôi, định kỳ bón vôi 2 tuần 1 lần với liều lượng 2-3 kg/100 m3 nước ao vào buổi chiều tối nhằm làm sạch môi trường nước, hạn chế mầm bệnh. Thường xuyên quan sát hoạt động bắt mồi và bơi lội của cá, đặc biệt là thời điểm sáng sớm. Khi ao có dấu hiệu bất thường, như: Cá mắc bệnh, chết, cần giảm khẩu phần ăn và có liệu pháp xử lý kịp thời.

Riêng đối với cá rô phi, mùa hè là thời điểm bệnh có khả năng bùng phát mạnh. Vì thế, ở vùng nuôi tập trung cá rô phi đơn tính, người nuôi cần cải tạo và vệ sinh ao nuôi, sử dụng vôi bột, viên sủi BKC, chế phẩm sinh học... để xử lý ao. Ngoài ra, cần cho cá ăn thuốc phòng bệnh định kỳ 1 tháng/lần và bổ sung Vitamin C, Beta - Glucan trong khẩu phần ăn; duy trì mật độ nuôi phù hợp. Ở những ao nuôi cá với mật độ dầy, cá thiếu ô xy và ao nuôi có nhiều khí độc cần bổ sung thêm nước mới, bố trí máy tạo ô xy hòa tan cho cá.

Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh các loại rau ăn lá không nhiều, cùng đó, dưa các loại là giống chịu nắng nóng tốt nên nắng nóng không gây thiệt hại. Hiện chỉ có vải thiều sớm đang bước vào thu hoạch, vải chính vụ tại Lục Ngạn khoảng 2 tuần nữa mới chín.

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện Bắc giang chưa có ghi nhận thiệt hại trên cây trồng do nắng nóng. Tuy nhiên, các chủ vườn vải cần chủ động nước tưới để cây không bị khô hạn, giúp quả sinh trưởng tốt.

Đại La

Hậu Giang: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành: Chữa thí điểm thành công bệnh thối trái mít

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã tiến hành thí nghiệm điều trị bệnh thối mít trái trên diện tích 1ha mít Thái của nông dân Dương Văn Mật, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, có 200 cây mít từ 4-5 năm tuổi đang bị bệnh thối trái.

Ông Mật (bên trái) và cán bộ Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Phú Tân kiểm tra vườn mít sau khi được điều trị bệnh thối trái thành công.

Theo cán bộ Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Phú Tân, qua theo dõi từng giai đoạn phát triển của trái cho thấy bệnh xuất hiện nhiều ở giai đoạn trái nhỏ khoảng 1,5-2,5 tháng tuổi, với tỷ lệ từ 0,7-6% có triệu chứng thối. Đối với trái nhỏ biểu hiện bên ngoài một vài gai bị đen, bên trong thối nhũn hoặc có lúc thối gai nhưng bên trong trái không nhũn. Riêng trái lớn từ trên 3 tháng tuổi đến gần thu hoạch, biểu hiện thối có vết nứt màu vàng nhỏ bên trong thối nhũn, với tỷ lệ hư gần 50% trái, mà nông dân hay gọi là bể bụng.

Qua đánh giá sơ bộ của ngành chức năng địa phương, nguyên nhân nhiều vườn mít của bà con nông dân trong huyện bị bệnh thối nhũn trái là do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao và thường những trái sát dưới đất sẽ bị thối nhiều hơn. Để hạn chế phần thiệt hại cho nông dân, vào đầu tháng 6-2019, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành tiến hành dùng thuốc Nano Đồng oxy clorua Nano Bạc oxy clorua + thuốc sâu và thuốc Ridomil gold 68WP + Champion 77WP 240cc/240cc, Manoze 80WP + Champion 57.6DP + Prevathon 5SC 500g/600g/200ml phun đều trên tán cây, trên trái mít từ 1,5-4,5 tháng tuổi và rải vôi đá trên mặt liếp theo định kỳ 7-10 ngày/lần. Kết quả cho thấy vụ mít năm nay vườn nhà ông Mật đang phát triển bình thường, tỷ lệ bệnh thối nhũn trên trái mít giảm rõ rệt.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Phước Hậu (Ninh Phước, Ninh Thuận): Nâng cao giá trị kinh tế nhờ chuyển đổi cây táo trên đất lúa

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Nhằm thích ứng với tình hình nắng hạn hiện nay, nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) linh hoạt tập trung chuyển đổi diện tích từ ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo xanh. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn.

Dưới cái nắng chói chang đầu tháng 6, đến thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trên những chân ruộng thiếu nước giờ đây là những vườn táo xanh ngát, trái trĩu cành, quả giòn rụm. Đang tỉa lại cành già chuẩn bị cho lứa táo mới, anh Võ Văn Nhơn, thôn Trường Thọ chia sẻ: Trước đây, 1,4 sào đất lúa gia đình anh thuộc vùng gò, chân ruộng không đều, gặp khó khăn về tưới tiêu, năng suất bấp bênh. Từ ngày địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tôi mạnh dạn trồng táo trên đất ruộng của gia đình. Đến nay, sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, cây táo cho năng suất cao, mang lại lợi nhuận khoảng 10-15 triệu đồng/sào. Còn trước đây, với mỗi sào lúa, sau khi trừ các chi phí như: thuê máy cày bừa, mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê máy gặt… gia đình tôi chỉ lãi 2 triệu đồng sau hơn 3 tháng vất vả chăm sóc. Từ hiệu quả mang lại, thời gian tới, tôi dự định chuyển đổi tiếp 2,4 sào lúa sang trồng táo, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn cho gia đình”.

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc cây táo. Ảnh: Tiến Mạnh

Phước Hậu nổi tiếng là vùng đất chuyên canh cây lúa nước với nhiều mô hình canh tác hiệu quả nhưng không ít hộ dân vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi từ đất lúa sang trồng táo xanh. Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác, từ năm 2015 đến nay, nông dân Phước Hậu tích cực chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo. Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi, đến nay toàn xã mở rộng 139 ha táo xanh được trồng trên đất lúa. So với cây lúa, táo xanh dễ canh tác, chịu hạn, chịu thâm canh, thời gian thu hoạch kéo dài, thị trường tiêu thụ mạnh. Cây cho quả ngay từ năm đầu canh tác, những năm về sau lượng quả cho thu hái càng tăng. Đến vụ thu hoạch, nông dân có thể chủ động thu hoạch rải vụ để có giá trị kinh tế cao hơn. Với chi phí đầu từ khoảng 120 triệu đồng/ha táo, bao gồm trụ, dây thép, cây giống, phân chuồng,... năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha, với giá bán trung bình 5 ngàn đồng, nông dân lãi khoảng 180 triệu đồng/ha, cao gấp 4,7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, cây táo tưới nước tiết kiệm khoảng 40% nước so với lúa. Để nâng cao giá trị sản phẩm, bà con áp dụng áp dụng mô hình lưới mùng bao táo nhằm chống ruồi vàng đục quả, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu táo sạch, an toàn. Không chỉ mang lại năng suất cao, mà những cành, lá, trái táo chính là nguồn thức ăn dồi dào cho hơn 5.200 con dê, cừu trong thời gian nắng hạn kéo dài. Nguồn lợi từ cây táo đã góp phần tăng thu nhập nông dân xã Phước Hậu từ 27,4 triệu đồng từ cuối năm 2015 đến nay tăng lên 45 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 106 hộ, chiếm 2,59%, thấp hơn 1,1% so với với tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ninh Phước.

Nông dân xã Phước Hậu tỉa cành, chuẩn bị vụ táo mới.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng táo xanh cho thu nhập cao theo chủ trương của tỉnh rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp nông dân hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn, giảm áp lực tưới tiêu. Để mô hình phát triển bền vững, đồng chí Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục động viên người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như nho, táo.., khai thác tốt thế mạnh đất đai, đồng thời tìm nhà liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.

Mỹ Dung

9 tấn quả vải U hồng của Việt Nam sắp cập cảng vào Australia

Nguồn tin: VOV

Thông tin từ cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, 9 tấn vải U hồng của Việt Nam sắp cập cảng vào Australia.

Đây là đợt xuất khẩu quả vải Việt Nam đầu tiên sang Australia trong mùa vụ năm nay.

Dự kiến vào ngày 12/6 tới, 9 tấn vải U hồng sẽ cập bến Australia để kịp thời giới thiệu với những người tiêu dùng nước này loại quả đặc sản Việt Nam vào đúng thời điểm quả vải đang vào mùa. U hồng là loại vải ngon, chín sớm và vỏ cứng thích hợp với vận chuyển đường xa nên sẽ là sản phẩm lý tưởng để giới thiệu đến người tiêu dùng Australia.

Poster chiến dịch quảng bá quả vải tươi Việt Nam tại Australia

Để quả vải Việt Nam được người tiêu dùng Australia đón nhận nhiệt tình, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu trong đó tập trung vào đặt tên cho 2 loại vải tươi Việt Nam xuất hiện trên thị trường Australia.

Thứ nhất là loại vải U hồng sẽ có mặt tại thị trường Australia trong những ngày tới. Qua khảo sát thực hiện năm 2019, Thượng vụ Việt Nam phát hiện người tiêu dùng Australia tưởng màu vàng của quả vải U hồng của Việt Nam là do bị phai màu vì vậy, trong đợt quảng bá thương hiệu lần này, Thương vụ đặt tên quả vải này là Golden Lychees “Fruit of Luck” với hàm ý quả vải không chỉ ngon mà màu vàng của nó còn tượng trưng cho sự may mắn. Thứ hai là giống vải có quả đỏ, hồng sẽ được gọi là Red Lychees “Fruit of love” với ý nghĩa là loại quả có hương vị ngọt ngào, làm say đắm lòng người.

Để giới thiệu quả vải tươi Việt Nam đến người tiêu dùng Australia, Thương vụ sẽ mời các nhà nhập khẩu tiềm năng, các chủ cửa hàng, khách hàng dùng thử quả vải vừa được nhập khẩu từ Việt Nam. Bên cạnh các hình thức quảng cáo truyền thống là đặt biển quảng cáo tại các khu vực đông người, thương vụ cũng sẽ quảng cáo quả vải tươi Việt Nam trên mạng xã hội, tổ chức cuộc thi lan tỏa quảng cáo quả vải Việt Nam trên mạng xã hội và quảng cáo trên ứng dụng thúc đẩy xuất khẩu, kết nối địa phương Viet-Aus Trade mà thương vụ vừa chính thức đưa vào sử dụng.

Các chiến dịch quảng bá này sẽ tập trung vào giới trẻ để xây dựng đội ngũ khách hàng lâu dài và nhiều tiềm năng cho quả vải tươi của Việt Nam. Song song với việc quảng cáo, thương vụ cũng sẽ thu nhận phản hồi từ người tiêu dùng, đặc biệt là các thông tin về nhà nhập khẩu và cửa hàng để phát triển mạng lưới cho các năm tiếp theo.

Chiến dịch quảng bá quả vải tươi Việt Nam sẽ được tiến hành tại nhiều địa phương tại Australia trong thời gian tới./.

Việt Nga/VOV-Australia

Ông Đỉnh thu gần nửa tỷ đồng/năm từ trồng nấm

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Ham tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn bứt phá, ông Nguyễn Đức Đỉnh, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bước đầu thu được thành công từ mô hình trồng nấm sò, mộc nhĩ. Tổng thu nhập mỗi năm gần nửa tỷ đồng từ trồng nấm sò, mộc nhĩ đã và đang giúp gia đình ông phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

Nhờ mạnh dạn và kiên trì vượt khó, ông Nguyễn Đức Đỉnh có thu nhập gần nửa tỷ đồng/năm từ trồng nấm.

Gần 1.000m2 ruộng của gia đình ông Đỉnh trước kia cấy lúa kém hiệu quả, giờ đây đã được thay bằng những giàn nấm sò, mộc nhĩ đua nhau mơn mởn. Thành quả ấy có được là do mấy năm nay ông Đỉnh đã mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng nấm sò, mộc nhĩ. Ông Đỉnh chia sẻ: Nếu so với cấy lúa thì trồng nấm sò, mộc nhĩ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, tuy nhiên trồng nấm sò, mộc nhĩ đòi hỏi sự đam mê, kiên trì, chịu đựng vất vả, có kỹ thuật tốt. Tôi đã phải trải qua quá trình dài tìm tòi, học hỏi lý thuyết, bắt tay vào thực tế sản xuất và đúc rút ra kinh nghiệm. Ươm giống nấm sò, mộc nhĩ đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ. Bào tử nấm được tách ra từ các sợi nấm, sau đó được nuôi trong môi trường thạch cho sợi nấm phát triển, cho thạch vào chai thủy tinh sau đó hấp vô trùng. Lựa chọn mô nấm khỏe, dùng dao lấy ở giữa mô nấm một mẫu nhỏ cho vào giữa môi trường thạch đã nguội để cấy mô giống nấm. Sau đó để vào nơi sạch sẽ, khô ráo từ 10 - 15 ngày để sợi nấm lan ra khắp chai, được giống cấp I. Sau đó chuyển giống cấp I sang môi trường hạt lúa để nhân giống cấp II. Hạt lúa được làm sạch, luộc lên tạo môi trường cho nấm sinh sống. Quá trình nhân giống cấp I, cấp II được thực hiện trong phòng vô trùng. Giống cấp III được nuôi trong môi trường cây sắn. Tôi mua cây sắn tươi, cạo sạch vỏ, cắt ngắn, ngâm nước vôi, đóng bịch trong túi nilon để nhân nhanh số lượng giống cấp III. Giống cấp IV được nuôi cấy trong môi trường mùn cưa cây cao su. Mùn cưa cao su được xử lý, đem ủ, đóng trong bịch nilon, hấp vô trùng, sau đó cấy giống cấp IV vào bịch mùn cưa. Khoảng 18 - 20 ngày sau, sợi nấm “ăn” kín trắng toàn bộ bịch từ trên miệng xuống đáy túi. Khi bịch nấm trắng đều, tiến hành treo bịch nấm lên dây, hướng miệng túi xuống phía dưới, dùng dao nhọn rạch 6 - 9 vết rạch xung quanh bịch nấm. Sau khoảng 5 - 7 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch. Từ chỗ phải mua giống về cấy ghép, thì nay tôi đã tự nhân giống giúp chủ động cho quá trình sản xuất của gia đình. Nấm sò có thể sản xuất quanh năm nhưng cho năng suất, chất lượng cao từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Tôi tuân thủ khắt khe quy trình hấp sấy nên nấm sò, mộc nhĩ của gia đình phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Trung bình, mộc nhĩ cho thu hoạch sau 3 tháng ươm, còn nấm sò chỉ 40 ngày. Mộc nhĩ thu hoạch theo đợt còn nấm thì gối lứa.

Quá trình trồng đến khi thu hoạch nấm sò, mộc nhĩ, gia đình ông Đỉnh nỗ lực tuân thủ quy trình trồng nấm hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, phân bón hóa học, thậm chí tưới 100% bằng nguồn nước sạch. Nhờ đó, sản phẩm nấm sò, mộc nhĩ của gia đình ông tạo được uy tín với khách hàng và dần mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hiện gia đình ông Đỉnh sản xuất gần 40.000 bịch nấm sò và mộc nhĩ. Sản lượng đạt trên 7 tấn nấm sò, mộc nhĩ/năm, bán giá trung bình từ 28.000 - 30.000 đồng/kg nấm sò, 100.000 - 120.000 đồng/kg mộc nhĩ, ông Đỉnh thu về gần nửa tỷ đồng/năm. Ông Đỉnh đang nung nấu ý tưởng mở rộng lán trại, trồng nấm sò, mộc nhĩ trong phòng lạnh và đầu tư thêm máy móc như máy đóng bịch, máy xay tái chế bịch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đỉnh còn tạo việc làm thường xuyên, thời vụ cho 10 lao động tham gia vào các khâu sản xuất nấm sò, mộc nhĩ. Với kỹ thuật, kinh nghiệm của mình về nghề sản xuất và kinh doanh nấm, ông Đỉnh luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, nguyên liệu cho nhiều nông dân có nhu cầu, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập ngay trên mảnh đất quê hương.

Quỳnh Lưu

Trồng bí đao cho thu nhập khá cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Bí đao trồng trên nền đất ruộng của một hộ dân ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai được thương lái đến tận ruộng để thu mua với giá 6.000 đồng/kg.

Nông dân trồng bí đao ở TP Cần Thơ đang phấn khởi vì bí đao bán được giá, nông dân đạt được mức thu nhập khá cao từ loại cây trồng này.

Hồi đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trái bí đao có thời điểm giảm xuống còn 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng những tháng qua đã tăng lên ở mức 4.000-5.000 đồng/kg, còn hiện nay là 6.000 đồng/kg và được thương lái đến tận ruộng, rẫy để thu mua. Theo nông dân trồng bí đao ở huyện Thới Lai, giá bí đao ở mức từ 4.000-6.000 đồng/kg như thời gian qua; năng suất bí đao đạt từ 2-3 tấn/công, mỗi công đất trồng bí đao, nông dân có thể kiếm lời từ 5-10 triệu đồng/vụ trở lên.

Trồng bí đao tương đối nhẹ chi phí và công chăm sóc. Nông dân có thể thực hiện các mô hình trồng bí trên bờ liếp rẫy hoặc trồng trên nền đất ruộng trong mùa khô và cho dây bí bò trên mặt đất hoặc làm giàn cho bí leo để hạn chế trái bí bị cua, còng, chuột và các loại sinh vật cắn phá, gây hại. Bí đao trồng khoảng 45-50 ngày là bắt đầu cho thu hoạch trái, thời gian thu hoạch trái có thể kéo dài hơn 1,5 tháng. Bí đao trung bình khoảng 2-3 trái/kg nên trồng bí đao nhẹ công thu hoạch và trái bí cũng dễ bảo quản, vận chuyển đi xa tiêu thụ.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hỗ trợ 100% chi phí sản xuất cây trồng chất lượng cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo kế hoạch trong năm 2020, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng triển khai hỗ trợ 100% chi phí nâng cao năng lực sản xuất cây giống chất lượng cao, cấp mã số vùng trồng, kiểm tra và quản lý giống cây trồng.

Những đối tượng được hỗ trợ gồm: Trung tâm giống, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh, hộ nông dân sản xuất giống, chuyển đổi cây trồng trên địa bàn Lâm Đồng.

Đồng thời hỗ trợ 10 triệu đồng/ha chuyển đổi các loại cây sầu riêng, chuối laba, tầm vông, rau, hoa…

Các loại cây còn lại chuyển đổi được hỗ trợ từ 1 - 5 triệu đồng/ha như: ghép cải tạo cà phê vối; tái canh trồng mới cà phê chè, cà phê vối; tái canh cây điều; trồng mới bơ, lúa chất lượng cao…

Được biết, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ nói trên hơn 4 tỷ đồng.

MẠC KHẢI

Nuôi ong Ý không chỉ lấy mật

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Hàng chục năm nuôi ong giống gốc từ nước Ý, anh Bùi Gia Hạnh (54 tuổi) cùng những thành viên gia đình ở đường Vạn Hạnh, Đà Lạt không chỉ đưa đàn ong “du mục” khắp nơi trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng lấy mật từ hoa lá, mà còn xây dựng một điểm trình diễn cho khách tham quan hàng ngày trên tuyến du lịch Đà Lạt - Nam Ban, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng).

Cô Leonie Hofsaess (người Đức, sáng lập viên của Dự án nghiên cứu bảo tồn loài ong trên thế giới) với hộ gia đình nuôi ong Ý tại đường Vạn Hạnh, Đà Lạt

Dưới chân đèo Tà Nung, Đà Lạt, Nông trại Ong - Dalat Bee Farm mới hơn một năm mở cửa đã thu hút ngày một đều đặn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm, thưởng thức, mua quà đặc sản các sản phẩm mật ong, sữa ong chúa, phấn ong...sản xuất tại chỗ. Vào đây một ngày cuối tháng 5/2020, phóng viên gặp một đoàn khách đến từ một thành phố phía Bắc háo hức tìm hiểu, khám phá ngay từ những lời thuyết minh đầu tiên của chủ nhân trẻ Bùi Quốc Hải (sinh năm 1992). “Đây là một tổ ong được tổ chức ổn định với các thành phần ong thợ, ong chúa và ong đực. Trong đó chiếm số lượng 99,9% ong thợ, 0,01% ong đực và duy nhất 1 ong chúa... Hiện tại, nông trại chúng tôi với 2.000 m2 tổng diện tích, trước mắt bố trí gần 40 thùng ong, khách tự do tham quan hoàn toàn không thu phí...”, nam thanh niên Bùi Quốc Hải mở nắp thùng gỗ, nhấc lên một “chiếc cầu” cho khách tiếp xúc cận cảnh tấp nập những đàn ong đi - về chăm chỉ làm mật. Mọi người khách đều không lo ngại bị ong “chăm sóc” vì đều được đội mũ lưới bảo hộ của nông trại cấp phát trước khi vào trong tham quan.

Nhìn bao quát diện tích 2.000 m2 nông trại, phóng viên ghi nhận không gian ngập đầy các loại hoa đinh hương, ngũ sắc, cúc họa mi, dâm bụt, lavender, sim Úc... vừa khoe sắc vừa cung cấp “nguyên liệu” tại chỗ cho đàn ong chuyển hóa thành mật ngọt. Dạo bộ quanh đường hoa rồi nghỉ chân bên trong showroom rộng hàng trăm mét vuông, du khách được chủ nông trại tư vấn cách sử dụng từng loại sản phẩm mật ong đặc trưng của phố núi Đà Lạt vừa nêu.

Chị Tâm Phương, một nhà đầu tư nông nghiệp đến từ một thành phố phía Bắc đánh giá: “Nông trại Ong - Dalat Bee Farm lần đầu tiên tham quan, tôi và những người bạn cùng đi cảm thấy thật thú vị. Không chỉ được tận mắt xem đàn ong tạo mật mà còn ghi khá nhiều ảnh lưu niệm những loài hoa đẹp, đồng thời chọn mua các dòng sản phẩm mật ong có chất lượng, dán tem nhãn ghi rõ địa chỉ sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, giá cả phù hợp. Nông trại tọa lạc mặt tiền đường nhựa lớn, thuộc tuyến đường kết nối các điểm du lịch đã có thương hiệu về sản xuất, chế biến cà phê, nuôi dế thương phẩm, chế biến rượu, trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa..., nên khá thuận lợi cho du khách chúng tôi bố trí một ngày tham quan nhiều điểm ở Đà Lạt và vùng phụ cận.

Phóng viên đề nghị và được chủ nông trại Bùi Quốc Hải đưa đến đường Vạn Hạnh, Đà Lạt để tận mắt chứng kiến những “đàn ong chủ” vừa “du mục” từ Bình Phước trở về. Anh Bùi Gia Hạnh (sinh năm 1966, ba của Bùi Quốc Hải) nhiệt tình mở nắp những thùng ong (trong tất cả 250 thùng) để phóng viên trải nghiệm theo từng câu chuyện kể. Chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước, anh Hạnh trở lại nghề nuôi ong Ý sau bao năm làm nhiều công việc khác nhau. Với quy trình kỹ thuật thực hành tương đối hoàn chỉnh từ những năm 80 của thế kỷ trước, năm 2010, anh Hạnh không mấy khó khăn khi chia tách 3 con ong chúa giống Ý để tái nuôi 3 thùng. Hàng năm vừa nuôi “du mục” khắp nơi lấy mật vừa nhân đàn, đến nay, anh Hạnh ổn định số lượng kinh doanh 290 thùng ong. Trong đó gồm 40 thùng ong trình diễn tại Nông trại Ong - Dalat Bee Farm cho con trai Bùi Quốc Hải quản lý, chăm sóc kết hợp phục vụ khách tham quan theo nhu cầu. Còn lại 250 thùng theo bước chân anh Hạnh đi lấy mật từ hoa, lá khắp vùng Đà Lạt xuống các huyện trong tỉnh Lâm Đồng rồi xuống các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương...

Anh Hạnh chia sẻ: “Hàng năm, đàn ong Ý chỉ lấy mật hoa quỳ vàng Đà Lạt từ tháng 10 đến tháng 12. Còn lại 9 tháng di chuyển lấy mật từ hoa cà phê các huyện trong tỉnh Lâm Đồng đến hoa thanh long Bình Thuận rồi hút mật trên phiến lá tràm, lá cao su của Bình Phước, Bình Dương. Mỗi đợt “du mục” kéo dài từ 1 - 2 tháng...”.

Việc chăm sóc đàn ong Ý đúng kỹ thuật về phòng bệnh, cân đối dinh dưỡng sẽ cho sản lượng mật ong trung bình đạt khoảng 300.000 đồng/thùng/tuần.

Trong khi vốn đầu tư ban đầu chỉ 700.000 đồng/thùng. Đến nay với quy mô 290 thùng ong Ý, anh Bùi Gia Hạnh cùng con trai Bùi Quốc Hải dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình tham quan, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm sản xuất mật, phấn, sữa... ổn định năng suất và chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

Cùng với phóng viên nghe kể chuyện gầy dựng tái đàn ong Ý ở đường Vạn Hạnh, Đà Lạt còn có cô Leonie Hofsaess (người Đức), sáng lập viên Dự án nghiên cứu bảo tồn loài ong trên thế giới. Cô Leonie Hofsaess góp chuyện: “Thật tuyệt vời. Nông trại Ong - Dalat Bee Farm rất đáng khuyến khích phát triển để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn loài côn trùng thụ phấn hiệu quả cho cây trồng, từ đó chung tay bảo vệ bền vững môi trường sinh thái tự nhiên...”.

VĂN VIỆT

Heo rừng hút hàng, tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), nếu cách đây hơn một năm khi dịch tả heo châu Phi chưa bùng phát, giá heo rừng chỉ 90.00-100.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên 180.000 đồng/kg đối với heo có trọng lượng 8-10kg. Riêng heo từ 20-30kg/con có giá từ 150.000-160.000 đồng/kg. Trung bình một con heo rừng cái mỗi lứa đẻ từ 7-10 con, heo con sau 2 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng trên 10kg, với giá bán hiện nay, trừ hết chi phí lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con.

Một con heo rừng cái mỗi năm sinh sản hai lứa, mỗi lứa từ 7-10 con.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, trước đây phong trào nuôi heo rừng ở địa phương này rất phát triển. Tuy nhiên, khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, phần lớn hộ nuôi heo rừng trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng. Hiện nay người nuôi đang trong quá trình tái đàn nên nguồn cung không nhiều, nên giá bán khá cao.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH - HỒNG YẾN

Người cựu chiến binh làm giàu từ nuôi hươu

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Hằng ngày, những con hươu sao được cựu chiến binh Ngô Văn Hùng chăm sóc chu đáo.

Xuất ngũ trở về địa phương, trải qua nhiều nghề đem lại thu nhập khá cao nhưng anh Ngô Văn Hùng chọn mô hình nuôi hươu lấy nhung để làm giàu. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh còn phổ biến, nhân rộng và kết nối giúp nhiều gia đình cùng ý chí vươn lên.

Đến Tân Hoà (Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hỏi anh Ngô Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng, chúng tôi được người dân tận tình chỉ đường. Nhà anh Hùng nằm khá sâu trong xóm Tè nhưng bù lại đất đai rộng rãi, không khí thoáng mát, trong lành. Những bãi đất xung quanh nhà được anh trồng rất nhiều dứa, chuối và cỏ. Quan sát cách anh thái quả, cắt cỏ đưa đến miệng từng con hươu trong chuồng, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự yêu quý của anh với loài vật này.

Anh Hùng chia sẻ: Sau khi xuất ngũ, tôi từng làm chủ thầu xây dựng, dịch vụ vận tải, nghề nào cũng cho thu nhập khá. Nhưng một lần đến thăm quan mô hình nuôi hươu lấy nhung ở địa phương, nghe cách họ nói, xem cách họ làm, tôi tính ngay đến việc làm giàu từ nuôi hươu. Tôi dành nhiều thời gian tìm tài liệu, nghiên cứu, đi thực tế nhiều nơi khác để học tập, vận dụng. Thậm chí vào tận Nghệ An để nhập giống về nuôi thử.

Theo anh Hùng, nuôi hươu không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thức ăn thấp; thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, có thể tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như lá ngô, lá mía, chuối, dứa... Hươu sao là động vật còn nhiều bản năng hoang dã nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác. Nhung hươu là loại dược liệu quý nên có giá trị kinh tế cao.

Từ thành công ban đầu của anh, nhiều hộ dân trong xã cũng đến học hỏi kinh nghiệm và anh luôn sẵn sàng chia sẻ. Anh nhận thấy, nếu muốn sản phẩm có chỗ đứng, có thương hiệu để vươn xa thì cần phải liên kết các hộ lại, thành lập HTX, xây dựng thương hiệu riêng… Vậy là HTX được thành lập với 9 thành viên là các hộ nuôi hươu trên địa bàn xã. Khi mới thành lập (năm 2017), HTX gặp nhiều khó khăn, một số hộ còn thiếu vốn đầu tư, xây dựng chuồng trại còn sơ sài, kinh nghiệm chưa nhiều. Sản phẩm chưa được thị trường biết đến… Bằng trách nhiệm của anh và nỗ lực của tập thể, HTX từng bước xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp. Anh tìm cách giúp các thành viên được tham gia các lớp tập huấn do các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Anh còn liên hệ và đưa xã viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình ở miền Trung, đồng thời liên kết với họ trong việc nhập con giống, tiêu thụ sản phẩm từ hươu. HTX thường xuyên mang sản phẩm đến tham gia các hội chợ, triển lãm, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Năm 2018, HTX tham gia Liên hiệp HTX Nông nghiệp số 1 tỉnh Thái Nguyên nhằm liên kết với các HTX, sản phẩm của từng địa phương trong tỉnh; tương trợ giúp đỡ nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chung…

Hiện, HTX có 11 thành viên viên trong đó có 9 hội viên cựu chiến binh, phát triển theo hướng liên kết hộ gia đình với các ngành nghề: Tư vấn kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc hươu, mua bán hươu giống, sản xuất nhung hươu cung ứng ra thị trường... Hàng năm, HTX duy trì nuôi khoảng 100 con hươu các loại, trong đó 20 con hươu cái sinh sản và 70 hươu đực đang khai thác nhung. HTX còn liên kết, hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm với các hộ nuôi hươu trên địa bàn huyện. Sản phẩm chính của HTX là nhung hươu, cao hươu, hươu giống, hươu sinh sản và hươu thương phẩm. Sản phẩm của HTX được bán ra đều có mã vạch, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên đượcngười tiêu dùng tin tưởng. Năm 2019, HTX bán ra thị trường 32kg nhung hươu, 20 con hươu cái sinh sản, 15 con hươu thương phẩm với doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Đối với gia đình anh Hùng, lợi nhuận thu về từ nuôi hươu hàng năm đạt trên 300 triệu đồng. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, anh Hùng đã cắt bán được 7kg nhung và 3 con hươu giống với doanh thu gần 200 triệu đồng.

Nói về dự định thời gian tới, anh Hùng khá tự tin: Với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và các hộ nông dân trong vùng, HTX đang từng bước mở rộng quy mô, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, khép kín. Hơn nữa, bên cạnh phát triển chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm từ hươu, HTX đang phát triển nuôi ong mật, chăn nuôi gà thả đồi, chim bồ câu, trồng rau, cây ăn quả…

Hoàng Anh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop