Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 07 năm 2016

Giảm dịch hại trên cây ăn trái

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Trong giai đoạn cây mang trái một số đối tượng dịch hại nguy hiểm buộc người dân phải có giải pháp chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp khác nhau.

Giai đoạn cây mang trái là thời điểm dịch hại tấn công nhiều nhất, nhà vườn cần có giải pháp phòng ngừa

Trong khi đó nhiều người dân chưa hiểu được đặc tính sinh sống gây hại của các loài này nên không áp dụng được các biện quản lý tổng hợp theo khuyến cáo, người dân chỉ áp dụng biện pháp phòng trừ ở giai đoạn cây mang trái, hầu như không quan tâm đến biện pháp giảm mật số của chúng trên vườn cây.

PGS.TS Trần Văn Hai, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, đối với những vườn cây đang mang trái thường xuất hiện 3 nhóm nhện gây hại chính: Nhện đỏ bò ngang như cua, trên cơ thể có màu đỏ hồng, có thể nhìn bằng mắt thường, miệng có kim chích hút trái làm trái bị sằn (da cám, da lu); nhện vàng kích thước nhỏ và phải soi bằng kích lúp, tấn công làm trái đen vỏ, biến màu; nhện trắng thì thường tấn công trên lá non, lúc cây mới đâm chồi.

Các loại nhện này gây hại làm vỏ trái bị đổi màu, chất lượng trái không đổi nhưng khi thu hoạch đem bán thì giá trị thương phẩm sẽ giảm. Loại nhện gây hại nặng nhất vào mùa khô, sang mùa mưa sẽ giảm dần.

“Khi nắm được các quy luật phát triển sinh thái sẽ điều khiển và giảm bớt tác hại của nhện trên vườn cây ăn trái, thay vì xịt thuốc làm ảnh hưởng đến thiên địch có lợi. Nên dùng nước tưới đậm và tưới phun sương thì nhện sẽ giảm, hoặc theo khuyến cáo từ các nhà khoa học bà con làm vườn nên trang bị kính lúp độ phóng đại lên khoảng 20 - 30 thì có thể quan sát được trên vườn có nhện hại hay không, từ đó mới đưa ra quyết định có nên dùng thuốc BVTV không”, ông Hai nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Hai, thông thường trên vườn cây ăn trái thiên địch và dịch hại cũng có mối quan hệ qua lại với nhau, đặc biệt là mối quan hệ hữu cơ bền vững, cây ăn trái sống lâu năm nên hệ thiên địch rất bền. Trong đó có nhiều loại thiên địch và dịch hại cùng chung sống với nhau, nếu làm gãy mối quan hệ này thì dịch hại sẽ gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Vì vậy cần cân bằng giữa các hệ sinh vật để có hướng phòng ngừa thích hợp.

Khi trồng cây ăn trái trong mùa nắng ngoài nhện ra thì còn rất nhiều loài dịch hại phát triển và gây hại như bọ chỉ rất khó để phát hiện sớm. Bọ chỉ thường sinh sống trên lá non và đeo ở phần cuốn trái, chích hút làm vỡ túi tinh dầu ở vỏ trái cam hoặc bưởi, khi trái lớn sẽ để lại vết xẹo trên lá đài của trái cam và bưởi, làm trái cây mất giá trị, giảm giá trị kinh tế.

Đây cũng là một trong những nhóm dịch hại kháng thuốc, vì vậy cần tuân thủ theo quy tắc bón đúng, ngoài ra dùng vồi bơm áp lực để tạo ẩm độ cho vườn, tẩy rớt bọ chỉ, làm giảm mật số của nó trên trái non, lá non.

BẢO YẾN – DUY TÂN

Nâng cao hiệu quả canh tác lúa bằng quản lý dịch hại tổng hợp

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Trong điều kiện canh tác lúa hoàn toàn lệ thuộc nước trời và nhiều yếu tố thị trường đầu vào, đầu ra chi phối như ở Cà Mau hiện nay, bà con nông dân cần phải nghĩ cách giảm giá thành để có thể chịu đựng được giá lúa luôn bấp bênh “được mùa, rớt giá” như nhiều năm qua. Canh tác lúa theo giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) sẽ mang lại hiệu quả nhiều mặt, là hướng đi bền vững cho nông dân.

“Quản lý dịch hại tổng hợp IPM (Integrated Pest Management)” hiểu đơn giản là một hệ thống quản lý dịch hại mà trong hoàn cảnh môi trường cụ thể và những xu thế biến động quần thể của các loài gây hại, thì sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được, nhằm duy trì mật độ các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế.

Bà con nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời chăm sóc lúa. Ảnh: MINH TẤN

Trong canh tác lúa, để đạt kết quả tốt thì khi áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: Trồng và chăm cây khoẻ bằng chọn giống lúa tốt, đủ tiêu chuẩn, khả năng thích nghi cao và phù hợp với các điều kiện tự nhiên của địa phương như chịu đất nhiễm phèn mặn, dễ gặp hạn cục bộ và nhiều sâu bệnh... Rồi gieo cấy, chăm sóc đúng kỹ thuật, đủ dinh dưỡng để cây lúa sinh trưởng tốt, có sức đề kháng cao, đủ sức chống chịu dịch bệnh, điều kiện bất lợi của môi trường khắc nghiệt và cho năng suất cao.

Muốn thế cần phải tập huấn kỹ thuật tốt để nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng, có hiểu biết vững về kỹ thuật, có kỹ năng quản lý đồng ruộng và tuyên truyền cho nhiều nông dân khác để cộng đồng cùng quản lý tốt cả trà lúa. Phải thường xuyên thăm đồng để kiểm tra ruộng lúa nhằm nắm được diễn biến về sự sinh trưởng của cây lúa; sự phát sinh, phát triển của dịch hại trước các diễn biến thời tiết, đất, nước... để có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống bất lợi cho trà lúa.

Khi diễn biến thời tiết bất lợi khiến dịch hại đạt đến ngưỡng phòng trị thì phải tổ chức phòng trừ dịch hại bằng sự chủ động sử dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp tuỳ theo mật độ sâu bệnh và thiên địch ký sinh ở từng giai đoạn phát triển của ruộng lúa cụ thể. Ðặc biệt, trong quá trình canh tác các vụ lúa cần phải có ý thức bảo vệ thiên địch là những sinh vật có ích, nhằm giúp nhà nông khống chế, tiêu diệt dịch hại giữ ở ngưỡng an toàn, nên chỉ sử dụng thuốc hoá học trong danh mục hợp pháp, hợp lý và phải đúng kỹ thuật.

Theo đó, trong quá trình canh tác từng vụ lúa nông dân phải tuỳ từng giai đọan mà áp dụng các biện pháp cụ thể thích hợp, nhằm mục tiêu khống chế không để các loại dịch hại như sâu rầy, chim chuột, nấm bệnh phát triển đến mức gây thiệt hại cho ruộng lúa. Bằng cách sử dụng một cách liên hoàn, hợp lý các biện pháp sau đây để vừa bảo vệ được thiên địch mà cũng vừa không để các loại dịch hại phát triển vượt ngưỡng kinh tế khiến phải tốn chi phí phòng trừ.

Các biện pháp trong IPM tuỳ điều kiện mà áp dụng. Làm đất sớm bằng cày ải và vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ gieo cấy, để làm mất nơi trú ngụ và nguồn thức ăn của sâu rầy và có thể diệt được nhiều sâu non sống trong rạ và gốc rạ, hay những ký chủ phụ, môi giới truyền các bệnh siêu vi trùng nguy hiểm cho lúa như bệnh vàng lụi, bệnh lúa lùn xoăn lá... Vệ sinh đồng ruộng nhằm cắt đứt được vòng chu chuyển của sâu bệnh từ vụ này sang vụ khác và hạn chế nguồn dịch hại tích luỹ, lây lan ngay từ đầu vụ.

Ngoài ra, biện pháp canh tác còn nhiều cách khác cần phải thực hiện, như sử dụng hạt giống khoẻ, sạch bệnh, hay luân canh lúa với các cây trồng khác phù hợp, hoặc gieo cấy với mật độ hợp lý theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”. Tuỳ thuộc vào giống lúa, thời vụ, sử dụng phân bón hợp lý, chỉ dùng thuốc hoá học phòng trừ sâu bệnh khi cần thiết để giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ được thiên địch…

Trong IPM còn biện pháp sinh học rất quan trọng là tạo môi trường thuận lợi cho các loại sinh vật có ích phát triển, mà chúng lại là kẻ thù tự nhiên của dịch hại nhằm góp phần khống chế, tiêu diệt dịch hại. Như cần bảo vệ các loại ong ký sinh trên trứng bọ xít, trứng sâu đục thân, trên sâu non sâu cuốn lá lúa, nhện Lycosa speudoannulata ăn sâu hại, chuồn chuồn kim, bọ rùa đỏ ăn rầy nâu, hay mèo, rắn bắt chuột, và các loại nấm ký sinh trên rầy nâu, trên bọ xít đen…

Riêng biện pháp hoá học chỉ khi thật cần thiết. Buộc phải dùng thuốc hoá học, thì cũng phải dựa vào ngưỡng kinh tế có còn hiệu quả không và chỉ chọn sử dụng những loại thuốc có phổ tác động hẹp, hay ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, để chỉ diệt trừ dịch hại, bảo vệ thiên địch có ích, an toàn với sức khoẻ con người và môi trường. Hoặc nếu có thể thì nên dùng thêm biện pháp thủ công như bẫy đèn bắt bướm, ngắt ổ trứng, dùng rào chà tước lá phun sâu cuốn lá, đào hang bắt chuột… vẫn cho những kết quả nhất định.

Áp dụng IPM thì không lạm dụng thuốc hoá học bảo vệ thực vật tràn lan, như thuốc diệt cỏ, thuốc diệt sâu, rầy, thuốc trừ bệnh… khi chưa tới ngưỡng phòng trị, nhằm bảo vệ thiên địch, tiết kiệm chi phí thuốc và công phun rải. Quan trọng hơn là bảo vệ sức khoẻ nông dân trực tiếp canh tác, trực tiếp phun rải thuốc và môi trường nông thôn trong lành, và nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Làm lúa theo IPM sẽ có tác dụng tốt không chỉ trong vụ sản xuất hiện hữu mà còn có ảnh hưởng tốt đến các vụ sau và cho cả vấn đề sức khoẻ của nông dân, người tiêu dùng và môi trường môi sinh của cộng đồng./.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thước

Trồng xen đậu, lạc chống bệnh chồi cỏ cho mía

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có cách làm sáng tạo khi trồng xen đậu, lạc trên đất mía. Cách làm này mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân mỗi năm thu thêm hàng chục tấn đậu, lạc, đồng thời giúp chống hạn cho mía và chống bệnh chồi cỏ.

Mô hình trồng xen đậu giữa mía ở Nghĩa Hưng giúp khống chế được cỏ dại, vừa không để lãng phí đất khi cây mía chưa mọc mầm hoặc còn thấp. Ảnh Trần Quốc Thành

Sau khi thu hoạch mía xong, từ tháng 1 đến tháng 2 người dân tận dụng không gian trống giữa hai hàng mía để trồng tỉa các loại cây họ đậu như đậu xanh, đậu đen, lạc.

Ưu điểm của cách làm này là người dân không phải bón phân cho cây đậu, lạc do thừa hưởng được phân từ cây mía và không phải làm cỏ cho cây mía vì các tán đậu, lạc phủ kín giữa các hàng mía, hơn nữa còn hạn chế bệnh chồi cỏ, nhất là khi trồng luân canh.

Thời điểm xuống giống đậu, lạc từ tháng 1 đến tháng 2 cùng lúc với trồng mía vụ xuân và thu hoạch mía xong. Sau từ 2,5 đến 3 tháng thì đậu, lạc cho thu hoạch, trung bình mỗi ha từ 10 đến 15 tạ, trừ chi phí người dân thu nhập 12 đến 15 triệu đồng.

Ông Hoa Văn Lục, xóm 6 xã Nghĩa Hưng mỗi năm trồng 5 sào đất đậu xen mía, ngoài thu nhập từ mía ông còn thu nhập thêm 5 triệu tiền đậu đen. Ông Lục chia sẻ: Trồng đậu trong mía ít công chăm sóc, độ ẩm của đất cao hơn, năng suất mía cao hơn. Sau khi thu hoạch thân lá cây đậu cũng làm phân cho cây mía. Vì vậy năm nào cũng vậy, khi thu hoạch mía xong, hoặc khi trồng mía mới, gia đình lại cày đất trồng xen đậu trong mía.

Chính vì lợi ích kép này mà trong khi nhiều hộ nhiều hộ trồng mía ở Nghĩa Hưng tích cực trồng đậu xen trên đất mía.

Ông Nguyễn Hồng Trường- xóm 10, xã Nghĩa Hưng, một trong những người đầu tiên trồng đậu xen mía cho biết thêm: Mỗi ha đậu xen mía có thể thu hoạch được 10 tạ, lại không tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, việc trồng đậu, lạc xen mía cũng là cách để người dân chống hạn cho cây mía bởi cây họ đậu giúp giữ độ ẩm và lượng đạm trong đất.

Ông Phan Phúc Vinh - CT UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: Ngoài thu nhập từ cây đậu, năng suất cây mía trồng xen đậu cao hơn từ 5 đến 7 tạ/ha. Tính ra từ trồng mía và đậu trên một đơn vị diện tích cho thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng/ha so với trồng mía độc canh. Hiện tại mỗi năm xã Nghĩa Hưng trồng trên 35 ha đậu xen. Xã sẽ tiếp tục nhân rộng và duy trì mô hình này để giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải tạo đất.

Lãnh đạo Sở KH và CN Nghệ An kiểm tra tính hiệu quả của việc trồng lạc trong mía.

Từ mô hình của Nghĩa Hưng, người dân một số xã như Nghĩa An, Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức… cũng học hỏi kinh nghiệm đưa cây họ đậu vào trồng xen trên đất mía để tăng thu nhập, cải tạo đất.

Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quì cũng tiến hành mô hình trồng đậu, lạc trong mía ở Nghĩa Hưng và cho thấy rất hiệu quả, là cơ sở để người dân mở rộng diện tích.

Các đơn vị khuyến nông và Viện đậu đỗ thực hiện mô hình cho người dân thực hiện theo

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH và CN tỉnh cho biết: Đây là mô hình ứng dụng khoa học đơn giản và hiệu quả. Trồng luân canh lạc đạt trên 3 tấn/ha, xen canh đạt 2 tấn/ha, đậu đen đạt 1,5 tấn/ha, đậu tương đạt 1 tấn /ha. Mô hình có giá trị hạn chế bệnh chồi cỏ khi thực hiện luân canh.

Đinh Thùy

Gia Lộc (Hải Dương): Trồng đậu đỗ cho thu nhập cao gấp 2 lần trồng lúa

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Mấy năm gần đây, vụ xuân, vụ hè trên địa bàn huyện Gia Lộc diện tích trồng đậu đỗ tăng nhiều. Điển hình nông dân ở các xã Gia Tân, Gia Xuyên… thực hiện công thức luân canh cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: lúa đông xuân – đậu đỗ – bắp cải thu đông – cây vụ đông, dưa các loại vụ xuân – đậu đỗ hè – cây vụ đông, ngô nếp xuân – đậu đỗ – rau màu vụ thu, vụ đông…

Thời gian sinh trưởng của đậu đỗ chỉ bằng 2/3 thời gian sinh trưởng của lúa, chi phí sản xuất thấp, tuy thu hoạch không tập trung nhưng lao động nhẹ không vất vả, tận dụng được lao động trẻ em, người già và có thể tranh thủ trong ngày. Trồng đậu đỗ cải tạo đất, đất tơi xốp, độ phì đất tăng lên nên cây trồng vụ sau sinh trưởng phát triển tốt. Thời gian đậu đỗ ngắn nên giúp nông dân gieo trồng được nhiều vụ trong năm, bố trí thời vụ các cây trồng trái vụ, lựa vụ, nông sản dễ tiêu thụ, bán được giá, cho thu nhập cao.

Bà Nguyễn Thị Thư, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân cho biết: “Gia đình tôi trồng đậu đen đã nhiều năm, khoảng 3 tháng vụ xuân và 2 tháng vụ hè đều đạt năng suất cao và cho thu nhập cao gấp hơn 3 lần so với lúa. Năng suất vụ xuân thường 80 – 90 kg/sào, vụ hè 50 – 55 kg/sào. Giá bán đậu đen từ 40 – 50 ngàn đồng/kg lại rất dễ bán. Trồng đậu trên chân ruộng vàn cao, đất nhẹ, tơi xốp, khi làm đất bón 30 kg vôi bột/sào, mỗi khóm để 3 cây, khóm cách khóm 45 – 50cm, hàng cách hàng 35 – 40cm. Khi cây có 1 – 2 lá thật tỉa dặm cây kịp thời. Bón phân 1 lần khi cây có 2 lá thật, soi rạch giữa luống, 1 sào bón 3 kg đạm ure, 20 kg lân super, 5 kg kaliclorua, bón kết hợp với vun xới. Khi ngọn đỗ nhỏ lại, phát triển ngọn leo thì bấm để cây ra nhiều nhánh cho nhiều hoa, quả”.

Một góc ruộng trồng đậu đỗ của nông dân Gia Lộc

Ông Hồ Văn Tuyến ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên chia sẻ: “Trồng đậu đỗ quan tâm nhất là giống đậu đỗ như: đậu xanh cao sản ĐX208, đậu đen xanh lòng… Thời vụ gieo đậu đỗ từ cuối tháng giêng đến mồng 5 tháng 5 âm lịch. Về phòng trừ sâu bệnh: ở vụ xuân, đầu vụ không để đất quá ẩm, phòng trừ bệnh lở cổ rễ, giai đoạn cây ra hoa, quả non phải phun thuốc trừ sâu 2 – 3 lần. Đậu đỗ ưa phân lân nhiều nhưng không nên bón lót vì đậu đỗ rất mẫn cảm với phân bón giai đoạn nảy mầm đến ra lá thật, nếu bón lót thì bón sâu và xa gốc. Đậu đỗ ưa ẩm nhưng không chịu được úng, chỉ cần duy trì đủ ẩm. Cây mềm dễ bị đổ khi mưa gió to phải dùng cọc tre kết hợp với dây nilon chằng giữ cây để chống đổ. Khi thu hoạch vùi thân lá đậu đỗ xuống rãnh để trồng bắp cải rất tốt. Trong năm, ruộng trồng đậu đỗ 1 lần thì gieo trồng ổn định”.

Với việc áp dụng công thức luân canh có đậu đỗ, hệ số sử dụng đất 4 – 5 lần/năm, giá trị sản xuất của 1 ha đất canh tác/năm đạt khoảng 400 triệu đồng, giúp giảm sâu bệnh cho vụ sản xuất rau kế tiếp, tăng độ phì của đất, nông dân tăng thu nhập.

Bùi Văn Viện (Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)

Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Mô hình trồng keo xen dưa hấu và mì của ông Đặng Vĩnh Kính thu lợi kép

Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.

“Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác”, ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.

Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: “Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.

Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.

Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường”.

Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.

“Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 - 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn”, ông Kính diễn tả.

Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. “Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay”, ông Kính cho biết thêm.

Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.

Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.

“Nhờ khai thác hết tiềm năng của đất bằng phương thức trồng xen canh kể trên nên mức thu nhập của người dân xã Bình Tân được tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã đạt đến gần 24 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Vĩnh Kính cho biết.

AN NHÂN

Trồng địa liền cho thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Ông Nguyễn Thành Vinh, xóm Phú Lương, xã Lương Phú (Phú Bình) chăm sóc diện tích cây địa liền của gia đình.

Hiện nay, ngoài trồng dưa chuột và ớt, nông dân xóm Phú Lương, xã Lương Phú (Phú Bình, Thái Nguyên) đã đưa cây địa liền vào trồng với diện tích trên 2ha.

Bình quân, một sào địa liền thu hoạch được khoảng 1,5 – 2 tạ củ tươi. Với giá bán dao động từ 10-14 nghìn đồng/kg, một sào cho thu nhập trên 13 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi hơn 10 triệu đồng (cao gấp 3 lần so với trồng ngô).

Địa liền là cây thân cỏ thuộc họ gừng, có nguồn gốc ở một số nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaixia. Theo đánh giá của bà con, loại cây này có thể trồng xen kẽ với các loại cây khác, tốn ít công chăm sóc và củ sau khi thu hoạch thường bảo quản được lâu. Địa liền được trồng vào dịp sau Tết Nguyên đán, sau 10 tháng sẽ cho thu hoạch, năng suất ước đạt 7 tấn củ/ha. Sau khi thu hoạch, củ địa liền thường được các thương lái từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội đến thu mua, dùng làm thuốc, ngâm rượu chữa các loại bệnh về đường tiêu hóa…

Hiện nay, ngoài xã Lương Phú, nông dân ở một số xã: Tân Đức, Thanh Ninh, Dương Thành cũng bắt đầu đưa loại cây này vào trồng trên một số chân ruộng thiếu nước, cấy lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập.

Trịnh Phương

Khảo nghiệm biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ngày 7/7, tại xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình khảo nghiệm biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn.

Mô hình khảo nghiệm với diện tích 1ha trên giống sắn KM140, chia làm 4 phần, thực hiện theo 4 công thức: Không ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần; ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần; không ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần (mỗi lần phun cách nhau 7 ngày) và ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần. Trong quá trình thí nghiệm với các phương pháp điều tra, công thức ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần đạt hiệu quả cao, tỉ lệ rệp sáp bột hồng giảm mạnh, cây sắn phát triển tốt. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng công thức này để phòng trừ rệp sáp bột hồng vào những niên vụ mới.

LÊ TRÂM

Nghệ An: Xây dựng thành công mô hình trám đen

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Trám đen được xem là đặc sản của huyện Thanh Chương nhưng do là loài cây gỗ cao to khó khăn khi thu hái và chất lượng không đồng đều nên huyện Thanh chương đã xây dựng dự án lai ghép trám đen.

Những ngày này, ông Nguyễn Trọng Tài ở xóm 1 xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương rất vui bởi sau 3 năm đưa cây trám ghép vào trồng, cây đã cho quả bói. Và nhờ bóng râm từ hơn 100 gốc trám vườn chè hơn 3 ha của nhà ông qua nắng hạn vẫn xanh tốt.

Vườn trám của gia đình ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch Hội làm vườn Thanh Chương. Ông cho biết, vườn trám hiện có tới 4.000 bầu.

Cũng như ông Tài, chị Đậu Thị Tuyết ở xóm 5, xã Thanh Nho cũng là người đã trồng trám đên lai ghép theo kỹ thuật mới. Chị Tuyết cho biết: vào vụ thứ 2, tính ra bình mỗi cây đã cho thu nhập khoảng 2 triệu. Với hiệu quả từ cây trám, gia đình chị Tuyết đã quyết định trồng 18 cây trám thay thế vào diện tích trồng cam.

Được biết, tại xã Thanh Nho, từ năm 2012 đến nay, đã có khoảng 1.000 cây trám được trồng mới, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Cảnh Giao trồng trên 300 gốc ở trang trại.

Là cây đặc sản, ở Nghệ An trám đen phân bố ở một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ. Trong đó trám đen Thanh Chương được cho là chất lượng nhất. Cây có nhiều ở các xã: Cát Văn, Thanh Nho, Hạnh Lâm, Thanh Đức.

Những quả trám đầu mùa ở vườn nhà ông Nguyễn Trọng Tài ở xóm 1, xã Thanh Thủy.

Nhiều cây trám có năng suất rất cao, chất lượng quả tốt, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Khi đến đến tuổi trưởng thành trung bình mỗi cây cho quả đạt 100kg, với giá như hiện nay từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu có 5 - 6 cây trong vườn cũng thu được 20 - 25 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, cây trám trên địa bàn huyện Thanh Chương chủ yếu là mọc tự nhiên, được trồng bằng hạt không được chọn lọc, đầu tư chăm sóc nên năng suất không ổn định, chất lượng quả không đồng đều. Cây trồng bằng hạt nên 7-8 năm sau mới có quả. Cây lại có bộ khung tán cao nên khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh…

Từ năm 2010 huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương". Đây là dự án nằm trong chương trình khoa học và công nghệ phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành, thị do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, có tổng kinh phí 661 triệu đồng.

Trám đen - đặc sản của Thanh Chương

Năm 2010, năm đầu thực hiện dự án Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn những cây trám ngon của địa phương về nhân giống được 2000 cây cung cấp cho nhân dân. Bước sang năm 2011, Sở Khoa học Công nghệ đã giúp Thanh Chương mở vườn ươm nhân giống tại chỗ tại xã Thanh Liên trên địa bàn huyện. Từ đó đã nhân giống được hàng ngàn cây xuất bán, xây dựng được nhiều mô hình trên địa bàn.

Nhân giống bằng phương pháp ghép cây có ưu điểm là nhanh cho thu hoạch quả, thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ, hệ số nhân giống cao, cây có bộ khung tán thấp nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh.

Trước hiệu quả kinh tế của dự án cải tạo và phát triển cây trám đen, ông Nguyễn Bá Quý- Chủ tịch Hội làm vườn huyện Thanh Chương, đồng thời là chủ vườn ươm ghép trám cho biết, hội đã chuyển giao được kỹ thuật ươm ghép, vườn cây giống luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cây giống cho người làm vườn.

Hiện nay, huyện Thanh Chương đang xúc tiến các bước nhân rộng diện tích trồng trám trên đất vườn và các diện tích đất đồi ở tất cả các xã trên địa bàn, nhất là ở các vùng có quỹ đất lớn như Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Thủy, Tổng đội TNXP 5. Chỉ trong vài năm tới, với hàng ngàn cây trám cho thu hoạch, khối lượng sản phẩm sẽ rất lớn. Vấn đề còn lại là tìm đầu ra ổn định cho cây trám, nhằm tránh việc người dân bị thương lái ép giá.

Trần Đình Hà - Đài Thanh Chương

Liên kết sản xuất giống lúa xác nhận

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Mô hình liên kết, tiêu thụ các loại giống lúa xác nhận 1 trên cánh đồng các HTX NN Thủy Tân, Thủy Phù (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, mở ra triển vọng sản xuất hạt lúa mang tính hàng hóa…

Nông dân hưởng lợi

Được tham quan mô hình sản xuất giống lúa HT1, BT7 trên cánh đồng các HTX NN Thủy Tân, Thủy Phù mới thấy được niềm phấn khởi của bà con nông dân tại đây. Đây là mô hình khuyến nông Quốc gia thuộc dự án Xây dựng và Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh miền Trung do Công ty CP Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh (Cty CPGCTVT tỉnh) hỗ trợ triển khai trên địa bàn.

Tham quan mô hình sản xuất giống lúa HT1 trên cánh đồng Thủy Tân

Ông Nguyễn Quang Hồng, Giám đốc HTX NN Thủy Tân cho biết: “Vụ hè thu năm nay, được sự hỗ trợ của Cty CPGCTVN tỉnh, HTX triển khai trồng 25 ha giống lúa chất lượng cao, xác nhận 1 HT1 với 34 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo trồng các giống lúa truyền thống. Các hộ dân tham gia, ngoài được HTX cung ứng từ khâu làm đất, thủy lợi, còn được công ty hỗ trợ 100% chi phí nguồn giống, 30% chi phí vật tư nông nghiệp (VTNN) hỗ trợ về mặt kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm 100%”.

Tranh thủ đi thăm đồng, ông Nguyễn Quang Sinh (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân) góp chuyện: “Hộ gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất này đến nay đã 7-8 vụ, hiện trồng 2 mẫu lúa giống HT1. Sản xuất giống HT1 ngoài tuân thủ quy trình kỹ thuật của công ty, cán bộ kỹ thuật về tận ruộng hướng dẫn người dân từ công tác gieo sạ đến khối lượng phân bón; công ty còn bao tiêu sản phẩm lúa tươi bằng giá lúa khô ngoài thị trường, nên nông dân rất có lãi”.

Ông Lê Hòe, xã viên HTX NN Thủy Phù nhẩm tính: “Tham gia mô hình liên kết giống xác nhận 1, rõ ràng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các xứ đồng trồng lúa khác. Cụ thể, như hộ gia đình tôi trồng 6 sào giống BT7. Giá bán của giống lúa này khoảng 7,5 nghìn/kg lúa tươi, cao hơn hẳn các giống lúa trồng lâu nay từ 1,5 - 2 nghìn đồng/kg. Bình quân 1 sào, ước tính thu được hơn 2,1 triệu đồng, trừ các chi phí khác 1,4 triệu đồng, vẫn còn lãi 700 nghìn đồng/sào”.

Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Cty CPGCTVN tỉnh cho hay, ngay từ vụ đông xuân 2014-2015 và những vụ mùa tiếp theo, công ty triển khai mô hình liên kết và tiêu thụ giống lúa xác nhận 1 tại hai địa phương Thủy Tân và Thủy Phù với diện tích 50 ha giống lúa HT1 và BT7 của hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Kết quả cho thấy, năng suất bình quân các giống lúa đạt 59 tạ/ha, sản lượng hạt giống xác nhận 1 đạt 295 tấn (trong đó, 140 tấn giống BT7 và 155 tấn giống HT1). Công ty đã thu mua, chế biến được 281 tấn BT7 và HT1 và đã tiêu thụ hết.

Liên kết doanh nghiệp và nông dân

Giám đốc Cty CPGCTVN tỉnh khẳng định: “Thông qua xây dựng mô hình tại hai điểm trình diễn ở Thủy Tân và Thủy Phù đã hình thành hai tổ nhóm có sự liên kết giữa các nông dân trong nhóm hộ, giữa nhóm hộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ giống lúa với trên 200 hộ nông dân tham gia. Các nhóm hộ đã xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người dân, HTX và doanh nghiệp”. Tham gia mô hình liên kết, tiêu thụ các giống lúa xác nhận 1, các hộ nông dân thường xuyên thảo luận, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, có thể trao đổi với cán bộ kỹ thuật của công ty về quy trình sản xuất, phương pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và trang bị kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp.

Liên kết sản xuất từ giống lúa xác nhận

Giám đốc HTX NN Thủy Tân đánh giá, nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ cùng một xứ đồng, liền vùng liền khoảnh nên dễ dàng sử dụng đồng bộ cơ giới hóa làm tăng năng suất lao động, phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, với phương thức doanh nghiệp thu mua giống lúa tươi tại ruộng, giá 1kg lúa tươi bằng 1kg lúa thương phẩm đã qua phơi khô, làm tăng hiệu quả kinh tế của các hộ nông dân từ 27% - 30% và tăng trên 10 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức sơ kết 2 năm dự án Xây dựng và Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh miền Trung. Qua 2 năm thực hiện dự án, TTKNQG triển khai các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xác nhận 1, năng suất đạt trên 5 tấn/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15% - 20% so với sản xuất đại trà. TTKNQG cũng phối hợp với 6 đơn vị doanh nghiệp cùng 6 TTKN của các tỉnh, thành miền Trung triển khai 523ha các loại giống lúa xác nhận 1, đạt 97% kế hoạch với sản lượng đạt 2.300 tấn.

“Với mục tiêu dự án tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và tiêu thụ giống lúa chất lượng cao, xác nhận 1; trong đó, cốt lõi là nâng cao chất lượng giống lúa xác nhận và thu nhập của người nông dân, hai năm qua, dự án triển khai được gần 600ha giống lúa xác nhận 1 và xây dựng nhiều mô hình, các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất cho người nông dân và vai trò của các HTX”, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG đánh giá.

Hà Nguyên

Tiền Giang: Nông dân Chợ Gạo thu hoạch thanh long mùa thuận

Nguồn tin: Tiền Giang

Thời gian qua, cây thanh long đã phát triển thành vùng chuyên canh trên địa bàn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) với 4.406ha, việc sản xuất thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế khá, nâng cao đời sống cho số hộ trồng thanh long.

Hiện nay, diện tích thanh long đang thu hoạch tại huyện đạt 3.000 ha (năng suất rải vụ là 18 tấn/ha), sản lượng 54.000 tấn. Trong tuần qua, giá thanh long ruột trắng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, ruột đỏ 30.000 - 40.000 đồng/kg, với giá này nông dân rất phấn khởi. Huyện đã thành lập Hợp tác xã thanh long xã Mỹ Tịnh An để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn huyện có 5 doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh và 42 cơ sở thu mua thanh long.

Bên cạnh, nông dân đang tích cực chăm sóc vườn thanh long, nhằm hạn chế bệnh thán thư, thối cành, hiện nay, do trời mưa nhiều, bệnh đốm nâu bắt đầu phát triển mạnh, xuất hiện chủ yếu ở đầu trụ và các cành non, nhiều nhất ở những vườn vệ sinh kém, với 320 ha nhiễm bệnh.

Ngọc Duyên

Bình Phước: Giống cây ăn trái hút hàng

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Cây giống ăn trái năm nay giá tăng ít nhất 20% so với đầu mùa mưa năm trước, nhưng lại khan hiếm hơn.

Giá giống bưởi da xanh ở hầu hết cơ sở mua bán giống đều tăng từ 30 ngàn đồng của niên vụ trước lên 50 ngàn đồng vào đầu vụ năm nay. Cá biệt có những cơ sở giống giá bưởi da xanh lên đến 80 ngàn đồng/cây. Giống vú sữa lò rèn loại tốt lên đến 200 ngàn đồng/cây. Các loại cây giống còn lại như bơ, sầu riêng, măng cụt dao động từ 50 - 70 ngàn đồng/cây.

Giống bưởi da xanh tại vựa cây giống Minh Trãi (Đồng Xoài) dao động từ 50 - 80 ngàn đồng/cây

Theo các cơ sở mua bán giống cây trồng, thị trường giống cây ăn trái năm nay rất khan hiếm cả về chất lượng lẫn chủng loại. Nguyên nhân chính do hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây. Đặc biệt các vựa sản xuất giống nổi tiếng như ở huyện Cái Mơn, Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hay Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị nhiễm mặn dẫn đến cây giống chết hàng loạt, có những cơ sở sản xuất giống lỗ cả trăm triệu đồng. Mặt khác, nhu cầu giống cây ăn trái của Bình Phước năm nay tăng cao do giá cao su giảm mạnh, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất giống ở các tỉnh miền Tây không nắm được nhu cầu cây giống của thị trường Bình Phước nên sản xuất cầm chừng như mọi năm. Điều đó khiến thị trường giống cây ăn trái năm nay khan hiếm và đắt đỏ hơn những năm trước.

Đông Kiểm

Lục Ngạn (Bắc Giang): Bao trái an toàn cho bưởi Diễn

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Mô hình sử dụng túi bao trái cây ăn quả đang được Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thực hiện tại các xã Quý Sơn, Phượng Sơn áp dụng cho hơn 1 nghìn cây bưởi Diễn từ 5 năm tuổi trở lên.

Phương pháp này sử dụng loại túi có chất liệu mỏng, thông thoáng, dai, bao quả khi có kích thước bằng cái chén. Ưu điểm của túi là giúp trái bưởi có thể quang hợp trao đổi với môi trường bên ngoài dễ dàng, tạo màu sắc đẹp tự nhiên, đồng thời ngăn ngừa sâu đục trái gây hại quả, nhất là ruồi vàng mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình góp phần bảo đảm vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường và sức khỏe người làm vườn. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 75% chi phí mua màng túi từ nguồn ngân sách huyện.

Trịnh Lan

Xoài Yên Châu được giá

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Do năm nay gặp phải băng giá kỷ lục cộng với xoài Yên Châu chính thức được trao chứng nhận thương hiệu nên xoài Yên Châu bán được giá.

Hiện đang là những ngày cao điểm cuối cùng của vụ xoài Yên Châu (Sơn La) năm 2016. Do năm nay gặp phải băng giá kỷ lục cộng với xoài Yên Châu chính thức được trao chứng nhận thương hiệu nên xoài Yên Châu bán được giá.

Khảo sát các sạp bán xoài Yên Châu dọc theo quốc lộ 6 giá bán dao động 15.000 - 17.000 đồng/kg, riêng mặt hàng xoài tròn giá bán cao hơn, 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Chủ cửa hàng bán xoài lớn tại thị trấn Yên Châu chia sẻ: Bình quân mỗi vụ xoài gia đình chị tiêu thụ khoảng 60 tấn, năm nay do mất mùa nên dự kiến chỉ tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn là hết vụ. So với năm ngoài, năm nay giá xoài cao hơn 5.000 - 8.000 đồng/kg, riêng xoài tròn cao hơn 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Theo Hội Trồng và Tiêu thụ xoài Yên Châu, tổng diện tích xoài trên địa bàn huyện trên 600 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, sản lượng bình quân trên 500 tấn quả/năm. Trong đó, giống xoài tròn diện tích khoảng 200ha, sản lượng trên 150 tấn/năm.

Đặc điểm nổi bật của xoài Yên Châu có màu xanh nhạt, thịt quả màu vàng đỏ, có các đốm màu nâu đen lấm tấm, mùi thơm đặc trưng, ăn có vị ngọt mát.

Đây là giống xoài bản địa duy nhất của miền Bắc Việt Nam nằm trong danh mục của FAO cần được gìn giữ, phát triển. Bộ NN-PTNT cũng đã đưa xoài Yên Châu vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn và phát triển.

Ảnh: Nguyên Huân

Xoài Yên Châu được khách hàng ưa chuộng

NGUYÊN HUÂN

Liên kết các vựa xoài trên địa bàn TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp)

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 7/7, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Thành Công - Bí thư Thành ủy Cao Lãnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương có buổi làm việc với các chủ vựa xoài trên địa bàn TP.Cao Lãnh.

Đại diện các chủ vựa xoài cho biết, thời gian qua cùng với sự kết nối tiêu thụ, các chủ vựa xoài tìm được đầu mối tiêu thụ tại một số thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Tuy nhiên, tỷ lệ xoài đạt yêu cầu chất lượng còn rất thấp, nguyên nhân là do người dân không sản xuất theo một quy trình sản xuất nhất định, dẫn đến không đạt yêu cầu chất lượng của các thị trường xuất khẩu.

Các chủ vựa tiêu thụ xoài cho rằng, bên cạnh việc liên kết các chủ vựa xoài với nhau, họ cũng mong muốn chính quyền địa phương phải đứng ra làm “nhạc trưởng” gắn kết nông dân lại với nhau để cùng sản xuất theo một quy trình an toàn, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn.

Đồng thời, kết nối nông dân với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, nhất là phân hữu cơ sản xuất theo quy trình sản phẩm sạch, đảm bảo xoài đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Dương đồng tình về đề xuất trên của các chủ vựa. Theo đó, giải pháp được ông Nguyễn Văn Dương đưa ra là thời gian tới sẽ thành lập tổ liên kết các vựa xoài. Tổ này sẽ hỗ trợ thông tin cho chính quyền, cùng chính quyền xây dựng chiến lược phát triển liên kết, tiêu thụ xoài ổn định.

Ông Nguyễn Văn Dương yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND TP.Cao Lãnh xây dựng dự thảo, yêu cầu, quy chế hoạt động của tổ liên kết các vựa xoài để có buổi gặp gỡ, lấy ý kiến các chủ vựa thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Dương cho biết, hiện không riêng xoài mà đối với các sản phẩm khác, như: ớt, gạo… nhiều chủ vựa nước ngoài đến định cư và thu mua sản phẩm tại Đồng Tháp rồi chuyển về đất nước họ phân phối. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các chủ vựa trong và ngoài nước, nguy cơ sẽ mất thị phần ngay trên sân nhà. Do đó, các chủ vựa tiêu thụ xoài phải nhanh chóng liên kết với nhau để tháo gỡ khó khăn sắp tới.

MN

Tiền Giang: Giá khóm Tân Phước tăng cao, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Tiền Giang

Hiện nay, nông dân trồng khóm ở Tân Phước (Tiền Giang) rất phấn khởi, vì giá khóm đang ở mức cao. Các thương lái đến tận ruộng mua với giá từ 7.000 - 9.000 đồng/kg tùy theo loại; sau khi trừ chi phí, nông dân trồng khóm có lãi không dưới 50 triệu đồng/ha.

Giá khóm tăng cao, thương lái tìm đến tận ruộng để mua.

Ông Trương Hùng Minh, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước nói: "Giá khóm tăng cao là do hạn mặn vừa qua làm ảnh hưởng đến năng suất cây khóm, trong khi nhu cầu của thị trường tăng cao. Với giá khóm hiện nay, người trồng lãi hàng trăm triệu đồng/ha".

Nông dân Đinh Văn Còn, xã Mỹ Phước có kinh nghiệm canh tác hơn 10ha khóm cho biết: "Mỗi năm, khóm có thể cho thu hoạch 3-4 lần tùy thuộc vào cách xử lý của từng nông hộ, với năng suất đạt bình quân 15-20 tấn/ha. Hiện nay, giá thành sản xuất khóm khoảng 2.500 đồng/kg, tính ra nông dân lãi bình quân 5.000 đồng/kg".

Bên cạnh, người dân đang gặp không ít khó khăn, do độ phù sa trong đất ngày càng giảm; chi phí trồng khóm tăng cao. Để khóm có năng suất, chất lượng, nông dân phải chăm sóc, bón phân nhiều hơn. Trước đây, trung bình từ 5-7 năm người dân mới cải tạo đất trồng khóm lại. Hiện nay, thì 2-3 năm là phải cải tạo trồng lại, trong khi sâu bệnh ngày càng nhiều và khó phòng trị hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước cho biết: "Xã có diện tích trồng khóm nhiều nhất huyện Tân Phước (2.689/16.346ha). Người dân chủ yếu trồng giống khóm Queen cho chất lượng trái tốt, năng suất cao. Nông dân trong xã đang hướng tới sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá khóm tăng cao, người trồng phấn khởi, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên nông dân".

P. Mai

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop