Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 07 năm 2017

Làm giàu với đặc sản xoài cát Hòa Lộc

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Xoài cát Hòa Lộc là một trong những cây ăn trái đặc sản của tỉnh Tiền Giang, đã giúp cho nhiều hộ gia đình trở nên khá giả. Gia đình anh Trần Văn Hoạch, xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) là một trong những điển hình làm giàu nhờ cây trồng đặc sản này.

Anh Hoạch bao trái xoài cát Hòa Lộc.

Ghé thăm vườn xoài cát Hòa Lộc gần 2 ha của gia đình anh Hoạch tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè và nghe câu chuyện nỗ lực duy trì cây ăn trái đặc sản quê hương mới thấy được sự tâm huyết của anh khi lựa chọn, gắn bó với cây trồng này. Anh Hoạch kể, khoảng 20 năm về trước, gia đình anh chủ yếu trồng cây nhãn tiêu da bò, sau đó chuyển sang cây bưởi lông Cổ Cò, nhưng thổ nhưỡng không thích hợp nên hiệu quả không cao. Từ đó, anh Hoạch suy nghĩ và đi tham quan nhiều nơi thấy cây xoài cát Hòa Lộc cho hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với vùng đất huyện Cái Bè nên quyết định mua giống xoài trên về trồng xen vào vườn cây ăn trái của gia đình. Khi xoài lớn, anh Hoạch bắt đầu đốn các loại cây khác để cho cây xoài phát triển.

Hiện tại, vườn xoài của anh Hoạch đã hơn 10 năm tuổi, cho trái trĩu cành. Nhìn cây xoài cát Hòa Lộc trĩu cành, anh Hoạch phấn khởi nói: “Từ vụ tết đến giờ, vườn xoài của tôi thu hoạch được gần 5 tấn trái, bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg”.

Gắn bó với cây xoài cát Hòa Lộc đã khá lâu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh Hoạch chia sẻ: “Xoài cát Hòa Lộc là loại cây lâu năm nên không trồng mật độ quá dày để cây tạo tán và hạn chế sâu bệnh. Lúc mới trồng, đất phải được làm thật kỹ, phải đảm bảo thoát hết nước khi có mưa lớn kéo dài, phải chú ý phun thuốc phòng ngừa các loại sâu đục thân để duy trì tuổi thọ, cũng như năng suất của xoài. Bình quân một cây xoài hơn 10 năm tuổi, được chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho hơn 150 kg trái/vụ”.

Anh Hoạch chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc trái xoài cát Hòa Lộc: “Cây xoài cát Hòa Lộc từ ngày xử lý đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng nên xoài phải được bón phân, tưới nước đầy đủ. Khi trái bằng cổ tay, tôi phải bao trái để da bóng, đẹp, không bị côn trùng, ruồi đục trái gây hại. Sau khi thu hoạch xong, tôi cắt tỉa cành, tạo sự thông thoáng cho cây ra đọt mới, bón phân để cây phục hồi, cho trái vào những vụ tiếp theo; đồng thời dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, phù hợp thời tiết để cây đậu trái nhiều”.

Qua “ăn nên làm ra” từ cây xoài cát Hòa Lộc, anh Hoạch còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm với nông dân trong xã. Với những kinh nghiệm, kỹ thuật có được cùng những vụ xoài trúng mùa, được giá, hằng năm, anh Hoạch thu về số tiền không hề nhỏ, ổn định cuộc sống gia đình.

Văn Minh

Giữ vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Vườn cây trái Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) là địa danh nổi tiếng của cả vùng Đông Nam bộ hàng trăm năm qua, đã tạo nên thương hiệu du lịch nhà vườn độc đáo của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, vài năm qua, hình ảnh từng đoàn người kéo đến tham quan miệt vườn đã dần vắng bóng.

Vắng bóng du khách

Vườn cây trái Lái Thiêu chỉ cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, đường sá được đổ nhựa hoặc bê tông hóa đến tận các nhà vườn nhưng không một bóng du khách tham quan, dù vào ngày cuối tuần.

Bà Nguyễn Thị Thê (53 tuổi, chủ vườn 99) vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan, vừa vội vàng giải thích, có thể do thời tiết nắng nóng nên ít khách.

Theo bà Thê, ở đây chỉ trồng các loại cây đặc sản của Bình Dương như măng cụt, mít, mãng cầu, dâu, chôm chôm, những năm trước mỗi tuần có từ 500 - 1.000 lượt khách đến và có thể bán được vài tạ trái cây ngay tại vườn. Tuy nhiên vài năm qua, khách ít đến hơn nên nhiều nhà vườn gặp khó về kinh phí đầu tư, chăm sóc. Năng suất các loại cây trái không cao, có năm còn bị sâu bệnh nhưng các chủ vườn cũng đành bất lực đứng nhìn.

Các nhà vườn khác như Hồng Vân, Thu Thủy, Bé Hai (cùng ở phường Hưng Định) cũng trong tình trạng vắng bóng du khách. Bà Nguyễn Thu Thủy (nhà vườn Bé Hai) tâm sự, toàn bộ khu vườn có diện tích khoảng 5.000m², với hàng trăm cây trái có tuổi đời khoảng vài chục năm, thậm chí có nhiều hàng dừa trăm tuổi, “trước đây du khách nhiều bao nhiêu thì bây giờ vắng vẻ bấy nhiêu. Tôi phải thuê người hái trái cây từ vườn để bán cho các đại lý hoặc chợ đầu mối, công việc vất vả hơn phục vụ du khách tại chỗ”.

Đầu tư cho những vườn cây đặc sản

Theo ông Lê Đức Hào, một người sinh sống gần các nhà vườn thì nguyên nhân chủ yếu là nhà vườn ít đầu tư, các sản phẩm phục vụ nghèo nàn, trong khi nhu cầu người dân đi tham quan không chỉ có mua trái cây đặc sản. Không ít đoàn khách từ miền Bắc, miền Trung vào tham quan một vòng quanh vườn, ăn trái cây xong không biết làm gì tiếp theo, muốn nghỉ ngơi, ăn uống thì phải trở ra TPHCM hay TP Thủ Dầu Một rất bất tiện. Đặc biệt, không ít nhà vườn còn nhếch nhác, nhiều rạch nước trong vườn hôi hám khiến du khách không hài lòng.

Để giữ gìn, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 63 (về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản giai đoạn 2017 - 2021) nhằm góp phần gìn giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, tạo mảng xanh bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái. Hiện tại, các nhà vườn đang được ngành chức năng tỉnh Bình Dương hỗ trợ kinh phí đầu tư phân bón, nạo vét kênh mương. Mỗi hộ dân được nhận 4 triệu đồng/ha cây ăn trái, đồng thời còn được hỗ trợ kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc vườn cây, chiết và nhân giống các loại cây trồng đặc sản.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, ngay trong ngày 5-7 tỉnh sẽ thông qua đề án Bảo vệ, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản Bình Dương gắn với du lịch sinh thái, qua đó sẽ tạo đà để thu hút nhiều khách du lịch đến với vườn cây đặc sản đã nổi tiếng hàng trăm năm qua. Hy vọng, khi đề án được thông qua sẽ tạo một bộ mặt mới cho các vườn cây đặc sản, trong đó sẽ có nhiều dịch vụ hơn, giúp người dân có điều kiện bảo tồn, phát triển các vườn cây đặc sản.

Xuân Trung

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mang lại thu nhập ổn định

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sơ ri, gia đình ông Huỳnh Văn Căn, ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh có thu nhập ổn định.

Thu hoạch sơ ri.

Ông Căn cho biết, trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây ăn trái trên mảnh đất diện tích 5.000m2. Tuy nhiên, do đất không phù hợp nên cây không cho năng suất cao. Ðược bạn bè giới thiệu, ông mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 100 gốc sơ ri. Kể từ đó, cuộc sống của gia đình đỡ cực và khấm khá hơn.

Trong vườn chủ yếu là giống sơ ri ngọt, mang từ Tiền Giang về. Loại cây này dễ sống, chịu được môi trường khắc nghiệt như khô hạn, ngập úng, nước nhiễm phèn, mặn, đất nghèo chất dinh dưỡng. Sơ ri là loại trái cây được thị trường rất ưa chuộng, thương lái đến thu mua tại vườn nên đầu ra luôn ổn định.

Theo ông Căn, cây sơ ri dễ trồng, phát triển nhanh, bung cành sum suê, cho trái quanh năm. Khi muốn nhân rộng diện tích, chỉ cần chiết nhánh, không phải tốn tiền mua giống. Trồng khoảng 7 - 8 tháng tuổi, cây cho trái mùa đầu và từ năm thứ 3 trở đi cho lượng trái ổn định và tăng dần theo các năm. Một cây cho khoảng 8 đợt trái/năm. Ðặc biệt, gốc sơ ri càng lâu năm, trái càng sai, mỗi cây đạt năng suất từ 30kg -50kg trở lên. Vào vụ rộ, gia đình ông hái khoảng 500kg sơ ri/ngày, lúc này thương lái từ các nơi đến tận vườn thu mua với giá từ 9.000 đồng - 10.000 đồng/kg.

Người nông dân năng động này còn nhận định, người trồng sơ ri chỉ hơn nhau ở phương pháp xử lý để cây cho thu hoạch trái vụ, hạn chế thu hoạch đồng loạt chính vụ sẽ bị rớt giá. Ðể làm được điều này, người trồng sơ ri phải quan tâm đến việc tỉa cành ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch để cây thông thoáng và tiếp nhận đủ ánh sáng.

Trồng sơ ri không đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Nhiều gia đình có thể tận dụng khoảng đất ít chất dinh dưỡng trồng cây sơ ri để tăng thu nhập cho gia đình. Từ kinh nghiệm của ông Căn cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng là sự đúng đắn trong lựa chọn hướng đi mới về phát triển kinh tế gia đình.

Thanh Nhi

Vĩnh Long: Dư số lượng khiến giá cam lao dốc

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Hiện nay giá cam sành đã giảm ở mức rất thấp, nếu so với thời điểm này năm trước thì giá cam đã giảm hơn 1/3, có thời điểm giảm đến phân nửa, trong khi sản lượng cam sành lại tăng cao khiến cung vượt cầu.

Cung vượt cầu, chất lượng thiếu ổn định khiến giá cam sành giảm sâu.

Thời điểm này, những vườn lớn thì thương lái mới vào mua, đối với điểm vườn nhỏ lẻ hoặc vườn cam mới cho thu hoạch năm đầu thì khó bán vì thương lái vẫn e ngại về mẫu mã cũng như chất lượng trái.

Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cũng đánh giá, chất lượng cam sành không đảm bảo, cam bị hư hỏng ngay khâu sơ chế, bảo quản cũng khiến cho giá cam sành xuống thấp thời gian gần đây.

Theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, thời gian qua, lô hàng 3 container cam sành có xuất xứ tại huyện Tam Bình khi vận chuyển ra đến Hà Nội thì có dấu hiệu hư hỏng nên bị trả lại. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ cam sành trên địa bàn, bởi nhiều thương lái e ngại chất lượng của cam sành thiếu ổn định.

Thành Long

Người hơn 20 năm sưu tầm, lưu giữ các giống nhãn quý

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Một ngày hè nắng vàng như rót mật trên những chùm nhãn chín đầu mùa, tôi tìm về xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), để được say trong vị ngọt thơm của nhãn lồng quê hương và được thăm vườn nhãn của một lão nông đã ngoài lục tuần – người hơn 20 năm qua miệt mài sưu tầm, lưu giữ các giống nhãn quý của Hưng Yên.

Ông Đặng Văn Xây và những chùm nhãn đầu mùa

Vườn nhãn gần 2 mẫu của lão nông Đặng Văn Xây như một viên ngọc lớn màu xanh biếc mát mắt, nằm giữa “vựa” nhãn nổi tiếng của đất nhãn lồng. Men theo con đường mòn nho nhỏ dẫn vào vườn, khéo léo để không va quệt vào những chùm nhãn sai lúc lỉu, chúng tôi tìm kiếm bóng áo vải sờn vai của ông chủ vườn. Tiếng kéo tỉa cành lách tách khoan nhặt vang lên, tiếng bước chân lào xào trên lá khô, cặp kính trắng mải miết cùng ông dõi theo từng thân, cành, từng phiến lá trong vườn.

Ông Xây trò chuyện với chúng tôi mà như đang trò chuyện với chính những gốc nhãn quý của mình: “Trồng nhãn là nghề ông cha truyền lại, từng mảnh vườn, từng gốc cây, mỗi mùa hoa, mùa quả… dần hình thành trong tôi tình yêu, nặng lòng với chồi xanh lộc biếc. Từ năm 1995, tôi bắt đầu sưu tầm và phát triển các giống nhãn quý, thơm ngon của Hưng Yên tại mảnh vườn của gia đình. Những cây nhãn ngon của chính gia đình mình, những giống nhãn của bạn bè, người thân, người quen nức tiếng xa gần tôi đều cố công chiết ghép, nhân giống, phát triển bằng được. Mình trồng, mình giữ giống nhãn quý cho mình, cho con cháu mình, cũng là mình giữ sản vật ngọt thơm quý giá cho chính quê hương mình vậy”.

Đưa chúng tôi đi thăm từng gốc nhãn, có cây sần sùi vì năm tháng, đã có tuổi đời mấy chục năm, có cây mới cho bói mùa quả đầu… ông Xây không quên giới thiệu cho tôi nghe về từng loại: Nào nhãn cùi sớm, nhãn cùi muộn, giống quả to mã vàng nâu, giống quả vừa mã vàng nhạt, nhãn đường phèn ngọt lịm thơm phưng phức, nhãn đầu nước thì ngọt sắc làm người ăn nhớ mãi không thôi… Ngay như nhãn cùi đã có tới hàng chục giống, hay nhãn đường phèn cũng 4 – 5 giống khác nhau. Lúc cao điểm, trong vườn nhãn của ông Xây có tới hơn 40 giống nhãn khác nhau, đó là thành quả mà ông không tiếc công sức và cả tiền của sưu tầm từ khắp các nhà vườn, khắp nẻo thôn quê trên đất nhãn. Sưu tầm được các giống nhãn rồi, ông lại không tiếc thời gian chờ từng mùa quả để so sánh, đánh giá chất lượng, mẫu mã, năng suất của từng giống. Ông tỷ mỉ chọn ra những giống nhãn ưu việt nhất, thơm ngon nhất, ra quả đều, năng suất cao và ổn định nhất để phát triển lâu dài thành hàng thương phẩm.

Những cây kém hơn thì nuôi gốc giữ giống, cắt bỏ cành, ghép mắt của cây khác vào tiếp tục chăm bón. Một người dành cả đời cho cây nhãn, cách thưởng thức nhãn cũng khác! Với ông, cây nhãn quý, đáng giữ gìn và phát triển phải làm người thưởng thức “rung động” từ cái nhìn đầu tiên, tức là mã phải đẹp, quả phải đều, vỏ quả phải tươi sáng, nhìn đã muốn ăn! Khi đã chinh phục được mắt nhìn rồi, phải chinh phục được khứu giác: Bóc quả nhãn ra, đưa lên mũi, mùi thơm đặc trưng bao phủ giác quan, không gì thay thế được! Bỏ quả nhãn vào miệng, vị ngọt đậm đà và mùi thơm hòa quyện lập tức lan tỏa, khiến người ăn không thể nghĩ đến gì khác nữa, chỉ muốn bóc tiếp một quả nữa, rồi một quả nữa… Hơn 20 năm lăn lộn trên những vườn nhãn, giờ đây ông Xây tự hào rằng 200 gốc nhãn của mình thì cả 200 gốc đều quý và ngon, sẵn sàng chinh phục bất cứ thực khách khó tính nào!

Trong suốt chặng đường dài tìm kiếm, nhân giống các giống nhãn quý của Hưng Yên, ông Xây cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở. Nhưng tình yêu của ông với nhãn, với vườn, niềm khao khát bảo tồn, phát triển nhiều giống nhãn nức tiếng của Hưng Yên thôi thúc ông không ngừng nghỉ. Nơi đây, có những giống nhãn ông phải nhiều lần thuyết phục người dân mới mua được một cành chiết nho nhỏ, vài mắt chồi bé xinh về nhân giống. Cũng có những gia đình khó tính, quyết không bán giống cho ông, ông phải tìm cách có được hạt để gieo thành cây, chăm bón nhiều năm mới thành công.

Từng cây nhãn chẳng phụ tấm lòng ông, mảnh đất cha ông rồi cũng thành xôi mật trước bàn tay chăm bón cần cù tần tảo, năm nào, vườn nhà ông cũng là một trong những vườn có nhãn sớm nhất, là nơi mùa nhãn kết thúc muộn nhất và tất nhiên vô cùng thơm ngon, níu chân người. Những cây nhãn quý trong vườn có thể tự phân thành 3 trà: sớm – trung – muộn, thu hoạch rải vụ suốt 2,5 – 3 tháng, giúp gia đình ông có kinh tế vững vàng. Ấy vậy mà cho đến giờ, điều ông quan tâm nhất mỗi khi ra vườn không phải là sẽ thu hoạch được bao nhiêu tấn quả, mà là cây nhãn có khỏe không, có sâu bệnh gì không, có đủ dinh dưỡng không… Cây càng sai quả càng phải tích cực chăm sóc chu đáo, cây năm nay thưa quả thì hãy cứ để cho cây được nghỉ ngơi, được đầy đủ dinh dưỡng, bởi ông nghĩ, nhãn quý và ngon cũng phải có cái “kiêu kỳ” của nó chứ!

Điều đáng trân trọng là sở hữu vườn nhãn quý nhưng ông Xây sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giống cây với những người thực sự yêu nhãn, thực sự muốn cùng ông bảo tồn và phát triển những giống nhãn ngon của quê hương.

Bao năm gắn bó với cây nhãn, hiểu cây nhãn như chính người thân thuộc nhất của mình, ông Đặng Văn Xây hiện nay đang là Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam, đây là môi trường tốt để ông cống hiến hiểu biết của mình, góp tình yêu cây nhãn của mình vào việc xây dựng, phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Riêng tôi mong rằng vườn nhãn quý của ông sẽ mãi xanh tươi như thế, bền lâu như thế, mong ông luôn khỏe mạnh để dành nhiều thời gian sưu tầm và phát triển thêm nhiều giống nhãn quý cho đời sau.

Vi Ngoan

Thanh long Việt Nam giảm giá tại thị trường Trung Quốc

Nguồn tin: VOV

Thời điểm trước đây giá bán buôn thanh long Việt Nam tại Trung Quốc từ 40.000 - 47.000 đồng/kg nhưng hiện đã giảm còn 25.000 - 34.000 đồng/kg.

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng hoa quả nói chung và thanh long nói riêng của Việt Nam.

Qua thực tế tìm hiểu về tình hình tiêu thụ thanh long tại thị trường Trung Quốc của Bộ Công Thương cho thấy, nhìn chung, nguồn cung thanh long tươi cho thị trường Trung Quốc hiện cơ bản từ 2 nguồn là nội địa và nhập khẩu từ Việt Nam.

Số liệu của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, năm 2016, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng thanh long tươi của Trung Quốc đạt trên 523.000 tấn với giá trị là 381,1 triệu USD. Trong đó, đa số là nhập khẩu từ Việt Nam với kim ngạch và giá trị chiếm tỷ trọng tới 99%, chỉ có một lượng nhỏ thanh long nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc.

Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long của Trung Quốc hiện vào khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, quả thanh long đã được một số địa phương như Quảng Tây, Hải Nam đưa vào danh mục hoa quả trọng điểm phát triển trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng trong một số năm tới đây sẽ còn tăng.

Điểm đáng chú ý là thanh long nội địa Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 đến khoảng tháng 11 hàng năm, rải rác trong khắp các địa phương trồng thanh long, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam.

Đặc biệt, thời điểm hiện tại, thanh long nội địa của Trung Quốc đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính, giá bán buôn thanh long trên thị trường Trung Quốc bắt đầu xu hướng chững lại và giảm nhẹ, gây ảnh hưởng đến giá thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Thời điểm trước đây, giá bán buôn thanh long Việt Nam tại Trung Quốc khá cao từ 12 - 14 NDT/kg (40.000 - 47.000 đồng/kg). Hiện tại giá trung bình còn khoảng từ 6,5 - 10 NDT/kg (25.000 – 34.000 đồng/kg) tuỳ theo địa bàn tiêu thụ và tùy từng loại thanh long (thanh long ruột đỏ giá cao hơn thanh long ruột trắng).

PV/VOV.VN

Phường Tân An, Tp.Thủ Dầu Một (Bình Dương): Có hơn 178 ha trồng cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện có hơn 178 ha trồng chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dâu… tăng 3 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Để duy trì và phát triển vườn cây ăn trái, địa phương đã vận động nông dân tham gia tổ liên kết sản xuất cây ăn trái. Tổ liên kết này có 10 hộ dân tham gia, diện tích mỗi nhà vườn từ 5.000m2 đến 1 ha. Tham gia tổ liên kết, các hộ dân được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, thực hiện quy trình sản xuất trái cây chất lượng cao…

Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cũng được phường Tân An quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân phường đã cử 11 cán bộ, hội viên tham gia tập huấn và tham quan mô hình du lịch sinh thái tại tỉnh An Giang, tham quan làng hoa Sa Đéc và Tổ hợp tác quýt đường Lai Vung (Đồng Tháp). Hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cây có múi, chăm sóc cây mai vàng sau tết...

Q.Nhiên

Tiền Giang: Nông dân xã Thạnh Hòa: Trồng sen cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Với ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thích nghi tốt với những vùng đất trũng thấp, đặc biệt là những vùng đất ngập lũ, do vậy từ nhiều năm qua, cây sen đã được nhiều nông dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang lựa chọn làm cây phát triển kinh tế cho gia đình.

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Liễu, ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa đang phân loại ngó sen để giao cho thương lái.

Những ngày này, cha con ông Huỳnh Văn Liễu, ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa phải ra đồng sớm để móc ngó sen mới kịp giao cho thương lái. Ông Liễu cho biết: Khi bước vào mùa mưa cũng là thời điểm cây sen bắt đầu cho thu hoạch rộ. Với 1,2 ha sen, mỗi ngày ông thu hoạch được gần 60 kg ngó. Ở xã Thạnh Hòa, ông Liễu là một trong những nông dân tiên phong trong việc xen canh 1 vụ lúa 2 vụ sen cho thu nhập cao.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm, ông Liễu khẳng định: Cây sen rất phù hợp với vùng đất này, ít bị nhiễm bệnh, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch ngó chỉ khoảng 2 tháng, chi phí đầu tư cho mỗi ha chừng 3 triệu đồng.

Thường vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, ông tiến hành cày xới, bừa trục cho đất tơi xốp, bằng phẳng rồi trồng sen, đến khoảng giữa tháng tư thì bắt đầu thu hoạch ngó. Để sen cho năng suất ổn định, khi sen phát triển kín ruộng phải cày trục chừa rãnh chừng 2 m để tạo khoảng trống cho sen đâm ngó. Vào mùa lũ, sen vượt theo nước, cho ngó nhiều, năng suất tăng gấp đôi. Hiện ngó sen được thương lái thu mua với giá 17.000đồng/ký loại ngòi viết và 11.000 đồng/ký sen tẻ. Trung bình mỗi ngày gia đình ông Liễu có thu nhập gần 900.000 đồng. Có những thời điểm giá ngó lên đến 30.000 - 33.000 đồng/kg, lợi nhuận rất cao.

Theo ông Liễu, trồng sen lấy ngó phải thu hoạch mỗi ngày, chỉ qua 1 đêm ngó ngòi viết sẽ phát triển thành ngó sen tẻ (cựa gà), bán mất giá. Do vậy, người trồng sen lấy ngó phải chịu cực, bù lại, nông dân có thu nhập khá ổn định.

Ngoài thu hoạch ngó, gia đình ông Liễu còn thu hoạch bông và lá sen để cung cấp cho thị trường. Mỗi ngày, vợ chồng ông hái khoảng 400 lá sen với giá bán 500 đồng/lá, mỗi tháng gia đình có thêm thu nhập hơn 5 triệu đồng từ việc bán lá và bông sen.

Thạnh Hòa là xã đầu nguồn của huyện Tân Phước, có diện tích đất nông nghiệp hơn 900 ha, trong đó có khoảng 800 ha đất trồng lúa, do nằm trong vùng bị ngập lũ nên hằng năm có ít nhất 3 tháng người nông dân phải bỏ hoang, không thể sản xuất được.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết: Để nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, chính quyền xã Thạnh Hòa khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã có hơn 20 ha sen, tuy nhiên hằng năm, diện tích sen thường tăng lên hơn 100 ha vào mùa lũ.

Thanh Luông - Thanh Nhàn

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là địa bàn phát triển mạnh cây cà phê từ hơn 20 năm qua. Từ trồng trọt đến chế biến và xuất khẩu, cây cà phê đã mang lại cho nông dân cũng như các nhà máy nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần ổn định cuộc sống và tăng thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và hiệu quả của cây cà phê không ngừng tăng cao thì việc bị ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê cũng làm ảnh hưởng đáng kể đối với cuộc sống của người dân.

Sản xuất phân lân vi sinh từ vỏ cà phê tại Hướng Phùng, Hướng Hóa

Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê gây ra và tạo nguồn phân hữu cơ lâu dài cho sản xuất cây cà phê, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa triển khai dự án: “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng”. Đến nay, dự án đã đạt những kết quả tích cực, góp phần cung cấp nguồn phân hữu cơ vi sinh đáp ứng nhu cầu phục vụ cải tạo đất của nông dân. Hiện nay, cây công nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng là cây chủ lực của huyện miền núi Hướng Hóa.

Với diện tích cây cà phê gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 9 - 10 tấn quả tươi/ha, sản lượng đạt trên 40.000 tấn quả tươi đã đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú. Hàng năm sau mùa thu hoạch có một lượng lớn phế phụ phẩm là vỏ cà phê khoảng 7.000- 8.000 tấn vứt bỏ vung vãi ven lề đường để cho nước cuốn trôi, hoặc đốt bỏ gây khói bụi.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học phân giải vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ tại xã Hướng Phùng là rất phù hợp, dễ áp dụng. Từ đó, nhân rộng và phát triển cho toàn vùng, góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vỏ cà phê là nguyên liệu hữu cơ khá giàu đạm, kali và nhiều nguyên tố trung, vi lượng thiết yếu. Đây là nguyên liệu lý tưởng cho các quá trình lên men vi sinh vật để sản xuất thành phân hữu cơ vi sinh bón cho các loại cây trồng.

Trong khi từ trước đến nay, phần lớn nông dân trồng cà phê ở xã Hướng Phùng sử dụng phân bón hóa học, thiếu bón phân hữu cơ vi sinh làm cho đất trồng cà phê ngày càng bị chai cứng, thoái hóa, hệ vi sinh vật đất bị suy thoái hoặc sử dụng phân hữu cơ vi sinh với giá cao. Từ thực tế đó, dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng” đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị sản xuất và các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh, hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê.

Sau thời gian triển khai thực hiện dự án đã xây dựng quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và phế thải nông nghiệp đáp ứng tiêu chí ngắn gọn, đầy đủ, dễ áp dụng và đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và phế thải nông nghiệp; xây dựng 1 mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại HTX Nông nghiệp Công Bằng Sa Mù (xã Hướng Phùng) quy mô nhỏ (200 tấn/năm) cấp xã phục vụ tại chỗ cho nông dân để chuyển giao quy trình sản xuất; đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân Hướng Phùng với 100 học viên tham gia.

Với việc xây dựng mô hình phân hữu cơ vi sinh sản xuất thử nghiệm phục vụ nội bộ từ vỏ cà phê đã tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch, bổ sung phân hữu cơ, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho cải tạo đất tại chỗ của người dân địa phương. Ông Lê Mậu Bình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh cho biết: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN để chế biến vỏ cà phê thành phân lân vi sinh đưa lại nhiều hiệu quả kinh tế, môi trường sinh thái và môi trường sản xuất. Đồng thời qua đó làm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững.

Dự án thành công sẽ được nhân rộng ra trên địa bàn các xã khác để đảm bảo xử lý sạch môi trường do vỏ cà phê gây ra”. Vỏ cà phê đưa vào xử lý để làm nguồn phân bón được bổ sung dinh dưỡng cho vi sinh vật hoạt động, sau 10 ngày phải đảo trộn để cung cấp lượng ôxy cho vi sinh vật hoạt động và kiểm tra độ ẩm để bổ sung thêm nước. So với phân vô cơ, phân hữu cơ vi sinh có ưu điểm đó là giúp hệ sinh vật trong đất tăng trưởng phát triển mạnh, cung cấp vi lượng tốt cho cây trồng như kẽm, đồng, ...; cung cấp nguồn phân tại chỗ; tổ hợp vi sinh vật trong phân này hạn chế một số loại bệnh trên cây cà phê.

Trong quá trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nguồn dinh dưỡng bổ sung cho sự sinh trưởng, phát triển của các chủng vi sinh vật trong đống ủ vỏ cà phê là N, P, K và C. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê sau thời gian ủ 80- 90 ngày có màu nâu sẫm, mịn và tơi xốp. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học phân giải vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp tại chỗ, ở quy mô nhỏ tại xã Hướng Phùng là rất phù hợp, dễ áp dụng, tiết kiệm chi phí phân bón cho người dân.

Thời gian tới mô hình này tiếp tục được nhân rộng nhằm giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường tại các địa bàn có sản xuất cà phê và tạo ra nguồn phân hữu cơ nhiều dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Mở ra hướng sản xuất cà phê giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Võ Thái Hòa

Thử nghiệm thành công giống ngô biến đổi gen 6919S

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Công ty Dekalb (Mỹ) và UBND xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) vừa tổ chức đánh giá kết quả mô hình trồng giống ngô vụ xuân DK 6919S. Bộ giống tham gia thí nghiệm có thời gian sinh trưởng từ 105 ngày, thuộc nhóm giống chín sớm, đủ điều kiện cơ cấu trên đất ruộng sản xuất 2 vụ hàng năm.

Mô hình trồng ngô biến đổi gen 6919s của gia đình chị Lương Thị Bính, thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa).

Gia đình chị Lương Thị Bính, thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen 6919S trên diện tích 0,1 ha đất ruộng. Chị Bính hào hứng chia sẻ, được Công ty Dekalb hỗ trợ 2 kg hạt giống, khi trồng thử và đối chứng với giống ngô lai thường, nhận thấy giống ngô mới phát triển nhanh, kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ, thiếu nước. Điều này giúp giảm công lao động trong khi năng suất tăng từ 1,5 lần so với giống ngô thường. Hạt ngô đều, đẹp, lõi nhỏ và đặc biệt là có độ chắc hạt hơn.

Theo nông dân tại xã Ngọc Hội, trồng giống ngô biến đổi gen 6919S nhàn hơn trong khâu chăm sóc và giảm được chi phí vì bớt công phun thuốc bảo vệ thực vật do ngô đã kháng sâu, nhất là sâu đục bắp ngô, đối tượng gây hại lớn nhất vì gần tới lúc thu hoạch chúng không chỉ phá hoại bắp mà còn làm cho vỏ bắp thủng, làm nước mưa ngấm vào gây ra hiện tượng mốc, giảm phẩm cấp ngô. Có thể giảm được đến gần 2 triệu đồng thuốc phun nên lợi nhuận tăng thêm được 7 - 8 triệu đồng/ha.

Ông Hà Quang Mai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa cho biết, qua sản xuất thử 0,1 ha giống ngô biến đổi gen 6919S, hiệu quả rõ rệt, cây tăng trưởng tốt hơn. Đặc biệt, mỗi héc ta của ngô này so với ngô thường đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân là tín hiệu tốt để nông dân có thể áp dụng mô hình này trong thời gian tới. Năng suất của giống ngô biến đổi gen dao động từ 65 - 70 tạ/ha, cao hơn giống lai thường từ 9 - 10 tạ/ha.

Chi phí đầu vào trong sử dụng giống ngô đa gen 6919S tăng không đáng kể, nhưng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Đặc biệt, khi chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa thường bị cỏ dại và lúa chét còn lại từ vụ trước mọc chen với ngô, nông dân mất rất nhiều công xử lý cỏ và lúa chét, nhưng nếu làm giống ngô đa gen 6919S chỉ sử dụng 1 lần thuốc trừ cỏ cho cả vụ. Giống ngô sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng trên đất ruộng khô hạn vẫn cho năng suất cao.

Phạm Lê Duy

Lào Cai: Mưa kéo dài, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, từ ngày 26/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Đặc biệt, đêm mùng 7, rạng sáng 8/7 mưa lớn xảy ra tại 9/9 huyện, thành phố, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và một số công trình công cộng. Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lũ từ 7 - 8/7 đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng.

Mưa lớn đã khiến nước từ các khe, suối đột ngột dâng cao khiến nhiều diện tích ruộng lúa bị sạt lở, vùi lấp. Cụ thể, xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) 0,2 ha; xã Lùng Cải (Bắc Hà) 0,35 ha; xã Xuân Giao (Bảo Thắng) 3,7 ha. Nước dâng khiến gần 30 ha lúa tại Mường Khương bị ngập úng; 0,8 ha rau màu tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng) bị vùi lấp; nhiều diện tích ngô bị sạt lở, vùi lấp tại Lùng Cải (Bắc Hà); 0,6 ha ao cá tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng) bị thiệt hại; 300 kg ngô, đậu tương của người dân xã Xuân Giao (Bảo Thắng) bị ngập nước.

Lúa của gia đình anh Thanh bị nảy mầm vì không kịp thu hoạch.

Mường Khương là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa kéo dài này. Bên cạnh những công trình công cộng như đường giao thông, trường học, nhiều diện tích lúa trong giai đoạn thu hoạch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vụ Xuân năm 2017, nông dân huyện Mường Khương gieo cấy hơn 400 ha lúa, chủ yếu tại các xã vùng thấp như Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Xen… Lúa Xuân tại Mường Khương chủ yếu là lúa trà muộn nên đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện mưa lớn kéo dài suốt thời điểm lúa Xuân chín rộ, nên việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua nhiều đợt mưa lớn, một số diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi ngập úng, trong đó, hơn 19 ha đã có hiện tượng mọc mầm.

Cầm trên tay bông lúa đã nảy mầm, có hạt đã mọc xanh đến 2 lá, anh Lù Văn Thanh, thôn Na Hạ 2, xã Lùng Vai không giấu nổi xót xa: “Đợt vừa qua lũ lớn, nước ở suối dâng lên ngập một phần ruộng khiến lúa đổ rạp. Liên tục sau đó có mưa nên gia đình chưa thể thu hoạch, đến giờ thì lúa đã nảy mầm. Chỗ lúa này, nếu có thu hoạch cũng không sử dụng được nữa”.

Tương tự như anh Thanh, nhiều gia đình ở Lùng Vai, Bản Lầu có lúa chín vào thời điểm mưa nhiều không kịp thu hoạch. Có những diện tích lúa đã gặt, nhưng do thói quen ngả lúa ở ruộng để phơi cho ráo nước, liên tục gặp mưa khiến lúa dễ nảy mầm. Thấy lúa có dấu hiệu nảy mầm, người dân đã bất chấp thời tiết mưa nhiều để thu hoạch. Tuy nhiên, dù đã được mang về nhà, nhưng do không có biện pháp sấy khô kịp thời, lúa vẫn tiếp tục nảy mầm.

Diện tích lúa này đã gặt nhưng vẫn ngả ở ruộng, chưa thu về được do trời mưa.

Trao đổi với phóng viên, ông Giang Trung Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhận định: Năm nay, thời tiết nhiều diễn biến bất lợi, mưa lớn kéo dài nên lúa bị ảnh hưởng. Chúng tôi khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khắc phục điều kiện khó khăn để thu hoạch lúa về rồi dùng các biện pháp hong, sấy khô để hạn chế tình trạng lúa nảy mầm”.

Chị Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Người dân huyện Mường Khương có tập quán cấy muộn, năm nay thời điểm thu hoạch lại gặp mưa nên sẽ có những diện tích lúa chín già, không kịp thu hoạch bị nảy mầm. Ngành trồng trọt đã có nhiều văn bản, nhiều cuộc họp để đôn đốc địa phương khẩn trương thu hoạch lúa, đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Diện tích lúa bị nảy mầm người dân nên thu hoạch luôn, không nên bỏ ở ruộng, thóc bị nảy mầm có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Người dân cũng cần rút kinh nghiệm, đẩy nhanh tiến độ lúa vụ mùa để tránh gặp những điều kiện thời tiết bất lợi tương tự.

Thúy Phượng

Sâu lạ tấn công vườn tràm ở Sóc Trăng

Nguồn tin: Người lao động

Ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), cho biết thời gian gần đây, rất nhiều sâu lạ màu xanh - đen tấn công các vườn tràm Úc của người dân 2 xã Long Hưng và Hưng Phú. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 150 ha/800 ha rừng tràm Úc bị thiệt hại do sâu cắn phá trơ đọt. "Tôi đã bắt mẫu sâu gửi đến Viện Lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam để nhờ các nhà khoa học theo dõi tập quán sinh sống và định danh loài sâu lạ này" - ông Đầy cho biết.

Sâu lạ đang tấn công vườn tràm. Ảnh: Phong Khê

Cũng theo ông Đầy, những năm trước đây, tràm Úc trồng 4 năm tuổi được thương lái mua với giá 7-10 triệu đồng/công. Hiện, tràm này có giá 20-25 triệu đồng/công và thời gian trồng rút ngắn 2,5-3 năm nên người dân liên tục mở rộng diện tích. Thế nhưng, với việc bị sâu lạ tấn công khiến người trồng điêu đứng, có người phải đốn bỏ tràm.

Bị sâu lạ tấn công, nhiều vườn tràm chỉ còn trơ đọt. Ảnh: Phong Khê

Ông Lê Văn Đáng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, cho biết thêm: "Khi có người đến gần, đàn sâu lạ bám đuôi vào lá và dùng đầu lắc liên tục khiến vườn cây rung lên. Có thể, đấy là phản ứng tự nhiên của một loại sâu ăn tạp" .

Phong Khê - Thanh Sang

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop