Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 6 năm 2019

Vị ngọt xoài Úc ở vùng biên

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi về xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cách trung tâm tỉnh Bình Phước 120km, vào thăm vườn xoài Úc cứ ngỡ lạc đến vườn “đào tiên”. Những trái xoài to tròn, đẹp đung đưa trong nắng tháng 5 ở vùng giáp biên giới khiến ai cũng mê mẩn. Chủ nhân vườn xoài này là lão nông Trần Văn Thơ (64 tuổi) ở tổ 6, ấp 3.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn, ông Thơ cho biết, đặc trưng của loại xoài Úc là trời càng nắng, đất càng khô thì trái càng to, có vị ngọt, mùi rất thơm và ít sâu, bệnh. Nhờ trái to, trọng lượng từ 0,5-1kg/trái nên giá bán cũng ổn định từ 30-40 ngàn đồng/kg mùa thuận; dịp tết giá khá cao, từ 70-80 ngàn đồng/kg nhưng không đủ lượng để bán. Với hơn 1 ha, mùa vụ năm ngoái gia đình ông thu gần 3 tấn trái. Xoài Úc có nhiều ưu điểm so với các giống xoài truyền thống. Nổi bật nhất là trái to tròn đều, màu sắc đẹp và vỏ dày có khả năng vận chuyển đi xa, đặc biệt khi chín ruột có màu vàng và mùi thơm đặc trưng. “Đối với các loại xoài thường khi chín để được 3-4 ngày, khó vận chuyển xa nhưng trái xoài Úc càng để lâu càng ngon và ngọt, thơm. Xoài Úc khi chín có thể để từ 10-15 ngày nên phù hợp thị trường xuất khẩu và thương lái rất thích loại xoài này” - ông Thơ nói.

Ông Trần Văn Thơ giới thiệu giống xoài Úc

Để gây dựng vườn xoài Úc cho thu hoạch như hôm nay, ông Thơ đã bỏ rất nhiều công chăm sóc. Lúc đầu, ông trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài tạp. Sau đó, chọn những cây cao to, đẹp, bám chắc vùng đất đỏ này, ông ghép cành xoài Úc. Xoài Úc vốn do người dân Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa gây được giống. Sau này được đưa vào trồng thí điểm ở một số vùng như Đồng Nai, Bình Phước. Tuy nhiên, đến nay chỉ duy nhất vườn xoài của ông Thơ ở Lộc Hưng là trồng và ghép thành công giống xoài Úc. Ông Thơ cho biết thêm: “Để ghép thành công giống xoài này, tôi đã thuê người ở Nha Trang vào ghép mỗi cành 2.000 đồng. Muốn xoài Úc thu hoạch đúng dịp tết (nghịch vụ) có giá cao, tôi đã áp dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc để cây cho trái đúng thời điểm và đạt năng suất cao”.

Nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý nên lão nông Trần Văn Thơ đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cho thu nhập ổn định từ giống xoài Úc. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nhằm tăng giá trị xoài Úc” - ông Thơ nói.

Trường Giang

Giá thanh long Bình Thuận cao kỷ lục

Nguồn tin: VOV

Giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận hiện đạt mức kỷ lục với hơn 30.000 đồng/kg. Người trồng thanh long rất phấn khởi trước tín hiệu tốt của thị trường.

Hiện nay, ở tỉnh Bình Thuận, trái thanh long được các thương lái mua với giá khá cao, từ 28.000-32.000 đồng/kg. Đây là thời điểm bắt đầu thu hoạch thanh long chính vụ và lứa cuối của hàng chong đèn.

Thông thường vào đầu vụ chính, giá thanh long thấp, nhưng năm nay hoàn toàn ngược lại. Người trồng thanh long địa phương rất bất ngờ với mức giá cao như thế này.

Năm nay, giá thanh long ở Bình Thuận đạt mức cao kỷ lục

Nếu như hàng chong điện nghịch vụ ở mức giá 14.000 đồng trở lên và hàng mùa chính vụ chỉ cần giá từ 8.000 đồng trở lên nông dân đã có lời. Với giá này, các chủ vườn có thanh long đang thu hoạch thu về lợi nhuận rất cao. Trên diện tích 1ha, một lứa cho sản lượng khoảng 15 tấn, thu về xấp xỉ 500 triệu đồng.

Chỉ với diện tích nhỏ, gia đình anh Trần Văn Trọng ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam vừa cắt bán 2,5 tấn thanh long với giá 30.000 đồng/kg. Anh Trọng hồ hởi cho biết: “Thời điểm này những năm trước giá thanh long thấp, chỉ từ 6.000-7.000 đồng/kg. Năm nay giá rất cao. Với những hộ chuyên trồng thanh long, được giá như vậy thì rất phấn khởi”.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 30.000ha thanh long, tổng sản lượng hơn 500.000 tấn/năm. Đây là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân địa phương. Ngoài thị trường Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận còn xúc tiến tìm kiếm thêm các thị trường mới, mở rộng xuất khẩu, phát triển bền vững loại cây trồng lợi thế này./.

Việt Quốc/VOV-TP HCM

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhãn, vải

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Nhãn, vải là các cây ăn quả quan trọng và đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất loại quả đặc sản này của Việt Nam.

Nhãn, vải chủ yếu vẫn tiêu thụ sản phẩm tươi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 7/6 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội Nghề vườn quốc tế (ISHS) tổ chức hội nghị Nhãn, vải quốc tế lần thứ 6.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho rằng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đươc đưa vào áp dụng trong sản xuất các loại quả đặc sản này của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp một số khó khăn về kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ. Vì vậy, sản phẩm nhãn, vải chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi.

Sản phẩm tươi sẽ luôn phải chịu yêu cầu khắt khe về chất lượng truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu. Điển hình thị trường Trung Quốc cũng ngày càng thắt chặt trong việc kiểm dịch, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc. “Do đó, chúng ta phải luôn cập nhật cũng như nghiêm túc thực hiện các yêu cầu đó để sản phẩm có thể vào được các thị trường”, ông Hùng khẳng định.

Chia sẻ về sản xuất vải của địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Viết Toàn cho biết, Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, cho sản lượng trên 90.000 tấn mỗi năm. Đặc biệt, Bắc Giang có thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” đã xuất khẩu và có mặt tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Australia, các nước Đông Nam Á...; đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Camphuchia.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, năm 2019, Lục Ngạn đã có 18 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 36 mã số vùng trồng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nhờ sản lượng ổn định, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được đánh giá tốt hơn hẳn so với năm trước, các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ.

Sản phẩm chế biến không phải kiểm dịch nhưng đòi hỏi phải có các doanh nghiệp đầu tư để có thể chế biến sâu và tiếp thị sản phẩm. Việt Nam cần làm tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng của sản phẩm chế biến cũng như quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng để họ từng bước quen với sản phẩm chế biến từ nhãn, vải.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trên thế giới, nhãn, vải được tập trung sản xuất ở một số nước như Thái, Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… Đặc biệt, nhãn vải Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với sản lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, do thời vụ thu hoạch, chất lượng giống của các nước khác nhau nên chúng ta hoàn toàn có cơ hội đưa sản phẩm nhãn, vải của Việt Nam vào thị trường thế giới.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia… hàng đầu trong nước và quốc tế đã chia sẻ về thực trạng sản xuất, việc bảo tồn đa dạng di truyền, chọn tạo giống, công nghệ sinh học, quản lý sâu bệnh hại, quản lý sau thu hoạch… cho nhãn, vải nói riêng và các cây ăn quả thuộc họ bồ hòn nói chung.

Sau hội nghị, các đại biểu sẽ có chuyến tham quan thực địa tới vùng chuyên canh và các cơ sở chế biến vải tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đây là một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, tìm hiểu về sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải nơi đây.

Năm 2018, Việt Nam có khoảng 160.000 ha nhãn, vải, chôm chôm thuộc họ cây bồ hòn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 320 triệu USD.

Đỗ Hương

Thích ứng, bám sát thị trường để phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những năm gần đây, việc đầu tư trồng cây ăn trái ở cả nước nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện. Ngành hàng trái cây liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để ngành hàng này mang lại lợi nhuận tương xứng đòi hỏi phải cải thiện tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Nhà vườn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thu hoạch xoài. Ảnh: MỸ THANH

Tăng trưởng nhanh

Theo Cục Trồng trọt, từ 2014 đến nay, diện tích cây ăn trái toàn miền Nam tăng bình quân 4,4%/năm. Năm 2018 diện tích cây ăn trái phía Nam là 596.000ha, chiếm 60% diện tích cây ăn trái cả nước. Miền Nam có 14 loại cây ăn trái có diện tích lớn (trên 10.000 ha/loại) như: xoài (80.000ha), chuối (78.000ha), thanh long (53.000ha), cam (44.000ha), bưởi (44.000ha), nhãn (35.000ha), sầu riêng (47.000ha)… Sản lượng thu hoạch trong năm 2018 đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm 67% sản lượng cả nước. Từ năm 2013, giá trị xuất khẩu rau quả nước ta tăng mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 29,4%/năm (hơn 0,5 tỉ USD/năm). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,8 tỉ USD, tăng hơn 3,5 lần so năm 2013.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, có được những kết quả ấn tượng nói trên là nhờ ngành nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống đến sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái. “Hàng ngàn giống cây ăn trái đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao cho nhiều địa phương. Trong đó, có các giống mới như: thanh long ruột đỏ, tím hồng, sầu riêng Dona, chôm chôm Dona, nhãn Ido, nhãn lai, nhãn Bảy Tô, chanh leo Đài Nông 1... Quá trình sản xuất, nhà vườn mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật như: rải vụ, ghép cải tạo, tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung, nuôi cấy mô, sử dụng đèn để xử lý ra hoa… Khâu bảo quản ứng dụng chế phẩm sinh học Retain cho một số loại cây ăn quả (cam, quýt) để làm chậm quá trình chín, kéo dài thời gian thu hoạch, giảm tỷ lệ quả rụng; quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP” - ông Lê Thanh Tùng cho biết.

Trong khâu tiêu thụ, mối liên kết giữa nhà vườn, Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp, siêu thị ngày càng được thắt chặt thông qua hợp đồng tiêu thụ trái cây. Hiện nay sản phẩm của HTX Hòa Lộc (Tiền Giang), HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), HTX chôm chôm Tiên Phú (Bến Tre), Câu lạc bộ Bưởi Năm Roi GlobalGAP (Hậu Giang), HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (Bến Tre), HTX Thanh long Tầm Vu (Long An),... phần lớn đều được đảm bảo đầu ra nhờ việc liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tất cả diện tích trồng cam, quýt của HTX (50ha) đều trồng theo theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX luôn được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ. Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp từ 60-70 tấn trái, sau khi thu mua, phía doanh nghiệp sẽ đưa đi tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu sang nước ngoài. Để có số lượng sản phẩm lớn cung cấp cho doanh nghiệp, HTX còn liên kết sản xuất với thêm với 100 hộ dân trên địa bàn xã”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn trái đạt 1 triệu héc-ta; sản lượng 9,5 triệu tấn (tăng hơn 11,7% so năm 2016); năng suất bình quân 11,5 tấn/ha (tăng trên 15% so với năm 2016). Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 4,5 tỉ USD, trong đó sản phẩm cây ăn trái chiếm hơn 3,6 tỉ USD. Định hướng đến năm 2030, 100% diện tích, sản lượng các loại cây ăn trái chủ lực vùng tập trung được chứng nhận VietGAP/cấp mã số vùng trồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 7 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu trái cây các loại trên 6 tỉ USD, giữ vững cán cân thương mại nhập siêu trên 1,5 tỉ USD.

Mặc dù có bước phát triển vượt bậc, song sản xuất cây ăn trái của miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chủ yếu nhỏ lẻ và vườn tạp nên chưa phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hóa. Hình thức liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong những năm qua từng bước được hình thành và phát triển nhưng chưa nhiều, từng mô hình chỉ phát huy hiệu quả ở những giai đoạn nhất định. Đó là chưa kể, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng và phát triển của các loại cây ăn trái. Đồng thời, phát sinh của một số dịch hại nguy hiểm (sùng đục gốc, sâu đục trái, nhện hại rễ, rệp dính…) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây ăn trái. Ở một khía cạnh khác, cho đến nay các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây chưa nhiều dẫn đến thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng trong việc sản xuất trái cây nhiệt đới đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước là: nhãn (Trung Quốc, Thái Lan), chôm chôm, măng cụt, sầu riêng (Thái Lan, Malaysia), bưởi, cam, quýt (Trung Quốc)...

Tìm giải pháp cho vấn đề hạn mặn, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đề xuất: Việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép qua công tác thanh lọc mặn các nguồn gien đang có trong tự nhiên để tìm ra được những loại gốc ghép có khả năng chịu mặn hoặc tạo giống/gốc ghép mới chống chịu mặn cho cây trồng được xem là giải pháp khả thi để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ngoài ra, các nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới là: đầu tư các hệ thống đê bao, tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm phòng chống ngập lụt, ngăn chặn xâm nhập mặn và đối phó với hạn hán kéo dài. Các địa phương tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, thủy văn và nông nghiệp; nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn trái để đề ra biện pháp quản lý tổng hợp.

Để giải quyết rốt ráo vấn đề sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, định hướng phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái hàng hóa tập trung. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, trái cây; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng... Ngoài ra, các bộ, ngành hữu quan cũng cần ban hành một số chính sách mới. Đơn cử như về sản xuất cần khuyến khích chọn tạo giống cây ăn trái lâu năm; hỗ trợ phục tráng giống; bình tuyển cây đầu dòng... Vấn đề sau thu hoạch, bảo quản, chế biến cần chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý trái cây (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng...), tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường. Khâu tiêu thụ, doanh nghiệp cần hỗ trợ, miễn, giảm thuế, cước phí kho bãi, vận chuyển đối với tiêu thụ trái cây tươi; rà soát, hỗ trợ tối đa thủ tục, tối giản thời gian từ xử lý thông quan... Đồng thời, tiếp tục quan tâm xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây...

MỸ THANH

Long An: Diện tích mía giảm trên 58%

Nguồn tin: Báo Long An

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, diện tích mía trên địa bàn giảm mạnh so với thời gian trước. Cụ thể, tính đến 08/6/2019, cây mía niên vụ 2019-2020 diện tích trồng ước đạt 2.908ha, chỉ bằng 42% so với cùng kì năm 2018.

Diện tích mía hiện nay chỉ bằng 42% so với cùng kì năm 2018

Mía trồng tập trung ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa và Đức Hòa. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ khó khăn, giá mía thấp, nông dân bị thua lỗ nên không còn mặn mà với cây mía. Nông dân bắt đầu chuyển đổi cây trồng theo hướng phù hợp hơn, có giá trị, sức cạnh tranh, năng suất và dễ dàng tìm được thị trường tiêu thụ./.

Lực Nguyễn

Hiệu quả từ mô hình trồng tre lấy măng

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Những năm gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tận dụng diện tích đất ven kênh thủy lợi, đất trũng không trồng được các loại cây ăn trái để trồng tre lấy măng. Ghi nhận tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc cho thấy, mô hình này mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ.

Ông Nguyễn Duy Quang (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) thu hoạch măng.

Tận dụng 1ha đất ven tuyến kênh dẫn nước từ hồ chứa Sông Ray, cách đây 3 năm, ông Nguyễn Duy Quang (ở thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) đã đầu tư gần 300 triệu đồng xây hồ chứa nước, hệ thống bơm tưới, thuê nhân công làm đất để trồng 630 gốc tre mạnh tông và tre điền trúc lấy măng tại địa bàn xã Suối Rao. Theo ông Quang, trồng tre lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bón phân mỗi năm 2 lần. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Trung bình mỗi ngày ông Quang thu 50kg măng, với giá bán dao động từ 15-35 ngàn đồng/kg, tùy thời điểm. Mô hình này đã giúp gia đình ông có thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. “Để có măng trái mùa, hết mưa tôi dọn cây, vô phân rồi tưới nước. Kỹ thuật trồng tre lấy măng khá đơn giản, chỉ cần siêng năng chăm sóc sẽ cho thu hoạch tốt. Măng được thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 9. Sau đó dưỡng cây, cho lên cây tơ, hết mùa mưa thì làm lại vụ mới”, ông Quang chia sẻ.

Tương tự, hộ ông Mai Văn Dũng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cũng có nguồn thu nhập khá từ mô hình trồng tre lấy măng. Ông Dũng cho biết, 6 sào đất của gia đình ông cằn cỗi, lại ẩm ướt, không trồng được hoa màu và các loại cây ăn trái nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được Hội Nông dân xã Phước Thuận khuyến khích, năm 2015, ông mạnh dạn đầu hơn 120 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới, khoan giếng, mua tre giống, phân bón… triển khai mô hình. Hiện nay, gia đình ông Dũng thu nhập trung bình mỗi ngày 1 triệu đồng từ măng. Theo ông Dũng, măng tre tứ quý được người tiêu dùng ưa chuộng, nên các thương lái ở Bà Rịa và thị trấn Phước Bửu vào tận vườn thu mua. “Đất này khô cằn lắm, hồi trước tôi trồng cỏ nuôi bò nhưng không hiệu quả. Sau một năm trồng tre cho thu hoạch măng, gia đình tôi bỏ hẳn nuôi bò, tập trung chăm sóc và thu hoạch măng. Mỗi ngày, vườn tre tứ quý của nhà tôi cho thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng từ măng và thu hoạch suốt năm”, ông Dũng nói.

Gia đình ông Mai Văn Dũng (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày từ 6 sào tre tứ quý lấy măng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa hình các xã Xuân Sơn, Phước Thuận vào mùa mưa thường ngập úng nhiều nơi, bà con không thể trồng loại cây nào khác. Với mô hình trồng tre lấy măng, người nông dân không những khai thác hiệu quả được diện tích đất, mà còn có thu nhập ổn định. Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) có 8 hộ trồng tre lấy măng, với diện tích hơn 10ha; còn tại xã Phước Thuận có 4 hộ trồng tre lấy măng, diện tích hơn 3ha. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn xã Xuân Sơn và Suối Rao có một số hộ gia đình trồng tre lấy măng. Nhờ đầu ra ổn định, bà con nông dân có thu nhập khá so với các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều, mì…

Mô hình trồng tre lấy măng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con chỉ nên áp dụng trên các vùng đất ven suối, đất trũng, cằn cỗi không trồng được cây ăn trái và không nên trồng đại trà để tránh ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

Lật xe, hàng ngàn con vịt tràn ra đường

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 10-6, tại Km670+100, đường tránh quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra một vụ lật xe tải khiến hàng ngàn con vịt tràn ra đường.

Hiện trường vụ tai nạn.

Thời điểm trên, xe tải BKS 29H-09726 do Tạ Hồng Dũng (SN 1987, trú Hà Tiến, Hà Trung, Thanh Hóa) điều khiển chạy hướng Nam-Bắc thì mất lái, lật nghiêng về phần đường bên trái. Cú lật của chiếc xe tải đã khiến cho 1.800 con vịt trên xe tràn xuống đường, chạy toán loạn trên đường tránh quốc lộ 1A do thùng xe bị hỏng.

Nhận tin báo, Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Quảng Ninh) cùng với Công an thị trấn Quán Hàu bố trí hàng chục cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường để giữ trật tự, phân luồng giao thông. Nhiều cán bộ, chiến sỹ phải trực tiếp đi bắt vịt giúp nhà xe, một số khác trực tiếp đi lấy những con vịt còn sống trên tay người dân để trả lại phía nhà xe.

Tài xế xe tải cho biết, sau vụ tai nạn nhà xe chỉ gom lại được gần 700 con vịt còn sống, ước thiệt hại do vụ tai nạn khoảng gần 200 triệu đồng. Đến khoảng 9 giờ 30 phút, phía nhà xe mới gom xong số vịt còn sống.

Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Ngọc Hải

Khó xây dựng mô hình liên kết trong chăn nuôi vịt

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Liên kết chuỗi được xem là hướng đi trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Ðồng Tháp, mô hình này có ý nghĩa quan trọng giúp tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện đề án cho thấy mô hình liên kết chuỗi chỉ được thực hiện thuận lợi ở một vài ngành hàng, nhiều ngành hàng khác liên kết chuỗi cũng còn vướng nhiều khó khăn. Ngành chăn nuôi vịt là một trong những điển hình về tính thiếu bền vững trong các chuỗi liên kết.

Để chuỗi liên kết bền vững các bên cần chia sẻ rủi ro và lợi ích nhiều hơn nữa.

Khó liên kết

Người nuôi vịt Đồng Tháp chưa kịp vui mừng bao lâu với những hiệu quả từ mô hình nuôi vịt rọ và liên kết chuỗi mang lại, thì giá trứng lao dốc mạnh (hiện trứng lớn có giá từ 1.300-1.400 đồng/trứng, trong khi giá thành sản xuất một trứng vịt khoảng 1.600 đồng/trứng), người nuôi hết chi phí đầu tư, nhiều hộ chăn nuôi lại tiếp tục lùa vịt chạy đồng. Mặc dù hiểu rõ cho vịt chạy đồng sẽ có nhiều rủi ro nhưng trong bối cảnh giá trứng vịt đang rớt thảm, không liên kết được với doanh nghiệp thu mua trứng, thì chạy đồng được xem là giải pháp tình thế để người nuôi vịt có thể còn cơ hội để bám trụ lại với nghề này.

5 năm trước, người chăn nuôi vịt ở Đồng Tháp cũng rơi vào tình trạng "đứng ngồi không yên" khi mô hình nuôi vịt chạy đồng bộc lộ nhiều nhược điểm, giá trứng vịt rớt chạm đáy. Trong thời điểm đó, chính mô hình liên kết chuỗi và việc thay đổi tập quán sản xuất đã giúp người nuôi vịt Đồng Tháp cứu được "một bàn thua trông thấy". Từ những hiệu quả ban đầu mô hình chăn nuôi vịt rọ và liên kết chuỗi ở Đồng Tháp gần như được phát triển và nhân rộng ở nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh. Điểm hay của mô hình này chính là tạo được sự gắn kết giữa những người nuôi vịt với nhau thông qua các tổ chức đại diện là tổ hợp tác (THT). Từ nền tảng của các THT các nhân tố khác ở chuỗi liên kết dọc như doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thu mua sản xuất trứng vịt đầu ra cũng mạnh dạn tham gia liên kết.

Là một THT nuôi vịt rọ đầu tiên được thành lập tại huyện Tháp Mười vào năm 2015, THT Chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười trở thành một điểm sáng trong xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng vịt tại huyện Tháp Mười. Nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất nên mô hình chăn nuôi vịt rọ trong THT từng bước được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Hiện đây cũng là THT chăn nuôi vịt duy nhất của Đồng Tháp đạt tiêu chuẩn VietGAP và được TP Hồ Chí Minh cấp mã truy xuất nguồn gốc. Từ những điểm mạnh này, THT chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa cũng là THT có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trứng vịt duy nhất với Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, TP Hồ Chí Minh.

Song ghi nhận mới nhất cho thấy các thành viên trong THT đang quay về cách làm cũ theo kiểu mạnh ai nấy làm và sản phẩm trứng vịt của THT này cũng không còn được bán cho doanh nghiệp như trước đây. Ông Lê Ngọc Mới, Tổ trưởng THT Chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, chia sẻ: "Sự chênh lệch lớn về mức giá thu mua trứng giữa doanh nghiệp và thương lái ở địa phương tại một thời điểm là nguyên nhân chính khiến cho chuỗi liên kết không thể duy trì. Nông dân không thể ngồi yên khi mỗi đêm bán trứng cho doanh nghiệp lại chịu lỗ vài triệu đồng vì đã ký thỏa thuận "giá chết" trước đó với doanh nghiệp. Trong khi đó, các hộ nuôi ngoài chuỗi liên kết bán trứng vịt cho lái giá cao hơn. Anh em không chịu bán trứng cho doanh nghiệp chỉ còn một mình trang trại của tôi thì coi như "lực bất tòng tâm" vì sản lượng trứng quá ít".

Cùng với khó khăn chung của THT Chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, hiện một số THT nuôi vịt rọ của huyện Tháp Mười cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ ra chi phí tiền tỉ để đầu tư chuồng trại hiện đại theo quy mô công nghiệp, song lo giá trứng giảm sâu, người chăn nuôi không còn chi phí để tái đầu tư nên phần lớn các hộ nuôi vịt rọ trước đây đã cho vịt chạy đồng tạm thời để giảm áp lực chi phí thức ăn.

San sẻ khó khăn để chuỗi liên kết bền vững

Đánh giá về mức độ hiệu quả của mô hình chuỗi liên kết và nuôi vịt bán công nghiệp (nhốt rọ) ông Phạm Cao Sơn, Tổ trưởng THT Chăn nuôi vịt Quí Đông, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, cho biết: "Tới thời điểm này tôi vẫn khẳng định nuôi vịt nhốt rọ và liên kết nông dân lại với nhau thật sự là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Nhờ kết nối lại với nhau nông dân chúng tôi được mua thức ăn với mức giá ưu đãi trực tiếp từ công ty cung cấp thức ăn. Bên cạnh đó, nhờ cho vịt nhốt rọ mà kỹ thuật chăn nuôi của chúng tôi cũng được nâng cao hơn. Nếu như giá trứng vịt được duy trì từ 1.800-2.000 đồng/ trứng thì người chăn nuôi chúng tôi vẫn có thể sống được với mô hình nuôi vịt nhốt rọ".

Dù đánh giá khá cao hiệu quả từ mô hình liên kết chuỗi và nuôi vịt nhốt rọ, song ông Sơn và các thành viên trong THT Chăn nuôi vịt Quí Đông lại không hào hứng khi liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trứng vịt. Giá thu mua trứng của Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, TP Hồ Chí Minh không lên xuống linh động như thị trường, yêu cầu chất lượng trứng khắt khe… là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho THT Chăn nuôi vịt Quí Đông không mặn mà liên kết với doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Văn Ngọt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, cho biết: "Người nông dân vẫn thích buôn bán nông sản theo giá thời điểm của thị trường hơn là ký kết một mức giá cố định với doanh nghiệp. Dù có rủi ro nhưng nếu may mắn thì nông dân sẽ được tăng phần lợi nhuận. Đây là điểm yếu của nông dân khi nói tới chuyện làm ăn chuyên nghiệp với doanh nghiệp lớn. Song, chuỗi liên kết khó thành công cũng không hoàn toàn lỗi tại nông dân, vấn đề còn ở phía doanh nghiệp ít chia sẻ lợi ích cùng nông dân, nên nông dân khó tin tưởng hợp tác với doanh nghiệp lâu dài".

Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp người nuôi vịt luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ giá cả thị trường bấp bênh cho đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Không thể trách người nông dân vì sao mãi coi trọng lợi ích trước mắt, tầm nhìn ngắn hạn, không hướng đến làm ăn quy mô lớn và chuyên nghiệp. Bởi nếu có tiềm lực kinh tế thì ắt hẳn người nuôi vịt ở Đồng Tháp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chăn nuôi theo hướng hiện đại. Với việc sản xuất chuyên nghiệp hơn nông dân sẽ có được sản phẩm đầu ra đủ lớn và ổn định từ đó việc liên kết với doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Để chuỗi liên kết bền vững bản thân nông dân thay đổi vẫn chưa đủ, để mối liên kết này bền vững hơn thì doanh nghiệp cũng cần "mở lòng" san sẻ lợi ích nhiều hơn cho nông dân. Và một cơ chế chính sách giúp kích thích ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn để có thể cạnh tranh là "chìa khóa" để vực dậy tiềm năng chăn nuôi của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Vân Khánh

Quan tâm hỗ trợ chuyển đổi vật nuôi

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát khiến hơn 200 nghìn con lợn của Bắc Giang buộc phải tiêu hủy, hàng chục nghìn chủ chăn nuôi, trang trại trắng tay. Để ổn định sản xuất, thời điểm này nhiều hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang đối tượng vật nuôi khác song đang gặp nhiều khó khăn.

Khát vốn

Như hàng nghìn hộ chăn nuôi tại huyện Lục Ngạn, gia đình ông Hoàng Văn Bảo, thôn Ngọt, xã Hồng Giang đã bị DTLCP “cướp” mất đàn lợn thịt 22 con, mỗi con nặng gần 1 tạ. Thiệt hại trước mắt tuy không lớn nhưng chẳng biết bao giờ gia đình ông mới có thể nuôi lợn trở lại vì lo ngại mầm bệnh còn lưu cữu.

Anh Đăng tự lắp đặt lại hệ thống điện trong trang trại để chuyển sang nuôi vịt.

Trước đó, mỗi năm ông Bảo nuôi hơn 200 lợn thịt, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Là hộ thuần nông, gia đình ông chủ yếu trông vào nguồn thu từ chăn nuôi lợn và cây ăn quả nhưng năm nay, vải thiều mất mùa, lợn lại mắc dịch.

Trước thực tế đó, gia đình đã tận dụng khu chuồng trại chuyển sang nuôi chim bồ câu sau khi tiêu độc, khử trùng theo quy định. Cuối tháng 5 vừa rồi, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng mua 400 đôi chim bồ câu Pháp để chăn thả. Gia đình dự tính nuôi 1.000 đôi bồ câu nhưng giá giống hiện đang tăng cao, từ 170 nghìn lên 200 nghìn đồng/đôi nên chưa dám mở rộng sản xuất.

Không phải hộ chăn nuôi nào cũng có sẵn nguồn vốn như gia đình ông Bảo. Anh Đặng Hồng Đăng, thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) cho hay, đầu tháng 4 vừa rồi, bệnh DTLCP đã khiến 225 con lợn trong trang trại của anh buộc phải chôn hủy, tương ứng hơn 12 tấn. Mặc dù vẫn còn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng vay xây dựng trang trại và mua cám nhưng gia đình anh vẫn phải huy động hơn 100 triệu đồng để sửa chữa chuồng trại chuyển sang nuôi vịt thịt.

Hiện anh đã cải tạo xong 700m2 sàn lưới và chuồng úm vịt. Anh Đăng giãi bày: “Vợ chồng em dự kiến vào đàn 4 nghìn vịt con nhưng hiện chưa đủ vốn. Chúng em mong từng ngày được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước cho đàn lợn bị tiêu hủy để trả bớt nợ và phát triển sản xuất”.

Ông Lê Văn Dương, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Bắc Giang có hơn 62,2 nghìn hộ, trang trại chăn nuôi lợn. Trong đó, chưa đến 1 nghìn trang trại quy mô lớn. Số lợn chết do mắc dịch vừa rồi chủ yếu rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện tại đã có nhiều gia đình chuyển đổi sang nuôi gia cầm, thủy cầm, chim bồ câu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi vật nuôi khu vực nông hộ đang gặp khó về vốn. Ông Nguyễn Văn Binh, thôn Yên Tập, xã Yên Lư nói: “Mỗi năm nhà tôi xuất chuồng gần 100 lợn thịt, thu nhập chính của gia đình từ chăn nuôi lợn. Nay lợn không còn, gia đình tôi hiện rất cần vốn vay để phục hồi sản xuất”.

Khắc phục khó khăn

Theo quy định của Chính phủ, nguồn hỗ trợ các trang trại, hộ gia đình có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh bao gồm: Ngân sách Trung ương 70%, còn lại là ngân sách tỉnh. Chủ trương của tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan, chủ trang trại, hộ chăn nuôi hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiêu hủy lợn. Khi nào có kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh sẽ bố trí ngân sách địa phương để cấp cùng. Vì thế việc phải chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước là khó tránh khỏi. Các hộ chăn nuôi nên chủ động tìm nguồn lực để chuyển đổi vật nuôi, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu người dân cần tích cực phòng, chống bệnh DTLCP, cố gắng giữ bằng được đàn lợn nái để phục vụ tái đàn khi hết dịch; tiêm đúng, đủ vắc xin cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Các cơ sở, người chăn nuôi cần chủ động nhập giống vật nuôi khác (ngoài lợn) rõ nguồn gốc, chủng loại, hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Giang II thông tin: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách riêng đối với các khách hàng vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có chăn nuôi lợn. Cụ thể, nếu người chăn nuôi bị thiên tai, địch họa thì ngân hàng có thể xem xét gia hạn khoản nợ đó hoặc điều chỉnh các kỳ hạn trả nợ nếu khách vay vốn trung hạn”.

Định hướng chăn nuôi đạt hiệu quả trong thời gian tới, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT lưu ý, mặc dù nhiều hộ dân trong tỉnh có ý định nuôi lợn trở lại song theo chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp là không tái đàn cho đến khi công bố hết dịch. Các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy nên tận dụng chuồng trại có sẵn, chuyển đổi sang các vật nuôi khác phù hợp với từng vùng, địa phương. Trong đó, ưu tiên nuôi gia cầm, thủy cầm, chim bồ câu vì vòng quay ngắn, vốn đầu tư không lớn. Bên cạnh đó, các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động ngoài nuôi gia cầm nên tận dụng đất vườn đồi để phát triển chăn nuôi dê, trâu, bò, ngựa…

Thế Đại

Nông dân ‘tiến thoái lưỡng nan’ với đàn lợn nuôi ở vùng dịch

Nguồn tin: VOV

Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh ở các địa phương miền Trung khiến thịt lợn rớt giá thê thảm, hộ chăn nuôi lao đao.

Chưa bao giờ, gia đình bà Nguyễn Thị Xí (ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” với đàn lợn thịt 40 con của mình như lúc này. Lợn đến thời điểm xuất bán, mỗi con nặng trên dưới 100 kg hơi vẫn nằm im trong chuồng.

Mỗi ngày, bà Xí phải mua nợ 800.000 đồng tiền bột ở một đại lý gần nhà, mua cám ở 1 địa điểm cách nhà hơn 3 cây số. Thường thì mỗi ngày, bà Xí cho lợn ăn 3 bữa, nhưng mấy hôm xảy ra dịch, bà giảm phần ăn xuống còn 2 bữa vừa đỡ tốn tiền mua thức ăn, vừa hạn chế tăng cân. Khoản nợ mua thức ăn ngày một tăng, bà Xí đành mổ bớt 1 con lợn thịt hơn 1 tạ bán rẻ cho bà con lối xóm.

“Bà con họ vô thấy heo trong chuồng nhiều quá, rủ cũng phải mười mấy người chia rẻ cho họ theo giá heo hơi để họ làm thịt ăn chứ ở ngoài chợ họ không mua. Sợ đem heo bệnh về nhà lây. Bây giờ nợ tiền bột mười mấy triệu, tiền cám hai mươi mấy triệu. Nuôi xong đợt này lỗ quá, không dám nuôi nữa”, bà Nguyễn Thị Xí than thở.

Bà Nguyễn Thị Xí đang chăm sóc đàn lợn nhà mình

Giá thịt lợn tại thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng hiện ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg hơi, thấp hơn cách đây vài tháng cả chục ngàn đồng/kg. Dẫu biết rằng, virus tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng nhiều người vẫn có tâm lý e ngại không dám ăn. Xu hướng “tẩy chay” thịt lợn lan truyền cả thành thị lẫn nông thôn.

Tại các chợ nông thôn ở tỉnh Quảng Nam, các quầy hàng lâu nay bán thịt lợn chuyển sang bán thịt bò. Các quán bún buổi sáng cũng không sử dụng thịt lợn.

Ông Trần Đình Hưng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong lúc người chăn nuôi đang gặp khó khăn về thị trường đầu ra đối với thịt lợn thì công tác tuyên truyền chủ yếu đề cập đến việc chốt chặn, khoanh vùng dập dịch. Điều này khiến người tiêu dùng càng thêm lo lắng.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng vùng dịch

“Trong tờ rơi tuyên truyền chúng tôi nói rất rõ là bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và cho gia súc khác mà chỉ lây từ lợn sang lợn. Cho nên người dân cứ ăn thịt lợn được kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng thì nấu chín ăn vẫn là tốt. Hiện nay, các xã trong vùng dịch chúng tôi tạm cấm 1 thời gian để cho lắng dịu tình hình, sau đó kiểm soát lại và cho giết mổ chứ không phải cấm tuyệt đối”, ông Trần Đình Hưng nói.

Đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Nam dịch bệnh đã xuất hiện ở 8 huyện, thị xã, thành phố gồm: Duy Xuyên, Thăng Bình, Nam Trà My, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Nông Sơn, Phú Ninh. Hàng trăm con lợn bị bệnh phải tiêu huỷ. Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 97.500 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Nam đề nghị tỉnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp khoảng 40.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng giúp các địa phương khoanh vùng dập dịch. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 38.000 đồng/kg đối với các trường hợp lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy. Đây là mức hỗ trợ đảm bảo khả năng tái đàn sau dịch. Đồng thời, khuyến khích người dân khi phát hiện dịch bệnh cần khẩn trương khai báo với chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra, xử lý.

Phun thuốc tiêu độc xe chở lợn ra vào vùng dịch

Hiện nay, giá lợn thịt ngoài thị trường thấp hơn mức hỗ trợ của tỉnh nên không ít hộ chăn nuôi muốn tiêu hủy để được nhận tiền hỗ trợ. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp.

“Hiện nay ngành tham mưu là sẽ chốt phương án hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Giá thị trường mà xuống 20.000 đồng thì hỗ trợ 80% của 20.000 đồng. Tiêu hủy thì đương nhiên là cán bộ thú y của xã, các lực lượng của xã, Trung tâm kỹ thuật của huyện làm quy trình (tức biên bản) công khai minh bạch để cho đi tiêu hủy”, ông Ngô Tấn cho biết thêm./.

Hoài Nam-Tuyết Lê/VOV - Miền Trung

Xem xét việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân có lợn mắc dịch tả châu Phi

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước về dịch tả lợn châu Phi khi 30% tổng đàn lợn bị tiêu huỷ (trong khi bình quân tiêu huỷ lợn dịch của cả nước là 7%), đang cần ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí khẩn cấp trong bối cảnh ngân sách địa phương khó khăn.

Chiều 7/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và tất cả các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh về phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách Trung ương trong xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tham dự buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng như báo cáo của các địa phương, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và nguy cơ tiếp tục phát sinh tại các địa phương là rất cao.

Kể từ khi phát hiện dịch bệnh tới nay, các địa phương đã chủ động, quyết liệt dập dịch và xử lý ngăn chặn đà lây lan. Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng đều cho biết đã phải tiêu huỷ trung bình 30% tổng đàn lợn của địa phương vì dịch bệnh này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự cho biết ngày 1/3, tỉnh phát hiện ổ dịch đầu tiên và đã ngay lập tức “đóng băng” tổng đàn lợn 800.000 con. Từ đó tới nay đã có 220.000 con bị chết, tương đương 12.000 tấn.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang, tỉnh đã phải tiêu huỷ 160.000 con, chiếm gần 40% tổng đàn lợn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị xoá sổ hoàn toàn. Hiện chỉ còn 60% đàn lợn không bị dịch của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi lớn (có từ 300 con trở lên). Tỉnh đang ưu tiên để bảo vệ khu vực này.

Bên cạnh nhiệm vụ ngăn chặn dịch thì khả năng chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu huỷ dịch cũng là khó khăn không nhỏ của các địa phương này.

“Hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có lợn bị tiêu huỷ và chi phí cho tiêu huỷ lợn tuy là chính sách tài chính nhưng trong tình hình hiện nay, đây cũng sẽ là một giải pháp để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự nói.

Ông Ngô Gia Tự cho biết thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 16 phiên họp thường kỳ tháng 2/2019 của Chính phủ, tổng mức kinh phí hỗ trợ cho 12.000 tấn lợn chết là 442 tỷ đồng trong khi ngân sách địa phương eo hẹp, nên việc trích 13% ngân sách địa phương cũng không thể làm được trong khi ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ kịp.

Trong khi đó ở Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết tỉnh đã chi trả hỗ trợ 150 tỷ đồng cho 70.000 tấn thịt lợn bị tiêu huỷ nhưng vẫn còn rất thiếu.Tỉnh Hà Nam đã sử dụng 54 tỷ đồng (50% nguồn dự phòng địa phương) để hỗ trợ cho 23% tổng đàn bị chết vì dịch và cũng đang chờ hỗ trợ từ Trung ương…

Ngoài việc hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch, các địa phương cũng nêu lên khó khăn nữa là chi phí hỗ trợ cho công tác tiêu huỷ, chôn lấp lợn bị dịch còn thấp.

Trước thực tiễn của các địa phương và để triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư Trương ương Đảng ban hành mới đây, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ thay thế cho các nội dung tại Nghị quyết số 16 về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành); 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành). Vì việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương...

Bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho xã hội... Hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống mức 500.000 đồng/con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật...

Các địa phương đều bày tỏ tán thành các đề xuất của Bộ NN&PTNT nêu trên và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gấp rút quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để triển khai tới các hộ dân, cơ sở chăn nuôi lợn.

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với dự thảo Bộ NN&PTNT, theo đó, thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ vật nuôi tiêu huỷ theo tỉ lệ phần trăm giá thành; bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tố tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu huỷ phòng chống với mức sàn là 200.000 đồng/người/ngày thường và mức sàn 400.000 đồng/người/ngày nghỉ lễ và thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp với đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị dự thảo Nghị quyết giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ để xử lý công việc, trong đó đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có lợn bị dịch.

“Các bộ, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần dập dịch như chống giặc của Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thành Chung

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop