Tin nông nghiệp ngày 11-12 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11-12 tháng 11 năm 2020

Kim Động (Hưng Yên): Vào vụ thu hoạch cam

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) hiện có hơn 413ha cam trồng ở 17/17 xã, thị trấn trong huyện, trong đó, 100ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân chăm sóc cam theo đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng vùng trồng cam sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… để tạo thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam.

Nông dân xã Đồng Thanh bước vào vụ thu hoạch cam

Những ngày này, bước vào đầu vụ thu hoạch, giá bán buôn cam tại vườn đạt từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Về xã Đồng Thanh, nơi được coi là “thủ phủ” trồng cam của huyện, ngay từ sáng sớm, người dân đã chuẩn bị phương tiện, tập trung nhân lực thu hái những quả cam đầu vụ chín vàng, mọng nước để kịp cho những chuyến hàng ngược xuôi. Đồng chí Phạm Văn Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Thanh cho biết: Với diện tích cam Hưng Yên và cam đường canh hơn 225ha, năm nay, năng suất bình quân ước đạt 25 - 30 tấn/ha, sản lượng cam toàn xã khoảng 5.000 tấn, ước đem lại giá trị kinh tế khoảng 80 tỷ đồng, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho người dân nơi đây.

Xác định cam là cây trồng mũi nhọn để nông dân phát triển kinh tế, những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích, xã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhận thức được tầm quan trọng này, năm 2016, Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh được thành lập, hiện nay có 30 thành viên, diện tích hơn 30ha. Từ khi thành lập hợp tác xã, các hộ trồng cam được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu cam bảo đảm chất lượng theo hướng VietGap, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung. Đến nay, xã Đồng Thanh có trên 60ha cam được chứng nhận VietGap.

Ông Lương Văn Tươi ở thôn Thanh Sầm chia sẻ: Gia đình tôi có 2 mẫu trồng cam Hưng Yên, cam đường canh và bưởi Diễn. Năm nay, sản lượng cam Hưng Yên của gia đình tôi đạt khoảng 20 tấn và cam đường canh đạt 5 tấn. Tôi tham gia vào Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh, trồng cam sạch theo quy trình VietGap nghiêm ngặt, bài bản, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tạo ra những quả cam bảo đảm an toàn, có vị ngọt thanh… nên dễ tiêu thụ. Mỗi quả cam bán ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, vì vậy, sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất bán cho thương lái ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Cây cam đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi với nguồn thu nhập ổn định 300 - 400 triệu đồng mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí.

Gia đình ông Phạm Văn Hùng ở thôn Tạ Hạ, xã Chính Nghĩa đang trồng 2 mẫu cam Hưng Yên và cam đường canh. Ông Hùng cho biết: Cách đây 7 năm, gia đình tôi chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cam. Năm nay, do thời tiết bất lợi nên năng suất cam của gia đình tôi giảm hơn so với mọi năm, ước tính thu hoạch 10 tấn cam Hưng Yên và 3 tấn cam đường canh. Với giá bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi sào cam mang lại cho gia đình tôi lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Xác định cây cam là một trong những cây trồng quan trọng trong phát triển kinh tế của các hộ dân, trong những năm qua, chính quyền các xã, thị trấn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Kim Động tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện để nông dân tích cực chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây có múi; đồng thời tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với giá bán như hiện nay, nhiều hộ trồng cam trong huyện có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhờ cây cam trong mỗi vụ sản xuất.

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Để phát triển ổn định lâu dài vùng cam, huyện đã và đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất các loại cây ăn quả, trong đó tập trung phát triển mở rộng diện tích các loại cây ăn quả theo hướng tập trung quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, vệ sinh an toàn thực phẩm và theo hướng hữu cơ. Đồng thời, khuyến khích nhân dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả để tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và tăng cường sự liên kết, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hương Giang

Hà Giang: Vĩnh Hảo kết nối thành công tiêu thụ cam

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Chỉ 3 ngày sau khi ký kết hợp đồng, các tiểu thương đã cắt quả, dán nhãn, đóng hộp vận chuyển cam về các nơi tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), Lã Hồng Việt cho biết, đã có trên 100 tấn cam vàng được bán...

Thu hái cam Vàng tại thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo.

Tôi gặp lại ông Triệu Thanh, tiểu thương chợ đầu mối Bắc Giang lên Vĩnh Hảo cắt cam, ông vui vẻ cho biết: Mỗi ngày ông cắt đầy 2 xe khoảng 10 - 12 tấn cam Vàng về chợ đầu mối tỉnh Bắc Giang. Cam Vàng Vĩnh Hảo năm nay quả to, tròn, đồng đều, hình thức đẹp, chất lượng được người tiêu dùng Bắc Giang đón nhận. Cam Vàng Vĩnh Hảo được dán nhãn, truy xuất nguồn gốc đã tạo thêm lòng tin cho khách hàng. Ngay từ những buổi mở bán ở chợ đầu mối Bắc Giang cam Vĩnh Hảo đã được người tiêu dùng đón nhận tốt. lượng tiêu thụ cam từng bước tăng. Ông Thanh dự định, sẽ phải tăng sản lượng cam Vĩnh Hảo về chợ đầu mối Bắc Giang để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Tại thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo, bà Hoàng Thị Đoạt, Giám đốc Siêu thị Đức Thành (Hà Đông – Hà Nội) cắt cam về Hà Nội, bà chia sẻ: Siêu thị Đức Thành đang tăng chuyến vận chuyển cam Vàng Vĩnh Hảo về Thủ đô. Cam Vĩnh Hảo đã được Đức Thành cung cấp cho các cửa hàng bán sỉ tại nhiều tỉnh phía Bắc, và miền Trung. Sau vài ngày bán, bạn hàng của Đức Thành đã yêu cầu cung cấp thêm lượng cam Vàng Vĩnh Hảo. Cam Vĩnh Hảo năm nay được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng mẫu mã và độ ngọt thanh. Bà Đoạt nhận định: Cam Vĩnh Hảo sẽ có chỗ đứng vững chắc ngay trong lòng Thủ đô trong khoảng thời gian không xa. Hết mùa thu hoach bán cam Vàng, bà sẽ tiếp tục thu mua cam Sành Vĩnh Hảo cung cấp cho khách tiêu dùng trong dịp cuối năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, Lã Hồng Việt, cho biết: UBND xã đã đứng ra làm trung gian kết nối thành công 7 hợp đồng tiêu thụ cam cho bà con. Các hợp đồng đều có sự cam kết chia sẻ giữa bên mua và bên bán. Có sự hỗ trợ thu hái, vận chuyển, tập kết hàng hoá, đóng bao bì, dán nhãn xác định sản phẩm làm ra của từng hộ, từng Tổ hợp tác, từng HTX với nhà kinh doanh. Ngay sau lễ ký, những chuyến xe chở đầy cam Vàng đã cùng lăn bánh về các nơi tiêu thụ. Giá bình quân cam được bán dao động từ 5.500 – 6.500 đồng/kg. Ông Hoàng Quyết Thắng, Giám đốc HTX cam Viet GAP thôn Thọ Quang, cho rằng, việc ký hợp đồng ngay đầu vụ với các siêu thị, tiểu thương là bước tiến quan trọng để người trồng cam Vĩnh Hảo sản xuất ổn định. HTX cam Viet GAP của ông Thắng hiện có trên 110 ha cam cho thu hoạch. Sản lượng ước đạt khoảng 1.200 tấn, sẽ được tiêu thụ ổn định với các tiểu thương trong vụ cam năm nay.

NGUYỄN HÙNG

Khi sầu riêng được tách vỏ cấp đông

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Mùa sầu riêng Lâm Đồng năm 2020, giữa đại dịch COVID-19 lây lan khiến thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc, nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến cấp đông, Công ty TNHH Long Thủy ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm vẫn bao tiêu 100% sản lượng thu hoạch của nông dân sản xuất liên kết, đảm bảo lợi nhuận khá trên đơn vị diện tích cây trồng.

Mỗi ngày Công ty TNHH Long Thủy ở xã Lộc An, Bảo Lâm chế biến cấp đông đạt công suất 2 - 3 tấn múi sầu riêng

Theo anh Võ Hữu Long, chủ nhân Công ty TNHH Long Thủy (sau đây gọi là Công ty Long Thủy), hệ thống cấp đông múi sầu riêng trong công ty của mình với công suất danh định đến 10 tấn/ngày, quy mô diện tích khoảng 30 m2, tọa lạc trên tổng diện tích 3.000 m2 nhà xưởng tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Thực tế nhà xưởng này đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2016 với chức năng sơ chế sầu riêng nguyên quả, đóng gói, chất hàng lên xe container trước khi vận chuyển đến các thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó tính riêng 4 tháng thu hoạch ở vụ mùa sầu riêng trong năm 2019, Công ty Long Thủy xuất khẩu đều đặn mỗi ngày từ 1 - 2 container (18 tấn/container).

Đến mùa sầu riêng năm 2020 bắt đầu từ tháng 8 thì Công ty Long Thủy nhận tin từ phía đối tác Trung Quốc quyết định tạm ngưng nhập khẩu sầu riêng theo đường tiểu ngạch vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Trước tình thế không thể để sản phẩm sầu riêng của nông dân Lâm Đồng sản xuất liên kết ứ đọng và nguy cơ giảm giá quá sâu, Công ty Long Thủy quyết định đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống chế biến cấp đông với công nghệ hiện đại, thời gian cất trữ đến một tháng vẫn giữ được chất lượng và hương vị tự nhiên của sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm sầu riêng nguyên quả bao tiêu của nông dân các vùng nguyên liệu Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng thu hoạch, vận chuyển đưa về nhà xưởng của Công ty Long Thủy tổ chức cho công nhân tập trung tách vỏ, lấy múi sắp từng lớp trong những chiếc thùng chuyên dụng rồi sắp đặt vào hệ thống chế biến cấp đông tại chỗ. Kết quả trung bình mỗi ngày, Công ty Long Thủy đã chế biến cấp đông 2 - 3 tấn múi sầu riêng, bằng 7 - 10,5 tấn sầu riêng nguyên quả.

Những sản phẩm múi sầu riêng cấp đông đầu tiên của Công ty Long Thủy vào đầu mùa năm 2020 chào hàng đến các đối tác Malaysia, Thái Lan, Đài Loan... có văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trong nước đã nhận được kết quả đánh giá tích cực, cam kết ký hợp đồng tiêu thụ sản lượng lớn cho cả năm 2020. Nhờ vậy những chuyến container múi sầu riêng cấp đông “Long Thủy” lần lượt sau đó đều giao thương gặp “thuận buồm xuôi gió”, giá thành thanh toán ổn định và tăng dần với mức hợp lý theo từng thời điểm thị trường cạnh tranh.

Ước tính vụ mùa sầu riêng năm 2020 trong 2 tháng 10, 11, Công ty Long Thủy bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích khoảng 20 ha của nông dân Lâm Đồng, năng suất lên đến 40 tấn/ha. Trước đó trong 2 tháng 8 và 9, diện tích bao tiêu khoảng 15 ha, năng suất hơn 30 tấn/ha. Trung bình tỷ lệ sầu riêng tách vỏ, lấy múi chế biến cấp đông đạt hơn 70%; gần 30% tỷ lệ còn lại sơ chế nguyên quả, cung cấp cho các đầu mối phân phối trong nước theo hợp đồng.

Nhận định của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sầu riêng cho rằng, sản lượng sầu riêng năm 2020 ở Lâm Đồng tương đương năm 2019. Mặc dù giá thị trường thu mua có giảm tỷ lệ từ 10% trở xuống, nhưng người nông dân Lâm Đồng sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi ổn định vẫn đạt lợi nhuận khá nhờ bao tiêu sản phẩm gắn với sơ chế, chế biến, đặc biệt là việc đầu tư hệ thống chế biến cấp đông múi sầu riêng của Công ty TNHH Long Thủy nói trên. Điều này một lần nữa cho thấy vai trò đầu tàu của doanh nghiệp liên kết chuỗi với nông dân hết sức quan trọng và bức thiết trong cơ chế thị trường hiện nay.

VĂN VIỆT

Để mùa bơ thực sự ‘chín’

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Đắk Nông xác định bơ là loại cây trồng tiềm năng, định hướng xây dựng thành cây thế mạnh. Thực tế, việc phát triển cây bơ thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn, nhất là tạo nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều người dân. Thế nhưng, việc phát triển loại cây trồng này thời gian qua cũng bộc lộ nhiều yếu tố hạn chế, còn thiếu bền vững, đòi hỏi cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp.

Kỳ 1: Trồng bơ theo phong trào

Trong những năm qua, bơ là loại cây trồng phát triển "nóng" nhất ở Đắk Nông. Rất nhiều bà con nông dân đã không ngần ngại mở rộng diện tích trồng bơ. Cũng từ việc chạy theo "cơn sốt" bơ, nên hầu hết bà con nông dân đã bỏ qua các yếu tố rủi ro như chất lượng giống, thị trường tiêu thụ...

Bùng nổ diện tích

Gia đình chị Thái Thị Thu Trang, ở thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong), vốn là một tư thương chuyên thu mua bơ từ các hộ dân về bán cho các đầu mối kinh doanh trái cây trong và ngoài tỉnh.

Chị Thái Thị Thu Trang, xã Đắk Ha (Đắk Glong) từ tư thương thành người trồng, hiện có 9 ha bơ

Chị Trang kể, trước năm 2000, bơ giá rẻ, nên phần lớn người dân chỉ coi là cây trồng phụ. Thường thì đến mùa thu hoạch bơ, người dân bán được bao nhiêu thì bán, còn lại cho lợn gà ăn, thậm chí để rụng đầy gốc. Không ai quan tâm đến bơ, nên trong vườn rẫy, người dân chỉ trồng lác đác một số cây "gọi là để ăn quả".

Khoảng từ năm 2010, bơ bắt đầu có giá, nên người dân mới trồng nhiều. Đối với gia đình chị, cũng đã chuyển từ buôn bán bơ sang trồng bơ. Gia đình mua đất tại Đắk Ha, bắt đầu trồng bơ và hiện có 9 ha, trong đó có 3 ha đã cho thu chính, 6 ha bắt đầu cho thu bói.

Cũng ở huyện Đắk Glong, năm 2013, anh Nguyễn Văn Thân, ở thôn 5, xã Quảng Sơn, là người đầu tiên của thôn chặt bỏ 2 ha cây điều để trồng bơ booth, bơ 034. Những giống bơ mới phát triển xanh tốt, đến kỳ ra hoa đậu quả cao.

Nhờ chăm sóc tốt, nên chỉ ba năm sau, vườn bơ của gia đình anh Thân bắt đầu cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 10 tấn/vụ. Gia đình anh có thu nhập tầm 500 triệu đồng (trừ chi phí) từ vườn bơ, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Đắk Nông hiện có 3.794 ha bơ trồng xen và trồng thuần

Anh Thân cho biết, thành quả từ vụ bơ đầu tiên thật sự quá sức tưởng tượng đối với gia đình. Nguồn thu từ bơ trong 3 năm đầu, anh đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi, xe cộ, nhất là hệ thống máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Ngoài 2 ha bơ nói trên, mới đây, anh Thân còn trồng thêm 2 ha bơ nữa, với hy vọng sẽ làm giàu từ loại cây ăn quả này.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong, những năm qua, bơ là loại cây ăn quả có diện tích tăng mạnh nhất và hiện trên địa bàn huyện đã đạt gần 400 ha bơ. Bơ cũng chính là loại cây chủ lực, cho thu nhập chính đối với nhiều hộ dân trên địa bàn.

Không chỉ ở Đắk Glong, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã trồng bơ khá ồ ạt, khiến cho diện tích bơ của Đắk Nông tăng mạnh trong những năm qua. Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, năm 2015, toàn tỉnh mới có gần 500 ha bơ, với sản lượng 1.887 tấn. Đến năm 2018, diện tích bơ của tỉnh đã đạt 1.537 ha (tăng gấp hơn 3 lần so với 2015), sản lượng 5.529 tấn. Năm 2019, tổng số diện tích bơ trên toàn tỉnh tăng lên mức 3.794 ha, sản lượng đạt 15.050 tấn.

Có trên 10 giống bơ khác nhau đang được trồng tại Đắk Nông

Mơ hồ với cây giống

Ông Lê Ngọc Thoán, thôn Đoàn Kết, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), là một trong những người trồng bơ lâu năm. Gia đình ông có 3,4 ha bơ xen với sầu riêng, cà phê. Vườn bơ của ông có nhiều giống bơ khác nhau như 034, booth, sáp địa phương... Theo ông Thoán, khi thấy cây bơ dễ sống, nên ông mua về trồng mà chưa nắm rõ nguồn gốc, đặc tính của từng loại bơ. Khi mua cây bơ giống, ông chỉ dựa vào kinh nghiệm, tham khảo từ người bán giống là chính.

Thời gian qua, nhiều hộ dân, các trang trại đều có tâm lý trồng càng nhiều bơ càng tốt. Trong vườn bơ, người dân cũng trồng nhiều loại bơ khác nhau. Nhiều người cho rằng, trồng bơ như vậy là phù hợp, giúp kéo dài vụ thu hoạch, tạo nguồn thu quanh năm. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nông nghiệp, chính việc này lại không hình thành được vùng trồng bơ chuyên canh.

Thực tế cũng cho thấy, dù được đánh giá có năng suất cao, nhưng chất lượng bơ tại Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo ngành chức năng, bơ ở Đắk Nông hiện có trên 10 giống khác nhau, chủ yếu là các loại bơ có thời gian chín nhanh, vỏ mềm, khó bảo quản, khó vận chuyển đi xa.

Theo Tiến sỹ Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, bơ có chất lượng chưa cao, về cơ bản là do ảnh hưởng từ chất lượng cây giống. Những năm qua, nguồn giống bơ mà bà con Đắk Nông sử dụng chủ yếu được nhập về từ Đắk Lắk, Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây và nhà vườn địa phương tự sản xuất. Các nguồn giống bơ này cũng chưa được kiểm soát đầy đủ, chưa bảo đảm về chất lượng.

Tiến sỹ Hồng cho biết: "Hiện nay, 85% thị trường quốc tế ưa chuộng các loại bơ như hass, reed, pinkerton..., với những ưu điểm về dinh dưỡng, vỏ cứng, thời gian chín kéo dài, bảo quản được lâu. Thế nhưng, các loại bơ này còn rất ít ở Đắk Nông. Đây chính là hạn chế lớn nhất của ngành bơ Đắk Nông".

Toàn tỉnh có 6 giống bơ đầu dòng

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, Đắk Nông hiện có 6 giống bơ được công nhận là đầu dòng đều. Các giống bơ đầu dòng có ưu điểm sinh trưởng, phát triển tốt; kháng sâu bệnh, chống chọi tốt với thay đổi của thời tiết; năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp để nhân giống. Hiện ngành chức năng đã cung cấp một số lượng chồi ghép các giống bơ này phục vụ nông dân sản xuất.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Say mê sáng tạo máy phun thuốc điều khiển từ xa

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Những thanh niên đến từ từng địa phương khác nhau nhưng họ có điểm chung là niềm đam mê sáng tạo cơ khí. Họ đã cùng nhau suy nghĩ và sáng chế để cho ra đời loại máy phun thuốc điều khiển từ xa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa hoạt động trên đồng ruộng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất

Cha đẻ của chiếc máy hữu ích đó là nhóm nghiên cứu Võ Hào Em (SN 1980) ở tỉnh Long An - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTT Phi Long (trụ sở tại Phường 1, TP.Cao Lãnh) cùng với các thành viên là anh Phùng Minh Phường (tỉnh Bạc Liêu), anh Nguyễn Thanh Lợi (tỉnh An Giang), Dương Anh Thắng (TP.Hồ Chí Minh).

Khởi xướng cho ý tưởng sáng chế là anh Võ Hào Em - tốt nghiệp ngành cơ khí động lực thuộc Trường Đại học Nha Trang, Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. Sau thời gian học, đến năm 2005, anh Hào Em ra trường về làm việc tại Phà Cao Lãnh thuộc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp. Trong quá trình làm việc, anh Hào Em luôn đưa ra nhiều ý tưởng cho việc sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành phương tiện phà. Đồng thời, anh cũng nuôi ý tưởng là chế tạo một loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Anh Hào Em bắt đầu nghiên cứu từ thực tế sản xuất trên những cánh đồng tại địa phương, từng công việc đồng áng như: phun thuốc, rải phân... nông dân chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công không hiệu quả và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Từ đó, anh Hào Em nghiên cứu chế tạo ra một loại máy nông nghiệp để nông dân bớt vất vả. Trong quá trình nghiên cứu, năm 2018, một lần tham khảo ở mạng xã hội, anh Hào Em phát hiện các thành viên có cùng ý tưởng chế tạo máy là anh Phường, anh Lợi, anh Thắng. Thế là, các thành viên đã liên hệ và cùng “về chung một nhà”, cùng ngồi lại bàn và đưa ra từng bản vẽ chi tiết cho từng phác thảo máy. Lúc đầu, anh Hào Em và các thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chế tạo, lắp ráp từng bộ phận máy cho phù hợp.

Trải qua nhiều lần điều chỉnh, đến đầu năm 2019, chiếc máy hoàn thành và các anh quyết định đặt tên cho đứa con tinh thần là máy phun thuốc điều khiển từ xa. Lúc đầu, máy phun thuốc điều khiển từ xa được cho thuê chạy thử nghiệm ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Sau thời gian vận hành thử, chiếc máy có một số nhược điểm cần khắc phục. Trong đó, vấn đề lớn nhất là khi chạy trên đất do chưa có làm bọc dây sên nên lúa quấn bánh, không thể vận hành được và dễ hư phốt mô-tơ thủy lực.

Để khắc phục, anh Hào Em cùng các thành viên đã nghiên cứu lắp thêm bộ phận vùng xả dầu dư để hạn chế việc hư mô tơ thủy lực; thiết kế bọc dây sên che chắn giúp không quấn lúa trong quá trình vận hành. Khi đã hoàn chỉnh các chi tiết, máy phun thuốc điều khiển từ xa hoạt động hoàn chỉnh khắc phục tốt những lỗi vận hành. Đến cuối năm 2019, máy phun thuốc điều khiển từ xa đã được vận hành rộng rãi trên các cánh đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An.

Anh Hào Em cho biết: “Hoạt động của máy theo nguyên lý động cơ kéo bơm thủy lực, kéo bơm phun xịt. Theo đó, khi kéo bơm thủy lực, áp lực nhớt sẽ truyền đến 4 mô tơ thủy để kéo 4 bánh xe. Ưu điểm của truyền động thủy lực là nhỏ gọn, giúp thiết bị khai thác hết công suất đầu ra, ít tiêu tốn năng lượng, độ bền cao, dễ kết nối với bộ điều khiển từ xa. Điều này giúp người nông dân tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Với những tính năng hoàn hảo, trong 1 ngày máy có thể hoạt động suốt 8 tiếng và phun được 220 lít, tương đương khoảng 30ha lúa. Sau khi đứa con đầu tiên hình thành đúng mong muốn, tôi và các thành viên đã sản xuất thêm 3 máy phun thuốc điều khiển từ xa”.

Với những nỗ lực không ngừng, Dự án máy phun thuốc điều khiển từ xa đạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp 2020. Được biết, nhóm nghiên cứu Võ Hào Em tiếp tục làm bổ sung 1 chức năng trên máy phun thuốc là sạ phân và sạ lúa. Cùng với đó, nghiên cứu thêm việc vận hành máy cho vườn cây ăn trái. Đồng thời đăng ký bản quyền sáng chế máy...

Khánh Phan

Vụ mì thất bát ở Krông Pa

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Do mưa bão kéo dài gây thối củ và hàng ngàn héc ta mì bị bệnh khảm lá vi rút khiến năng suất mì ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) giảm mạnh. Nông dân huyện nghèo này đang đối diện một vụ mì thất bát.

Hàng ngàn héc ta mì bị bệnh, thối củ

Vườn mì của gia đình ông Bùi Văn Bắc (thôn 3, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam

Năm 2020, toàn huyện trồng được 22.205 ha mì (vụ Đông Xuân 1.455 ha, vụ mùa 20.750 ha). Đến nay, mì vụ mùa đang ở giai đoạn chăm sóc và hình thành củ. Tuy nhiên đã có hơn 11.350 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút. Trong đó, 231,9 ha bị nhiễm dưới 30%, 2.830,8 ha bị nhiễm 30-50%, 5.410,8 ha bị nhiễm 50-70% và 2.877,4 ha bị nhiễm trên 70%.

Cơ quan chuyên môn xác định: bệnh khảm lá vi rút bị nhiễm nặng trên các giống HL-S11, KM419; nhiễm ở mức độ trung bình trên giống KM98-5, KM140; riêng giống KM94 không bị nhiễm. Ngoài ra, bão số 9 đã làm cho 1.253 ha mì bị thiệt hại và nhiều diện tích mì bị thối củ, giảm năng suất.

Xã Chư Gu có 706 ha mì của 602 hộ dân bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút với mức độ 50-70%. Ông Bùi Văn Bắc (thôn 3) cho biết: Do năm nay mưa nhiều và bệnh khảm lá vi rút làm cho củ nhỏ, thối củ nên năng suất giảm mạnh.

“Riêng 3 ha mì của gia đình tôi chỉ đạt năng suất khoảng 10 tấn củ tươi/ha, giảm hơn 50% so với năm ngoái. Bình thường cây mì phải trồng 1 năm mới thu hoạch, nhưng vụ này do mưa nhiều và bệnh khảm lá nên mới được hơn 6 tháng đã phải thu hoạch. Mỗi ha mì phải đầu tư hơn 10 triệu đồng gồm: giống, phân bón, cày đất, phun thuốc cỏ và công thu hoạch. Như vậy với giá tại ruộng là 1.400 đồng/kg mì tươi thì gần như không có lãi. Ngoài ra, bà con không biết lấy hom giống ở đâu để trồng cho vụ tới”-ông Bắc nói.

Tương tự, ông Ksor Grik (buôn Đông Thuớ) cho hay: “Nhà tôi trồng hơn 1 ha mì. Do mì bị bệnh khảm lá nên củ rất nhỏ và ít. Vụ này coi như lỗ”.

Tại thị trấn Phú Túc cũng có hơn 1.522 ha mì của 751 hộ dân bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút với mức độ 30-50%. Ông Đoàn Văn Điểu (tổ 10) có 4 ha mì nhưng bị bệnh khảm lá vi rút hơn 50%. Ông cho hay: “Những năm trước, mỗi héc ta có thể thu hoạch được khoảng 30 tấn mì tươi. Năm nay do bị bệnh khảm lá và mưa nhiều nên chắc chỉ được khoảng 10 tấn mì tươi/ha. Với giá thu mua chỉ khoảng 1.200-1.400 đồng/kg thì chỉ đủ chi phí đầu tư giống, phân, công thu hoạch”.

Khó khăn trong phòng-chống sâu bệnh

Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Nguyên nhân khiến cây mì bị bệnh khảm lá vi rút là do bà con nông dân mua giống trôi nổi trên thị trường nên bệnh phát sinh và lây lan. Đáng chú ý, nhiều hộ vẫn sử dụng hom giống từ diện tích mì đã bị nhiễm bệnh, không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đặc biệt, nhiều hộ bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn khi tiếp tục sử dụng giống mì HL-S11. Ngoài ra, các nhà máy chế biến tinh bột mì sau khi nhập các giống mì về địa bàn chưa nghiêm túc khai báo, thực hiện công tác kiểm dịch thực vật theo quy định để kiểm soát nguồn lây bệnh.

Nông dân Krông Pa thu hoạch mì. Ảnh: Lê Nam

Cũng theo ông Duyên, hiện nay, bệnh khảm lá vi rút hại mì có xu hướng lây lan trên diện rộng và chưa có thuốc đặc trị. Trước tình hình đó, cuối năm 2019, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp phát 7.500 tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá vi rút. Trên những diện tích mì bị bệnh khảm lá nhẹ, người dân cần phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bọ phấn trắng bằng các hoạt chất Angun 5WDG, Vitory585 EC hoặc bẻ ngọn những cây bị bệnh kết hợp với chăm sóc, bón phân để tăng sức đề kháng cho cây. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút nặng thì phải luân canh sang cây trồng khác.

“Để ngăn chặn sự lây lan bệnh khảm lá vi rút, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn quy trình canh tác và quy trình sản xuất giống mì sạch bệnh. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống đưa vào sản xuất. Tuyệt đối không được lấy hom giống bị nhiễm bệnh để trồng. Khuyến cáo người dân sử dụng giống mì KM94. Trước mắt, Phòng đề xuất hỗ trợ giống mì KM94 cho người dân trồng khoảng 900 ha để lấy nguồn giống và tiếp tục nhân rộng giống này cho những năm sau”-ông Duyên cho biết thêm.

LÊ NAM

Cà Mau: Gạo sạch hữu cơ Trí Lực

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở quê mình thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tiến đến đột phá trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập là mục tiêu mà xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) hướng đến qua sản phẩm gạo sạch hữu cơ được đăng ký sản phẩm OCOP năm 2020.

Xã Trí Lực hiện có 2 hợp tác xã (HTX) lúa - tôm hữu cơ, đó là HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực và HTX Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Đoàn Phát. HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực có 11 thành viên, với diện tích gần 750 ha sản xuất lúa - tôm an toàn. Xã viên sản xuất theo quy trình sạch để đảm bảo cho tôm phát triển tốt và lúa phát triển song song mà không sử dụng hoá chất, phân bón hoá học để tạo nguồn gạo sạch, chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Các thành viên HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực chuẩn bị gạo bán ra thị trường.

Xã Trí Lực có hơn 24.000 ha sản xuất lúa ST24 cho năng suất từ 4,2 tấn/ha trở lên, với giá lúa thu tại ruộng từ 7.000-8.000 đồng, tuỳ theo sản xuất đạt các chỉ tiêu chất lượng hữu cơ, đem về thu nhập cho người dân từ các sản phẩm lúa và tôm càng xanh hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để xã Trí Lực đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng vào năm 2020.

Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực Lê Văn Mưa chia sẻ: “Bà con thấy được hiệu quả khi vào HTX, mỗi ký lúa bán ra thị trường với giá cao gần gấp đôi so với lúa những vùng chuyên canh lúa; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ nên con tôm cũng phát triển tốt và bền vững. Vì thế, bà con gắn bó với mô hình này lắm”.

Vụ mùa năm 2019-2020 vừa qua, sau khi bán lúa cho công ty, các thành viên HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực giữ lại 17 tấn, chà gạo, đóng gói, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Trí Lực và chào hàng ở nhiều nơi với giá bán từ 27.000-30.000 đồng/kg. Tính đến nay, HTX đã bán được hơn 5 tấn gạo, khách hàng rất ưa chuộng, góp phần nâng cao danh tiếng cho sản phẩm đặc sản của địa phương. Đây cũng là tiền đề để thương hiệu gạo sạch hữu cơ Trí Lực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa phấn khởi: “Trên địa bàn xã có 2 HTX lúa - tôm hữu cơ. Đây là 2 HTX tham gia vào OCOP. Hiện tại, địa phương có vùng sản xuất lớn và đa phần người dân phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn nên việc mở rộng diện tích không khó. Các HTX này cũng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đại diện sản phẩm chủ lực cho xã tham gia chương trình OCOP”.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát có 18 thành viên, với 70 ha sản xuất theo quy trình lúa sạch hữu cơ, đem lại thu nhập ổn định cho bà con với giá lúa bao tiêu đầu ra hơn 7.200 đồng/kg. Đây là tiền đề để các sản phẩm lúa sạch vươn tầm ra thị trường sản phẩm chủ lực OCOP. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát Huỳnh Minh Triều cho biết: “Địa phương trước giờ sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm mình làm ra thì để ăn trong nhà và cho bà con họ hàng ăn, thấy chất lượng tốt do không dùng phân, thuốc hoá học. Nay có chương trình OCOP nên tôi muốn tham gia để quảng bá sản phẩm cho nhiều người biết. Đồng thời, tạo được đầu ra cho nông sản để từ đó người nông dân gắn bó với phương thức sản xuất này hơn”.

Việc nông dân xã Trí Lực đang hướng đến sản xuất gắn với chế biến và nhu cầu thị trường, chú trọng sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản phẩm hàng hoá phải đạt tiêu chuẩn đã tạo bước khởi đầu rất tốt cho các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương vươn xa hơn. Từ đó, góp phần hạn chế dần và tiến tới xoá bỏ quan niệm, thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không theo kế hoạch cụ thể, góp phần đưa sản phẩm gạo sạch Trí Lực vươn tầm khu vực./.

Huệ Như

Nuôi gà đặc sản rộng đầu ra

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn, ổn định và bền vững, vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long thực hiện mô hình gà đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn sinh học. Đến nay bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Mô hình được triển khai từ tháng 8/2020 với quy mô 1.500 con tại 5 hộ dân thuộc phường Tân Ngãi (TP Vĩnh Long). Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% về gà giống, 30% về thức ăn chăn nuôi, chế phẩm Balasa, bên cạnh là tập huấn kỹ thuật chuồng trại, chọn lựa gà giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh…

Anh Nguyễn Thành Lợi (khóm Vĩnh Bình, phường Tân Ngãi) là 1 trong 5 hộ được chọn thực hiện mô hình. Tận dụng đất trống sau nhà thả nuôi 300 con gà, anh Lợi cho biết: “Lúc đầu mới đem gà về nuôi tôi rất lo lắng, nhưng được sự hỗ trợ tận tình của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long trong các khâu chăn nuôi nên gà lớn nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh cho gà, chất lượng thịt gà thơm ngon, tỷ lệ gà nuôi sống đạt trên 95%. Nhờ được hỗ trợ nên chi phí đầu tư ban đầu được giảm khá nhiều”.

Qua 3 tháng nuôi, anh Nguyễn Thành Lợi đã xuất bán 287 con, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 1,7kg. Với giá bán lẻ 70.000 đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đem về cho gia đình anh Lợi hơn 7.000.000đ. Hiện tại anh Lợi đang chuẩn bị lại chuồng để tiếp tục mở rộng chăn nuôi giống gà này.

Theo bà Cao Thị Nhung (khóm Tân Thuận An, phường Tân Ngãi), tham gia mô hình này, bà được hướng dẫn kỹ thuật chăn chuôi theo hướng an toàn sinh học, gà giống biết nguồn gốc, thức ăn đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng quy trình tiêm phòng, chuồng trại sử dụng men Balasa cũng giảm hẳn mùi hôi, gà hầu như ít bị bệnh, sức đề kháng tốt hơn hẳn so với nuôi truyền thống trước đây.

Nhờ vậy, đàn gà nuôi của gia đình bà hạn chế dùng đến thuốc kháng sinh thú y.

Nếu trường hợp gà có bệnh bà sử dụng thuốc thú y chữa bệnh cho gà ít chi phí hơn trước đây. Qua đợt nuôi này, bà Nhung cũng cho biết bà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nuôi gà cho bà con nông dân lân cận khi có nhu cầu học hỏi để áp dụng chăn nuôi phát triển đàn gà địa phương.

Đánh giá kết quả mô hình của Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long cho thấy, qua 3 tháng triển khai, gà lai bản địa là giống gà dễ nuôi, phù hợp với phương thức thả vườn, sinh trưởng phát triển tốt.

Người dân thu nhập sau khi trừ chi phí hỗ trợ còn lãi gần 8 triệu đồng/hộ, lợi nhuận cao hơn 5,5- 6,5 triệu đồng/hộ so với nuôi gà theo hình thức đại trà, truyền thống.

Theo Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, việc xây dựng mô hình nuôi gà đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn sinh học nhằm giúp bà con nông dân tiếp thu thêm khoa học kỹ thuật nuôi mới, vừa đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh kế cao hơn.

Đồng thời hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Thời gian qua, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được triển khai và nhân rộng tại địa bàn TP Vĩnh Long và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp để nhân rộng, nhiều triển vọng hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ.

Trong năm 2019, mô hình nuôi gà đặc sản bản địa trên đệm lót sinh học được triển khai tại 11 hộ thuộc 3 phường: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa (TP Vĩnh Long).

Kết quả hạch toán kinh tế cho một điểm nuôi 300 con theo hướng an toàn sinh học sau 3 tháng tuổi, hao hụt bình quân 13 con, còn lại 287 con, bình quân 1,7 kg/con. Giá bán gà thịt 60.000 đ/kg. Người nuôi có lời gần 7 triệu đồng.

Từ hiệu quả chăn nuôi khả quan với nhiều tiềm năng mở rộng, nhiều hộ dân đề nghị sớm hình thành tổ hợp tác chăn nuôi gà để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Theo Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, ngành chuyên môn đang xúc tiến việc ký kết chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà từ con giống, thức ăn đầu vào đến sản phẩm đầu ra có cơ sở thu mua với giá cao hơn giá thực tế tại địa phương.

Trước mắt, ngành chuyên môn khuyến nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền phát triển mô hình, người chăn nuôi tiếp tục nhân rộng, tiến tới hình thành tổ hợp tác để có sản lượng lớn, chất lượng cao, tạo cơ sở để ký kết chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà.

Bài, ảnh: THÀNH LONG - VĂN LỤC

Cần Đước (Long An): Phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm

Nguồn tin: Báo Long An

Ngày 09/11, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An - Đinh Thị Phương Khanh cùng ngành chuyên môn làm việc với huyện Cần Đước về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6.

Theo báo cáo của UBND huyện Cần Đước, dịch bệnh xảy ra tại hộ ông Phạm Văn Thật (ấp 2, xã Long Định) và hộ ông Đào Văn Đông (ấp Bà Thoại, xã Tân Lân) với quy mô trên 12.000 con. Sau khi đàn gia cầm phát bệnh, các hộ đã khai báo với chính quyền địa phương. Sau đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và thú y, đàn gia cầm tại hộ ông Phạm Văn Thật dương tính với bệnh cúm gia cầm H5N6 và hộ ông Đào Văn Đông dương tính với bệnh cúm gia cầm H5N1.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp địa phương tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, tiêm 13.200 liều vắc-xin và cung cấp 50 lít thuốc sát trùng cho 150 hộ phun xịt tại vùng dịch. Đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi thu dọn phân rác, vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại.

Huyện Cần Đước khẩn trương thực hiện các biện pháp phun xịt khử trùng phòng dịch

Hiện, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp với địa phương khẩn trương thực hiện những biện pháp chống dịch, quản lý tốt nguồn gia cầm tại chỗ và nơi khác đến theo đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, vùng dịch tại ấp Bà Thoại, xã Tân Lân, huyện Cần Đước giáp với một số địa phương như Long Phụng, Long An của huyện Cần Giuộc; liền kề xã Phước Đông, Mỹ Lệ, thị trấn Cần Đước, với tổng đàn gia cầm trên 1 triệu con. Do đó, ngành chuyên môn huyện có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ, cung cấp thêm vắc-xin cho vùng dịch và vùng uy hiếp, kiểm soát mua bán giết mổ gia cầm, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan,…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh yêu cầu UBND huyện Cần Đước triển khai quyết liệt các giải pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm và ngăn chặn các chủng vi-rút cúm nguy hiểm khác xâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Cần Đước tăng cường công tác chỉ đạo chính quyền cấp xã, ấp chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động phòng, chống dịch; bố trí lực lượng hỗ trợ chôn lắp, thống kê, giám sát chặt chẽ tổng đàn gia cầm trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, kịp thời thông tin đến người dân những nội dung cần thiết, cấp bách trong công tác phòng dịch để nâng cao nhận thức về phòng bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng./.

Kim Thoa

Người chăn nuôi: Tích cực tăng đàn phục vụ thị trường tết

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Nắm bắt xu hướng thực phẩm tăng mạnh vào cuối năm, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh Bạc Liêu đã và đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, phó thương hàn… bùng phát, do đó người nuôi nên chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng cách: Tiêm ngừa phòng dịch, vệ sinh phòng bệnh đúng quy định, đồng thời lựa chọn con giống tốt để bảo đảm năng suất.

Chủ động phòng bệnh

Giá heo hơi hiện đang dao động từ 72.000 - 85.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Trước sức hấp dẫn về mức giá nên nhu cầu tái đàn của các hộ dân cũng tăng theo, đặc biệt là chờ bán vào dịp tết. Thế nhưng, thị trường heo giống hiện cũng khá khan hiếm với mức giá cao, từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/con. Nguồn heo giống tái đàn hiện chủ yếu được nhập về từ các tỉnh ngoài, do vậy, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi khi mua cần phải nắm rõ nguồn gốc, không mua heo giống trôi nổi, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh tái phát.

Tuy rủi ro cao nhưng nếu chủ động được nguồn con giống, tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêm phòng vắc-xin, sử dụng một số loại thuốc kháng sinh phòng trị bệnh thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình tái đàn cần chú ý đến việc chọn lựa thức ăn. Ngoài thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi cần linh hoạt tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí chăn nuôi, cũng như không sử dụng thức ăn kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán. Ngoài ra, người chăn nuôi cần tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong và ngoài tỉnh nhằm chủ động trong việc tăng, giảm số lượng, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Cán bộ thú y huyện Phước Long kiểm tra đàn heo của một hộ chăn nuôi vừa tái đàn chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Ảnh: C.L

Đảm bảo nguồn cung

Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc tái đàn phải có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi thì mới đem lại hiệu quả. Bởi, mối lo bệnh DTHCP vẫn đang tiềm ẩn và diễn biến rất phức tạp. Khi thực hiện tái đàn, việc áp dụng chăn nuôi heo an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững. Trải qua đợt DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch thì đàn heo vẫn an toàn. Do đó, dù hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát thì các địa phương, người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, phải duy trì vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền vi-rút từ môi trường vào đàn heo giống mới nuôi.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 181.500 con heo giống và khoảng 3 triệu con gia cầm (gà, vịt, ngỗng…). Việc bà con và các trang trại chăn nuôi trong tỉnh tái đàn và tăng đàn để bù đắp nguồn cung thịt heo phục vụ cho thị trường Tết cổ truyền là phù hợp, có thể chủ động một phần nguồn cung tại chỗ, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn thịt heo vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo dự báo từ ngành chức năng, dịp tết năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn phải nhập trung bình từ 40 - 50% lượng thịt mới đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

“Để việc tái đàn, tăng đàn hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần bình tĩnh, cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi heo… Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như trên, nông hộ và các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn heo trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường tết các sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng”, ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết.

Chí Linh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop