Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 02 năm 2020

Xuất nhập khẩu nông thủy sản có thể bị ảnh hưởng trung và dài hạn vì nCoV

Nguồn tin:  Vasep

Bắt đầu từ tháng 1/2020, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra diễn biến phức tạp và lây lan nhanh không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều nước trên thế giới. Điều này cũng đã và đang tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, XNK nông sản, trong đó có có thủy sản Việt Nam với các thị trường, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Ngay khi những thông tin này được công bố, nhiều cơ quan bộ ngành đã họp khẩn cấp để bàn cách ứng phó.

Theo Bộ NN&PTNT, từ ngày 22/01/2020, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán không cho tất cả phương tiện giao thông từ các địa phương đến Vũ Hán cũng như từ Vũ Hán đi các địa phương khác của Trung Quốc.

Kể từ ngày 27/01/2020, các công ty lữ hành Trung Quốc bị cấm tổ chức các tour đoàn khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch. Một số thành phố lớn như Bắc Kinh đã tạm dừng các chuyến xe bus liên tỉnh kể từ ngày 26/01/2020 để hạn chế công dân vào thủ đô bằng đường bộ; đóng cửa một số địa điểm du lịch nổi tiếng cũng như hủy các hoạt động chào mừng Tết tại một số điểm công cộng trong thành phố. Cũng trong ngày 27/01, Chính phủ Trung Quốc quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết của nước này đến hết ngày 02/02/2020. Trên thực tế nhiều DN Trung Quốc cũng thông báo cho các nhân viên được nghỉ Tết hết ngày 8/02/2020 và dự kiến đi làm lại vào ngày 9/02/2020.

Ngày 6/02/2020, Văn phòng Chính phủ cũng ra Thông báo số 43/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp, trong đó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2020.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống dịch như: cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics…

Do vậy, hoạt động XNK cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể từ 6 đến 8 tháng) do nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản…).

Chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây. Khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động XNK là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Ngày 5/2/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký văn bản số 709/BCT-XNK đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị các hội viên, doanh nghiệp logistics cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.

Chiều 6/2/2020, tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chủ trì, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Công Thương và đã thống nhất sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.

Ngày 3/2/2020, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức họp bàn về tình hình thương mại nông sản Việt - Trung trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp. Sau khi đánh giá nhận định tình hình, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra hai phương án. Phương án trước mắt là, sau dịp nghỉ Tết nguyên đán đến hết ngày 9/2/2020 nếu dịch không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì sẽ ảnh hưởng tới XNK nông sản của Việt Nam, trong đó Bộ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ triển khai một số các giải pháp. Phương án kéo dài, Bộ sẽ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, DN, các đơn vị ngành công thương địa phương đẩy mạnh tổ chức XTTM, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, ưu tiên thị trường nội địa, khuyến khích các DN đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Đồng thời tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh một số đối tượng giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng thị trường.

Tạ Hà

Nhà vườn, doanh nghiệp thanh long tìm hướng ‘xoay chuyển’ tự cứu mình

Nguồn tin: Công Thương

Để tránh bị thua lỗ do đang trong vụ thu hoạch, nhiều nhà vườn, doanh nghiệp trồng thanh long tại phía Nam đã chủ động thúc đẩy tiêu thụ nội địa bằng cách đưa nông phẩm này về các chợ, siêu thị tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Mới đây phía cơ quan chức năng của Trung Quốc thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu vào cuối tháng 2/2020, thay cho dự kiến ban đầu là ngày 10/2/2020 bởi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona vẫn còn diễn biến phức tạp, đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất thanh long ở phía Nam đứng ngồi không yên. Để tránh bị thua lỗ, nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã “tức tốc” vận chuyển nông sản này đưa về tiêu thụ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang, Long An chia sẻ, do vào vụ thu hoạch, không thể để thanh long quá lâu nên nhà vườn đành thuê xe chở lên TP. Hồ Chí Minh để bán. Ghi nhận của Ban quản lý chợ Bình Điền cho biết, từ thời điểm thanh long Việt Nam không thể xuất sang Trung Quốc thì loại quả này nhập vào chợ mỗi ngày đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, thông thường thì mỗi ngày chợ Bình Điền chỉ nhập từ 25 -30 tấn thanh long, tuy nhiên những ngày qua lượng hàng nhập chợ tăng lên từ 60 - 70 tấn hàng/ngày.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng thanh long nhập chợ cũng tăng lên hơn gấp đôi trong những ngày qua, với khoảng 70 tấn thanh long mỗi ngày.

Các Ban quản lý chợ cho biết, giá thanh long bán tại chợ đầu mối dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, và đa số là từ các tỉnh khu vực Tây Nam bộ chở lên.

Thanh long được tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh

Không chỉ ở các chợ, tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra… của Saigon Co.op cũng đang tích cực thu mua thanh long của các nhà vườn, hợp tác xã khu vực Tây Nam bộ để đưa vào bán hàng không lợi nhuận. Nhà bán lẻ này cho biết, giá thu mua tại nguồn được Saigon Co.op trả cho nhà vườn cao hơn thương lái nhưng cam kết bán cho người tiêu dùng rẻ để kích cầu. Hiện Saigon Co.op bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ từ 4.800 - 9.900 đồng/kg, tùy theo khu vực địa lý của siêu thị.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, không chỉ ở khu vực Tây Nam bộ mà tại Bình Thuận, nhiều chủ doanh nghiệp cũng gấp rút đưa thanh long vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ nhằm tránh lỗ. Nguyên nhân là do Bình Thuận có diện tích hơn 30.000ha, mỗi năm cho sản lượng trái khoảng 500.000 tấn, chủ yếu vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chiếm khoảng 70%.

Theo Sở Công Thương tỉnh này, ngoài tiểu ngạch thì số còn lại được các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu chính ngạch ở một số thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát ở Trung Quốc nên việc xuất khẩu thanh long bị ùn ứ, kéo theo giá sụt giảm mạnh, gây thiệt hại cho người trồng, doanh nghiệp.

Ông Châu Minh Chinh - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp R&T (Bình Thuận) - chia sẻ, hiện tại giá thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua tại vườn chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg. Với giá này mỗi kg doanh nghiệp sẽ lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Không chấp nhận chịu lỗ, ông Chinh cho biết đã gom 10 tấn thanh long vừa mới thu hoạch để tức tốc vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tìm cách tiêu thụ.

Theo ông Chinh, đa số thanh long đưa vào TP. Hồ Chí Minh được bán lẻ với giá khoảng 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư để cho mỗi kg khoảng 9.000 đồng nếu tính thêm phí vận chuyển thì với giá bán 12.000 đồng sẽ giúp doanh nghiệp hòa vốn.

Dự kiến, với tình hình này trong những ngày tới lượng thanh long đưa vào thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ nhiều hơn do bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn của cả nước.

Thùy Dương

Chung tay ‘giải cứu’ dưa hấu cho nông dân Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những ngày qua, dịch nCoV diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ dưa hấu tại thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Để góp phần “giải cứu” dưa hấu cho nông dân, nhiều siêu thị, cá nhân trên địa bàn Gia Lai đã tổ chức thu mua và bán không lợi nhuận.

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Marketing và dịch vụ khách hàng (Siêu thị Co.op Mart Pleiku) cho biết: “Ngay khi có thông tin tình hình tiêu thụ dưa hấu của bà con trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, Ban Giám đốc Siêu thị đã trực tiếp đến khảo sát một số vùng trồng dưa tại thị xã Ayun Pa và thu mua với giá 3.900 đồng/kg. Trong ngày 5-2, Siêu thị đã nhập về 5 tấn dưa và bán ngay hôm sau với giá bằng mức đơn vị thu mua tại ruộng. Sau đó, đơn vị tiếp tục nhập về 2 đợt nữa, nâng tổng lượng dưa hấu thu mua hỗ trợ nông dân lên 15 tấn. Dự kiến, lượng thu mua sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới”. Cũng theo bà Trinh, quá trình khảo sát tại các ruộng dưa, Siêu thị đã tiến hành kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó mới tiến hành thu mua để bán cho người tiêu dùng.

Khách hàng mua dưa hấu tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku để hỗ trợ nông dân. Ảnh: V.T

Cùng với 2 siêu thị Co.op Mart Pleiku và Chư Sê, Siêu thị VinMart Pleiku cũng hỗ trợ thu mua dưa hấu cho nông dân để bán không lợi nhuận với mức giá 3.500 đồng/kg áp dụng từ ngày 7 đến 16-2. Thông tin về việc này, ông Võ Ngọc Trọng-Giám đốc Siêu thị VinMart Pleiku-cho hay: “Siêu thị đã thông qua nhà cung cấp là Hợp tác xã Rau quả An Phú (TP. Pleiku) nhập dưa hấu. Trước mắt, Siêu thị nhập về 10 tấn với giá 3.500 đồng/kg để bán. Thông qua việc tuyên truyền tại điểm bán, khách hàng tham gia ủng hộ khá đông”.

Không chỉ các doanh nghiệp mà rất nhiều cá nhân cũng đã thu mua dưa hấu để bán giúp nông dân. Chị Võ Thị Nguyên Thủy (tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Đẩy mạnh mua dưa hấu trong thời điểm này chính là một việc làm thiết thực giúp đỡ người nông dân. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa khi nó tác động đến ý thức của mỗi người. Tôi đã cùng một số người bạn đến tận ruộng dưa để thu mua cho bà con, đồng thời kêu gọi cộng đồng mạng cùng chung tay tiêu thụ”. Chị Thủy cho biết thêm, với giá bán ra rất rẻ nên người mua ủng hộ rất nhiều, có người mua cả vài trăm ký để làm từ thiện. Ban đầu, giá dưa chỉ 2.000-3.000 đồng/kg nhưng mấy ngày sau khi chiến dịch “giải cứu” lan tỏa sâu rộng thì giá cũng nhích lên theo. Nếu giá tăng lên nữa thì mới mong bà con nông dân bù đắp được phần nào chi phí trong vụ dưa này.

Theo đại diện các siêu thị, lượng dưa hấu của nông dân đã bán ra được khá nhiều. Đặc biệt, thông tin một số cửa khẩu sắp thông quan trở lại khiến các thương lái đang đẩy mạnh thu mua dưa hấu. Giá dưa hấu ngày 9-2 tại một số vùng đã là 5.000 đồng/kg, có nơi thương lái thu mua đến 6.000 đồng/kg. Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Ngay sau khi nắm tình hình về việc tiêu thụ dưa hấu gặp khó khăn, Sở đã tiến hành kết nối với các đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn như Co.op Mart, VinMart để đồng hành hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. Riêng Co.op Mart Pleiku dự kiến sẽ thu mua 40 tấn, VinMart khoảng chục tấn. Cùng với đó, Sở đã làm việc với một số cơ sở thu mua lớn ở huyện Krông Pa, Ia Pa để kết nối với các đầu mối cung cấp hàng cho các tỉnh, thành đẩy mạnh thu mua. Theo đó, một lượng lớn dưa đã tiêu thụ hết. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, không chỉ dưa hấu mà một số loại nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ. Do đó, Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh rau củ quả và các đầu mối cung cấp hàng lớn cho các tỉnh miền Bắc và TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân”.

VŨ THẢO

Lào Cai: Bắc Hà trồng mới 100 ha cây lê địa phương

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Ngay từ đầu năm 2020, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã hỗ trợ nông dân 3 xã Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài và Lùng Phình trồng mới 100 ha cây lê địa phương để tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch.

Diện tích lê được trồng dọc hai bên tuyến đường du lịch từ trung tâm huyện đến xã Lùng Phình, thuộc địa phận 3 xã Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài và Lùng Phình. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ 100% giống, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây phát triển hiệu quả.

Lãnh đạo huyện Bắc Hà kiểm tra diện tích lê mới trồng tại xã Lầu Thí Ngài.

Được biết, cây lê địa phương Bắc Hà có hoa trắng, trước kia cũng là loại cây tạo nên thương hiệu cao nguyên trắng Bắc Hà cùng với hoa mận. Sản phẩm quả lê địa phương những năm gần đây cũng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, với giá bán bình quân 40.0000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết, cây lê địa phương Bắc Hà có năng suất trung bình đạt khoảng 8 tấn quả/ha, mỗi ha thu hoạch mang lại cho người dân trên 300 triệu đồng. Việc trồng lại cây lê địa phương nhằm chuyển đổi vùng trồng cây kém hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch cho huyện Bắc Hà.

ĐỨC NGUYỄN

Lâm Đồng: Nông dân Đức Trọng tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai lang

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển diện tích trồng khoai lang, đem lại nguồn thu nhập ổn định và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vụ Đông Xuân 2020, nông dân trên địa bàn huyện Đức Trọng trồng 479 ha khoai lang, tăng 83 ha so với cùng kỳ; trong đó chủ yếu vẫn là giống khoai lang Nhật. Diện tích trồng khoai lang tập trung nhiều nhất tại thị trấn Liên Nghĩa và xã Phú Hội. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá phù hợp nên nhiều vườn khoai lang trên địa bàn huyện phát triển khá tốt, cho năng suất cao, đạt khoảng hơn 260 tạ/ha.

Hiện nay, giá thu mua khoai lang tương đối cao, khoảng 10 đến 15 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình 1 ha trồng khoai lang cho thu nhập từ 260 đến 300 triệu đồng/vụ. Mặt khác, thị trường thu mua khoai lang khá ổn định, ngoài các thương lái đến thu mua tươi thì một số công ty chế biến nông sản cũng cần nguồn cung ứng khoai lang nên nông dân yên tâm sản xuất.

N.MINH

Nhà nông trồng điều giỏi

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Trong thời đại khoa học, kỹ thuật phát triển, người trồng điều phải biết nắm bắt và áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Cây điều thuộc loại dễ trồng, không kén đất, đặc biệt trồng trên đất đỏ bazan và áp dụng đúng quy trình khoa học, kỹ thuật sẽ cho năng suất cao. Tuy nhiên, việc chọn giống điều rất quan trọng, bởi nó quyết định năng suất và chất lượng hạt điều. Đó là chia sẻ của anh Vũ Văn Hiền (SN1970), ngụ khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Quê Thái Bình, năm 1980, anh Hiền theo cha mẹ vào tỉnh Kiên Giang lập nghiệp. Cuộc sống nơi vùng quê sông nước gặp muôn vàn khó khăn. Năm 2002, gia đình anh chuyển lên Bình Phước sinh sống và cư ngụ tại khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú. Dồn hết vốn, anh mua được 3,5 ha đất trồng điều và cao su. Trong những năm đầu, anh chưa hiểu rõ về quy trình chăm sóc, quá trình sinh trưởng của cây... nên điều cho năng suất thấp. Sau đó, anh thường xuyên tham gia các lớp khuyến nông và tham quan, học hỏi những mô hình trồng điều cho năng suất cao để áp dụng thực tế. Anh nhận thấy, với hơn 1 ha điều già, giống cũ năng suất thấp cần phải chuyển đổi trồng điều giống mới. Năm 2016, anh được cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam giới thiệu giống điều mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Bình Phước. Cũng trong năm đó, anh đầu tư mua giống điều AB0508 về trồng, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ trung tâm, đến nay, vườn điều phát triển tốt. Anh dự tính vụ điều năm nay sẽ đạt 3,5 tấn/ha và năng suất sẽ còn tăng cao.

Anh Vũ Văn Hiền và giống điều AB0508 trĩu trái

Anh Hiền nói vui: Giống điều mới như “mì ăn liền”, trồng năm thứ 2 đã cho thu hoạch. Giống này thân cây nhỏ, thấp, trĩu trái, dễ thu hái. Trên mỗi cành cho 30-40 chùm bông, 1 chùm bông thu được gần 100g hạt, mỗi cành chỉ cần dưỡng 20 chùm bông. Bên cạnh đó, giống điều AB0508 ra nhiều đợt trái. Nếu so sánh với giống điều truyền thống (ươm từ hạt) phải mất 4-5 năm mới cho trái và năng suất ban đầu chỉ vài tạ/ha, thì giống này cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Không chỉ thu hoạch với năng suất vượt trội, chủ vườn còn có thể bán chồi cho những người có nhu cầu ghép nhân giống. Đây là giống điều chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của khí hậu. Hơn nữa, giống điều này giảm chi phí đầu tư phân bón và nhân công.

Khi chúng tôi đến thăm vườn điều cũng là lúc cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều, trụ sở tại Bến Cát, Bình Dương, đang thử nghiệm sử dụng chế phẩm phân bón lá Nano cho cây điều. Anh Đào Văn Hoàng, cán bộ trung tâm, cho biết: Chúng tôi chọn vườn điều gia đình anh Hiền là một trong 3 mô hình thí điểm tại Bình Phước để thử nghiệm. Đây là mô hình trồng điều đủ điều kiện, như: Điều giống mới cao sản, người trồng thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật... Tuy nhiên, để năng suất cao, giống điều AB0508 phải được chăm sóc kỹ. Nhà nông phải thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời.

Nhìn vườn điều được vệ sinh sạch sẽ, trĩu trái chuẩn bị vào vụ thu hoạch, mới thấy được những tâm huyết của anh Hiền. Với những nỗ lực trong phát triển sản xuất, năm 2018, anh được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Khắc Bảy

Tuyên Quang: Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP: Bảo đảm phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Năm 2019, phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ phải gồng mình chống đỡ dịch tả lợn châu Phi, thì nhiều cơ sở, doanh nghiệp và trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, an toàn sinh học, vững tin “vượt bão”, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xy, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) quy mô 500 con/lứa và 100 lợn nái đã được cấp chứng nhận VietGAP. Chị Nguyễn Thị Thịnh cho biết, khi chưa áp dụng đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt còn cao, tốc độ tăng trưởng của đàn vật nuôi chậm, hiệu quả chăn nuôi đạt thấp. Năm 2017, được sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, gia đình chị bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP. Sau 1 thời gian thực hiện, chị Thịnh đã thấy sự thay đổi tích cực so với cách nuôi theo phương thức cũ, đàn lợn sinh trưởng tốt, tỷ lệ lợn bị hao hụt thấp, lợi nhuận cao hơn. Từ tháng 8 - 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình chị Thịnh xuất chuồng khoảng trên 20 tấn lợn thịt, doanh thu đạt khoảng trên 100 triệu đồng, cao hơn 20% so với khi chưa áp dụng VietGAP. Áp dụng quy trình vietGAP, đàn lợn sẽ tăng sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.

Trang trại chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín của ông Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã hạn chế được tối đa dịch bệnh xâm nhập.

HTX chăn nuôi lợn Tiến Dũng, thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận (Yên Sơn) áp dụng phương pháp chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học đã đi qua “cơn bão” một cách an toàn nhất. Ngoài tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho lợn theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, không chất tăng trưởng, không chất kháng sinh, HTX còn tổ chức thành công chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, chăn nuôi đến giết thịt và phân phối sản phẩm. Chủ động từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm giúp HTX điều tiết sản xuất, hạn chế dịch bệnh xâm nhập trong quá trình nhập con giống và tiêu thụ lợn thịt đến kỳ xuất chuồng.

Chăn nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học đã mang lại nhiều lợi ích, dịch bệnh được kiểm soát, sản phẩm chất lượng, thuận lợi trong tiêu thụ, tăng thu nhập của người chăn nuôi; người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, số lượng trang trại chăn nuôi lợn áp dụng cũng như được cấp chứng nhận VietGAP, an toàn không nhiều. Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh mới có 5 trang trại, HTX được cấp chứng nhận VietGAP, an toàn sinh học và khoảng 10 trang trại khác đang áp dụng theo hướng VietGAP, trong khi đó toàn tỉnh có gần 200 trang trại với tổng đàn lợn khoảng 500.000 con.

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, chăn nuôi lợn là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y nên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Bài học đắt giá nhất là dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh đã làm thiệt hại nặng nề, với 4.000 hộ chăn nuôi bị tổn thất, số lợn nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy lên gần 29.000 con, tương đương với trên 1.400 tấn, thiệt hại lớn nhất trong ngành chăn nuôi từ trước đến nay. “Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống, nhiều trang trại, gia trại, hộ gia đình tái đàn trở lại, vấn đề phải làm ngay lúc này là phải áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn, từ con giống, chăm sóc, công tác phòng, trừ bệnh. Người chăn nuôi cũng nên thay đổi tập quán chăn nuôi, nên đầu tư làm chuồng kín với đủ thiết bị làm mát về mùa hè, ấm về mùa đông sẽ hạn chế chuột, bọ xâm nhập làm lây lan dịch bệnh. Làm được điều này sẽ hạn chế dịch bệnh, giảm thiệt hại, bảo đảm ngành hàng chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Lào Cai: Hiệu quả mô hình nuôi vỗ béo gia súc ở Gia Phú

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Những con trâu, bò gầy trơ xương chỉ sau vài tháng chăm sóc theo phương thức đặc biệt đã béo lên trông thấy. Đây là mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Loãn (thôn Xuân Tư) làm nghề nuôi vỗ béo gia súc đã hơn chục năm nay. Ông Loãn đi khắp các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận tìm mua trâu khung, bò khung (tức trâu, bò gầy) về nuôi vỗ béo. Sau khi mua về, trâu, bò được chăm sóc đặc biệt, cho ăn cỏ, thức ăn tinh, cám tăng trọng, bã bia… và được tẩy giun, tiêm phòng, cho nghỉ ngơi, chăn thả để săn chắc. Thông thường, sau khoảng 2 đến 3 tháng là những con trâu, bò gầy bắt đầu béo lên, khỏe mạnh hơn, đảm bảo lượng thịt hoặc có sức khỏe để có thể xuất bán lấy thịt hoặc người dân mua về lấy sức kéo. Nhằm đảm bảo lượng thức ăn cho đàn gia súc, ông Loãn chủ động trồng cỏ voi, ngô dày, cây chuối kết hợp với chăn thả. Gia đình ông luôn duy trì đàn trâu, bò khoảng 40 - 50 con. Đây cũng như một điểm trung chuyển, mua và bán trâu, bò từ nhiều địa phương. Ông Loãn cho biết: Bình quân mỗi con trâu, bò sau khi vỗ béo, gia đình tôi lãi 6 triệu đồng. Trước đây, chưa có kinh nghiệm thì nuôi thả rông, bây giờ tôi chuyển sang nuôi bán công nghiệp nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những con bò gầy trơ xương được ông Nguyễn Ngọc Loãn, thôn Xuân Tư chăm sóc đặc biệt.

Xã Gia Phú hiện có khoảng 20 hộ làm nghề nuôi vỗ béo gia súc, tập trung tại các thôn: An Thành, Khe Luộc, Xuân Tư, Tả Thàng. Khác với chăn nuôi thông thường, gia súc nuôi vỗ béo được cho ăn kết hợp thức ăn tinh và thức ăn xanh, một số hộ đầu tư mua thêm bã bia và tinh bột đã lên men, cám viên tăng trọng. Hiện việc nuôi trâu, bò để lấy sức kéo đã không còn nhiều, bởi việc cơ giới hóa nông nghiệp với sự thay thế của các loại máy hiện đại. Gia súc lớn như trâu, bò được nuôi chủ yếu lấy thịt. Xã Gia Phú gần thành phố Lào Cai nên thị trường tiêu thụ rộng, có nhiều đồi bãi tự nhiên dành cho việc chăn thả nên đây được coi là một trong những xã phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi gia súc lớn của huyện Bảo Thắng. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi lợn, nhiều hộ đã chủ động chuyển sang nuôi trâu, bò, đặc biệt là theo phương thức nuôi vỗ béo để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Phạm Văn Hùng (thôn Hòa Lạc) vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng mua trâu, bò và xây dựng chuồng nuôi vỗ béo gia súc. Ngoài ra, anh thuê thêm đất trồng cỏ, liên hệ với nhà máy sản xuất bia để mua bã bia. Anh Hùng cho biết: Mua trâu, bò cũng phải có nghề. Phải chọn được những con trâu, bò dù gầy nhưng vẫn khỏe mạnh, không bị bệnh, chịu ăn mới có thể vỗ béo được. Trước khi đầu tư mô hình này, tôi đã đi học hỏi ở nhiều nơi trong tỉnh và tham quan mô hình ở tỉnh Phú Thọ. Nhận thấy đây là mô hình triển vọng nên tôi mới mạnh dạn đầu tư.

Xã Gia Phú hiện có 2.700 con trâu, khoảng 800 con bò. Phát huy lợi thế về chăn nuôi gia súc lớn, xã Gia Phú được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp khi tham gia các dự án như “Nâng cao tầm vóc đàn trâu”, “Nuôi vỗ béo và cải tạo đàn bò địa phương”. Khi tham gia dự án, người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ thức ăn và con giống, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Ông Lưu Hoàng Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: Thực tế nuôi gia súc lớn, đặc biệt nuôi vỗ béo gia súc là chăn nuôi an toàn, ít rủi ro từ thị trường. Khó khăn khi nuôi vỗ béo gia súc là vốn đầu tư lớn, để có quy mô thì vốn có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Hiện nay, trâu, bò sau khi vỗ béo chủ yếu nội tiêu, rất dễ tiêu thụ do nguồn cung thiếu mà thị trường tiêu thụ lớn nhất là thành phố Lào Cai với giá thành rất ổn định, ít khi biến động. Thời gian tới, xã tiếp tục phát huy lợi thế về nuôi gia súc lớn, tăng tổng đàn, chủ yếu là đàn bò và khuyến khích người dân đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

THÚY PHƯỢNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop