Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 03 năm 2021

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng nhãn hương chi

Nguồn tin: Báo Báo Đắk Lắk

Trước đây, trên diện tích 1,1 ha đất của gia đình, anh Trần Văn Cao (ở thôn 6, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) trồng cà phê song hiệu quả kinh tế không cao.

Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, qua hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và tham khảo ti vi, sách báo, anh Cao nhận thấy cây nhãn hương chi khá phù hợp với chất đất và điều kiện khí hậu tại xã Ea Hu nên bàn với gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2015, anh Cao tìm đến một số mô hình trồng nhãn hương chi cho hiệu quả cao ở huyện M’Drắk học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và mua giống nhãn về trồng trên 1,1 ha đất của gia đình. Nhờ cần cù chịu khó, áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc nên vườn nhãn hương chi gần 900 cây của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Trần Văn Cao (bên trái) trong vườn nhãn hương chi của gia đình.

Sau 3 năm, cây nhãn bắt đầu cho thu hoạch. Anh Cao tiến hành cắt tỉa, chỉ để lại trung bình mỗi cây từ 25 - 30 cành và mỗi cành chỉ lấy từ 1 - 2 kg quả; anh tiến hành chăm sóc để cây ra quả gối vụ và không trùng với chính vụ của nhãn lồng phía Bắc. Nhờ vậy, sản phẩm nhãn hương chi của gia đình anh luôn được thương lái vào tận nơi thu mua mà không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Với giá bán tại vườn dao động từ 23.000 – 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ nhãn, gia đình anh thu lãi từ 350 - 400 triệu đồng/ha; thu nhập cao hơn hẳn so với trồng cà phê trước đây…

Không dừng lại ở việc trồng cây lấy quả, gia đình anh Cao còn sản xuất cây giống bằng phương pháp chiết cành bán cho bà con trong thôn và các xã lân cận với giá 35.000 – 40.000 đồng/cây. Cây nhãn chiết được trồng phát triển mạnh, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng khá nhanh, sau 3 - 4 năm là cho thu hoạch.

Hiện nay, mô hình trồng nhãn hương chi đang được nhiều nông dân xã Ea Hu triển khai áp dụng. Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trồng nhãn hương chi tại xã Ea Hu có 15 hộ tham gia với diện tích trên 15 ha. Thành công từ mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức, cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nơi đây.

Quỳnh Liên

Tuyên Quang: Xúc tiến tiêu thụ cam sành cuối vụ

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Vụ cam 2020 - 2021, huyện Hàm Yên đạt sản lượng khoảng 75 - 80 nghìn tấn. Hiện tại, các nhà vườn mới thu hoạch được khoảng trên 65 nghìn tấn. Lượng cam sành cuối vụ chưa được thu hoạch còn lại khá lớn, do đó huyện đang tìm mọi giải pháp để tiêu thụ cam còn cho bà con.

Nguyên nhân sản lượng cam cuối vụ còn nhiều là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là ở một số thị trường tiêu thụ cam rất lớn cho Hàm Yên như Hải Dương, Quảng Ninh và thành phố Hà Nội. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều trang trại, nhà vườn có tâm lý giữ giá khiến sản lượng cam đến thời điểm này còn khá lớn, giá cam giảm sâu.

Vườn cam 5 ha của ông Mai Văn Đàm, thôn Nắc Con, xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã chín đỏ nhưng ông mới thu hoạch được khoảng 30% sản lượng. Ông Đàm chia sẻ, những năm trước cam cuối vụ rất được giá, điển hình như vụ cam năm 2017 - 2018 giá bán cam tại vườn từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, vụ cam 2019 - 2020 rẻ nhất cũng được 9.000 - 10.000 đồng/kg nhưng đến năm nay đã xuống chỉ còn có 4.000 - 5.000 đồng tại vườn. Ông Đàm bảo, với giá như vậy tiền công thuê cắt mất 1.000 đồng/kg, ông chỉ còn được 3.000 đồng/kg, trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ không còn đồng công nào, chưa nói đến lời lãi.

Các vườn cam sản xuất theo quy trình VietGap của người dân tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cũng chịu cảnh tương tự. Cam chín đỏ vườn nhưng cũng chỉ lác đác các đơn hàng nhỏ lẻ 1 - 2 tạ. Ông Nguyễn Trọng Lịch, tổ dân phố Đồng Bàng cho biết, gia đình ông có 2 ha cam, ước tính sản lượng đạt 30 tấn, tuy nhiên suốt từ tháng 11-2020 đến nay, gia đình mới chỉ thu hoạch được 10 tấn, hiện còn khoảng 20 tấn cam vẫn treo trên cây. Lo ngại cam rụng sẽ tổn thất, ông Lịch nhận tất cả các đơn hàng từ mua chọn, đến mua xô, được giá là bán. Theo ông Lịch, thu hoạch nhỏ giọt như hiện nay, sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi, ra hoa của cam vụ sau nhưng cũng không còn cách nào khác bởi nếu cố giữ cam chín, gặp thời tiết nồm ẩm trút xuống còn xót xa hơn nhiều.

Ông Đỗ Tiến Thành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Đồng Bàng cho rằng, sản lượng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tổ vẫn còn khá lớn, ước đạt khoảng 150 tấn.

Trước thực trạng cam cuối vụ còn tương đối lớn, UBND huyện Hàm Yên yêu cầu Công ty Cam sành Hàm Yên, các hợp tác xã dịch vụ mở rộng thị trường tiêu thụ cam về các chợ đầu mối, siêu thị tại các thành phố lớn. Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube để kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam sành. UBND huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ cam. Trong tháng 1 vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã kết nối thành công và ký biên bản ghi nhớ đôi bên giữa Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên và hệ thống Siêu thị Vinmart tại Hà Nội và Hợp tác xã Phong Lưu, xã Phù Lưu với Siêu thị BigC Hà Nội để tiêu thụ cam sành.

Người dân tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) thu hoạch cam cuối vụ.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Giám đốc Kinh doanh, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên cho biết, theo hợp đồng trung bình mỗi ngày công ty cung ứng từ 5 - 7 tấn cam sành VietGAP vào hệ thống Siêu thị Vinmart.

Ông Nông Văn Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) khẳng định, hiện tại HTX duy trì cung ứng 10 tấn cam vào thị trường Hà Nội, trong đó có 5 tấn vào siêu thị Big C và 5 tấn vào chợ đầu mối Long Biên. Ông Nghiệp cam kết, tiêu thụ hết sản lượng cam trên đất Phù Lưu, HTX sẽ chuyển sang các xã Yên Lâm, Bạch Xa những vùng có chất lượng cam tốt để tiêu thụ cam cho bà con.

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả Hàm Yên mong muốn, bên cạnh sự vào cuộc của huyện và ngành liên quan, các thương lái, người tiêu dùng thay vì kinh doanh, sử dụng sản phẩm hoa quả nhập khẩu, ưu tiên lựa chọn sản phẩm cam sành Hàm Yên; người trồng cam cũng chủ động liên kết tìm kiếm bạn hàng để tiêu thụ, tuyệt đối găm hàng đợi giá. Bởi điều này sẽ làm giảm chất lượng cũng như giá trị cam.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành Hàm Yên, các địa phương, đặc biệt là người trồng cam phải sớm tính toán, có kế hoạch đầu tư sản xuất bài bản, thay vì chạy theo sản lượng, năng suất, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế qua kiểm tra tại các trang trại, nhà vườn trồng cam, tỷ lệ cam loại A, tức cam đạt đủ 2 tiêu chuẩn mẫu mã và chất lượng không nhiều, khiến cho sức cạnh tranh của cam bị giảm sút. Cùng với đó, các nhà vườn cũng cần bổ sung các loại giống cam mới có chất lượng cao vào trồng để rải vụ, đa dạng hóa sản phẩm cam; mở rộng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo đảm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cam Hàm Yên.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Hiệu quả từ luân canh dưa hấu - khoai lang

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Tại Hội nghị sơ kết chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” năm 2020 do UBND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, tổ chức, anh Nguyễn Văn Diện (ấp Pháo Đài, xã Phú Tân) đã gây chú ý khi báo cáo tham luận mô hình, mang theo cả dây dưa hấu có trái để trình bày kỹ thuật chăm sóc của mình.

Theo anh Diện, dưa hấu thích nghi với vùng đất Pháo Đài nên cho năng suất cao và chất lượng không thua kém dưa hấu trồng ở các vùng khác như huyện Chợ Gạo, khu vực Gò Công… Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, hằng năm, anh trồng luân canh dưa hấu với khoai lang.

Anh Nguyễn Văn Diện đang chăm sóc ruộng khoai lang của gia đình.

Đầu năm trồng dưa hấu, sau khi thu hoạch xong vụ dưa, anh Diện cải tạo lại đất trồng khoai lang. Kết thúc vụ khoai lang, anh trở lại trồng dưa hấu, cứ luân phiên như thế, mỗi năm anh sản xuất 2 vụ dưa và 2 vụ khoai.

Anh Diện cho biết, đất cát ven biển và phù sa ven sông rất thích hợp với dưa hấu. Thế nhưng, người trồng không nên trồng dưa hấu liên tục trong một năm trên một diện tích, vì như thế sẽ dễ xuất hiện bệnh chạy dây, nứt thân… Khoảng thời gian trồng giữa 2 vụ dưa càng xa càng tốt. Trước khi trồng, nông dân cần xử lý đất bằng vôi, lên liếp để không bị ngập khi mưa lớn, giúp dưa tăng trưởng tốt. Từ cách làm đó, sau khoảng 55 đến 60 ngày, dưa cho thu hoạch năng suất bình quân từ 30 đến 35 tấn/ha.

Với diện tích canh tác 5.000 m2, trong năm 2020, anh Diện đã trồng 2 vụ dưa hấu, thu hoạch trên 32 tấn. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, anh thu lãi 200 triệu đồng.

Về khoai lang, anh Diện cho biết người trồng nên thường xuyên tưới giữ ẩm để khoai phát triển tốt và có củ to, cắt tỉa bớt những nhánh dây ra trước và nằm sát mặt đất. Trong năm 2020, với 2 vụ khoai được trồng xen canh với dưa hấu, anh Diện đã thu hoạch được 20 tấn khoai, bán giá 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Như vậy, với diện tích canh tác 5.000 m2 đất trồng dưa hấu kết hợp với khoai lang, anh Diện đã thu lãi trên 300 triệu đồng trong năm 2020. Ngoài ra, tận dụng đất trống quanh nhà, anh đào ao thả cá và chăn nuôi để có thêm thu nhập.

Nhờ thực hiện mô hình kinh tế kết hợp trên, đến nay cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định, có điều kiện xây nhà kiên cố khang trang. Kết quả đó, anh Nguyễn Văn Diện được công nhận là điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện năm 2020.

HỮU DƯ

Khát vọng xây dựng thương hiệu măng tây Thái Bình

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Măng tây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, tuy nhiên nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ loại cây trồng này - đó là chia sẻ, cũng là trăn trở của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ (HTX NNHC) Quỳnh Phụ ở xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) khi thực hiện dự án phát triển chuỗi nhà vườn măng tây tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Vườn măng tây của HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ.

Ông cũng quyết tâm xây dựng thương hiệu măng tây Thái Bình nhằm đánh thức tiềm năng đất đai và tạo ra cơ hội đổi đời cho nông dân.

Nhiều người dân trong tỉnh đã quen với hình ảnh ông Nguyễn Thành Trung có mặt ở các hội chợ để giới thiệu và bán các sản phẩm NNHC của nông dân như khoai tây, vừng, lạc, đậu tương và măng tây. Nhưng ít người biết rằng ông đang sở hữu một vườn măng tây rộng 4,5ha ở xã Quỳnh Giao cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Ông Trung cho biết: Cây măng tây xuất hiện ở Thái Bình cách đây hàng chục năm nhưng chưa phát huy hiệu quả kinh tế và không thể nhân rộng diện tích. Nhiều nông dân đã đầu tư trồng măng tây xong lại phải bỏ, nguyên nhân chính vẫn là thiếu kiến thức về trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sau khi tự nghiên cứu và học hỏi, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành của Viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Trung hiểu rằng cây măng tây không dễ trồng, vốn đầu tư lớn nhưng nó mang lại thu nhập rất cao nên nhận thấy đây chính là cơ hội làm giàu và quyết tâm đầu tư. Ông sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để kiểm soát độ ẩm của đất, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, cắt tỉa thay thế cây chủ nhằm bảo đảm cho cây măng tây luôn khỏe, phát triển lâu dài và cho sản lượng cao nhất. Mỗi héc-ta, ông thu hoạch được gần 12 tấn măng/năm, ngoài ngọn măng được bán cho các nhà hàng, khách sạn, phần còn lại được chế biến thành trà thảo dược măng tây nên cho giá trị đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả kinh tế cao, đầu ra sản phẩm thuận lợi, ông Trung mong muốn phát triển vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm măng tây cho chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân trong tỉnh. Để hiện thực ước mơ đó, ông đã vận động 7 thành viên tham gia góp vốn hơn 5 tỷ đồng, thành lập HTX NNHC Quỳnh Phụ, đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây ở một số địa phương trong tỉnh. Đến nay, HTX đã liên kết đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho 6 nhà vườn trồng măng tây của các hộ nông dân ở 4 huyện: Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng. Ông Phạm Văn Lành, xã Vũ Hội (Vũ Thư) chia sẻ: Tôi tham gia liên kết với HTX NNHC Quỳnh Phụ để trồng 1 mẫu măng tây. Vốn đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng gồm giống, phân bón, công làm đất và trồng; khi thu hoạch sản lượng đạt hơn 4 tấn/năm, bán với giá 55.000 đồng/kg cho thu nhập 220 triệu đồng.

Cũng như ông Lành, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao và được tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch măng tây, vừa qua, bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Mê Linh (Đông Hưng) cũng liên kết với HTX NNHC Quỳnh Phụ, thuê mượn tích tụ ruộng đất của nông dân trong xã được gần 1ha đầu tư trồng măng tây. Bà Hoa cho biết: Những bờ xôi ruộng mật một thời của nông dân bị bỏ hoang vì không có người canh tác và hiệu quả kinh tế không cao, tôi rất xót xa nên mạnh dạn vận động bà con cho thuê lại để đầu tư trồng măng tây. Nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật, có máy móc hỗ trợ sản xuất, có đầu ra tiêu thụ ổn định tôi tin mô hình sẽ thành công.

Trước mắt, mục tiêu của HTX NNHC Quỳnh Phụ phấn đấu phát triển khoảng 100ha trồng măng tây bảo đảm đủ sản lượng cung cấp cho khách hàng. Được biết, các sản phẩm măng tây xanh và trà măng tây xanh của HTX đều được đăng ký và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Bình cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để sản phẩm từ măng tây của HTX NNHC Quỳnh Phụ tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng và thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng lớn. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thành Trung cho biết: Đích cuối của HTX NNHC Quỳnh Phụ hướng đến là xây dựng vùng nguyên liệu măng tây đủ lớn, kiểm soát tốt về chất lượng và liên kết các nhà vườn lại cùng chung tay xây dựng thương hiệu măng tây Thái Bình trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hướng tới xuất khẩu loại nông sản này.

Khắc Duẩn

Diêm dân thời @

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

Ấp Lưu Hoa Thanh (xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có hơn 50 hộ dân làm muối, riêng muối trải bạt có hơn 10 hộ. Nhận thấy khâu thu hoạch muối từ trước đến nay dùng sức người khá vất vả, cuối năm 2020, ông Dương Văn Minh (ấp Lưu Hoa Thanh) cùng với một số diêm dân đến huyện Ðông Hải (tỉnh Bạc Liêu) để tham quan, học hỏi chế tạo máy thu hoạch muối.

Máy kéo muối có năng suất lao động cao hơn cách làm truyền thống.

Sau thời gian mày mò, chiếc máy thu hoạch muối được ông Minh hoàn thiện. Ðầu năm 2021, ông Minh “trình làng” chiếc máy này trên ruộng muối của gia đình, được đông đảo diêm dân đến xem.

Ông Minh cho biết, chiếc máy này hoạt động bằng động cơ xe máy chế lại (có ròng rọc), nhiên liệu sử dụng bằng xăng, dụng cụ cào được làm bằng gỗ và kim loại. Tuy không dùng sức lực nhiều, nhưng mỗi lần máy hoạt động, cần từ 2-3 người hỗ trợ điều khiển dụng cụ cào để kéo gom muối vào bạt.

Chỉ bằng một động cơ xe máy có sử dụng ròng rọc, muối sẽ được kéo thẳng vào bạt, giúp giảm sức lao động cho diêm dân.

“Gia đình tôi làm muối đã 3 đời, hơn 30 năm, giờ có máy này ai cũng mừng. Chiếc máy cũng là ước mơ của bà con làm muối ở đây, từ nay, gia đình tôi và bà con sẽ đỡ cực hơn vì năng suất lao động được tăng lên”, bà Trần Thị Ðầm phấn khởi chia sẻ.

Người điều khiển không cần dùng nhiều sức, chỉ cần giữ cho cần kéo được thẳng hàng.

Anh Dương Thanh Hải (cùng ấp) cho biết: "Trước đây làm muối, bà con phải dùng cây cào cào muối vô thúng rồi vận chuyển bằng xe rùa. Khi có máy này, mình cào muối thẳng vào bạt luôn, rất tiện lợi. Tính ra chi phí cho máy khoảng 1 triệu đồng, động cơ khoảng 2 triệu đồng. Cần cào có chiều ngang khoảng 4 m, cao khoảng 0,4 m, rất tiện lợi, bà con nào cũng sử dụng được".

Diêm dân ấp Lưu Hoa Thanh đang dần tiến tới sản xuất muối trải bạt, rồi đây máy kéo muối sẽ thay thế những chiếc “xe rùa”.

“Khoảng 1.000 m2, nếu làm truyền thống mất khoảng 1 ngày, vừa cào vừa đẩy; còn nếu làm máy thì chỉ buổi sáng là xong”, anh Hải cho biết.

Xã Tân Thuận có truyền thống sản xuất muối lâu đời và duy nhất của tỉnh Cà Mau. Trong đó, ấp Lưu Hoa Thanh là nơi sản xuất tập trung của xã, với diện tích gần 170 ha.

Khởi động năm mới cùng chiếc máy thu hoạch muối, diêm dân xã Tân Thuận rất phấn khởi, tin tưởng vào vụ mùa thắng lợi./.

Nhật Minh thực hiện

Huyện Phú Giáo (Bình Dương): Có 140 trang trại trồng trọt và chăn nuôi

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) có 140 trang trại, trong đó có 5 trang trại trồng trọt, 135 trang trại chăn nuôi. Theo đó, tổng diện tích đất đang sử dụng của trang trại là 417,39 ha, trong đó đất trồng trọt 341,81 ha, chăn nuôi 74,18 ha, nuôi trồng thủy sản 0,6 ha. Số lượng heo của trang trại khoảng 243.624 con, gia cầm 1.639.900 ngàn con. Giá trị thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của trang trại là 3.335 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông lâm thủy sản bán ra là 3.335 tỷ đồng. Số lao động thường xuyên của trang trại 1.177 người.

THOẠI PHƯƠNG

Mạnh dạn phát triển kinh tế từ nuôi gà Ai Cập

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Qua tìm hiểu, anh Lý Anh Thành (thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nhận thấy trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều trang trại nuôi gà thịt thông thường quy mô lớn nhưng nuôi gà Ai Cập đẻ trứng thương phẩm thì chưa có nhiều người nuôi. Cho rằng đây có thể là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh bắt tay vào thực hiện.

Năm 2019, anh Thành đầu tư 150 triệu đồng xây dựng trang trại, hệ thống thiết bị chăn nuôi gà. Năm đầu, anh Thành nhập 500 con gà giống để nuôi, với chi phí khoảng 23.000 đồng/con. Lứa gà đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên 1.000 con gà Ai Cập… không chịu đẻ trứng hoặc đẻ trứng kém. Trứng gà đẻ lại không đảm bảo chất lượng nên giá bán không cao, anh lỗ gần 50 triệu đồng. Không nản chí, anh Thành quyết tâm làm lại từ đầu. Anh tạm gác việc nhà, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ một số mô hình chăn nuôi gà Ai Cập ở các tỉnh lân cận. Sau khi có kiến thức cơ bản, anh nhập hàng nghìn con giống về nuôi tiếp. Lần này, thành công đã đến với anh, đàn gà lớn nhanh, khỏe mạnh, đẻ trứng nhiều.

Anh Lý Anh Thành thu hoạch trứng gà.

Trang trại gà của gia đình anh Thành có diện tích 500 m2, được chia làm hai dãy chuồng: một dãy chuồng chuyên nuôi gà lồng và một dãy chuồng để nuôi gà hậu bị. Trang trại của anh đang nuôi 2.500 con gà, mỗi ngày anh thu hoạch 2.000 quả trứng. Với giá bán 1.500 - 1.800 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh lãi 15 triệu đồng.

Theo anh Thành, gà Ai Cập trắng với đặc tính đẻ dày, dễ chăm sóc, trung bình một con gà mái có thể đẻ 250 quả trứng/năm. Giống gà này có đặc điểm đẻ trứng nhiều, trứng to hơn gà thường, chất lượng trứng nhiều lòng đỏ và thơm ngon, rất được khách hàng ưa chuộng, có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Gà con từ lúc mua giống về nuôi đến khoảng 5 tháng là bắt đầu đẻ trứng, từ tháng thứ sáu gà sẽ đẻ liên tục, sau một năm sẽ thay lứa mới. Số gà thải loại, anh bán thương phẩm với giá bán 45.000 đồng/kg.

Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi gà Ai Cập, anh Thành cho biết, cần chú trọng khâu chọn giống để đàn gà luôn khỏe mạnh. Đối với gà đẻ trứng, thức ăn chủ yếu là cám, bắp; nước uống phải đảm bảo vệ sinh, nước được lọc qua một lớp cát đen (có độ dày 1 m) để đảm bảo luôn sạch, ngăn ngừa dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, anh thường xuyên rắc men vi sinh lên phân gà để khử mùi hôi, một tháng dọn phân một lần. Để gà đẻ đều, chất lượng trứng đảm bảo, cần tạo môi trường thoáng mát, có hệ thống chiếu sáng, cung cấp nước uống tự động, quạt thông gió hút mùi. Sau khi kết thúc một lứa nuôi, cần tổng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát khuẩn trong và ngoài chuồng. Sau 10 tháng gà đẻ liên tục, thay thế gà hậu bị để bắt đầu một lứa mới.

Đoàn Dũng

Bắc Kạn: Liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở Thượng Giáo

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở hai thôn Nà Ché, Nà Tạ, xã Thượng Giáo (Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) được nhiều hộ dân đầu tư phát triển về số lượng và quy mô chuồng trại. Bà con chủ động liên kết theo tổ nhóm, hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi và tìm đầu ra ổn định.

Thôn Nà Ché có 71 hộ dân thì có gần 40 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản. Là một trong những người chăn nuôi trâu vỗ béo nhiều năm, ông Hà Văn Dũng cho biết: "Địa bàn thôn giáp với xã Nghiên Loan (Pác Nặm) nên có lợi thế là gần chợ trâu, bò, thuận lợi cho việc mua bán, lựa chọn vật nuôi theo mục đích và cách thức chăn nuôi. Không giống như một số mô hình nuôi trâu, bò ngắn ngày, gia đình tôi chủ yếu lựa chọn những con trâu nhỏ và vừa, nuôi vỗ béo trong khoảng 1 năm. Sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 20 triệu đồng/con. Ngoài ra, một số ít trâu, bò khác cũng được nuôi vỗ béo trong khoảng thời gian từ 1,5 – 2,5 tháng, cho lợi nhuận khoảng 2 - 3 triệu đồng/con".

Hơn một năm nay, gia đình ông Dũng đầu tư mở rộng thêm khu nuôi nhốt với tổng số 13 ô chuồng và duy trì đều đặn số lượng 10 con trâu. Để đảm bảo nguồn thức ăn, ông chuyển đổi đất soi bãi, đất ruộng kém hiệu quả sang trồng gần 1ha cỏ các loại. Đồng thời tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô tươi, lá mía... để ủ chua làm thức ăn. Thường xuyên bổ sung thêm khoáng chất, tiêm phòng, trừ ký sinh trùng, các bệnh thường gặp như tụ huyết trùng, lở mồm long móng..., đảm bảo khu chuồng chăn nuôi khô thoáng, sạch sẽ. Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình có nguồn thu đều đặn.

Mặc dù mới tập trung chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được gần 3 năm nay nhưng anh Dương Văn Trần, thôn Nà Tạ đã kết nối được với nhiều đầu mối tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi nhốt được xây dựng tách biệt với khu dân cư, anh Trần cho biết: "Xác định chăn nuôi lâu dài nên gia đình tôi thuê máy móc san gạt khu đất đồi thấp, xây dựng khu nuôi nhốt rộng hơn 800m2, vừa đảm bảo vấn đề môi trường, vừa dễ chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh. Có những lúc cao điểm, khu nuôi nhốt của gia đình tôi có gần 50 con trâu, bò; mỗi ngày tiêu thụ hết hàng tấn cỏ tươi. Trâu, bò sau khi vỗ béo được vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn...".

Mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo của gia đình ông Hà Văn Dũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ xây dựng được mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, thời gian qua, các hộ nuôi trâu, bò vỗ béo ở hai thôn còn thành lập nhóm sở thích về chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình tìm mua vật nuôi, chăm sóc, đồng thời cùng nhau liên kết tìm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, mỗi hộ còn phát huy được thế mạnh của mình như: Hộ ông Ma Thế Hóa, thôn Nà Ché vừa nuôi vỗ béo, vừa cung cấp sản phẩm thịt trâu, bò tươi đã sơ chế cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, vừa chế biến sản phẩm thịt trâu, bò sấy khô; hộ bà Dương Ngọc Duyên, thôn Nà Tạ chăn nuôi trâu, bò sinh sản với số lượng từ 10 con trở lên, tạo nguồn cung cấp giống cho những hộ nuôi nhốt...

Nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và nuôi sinh sản ở hai thôn Nà Ché và Nà Tạ đang mong muốn thành lập hợp tác xã. Qua thăm nắm thì có 17 hộ sẵn sàng đăng ký tham gia. Các hộ đều có kinh nghiệm lựa chọn và chăm sóc vật nuôi. Việc thành lập hợp tác xã nhằm phát triển chuỗi chăn nuôi theo hướng liên kết chặt chẽ. Trong đó những hộ nuôi sinh sản sẽ cung cấp con giống để quản lý nguồn gốc đầu vào, tránh rủi ro về bệnh dịch, giảm chi phí vận chuyển khi mua bán ở các địa phương khác. Hộ chế biến thịt thương phẩm sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định. Hộ có nhiều đầu mối tiêu thụ sẽ thu hút được thương lái, bảo đảm đầu ra thuận lợi... Mong muốn lớn nhất của bà con hiện nay là nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn thành lập hợp tác xã cũng như định hướng hoạt động một cách cụ thể để phát triển bền vững.

Có thể thấy, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở các thôn Nà Ché, Nà Tạ đang là hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Để nhân rộng mô hình và phát huy hiệu quả thì rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của các ngành chức năng trong các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn thành lập hợp tác xã để các hộ cùng nhau liên kết sản xuất. Qua đó nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.

Thu Hường

Hòa Bình: Ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Cuối năm 2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên bùng phát trên địa bàn thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Đến nay, ổ dịch này đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Mai Châu hiện xuất hiện một số con bò nghi mắc bệnh, người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp để phòng bệnh.

Ngay sau khi bùng phát dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ở thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), Chi cục CN&TY tỉnh đã cấp vắc xin, hướng dẫn hộ chăn nuôi tiêm cho trâu, bò.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh, bệnh VDNC là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; qua tiếp xúc giữa gia súc bị bệnh và gia súc khỏe mạnh; do vận chuyển trâu, bò mang bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực ăn. Thời gian ủ bệnh khoảng 4 - 14 ngày, với các triệu chứng chính như: Sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi nốt sần có đường kính 2 - 5 cm. Hiện, trên thế giới đã có vắc xin phòng bệnh VDNC.

Cuối tháng 12/2020, bệnh xuất hiện trên địa bàn khu Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, có 62 con trâu, bò của 28 hộ dân mắc bệnh, trong đó chết 2 con. Từ khi xảy ra dịch bệnh, chính quyền các cấp, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt để dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, Chi cục CN&TY tỉnh phối hợp các phòng chuyên môn của huyện Tân Lạc tiêm 2.000 liều vắc xin cho trâu, bò của thị trấn Mãn Đức và trâu, bò của các xã giáp ranh. Phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột chuồng gia súc bệnh, khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm. Huyện Tân Lạc cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đồng chí Vũ Mạnh Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, đến cuối tháng 2/2021, dịch bệnh đã được kiểm soát, trên địa bàn không phát sinh thêm vật nuôi bị bệnh.

Ở thị trấn Mãn Đức, gia đình ông Hoàng Quốc Phương, khu Tân Hợp là một trong những hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô vài chục con. Theo ông Phương cho biết, khi trên địa bàn thị trấn lần đầu xuất hiện dịch VDNC trên trâu, bò, loại dịch bệnh mới lây lan nhanh nên ông cũng có phần hoang mang. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, chính quyền địa phương, ngành chức năng của huyện, tỉnh rất quan tâm tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh. Gia đình ông Phương đã thực hiện phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại 2 lần/tuần; thường xuyên rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc.

Mặc dù dịch bệnh VDNC trên địa bàn huyện Tân Lạc đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn còn. Thực tế, vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua, tại xóm Tòng, xã Tòng Đậu và xóm Mỏ, xóm Chiềng Châu của xã Chiềng Châu (Mai Châu) đã xuất hiện một số con bò nghi mắc bệnh VDNC. Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: Sau khi phát hiện bò nghi mắc bệnh VDNC, Chi cục CN&TY tỉnh, phòng chuyên môn của huyện đã kiểm tra, tiêm vắc xin cho 18 con bò. Đồng thời, phun tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi. Huyện cũng đang cho người dân đăng ký tiêm vắc xin để phòng bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu, bò, nội tạng của trâu, bò từ nơi khác vào địa bàn huyện.

Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, khi thời tiết ấm lên, nguy cơ dịch bệnh lây lan cao hơn vì muỗi, ve, mòng sẽ hoạt động mạnh hơn. Do đó, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng để diệt muỗi và các loại côn trùng khác. Cần nuôi nhốt, cách ly trâu, bò bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh để điều trị, tránh lây nhiễm cho những con khác.

Viết Đào

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop