Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 04 năm 2021

Đồng Nai phát triển mạnh diện tích cây ăn trái

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Thu hoạch cây có múi tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân lộc. Ảnh: Phan Anh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 170 ngàn ha cây lâu năm, tăng 188 ha so cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt gần 98,8 ngàn ha, diện tích cây ăn quả lâu năm đạt gần 70 ngàn ha. Diện tích tăng chủ yếu là một số cây ăn trái chủ lực của tỉnh như: chuối, xoài, sầu riêng, mít, bưởi…

Toàn tỉnh sẽ chuyển đổi trên 3 ngàn ha đất trồng lúa. Cụ thể, chuyển sang cây hàng năm khác khoảng 680 ha, chuyển sang cây lâu năm gần 865 ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản khoảng 109 ha…Ngoài ra, toàn tỉnh cũng sẽ chuyển 1.850 ha cây lâu năm có hiệu quả kinh tế không cao như: điều, cao su, mía, cà phê…sang cây ăn trái.

Sự chuyển đổi này căn cứ trên cơ sở khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Trong đó đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao.

Phan Anh

Thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang): Hiện có 5.127ha cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, tổng diện tích cây ăn trái của thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) hiện phát triển lên 5.127ha, tăng gần 30ha so với đầu năm nay. Trong đó, cây trồng đang trong giai đoạn cho trái là hơn 3.290ha.

Trong tổng diện tích cây ăn trái của thành phố, nhóm cây có múi, như: bưởi, cam sành, chanh… chiếm hơn 2.000ha; mít hơn 1.500ha; xoài, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu xiêm từ 100-200ha mỗi loại.

BẢO TOÀN

Bình Định: Cây xoài trên đất Tây Sơn

Nguồn tin: Báo Bình Định

Mấy năm gần đây, người dân ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) chịu khó đầu tư trồng xoài, nhiều hộ trồng đến vài trăm cây, nhất là dọc QL19 - đoạn từ xã Bình Tường đến xã Tây Giang. Đầu năm nay, hình ảnh hoa xoài nở rộ thành một cảnh đẹp bất ngờ, lan tỏa rộng trên mạng xã hội và giờ trái đậu chi chít. Ông Hồ Sỹ Hoàng, 70 tuổi, ở xã Tây Thuận, vườn nhà có gần 30 cây xoài Cát Mốc cho hay: Xoài là cây có giá trị kinh tế khá cao, việc chăm sóc khá đơn giản. Tôi tuổi cao không tự hái được nên đến vụ chỉ bán trụm cả vườn theo quy cách 1 triệu đồng/cây, thương lái tự hái lấy. Như năm nay cũng đã thu được 26 triệu đồng từ tiền bán xoài.

Vườn xoài với hơn 100 cây xanh tốt của gia đình anh Hồ Văn Đào.

Cái hay của Tây Sơn là địa phương có nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch nên các vườn xoài cũng được ăn theo. Anh Hồ Văn Đào, ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, vườn nhà có hơn 100 gốc xoài cho biết: Ngoài chuyện thu được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán trái, tôi còn biến vườn xoài rộng rãi thành một chỗ kinh doanh món đặc sản địa phương… Vườn rộng, rợp mát đặc biệt vào mùa xoài trổ hoa, đậu trái, tôi có đông khách đến mua bán hơn bình thường. Ở Tây Sơn, tầm từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, những vườn xoài lân cận Bảo tàng Quang Trung, Đài Kính Thiên, tháp Dương Long… thu hút rất đông du khách đến nghỉ chân. Lợi ích bất ngờ từ du khách khiến ngày càng có thêm nhiều người đầu tư làm vườn xoài, người dân còn tính đến một số loại cây ăn trái khác để vườn có thể thu hút du khách quanh năm.

Bài, ảnh: ÐINH NGỌC

Đồng Tháp: Giá nhãn tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thu hoạch nhãn

Theo nhiều nông dân trồng nhãn thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), hiện nhãn loại 1 có giá 25.000 - 26.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Trước đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhãn khó tiêu thụ khiến giá giảm mạnh. Hiện tại, dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, nên thị trường nhãn có tín hiệu tích cực hơn.

Trang Huỳnh

Giá tăng cao không làm vui người trồng mía ở Trà Vinh

Nguồn tin: VOV

Niềm vui của người trồng mía không trọn vẹn vì mía nguyên liệu chất lượng kém, năng suất thấp nên lãi cũng thấp.

Sau 4 vụ liên tiếp xuống thấp, năm nay giá mía ở tỉnh Trà Vinh đã nhích lên 1.000 đồng/kg tại ruộng. Tuy nhiên niềm vui của nông dân Trà Vinh cũng không trọn vẹn vì mía nguyên liệu chất lượng kém, năng suất thấp nên lãi cũng thấp.

Dù giá đang ở mức cao nhưng không khí thu hoạch mía ở Trà Vinh vẫn trầm lắng, mỗi rẫy mía chỉ có vài nhân công thu hoạch. Ít người làm không phải giá thuê thấp, nguyên nhân là lao động của địa phương đã đi làm ăn ở địa phương khác.

Không khan hiếm nhân công nhưng mía phải vận chuyển bằng xe tải nên giá cao.

Ông Ngô Tấn Thuần, ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú – một hộ có hơn 20 năm trồng mía và vừa thu hoạch xong hơn 1 ha mía cho biết, giá nhân công thu hoạch quá cao, trong khi năng suất mía chỉ đạt hơn 80 tấn/ha nên chỉ lãi chừng 20 triệu đồng là quá thấp.

“Năm nay giá mía tăng nên bán được 1.000 đồng/kg. Vụ mía vừa qua bán được 8 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lãi 2 triệu đồng/công”, ông Thuần cho biết.

Nhiều năm liên tục giá mía ở Trà Vinh luôn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều nông dân đã chuyển dần sang đối tượng sản xuất khác và diện tích cứ giảm dần theo từng năm. Hiện địa phương chỉ còn khoảng 1.000 ha, chủ yếu là mía lưu gốc nên năng suất bình quân chỉ đạt 70-80 tấn/ha, tức thấp hơn 1/3 so với trước đây.

Trong khi đó, giá nhân công trồng, tỉa lá và thu hoạch mía hiện nay đã tăng lên mức từ 230.000 – 260.000 đồng/ngày và rất khan hiếm, nên nông dân trồng mía lãi không đáng kể dù được thu mua với giá 1.000đồng/kg tại ruộng, tức tăng gần 300 đồng/kg so với năm ngoái.

Việc khan hiếm nhân công không chỉ đẩy giá thuê tăng cao, người trồng mía giảm lợi nhuận mà còn gây khó khăn cho nhà máy đường, vì lượng mía đưa về mỗi ngày không đáp ứng được công suất hoạt động.

Nhà máy mía đường Trà Vinh mỗi ngày chỉ thu mua được hơn 1.000 tấn mía nguyên liệu.

Ông Trần Ngọc Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty mía đường Trà Vinh cho biết, công suất của Nhà máy đường Trà Vinh là 3.000 tấn mía/ngày, nhưng mỗi ngày trên địa bàn chỉ thu được hơn 1.000 tấn mía nguyên liệu, nên phải thỏa thuận đưa về từ Sóc Trăng gần 1.000 tấn/ngày mới đảm bảo cho nhà máy hoạt động.

“Chính vụ thu hoạch nhưng do là thiếu nhân công, thiếu phương tiện vận chuyển nên lượng mía thu mua chỉ đáp ứng được 1.000 -1.100 tấn/ngày, hiệu quả sản xuất không đạt. Công ty đã thống nhất với công ty mía đường Sóc Trăng, khi thời gian nhà máy ở Trà Vinh sản xuất thì nhà máy Sóc Trăng phải tạm dừng, để đưa mía từ Sóc Trăng về hỗ trợ cho Trà Vinh. Giá mía bây giờ là 1 triệu đồng/tấn tại ruộng và có thể sẽ cao hơn để bà con nông dân quay lại sản xuất”, ông Hiền cho biết.

Năm nay, giá mía tăng cao nhưng nông dân cũng chỉ thu lãi trên 20 triệu đồng/ha, quá thấp so với đối tượng sản xuất khác. Vì thế diện tích mía của Trà Vinh chắc chắn sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, khiến hàng ngàn hộ dân sẽ tiếp tục gặp khó, một khi hạ tầng chưa đáp ứng được điều kiện chuyển đổi./.

Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

Tăng năng suất nhờ ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) hiện đã trở nên phổ biến và quen thuộc với nông dân xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Nhờ vậy, năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã tăng lên đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Quí bên mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, những năm qua xã Thạnh Hội đã khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp UDCNC. Đến nay, xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 dự án và 3 mô hình nông nghiệp UDCNC, góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Xã Thạnh Hội được biết đến với cây chủ lực là bạc hà (hay còn gọi là cây dọc mùng) và bí đậu. Triển khai dự án sản xuất cây bạc hà, cây bí đậu theo hướng VietGAP với kinh phí thực hiện hơn 1,465 tỷ đồng đã thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Dự án thu hút 35 hộ tham gia trên diện tích đất canh tác 4ha, sau khi trừ chi phí vật tư còn lãi khoảng 150 -160 triệu đồng/ha.

Chúng tôi đến ấp Thạnh Hòa, men theo lối bờ đê nhỏ vào ruộng nhà chị Mai Thị Phụng để tìm hiểu mô hình sản xuất rau màu theo hướng VietGAP. Khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi, chị Phụng cho biết hiện gia đình chị dành 2.000m2 trồng cây bạc hà và 1.000m2 để trồng hẹ. 2 loại cây này không quá khó trong chăm sóc, lại hợp với thổ nhưỡng, phân bón nên quanh năm tươi tốt. Giá của cây bạc hà trung bình 3.000 đồng/kg, thời cao điểm 4.000 đồng/kg; cây hẹ giá ổn định 10.000 đồng/kg. Đầu ra chủ yếu là các thương lái tự tìm đến để thu mua. Chị Phụng và các hộ khác đều cho rằng, việc sản xuất theo hướng VietGAP cho ra năng suất và chất lượng cao.

Tiếp đó, chúng tôi đến với mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lưới kết hợp tưới phun mưa của gia đình anh Nguyễn Văn Quí, ngụ ấp Thạnh Hòa. Với diện tích 1.800m2, gia đình anh Quí trồng 5 loại rau cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mùng tơi và rau muống thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/tháng. Hệ thống nhà lưới có tác dụng ngăn mưa gió và nắng gắt nên có thể trồng rau quanh năm. Tại thời điểm thuận lợi thu nhập đạt hơn 20 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ là chợ Tân Ba, phường Thái Hòa (TX.Tân Uyên) và chợ Bửu Long (tỉnh Đồng Nai). Mô hình được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX.Tân Uyên và Hội Nông dân xã Thạnh Hội. Ngoài hộ anh Nguyễn Văn Quí còn có 14 hộ dân tham gia, tổng diện tích 1,5ha. Mô hình này giúp ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước cho ra sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Có thể nói, thông qua các hộ nông dân điển hình trên đã cho thấy sản xuất nông nghiệp UDCNC đã từng bước khẳng định vai trò và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Thạnh Hội và nhiều địa phương khác, phục vụ đa mục tiêu như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội. Ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, cho biết: “Mong muốn của bà con nông dân là chính quyền hỗ trợ, quan tâm hơn về vấn đề đầu ra. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng một tăng cao đã được khẳng định, nhưng nếu đầu ra sản phẩm ổn định bà con nông dân sẽ yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư các mô hình nông nghiệp UDCNC”.

Những năm qua xã Thạnh Hội đã thực hiện nhiều dự án khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân xã đầu tư phát triển nông nghiệp UDCNC. Các dự án điển hình như: Ứng dụng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với kinh phí 4 tỷ đồng, 40 hộ dân tham gia; ứng dụng đèn bẫy côn trùng hỗ trợ sản xuất vùng trồng rau tổng kinh phí 296 triệu đồng...

TIẾN HẠNH

Chăm sóc ớt ngọt và dưa lưới bằng thiết bị cảm biến

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) vừa phê duyệt dự án chăm sóc ớt ngọt và dưa lưới trong nhà kính thông qua hệ thống cảm biến tự động tại xã Phi Liêng, qua đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân nhân rộng trên địa bàn.

Quy mô dự án triển khai trên diện tích 1.000 m2 nhà kính với 2 nông hộ được chọn lựa tham gia. Trong đó, diện tích mô hình được chia thành 2 phần gồm: 500 m2 trồng 25.000 cây dưa lưới và 500 m2 trồng 2.000 cây ớt chuông. Toàn bộ diện tích trồng 2 loại cây này được chăm sóc tưới nước phun sương kết hợp bón phân nhỏ giọt tự động, sản phẩm thu hoạch đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn.

Dự kiến với tổng kinh phí gần 540 triệu đồng, dự án đầu tư thiết bị, nguyên vật liệu gần 510 triệu đồng; còn lại 30 triệu đồng hoàn thiện quy trình công nghệ, đào tạo tập huấn, chi phí công lao động kỹ thuật.

VŨ VĂN

Giải pháp tăng năng suất cây điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Chiếm khoảng 50% diện tích điều của cả nước, Bình Phước được xem là “thủ phủ” của cây điều Việt Nam. Tuy nhiên, năng suất cây điều của nông dân trong tỉnh còn khá thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Để điều trở thành cây triệu đô, cây làm giàu cho nông dân như mong muốn của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Phước đòi hỏi người trồng điều phải có phương pháp chăm sóc, phòng bệnh khoa học.

“Thủ phủ” của cây điều

Bình Phước hiện có khoảng 170.000 ha điều, chiếm 32% diện tích trồng cây lâu năm và 30% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Điều được trồng ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh, với sản lượng 243.000 tấn/năm. Tổng sản lượng này chỉ đáp ứng khoảng 25% nguyên liệu cho các doanh nghiệp và cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh. Việc canh tác cây điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại các vùng nông thôn.

Vườn điều ghép của gia đình bà Nguyễn Thị Điều (bìa trái), ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú năm nay nhiều trái hơn nhờ phun phân bón lá nano

Tuy nhiên ở Bình Phước, diện tích điều nhỏ, manh mún vẫn chiếm phần lớn. Hơn 77.000 hộ trồng diện tích

từ 1-2 ha, chiếm trên 64% tổng diện tích trồng điều của tỉnh. Đa số diện tích này ở vùng sâu, xa việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế.

Để phát triển cây điều theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu Bình Phước đặt ra từ năm 2020-2030, diện tích điều của tỉnh đạt từ 175-179 ngàn ha; năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2,1 tấn/ha; sản lượng từ 243 ngàn tấn năm 2020, lên 352 ngàn tấn vào năm 2030.

Lợi ích của phân bón lá nano

Công nghệ nano có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp, được Nhà nước xếp hạng là dạng công nghệ cao. Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến khích người dân sử dụng.

Năng suất cây điều đạt cao hay thấp tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu, thời tiết và quy trình canh tác. Hiện năng suất cây điều của nông dân trong tỉnh vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân do người trồng điều vẫn chưa chú trọng chăm sóc khoa học. đặc biệt là việc sử dụng phân bón lá trong thời điểm sinh trưởng của cây.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng được phân bón lá nano cây điều nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm hạt điều là nhiệm vụ cấp thiết mang lại nhiều lợi ích lâu dài, bền vững. Sản phẩm phân bón lá nano sử dụng trên cây điều được chế tạo tại Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đạt chất lượng tương đương với quốc tế nhưng giá cả cạnh tranh hơn. Phân bón lá này phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển cây điều ở Bình Phước.

Năm 2015, Viện Công nghệ môi trường được giao thực hiện nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong các loại cây trồng, như: cà phê, hồ tiêu, thanh long… Kết quả đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tăng năng suất cây trồng. Từ kết quả nghiên cứu đó, được sự cho phép của Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước, tháng 11-2019, ThS Đào Trọng Hiền, Viện Công nghệ môi trường đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng bộ phân bón lá nano làm tăng năng suất cây điều ở Bình Phước”. Đề tài thực hiện và đưa vào ứng dụng thử nghiệm trên 3 ha điều ghép của 3 hộ dân thuộc huyện Bù Đăng và Đồng Phú trong thời gian 3 năm, đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Gia đình ông Nguyễn Văn Luyện, bà Nguyễn Thị Điều ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú có 6 ha điều ghép 6 năm tuổi. Vụ điều năm 2019-2020, gia đình ông thu 13 tấn điều thô. Được sự cho phép của gia đình ông Luyện, năm 2020, ThS Đào Trọng Hiền và các cộng sự của mình đã lựa chọn 1 ha điều trong vườn nhà ông làm mô hình phun thử nghiệm phân bón lá nano. Diện tích còn lại gia chủ vẫn chăm sóc, bón phân theo phương thức truyền thống.

PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Sử dụng phân bón lá nano cho cây điều giai đoạn ra hoa, đậu trái giúp cung cấp dưỡng chất và thúc đẩy tăng năng suất cây trồng nhờ vào kích thước vật liệu đặc biệt nhỏ, tỷ lệ bề mặt/thể tích cao và đặc tính quang học độc đáo. Tất cả vật liệu nano tan trong nước đều có thể được cây hấp thụ hoặc loại thải một cách chọn lọc và những chất cần thiết tham gia vào các phản ứng sinh học thường được cây hấp thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều, đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu trong xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật lại phun phân bón lá nano từ giai đoạn cây ra đọt non đến khi đậu trái nên điều phát triển tốt, chồi ra dài hơn, cho trái nhiều và sớm hơn so với vườn đối chứng mà gia đình ông Luyện chăm sóc theo phương thức thông thường. Dự tính năm nay, 1 ha làm mô hình sẽ thu trên 3 tấn điều.

Cũng là một trong 3 hộ tham gia làm mô hình thử nghiệm, vườn điều ghép nhà bà Trần Thị Hoan ở ấp 9, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú năm nay ra nhiều trái hơn. Bà Hoan cho biết, nhờ chăm sóc theo quy trình và phun phân bón lá nano nên vườn điều phát triển tốt hơn hẳn. Đặc biệt, hạt điều to, chắc và đẹp hơn. Nếu như trước đây cứ 130 hạt điều mới được 1kg, thì năm nay chỉ cần 100 hạt điều đã được 1kg hạt lại đều và đẹp nên thương lái rất thích mua.

Để kiểm tra thực tế tình hình thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu và ứng dụng bộ phân bón lá nano làm tăng năng suất cây điều ở Bình Phước”, Sở KH&CN Bình Phước đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát định kỳ. Theo ông Lê Văn Duyệt, Phó trưởng Phòng Quản lý KH&CN, Sở KH&CN, qua theo dõi, đánh giá chất lượng phân bón lá nano cho cây điều tại các mô hình thí nghiệm cho thấy, hiệu quả mang lại rất khả quan. Những vườn phun phân bón lá nano trái to, hạt mẩy, số lượng nhiều hơn, các hộ dân đều cảm thấy phấn khởi với loại phân bón này.

Hiền Lương

Nam Định: Làm giàu từ vùng chuyển đổi

Nguồn tin:  Báo Báo Nam Định

Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh Nam Định đang tích cực đầu tư cải tạo những vùng đất canh tác kém hiệu quả, chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây cảnh, rau màu các loại cho hiệu quả kinh tế cao… Nhờ đó đã phát huy tiềm năng lao động, đất đai, xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Nông dân xã Xuân Tân (Xuân Trường) với mô hình nuôi thủy sản trên vùng đất chuyển đổi.

Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) là vùng quê thuần nông, cốt ruộng không đều, khó canh tác; trong đó có nhiều diện tích đất thùng đào, thùng đấu sản xuất không hiệu quả. Để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, xã đã chỉ đạo đổi mới sản xuất nông nghiệp, quy hoạch diện tích đất canh tác thành 3 vùng chính gồm vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại; vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả; vùng trồng hoa, cây cảnh. Các vùng sản xuất đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng…, đảm bảo cho việc tưới tiêu đồng bộ và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Những diện tích đất công ích, đất canh tác lúa kém hiệu quả được dồn đổi, cách xa khu dân cư, tạo thuận lợi cho nông dân đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, phát triển sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, vùng chuyển đổi ở cánh đồng Thượng Đồng, thôn Lang Xá đã hình thành các trang trại cây ăn quả, cây cảnh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như trang trại của gia đình ông Trần Văn Ấp với diện tích trên 6ha, trồng cam canh, bưởi diễn, quất cảnh, chanh đào, ổi kết hợp với nuôi gà Đông Tảo, lợn nái, lợn thịt và cá truyền thống, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) nhiều năm qua cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven đê, diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh và phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Trong đó, riêng nghề trồng hoa, xã hiện có trên 600 hộ phát triển sản xuất với tổng diện tích 150ha, tập trung tại các thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2 và các thôn miền Tân Tiến. Thu nhập từ trồng hoa đạt 650 triệu đồng/ha canh tác/năm. Ngoài ra, tại huyện Mỹ Lộc còn có nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn như: Mô hình trồng mướp kết hợp nuôi thủy sản ở xã Mỹ Trung; nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà; vùng trang trại, gia trại ở xã Mỹ Thuận…Toàn huyện Mỹ Lộc hiện có khoảng 300 trang trại, gia trại, trong đó có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận.

Huyện Vụ Bản trong 5 năm qua đã chuyển đổi 264ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây cảnh, cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất; tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh với diện tích trên 10ha liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch với Công ty TNHH Toản Xuân; anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng với mô hình nuôi thỏ; anh Bùi Xuân Bình, xã Vĩnh Hào với mô hình trồng khoai tây xuân... Tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định), từ những năm 2002-2003, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quất. Bên cạnh đó, nghề trồng hoa, cây cảnh tiếp tục được xác định là kinh tế mũi nhọn của xã. Đến nay, diện tích chuyển đổi của xã tăng lên 139,9ha, thu nhập bình quân từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, diện tích trồng quất 63ha, diện tích trồng hoa 47ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm. Còn tại xã Hải Đông (Hải Hậu), khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Văn Luật ở xóm Tây Cát đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, từng bước xây dựng chuồng trại, kè ao, quy hoạch khu vực ao nuôi tôm, cá. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trang trại lớn trong và ngoài nước, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do Hội Nông dân tổ chức, anh Luật đã ứng dụng công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm các quy trình trong chăn nuôi nên mô hình trang trại của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” gắn với quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, những năm qua, tỉnh ta đã phát huy lợi thế của từng địa phương, hình thành hàng nghìn trang trại, gia trại và nhiều vùng sản xuất tập trung. Chẳng hạn như vùng sản xuất các giống lúa đặc sản xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm (nếp cái hoa vàng, tám, dự), lúa lai, lúa thuần chất lượng cao ở các huyện phía nam của tỉnh. Vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung với các cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, lạc, đậu tương, cà chua ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản… Vùng nuôi trồng thủy sản ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Tại các vùng chuyển đổi, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, các cấp HND trong tỉnh vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung, tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã xuất hiện nhiều hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm an toàn có thương hiệu uy tín trên thị trường. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với trên 1.000 hộ nông dân, tổng diện tích gần 2.000ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản của Công ty Minh Dương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp với quy mô trên 200ha ở huyện Nghĩa Hưng…

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục vận động hội viên tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao, các hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp, nông thôn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Tỷ phú vùng đất bãi

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Phúc

Dám nghĩ, dám làm, anh Ngô Văn Tú, ở thôn Bàn Giang, xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã biến mảnh đất hoang hóa thành mô hình kinh tế tổng hợp mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Mô hình kinh tế tổng hợp đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Ngô Văn Tú.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh Ngô Văn Tú mang khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chứng kiến nhiều vùng đất của quê mình bị bỏ hoang, anh Tú mạnh dạn thuê lại khu vực đất hoang hóa để cải tạo xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp.

Anh đầu tư nuôi 20 con lợn nái sinh sản, kết hợp nuôi 11 con bò thịt, tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi nên anh gặp nhiều khó khăn và đôi lần thất bại.

Không từ bỏ giấc mơ của mình, anh Tú tiếp tục vay vốn, đầu tư mở rộng diện tích, làm mô hình trồng trọt, thả cá, nuôi lợn, trồng chuối tiêu hồng, trồng ớt. Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định đầu tư vào loại cây “làm giàu” này.

Giống thanh long ruột đỏ Colombia được anh lựa chọn, đưa vào sản xuất có ưu điểm quả nhiều, hạt nhỏ, ruột đỏ, thơm ngọt và đẹp mắt. Năm 2014, anh đầu tư 200 triệu đồng cho phát triển cây thanh long. Sau hơn 5 năm chăm sóc, thanh long cho thu hoạch.

Để đảm bảo năng suất, chất lượng cho quả thanh long, anh Tú thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do huyện Vĩnh Tường tổ chức.

Với việc áp dụng KHKT, sản xuất theo hướng an toàn nên sản phẩm của trang trại như chuối, bưởi, ớt… luôn đạt chất lượng, được thương lái ở các tỉnh tìm đến tận vườn đặt hàng.

Hiện nay, trang trại của anh Tú có 2ha để thả cá, trồng cây; 2ha trồng ớt chỉ thiên; 5ha chuối tiêu hồng và 1ha thanh long ruột đỏ. Hiệu quả kinh tế từ mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Tú không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều người dân trong xã học tập và làm theo.

Với cách làm sáng tạo, mạnh dạn đầu tư vào những cây, con đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, trang trại của anh Tú tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương, với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Hằng năm, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Tú sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Dương Hà

Liên kết chăn nuôi: Thuận đầu ra, giá ổn định

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Được hỗ trợ đầu tư con giống, kỹ thuật chăm sóc, ứng trước thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, các hộ tham gia liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học tại các huyện: Yên Thế, Tân Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang) luôn yên tâm sản xuất. Hiệu quả mô hình chuỗi liên kết mở ra hướng chăn nuôi bền vững.

Hai bên cùng có lợi

Tháng 6/2020, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chuỗi liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học với 16 hộ tham gia, gồm 7 hộ ở huyện Yên Thế, 6 hộ ở Tân Yên, 3 hộ ở Hiệp Hòa. Quy mô liên kết 22,8 nghìn con gà thả vườn/năm; đồng thời giao Công ty TNHH Hải Thịnh chủ trì liên kết, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022. Hình thức liên kết: Cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ...

Ông Chu Văn Lai (bên trái) chăn nuôi gà có đại diện doanh nghiệp kiểm tra.

Theo đó, năm đầu các hộ được hỗ trợ 50% chi phí mua giống; 40% thức ăn chăn nuôi; 40% chi phí vắc-xin phòng dịch; 40% chế phẩm sinh học và 50% chi phí in mẫu mã bao bì sản phẩm. Năm thứ 2 và 3, các bên tự bỏ kinh phí thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt. Tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó 980 triệu đồng từ ngân sách, còn lại do các bên tham gia liên kết đối ứng. Các hộ tham gia phải thực hiện quy trình chăn nuôi theo yêu cầu của đơn vị được giao chủ trì chuỗi liên kết, bảo đảm số lượng, chất lượng trước khi xuất chuồng.

Tìm hiểu tại hộ ông Giáp Quang Trung, thôn Tân Vân, xã An Thượng (Yên Thế). Ông Trung nuôi gà thịt đã 20 năm với tổng đàn 3-4 nghìn con/năm, tương ứng gần 10 tấn gà. Theo ông Trung, trước đây, việc chăn nuôi không mấy thuận lợi bởi khi gà được giá thì các hộ ồ ạt vào đàn, khi giá thấp nhiều hộ bỏ nuôi hoặc tái đàn số lượng ít. Hệ quả là cung - cầu mất cân bằng khiến giá bán và thu nhập bấp bênh. Việc chăn nuôi ổn định hơn khi gia đình tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Hải Thịnh vào giữa năm 2020.

“Theo liên kết, chúng tôi không lo vốn đầu tư sản xuất vì được đơn vị chủ trì liên kết ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin và kỹ thuật chăm sóc, đến kỳ xuất bán mới phải thanh toán”, ông Trung nói. Ngoài ra, Công ty ký kết thu mua theo mức giá ổn định 57 nghìn đồng/kg. Với 1,5 nghìn con gà nuôi liên kết, ông trung thu lãi gần 45 triệu đồng.

Thông qua các chuỗi liên kết giúp các DN, HTX, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh gắn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao thu nhập và lợi ích của các bên tham gia.

Tương tự, ông Chu Văn Lai và 5 hộ khác ở thôn Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) cũng liên kết chăn nuôi gà thả vườn với Công ty TNHH Hải Thịnh từ giữa năm 2020 với số lượng 2 nghìn con/hộ/năm. Ông Lai cho biết, mỗi năm, gia đình xuất chuồng 6 nghìn con gà thương phẩm nhưng chỉ có khoảng 1/3 được thu mua theo giá liên kết, 4 nghìn con còn lại bán theo giá thị trường nên thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, gia đình thu lãi thấp do gà khó tiêu thụ. Ông Lai chia sẻ, khi liên kết chăn nuôi, chúng tôi “nhìn thấy” lãi từ khi mới vào đàn nên chỉ mong phía doanh nghiệp (DN) nâng quy mô và sản lượng để bà con có thu nhập cao, ổn định.

Nhân rộng mô hình ở các loại vật nuôi khác

Ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Thịnh cho biết, mỗi năm DN cung ứng ra thị trường khoảng 20 vạn con gà thịt. Để có nguồn ổn định, hạn chế rủi ro khi dịch bệnh xảy ra, ngoài các nhà máy chăn nuôi tập trung của Công ty, DN chọn thêm giải pháp liên kết với nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Là đơn vị sản xuất khép kín từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi đến thu mua, giết mổ nên việc liên kết giúp Công ty duy trì ổn định đầu ra gà giống, thức ăn và thu mua gà thịt đầu vào.

Do chăn nuôi có lãi nên ông Giáp Quang Trung (ngoài cùng bên trái) lại tiếp tục vào đàn 1 nghìn gà con.

Bảo đảm các khâu trong liên kết luôn có lãi, ngay từ đầu năm, Công ty ký hợp đồng với các siêu thị trong nước với giá ổn định (chỉ thay đổi khi các bên đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất). Ông Hưng chia sẻ: “Việc được UBND tỉnh giao chủ trì liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học giúp DN vững tin vào chiến lược phát triển trong thời gian tới. Dự kiến năm nay, chúng tôi tăng sản lượng gà chăn nuôi liên kết lên 8 vạn con”.

Nhằm nhân rộng mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi của Công ty TNHH Hải Thịnh, đồng thời hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng 3 chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn sinh học, gồm 1 chuỗi chăn nuôi dê; 1 chuỗi chăn nuôi lợn và 1 chuỗi chăn nuôi vịt. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, còn lại các bên tham gia liên kết đối ứng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2023.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lê Văn Dương cho biết, căn cứ quy định hiện hành về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, thông qua các chuỗi liên kết giúp các DN, HTX, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh biết gắn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao thu nhập và lợi ích của các bên tham gia. Đồng thời củng cố, phát triển các tổ chức nông dân, HTX, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mô hình này đang được khuyến cáo nhân rộng.

Bài, ảnh: Thế Đại

Bình Định: Cả tỉnh có 71 cơ sở nuôi động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Bình Định

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định, đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh có 71 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng 3.670 cá thể của 19 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và thông thường, như cầy hương, cầy vòi hương, rắn ráo trâu, cheo cheo, rùa núi vàng, rùa đất lớn… và 1 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là Vườn thú FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn (thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Vườn thú Faros) hiện đang nuôi nhốt, bảo tồn 57 loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, như: Hổ, gấu ngựa, voi, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, công xanh Đông Dương, gà lôi trắng và các loại động vật rừng thông thường khác, như đà điểu, trĩ đỏ, hươu sao...

Ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Các cơ sở nuôi sinh sản, bảo tồn động vật hoang dã đều được đăng ký, Chi cục cấp mã số chứng nhận. Các hạt kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra, xác nhận việc mua bán con giống, các điều kiện về gây nuôi động vật rừng hoang dã theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Cùng với đó, ngành Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi săn bắt, buôn bán động vật rừng hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

NGỌC NHUẬN

Sớm kiểm soát dịch viêm da nổi cục trâu bò

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Đại đa số trâu, bò chưa bị bệnh viêm da nổi cục (VDNC), vì vậy người dân có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm từ trâu, bò.

Kiểm soát chặt dịch bệnh

Từ tháng 7/2020, khi bệnh VDNC xuất hiện trên đàn gia súc với 13 ổ dịch tại Trung Quốc, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã có những cảnh báo về dịch bệnh này. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, bệnh VDNC đã xuất hiện tại Việt Nam với 2 ổ dịch đầu tiên tại Lạng Sơn và Cao Bằng.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tuy cơ quan chức năng đã có văn bản cảnh báo và hướng dẫn nhận biết bệnh VDNC về các địa phương, nhưng dịch vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất chính là các vật truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng… còn tồn tại nhiều, nên dịch lây nhanh và rộng trong thời gian ngắn.

Theo thống kê của Cục Thú y, hiện nay dịch VDNC đã xảy ra ở 781 xã của 149 huyện tại 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 17.544 con. Số lượng này chỉ chiếm chưa đến 0,2% tổng đàn trâu bò của cả nước. Tổng số gia súc buộc phải tiêu hủy, hoặc bị chết cũng chỉ chiếm khoảng 7% số bị bệnh.

“Có thể khẳng định, tuyệt đại đa số trâu, bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh VDNC, vẫn còn an toàn, cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm từ trâu, bò”, ông Nguyễn Văn Long cho biết, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm trước khi mua.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Thú y, thông tin dịch bệnh phát sinh ở đâu Cục đều có công bố rõ ràng, nên địa phương có thể kiểm soát và xử lý dựa trên công bố này. Các địa phương đang triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch, như vệ sinh tiêu độc, khử trùng, nhất là việc tiêu diệt các đối tượng truyền bệnh.

Một biện pháp kiểm soát dịch VDNC cũng đang được thực hiện khá hiệu quả, đó là tiêm phòng vaccine cho trâu, bò. Vì đây là loại bệnh mới, nên chưa có vaccine tiêm phòng trong danh mục được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, Cục Thú y đã tham mưu để Bộ NN&PTNT ra quyết định nhập trên 4 triệu liều vaccine theo Luật Thú y.

Theo tính toán của Cục Thú y, nếu có kế hoạch cụ thể và khoa học về tiêm phòng tại các địa phương, thì lượng vaccine nhập về sẽ đảm bảo phủ rộng được trên 50% đàn gia súc cả nước. Ghi nhận từ địa phương, việc tiêm vaccine rất khả quan. Những đàn gia súc nào được tiêm phòng đến thời điểm này đều phát triển tốt và không mắc bệnh.

Hơn 1.300 con gia súc đã chết và tiêu hủy vì bệnh VDNC. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cần bám sát thông tin dịch

Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, khi có thông tin dịch bệnh ở Lạng Sơn, Cục lập tức cử đoàn công tác đến địa phương này. “Chúng tôi nhận được thông tin có dịch vào ngày 20/10. Khi chúng tôi đến kiểm tra, người dân nói bệnh xuất hiện từ đầu tháng 10. Sau đó, khi nhận được thông tin tỉnh Cao Bằng bệnh cũng đã xuất hiện, chúng tôi cũng cử đoàn công tác đến ngay, thì cũng nhận được phản ánh từ người dân là bệnh xuất hiện ở địa phương từ đầu tháng 10. Chính vì thế, không thể biết chính xác dịch bắt đầu từ địa phương nào”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Văn Long, điều này cho thấy, việc chủ động giám sát dịch bệnh ở nhiều địa phương cũng chưa kịp thời. Theo quy định, khi dịch bệnh xảy ra, chủ vật nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp không thực hiện những quy định đó, dẫn tới dịch bệnh lây lan thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhất là trong việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh. Tuy nhiên, việc này cũng chưa thực sự làm triệt để ở các địa phương do phát hiện muộn, dịch lây lan rất khó truy vết.

Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Quy định thì đã có đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện mỗi địa phương lại có mức độ khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức và nguồn lực từng nơi. Một trong yếu tố rất quan trọng để triển khai thực hiện được là hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp Trung ương phải đảm bảo duy trì theo đúng quy định của Luật Thú y, Nghị định 42 của Chính phủ.

“Việc cần làm ngay là các địa phương phải khẩn trương lên kế hoạch, đăng ký mua vaccine và vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Từ cơ sở mới có thể xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí và đăng ký với nhà cung ứng vaccine để có cơ sở nhập khẩu. Nếu chúng ta tổ chức tiêm phòng tốt thì hy vọng sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh này”.

Do vaccine cho bệnh VDNC cần tối thiểu 3 tuần sau tiêm mới có thể có miễn dịch cho đàn gia súc, vì vậy các công tác chuẩn bị vaccine, tiêm cũng như theo dõi sau tiêm cũng bị chi phối theo về thời gian, nên các tỉnh cần khẩn trương lên kế hoạch về nhu cầu sử dụng vaccine.

Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho biết, đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng hay tài liệu nào cho thấy bệnh VDNC lây sang người, nhưng không vì thế mà người dân chủ quan, hay vì lòng tham mà buôn bán, vận chuyển gia súc bị bệnh.

“Về nguyên tắc, Luật Thú y đã cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia súc bị bệnh và gia súc nghi bị bệnh, gia súc nằm trong các vùng, ổ dịch. Nhưng thực tế, với giá trị mỗi con gia súc lên đến hàng chục triệu đồng như hiện nay, nếu địa phương không kiểm soát nghiêm ngặt thì chắc chắn sẽ có hiện tượng ‘bán chạy’ khi gia súc bị bệnh”.

Đỗ Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop