Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 05 năm 2021

Sẵn sàng xuất khẩu vải thiều chín sớm trong bối cảnh dịch COVID-19

Nguồn tin: Báo Lao Động

Vải thiều được chính quyền địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ.

2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu vải thiều đi các nước dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sẽ không phải "giải cứu" quả vải

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), để xuất khẩu vải thiều sang các nước thuận tiện, không bị ách tắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã rất nỗ lực từ xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn, đến công nghệ thu hoạch, chế biến đạt yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Theo đó, việc hun trùng quả vải để xuất khẩu đi các nước sẽ được Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương giám sát chặt chẽ theo đúng quy định, quy trình.

Đến hết ngày 9.5, công tác kiểm tra buồng hun trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản của một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã hoàn tất.

Theo ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương, năm 2021, diện tích vải của tỉnh Hải Dương khoảng 9,5 nghìn hecta, sản lượng dự kiến đạt khoảng 50-55 nghìn tấn quả.

Hải Dương đã xây dựng vùng vải thiều đạt chất lượng xuất khẩu đi các thị trường cao cấp. Trong đó, tại 2 “thủ phủ” trồng vải của Hải Dương là Thanh Hà và Chí Linh đã có khoảng 1 nghìn hecta vải được cấp chứng nhận VietGap, 520ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap (50ha đã được cấp chứng nhận).

Tại tỉnh Bắc Giang, công tác quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vải thiều cũng được chính quyền địa phương và Sở NNPTNT Bắc Giang triển khai tích cực. Ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang - cho biết, sản lượng vải thiều năm nay dự kiến đạt khoảng 180-185 nghìn tấn, tăng 15 nghìn tấn so với năm 2020.

Điều đáng nói là nếu như vài năm trước đây, việc tiêu thụ vải thiều rất bấp bênh do phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước, thì nay việc quảng bá hiệu quả đã khiến sản lượng vải xuất khẩu đi các nước đạt tới 50%.

Từ ngày mai (10.5), lứa vải thiều chín sớm sẽ được thu hoạch và kéo dài đến 10.6, dự kiến sản lượng đạt khoảng 45 nghìn tấn. Vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10.6 đến 20.7, sản lượng ước đạt 134.500 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ước đạt 125.000 tấn.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng về xuất khẩu quả vải tươi. Để đáp ứng yêu cầu thị trường này, năm 2021, Sở NNPTNT Bắc Giang đã chỉ đạo tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng tại bốn huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn), với sản lượng ước đạt 95 nghìn tấn.

Hiện nay, tổng số cơ sở đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc đã đạt 300 cơ sở.

Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2021, tổng số diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường này là 219,45ha, với 30 mã số vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn…

Đối với thị trường Mỹ, EU, Úc, năm 2021 tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218ha tại sáu xã huyện Lục Ngạn; sản lượng 1.850 tấn...

Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cũng tự tin về xuất khẩu quả vải năm nay, sẽ không có chuyện phải "giải cứu" quả vải.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Hồng Quang

Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đang phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương thực hiện thủ tục để đưa vải thiều lên 4 sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Theo kế hoạch, từ ngày 15.5, vải thiều Hải Dương sẽ chính thức được bán trực tuyến qua các kênh kể trên.

UBND tỉnh Bắc Giang đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nghiên cứu xúc tiến thương mại điện tử, quảng bá và kết nối trực tuyến với các kênh phân phối thông qua internet; thực hiện trao đổi thông tin trực tuyến về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng ra thị trường thông qua tin nhắn SMS, các diễn đàn trực tuyến, các mạng xã hội zalo, youtube, facebook... để hỗ trợ người dân tiêu thụ quả vải.

VŨ LONG

Bố Trạch (Quảng Bình): Dưa hấu rớt giá, người dân gặp khó

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn, tuy nhiên năm nay dưa hấu rớt giá, khó tiêu thụ khiến nhiều người dân trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gặp khó khăn.

Ông Võ Thế Hài ở thôn Tây Thành xã Nam Trạch là một trong những hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa hấu. Năm nay, ông đầu tư trồng 0,5ha dưa hấu với giống dưa Hắc Mỹ Nhân.

Năm nay toàn huyện Bố Trạch trồng hơn 650ha dưa hấu.

Ông Hài cho biết: “Lúc dưa hấu sắp thu hoạch, thương lái đã đến tận ruộng để đặt cọc với mức giá 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên sau đó thương lái đã đến xin lấy lại tiền cọc; đồng thời chỉ chấp nhận giá thu mua 3.500 đồng/kg. Không những thế, thương lái còn rất kén chọn, chỉ mua những quả to, đẹp, nặng từ 3kg trở lên. Biết mình bị ép giá, nhưng tôi vẫn phải chấp nhận bán với giá đó vì nếu để lâu dưa hấu sẽ bị hỏng coi như bỏ đi”.

Không được may mắn như ông Hài, anh Dương Văn Nành ở thôn 3 Võ Thuận xã Tây Trạch đầu tư trồng 1ha dưa hấu. Hiện nay, dưa hấu đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng anh Nành như đang "ngồi trên đống lửa". Anh cho biết: “Tôi đầu tư trồng 1ha dưa hấu hết 75 triệu đồng. Mặc dù chấp nhận bán giá thấp để mong thu hồi lại được một phần vốn, nhưng đến nay vẫn không tìm được người thu mua”.

Người trồng dưa hấu huyện Bố Trạch đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Năm nay, toàn huyện Bố Trạch trồng được hơn 650ha dưa hấu, tập trung nhiều ở thị trấn Nông Trường Việt Trung, các xã Tây Trạch, Hòa Trạch, Nam Trạch và Đại Trạch. Năng suất dưa hấu ước đạt 23 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 15.000 tấn. Đầu vụ thu hoạch dưa hấu, có thời điểm thương lái thu mua với mức giá 6.000 - 6.200 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay mức giá đã giảm xuống, hiện chỉ còn 2.500 đồng - 2.700 đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết: Năm nay diện tích dưa hấu của huyện Bố Trạch giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Mặc dù diện tích giảm, nhưng đầu ra vẫn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tìm đầu ra cho dưa hấu nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho người dân. Thời gian tới huyện sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng dưa hấu phù hợp để bảo đảm hài hòa giữa cung và cầu; đồng thời định hướng cho người dân trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGap nhằm hướng tới thị trường tiêu thụ nội địa.

Tiến Thành - Đài TT TH Bố Trạch

Dừa xiêm xanh đạt giá cao nhất trong vòng một năm qua

Nguồn tin: VOV

Giá dừa tăng cao là do vừa qua những tháng mùa khô hạn đa số vườn dừa bị “treo”, năng suất thấp dẫn đến “ cầu vượt cung”, dừa khan hiếm, giá tăng.

Ở thời điểm này, dừa khô phục vụ chế biến và dừa tươi dành cho nhu cầu giải khát đều tăng giá. Dừa xiêm xanh (loại tốt) thương lái đến tận vườn mua với giá trên 110.000 đồng/chục (12 quả), dừa khô nhà vườn bán với giá từ 80.00- 100.000 đồng/chục quả, đây là mức giá cao nhất trong 1 năm qua. Giá dừa tăng cao là do vừa qua những tháng mùa khô hạn đa số vườn dừa bị “ treo”, năng suất thấp dẫn đến “ cầu vượt cung”, dừa khan hiếm, giá tăng.

Thương lái thu mua dừa khô tại tỉnh Bến Tre.

Toàn vùng ĐBSCL có diện tích vườn dừa thương phẩm hơn 130.000 ha; trong đó Bến Tre dẫn đầu diện tích (hơn 70.000ha), tiếp đó là Trà Vinh, Tiền Giang…

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre cho rằng, giá dừa thay đổi là biến động của thị trường thế giới. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái dừa thì nhà vườn và doanh nghiệp cần nhân rộng mô hình liên kêt sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã,tổ hợp tác.

“Do thiếu dừa trên toàn thế giới nên có lúc giá dừa từ 70.000 - 130.000 đồng/chục quả, đem lại nguồn thu nhập cho nông dân rất khá. Để đảm bảo thu nhập ổn định, đề nghị bà con trồng dừa nên liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo về giá. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ tích cực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nào quyết tâm phát triển vừa trồng trọt và chế biến để tăng thu nhập cho bà con ” - ông Tuấn nhấn mạnh./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Bình Dương: Bà Hai Tấn và trại nấm hiệu quả ở Long Hòa…

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Tiếp chúng tôi trong khuôn viên của trang trại nấm Tấn Hưng, ấp Long Thọ, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), bà chủ Nguyễn Thị Minh Tấn (Hai Tấn) nở nụ cười rắn rỏi ở tuổi 71 hào hứng kể về những ngày đầu khởi nghiệp với nghề nấm. Theo lời Bà Tấn, vào những năm 1998, nông thôn Long Hòa nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung còn khá hoang sơ. Để tìm ra được một mô hình làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả là điều khá khó khăn.

Bà Hai Tấn bên những bọc mạt cưa chờ hấp tiệt trùng trước khi cấy meo tạo phôi nấm

Nỗ lực thoát nghèo

Với niềm đam mê làm kinh tế và ý chí vươn lên, bà Tấn khăn gói đi khắp nơi tìm kiếm mô hình làm kinh tế hiệu quả để học tập. Sau chuyến tham quan tới trại nấm ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), bà Hai Tấn về bàn với gia đình thử nghiệm mô hình trồng nấm. Cố gắng gom góp, vay mượn thêm vốn của người thân để nhập 500 phôi giống nấm bào ngư xám về trồng thử. 10 ngày sau khi nhập phôi về, trại nấm bào ngư nhỏ bé của bà Hai Tấn bắt đầu mọc ra những cây nấm đầu tiên.

Dù rất vui khi những phôi nấm có tỷ lệ đậu 100% nhưng bà Hai Tấn vẫn còn một nỗi lo khác đó là phải tìm ra thị trường tiêu thụ. Thời điểm trước năm 2000, người dân còn khá xa lạ với các món ăn từ nấm nên việc chào hàng tương đối khó khăn. Để giải quyết vấn đề, bà Hai Tấn cùng con trai lớn đi chào hàng cho các tiểu thương ở những chợ lớn như Chơn Thành, Dầu Tiếng, Bến Cát. Theo đó, để thuyết phục những tiểu thương bà Hai Tấn nỗ lực tìm tòi những kiến thức về chế biến món ăn từ các loại nấm.

Thời điểm đó, nấm bào ngư xám được bán ra với giá 3.000 đồng/kg, để bán được hàng, bà phải chạy chiếc xe máy mượn của người quen đi 30 - 40km để giao hàng. Những lần giao hàng đầu tiên, bà Hai Tấn phải vừa bán vừa tặng cho tiểu thương ăn thử. Sau khoảng 2 tháng, số lượng hàng mà các tiểu thương đặt mua đã tăng lên gấp 10 lần với mức hàng hóa yêu cầu phải cung ứng hàng ngày ước đạt 150 - 200kg.

Khơi nguồn cảm hứng

Dù rằng tại thời điểm những năm 1998-2000 lợi nhuận từ nghề trồng nấm chưa thật sự cao, nhưng bà Hai Tấn nhận định rằng đây sẽ là một trong những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao trong tương lai. Với suy nghĩ đó, từ những năm đầu khởi nghiệp, bà đã “cử” cậu con trai cả Nguyễn Ngọc Hưng đi học nghề trồng nấm từ các trại nấm lớn ở TP.Hồ Chí Minh. Sau gần nửa năm học thành thạo, Hưng háo hức trở về tiếp tục phụ giúp gia đình đưa trại nấm lên một tầm cao mới với quy mô, số lượng và phương pháp chuyên nghiệp hơn trước.

Sau khi thoát nghèo với mô hình trồng nấm thương phẩm, gia đình bà Hai Tấn đã mở lòng đón tiếp nhiều lượt khách tham quan, học tập về phát triển mô hình này. Bà Hai Tấn cũng được nhiều người biết đến như một tấm gương để noi theo trong việc khởi nghiệp. Đến năm 2005, sau khi tham quan trang trại nấm Tấn Hưng, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo thực hiện chương trình hành động giúp người dân thoát nghèo với mô hình trồng nấm. Nhận được sự đề nghị của huyện, trại nấm Tấn Hưng đẩy mạnh khâu nghiên cứu, phát triển khâu tạo phôi nấm và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn trồng các loại nấm linh chi, bào ngư, nấm mèo… để chuyển giao cho bà con nông dân.

Đến năm 2006, khi số lượng khách hàng đặt mua phôi nấm các loại tăng cao, bà Hai Tấn quyết định giảm dần quy mô trồng nấm thương phẩm và tập trung tối đa nguồn lực vào khâu sản xuất, cung ứng phôi nấm. Trao đổi với chúng tôi, bà Hai Tấn cho biết, bà rất vui khi nhìn thấy thị trường nấm phát triển mạnh. Vui hơn nữa là những người nông dân vốn kham khổ với nghề nông truyền thống hiệu quả thấp nay đã có thêm một nghề mới với mức thu nhập tương đối cao. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện số lượng phôi nấm mà trại nấm Tấn Hưng bán ra trung bình hàng tháng vẫn đạt trên 100.000 phôi với mức giá bán ra trung bình từ 3.400 - 3.600 đồng/phôi. Đây có lẽ là con số biết nói để minh chứng cho sự đổi thay, phát triển của nghề trồng nấm.

Mỗi phôi nấm khi mua về, những người trồng nấm chỉ việc canh thời gian để tưới nước, mở nắp và đóng nắp theo chu kỳ ra nấm của phôi. Sau từ 4 - 6 tháng thu hoạch liên tục, mỗi 1.000 phôi nấm mang về lợi nhuận ước tính khoảng 10 - 12 triệu đồng. Theo thời giá bán sỉ nấm bào ngư xám trên thị trường hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg và giá bán lẻ khoảng 60.000 đồng/kg. Một gia đình nông dân nếu trồng 10.000 phôi (quy mô trung bình của một nhà nấm đơn) sẽ thu về ước lượng 100 - 120 triệu đồng sau 6 tháng.

Trang trại nấm Tấn Hưng đang tạo việc làm liên tục và ổn định cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 6 - 12 triệu đồng/người. Vào những tháng cao điểm, số lượng này có thể lên tới 25 người. Bà Hai Tấn cho biết, hiện thương hiệu nấm Tấn Hưng đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền với nhiều cam kết về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc hàng hóa.

ĐÌNH THẮNG

Kon Tum: Nông dân phấn khởi bước vào vụ khai thác mủ cao su mới

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Thời điểm này, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu bước vào vụ khai thác mới. Điều đáng mừng, giá mủ cao su trên thị trường đang lên từng ngày và hiện ở ngưỡng khá cao.

Một thời, cây cao su mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Vào thời kỳ “hoàng kim”, giá mủ cao su lên tới 45.000-47.000 đồng/kg, giúp nhiều gia đình “đổi đời”. Thế nhưng, sau một thời gian giá cả tăng “nóng”, mấy năm gần đây, mủ cao su liên tục rớt giá, có lúc chỉ còn 5.000-6.000 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình phải ngừng khai thác, thậm chí bỏ vườn cây vì nguồn thu không đủ bù đắp các khoản chi phí khác. Không ít gia đình lao đao theo cây cao su, hoang mang trước giá trị mà loại cây này mang lại. Có những người không đủ kiên trì và niềm tin với cây cao su đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường mủ cao su bắt đầu có những tín hiệu khả quan, giá mủ tăng dần từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, rồi 10.000-11.000 đồng/kg. Hiện giờ, giá mủ cao su nước tăng vọt lên tới 370 đồng/độ TSC, tương đương với mức giá 12.000 đồng/kg với mủ chén ướt,14.000-15.000 đồng/kg đối với mủ đông. So với thời điểm cuối vụ khai thác trước, giá mủ đã tăng tới 35-40 đồng/độ TSC, tương đương mức tăng khoảng 3.500 đông/kg với mủ chén ướt, 5.000 đồng/kg với mủ đông. Có thể nói, đây là tin vui đối với người trồng cao su khi vụ khai thác mới đang bắt đầu.

Giá mủ cao su tăng trước vụ khai thác mang đến niềm vui cho người dân. Ảnh: TH

Theo đánh giá của người trồng cao su, với giá cả hiện tại, mỗi ha cao su, nếu được chăm sóc tốt và người dân tự bỏ công cạo mủ, không phải thuê mướn nhân công, bình quân có thể thu về từ 13-14 triệu đồng/tháng. Như vậy, một gia đình nhà chỉ cần có 1 ha cao su khai thác thì đã đảm bảo thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Cường (thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) cho biết: Dù không thể so được với thời điểm đỉnh cao giá, nhưng so với các năm trước thì mức giá hiện nay đã là một niềm mơ ước của người dân trồng cao su. Như nhà tôi, chỉ có hơn 1ha cao su, các khâu gia đình đều tự làm được, lấy công làm lời nên ngay cả khi giá thấp thì cũng không quá khó khăn, còn nếu giá cao như hiện nay thì cầm chắc thắng lợi. Người dân chúng tôi chỉ mong giá tăng và giữ ổn định để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, yên tâm gắn bó với vườn cây.

Giá mủ lên cao không chỉ mang lại niềm vui cho các hộ dân trồng cao su mà các doanh nghiệp, công ty cao su cũng phấn khởi. Bởi giá cao sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua những khó khăn của thời gian trước, đồng thời đời sống của công nhân, những người làm cao su cũng được nâng lên.

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh ta. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh hiện đạt 75.412 ha; tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Hà, thành phố Kon Tum...

Việc giá cả tăng cao ngay đầu vụ khai thác là tín hiệu mừng giúp nông dân có thêm động lực khai thác, chăm sóc và củng cố niềm tin với loại cây đã từng được coi là “vàng trắng” này.

Thiên Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop