Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 07 năm 2016

Làm giàu từ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Với vườn điều, tiêu, cà phê ghép và chăn nuôi heo, hằng năm gia đình ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Phú Riềng, Bình Phước) thu nhập hơn nửa tỷ đồng.

Đàn heo thịt, heo nái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Tằm

Năm 1992, ông Tằm trồng 2,1 ha điều. Khi cây điều bén rễ, ông trồng xen các loại cây khác vào những hàng đất trống. Lúc đầu ông trồng xen cà phê. Khi cây điều cho thu hoạch, ông tiếp tục trồng xen hồ tiêu và tận dụng cây điều làm trụ cho tiêu leo. Để cây tiêu và điều phát triển, ông khống chế lượng dây tiêu vừa phải, không ảnh hưởng đến phát triển của điều. Trồng xen 3 loại cây trong cùng một diện tích đòi hỏi phải tính toán kỹ về khoảng cách, mật độ hợp lý và chăm sóc từng loại cây sao cho cây điều vẫn phát triển, cà phê và tiêu đủ ánh nắng để quang hợp, ra hoa, đậu trái... Học tập kinh nghiệm từ nhiều nhà vườn, trồng đa cây trên một diện tích, ông Tằm áp dụng vào vườn nhà rất hiệu quả. Ông cho biết: “Vườn đa cây nên phải cung cấp đủ nước, bón phân đầy đủ và chăm sóc tốt thì hiệu quả kinh tế mới bảo đảm”.

Ông Tằm đã xây dựng chuồng trại nuôi heo với mục đích tăng thu nhập và có phân bón cho cây trồng. Hiện gia đình ông có đàn heo khoảng 70 con. Tuy năm nay nắng hạn kéo dài, hồ tiêu chỉ cho thu khoảng 150 triệu đồng, cà phê khoảng 270 triệu đồng, điều 50 triệu đồng nhưng bù lại đàn heo phát triển khá và cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Dự tính tổng thu nhập của gia đình năm nay đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Ông Trần Cao Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình đánh giá: Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tằm còn tích cực tham gia các phong trào ở xã. Anh sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và giúp đỡ nông dân trong xã. Những người đến và tìm hiểu mô hình nuôi, trồng của gia đình đều được anh hướng dẫn tận tình. Khi các hộ nông dân trong xã gặp khó khăn hoặc thiếu vốn, giống, anh Tằm đến tận nhà góp ý, đưa ra giải pháp và sẵn sàng hỗ trợ. Vì vậy, người dân Long Bình rất quý mến và tin yêu anh.

Tiến Quang

Lúa bị đỏ hoe, chết do bón phân Lio Thái?

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Nhiều diện tích lúa của nông dân ở ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị đỏ hoe, rụi từ từ và dẫn đến chết. Nông dân khẳng định họ bón phân Lio Thái của Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield nên lúa mới như vậy. Phía công ty thì cho rằng chưa biết được nguyên nhân và chờ kết luận từ các cơ quan chức năng.

Các nhà chuyên môn và ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân lúa vàng hoe và chết từ từ vào sáng 7-7.

Sáng 7-7, nhiều nông dân và các nhà khoa học, nhà chuyên môn, chính quyền địa phương, Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield đã có mặt tại các ruộng lúa bị đỏ hoe, chết để tìm hiểu nguyên nhân vì sao xảy ra sự cố nói trên. Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra sự việc trên như thế nào thì phải còn chờ kết luận từ ngành chức năng.

Nông dân Nguyễn Hoàng Anh, ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc trồng 1ha lúa OM 5451 cho biết: “Lúa của tôi đến nay được 20 ngày tuổi. Lúc 11 ngày tuổi, tôi có bón phân Lio Thái và sau đó 1 - 2 ngày thì cây lúa có biểu hiện đỏ hoe và cháy rụi từ từ. Tôi khẳng định chỉ do phân thôi, chứ tôi làm nhiều năm nay chưa bao giờ bị thiệt hại như vậy. Vừa qua, công ty liên kết với nông dân để hỗ trợ phân, giống và đến khi thu hoạch sẽ bao tiêu nên gia đình mới đăng ký tham gia. Nhưng mới tham gia chưa bao lâu thì xảy ra sự cố nói trên”.

Gần đó, ông Hà Văn Ngoan cũng có 0,5ha lúa cũng bị sự cố như vậy. Ông Ngoan cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường bón phân URE, DAD… Trong vụ lúa này được các công ty hỗ trợ giống, phân... và bao tiêu sau khi thu hoạch, thấy vậy gia đình mới đăng ký tham gia và xảy ra sự cố. Nguyên nhân xảy ra sự cố nói trên chỉ có phân bón Lio Thái mà thôi, bởi trước đó diện tích lúa của tôi phát triển bình thường như bao diện tích lúa khác ngoài mô hình”.

Bị thiệt hại nặng nhất là lúa của bà N.T.H. Gia đình bà H. bị thiệt hại 2,2 ha lúa OM 5451 do bón phân Lio Thái. Bà H. cho biết, tính đến nay gia đình của bà đã bỏ ra chi phí hơn 500 ngàn đồng/công (1.000m2) nhưng lúa ngày càng rụi dần nên không biết tính sao nữa. Mong công ty bồi thường hay hỗ trợ thỏa đáng để nông dân bớt khổ.

Ông Trần Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy cho biết, vừa qua, xã có nhận thông tin về sự cố trên nhưng chưa biết kết quả như thế nào. Hiện có khoảng 20 ha của trên 30 hộ nông dân có lúa bị thiệt hại. Đây là mô hình điểm có sự liên kết giữa các công ty và nông dân, cầu nối là Hội Nông dân tỉnh. Mô hình này cũng nằm trong vùng Cánh đồng lớn của xã Mỹ Thành Bắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nông dân tham gia mô hình điểm này thì Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield cung cấp phân bón, Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí cung cấp thuốc và Công ty Lương thực Tiền Giang cung cấp giống.

Ngày 6-7, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trần Anh Hòa, Phó Tổng Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết:

“Chúng tôi chưa thể kết luận được nguyên nhân xảy ra sự cố là do đâu. Sự cố này có thể do giống, do nước, do đất hoặc cũng có thể do phân bón của chúng tôi. Vấn đề này còn chờ kết quả từ cơ quan chức năng. Nếu như bà con sử dụng phân bón của chúng tôi mà xảy ra sự cố nói trên thì công ty sẽ đền bù thỏa đáng cho bà con.

Còn bị ảnh hưởng do những vấn đề khác thì công ty không thể chịu trách nhiệm. Trước mắt, chúng tôi đã xin ý kiến từ các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang để lấy phân Lio Thái mà nông dân chưa sử dụng hết để làm đối chứng ở một khu ruộng khác. Trên 10 ngày sẽ có kết quả và cộng với kết quả mà cơ quan chức năng lấy mẫu gửi lên Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (TP. Hồ Chí Minh) xét nghiệm thì có kết luận chính thức”.

Theo ông Trần Anh Hòa, đây là sự cố ngoài ý muốn và lần đầu xảy ra với sản phẩm Lio Thái. Hiện Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield đang dồn nhiều nhân lực để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho các bên.

Trên tinh thần đó, ngoài việc tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục rủi ro, Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield cũng mong muốn được thử nghiệm lại sản phẩm của mình (lượng phân bón còn lại trong mô hình tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy mà bà con nông dân chưa sử dụng hết) trên một mảnh ruộng khác để chứng minh chất lượng phân bón Lio Thái và có sự giám sát, tư vấn chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

SĨ NGUYÊN

Rau củ baby hút khách

Nguồn tin: VnExpress

Sau cơn sốt củ, quả tí hon, hiện rau baby cũng đang được người tiêu dùng ưa chuộng và đã được các hệ thống siêu thị chú ý.

Chị Hạnh, ở quận 3 TP HCM cảm thấy thích thú mỗi lần đi siêu thị khi thời gian gần đây có xuất hiện rất nhiều các loại rau củ “baby” với giá cả khá hợp lý. “Thay vì mua cà rốt và rau dền loại lớn, tôi chọn loại baby. Chúng không những non, vị cũng ngon hơn những loại rau lớn mà giá chỉ đắt hơn vài nghìn đồng, thậm chí có loại ngang giá”, chị Hạnh nói.

Cũng ưa chuộng rau baby, chị Hoa ở quận 7 cho biết, từ khi xuất hiện rau baby, chị ưu tiên lựa chọn sản phẩm này hơn bởi kích cỡ vừa phải lại khiến trẻ nhỏ thích thú. Đặc biệt, đối với rau muống con, nếu muốn ăn gỏi thì loại này có kích cỡ thích hợp để cuốn với cá và bánh tráng.

Khảo sát của tại một số cửa hàng thực phẩm ở TP HCM cho thấy, các loại rau baby có giá dao động 20.000 - 40.000 đồng một kg, đa phần được đóng gói trong bao bì với trọng lượng 200 - 450gram một bịch.

“Các sản phẩm rau dền, rau muống, cà rốt tí hon được nhập ở nông trại Đà Lạt. Vì đang trong quá trình thử nghiệm nên cửa hàng chỉ bán với số lượng có hạn, mỗi ngày chỉ khoảng hơn chục kg. Riêng với cà rốt tí hon được khách khá ưa chuộng nên lượng đặt hàng vẫn không đủ cung ứng”, nhân viên cửa hàng thực phẩm ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 nói.

Cũng nhập khá nhiều các rau củ baby, nhân viên cửa hàng rau củ tại trung tâm thương mại SC Vivo City (quận 7) cho hay, trung bình mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 100 kg các loại. Ngoài các loại rau đặc trưng thì còn có thêm các sản phẩm mới như bó xôi, cải ngồng, cải làn con. Hầu hết sản phẩm này đều nhập từ Đà Lạt.

Không chỉ một số cửa hàng nhỏ bán rau baby mà tại các siêu thị, loại rau này cũng được bày bán rộng rãi.

Các loại rau baby được bán khá nhiều trong siêu thị TP HCM. Ảnh: Thi Hà.

Tại LotteMart, rau dền, rau muống, mồng tơi con, su su, dưa leo baby… được xếp ở vị trí khá bắt mắt. Giá dao động 20.000 - 30.000 đồng một kg, còn các loại quả 30.000 - 40.000 đồng một kg.

Ông Bùi Tuấn Tú – Trưởng phòng thu mua thực phẩm tươi sống LotteMart cho biết, siêu thị bán tổng cộng 10 - 14 sản phẩm rau củ quả baby, giá khoảng 15.000 - 18.000 đồng trên 300gram. Các sản phẩm được bày bán như dưa leo, bắp, rau muống, mướp hương, cải ngọt, cải thìa baby… Một số sản phẩm rau là nhãn hiệu riêng của siêu thị với hình thức hợp tác từ nhà cung cấp tại vùng Đức Trọng (Đà Lạt). Còn lại được thu mua từ nông dân trồng tại Gò Công (Tiền Giang) và Hóc Môn (TP HCM).

“Trung bình mỗi tháng, siêu thị tiêu thụ khoảng 1,5 - 2 tấn các dòng sản phẩm baby. Dòng sản phẩm baby được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao và lựa chọn, đơn cử như dưa leo có mức tiêu thụ trung bình một tấn một tháng. Dự kiến sức tiêu thụ các dòng sản phẩm baby còn tăng mạnh trong thời gian tới bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng, có lợi cho sức khỏe”, ông Tú nói.

Còn tại hệ thống Big C, Metro, các sản phẩm rau củ baby cũng được thực khách ưa chuộng. Theo nhân viên các hệ thống này, mức tiêu thụ đang có chiều hướng gia tăng.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Hợp tác xã rau Thạnh Hưng cho biết, do tâm lý chuộng rau baby thời gian gần đây nên đơn vị cũng được các hệ thống siêu thị đặt hàng. Vì mới bắt đầu sản xuất nên số lượng cung ứng ra thị trường chưa nhiều.

Còn tại Công ty An Phú Đà Lạt, Giám đốc Nguyễn Thành Nguyên cho biết, mỗi tháng đơn vị cung ứng cho thị trường TP HCM khoảng 100 tấn rau củ, quả tí hon. Riêng với rau baby mới sản xuất gần đây cung ứng được khoảng 5 - 7 tấn mỗi tháng.

"Chúng tôi không chỉ cung ứng cho các hệ thống siêu thị mà cả các bếp ăn công nghiệp và cửa hàng. Vì rau này đa phần làm theo chuẩn hữu cơ, lại phải chăm sóc kỹ lương nên giá của quả tí hon dao động 35.000 - 50.000 đồng một kg, còn rau baby có khoảng 20 loại với giá 35.000 - 40.000 đồng. Nếu so với đầu năm, sức tiêu thụ các sản phẩm này đang tăng và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới", ông Nguyên nói.

Thi Hà

Đồng Nai: Nhiều loại rau đặc sản mùa mưa

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Vào mùa mưa ở khu vực thuộc các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú (Đồng Nai) thường xuất hiện nhiều loại rau đặc sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích, giá khá mềm so với những thời điểm mùa khô. Cụ thể, vùng Nhơn Trạch dịp này có gần 10 điểm bán rau chại giá khoảng 25 - 30 ngàn đồng/kg, chỉ bằng 50% - 60% so với thời điểm mùa khô. Rau chại mùa mưa đọt thường mập và non hơn nên chế biến thành món ăn cũng ngon hơn. Rau chại dễ chế biến, có thể luộc chấm kho quẹt, hoặc xào tỏi ăn rất ngon. Khu vực Tân Phú nổi tiếng với đọt mây rừng, lá nhíp. Đây là loại đặc sản của rừng được một số nhà hàng chế biến thành những món đơn giản nhưng khá ngon miệng, như: rau nhíp xào thịt bò, đọt mây rừng hầm giò heo. Theo người dân địa phương, những loại rau đặc sản trên ngoài ăn ngon thì còn tác dụng thanh lọc cơ thể, trị một số bệnh.

Khu vực TX. Long Khánh, Trảng Bom thì nổi tiếng với đọt khổ qua rừng. Loại rau này hiện có thể trồng được, nhưng đọt khổ qua rừng lấy từ thiên nhiên giá thường cao gấp 1,5 lần so với trồng, khoảng 80 - 90 ngàn đồng/kg. Đọt khổ qua rừng có thể nấu canh, nhúng lẩu có vị hơi đắng nhưng lại được nhiều người ưa thích vì có nhiều tính năng tốt cho cơ thể.

Hương Giang

“Ăn nên làm ra” nhờ biết chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp

Nguồn tin: Báo Bình Định

Vốn là một nông dân nghèo nên ông Nguyễn Ngọc Ánh (ở thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) luôn trăn trở phải làm cái gì đó để thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Tình cờ xem một chương trình trên truyền hình giới thiệu giống thanh long ruột đỏ phù hợp trên nhiều chân đất, đồng thời, rất dễ trồng và chăm sóc; sẵn có đất trồng mì, trồng mía không mấy hiệu quả, ông Ánh vô tận tỉnh Bình Thuận mua giống cây này về trồng.

Hiện tại, ông Ánh trồng được 950 trụ thanh long trên diện tích 1,3ha. Nhờ học tập và thực hiện tốt quy trình chăm sóc, cùng sự cần cù chăm bón cho vườn cây, ông Ánh đã thành công với mô hình thanh long ruột đỏ trên đất Tây Giang. Hàng năm, ông thu hoạch trên 5 tấn thanh long với chất lượng ngon, ngọt, được thị trường ưa chuộng.

Ông Ánh bên vườn thanh long ruột đỏ. Ảnh: HOÀNG CHI

Ông Ánh chia sẻ: Khó khăn nhất trong thời điểm ban đầu là nguồn cây giống ở địa phương không có nên mới vào tận tỉnh Bình Thuận mua cây giống đem về nhân trồng. Cái khó thứ hai là nguồn nước tưới ở đây rất hạn chế. Qua học tập, rút kinh nghiệm chăm sóc rồi thành công với cây thanh long, tôi nhận thấy loại cây ăn quả này rất phù hợp trên đất quê mình; trong khi nhiều chủ vườn ở Bình Thuận phải chở đất từ nơi khác đến để trồng thanh long.

Không dừng lại ở vườn thanh long ruột đỏ, con trai của ông - một kỹ sư mới ra trường - khuyên ông nên mở rộng gia trại của gia đình để nuôi chim cút, loại vật nuôi mà anh đã dày công tìm hiểu. Được cha đồng ý, anh con trai của ông đã về quê, cùng ông xây dựng gia trại nuôi chim cút và đầu tư máy ấp trứng để ấp trứng cút lộn cung cấp cho thị trường. Hiện tại, gia trại của ông nuôi 2.000 chim cút giống. Ông dự định tăng lượng chim cút giống lên 5.000 con mới đủ lượng trứng cút lộn cung cấp cho khách hàng.

Hiện nay, gia trại của ông Ánh đang trên đà “ăn nên làm ra”, mỗi năm trừ chi phí, còn lãi trên 150 triệu đồng. Ông Ánh bộc bạch: Từ hiệu quả kinh tế đem lại cho gia đình mình, nếu bà con muốn làm theo mô hình này thì tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, khỏi cần vô tận Bình Thuận học hỏi như tôi trước đây. Ai muốn làm, tôi sẵn sàng giúp đỡ để phát triển cây thanh long, đem lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình ở địa phương.

HOÀNG CHI

7 giống dâu tây sẽ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Dâu tây Đà Lạt"

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngày 8/7, UBND thành phố Đà Lạt đã tổ chức Hội thảo góp ý tiêu chí chất lượng và quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt”. Tham dự có hàng chục tổ chức, đơn vị, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh dâu tây tiêu biểu trên địa bàn.

Khách du lịch thăm vườn dâu công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Nguyên Thi

Hội thảo đã thống nhất chọn 7 giống dâu tây đề nghị cấp chứng nhận nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” gồm: Mỹ đá, Mỹ hương, Newzealand, Langbiang 2, Mara de Bois, Đài Loan, Nhật (Toyohaka). Những điều kiện để được gắn nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” đối với 7 giống dâu tây này như sau: được trồng trên thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận; khi quả chín có màu sắc đỏ tươi, mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ; vị ngọt và chua thanh. Về hình thái của mỗi quả dâu tây thu hoạch có hình trái tim, thịt quả đỏ tươi, chiều dài từ 20mm đến 35mm; cân nặng từ 10 - 20g. Các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… của quả dâu phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” cho 7 giống dâu nói trên được giải quyết trong vòng 17 ngày tại UBND thành phố Đà Lạt. Trong đó, gồm 5 ngày kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh; 12 ngày còn lại lấy mẫu kiểm định chất lượng, quyết định cấp giấy chứng nhận; nếu không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Ngoài ra, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về chọn mẫu biểu trưng (logo) và bản đồ vùng chứng nhận nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”. UBND thành phố Đà Lạt sẽ hoàn chỉnh cuối cùng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” trước khi đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định ban hành.

VŨ VĂN

Sản xuất xoài theo hướng hiện đại, nông dân cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Là thông điệp Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương gửi đến bà con nhà vườn trong buổi tọa đàm chủ đề “Sản xuất và tiêu thụ xoài” được UBND tỉnh tổ chức tại hợp tác xã (HTX) Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh vào ngày 8/7. Tham dự buổi tọa đàm có các diễn giả: ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mỹ Lan (Trà Vinh); ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức (huyện Thanh Bình).

Chủ tịch Nguyễn Văn Dương trao tặng máy test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho HTX xoài Mỹ Xương

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương giải thích nguyên nhân vì sao tỉnh Đồng Tháp quyết tâm tiên phong thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp và phân tích sự cần thiết khi Đồng Tháp theo đuổi đề án này. Ngành hàng xoài là một trong những ngành hàng thế mạnh mà tỉnh Đồng Tháp đang quyết tâm cùng nhà vườn xây dựng và đẩy mạnh hoàn thiện chuỗi giá trị. Theo ông Nguyễn Văn Dương, để ngành hàng này phát triển bền vững, nông dân được hưởng lợi nhiều hơn thì người nông dân cần thay đổi nhiều hơn nữa về tư duy sản xuất. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ được xem là chìa khóa giúp sản phẩm xoài nâng cao năng lực cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.

Tham dự buổi tọa đàm, nhà vườn cũng được các diễn giả cung cấp những thông tin cần thiết về tình hình sản xuất, tiêu thụ của nhiều quốc gia trên thế giới; thông tin liên quan đến quy định của một số nhà nhập khẩu trên thế giới. Đồng thời, các diễn giả cũng đưa ra một số giải pháp tư vấn canh tác giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng trái xoài, phù hợp với từng thị trường nhập khẩu: như sử dụng phân thông minh trên xoài, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Dịp này, Chủ tịch UBND Tỉnh trao tặng cho HTX xoài Mỹ Xương máy phân tích độ PH trong đất và máy test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Những chiếc máy này có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng giúp nhà vườn chủ động hơn trong sản xuất, từ đó giúp chất lượng xoài được nâng cao và kiểm soát tốt ngay tại vườn.

MỸ LÝ

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop