Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 07 năm 2017

Nghi Lộc (Nghệ An): Thanh long chín đỏ rực, thu hút khách hàng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ngọt, màu sắc hấp dẫn, cây thanh long trồng ở xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An đang được khách hàng tìm về thu mua tại vườn.

Về thăm vườn thanh long của anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm 9, xã Nghi Phương (Nghi Lộc) những ngày ngày, chúng tôi vô cùng ấn tượng bởi 3 ha thanh long đang vào mùa chín rộ. Anh Dũng phấn khởi nói: “Năm nay, dù thời tiết rất khắc nghiệt nhưng thanh long ra hoa, kết trái sớm hơn 1 vụ.

Đợt hái đầu tiên này tôi đã thu về gần 2 tấn quả, sẽ còn 5,6 đợt hái quả nữa. Nếu giá ổn định như hiện nay (từ 25- 30 ngàn đồng/kg), dự kiến năm 2017 này tôi sẽ thu về trên 200 triệu đồng”.

Vườn thanh long của gia đình anh Dũng ở Nghi Phương. Ảnh: Thu Hiền

Kể về quá trình xây dựng mô hình anh Dũng nhớ lại: Sau khi xoá bỏ lò gạch thủ công, anh chuyển đổi trồng cây thanh long. Với diện tích 3 héc ta, anh bố trí trồng 1.200 gốc. Ðể trồng thanh long anh bắt tay vào xây trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được nhận đủ nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời.

Thu hoạch thanh long. Ảnh: Thu Hiền.

Thanh long là cây trồng chịu hạn tốt, đảm bảo ánh sáng, ít sâu bệnh, không mất nhiều thời gian chăm sóc, tuy nhiên nếu thiếu nước sẽ giảm năng suất, do đó, anh khoan giếng tại vườn để phục vụ tưới cho cây. Mỗi năm bón phân chuồng một lần. Mỗi cây thanh long cho thu hoạch khoảng 15- 20 kg quả, mỗi vụ cho thu hoạch từ 5 - 6 đợt, mỗi đợt cách nhau 20 ngày.

Thời gian thu hoạch kéo kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 11. Điểm khác biệt, cây thanh long trồng một lần có thể thu hoạch từ 15-20 năm, sau đó mới phải trồng lại cây mới.

Thương lái mua thanh long ngay tại ruộng. Ảnh: Thu Hiền

Thanh long trồng ở đồng đất Nghi Phương tuy quả không to bằng thanh long của miền Nam nhập về, nhưng được khách hàng đánh giá có vị ngọt, mát, màu sắc hấp dẫn và có nguồn gốc rõ ràng nên được khách khắp nơi tìm về mua tại vườn.

Ông Đậu Xuân Vĩnh - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghi Phương (Nghi Lộc) đánh giá: “Mô hình cây thanh long rất phù hợp với vùng đất thổ những của địa phương. Cây trồng này vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế nhưng đây còn là cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu cho nên tôi đã tổ chức cho hội viên tham quan mô hình để học tập kinh nghiệm”.

Thu Hiền - Đài Nghi Lộc

Ngỡ ngàng mô hình trồng chuối Xiêm kiếm tiền tỷ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Gia đình anh Vương Văn Thi ở xã Hùng Cường, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên là hộ nông dân chuyên trồng chuối. Do chủ động liên kết được với thương lái mua gom chuối ở tỉnh Thái Nguyên, anh Thi luôn có lợi nhuận cao.

Tập kết chuối bán cho thương lái

Thời điểm này gia đình anh vừa thu hoạch xong 20ha chuối tây, sản lượng quả ước đạt 650 tấn, giá trị trên 5 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí vật tư và thuê mượn công lao động, anh Thi vẫn còn được lãi hơn 3,5 tỷ đồng cho 18 tháng từ trồng đến thu hoạch, tương đương lợi nhuận đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Ngoài thu hoạch sản phẩm chính là quả chuối tây, gia đình anh Thi còn được thu các sản phẩm phụ như hoa chuối dùng làm rau gia vị cho các nhà hàng, lá chuối bán cho các chủ hộ chế biến giò, chả, nem chua để bao gói sản phẩm, thân cây dùng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuối con tách chồi từ cây mẹ có thể sử dụng làm giống trồng cho vụ kế tiếp, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Bên cạnh đó, ở thời vụ mới xuống giống, vườn chuối còn chưa khép tán, có thể xen canh thêm 1 - 2 vụ đậu tương, vừa gia tăng thu nhập, vừa tác dụng bồi dục đất, giữ ẩm vườn, giảm thiểu cỏ dại phát sinh gây hại... Các khoản thu phụ này, có thể đủ chi phí vật tư phân bón cho cây chuối trồng trong năm đầu.

Diện tích trồng chuối của xã Hùng Cường đang được mở rộng

Anh Thi cho biết, để có nhiều diện tích canh tác chuối, gia đình anh đã thuê hoặc nhượng lại ruộng canh tác của một số hộ nông dân trong làng với giá 500 nghìn đến 1 triệu đồng/năm. Đồng thời, chọn giống chuối tây Thái Lan để trồng, cây sinh trưởng khoẻ, khả năng chống đổ ngã khá, quả to, năng suất cao, ít bị nhiễm virus vàng lá Panama.

Biết gia đình anh Thi sản xuất đạt hiệu quả cao, một số hộ nông dân trong xã cũng tích tụ đất canh tác, học hỏi kỹ thuật và liên kết cùng anh chuyển đổi diện tích các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp, sang trồng chuối tây. Đến nay, diện tích trồng chuối của địa phương này đã đạt trên 170ha, tăng gần 100ha so với cùng kỳ năm 2013 và trở thành một trong số ít vùng trồng chuối tây trù phú của Hưng Yên.

Bà Phạm Thị Tịnh, chủ hộ nông dân cùng xã đã so sánh, ở vùng đất bãi không chủ động tưới tiêu này, trồng 1 sào đỗ, lạc hoặc cây màu nào đó cũng chỉ được lãi dưới 2 triệu đồng mỗi năm, không bằng nửa tháng đi làm dịch vụ thương mại hoặc lao động phổ thông... Vì vậy bà cùng một số hộ nông dân khác thâm canh cây trồng không được hiệu quả cao, đã cho thuê lại ruộng khoán để mở mang ngành nghề mới có thu nhập cao hơn, lại không phải lo sâu bệnh, hạn hán, úng ngập và tiêu thụ nông sản...

Bao gói chuối đưa đi tiêu thụ

Sau khi tham quan mô hình trồng chuối tây Thái Lan hiệu quả của các hộ nông dân xã Hùng Cường, TS Trần Ngọc Hùng, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả lưu ý: “Bản chất giống chuối tây Thái Lan ở đây là giống chuối Xiêm, đã trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam từ lâu. Khi di thực ra các tỉnh miền Bắc, chuối Xiêm đã thể hiện được khả năng thích ứng cao với đặc điểm sinh thái trong vùng và phát huy được nhiều đặc tính ưu tú như đã nêu trên.

Tuy nhiên, khi tách chồi chuối con từ vườn cây mẹ thương phẩm để làm giống, nhà vườn cần tuân thủ triệt để các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh chính như, bón cân đối đạm, lân, kali. Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục cho chăm bón. Khử trùng dụng cụ bằng nước vôi trong sau mỗi lần đào tách cây con, hoặc gọt bỏ rễ thân ngầm trên cây giống.

Chỉ sử dụng cây giống tách chồi trồng cho 1 - 2 thời vụ, sau đó trồng bằng cây giống nuôi cấy mô, để tránh rủi ro dịch bệnh nguy hiểm. Để canh tác chuối bền vững, cần luân canh chuối với cây ngô hoặc cây trồng khác, chu kỳ luân canh từ 3 - 5 năm”.

Theo anh Thi, sở dĩ gia đình anh chỉ mở rộng diện tích trồng chuối tây, vì diện tích chuối tây của địa phương và các tỉnh khác còn khá nhỏ, đồng thời sản lượng quả cho thu hoạch chủ yếu trong mùa hè, rất hợp với thị hiếu người tiêu dùng miền Bắc. Trong mùa hè, quả chuối tây bảo quản tự nhiên cũng được dài ngày hơn chuối tiêu, nên bán được giá cao gấp 3 - 4 lần chuối tiêu.

Phương Nguyễn

Lâm Đồng: Nghịch cảnh mùa màng ở Đạ Huoai

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Trước đây 3 tháng, các huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên (Lâm Đồng) rộ lên dịch bệnh bọ xít muỗi và thán thư gây hại cho cây điều, khiến mùa điều xem như mất trắng. Cùng chung tình cảnh với cây điều là thất thu chôm chôm, lẽ ra sẽ thu hoạch trong vòng một tháng nữa. Nhưng bù lại, sầu riêng đang vào vụ và năng suất dự báo tăng hơn 10%, với giá trung bình khoảng 55 ngàn đồng/kg, còn cà phê thì đang hứa hẹn một mùa sai trái vào vụ thu hoạch cuối năm nay.

Ông Hữu trong vườn điều chưa kịp tỉa cành khô cháy. Ảnh: L.Hoa

Mất mùa không trở tay kịp

Chúng tôi về Đạ Huoai vào ngày huyện tổ chức cấp phát số thuốc phòng chống dịch bệnh bọ xít muỗi đợt 2. Gần 12 giờ trưa, nhưng cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện vẫn phải đứng chờ xe từ TP Hồ Chí Minh lên để giao luôn về xã tạm trữ, phân phát cho bà con. Chị Mơ - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tranh thủ nhắc ông Nguyễn Xuân Hữu - thôn trưởng Thôn 4 (xã Đạ Oai) kêu gọi bà con hưởng ứng chống dịch và hoàn thành trước ngày 15/7.

Vườn điều nhà ông Hữu nằm trong vùng trồng điều tập trung, có địa thế bằng phẳng, đường bê tông vào tận nơi. Ông có 5 sào điều mô hình (trong số 20 mô hình được Trung tâm Nông nghiệp huyện đầu tư, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật chăm sóc cây điều...). Mùa điều năm ngoái, ông thu bói ở vườn điều này được hơn 3 tạ, và năm nay, nếu không bị sâu bệnh, thì ông Hữu có thể thu được từ 7 tạ đến 1 tấn hạt ở vườn điều mô hình này.

Ông Hữu đang dọn dẹp vườn, cắt bỏ những cành bị cháy do bọ xít muỗi chích. Ông bảo, đây là tỉa cành tạo tán đợt 1. Sau khi dọn cành và cỏ, ông sẽ rạch một đường ở giữa để bỏ phân, xong lấp lại để phân không bị bay hơi. Trong 2 tháng tiếp theo, ông sẽ tỉa cành, tạo tán và bón phân đợt 2. Tỉa cành để cây nảy ra nhiều mầm mới thì sẽ có nhiều cành, đơm nhiều bông - khả năng kết quả cao. Và từ bây giờ cho tới lúc được thu hoạch phải xịt thuốc để phòng trừ sâu bệnh, vì dịch bọ xít vẫn còn.

Toàn Thôn 4 (xã Đạ Oai) có tổng cộng 60 ha điều, nhìn chung là thất thu. Nhưng tình trạng phải bỏ cả cây không đáng kể, chỉ phải cắt cành và chăm bón lại thì điều sẽ hồi phục.

Cùng được đầu tư mô hình như nhà ông Hữu, nhà bà Duyên ở Thôn 7 có 5 sào điều được trồng sát vườn tràm và ruộng lúa. Do ảnh hưởng của vườn tràm, nên nấm nhiều hơn, cây vì thế mà bị bệnh nhiều hơn... Ở các vùng trồng điều tập trung có đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình thất thu điều còn có phần triệt để hơn, bởi tập quán canh tác dựa vào thời tiết và bà con có phần chủ quan hơn trong chống dịch...

Ông Nguyễn Văn Thanh ở Thôn 1, xã Đạ Oai có 2,5 ha điều, cũng như các vườn điều khác, ông đầu tư chăm bón rất kỹ. Nhưng ông bảo, khi đại dịch kéo tới, trở tay không kịp. Năm nay, đặc biệt, đỉnh dịch diễn ra vào thời điểm Tết Nguyên đán. Nhà ông Thanh, bón phân, xịt thuốc đầy đủ, thấy trái ra chắc ăn rồi, nhưng sau khoảng 10 ngày ăn Tết, lên vườn thấy trái đã teo khô. Ngoài bọ xít muỗi và bệnh thán thư, mưa nhiều cũng làm điều không thể thụ phấn được hoặc thối, méo trái, queo bông...

Đường vào nhà bà Nguyệt (ở Thôn 2, xã Hà Lâm) đi qua khoảng vườn rộng, hai bên là những cây chôm chôm xanh rì lá, không có quả và những cây điều còn khô cành chưa kịp tỉa tán. Nhà bà Nguyệt trồng 1 ha điều xen trong vườn 7,5 ha có sầu riêng, chôm chôm và một ít cà phê. Điều thì không thu được hạt nào. Còn chôm chôm, bà Nguyệt đưa ra con số rất hình tượng rằng, mọi năm bà có thể thu được 250 tấn, thì nay còn khoảng 1-1,5 tấn - chỉ có thể gọi là thu cho vui.

Bà Nguyệt đang thuê 5 nhân công dọn vườn, tính ra cũng phải một tuần mới xong. Nếu đúng vụ, một tháng nữa là đến mùa chôm chôm, có nghĩa là dịp này khắp vườn phải đang trĩu trái chôm chôm. Nhưng chôm chôm mất mùa không phải do dịch bệnh mà do thời tiết. Mưa nhiều và liên tục, nên bông bị hư không kịp đậu trái, hoặc đậu trái rồi bị thối, dự báo sẽ thất thu khoảng 70%.

Các vườn chôm chôm ở xã Hà Lâm đều trong tình cảnh: ít cây cho trái, có cây nửa bên này ra trái - nửa bên kia chỉ toàn lá và phổ biến là nhiều cây không trái...

Theo báo cáo của huyện Đạ Huoai, do ảnh hưởng thời tiết và dịch bọ xít muỗi nên năng suất cây ăn trái giảm mạnh, đặc biệt, các loại cây chôm chôm, măng cụt... do biến đổi khí hậu nên tỉ lệ ra hoa đạt rất thấp và muộn.

Được mùa được giá sầu riêng

Diện tích cây sầu riêng được trồng mới ở Đạ Huoai khoảng 88 ha, nâng diện tích sầu riêng toàn huyện lên 2.426 ha, tăng 3,7% cùng kỳ, nhưng sản lượng trái dự báo giảm khoảng 29% cũng do thời tiết và sâu bệnh, tổng sản lượng ước đạt 7.963 tấn.

Lang thang 2 ngày ở các vùng sầu riêng từ Phước Lộc đến Hà Lâm, Đạ Oai, lần đầu tiên, chúng tôi có được nhiều cảm xúc khác biệt mà chỉ có thể có được ở giữa vườn sầu riêng. Đó là, vừa nghe tiếng quả sầu riêng rơi đánh “bộp” là lao theo, tìm và hí hửng mang chiến lợi phẩm vào nhà.

Vừa ăn, lại vừa đảo tai nghe ngóng trái sầu riêng khác rơi. Cứ thế, chỉ nửa tiếng đồng hồ buổi sáng, hàng chục quả sầu riêng đã xếp hàng trước hiên nhà.

Chúng tôi trở lại thôn Phước Trung của xã Phước Lộc - nơi hai năm nay đã trở thành vùng sầu riêng VietGAP. Con đường cách đây một năm là những lượn sóng đất đá nhấp nhô và trơn trượt, nay đã được bê tông hóa, nhà nước bỏ vốn hơn 2 tỷ lo vật tư, nhân dân góp công hơn 400 triệu. Cùng với đường mới là những ngôi nhà xây rộng rãi và xinh xắn đang xuất hiện. Khu Sình Mây ngày nào giờ bát ngát sầu riêng. Cây nào cây nấy trĩu trịt trái, phải dùng dây nhựa chằng đỡ để tránh bị rụng trái, hoặc gẫy đổ cành.

Ông Nguyễn Văn Châu có 3,4 ha sầu riêng VietGAP vừa đi Di Linh, Bảo Lộc về. Ông kể, đang liên kết mở trại cây giống ở ngã ba Đông Anh gần Quốc lộ 20, đoạn đi vào xã Phước Lộc. Hôm nay, ông cùng đối tác đi khảo sát một số vườn cây. Tiếp theo đó, ông sẽ lấy mầm cây sầu riêng trong vườn nhà mình làm mắt ghép để tạo cây giống mới. Đầu tháng 7 này, nhà ông mới bắt đầu bẻ bán. Năm nay hơi muộn, nhưng giá tốt, mà trái cũng đạt. Ước tệ nhất cũng phải đạt 50 tấn và giá bán tại vườn của ông đang là 53 ngàn đồng/kg.

Ông Thanh ở Thôn 1 - xã Đạ Oai cũng có 1,8 ha sầu riêng, gồm 250 gốc với khoảng 220 gốc đang cho thu hoạch, trong đó có một phần vườn cây 7 năm tuổi và phần còn lại 17 năm tuổi - chủ yếu là giống sầu riêng Mongthong. Theo ông Thanh, dù là sầu riêng tuổi nào, thì chất lượng và năng suất các cây khác tuổi vẫn như nhau, chủ yếu là do cách chăm sóc. Trong vườn nhà ông Thanh, mỗi cây sầu riêng trung bình từ 2,5-3 tạ trái, sản lượng ước sẽ đạt khoảng 35-50 tấn. Trước đó, ông Thanh đã cắt bán đợt đầu được 4 tấn, đợt này đang cắt bán khoảng 10 tấn và dự tính vườn nhà ông sẽ cắt hết trong vòng 2 tuần tới...

Ông Thanh chốt giá tại vườn cho công ty tiêu thụ thẳng đến người tiêu dùng (không qua trung gian) với giá 48 ngàn đồng/kg cho cả vườn - suốt mùa (bán xô). Nếu qua mối lái thiệt khoảng 5 ngàn đồng/kg.

Khắp các đường ngang ngõ dọc ở các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai... đều lấp đầy hình ảnh thu hoạch sầu riêng. Những chiếc xe tải đậu ven đường đang chất kín dần sầu riêng. Những đống sầu riêng to tướng khác vẫn đang tiếp tục đón từng sọt sầu riêng được xe máy chở về. Và những vườn sầu riêng nhộn nhịp cảnh thu hái...

Để tăng giá trị thương phẩm cho trái sầu riêng Đạ Huoai, huyện Đạ Huoai đã xây dựng thành công quy trình sầu riêng VietGAP và cấp chứng nhận Nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai cho 15 hộ dân và đang tiếp tục khảo sát để cấp chứng nhận cho 15 hộ nữa. Đồng thời đã tiến hành cấp trên 50.000 tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” cho 15 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn 3 xã Đạ P’Loa, Hà Lâm và Phước Lộc, với tổng diện tích là 38,2 ha...

Ông Thanh với mùa sầu riêng bội thu. Ảnh: L.Hoa

Còn đó nhiều trăn trở...

Ông Thanh đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng, hiện mới có 9 thành viên, nhưng các hộ tham gia còn e ngại, vì chưa xác định được mục tiêu hoạt động, vẫn có vẻ thăm dò, nhất là khi tình hình giá cả không thuận lợi. Mặc dù, hầu hết các loại sầu riêng ở Đạ Huoai đang bán rất chạy, nhưng sầu riêng Thái bị chững lại do phía Thái Lan xuất khẩu theo đường chính ngạch, còn Việt Nam xuất theo đường tiểu ngạch, nên nếu sầu riêng Thái Lan không đủ xuất, họ mới mua hàng của Việt Nam đóng mác vào... Vì vậy, vấn đề tiêu thụ cũng không phải thuận lợi với tất cả các chủ vườn sầu riêng.

17 năm nay, vườn sầu riêng nhà ông Thanh chưa bị mất mùa bao giờ. Trái năm nay đậu chùm nhiều, nên gặp gió lốc rất dễ ngã đổ nếu không chống đỡ. Mặc dù, sầu riêng có bị sâu hại giảm sản lượng, nhưng năng suất lại tăng đến 10%. Bù qua sớt lại, dù cây có bị hư hại, ngã đổ hay rụng trái cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu.

Theo ông Thanh, biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, nhưng tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình đầu tư và có mức đầu tư hợp lý, nên hiệu quả mang lại tốt. Chẳng hạn, sầu riêng cũng bị bọ xít muỗi chích, khiến bông bị teo khô, nhưng đa số là những vườn không đầu tư, khiến năng suất sụt giảm.

Với kinh nghiệm 20 năm trồng sầu riêng, trải qua nhiều lần thất bát trong chuyển đổi cây trồng, ông Thanh khẳng định, sầu riêng là loại cây trồng cho giá trị cao nhất ở Đạ Huoai. Ông Thanh cũng đang có kế hoạch dài hơi cho 5-10 năm sau, khi vườn sầu riêng này già cỗi, ông sẽ có vườn khác cho thu hoạch, đó là cách canh tác bền vững. Ông Thanh đưa ví dụ: Hôm nay, nhà ông dự tính sẽ cắt khoảng 10 tấn sầu riêng, nhưng chỉ cần 3 người, với tiền công 300 ngàn/người, chi phí nhân công của ông chưa đến 1 triệu đồng. Khác hẳn công hái cà phê, công hái tiêu, công hái điều. Chăm sóc sầu riêng thì mỗi lần cần lại thuê, không tốn tiền đất, không tốn tiền cây. Ai cũng trồng sầu riêng ở vùng này được cả, nhưng quan trọng là phải làm như thế nào mới hiệu quả.

Vườn nhà ông Châu và các vườn lân cận ở xã Phước Lộc cũng bị lốc bật gốc, sét đánh gãy cành, gió rụng trái khá nhiều, cũng bị thiệt hại khoảng 2 tấn trái/vườn. Về giá cả, những hộ dân như ông Thanh, ông Châu không bao giờ lo lắng, vì có các mối quan hệ thị trường rộng và kinh nghiệm, nên luôn bán được giá tốt. Ông Châu còn khẳng định, Đạ Huoai đã có cơ sở hút chân không, cấp đông, đóng hộp “Sầu riêng Minh Hoàng Khôi”, nếu giá không tốt, ông sẽ đưa vào đây. Cơ sở Minh Hoàng Khôi cũng vừa xây dựng thêm một nhà xưởng, công suất tiêu thụ lớn lại ở ngay giữa vùng nguyên liệu sầu riêng...

Được mùa - mất giá, được giá - mất mùa vẫn đang là vấn đề của vùng sản xuất nông nghiệp ở khắp nơi, mà Lâm Đồng dường như luôn chịu ảnh hưởng của sự xoay vần ấy. Nhưng, được mùa - được giá như sầu riêng Đạ Huoai của 2 năm nay, không chỉ dựa hoàn toàn vào thiên thời, địa lợi, mà ở đó công sức, trí tuệ và niềm tin cũng như tình yêu người nông dân đổ vào mảnh vườn, hàng cây của mình không phải nhỏ... Chia tay Đạ Huoai trong cảnh các vùng trồng điều không còn một màu tươi mát của những vườn cây đang lên chồi non tím đỏ, nhưng vấn vít nương theo là mùi sầu riêng béo ngọt, thơm lừng của một mùa trái sai, giá tốt..., với hy vọng một vụ mùa màng mới sẽ xóa bỏ cảm giác nặng trĩu trên khuôn mặt người nông dân, và chỉ còn là những khuôn mặt rạng rỡ và những giọt mồ hôi lóng lánh, tươi vui...

Ghi chép Lê Hoa

Cây giống sốt giá - nhà vườn bội thu

Nguồn tin: VOV

Ở thời điểm này, tất cả các loại cây giống nhà vườn bán ra đều tăng từ 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái?

Do nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh nên cây giống ở tỉnh Bến Tre hiện đang sốt giá. Trong đó, nhiều loại giống cây ăn trái chủ lực của tỉnh giá tăng cao nhất như sầu riêng giá 80.000 đồng/cây; bưởi da xanh, mít trên 40.000 đồng/nhánh; dừa xiêm xanh giá 20.000 đồng/trái, chôm chôm 50.000 đồng/cây…

Thị trường tiêu thụ cây giống hút hàng là do các địa phương mở rộng diện tích vườn cây ăn quả. Riêng nhiều khu vực ở ĐBSCL gần đây bị hạn mặn làm thiệt hại vườn cây ăn trái nên nhà vườn phải đầu tư con giống trồng lại. Với mức giá này, người làm nghề sản xuất cây giống ở tỉnh Bến Tre bội thu.

Nhiều loại cây giống ở Bến Tre năm nay tăng giá gấp đôi so với năm ngoái.

Chỉ tính riêng tại khu vực làng nghề cây giống Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 16-17 triệu cây giống các loại cung cấp cho cả khách hàng ở Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc.

Tại các xã Tân Phú, Tiên Long, Phú Túc, An Khánh, huyện Châu Thành cũng có hàng chục ngàn người làm ăn khá giả với mô hình sản xuất cây giống thương phẩm.

Ông Huỳnh Trần Quốc Phi, hộ chuyên sản xuất cây giống ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, mặt bằng giá cây giống năm nay có những chủng loại tăng 2-3 lần so với năm ngoái. Số lượng bán ra cũng khá nhiều hơn năm trước.

“Ví dụ như giống cây mít siêu sớm năm ngoái chỉ có giá 8.000 -10.000 đồng/cây, năm nay đã tăng lên 40.000 đồng/cây. Cây giống sầu riêng năm trước giá 40.000 năm nay tăng lên 80.000 đồng/cây… Gần như các loại cây giống đều tăng giá lên gấp đôi”, ông Phi chia sẻ./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nho, táo Ninh Thuận được bảo quản bằng công nghệ mới

Nguồn tin: Người lao động

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch vừa hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại nông sản Thái Thuận (tỉnh Ninh Thuận) dây chuyền công nghệ bảo quản nho, táo.

Theo đó, trái nho, táo sau khi thu hoạch tại vườn sẽ được phân loại, xử lý bằng kỹ thuật bao gói khí điều biến, đưa vào kho lạnh bảo quản trước khi bán ra thị trường. Dây chuyền xử lý này sẽ làm sạch tạp chất, ức chế và tiêu diệt nấm mốc trên trái nho, táo nên kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch.

Trái nho được bảo quản bằng "bao gói khí điều biến" sẽ kéo dài thời gian sử dụng

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết với công nghệ mới này, thời gian bảo quản nho, táo lên tới 55-60 ngày, gấp đôi so với các công nghệ khác.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 1.300 ha nho và gần 1.000 ha táo, tổng sản lượng mỗi năm gần 25.000 tấn nho và 20.000-22.000 tấn táo.

L.Trường

Vải thiều giảm giá - Không có bất thường

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Mấy ngày vừa qua nhiều báo đưa tin giá vải thiều bỗng dưng giảm mạnh do thương nhân Trung Quốc đột ngột ngừng mua khiến nhiều người trồng vải vô cùng lo lắng. Sự thật có đúng như vậy không?

Một điểm cân vải ở huyện Lục Ngạn.

Vải thiều Lục Ngạn, Vải thiều Bắc Giang đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới. Trong đó nhiều thị trường "khó tính" như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Năm nay có hai lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường mới là Hà Lan và Thái Lan.

Chất lượng vải thiều được nâng cao do áp dụng tiêu chuẩn sản xuất VietGAP,GlobalGAP; công tác xúc tiến thương mại được quan tâm hơn (tỉnh đã tổ chức hội nghị về tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc và tổ chức Tuần lễ vải thiều lần thứ hai tại Hà Nội); các điều kiện khác cho tiêu thụ vải thiều bảo đảm thuận lợi... Đó là những yếu tố thu hút thương nhân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ vải thiều và chắp cánh cho vải thiều vươn xa.

Năm nay, do tác động bất lợi của thời tiết nên vải thiều mất mùa. Tổng sản lượng toàn tỉnh ước đạt 100 nghìn tấn, riêng vải thiều Lục Ngạn khoảng 40-45 nghìn tấn, giảm một nửa so với năm trước. Bù lại rủi ro mất mùa, giá vải thiều năm nay đạt con số kỷ lục, cao nhất 75-80 nghìn đồng/kg.

Đến thời điểm này, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang khoảng 80 nghìn tấn, trong đó tiêu thụ nội địa chiếm gần 2/3, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Sản lượng vải thiều muộn chưa tiêu thụ chủ yếu ở Lục Ngạn còn khoảng 4-5 nghìn tấn, tương đương 10% sản lượng toàn huyện. Cũng do tác động bất lợi của thời tiết nên vải muộn vừa ra quả, vừa ra lộc dẫn tới hiện tượng trút quả sinh lý nên chất lượng quả kém hơn năm trước, quả nhỏ, mẫu mã không đẹp.

Sản lượng vải thiều còn ít, chất lượng kém, mua vài ngày mới đủ một chuyến trong khi đây là thời điểm vải thiều Trung Quốc bắt đầu vào mùa nên số thương nhân Trung Quốc lúc cao điểm nhất hơn 200 người nay còn lại ở Lục Ngạn là 25 người đang duy trì thu mua bình thường.

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Hiện giá vải giảm 30-50% (còn trên dưới 20 nghìn đồng/kg) so với đầu vụ và giữa vụ là bình thường. Vấn đề này chúng tôi đã khuyến cáo với nông dân trước một tháng nay là vải chín đến đâu bán ngay đến đó, không nên găm lại chờ tăng giá. Vì cuối vụ sản lượng còn ít, là loại vải "mót", chất lượng kém, mẫu mã xấu thì giá giảm là lẽ đương nhiên".

Trần Anh

Lạc rớt giá, dân đua nhau đi ép dầu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Năm nay lạc rớt giá lại khó tiêu thụ nên nhiều nông dân ở Nghi Lộc (Nghệ An) đã ép làm dầu ăn. Các cơ sở ép dầu lạc, vừng cũng xuất hiện khá nhiều, đáp ứng nhu cầu của khách.

Nhận thấy thị trường có xu hướng dùng dầu lạc tự chế nên tháng 5/2017, ông Hoàng Văn Đức ở xóm 1 Xã Nghi Trường đã đầu tư 200 triệu đồng mua một máy ép dầu lạc thủ công. Ông Đức cho biết: Tuy mới đưa vào hoạt động 2 tháng nhưng khách đưa lạc đến ép dầu rất nhiều. Nhất là thời gian này khi công việc đồng áng đã vơi, có ngày nhà ông đón vài chục khách, ép gần 4 tạ lạc nhân.

Các cơ sở ép dầu lạc luôn đông khách. Ảnh Nhật Tuấn

Ở các xã vùng màu trọng điểm sản xuất lạc trong huyện, hầu như xã nào cũng có người sắm máy có giá từ 150 – 200 triệu đồng để mở dịch vụ ép dầu lạc, vừng. Lạc sau khi bóc vỏ, nhặt hết hạt sâu, thối, mốc được đưa vào máy ép. Dầu lạc vừa ép được cho vào nồi lọc vận hành bằng khí nén, lọc lấy dầu nguyên chất. Cứ 11kg lạc nhân ép được 5 lít dầu. Nếu lạc tốt, tỷ lệ dầu còn cao hơn. Với 10kg lạc nhân, tiền công ép là 40.000 đồng, thời gian ép chỉ vài chục phút.

Khách được “giám sát” toàn bộ quá trình ép nên hoàn toàn an tâm với sản phẩm dầu ăn của mình. Ảnh Nhật Tuấn

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân ở xóm 10, xã Nghi Trung cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường mua dầu lạc ở các huyện khác về dùng. Dầu được ép theo phương pháp truyền thống như: lạc nhân được xay nhỏ, đem hông chín rồi mới ép dầu. Dầu ép cách này chất lượng không tốt và để không được lâu như dầu ép bằng máy mới hiện nay”.

Một lít dầu lạc hiện có giá 80.000 đồng, cao gần gấp đôi giá dầu ăn công nghiệp bán trên thị trường. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn lựa chọn dầu lạc tự chế cho bữa ăn hàng ngày. Bởi theo bà con, khách được trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình ép, không lo bị pha trộn và hoàn toàn an tâm về chất lượng.

Chỉ sau vài chục phút, hơn 10kg lạc vỏ đã thành 5 lít dầu ăn. Ảnh Nhật Tuấn

Ông Hoàng Văn Mậu – Chủ một cơ sở ép dầu lạc, vừng ở xã Nghi Khánh cho biết: Năm nay, lạc rẻ lại khó bán nên người dân đem lạc nhà đi ép dầu rất đông, gấp đôi năm ngoái. Có khách ép hàng tạ lạc nhân để vừa dùng vừa bán. Tuy nhiên, do giá cao hơn dầu ăn công nghiệp nên dầu lạc ép thủ công không bày bán ngoài chợ được mà chỉ bán theo cách trao tay người thân quen. Cuối năm ngoái đến nay, nhà ông bán được gần 1.000 lít dầu, trong đó nhiều khách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Nông dân đua nhau đem lạc đi ép dầu cũng là cách tự tiêu thụ một phần nông sản của mình trong thời điểm nông sản bị “ế ẩm”.

Nhật Tuấn - Đài Nghi Lộc

Kiệu được giá nhưng mất mùa

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện nông dân trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch vụ kiệu mùa. So với năm trước, giá kiệu hiện tăng khoảng 2.000 đồng/kg.

Chăm sóc kiệu

Hơn 1 tuần qua, thương lái đến thu mua kiệu tươi tại ruộng với giá 14.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, kiệu có chất lượng trung bình khoảng 13.000 đồng/kg; kiệu nhỏ khoảng 11.000 đồng/kg; kiệu giống 30.000 - 31.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 3.000 đồng/kg.

Năm nay, tuy kiệu đang mất mùa, nhưng nông dân huyện Tam Nông cũng phần nào an ủi vì được giá.

Ông Lê Văn Kịch ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm kiệu cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 10 công kiệu, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi vụ cũng thu được từ 40 - 50 tấn kiệu tươi. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sản xuất kiệu gặp khó khăn do ảnh hưởng thời tiết và giá cả lên xuống thất thường. Không những thế, vật giá cứ leo thang nên 1 công kiệu từ ngày xuống giống đến thu hoạch, tôi phải đầu tư 30 triệu đồng gồm các chi phí, phân thuốc... nên khi thu hoạch nông dân không còn lời nhiều”.

Theo nhiều nông dân trồng kiệu, nguyên nhân khiến giá kiệu tăng là do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng kiệu giảm mạnh khiến cầu vượt cung.

Trang Huỳnh

Lúa hè thu muộn bán được giá cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nông dân tại các xã ở phía Bắc kinh Cái Sắn thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đang bước vào thu hoạch rộ các trà lúa hè thu muộn 2017, với năng suất và giá bán khá cao, giúp nhà nông đạt mức lời khá tốt.

Doanh nghiệp thu mua lúa hè thu 2017 của nông dân tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Giá bán lúa tươi IR50404 tại ruộng đang dao động phổ biến từ 4.900-5.000 đồng/kg, còn đối với các loại lúa hạt dài như OM 2514, OM 2517, OM 1490, OM 4218, OM 5451, OM 6976… có giá từ 5.100-5.500 đồng/kg. Theo nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, năng suất nhiều trà lúa hè thu muộn tại huyện có thể đạt từ 800- 900 kg/công (công tầm lớn 1.300m2). Với giá lúa hiện nay, nhiều nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 1,5- 2 triệu đồng/công lúa. Gần đây, trời mưa nhiều có ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa của nông dân, nhưng nhìn chung việc tiêu thụ lúa khá thuận lợi, ngay sau thu hoạch hầu hết đều được thương lái và doanh nghiệp thu mua tại ruộng. Song, nhiều nông dân cũng cho biết, lợi nhuận trong vụ này có thể đạt cao hơn nếu không bị các "cò" thu mua lúa và tiểu thương "ép giá". Nguyên nhân do một số loại lúa như OM 5451 bất ngờ bị thương lái hạ giá thu mua từ 5.500 đồng/kg xuống còn 5.300-5.400 đồng/kg với những lý do được nêu ra như hàng nhiều, đã đủ hàng giao hợp đồng… Trong khi đó, giá hầu hết các loại lúa khác đã nhích lên thêm 100-200 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần.

Khánh Trung

Giống lúa cho vùng đất ven đầm phá

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Việc khảo nghiệm thành công hai giống lúa KH1 và AX14 trên chân đất ven đầm phá nhiễm chua phèn được xem là bước đột phá nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, sản lượng cây lúa.

Hiệu quả

Hàng năm, HTX NN An Xuân (Quảng An, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đưa vào sản xuất 250 ha lúa/vụ. Trong đó, có khoảng 60 ha diện tích nằm sát chân đầm phá, thường bị nhiễm chua phèn. Cá biệt, vụ hè thu năm 2016, có hơn 50 ha mất trắng do hiện tượng nhiễm chua phèn trong đất. Việc đưa vào khảo nghiệm thành công giống lúa KH1 trên vùng đất An Xuân được xem là bước đột phá nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên diện tích trồng lúa tại địa phương.

Ông Trần Đức Diện, Phó Giám đốc HTX NN An Xuân cho biết, vụ đông xuân 2016-2017, Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với đơn vị triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm phèn, mặn ven phá” với diện tích 5ha của hơn 30 hộ dân tham gia mô hình. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống KH1 có thời gian sinh trưởng khoảng 115-117 ngày, ngắn hơn giống truyền thống từ 5-7 ngày; đẻ nhánh tốt, nhiều hạt, chất lượng gạo ngon.

Ông Trần Đình Tuấn, một nông dân cho hay, tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ giống, 30% vật tư, bà con nông dân phấn khởi vì tìm được giống lúa “trị” được chân đất chua phèn- vốn là “bài toán” nan giải từ nhiều năm nay đối với vùng đất ven đầm phá. “Giống KH1 ít nhiễm sâu bệnh hơn các loại giống khác, năng suất bình quân đạt từ 70-75 tạ/ha. Với giá lúa khô 5,5 nghìn đồng/kg là tương đối được. So với vùng đất này trước kia, bà con sản xuất bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng trong vụ đông xuân 2016-2017, tại huyện Phú Lộc, các HTX Đại Thành (xã Lộc An), Bắc Hà (thị trấn Phú Lộc) đã triển khai khảo nghiệm sản xuất giống lúa AX14 trên diện tích 10 ha của hàng chục hộ dân. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và 30% chi phí vật tư nông nghiệp. AX14 là giống lúa thuần do Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế chọn, tạo. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, AX14 có năng suất khá cao, cho năng suất thực thu đạt được 62 tạ/ha, cao hơn so với giống Khang Dân gieo trên cùng chân đất bình quân khoảng 2 tạ/ha.

“Năng suất ước tính của ruộng mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng khoảng 5-15kg/sào, tương đương 1-3 tạ/ha. Do vậy, lợi nhuận kinh tế thu về được từ ruộng mô hình chênh lệch với ruộng truyền thống là 52 nghìn đồng/sào, tương đương hơn 1 triệu đồng/ha”, ông Trần Thỏn, một hộ dân tham gia mô hình, khẳng định.

Nhân rộng

Từ những mô hình khảo nghiệm đầu tiên, hiện nay hai giống lúa KH1 và AX14 đã triển khai vụ hè thu 2016-2017 trên diện tích gần 100 ha của 20 HTX NN trên địa bàn Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Lộc.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, hàng năm, trên địa bàn có khoảng 700 ha lúa nằm sát chân đầm phá, nhiều diện tích bị ảnh hưởng do nhiễm phèn, mặn, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Hiện nay, các HTX An Xuân, Quảng Thọ 2, Đông Phú đang triển khai trồng các giống lúa KH1 và AX14 trên các chân đất chua phèn, cho kết quả khả quan.

“Hai giống lúa này có năng suất khá cao, dễ sản xuất, ít sâu bệnh hại hơn so với giống Khang Dân, các địa phương nên tiếp tục đầu tư thâm canh vùng chuyên canh sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân. Mặt khác, bố trí giống ở các vùng đất thích hợp như chua phèn, trũng…để phát huy ưu thế các giống lúa này là khả năng đẻ nhánh mạnh và chịu chua phèn”, ông Vọng đề xuất.

Cũng theo ông Vọng, các doanh nghiệp, đại lý, đơn vị sản xuất tiêu thụ và các HTX cần có sự trao đổi, phối hợp và hợp đồng ký kết với người dân, để khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong việc đưa các giống mới như KH1 và AX14 vào sản xuất.

Ông Ngô Viết Trí, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nông- lâm (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho hay, hiện nay có hàng nghìn ha lúa trên địa bàn tỉnh nằm ven đầm phá, thường xuyên nhiễm chua phèn. Việc đưa vào trồng, khảo nghiệm thành công hai giống lúa KH1 và AX14 có ý nghĩa quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, bà con nông dân mong muốn nhân rộng mô hình, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật.

Ông Trí cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện các giống lúa mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với địa phương, các HTX để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật và các giải pháp để phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, Sở NN&PTNT, các ban ngành liên quan đang tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để các đơn vị HTX tiếp tục tổ chức sản xuất nhân rộng nhiều giống lúa mới trong các vụ sau trên các vùng có cùng điều kiện thâm canh”.

Theo Trung tâm Khuyến nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã sản xuất trên 3.000 ha các loại giống lúa mới, lúa hữu cơ, chất lượng cao và kháng rầy như BT7, DT39, Thiên Ưu 8, VTNA2, HP01, HP05, RNT07, ĐT34, Q5, PC6, HP28, tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền. Các vùng sản xuất các giống lúa này có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hướng đến tạo thương hiệu gạo hữu cơ có giá trị.

Hà Nguyên

Hiệu quả kinh tế từ trồng nấm rơm trong nhà

Nguồn tin: Báo An Giang

Gắn liền với cây lúa, nghề trồng nấm rơm ở An Giang đã phát triển từ rất lâu, chủ yếu là sản xuất ngoài trời. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết khiến nông dân trồng nấm rơm bị động, ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận. Mô hình trồng nấm rơm trong nhà ra đời với những ưu điểm vượt trội về năng suất, canh tác nhiều vụ, ít hao nguyên liệu… được nhiều nông dân lựa chọn phát triển.

Từ ngày được tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà, anh Nguyễn Thanh Tùng, nông dân ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà trồng nấm, với diện tích khoảng 70m2/nhà. Bên cạnh đó, anh Tùng còn chủ động dự trữ thêm rơm và làm thêm 3 nhà nấm “dã chiến” để canh tác vào thời điểm nấm cao giá, như: Rằm, lễ, Tết… nhằm tăng thêm lợi nhuận. Khi mới bắt đầu, anh Tùng trồng cả 3 loại: Nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo, tuy nhiên sau đó chỉ lựa chọn phát triển mô hình trồng nấm rơm vì hiệu quả đạt cao nhất. “Nấm mèo, nấm bào ngư ở địa phương tiêu thụ rất ít, riêng nấm rơm thì người dân trước giờ quen ăn nên nhu cầu nhiều” - anh Tùng giải thích. Ngoài ra, để đánh giá năng suất của nấm rơm trồng trong nhà so với ngoài trời, trong vụ tiếp theo, anh Tùng quyết định thử nghiệm trên cả hai. Theo đó, với 4 công rơm, anh Tùng dùng 1,5 công chất trong nhà nấm, còn lại 2,5 công chất ngoài trời. Cùng kỹ thuật chăm sóc như nhau, sau gần nửa tháng thu hoạch, lượng nấm rơm thu được từ mô hình ngoài trời chỉ khoảng 20kg (mưa, nắng thất thường đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất). Còn chỉ với 1,5 công nấm trong nhà, anh Tùng thu được 42kg nấm rơm, cao hơn gấp đôi so với khi trồng ngoài trời. Nhờ vậy, anh Tùng càng yên tâm đầu tư mô hình trồng nấm rơm trong nhà, vì có thể sản xuất quanh năm, chủ động được diễn biến của thời tiết, quan trọng là cung cấp nấm sạch đến tay người tiêu dùng.

Anh Tùng đang ủ rơm chuẩn bị cho vụ nấm tiếp theo

Theo anh Tùng, giá nấm rơm thấp nhất cũng ở mức 50.000 đồng/kg. Vào các dịp rằm lớn, lễ, Tết thì tăng cao, giá dao động từ 80.000- 90.000 đồng/kg. Với mức giá đó, sau khi trừ hết chi phí, nông dân có thể lãi trên 1 triệu đồng/công rơm sau một tháng chăm sóc và thu hoạch. Nấm được chất lên kệ theo mô, với chiều cao, rộng khoảng 38cm, dài 1 mét, do các mặt mô thoáng nên nấm đều có thể phát triển được. Theo tính toán, nếu rơm đẹp cùng thời tiết mát mẻ thì với mỗi mét mô, có thể thu hoạch đến 2,5kg nấm. Khi trồng nấm rơm trong nhà, thời tiết bên ngoài vẫn ảnh hưởng đôi chút, tuy nhiên nông dân có thể chủ động khắc phục được. Khi không khí lạnh thì đốt thêm đèn để nhiệt độ trong nhà nấm ấm lên, thuận lợi cho nấm kéo tơ và tạo hình nấm. Còn khi nắng nóng liên tục kéo dài, bà con có thể phun nước giảm nhiệt trên các mô nấm, theo dõi đến khi nhiệt độ, độ ẩm thích hợp là được. “Thời điểm gần Tết năm rồi, gió bấc nhiều, tôi cho thắp 10 bóng đèn ở trong nhà nấm trong 1 tuần, đến khi nấm đã được định hình là nghỉ. Chỉ tốn chừng một chục ký điện nhưng nấm có năng suất, giá nấm lúc đó cân tại nhà là 90.000 đồng/kg, thấy ham lắm”- anh Tùng chia sẻ.

Muốn nấm rơm đạt năng suất và nấm đẹp thì người trồng phải lưu ý, đầu tiên là nguyên liệu rơm phải sạch, đẹp; khi ủ rơm phải để rơm chín đều, có mùi thơm… “Ngày càng có nhiều kỹ thuật mới nên mình phải tự ý thức cập nhật liên tục. Chỉ có như vậy thì mô hình của mình mới thực sự hiệu quả, khắc phục được những hạn chế còn tồn tại, quan trọng là ngày càng giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận”- anh Tùng giải thích. Có được kiến thức từ những lớp tập huấn kỹ thuật cộng thêm kinh nghiệm của bản thân qua mấy mùa trồng nấm, anh Tùng không giấu nghề mà có cơ hội là chia sẻ với nông dân ở các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới… khi họ có nhu cầu khởi nghiệp với mô hình trồng nấm rơm trong nhà.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trạch cho biết, trước đây ở địa phương nghề trồng nấm rơm rất phát triển, nhất là trồng trong nhà, vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay khó nhất với những hộ trồng nấm rơm là nguyên liệu rơm ngày càng khan hiếm và giá thành cao, từ 300.000-350.000 đồng/công rơm…

Ánh Nguyên

Thái Nguyên: Tỷ lệ hom chè sống đạt gần 92%

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 28 vườn ươm chè đăng ký kiểm định chất lượng giống năm 2017. Tổng số hom cắm của các vườn này là 2.323 vạn hom, với các giống chè như LDP1, Kim tuyên, TRI 777, PH8. Qua kết quả kiểm định vườn ươm lần 1, tỷ lệ sống trung bình đạt gần 92%, với tổng số cây sống là 2.132 vạn cây.

Hiện tại, cây chè giống trong vườn ươm cao trung bình 15-20 cm, có 5-7 lá thật, sinh trưởng tốt. Số giống chè này đang tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng và chỉ những hom giống đạt chất lượng qua lần kiểm định thứ 2 của Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh (vào khoảng cuối tháng 7) mới được cung cấp cho người dân.

Được biết, hầu hết các chủ vườn ươm chè đều đã được tham gia tập huấn kỹ thuật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng. Do đó việc thực hiện các quy định về ươm giống chè và quy trình kỹ thuật ở các vương ươm này tương đối tốt.

Tùng Lâm

Thanh Hóa: Toàn tỉnh phấn đấu diện tích mía nguyên liệu đạt 29.000 ha

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa,

Niên vụ 2017-2018, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu diện tích mía nguyên liệu đạt 29.000 ha, năng suất 70 tấn/ha, sản lượng 2,03 triệu tấn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp, các công ty mía đường và chính quyền các địa phương đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các hộ trồng mía triển khai trồng mới, chăm sóc mía lưu gốc. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của mía nguyên liệu, toàn tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích mía thâm canh lên 10.000 ha, tăng 3.400 ha so với niên vụ 2016 - 2017.

Được biết, để mở rộng diện tích mía nguyên liệu thâm canh, cùng với việc đưa các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao vào canh tác, các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất mía tiên tiến, như: Lắp đặt hệ thống tưới tràn và tưới nhỏ giọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao năng suất mía; tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Hương Thơm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop