Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 08 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 08 năm 2020

Triển vọng cây chôm chôm Thái trên vùng đất cằn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Về thôn 8, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), nhiều người bất ngờ với những vườn chôm chôm trĩu quả, chín mọng trên cành. Vùng đất này vốn khá cằn cỗi, rất kén cây trồng, thế nhưng người dân đã táo bạo đưa giống chôm chôm Thái về trồng để hôm nay có loại cây đặc sản cho địa phương.

Thôn 8, xã Cư Mốt có 64 hộ dân đều là người dân tộc Nùng, di cư từ tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp từ khoảng năm 1993. Những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu chỉ canh tác các loại cây như điều, tiêu và cà phê. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi nên hầu hết các loại cây trồng phát triển kém, năng suất đạt thấp.

Khoảng năm 2005, một số hộ dân trong thôn đã tìm về các tỉnh miền Tây Nam bộ mua giống chôm chôm Thái đem về trồng thử nghiệm xen trong vườn cà phê, mục đích ban đầu là làm cây che bóng. Nhận thấy chôm chôm trên đất Cư Mốt khá phù hợp, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, cây ít bị sâu bệnh, chỉ khoảng 4 năm sau khi trồng là cây bắt đầu cho thu hoạch, quả sai, cơm dày và ngọt… nên người dân trong thôn đã chiết cành trồng xen canh số lượng nhiều trong vườn.

Gia đình ông Lương Văn Ích là một trong những hộ đầu tiên đưa giống chôm chôm Thái về trồng. Hiện ông có hơn 100 cây chôm chôm 15 năm tuổi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 12 - 13 tấn quả, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập 130 triệu đồng/năm.

Ông Lương Văn Ích ở thôn 8, xã Cư Mốt giới thiệu về mô hình trồng chôm chôm Thái thu lợi nhuận cao.

Ông Ích cho biết, khi mới xuống giống, cây chôm chôm phát triển chậm do khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, tầng đất bề mặt toàn sỏi đá khó tích nước. Tuy nhiên, sang năm thứ 3 về sau, rễ cây đâm sâu, cây chôm chôm chuyển qua giai đoạn thích nghi và phát triển tốt.

Để bảo đảm có đầu ra ổn định cũng như dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đầu năm 2019, các hộ trồng chôm chôm ở thôn 8 đã được cấp phép thành lập Hợp tác xã trái cây Cư Mốt (gọi tắt là HTX) do ông Lương Văn Ích làm Giám đốc. Hiện HTX có 11 hộ thành viên trồng hơn 12 ha chôm chôm, trong đó có 5 hộ chuyên canh, còn lại trồng xen canh tại các vườn cà phê, tiêu, sầu riêng. Trong mùa vụ năm 2019, HTX đã xuất bán hơn 200 tấn quả.

Gia đình ông Lương Văn Thắng ở thôn 8 có 1 ha chôm chôm xen canh tiêu và cà phê. Theo ông Thắng, khi tham gia HTX thì các hộ trồng chôm chôm đã bắt đầu đi vào sản xuất tập trung, thường xuyên được ngành chức năng huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc vườn cây, bón phân, tưới nước, tỉa cành hợp lý.

Người dân không còn làm theo kinh nghiệm truyền thống mỗi nhà một kiểu như trước nên cây chôm chôm cho năng suất cao, trái đẹp, quả đều, không làm ảnh hưởng đến năng suất của các cây trồng xen. Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng liên kết với các đầu mối thu mua nên đầu ra chôm chôm khá ổn định, không bị ép giá.

Lê Thành

Chanh không hạt rớt giá

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trái chanh không hạt được nông dân bán cho tiểu thương và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua chanh hiện nay chỉ còn 8.000-9.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những tháng mùa nắng vào hồi đầu năm nay, trái chanh không hạt khi đó có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg.

Trồng chanh không hạt tại một hộ dân ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Giá chanh không hạt bán lẻ tại nhiều chợ ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Hậu Giang… ở mức từ 12.000-15.000 đồng/kg. Mức giá này đang thấp hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Chanh không hạt bị rớt giá do nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu thụ đang chậm do bước vào các tháng mùa mưa và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến đầu ra xuất khẩu gặp khó so với mọi năm. Chanh không hạt khá dễ trồng và cho trái quanh năm. Vườn chanh chăm sóc tốt có thể cho năng suất trái hơn 4 tấn/công.

Theo hộ dân trồng chanh không hạt, thời điểm này chanh cho trái thuận mùa, nông dân ít tốn chi phí đầu tư chăm sóc, xử lý cho cây ra trái nên vẫn đảm bảo có thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, khi nhiều địa phương đã và đang ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh không hạt làm nguồn cung tăng mạnh, trong khi đầu ra xuất khẩu mặt hàng này hạn chế, người trồng chanh đang lo lắng về đầu ra trong tương lai.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ cho nông sản Lâm Đồng

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Để nông sản Lâm Đồng ngày càng mở rộng cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, điều tiên quyết là nâng cao chất lượng, tạo dựng được thương hiệu, đồng thời dần tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Nhờ tạo được chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu mà rau thủy canh Trường Phúc được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận

Kiểm soát chất lượng nông sản

Xuất phát từ nhu cầu của người dân về rau sạch ngày càng cao, cộng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương phù hợp với việc trồng và phát triển rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, 25 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Lạc Lâm (Đơn Dương) đã mạnh dạn cùng nhau hợp tác sản xuất và thành lập HTX rau VietGAP Lạc Lâm, nhằm cung cấp ra thị trường nông sản sạch, ổn định đầu ra cho nông dân.

Ông Bùi Ngọc Cung (thôn Hải Dương, Lạc Lâm), Phó Giám đốc HTX rau VietGAP Lạc Lâm lại là người đi tiên phong trong phát triển rau công nghệ cao ở đây. Ông cho biết, trồng theo kiểu truyền thống không mang lại giá trị kinh tế cao, ông bỏ số vốn lớn để đầu tư 2 ha nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt sản xuất nông sản sạch. Từ đó có thể chủ động hơn trong công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm từ gốc, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

“Thời điểm hiện tại, nhiều dịch bệnh hoành hành trên nông sản cộng với dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ nông sản thì diện tích trồng cà chua, hành baron sản xuất nhà kính của tôi vẫn phát triển tốt và cho ra sản phẩm đạt chất lượng, được Công ty Phong Thúy thu mua với giá cao. Nhận biết xu hướng thị trường ưa chuộng nông sản sạch, tôi đã xây dựng chương trình VietGAP cho 2 ha nhà kính của mình. Mới hơn vài năm sản xuất, tôi đã lấy lại số vốn đã đầu tư, bây giờ chỉ việc thu lợi nhuận”, ông Cung chia sẻ.

Được biết, Lâm Đồng hiện có diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 58.347 ha; tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C,... đạt khoảng 78.000 ha; 4 vùng chăn nuôi theo VietGAHP với khoảng 718 hộ, tổng đàn hơn 65.000 con heo và khoảng 1.500 con bò sữa tại trang trại Vinamilk Lâm Đồng được chứng nhận Organic.

Trong các năm qua, công tác kiểm soát chất lượng nông sản luôn được ngành nông nghiệp chú trọng thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định định kỳ đối với các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, đồng thời tăng cường lấy mẫu giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các mẫu vi phạm. Ngoài ra, việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm còn được thực hiện qua các biện pháp tuyên truyền, tổ chức đào tạo, tập huấn về ATTP, chuỗi liên kết, VietGAP,… để người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cập nhật và nhận thức được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm để vừa phát triển sản xuất, vừa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết.

Tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm

Để hướng đến đầu ra ổn định cho nông sản Lâm Đồng, đặc biệt hướng đến thị trường quốc tế, nông sản Lâm Đồng cần phải tạo dựng thương hiệu của riêng mình.

Rau thủy canh ở trang trại Trường Phúc (xã Đạ Sar, Lạc Dương) đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, sản lượng sản xuất rau thủy canh ở trang trại là 300 tấn/năm, trong đó 80% sản phẩm tiêu thụ trong nước với việc cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh và hệ thống Siêu thị BigC trên toàn quốc, còn lại là xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với giá bán khoảng 55.000 đồng/kg.

Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty Trường Phúc cho biết, để có được điều đó, trang trại của ông đã phải vượt qua các tiêu chuẩn đánh giá của phía đối tác. Để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn thì chất lượng là điều kiện tiên quyết, bao gồm chất lượng về hóa lý, côn trùng và đặt biệt là ngoại quan của sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị sản xuất tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu sản phẩm, các hoạt động đăng ký bảo hộ bản quyền nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, việc mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ cho nông sản Lâm Đồng là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ngành nông nghiệp đã chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch theo hướng sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Căn cứ vào quy hoạch để xây dựng các vùng sản xuất với quy mô và chủng loại nông sản phù hợp, áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lớn, ổn định giá cả lâu dài, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, hiện nay tỉnh đã xây dựng và đăng ký thành công 19 nhãn hiệu đối với các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản xây dựng thành công thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.

Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm để vừa phát triển sản xuất, vừa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng đến việc áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ thông minh vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, áp dụng mã QR code, nhật ký điện tử,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

HOÀNG YÊN

Duy trì nguồn thu nhập quanh năm nhờ đa dạng vườn cây

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Phát triển nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đất không chỉ tạo đa dạng hóa sinh học cho vườn cây mà còn mang lại nhiều nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Năm 1995, gia đình ông Đặng Văn Quế, thôn Đắk Thủy, xã Đắk Lao (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) từ vùng quê Nghệ An vào Đắk Nông lập nghiệp. Buổi đầu trên vùng đất mới, gia đình ông gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn đầu tư sản xuất. Sau nhiều năm tích cóp từ đi làm thuê và vay mượn, gia đình ông mới dần mua được đất ở và 3 ha sản xuất.

Mỗi loại cây tạo ra một nguồn thu nhập cho gia đình ông Quế

Những năm đầu làm kinh tế, gia đình ông Quế chỉ tập trung phát triển cà phê và mọi nguồn thu nhập đều dựa cả vào đấy. Khi giá cà phê xuống thấp, nguồn thu nhập chỉ đủ cho gia đình chi trả các khoản chi phí sản xuất. Cuộc sống của gia đình ông vì thế mà khó khăn từ năm này qua năm khác. Thế nhưng, cũng chính từ trong khó khăn đó, ông Quế đã tìm cách tạo thêm nhiều nguồn thu nhập khác. Năm 2013, ông bắt đầu trồng xen bơ và hồ tiêu vào vườn cà phê.

Ông Quế phân tích: “Việc phát triển cùng lúc nhiều loại cây trong vườn sẽ giúp tôi tránh được các rủi ro về dịch bệnh, giá cả thị trường. Cà phê cho thu hoạch mỗi năm một vụ và nhà vườn đầu tư theo hình thức "được ăn cả ngã về không". Nếu trồng thêm cây bơ thì cơ hội tăng thu nhập được nâng lên, giảm được áp lực về nguồn thu để duy trì sản xuất. Trong một năm, sau khi thu hoạch cà phê, gia đình tôi sẽ bước vào thu hoạch bơ, hồ tiêu… Do vậy, lúc nào cũng có tiền. Nếu cây này thua lỗ thì có cây kia bù đắp”.

Khai thác tối đa không gian để các loại cây trong vườn hỗ trợ nhau phát triển

Cà phê là cây ưa bóng mát. Còn bơ lại là cây có tán rộng. Do đó, khi trồng xen canh, hai loại cây này sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Bơ không chỉ giúp che nắng, chắn gió tốt mà còn tận dụng được lượng nước và phân bón cho cây cà phê để phát triển. Trồng bơ che bóng, nên vườn cà phê ông Quế lúc nào cũng mát, giữ độ ẩm tốt, đất rất mùn, ít phải tưới hơn vườn khác mà cây lúc nào cũng xanh. Cây bơ cũng không cạnh tranh với cây cà phê mà tạo đa dạng sinh học, giúp vườn giảm các loại sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư.

Ông Quế biết cách chọn giống cũng như nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê và bơ, nên cây nào cũng phát triển khá tốt, cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định. Hiện nay, với 2.000 cây cà phê, ông Quế có sản lượng 7 tấn hạt mỗi năm. Còn 200 cây bơ cũng mang lại cho gia đình ông 10 tấn mỗi quả vụ. Ngoài ra, 1.400 trụ tiêu, gia đình ông cũng có 5 tấn hạt mỗi vụ. Do đó, hầu như ông Quế đều có nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Ông Quế cũng đang trồng xen thêm sầu riêng trong rẫy cà phê để tạo thêm nguồn thu nhập mới. Ông Quế cho biết, hiện nay rất khó để mở rộng diện tích sản xuất. Do đó, chỉ còn giải pháp tăng thu nhập bằng cách đa dạng cây trồng trên một diện tích đất. Trong trồng trọt, cây nọ hỗ trợ cây kia tạo nên môi trường thuận lợi để cùng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Trước đây, 1 ha đất, nông dân chỉ có thu hoạch từ cà phê, nhưng hiện nay, thu được từ 2 đến 3 loại cây trồng khác. Nguồn thu nhập của gia đình tăng lên từ 2 - 3 lần. Nếu ngày xưa 1 ha thu được 100 triệu thì nay có thể lên đến 300 triệu đồng từ các loại cây khác nhau. (Ông Đặng Văn Quế, thôn Đắk Thủy, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil)

Bài, ảnh: Đức Hùng

Tiền Giang: Hiệu quả kinh tế từ mô hình Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tân Đông được thành lập năm 2015 với số vốn ban đầu 300 triệu đồng, bao gồm 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng rau các loại, bán buôn rau quả, cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp. Đến tháng 6/2020 đã kết nạp tổng số 102 thành viên, vốn đóng góp lên 835 triệu đồng. Đây là một trong những HTX tiêu biểu, nổi bật của huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Trước khi có HTX, người dân xã Tân Đông canh tác ruộng lúa là chủ yếu, sản lượng, năng suất không cao, dần dần người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại rau quả. Vì đây là nơi vùng đất cao, đất cát bãi bồi nên rất thuận lợi để trồng các loại rau quả cho năng suất cao hơn trồng lúa, thời gian thu hoạch rút ngắn, gieo trồng được nhiều mùa vụ, từ đó đời sống người dân được cải thiện, góp phần vào sự phát triển của huyện nhà.

Từ Tổ hợp tác rau an toàn ban đầu hoạt động theo hướng "Sản xuất rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP" gặt hái được nhiều thành quả, được sự vận động, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành, nhất là sự nhận thức của người dân (tổ viên) là phải lên HTX và liên kết với thị trường thì mới thoát khỏi tình trạng khó khăn, Tổ hợp tác đã mạnh dạn chuyển đổi lên thành HTX Rau an toàn Tân Đông. Sau khi nâng thành HTX, Hội đồng quản trị của HTX đã chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung liên kết các hộ dân cùng nhau tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn, theo quy trình VietGAP.

Trong quá trình thành lập, HTX cũng gặp nhiều khó khăn về đất đai, về vốn góp và tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi đi học hỏi thêm từ các HTX đã có nhiều năm kinh nghiệm về làm rau an toàn, HTX cũng tìm được thị trường cho mình. Thành viên trong HTX đã nhất quán chủ trương, ai có đất góp đất, ai có vốn góp vốn. Hiện nay, HTX có 30 hộ sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 13 ha. Bên cạnh đó, một số bà con tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích khoảng 17 ha.

Trước sự đồng tình của tất cả các thành viên, HTX đưa ra quy trình sản xuất rau an toàn cho hơn 40 chủng loại rau quả các loại, tiêu biểu các loại rau ăn lá như cải dún, cải thìa, bông cải trắng, cải ngọt, cải xanh, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau ngót…, các loại quả như bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo, đậu cove, đậu đũa, đậu bắp, ớt, củ cải trắng… và các loại rau thơm như húng quế, húng cây, ngò gai, rau răm, tía tô, hẹ lá, hành lá, ngò rí… HTX đã ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho tất cả các thành viên, giúp thành viên an tâm sản xuất, đồng hành cùng HTX phát triển.

Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp như: Sài Gòn Co.op, Công ty Bách hóa xanh, Công ty Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam, Siêu thị Minh Tâm - Vĩnh Long, Công ty The Sun - TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất và tiêu thụ với các HTX trong và ngoài tỉnh. Doanh thu HTX hàng năm đạt hàng tỉ đồng, với sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tấn/ngày. Năm 2019, doanh thu đạt hơn 9,3 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018. Tuy nhiên, trong năm 2020, do hạn hán kéo dài, cùng với sự bùng phát của dịch bệnh, nên 6 tháng đầu năm, doanh thu chỉ đạt 2,4 tỷ, sụt giảm khoảng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sự hoạt động của HTX, trong thời gian tới, HTX sẽ củng cố, khắc phục dần, để HTX hoạt động ổn định. Hiện tại, HTX có 30 nhân công, mức lương trung bình từ 4 - 4,5triệu đồng/tháng. HTX đã ký hợp đồng với xã viên và đang xuống giống vụ mới, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, nên tất cả các nông hộ rất phấn khởi trong sản xuất.

Ông Trần Văn Bương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chia sẻ: "Trong thời gian tới, HTX Rau an toàn Tân Đông sẽ tiếp tục vận động bà con thành viên áp dụng trồng rau thủy canh (rau sạch) trong nhà kín hoặc công nghệ cao; ngoài ra tìm thêm thị trường mới, thị trường tiềm năng để sản phẩm của HTX đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, với chất lượng sản phẩm sạch, an toàn. Cùng với sự hỗ trợ và quan tâm của chính quyền địa phương và lãnh đạo các cấp, HTX Rau an toàn Tân Đông hứa sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, doanh thu năm sau phải cao hơn năm trước".

Lê Hồng Quân

Lập nghiệp với mô hình nuôi dúi trong nhà

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Xuân Thành, ở khối 2, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã chọn nuôi dúi là mô hình khởi nghiệp. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, có địa chỉ tiêu thụ dúi ổn định, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Qua tìm hiểu thông tin trên báo chí và tham quan một số mô hình nuôi dúi, năm 2017, anh bỏ vốn hơn 15 triệu đồng mua dúi giống về nuôi. Anh xây chuồng dúi theo hình thức ô vuông 50 cm x 50 cm bằng gạch men, bảo đảm độ trơn để dúi không leo ra ngoài được.

Chuồng được xây ngay trong hiên nhà, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào, lại thuận tiện cho việc chăm sóc ban ngày lẫn ban đêm. Từ 15 cặp dúi giống ban đầu, anh đã cho chúng phối giống sinh sản để nhân rộng số lượng đàn.

Anh Thành chăm sóc đàn dúi con mới được tách riêng

Dúi là loài gặm nhấm, thức ăn của chúng là thân tre nứa, hạt ngô, thân mía, cỏ voi… Những loại này có trong tự nhiên, nên gia đình anh tận dụng để giảm chi phí. Nhờ hiểu được đặc tính của dúi nên gia đình anh không mất nhiều công chăm sóc, chi phí lại thấp. Thêm vào đó, đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước nên khá sạch sẽ.

Anh Thành cho biết, so với các vật nuôi khác thì dúi thuần rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Quá trình sinh trưởng, dúi con nuôi được 6 đến 7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt. Sau 3 tháng chăn nuôi có thể xuất bán được, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 – 5 con. Để dúi phát triển tốt, anh phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại. Mùa hè nên phun sương, có thêm quạt điện để làm mát cho vật nuôi, mùa đông thì chuồng trại phải bảo đảm kín gió.

Anh Thành che đậy tránh gió lùa vào chuồng dúi vào ban đêm

Hiện nay, khu chăn nuôi dúi rộng khoảng 100m2 của gia đình anh Thành duy trì thường xuyên hơn 300 con. Không gian thoáng mát, sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi hôi từ vật nuôi. Thịt dúi được coi là đặc sản, được nhiều người ưa thích nên giá tương đối cao, ổn định. Giá bán dúi thịt 650.000 đồng/kg, dúi giống từ 1 – 2 triệu đồng/cặp. Thị trường đầu ra chủ yếu ở địa phương và các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ… Mỗi tháng, anh Thành có thu nhập thường xuyên từ 20 – 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nhờ chăm sóc tốt nên đàn dúi phát triển nhanh, dúi thịt đạt trọng lượng 1 - 2 kg được anh Thành xuất bán

Theo anh Thành, mặc dù kỹ thuật nuôi dúi khá đơn giản nhưng cần phải thực sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Đặc biệt là việc tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp, tránh làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Thức ăn trong chuồng cũng phải bảo đảm liên tục để phù hợp với đặc tính của loài dúi. Chuồng cũng phải khô ráo, không ẩm ướt, tránh mắc bệnh tiêu chảy cho đàn dúi. Người nuôi cần thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải và thức ăn cũ thừa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trong đó, cần chú ý hai loại bệnh thường gặp là đường ruột và hô hấp trên đàn dúi…

Không chỉ “mát tay” trong chăn nuôi, anh Thành còn luôn nhiệt tình trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu. Do có được đầu ra ổn định nên gia đình anh còn liên kết thu mua dúi của các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh để bán ra thị trường. Không chỉ cung cấp giống, anh còn theo dõi, hỗ trợ các gia đình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho con giống, nhân giống dúi để có được sản phẩm tốt nhất xuất ra thị trường.

Bài, ảnh: Hồ Mai

Một nền nông nghiệp không bỏ đi thứ gì

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (gọi tắt DA) của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là bước khởi đầu cho một nền nông nghiệp hữu cơ, một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì phải bỏ đi.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tối ưu để vượt qua dịch bệnh, sản xuất bền vững

Chăn nuôi an toàn

Việc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) được UBND tỉnh cấp phép đầu tư DA tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, không chỉ trở thành giải pháp bền vững cho chăn nuôi nông hộ, gia trại, mà còn hướng đến chăn nuôi theo trang trại lớn và cả chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ hợp được xây dựng trên diện tích 15 ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, triển khai theo từng giai đoạn, hạng mục. Dự kiến vào năm 2021 sẽ hoàn thành tổng thể toàn bộ dự án tổ hợp 4F.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Tổ hợp 4F (Farm- Food- Feed- Fertilizer) là DA hiện thực hóa khái niệm “kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Việc đầu tư xây dựng DA không chỉ để phục vụ hoạt động sản xuất, chăn nuôi của tập đoàn mà quan trọng hơn, đơn vị này muốn tổ hợp 4F sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về chăn nuôi hữu cơ để các nông hộ và những thành phần khác học hỏi và nhân rộng.

Tổ hợp gồm các hạng mục đầu tư như: Nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học với chức năng sản xuất men vi sinh, chế phẩm sinh học theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất 50 nghìn tấn/năm. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, sinh học và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh, bảo vệ môi trường.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ (không hóa chất) với công suất thiết kế 100 nghìn tấn/năm, diện tích 3,5 ha, phục vụ chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, hiệu quả; do nông dân chủ động sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ là hạng mục hoàn thành đầu tiên của DA với diện tích 2 ha, gồm 3 dãy chuồng (3.600m2/dãy chuồng), được áp dụng tự động hóa trong khâu chăn nuôi, chuồng hở thuận theo tự nhiên có cải tiến, đông ấm, hè mát. 3/4 diện tích mỗi ô dùng đệm lót sinh học, máng ăn, uống tự động. Đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trang trại với quy mô 8-10 nghìn con lợn thịt và hàng trăm con lợn nái phục vụ tái đàn, phát triển đàn cho trang trại của Quế Lâm và các nông dân liên kết nuôi lợn với đơn vị này.

Với dãy chuồng nuôi hàng trăm con lợn nái/năm, ước sản xuất đạt 3.000-3.500 con lợn giống đảm bảo lợn con giống sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn Việt Nam phục vụ tái đàn và phát triển đàn. Với 2 dãy chuồng lợn thịt, mỗi dãy có 60 ô nuôi (diện tích 60m2/ô) nuôi được 8.000-10.000 con lợn thịt/năm, sản lượng nước đạt 800 - 1.000 tấn thịt hữu cơ, chất lượng cao cung cấp cho thị trường.

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất thiết kế đạt 100 nghìn tấn/năm, thu gom, xử lý toàn bộ các phụ phẩm trong khu tổ hợp 15 ha của DA, thu gom các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các khu vực lân cận để sản xuất phân bón hữu cơ.

Điểm khác biệt cơ bản của mô hình nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ của Quế Lâm so với các mô hình khác là áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại nhất trên thế giới trong chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ và bảo vệ môi trường; sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn và nước uống, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn và tăng tính miễn dịch và chống lại một số vi sinh vật gây bệnh cho vật nuôi; dùng chế phẩm vi sinh bổ sung vào đệm lót sinh học.

Mô hình kinh tế tuần hoàn

Ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, cùng với thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định DA của Tập đoàn Quế Lâm là một trong số các DA trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn.DA đã đi đầu trong tư duy tiên phong, đổi mới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giải quyết được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi lợn trước tình hình dịch bệnh. Từ mô hình đầu tiên của DA này, chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ theo chuỗi giá trị hiện đang lan tỏa tại nhiều địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là một DA trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp.

Sau dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phục hồi, tuy nhiên, lại nảy sinh vấn đề ở khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp đã đảm bảo được an toàn sinh học, nhưng tại khu vực hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 65%) thì hiện nay việc tái đàn gặp rất khó khăn do con giống đắt và vấn đề an toàn dịch bệnh. Mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đã giải quyết được bài toán này.

Đối với DA tổ hợp 4F, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là mô hình phát triển bền vững trong nông nghiệp Việt Nam thời gian tới đây. “Thông qua mô hình của DA của Tập đoàn Quế Lâm, chúng ta sẽ xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì bỏ đi, không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này, thực hiện 3 mục tiêu gồm: đảm bảo yếu tố môi trường xanh nhất, đảm bảo yếu tố kinh tế cao nhất và đảm bảo giá trị nhân văn tất cả người tham gia chuỗi đều có thu nhập thỏa đáng với công sức mình bỏ ra”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Từ tháng 4/2019, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tập đoàn Quế Lâm, các đơn vị của Bộ tổng kết mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, phù hợp với phương thức chăn nuôi nông hộ, tổng kết thực tiễn làm cơ sở tổ chức xây dựng và triển khai DA, trong đó có tổ hợp 4F tại xã Phong Thu. Đây là cơ sở sản xuất giống, nhà máy sản xuất men, sản xuất thức ăn; đồng thời là trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân rộng mô hình ra các địa phương của tỉnh và cả nước, nhằm góp phần thúc đẩy tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn sớm, đáp ứng nhu cầu lợn thịt cho xã hội.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop