Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2019

Các vùng trồng vải miền Bắc: Thêm một mùa bội thu

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Vụ vải năm nay, nông dân trồng vải phấn khởi bởi giá bán tăng mạnh, có thời điểm tăng 20% so với năm 2018. Không chỉ trong nước, thị trường xuất khẩu vải đang ngày càng được mở rộng. Những tín hiệu tích cực này dự báo thêm một mùa vải bội thu tại các tỉnh miền Bắc.

Niềm vui được mùa

Những ngày này, con đường dẫn đến huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) luôn tấp nập các chuyến xe tải ra - vào đầy ắp quả vải tươi chở đi các tỉnh và xuất khẩu. Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Thanh Toàn ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) cho biết: Toàn bộ 1,5ha trồng vải của gia đình đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng ổn định, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Hiện thương lái vào tận vườn thu mua với giá trung bình từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg, tăng hơn 20% so với năm 2018.

Còn ông Nguyễn Hữu Tạo cũng ở thôn Kép 1 chia sẻ: Với hơn 1ha trồng vải thiều được cấp chứng nhận xuất khẩu sang Mỹ, đến nay 2/3 sản lượng vải của gia đình đã được hợp tác xã đặt mua xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.

Nông dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) thu hoạch vải thiều.

Hiện hầu hết các vườn trồng vải thiều tại các huyện Tân Yên, Lục Ngạn… của tỉnh Bắc Giang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đều bán được giá cao. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, tỉnh Bắc Giang có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước (hơn 28.000ha). Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Năm 2019, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nông dân trồng vải Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên chất lượng đạt mức tốt nhất so với những năm qua. Trong đó, sản lượng ước đạt 150.000 tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 50%, còn lại là xuất khẩu.

Tương tự, tại vùng trồng vải thiều Hải Dương, nông dân cũng đang tất bật thu hoạch vải. Bà Nguyễn Thu Hương, xã Trường Thành, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) bày tỏ: Đầu vụ, gia đình bán 3 tạ quả vải tươi (loại u trứng đặc sản) với giá gần 70.000 đồng/kg, thu về 20 triệu đồng. Tính cả vụ, gia đình thu lãi cao gần hai lần so với năm 2018, trong khi sản lượng vải quả chỉ bằng 2/3…

Tỉnh Hải Dương hiện có 11.000ha trồng vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Riêng huyện Thanh Hà có hơn 3.700ha trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, giá vải đầu vụ tại vườn ở Hải

Dương dao động 50.000-60.000 đồng/kg. Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Nguyễn Đức Tuấn cho biết: Doanh nghiệp và nông dân trồng vải Thanh Hà đang chuẩn bị những lô quả vải xuất khẩu sang Nga, Đức, Pháp, Hàn Quốc…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, năm nay người trồng vải ở miền Bắc đón nhận nhiều niềm vui bởi giá bán vải cao, thị trường xuất khẩu thuận lợi. Hiện vải thiều là một trong những trái cây chủ lực của miền Bắc với tổng diện tích hơn 58.800ha, tập trung tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… Sản lượng quả vải tươi thu hoạch đạt khoảng 300.000-350.000 tấn/năm, đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Đáng mừng, tỷ lệ quả vải xuất khẩu tăng đáng kể, chiếm khoảng 50%…

Tháo gỡ khó khăn, gia tăng giá trị

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, song đường đi của quả vải vẫn còn không ít khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) Cao Văn Hoàn cho hay, những năm gần đây, nông dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhưng khâu chế biến, bảo quản còn một số hạn chế nên quả vải Lục Ngạn chưa đạt giá trị tương xứng. Ngoài ra, việc đáp ứng các yêu cầu từ nước nhập khẩu đang gặp một số vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu quả vải tươi.

Theo ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, nguyên nhân chủ yếu là do mỗi thị trường có những tiêu chuẩn riêng, khi có thay đổi, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, nhất là về vùng trồng, mã vùng, thông quan, chiếu xạ…

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên và hướng tới phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hỗ trợ về giống, kỹ thuật, từ đó nhân rộng diện tích vải đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bộ NN&PTNT cũng tiếp tục tham mưu Chính phủ có chính sách ưu đãi về vay vốn, thuê đất… để doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất vải theo chuỗi, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống bảo quản, sơ chế... nhằm gia tăng giá trị trong xuất khẩu quả vải.

Liên quan đến vùng trồng và mã vùng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung đề nghị các địa phương và cơ sở đóng gói được cấp mã vùng cập nhật trên trang thông tin của Cục Bảo vệ thực vật để người dân, doanh nghiệp thuận lợi khi tìm hiểu, tra cứu.

Để giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội hoàn thiện trang thiết bị, dây chuyền vận hành chiếu xạ cho các lô hàng xuất khẩu. Với những nỗ lực của Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện việc chiếu xạ vải thiều xuất khẩu so với trước đây đã giảm từ 15 đến 16 triệu đồng/tấn...

Còn đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, mới đây Cục Bảo vệ thực vật có văn bản yêu cầu cơ quan kiểm dịch thực vật tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai... phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đẩy nhanh quá trình kiểm dịch nhằm tạo điều kiện để quả vải được thông quan nhanh nhất.

"Về lâu dài, các vùng trồng vải cần tập trung nâng cao chất lượng, liên kết hình thành các chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

ĐỖ MINH

Trồng bưởi sạch, chỉ cần chịu khó

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

“Chỉ cần chịu khó, sản phẩm sẽ sạch và ngon!”, đó là lời khẳng định của anh nông dân trẻ Nguyễn Hồng Tuấn, 37 tuổi, ở Tân Châu (tỉnh Tây Ninh).

Vườn bưởi của anh Nguyễn Hồng Tuấn.

“Bí quyết” trồng bưởi sạch của anh Tuấn là tăng cường bón phân chuồng, tro un, lá mục và xịt thuốc trừ sâu từ “ớt và tỏi ngâm rượu”.

Vườn bưởi 6 năm tuổi của anh Tuấn hiện đang thu hoạch vụ thứ hai. Vườn chỉ rộng 1 ha, tất cả đều là giống da xanh ruột hồng nằm trên đất nhà ở ấp Tân Trung (xã Tân Hà, huyện Tân Châu).

Anh Tuấn cho biết, nếu bón phân hóa học, ban đầu cây sẽ lớn nhanh, trái đầu mùa rất sai, nhưng về sau cây yếu dần, cho trái không ngon, thậm chí không thể cải tạo được đất. Vì vậy, ngoài việc bón phân hữu cơ, áp dụng 20% thuốc xịt cỏ, sâu rầy, anh “tận dụng” các sản phẩm dư thừa trong vườn bón ngược lại cho vườn bưởi.

Nhờ áp dụng biện pháp sinh học, vười bưởi này cho ra những trái bưởi ngon, sạch, da xanh tròn đều, nặng trịch.

Trong vườn bưởi, những cây ớt xiêm rừng sum suê trái xanh đỏ. Có cây gốc to gần bằng cánh tay, ngọn cao qua đầu người. Vừa với tay hái từng trái ớt già xanh, anh Tuấn kể, ban đầu chúng chỉ tự mọc lên, do mình ăn rồi bỏ hạt. Nhờ chút phân bón cho vườn bưởi, nó lớn dần, cho trái sum suê, thấy vậy, anh ươm giống trồng xen thêm, khoảng 7 tháng thì thu hoạch trái.

Đến nay, anh Tuấn đã trồng khoảng 400 cây ớt xiêm rừng xen canh trong vườn bưởi. Vào lứa đầu tiên, bình quân mỗi cây hái khoảng 1kg ớt, đến lứa thứ hai, mỗi cây cho trái từ 7-8kg. Mỗi ngày anh hái từ 10- 20 kg sang cho thương lái, chợ và các quán ăn, giá dao động từ 60.000 đồng - 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lợi khoảng 1 triệu đồng/ngày. “Cây lớn mau lắm, cho trái rất nhiều. Nhờ vậy mà gia đình tôi có thêm thu nhập”- anh Tuấn nói.

Trồng ớt xiêm rừng xen canh trong vườn bưởi đem lại thu nhập khá cho gia đình anh Tuấn.

Anh Tuấn cho biết thêm, lượng ớt bán ra chủ yếu là trái già, da còn xanh, ngã vàng. Ớt chín đỏ còn lại, anh xay nhuyễn, ủ với tỏi và rượu, sau 2 tháng thì đem ra xịt ngược lại cho vườn cây. “Nếu cứ dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học sẽ hại chết cây trồng, vì vậy tôi dùng ớt, tỏi xay nhuyễn, ngâm rượu rồi xịt lên cây. Vì chúng có hơi cay, nồng nên ruồi vàng, sâu bọ không dám động tới. Dùng độc trị độc vậy mà có hiệu quả!”- anh Tuấn cười nói.

Dạo quanh vườn bưởi của nhà anh Tuấn, nếu tính cây chừng 6 năm tuổi sẽ cho thua hoạch ít nhất 3 vụ. Nhưng vườn bưởi này khác hẳn. Trái tuy không nhiều nhưng tròn đều, nặng trịch. Với tay cắt trái bưởi da sần sần nám nám, anh Tuấn nói “Chị nhìn vậy mà ngon lắm. Vì tôi không dùng thuốc diệt ruồi vàng. Trái tròn đều, đẹp thì đem bán theo loại 1, loại 2. Còn mấy trái xấu tôi để lại gia đình ăn chơi”.

Ớt xiêm rừng chín được ủ chung rượu và tỏi và dùng xịt lên cây bưởi trị sâu rầy rất tốt.

Theo anh Tuấn, trồng bưởi muốn cho trái tốt, sạch và ngon thì chỉ cần siêng năng, bỏ thêm thời gian chăm sóc nó. Mùa nắng chịu khó bơm nước tưới. Mùa mưa thì chỉ cần đi dọn cỏ, chống cành cho trái không bị rụng.

Hiện vườn bưởi của anh Tuấn đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Dịp Tết Đoan Ngọ, vườn bưởi của anh cho khoảng 1 tấn trái, giá bán tại vườn từ 32.000- 40.000 đồng/kg, thu về gần 40 triệu đồng.

Tâm Giang

Lào Cai: Chè Bản Liền vươn ra thế giới

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Trong câu chuyện về phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tự hào kể cho chúng tôi nghe về sản phẩm chè Bản Liền, bởi đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của địa phương tìm được chỗ đứng ở châu Âu - thị trường khó tính bậc nhất thế giới về chất lượng.

“Các anh nên tới Bản Liền, nghe người dân chia sẻ và cảm nhận rõ hơn về vùng đất có sản phẩm vươn nơi trời Âu của chúng tôi. Có thể các anh sẽ bất ngờ, bởi chưa nơi nào đồi chè xấu như ở Bản Liền đâu nhé” - ông Giang nửa đùa nửa thật với chúng tôi trước lúc lên đường tới “thiên đường” chè Shan tuyết Bắc Hà.

Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây chè. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây chè Shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi dốc, hằng năm người dân vẫn đến thu hái, mang về uống tươi, sao khô bán ra thị trường hoặc làm quà biếu khách quý.

Người dân xã Bản Liền thu hái chè.

Khác với tưởng tượng của chúng tôi về vùng chè gần 500 ha ngút tầm mắt, những nương chè ở Bản Liền được trồng rải rác thành từng khoảnh, chỗ thưa, chỗ dày và cũng không thành hàng, thành lối như vùng chè Thanh Bình (Mường Khương) hay Phú Nhuận (Bảo Thắng). Giải thích về chuyện này, anh Lâm A Tướng, thôn Đội 2, xã Bản Liền bảo: Cây chè được trồng rất lâu đời ở Bản Liền, có thời gian người dân không quan tâm đến, nên để cỏ dại mọc um tùm, nhiều cây bị chết, mất khoảng, sau này trồng bổ sung, nên có cây cao cây thấp. Hơn nữa, do địa hình dốc và kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên người dân không chú ý trồng theo hàng lối. Do đó, cây chè tại đây phát triển theo tự nhiên, không chăm sóc, cải tạo, nên sản lượng thấp.

Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, nhiều hộ ở Bản Liền gần như bỏ hoang nương chè cho cỏ dại xâm lấn. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền.

Chúng tôi không khó để tìm thấy xưởng chế biến của Hợp tác xã Chè Bản Liền bởi mùi hương đặc trưng tỏa ra từ những mẻ chè mới ra lò. Cả xưởng có khoảng chục công nhân đang vận hành dây chuyền chế biến, mỗi người một việc, từ thu mua chè tươi, vò, sàng, sấy… đến phân loại chè thành phẩm. Sau khi dẫn chúng tôi tham quan một vòng xưởng sản xuất, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền pha ấm chè mời khách uống. Trong lúc đợi chè ngấm, ông lấy trong tủ ra những giấy tờ chứng nhận do các tổ chức quốc tế công nhận cho sản phẩm chè Bản Liền, khoe: “Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu (EC Regulation No.834/2007); tiêu chuẩn Canada và Mỹ (Canada Organic Regime Can/CGSB 23.310 and Can/CGSB 32.311) do Tổ chức IACE-Italy và ATC-Thailand chứng nhận; Chứng nhận Fairtrade Certificate - Ban Lien Organic Tea Cooperative (Chè hữu cơ thương mại bình đẳng) là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường châu Âu. Để có những tấm “visa” này là cả sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và Hợp tác xã. Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hợp tác xã cấp giấy chứng nhận cho 310 hộ tham gia sản xuất chè, mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm, nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi”.

Phân loại chè thành phẩm tại Hợp tác xã Chè Bản Liền.

Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi, sau đó chế biến thành các sản phẩm: Hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở châu Âu, châu Mỹ… “Theo tôi được biết, hiện duy nhất sản phẩm trà bánh của Bản Liền có thể xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm” - ông Thận cho biết thêm.

Chia sẻ về lợi ích của việc trồng chè hữu cơ xuất khẩu, ông Giàng Seo De, Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt như hộ anh Vàng A Dự, thôn Đội 4, mỗi năm thu hái khoảng 16 tấn chè búp tươi, thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ước tính, người dân trong xã thu khoảng 16 tỷ đồng từ bán chè búp tươi.

Dẫn chúng tôi thăm nương chè đang thu hoạch, chị Lâm Thị Oai, thôn Đội 3 cho hay: Do canh tác tự nhiên hoàn toàn nên chè ít búp, nhưng với giá bán trung bình khoảng 14.000 đồng/kg, một năm gia đình tôi thu được gần 20 triệu đồng. Cây chè hợp đất, thời tiết, nên cứ tự nhiên phát triển, một năm chỉ làm cỏ 1 - 2 lần, mỗi tháng hái một buổi là xong. Tôi chỉ mong có thêm nhiều đất để trồng chè, tăng thu nhập cho gia đình.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao chè ít búp mà không bón phân? Chị Oai phân trần: Chè này không được bón phân đâu, nếu sử dụng phân, Hợp tác xã sẽ thu giấy chứng nhận và không thu mua chè búp nữa.

Giống như gia đình chị Oai, gia đình anh Lâm A Tướng hoặc gia đình chị Vàng Thị Hiền (thôn Đội 2) và nhiều hộ khác ở Bản Liền đều mong có thể phát triển diện tích chè hơn nữa.

Theo ông Phạm Quang Thận: Dây chuyền chế biến của Hợp tác xã hiện có công suất tối đa 8 tấn chè búp tươi/ngày. Tuy nhiên, chè nguyên liệu ngày cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 5 tấn. Hợp tác xã mong muốn người dân tiếp tục cải tạo vườn chè, mở rộng diện tích, tăng năng suất để có thêm nguyên liệu, đồng thời tăng thu nhập cho người dân. Hợp tác xã cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng chè đảm bảo tiêu chuẩn.

Về Bản Liền những ngày này, người dân say sưa nói về cây chè Shan tuyết, về sản xuất chè hữu cơ xuất khẩu. Nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ chính cây trồng thế mạnh của địa phương. Người dân Bản Liền tự hào khi sản phẩm do chính mình làm ra vươn được ra thị trường thế giới.

ĐỨC PHƯƠNG

Sâu keo mùa thu - loại dịch hại nguy hiểm cho ngành nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Trong khi ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang gồng mình chống dịch tả heo Châu Phi thì một loại dịch hại nguy hiểm khác gây hại cho cây trồng là sâu keo mùa thu đang xuất hiện trên nhiều diện tích trồng bắp của huyện Thanh Bình. Theo Cục Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu là một loại dịch hại đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh và gây hại nặng nề tại các vùng bị xâm nhiễm.

Sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp ở huyện Thanh Bình

Khác với các loại sâu bản địa, sâu keo mùa thu có sức ăn khỏe, tốc độ cắn phá cây trồng rất nhanh, đặc biệt loại sâu hại này có khả năng kháng thuốc cao, di trú nhanh. Tại Đồng Tháp, mặc dù chỉ mới được phát hiện tại huyện Thanh Bình, song tốc độ cắn phá của sâu keo tại nhiều ruộng bắp khu vực 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình diễn biến khá nhanh. Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, đã phát hiện sâu keo mùa thu xuất hiện tại một số diện tích trồng bắp của các xã: Tân Bình, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề, Tân Long.

Chị Phạm Thị Kim Quyên - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình cho biết, hiện sâu keo mùa thu xuất hiện trên các trà bắp còn non khoảng 20 - 35 ngày tuổi, đặc biệt là các trà bắp đang ở giai đoạn từ 3 - 7 lá. Mật số sâu trên ruộng nhiễm ở mức độ nhẹ, mật độ phổ biến từ 2 - 4 con/m2. Mặc dù mật số sâu trên ruộng còn thấp, song với sức cắn phá của sâu keo mùa thu khá khỏe, dù trên mỗi đọt bắp chỉ xuất hiện một cá thể sâu keo mùa thu nhưng chúng có thể ăn rách nát hết phần lá non trên ngọn của cây bắp và thải ra lượng phân lớn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu là loài sâu hại xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng trên cây bắp và nhiều loại cây trồng khác. Sâu keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, thuộc Bộ Lepidoptera, họ Noctuidae. Sâu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Vào tháng 7/2018, loài sâu này được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm, loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Sâu keo mùa thu là loài đa thực, có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: bắp, lúa, kê và cây mía. Ngoài ra cũng đã phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông. Sâu keo mùa thu có đặc điểm đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông. Lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song, chia phần lưng mỗi đốt thành 2 phần đều nhau, trên mỗi phần có 2 chấm đen và cơ thể có nhiều lông.

Sâu keo mùa thu có đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông

Trước những tác động tiêu cực của sâu keo mùa thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương cần khẩn trương tổ chức điều tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời, có biện pháp ứng phó. Song song đó, cần thông tin đến người dân biết về loại dịch hại này để có sự chủ động hơn về sản xuất. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trước khi xuống giống cần vệ sinh đồng ruộng hạn chế nơi trú ẩn của sâu, sau mỗi vụ mùa cần làm đất, phơi đất để diệt ấu trùng hoặc có thể luân canh cây khác.

Ngoài ra khi xuất hiện sâu keo mùa thu cần cắt tỉa những bộ phận bị sâu tấn công, có thể dùng tro bếp, nước xà phòng pha loãng hay các biện pháp sinh học (dùng nấm trắng, nấm xanh,...) đổ vào ngọn để diệt sâu non. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các hoạt chất hóa học như: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron để phòng trừ nhưng cần tuân thủ theo quy tắc “4 đúng” để tránh sâu kháng thuốc và bảo tồn các loài thiên địch.

Mỹ Lý

Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Theo Bộ NN& PTNT, Việt Nam hiện có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, gồm: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau quả, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm như: Cà phê, gạo, điều, rau quả…

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân do chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng đều; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu; một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu thông qua thương hiệu nước ngoài...

Để tháo gỡ khó khăn này, các bộ, ngành đang tích cực xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản, qua đó nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với hàng hóa an toàn. Các tỉnh, thành phố cũng đang xây dựng những mặt hàng chủ lực, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh giá trị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.

NGỌC QUỲNH

Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gặp khó

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Những ngày này, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình bà Cao Thị Thơm, ở xóm Trám, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) giảm khoảng 50% lượng sản phẩm tiêu thụ so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến nay, không chỉ riêng các hộ chăn nuôi lợn mà nhiều công ty sản xuất, đại lý kinh doanh thức ăn gia súc cũng gặp khó khăn do lượng sản phẩm tiêu thụ sụt giảm đáng kể. Tiền nợ bán thức ăn gia súc cho người chăn nuôi lợn chưa thể thu hồi, trong khi các khoản lãi vay ngân hàng vẫn phải trả khiến nhiều đại lý lâm vào cảnh lao đao.

Mới đây, khi đến cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình bà Cao Thị Thơm, ở xóm Trám, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là tình trạng ế ẩm, vắng khách. Bà Thơm chia sẻ: Kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã gần 20 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi như vậy. Có hộ dân trong xã, vừa mới hôm trước ra mua cám về chăn lợn, hôm sau đã thấy báo lợn bị chết cả đàn, phải đem đi tiêu hủy, chưa biết đến khi nào mới trả được tiền cám cho gia đình tôi. Ngoài ra, đối với các hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi thì phải rất lâu nữa mới được tái đàn, còn các hộ có lợn chưa bị nhiễm bệnh cũng chỉ chăn cầm chừng, vì vậy lượng sản phẩm tiêu thụ của cửa hàng nhà tôi sụt giảm đáng kể so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Nếu như trước đây, trung bình mỗi tháng nhà tôi bán được trên 20 tấn cám thì từ tháng 4-2019 trở lại đây, mỗi tháng chỉ bán được khoảng 10 tấn. Hiện nay, số nợ của các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã đối với cửa hàng nhà tôi đã lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Không chỉ các đại lý, cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn mà hoạt động của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện cũng rất ảm đạm. Là đơn vị chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô khá lớn, những ngày này, tại nhà kho của Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng, ở phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) cũng không còn tấp nập xe cộ ra vào chở hàng như trước đây. Anh Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Từ tháng 3 trở lại đây, lượng sản phẩm tiêu thụ các mặt hàng cám chăn nuôi của Công ty bị sụt giảm nghiêm trọng, khoảng 70%. Thời điểm trước, mỗi ngày, Công ty xuất bán trung bình 50 tấn thức ăn chăn nuôi thì giờ chỉ bán được 12 tấn/ngày. Tương tự, tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển LCT Việt Nam, trụ sở tại xã Trung Thành (T.X Phổ Yên), khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, mỗi tháng, Công ty xuất bán được hơn 100 tấn thức ăn chăn nuôi các loại; giờ chỉ bán được khoảng 40 tấn/tháng. Nguyên nhân khiến sản lượng sụt giảm mạnh là do trước đây, lợn được giá, bà con tập trung đầu tư chăn nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra, ngoài số lợn nhiễm bệnh bị chết, các hộ có lợn chưa nhiễm bệnh cũng chỉ chăn cầm chừng hoặc bổ sung thêm thức ăn như cám gạo, rau… để giảm tối đa chi phí. Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cộng với chi phí mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng khiến Công ty cũng đang lâm vào cảnh lao đao.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có 15 công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và trên 200 cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này. Theo đại diện Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, lâu nay, các đại lý cám và hộ chăn nuôi vẫn duy trì kiểu bán hàng cung ứng trước cám, đến khi xuất bán gia súc, gia cầm, bà con mới thanh toán tiền. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện làm cho các hộ chăn nuôi gần như cạn kiệt nguồn vốn, dẫn đến việc không thể trả nợ đúng hạn cho các đại lý. Trong khi các đại lý thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất thì thường phải thanh toán ngay khi nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần. Do vậy, một số đại lý đành phải khoanh nợ và không bán chịu thức ăn chăn nuôi nữa. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mỗi công ty lại có giải pháp ứng phó riêng. Đơn cử như Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người chăn nuôi, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể như: hỗ trợ cho khách hàng với số tiền từ 10 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/bao cám tùy loại. Ngoài ra, Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật đến các trang trại, gia trại tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách phòng trừ dịch bệnh, cách vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng tiêu độc để nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn và chưa thể tái đàn. Vì vậy, về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên chia sẻ khó khăn với bà con, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá bán sản phẩm, duy trì sức cạnh tranh. Cùng với đó, từng doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các loại sản phẩm như cám gà, vịt, thủy sản… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Lương Hạnh

Nỗ lực phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Không chỉ là doanh nghiệp có công đưa tên doanh nghiệp sữa Việt Nam vào Top 50 công ty sữa lớn trên thế giới mà với sự nỗ lực cao độ, trong suốt 4 thập kỷ qua Vinamilk đã chứng tỏ được vai trò dẫn dắt trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam cũng là quốc gia đang sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Global G.A.P. lớn nhất của Châu Á.

Có được những kết quả ấn tượng đó, không thể không kể đến sự tham gia xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp sữa Việt trong đó Vinamilk đang chứng minh rõ nét vai trò doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và kinh doanh sữa ở Việt Nam.

Để đưa tên doanh nghiệp sữa Việt Nam vào Top 50 công ty sữa lớn trên thế giới qua 4 thập kỷ hoạt động, ngay từ những ngày xây nền móng cho "ngôi nhà", Vinamilk đã xây dựng chiến lược đúng đắn nhất là đầu tư vùng nguyên liệu ngay từ đầu thập niên 90.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, muốn phát triển bền vững, điều quan trọng nhất của một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là phải chủ động nguồn nguyên liệu. Bởi vì chỉ có làm chủ nguồn nguyên liệu doanh nghiệp mới có thể giám sát được chất lượng sản phẩm, một yếu tố vô cùng quan trọng có tính chất then chốt đối với ngành sản xuất thực phẩm nói chung và ngành sữa nói riêng. Đồng thời sẽ góp phần giảm được giá thành của các sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.

Theo đó ngay từ những ngày đầu, công ty đã có định hướng rõ ràng, đó là phải thay thế nguyên liệu nhập khẩu, tức là phải phát triển đàn bò sữa trong nước. Năm 1991, công ty này đã cụ thể hóa bằng việc chủ động nguyên liệu sản xuất bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa.

Đến năm 2005, Vinamilk bắt đầu giai đoạn xây dựng trang trại tập trung, công nghệ cao với sự ra đời của trang trại đầu tiên tại tỉnh Tuyên Quang và đến nay, Vinamilk đã có 12 trang trại trải dài khắp cả nước.

Đó cũng là thời điểm Vinamilk chính thức được Tổ chức Control Union trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực Hành Nông Nghiệp Tốt Toàn cầu (Global G.A.P.) cho trang trại tại Nghệ An. Đây cũng là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P. chứng nhận.

Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu một chặng đường mới cho chiến lược phát triển trang trại của Vinamilk trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Định hướng này thực sự được hiện thực hóa khi đến nay, Vinamilk là công ty sữa của Việt Nam sở hữu Hệ thống trang trại chuẩn Global G.A.P. lớn nhất châu Á về số lượng trang trại.

Cũng nằm trong chiến lược này, xu hướng hữu cơ (organic) cũng được doanh nghiệp này đón đầu. Vinamilk đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt vào tháng 3/2017. Đây là trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn Organic Châu Âu do Tổ chức Control Union chứng nhận đưa sản phẩm sữa organic gần với người dân Việt Nam hơn.

Tiếp đó, tháng 6/2018, lần đầu tiên tại Việt Nam, bò sữa A2 thuần chủng từ New Zealand được nhập khẩu về Việt Nam trong hệ thống trang trại bò sữa của Vinamilk. Chỉ 1 tháng sau đó, lô sữa đầu tiên của thế hệ bò sữa A2 của Vinamilk sản xuất đã được tung ra thị trường. Theo đó, sữa A2 nguyên chất được Vinamilk sản xuất, cung cấp ra thị trường dưới hình thức sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiêu dùng sản phẩm sữa tươi theo tiêu chuẩn quốc tế, giá thành ổn định. Sản phẩm sữa Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận thị trường thế giới, tăng cường xuất khẩu.

Ngoài ra, theo chính sách tam nông, việc hợp tác chặt chẽ với người nông dân chăn nuôi bò sữa tại các địa phương đã giúp nâng tổng số đàn bò từ 3.000 con năm 1991 lên 113.000 con năm 2015 và đến nay là 130.000 con, năng suất sữa của đàn bò Vinamilk được cho biết là không thua kém các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là ngay cả với các quốc gia vốn là quê hương của ngành chăn nuôi bò sữa.

Minh Thi

Hiếu giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop