Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 8 năm 2019

Thành phố Hồ Chí Minh: Tham gia triển lãm mô hình, sản phẩm nông nghiệp tại Chợ phiên Nông sản lần thứ IX năm 2019

Nguồn tin:  Khuyến Nông TP HCM

Nhằm giới thiệu, quảng bá các thành tựu của ngành nông nghiệp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến với các tỉnh thành và khách tham quan; Đồng thời triển lãm những mô hình, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn Thành phố (TP); Tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn; Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với các thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp; Làm cầu nối giúp nông dân, nhà sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của TP đến với người tiêu dùng.

Qua đó, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP tham gia các mô hình, sản phẩm triển lãm mang tính đặc sắc, nổi bật, tiêu biểu, thể hiện hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP,… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tham gia “Triển lãm mô hình, sản phẩm nông nghiệp tại Chợ phiên Nông sản lần thứ IX năm 2019”, dự kiến diễn ra vào ngày 10/9 – 16/9/2019 tại Khu CR4-2 và CR5-2 Nguyễn Khắc Viện, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM, theo Công văn số 3126/UBND-KT ngày 30/7/2019 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM.

Đối tượng tham gia Triển lãm là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của TP; Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp; Chi hội ngành nghề sản phẩm tiểu thủ nông nghiệp, các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống. Tiêu chí tham gia là những mô hình, sản phẩm tiêu biểu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất dưa lưới, cà chua bi ứng dụng công nghệ; Các mô hình triển lãm nuôi cá cảnh nước ngọt, lươn; Mô hình rau củ quả, nấm, trái cây của các Hợp tác xã trên địa bàn TP được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; Các mô hình triển lãm hoa lan, hoa chuông, cây kiểng bonsai của các nghệ nhân, nhà vườn theo hướng nông nghiệp đô thị có giá trị kinh tế cao,…

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM sẽ là đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP giao nhiệm vụ cùng với Trung tâm Công nghệ Sinh học, giới thiệu thông tin các mô hình sản xuất tốt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm, mô hình nông nghiệp công nghệ cao và những ứng dụng, thành tựu khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp TP cùng tham gia. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến nông nghiệp trên địa bàn TP tích cực tham gia Triển lãm.

M. Hiếu

Hội nhập: Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nông sản là mặt hàng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Do đó, yêu cầu nông dân phải hình thành tư duy mới từ khâu sản xuất đến việc nhạy bén trong nắm bắt tín hiệu thị trường tiêu thụ.

Nông dân đua nhau trồng cây sầu riêng tiềm ẩn rủi ro lớn vì mặt hàng này hiện chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: đại lý mua bán sầu riêng tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Nhưng thực tế, các mặt hàng nông sản lúc thì rơi vào khủng hoảng thừa, lúc lại thiếu nguồn cung do nông dân chậm nắm bắt tín hiệu thị trường và vẫn giữ thói quen sản xuất chạy theo phong trào. Điểm nghẽn lớn nhất là do tư duy của nông dân còn bảo thủ, chậm thay đổi nên thường ở thế bị động khi tiếp cận những quy định mới, luật chơi mới.

Thị trường “dễ tính” đã khắt khe hơn

Hiện nay, ngay cả thị trường được đánh giá “dễ tính” là Trung Quốc cũng yêu cầu nông sản nhập khẩu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc với tiêu chuẩn về chất lượng cũng ngày càng cao hơn. Theo đó, nông sản Việt muốn cạnh tranh tốt khi tham gia thị trường này phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn mới như: thực hiện truy xuất nguồn gốc, thay đổi quy trình sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu; vào chuỗi liên kết…

Theo TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2018, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc với tất cả các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về chất lượng, kiểm dịch đến quy chuẩn đóng gói nông sản, trái cây nhập khẩu cũng khắt khe hơn. Sản phẩm nào không đáp ứng yêu cầu thì không còn “cửa” vào thị trường từng rất dễ tính này.

“Nông dân nên chủ động tham gia tìm hiểu và thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Vì đây là yêu cầu của người mua và nông dân muốn bán được hàng thì phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách” - TS. Trung khẳng định.

Nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu nếu không thay đổi về cả chất và lượng thì càng khó tiếp cận được những thị trường khó tính hơn. Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường nhận xét: “Các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... mỗi năm đều cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới. Tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của rau quả xuất khẩu ngày càng cao trong khi thực tế sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn sử dụng nhiều hoạt chất thế giới đã cấm”.

Không chỉ các nước đang dần siết chặt về hàng rào kỹ thuật cho nông sản nhập khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng dần đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam nêu ra thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay: “Nông dân vẫn giữ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học vì chỉ quan tâm đến việc đạt năng suất cao. Tuy phong trào sản xuất sạch đang được nhân rộng nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Đây là nguyên nhân khiến nông sản Việt thua ngay trên sân nhà vì người tiêu dùng đang bỏ tiền mua gạo, thịt, trái cây nhập khẩu vì không tin tưởng chất lượng nông sản nội địa”.

Vẫn bị động trong ứng phó

Sản xuất nông nghiệp bao năm qua mãi luẩn quẩn tình trạng trồng - chặt - trồng vì nông dân vẫn chưa thoát nổi lối mòn sản xuất chạy theo phong trào.

Nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) chặt tiêu sau khi phát triển rầm rộ cây trồng này.

Hàng chục năm làm nông dân, nỗi lo thường trực của bà Lê Thị Phượng (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) là cảnh nông sản rớt giá, bởi gia đình bà từng trải qua những đợt khó khăn chặt vườn cà phê chuyển sang trồng cây tiêu. Vài ba năm trở lại đây, bà lại buộc phải chặt vườn tiêu vì dịch bệnh, giá bán tiêu thấp để chuyển sang trồng sầu riêng. Nhưng bà vẫn chưa thoát được nỗi lo sầu riêng lại rớt giá khi đến mùa thu hoạch vì hiện loại trái cây này chỉ xuất được sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch quá nhiều rủi ro.

Chỉ ra điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức, có trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) so sánh, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Vì giá thành sản xuất từ bắp, đậu nành... của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước. Nông nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chi phí vật tư và lao động đều cao nên hiệu quả thấp.

Ông Lâm Thanh Đức nhấn mạnh: “Nông nghiệp Việt Nam phải thoát ra lối mòn sản xuất chia cắt, không theo chuỗi, khó kiểm soát được quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc và khó quy trách nhiệm người sản xuất. Đã đến lúc nông dân phải tìm cách vượt qua sự cần cù, chịu khó, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh”.

Vấn đề là đa số nông dân hiện khá mù mờ về những thay đổi lớn trong tiêu chuẩn, yêu cầu của cả thị trường nội địa và xuất khẩu; vẫn ngộ nhận cứ làm ra sản phẩm là có người mua vì còn thị trường Trung Quốc rộng lớn và dễ tính.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, thương lái mua trái cây tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Vụ trái cây hè năm nay, nhiều chuyến xuất sầu riêng đi Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu do vẫn xuất theo đường tiểu ngạch. Xe hàng buộc phải chở về bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí chở ngược về Long Khánh tiêu thụ. Nhiều loại trái cây như: mít, chuối, xoài... giờ muốn xuất đi Trung Quốc cũng phải thực hiện đăng ký mã truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt Nam nhưng nông dân hiện vẫn lơ là trong thực hiện”.

Bình Nguyên

Phú Yên: Hiệu quả từ mô hình sản xuất đa canh

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Ông Hai Phong có thu nhập khá từ mô hình sản xuất đa canh - Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn về dịch bệnh và đầu ra, các địa phương đã chuyển từ hình thức sản xuất chuyên canh sang sản xuất đa canh, giúp nông dân thích nghi với hiện tại.

Giảm rủi ro

Ông Trần Văn Thứ ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), cho biết: Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lúa, cũng như các hộ khác trong vùng, trước đây vợ chồng tôi chỉ chuyên canh cây lúa trên diện tích hơn 5.000m2. Mỗi năm sản xuất được 2 vụ, bình quân năng suất thu hoạch khoảng 300kg/sào, mang lại thu nhập khoảng 35 triệu đồng/năm. Vì thu nhập thấp nên hết mùa lúa vợ chồng tôi phải đi làm thuê đủ nghề mới đủ chi phí trang trải cho gia đình.

Từ năm 2014 đến nay, khi thấy nhiều hộ dân trong vùng chuyển đổi một vụ lúa sang trồng bắp, sắn nước kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên gia đình tôi học tập theo. Trên diện tích đất trồng lúa này mỗi năm tôi chỉ sản xuất một vụ lúa đông xuân, còn vụ hè thu thường xuyên bị thiếu nước nên chuyển sang trồng bắp và đậu. Tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp tôi nuôi thêm 3 con bò cái sinh sản.

Ngoài ra, tôi còn cải tạo 3 sào đất thổ lâu nay bỏ hoang để trồng một vụ sắn nước và một vụ hoa lay ơn. Với mô hình sản xuất đa canh này, nhiều năm nay gia đình tôi có được nguồn thu nhập ổn định, không còn phải bươn chải làm thuê đủ nghề. Lúc trước chỉ chuyên canh cây lúa, mùa nào lúa được mùa được giá còn đỡ, còn gặp năm nắng hạn, mưa bão sớm, lúa mất mùa, giá giảm thì coi như trắng tay. Còn nay, nhờ sản xuất đa canh, thu nhập có được từ nhiều nguồn nên rủi ro được chia nhỏ.

Theo Sở NN-PTNT, với đặc điểm đa dạng cây trồng, vật nuôi thích hợp với nhiều vùng đất, địa hình nên thời gian qua, các địa phương đẩy mạnh mô hình sản xuất đa canh đến với người dân, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp.

Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng, nếu như trước đây, huyện Phú Hòa là vùng chuyên canh cây lúa, bà con địa phương gần như chỉ độc canh cây lúa nước, thì nay sau nhiều năm chuyển đổi, hầu hết người dân đã biết xây dựng, áp dụng các mô hình sản xuất đa canh, trong đó phối hợp giữa trồng lúa, rau màu và chăn nuôi giúp hạn chế thấp nhất rủi ro trong làm nông.

Trong khi đó, ở các vùng đồi núi, tận dụng diện tích đất đai rộng lớn, người dân phát triển mô hình trồng rừng kết hợp sản xuất dưới tán rừng. Ông Nguyễn Văn Được ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: Từ năm 2013 đến nay tôi bắt đầu trồng rừng kinh tế. Ban đầu tôi mua lại rẫy keo rộng 2ha của người dân địa phương, sau đó về cải tạo, quy hoạch lại.

Trong khuôn viên rừng keo này tôi dọn bỏ khoảng 2 sào keo cây nhỏ, phát triển chậm để xây dựng khu trại nuôi heo rừng, gà đá, bò và đào một ao nuôi cá nước ngọt. Đồng thời dưới tán rừng tôi còn trồng thêm một số diện tích gừng và măng tre. Sau hơn 6 năm gầy dựng, mô hình sản xuất của tôi đang phát triển rất ổn định.

Theo ông Được, nhờ sản xuất đa dạng cây trồng và vật nuôi nên nguồn thu từ trại của gia đình ông luôn ổn định. Năm nào bò mất giá thì ngưng bán, lấy nguồn thu từ heo, gà, măng... thay vào. Hoặc khi keo mất giá thì không thu hoạch, có thể đợi thêm một vài năm cho keo lớn hơn, có giá cao mới thu hoạch.

Tăng hiệu quả kinh tế

Không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà những mô hình sản xuất đa canh còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Được cho biết: Vừa qua, khi keo được giá tôi đã cho thu hoạch toàn bộ diện tích mang về lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ nuôi bò, heo, gà, cá và các loại cây trồng khác tôi còn có nguồn thu hơn 150 triệu đồng/năm.

Theo ông Được, lúc trước vợ chồng ông chỉ chuyên nuôi heo thịt, mỗi năm xuất được 4 lứa mang về lợi nhuận gần 100 triệu đồng nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Từ khi chuyển sang sản xuất theo mô hình này, nguồn lợi nhuận mang về cao hơn hẳn và không phải nơm nớp sợ giá hạ, dịch bệnh.

Còn theo ông Hai Phong, chủ một trang trại trồng rừng kết hợp cây ăn quả và nuôi ong lấy mật ở xã Hòa Kiến, hiện trang trại của ông rộng 9ha, trong đó 4ha trồng cây bạch đàn lấy gỗ, 5ha còn lại ông trồng các loại cây ăn quả như ổi, lê, mãng cầu và mít.

Tận dụng nguồn mật từ rừng, vườn cây ăn trái và các cánh đồng trồng hoa màu trong vùng, ông đặt 70 thùng nuôi ong ruồi lai dưới tán rừng. Với mô hình sản xuất này, mỗi năm gia đình ông Phong có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

THỦY TIÊN

‘Vua ruộng’ tại Phú Thượng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, ông Lê Văn Thông, lão nông 62 tuổi, được mệnh danh là “vua ruộng” tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), khi từng sản xuất, canh tác với 6 ha ruộng lúa.

Lão nông Lê Văn Thông được mệnh danh là “vua ruộng” tại Phú Thượng

“Có chi mô, bác cũng như bao người làm ruộng khác ở đây thôi. Trồng cái cây, nuôi con vịt để có đồng vào đồng ra, nuôi con ăn học…”. Trò chuyện với chúng tôi, lão nông sinh năm 1957 khiêm tốn. Vóc dáng cao dong dỏng, gương mặt sạm đi vì nắng gió, ông Thông hiền lành: “Gia đình bác có truyền thống làm ruộng lâu đời, cứ “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Ba mẹ bác nghèo lắm, nuôi tám người con rất vất vả”.

Lập gia đình, người con của miền quê Phú Thượng vẫn quanh quẩn với cái nghèo. Những ký ức gian khó ùa về, ông kể: “Năm 1985, lúc ấy nhà bác rất túng. Năm đó lúa tốt lắm, nhưng lúc trổ thì lại gặp sương muối. Tưởng cầm chắc no ấm đến nơi, ai dè thiệt hại đến 90% năng suất”. Vì vụ lúa thất bát, gia đình người nông dân này phải chạy vạy vay mượn, nợ nần mãi đến ba năm sau mới trả nổi.

Năm 1991, nhận thấy chỉ làm ruộng thôi không đủ, lại chẳng tận dụng được lợi thế, ông Thông tìm tòi, học hỏi cách nuôi vịt, mở rộng phương thức làm ăn. Mọi người ai cũng nghĩ ông liều, đùng một lúc dồn vốn nuôi ồ ạt 1.500 con vịt thịt. Đây là đàn gia cầm không nhỏ vào thời điểm lúc ấy. Thế mà ông nuôi tốt, lại bán rất được giá.

“Bác tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi thôi, cái này phải thật siêng và tinh ý. Còn lại cứ có vấn đề là nhờ bác sĩ thú y”, ông vui vẻ chia sẻ. Với lão nông này, đã làm là phải đầu tư, ông tranh thủ học hỏi kinh nghiệm mọi nơi, mọi lúc và nuôi vịt một cách khoa học. Đây là cái “liều” đã được tính toán kỹ lưỡng.

Năm 1992, ông lấn tới, nuôi thêm 700 con vịt đẻ, nâng tổng đàn vịt lên 2.200 con. Cứ nhắc đến khối lượng công việc khổng lồ lúc ấy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Làm sao với sức vóc như thế, một lão nông kham nổi 6ha lúa, 2.200 con vịt. Ông cười ồ: “Đi làm thấy cây lúa tốt, vịt chóng đẻ, làm về nhìn con cái được học hành, chăm ngoan nên bác vui lắm. Bao nhiêu mệt nhọc tiêu biến cả. Gian khó nào bác cũng trải qua rồi, có thóc lúa vào kho là mừng rớt nước mắt…”.

Cập nhật khoa học kỹ thuật, luôn biết đổi mới để tiết kiệm chi phí và công sức. Năm 2012, ông Thông vay mượn, sắm cho bằng được máy gặt đập liên hợp. Từ đây, không chỉ làm lợi cho mình, chiếc máy của ông đã giúp biết bao bà con tại Phú Thượng tiết kiệm sức lao động, hướng đến cách làm nông nghiệp hiện đại.

Đến nay, dù đã ngoài lục tuần, ông vẫn giữ phong độ làm việc khiến nhiều người e ngại, canh tác 2,4 ha lúa cùng 400 con vịt đẻ. Với năng suất 6,5 tấn/ha/vụ, mỗi năm ông Thông lãi ròng 80 triệu đồng. Đàn vịt của ông cũng mang lại gần 50 triệu đồng. Công sức lao động vất vả được đền đáp, ông nuôi tám người con của mình ăn học đến nơi đến chốn, công ăn việc làm ổn định. Hiện còn hai người con đang học đại học.

Ông Võ Quốc Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thượng, cho biết: “Ông Lê Văn Thông là hội viên nổi bật trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Không chỉ mạnh dạn đầu tư vốn để mua máy gặt đập liên hợp, máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình gia trại chăn nuôi vịt của ông Thông cũng rất thành công”.

Mô hình làm ăn kinh tế của ông Lê Văn Thông được nhiều hội viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng học hỏi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên, Hội Nông dân xã phối hợp với Hợp tác xã đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng các loại giống lúa mới, mô hình cánh đồng mẫu, 3 giảm 3 tăng... thúc đẩy các hội viên phát triển sản xuất lúa bền vững.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

Cây giống héo úa, nguy cơ trễ vụ trồng rừng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Nhiều vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp đang gặp khó khăn. Ở một số vườn ươm, cây con chết đến 40% khiến việc cung ứng giống trồng rừng ra thị trường chậm hơn mọi năm.

Tuy thường xuyên cung cấp nước, nhưng tại một số vườn ươm, cây giống không phát triển đều

Giảm năng suất

Sản xuất cây giống lâm nghiệp đang tạo ra công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Những năm trở lại đây, phong trào trồng rừng ngày càng phát triển khiến nhu cầu nguồn giống càng cao. Năm nay, nắng nóng cường độ cao kéo dài khiến nhiều chủ vườn ươm đứng ngồi không yên.

Tại vườn ươm của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Phù Bài (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), nắng nóng khiến nhiều diện tích keo giâm hom héo úa, cháy ngọn.

Mỗi năm HTX NN Phù Bài sản xuất khoảng 30 vạn cây giống bằng hình thức giâm hom để phục vụ các hộ dân trồng rừng kinh tế trên địa bàn thị xã và các vùng lân cận. Để sản xuất cây giống, HTX này đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống tưới phun sương hiện đại để bảo đảm sự phát triển của cây. Song, hiện nay, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng tỉ lệ cây giống bị chết khá cao khiến đơn vị này không đủ sản phẩm để cung ứng cho thị trường. “Thông thường, trước vụ trồng rừng khoảng 3 tháng, các vườn ươm bắt đầu sản xuất cây giống. Đơn vị chúng tôi sản xuất cây giống keo tràm không chỉ phục vụ nhu cầu của hội viên mà còn của các khu vực lân cận. Mọi năm, thời điểm này đã cung ứng đủ cây giống cho thị trường, nhưng năm nay cây giống chết đến 40%”, ông Lê Tranh, Giám đốc HTX NN Phù Bài cho biết.

Theo ông Tranh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây giống chết là do nắng nóng kéo dài, khiến sức đề kháng của cây giảm sút. Ngoài diện tích bị chết, số cây giống còn lại cũng không phát triển tốt. “Chưa năm mô hạn nặng như năm nay. Đây là năm đầu tiên, vườn ươm của chúng tôi gặp khó khăn trong sản xuất cây giống. Mặc dù đã áp dụng phương thức tưới tự động, cứ 2 phút tưới 1 lần nhưng nhiệt độ môi trường quá cao, cây giống không thể chống chọi. Thời gian gần đây, chúng tôi cũng áp dụng sản xuất bầu ươm thân thiện với môi trường, với giá thể hữu cơ nhưng tiết trời nắng nóng khiến hiệu quả cũng không cao”, ông Tranh lý giải.

Huyện Nam Đông từ lâu được xem là "thủ phủ" vườn ươm và trồng rừng kinh thế. Cùng chung cảnh ngộ, những vườn ươm nơi đây cũng đang gặp khó khăn trong việc sản xuất cây giống. Nắng nóng, thiếu nước khiến giá thể bầu ươm không đúng theo tiêu chuẩn. Bà Bùi Thị Minh Phi, chủ vườn ươm keo giống O Phi (thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) than thở: "Mỗi năm vườn ươm của tui sản xuất gần 2 triệu cây giống cung ứng thị trường. So với các năm trước, năm nay vườn ươm của tui gặp rất nhiều khó khăn. Từ sau tết nguyên đán đến nay, tại huyện Nam Đông chỉ có khoảng 5 trộ mưa, hạn hạn khiến các chủ vườn ươm phải bỏ thêm kinh phí, dày công chăm sóc. Thế nhưng hiệu quả vẫn rất thấp. Đây là thời điểm chính vụ sản xuất cây giống, đến mùa đông, nhiệt độ xuống thấp thì vườn ươm coi như đóng cửa".

Tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, sự biến động của thời tiết cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cây giống. Ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong cho hay: “Nắng nóng đã làm giảm năng suất sản xuất cây giống. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, chúng tôi phải đầu tư thêm các phương tiện khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sự cân bằng về nhiệt độ, giúp ổn định năng suất sản xuất”.

Nắng nóng khiến cây giống héo úa, chết

Ảnh hưởng vụ trồng rừng

Trong sản xuất lâm nghiệp, năng suất và chất lượng rừng trồng phụ thuộc vào mùa vụ trồng rừng. Trồng đúng thời hạn sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất, hạn chế sâu bệnh và bất lợi của thời tiết về sau. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 3.570 ha, toàn bộ là rừng sản xuất. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 9.208,3 ha; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 32.550 ha.

Trồng rừng phụ thuộc vào các yếu tố khí tượng, thủy văn như, nhiệt độ, lượng mưa, gió, bão,... và điều kiện địa lý của mỗi vùng miền. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời vụ trồng rừng hợp lý tại Thừa Thiên Huế rơi vào vụ đông xuân, từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, nhưng tùy theo diễn biến thời tiết, ở một số địa phương có thể vào vụ trồng rừng sớm hơn. Ông Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông chia sẻ: "Mọi năm, lúc này tui đã vào vụ trồng mới. Tuy nhiên năm nay, sau khi trồng, cây chết khá nhiều vì nắng nóng. Trung bình trồng keo khoảng 5 năm cho thu hoạch, riêng tiền nhân công để trồng tốn khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày. Cây con chết, tui phải bỏ thêm tiền để mua cây mới. Chưa năm mô người trồng keo, tràm lại gặp khó như năm nay".

Ông Trần Vũ Ngọc Hùng, Phòng Sử dụng và Phát triển rừng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh khuyến cáo:“Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, việc trồng rừng chắc chắn gặp bất lợi hơn so với bình thường. Người trồng rừng cần tăng cường chăm sóc, đối với các chủ vườn ươm phải chăm sóc vườn nhanh; bón phân, tưới nước định kỳ. Đồng thời đặc biệt lưu ý sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Tuy nắm rõ khung lịch thời vụ trồng rừng nhưng nhiều người trồng đang lưỡng lự, lo lắng về vụ trồng rừng trước bất lợi của thời tiết. Nền nhiệt cao khiến nhiều diện tích rừng trồng vụ mùa trước đang chậm phát triển, một số diện tích chết cháy, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như kinh tế của người trồng. “Tiết trời nắng nóng, nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra. Trong đó, có nhiều diện tích là rừng sản xuất. Sau mùa vụ năm trước, mặc dù tăng cường chăm sóc, cũng như áp dụng các biển pháp kích thích cây sinh trưởng, thế nhưng diện tích rừng trồng của tui phát triển kém hơn so với thường lệ. Năm nay, cây giống đang khan và không chỉ tui mà nhiều người khác cũng đang lưỡng lự khi xuống vụ”, ông Lê Sau, người trồng rừng ở xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy nói.

Bài, ảnh: L.Thọ

Lộc Ninh (Bình Phước): Diện tích cây trồng hằng năm tăng hơn 30%

Nguồn tin: Báo Bình Phước

6 tháng đầu năm, tổng diện tích cây trồng hằng năm trên địa bàn huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) 1.741,97 ha, tăng 30,27%, tương đương 527,17 ha so cùng kỳ năm 2018. Diện tích cây lâu năm tăng 2.798,47 ha, nâng tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện lên 27.183,33 ha.

Ông Nguyễn Hữu Công, ấp 7, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) vẫn giữ vững 7.500 nọc tiêu trước “bão giá” xuống thấp nhờ tiết kiệm công tưới, phân bón thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt

Mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp liên tục nhiều năm qua nhưng diện tích, năng suất hồ tiêu trên địa bàn huyện Lộc Ninh vẫn đứng vững. Tổng diện tích hồ tiêu của Lộc Ninh hiện có 5.686,5 ha, trong đó 4.226,2 ha cho sản phẩm với năng suất bình quân 2,09 tấn/ha, diện tích kiến thiết cơ bản 1.460,3 ha.

Một trong những nguyên nhân khiến diện tích hồ tiêu Lộc Ninh đứng vững trước “bão giá” xuống thấp là do người dân chủ động áp dụng quy trình canh tác hồ tiêu bền vững theo hướng hữu cơ kết hợp chăn nuôi dê. Toàn huyện hiện có 24 câu lạc bộ tiêu bền vững với 604 thành viên. Thành viên các câu lạc bộ tiêu bền vững cho biết, việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ giúp người dân tiết kiệm nước tưới mà còn về thời gian. Đặc biệt các mô hình tưới nhỏ giọt được đầu tư đúng quy trình kỹ thuật còn giúp người trồng tiêu tiết kiệm công bón phân, đồng thời giảm tỷ lệ bốc hơi phân bón. Việc kết hợp trồng tiêu với nuôi dê đã nâng cao thu nhập, hỗ trợ nguồn phân hữu cơ giúp hồ tiêu phát triển bền vững và người trồng tiêu giảm được chi phí sản xuất.

Đông Kiểm

Phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay điều khiển từ xa

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình áp dụng mô hình phun thuốc trừ sâu cho lúa mùa bằng thiết bị bay không người lái (UAV) được điều khiển từ xa.

Đây là mô hình dùng UAV phun thuốc trừ sâu từ trên cao với ưu điểm năng suất cao gấp 30 lần so với thủ công, tiết kiệm nước đến 90%. Đặc biệt, nó có thể phun trên diện tích rộng và địa hình phức tạp với hệ thống phun sương hạt mịn ướt 2 mặt lá và an toàn cho người sử dụng. Dưới phần thân của thiết bị bay là một bình phun có chứa hóa chất (gần 10 lít) được tiếp liệu qua 4 đầu phun hướng xuống dưới thông qua một hệ thống phun áp lực. Hệ thống này sử dụng một radar sóng để bay phía bên trên cây trồng ở một độ cao phù hợp nhất định nhằm hỗ trợ việc phun ngang. máy có thể bay ở chế độ tự động, bán tự động và thủ công, tốc độ phun có thể được điều chỉnh để chứa các loại hóa chất khác nhau. Qua đánh giá, việc sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa phun thuốc trừ sâu cho lúa mùa giúp giảm nhân công trong khi phun, tiết kiệm thuốc trừ sâu, năng suất phun cao hơn phun thủ công...

Cao Mừng - Đài TT - TH Hưng Hà

Xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình): Thoát nghèo từ trồng rừng kết hợp chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Những năm trở lại đây, xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã tập trung triển khai các chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn thả các loại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân từ xuất phát điểm đời sống khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ việc phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp.

Trước đây, gia đình chị Trần Thị Sâm ở thôn 5, xã Ngư Hóa là một trong những hộ nghèo, khó khăn nhất ở địa phương, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào đất màu ít ỏi trồng sắn và khoai lang. Năm 2003, xã Ngư Hóa có chủ trương giao rừng cho người dân để trồng rừng kinh tế. Nhận thấy đây là một hướng đi mới có thể làm giàu hiệu quả, hai vợ chồng chị mạnh dạn nhận 15 ha rừng để trồng keo lai.

Nhờ anh chị chịu khó chăm sóc cùng với việc được trồng trên chất đất tốt nên cây keo phát triển nhanh. Với mỗi lứa keo sau 4 đến 5 năm có thể thu hoạch, chị cho trồng xen kẽ qua từng năm để có thu nhập liên tục, nhờ đó, gia đình chị có thể quay vòng vốn để tiếp tục đầu tư vào phát triển chăn nuôi các loại gia súc, như: trâu, bò, dê. Hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình chị có mức thu nhập từ chăn nuôi và trồng rừng trên 100 triệu đồng, bảo đảm cuộc sống và nuôi các con ăn học.

Phát triển kinh tế rừng trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Xã Ngư Hóa có tổng diện tích tự nhiên hơn 6 nghìn ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 5,5 nghìn ha. Với điều kiện địa hình bao quanh là núi rừng, nhưng phần lớn diện tích lại nằm trải dài khá bằng phẳng nên có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế rừng.

Nhận thấy tiềm năng đó, năm 2003, xã Ngư Hóa bắt đầu đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho người dân và triển khai trồng rừng đồng loạt trên địa bàn, đồng thời coi trồng rừng kinh tế là mũi nhọn để đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy hàng năm. Bên cạnh đẩy mạnh việc trồng rừng kinh tế, xã Ngư hóa còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm nguồn thu nhập thường xuyên, liên tục giữa các lứa keo, tràm.

Anh Nguyễn Ngọc Thành ở thôn Tân Lâm có trên 20 ha đất rừng trồng keo lai, khoanh trồng theo từng nhóm tuổi. Ngoài ra, anh còn mạnh dạn vay mượn thêm từ NHCSXH huyện để mua bò lai sinh sản về chăn thả trong diện tích cây trồng của gia đình. Mỗi năm, lợi nhuận thu được từ trồng keo và chăn nuôi bò lai giúp anh có thu nhập bình quân từ 100-120 triệu đồng.

Từ buổi đầu nhiều khó khăn, nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá giả của xã. Anh Thành chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và Hội Nông dân xã, bản thân tôi đã chủ động vay vốn để phát triển trồng rừng và chăn nuôi bò lai sinh sản, bước đầu cho thu nhập khá ổn định. Từ thu nhập đó, tôi đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong gia đình và nuôi các con ăn học”.

Xã Ngư Hóa hiện có 3 thôn, 160 hộ/484 khẩu, trong đó, có 140 hộ tham gia trồng rừng kinh tế với tổng diện tích trên 1.900 ha, trung bình mỗi hộ có từ 8-10 ha rừng trồng. Có 94/140 hộ tham gia xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi với các loại gia súc, gia cầm mang lại thu nhập cao.

Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ 40-50 triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập cao trên 150 triệu đồng/năm. Nhờ biết tận dụng lợi thế từ chăn nuôi và trồng rừng để xóa đói giảm nghèo nên diện mạo nông thôn ở xã Ngư Hóa ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 40,6 % năm 2011 xuống còn 26,8% năm 2019.

Ông Thái Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Hóa cho biết, hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã đều có rừng trồng, ít nhất từ 3 ha trở lên và nhiều mô hình phát triển kinh tế kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi mang lại thu nhập cao, từng bước xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động đưa đề án phát triển kinh tế vườn hộ, vườn rừng ngày càng phát huy hiệu quả trên địa bàn.

X.P

Vĩnh Phúc: Ngọt thơm vị nhãn chín muộn trên đất đồi Ngọc Thanh

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Đi dưới tán nhãn sai trĩu quả của HTX Nông nghiệp Đại Lải (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui được mùa của những người làm vườn nơi đây. Ít ai biết rằng, 4- 5 năm trước, vườn nhãn này luôn mất mùa khiến chủ vườn chán nản đành "dứt áo" ra đi. Sau khi nhận chuyển nhượng lại, HTX Nông nghiệp Đại Lải đã dành nhiều tâm huyết, công sức cải tạo vườn tược và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nhờ đó, năm nào vườn nhãn cũng bội thu.

Nhãn chín muộn của HTX Nông nghiệp Đại Lải (Phúc Yên) được mùa, được giá

Anh Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lải (Phúc Yên) cho biết: Hiện nay, HTX có hai khu vực trồng nhãn rộng 2ha, trong đó, khu vườn này có gần 1 nghìn gốc nhãn chín muộn Hưng Yên. Trước đây, chủ vườn là người Hà Nội, họ lên đây mua đất đồi trồng nhãn, song vì không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng cho ít quả. Sau khi tiếp nhận, HTX bỏ nhiều công sức, kinh phí để cải tạo lại mới được như ngày nay. Đây là vụ thứ 3 cho thu hoạch, song năm nào HTX cũng thắng lớn, kể cả những năm thời tiết khắc nghiệt nhất. Trung bình, sản lượng nhãn chín muộn của HTX Nông nghiệp Đại Lải đạt từ 20- 25 tấn/ha. Năm nay, giá nhãn bán tại vườn cao gấp đôi năm ngoái (khoảng 32.000- 33.000 đồng/kg) do số lượng cây ăn quả ở địa phương bị mất mùa.

Để có những mùa nhãn bội thu không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của ông Lê Đình Tư, Giám đốc HTX Dịch vụ- Nông nghiệp Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ông Tư là người trực tiếp ghép giống nhãn chín muộn Hưng Yên vào thân những cây nhãn cũ, đồng thời áp dụng các tiến bộ KHKT vào các khâu chăm sóc nên chưa vụ nhãn nào HTX Nông nghiệp Đại Lải thất thu.

Ông Lê Đình Tư, Giám đốc HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: Chất đất đồi ở xã Ngọc Thanh rất hợp với cây nhãn chín muộn Hưng Yên. Có những cây tưởng sắp chết nhưng sau khi được bón phân đã xanh tươi trở lại. Đây là vùng đất kiệt nước, vào mùa khô càng ít nước hơn, song lại phù hợp với giai đoạn “hãm” cho cây đứng lại, không phát triển được bộ lá giúp cây ra quả khỏe hơn.

Theo kinh nghiệm của ông Tư, thời tiết thuận lợi khiến cây khỏe mà “quên” nhiệm vụ ra quả, khi ấy, ta phải dùng bài “đánh chột cổ truyền”. Tuy nhiên, ông Tư không dùng phương pháp phun thuốc, chặt rễ để đánh chột như một số địa phương khác mà sử dụng biện pháp khoanh vỏ cây (tiện thân cây nhãn). Việc làm này phải được thực hiện trước ngày đông chí, khi khoanh vỏ cây cần tính toán độ nông, sâu và thời điểm thích hợp để cây nhãn có điều kiện ra quả với sản lượng cao nhất. Theo đánh giá của ông Tư, năm nay, thời tiết không thuận lợi do nắng ấm nhiều nên không ít vườn nhãn chín muộn ở Hưng Yên mất mùa. Tuy nhiên, như mọi năm, vườn nhãn của HTX Nông nghiệp Đại Lải vẫn thắng lớn, khiến niềm vui của doanh nghiệp, bà con địa phương được nhân lên gấp đôi.

Ngoài giống nhãn chín muộn, HTX Nông nghiệp Đại Lải còn đưa thêm giống nhãn siêu ngọt vào trồng xen kẽ. Loại nhãn này thu hoạch sau nhãn chín muộn (từ tháng 9 đến tháng 10) nên người dân, doanh nghiệp có thể thu hoạch quả trong thời gian dài.Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch, song nhãn siêu ngọt có thể ăn từ bây giờ cho đến tháng 9.

Ông Trung cho biết thêm: Trồng cây nhãn khá nhàn, chỉ cần 2 lao động/ha. Thời gian đầu, người dân mất từ 2- 3 năm, sang năm thứ 4 cây cho quả nên có thể bắt đầu thu hồi vốn. Ngày nay, việc trồng trọt, chăm sóc đã có nhiều loại máy móc, thiết bị hỗ trợ như: Máy phun thuốc sâu, máy đào đất… nên người nông dân không mất nhiều thời gian, công sức làm vườn. HTX Nông nghiệp Đại Lải đang có dự định liên kết với người dân địa phương mở rộng diện tích trồng nhãn lên 100 ha, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được ý định cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương và ngành nông nghiệp.

Bài, ảnh Hà Trần

Lạng Sơn: Na Chi Lăng: Nâng tầm thương hiệu

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Năm 2019, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có gần 1.800 ha na, là huyện trồng na lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Không chỉ vậy, sản phẩm na Chi Lăng trong 3 năm trở lại đây luôn lọt vào Top 5 “Thương hiệu vàng của nông nghiệp Việt Nam”.

6 quả na giá 100 triệu đồng

Đó là thông tin mà ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết tại buổi họp báo thông tin về Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ 3, năm 2019 (tổ chức ngày 5/8/2019). Theo đó, 6 quả na được chọn lựa để quảng bá sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trọng lượng mỗi quả trên 1 kg. Sau thời gian trưng bày, ban tổ chức thực hiện đấu giá và một doanh nghiệp đã mua với giá 100 triệu đồng.

Câu chuyện này cho thấy chất lượng và giá trị na Chi Lăng đã được nâng lên rất nhiều. Vụ na năm nay, trọng lượng trung bình của quả na Chi Lăng đạt khoảng 300 g/quả. Đặc biệt, nhiều hộ trồng na trên địa bàn các xã: Quang Lang, Y Tịch, Thượng Cường, thị trấn Chi Lăng đã thu hoạch được những quả na nặng 800 g – 1,2 kg/quả (6 quả na thực hiện đấu giá thuộc những vườn này).

Xúc tiến, quảng bá sản phẩm na Chi Lăng

Ông Mai Văn Thuận, thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ chia sẻ: Gia đình tôi trồng 800 gốc na, năm nay chúng tôi làm theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, quả to và đều hơn rất nhiều.

Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, chủ trương của huyện là tập trung nâng cao chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm na. Cụ thể, phòng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tập huấn trồng na theo mô hình nông nghiệp tốt (GlobalGAP, VietGAP) cho các hộ trồng. Bên cạnh đó, phòng chuyên môn còn hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng na từ khâu cắt tỉa, chăm sóc, thực hiện các biện pháp sinh học trong diệt trừ sâu hại đến thụ phấn, thu hái…

Không chỉ tăng về chất lượng, mẫu mã, từ năm 2016 đến nay, diện tích trồng na của toàn huyện đã tăng gần 500 ha (năm 2016 có 1.300 ha, hiện có gần 1.800 ha). Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ trung tuần tháng 7/2019 đến đầu tháng 8/2019, nhân dân trên địa bàn thu hoạch được khoảng 5.000 tấn na. Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Qua khảo sát và tính toán, sản lượng na năm nay đạt trên 18 nghìn tấn (tính cả sản lượng na gối vụ), tăng khoảng 2 nghìn tấn so với vụ na năm 2018.

Ngoài ra, giá na Chi Lăng năm nay cũng tăng cao. Giá na loại I (loại 8 lạng/quả) có giá từ 70 – 80 nghìn đồng/kg; na loại II (5 lạng/quả) có giá từ 40 – 50 nghìn đồng/kg; còn lại trung bình từ 25 – 30 nghìn đồng/kg.

Với sản lượng và giá bán đều tăng, theo ước tính của UBND huyện Chi Lăng, doanh thu từ na năm nay của huyện sẽ đạt từ 700 – 720 tỷ trở lên (năm 2018 đạt hơn 600 tỷ đồng).

Bảo vệ thương hiệu

Tại cuộc họp báo thông tin về ngày hội Na Chi Lăng lần thứ 3, năm 2019, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo huyện Chi Lăng về việc giữ thương hiệu “Na Chi Lăng”.

Phân loại na tại chợ na thị trấn Chi Lăng

Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trong những năm qua, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm na Chi Lăng. Để bảo vệ và giữ vững thương hiệu cho sản phẩm, vụ na năm 2019, huyện Chi Lăng tiếp tục hỗ trợ hơn 50 nghìn tem truy xuất nguồn gốc và hơn 20 nghìn hộp giấy (có in nhãn mác sản phẩm Na Chi Lăng) cho các hộ trồng na, các cơ sở kinh doanh, các HTX và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm na.

Ngoài hỗ trợ của nhà nước, người trồng na và các hộ kinh doanh na trên địa bàn đã tự bỏ chi phí để đặt mua tem truy xuất nguồn gốc và thùng hộp để đóng gói sản phẩm Na Chi Lăng.

Để tiếp tục khẳng định và nâng tầm cho thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng, tránh tình trạng nhái thương hiệu na Chi Lăng để trục lợi, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na. Qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm na Chi Lăng. Không những vậy, việc làm này còn góp phần đưa na Chi Lăng đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang một số thị trường nước ngoài.

TRÍ DŨNG – ĐỖ HOẠT

Tín hiệu vui từ cây xoài Thới Hưng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Đến thời điểm hiện nay, TP Cần Thơ có trên 2.710ha trồng xoài các loại, riêng xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đã có đến 1.774ha, chiếm gần 70% tổng diện tích, đang phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Lý giải về con số ấn tượng này, bà Nguyễn Thị Thu Sương, cán bộ khuyến nông xã Thới Hưng, cho biết: “Xoài cát Hòa Lộc tại xã có khoảng 800ha, số còn lại là xoài Đài Loan (xanh và đỏ). Nếu như xoài cát Hòa Lộc có giá bán rất cao, nhưng khó bảo quản thì xoài Đài Loan có nhiều lợi thế như: Dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, dễ vận chuyển đi xa, trái to, màu sắc đẹp, vị thanh nên thị trường tiêu thụ mạnh, kể cả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước lân cận”.

Trên con đường độc đạo xuyên qua các ấp, chúng tôi bắt gặp hàng chục điểm thu mua xoài các loại với không khí rất nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, cạnh đó là nhiều đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ nhận hàng để xuất bến... Ông Văn Chiến Thắng, chủ một cơ sở thu mua xoài các loại tại ấp 8, cho biết: “Năm 2019 này bà con trồng xoài trúng mùa, trúng giá phấn khởi lắm. Tui mua và bán lại cho thương lái xuất qua Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… hiện nay giá mua xoài cát Hòa Lộc tại vườn là 35.000-40.000 đồng/kg; xoài Đài Loan xanh có giá từ 13.000-15.000 đồng/kg; xoài Đài Loan đỏ có giá từ 23.000-25.000 đồng/kg. Tất cả đều tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg”.

Thu hoạch xoài ở Thới Hưng.

Trên các tuyến đường liên ấp, hàng “núi xoài” vừa mới thu hoạch đang được người dân làm sạch lớp vỏ bên ngoài trước khi bán cho thương lái. Anh Hồ Quang Nhớ, ngụ ấp 8 xã Thới Hưng, đang tất bật để kịp xuất hàng cho thương lái ở Hà Nội vẫn tranh thủ trò chuyện cùng chúng tôi. Anh kể: “Hồi trước tôi trồng cam, quýt, bưởi nhưng thu nhập không ổn định, đầu ra cũng rất bấp bênh. Từ năm 2011, tôi quyết định chuyển sang trồng 300 gốc xoài Đài Loan xanh và 220 gốc xoài Đài Loan đỏ. Từ năm 2014 đến nay, sau khi trừ hết mọi chi phí tôi còn lãi mỗi năm từ 400-450 triệu đồng, tùy thời giá xoài. So với một số trái cây khác thì trồng xoài ngon ăn hơn nhiều!”.

Nhiều nông dân trồng xoài ở Thới Hưng cho biết, trước đây xoài Đài Loan giá cao nhất là mùa Noel và Tết Nguyên đán, nhưng nay giá cả khá bình ổn nhờ người trồng biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cây cho trái quanh năm, nhưng luôn đảm bảo sản lượng, chất lượng cao. Trồng xoài các loại phải bao trái toàn bộ từ khi có trái đến khi thu hoạch nên rất tốn kém chi phí thuê mướn người bao trái, bình quân 200.000 đồng/người/ngày. Chi phí cho một túi giấy bao trái phải tốn thêm từ 1.300-1.500 đồng/túi (mỗi túi có thể tái sử dụng 2-3 lần phụ thuộc thời tiết nắng, mưa), nhưng ngược lại giá bán xoài rất cao, sản lượng an toàn không bị sâu cắn phá, đạt trên 95%.

Chị Nguyễn Thị Thu Sương, cán bộ khuyến nông xã Thới Hưng, nói thêm: “Người trồng xoài Thới Hưng bây giờ nắm bắt rất tốt nhu cầu của thị trường; chủ động cho trái bất kỳ thời điểm trong năm; chất lượng trái luôn được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, nhất là những hộ đã sử dụng phân bón chủ yếu là phân hữu cơ như: phân dơi, gà, vịt, heo, dê, cá… nên tạo uy tín rất lớn đối với thương lái về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra khi buộc sử dụng phân vô cơ, họ luôn thực hiện đúng quy trình cho phép nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm làm ra”.

Hiện nay xã Thới Hưng đã có 3 hợp tác xã và 8 tổ hợp tác trồng xoài theo quy trình VietGAP nên rất được thương lái ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng xoài ở Thới Hưng đang mong muốn có được một nhà máy chế biến xoài với sản phẩm đa dạng để phục vụ người tiêu dùng, tạo thêm giá trị gia tăng cho vùng chuyên canh xoài này, nhằm giúp người trồng có lãi cao hơn và không phải lo ngại bị tư thương ép giá.

Bài, ảnh: TRẦN TRẤN GIANG

‘Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua’ xếp hạng 13/50 trái cây đặc sản

Nguồn tin: Báo Lao Động

Người dân Thủ đô chọn mua để thưởng thức vị ngọt thơm của nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Kh.V

Tuần lễ Nhãn lồng và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2019 từ 9-15.8.2019, do UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức tại 17 siêu thị Big C và GO! khu vực miền Bắc.

Sáng 9.8.2019, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên đã khai mạc tại siêu thị Big C Thăng Long, giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô các giống nhãn lồng Hưng Yên có thương hiệu, đóng gói với đầy đủ thông tin: Chứng nhận VietGap, chỉ dẫn địa lý, in logo với nhãn mác bắt mắt... của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn đến từ các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù cừ, và TP.Hưng Yên.

Theo ông Đặng Ngọc Quỳnh - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, hiện nay, trái nhãn lồng Hưng Yên đã được xếp hạng 13 trong top 50 trái cây nổi tiếng Việt Nam, được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu Nhãn lồng Hưng Yên.

Nhãn lồng Hưng Yên có nhiều loại, nhưng đều có chung vị ngọt thơm đặc trưng, cùi dày và giòn. Ảnh: Kh.V

“Tiếp nối thành công của Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội năm 2017 và Tuần lễ Nhãn lồng – nông sản Hưng Yên năm 2018 được tổ chức tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, bên cạnh việc đưa Nhãn lồng phân phối trong các chuỗi siêu thị tại Hà Nội, tỉnh Hưng Yên tiếp tục tổ chức Tuần lễ nhãn lồng và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2019 tại Siêu thị BigC Thăng Long nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời trực tiếp phục vụ người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội đã tin dùng Nhãn lồng Hưng Yên trong suốt những năm qua” - ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Ngoài các giống nhãn đặc sản quý của Hưng Yên như: Nhãn đường phèn (là giống nhãn cổ, quả nhỏ nhưng cùi dày, giòn và có hương thơm đặc trưng, vị ngọt đậm), nhãn miền... , Hưng Yên còn ra mắt người dân Hà Nội các loại nông sản khác như: Mít dai, ổi, mật ong hoa nhãn... và một số món đồ uống chế biến từ trái nhãn nhãn nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng dễ dàng thưởng thức trái nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2019, sản lượng dự kiến một số nông sản chủ lực của tỉnh Hưng Yên: Nhãn trên 30.000 tấn; vải 9.000 tấn; cam 28.640 tấn; chuối 64.091 tấn, thịt lợn 110.853 tấn, thủy sản 34.053 tấn,…

Hoạt động xúc tiến thương mại quả nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 đã kết nối tiêu thụ 2.743 tấn bán cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu, hệ thống chuỗi siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Vinmart,...; 120 tấn được tiêu thụ trực tiếp tại Hội nghị xúc tiến thương mại, Tuần lễ nhãn lồng và khoảng 45.000 tấn tiêu thụ trong cả nước.

Kết nối và đưa Nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu chính thức vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc,...; quảng bá rộng rãi Nhãn lồng Hưng Yên với bạn bè quốc tế thông qua tất cả các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines.

M.M

Lãi hàng tỷ đồng từ trồng sầu riêng Dona

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Cũng như các hộ dân trên địa bàn xã Ea Yông, gia đình chị H'Dăng Niê (sinh năm 1977, ở buôn Ea Yông A, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) đưa cây sầu riêng vào trồng rất sớm (từ năm 1997), với 126 cây được trồng xen canh cà phê.

Thời điểm đó, vốn đầu tư là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên cây sầu riêng bị nấm bệnh nhiều, năng suất thấp. Thấy trồng sầu riêng không hiệu quả, chị H'Dăng Niê nản chí, từng có ý định chặt đi để chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, nghĩ đến công sức đã bỏ ra bấy lâu, vợ chồng chị lại cố gắng chăm sóc, tìm hướng khắc phục. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Quỹ Tín dụng xã Ea Yông, chị đã vay vốn 150 triệu đồng với lãi suất thấp và tiếp tục kiên trì đầu tư sầu riêng. Bên cạnh đó, chị trồng thêm cà phê, các cây hoa màu khác để lấy ngắn nuôi dài.

Related image

Chị H'Dăng Niê trong vườn sầu riêng Dona của gia đình.

Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi, sau một thời gian chăm sóc, cây sầu riêng của gia đình chị bắt đầu phát triển tốt, năng suất được nâng lên rõ rệt, thu nhập cũng tăng lên. Nhận thấy trồng sầu riêng có hiệu quả, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm hàng trăm cây sầu riêng, với giống chủ lực sầu riêng Dona, nâng tổng số lên 378 cây, diện tích 3 ha; trong đó 325 cây đang cho thu hoạch. Theo chị, trồng sầu riêng đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với cái loại cây khác, nhưng đây là loại cây không dễ trồng, đòi hỏi người nông dân phải tìm tòi, cần mẫn, có kiến thức khoa học kỹ thuật.

Chị H'Dăng Niê phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, do thời tiết khá thuận lợi, cộng với đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối, nên cây sầu riêng phát triển, cho năng suất cao. Mỗi năm vào 6 tháng mùa khô, gia đình tôi tưới 30 đợt nước; bón phân chủ yếu là phân vi sinh, đến khi đậu quả, bổ sung thêm lân, kali; phòng các bệnh chủ yếu như nấm Phytophthora, nấm hồng, riêu xanh…”.

Vụ năm nay, chị H'Dăng Niê ước đạt 76 tấn sầu riêng, tăng hơn 15 tấn so với năm ngoái. Với giá hiện nay 50 – 60 nghìn đồng/1 kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình chị thu lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Con số này không dừng lại ở đó, mà tiếp tục tăng, khi thời gian tới những cây sầu riêng còn lại của gia đình chị bước vào giai đoạn kinh doanh. Theo tính toán, thu nhập mỗi héc-ta cà phê trồng xen sầu riêng giống Dona, cao hơn gần gấp 4 lần so với trồng cà phê thuần. Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình chị đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền, con cái có điều kiện học đại học.

Tiến Dũng

Hội thảo triển khai ‘Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa’ năm 2019 tại huyện Củ Chi

Nguồn tin: Khuyến Nông TP HCM

Chăn nuôi bò sữa là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến Quý I/2019 tổng đàn bò sữa là 62.960 con. Trong đó tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện Củ Chi là 49.320 con với 4.288 hộ nuôi và các hộ có quy mô đàn bò sữa lớn hơn 20 con là 1.672 hộ. Để tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò sữa tại Củ Chi theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa qua Trạm Khuyến nông Củ Chi tổ chức buổi Hội thảo triển khai “Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn Thành phố năm 2019” tại Ủy ban nhân dân xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Ông Nguyễn Thanh Giang đại diện Hội Nông dân huyện Củ Chi, Ông Nguyễn Chí Tâm - Phó Chủ tịch xã An Nhơn Tây, Ông Bùi Nguyên Giáp đại diện công ty Delaval, Ông Trần Quốc Thịnh đại diện công ty Nam Thái, cùng với hơn 50 hộ tham gia.

Mục đích của Hội thảo đánh giá kết quả triển khai Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa giai đoạn 2016 – 2018 nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả giai đoạn 2019 – 2020; Báo cáo kết quả thực hiện mô hình thử nghiệm chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh từ các hộ tham gia mô hình, các doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị máy móc, thức ăn bổ sung,...,cùng các chuyên gia về bò sữa, cơ quan quản lý nhà nước xoay quanh các vấn đề nâng cao năng suất, hiệu quả phát triển nghề chăn nuôi bò sữa bền vững đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo Hội thảo báo cáo, kết quả thực hiện Đề án của huyện Củ Chi tính đến năm 2018 có 364 hộ nông dân đăng ký tham gia, gồm các máy móc thiết bị: 225 máy vắt sữa đơn, 3 thiết bị rửa máy vắt sữa, 640 bình nhôm chứa sữa, 13 hệ thống làm mát chuồng trại, 01 máy trộn TMR, 29 máy băm thái cỏ có trục cuốn và 77 máy cắt cỏ cầm tay,…

Ông Phạm Văn Vũ, hộ thực hiện mô hình thử nghiệm “Chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh” tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: trước khi thực hiện mô hình sản lượng sữa bình quân 13,9 kg/con/ngày, khô không béo 8.2%, béo 3.2%, tế bào Soma trên 01 triệu tb/ml sữa, giá sữa 10.000đồng/kg. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông và công ty Delaval điều chỉnh khẩu phần thức ăn TMR và hướng dẫn sử dụng hệ thống làm mát chuồng trại đúng cách để giảm stress nhiệt cho bò kết quả lượng sữa tăng bình quân 01 kg/con/ngày, khô không béo tăng 8.7%, béo tăng 3.7%, tế bào Soma trung bình còn 220.000 tb/ml sữa, giá bán sữa đạt 14.000đồng/kg. Tương tự hộ Dương Văn Ninh tại ấp Ba Sòng xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi năng suất và chất lượng sữa cũng tăng so với ban đầu, giá bán sữa đạt 14.000đồng/kg.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe báo cáo của công ty Delaval về Stress nhiệt trên bò và công ty Nam Thái về thực trạng áp dụng khẩu phần thức ăn và giải pháp cho ăn phù hợp để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa. Về Stress nhiệt, theo ông Bùi Nguyên Giáp, để hệ thống làm mát hiệu quả lưu ý các quạt cần quay thổi về một hướng, hạt nước phun xuống phải làm ướt da và được gió làm bay hơi; Bò được làm mát 4-5 chu kỳ mỗi 24h, một chu kỳ khoảng 45 phút (bao gồm 30 giây phun nước rồi bật quạt 4 -5 phút (tốc độ gió 2,5 – 3m/s), lặp lại trong suốt 45 phút).

Kết luận hội thảo, ông Phạm Lâm Chính Văn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM phát biểu: Việc nâng cao chất lượng đàn bò sữa cần phải đồng bộ cơ giới hóa trong chăm sóc nuôi dưỡng. Để giải tỏa những thắc mắc trong thời gian qua trên đàn bò sữa, Trung tâm Khuyến nông tổ chức Hội thảo triển khai Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa nhằm giúp nông dân có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm qua các chuyên gia cũng như các hộ cùng chăn nuôi. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục triển khai thêm các mô hình thử nghiệm Chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh để góp phần hỗ trợ bà con trong đồng bộ cơ giới hóa, sử dụng khẩu phần thức ăn TMR,... nhằm nâng cao được năng suất, chất lượng, nâng cao giá bán giúp chăn nuôi bò sữa thật sự hiệu quả góp phần cải thiện kinh tế của bà con nông dân.

T.Nguyên

Cẩn trọng khi tái đàn lợn trong thời điểm dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Đến ngày 5/8, Ninh Bình đã có 14 xã, phường công bố hết dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt, gần đây giá lợn hơi có xu hướng tăng, do vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con cần cẩn trọng, không ồ ạt tái đàn sau dịch.

Giá đã tăng trở lại

Dịch tả lợn châu Phi trong vòng hơn 5 tháng qua đã ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi tỉnh ta. Tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.000 thôn, xóm của 139 xã, phường, thị trấn của tất cả 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với số lượng lợn phải tiêu hủy là trên 84,8 nghìn con, tương đương với trọng lượng khoảng 4,85 nghìn tấn. Điều này đã khiến cho sản lượng thịt hơi 6 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ bằng 86,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, việc người dân e ngại dịch bệnh, hạn chế sử dụng thịt lợn đã khiến giá lợn giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn 25-30 nghìn đồng/1kg, tương đương với mỗi kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi bị thiệt hại từ 10 - 15 nghìn đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giá lợn hơi trung bình tại các địa phương đã nâng lên mặt bằng chung khoảng 40 nghìn đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi. Nguyên nhân được cho là do số lượng lợn trong dân không còn nhiều, gây thiếu hụt nguồn cung, trong khi đó với sự vào cuộc của truyền thông, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn trở lại. Theo dự báo của các chuyên gia, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, có thể cán mốc bình quân 45 nghìn đồng/kg trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Thơm-một tiểu thương buôn bán tại chợ Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết: Trước đây, trong nhà chị lúc nào cũng mua và nuôi trữ khoảng 6-10 con lợn để giết mổ dần. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, việc tìm mua lợn gặp nhiều khó khăn do lượng lợn trong dân không còn nhiều, các hộ trước đây nuôi 20-30 con, nay đều đã ngừng vào đàn, bỏ trống chuồng. Chị Thơm cho biết thêm, hiện nay giá lợn hơi chị mua vào khoảng 39-40 nghìn đồng/1kg, cao hơn từ 9-10 nghìn đồng/1kg so với tháng trước.

Có nên tái đàn?

Xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư nơi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Ninh Bình vào đầu tháng 3/2019, đến nay, toàn xã đã có 8 thôn với 52 hộ có lợn phải tiêu hủy. Từng được coi là nghề mang lại thu nhập khá ổn định nhưng giờ đây nuôi lợn lại khiến không ít người chăn nuôi ở đây mắc nợ.

Tuy vậy, nếu không tiếp tục nuôi lợn thì người dân cũng chẳng biết phải làm gì cho nên khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng, đặc biệt là khi giá lợn hơi bắt đầu tăng lên thì một vài hộ lại rậm rịch chuẩn bị cho việc tái đàn với mong muốn khôi phục lại kinh tế.

Gia đình bà Đinh Thị Cúc ở thôn Đông Hoa, xã Ninh Khang là một trong những hộ dân bị thiệt hại khá nặng trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi vừa qua với 18 con lợn nái, 10 con lợn thịt và 2 ổ lợn con phải tiêu hủy. Tranh thủ ngày nắng, bà Cúc bỏ mấy bì cám ra phơi lại, bà cho biết: Sau khi đàn lợn bị dịch phải tiêu hủy hết, tôi chuyển sang nuôi mấy chục con ngan thịt nhưng đầu ra và lợi nhuận không tốt lắm. Bữa nay dịch tạm lắng, giá lợn hơi tăng lên nên tôi đang tính tái đàn chứ chả nhẽ bỏ chuồng không.

May mắn hơn bà Cúc, đàn lợn của hộ ông Đinh Lệnh Bảo cùng thôn cho đến nay vẫn an toàn. Vừa hôm qua ông bán được 1 đàn 10 con với giá 39 nghìn đồng/kg, thu lời kha khá. Ông Bảo chia sẻ: Tôi nuôi lợn mấy chục năm nay, lúc nào trong chuồng cũng có 2-3 con nái và một đàn khoảng 15 con lợn thịt. Dịch tả lợn châu Phi vừa qua, tôi thường xuyên dùng vôi bột, hóa chất phun khử trùng, ngoài ra thức ăn cho lợn đều được gia đình nấu chín trước khi cho ăn nên đàn lợn của gia đình vẫn an toàn mặc dù xung quanh bị dịch hết. Với tình hình giá lợn đang tăng như hiện nay, tôi dự kiến sẽ tăng đàn lên khoảng 20-30 con.

Mong muốn tái đàn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi thời điểm này, tuy nhiên trong bối cảnh khi mà trên địa bàn tỉnh vẫn đang có tới 125 xã có dịch tả lợn châu Phi và mới chỉ có 14 xã công bố hết dịch thì đã nên tái đàn hay chưa? Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Khi đảm bảo công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn có thể tái đàn, khôi phục chăn nuôi trở lại.

Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải lưu ý, cẩn trọng ở một vài điểm. Một là, cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo việc áp dụng theo quy trình an toàn sinh học. Hai là, không tái đàn ồ ạt, nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước (khoảng 10% năng lực chăn nuôi), sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, các địa phương phải tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, tổ chức lại chăn nuôi, hạn chế việc chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học; mở rộng các đối tượng nuôi thay thế như gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu, thỏ), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) kể cả lấy thịt và sữa để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt từ lợn.

Hà Phương

Đàn đại gia súc miền núi phía Bắc tăng nhanh

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Từ ngày 7 - 8/8, tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Hướng tới chăn nuôi an toàn, hiệu quả

Những năm trở lại đây, tổng đàn đại gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018 tổng đàn bò thịt của toàn vùng đạt hơn 1,02 triệu con tăng 3,29% so với năm 2017; đàn bò sữa đạt 28.685 con tăng trên 9% so với cùng kỳ. Toàn vùng có hơn 50.000 con ngựa, chiếm 94% tổng đàn của cả nước; hơn 945 ngàn con dê, cừu, chiếm 36,98% tổng đàn của cả nước; có gần 2,4 triệu con trâu, chiếm 29,04% tổng số trâu bò trên cả nước…

Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Tại diễn đàn, nhiều vấn đề như: Một số tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; quy trình thực hành chăn nuôi tốt, cho chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam; thực trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc và giới thiệu mô hình sản xuất bền vững tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn… đã được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận.

Ông Tiến Hồng Phúc, Phó Trưởng phòng Gia súc lớn, Cục Chăn nuôi cho biết, khu vực miền núi phía Bắc có nhiều đồng cỏ, cao nguyên độ cao từ 600 - 700 m nên ngành chăn nuôi trâu, bò ngựa, dê... phát triển mạnh. Vì vậy, tổng đàn đại gia súc tăng theo từng năm.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, các địa phương cần thực hiện tốt việc bình tuyển giống chất lượng cao, gắn chăn nuôi với xây dựng vùng đồng cỏ đảm bảo ổn định nguồn thức ăn; triển khai chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ; thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh của ngành thú ý; động viên kịp thời những điển hình trong chăn nuôi…

Mô hình chăn nuôi tiêu biểu

Trong chương trình của diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Qua tìm hiểu, các đại biểu đều đánh giá cao về cách làm sáng tạo của nông dân.

Mô hình chăn nuôi liên kết được hình thành từ năm 2017 gắn liền với việc thành lập HTX Tiến Quang, xã Vinh Quang. Khi mới thành lập HTX chỉ có 7 thành viên với 30 con trâu bò. Qua 2 năm triển khai, đến nay HTX đã thu hút được 35 thành viên với hơn 350 con trâu bò. Đây là mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo lớn nhất tỉnh Tuyên Quang.

Gia đình anh Lê Văn Tứ, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang chăn nuôi từ nhiều năm nay, nhưng phải đến năm 2017 qua học hỏi, tìm hiểu các mô hình trong và ngoài tỉnh anh quyết định đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Lúc đầu gia đình anh chỉ chăn nuôi 2 con, sau đó khi liên kết được với HTX Tiến Thành ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) nhận thấy mô hình này có nhiều tiềm năng, anh bàn với 1 số hộ trong thôn thành lập HTX Tiến Quang.

Năm 2017, từ nguồn vốn tích lũy cộng vay thêm ngân hàng, anh Tứ đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống vệ sinh, máng chăn nuôi, quạt làm mát, cân đo theo dõi trọng lượng… và 12 con bò giống. Do thực hiện tốt các khâu chăm sóc đảm bảo quy trình an toàn sinh học, đàn bò của gia đình anh phát triển khá tốt.

Sau 3 tháng vỗ béo, trung bình mỗi con bò anh thu lãi khoảng 5 triệu đồng, cá biệt có con lãi hơn 10 triệu đồng. Đến nay, khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh có hơn 50 con trâu, bò. Bên cạnh đó, nguồn phân bò được anh tái sử dụng để nuôi giun quế phục vụ nhu cầu thị trường cũng giúp kiếm được khoản lời kha khá.

Hoạt động theo chuỗi liên kết nên từ nguồn con giống đảm bảo mạnh khỏe, nguồn thức ăn an toàn, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh tiêu độc khử trùng đến khâu tiêu thụ sản phẩm các thành viên của HTX đều được hỗ trợ. Đây là điểm tựa vững chắc giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế.

Giải pháp bền vững

Hàng năm, bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 - 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi, để chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm 40 - 45% các mô hình trình diễn khuyến nông.

Từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gia đình anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa thu lãi 12 đến 14 triệu đồng/tháng.

Nhằm giúp người chăn nuôi có kiến thức, kinh nghiệm, hằng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo Trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương đẩy mạnh hoạt động đào tạo tập huấn với các hình thức đa dạng phong phú.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mở 26 lớp tập huấn ToT cho cán bộ khuyến nông các cấp; 36 lớp tập huấn cho 1080 nông dân. Các buổi tập huấn, tập trung vào các nội dung như: Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật vỗ béo gia súc; kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản; kỹ thuật phòng chống rét cho trâu bò; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò theo hướng quy mô trang trại, an toàn dịch bệnh; kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu bò...

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cơ cấu sản xuất chăn nuôi tại khu vực chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ lớn, hộ chuyên nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết trong sản xuất.

Tuy có nhiều khởi sắc, nhưng ngành chăn nuôi các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn chưa bền vững; giá trị gia tăng thấp; công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập; việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm. Đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Lực lượng cán bộ làm công tác chăn nuôi còn thiếu và yếu. Trong chăn nuôi còn tiềm ẩn những yếu tố về phát sinh dịch bệnh và môi trường...

ĐÀO THANH

Thu nhập bền vững từ nuôi bò

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Từ một hộ nghèo nhưng với sự nỗ lực không ngừng, đến nay không những gia đình anh Trần Xuân Quý ở ấp Suối Ngang, xã Nha Bích (Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) thoát nghèo mà còn gây dựng được đàn bò hơn chục con.

Nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng cách đây gần 4 năm gia đình anh Quý là hộ nghèo của ấp, luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chơn Thành dành cho hộ nghèo với 42 triệu đồng, anh Quý đã mua thêm bò để nuôi. Từ 2 con bò ban đầu, gia đình anh đã tăng đàn lên 5 con. Cứ thế đàn bò đã giúp gia đình anh dần thoát nghèo. Hiện nay, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có hơn 10 con bò phát triển khỏe mạnh.

Đàn bò đã giúp gia đình anh Trần Xuân Quý thoát nghèo

Vừa ôm bó cỏ cho đàn bò ăn, anh Quý vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Từ khi nuôi đến nay, đàn bò phát triển tốt, không bị bệnh gì nghiêm trọng. Tôi cũng tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chăn nuôi do xã phối hợp tổ chức để có thêm kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Gia đình còn trồng cỏ để lấy thức ăn cho đàn bò”.

Ông Võ Quốc Hân, Chủ tịch UBND xã Nha Bích cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, nhiều hộ nghèo của xã được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế như chăm sóc cao su, nuôi bò... Hiện nay, các mô hình nuôi bò trên địa bàn xã phát triển mạnh, điển hình như gia đình anh Trần Xuân Quý.

Tiến Công

Lào Cai: Triển khai 9 mô hình nuôi giun quế để phát triển chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Từ nguồn vốn của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp năm 2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đã triển khai 9 mô hình nuôi giun quế tại các địa phương trong tỉnh để phát triển chăn nuôi.

Đây là giống giun quế xuất xứ từ Nhật Bản, có khả năng chịu lạnh tốt nên có thể áp dụng nuôi tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ 77 triệu đồng bao gồm kinh phí làm nhà nuôi giun, giun giống, đồng thời được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và nhân giống giun.

Mô hình nuôi giun quế tại Bắc Hà.

Thức ăn của giun quế chủ yếu là chất thải của gia súc, người dân có thể tận dụng và thu gom ngay tại gia đình, không tốn nhiều công sức và chi phí. Theo tính toán, cứ nuôi 10 kg giun quế sinh khối/m2, thì sau khoảng 1 tháng sẽ được thu hoạch, hoặc nhân rộng ra diện tích gấp đôi.

Chất thải của giun quế chứa hỗn hợp vi sinh hoạt tính cao, chất mùn lớn, vì vậy phân giun kích thích tăng trưởng cây trồng và tăng khả năng cải tạo đất. Do phân giun không có mùi hôi như các loại phân gia súc, gia cầm, lại có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, nên thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển.

Giun quế có hàm lượng protein cao, có nhiều axit amin, khi làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản sẽ giúp vật nuôi nhanh lớn, sức đề kháng cao, ít bị bệnh.

Mô hình được triển khai sẽ mang lại lợi ích kép, vừa phát triển chăn nuôi lại góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

KIM THOA

Giá heo tăng mạnh

Nguồn tin: VNExpress

Dự báo giá heo trong tháng 9 còn đi lên, nhiều thương lái đẩy mạnh thu mua khiến giá tăng mạnh, có ngày tăng 4.000 đồng một kg.

Cả tuần nay giá heo hơi miền Bắc và miền Nam liên tục biến động, tăng 5.000 - 10.000 đồng so với tuần trước. Đặc biệt, 2 ngày gần đây tại khu vực miền Bắc giá heo có ngày tăng 4.000 đồng một kg.

Tại Thái Nguyên, Hải Dương giá heo hơi quanh mức 43.000 - 44.000 đồng một kg; Ninh Bình, Hưng Yên tăng 2.000 đồng lên 42.000 - 44.000 đồng một kg; Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Hà Nam ở mức 41.000 đồng.

Ông Thanh, thương lái chuyên thu mua heo miền Bắc cho biết, sở dĩ giá heo liên tục đi lên vì thương lái đẩy mạnh mua hàng, trong khi lượng heo trong dân đang giảm. Bên cạnh đó, thông tin giá heo Trung Quốc ngày càng cao, dự báo nước này cần thêm nguồn hàng nên nhiều thương lái đẩy mạnh gom hàng chờ cơ hội xuất đi.

Cán bộ thú y kiểm tra xe chở heo từ miền Bắc vào Nam đi qua tỉnh. Ảnh: Thái Hà.

Tiếp nối miền Bắc, giá heo ở miền Nam từ mức 30.000 - 31.000 đồng một kg tuần trước cũng tăng vọt lên 35.000 - 36.000 đồng.

Ông Giàu, chủ cơ sở chăn nuôi heo ở Long An cho biết, 3 ngày gần đây thương lái liên tục thông báo giá heo tăng. Tuy nhiên, gia đình ông và các hộ chăn nuôi heo sạch vẫn chưa quyết định bán vì dự báo giá heo còn đi lên trong tháng 9.

Là vùng chịu thiệt hại nặng bởi dịch tả heo châu Phi, nhưng tại Đồng Nai tình hình thu mua cũng đã sôi động trở lại. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện lượng heo tại Đồng Nai không còn nhiều, trong khi đó nhu cầu thị trường tăng nên các thương lái đẩy mạnh thu mua. Giá heo hơi tại vùng này cũng đã tăng thêm 5.000 đồng một kg và dự kiến còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại trên 15% tổng đàn heo của cả nước. Trong khi đó, từ giữa tháng 8 trở đi nhu cầu thực phẩm tăng nên các cơ sở và thương lái đua nhau thu mua, đẩy giá heo đi lên. Ông Dương dự báo bước vào đầu tháng 9 giá heo hơi sẽ tăng lên trên 45.000 đồng một kg và còn tăng mạnh vào dịp cuối năm. Riêng với thông tin thương lái thu mua hàng bán sang Trung Quốc, ông Dương cho rằng không đúng vì Trung Quốc siết chặt thu mua heo Việt Nam từ 2017 cho đến nay.

Để tránh tình trạng khan hàng, đẩy giá lên quá cao, ông Dương cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng tái đàn với các doanh nghiệp và với các hộ nuôi ở những vùng chưa bị dịch tả. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến gia cầm tăng nguồn hàng để thay thế nguồn thịt heo nếu thiếu hụt.

Hồng Châu

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop