Tin nông nghiêp ngày 13 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 13 tháng 01 năm 2020

Nhà vườn Hậu Giang chuẩn bị hàng chục tấn mãng cầu xiêm phục vụ Tết

Nguồn tin: VOV

Theo thống kê, năm nay nhà vườn trồng mãng cầu xiêm ở tỉnh Hậu Giang sẽ cung cấp cho thị trường Tết hàng chục tấn trái.

Hiện mãng cầu xiêm ở tỉnh Hậu Giang đang vào vụ thu hoạch. Bên cạnh việc thu hoạch trái bán cho thương lái vào ngày thường, nhiều nhà vườn nơi đây còn chuẩn bị nguồn mãng cầu xiêm bán cho người dân chưng Tết.

Theo thống kê, năm nay nhà vườn trồng mãng cầu xiêm ở tỉnh Hậu Giang sẽ cung cấp cho thị trường Tết hàng chục tấn trái.

Nhà vườn Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với những trái mãng cầu xiêm cung cấp cho thị trường Tết.

Ông Võ Văn Phải - Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết: "Chỉ riêng Hợp tác xã của ông đã chuẩn bị hơn 30 tấn mãng cầu xiêm phục vụ nhu cầu chưng Tết, với giá bán dự kiến dao động ở mức từ 22.000-25.000 đồng/kg tùy chất lượng, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tết năm ngoái. Trong số này có khoảng 2.000 trái mãng cầu được nhà vườn bao trái để vỏ trái có màu vàng đặc trưng, đẹp mắt".

Theo thống kê, hiện tỉnh Hậu Giang có gần 800ha trồng mãng cầu xiêm, trong đó có hơn 500ha đang cho trái./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Châu Thành (Hậu Giang): Giá mít Thái tăng, chanh không hạt giảm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo nhiều chủ vựa thu mua mít ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), sau thời gian dài giá mít Thái ở mức 27.000-28.000 đồng/kg, trái từ 10kg trở lên thì trong mấy ngày qua mít Thái được thương lái thu mua tại vựa với giá từ 29.000-30.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg, đối với mít loại I. Theo nhận định của nhiều chủ vựa thu mua mít trên địa bàn huyện, giá mít Thái có thể còn tăng thêm trong những ngày tới do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh.

Mít được bao trái trước khi đưa đi tiêu thụ.

Trong khi đó thì giá chanh không hạt liên tục bị sụt giảm trong mấy ngày qua. Anh Lý, chủ vựa thu mua chanh không hạt tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết nếu như tuần trước giá chanh trái mua vào tại vựa là 18.500-19.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 17.500 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg. Giá chanh trái có thể còn tiếp tục giảm cho đến những ngày sau Tết Nguyên đán sắp tới.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Tuyên Quang: Xử lý bệnh thán thư trên cây cam

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Cam sành là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hàm Yên và một số xã huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang). Tuy nhiên, vào thời điểm này, trên cam xuất hiện bệnh thán thư gây khô cành, khô lá… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cam của người dân.

Ông Kiều Anh Thơ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, hiện nay, trên cây cam nói riêng và cây có múi nói chung xuất hiện bệnh thán thư làm ảnh hưởng đến năng suất, giá trị sản phẩm. Trên lá, bệnh tấn công bất cứ vị trí nào nhưng thường gây hại ở chóp lá và rìa lá. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy thành từng mảng lớn, lá rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Trên quả, bệnh xuất hiện những đốm nhỏ tròn, màu vàng nhạt, có thể gây thối quả. Nấm bệnh có thể gây hại trên cành non làm cành bị héo khô. Để xử lý bệnh thán thư, trung tâm đã cử cán bộ thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn bà con cắt tỉa, đốt các cành, lá bị bệnh tránh để bệnh lây nhiễm cả vườn cam…

Xã Tân Thành có hơn 950 ha cam, trong đó cam cho thu hoạch 800 ha. Hiện nay, bệnh thán thư đã bắt đầu xuất hiện ở một số vườn cam có nhiều cỏ dại mọc. UBND xã đã hướng dẫn người dân trong thời gian chờ thu hoạch cam cần phát quang cỏ, cắt, tỉa cành tạo độ thông thoáng; cắt bỏ những cành, lá xuất hiện bệnh để bệnh không lây lan. Những vườn cam có dấu hiệu bệnh thán thư nhiều trên cành và lá, chưa lan sang quả thì xã khuyến khích người dân thu hoạch quả sớm, bán cam xanh thay vì đợi chín già mới thu hoạch. Ngay sau khi thu hoạch có thể lựa chọn các sản phẩm thuốc hữu cơ vi sinh để trừ bệnh. Ngoài ra, những vườn cam già, thiếu chăm sóc thường có bệnh vàng lá thối rễ, UBND huyện tuyên truyền hướng dẫn người dân chú trọng chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân vi sinh, nếu bón phân vô cơ cần cân đối với độ phì của đất. Sau khi cây hồi phục sử dụng phân bón qua lá để cung cấp trực tiếp dinh dưỡng cho cây, hạn chế tổn thương bộ rễ, loại bỏ các cây bị bệnh nặng…

Nhờ thường xuyên thăm vườn mà gia đình anh Nguyễn Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu phát hiện vườn cam xuất hiện bệnh thán thư hại lá từ đầu tháng 12 - 2019. Vì vậy, gia đình anh Doanh đã thu hoạch 1 ha cam sớm hơn dự kiến 1 tháng và bán cam xanh đáp ứng thị trường miền Nam. Sau khi thu hoạch, anh đã tập trung phun thuốc hữu cơ vi sinh cho vườn cam. Hiện những cây bị bệnh đã có biểu hiện phục hồi.

Đối với các vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chuyển đổi theo hướng hữu cơ ít bị nhiễm bệnh thán thư hơn. Nguyên nhân là do, người dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời phát quang cỏ dại cho cam… Ngoài ra, việc chăm sóc cây cam bằng phân hữu cơ ủ oai mục góp phần giúp cây cam khỏe mạnh, phát triển tốt hơn nên ít bị nhiễm bệnh hơn. Theo đánh giá của các hộ trồng cam, quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP cũng hạn chế rất nhiều sâu bệnh hại nên không mất nhiều tiền đầu tư thuốc bảo vệ thực vật. So với trồng cam thông thường thì giảm được 50% chi phí phòng trừ sâu bệnh.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện tăng cường cử cán bộ đi cơ sở nắm tình hình sản xuất, thu hoạch cam của người dân. Từ đó, kịp thời nắm bắt tình hình sâu bệnh hại để có giải pháp, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng cam niên vụ 2019 - 2020.

Bài, ảnh: Mai Hương

Cần Thơ: Mở rộng, phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái không ngừng mở rộng và đóng góp hiệu quả vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố Cần Thơ. Trồng cây ăn trái có định hướng giúp nông dân nâng cao giá trị và thu nhập trên cùng một diện tích và có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Trồng thanh long ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Mở rộng diện tích trồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2019 nông dân trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích hơn 2.292ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn trái là 1.274ha, tập trung nhiều tại huyện Phong Điền, huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt và Cái Răng, với các loại cây như xoài, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi... Đến nay, Cần Thơ đã có tổng diện tích trồng cây ăn trái các loại đạt 20.125ha, vượt 5,09% so kế hoạch, với sản lượng đạt 132.240 tấn, vượt 32,24% so kế hoạch năm 2019. Ông Võ Tấn Anh ngụ khu vực Thới Thuận, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: "Gia đình hiện chỉ có 2 công đất trồng nhãn Ido nhưng thu nhập có thể đạt hơn 120 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần so với trước đây làm lúa. Trước đây khi còn làm ruộng, thu nhập từ 2 công đất này không đủ sống dù làm tới 3 vụ lúa, chỉ thu lời khoảng 2-4 triệu đồng/vụ. Hiện vườn nhãn Ido của tôi trồng được 6 năm tuổi, năng suất trái có thể đạt 2-3 tấn/công, giá bán bình quân từ 20.000-32.000 đồng/kg".

Thành phố cũng đã hình thành nhiều vùng sản suất cây ăn trái tập trung chuyên canh, với sản lượng nhiều loại trái cây ngon, đặc sản cung ứng ra thị trường hằng năm khá lớn. Điển hình như vùng xoài 2.386ha tại Thới Hưng-Cờ Đỏ, Tân Phú, Phú Thứ-Cái Răng; vú sữa 685ha tại Giai Xuân, Trường Long-Phong Điền, Thới An Đông-Bình Thủy; nhãn 689ha tại Thường Thạnh, Phú Thứ-Cái Răng, Tân Lộc-Thốt Nốt; dâu Hạ Châu 44ha tại Nhơn Ái- Phong Điền... Mỗi năm, Cần Thơ có thể cung ứng ra thị trường hơn 14.919 tấn xoài cát Hòa Lộc, cát Chu và xoài Đài Loan; hơn 12.000 tấn vú sữa các loại: vú sữa lò rèn, tím, bơ; hơn 14.860 tấn nhãn gồm nhãn Ido, tiêu da bò, thanh nhãn; 12.000 tấn dâu Hạ Châu; hơn 24.000 tấn trái cây có múi các loại như bưởi, cam, chanh...

Sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc

Trái cây muốn xuất khẩu đi các nước và đưa vào bán với giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Do vậy, ngành nông nghiệp đã và đang rất quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng trồng tập trung, được cấp mã số vùng trồng và sản xuất trái cây đạt theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: "Bên cạnh việc tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng cây ăn trái đạt theo các chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP và Global GAP, Chi cục cũng tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã Code cho vùng trồng cây ăn trái, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tích cực phối hợp quảng bá sản phẩm và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ".

Với sự quan tâm hỗ trợ của ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng, nông dân đã từng bước đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao và quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, có 227ha cây ăn trái được lắp đặt hệ thống tưới phun, 173ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành phố cũng đã hỗ trợ nông dân tại nhiều câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn trái thực hiện các thủ tục và được cấp 8 mã code cho 3 loại cây là xoài, nhãn và vú sữa.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, cho biết: "Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của ngành nông nghiệp thành phố, vú sữa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đã được một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính là Mỹ. Nhờ vậy, giá bán vú sữa tại HTX tốt hơn so với trước và HTX cũng ngày càng được nhiều doanh nghiệp biết đến. HTX hiện có 45 xã viên, với 45,5ha vú sữa trồng đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 17 xã viên đang nâng cao các tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất cho 24,5ha để đạt theo tiêu chuẩn Global GAP".

Theo ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Hưng, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đến ngỏ lời đặt hàng thu mua xoài với số lượng lớn nhưng HTX phải cân nhắc chưa dám nhận lời vì không có đủ hàng để bán. HTX có 19 xã viên, với diện tích canh tác hơn 42ha, trong đó có hơn 30ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo VietGAP và mã code. Bên cạnh đó, hiện sản phẩm xoài của HTX cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là những điều kiện rất tuận lợi để HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở các phân khúc thị trường cấp cao. HTX đang phấn đấu đưa tất cả diện tích trồng xoài phải đạt VietGAP, đồng thời tích cực phát triển thêm xã viên mới và nỗ lực tham gia xuất khẩu và tiêu thụ hàng trực tiếp. Hướng tới liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với phần lớn nông dân trồng xoài tại địa phương.

Có thể nói, chính nhờ sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn và có mã code truy xuất nguồn gốc nên đầu ra trái cây của nhiều tổ hợp tác và HTX đã có nhiều thuận lợi so với trước. Trái cây không chỉ được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa. Song, nhìn chung việc sản xuất và tiêu thụ trái cây tại thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng phải chung tay vào cuộc để tháo gỡ kịp thời, nhất là việc liên kết tiêu thụ trái cây tuy đã có hướng chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp liên kết chưa thật sự đầu tư vào chuỗi giá trị, thu mua sản phẩm còn mang tính tạm thời, mùa vụ và chưa có sự phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ trái tươi với doanh nghiệp thu mua chế biến. Cây ăn trái chưa áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ dẫn đến bài toán thiếu nhân công lao động và làm chi phí sản xuất tăng cao.

Hiện Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền được cấp 2 mã code để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với tổng diện tích 14ha. HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền được cấp 2 mã code xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ, với tổng diện tích 29,95ha. HTX nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ được cấp 2 mã code để xuất khẩu xoài đi thị trường Mỹ và Úc, với diện tích 30,5ha. HTX trái cây Tân Lộc, quận Thốt Nốt được cấp 1 mã code để xuất khẩu nhãn đi Mỹ, với diện tích 15,8 ha...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Mất mùa chuối Tết

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Mùa chuối Tết đang đến gần, vậy nhưng năm nay người trồng chuối lại kém vui. Lý do là chuối Tết mất mùa, sản lượng thấp; trong khi đến thời điểm này, người thu mua chuối vẫn chưa thấy đâu.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Thông - hộ trồng chuối lớn tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tất bật lên rẫy để coi rẫy chuối ở khu vực Suối Lau, chuẩn bị cho vụ thu hoạch Tết. Thế nhưng, ông không được vui khi rẫy chuối xác xơ, chẳng được mấy quầy có thể bán dịp Tết. “Năm nào cũng vậy, nông dân trồng chuối lại trông chờ vào vụ chuối Tết, bởi giá bán thường cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường. Thế nhưng, vụ chuối Tết năm nay mất mùa thấy rõ, 10 quầy chuối thì chỉ được 2 - 3 quầy bán đúng dịp Tết, còn lại già sớm hoặc non, không đúng dịp. Như gia đình tôi có 3 rẫy chuối, diện tích hơn 2ha, những năm trước thu được ít nhất cũng cả tấn chuối nhưng năm nay chỉ được 3 - 4 tạ”, ông Thông nói.

Năm nay, nông dân xã Suối Cát kém vui vì chuối Tết mất mùa.

Nhiều hộ khác ở xã Suối Cát cũng rơi vào cảnh mất mùa chuối Tết. Theo thông tin của UBND xã Suối Cát, địa phương có vựa chuối lớn nhất huyện Cam Lâm, toàn xã có hơn 450ha chuối. Năm nay, sản lượng chuối Tết chỉ đạt khoảng 30% so với những năm trước. “Nguyên nhân là do nhiều diện tích đã được người dân chuyển sang trồng các loại cây khác, bệnh sâu lửa khiến cho nhiều diện tích chuối bị thiệt hại nặng. Chắc chắn thu nhập của người trồng chuối trên địa bàn xã sẽ giảm nhiều”, ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát nói.

Người trồng chuối ở huyện Khánh Sơn cũng không vui khi vụ chuối Tết năm nay không như ý muốn. Theo người trồng chuối địa phương, nắng hạn kéo dài nhiều tháng liền, nhiều rẫy chuối không kịp phục hồi, không ra buồng. Trung bình những năm thuận lợi, 1ha chuối có thể cho thu hoạch 5 - 7 tạ chuối bán dịp Tết, nhưng năm nay chỉ thu được chừng 2 tạ/ha.

Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn (Khánh Sơn) cho biết, địa phương có khoảng 500ha chuối, chiếm khoảng 50% diện tích chuối của toàn huyện. Nếu những năm trước, sản lượng chuối Tết của người dân trong xã đạt hơn 200 tấn thì năm nay chỉ được khoảng 1/3. Cây chuối gắn bó với hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nên nguồn thu từ chuối Tết giúp nhiều hộ có thêm tiền để sắm Tết, sinh hoạt trong gia đình. Năm nay, người dân thất thu vì chuối mất sản lượng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trong huyện.

Đi dọc Tỉnh lộ 9 những ngày giữa tháng Chạp, chúng tôi vẫn chưa bắt gặp các thương lái đến đặt hàng thu mua chuối Tết. Điều này càng khiến nhiều người trồng chuối thêm phần lo lắng khi chưa biết vụ chuối năm nay sẽ ra sao, giá cả thế nào. Hỏi thăm bà Nguyễn Thị Lành ở xã Cam Phước Tây (Cam Lâm), người chuyên thu mua chuối ở Khánh Sơn, bà cho biết, chuối Tết rất được người dân các tỉnh miền Trung ưa chuộng nên có nhu cầu lớn vào dịp Tết. Nếu như những năm trước, thời điểm này thương lái từ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… đã tìm đến khảo sát, ra giá, đặt hàng, thì năm nay vẫn chưa thấy ai tìm đến các vựa chuối trong tỉnh. Năm trước, giá chuối đẹp có thời điểm lên đến 18.000 đồng/kg, chuối kém hơn có giá khoảng 15.000 đồng/kg. Năm nay, sản lượng thấp nên hy vọng giá chuối sẽ cao hơn.

HẢI LĂNG

Rau xanh hối hả vào vụ Tết

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời điểm này tại các vùng rau trên địa bàn thành phố, nông dân đang hối hả vào vụ Tết. Vụ đông năm nay, Hà Nội gieo trồng gần 18.000ha rau màu các loại, thời tiết tương đối thuận lợi nên lượng rau xanh có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Nông dân xã Văn Phú (huyện Thường Tín) chăm sóc rau vụ Tết.

Những ngày này, ông Đoàn Văn Mạnh ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) đang tập trung chăm sóc lứa bắp cải và hơn 1 sào rau thơm, rau xà lách. Đây là những loại rau ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 30-45 ngày), dịp Tết Nguyên đán sẽ cho thu hoạch. “Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ rau lớn nhất trong năm, giá cả cao hơn từ 30 đến 40%, vì thế thu nhập của người nông dân cũng nhiều hơn...”, ông Đoàn Văn Mạnh cho biết.

Bên luống rau súp lơ chuẩn bị thu hoạch, bà Phạm Thị Trang ở xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) hồ hởi: Vụ rau đông năm nay, gia đình mở rộng diện tích lên 5 sào để trồng thêm nhiều loại rau ăn lá, su hào, nếu thời tiết thuận lợi sẽ cho thu hoạch vào những ngày gần Tết Nguyên đán. “Do chất đất phù hợp cùng với việc chăm sóc tốt, rau phát triển đều, chất lượng ổn định. Hiện giá bắp cải, su hào, khoai tây, súp lơ, cà chua..., ở nhiều nơi tăng từ 5 đến 10% so với tháng trước. Vì vậy, nếu thuận lợi về giá thì dịp Tết năm nay, gia đình tôi có thể thu được 20-30 triệu đồng tiền rau...”, bà Phạm Thị Trang nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, để cung cấp ra thị trường những mặt hàng rau bảo đảm chất lượng, hợp tác xã đã hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống sâu hại, dịch bệnh… Đặc biệt, khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình sản xuất rau màu an toàn hoặc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hợp tác xã sẽ cung cấp ra thị trường từ 1.500 đến 1.800 tấn rau các loại.

Nói về vụ rau lớn nhất trong năm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng thông tin: Từ đầu tháng 10 Âm lịch, nông dân trên địa bàn huyện đã bắt đầu xuống giống những loại rau dài ngày và cuối tháng 11 Âm lịch thì xuống giống những loại rau ngắn ngày. Để phục vụ người dân dịp trong và sau Tết Nguyên đán, huyện Thường Tín gieo trồng 1.353ha su hào, bắp cải, súp lơ, các loại rau thơm..., dự kiến có thể cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau xanh các loại.

Về nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, trong tháng Tết người dân tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường. Hà Nội đã chủ động được 65% sản phẩm rau, còn lại đưa từ các tỉnh lân cận về tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, vụ đông năm nay, Hà Nội gieo trồng khoảng 18.000ha rau các loại. Thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, đặc biệt là cây rau, đến nay toàn thành phố đã trồng được gần 12.000ha, trong đó hơn 5.000ha rau đang cho thu hoạch, còn lại những diện tích khác vẫn đang trong quá trình xuống giống, chăm sóc và chuẩn bị thu hoạch. Do đó, lượng rau xanh đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để chủ động nguồn cung rau xanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, ngay từ khi triển khai vụ đông, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tập trung gieo trồng theo đúng khung thời vụ, đặc biệt là mặt hàng rau xanh trồng đan xen cây ngắn ngày và dài ngày để thu hoạch đều trong các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cùng với đó, Sở mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho người dân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp nguồn rau xanh bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường.

NGỌC QUỲNH

Hồ tiêu trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung. Kỳ I: Hồ tiêu và nỗi lo phá sản

Nguồn tin: Công Thương

Thiếu chiến lược phát triển bài bản, cơ chế chính sách chưa theo sát thị trường, hồ tiêu Việt Nam có thể không chỉ rớt hạng trên bản đồ hồ tiêu thế giới, mà còn bị loại khỏi nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.

Tại Huyện Chư Pưh, Chư Sê tỉnh Gia Lai (Tây Nguyên) - thủ phủ trồng hồ tiêu của cả nước, những tấm biển bán đất vườn, bán nhà được treo lên ngày một nhiều hơn.

Người trồng khốn đốn

Người dân Gia Lai bây giờ không còn mặn mà với cây tiêu. Sau trận mưa dài 4 tháng năm 2018, cây tiêu nhiễm sâu bệnh, vườn tiêu hơn 6.000 trụ của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên ở huyện Chư Pưh chết khô tới 5.000 trụ, phần còn lại lá cũng đang ngả sang màu vàng. Sinh kế của cả gia đình 4 người phụ thuộc vào vườn tiêu đã không còn. Gia đình anh Tuyên có bốn người, anh và cậu con trai lớn đang học năm 2 đại học phải bỏ học, đi làm thuê ở Đà Nẵng. Vợ anh và con gái nhỏ ở nhà trông vườn tiêu, trồng rau củ sống qua ngày.

Phá sản hồ tiêu, người nông dân thêm một cái Tết buồn

Theo anh Tuyên, gia đình anh đã vay vốn ngân hàng để đầu tư cho cây tiêu vào thời điểm tiêu được giá, đỉnh điểm mua đất trồng tiêu 800.000 triệu - 1 tỷ đồng/ha. Anh hi vọng sau vài năm làm tiêu, gia đình anh sẽ có tiền trả nợ ngân hàng. Nguồn thu từ tiêu bị chặn lại, anh Tuyên muốn bán đất trả nợ ngân hàng nhưng không ai mua. Trong khi đó, tiền trả gốc vay ngân hàng chưa có, mà gia đình anh vẫn phải trả lãi ngân hàng tới hai chục triệu đồng mỗi tháng.

Vay nợ ngân hàng 750 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Tám - thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai, không bị phá sản như nhiều gia đình trồng tiêu.Gia đình ông Tám trồng tiêu từ năm 2006. Những thời điểm giá lên cao 180.000 – 2000.000 đồng/kg, mỗi năm thu 3 - 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, giá tiêu bắt đầu xuống dốc. Ông Tám thấy mình may mắn hơn các hộ trồng tiêu khác, bởi lúc đỉnh cao của cây tiêu, gia đình ông bung tiền ra kinh doanh, mua máy móc, đất nông nghiệp.

Trước đây mua 10 nay chỉ bán được 1, thiệt hại 90%. “Tham vọng quá nên chịu thua thiệt. Nhưng tôi vẫn là nông dân may mắn vì có thu nhập tôi lấy tiến đó để đầu tư. Khổ nhất là dân vay vốn ngân hàng đầu tư về sau, chưa kịp thu được đồng nào thì tiêu chết trắng vườn. Toàn thôn có khoảng 200 hộ, trong số này có khoảng 30% vay ngân hàng tiền tỷ, số còn lại trung bình vài ba trăm triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Tám nói.

ông Nguyễn Văn Tám - thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai trao đổi với phóng viên

Hiện nay, giá bán tiêu rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, các nông hộ không đủ trả công thu hoạch nên để tiêu tự chết. Để đất trống thì tiếc nhưng chuyển sang cây trồng khác cũng không biết đầu ra thế nào. Cuộc sống của hầu hết người dân trông tiêu rơi vào cảnh khó khăn. Nhà trồng càng nhiều nợ càng nhiều, 80 - 90% hộ dân ở đây phải bỏ rẫy đi làm thuê ở các tỉnh.

Tiêu tan giấc mơ làm giàu

Những trụ bê tông trồng tiêu trước đây được bà con nông dân mua với giá khoảng 100.000 đồng thì nay cả công nhổ mới bán được với giá 25.000 đồng. Nhiều nhà mua trụ bê tông về xếp làm hàng rào bởi lẽ giá thành còn rẻ hơn là xây gạch. Những vườn tiêu héo khô, đâu đó là những vườn chanh dây xanh mướn trên dàn được tận dụng từ các cột tiêu, những tấm biển treo bán đất, bán nhà là hình ảnh chúng tôi bắt gặp trên đường về Chư Pưh,Chư Sê. Và cái Tết năm nay các hộ dân nơi đây còn khó khăn hơn Tết năm trước…

Không chỉ có những hộ trồng tiêu bị thiệt hại, các đại lý phân bón ở Gia Lai cũng “vạ lây” với cây tiêu. Ông Vũ Trọng Khánh – chủ đại lý phân bón Hồng Hiệp 2 tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa - cho biết, so với cách đây 2 năm thì hiện doanh số của cửa hàng đã giảm đi một nửa. Đại lý đầu tư cho bà con, khoảng 10% không có khả năng chi trả. Thậm chí đại ký cũng đang phải gánh lãi cho các hộ trồng tiêu. Bao nhiêu năm kinh doanh mặt hàng này, mấy năm gần đây tiêu khủng hoảng, giờ ông Khánh cũng đang tính đến việc chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 16.278 ha, diện tích hồ tiêu bị chết trên địa bàn tỉnh là 5.547 ha. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chết, như yếu tố kỹ thuật canh tác sai, do được giá nông dân bón quá nhiều phân đạm để thúc năng suất nên khi thừa đạm tiêu chết,… Thế nhưng, dù nguyên nhân nào thì cùng với bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu và việc giá tiêu giảm xuống đáy cũng làm nhiều nông hộ khốn đốn…

Ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai - thừa nhận, sản xuất hồ tiêu không bền vững trên địa bàn. Khi tiêu phát triển nóng cán bộ nông nghiệp can ngăn, cảnh báo cũng không được người dân chú ý. Quy hoạch trồng tiêu đến năm 2020 là 6.000 ha, tuy nhiên, đỉnh điểm diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh lên con số gần 16.300 ha.

Trong thời đại nông nghiệp 4.0 nhưng nông dân trồng tiêu phần lớn vẫn làm theo kinh nghiệm, thói quen. Trong khi đó, đối với cây hồ tiêu là cây khó trồng, cùng với khí hậu thời tiết, chất đất phù hợp, đòi hỏi kỹ thuật canh tác đúng. Theo Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, tất cả hàng hóa nông sản xuất khẩu tạo ra một sân chơi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và những nông dân sản xuất giỏi. Đó là những nông dân kỹ thuật, kỹ sữ, là những người có học chuyên ngành về nông nghiệp. Rõ ràng, đây là bài học cho nông dân Gia Lai nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước.

Thời kỳ huy hoàng của cây tiêu vào năm 2015, giá tiêu lên đến 260.000 đồng/kg, tại Chư Sê công lao động lên tới 500.000 đồng/ngày/người. Người dân các huyện trồng tiêu ở Gia Lai hi vọng vay vốn ngân hàng để trồng tiêu sẽ giúp họ đổi đời trong 2 đến 3 năm.

Nguyễn Hạnh

Quảng Nam: Kiệu mất mùa, mất giá, nông dân lao đao

Nguồn tin: Lao Động

Nhiều nông dân trồng kiệu ở Quảng Nam đang vào mùa thu hoạch bán tết, hàng tấn kiệu tươi được thương lái thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành. Nhưng trái ngược với thịt lợn, kiệu vừa mất mùa, vừa giảm giá khiến người nông dân ở Quảng Nam gặp nhiều khó khăn.

Những ngày đầu năm 2020, trên những cánh đồng cát trắng ở xã Bình Giang, Bình Phục, nông dân tất bật ra đồng thu hoạch kiệu bán cho thương lái, đồng thời làm đất xuống giống vụ mới. Không khí thu hoạch kiệu cũng trở nên trầm lặng hơn trước khi cả sản lượng và giá sụt giảm so với các năm.

Kiệu mất mùa, mất giá khiến người nông dân ở Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.C

Ông Trần Bích (60 tuổi, thôn 2, xã Bình Giang) cho hay, vụ kiệu lần này, ông xuống giống 6 sào từ tháng 7 âm lịch, chi phí đầu tư 3 triệu đồng/sào chưa tính công chăm sóc. Sau 5 tháng chăm sóc, đến kỳ thu hoạch nhưng củ kiệu rất nhỏ, dẫn đến năng suất thấp, do thời tiết nắng nóng kéo dài.

"Trồng kiệu phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều, hệ thống tưới tiêu không đủ làm ảnh hưởng đến việc bón phân bị trễ hơn 1 tháng nên đem lại năng suất không cao, đồng thời giá ngày càng giảm"- ông Bích nói.

Gia đình ông Bích tất bật thu hoạch kiệu để thương lái kịp thu mua. Ảnh T.C

Năm nay năng suất kiệu của gia đình ông Bích đạt 200kg/sào (giảm khoảng 100kg/sào so với các năm trước), với giá dao động 25 - 30 nghìn đồng/kg thì vụ kiệu này gia đình ông thu lời khoảng 15 triệu đồng.

Người dân xã Bình Phục vào bao để thương nhân đến thu mua. Ảnh: T.C

Cách đó không xa là đám kiệu của ông Trần Ngọc Vinh (65 tuổi, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục). Ông cùng vợ tranh thủ nhổ kiệu kịp giao cho thương lái đang thu mua quanh trong vùng.

Ông Vinh cho hay, vụ kiệu này gia đình ông trồng 2 sào giống kiệu Sài Gòn. Năm nay, năng suất không cao nên mỗi sào gia đình thu lời cũng được hơn 2 triệu đồng.

Do nắng hạn kéo dài khiến củ kiệu năm nay nhỏ hơn so với mọi năm. Ảnh: T.C

Theo nhiều thương lái thu mua kiệu ở huyện Thăng Bình, thời điểm đầu tháng Chạp họ bắt đầu thu mua kiệu, sau khi thu về sẽ phân loại kiệu lớn nhỏ khác nhau tùy theo sở thích ăn của từng miền.

Bà Nguyễn Thị Phương, một thương lái cho biết, số kiệu này được bà thuê xe tải chở vào TP.Hồ Chí Minh. "Đầu vụ giá kiệu khoảng 38.000 đồng mỗi kg nhưng đến nay chỉ còn 30.000 đồng và đang giảm tiếp", bà Phương nói.

Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, vùng trồng kiệu của xã Bình Phục khoảng 200ha, năm nay năng suất kiệu thấp, giá cả lại bấp bênh. Nhưng vì ở khu vực này toàn là đất cát nên rất ít cây nông nghiệp trồng được trên vùng đất này.

THANH CHUNG

Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Phát triển hồ tiêu nóng vội khi giá đã lên đỉnh, nhiều người dân Gia Lai đã phải bán đất, bán nhà khi giá xuống dốc không phanh. Câu chuyện thiếu thông tin thị trường chính là gánh nặng đè lên vai người sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Nhiều cọc trồng tiêu trơ trọi tại Gia Lai vì người dân bỏ rẫy tiêu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tăng nóng khi giá đã nguội

Quy hoạch trồng tiêu của Gia Lai đến năm 2020 là 6.000 ha. Tuy nhiên thời đỉnh điểm vào khoảng năm 2016 diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 ha (sản xuất nông hộ chiếm 97,4%, doanh nghiệp chỉ chiếm 2,6%).

Sau 4 năm 2014-2017 là mặt hàng trong “top” nông sản XK tỷ USD, “bão giá” triền miên đã chính thức khiến hồ tiêu Việt bật khỏi “top” tỷ USD trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vào năm 2013, 2014 khi giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg, người nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao. Ngoài Việt Nam, diện tích tiêu ở các nước khác như Brazil, Campuchia… cũng tăng lên. Gộp lại, cung hồ tiêu thế giới cao hơn cầu nên giá tiêu sẽ thấp.

Chỉ riêng Gia Lai, ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho hay: Khi tiêu được giá thì dù quy hoạch, khuyến cáo ra sao người dân cũng vẫn đổ xô làm tiêu. “Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng khi hồ tiêu được giá, người trồng tiêu còn tập trung bón nhiều phân vào gốc để tăng năng suất tiêu tới mức 8-9 kg/gốc. Bị thúc quá nhiều khiến cây tiêu sinh ra nấm bệnh, sau đó hồ tiêu rơi vào tình trạng chết nhanh, mất diện tích”, ông An nói.

Cây bệnh, giá xuống… mọi nỗ lực của người trồng tiêu đổ sông đổ bể nên vào những huyện chuyên trồng tiêu những ngày cuối năm này luôn vắng bóng những nhân lực lao động chính. Khi được hỏi thì thường có câu trả lời chung là “vào khu công nghiệp kiếm việc rồi”.

Ông Nguyễn Văn Tám, thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tám (thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh), người từng nổi tiếng trồng tiêu ở huyện này và có những người con đang làm ăn khấm khá ở nhiều địa phương khác nhau đều quay về trồng tiêu nhưng cũng không thoát khỏi bão giá. Ông Tám kể: “Gia đình tôi đang nợ 750 triệu đồng, tôi đang cố gắng trả nợ. Xót xa nhất là những người dân nghèo mới chỉ kịp đầu tư mà chưa đến ngày thu hoạch. Cả thôn Ia Hrú có khoảng 200 hộ dân, hầu như hộ nào cũng trồng tiêu. Làm càng nhiều, nợ càng lớn”.

Nhìn về tổng thể sản xuất, XK hồ tiêu trong năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Khối lượng XK hồ tiêu ước đạt 284.000 tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Đáng chú ý, năm 2019, giá XK hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm tới 23,6% so với năm 2018.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác. 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. 2 năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Những hướng đi mới

Trong bức tranh màu xám của phát triển hồ tiêu tại Gia Lai vẫn đang le lói những đốm lửa nhỏ để giữ và phát triển ngành hàng này theo hướng hoàn toàn mới.

Ông Nguyễn Tấn Công (áo đỏ), Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến gặp ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) nghe câu chuyện phát triển Hợp tác xã này thấy ánh lên niềm hy vọng.

Hợp tác xã hình thành từ tháng 7/2017 với 15 thành viên ban đầu và tổng vốn điều lệ chỉ 55 triệu đồng, trồng diện tích 50 ha tiêu và 40 ha cà phê. Đến nay, Hợp tác xã có 80 thành viên, trồng tổng diện tích hồ tiêu là 100 ha, trong đó có 16 ha hồ tiêu có chứng nhận hữu cơ. Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của Hợp tác xã vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg.

“Hợp tác xã không có chuyện tồn kho hồ tiêu. Giá tiêu hữu cơ bán được cao hơn hẳn 150-200% so với hồ tiêu thông thường. Niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5 ha trồng hồ tiêu và doanh thu thu về là hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, tiêu của hợp tác xã chủ yếu bán cho doanh nghiệp. Thị trường nội địa khá tốt và thậm chí hợp tác xã có cả đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không tham vọng xuất nhiều chỉ làm hàng số lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản..”, ông Công cho biết.

Vị Chủ tịch Hợp tác xã nhấn mạnh thêm: Hợp tác xã không yêu cầu tất cả xã viên làm tiêu hữu cơ. Quan trọng là các hộ dân cần làm tiêu theo hướng đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó mới là hướng phát triển vững bền cho ngành hàng này.

Tiêu được sản xuất theo VietGap đạt giá trị cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ câu chuyện của Hợp tác xã Tiêu Lệ Chí có thể thấy rằng, chính cách làm có tính toán, đi chậm mà chắc, nhấn vào chất lượng là yếu tố quan trọng giúp người trồng tiêu không bị “nhấn chìm” giữa cơn “bão giá” hoành hành suốt thời gian qua và đây là cách làm nhiều vùng trồng tiêu khác có thể xem xét, học hỏi.

Về hướng đi vững bền cho ngành hồ tiêu, Bộ NN&PTNT nhận định, quan trọng là cần khắc phục vấn đề diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế…

Với một lực lượng sản xuất nông hộ lớn như hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý ngoài khuyến cáo theo mùa vụ, cần phải đặt nặng hơn yếu tố dự báo thị trường để đỡ gánh nặng trên vai nông dân. Câu chuyện hồ tiêu dường như luôn hiện hữu ở những ngành hàng khác của các sản phẩm nông nghiệp. Vòng quay trồng- chặt – trồng, nuôi – bỏ - nuôi khi được vận động cùng nhịp thị trường sẽ đưa đời sống người nông dân tiến lên rất nhiều. Tuy nhiên, khi còn lỗi nhịp thị trường, khi còn chưa đủ kỹ năng sản xuất theo diện tích vùng nguyên liệu cho hàng hóa thì chuyện “giải cứu” sẽ không bao giờ đi vào dĩ vãng.

Đỗ Hương

Nam Định: Những nông dân ‘công nghệ cao’ ở Hải Hậu

Nguồn tin:  Báo Nam Định

Những ngày cuối cùng của năm, không khí Tết đã tràn khắp muôn nơi, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những nông dân “công nghệ cao” của huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Họ là những người mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Qua đó không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trang trại nuôi tôm theo “Công nghệ 4.0” của anh Phạm Văn Quang, xóm Tây Sơn, xã Hải Chính.

Điểm đến đầu tiên là cơ sở trồng rau “công nghệ cao” của anh Lê Tiến Đạt, xóm 7, xã Hải Cường. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đạt có công việc ở một doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp với mức lương ổn định tại Hà Nội. Vốn trăn trở về sản xuất “nông nghiệp sạch”, Đạt đã tìm hiểu về thị trường rau an toàn. Càng tìm hiểu, Đạt càng thấy đam mê và đưa ra một quyết định táo bạo là “nghỉ việc về quê trồng rau”. Quyết tâm hơn với “dự án” riêng của mình, Đạt đã cất công vào Đà Lạt, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh để tham khảo, học tập các công nghệ trồng rau sạch. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, đến tháng 10-2018, Đạt đầu tư 700 triệu đồng thuê 700m2 tại quê nhà để xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới. Đến nay, Đạt đã sở hữu cơ sở trồng rau công nghệ cao, bao gồm sản xuất rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh và tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Đạt cho biết, một nửa diện tích nhà lưới được anh áp dụng phương pháp thủy canh hồi lưu trồng các loại rau ăn lá, chủ yếu là xà lách và các loại rau cải nhập ngoại chuyên trồng thủy canh. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống như: không phải làm đất, không có cỏ dại; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ; sản phẩm sạch đồng nhất; không tích lũy chất độc, gây ô nhiễm môi trường… Diện tích còn lại áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel với công thức “mùa nào, thức nấy”; mùa hè trồng dưa lưới, mùa đông trồng các loại bắp cải, su hào. Với phương pháp này, mỗi gốc cây được thiết kế 1 chiếc béc tưới nước công suất 2 lít/giờ/gốc, sử dụng máy bơm tưới vào gốc cây qua béc tưới với lượng nước chính xác tới từng giọt, đảm bảo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng trong từng giai đoạn và tiết kiệm được lượng nước tưới. Tất cả các sản phẩm của cơ sở được trồng trong nhà lưới nên hạn chế được sâu bệnh do côn trùng xâm nhập, đảm bảo mẫu mã sản phẩm đẹp, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sau khi thu hoạch sản phẩm được sơ chế, đóng gói và chuyển thẳng đến các địa chỉ phân phối tại Hà Nội. Bằng cách trồng gối lứa, ngày nào vườn rau thủy canh của Đạt cũng có rau sạch xuất đi, mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 500-600kg rau sạch với giá bán 35 nghìn đồng/kg.

Rời cơ sở trồng rau sạch của Đạt, tôi đến trang trại nuôi thỏ an toàn sinh học của anh Nguyễn Lương Bằng, xóm 4, xã Hải Trung. Đi tham quan một vòng trang trại, tôi không khỏi bất ngờ bởi trang trại nuôi hàng nghìn con nhưng không khí vẫn sạch, không bốc mùi hôi nồng nặc đặc trưng trong chăn nuôi thỏ. Anh Bằng chia sẻ: “Người làm việc thấy thoải mái thì con vật nuôi mới thoải mái, không bị stress, đảm bảo tăng trọng cũng như chất lượng thịt”. Mặc dù ngành chăn nuôi hiện nay đang gặp nhiều khó khăn song thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh vẫn ổn định. Hiện anh đang nuôi 1.000 con thỏ sinh sản bố mẹ, trung bình mỗi tháng anh xuất bán 2.500 con thỏ với giá 178 nghìn đồng/con, trừ chi phí thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Đạt được hiệu quả như vậy là do anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao, thay đổi từ chuồng hở sang công nghệ chuồng kín với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho 3 dãy chuồng, mỗi dãy có hơn 500 lồng nuôi. Các dãy chuồng được trang bị hệ thống máy lạnh làm mát không khí cùng với những chiếc quạt công suất lớn. Dưới mỗi dãy lồng nuôi thỏ, anh thiết kế hệ thống máng hứng phân rộng khoảng 1m. Sau mỗi ngày, công nhân của trại sẽ quét dọn đáy lồng, rửa máng ăn, máng uống, xả nước dồn toàn bộ phân thỏ xuống hầm biogas và được xử lý theo quy trình làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Do vậy, trang trại luôn đảm bảo chất lượng môi trường. Ngoài ra, anh Bằng thực hiện phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung men vi sinh kích thích tiêu hóa đảm bảo thỏ hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn, do vậy đàn thỏ của gia đình anh luôn mạnh khỏe, không bị mắc bệnh. Chứng kiến thành công ở mô hình nuôi thỏ của anh Bằng nhiều hộ đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nuôi thỏ tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Trước sự phát triển của nghề nuôi thỏ, cuối năm 2016, anh Bằng đứng ra vận động các hộ gia đình chăn nuôi thỏ trong vùng thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Sơn Nam với gần 20 thành viên tham gia. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, anh Bằng đứng ra ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Zoki Việt Nam, giúp việc tiêu thụ sản phẩm được ổn định, không bị phụ thuộc thương lái và thị trường tự do, các thành viên trong Hợp tác xã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Trang trại nuôi tôm theo “công nghệ 4.0” của anh Phạm Văn Quang, xóm Tây Sơn là một trong những trang trại thủy sản làm ăn hiệu quả nhất của xã Hải Chính. Trang trại có quy mô 0,8ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ngoài trang bị giàn quạt nước, máy sủi ô-xy, anh dành 1 ao thiết kế có mái che giúp nuôi trong mùa đông vì duy trì được nhiệt độ trong ao nuôi. Chế phẩm sinh học được sử dụng để xử lý môi trường ao nuôi, kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên của tôm trong môi trường nuôi, vừa giảm chi phí về thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao, làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho con tôm. Toàn bộ hệ thống ao nuôi được quản lý từ xa bởi 4 chiếc camera giám sát. Anh Quang cho biết: việc lắp camera có thể quản lý các ao nuôi thông qua chiếc điện thoại thông minh để giám sát an ninh; kịp thời phát hiện những bất thường khi có thay đổi về môi trường, thời tiết; phát hiện kịp thời tôm có dấu hiệu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ áp dụng công nghệ cao, việc sản xuất ổn định, mỗi năm gia đình anh Quang thu hoạch khoảng 10 tấn tôm, trừ chi phí lãi gần 500 triệu đồng. Hiện huyện Hải Hậu có khá nhiều mô hình kinh tế hộ phát triển nhưng các mô hình áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn ít. Ngoài kinh nghiệm sản xuất đòi hỏi sự mạnh dạn, ý chí quyết tâm để nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng thì mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện luôn khuyến khích và hỗ trợ người nông dân phát triển những mô hình này để mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân trên chính mảnh đất quê hương.

Một mùa xuân mới lại về, mong rằng các địa phương trong tỉnh ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để bức tranh kinh tế của tỉnh ngày càng khởi sắc, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nuôi lợn rừng lai giúp người dân Ba Na thoát nghèo

Nguồn tin: VOV

Hơn 1 năm trở lại đây, bà con người Ba Na (Gia Lai) đã tổ chức nuôi lợn rừng lai theo quy mô trang trại bán hoang dã đem lại nguồn lợi kinh tế cao.

Chuyển từ chăn nuôi tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa là một bước đổi thay lớn trong tư duy sản xuất của bà con người Ba Na sống trên dãy Trường Sơn Đông thuộc xã đặc biệt khó khăn Đăk Tpang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, hơn 1 năm trở lại đây, bà con đã tổ chức nuôi lợn rừng lai theo quy mô trang trại bán hoang dã. Không những tận dụng được điều kiện chăn thả tự nhiên, nguồn thức ăn sẵn có mà mô hình này còn phù hợp với tập quán chăn nuôi, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Ngày đầu năm mới, chị Đinh Thị Krăk, dân tộc Ba Na, làng Kpiêu, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai tranh thủ ra thăm trang trại nuôi lợn rừng lai của làng. Trang trại rộng khoảng 2.000m2, quây lưới B40 ở khoảnh rừng cuối làng, thả nuôi lợn bán hoang dã.

Chị Krăk cho biết, đàn lợn được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ con giống cho 10 hộ nghèo nuôi hơn 1 năm nay. Mỗi hộ cắt cử người chăm sóc theo lịch đã phân công cụ thể. Hiện bà con chăn nuôi tập trung, khi đàn lợn phát triển sẽ chia cho mỗi hộ một số con để nuôi riêng. Trước Tết, giá lợn rất cao, bà con bán 3 con lợn rừng lai cho thương lái được gần 20 triệu đồng. Một phần số tiền này đã góp cùng dân làng Kpiêu tổ chức bữa cơm mừng năm mới đầm ấm và ngập tràn niềm vui.

Việc nuôi lợn rừng lai của các nhóm hộ ở xã Đăk Tpang có nhiều thuận lợi khi tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có như bí, ngô… và dồi dào như rau rừng, cỏ dại. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

“Làng có 10 hộ gia đình được Dự án giảm nghèo hỗ trợ 22 con lợn rừng lai để nuôi. Đây là lần đầu tiên bà con nuôi lợn với quy mô như thế này để bán. Vì vậy, bà con rất kỳ vọng sẽ tạo ra được một sản phẩm có chất lượng, giá trị để có thể sớm thoát nghèo. Bà con sẽ cố gắng nuôi đàn lợn này thật tốt” - chị Krăk chia sẻ.

Cũng được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, bà con Ba Na làng Kráp, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, đang nuôi lợn rừng lai theo mô hình bán hoang dã. Theo chị Đinh Thị Chươi, người làng Kráp, sau 1 năm chăn nuôi, đàn lợn sinh trưởng khá tốt.

Chị Đinh Thị Chươi cho biết: “Điều kiện ở nơi đây khá hợp với việc nuôi lợn rừng lai. Lợn cũng dễ nuôi, với lại giá bán ra tương đối tốt, nên giúp cho bà con có thu nhập, giảm được nghèo”.

Việc nuôi lợn rừng lai của các nhóm hộ ở xã Đăk Tpang có nhiều thuận lợi khi tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có như bí, ngô… và dồi dào như rau rừng, cỏ dại. Đồng thời, xã Đăk Tpang có lợi thế rất lớn là có diện tích rừng trồng lớn.

Anh Đinh Guin, làng Kráp, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, cho biết, việc tận dụng quỹ đất rộng nuôi lợn theo mô hình nông lâm kết hợp vừa tiết kiệm được chi phí, vừa hiệu quả về chất lượng.

“Nuôi lợn rừng lai cũng khá đơn giản, thức ăn cũng không quá cầu kỳ, mình tận dụng được nhiều thứ lắm vì lợn ham ăn. Nhóm chúng tôi chia nhau, mỗi người một việc để làm sao nuôi lợn được tốt nhất. Thời gian tới, đàn phát triển nhiều thêm thì sẽ tìm cách làm trang trại nuôi trong rừng” - anh Đinh Guin cho hay.

Mô hình nuôi lợn rừng lai dưới tán rừng đã được triển khai ở 5 nhóm hộ thuộc 5 làng trong xã Đăk Tpang. Tổng cộng có 82 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 2-3 con giống ban đầu. Dựa trên tính cố kết cộng đồng cao, bà con sẽ tương trợ nhau trong việc chăm sóc lợn, kết hợp với sự theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên của cán bộ thú y, giúp việc chăn nuôi đạt hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây, bà con Ba Na chủ yếu nuôi một vài con lợn thả rông để tự cung, tự cấp. Khi nuôi lợn rừng lai theo dự án, bà con có thể tạo ra những đàn lớn, cung cấp sản phẩm ra thị trường. Lợn rừng lai rất có tiềm năng trở thành một sản phẩm đặc trưng của xã với giá cả phải chăng và được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Trần Ngọc Cường, dự án này đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Xã cũng đang chủ trương xây dựng sản phẩm lợn rừng lai. Dự án sẽ nhân rộng được và xã đặt niềm tin đưa sản phẩm này vào chương trình mỗi xã một sản phẩm- chương trình OCOP của địa phương.

Trên dãy núi Trường Sơn Đông, Đăk Tpang là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, với trên 95% dân số là người Ba Na. Do những cách trở về địa lý, bà con ít có điều kiện tiếp cận với cách làm kinh tế hàng hóa. Nhưng điều này đang dần thay đổi khi Đảng, Nhà nước có những chính sách ưu tiên đầu tư về mọi mặt cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như Đăk Tpang.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án sinh kế được triển khai đã và đang góp phần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Thịt lợn rừng được giá, nông dân vẫn không dám tăng đàn

Nguồn tin: Lao Động

Tuy thịt lợn rừng đang có giá cao, nhưng nhiều nông dân ở TP.Buôn Ma Thuột vẫn rất hạn chế tăng đàn vì tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Những ngày này, giá thịt lợn hơi đang ở mức ''kỷ lục'', lợn rừng được nuôi ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng rất được giá.

Anh Nguyễn Văn Thành, ngụ phường Thành Nhất (TP.Buôn Ma Thuột) có trại lợn rừng thuộc dạng lớn nhất, nhì ở nơi đây cho biết, hiện tôi có đến hơn 10 con lợn rừng nái được dùng để gây giống và còn khoảng 30 con lợn rừng để bán từ đây đến ra Tết nguyên đán. Thịt lợn rừng đang giao động khoảng 150.000 đến 160.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với cách đây ít tháng.

Trại lợn rừng anh Thành hiện đang có khoảng gần 50 con lợn. Ảnh: B.T

''Hiện, mỗi con lợn rừng đủ cân nặng tôi bán được hơn 2 triệu đồng nhưng vẫn không dám tăng số lợn vì thứ nhất sợ giá cả leo thang; thứ hai không dám mua con giống bên ngoài sợ kém chất lượng, nếu không may mua nhầm lợn bệnh sẽ lây dịch bệnh cho cả đàn. Thức ăn cho lợn rừng không phải cám mà là cơm nấu trộn với rau, lòng gà... rất tốn kém.''

Mỗi còn lợn rừng đến lứa để bán có trọng lượng khoảng 30 đến 40kg. Ảnh: B.T

Ông Nguyễn Văn Thoan, ngụ xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột thông tin, tôi cũng không thể nhân lúc thịt lợn rừng đang có giá ''tốt'' để tăng đàn được. Bởi vì chẳng ai biết vài tháng tới giá cả sẽ ở mức nào, vội vã tăng đàn không có tính toán thì rất dễ ''tiền mất tật mang'''.

Được biết, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có khá nhiều hộ dân nuôi lợn rừng với quy mô nhỏ, lẻ. Hộ cao nhất khoảng hơn 50 con, thấp nhất cũng chỉ 5 đến 7 con. Chủ yếu cung cấp cho một số quán nhậu, nhà hàng có nhu cầu thu mua.

Lợn rừng nái dùng để gây giống có trọng lượng lên đến 100kg. Ảnh: B.T

Ông Hoàng Anh Dũng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y TP. Buôn Ma Thuột nhấn mạnh, đợt dịch tả lợn Châu Phi xảy ra cách đây ít tháng đã làm khá nhiều hộ dân nuôi lợn rừng bị ảnh hưởng, buộc phải tiêu hủy cả đàn. Trước tình hình giá thịt lợn rừng đang ở mức cao, chúng tôi cũng cảnh báo người dân không nên vội vã tăng đàn, tái đàn để đề phòng nguy cơ dịch bệnh tái phát.

Bên cạnh đó, khuyến cáo không nên lấy thức ăn dư thừa từ bên ngoài để cho đàn lợn ăn; kết hợp thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn.

"Qua kiểm tra, rà soát sau đợt dịch tả lợn vừa qua những hộ dân nuôi lợn rừng bị ảnh hưởng hiện vẫn chưa dám tái đàn lợn, số không bị ảnh hưởng phần lớn đều không dám tăng đàn..." - ông Dũng cho hay.

BẢO TRUNG

Bố Trạch (Quảng Bình): Phát triển mô hình chăn nuôi dê

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Hiện nay, ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới góp phần đa dạng hóa vật nuôi trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có mô hình nuôi dê thương phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái ở xã Xuân Trạch.

Mô hình nuôi dê thương phẩm của các hộ dân ở xã Xuân Trạch

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên ở vùng núi, những năm qua, xã Xuân Trạch đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển đàn dê.

7/10 thôn của xã có mô hình chăn nuôi dê với 16 hộ nuôi, tổng đàn hơn 400 con. Trong đó, tại thôn 2 có mô hình nuôi dê trên vùng núi Hung Lầm, vừa để chế biến thức ăn vừa phát triển du lịch sinh thái.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt.

Dê từ khi thả nuôi đến 6 tháng là có thể xuất chuồng hoặc cho sinh sản. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn phong phú trong tự nhiên nên đàn dê của xã Xuân Trạch có chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 120-160 nghìn đồng/kg thịt dê, các hộ nuôi dê ở xã Xuân Trạch có nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống gia đình.

Hương Trà

Cận Tết, giá gà Đông Tảo tăng mạnh

Nguồn tin: VnExpress

Sau đợt giảm hồi tháng 9, gần đây giá gà Đông Tảo đang đi lên do nhu cầu tăng mạnh.

Chị Oanh, chuyên bán thực phẩm online ở quận Thủ Đức (TP HCM) được nhiều khách hỏi đặt mua gà Đông Tảo cúng Tết. Nhưng chị thú thật, không dám nhập về bán vì giá lại tăng đột biến sau đợt lao dốc tháng 9 năm ngoái. Cũng chính vì đợt này mà nhiều hộ nuôi giảm tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung.

"Giáp Tết năm ngoái, giá gà Đông Tảo loại chân thường 200.000 đồng một kg nhưng nay nhà vườn báo giá sỉ lên tới 300.000 đồng, còn loại chân to một con 2,5-7 triệu đồng", chị Oanh nói. Chị ước tính giá tăng tới 50% so với năm ngoái và có thể cao hơn nữa nếu cộng cả chi phí vận chuyển vào miền Nam, thêm công giao, làm gà.

• • • •

Gà Đông Tảo tại trang trại ở Hưng Yên. Ảnh: Anh Nghĩa.

Chị Liên ở Bình Dương cũng cho biết, vì giá tăng nên năm nay chị mới bán được khoảng 200 con gà Đông Tảo loại 370.000 đồng một kg, giảm 30% so với mọi năm "Giá nhập tăng nhưng do toàn khách hàng quen nên tôi không dám tăng giá mạnh. Ấy vậy mà vẫn có nhiều người chê giá cao không mua nữa", chị Liên nói.

Anh Nghĩa - chủ trang trại chuyên nuôi gà Đông Tảo ở Khoái Châu (Hưng Yên) dự kiến sẽ bán ra thị trường khoảng 500 con trong năm nay. Đàn gà không nhiều như mọi năm nên Tết này anh Nghĩa đa phần bán cho khách lẻ. Riêng loại chân khủng khá hiếm, theo anh, mỗi trang trại chỉ có vài con.

Anh thừa nhận, gần cuối năm nhu cầu cao nên giá tăng mạnh. Hiện, gà chân thường anh bán giá 350.000 đồng một kg, còn loại chân to 7-13 triệu đồng một con.

Trước đó 4 tháng, giá gà Đông Tảo liên tục giảm giá mạnh do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu không nhiều. Trọng lượng gà khá lớn chỉ phù hợp với các đám tiệc sang trọng nên lượng đặt giảm 30-40% so với những năm trước đó.

Gà Đông Tảo hay Đông Cảo là giống quý ở Việt Nam, do dân làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tuyển chọn, thuần dưỡng và nuôi lưu giữ nhiều năm. Gà Đông Tảo nổi tiếng bởi giống gà to con, dáng hình bệ vệ, có thể dùng làm gà cảnh, gà thịt và quý nhất là làm đồ cúng tế.

Hồng Châu

Gà trống thiến ở Đồng Nai hút hàng

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 9-1, các hộ chăn nuôi ở huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều người chuyển qua nuôi gà, riêng loại gà trống thiến đang hút hàng và giá ổn định từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, cao gấp đôi gà thường.

Theo người dân, cứ vào tháng 6 hàng năm, họ lại chuẩn bị từ 2.000 - 4.000 con gà nuôi bán tết, khi đàn gà được 60 ngày thì gọi thợ về thiến khoảng 2.000 con gà trống. Thời điểm này, người dân đang tích cực chăm sóc để đàn gà phát triển đúng số kilôgam và đạt các tiêu chuẩn bên ngoài như: có bộ lông đẹp, mượt, mào dài và thịt thơm ngon, chuẩn bị cung cấp cho các thương lái từ TPHCM. Mỗi dịp tết, trừ chi phí, người dân nuôi gà trống thiến lãi trên 150 triệu đồng.

Tại huyện Cẩm Mỹ, những năm gần đây, nhu cầu nuôi gà trống thiến ngày càng tăng mạnh. Việc bà con lựa chọn hướng chăn nuôi này nhằm giảm bớt sức ép từ thị trường gà thịt, đồng thời có đầu ra đảm bảo đã góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập khi tết đến xuân về.

TIẾN MINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop