Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 01 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 01 năm 2021

Đồng Tháp: Diện tích trồng cây ăn trái lâu năm trên địa bàn tiếp tục tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 9/1, thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện diện tích trồng cây ăn trái lâu năm trên địa bàn tỉnh là 34.490ha (tăng 1.204ha) so với năm 2019. Một số loại cây ăn trái có diện tích lớn và sản lượng cao như: xoài với diện tích hiện có 12.106ha, sản lượng trái thu hoạch 128.570 tấn (tăng 13.989 tấn) so với năm 2019; quýt diện tích hiện có 2.357ha, sản lượng thu hoạch 69.145 tấn; nhãn là 5.483ha với sản lượng 53.171 tấn,...

Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP chưa nhiều so với tổng diện tích cây xoài trên địa bàn tỉnh

Ước tính tốc độ tăng trưởng năm 2020 của tỉnh đạt 3,45% không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2020 là 7,0%). Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%. Tuy nhiên, giá cả nông sản, trong đó có các loại trái cây không ổn định, nhất là còn tập trung ở thị trường Trung Quốc và thị trường nội địa. Ngoài ra, diện tích nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chưa nhiều, nên giá trị và hiệu quả kinh tế đạt chưa cao.

Tiến Đạt

Hòa Bình: Cam Cao Phong giữ vững thương hiệu trước biến động thị trường

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Trước sự cạnh tranh của nhiều loại cam trên thị trường, cam Cao Phong vẫn luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, nhất là người dân Hà Nội. Hiện tại, cam lòng vàng giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. So với cam của các địa phương, cam Cao Phong có mức giá tốt (cam Tuyên Quang khoảng 5.000 đồng/kg, cam Hà Giang từ 6.000 - 7.000 đồng/kg…).

Cam lòng vàng có chất lượng tốt giá bán trung bình trên 15.000 đồng/kg. Ảnh chụp tại vườn cam của gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn (bên trái), khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong).

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng cam sạch Thanh Loan, thị trấn Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: Cửa hàng của gia đình tôi thường xuyên tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... Thực tế tại hội chợ cho thấy, giá cam của địa phương khác từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, còn cam Cao Phong giá 25.000 - 30.000 đồng/kg vẫn được khách hàng ưa chuộng. Đầu vụ, cửa hàng tôi cắt cam đẹp tại vườn giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, bán lẻ 35.000 - 40.000 đồng/kg đối với cam mát, cam Mỹ bán tới 50.000 đồng/kg. Hiện đang chính vụ, cam Canh bán lẻ tại cửa hàng 45.000 đồng/kg, cam lòng vàng 25.000 đồng/kg. Lượng khách mua ổn định, có thêm một số khách mua buôn mới. Sắp đến Tết Nguyên đán, dự kiến lượng mua sẽ tăng, khách hàng khắp các địa phương, thậm chí ở miền Nam đã đặt cam Tết. Đơn hàng Tết của cửa hàng đã lên tới vài chục tấn.

Từ lâu, cam là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Cao Phong. Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Chất lượng, uy tín sản phẩm cam Cao Phong tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Toàn huyện Cao Phong có trên 2.800 ha cây ăn quả có múi, diện tích thời kỳ kinh doanh trên 2.000 ha, diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản trên 798 ha. Niên vụ 2020 - 2021, sản lượng dự kiến trên 30.000 tấn. Nhằm nâng cao chất lượng cam quả, từ năm 2015 đến nay, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân duy trì, mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến nay, huyện có trên 1.000 ha với 807 hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.147 ha được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, khu 7, thị trấn Cao Phong cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cam các loại, trong đó 1,5 ha đang thu hoạch, với các giống cam Canh, cam lòng vàng, quýt Hà Giang. Quýt Hà Giang năm nay dễ bán và được giá, trên 10.000 đồng/kg; cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Với 7.000 m2 cam lòng vàng, tư thương hỏi mua cắt cả vườn, giá 15.000 đồng/kg nhưng gia đình chưa bán. Năm nay, dự kiến tổng sản lượng cam các loại của gia đình đạt trên 40 tấn, doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Trừ kinh phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 200 triệu đồng cho lãi 500 triệu đồng. 

Đến thời điểm này, toàn huyện Cao Phong đã tiêu thụ được khoảng 60 - 70% sản lượng cam, khoảng 18 nghìn tấn. Chị Trần Minh Trang, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La hay các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy cũng trồng các giống cam Cao Phong, nhưng vị không như cam trồng tại Cao Phong. Gia đình tôi tin tưởng chất lượng cam Cao Phong, khi bổ, cam có mùi thơm của tinh dầu, màu vàng đậm, vị ngọt thanh. Bởi vậy, tại Hà Nội có nhiều loại cam bán dưới 10.000 đồng/kg, nhưng tôi vẫn chọn mua cam Cao Phong với giá 35.000 đồng/kg.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Một số hộ trồng cam ở vùng lân cận quy mô nhỏ lẻ, sản lượng ít, mang ra chợ cóc, thậm chí ngồi tràn lan dọc quốc lộ 6 trên địa phận huyện để bán cam. Vì vậy, giá thấp hơn so với mức trung bình vùng trồng tập trung của huyện. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong, không mang cam từ các địa phương khác về đội lốt cam Cao Phong bán với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cam Cao Phong. Cam vẫn là cây trồng chủ lực góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Giá trị từ trồng cam đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Diện tích cam Cao Phong chín sớm đã thu hoạch xong, hiện đang thu hoạch cam chính vụ, chủ yếu là cam Xã Đoài và một phần cam lòng vàng. So với các năm trước, giá cam năm nay thấp hơn chút. Tuy nhiên, những vườn cam đẹp, chất lượng tốt giá bán vẫn đạt trên 15.000 đồng/kg. Tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua, qua hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và bán trực tiếp trên zalo, facebook... Để giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, ngành NN&PTNT tỉnh hỗ trợ người trồng cam kỹ thuật sản xuất, trong đó quan tâm thực hiện các giải pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ, rệp sáp hại rễ, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, chế phẩm sinh học; sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, ngành hỗ trợ người trồng cam Cao Phong kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Thu Thủy

Vú sữa đầu vụ sản lượng thấp

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nhà vườn trồng vú sữa ở thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang bước vào thu hoạch chính vụ, nhưng giá bán chỉ được khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi năng suất giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Anh Nguyễn Kỳ Hồ, ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, trồng hơn 30 gốc vú sữa, năng suất đợt này khoảng 500kg, thu nhập khoảng chục triệu đồng. Anh Hồ cho biết, năm trước vườn vú sữa nhà anh cho thu hoạch hơn 6 tấn/cả vụ, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão, nước ngập nên không xử lý cho cây ra trái được như mọi năm. Hiện nay, anh đang cắt bỏ trái non để chăm sóc cây, xử lý bán vụ nghịch để có giá cao hơn.

HOÀNG NHÂN

Giá khoai mỡ đầu vụ vùng Đồng Tháp Mười tăng kỷ lục

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Vụ khoai mỡ Đông xuân năm nay, nông dân huyện Tân Phước thuộc vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) xuống giống gần 470 ha. Những xã có diện tích khoai mỡ trồng tập trung lớn gồm: Tân Hòa Đông trồng gần 110 ha, Phú Mỹ trồng 130 ha, Thạnh Mỹ trồng gần 100 ha…

Đến đầu tháng 01/2021, bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 60 ha, năng suất dao động từ 13 tấn đến 20 tấn tùy khu vực, sản lượng đạt trên 900 tấn nông sản cung ứng thị trường. Trong đó, cao nhất là khu vực xã Tân Hòa Thành, nông dân thu hoạch đầu vụ 05 ha, năng suất đạt 20 tấn/ha và sản lượng đạt 100 tấn củ.

Đáng mừng là giá khoai mỡ đầu vụ đạt mức tăng cao kỷ lục từ trước đến nay, nông dân rất phấn khởi bởi mang lại nguồn thu nhập cao trong những ngày năm hết Tết đến. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, những trà khoai thu hoạch sớm vừa qua có lúc nông dân bán được giá đến 30.000 đồng/kg, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Còn bình quân, thương lái thu mua từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Với trà khoai đạt năng suất bình quân 15 tấn/ha, mỗi ha khoai đạt giá trị sản xuất lên đến 300 triệu đồng, trừ chi phí người dân còn lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha.

Ông Võ Văn Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước cho biết, khoai mỡ là cây trồng đặc hữu ở vùng Đồng Tháp Mười. Nhờ khoai mỡ, nông dân có thu nhập ổn định, cuộc sống an cư lạc nghiệp. Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của cây khoai mỡ, giúp bà con dựng nên cơ nghiệp bền vững, địa phương tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng những mô hình thâm canh khoai mỡ hiệu quả cao. Trong đó, vai trò của mạng lưới tổ chức Hội Nông dân cơ sở được phát huy thông qua các buổi sinh hoạt Hội, tập huấn, hội thảo chuyên đề, phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi,…

Theo ông Võ Văn Bằng, nếu như trước đây khoai mỡ chỉ trồng mỗi năm một vụ, thời gian kéo dài đến 06 tháng mới thu hoạch, thì hiện nay, bà con chủ động trồng rải vụ gần như quanh năm, đặc biệt là cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều nơi như: Xã Phú Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh còn trồng khoai mỡ theo hình thức cho leo giàn, kết hợp bố trí luân vụ khoai mỡ với đậu phộng trong năm… Nhờ đó, nâng cao giá trị của cây khoai mỡ đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Nhất là vào vụ thu hoạch sớm hàng năm, do quy luật cung cầu thị trường nên khoai mỡ thường có giá cao, giúp hộ dân dựng nên cơ nghiệp và gắn bó với miền đất mới giàu tiềm năng này.

Minh Trí

Ea Kiết (Đắk Lắk): Nông dân liên kết với doanh nghiệp chế biến cà phê ướt

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã chủ động tái canh cà phê; đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp chế biến cà phê theo công nghệ ướt. Qua đó, chất lượng và giá trị sản phẩm đã được nâng lên đáng kể.

Xã Ea Kiết là một trong những vùng trọng điểm cà phê của huyện Cư M’gar, với tổng diện tích lên đến hơn 4.100 ha, tổng sản lượng đạt hơn 10.200 tấn/năm (chiếm hơn 12,5% tổng sản lượng toàn huyện). Công nghệ chế biến cà phê ướt được nông dân xã Ea Kiết áp dụng từ năm 2015 đến nay. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ dân áp dụng công nghệ này, với quy mô mỗi hộ từ 1 - 2 ha, chủ yếu tập trung tại thôn 9. Đây cũng là địa bàn có năng suất, sản lượng cà phê nằm trong “top” đầu của xã Ea Kiết, năng suất ước đạt bình quân 3 tấn/ha, trong khi đó năng suất bình quân chung của địa phương chỉ đạt 2,5 tấn/ha và huyện Cư M’gar đạt gần 2,3 tấn/ha…

Vườn cà phê của gia đình ông Trần Thanh Sơn (bên phải) ở thôn 9, xã Ea Kiết.

Việc các hộ dân tiên phong liên kết chế biến cà phê ướt không chỉ góp phần sản xuất cà phê theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho gia đình mà còn giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm chất lượng, có giá trị cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Các hộ dân chế biến cà phê ướt đều liên kết với các doanh nghiệp và được bao tiêu sản phẩm. Quy trình chế biến cà phê ướt đòi hỏi cà phê phải được hái khi tỷ lệ quả chín đạt 80% trở lên. Bên cạnh đó, người dân phải đầu tư máy chế biến cà phê quả tươi để bóc vỏ cà phê chín ra một bên và quả xanh, tạp chất sẽ được loại ra một bên khác. Khi phơi phải tránh tiếp xúc với đất, nước mưa… vì sẽ làm mất mùi vị tự nhiên. Đặc biệt, một số hộ còn đầu tư nhà kính để phơi và chế biến cà phê sạch… Nhìn chung, các hộ dân áp dụng công nghệ chế biến cà phê ướt năng suất, chất lượng sản phẩm và giá bán đã được nâng lên đáng kể, cao hơn nhiều so với thu hoạch theo phương pháp truyền thống...

Trước đây, cứ đến vụ thu hoạch, thấy vườn cà phê có khoảng 50 - 60% quả chín là gia đình ông Trần Thanh Sơn (ở thôn 9, xã Ea Kiết) huy động nhân lực, phương tiện tập trung hái cả quả xanh lẫn đỏ. Thế nhưng, mấy năm gần đây, ông Sơn dần thay đổi cách thu hoạch, khi tỷ lệ quả cà phê chín từ 80 - 90% trở lên mới thu hái. Cách làm này, tuy thời gian thu hoạch kéo dài nhưng năng suất, sản lượng lại cao hơn, nhân cà phê to, chắc và được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường… Ông Sơn chia sẻ: “Trước hái một đợt là xong, còn giờ ít nhất cũng phải hai đợt, chi phí tính ra có cao hơn. Tuy nhiên, cà phê được thu hái tỷ lệ quả chín đạt cao nên năng suất, sản lượng được nâng lên đáng kể, giá được doanh nghiệp thu mua cao hơn so với thị trường từ 7.000 - 11.000 đồng/kg. So với trước đây, tổng thu nhập của gia đình tăng khoảng 15%”.

Nông dân thôn 9 (xã Ea Kiết) chế biến cà phê theo công nghệ ướt.

Tương tự, gia đình anh Phan Văn Báu (cùng thôn) cũng đã nâng cao được chất lượng và giá thành sản phẩm từ việc chế biến cà phê ướt. Nhờ tuân thủ nghiêm các khâu trong sản xuất, từ thu hái đến chế biến nên cà phê nhân của gia đình anh được doanh nghiệp mua với giá cao hơn so với thị trường từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, đặc biệt có những năm lên đến 12.000 đồng. Anh Báu cho hay: “Gia đình tôi có 2 ha cà phê, bình quân mỗi năm thu được 3 - 3,5 tấn/ha, với giá bán trên thị trường như hiện nay mỗi tấn chỉ thu được 31 triệu đồng, còn áp dụng chế biến cà phê ướt thì mỗi tấn được nâng lên thành 38 - 41 triệu đồng trong khi đó chỉ mất thêm vài công để thu hái, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi hơn”.

Trung Dũng

Sa Pa thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng do băng tuyết

Nguồn tin:  Báo Lào Cai

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, tính đến thời điểm trưa ngày 11/1, đợt rét đậm, rét hại xuất hiện băng giá và tuyết rơi đã gây thiệt hại trên 1,4 tỷ đồng về trồng trọt và chăn nuôi.

Nhiều diện tích rau của người dân bị thiệt hại.

Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, từ ngày 7/1 trên địa bàn thị xã Sa Pa xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết. Hiện tại, băng tuyết xuất hiện ở các khu vực: Thôn Séo Mý Tỷ (xã Tả Van); thôn Hang Đá, thôn Hầu Chư Ngài (xã Mường Hoa); khu vực phường Ô Quý Hồ, băng tuyết dày khoảng 3-4 cm, gây thiệt hại lớn về tài sản, gia súc và hoa màu của người dân. Trong đó, thiệt hại về cây trồng trên 885 triệu đồng và thiệt hại về chăn nuôi khoảng 540 triệu đồng. Băng giá và tuyết rơi gây thiệt hại 18 ha rau tại phường Ô Quý Hồ; 1.050 chậu hoa địa lan tại xã Tả Phìn; 38 con trâu, bò bị chết rét tại các xã Tả Van, Thanh Bình, Bản Hồ, Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn và phường Phan Si Păng, Hàm Rồng.

Hiện, UBND các xã, phường đã tiến hành kiểm tra, rà soát thống kê diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại để xây dựng phương án, sử dụng nguồn ngân sách dự phòng ngân sách xã hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân. Huy động đội xung kích các xã, phường hỗ trợ người dân che chắn chuồng trại, phòng, chống rét cho gia súc. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với rét đậm, rét hại cho người, cây trồng và vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Hoàng Thương – Đức Phương

Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang

Tính từ đầu mùa đông tới nay thì những ngày này là đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Để hạn chế thiệt hại, chính quyền, ngành chức năng, người dân trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung các biện pháp ứng phó.

Giữ ấm cho vật nuôi

Mấy ngày gần đây, các khu vực trong tỉnh xảy ra rét hại diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất tại Sơn Động 8,2 độ C; Lục Ngạn 8,7 độ C, Hiệp Hòa 10 độ C, TP Bắc Giang 9,7 độ C. Để chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại.

Trong đó khuyến cáo che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ao nuôi cá của hộ dân thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên) có mực nước sâu gần 3 m để chống rét cho cá. Ảnh: Trịnh Lan

Tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, người dân chú trọng bảo vệ đàn vật nuôi. Với hơn 100 con bò thương phẩm, nếu bị chết sẽ thất thu lớn nên gia đình ông Hà Văn Trường, thôn Làng Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) chăm sóc vật nuôi cẩn thận. Ông Trường nói: “Toàn bộ bò được nuôi nhốt trong chuồng kín có thắp điện sưởi ấm. Chuồng được vệ sinh thường xuyên nên luôn sạch sẽ. Tôi cũng dự trữ hàng chục tấn rơm khô, cám công nghiệp để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho bò”. Ngoài hộ ông Trường, nhiều hộ còn hun trấu, che bạt bao quanh chuồng trại để tránh gió lùa.

Tại huyện Sơn Động hiện có hơn 5 nghìn con gia súc (trâu, bò), gần 1 triệu con gia cầm, ngoài ra còn có đàn thỏ, ngựa, dê, lợn... Để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, huyện đã xây dựng phương án chống rét cho gia súc, gia cầm.

Đến nay, khoảng 90% hộ có chuồng nuôi nhốt, giữ ấm trong mùa đông, 100% hộ dân chủ động trồng ngô, cỏ voi, tích rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân ở xã Hữu Sản, Vân Sơn, Phúc Sơn còn chủ quan chăn thả trâu, bò vào buổi sớm trên đồi, đồng ruộng.

Tại huyện Lục Ngạn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tăng Văn Huy cho biết, Lục Ngạn có hơn 6 nghìn con trâu, gần 3 nghìn con bò, hơn 2,4 nghìn con ngựa, gần 7 nghìn con dê và khoảng 145 nghìn con gia cầm, tập trung ở các xã vùng cao như Phong Minh, Sa Lý, Phong Vân, Biên Sơn…

Ngay từ đầu vụ đông, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị xây dựng phương án phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hệ thống khuyến nông, thú y phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn bà con dự trữ thức ăn như phơi cỏ khô, tích trữ rơm rạ, cây ngô; tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc đúng quy định.

Tại huyện Yên Thế, nơi có tổng đàn gà lớn nhất tỉnh, các hộ đều nuôi nhốt gà trong chuồng. Đơn cử, hộ ông Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm nuôi hơn 5 nghìn con gà có quây bạt kín, rải trấu dưới nền và thắp các bóng điện. Định kỳ mỗi tuần ông phun hóa chất tiêu độc khử trùng, giữ cho nền chuồng khô ráo và phun chế phẩm sinh học.

Người dân thôn Chả, xã Phong Vân (Lục Ngạn) chăm sóc đàn trâu của gia đình. Ảnh: Bùi Huấn

Những ngày nhiệt độ xuống thấp, gia đình ông còn đốt lò sưởi dẫn nhiệt, bổ sung khoáng chất trong khẩu phần ăn cho đàn gia cầm. Toàn huyện Yên Thế hiện có hơn 4 triệu con gà. Dự kiến Tết này cung ứng cho thị trường hơn 2,2-2,5 triệu con.

Những hộ nuôi thủy sản hiện đang giữ mực nước đủ sâu để chống rét. Hộ ông Trần Đình Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên) có gần 2 ha mặt nước đang giữ mực nước trong ao sâu 3 m để bảo vệ đàn cá lưu đông.

Cùng đó, hạn chế cho cá ăn, không vận hành hệ thống quạt, sục khí để cá không nổi lên mặt nước; đồng thời bơm bổ sung nước ấm từ nước giếng khoan sạch cho ao giữ cá giống.

Xây dựng phương án dự phòng

Cùng với bảo vệ đàn vật nuôi, người dân một số nơi cũng chủ động trồng cây trong nhà lưới, nhà màng hay che phủ ni-lông để chống rét cho cây trồng. Chị Vũ Thị Thủy, xã Trí Yên (Yên Dũng) nói: “Dù ngoài trời giá rét nhưng cây trồng trong nhà màng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không phụ thuộc vào thời tiết.

Người dân chúng tôi vẫn làm việc bình thường bởi không bị gió mưa khi làm trong nhà kín”. Có nơi như xã Bảo Đài, Chu Điện (Lục Nam), người dân dùng ni-lông che phủ lên mặt luống củ đậu, khoai, rau để chống sương muối.

Toàn tỉnh hiện có 175,9 nghìn con trâu, bò; đàn gia cầm hơn 18 triệu con; đàn lợn 960 nghìn con... Cùng đó có hàng chục nghìn ha rau màu vụ đông đang, sắp cho thu hoạch.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh), qua nắm bắt, kiểm tra cho thấy, các địa phương thực hiện tốt các công điện, văn bản chỉ đạo về chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại.

Dù vậy, vẫn còn một số người dân còn chăn thả trâu, bò vào ngày trời rét đậm đã được cán bộ sở tại nhắc nhở. Đến ngày 10/1, toàn tỉnh chưa có thiệt hại do giá rét.

Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Giang, thời gian tới, các khu vực trong tỉnh tiếp tục nằm sâu trong khối không khí lạnh hoạt động mạnh. Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh mạnh tăng cường, vài nơi còn có mưa nhỏ, có thể xuất hiện băng giá, sương muối, nguy cơ cao gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết rét.

Còn cây trồng sẽ ngừng sinh trưởng, giảm năng suất. Cũng rất may là Bắc Giang chưa gieo mạ, cây ăn quả đang cho thu hoạch nên dự kiến rét buốt không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực trồng trọt.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, các huyện, TP đã thành lập các đoàn công tác thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn tại cơ sở; xây dựng phương án dự phòng về dự trữ nguồn giống cây trồng, vật nuôi. Riêng vật nuôi cần tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt, vừa chống rét vừa bảo đảm dinh dưỡng.

Sử dụng các biện pháp che phủ ni-lông, giữ ẩm cho cây, tủ gốc bằng rơm rạ; tăng cường bón lân, kali, phân hữu cơ để chống rét cho cây trồng. Giữ mực nước sâu trong ao từ 2,5-3 m để tránh rét cho cá.

Nhóm PV - CTV

Tiền Giang: Quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Để chủ động ứng phó với hạn, mặn, tỉnh Tiền Giang đang quyết liệt triển khai các giải pháp bảo vệ sản xuất và đời sống cho người dân.

Một hộ dân ở xã Thành Công, huyện Gò Công Tây vừa xuống giống vụ đông xuân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, theo số liệu quan trắc, đến thời điểm này, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê kông về khu vực Đồng bằng bông Cửu Long thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 15%, nhưng cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 và mùa khô năm 2019 - 2020.

Tình hình xâm nhập mặn năm 2020 - 2021 đến trễ hơn mùa khô năm 2015 - 2016 khoảng 15 ngày và trễ hơn năm 2019 - 2020 khoảng 30 ngày.

Qua số liệu quan trắc cũng như dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 ở mức xấp xỉ bằng năm 2016. Biên mặn 1g/l có khả năng lấn sâu vào đến 60 - 70 km (khu vực xã Kim Sơn, huyện Châu Thành), độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3-2021. Thời gian xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 không kéo dài như năm 2020 và có khả năng ngắn như 2016.

Đối với xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông, dự báo mặn sẽ lấn qua sông Tiền làm cho độ mặn ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) tăng cao. Dự báo, độ mặn cao nhất phía Nam cù lao Ngũ Hiệp xấp xỉ 2g/l, xuất hiện vào nửa cuối tháng 3-2021.

NGUỒN NƯỚC VÙNG NGỌT HÓA GÒ CÔNG DỒI DÀO

Để chủ động đối phó hạn, mặn mùa khô năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó cho từng vùng.

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa XI lần thứ 3 (mở rộng) tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng ta là kịp thời ứng phó với hạn, mặn mà kinh nghiệm của năm 2020 chúng ta phải đối mặt là rất khó khăn. Và không dừng lại ở ứng phó kịp thời mà phải có hiệu quả trong việc phòng, chống hạn, mặn.

Do đó, tôi đề nghị các đồng chí không chỉ đơn thuần là chúng ta dừng lại ở việc tính toán về mặt kinh phí bỏ ra như thế nào cho phù hợp. Điều quan trọng là phải vừa ứng phó kịp thời vừa hiệu quả ngay khi hạn, mặn mới xâm nhập, nhưng cũng phải đảm bảo cho tính lâu dài của những hệ lụy có thể xảy ra nếu như chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, phải có dự báo chính xác, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, nhà khoa học để xác định. Khi cần thiết, có thể chúng ta sẽ tăng cường vốn để kịp thời ứng phó”.

Đối với vùng Ngọt hóa Gò Công, đến nay, ngành Nông nghiệp đã triển khai cắt vụ lúa thu đông năm 2020 và xuống giống vụ đông xuân 2020 - 2021 được 22.413 ha, kết thúc lịch gieo sạ từ ngày 20-11. Các diện tích này sẽ cho thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 2-2021.

Ngành Nông nghiệp cũng đã tiến hành nạo vét các công trình thủy lợi chính của vùng như: Kinh 14, Trần Văn Dõng… xử lý các điểm sạt lở mùa khô năm 2020.

Đồng thời, sửa chữa các cống, đập ngăn mặn; duy trì công tác vớt lục bình, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã chuẩn bị thiết lập các trạm bơm trữ nước khi cống Xuân Hòa lấy gạn như: Trạm bơm Sơn Qui, Trần Văn Dõng, Champeaux, Bình Phan.

Hiện cống Xuân Hòa vận hành lấy nước ngọt ổn định nên mực nước nội đồng trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công duy trì ở mức khá cao, lượng nước dồi dào cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, một vấn đề khó khăn trong công tác phòng, chống hạn, mặn ở các huyện phía Đông của tỉnh là hiện trong vùng Ngọt hóa Gò Công có 879 ha không cắt vụ thu đông theo khuyến cáo.

Mặc dù các địa phương phía Đông của tỉnh đã tích cực vận động người dân không gieo sạ vụ đông xuân ở thời điểm này nhưng đã có khoảng 476 ha xuống giống; trong đó, huyện Gò Công Tây 272 ha, huyện Gò Công Đông 59 ha, TX. Gò Công 145 ha đã gieo sạ trễ vụ đông xuân. Việc gieo sạ vụ đông xuân thời điểm này sẽ dẫn đến nguy cơ lúa bị thất trắng do hạn, mặn.

BẢO VỆ SẢN XUẤT VÙNG PHÍA TÂY

Thực tế cho thấy, trước ảnh hưởng của hạn, mặn, vùng chuyên canh cây ăn trái các huyện phía Tây của tỉnh được đánh giá là dễ chịu tổn thương nhất.

Người dân đào ao trữ nước để tưới sầu riêng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, công tác hướng dẫn khôi phục vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn, mặn năm 2020 đã được thực hiện kịp thời. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn đánh giá, xác định nguyên nhân cây sầu riêng chết và hướng dẫn nhà vườn thực hiện các bước để khôi phục vườn cây.

Đến nay, các vườn sầu riêng bị ảnh hưởng nhẹ đã phục hồi hoàn toàn, cây sinh trưởng tốt, có khoảng hơn 3.200 ha ra hoa và cho trái. Đối với các vườn bị ảnh hưởng từ 30% - 70%, 100% cây đã phục hồi, bộ lá mới phát triển tốt. Nông dân đang chăm sóc theo khuyến cáo, không cho ra hoa để bảo vệ cây. Đối với diện tích sầu riêng bị chết, người dân đã trồng lại khoảng 2.660 ha (trên 70% diện tích cây bị chết) và cây đang sinh trưởng tốt.

Để bảo vệ sản xuất, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương phía Tây của tỉnh đã vận động nhân dân tích trữ nước trong mương vườn, sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong mùa hạn, mặn. Theo đó, ngành Nông nghiệp và các huyện, thị đã tổ chức rất nhiều hội nghị để triển khai các nội dung này.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, với dự báo tình hình xâm nhập mặn tương đương năm 2016, ngành Nông nghiệp dự kiến sẽ không triển khai đắp hết các đập dọc theo đường tỉnh 864 thông ra sông Tiền như phương án ban đầu mà ngành Nông nghiệp đã tham mưu. Bởi nếu đắp hết 10 đập này thì chi phí sẽ rất lớn, khoảng 200 tỷ đồng. Với dự báo và tham khảo các cơ quan chuyên môn thì chỉ triển khai đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất UBND tỉnh triển khai công việc này trước Tết Nguyên đán 2021 và đắp đập tại một số nhánh như cầu Sao, cầu Mỹ Quý, Mỹ Long - Bà Kỳ… không để mặn lấn vào phía Bắc Quốc lộ 1.

Riêng đối với 2 cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong, tỉnh sẽ tập trung gia cố cống, đập, bờ bao sẵn có để ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, cho khoan khẩn cấp 14 giếng để cung cấp bổ sung nguồn nước ngọt tưới cây sầu riêng.

TRỌNG ĐẠT

Khoanh vùng khống chế dịch cúm gia cầm H5N6

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai các biện pháp cấp bách khoanh vùng, khống chế dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà ở xã Quảng Minh.

Quảng Ninh đang tích cực triển khai các biện pháp cấp bách khoanh vùng, khống chế dịch cúm gia cầm H5N6. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo đó, huyện Hải Hà đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai các biện pháp cách ly, giám sát, khống chế để dập dịch theo đúng hướng dẫn.

Huyện cũng đã yêu cầu các xã tiến hành rà soát kiểm tra số lượng gia cầm đối với những hộ gia đình tái đàn, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm bổ sung trước ngày 25/1; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch, hố chôn gia cầm; tăng cường kiểm dịch, vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Trước đó, ngày 9/1, ổ dịch gia cầm H5N6 xuất hiện trên đàn gà của hộ gia đình ông Hoàng Văn Thành ở thôn 8, xã Quảng Minh. Đây là ổ dịch cúm gia cầm thứ 5 ở tỉnh Quảng Ninh tính từ năm 2020 đến nay, và là ổ dịch đầu tiên của năm 2021.

Nguyên nhân gây ra dịch bệnh là do gia đình tái đàn gia cầm vào thời điểm sau tiêm phòng đợt 2/2020, nhưng không thực hiện khai báo nhập đàn với xã Quảng Minh để tổ chức tiêm phòng bổ sung.

Hiện 3.000 con gà của gia đình ông Hoàng Văn Thành đã được tiến hành tiêu hủy.

BT

Rét đậm, rét hại khiến nhiều trâu bò ở Điện Biên bị chết rét

Nguồn tin: VOV

Không khí lạnh đã khiến một số con trâu, bò của người dân ở tỉnh Điện Biên bị chết rét.

Theo thống kê nhanh, đến nay, đã có 7 con trâu, bò của người dân ở các xã: Quài Tở, Tênh Phông, Pú Xi và Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) bị chết rét. Riêng tại xã Tỏa Tình và khu vực đèo Pha Đin, sáng nay nhiệt độ vẫn ở mức 0,5 độ C. Dù người dân đã chủ động gia cố chuồng trại che chắn và dự trữ thức ăn cho trâu, bò. Nhưng do nền nhiệt giảm sâu, nên trên địa bàn vẫn có 1 con bò bị chết rét.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết, hiện đơn vị đang cử cán bộ trực tiếp xuống các xã thống kê thiệt hại và đôn đốc, hướng dẫn người dân tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại.

Cũng do ảnh hưởng của khối không khí lạnh mạnh tăng cường, nên hôm nay, ngành giáo dục Điện Biên đã cho 130 trường, khoảng 55.000 học sinh ở 3 cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong toàn tỉnh nghỉ học để tránh rét.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Trước đó, Sở đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD-ĐT các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại. Theo đó căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết, Phòng GD-ĐT các địa phương chỉ đạo hiệu trưởng các trường trên địa bàn được phép quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải bố trí cho học sinh vào phòng ấm, đảm bảo phòng bán trú và quản lý cho đến khi phụ huynh đón về, không để học sinh đứng ở ngoài cổng trường, cũng như không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ở ngoài trời.../.

Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

Tăng cường chống đói, rét cho vật nuôi

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình trời rét đậm, rét hại với nền nhiệt từ 10 - 12 độ C gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi. Để chủ động ứng phó với thời tiết, bà con nông dân đang thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn vật nuôi.

Người chăn nuôi cần bảo đảm khẩu phần thức ăn thô xanh từ rơm khô, cỏ khoảng 20 - 30kg/con/ngày những ngày giá rét.

Là hộ chăn nuôi bò từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Đức Ninh ở thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) thường xuyên nuôi từ 50 - 80 con bò sinh sản và thương phẩm. Chăn nuôi với số lượng lớn, để tránh thiệt hại, gia đình ông luôn tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, chủ động che chắn chuồng trại, tận dụng rơm, rạ để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò.

Ông Ninh cho biết: Qua theo dõi dự báo thời tiết được biết năm nay sẽ xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại nên ngay từ đầu mùa đông, gia đình tôi đã chủ động dự trữ đủ lượng thức ăn thô, tinh, thức ăn ủ chua cho đàn bò; đồng thời sửa chữa chuồng trại, chuẩn bị các tấm phên, bạt để che chắn chuồng trại những ngày gió mùa, mưa rét. Cùng với dự trữ nguồn thức ăn, tôi còn chấp hành công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò theo định kỳ. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, tôi không chăn thả bò ra đồng, chỉ nuôi nhốt trong chuồng, che chắn xung quanh chuồng nuôi, rải thêm chất độn chuồng đủ dày để bò nằm cho ấm, chuẩn bị thêm đèn sưởi để giữ ấm cho những con bê mới sinh; hàng ngày đun nước ấm trộn cùng thức ăn cho bò ăn và bổ sung thêm muối khoáng vào nước ấm cho bò uống để tăng thân nhiệt.

Hiện nay, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh hơn 56.000 con, đàn lợn gần 700.000 con, đàn gia cầm hơn 14 triệu con. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, người chăn nuôi cần thực hiện các phương án phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Trong đó thực hiện sửa chữa, củng cố, che chắn chuồng trại cho kín, tránh mưa hắt, gió lùa, giữ nền chuồng luôn khô ráo, đủ chất độn lót chuồng cho vật nuôi nằm. Đối với đại gia súc, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới 12 độ C cần nuôi nhốt trong chuồng, dùng bao tải, chăn, vải cũ làm áo ấm mặc cho vật nuôi, không cho vật nuôi làm việc để tránh kiệt sức; đốt trấu, củi, than hoặc thắp đèn để sưởi, giữ ấm chuồng nuôi. Về chế độ dinh dưỡng, cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng và hợp vệ sinh. Đối với trâu, bò, ngoài bảo đảm khẩu phần thức ăn thô xanh từ rơm khô, cỏ khoảng 20 - 30kg/con/ngày thì cần bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột gạo khoảng 1 - 2kg/con/ ngày; cho uống nước ấm có pha muối loãng (20 - 30g muối/con/ngày) để tăng thân nhiệt cho trâu, bò. Đối với lợn và gia cầm thương phẩm cho ăn theo khẩu phần tự do; lợn và gia cầm sinh sản tăng khẩu phần ăn từ 15 - 20% so với mức ăn bình thường, chú trọng bổ sung thêm thuốc bổ như vitamin B, C, các loại men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để hoạt động sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, không xảy ra thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của thời tiết, ngành Nông nghiệp đã bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, chủ động ban hành các văn bản yêu cầu các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Ngoài thực hiện các biện pháp về chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi; chấp hành nghiêm việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; thường xuyên giám sát và thực hiện quy định về khai báo khi vật nuôi phát sinh dịch bệnh; khi gia súc, gia cầm có biểu hiện ốm, chết phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, dự báo thời tiết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

Thanh Huyền

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop