Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 03 năm 2020

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái giúp nông dân Sóc Trăng nâng cao thu nhập

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng

Sản xuất nông nghiệp được xem là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, trong đó, quy trình sản xuất theo hướng sạch và an toàn ngày càng được nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện và nhân rộng. Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được hình thành, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao thu nhập; đặc biệt là trong việc liên kết và tiêu thụ cây ăn trái.

Theo đó, để hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021, định hướng đến năm 2025.

Ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản Sóc Trăng cho biết, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên toàn tỉnh hiện nay là trên 31.000 ha, phân bố tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, Châu Thành...; trong đó, bưởi trên 2.00 ha, cam gần 3.000 ha, xoài gần 3.000 ha, vú sữa gần 2.000 ha... với sản lượng đạt khoảng 230.000 tấn trong năm 2019.

Đến nay, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản Sóc Trăng đã xây dựng và củng cố các hợp tác xã cây ăn trái nhằm liên kết các thành viên trong sản xuất để thuận lợi cho việc canh tác cây ăn trái, hình thành các vùng sản xuất tập trung và liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong tiêu thụ sản phẩm. Trong 2 năm qua, đã có 4 công ty tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tại tỉnh để xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu... với sản lượng khoảng 160 tấn; trong đó bưởi là trên 60 tấn, vú sữa trên 90 tấn.

Ông Nguyễn Thành Phước chia sẻ, để xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường như Mỹ, các nước châu Âu... thì các vườn cây phải được cấp mã code và đáp ứng các yêu cầu như: Phải bao trái, đặc biệt là không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất.

Trước đó, vào tháng 12/2018, những nông dân của Hợp tác xã Quyết Thắng đã vô cùng phấn khởi và tự hào khi những trái vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên do chính tay mình làm ra đã được đóng thùng xuất bán theo đường hàng không sang Mỹ với sản lượng hơn 2 tấn. Đây là kết quả bước đầu chương trình xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất giữa các nhà vườn, hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp, Công ty xuất nhập khẩu trái cây VINA T&T và Công ty Chánh Thu, trong khuôn khổ Dự án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2021.

Nhờ sự liên kết trong khâu tiêu thụ, nhà vườn Sóc Trăng đã nâng cao được thu nhập.

Tuy bước đầu, việc xuất khẩu cây ăn trái tại tỉnh vẫn còn ở mức tương đối, nhưng đây là tiền đề để khác thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc... biết đến các sản phẩm cây ăn trái của Việt Nam, trong đó có sản phẩm cây ăn trái từ địa phương Sóc Trăng với sản phẩm tốt, chất lượng ngon, đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, một trong những đơn vị xuất khẩu có tiếng trong nước có trụ sở tại tỉnh Bến Tre chia sẻ, công ty đã đến Sóc Trăng và thực hiện việc liên kết tiêu thụ vú sữa với Hợp tác xã Quyết Thắng và Hợp tác xã Trinh Phú (thuộc huyện Kế Sách) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chỉ tính trong vụ mùa vú sữa năm 2019 vừa qua, tổng sản lượng thu mua vú sữa đạt gần 42 tấn với giá thu mua cố định là 30.000 đồng/ký. Qua gần 2 năm thực hiện việc liên kết, công ty nhận thấy sự thuận lợi về nguồn nguyên liệu, nông dân sản xuất đáp ứng được các quy trình sản xuất do phía công ty đề ra.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, để việc liên kết tiêu thụ đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các hợp tác xã cũng cần xây dựng được một điểm để tập kết nguyên liệu nhằm thuận lợi cho việc mua bán, vận chuyển của công ty, rút ngắn quá trình vận chuyển, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm trong mỗi mùa vụ. Về phía ngành chức năng của tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, cũng cần tính đến việc mở rộng vùng trồng vú sữa do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Cùng với đó là việc xây dựng vùng trồng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đối với bưởi và nhãn trên địa bàn tỉnh.

Đối với Sóc Trăng là một trong những vùng trồng cây ăn trái có tiếng và diện tích lớn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sự phát triển của các giống cây trồng cũng phải chuyển đổi cho thích hợp theo yêu cầu chung của thị trường. Nhu cầu của các công ty xuất khẩu là muốn cải thiện lại quy trình sản xuất cùng với bà con nông dân, các hợp tác xã; nghĩa là cả doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân, các hợp tác xã phải đi cùng một hướng, chúng ta phải quản lý được sản phẩm tại chỗ, sản xuất phải có kế hoạch thì các sản phẩm của chúng ta mới đạt giá trị kinh tế cao, lợi nhuận mang lại cho người nông dân mới thực sự lớn. Doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh, nhưng cần sự hỗ trợ từ các chính sách có định hướng của chính quyền địa phương để làm sao ngành cây ăn trái Việt Nam có điều kiện phát triển đi xa hơn, để sản phẩm cây ăn trái Việt Nam thực sự khẳng định được giá trị và bền vững trên thị trường thế giới.

Theo ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong bối cảnh thị trường trái cây có xu hướng mở rộng, yêu cầu về cây ăn trái có nguồn gốc xuất xứ và đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng tăng, thời gian tới, để sản phẩm cây ăn trái của tỉnh có thể xuất khẩu sang nhiều nước, đến các thị trường khó tính với sản lượng lớn, tạo được thương hiệu và mối liên kết tiêu thụ, bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát lại quy hoạch vùng trồng, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của từng địa phương, từng vùng; xây dựng thêm nhiều mã vùng trồng và có cơ chế quản lý, sử dụng tốt mã vùng trồng hiệu quả; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, liên kết với nhiều doanh nghiệp thu mua, xây dựng nhiều kênh phân phối, đảm bảo tiêu thụ tốt sản phẩm cũng như kết hợp, lồng ghép các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và liên kết thu mua của các doanh nghiệp, công ty.

Chanh Đa

Ninh Sơn (Ninh Thuận): Hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình tưới nước tiết kiệm trên địa bàn huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận), đến nay đã đem lại hiệu quả rõ nét. Không những tăng năng suất, giảm sức lao động cho người dân, mà quan trọng hơn là giải quyết được vấn đề thiếu nước trong mùa khô, đem lại màu xanh cho những vùng đất khô hạn.

Hiện nay mô hình tưới nước tiết kiệm đã được nhân rộng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Điển hình như gia đình anh Lê Văn Sang, thôn Phú Thuận (xã Mỹ Sơn), áp dụng mô hình vào sản xuất táo, từ 1 ha vào năm 2015, đến nay mở rộng lên tới 3,5 ha. Anh Sang, cho biết: Trước đây sử dụng phương pháp tưới truyền thống tốn công sức, mà năng suất không cao. Qua các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm nên đã tìm tòi, học hỏi làm theo. Năm 2016, gia đình quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, mở rộng diện tích sản xuất táo. Nhờ áp dụng mô hình, đã tiết kiệm được 80% sức lao động so với phương pháp tưới tràn. Cùng với việc kết hợp phủ dàn lưới để tránh sự xâm hại của côn trùng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận tăng từ 10 - 20% so với trước đây. Tương tự, Anh Phan Xuân Tiến, thôn Lương Cang (xã Nhơn Sơn) cũng đầu tư 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho 1 ha nho. Theo anh Tiến, so với phương pháp tưới thông thường thì tưới phun mưa bằng bét tiết kiệm từ 20 – 30% lượng nước, giảm công lao động.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chủ động áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm.

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu nắng nóng như tỉnh ta thì mô hình tưới nước tiết kiệm rất phù hợp, được xem là giải pháp ứng phó với hạn hiệu quả nhất. Đặc biệt là những khu vực sản xuất xa nguồn nước nên áp dụng mô hình, mặc dù thêm chi phí đầu tư, nhưng kết quả mang lại rất cao.

Đồng chí Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Mô hình tưới nước tiết kiệm trên địa bàn huyện chủ yếu áp dụng vào sản xuất các loại cây ăn quả (táo, nho, bưởi) mỳ, mía và cỏ phục vụ cho chăn nuôi gia súc. Những năm qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con đẩy mạnh việc áp dụng mô hình, huyện cũng chủ động hỗ trợ kinh phí cho nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Hiện nay, đang tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại xã Quảng Sơn với diện tích 3,1 ha (mỳ, cỏ chăn nuôi), xã Lâm Sơn 4 ha (bưởi da xanh) và xã Mỹ Sơn 33,7 ha (táo, mía, bưởi, cỏ chăn nuôi).

Lê Tuấn

Lào Cai: Lợi ích kép từ trồng dâu tây công nghệ cao ở Bắc Hà

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Hai năm trở lại đây, Bắc Hà đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp cao, đặc biệt là trồng dâu tây trong nhà màng. Điều dễ nhận thấy, trồng dâu tây đã mang lại lợi ích kép, không chỉ doanh nghiệp, nông dân có thu nhập ổn định, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp ở cao nguyên trắng.

Trang trại trồng dâu tây do Tập đoàn Migroup đầu tư tại thôn Cốc Cài Thượng, xã Nậm Mòn.

Tập đoàn Migroup bắt đầu trồng thử nghiệm từ tháng 9/2019 trong hệ thống 5 nhà màng tiêu chuẩn, với diện tích trên 3.000 m2. Đặc biệt, Tập đoàn Migroup thuê chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc dâu tây. Sau 2 tháng trồng, đến tháng 11/2019, toàn bộ diện tích dâu tây công nghệ cao đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Trọng lượng quả đạt từ 50 – 70 gam/quả, màu sắc bắt mắt, quả ngọt, mọng và mềm.

Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nên quả dâu tây trồng tại thôn Cốc Cài Thượng đạt tiêu chuẩn đề ra, trọng lượng đạt từ 50 – 70 gam/quả, màu sắc bắt mắt, quả ngọt, mọng và mềm, được chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc đánh giá cao. Trung bình, mỗi tuần, trang trại dâu tây của Tập đoàn Migroup tại thôn Cốc Cài Thượng xuất bán cho thị trường tại Lào Cai, Hà Nội khoảng 100 kg quả. Sau 4 tháng thu hái, đến nay trang trại đã xuất bán 1,5 tấn quả, với giá bán 650.000 đồng/kg, Tập đoàn Migroup đã thu được hơn 900 triệu đồng từ bán quả dâu tây.

Vườn dâu tây đang là điểm đến trải nghiệm của nhiều du khách.

Không chỉ Tập đoàn Migroup thu được thành quả từ dự án trồng dâu tây, mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi, nhờ cho doanh nghiệp thuê đất, được nhận vào làm việc, với thu nhập ổn định và cao hơn so với làm nông nghiệp.

Mỗi tuần, trang trại dâu tây của Tập đoàn Migroup xuất bán cho thị trường tại Lào Cai, Hà Nội khoảng 100 kg quả.

Điều đáng nói, dù mới đang trong giai đoạn đầu tư, nhưng trang trại trồng dâu tây của Tập đoàn Migroup tại thôn Cốc Cài Thượng đã trở thành điểm đến của du khách trên tuyến Cốc Ly - thị trấn Bắc Hà. Vào thứ ba hằng tuần, trên hành trình khám phá chợ phiên Cốc Ly, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến trải nghiệm, trực tiếp thưởng thức quả dâu tây chín mọng tại vườn và mua về làm quà. Đây cũng là mục tiêu mà Tập đoàn Migroup và huyện Bắc Hà hướng tới: Vừa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa phát triển du lịch.

Công nhân làm trong trang trại dâu tây là người địa phương.

Còn dự án sản xuất dâu tây Hàn Quốc công nghệ cao tại Bắc Hà do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Bắc Hà và Tập đoàn Nông nghiệp Dooho (Hàn Quốc) hợp tác đầu tư tại xã Lùng Phình với tổng vốn đầu tư là 20 tỷ đồng. Dự án được triển khai thử nghiệm trong nhà màng với diện tích trên 300 m2 bắt đầu từ tháng 11/2019, dâu tây được trồng trên giá thể, toàn bộ hệ thống cung cấp dưỡng chất, thết bị làm nóng, lạnh đều được thực hiện tự động theo mô hình trang trại thông minh, Tập đoàn Nông nghiệp Dooho có thể kiểm tra, theo dõi toàn bộ hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc mà không cần phải trực tiếp có mặt tại Lùng Phình. Do tuân thủ nghiêm kỹ thuật được chuyển giao của chuyên gia Hàn Quốc, nên sản phẩm dây tây trồng thử nghiệm tại Lùng Phình cho kết quả khả quan.

Mô hình trồng dâu tây của Tập đoàn Nông nghiệp Dooho (Hàn Quốc) hợp tác đầu tư tại xã Lùng Phình.

Tất cả thiết bị đều được thực hiện tự động theo mô hình trang trại thông minh.

Sau khi thử nghiệm thành công, các nhà đầu tư sẽ mở diện tích trồng dâu tây 3,49 ha, với mục tiêu mỗi năm cung cấp 100 tấn quả dâu tây cho thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời biến khu sản xuất dâu tây thành điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp hấp dẫn tại Bắc Hà.

Tập đoàn Nông nghiệp Dooho có thể kiểm tra, theo dõi, điều khiển thiết bị hoạt động sản xuất từ Hàn Quốc thông qua hệ thống mạng.

Cả hai dự án bước đầu cho kết quả khả quan, đang dần hiện thực hóa chủ trương của huyện, đó là đưa Bắc Hà trở thành vùng trọng điểm sản xuất dâu tây công nghệ cao của Lào Cai, đồng thời là điểm đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết, nhất là đất đai, đòi hỏi huyện Bắc Hà cần quan tâm giải quyết vấn đề này.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

Khó khăn trong việc ngăn chặn lây lan bệnh khảm lá sắn

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), đến thời điểm này toàn tỉnh Quảng Trị đã có hơn 343 ha diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh mới, hiện chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ hiệu quả, biện pháp tốt nhất chỉ là tiêu hủy nguồn bệnh, ngăn chặn môi giới truyền bệnh để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, do tâm lý “tiếc công, tiếc của”, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên diện tích sắn bị bệnh nặng phải xử lý tiêu hủy theo khuyến cáo vẫn còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng.

Kiểm tra cây sắn bị bệnh khảm lá. Ảnh: LA

Với gần 1 ha trồng sắn, gia đình ông Lê Xuân Thành ở tại Hợp tác xã (HTX) Xuân Lộc, xã Hải Chánh, Hải Lăng mỗi năm thu được từ 30 - 40 triệu đồng. Vụ trồng sắn năm nay sau khi xuống giống được khoảng 10 ngày cây sắn bắt đầu xuất hiện hiện tượng lá sắn bị khảm vàng loang lổ, xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Ban đầu chỉ bị trên một vài cây, sau đó lan ra khắp ruộng. Mặc dù được cơ quan chuyên môn kiểm tra và xác định cây sắn bị bệnh khảm lá do virus; loại bệnh hiện nay chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu mà cần phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy nhưng đến thời điểm này gia đình ông vẫn không thực hiện mà vẫn tiếp tục chăm sóc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết do đây là loại bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện trên cây sắn, chưa biết gây hại thế nào nên ông quyết định vẫn tiếp tục chăm sóc, lên luống, bón phân cho diện tích sắn của mình với hy vọng cây sắn sẽ vượt qua được dịch bệnh. “Do đây là diện tích đất xấu, chỉ phù hợp với trồng cây sắn, nếu đưa các loại cây khác vào trồng thì không biết có sống được không. Hơn nữa do mấy ngày nay trời có mưa nên cây sắn lại tiếp tục ra lá non nên tôi quyết định để “liều” như vậy, không nhổ bỏ mà tiếp tục chăm sóc để cây sắn tiếp tục phát triển, hy vọng sẽ lấy lại được vốn”, ông Thành cho hay.

Theo ông Lê Văn Thọ, Ủy viên HĐQT HTX Xuân Lộc, sau khi xuống giống được khoảng 20 ngày thì trên một số diện tích trồng sắn của HTX bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá sắn. HTX đã thông báo cho các hộ xã viên kiểm tra, hướng dẫn phun thuốc phòng trừ môi giới truyền bệnh để tránh lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, do vào thời điểm mùa vụ gieo trồng lúa và dịp Tết Nguyên đán nên người dân có phần lơ là, dẫn đến toàn bộ diện tích hơn 45 ha trồng sắn đều bị bệnh khảm lá sắn, với tỉ lệ bệnh từ 80 - 100%. Ông Thọ cho biết, mặc dù theo khuyến cáo của UBND xã và Trạm TT&BVTV huyện là phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy nhưng do không có sự hỗ trợ của nhà nước nên hầu hết người dân không nhổ bỏ mà vẫn tiếp tục chăm sóc, bón phân với hy vọng cây sắn sẽ phục hồi. “Chi phí để trồng 1 sào sắn chỉ khoảng 200.000 đồng, trong khi để tiêu hủy phải mất từ 250.000 - 300.000 đồng; lại không được hỗ trợ gì của nhà nước nên hầu như các hộ xã viên đều không tiêu hủy mà vẫn tiếp tục chăm sóc với hy vọng cây sắn sẽ phục hồi và cho thu hoạch dù có ít hơn trước đi chăng nữa”, ông Thọ chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết: Sau khi có kết quả giám định mẫu khẳng định cây sắn trên địa bàn xã bị bệnh khảm lá, UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo các HTX thông báo rộng rãi cho nhân dân kiểm tra ruộng sắn; hướng dẫn tổ chức tiêu hủy bằng cách nhổ bỏ cây bị bệnh và đốt với những diện tích bị bệnh trên 70% để tránh lây lan ra diện rộng; vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như ngô, lạc… phù hợp theo từng chân đất, đảm bảo kịp thời vụ. Đồng thời kiến nghị lên cấp trên có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại và giống cây trồng như ngô, lạc để kịp trồng lại, tránh bỏ hoang đất canh tác. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, lại không có sự hỗ trợ của nhà nước, đất đai trồng sắn đa số là đất xấu không phù hợp với các loại cây trồng khác nên hầu như người dân không tiêu hủy mà vẫn để lại tiếp tục chăm sóc. Do vậy, từ một số diện tích bị bệnh ban đầu, đến nay theo thống kê của UBND xã Hải Chánh, đã có hơn 200 ha bị bệnh khảm lá do virus gây hại trên diện tích 235,7 ha diện tích trồng sắn toàn xã. “Với tỉ lệ bệnh hại đa số trên 70%, cục bộ một số diện tích trên 90% thì khả năng năm nay cây sắn không cho thu hoạch, ảnh hưởng lớn để thu nhập của người dân”, ông Sinh thông tin.

Huyện Hải Lăng là địa phương có diện tích sắn bị bệnh khảm lá gây hại khá nặng. Toàn huyện có 1.410 ha diện tích trồng sắn thì đến thời điểm này đã có hơn 315 ha bị nhiễm bệnh, trong đó tỉ lệ bệnh gây hại trên 70% là hơn 212 ha; phân bố tập trung ở các xã Hải Chánh, Hải Tân, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Vĩnh, Hải Dương. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết: Bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Đây là bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là trên cây sắn trồng mới xuất hiện các khảm vàng loang lổ trên lá, một số diện tích bị nặng lá sắn bị xoăn, cong queo, nhăm nhúm, sinh trưởng kém. Khi cây sắn còn non bị nhiễm virus sẽ không cho củ; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn có biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ khi cây sắn còn non đến 2 tháng tuổi. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, Trạm TT&BVTV đã tăng cường cán bộ về các địa phương để hướng dẫn cách nhận biết, vận động người dân tiêu hủy sắn bị bệnh, không được trồng mới lại ngay trên những diện tích đã tiêu hủy để hạn chế thiệt hại và tránh lây lan ra diện rộng. Theo ông Tuấn, người dân vẫn đang chần chừ vì tâm lý “tiếc công, tiếc của” khi phải nhổ bỏ số sắn bị nhiễm bệnh, cộng với trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước khiến diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ngày càng gia tăng. Theo ông Tuấn, do virus gây bệnh khảm lá sắn tồn tại trong thân, lá, củ sắn nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau thì virus tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây mới mọc mầm; củ sắn còn sót lại trên ruộng mà nhiễm virus thì khi mọc mầm cũng bị xoăn lá và là nguồn bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng. Ngoài ra, bệnh khảm lá sắn còn lây lan qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Cụ thể, khi chích hút trên cây sắn bị bệnh bọ phấn trắng sẽ hút cả virus vào cơ thể, khi chích hút trên cây khỏe sẽ truyền virus sang làm cây bị bệnh. “Thông qua 2 cơ chế lây truyền trên, nếu không tiêu hủy triệt để cây bệnh, phun thuốc diệt trừ môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng thì bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, hiện nay diện tích sắn bị bệnh nặng trên địa bàn huyện Hải Lăng được người dân xử lý theo khuyến cáo còn rất hạn chế hay nói thẳng ra là hầu như chưa có, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn còn lại là rất cao”, ông Tuấn khẳng định.

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh dự kiến gieo trồng hơn 10.000 ha sắn, đến thời điểm này đã trồng mới được khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, qua điều tra tình hình dịch bệnh của Chi cục TT&BVTV, toàn tỉnh đã có hơn 343 ha diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; phân bố chủ yếu ở các huyện Hải Lăng 315,86 ha, Vĩnh Linh 1,6 ha, Triệu Phong 0,2 ha, Gio Linh 0,1 ha và TX. Quảng Trị 26 ha. Bệnh hại chủ yếu trên giống KM 94, KM 140 ở giai đoạn cây con, nguồn bệnh chủ yếu xuất phát từ hom giống. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, đến nay chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Theo đó, cần tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt đối với những ruộng sắn có tỉ lệ nhiễm bệnh nhỏ hơn 70%; đối với những ruộng sắn có tỉ lệ bệnh trên 70% thì tiến hành nhổ toàn bộ cây trên ruộng, thu gom và đốt; đối với các ruộng sắn có cho thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ, còn thân, lá thì đem tiêu hủy. Tuy nhiên, mặc dù Chi cục TT&BVTV và các địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động nhằm giúp người dân có nhận thức rõ về căn bệnh nguy hiểm này nhưng đến nay tiến độ thực hiện việc xử lý, tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá sắn vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý của người dân không muốn phá bỏ; trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước giống như khi tiêu hủy đối với các loại cây trồng, con nuôi khác.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn cho biết: Hiện nay cây sắn đang ở cây con rất dễ nhổ để tiêu hủy, khối lượng thu gom sau khi nhổ ít nên thuận lợi cho việc thu gom để xử lý. Còn về sự hỗ trợ của nhà nước thì theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì cây sắn không nằm trong diện đối tượng cây trồng được hỗ trợ. Do vậy giải pháp trước mắt vẫn là vận động, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm việc tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh, vệ sinh đồng ruộng để tránh lây lan. Chi cục TT&BVTV sẽ tăng cường công tác điều tra, dự báo phát sinh của bệnh và sự xuất hiện của môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng để hướng dẫn người dân khoanh vùng phun thuốc xử lý. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp để đảm bảo kinh tế cho người dân. UBND các xã, cơ quan chuyên môn liên quan, các kênh thông tin trên địa bàn các huyện cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của bệnh khảm lá sắn và biện pháp phòng chống cho người trồng sắn; đồng thời tiến hành rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để kịp thời phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh, không được chủ quan trong công tác phòng bệnh, tránh nguy cơ trở thành “đại dịch” trên loại cây trồng này.

Lê An

Tăng thu nhập từ trồng mè

Nguồn tin: Báo Long An

Hơn 1.300ha mè vụ Xuân Hè năm 2020 ở 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tỉnh Long An trong giai đoạn đẻ nhánh, ra hoa. Nông dân đang tích cực chăm sóc, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Nông dân tích cực chăm sóc cây mè

Thời gian qua, bên cạnh cây lúa, nông dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Tân Hưng, Vĩnh Hưng còn trồng xen canh thêm các loại rau màu khác để cải tạo đất và tăng thu nhập. Trong đó, việc trồng xen canh cây mè giữa 2 vụ lúa được nhiều nông dân chú trọng áp dụng và bước đầu cho thấy hiệu quả khá.

Trong vụ mè Xuân Hè năm 2020 này, nông dân trên địa bàn huyệnTân Hưng xuống giống được gần 800ha, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B. Hiện số diện tích mè phát triển tốt, đang ở giai đoạn cây con, đẻ nhánh và ra hoa, nông dân tích cực chăm sóc để mè cho năng suất cao khi thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Anh, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, giá mè ở mức cao nên vụ sản xuất mè vừa qua, gia đình anh có lợi nhuận khá, hơn 25 triệu đồng/ha. Trong vụ Xuân Hè này, gia đình anh tiếp tục xuống giống 4ha (giống mè đen) đến nay được hơn 40 ngày tuổi. Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, mè trong giai đoạn trổ hoa nên anh tích cực chăm sóc, dự kiến cho thu hoạch vào đầu tháng 4 tới.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân đã xuống giống hơn 530ha mè vụ Xuân Hè, tập trung nhiều ở các xã Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Trị và Thái Bình Trung. Hiện có khoảng 100ha chuẩn bị thu hoạch, số diện tích còn lại trong giai đoạn đẻ nhánh, ra hoa.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Cang cho biết: Những năm qua, mô hình xen canh “2 vụ lúa, 1 vụ màu” được nhiều nông dân trên địa bàn thực hiện, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích. Trong đó, cây mè là một trong những loại cây trồng được nông dân ưa chuộng, hiệu quả kinh tế mang lại khá hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Cần có hướng ổn định đầu ra, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác cây mè

Theo nhiều hộ dân trồng mè cho biết, cây mè phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nhất là những diện tích đất cát, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, rất thích hợp cho việc trồng xen canh giúp diệt cỏ dại, cải tạo đồng ruộng, tăng thêm độ màu mỡ cho đất. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu ra sản phẩm mè không ổn định, nông dân trồng mè chủ yếu tự tìm thương lái để bán nên hiệu quả sản xuất không cao.

Để cây mè phát triển bền vững, thời gian tới, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn, có hướng liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho cây mè. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác cây mè, cũng như đầu tư nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, để bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho cây mè phát triển vào thời điểm khô hạn, giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích mè, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương./.

Văn Đát

Tái cơ cấu chăn nuôi lợn. Bài 2: Xây dựng chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Cơ cấu lại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ đã và đang được khuyến khích. Các địa phương cũng quyết liệt hơn trong xây dựng, nhân rộng những mô hình này.

Chăn nuôi phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học

Xây dựng chuỗi liên kết

Trước sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (TLCP), từ các doanh nghiệp đến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã tích lũy được kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh.

Ông Tôn Văn Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chia sẻ, trước và sau khi xuất hiện dịch, các giải pháp chăn nuôi an toàn đã được triển khai ở hầu hết các trang trại của CP.

Theo đó, các trang trại trong chuỗi liên kết đều thiết lập các vành đai chống dịch từ xa. Tất cả người, phương tiện vào trại đều được khử trùng, cách ly tại khu vực riêng trước khi vào khu vực trang trại, không tiếp xúc với chuồng nuôi. Phương tiện từ nơi khác vào trại được phun thuốc khử trùng, sau 2h mới vào khu trại. Người muốn vào trại cũng phải tắm rửa sát trùng và ở tại khu vực cách ly của trang trại, ăn ở tại đây một thời gian mới được vào trại.

Người làm việc trong trại cũng được giới hạn theo nhiệm vụ của mình, không sang những khu vực khác để tránh mang mầm bệnh lây chéo giữa các khu chuồng. Khu vực chăn nuôi, kho bãi đều được lắp đặt tia UV kháng khuẩn với khoảng cách 7m/đèn.

Theo ông Tuấn, các trang trại đều phải thực hiện nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Quanh khu vực trang trại không chỉ có tường rào, mà hệ thống trang trại của CP còn được giăng lưới đến cả muỗi cũng không thể lọt vào. Công tác phòng bệnh được tăng cường tối đa. Công ty cũng tiến tới sử dụng các dụng cụ vệ sinh, ăn uống độc lập cho từng chuồng nuôi, hạn chế việc lây lan nguồn bệnh. Cùng với các biện pháp chống dịch, trang trại tăng cường sức đề kháng của toàn bộ đàn lợn.

Đó cũng là kinh nghiệm của các đơn vị chăn nuôi lớn trên địa bàn như: Lam Điền, Thái Việt, 1/5. Một số trang trại còn thực hiện cách ly, sát trùng, giám sát người, phương tiện muốn vào trại tại khu vực riêng 2-3 ngày mới được vào trại, ứng dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, hữu cơ. Các mô hình chuỗi liên kết, tập trung khâu chế biến cũng đã có những bước phát triển với sự tham gia của Tập đoàn Quế Lâm, CP, Công ty Quốc Trung…

Chăn nuôi an toàn sinh học

Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 14.000 con lợn được nuôi mới, trong đó lợn nái có khoảng 500 con (đạt khoảng 10% tổng đàn). Doanh nghiệp và trang trại lớn tái nuôi 183 con lợn nái và 8.500 con lợn thịt. Lợn tái đàn được nuôi phần lớn tại các trang trại bảo đảm ATSH, các gia trại nuôi lợn tập trung, các hộ có đất đai rộng, cách ly, cách biệt với nhà ở và áp dụng các biện pháp ATSH. Các địa phương đã công bố hết dịch hoặc địa phương chưa xảy ra dịch cũng đang tiếp tục nuôi mới.

Trên cơ sở thành công của các mô hình bước qua dịch, UBND tỉnh đã thống nhất đề án phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, theo hướng an toàn sinh học, tại các huyện Quảng Điền và Phong Điền làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, huyện đang xây dựng đề án hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Các gia trại sẽ có quy mô 3 con lợn nái, 36 con lợn thịt/hộ. Dự kiến trong năm 2020, huyện sẽ triển khai nuôi ở 15 hộ và các năm sau sẽ tiếp tục nhân rộng, góp phần tái đàn lợn hiệu quả và bền vững.

Theo đề án này, đến năm 2025, huyện Quảng Điền sẽ có 110 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo ATSH theo chuỗi giá trị, với quy mô thường xuyên 330 con lợn nái và 3.960 con lợn thịt trong vùng đề án. Hiện, công tác khảo sát các hộ nuôi đã được triển khai.

Tại Phong Điền cũng triển khai các vùng chăn nuôi lợn tập trung ATSH tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích quy hoạch gần 308 ha. Các huyện khác cũng đưa ra lộ trình triển khai thực hiện, trong đó chủ yếu đầu tư từ năm 2020 đến năm 2022, sau đó là triển khai nhân rộng.

Truy suất nguồn gốc

Theo nhận định của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Hưng, nội dung quan trọng không kém trong tái cơ cấu chăn nuôi lợn, chính là chuyển dịch sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thay thế dần thịt lợn trong khẩu phần ăn. Hướng đi này đang phát huy hiệu quả khi tổng đàn gia cầm trên địa bàn tăng nhanh, hiện có khoảng 3.985 nghìn con, tăng 31,4%, so với năm 2018, trong đó, tổng đàn gà có 3.248 nghìn con, tăng 47,2%.

Ngoài ra, các trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học cần xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp, tức là chăn nuôi cùng lúc nhiều loại vật nuôi tránh đầu tư tập trung để giảm gánh nặng khi có dịch hay yếu tố bất lợi xảy ra.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật nuôi, trồng theo hướng an toàn, truy xuất được nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị cũng như hạn chế được những rủi ro.

Nghĩa là ngay từ bây giờ, ngành chăn nuôi cần có những bước đi phù hợp hơn, bắt đầu từ việc liên kết, xây dựng các mô hình VietGAP, hữu cơ. Trong năm 2020, chi cục sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ cấp chứng nhận hữu cơ cho các cơ sở, khu vực đạt chuẩn làm giấy thông hành; đẩy mạnh hỗ trợ truy suất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Bến Tre: Nông dân nuôi gà ta thả vườn bán được giá cao

Nguồn tin: Báo cần Thơ

Nông dân nuôi gà ta thả vườn tại tỉnh Bến Tre hiện rất phấn khởi vì giá gà ta tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước, lên ở mức khá cao, giúp người chăn nuôi đạt được mức lợi nhuận rất tốt.

Mô hình tận dụng vườn dừa để nuôi gà ta thả vườn tại một hộ dân ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Gà ta loại 1 (gà lông đẹp, khoảng 1,7kg/con trở lên) đang được nông dân bán cho thương lái với giá 82.000 đồng/kg, giá bán xô nguyên bầy trên dưới 75.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi gà có thể kiếm lời từ 30.000-35.000 đồng/con gà sau khoảng 4,5 tháng nuôi. Như vậy, với số lượng đàn gà khoảng 1.000 con, người nuôi có thể kiếm lời 30-35 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Nhiều nông dân tại tỉnh Bến Tre đã tận dụng các diện tích vườn dừa cho bóng mát để bao lưới xung quanh, thả nuôi gà ta. Bên cạnh việc tận dụng các vật liệu “cây nhà, lá vườn” để làm chuồng cho gà giảm chi phí đầu tư, nông dân còn sử dụng các chuồng heo bỏ trống sau dịch bệnh tả heo châu Phi để làm chỗ ngủ và tránh mưa cho gà nuôi thả vườn.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Yêu cầu 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục giảm giá thịt lợn hơi

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm và đôn đốc việc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Sau 3 tháng khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Phú Thọ đã tăng hơn 20 nghìn con với tổng số gần 629.000 con, bằng 74% tổng đàn so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi (835.000 con). Mỗi tháng, tỉnh Phú Thọ cung cấp ra thị trường hơn 90 nghìn con - tương đương khoảng 9 nghìn tấn thịt lợn hơi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, cả nước có 109 nghìn con giống nguồn; 2,7 triệu lợn nái; 22 triệu con lợn thương phẩm. Tốc độ tái đàn như hiện nay sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân về thịt lợn và mức giá ngày càng được cải thiện.

Bộ NN&PTNT yêu cầu 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về tiếp tục giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 75.000 đồng/kg; đồng thời, giảm dần xuống mức hợp lý, bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

NGỌC QUỲNH

Thả cá thể rùa quý về môi trường biển

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin vào sáng 10/3, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đã thả cá thể rùa biển quý hiếm về môi trường tự nhiên.

Thả rùa về biển

Vào lúc 23 giờ, ngày 8/3, ông Lê Tỵ ở Phú Đa (Phú Vang) trong lúc đi kéo lưới đã phát hiện một cá thể rùa bị mắc lưới. Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh trực tiếp làm việc với địa phương và ông Tỵ để cứu hộ, chăm sóc cá thể rùa.

Cá thể rùa biển này được xác định thuộc loài Đồi mồi Dứa, thuộc họ Vích, bộ rùa biển có tên khoa học là Chelonia agassizii. Thân rùa dài 52cm, rộng mai 35cm, nặng 10kg, mai hình oval, mai có vây dạng lợp ngói, màu vàng. Mép mai có răng cưa sắc, thể trạng tốt. Đồi mồi Dứa là loài rùa biển quý nằm trong sách đỏ Việt Nam, cấp độ nguy cấp (EN), cần được bảo tồn.

Trước đó, ngày 5/3, tại thôn Mai Dương, xã Quảng Phước (Quảng Điền), ông Nguyễn Chi trong lúc đi làm nghề đã bắt gặp một cá thể rùa biển. Được sự vận động của cơ qua chức năng, ông Chi đã thả cá thể rùa về với môi trường biển cùng ngày.

Tin, ảnh: Hoàng Triều

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop