Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 04 năm 2021

Bán 72 tấn cam sau một buổi livestream

Nguồn tin: VnExpress

Cam bóc Phủ Quỳ của Nghệ An khó đầu ra, đặc biệt từ đầu năm nay do Covid-19 nên UBND huyện này phối hợp với doanh nghiệp tổ chức bán hàng qua livestream.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Mia Fruit, thành viên Ban vận động Hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá cam, quýt do UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thành lập, cho biết buổi livestream tại vườn hôm 8/4 bán được 72 tấn cam chỉ trong buổi sáng. Trong đó, phần livestream tham quan vườn cam của một Tiktoker nổi tiếng đã thu hút được hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác, hơn 3.000 lượt bình luận.

Ban đầu, chương trình định tìm một người đại diện (host) để livestream cùng nông dân nhưng lại nhận được sự ủng hộ tham gia của nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, trong đó có anh Lê Thành Vân, Chủ tịch GUMAC, người nổi tiếng livestream theo phong cách nông dân về tận vườn hỗ trợ.

Cùng với kênh livestream, Ban vận động cũng tổ chức bán qua sàn thương mại điện tử, website bán cam của chương trình và các thành viên như Trang trại Nông sản Phủ Quỳ và Mia Fruit. Nhờ đó, các đại lý ở Hà Nội, TP HCM, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng... đặt rất nhiều, trong đó có đại lý đặt tới 10 tấn.

Nông dân tuyển lựa cam để đóng thùng. Ảnh: Mia.

Ông Quán Vi Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đánh giá, chương trình đã mang một "làn gió mới" về cách kinh doanh nông sản cho địa phương, nhất là trong bối cảnh Nghệ An còn khoảng hơn 10.000 tấn cam bóc Phủ Quỳ, một nửa là của huyện Quỳ Hợp.

Giá cam tại vườn đang rất thấp. Trước khi có chiến dịch, người nông dân bán với mức giá 3.000-4.000 đồng một kg. Do các chương trình giải cứu không đúng cách, càng đẩy mức giá tại vườn xuống còn 2.000, thậm chí là 1.500 đồng một kg.

"Nhiều chương trình hỗ trợ nông sản nổ ra với tinh thần tương thân tương ái, nhưng do các đội không hiểu rõ đặc tính sản phẩm và thị trường, thu mua hàng xô bao gồm cả hàng loại, xấu, vô tình tạo hiệu ứng ngược khi chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng không đảm bảo", thành viên ban vận động nói.

Vì thế, họ lên kế hoạch chi tiết, hỗ trợ nông dân tuyển lựa và đóng gói sản phẩm theo quy chuẩn để đẩy ra thị trường. Chương trình đang mua cho nông dân với giá 5.000-6.000 đồng một kg và bán ra cam loại 1 giá 150.000-170.000 đồng một thùng 10 kg.

Sau khi đặt mua trong livestream, khách hàng ở các vùng có điểm trung chuyển cam đã được thiết lập có thể giao trong ngày. Những nơi chưa có điểm trung chuyển, chương trình sẽ cùng kêu gọi hỗ trợ lập điểm trong 5-7 ngày có thể giao hàng được. Với một số nơi quá xa điểm trung chuyển, chương trình sẽ hẹn thời gian sớm nhất có thể.

"Chương trình cũng đang nghiên cứu một kế hoạch lâu dài cho việc ứng dụng livestream cho nông dân trực tiếp", bà Huyền cho biết thêm.

Dỹ Tùng

Truy xuất nguồn gốc vải thiều: Làm tốt từ khâu sản xuất

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Để vải thiều tiêu thụ thuận lợi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhất là thị trường Nhật Bản, cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang tập trung hướng dẫn, giám sát nhà vườn thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, bảo đảm các điều kiện để gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm theo đúng quy định.

Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí

Vụ vải thiều năm ngoái có một lô hàng đóng gói mã số của huyện Lục Ngạn qua cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc bị sâu đục cuống quả, mã xấu. Lực lượng chức năng kiểm tra cho thấy, số hàng hóa trên không phải của địa phương. Vấn đề này đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp phép và thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm bảo đảm uy tín, chất lượng vải thiều Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung.

Nông dân thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên) chăm sóc vải sớm.

Năm nay, toàn tỉnh có 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật với 30 mã vùng; 218 ha xuất khẩu sang Mỹ, EU với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng. Tất cả diện tích này đều được hướng dẫn, kiểm soát quá trình chăm sóc và làm truy xuất nguồn gốc.

Để giúp các đơn vị thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải, tỉnh đã phê duyệt kinh phí, giao Sở Công Thương hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn làm tem, nhãn, bao bì sản phẩm. UBND huyện Lục Ngạn còn hỗ trợ 50% kinh phí làm tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX, DN tiêu thụ vải thiều đáp ứng đủ điều kiện.

Địa phương đang phối hợp với VNPT Bắc Giang thống nhất mẫu tem, nhãn, quy cách bao gói sản phẩm; thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử giúp thuận lợi cho người dân, khách hàng khi mua sản phẩm vải thiều thuận tiện kiểm tra, theo dõi qua điện thoại thông minh. Cùng đó, các HTX, DN chủ động giải pháp nâng chất lượng sản phẩm, các điều kiện để xuất khẩu. Tại Tân Yên, ngoài hỗ trợ của UBND huyện, các thành viên HTX, DN còn tự góp kinh phí làm tem, nhãn, bao bì đóng gói vải thiều.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có hơn 40 tổ hợp tác, HTX sản xuất, tiêu thụ vải thiều và hàng trăm cơ sở đóng gói đã có tem nhãn đầy đủ. Vì vậy, ngoài việc quản lý, kiểm soát hướng dẫn các hộ dân sản xuất vải thiều bảo đảm quy trình, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, quản lý các cơ sở đóng gói hàng hóa, không để xảy ra tình trạng bán tem nhãn trôi nổi trên thị trường hoặc hàng một đằng, tem một nẻo, tạo điều kiện cho vải kém chất lượng trà trộn để trục lợi, làm mất uy tín vải thiều Bắc Giang.

Tuân thủ nghiêm quy trình

Mới đây, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là tin vui giúp vải thiều rộng cửa tiêu thụ. Rút kinh nghiệm từ vụ vải trước, ngay từ đầu năm nay, tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện sản xuất vải thiều theo các tổ hợp tác, HTX và quản lý chặt vùng trồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào canh tác theo quy trình an toàn, VietGAP, GlobalGAP như: Lắp camera giám sát, ghi sổ nhật ký chăm sóc... tạo thuận lợi cho quản lý, truy xuất nguồn gốc.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT): Năm nay, toàn tỉnh có 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải xuất đi Nhật hơn 200 ha với 30 mã số vùng trồng; 18 mã số vùng với 218 ha xuất khẩu sang Mỹ, EU; 149 mã số vùng gồm 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc".

Lục Ngạn có diện tích vải thiều hơn 16 nghìn ha, trong đó 194,5 ha (27 mã vùng) được cấp đi Nhật Bản. Thời gian này, cán bộ chuyên môn Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại các xã, nhất là vùng trồng xuất khẩu.

Năm nay, gia đình ông Hoàng Văn Minh, thôn Chay, xã Phì Điền bắt đầu sản xuất vải xuất khẩu sang Nhật Bản. Được cán bộ thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc bảo đảm an toàn, chủ vườn còn tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký bón phân, phun thuốc BVTV. Sử dụng nước sạch tưới cho vải, không dùng thuốc trừ sâu, bệnh trôi nổi mà theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Vì thế, 1 ha vải thiều của gia đình phát triển tốt, nhiều quả, đủ điều kiện gắn tem truy xuất.

Tại xã Phì Điền còn có 9 hộ sản xuất vải xuất khẩu sang Nhật Bản với quy mô khoảng 10 ha và hơn 30 thành viên HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền cũng được hướng dẫn, thực hiện nghiêm quy trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, định kỳ từ 1 đến 2 tuần, đơn vị phối hợp kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký của các xã để kịp thời hướng dẫn phương pháp chăm sóc phù hợp; khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau.

Huyện Tân Yên và Lục Nam cũng vừa được cấp 2 mã vùng trồng vải đi Nhật Bản, các đơn vị chuyên môn cũng đang chỉ đạo bà con thực hiện đúng quy trình canh tác, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, hiện vải đang trong giai đoạn quả non. Vải thiều còn 1-2 đợt rụng quả sinh lý (tùy trà), căn cứ tình hình thời tiết, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con bón phân NPK giúp hạn chế rụng quả, kết hợp tỉa cành, chú ý giữ ẩm, phòng trừ sâu, bệnh. Năm nay, Chi cục và phòng nông nghiệp và PTNT các huyện tập trung cao cho chỉ đạo sản xuất vải thiều, bảo đảm nâng sản lượng, chất lượng và chú trọng thực hiện nghiêm quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu.

Bài, ảnh: Hoàng Phương

Thừa Thiên Huế: Nghiên cứu giống sắn kháng bệnh khảm lá

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Với hơn 1.000 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá khiến nông dân nhiều địa phương gặp khó khăn. Công tác nhổ bỏ, tiếp tục phòng trừ dịch bệnh và nghiên cứu giống sắn thay thế đang được ngành chức năng tích cực triển khai.

Cây sắn nhiễm bệnh khảm lá với đặc tính mặt lá bị quăn, vàng loang lổ

Diễn biến phức tạp

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2021, kế hoạch toàn tỉnh trồng khoảng gần 4.200 ha sắn, hiện đã trồng khoảng 3.557 ha sắn đang giai đoạn phát triển thân lá.

Đến nay, bệnh khảm lá sắn gây hại khoảng hơn 1.000 ha tập trung tại các địa phương như Phong Điền 597 ha, Hương Trà 426 ha, A Lưới 48 ha. Tuy nhiên, diện tích đã nhổ bỏ tiêu hủy mới chỉ khoảng 8 ha tại Hương Trà (HTX Phú An 6,5 ha, HTX Tây Xuân 1,5 ha).

Trên nhiều cánh đồng chuyên canh sắn, xen sắn ở các địa phương, hàng trăm diện tích sắn bị nhiễm bệnh với biểu hiện mặt lá cây sắn bị quăn, vàng loang lổ.

Ông Hoàng Khôi (Phong Hiền, Phong Điền) cho biết, từ đầu tháng 1/2021 đến nay, các vùng trồng sắn bị dịch bệnh khảm lá trước đây tiếp tục triển khai trồng vụ mới, gia đình cũng trồng 3 sào chuyên sắn với một số diện tích sắn xen đậu lạc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn ở các địa phương

Dù sử dụng nguồn giống mới đem về nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Vụ sắn trước nhổ bỏ, đến nay gia đình vẫn chưa triển khai nhổ do chưa biết trồng cây gì thay thế cho hiệu quả.

“Nguồn bệnh đã nhiễm trong đất, vụ thứ 2 nhiễm bệnh rồi. Nếu tiếp tục trồng cây sắn có khả năng dịch bệnh sẽ tiếp diễn. Vậy nên trồng cây gì cho phù hợp nông dân ở đây cũng đang tính đến”, ông Khôi cho hay.

Tại phường Hương Xuân (Hương Trà), nhiều diện tích sắn mới trồng xuất hiện các khảm vàng loang lổ trên lá. Một số khu vực nặng khiến lá sắn xoăn lại, cong queo, nhăn nhúm, sinh trưởng kém. Hiện, hầu hết các diện tích trồng sắn tại địa phương này đã nhiễm bệnh khảm lá, gây khó khăn, thiệt hại lớn cho nông dân.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (CCTT&BVTV, Sở NN&PTNT) thông tin, sau khi điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên địa bàn các huyện, thị, đơn vị đã chỉ đạo, phân công bố trí cán bộ phối hợp với Phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, chính quyền địa phương, HTX kiểm tra đồng ruộng, đánh giá tình hình bệnh khảm lá và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ, xử lý.

Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện các cây có triệu chứng bệnh khảm lá như khảm vàng loang lổ trên lá, lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm... để nhổ bỏ đem ra khỏi ruộng tiêu hủy nhằm hạn chế bệnh lây lan và yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo nông dân trồng dặm lại bằng hom giống sạch bệnh hoặc nghiên cứu có kế hoạch chuyển đổi cây trồng khác nhằm hạn chế bỏ đất trống không sản xuất.

Giải pháp lâu dài

Theo Sở NN&PTNT, ngay từ đầu niên vụ mới, đơn vị tăng cường kiểm tra phát hiện bệnh sớm và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời đối với bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp tiêu hủy, phòng trừ bệnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng bị bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn.

Mới đây, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Trước mắt, tiến hành nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng. Giải pháp trước mắt, để ngăn chặn bệnh khảm lá sắn, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng bị bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện sớm và chỉ đạo biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời; theo dõi chặt chẽ bọ phấn (môi giới truyền bệnh) gây hại trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý và phòng trừ để hạn chế bệnh khảm sắn lây lan.

Theo Sở NN&PTNT, trong các vụ tiếp theo, cần nghiên cứu thay đổi cơ cấu giống, tập trung chọn các giống sắn kháng bệnh khảm lá. Cục BVTV- Bộ NN&PTNT đã tổ chức đánh giá giống kháng bệnh khảm lá của Tập đoàn giống sắn do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh thực hiện tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Cục BVTV thống nhất xác định được 2 giống sắn HN3 và HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt, dù trồng trực tiếp trên đồng ruộng nơi có áp lực bệnh rất cao như Tây Ninh, 2 giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với các giống khác như KM94, KM140, KM419…

Nhà máy sắn tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy) liên hệ, phối hợp với các đơn vị liên quan để làm dịch vụ cung ứng giống sắn HN3 và HN5 cho nông dân trên địa bàn tỉnh trồng trong vụ Đông Xuân 2021-2022.

Sở NN&PTNT đề xuất các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế, Viện Công nghệ sinh học-Đại học Huế để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nhân giống sắn sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện chế độ luân canh sang một số cây trồng khác.

Chi cục TT&BVTV tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến thông tin, tác hại của bệnh khảm lá sắn, thường xuyên kiểm tra ruộng nhằm phát hiện sớm cây sắn nhiễm bệnh để hướng dẫn nông dân nhổ, tiêu hủy và kiểm tra bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) để chỉ đạo phun trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh chủ quan để bệnh lây lan trên diện rộng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ IoT trong trồng nấm linh chi đỏ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Nấm linh chi là vị thuốc quý từ thiên nhiên đã được sử dụng hàng ngàn năm nay để bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh. Nấm linh chi thích hợp với nhiệt độ 22-28 C, độ ẩm không khí 80-90%, ánh sáng khuếch tán, chiếu đều mọi phía, không được có ánh nắng chiếu trực tiếp, thoáng, kín gió và sạch sẽ.

Việc áp dụng công nghệ IoT trong trồng nấm linh chi đỏ không phụ thuộc vào thời tiết và kinh nghiệm của người trồng nhằm theo dõi và điều khiển các thông số nhiệt độ, độ ẩm không khí, ánh sáng và nồng độ khí CO2 trong nhà nấm, đảm bảo cho nấm được phát triển trong điều kiện phù hợp nhất mà không cần tác động của con người đang là xu thế phát triển hiện nay.

Năm 2020, từ nguồn ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai mô hình “Trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT” với quy mô 72m2 do 01 hộ tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương thực hiện và đã đạt được kết quả tốt.

Sau thời gian trồng và chăm sóc, nấm linh chi đỏ sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ phôi ra nấm 90%, thời gian từ trồng đến thu hoạch hết 2 đợt nấm khoảng hơn 6 tháng. Nấm đạt chất lượng tốt, ra tai đều, đẹp, màu vàng nhạt, trọng lượng nấm đạt 12-15 gram/tai, trọng lượng nấm khô trên mỗi bịch phôi nấm 24-30 gram, năng suất nấm khô đạt 250 kg/10.000 phôi/nhà nấm 72m2. Tổng thu qua 2 đợt thu hoạch nấm đạt 112.500.000 đồng, lợi nhuận đạt 29.300.000 đồng, lợi nhuận thu được mỗi tháng là 4.883.000 đồng/72m2 nhà nấm.

Các đại biểu kiểm tra mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT

So với mô hình trồng nấm linh chi đỏ thông thường, mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT có tổng chi phí (chi phí lắp đặt hệ thống, giống nấm, công lao động, điện nước, bảo trì hệ thống) cao hơn 4 - 5%, tuy nhiên năng suất lại tăng khoảng 8% -10%, do đó lợi nhuận hàng tháng tăng từ 20-22%.

Mô hình được bà con nông dân trồng nấm và bà con nông dân tại địa phương đánh giá cao. Đây là mô hình điểm để bà con nông dân đến tham quan học tập, điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm từng nhà nấm.

Với những kết quả mô hình đạt được cho thấy trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT góp phần giảm công lao động, tăng năng suất nấm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng nấm linh chi đỏ, góp phần xây dựng thương hiệu nấm "Linh chi đỏ Lâm Đồng" - một trong những đặc sản của địa phương.

Thu Hằng - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng

Chuyện về nông dân vượt khó làm giàu

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Từ phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, vượt khó, vươn lên làm giàu. Anh Nguyễn Văn Phước (xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một trong những nông dân như thế.

VƯƠN LÊN TỪ CÂY SẦU RIÊNG

Sinh ra và lớn lên trên vùng chuyên canh cây sầu riêng (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy), nhưng đến năm 2001, anh Nguyễn Văn Phước cùng vợ chuyển về xã Mỹ Long sinh sống. Tại đây, anh Phước canh tác 3.500 m2 nhãn tiêu da bò, nhưng cho thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Sau đó, anh vay ngân hàng 50 triệu đồng cải tạo lại đất vườn và mở rộng diện tích mương để trữ nước ngọt canh tác theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng).

Anh Nguyễn Văn Phước đến vườn hướng dẫn người dân chăm sóc cây sầu riêng.

Với 3.500 m2 đất canh tác, anh trồng 84 cây sầu riêng xen canh cây ớt hiểm trắng, còn dưới mương nuôi cá trê giống. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm lẫn kỹ thuật nuôi nên cá trê giống bị chết. Không nản chí, anh chuyển sang nuôi ếch nhằm khép kín mô hình VAC và tạo nguồn thu nhập lấy ngắn nuôi dài cho vườn sầu riêng. Thế nhưng, số phận vẫn chưa mỉm cười với anh, khi tiếp tục bị thất thu từ nuôi ếch.

Sau nhiều lần thất bại với mô hình VAC, anh Phước quyết định chỉ tập trung đầu tư vào cây sầu riêng. Từ đó, anh Phước chủ động tham gia các buổi trao đổi kinh nghiệm trồng, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng sầu riêng do các cấp tổ chức, cùng với những kiến thức mà anh đúc kết được về áp dụng vào vườn nhà. Kết quả, vườn sầu riêng của anh Phước cho năng suất khá cao.

Theo đó, mỗi năm vườn sầu riêng của anh Phước cho thu hoạch khoảng 7 tấn trái, bán giá bình quân 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 350 triệu đồng. Không những vậy, năm 2011, anh Phước còn mở đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ tận tình hướng dẫn nông dân về cách chăm sóc cây ăn trái, cách sử dụng nông dược cho cây trồng hiệu quả nên người dân tin dùng thuốc bảo vệ thực vật của anh. Nhờ vậy mỗi năm, gia đình anh có thêm thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2020 do ảnh hưởng hạn, mặn, sầu riêng thiệt hại nặng nề, cộng với vườn sầu riêng canh tác lâu năm dẫn đến năng suất thấp, nên đầu năm 2021, anh Phước quyết định chuyển sang trồng gấc, hiện vườn gấc đang phát triển tốt.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Phước còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Hưng (xã Mỹ Long). Phát huy vai trò chi hội trưởng, anh Phước luôn tích cực tham gia các phong trào, tuyên truyền các hoạt động do chính quyền địa phương phát động. Riêng năm 2020, anh Phước đã đóng góp 4 triệu đồng để xây dựng trụ sở ấp, dặm vá các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng; giúp các gia đình hộ nghèo trong ấp có điều kiện xây nhà mới khang trang với kinh phí 13 triệu đồng; tổ chức phát quà trung thu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và giúp cho 25 hộ nghèo, khó khăn với mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng…

Cùng với đó, anh thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ nông dân tham gia các chương trình sản xuất giảm chi phí, tăng thu nhập. Đồng thời, anh tích cực chủ động đề xuất với Hội Nông dân xã hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn tín chấp để sản xuất, buôn bán nhỏ, ổn định cuộc sống gia đình. Anh Phước cho biết, trong thời gian tới anh sẽ nghiên cứu liên kết các nhà tiêu thụ trái gấc và tiến hành thu mua trái gấc của nông dân nhằm giúp cho nông dân có đầu ra nông sản ổn định.

Qua những kết quả đạt được, những năm qua, anh Nguyễn Văn Phước đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

LÊ MINH

Đồng Nai: Kiếm soát tốt dịch, bệnh trên vật nuôi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Theo Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Đồng Nai, trong quý I, toàn tỉnh đã cung ứng gần 16,6 triệu liều Vacxin tiêm phòng bổ sung gia súc, gia cầm, trong đó gần 99,9 ngàn liều tiêm phòng dịch tả heo.

Đồng Nai thực hiện nghiêm việc tái đàn heo đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trang trại chăn nuôi heo tại huyện Trảng Bom thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Phan Anh

Các địa phương, chủ cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả heo Châu phi, như: Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định với nuôi tái đàn heo tại cơ sở chăn nuôi heo chưa bị bệnh dịch tả heo châu Phi hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh.

Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh này, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, được cấp chứng nhận VietGAHP, GlobalGAP hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu an toàn dịch bệnh. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nhu cầu tái đàn heo phải kê khai với chính quyền cơ sở theo quy định.

Từ tỉnh đến địa phương đều tích cực triển khai thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, thủy sản. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh đã phối hợp địa phương triển khai công tác tiêu độc, khử trùng trên 30,4 ngàn m2 cơ sở giết mổ và 4.650 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đánh giá chứng nhận 12 cơ sở an toàn dịch bệnh.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 661 trang trại được chứng nhận an toàn dịch bệnh và duy trì 38 xã vùng đệm, 5 vùng an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Phan Anh

Khử mùi hôi chuồng trại từ chế phẩm sinh học

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn đang là bài toán nan giải, nhất là hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đa phần quy mô nhỏ, nằm xen lẫn trong khu dân cư.

Phương pháp sử dụng chế phẩm để khử mùi hôi chuồng trại sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi rất đáng kể

Hằng năm, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thường xuyên nhận được phản ánh từ phía người dân về hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ của các hộ gia đình, cá nhân, trang trại gây ô nhiễm môi trường. Tồn tại này xuất phát từ ý thức và điều kiện kinh tế hạn chế trong việc đầu tư các công trình xử lý môi trường, chuồng trại không đảm bảo khoảng cách với nhà dân, dẫn đến ô nhiễm mùi hôi, nước thải. Hiện, toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò khoảng 51.200 con, tổng đàn lợn khoảng 137.800 con và tổng đàn gia cầm gần 4 triệu con.

Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 70 trang trại có quy mô vừa và lớn với doanh thu mỗi trại hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên, 10 trang trại do doanh nghiệp đầu tư theo quy mô công nghiệp. Không chỉ gây mùi hôi, các chỉ tiêu về môi trường như: BOD, COD, pH, coliform, tổng chất rắn lơ lửng trong chất thải... luôn ở mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép.

Để hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo môi trường, kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân, vừa qua, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học-Tập đoàn Quế Lâm đã tiến hành thực hiện dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học để khử mùi hôi chuồng trại và sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ chất thải chăn nuôi ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Trong đó, dự án đã xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm 403 Alfa Lacto bổ sung vào thức ăn với tỷ lệ 0,1%, 0,2%, 0,3% tuỳ thức ăn để xử lý mùi hôi trong cơ thể lợn và chế phẩm QL rải trực tiếp trên nền chuồng, chất thải với lượng 1kg/30m2 nền chuồng với tần suất 2-3 tuần/lần.

Hiệu quả về môi trường qua kết quả thử nghiệm cho thấy, lượng nước dùng trong chăn nuôi lợn giảm đáng kể. Có nghĩa chỉ dùng 20 lít/lần rửa chuồng/tuần cho 1 đầu lợn. Trong khi phương pháp nuôi thông thường cần lượng nước gấp 7 lần nhưng mùi hôi vẫn rất nặng, đồng thời làm phát sinh chất thải lỏng ra môi trường (nếu không có hầm biogas), làm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, dễ lây lan dịch bệnh.

Kết quả phân tích nước thải từ mô hình nuôi theo dự án và đối chứng phương pháp nuôi thông thường cho thấy, chỉ tiêu BOD5 và COD trong mô hình giảm 3 lần so với chăn nuôi bằng nước phổ biến thông thường. Chỉ tiêu năng suất, chất lượng thịt đối với mô hình nuôi sử dụng chế phẩm 403 Alfa Lacto và QL khử mùi hôi chuồng trại quy mô trang trại và gia trại đều cho hiệu quả kinh tế và môi trường cao hơn cách nuôi thông thường. Tỷ lệ sống đạt 100%; tăng trọng trung bình 18,7kg/tháng; tỷ lệ thịt móc hàm 79,1%; chất lượng thịt cao, tỷ lệ chất béo 29,1g/100g ở mô hình gia trại và 22,2g/100g mô hình trang trại; hóa chất và các vi sinh vật gây bệnh như coliform, E.coli không ghi nhận thấy trong mẫu thịt.

Dự án cũng đã xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ sinh học từ chất thải chăn nuôi có chất độn là phụ phẩm trồng trọt và thử nghiệm mô hình trồng lúa, rau theo hướng hữu cơ bằng việc sử dụng phân hữu cơ sinh học.

Dự án này được hội đồng nghiệm thu khoa học công nghệ tỉnh đánh giá cao về tính hiệu quả cũng như khả năng ứng dụng, nhân rộng, góp phần khắc phục ô nhiễm, quản lý mùi hôi chuồng nuôi cả quy mô gia trại và trang trại.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Ninh Thuận: Hướng tới mục tiêu đưa chăn nuôi gia súc trở thành ngành sản xuất chính

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tổ chức chăn nuôi khép kín chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai; nhằm đạt được mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong những năm tới.

Được đánh giá là “thủ phủ” chăn nuôi gia súc của cả nước, tuy nhiên hoạt động chăn nuôi ở tỉnh Ninh Thuận còn manh mún, tự phát, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật nuôi của nhiều nông hộ còn hạn chế. Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp để dành quỹ đất cho các chương trình, dự án phi nông nghiệp khác… là những yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình phát triển tổng đàn. Để tạo “cú hích” cho nghề chăn nuôi gia súc phát triển một cách bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030” đã tạo động lực quan trọng, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi trong vài năm trở lại đây phát triển tương xứng với tiềm năng tại địa phương.

Nông dân xã Phước Trung (Bác Ái) đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại cho thu nhập cao.

Dựa trên cơ sở định hướng của đề án, các địa phương tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi phù hợp với từng khu vực, khuyến khích, vận động nông hộ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi tập trung gắn với trồng cỏ. Từ sự hỗ trợ tích cực, nhiều hộ chăn nuôi chủ động tận dụng đất đai ở những khu vực xung quanh hồ đập, ven sông suối, nước giếng để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, với diện tích đạt 1.264 ha; đồng thời, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp, đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thức ăn cho gia súc. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi được ưu tiên triển khai đã tạo điều kiện hình thành các trang trại chăn nuôi với quy mô ngày càng lớn, với 26 trang trại nuôi bò, dê, cừu và 54 trang trại chăn nuôi heo tập trung hiện nay. Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến mô hình nuôi 600 con cừu vỗ béo theo phương thức nuôi nhốt của hộ ông Phạm Minh Quang, ở thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam), thông qua hỗ trợ của ngành chức năng, ông mạnh dạn đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô lớn, kết hợp trồng cỏ, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, mỗi lứa xuất bán khoảng 300 cừu con, sau khi trừ đi chi phí, cho thu lãi ổn định 150 triệu đồng.

Đáng ghi nhận hơn, mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị ngày càng được nhân rộng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi liên kết với nông dân theo hình thức bà con có chuồng trại, công chăm sóc, đất trồng cỏ, doanh nghiệp đầu tư vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo chu kỳ khép kín đưa đến lợi ích hài hoà cho các bên tham gia. Điển hình như chủ cơ sở giết mổ dê, cừu Bích Huyền, ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm); cơ sở Lê Thị Hoa, ở xã Phước Vinh (Ninh Phước)… liên kết với với hàng trăm hộ chăn nuôi dê, cừu trên địa bàn tỉnh cung cấp giống nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Kết quả mang lại của mô hình liên kết làm tăng hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi và đang tiếp tục nghiên cứu để được nhân rộng trong thời gian tới. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã chủ trương cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng gia súc chủ lực theo hướng lai tạo các giống mới, nhằm cải thiện tầm vóc của giống vật nuôi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân đồng tình hưởng ứng như: Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cho tỷ lệ bò thụ thai đạt trên 70%, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ, giảm bớt chi phí nuôi; mô hình sử dụng tinh bò đực giống Brahman, cho trọng lượng 22,5 kg/con, thu nhập cao hơn bò địa phương từ 1,5-1,7 triệu đồng/con; phương pháp hoán đổi dê, cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi nhằm tránh nguy cơ đồng huyết… Qua đó, giúp người dân từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, nâng cao giá trị gia tăng, làm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm ngành chăn nuôi.

Từ những giải pháp đồng bộ, đến nay ngành chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, với tổng đàn gia súc hiện có trên 465.360 con; trong đó, đàn bò, dê, cừu chiếm 373.684 con; đàn heo 91.517 con. Giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,2%, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 28,9% trong tổng cơ cấu nông-lâm-nghiệp.

Mục tiêu đề ra đến năm 2030, nâng tổng đàn dê, cừu toàn tỉnh đạt 305.000 con; trâu, bò 145.000 con; đàn heo 200.000 con và trở thành ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao trong tổng thể ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan điểm chung của sở là tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng đàn, phát triển những sản phẩm vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh gắn với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu đặc thù để nâng sức cạnh tranh thị trường. Cùng với đó, tăng cường rà soát, nhận diện thực trạng chăn nuôi ở từng địa phương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi phù hợp.

Hồng Lâm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop