Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 05 năm 2021

Đạ Huoai (Lâm Đồng): Giá sầu riêng tăng nhẹ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo khảo sát tại một số nhà vườn ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Sầu riêng Đạ Huoai, sầu riêng hiện có giá bán cao hơn so với cùng thời điểm niên vụ trước. Người dân nơi đây cho biết, vì đang ở thời điểm đầu mùa nên giá của sầu riêng hột là 35.000 đồng/kg (cao hơn 5.000 đồng/kg so với niên vụ trước), giá của sầu riêng giống Thái Lan dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/kg (cao hơn từ 15.000 - 38.000 đồng/kg so với niên vụ trước).

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết, hiện tại, Đạ Huoai có khoảng 3.000 ha sầu riêng, trong đó hơn 2.000 ha sầu riêng đang trong giai đoạn thu hoạch.

TRIỀU KA

Thanh long lại rớt giá

Nguồn tin: Báo Long An

Hiện thanh long dần bước vào mùa thu hoạch rộ, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho thị trường tiêu thụ chậm. Do đó, thanh long trên địa bàn tỉnh Long An lại rớt giá khiến nhiều nông dân thua lỗ.

Thời điểm này, nhiều vườn thanh long trên địa bàn tỉnh Long An bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Vụ này, hầu hết nhà vườn đều phải tốn chi phí xông đèn nhưng giá bán thấp đã khiến nhiều nhà vườn từ hòa vốn đến lỗ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) vừa thu hoạch lứa thanh long bán với giá 12.000 đồng/kg tại vườn. Lứa này, 0,5ha thanh long ruột đỏ của ông Tâm thu hoạch được hơn 2 tấn nhưng ông không đủ tiền để chi trả phân bón, thuốc và thuê nhân công.

Theo ông Tâm, thời điểm sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng 4/2021, giá thanh long vẫn ở mức cao, từ 30.000-35.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giảm chỉ còn từ 12.000-15.000 đồng/kg. Với giá bán này, nông dân chỉ có từ hòa vốn đến lỗ.

Giá thanh long chỉ còn một nửa so với tháng trước

Còn bà Lê Thị Nấu (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) có gần 1ha thanh long ruột đỏ chuẩn bị thu hoạch. Theo bà Nấu, mới chỉ hơn 10 ngày trước, giá thanh long vẫn còn ở mức trên 30.000 đồng/kg thì nay giảm chỉ còn phân nửa. Mặc dù vụ này trái to, đẹp nhưng thương lái chỉ đặt cọc thanh long với giá 13.000 đồng/kg.

“Theo ước tính, vụ này, vườn thanh long nhà tôi sẽ được khoảng 4 tấn, nếu trừ hết chi phí thì lợi nhuận cũng không cao. 2 năm trở lại đây, không chỉ gia đình tôi mà hầu như người trồng thanh long nào cũng đều không có lãi. Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng cây khác” - bà Nấu cho biết.

Theo anh Nguyễn Duy Minh - chủ vựa thanh long ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, hiện thanh long được vựa thu mua tại vườn với giá từ 12.000-15.000 đồng/kg. Những ngày qua, người dân thu hoạch nhiều nên lượng thanh long rất lớn nhưng sức tiêu thụ lại rất chậm. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, bán chậm nên giá thu mua rẻ, dù hàng đẹp, đạt chất lượng.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, hiện toàn huyện có hơn 9.000ha thanh long, trong đó thanh long ruột trắng khoảng 1.000ha, thanh long ruột đỏ khoảng 8.100ha, diện tích đang cho trái khoảng 8.500ha, sản lượng đạt 300.000 tấn. Vừa qua, những vườn thanh long cho trái đẹp được thương lái thu mua với giá khoảng 15.000 đồng/kg.

Mọi năm, khi vào mùa, thanh long trên địa bàn tỉnh thường có giá thấp do trùng với mùa vụ bên thị trường Trung Quốc và một số loại trái cây khác. Thanh long ruột trắng có thể xuất sang thị trường châu Âu và vận chuyển đi xa, còn thanh long ruột đỏ hầu như chỉ xuất sang Trung Quốc do khó vận chuyển đi xa. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sức tiêu thụ bị ảnh hưởng, việc xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn./.

Minh Tuệ

Gia Lai quyết liệt phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại mì

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá vi rút hại mì, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất.

Dịch bệnh lây lan nhanh

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), Gia Lai có diện tích mì lớn nhất cả nước với 78.880 ha. Bà con nông dân chủ yếu sử dụng các loại giống như: KM94, KM419, KM140, KM98-5. Đây là cây trồng góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương với hơn 75.500 hộ trồng mì.

Một số diện tích mì tại huyện Krông Pa bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam

Tháng 9-2018, bệnh khảm lá vi rút bắt đầu xuất hiện trên diện tích 141,1 ha mì, phân bố cục bộ tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa. Năm 2019, diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá lây lan nhanh trên diện rộng với hơn 4.114 ha. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.821 ha mì bị nhiễm bệnh.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh có 367 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút. Qua kiểm tra, ngành Nông nghiệp và PTNT xác định: Bệnh xảy ra chủ yếu trên giống HL-S11, KM419, KM140, KM98-5. Đặc biệt, bệnh khảm lá vi rút rất khó phòng trừ, không có thuốc đặc trị.

Ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Vụ mùa năm 2018, toàn huyện có 44 ha mì bị nhiễm bệnh. Năm 2019, dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng với hơn 2.587 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2020-2021 có 125 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá.

“Ngay sau khi phát hiện bệnh, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại mì. Nhờ đó, người dân đã nhận thức được tác hại và chủ động trong công tác chọn, kiểm soát nguồn giống trước khi đưa vào trồng. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác phòng trừ bệnh vẫn chưa cao”-ông Đức thông tin thêm.

Tại huyện Krông Pa, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Krông Pa có diện tích mì lớn nhất tỉnh. Năm 2018, bệnh xuất hiện trên 7 ha mì. Tuy nhiên, những vụ sau đó, bệnh đã lây lan ra hơn 50% diện tích.

“Bệnh khảm lá mì do vi rút tồn tại trong đất và chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nhưng một số hộ vẫn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, đa số người dân vẫn lấy hom mì đã bị nhiễm bệnh từ vụ sản xuất trước để làm giống cho năm sau”-ông Duyên cho hay.

Kỳ vọng vào giống mới

Trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá vi rút hại mì, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất. Cụ thể, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với đơn vị chuyên môn cấp huyện tổ chức 26 lớp tập huấn về cách nhận biết bệnh và biện pháp phòng trừ; cấp phát hơn 1.000 tờ rơi về quy trình phòng trừ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của bệnh khảm lá vi rút hại mì, áp dụng biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefuran, Pymetrozine.

Đối với diện tích mì bị nhiễm nhẹ thì tiến hành nhổ bỏ số cây bị nhiễm bệnh, tiếp tục chăm sóc số cây còn lại, thu hoạch sớm, sau đó tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng. Riêng ruộng mì bị nhiễm nặng phải tiến hành tiêu hủy toàn bộ và áp dụng biện pháp luân canh sang cây trồng khác.

Người dân huyện Ia Pa thu hoạch mì. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Quý Dương-Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Hiện Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Trồng trọt đã hoàn tất hồ sơ để công nhận 2 giống mì HN3, HN5 và đưa vào sản xuất. Trong đó, sẽ ưu tiên cho những vùng có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút cao để triển khai nhằm cung cấp giống cho người dân sản xuất.

Tại Hội thảo về bệnh khảm lá vi rút hại mì, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã giới thiệu 2 giống mì mới là HN3 và HN5. Đây là 2 giống mì cho năng suất cao và có hàm lượng tinh bột khoảng 25-27%. Đặc biệt, 2 giống mì này có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút. Đây có thể là lời giải cho người trồng mì trong tỉnh trong thời gian tới, khi được đưa vào sản xuất đại trà.

Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung trâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Giống cây trồng tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến nông, nghiên cứu chọn tạo giống mì mới cho năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh và chủ động nhân giống để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, cung ứng cho nhu cầu sản xuất hàng năm. Đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật, không cho phép vận chuyển giống mì từ nơi có bệnh sang nơi chưa nhiễm bệnh.

Đặc biệt, kiểm tra giám sát chặt chẽ các giống mì nhập vào địa bàn tỉnh. Hướng dẫn người dân nên sử dụng giống mì KM94 ít bị nhiễm bệnh; hạn chế sử dụng giống M419, KM140, KM98-5; tuyệt đối không sử dụng giống mì bị nhiễm bệnh nặng HL-S11.

LÊ NAM

Cư Jút, điều mất mùa, rớt giá

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Theo thống kê, toàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) hiện có 2.355 ha điều, chủ yếu là điều kinh doanh, diện tích tập trung ở xã Trúc Sơn, Nam Dong, Đắk D’rông, Đắk Wil và thị trấn Ea T’ling.

Hiện nay, nông dân huyện Cư Jút đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch rộ hạt điều. Tuy nhiên, người trồng điều không mấy vui vẻ vì cây điều vừa mất mùa lại mất giá.

Nguyên nhân là do khi điều ra hoa đã gặp mưa nên hoa điều bị thối, làm giảm năng suất. Với mức giá thu mua tại rẫy từ 22.000 đồng đến 24.000 đồng/kg điều tươi, thấp hơn so với vụ trước từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Giá điều thấp hơn cộng với việc nhiều diện tích điều bị mất mùa nên người nông dân lại thêm một niên vụ buồn.

Hương Thơm

Chuyện vượt khó, làm giàu của 2 nông dân

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Từ phong trào thi đua Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu, tạo ra nhiều mô hình điểm. Anh Lê Văn Lộc và ông Nguyễn Thanh Phong (xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) là 2 nông dân điển hình như thế.

LÀM GIÀU TỪ NUÔI GÀ TRE

Với 3.000 m2 đất canh tác, ban đầu anh Lê Văn Lộc (ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận) trồng chủ yếu cây sơ ri. Do kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế nên sơ ri cho năng suất thấp. Đến năm 2008, nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi, anh Lộc mạnh dạn nuôi các giống gà Bình Định và Bến Tre. Ban đầu, anh chỉ thả nuôi khoảng 200 con, sau đó thấy hiệu quả nên tăng đàn dần qua từng năm.

Đến năm 2019, thu nhập từ chăn nuôi gà của anh Lộc không còn ổn định do nhiều người nuôi gà ồ ạt tăng đàn, giá gà giảm mạnh. Cùng với đó, giá thức ăn cho gà tăng cao, nên anh Lộc quyết định chuyển sang nuôi gà tre thả vườn.

Anh Lê Văn Lộc đang chăm sóc đàn gà con trong chuồng.

Thực hiện mô hình trên, ban đầu anh Lộc gặp nhiều khó khăn trong chọn giống và chăm sóc gà tre. Sau khi tích cực nghiên cứu tài liệu, các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham quan các mô hình kết hợp với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy được, mô hình nuôi gà tre thả vườn của anh Lộc cho hiệu quả khá cao.

Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, anh Lộc còn học được kỹ thuật úm gà con, nên thực hiện tái đàn khá nhanh, giúp tăng thu nhập đáng kể.

Sau 3 năm nuôi gà tre thả vườn, đến nay đàn gà tre của anh Lộc lên đến 12.000 con, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. “So với các giống gà Bình Định và Bến Tre, việc nuôi gà tre thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, dễ nuôi do chi phí thức ăn thấp hơn” - anh Lộc cho biết.

THU NHẬP CAO NHỜ TRỒNG RAU MÀU

Với trên 5.500 m2 đất canh tác, trước đây gia đình ông Nguyễn Thanh Phong (ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận) trồng 3 vụ lúa/năm, nhưng thu nhập rất bấp bênh do đất nhiễm phèn nên chất lượng và năng suất lúa thấp. Trước tình cảnh trên, năm 2006 ông Phong chuyển đổi 3.000 m2 đất canh tác sang trồng rau màu.

Ông Phong thu nhập khá từ trồng rau.

Những năm đầu chuyển đổi, ông Phong trồng các loại rau ngắn ngày, chủ yếu là các loại cải cung ứng cho thương lái theo hình thức truyền thống. Sau thời gian trồng, ông Phong nhận thấy rau màu vào mùa mưa bị giập, úng nhiều; buôn bán theo phương thức truyền thống, giá không ổn định.

Năm 2010, nhờ tham gia lớp tập huấn từ chương trình khuyến nông của xã, ông Phong được tiếp cận nhiều mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thấy hiệu quả, ông Phong mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư đổi mới phương thức canh tác đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, để có đầu ra ổn định, ông tham gia mô hình cung ứng rau sạch cho Hợp tác xã Rau quả Long Thuận. Từ đó, mô hình trồng rau sạch của ông Phong cho hiệu quả cao, thu nhập ngày càng ổn định.

Sau nhiều năm sản xuất, đến nay gia đình ông Phong hiện có 5.500 m2 đất trồng rau sạch, mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. “Trồng rau phải qua nhiều công đoạn nhưng thời gian sản xuất ngắn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Trồng rau sạch phải đúng tiêu chuẩn và kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng” - ông Phong chia sẻ.

Qua những kết quả đạt được, những năm qua anh Lê Văn Lộc và ông Nguyễn Thanh Phong đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

LÊ MINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop