Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 06 năm 2016 - phan bon hieu giang

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 06 năm 2016

Thái Bình: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Trong lĩnh vực trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được người dân sử dụng như một giải pháp hữu hiệu trong phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm năng suất cây trồng. Tuy nhiên, tình trạng thuốc BVTV chưa được quản lý chặt chẽ, cộng với sự thiếu kiến thức của không ít người dân đã dẫn đến việc sử dụng sai quy định, thậm chí còn có hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV gây “lợi bất cập hại”.

Nông dân Thái Thụy phòng trừ rầy bảo vệ lúa xuân. Ảnh: Trần Tuấn

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có hơn 1.000 tập thể, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV. Nhìn chung, thị trường thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt và khá ổn định, các chủng loại thuốc phục vụ các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh rất phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tượng kinh doanh thuốc BVTV cấm, thuốc ngoài danh mục hầu như không xuất hiện, tuy nhiên thuốc hết hạn sử dụng, thuốc vi phạm nhãn mác vẫn còn xuất hiện rải rác ở một số địa phương.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đại đa số người mua thuốc BVTV dựa trên khuyến cáo của các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV song trình độ của một bộ phận người bán thuốc còn hạn chế. Một số đại lý còn nặng về lợi nhuận dẫn đến tình trạng bán các loại thuốc BVTV không đúng đối tượng phòng trừ, sử dụng quá liều so với khuyến cáo, gây lãng phí thuốc và gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đất, tạo cơ hội cho sâu bệnh bùng phát làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng dẫn đến giảm năng suất, chất lượng nông sản… Anh Vũ Văn Thắng ở xã Đông Sơn (Đông Hưng) cho biết: Trong mỗi đợt phòng trừ sâu bệnh, tôi đều thực hiện nghiêm lịch phun phòng trừ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Tôi thường chọn mua thuốc BVTV tại các cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã. Mua thuốc tại đây, tôi được chủ cửa hàng hướng dẫn sử dụng chủng loại thuốc, số lượng thuốc...

Trước những diễn biến có chiều hướng phức tạp của thị trường vật tư nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên ngành về thuốc BVTV, thực hiện các điểm trình diễn trên đồng ruộng, đánh giá hiệu quả một số loại thuốc BVTV và cách phòng trừ để trang bị kiến thức cho chủ các cửa hàng và người dân trong việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng": đúng lúc, đúng cách, đúng đối tượng và đúng nồng độ. Cùng với việc mở các lớp tập huấn, từ đầu năm đến nay, trong các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, Phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố và chính quyền các địa phương tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên phạm vi toàn tỉnh. Qua kiểm tra đột xuất 86 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, lực lượng chức năng đã phát hiện 54 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu như chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh thuốc BVTV vi phạm nhãn mác, kinh doanh thuốc BVTV hết hạn sử dụng... Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản phạt hành chính và nộp Kho bạc Nhà nước 14 triệu đồng. Không chỉ kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, Phòng Thanh tra pháp chế còn kiểm tra 17 hộ đang sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn 5 xã, qua kiểm tra phát hiện 15 hộ vi phạm các lỗi như sử dụng thuốc sai nồng độ, liều lượng, thuốc quá thời hạn, không bảo đảm thời gian cách ly…

Ông Trần Quốc Dương, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, việc quản lý thuốc BVTV đang được các cấp và ngành chức năng siết chặt từ khâu kinh doanh, đến người sử dụng… Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV với 325 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong quý III/2016, Chi cục sẽ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thiện việc ký cam kết giữa 3 bên. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rất mong sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc phối hợp và chủ động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV, người dân cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng". Đặc biệt, khi phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người dân cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn để có biện pháp xử lý.

Phạm Hưng

Nghệ An: Đưa diện tích trồng ngô lên 60.000 ha

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nghệ An mới ban hành đề án phát triển cây ngô đến 2020, phấn đấu diện tích đạt 60.000 ha.

Thu hoạch tại vùng trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa tại vùng sản xuất của Trang trại nuôi bò sữa TH.

Năm 2015, diện tích ngô toàn tỉnh đã lên tới trên 55.600 ha, tổng sản lượng đạt gần 200 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, năng suất ngô tuy có tăng nhưng thiếu ổn định, còn bị ảnh hưởng nhiều từ thời tiết bất lợi, diện tích trồng ngô làm cây thức ăn chăn nuôi còn hạn chế và nhìn chung, hiệu quả sản xuất ngô chưa cao. Đến giữa năm 2016, ngô đang giao động ở diện tích trên dưới 50.000 ha.

Những năm hạn hè thu gay gắt, nhiều vùng ở Thanh Chương cây ngô bị giảm năng suất.

Theo Đề án của tỉnh Nghệ An về phát triển cây ngô đến 2020: Nghệ An phát triển sản xuất ngô theo hướng thâm canh, bền vững, từng bước mở rộng diện tích trồng ngô làm cây thức ăn phục vụ chăn nuôi đồng thời chuyển một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, những năm tới Nghệ An xác định tập trung áp dụng nhanh KHCN, gieo trồng khoảng 2.000 ha giống ngô biến đổi gen. Phấn đấu diện tích đạt 60.000 ha.

Phơi ngô bắp ở xã Nghĩa Phú, Tân Kỳ. Ảnh: Văn Trường

Tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn với thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Có các giải pháp thu hút doanh nghiệp vào liên kết với nông dân để sản xuất ngô, xây dựng cánh đồng lớn.

Tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển các HTX, Tổ hợp tác theo Luật HTX để liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất. Đặc biệt, khuyến khích các nhà máy chế biến thức ăn trên địa bàn tỉnh liên kết với nông dân, đẩy mạnh thu mua sản phẩm ngô của Nghệ An làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi.

Phú Hương

Đồng Tháp: Mô hình lúa - sen thích hợp cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Đó là thông tin được các chuyên gia và nhà khoa học cung cấp cho các phóng viên, nhà báo tại buổi trao đổi chủ đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) vào ngày 8/6.

Tiến sĩ Dương Văn Ni trao đổi về tình hình biến đổi khí hậu với các phóng viên, nhà báo

Gần 20 phóng viên, nhà báo ở các cơ quan thông tấn, báo chí ở các tỉnh thành và các Bộ, ngành Trung ương đã được Tiến sĩ Dương Văn Ni; PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp thông tin về tình trạng BĐKH, tác động của việc xây dựng đập thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông và các phương pháp thích ứng với BĐKH.

Theo các chuyên gia, việc các nước xây đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái và lượng phù sa đồi đắp cho ĐBSCL. Nếu vào những năm 1990, lượng phù sa do sông Mê Kông đo được khoảng 160 triệu tấn thì đến năm 2014 chỉ còn khoảng 75 triệu tấn.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết, vấn đề an nguy của ĐBSCL không phải là chuyện cạn kiệt nguồn nước mà là cạn kiệt phù sa. Nếu thiếu phù sa sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống con người. Việc một số tỉnh, thành ĐBSCL đang đua nhau xây dựng đê bao làm lúa vụ ba như hiện nay đã vô tình giảm không gian trữ nước, gây lãng phí lượng phù sa, khiến đất bạc màu.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni thì mô hình xen canh lúa - sen đang được triển khai ở huyện Tháp Mười là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với tình hình BĐKH đang diễn ra.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, để ứng phó với BĐKH cần có biện pháp né hạn mặn, phân vùng sản xuất lại cho hợp lý. Vùng bị mặn hoàn toàn có thể trồng rừng, vùng 6 tháng mặn 6 tháng ngọt nên thực hiện mô hình tôm - lúa, vùng ngọt hoàn toàn thì trồng lúa.

Phú Thuận

Vĩnh Long: Nhân rộng "Cánh đồng mẫu lớn"

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Với trên 13.500ha lúa canh tác theo cánh đồng mẫu lớn (CĐML), đã đóng góp vào lợi nhuận sản xuất vụ lúa Đông Xuân hàng năm khoảng 264 tỷ đồng và làm tăng lợi nhuận so với ngoài mô hình là 86 tỷ đồng.

CĐML xã Tân Long (Mang Thít) đạt chứng nhận VietGAP.

Sau khi Sở Nông nghiệp- PTNT phát động xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 8/2011, đến nay đã hơn 13.000 hộ tham gia ở hầu hết các địa phương. Nhận định bước đầu cho thấy mô hình phát huy hiệu quả như: tăng năng suất, lợi nhuận, bảo vệ môi trường,…

CĐML xã Tân Long (Mang Thít, Vĩnh Long) được thực hiện từ năm 2011, với diện tích khoảng 400ha, đến nay địa phương đã chủ động nhân rộng gần 560ha, chiếm gần 90% diện tích sản xuất lúa toàn xã (620ha) và gần 1.000 hộ tham gia.

Qua 4 năm thực hiện, CĐML mang lợi nhuận cho nông dân khoảng 100 tỷ đồng. Hiện có gần 25ha được chứng nhận VietGAP. Đây là sự thành công bước đầu nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, thu hút doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm.

Bà Cao Thị Đẹp - Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết, nông dân ngày càng nhận ra lợi ích lớn mà CĐML mang lại như được hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống xác nhận vụ Đông Xuân trong 4 năm, 100% chi phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và hỗ trợ chi phí mua máy cơ giới nông nghiệp.

Tiếp tục nhân rộng "Cánh đồng mẫu lớn" thời gian tới.

Ông Bùi Văn Sáu (ấp Ngã Ngay) tham gia CĐML và được chứng nhận VietGAP phấn khởi nói: “Năng suất lúa vụ Đông Xuân bình quân 7- 8 tấn/ha; tăng khoảng 1 tấn so bên ngoài. Đến nay, tuy chưa được doanh nghiệp bao tiêu nhưng lúa hàng hóa của các thành viên trong tổ hợp tác sản xuất rất dễ bán, thương lái thu mua không còn kỳ kèo như trước”.

Từ những hiệu quả, bà Đẹp khẳng định: “Mô hình này là hướng đi tất yếu, là giải pháp thiết thực, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng để tiến tới sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho biết, dự án đã hỗ trợ cho gần 4.000 hộ nông dân sản xuất giống lúa xác nhận, đến nay 100% nông dân tham gia mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh, nông dân được hỗ trợ mua máy móc, tập huấn chuyển giao kỹ thuật thực hiện chương trình cùng nông dân ra đồng, hỗ trợ kiểm soát đồng ruộng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất và chất lượng lúa.

Với thực tế sản xuất lúa lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì đây là mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết, dự án còn làm cầu nối cho rất nhiều công ty đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hình thức trả chậm, ký kết ghi nhớ bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất lúa hàng hóa lớn hiện nay và trong tương lai.

Tuy nhiên, hiệu quả như vậy nhưng việc triển khai CĐML ở nhiều nơi hiện vẫn gặp không ít khó khăn, nhiều nông dân chưa mặn mà tham gia do họ chưa tin vào mối liên kết giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ.

Thời gian qua, tình trạng nông dân và doanh nghiệp “bẻ kèo” nhau trong hợp đồng bao tiêu xảy ra không ít. Khi lúa xuống giá doanh nghiệp “ép” nông dân, ngược lại nông dân cũng ép doanh nghiệp khi lúa được giá, nguồn cung thiếu hụt.

Ông Nguyễn Văn Trọng (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) tham gia CĐML và cho rằng do phải xuống giống đồng loạt nên khi thu hoạch lúa cũng đồng loạt. Trong khi nông dân muốn bán lúa tươi nên việc vận chuyển, sấy khô đã tạo áp lực và lúng túng cho doanh nghiệp trong thu mua lúa.

Để thực hiện CĐML giai đoạn 2 hiệu quả hơn, một số địa phương cũng kiến nghị ban quản lý dự án cần kiện toàn hệ thống nhân giống, hệ thống thủy lợi nội đồng, mặt bằng đồng ruộng, nhất là đầu ra ổn định cho nông sản.

Ths. Phan Nhựt Ái- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, cơ giới hóa đồng ruộng là khâu then chốt nâng cao chất lượng sản phẩm. Muốn làm được điều này thuận lợi đòi hỏi đồng ruộng lớn. Vĩnh Long đồng ruộng nhỏ nhưng không vì thế mà không làm, cần phải nghiên cứu hướng tích tụ quy mô phù hợp.

Cùng ý kiến này, TS. Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư nêu dẫn chứng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (Đồng Tháp) đã thực hiện tích tụ ruộng đất, làm ăn đúng quy trình, sản phẩm đầu ra có bao tiêu ổn định nên nông dân rất phấn khởi.

“Vĩnh Long có hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tín Thành ở xã Mỹ Lộc cũng làm ăn hiệu quả, đây là mô hình kiểu mẫu cần đầu tư nhân rộng”- TS. Văn Hữu Huệ cho biết.

Sở Nông nghiệp- PTNT vừa tổng kết dự án mô hình CĐML sau 4 năm thực hiện (2011- 2015) cho thấy, mô hình thực sự tác động lớn đến nhận thức người trồng lúa, không chỉ hiệu quả mặt kinh tế mà cả xã hội, môi trường,…Ngoài diện tích CĐML do tỉnh đầu tư, nhiều huyện như: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn và TX Bình Minh đã sử dụng kinh phí địa phương để mở rộng thêm với hơn 5.000ha. Riêng Tam Bình, vụ Hè Thu và Thu Đông 2015 đã mở rộng CĐML ra thêm 8 xã với hơn 2.300ha.

HOÀNG MINH

Lâm Đồng: Trồng đương quy ở vùng kinh tế mới

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nắng tháng năm chói mắt trên những vườn cà phê, chợt nghe mùi thơm của thuốc đông dược tỏa trong không khí. Mùi thơm đặc biệt ấy xuất phát từ những vườn thuốc nam xanh ngắt giữa vùng đất Đông Thanh, Gia Lâm - Lâm Hà. Hỏi ra được bà con cho hay, bên cạnh những cây trồng chủ lực như cà phê, dâu tằm, rau, hoa công nghệ cao, nông dân Đông Thanh, Gia Lâm bắt đầu chuyển sang trồng một số loại cây dược liệu trong đó có đương quy, một loại đông dược có giá trị.

Vườn đương quy 6 tháng tuổi tại Gia Lâm

Chị Nguyễn Thanh Chương, thôn 6, xã Gia Lâm vừa chăm sóc vườn đương quy 6 tháng tuổi, vừa chia sẻ về loại cây trồng mới này. Chị bảo, nhà ít đất, trồng cà phê cho thu nhập không nhiều, trồng rau, hoa công nghệ cao thì không có vốn làm nhà kính. Có người chỉ chị trồng cây đương quy. Vụ đầu, chị trồng thử 800 m2 đất vườn, thu được 1,4 tấn củ tươi và bán hết ngay khi thu hoạch. Vụ sau, chị xuống giống 2,2 sào và cây đang phát triển ở tháng thứ 6, tình hình sinh trưởng rất tốt. Chị Chương cho biết: “Trồng cây đương quy rất dễ, không tốn bao nhiêu phân, thuốc, thu nhập thì cao hơn cà phê gấp mấy lần, diện tích nhỏ vài trăm mét cũng trồng được. Đương quy hợp khí hậu ở đây, củ to và đẹp, nhiều củ đạt cả kg, người mua rất thích”. Đặc biệt, do dễ chăm sóc, chị Chương cho biết có thể trồng tại góc hè, bên bờ rào để cây tự sinh trưởng, tới lúc thu hoạch cũng được một khoản thu nhập.

Đương quy được bà con trồng từ hạt. Chị Chương cho hay mới đầu theo hướng dẫn, bà con gieo thẳng xuống đất, phủ bạt nhưng tỷ lệ hao hụt cao. Sau đó, bà con chủ động gieo hạt đương quy vào bầu đất, sau 20 ngày hạt nứt mầm và khoảng 2 tháng cây cao 5 cm là có thể xuống vườn. Cây đương quy ưa đất tơi xốp, thoát nước tốt nên trước khi xuống cây phải xử lý đất thật kỹ, bón lót một lượng phân hữu cơ phù hợp rồi lên luống rộng chừng 1,5 m. Cây được trồng cách nhau 20 cm, hàng cách hàng 30 cm để cây có không gian phát triển củ rễ. Trồng đương quy nhàn hơn trồng các loại cây khác bởi cây chỉ cần làm cỏ khi còn nhỏ. Sau 5 tháng, khi cây bắt đầu có tán phủ kín đất, cỏ không mọc được thì chỉ còn tưới nước. Đương quy cần phân bón không nhiều, một vài tháng mới sử dụng loại phân giàu kali bón cho cây. Sâu bệnh hại chưa thấy xuất hiện trừ một loại bọ cánh cứng ăn củ lúc gần thu hoạch.

Tính về lợi nhuận kinh tế, một sào đất trồng đương quy chỉ tốn chừng 1,2 triệu đồng tiền hạt giống. Tính cả tiền phân hữu cơ, phân kali cho cây cũng tốn chừng 7 triệu đồng cả vụ. Đương quy cần 14 tháng phát triển, trừ hai tháng trong bầu, đúng một năm sau là thu hoạch đương quy. Chị Chương chia sẻ, sau khi thu hoạch củ rễ, gia đình chị dùng máy rửa phun nước áp lực cao, xịt rửa sạch sẽ đất và vỏ lụa của củ. Củ đương quy loại 1, trắng tinh như vậy được bán với giá 70-80 ngàn đồng/kg. Nếu gia đình không có điều kiện, có thể để nguyên củ vừa đào dưới đất lên, thương lái cũng thu mua với giá 40 ngàn đồng/kg. Nhiều gia đình như gia đình ông Long Quyết, chị Minh Hải ở Gia Lâm, ông bà Biết ở Đông Thanh còn trồng đương quy dưới tán vườn chanh dây, vườn tiêu.

Chị Minh Hải cho biết, trồng xen dưới tán chanh dây, năng suất tất nhiên không cao bằng trồng thuần nhưng cây vẫn phát triển tốt, lại không làm ảnh hưởng tới chanh dây vì cây đương quy không cao, tới khi thu hoạch cũng cao 50 cm. Mùi thơm của cây đương quy còn khiến sâu bọ tránh xa nên rất có lợi. Chị Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Lâm cho hay, hiện bà con của xã trồng đương quy khá nhiều, bản thân gia đình chị cũng chuẩn bị xuống giống trồng thử nghiệm trên diện tích 100 m2. Chị cũng “bật mí”, Công ty Dược phẩm Việt Thái vừa làm dự án đầu tư trên địa bàn xã Gia Lâm chuyên trồng dược liệu như đương quy, thục địa, sâm đại hành… Đây là cơ hội tốt để bà con Gia Lâm có thêm một cây trồng mới cho thu nhập khá hơn cây cà phê truyền thống.

Cây đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis, thuộc họ Hoa tán. Tác dụng của đương quy rất tốt, là thuốc đầu vị chữa các bệnh của phụ nữ, đồng thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh khác. Cây đương quy được sử dụng phần củ rễ, thường được dùng tươi hoặc sấy khô, là một cây dược liệu quý cho sức khỏe con người. Nhu cầu dùng đương quy khá cao nhưng trước nay Việt Nam thường phải nhập đương quy từ Trung Quốc. Phát triển đương quy cũng nằm trong quy hoạch của Chính phủ về kế hoạch phát triển ngành đông dược Việt Nam.

DIỆP QUỲNH

Hướng đi mới cho nghề trồng nấm rơm

Nguồn tin: Báo An Giang

So với trồng nấm rơm ngoài trời theo cách truyền thống, mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông cho năng suất cao hơn từ 30 - 40%, hiệu quả kinh tế tăng hơn 30%. Đây là hướng đi triển vọng được nhiều nông dân lựa chọn.

Giá trị cao nhưng… diện tích giảm

Nghề trồng nấm rơm đã có từ rất lâu tại An Giang, chủ yếu là trồng ngoài trời. Đây được đánh giá là loại hình tận dụng tốt phế phẩm rơm trên đồng, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân nhờ giá nấm rơm luôn ổn định. Giai đoạn 2005 - 2010, thực hiện dự án trồng nấm rơm của tỉnh, diện tích trồng nấm trên địa bàn An Giang có lúc đến 3.398 héc-ta, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho số lượng đáng kể lao động nông nhàn. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, diện tích trồng nấm rơm đã giảm đáng kể, do nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng, số lượng máy gặt đập liên hợp chiếm hơn 98% diện tích thu hoạch lúa nên lượng rơm rải rác trên đồng. Trong khi đó, do thiếu hụt lao động để thu gom rơm, thiếu máy móc, phương tiện để cơ giới hóa trong khâu thu gom rơm ngoài đồng ruộng nên người trồng nấm gặp khó về nguồn rơm.

Trồng nấm trong nhà với nguyên liệu compost ở Châu Thành

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, ngoài nguồn nguyên liệu làm nền cho nấm, tình hình biển đổi khí hậu, thời tiết thay đổi khắc nghiệt cũng làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng nấm trồng ngoài trời. Bên cạnh đó, khi trồng nấm rơm ngoài trời, dù sau mỗi vụ thu hoạch, thời gian cách ly sang vụ khác từ 6 tháng đến 1 năm nhưng trên nền đất chất rơm, nguồn bệnh vẫn còn và rất khó xử lý, thường gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nấm. Hơn nữa, trồng nấm rơm ngoài trời do thay đổi nền đất liên tục nên sản xuất không ổn định, không tập trung, khó mở rộng diện tích.

Ứng dụng công nghệ mới

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã triển khai thử nghiệm nhiều mô hình mới, trong đó có mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình này bước đầu đã giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn rơm nguyên liệu, cho năng suất cao hơn cách làm truyền thống của nông dân từ 30 - 40%, hiệu quả kinh tế tăng hơn 30% so với trồng ngoài trời. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân đã mở rộng diện tích trồng nấm rơm trong nhà.

Để hỗ trợ kịp thời cho nông dân, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã mời Công ty Meo giống Thần Nông đến chuyển giao việc ứng dụng sử dụng nguyên liệu compost để trồng nấm rơm trong nhà. Đây là một hướng phát triển mới, giúp năng suất và chất lượng nấm tăng lên so với cách trồng truyền thông. Nông dân chỉ cần mua compost về chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của công ty mà không cần phải ủ rơm, đảo rơm như trước đây. Nguyên liệu compost gồm rơm ủ được phối trộn dinh dưỡng và chất bổ sung theo phương pháp làm công nghiệp, hạn chế được sự nhiễm tạp của nấm dại, giúp nấm rơm phát triển tốt và cho năng suất cao. Thời gian qua, 4 địa phương đã tham gia thực hiện mô hình thí điểm này là TP. Long Xuyên và các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới. Với quy cách kỹ thuật mỗi nhà trồng nấm rơm có diện tích 75m2 (ngang 5m, dài 15m, cao 2,5m), mái lợp tôn, vách sử dụng cao su hoặc ny-lon, nền nhà trồng tráng xi măng… mỗi nhà nấm trồng được 120m mô nấm, tương ứng với 120 bao nguyên liệu compost (30kg compost/bao).

Anh Nguyễn Văn Rô, ấp Bình An I (xã An Hòa, Châu Thành), cho biết, mô hình trồng nấm rơm bằng compost đã giúp anh rút ngắn thời gian ủ rơm, đảo rơm, đảm bảo rơm nguyên liệu chín đều hơn do công ty có máy móc chuyên nghiệp. Nguyên liệu compost đem vào nhà trồng, khoảng 10 ngày sau bắt đầu thu hoạch. Với 120 bao compost, anh Rô thu hoạch đạt năng suất 175kg nấm, giá bán bình quân 55.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư 120 bao compost giá 4,8 triệu, vận chuyển 2 triệu, công chăm sóc, khấu hao trại 1 triệu đồng. Như vậy, sau thời gian cho mỗi vụ gần 1 tháng, mô hình đã mang lại lợi nhuận hơn 1,8 triệu đồng. Qua thành công bước đầu, anh Rô cho biết sẽ mở rộng thêm 3 trại còn lại.

Mô hình trồng nấm trong nhà với nguyên liệu compost được xem là hướng đi mới, cho hiệu quả cao. Thời gian tới, Công ty Meo giống Thần Nông sẽ tiếp tục cùng với ngành Nông nghiệp tỉnh chuyển giao quy trình kỹ thuật đến bà con nông dân nhằm mở rộng mô hình.

PHẠM THỊ NHƯ (Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành)

Cà Mau: Giải pháp tránh ngộ độc phèn trên trà lúa hè thu

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Hiện nay, do lượng mưa khá nên các địa phương đã khẩn trương làm đất chuẩn bị cho xuống giống vụ hè thu. Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống trên 25.700 ha, đạt 119% so với cùng kỳ và đạt 74,4% so với kế hoạch. Cơ cấu giống: OM 6162, OM 5451, OM 5495, OM 6976, OM 2517 và Hầm trâu. Hiện lúa trong giai đoạn mạ 25.439,5ha, lúa trong giai đoạn đẻ nhánh 277ha. Công tác chuẩn bị giống cho sản xuất vụ hè thu năm 2016 cơ bản Trung tâm Giống nông nghiệp, các đại lý và các địa phương chuẩn bị đủ giống cho sản xuất.

Thường thì vụ hè thu hằng năm, hiện tượng cây lúa bị ngộ độc phèn sau khi sạ xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do lượng mưa ít, nắng nóng và khô hạn kéo dài; đồng thời do không chủ động được nguồn nước tưới bổ sung (do sử dụng nước trời) nên làm cho các tầng đất chứa vật liệu sinh phèn dễ bị oxy hoá dẫn đến hiện tượng bị xì phèn.

Ngộ độc phèn không chỉ làm cho bộ rễ lúa bị hư, hạn chế khả năng hút chất dinh dưỡng mà còn làm cho cây lúa kém phát triển dẫn đến giảm năng suất và chất lượng hạt lúa. Khi bị ngộ độc phèn, cây lúa lùn và nở bụi kém, lá có màu hơi vàng, khi già thì xuất hiện đốm màu nâu.

Trong trường hợp nhiễm độc mạnh thì tất cả các lá trở nên nâu tím, những lá già sẽ bị rụi rất nhanh, cây lúa trở nên suy yếu và chết dần. Khi nhổ lên thì bà con nông dân có thể thấy bộ rễ có màu vàng nâu, quăn queo và không có rễ mới. Ngộ độc phèn thường xuất hiện ở những vùng sản xuất lúa liên tiếp và xuất hiện ngay từ đầu vụ (từ khi gieo sạ đến 30 ngày sau khi gieo sạ).

Ðể cây lúa khoẻ, phát triển tốt và tránh bị ngộ độc phèn, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau khuyến cáo bà con nông dân khi làm đất, cần phải đánh rãnh xương cá trên ruộng để xả phèn; đồng thời làm mương xổ phèn xung quanh ruộng để ém phèn lúc xả nước; bón vôi và phân lân trước khi gieo sạ. Không để ruộng bị khô nước. Ðưa nước vào ruộng để rửa phèn và thay nước trước khi bón phân. Bón thêm phân có chứa hàm lượng canxi dễ tan và phun phân bón qua lá giúp cây lúa ra rễ mới hút được dinh dưỡng trong đất và tăng khả năng chống chịu với phèn gây hại.

Lưu ý: Khi cây lúa bị ngộ độc phèn thì không nên bón phân urê và phân NPK có hàm lượng đạm cao. Nên thay nước trên ruộng nhiều lần để rửa trôi phèn trên ruộng lúa. Ðồng thời bón vôi để cải tạo đất nhằm cung cấp canxi cho lúa và nên bón thêm phân lân để bộ rễ lúa phát triển lại./.

Ks. Trần Ngọc Lãm

Giá cà phê trên đà tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau một thời gian giảm sâu, giá cà phê đang có dấu hiệu phục hồi và liên tục tăng trở lại trong các tháng 3, 4, 5 và 6/2016. Hiện tại, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giao động ở mức 36.000 - 36.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê ở Đắk Lắk 36.400 đồng/kg, Đắk Nông 36.500 đồng/kg, Gia Lai 36.200 đồng/kg và Lâm Đồng là 36.000 đồng/kg.

Như vậy, nếu so sánh với giá cà phê trong tháng 3, giá cà phê tháng ở thời điểm tháng 6 này tăng khoảng 2.700 - 3.000 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ cà phê tăng giá trở lại trong những tháng gần đây là do xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới. Nguyên nhân trực tiếp là do thời tiết khô hạn đã kéo giảm nguồn cung tại các thị trường chính như Brazil, Indonesia... là yếu tố đẩy giá cà phê đi lên.

TRỊNH CHU

Xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.

Theo đó, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa. Bể chứa phải đảm bảo yêu cầu: Đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn; không bị ngập lụt, gần Điểm pha chế thuốc trước khi đem đi phun rải để thuận tiện cho việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.

Bể chứa phải làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; có khả năng chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch.

Bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo.

Tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, số lượng bể chứa phải đảm bảo chứa đựng hết bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong vùng đất canh tác. Nhưng tối thiểu phải có 01 bể chứa trên diện tích 03 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Trong trường hợp cần thiết, có thể xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý.

Khu vực lưu chứa phải đảm bảo bố trí tại địa điểm xa khu dân cư, nguồn nước, chợ, bệnh viện, trường học và đảm bảo các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường. Khu vực lưu chứa phải kín, không bị khuyếch tán mùi ra bên ngoài, có độ cao nền đảm bảo không bị ngập lụt, đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc sự cố rò rỉ.

Vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm: Sau khi pha chế, phun rải thuốc bảo vệ thực vật phải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để vào bể chứa theo quy định. Để riêng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Không sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào các Mục đích khác.

Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng có trách nhiệm: Tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp; Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý; Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2016.

Lan Phương

Phú Yên: Mưa kéo dài, dưa bị hư hại

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ruộng dưa hấu ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) hư hại nặng do mưa làm ngập úng - Ảnh: T.TRÂN

Hơn tuần qua, ở các vùng miền núi vào buổi chiều thường xuất hiện mưa, có những cơn mưa kéo dài sang đêm đã “giải hạn” cho mía, sắn đang khô hạn. Tuy nhiên, nhiều diện tích dưa đang chuẩn bị thu hoạch lại bị “ngâm” trong nước gây nũng thối, người trồng dưa thiệt hại nặng.

Những cơn mưa lớn kéo dài mấy ngày qua đã làm ngập úng các vùng trồng dưa gang, dưa bom ở các xã An Chấn, An Mỹ (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ra thăm ruộng dưa ở cánh đồng Miếu (xã An Chấn), nhiều nông dân trồng dưa trong xã sững sờ khi nhìn những trái dưa bị nứt nằm la liệt trên đồng. Bà Phan Thị Thâm ở xã An Chấn rảo quanh ruộng dưa bị nước mưa làm hư hại, hái dưa chai (phần ruột không chín mềm) chở về cho bò ăn và trở những trái dưa non bị thâm đen ở phần bụng, nói: “Tôi trồng 2 sào dưa, trong đó có 1 sào dưa bom trồng trên đất cát khi gặp mưa nước rút nhanh nên tôi phải chịu khó trở những trái dưa non, chứ để nằm một chỗ trên đất ướt thì 2-3 ngày nữa sẽ thối cả trái. Riêng 1 sào dưa gang trồng trên đất thịt, dưa đang già (chuẩn bị thu hoạch) thì gặp mưa, loại dưa này khi thấm nước mưa, sáng ra nứt toàn bộ, ước tính thiệt hại cả hàng triệu đồng.

Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Nhung cũng cho hay: Hồi đầu mùa, dưa có giá 6.000 đồng/kg nhưng sau đó gặp mưa nên ai cũng tranh thủ thu hoạch rồi bán đổ bán tháo, hiện dưa chỉ còn 2.000 đồng/kg; dưa bom trước 8.000 đồng/kg nay hạ còn 4.000 đồng/kg. Bán hết 2 sào dưa, chúng tôi ngồi ròng rã cả nửa tháng trời. Mấy năm trước, một sào dưa thu được 5 triệu đồng, nay do gặp mưa, dưa nứt nũng thối nên thu nhập chỉ còn một nửa.

Ông Phan Văn Xuân ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), than vãn: Tôi trồng 7 sào dưa hấu, khi dưa ra trái non thì gặp nắng hạn gay gắt. Sợ dưa héo, tôi xin HTX cho hút nước từ mương vào tưới, nào ngờ mới vừa dẫn nước vào được 2 ngày thì mưa to lại ập xuống, ruộng trũng không có chỗ thoát nên dưa bị hư hại toàn bộ. Trung bình mỗi sào dưa tiền đầu tư là 4 triệu đồng, vụ này tôi lỗ 28 triệu đồng.

Cũng theo ông Xuân, mấy năm nay ông trồng dưa ở vùng này, năng suất dưa trung bình đạt 2 tấn/sào. Đầu tư trong thời gian 2,5 tháng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ít nhất 7 triệu đồng/sào. Còn vụ này, thời gian trồng rút ngắn chỉ 50 ngày, với 7 sào dưa, ước tính ông sẽ thu gần 50 triệu đồng, nào ngờ giờ bị lỗ nặng.

Người trồng dưa hấu ở các xã miền núi cũng “méo mặt” vì mưa kéo dài. Ông Nguyễn Văn Hòa trồng 2 sào dưa hấu ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho biết: Những cơn mưa vừa qua “giải hạn” cho sắn, mía nhưng người trồng dưa “méo mặt”. Dưa hấu ra trái sắp đến ngày thu hoạch, chỉ sau 2 ngày gặp mưa, trái có nhớt ở phần tiếp giáp với đất, đến ngày thứ 3 lại xuất hiện đốm vàng bằng đầu đũa và lan rộng ra bầm đen dưới bụng trái dưa. Tôi trồng 4 sào dưa hấu, dự tính vài ngày nữa có thể cầm trong tay gần 30 triệu đồng. Nhưng mưa lớn bất ngờ, trái dưa bị “ngâm” nước mưa khiến toàn bộ ruộng dưa bị bệnh thối trái.

Còn bà Phan Thị Nữ, một người trồng dưa ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), nói: Tôi thuê 5 sào đất trồng dưa, lúc nắng nóng thì tôi đặt máy bơm hút nước từ suối lên tưới cho dưa. Khi dưa chưa kịp già thì mưa to ập xuống, vì là đất vùng gò đồi nên tôi chịu khó trở dưa, đồng thời lót ni lông cách đất cho dưa không bị nũng thối. Cuối tuần qua cơn mưa kéo dài từ chiều qua đêm, tôi vội thu hoạch và bán đổ bán tháo, chỉ 4.000 đồng/kg, thấp hơn đầu vụ 2.500 đồng/kg. Số tiền đó chỉ đủ trả các khoản chi phí, còn lỗ công chăm sóc.

Theo Sở NN-PTNT, vụ dưa hấu năm nay nông dân trồng hơn 300ha dưa, tập trung ở các huyện Tuy An, Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Còn nông dân các xã An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An) và xã An Phú (TP Tuy Hòa) trồng dưa gang, dưa bom. Những cơn mưa vừa qua đã làm nhiều diện tích dưa bị hư hại, gây thiệt hại nặng cho người trồng dưa.

TRÂM TRÂN

Hai mùa bơ sáp R'Chai (Lâm Đồng)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Bằng các biện pháp canh tác phù hợp, trang trại 2,8 ha bơ sáp của ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn R’Chai 2 (xã Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng) vào mùa thu hoạch năm 2016 tiếp tục đạt yêu cầu về sản lượng và chất lượng, thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến mua tận nơi với giá cạnh tranh.

Chủ trang trại Nguyễn Văn Toàn bên cây bơ sáp ở R’Chai, Đức Trọng

Mỗi cây thu hoạch đến 100 kg trái

Tôi tìm đến trang trại của ông Nguyễn Văn Toàn vào một ngày cuối tháng 5/2016 đang thu hoạch rộ vụ mùa bơ sáp. Gần trưa đứng bóng, ông Toàn mới bố trí được thời gian dẫn tôi tiếp cận với những hàng cây bơ tiêu biểu trong trang trại 2,8 ha, tọa lạc giữa khu vực trồng hoa màu rộng lớn của thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, Đức Trọng. Dừng chân bên cây bơ tỏa tán rộng hơn năm mét, cây cao chừng bốn mét, ken dày từng chùm trái nặng trịch đến chạm đất, ông Toàn khái quát: “Trang trại chúng tôi đang thâm canh có khoảng 800 cây bơ, trong đó có 100 cây bơ sáp ghép, nguồn giống cao sản nhập về từ các nước Úc, Mỹ… mới đưa về trồng gần một năm vừa qua; còn lại 700 cây đang vào thời kỳ kinh doanh năm thứ 3, thứ 4. Sản lượng trung bình mỗi năm đều tương đương với nhau - khoảng 65-70 tấn…”.

Nếu chia đều sản lượng thì trên mỗi cây bơ của trang trại ông Toàn hiện đang thu hoạch đạt đến 100 kg trái/năm. Tuy nhiên, theo ông Toàn, với năng suất này vẫn chưa ở mức tối đa do cây bơ vẫn còn một phần diện tích sinh trưởng xen canh với cây cà phê vối. Nguyên diện tích 2,8 ha trang trại bơ của ông Toàn trước đây trồng mía, đậu, đỗ và các loại hoa màu ngắn ngày khác, hàng năm thu nhập không đáng kể. Đến năm 2009, ông Toàn cải tạo đất để chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mới các loại cà phê chè và cà phê vối. Khi cây cà phê phát triển, cành, lá cao hơn mặt đất nửa mét trở lên, ông Toàn đi tìm chọn một trong những loại cây che bóng về trồng để bảo vệ cho cây cà phê che nắng gắt, tránh mưa to, ngăn chặn dịch hại...là giống cây bơ ghép đang kết hoa, đậu trái trên nhiều vùng đất ở huyện Đức Trọng. Khi một vài hàng cây bơ ghép mới bám rễ vào đất vài tháng tuổi, nhưng cành, lá khá tốt tươi, che bóng mát rượi, ông Toàn quyết định triển khai ý tưởng thành lập trang trại bơ trồng thuần, nhằm tạo hướng đột phá về thu nhập.

“Tôi mua cùng lúc 300 cây giống bơ ghép từ các nhà vườn ở địa bàn huyện Đức Trọng, chiều cao trung bình mỗi cây khoảng 0,5 m, trồng cây cách cây khoảng 6 m x 6 m xen canh theo từng hàng cà phê theo sự hướng dẫn của người bán…” - ông Toàn kể tiếp. Và sau thời gian chăm sóc một năm, ông Toàn tự ươm ghép thêm 400 cây bơ và trồng phủ xanh toàn bộ diện tích 2,8 ha trang trại, nâng tổng số thành trang trại 700 cây bơ hiện giờ. Kết quả, khi những hàng cây bơ bước vào giai đoạn 4 năm tuổi thì những hàng cà phê chè, cà phê vối xen canh đã “tận thu” từ 1-2 vụ trái tươi hoặc hạt nhân rồi tiến hành chặt bỏ hoàn toàn. Ước mỗi vụ cà phê thời điểm đó (trong 2 năm 2012 - 2013), ông Toàn bán được khoảng 100 triệu đồng. Lúc tôi đến trang trại chỉ còn khoảng vài ngàn mét vuông diện tích cà phê vối trồng xen, dự kiến sẽ phá bỏ hết sau vụ thu hoạch cuối năm 2016, dành toàn bộ môi trường sinh thái cho cây bơ ghép phát triển.

Mùa bơ chính vụ ở Đức Trọng nói riêng, ở Đà Lạt và các vùng phụ cận nói chung thường thu hoạch liên tục trong tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Nhưng đặc biệt trong năm 2016 này, trang trại bơ của ông Toàn sẽ thu hoạch thêm vụ nhiều hàng cây bơ sáp nghịch vụ thứ 2 trong tháng 9 và tháng 10. Ông Toàn cho biết, vào các năm 2012, 2013, phát hiện trong trang trại của mình có vài cây bơ sáp đột biến nở hoa, đậu trái nghịch vụ, đạt năng suất tương đương với cây bơ chính vụ, nhưng giá bán ra lại tăng cao hơn từ 2- 3 lần. Với kỹ thuật ghép hiện có của mình, ông Toàn chủ động bình tuyển những chồi cây bơ nghịch vụ đạt chất lượng cao nhất để ghép vào gốc cây bơ khỏe mạnh được gieo bằng các loại giống bơ hạt to. Từ đây, một thế hệ bơ nghịch vụ ra đời rồi nhân giống đại trà hàng trăm cây trồng mới trong trang trại đến nay. Kế hoạch từ năm 2018 trở đi, ông Toàn sẽ tái cơ cấu diện tích cây bơ chính vụ và nghịch vụ ngang bằng nhau trong trang trại của mình, đạt sản lượng chia đều mỗi dòng cây khoảng 35 tấn trái/năm.

Lợi thế của mặt hàng bơ đặc sản

Vào thời điểm cuối tháng 5/2016, hạch toán với giá 25.000 đồng/kg trái bơ bán sỉ của riêng khoảng 10 giống cây chính vụ ở trang trại ông Toàn, nhân với năng suất 100 kg/cây/năm, thành doanh thu 2,5 triệu đồng/cây/năm. Trừ hết mọi chi phí, mỗi cây bơ đạt lãi khoảng 2 triệu đồng/năm. Ước lợi nhuận trang trại 2,8 ha của ông Toàn khoảng 1,4 tỷ đồng/năm. “Từ 3-4 năm vừa qua, năm nào trang trại của tôi thu hoạch bơ đều tiêu thụ khá nhanh. Thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng rất hút hàng bơ sáp của vùng khí hậu Đức Trọng và các vùng phụ cận của Đà Lạt. Hướng phát triển trong vài năm mới, tôi sẽ tìm đất mở rộng thêm diện tích trồng bơ hai vụ, đồng thời tập hợp thêm những hộ gia đình trồng bơ để thành lập hợp tác xã chuyên canh các loại bơ đặc sản của Lâm Đồng…” - chủ trang trại Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.

VĂN VIỆT

Quỳ Hợp xây dựng thương hiệu cam đạt tiêu chuẩn Châu Âu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Huyện Qùy Hợp (Nghệ An) vừa ban Nghị quyết về việc phát triển vùng cam theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo với 2.410 ha cam. Theo đó, xây dựng thương hiệu cam Qùy Hợp tách khỏi thương hiệu cam Vinh.

Cam Qùy Hợp đang mùa hoa mới

Qùy Hợp hiện có khoảng 1.945, 5 ha cây có múi, trong đó cam chiếm 1.520 ha, tăng 252 % so với năm 2011, năng suất quả tăng từ 10-15%, sản lượng tăng 60%, tạo bước tăng trưởng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Huyện đã xây dựng được những vùng cam tập trung với giống Xã Đoài, Valencia, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Giá trị 1 ha cam đạt trên 300 triệu đồng/ ha.

Huyện đặt ra mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu cam Qùy Hợp tách khỏi thương hiệu cam Vinh đồng thời thu hút các doanh nghiệp doanh nghiệp đầu tư một số diện tích sản xuất cam theo qui trình tiêu chuẩn VietGAP, Euro Gap...kiểm định chất lượng và dán tem mác cho sản phẩm nhằm đưa sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tiêu thụ sang Châu Âu.

Cam V2 - đặc sản ở Qùy Hợp. Ảnh Phan Toàn

Trân Châu

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thanh long "sạch" vẫn khó về đầu ra

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Chăm sóc thanh long theo quy trình VietGAP tại vườn của ông Mai Văn Tiết (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc).

Được triển khai thực hiện từ năm 2009, đến nay mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Tuy nhiên do giá bán vẫn “cào bằng” với các loại thanh long trồng theo cách thông thường nên nhiều nông dân chưa “mặn mà” với mô hình này.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP được Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Sở KH-CN thực hiện thí điểm tại xã Bông Trang (năm 2009) và xã Bưng Riềng (năm 2013) của huyện Xuyên Mộc, với diện tích 2ha/xã. Tại xã Bưng Riềng, tổng sản lượng đạt thanh long trồng theo mô hình này hiện nay đạt khoảng 30 tấn/2 ha, doanh thu đạt từ 600 - 700 triệu đồng/năm. Theo đặc tính và tuổi thì năng suất thanh long ruột đỏ có thể đạt từ 40 - 45 tấn/ha/năm kể từ năm thứ 4, thứ 5. Với mức giá như hiện tại (25.000 – 30.000 đồng/kg), trồng thanh long ruột đỏ sẽ cho lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; kể cả khi giá xuống mức 10.000 đồng/kg vẫn có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Ông Lê An, một trong 5 hộ tham gia trồng thí điểm mô hình thanh long ruột đỏ tại xã Bưng Riềng cho biết, thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP giảm 20 - 30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật; phương pháp diệt trừ sâu bệnh chủ yếu sử dụng các giải pháp sinh học nên rất an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Tấn Phước, Phó Ban Tuyên giáo xã hội, Hội Nông dân tỉnh - chủ nhiệm dự án cho biết, cây thanh long ruột đỏ có khả năng chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ sống, ít bị gãy đổ do mưa, bão. Trồng thanh long ruột đỏ so với một số loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh như quýt đường, hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng…cho hiệu quả cao hơn, tỷ lệ rủi ro mắc dịch bệnh thấp. Hiện nay, sản phẩm thanh long ruột đỏ này đã được phân tích bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Bộ NN-PTNT. “Do vậy trồng thanh long theo hướng VietGAP là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh”, ông Phước cho biết thêm.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10ha trồng thanh long ruột đỏ theo VietGAP, chủ yếu tập trung tại 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm trồng theo quy trình VietGAP vẫn chưa hoàn thành việc xin cấp chứng nhận sản xuất chuẩn VietGap. Ông Lê An cho biết thêm, tuy mọi quy trình canh tác đều thực hiện theo VietGAP, nhưng vẫn bị “đánh đồng” với cách trồng thường.

Còn ông Mai Văn Tiết, hộ trồng thanh long tại xã Bông Trang cho biết, tại các xã trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đều có thành lập HTX chuyên thu mua sản phẩm cho những người trồng, nhưng chưa có nơi nào mua riêng sản phẩm trồng theo quy trình VietGAP. Phần lớn thanh long thu hoạch đều bán cho thương lái tại tỉnh Bình Thuận, nên giá cả không ổn định, chưa tương xứng với chất lượng của thanh long VietGAP.

Ông Phạm Tấn Phước cũng thừa nhận, các hộ nông dân muốn đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đều gặp khó khăn về vốn đầu tư (chi phí đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu/ha). Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích trồng thanh long theo VietGAP cũng không dễ vì phải tuân thủ việc ghi nhật ký sản xuất, phải gửi các mẫu xét nghiệm đất, nước, phân bón... Trong khi đó, đa số nông dân chưa thực hiện được các quy định này.

Trước hiệu quả mang lại của việc trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP, những người trồng thanh long đã đề xuất tỉnh cần thành lập cơ sở thu mua sản phẩm này, đồng thời xây dựng nhà sơ chế quả thanh long của BR-VT, từng bước xây dựng thương hiệu để tiếp cận vào các siêu thị, bếp ăn công nghiệp… Có thị trường tiêu thụ ổn định thì không phải phụ thuộc thương lái, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Phước thì bản thân người trồng thanh long cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh phải tập làm quen với việc sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hình thành thói quen thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Đây cũng chính là việc người nông dân góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm mà họ đã sản xuất.

NGÔ THANH

Phòng trừ sâu, bệnh trên cây có múi

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Toàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 4.000ha trồng cam, quýt, bưởi, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Hưng, Tân Long và Long Thạnh. Những cơn mưa giải hạn thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cây phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, tình hình sâu, bệnh cũng xuất hiện và gây hại. Trong đó, sâu đục trái bưởi 20ha, bệnh Greening trên cam, quýt 210ha; ngoài ra bệnh ghẻ nhám và bệnh loát trên trái và sâu vẽ bùa trên lá xuất hiện và gây hại gần 100ha.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, các nhà vườn cần phun trừ khi cây ra đọt non khoảng 3-5cm, để tránh các loại côn trùng chích hút và sâu bệnh bảo vệ các vườn cây ăn trái; thăm vườn thường xuyên, bón phân hữu cơ, tưới thuốc cho cây đầu mùa mưa để hạn chế bệnh vàng lá thối rễ.

LÊ ĐĨNH

Đồng Nai: Sầu riêng Long Thành vào siêu thị

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Từ việc ông Trần Anh Tùng, nông dân trồng sầu riêng VietGAP tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), tổ chức quầy giới thiệu và bán sản phẩm sầu riêng VietGAP tại siêu thị Co.op Mart Biên Hòa, phía siêu thị Co.op Mart đã làm việc với nông dân xã Bình Sơn để đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị. Hiện với diện tích 15 hécta sầu riêng đã được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân Bình Sơn có thể cung cấp từ 120 - 130 tấn sầu riêng an toàn/vụ.

Được biết, gần 60 hécta sầu riêng tại 2 xã Bình Sơn và Bình An đều chuyển sang quy trình trồng theo hướng VietGAP. Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp canh tác sinh học, đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm, vụ thu hoạch năm nay các vườn sầu riêng của huyện Long Thành đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Sầu riêng Long Thành đã tham gia và đoạt giải cao tại các hội thị “Trái ngon - an toàn” tại TP.Hồ Chí Minh.

Bình Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop