Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 06 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 06 năm 2020

Những nông dân thời đại mới

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường... nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Đam mê nông nghiệp hữu cơ

Sinh ra tại thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du), từ nhỏ anh Nguyễn Thanh Liêm quen với sản xuất nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Sinh học (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) Liêm trở về quê gây dựng mô hình trồng rau sạch. Bước đầu bắt tay vào làm, Liêm khai phá lại khu trang trại hơn 1,3 ha của gia đình. Gọi là trang trại nhưng nơi đây chỉ có những dãy chuồng cũ kĩ, ẩm thấp mà nhiều năm trước chăn nuôi bò sữa. Sau gần 1 năm đầu tư, thuê máy móc cải tạo, dùng chế phẩm sinh học để xử lý đất, Liêm chia thành 3 khu sản xuất: khu ao vừa nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm, chép vừa trữ nước tưới rau; chuồng trại chăn nuôi bò, gà còn lại phần lớn diện tích sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ áp dụng công nghệ cao.

Nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên, năm 2017, Liêm đầu tư xây dựng 2.500 m2 nhà màng, nhà lưới trồng dưa chuột và cà chua trái vụ. Ngoài tưới nước, hệ thống chiếu sáng, phun thuốc sinh học cũng được anh thiết kế theo hướng tự động hóa. Riêng khâu bón phân vẫn làm thủ công, bởi trồng rau, quả hữu cơ phải ủ phân chuồng hoai mục, không pha được vào hệ thống tưới. Nhờ thiết kế ứng dụng công nghệ, gia đình anh chỉ cần 2 lao động.

Mô hình sản xuất đa canh của gia đình anh Nguyễn Văn Phòng, xã Quế Tân (Quế Võ).

Anh Liêm chia sẻ: “Canh tác rau, quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi có thể kiểm soát được chế độ tưới nước, bón phân, nhiệt độ và sâu bệnh. Canh tác trong nhà màng cũng giúp giảm nhân công trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hơn nữa, thời tiết mưa, nắng thất thường cũng ít ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm cho thu 8 tấn cà chua trái vụ, 3-4 lứa dưa chuột, mỗi lứa khoảng 2 tấn, với giá bán trung bình 15-20 nghìn đồng/kg…”.

Hiện sản lượng rau, quả của gia đình anh được một số siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội và thành phố Bắc Ninh nhận bao tiêu. Ngoài sản xuất rau, anh còn trồng 200 cây bưởi Diễn, nhiều loại hoa giống, nuôi 10 con bò sinh sản, cứ 7-8 tháng xuất chuồng một lần, giá bán 15 triệu đồng/con giống. Tổng doanh thu từ trang trại gia đình anh mỗi năm đạt hàng tỷ đồng.

Mô hình sản xuất đa canh khép kín của nông dân 8x

Với bản tính ham học hỏi và cần cù, sáng tạo trong lao động, Nguyễn Văn Phòng sinh năm 1982 xã Quế Tân (Quế Võ) xây dựng thành công mô hình sản xuất đa canh khép kín, được nhiều người trong và ngoài vùng đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

Năm 2004, anh mạnh dạn thuê hơn 1 ha diện tích chuyển đổi của địa phương xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Những năm đầu chỉ chăn nuôi theo kiểu truyền thống, không tận dụng hết tiềm năng, hiệu quả kinh tế kém nên anh quyết định thay đổi “chiến thuật”. Lần này, vẫn trên diện tích ấy, anh quy hoạch, phát triển theo hướng đa canh với các loại sản phẩm như: lợn, cá, gia cầm, thủy cầm và một số loại hoa màu khác. Mô hình sản xuất đa canh này là một nhóm sản phẩm có mối liên hệ và hỗ trợ lẫn nhau, ưu điểm nhất chính là việc tận dụng phế phẩm và xử lý chất thải vật nuôi chống ô nhiễm môi trường. Đây là một mô hình hay giúp bà con nông dân giải quyết bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa thường hay xảy ra.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại, phấn khởi trước những thành quả đạt được, anh Phòng vui vẻ: “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả quá trình lao động, mỗi thành viên trong gia đình đều rất nỗ lực, đổ nhiều công sức để biến những thùng vũng thành vườn cây, ao cá tốt tươi…”. Trên diện tích hơn 1 ha, anh quy hoạch thành 4 ao thả cá, xây dựng gần 1.000 m2 chuồng trại, tách riêng cho từng loại vật nuôi như: lợn thịt, lợn sữa, gà, ngan, vịt… Với sự đầu tư bài bản, lợn thịt được anh nuôi theo cách gối lứa, mỗi lứa 300 con, cứ 3 tháng được xuất chuồng. Ngoài ra, còn có hàng nghìn gà thả vườn, vịt, ngan… Từ bán lợn thương phẩm, cá, gia cầm, thủy cầm và các loại cây trái trong vườn, cho gia đình anh tổng thu tiền tỷ mỗi năm.

Anh Phòng bật mí: “Trong chăn nuôi, quan trọng nhất là lựa chọn con giống và hướng chăn nuôi. Tôi chọn nuôi lợn hướng nạc theo mô hình khép kín bởi có ưu thế là an toàn dịch bệnh hơn, thuận tiện trong vệ sinh phòng bệnh, hạch toán kinh doanh, khấu hao chuồng trại được, chủ động nguồn con giống, do đó bảo đảm được hiệu quả kinh tế”.

Hiện toàn tỉnh có hàng nghìn mô hình trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nhiều nông dân đã và đang tìm tòi, học hỏi để sản xuất bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội. Anh Liêm, anh Phòng chỉ là 2 trong số những nông dân của thời đại mới từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với yêu cầu khắt khe của cơ chế thị trường. đây có thể xem là “chìa khóa” mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Bài, ảnh: Hà Linh

Làm phân bón từ rác

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Phúc

Tận dụng nguồn rác thải từ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, nhiều mô hình trồng rau, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xử lý, chế biến thành phân bón để bón cho cây. Việc biến rác thải hữu cơ trở thành nguồn “thức ăn” giàu dinh dưỡng không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần làm sạch môi trường.

Mô hình ủ phân vi sinh làm từ rác thải hữu cơ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhài, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc) góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Nguyễn Lượng

Tiết kiệm chi phí phân bón cho cây trồng...

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở TN&MT, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 830 tấn/ngày, trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực đô thị đạt 94%, khu vực nông thôn chỉ đạt 74%.

Tình trạng xử lý rác thải tại một số khu dân cư còn phức tạp, việc phân loại và xử lý rác vẫn theo phương thức thủ công, thiếu chuyên nghiệp; nhất là các khu vực nông thôn, một số nơi chưa có lò đốt rác, dẫn đến rác ùn ứ lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, một số trang trại, hộ gia đình trồng rau, cây ăn quả đã tận dụng một số loại rác thải hữu cơ, ủ thành phân để bón cho cây trồng. Giải pháp này được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nho Hạ đen, bưởi và dưa lưới trên diện tích 2 ha, ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc), chị Nguyễn Thị Nhài, chủ mô hình cho biết: “Sau khi tham quan, tìm hiểu phương pháp ủ rác bằng men vi sinh vật để tạo phân bón tại Trường đại học Nông - Lâm Bắc Giang, vợ chồng tôi quyết định thử nghiệm triển khai mô hình này tại trang trại của gia đình.

Từ kiến thức học được, chúng tôi bắt đầu thu mua rơm, rạ, cá thải tại các ao, đầm trên địa bàn và tận dụng một số loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình để làm nguyên liệu ủ phân.

Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, hiệu quả không đạt được như mong muốn. Sau 2 lần thất bại, hiện nay, mỗi tháng, tôi đều thu mua gần 200 kg cá thải về để ủ phân. Vụ mùa vừa qua, tôi thuê nhân công đi thu gom thêm hàng chục tấn rơm, rạ về làm nguyên liệu.

Tùy từng loại nguyên liệu, nếu là rơm, rạ, thực vật chỉ cần ủ từ 3 - 4 tháng, với cá và các loại thịt hữu cơ, thời gian ủ từ 5 - 6 tháng. Với việc tận dụng rác thải để ủ phân, mỗi năm, gia đình tôi tiết kiệm được gần 50% chi phí phân bón cho cây, mà loại phân bón này được đánh giá là giàu chất dinh dưỡng”.

Được biết, năm 2019, sau khi trừ các chi phí, 2 ha cây ăn quả thu về cho gia đình chị Nhài hơn 400 triệu đồng. Đã có nhiều người tìm đến trang trại của gia đình chị để học hỏi phương pháp ủ phân vi sinh từ rác. Gia đình cũng có ý định truyền đạt, nhân rộng mô hình này tại các địa phương lân cận, trước mắt sẽ hỗ trợ người dân xã Tam Hồng nhân rộng mô hình.

... đến bảo vệ môi trường sống

Không chỉ mô hình trang trại với quy mô lớn, ngay tại các hộ gia đình trồng rau màu với quy mô nhỏ, một số hộ cũng đã áp dụng mô hình ủ phân từ rác. Gia đình anh Đỗ Tiến Thành, ở tổ dân phố Thanh Giã 1, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) là một trong số đó.

Tận dụng rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình, anh Thành đã xây dựng mô hình ủ phân bằng men vi sinh phục vụ cho việc trồng rau sạch trên sân thượng. Theo chia sẻ của anh: “Từ thực tế nhiều trường hợp lạm dụng hóa chất để trồng rau xanh cung ứng ra thị trường, gây nguy hại cho người tiêu dùng, năm 2017, tôi bắt đầu triển khai mô hình tháp rau xanh trên sân thượng, cung cấp rau sạch cho bữa ăn gia đình.

Sau khi tìm hiểu phương pháp ủ phân vi sinh từ rác thải hữu cơ, nhận thấy lợi ích kép mà giải pháp này mang lại, tôi đã nghiên cứu, chế tạo thùng ủ rác để bón cho rau. Hàng ngày, các loại rác như rau, củ, quả hỏng; bã chè, cà phê; vỏ trái cây, cuống rau; cơm thừa canh cặn của gia đình... thậm chí lá cây rụng cũng được tôi thu gom để ủ phân. Sau khi trộn rác với men vi sinh, thời gian ủ vào khoảng 2 tháng. Sau mỗi lần thu hoạch, chỉ cần trồng cây trên đất đã thu hoạch, tưới nước và bón bổ sung phân vi sinh lấy từ quá trình ủ rác mà không cần dùng thêm bất cứ loại phân bón nào khác”.

Từ ngày áp dụng mô hình trồng rau sạch bằng phân vi sinh làm từ rác, gia đình anh Thành vừa có rau sạch để ăn, lại tận dụng được nguồn rác thải bỏ đi, tiết kiệm được chi phí, giảm tải gánh nặng cho đơn vị dọn vệ sinh môi trường. Qua theo dõi, lượng rác thải của gia đình anh giảm đáng kể, từ 2 kg/ngày xuống còn khoảng 0,2 kg/ngày.

Từ những lợi ích thiết thực mà mô hình đem lại, anh Thành hy vọng trong thời gian tới, mô hình của mình sẽ được nhiều người biết đến và nhân rộng, bởi mô hình rất dễ áp dụng, lại an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, thích hợp với người dân thành phố có nhu cầu trồng rau màu trên diện tích đất nhỏ hẹp.

Theo đánh giá từ Sở TN&MT, mô hình trồng rau, cây ăn quả bằng phân vi sinh làm từ rác giúp mỗi gia đình giảm từ 70 - 80% lượng rác thải hữu cơ phải chôn lấp hoặc thu gom, xử lý. Đồng thời, việc áp dụng mô hình cũng thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người, giúp người dân tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, chi phí sản xuất, đảm bảo môi trường sống từ những điều nhỏ nhất của cuộc sống.

Hoàng Sơn

Vùng hạn mặn ĐBSCL tránh trồng cây kinh tế theo phong trào

Nguồn tin:  VOV

Những vườn cây bị chết, nhà vườn cải tạo trồng lại các giống cây có khả năng thích ứng với khô hạn như sapô, ổi, mít, bưởi, cam, chanh,...

Hiện nay, vùng ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm mà chính quyền và người dân khu vực này khẩn trương khắc phục sản xuất sau đợt khô hạn lịch sử. Đặc biệt, đối với cây ăn trái thiệt hại do hạn mặn rất nặng nề và việc khắc phục lại khu vườn rất khó khăn và tốn nguồn kinh phí lớn.

Đến vùng chuyên canh cây sầu riêng ở các huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi chứng kiến nhà vườn khắc phục vườn cây sau hạn mặn rất khẩn trương. Những vườn cây bị suy kiệt, nhà vườn đang bón phân, phun thuốc; còn vườn nào bị chết trắng thì nhà vườn thuê cơ giới phá bỏ, đào mương lên liếp để trồng lại cây mới.

Ông Huỳnh Văn Khanh, nhà ở ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy rất xót xa khi phải phá bỏ 4 công vườn sầu riêng 12 năm tuổi do khô hạn chết trắng, để trồng lại cây sapô (tức Hồng xiêm). Ông Khanh cho biết, cây sầu riêng sẽ không còn phù hợp khi hạn mặn tái diễn; trong khi đó cây sapô có khả năng chịu độ mặn cao hơn.

“Mình thấy cây sầu riêng này không thể chịu đựng được nước mặn nên buộc phải trồng sapô. Cây sapô có thể chịu được nước mặn lên đến 5-6 phần nghìn. Bỏ cây sầu riêng cũng rất tiếc vì cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng hàng năm đất trồng bị xâm mặn nên không thể đầu tư được, phải bỏ”, ông Khanh chia sẻ.

Vườn cây sầu riêng tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phá bỏ để trồng lại cây sapô.

Qua đợt mặn lịch sử năm nay, đa số nhà vườn tỉnh Tiền Giang không còn tha thiết với cây sầu riêng. Bởi nhiều khu vực, hơn 60% vườn cây này bị ảnh hưởng do hạn mặn gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Khi nước mặn hơn 1 phần nghìn xâm nhập khiến cây sầu riêng chết trắng. Đối với những vườn cây bị chết, nhà vườn cải tạo trồng lại các giống cây có khả năng thích ứng với khô hạn như sapô, ổi, mít, bưởi, cam, chanh…

Sau những cơn mưa đầu mùa, nhiều nhà vườn tỉnh Bến Tre cũng ngậm ngùi phá bỏ vườn cây chôm chôm và sầu riêng. Đây là 2 loại cây ăn trái rất nhạy cảm với nước mặn nên bị thiệt hại rất lớn sau đợt khô hạn vừa qua. Nghiêm trọng nhất là tại các xã ven sông Tiền, sông Hàm Luông thuộc huyện Châu Thành và Chợ Lách, nhiều vườn cây này bị xơ xác. Dù phải tốn kém nguồn kinh phí hơn 20 triệu đồng/công đất để cải tạo vườn, mua giống trồng lại vườn cây nhưng nhà vườn phải khẩn trương khắc phục để mong tái tạo lại khu vườn.

Ông Lê Phạm Đình Vĩnh Nghi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chia sẻ, xã Hòa Nghĩa có 8 ấp nhưng mà hiện nay hạn mặn gây thiệt hại 100% ở 4 ấp, còn lại 4 ấp bị thiệt hại từ 30-40%, đặc biệt cây sầu riêng và chôm chôm thì không khắc phục được.

“Những vườn bị thiệt hại nặng, bà con cải tạo lại và thuê máy xúc đốn phá, đắp đất lại để chuyển trồng cây có múi. Hiện nay, cây chanh, mít chịu được nước mặn nhẹ nên nhiều người đầu tư trồng, nhưng khó là giá cây giống hiện nay lên rất cao, trung bình 1.000 m2 đầu tư mới hết khoảng 20 triệu đồng”, ông Nghi cho hay.

Chủ trương của tỉnh Bến Tre là tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn khôi phục, cải tạo lại các vườn cây bị suy kiệt, giảm năng suất do hạn mặn. Đối với những vườn cây bị chết hơn 60%, bà con nên phá bỏ và chọn trồng lại các giống cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với hạn mặn.

Tuy nhiên việc khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn mặn ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang gặp khó, nhất là con giống khan hiếm và mức giá cao; đồng thời nhiều địa phương thiếu phương tiện cơ giới như: máy đào, máy cưa…

Về việc khắc phục vườn cây sau hạn mặn, ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết thêm, đối với những vườn cây không thể khắc phục được bắt buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, cần phải tổ chức hội thảo để xác định loại cây trồng gì đảm bảo yếu tố thị trường, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu được mức độ mặn tương đối.

“Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã triển khai công tác phòng, chống hạn mặn cho năm sau, tức là những giải pháp công trình, phi công trình, nạo vét kênh mương, đào ao. Trên tinh thần tuyên truyền, vận động người dân bằng mọi giá, sản xuất là phải đào ao, hồ trữ nước ít nhất từ 2-3 tháng”, ông Linh cho biết.

Ở thời điểm này, chính quyền các địa phương vùng bị ảnh hưởng của hạn mặn tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang thống kê, khảo sát lại diện tích vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn để có chính sách, biện pháp hỗ trợ nhà vườn khôi phục vườn cây.

Các ngành, đoàn thể địa phương đang kết hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp nhà vườn khôi phục lại vườn cây đặc sản sau hạn mặn đạt hiệu quả; trong đó tránh trồng cây “chạy" theo phong trào sẽ gây ra hệ lụy khó giải quyết về sau./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Chăm sóc phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời gian qua, hạn hán và nhập mặn diễn ra khốc liệt, gây thiệt hại cho nhiều vườn cây ăn trái tại ĐBSCL. Song, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó của người dân, nhiều diện tích vườn đã được bảo vệ kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Đã bước vào mùa mưa và xâm nhập mặn cũng giảm, nhưng nông dân không nên chủ quan, cần tiếp tục quan tâm bảo vệ, chăm sóc vườn cây phục hồi sau hạn mặn...

Không được chủ quan

Nông dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ chăm sóc, tưới nước cho vườn cây ăn trái.

Mùa khô năm 2019-2020, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL được đánh giá là thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015, nên mặn đã xuất hiện sớm, độ mặn cao và xâm nhập sâu vào các sông, gây thiếu nước ngọt trầm trọng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. Những tháng qua, vùng ĐBSCL cũng đối mặt với tình trạng ít mưa, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, với nền nhiệt khá cao và có sự chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa ngày và đêm. Điều này cũng gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh trưởng và làm giảm năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng, thậm chí gây chết cây.

Theo các báo cáo và đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương vùng ĐBSCL, mùa khô năm 2019-2020, tổng diện tích cây ăn trái trong vùng ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 130.000ha, chiếm tỷ lệ 39,1% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng. Cụ thể: tỉnh Tiền Giang 28.360ha, Bến Tre 12.350ha. Long An 12.900ha, Trà vinh 12.350ha, Vĩnh Long 8.580ha, Sóc Trăng 13.650ha,… Các chủng loại cây ăn trái bị ảnh hưởng là xoài, chuối, thanh long, dứa, cây có múi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, vú sữa... Do hạn mặn diễn biến gay gắt hơn năm 2015-2016 và kéo dài nên nhiều diện tích vườn cây ăn trái và sản xuất giống cây ăn trái tại các huyện thuộc một số tỉnh ven biển: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều diện tích trồng cây ăn trái và sản xuất giống cây ăn trái bị thiếu nước tưới, nông dân phải vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về để tưới cây. Các cơ quan chức năng tại các địa phương và Trung ương cũng đã tích cực hỗ trợ người dân thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ vườn cây và tăng cường các hoạt động cung cấp, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt... nên đã giảm thiểu được các thiệt hại.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: "Chúng ta đã phòng, chống hạn mặn rất tốt cho diện tích gần 100.000ha trong vùng bị ảnh hưởng. Đến nay, diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng Tiền Giang, Bến Tre hay vùng ngọt Cần Thơ, Vĩnh Long hầu như không đáng kể so với đợt hạn mặn năm 2015-2016. Theo thống kê, diện tích cây ăn trái bị thiệt hại trên 70% chưa tới 3.000ha, trong khi năm 2015-2016 có tới 35.000ha bị thiệt hại ở mức này".

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Đặc biệt, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến nửa đầu tháng 6, sau đó giảm dần. Các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn.

Giải pháp phục hồi vườn cây

Bước vào mùa mưa, tình hình hạn mặn cũng giảm nhưng tại nhiều nơi hạn mặn vẫn còn ở mức cao nên nông dân không được chủ quan. Đặc biệt, nhiều vườn cây sau hạn mặn đã bị suy kiệt, vẫn còn có nguy cơ bị chết cây và thiệt hại về năng suất, sản lượng trái do cây và đất đã bị nhiễm mặn trước đó. Do vậy, nông dân cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin thời tiết, hạn mặn để chủ động ứng phó và quan tâm áp dụng các biện pháp và giải pháp kỹ thuật được ngành chức năng khuyến cáo để phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn cây sau hạn mặn. Qua đó, tiếp tục giảm thiểu các thiệt hại ở mức thấp nhất đối với cây ăn trái.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, lưu ý, bà con thấy có nước ngọt và nước mưa khi chuyển mùa, liền vội vã sử dụng phân bón hóa học để bón cho vườn cây ăn trái, điều này sẽ càng làm ảnh hưởng xấu đến cây vì bộ rễ đã suy yếu và hư hỏng, cần phải phục hồi. Sau hạn mặn, nhà vườn cần thực hiện các bước rửa mặn, phục hồi bộ rễ, bộ lá cho cây, bổ sung dinh dưỡng cho bộ lá, giúp cây tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp, sau đó mới có thể bón phân hóa học. Để rửa mặn, chúng ta cần chú ý bón vôi cho cây và dùng nước tưới lên liếp vườn cây để đưa mặn trong đất thoát theo nước xuống mương và ra sông.

Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, sau hạn mặn cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, từ đó đề ra kế hoạch để phục hồi vườn cây. Nếu vườn có nhiều cây chết hoặc tỷ lệ cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác. Nếu hạn, mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây trong vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng giặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt. Việc đánh giá thiệt hại của từng cây trong vườn rất quan trọng để lựa chọn giải pháp chăm sóc phù hợp.

Đối với tán cây thiệt hại nhiều, cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra quả. Đối với tán cây thiệt hại không nhiều, chăm sóc cây như giai đoạn mang quả để cây có thể ra hoa, đậu quả. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn và mức độ thiệt hại của cây ăn quả trên vườn mà chúng ta có các giải pháp chăm sóc phù hợp để giúp cây sớm phục hồi. Cụ thể, thực hiện cắt tỉa những cành khô héo, cành chết, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh. Tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều. Nếu chúng ta tiếp tục để quả trên cây trong điều kiện này thì hệ thống rễ đã bị thiệt hại do mặn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng để nuôi quả bị giảm mạnh dẫn đến chất lượng quả kém, còn làm suy kiệt cây, trường hợp nặng sẽ dẫn đến chết cây.

Do mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nặng nên cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non, đồng thời sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển, kế đến bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, phân NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Xuất khẩu trái cây vào EU: Cần tuân thủ truy xuất nguồn gốc

Nguồn tin: Công Thương

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho các mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi việc thực hiện truy xuất nguồn gốc phải được triển khai một cách đầy đủ.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu (XK) thứ tư của rau, quả Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Khi EVFTA có hiệu lực, việc miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các nước khác.

Muốn xuất khẩu sang thị trường EU, trái cây Việt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn e ngại thị trường EU. Bởi lẽ, hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe nên EU được xếp vào loại thị trường khó tính nhất thế giới. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam- cho biết, rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng là phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính DN và cả ngành rau, quả Việt Nam. Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó DN EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây.

Ông Filip Graovac - Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam- đánh giá, dù khá nhạy bén trong kinh doanh, song người Việt Nam áp dụng chưa tốt truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, ông cũng đã nhìn thấy những cơ hội lớn mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA, trong khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn sau thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. “Việt Nam có tiềm năng XK hàng nông sản, trái cây, có những sản phẩm tốt và nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới”- ông Filip Graovac nói.

Truy xuất nguồn gốc đang thách thức tăng trưởng của toàn ngành rau, quả. Trên thực tế, để trang bị cho DN Việt Nam những nền tảng cơ bản theo yêu cầu của thị trường, Chính phủ Australia đã tài trợ Dự án “Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển XK”. Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong năm 2020 và 2021 với 5 loại hàng như cà phê, tiêu, xoài, hàng gốm sứ và hàng mây tre lá. Dự án cũng đề xuất triển khai đến 13 dòng hàng XK nông sản chủ lực của Việt Nam và đầy đủ các sản phẩm khác thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cả nước.

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các dự án, đòi hỏi sự nỗ lực của chính các DN, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. “Cùng với các tiêu chuẩn như GlobalGAP, HACCP… thì nhiều điều khoản có thể được coi là mới lạ đối với DN Việt như: Phúc lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường,… đòi hỏi các DN cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, xây dựng nền tảng tốt thì mới có thể XK tốt sang thị trường này” - ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T - khuyến nghị.

Với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là thị trường lớn và ổn định, chiếm tới 45% giá trị thương mại toàn cầu của rau, quả tươi. Do đó, nếu làm tốt truy xuất nguồn gốc, trái cây và rau, quả của Việt Nam sẽ có giấy thông hành vào EU.

Thanh Hà

Giá thanh long ruột đỏ giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện tại, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) rất lo lắng khi giá loại trái cây này giảm mạnh so với tháng trước.

Giá thanh long ruột đỏ giảm, nông dân rất lo lắng

Thanh long ruột đỏ loại 1 đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg; loại 2 giá 10.000 đồng/kg; loại 3 giá 5.000 đồng/kg. Mức giá này giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long hội quán (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) cho biết: “Đến nay, tình hình dịch Covid - 19 cơ bản được kiểm soát nhưng giá thanh long ruột đỏ vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân do loại trái cây này đang vào thời điểm chính vụ, nhiều địa phương trên cả nước như Bình Thuận, Long An... cũng ồ ạt thu hoạch, khiến lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường quá lớn, gây ra tình trạng cung vượt cầu”.

TRANG HUỲNH

Lúa nếp thơm Hưng Yên mang lại triển vọng cho nhiều tỉnh, thành phố

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Nếp thơm Hưng Yên là giống lúa do Sở Nông nghiệp và PTNT chọn tạo và năm 2015 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia. Sau nhiều năm gieo cấy tại tỉnh, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên đã khẳng định được thương hiệu và trở thành giống lúa chủ lực trong cơ cấu vì đây là giống lúa chất lượng cao, năng suất ổn định, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại và biến đổi khí hậu.

Nhằm quảng bá và giới thiệu mở rộng diện tích sản xuất giống lúa Nếp thơm Hưng Yên trong phạm vi cả nước, trước hết là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, vụ xuân năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao đơn vị trực thuộc liên hệ với các đơn vị chuyên môn thuộc sở chuyển thóc giống để gieo cấy thử nghiệm với tổng diện tích 27ha tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình. Qua theo dõi, đánh giá, lúa Nếp thơm Hưng Yên có nhiều triển vọng để mở rộng trên các địa phương trong cả nước.

Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình trình diễn lúa Nếp thơm Hưng Yên tại tỉnh Hải Dương

Tại thành phố Hải Phòng, mô hình sản xuất lúa Nếp thơm Hưng Yên kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp với quy mô 5ha được thực hiện tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Hải Phòng, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên được gieo cấy trên diện tích sản xuất lúa tập trung có ứng dụng cơ giới hóa, chân đất hơi trũng. Qua theo dõi, đánh giá, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên được gieo cấy ở vụ xuân năm 2020 trên địa bàn xã Ngũ Phúc có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày, phù hợp với cơ cấu trà lúa xuân muộn của địa phương; lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thời gian trỗ tập trung và trỗ thoát nhanh, khả năng chống chịu với sâu bệnh khá tốt, cho năng suất dự kiến đạt 53 - 55 tạ /ha, cao hơn lúa đối chứng từ 3 - 5 tạ/ha.

Giống lúa Nếp thơm Hưng Yên có tính ưu việt so với một số giống chất lượng đang được gieo cấy tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đã giảm được lượng giống, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Từ kết quả sản xuất tại mô hình, cần tiếp tục nhân rộng mô hình trình diễn trong các vụ tới.

Tại xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương), mô hình trình diễn giống lúa Nếp thơm Hưng Yên đang ở giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, ruộng nào bông lúa cũng nặng trĩu hạt. Bà Khúc Thị Tuyến, người tham gia mô hình phấn khởi cho biết: “Tôi từng gieo cấy nhiều giống lúa nhưng chưa thấy giống nào có nhiều ưu điểm như lúa Nếp thơm Hưng Yên, bởi giống lúa này dễ chăm sóc, khả năng chống đổ và kháng sâu bệnh tốt, năng suất ước đạt 2,3 - 2,5 tạ/sào. Hiện tại, thóc tươi được thương lái thu mua với giá cao hơn so với nhiều loại thóc khác. Tôi mong rằng, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên tiếp tục hỗ trợ giống Nếp thơm Hưng Yên và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân tỉnh Hải Dương ứng dụng mở rộng diện tích gieo cấy”.

Đồng chí Dương Đức Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Ninh cho biết: Mô hình được thực hiện với quy mô 5ha ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành. So với những giống lúa gieo cấy đại trà ở địa phương, lúa Nếp thơm Hưng Yên có ưu điểm nổi bật là thấp cây, khả năng chống đổ tốt; trỗ bông đều, bông dài, tỷ lệ hạt chắc/bông cao, hạt to, nấu xôi dẻo, thơm, thóc dễ bán, dự kiến năng suất đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào nhưng giá bán, lợi nhuận cao hơn so với thóc tẻ và một số loại thóc nếp đang gieo cấy tại địa phương. Đây là giống lúa có nhiều triển vọng để mở rộng diện tích, thay thế những giống lúa hiệu quả kinh tế thấp ở tỉnh Bắc Ninh, đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sau một thời gian triển khai sản xuất, mới đây, Sở Nông nghiệp Hưng Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực tiếp tham quan, đánh giá hiệu quả mô hình. Kết quả, cơ quan chuyên môn và người tham gia mô hình đều khẳng định giống lúa nếp thơm Hưng Yên tại các địa phương sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung, trỗ thoát, trỗ tập trung. Số nhánh hữu hiệu trung bình đạt từ 8-10 nhánh/khóm, hầu như không có nhánh vô hiệu, số nhánh hữu hiệu tối đa có thể đạt 14 nhánh/khóm; tỷ lệ hạt chắc đạt trên 85%. Thời gian này, các tỉnh, thành phố đã, đang và chuẩn bị thu hoạch lúa trong mô hình, dự kiến năng suất bình quân ước đạt trên 62 tạ/ha, tương ứng với 69 tạ thóc tươi/ha trở lên. Tại một số địa phương, thương lái, doanh nghiệp thu mua thóc tươi tại ruộng với giá từ 8,8 nghìn đồng/kg trở lên, cao hơn lúa Bắc thơm số 7 từ 1,3 - 1,5 nghìn đồng/kg.

Từ kết quả trình diễn tại các mô hình, hy vọng rằng, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên sẽ được nông dân tiếp nhận và đưa vào gieo cấy trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước ở những vụ tới.

Đức Toản

ĐBSCL: Gia tăng diện tích lúa hay giữ ‘túi chứa nước’

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Năm nay lúa được mùa, bán được giá. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có những “gam sáng” khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo lại bình thường và nhu cầu của thế giới tăng, giá gạo Việt Nam cũng tăng cao nhất trong 8 năm qua, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL

“Vừa thu hoạch xong, thương lái đến tận ruộng mua với giá 5.400 đồng/kg lúa giống OM5451, ngang bằng với giá vụ đông xuân rồi”, ông Điền Văn Út ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Hiện nay nông dân Hậu Giang đã thu hoạch gần 5.000ha lúa hè thu, năng suất đạt gần 6,5 tấn/ha. “Lúa hè thu được thương lái mua tại ruộng với giá 5.400 - 5.800 đồng/kg, lúa khô 6.100 - 7.100 đồng/kg. Hiện nhiều thương lái đang canh mua lúa của nông dân ngay khi thu hoạch”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định. Được biết vụ hè thu, nông dân ĐBSCL xuống giống trên 1,5 triệu ha.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong tháng 5-2020 được xem là cao nhất trong 8 năm qua khi cán mốc 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Sang tháng 6-2020, giá gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm đạt 473 - 477USD/tấn, thấp hơn Thái Lan 30 USD/tấn nhưng cao hơn Ấn Độ 100 USD/tấn. Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 3,7 triệu tấn, cao hơn nhiều so với lượng hàng dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm đến an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Bộ Công thương nhận định với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đang tính đến chuyện gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gạo đang gia tăng của thế giới. Theo kế hoạch, vụ thu đông năm 2020, ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000ha lúa. Tuy nhiên, theo dự báo, sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu tăng 3,7 triệu tấn. “Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800.000ha nếu có thể. Trước mắt, sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ thu đông”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Tuy nhiên, việc gia tăng diện tích lúa thu đông cũng khiến nông dân và nhà khoa học lo lắng bởi với việc gia tăng này, vùng hạ nguồn Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ chịu ảnh hưởng trong mùa hạn mặn ra sao? Trước đây, nông dân cả vùng ĐBSCL chỉ sản xuất 200.000 - 300.000ha lúa thu đông. Vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thường để mưa lũ tràn và không làm lúa thu đông. Hai vùng này trở thành “hai túi chứa nước mùa mưa lũ” khoảng 1,2 triệu ha để điều hòa nước cho ĐBSCL. Mùa lũ thì cất giữ bớt nước làm mưa lũ hiền hòa hơn để rồi từ từ nhả nước ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô. Vì vậy, nông dân vùng hạ nguồn ĐBSCL và các nhà khoa học cho rằng, Bộ NN-PTNT cần cân nhắc và đánh giá rõ giữa cái được và cái mất khi gia tăng diện tích lúa hè thu. Vì thực tế, những tác động của hạn mặn năm 2020 là rất lớn, từ cây ăn trái, hoa màu, lúa bị thiệt hại đến tình trạng thiếu nước ngọt tràn lan và kéo dài ở vùng ven biển.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên sản xuất ở mức 300.000 - 500.000ha lúa thu đông và tập trung vào trồng các giống lúa chất lượng cao. Đây là điều hoàn toàn có thể. Vì những năm gần đây, tỷ lệ gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam chiếm trên 80% số lượng xuất khẩu. Nhiều viện, trường và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt hiện cũng đang tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống lúa chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập vào thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Dù hạn ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này chỉ khoảng 80.000 tấn nhưng đây được xem là phân khúc gạo chất lượng cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị vùng nguyên liệu trong vài năm qua để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường này gắn với các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa các phân khúc xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao vào các thị trường khó tính.

CAO PHONG

Vịt siêu ngỗng có giá 35.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do việc tái đàn heo trở lại gặp nhiều khó khăn vì nguồn con giống khan hiếm và giá cao, nhiều hộ dân ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã chuyển sang nuôi vịt siêu ngỗng cho lợi nhuận cao.

Vịt siêu ngỗng có giá bán ổn định.

Vịt siêu ngỗng có thể nuôi quanh năm, ít bệnh, ăn nhiều, mau lớn. Từ khi thả nuôi đến xuất bán chỉ mất thời gian khoảng 70 ngày, vịt đạt trọng lượng 3-4kg/con, bán với giá bán 35.000 đồng/kg, người nuôi lãi khoảng 10.000 đồng/kg. Trung bình 100 con vịt siêu ngỗng cho lợi nhuận hơn 3 triệu đồng sau hơn 2 tháng nuôi.

Tin, ảnh: VĂN MINH

Thịt lợn hơi tiếp đà giảm giá

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 11-6, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục giảm, tại miền Bắc, giá dao động 90.000-97.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước.

Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, khoảng 2 tuần nay, giá thịt lợn hơi bắt đầu giảm, rời mốc 100.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 5-2020. Hiện tại, trang trại đang bán thịt lợn hơi cho các thương lái với giá 94.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng 5-2020.

Còn tại thị trường miền Trung, Tây Nguyên, giá giảm mạnh, dao động 85.000-94.000 đồng/kg; giảm 1.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Khu vực miền Nam, giá thịt lợn hơi cũng giảm sâu, còn 90.000-94.000 đồng/kg, giảm 2.000-4.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại chợ dân sinh, giá thịt lợn cũng bắt đầu hạ nhiệt, bà Nguyễn Thị Thịnh, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, hiện giá thịt lợn dao động 130.000-170.000 đồng/kg tùy từng loại, giảm 10.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 5-2020.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn hơi giảm trong thời gian này là do nguồn cung bắt đầu tăng. Hiện nay, cả nước chỉ còn 183 xã (khoảng 1%) thuộc 15 tỉnh, thành phố có bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày; còn lại 99% số xã đã công bố hết bệnh. Hiện cả nước có gần 900 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, đây là điều kiện cần thiết để các địa phương đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn lợn.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào năm 2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu 67.638 tấn thịt lợn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho phép nhập khẩu lợn sống từ các nước, dự kiến thời gian tới, nguồn cung tiếp tục tăng. Ngoài ra, thời gian qua, giá thịt lợn quá cao nên người tiêu dùng chuyển hướng sử dụng những thực phẩm khác thay thế như: Thịt vịt, thịt gà, trứng, hải sản...

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop