Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 07 năm 2016

Làm giàu từ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Với vườn điều, tiêu, cà phê ghép và chăn nuôi heo, hằng năm gia đình ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Phú Riềng, Bình Phước) thu nhập hơn nửa tỷ đồng.

Đàn heo thịt, heo nái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Tằm

Năm 1992, ông Tằm trồng 2,1 ha điều. Khi cây điều bén rễ, ông trồng xen các loại cây khác vào những hàng đất trống. Lúc đầu ông trồng xen cà phê. Khi cây điều cho thu hoạch, ông tiếp tục trồng xen hồ tiêu và tận dụng cây điều làm trụ cho tiêu leo. Để cây tiêu và điều phát triển, ông khống chế lượng dây tiêu vừa phải, không ảnh hưởng đến phát triển của điều. Trồng xen 3 loại cây trong cùng một diện tích đòi hỏi phải tính toán kỹ về khoảng cách, mật độ hợp lý và chăm sóc từng loại cây sao cho cây điều vẫn phát triển, cà phê và tiêu đủ ánh nắng để quang hợp, ra hoa, đậu trái... Học tập kinh nghiệm từ nhiều nhà vườn, trồng đa cây trên một diện tích, ông Tằm áp dụng vào vườn nhà rất hiệu quả. Ông cho biết: “Vườn đa cây nên phải cung cấp đủ nước, bón phân đầy đủ và chăm sóc tốt thì hiệu quả kinh tế mới bảo đảm”.

Ông Tằm đã xây dựng chuồng trại nuôi heo với mục đích tăng thu nhập và có phân bón cho cây trồng. Hiện gia đình ông có đàn heo khoảng 70 con. Tuy năm nay nắng hạn kéo dài, hồ tiêu chỉ cho thu khoảng 150 triệu đồng, cà phê khoảng 270 triệu đồng, điều 50 triệu đồng nhưng bù lại đàn heo phát triển khá và cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Dự tính tổng thu nhập của gia đình năm nay đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Ông Trần Cao Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình đánh giá: Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tằm còn tích cực tham gia các phong trào ở xã. Anh sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và giúp đỡ nông dân trong xã. Những người đến và tìm hiểu mô hình nuôi, trồng của gia đình đều được anh hướng dẫn tận tình. Khi các hộ nông dân trong xã gặp khó khăn hoặc thiếu vốn, giống, anh Tằm đến tận nhà góp ý, đưa ra giải pháp và sẵn sàng hỗ trợ. Vì vậy, người dân Long Bình rất quý mến và tin yêu anh.

Tiến Quang

Nông dân liên kết trồng khoai lang thoát nghèo

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhóm đồng sở thích khoai lang ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) được hình thành kể từ khi tham gia Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông (Dự án 3EM).

Qua gần 3 năm hoạt động, đến nay, cùng với sự nỗ lực của các thành viên, nhóm đã phát triển lên thành Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp bon N’Ting và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp bon N’Ting thì hiện tại, đơn vị đang có 30 hộ dân tham gia trồng khoai lang, với tổng diện tích là 60 ha. Trước đây, do hoạt động đơn lẻ nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đầu ra khoai lang của nông sản luôn bị tư thương ép giá.

Từ khi tham gia nhóm đồng sở thích trồng khoai lang thuộc Dự án 3EM, nhận thức về canh tác loại cây trồng này của bà con đã thay đổi hẳn. Mọi người luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động. Đặc biệt, về khoa học kỹ thuật, nông dân đã biết cách ứng dụng sâu rộng vào trong quá trình sản xuất, hạn chế được những ảnh hưởng không tốt đối với chất lượng cây trồng cũng như môi trường sống xung quanh…

Ông Nguyễn Đức Êm bên ruộng khoai lang mới trồng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp bon N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Điều dễ dàng nhận thấy đó là vấn đề thoát nghèo của các thành viên. Theo đó, trong những ngày đầu thành lập, nhóm có tới 20/30 hộ nghèo, đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua gần 3 năm tham gia vào nhóm và HTX, con số ấy đã giảm xuống còn 5 hộ. Kết quả đó cũng đã minh chứng cho sự liên kết trong sản xuất, giúp nhau thoát nghèo là điều cần thiết.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Anh, xã viên HTX. Được biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng hơn 1 ha khoai lang, năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha. Từ khi tham gia vào nhóm đồng sở thích rồi HTX, nhận thức và thực hành sản xuất của các thành viên trong gia đình đều thay đổi rõ rệt.

Ông Anh cho biết: “Trước đây, tôi và bà con chỉ trồng theo kinh nghiệm. Thế nhưng, từ khi tham gia vào Dự án 3EM, được các cán bộ tổ chức tập huấn về kỹ thuật nên gia đình tôi đã biết cách chọn dây, làm đất, xử lý giống và trồng đúng cách nên năng suất, sản lượng mang lại rất cao. Trong năm 2015, gia đình đã mở rộng thêm hơn 4 ha khoai lang nữa, với năng suất đạt bình quân từ 20 - 25 tấn/ha. Tôi rất phấn khởi, nếu giá bán cứ ổn định tầm 170 triệu đồng/ha thì trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình thu về khoảng từ 300 - 400 triệu đồng”.

Tương tự, gia đình bà H’Rốt, xã viên HTX cũng vậy. Mặc dù đã trồng khoai lang từ nhiều năm nhưng gia đình bà còn rất hạn chế về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất đem lại không cao. Củ khoai thường nhỏ. Vào mùa thu hoạch, gia đình phải chở rải rác ra tận đại lý để bán, giá cả rất bấp bênh; trong khi chi phí đầu tư cho phân bón các loại thì cao. Từ khi tham gia vào nhóm trồng khoai lang, được HTX đứng ra ký hợp đồng với các đại lý để bảo lãnh khi mua phân bón trả chậm (trả trước 30%) nên gia đình bà đã phần nào giảm được các chi phí phát sinh.

Bà H’Bốt cho biết: Từ khi tham gia vào Dự án 3EM, ngoài việc được cùng nhau trao đổi về kỹ thuật, kinh nghiệm, các thành viên trong nhóm còn có thể đổi công cho nhau vào những mùa trồng hay thu hoạch nên chi phí thuê nhân công đã giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, do tổ chức bán theo tập thể, với số lượng khoai lang lớn nên các thương lái đã vào tận nơi thu mua, giá cả nhờ đó cũng ổn định hơn, bà con cũng không mất thêm chi phí để vận chuyển. Gia đình bà nhờ đó cũng đã được thoát nghèo…

Được biết, tham gia vào Dự án 3EM, các hộ dân còn được Ban Quản lý Dự án 3EM tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh. Qua đó, mọi người đã cùng nhau chia sẻ và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức áp dụng vào sản xuất từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế…

Ông Êm cũng cho biết thêm: HTX có lợi thế là 60ha đất trồng đều là những diện tích bằng phẳng, lại có thể trồng luân canh với những cây trồng khác. Vì vậy, trong thời gian tới, để phấn đấu nâng cao năng suất từ 25 tấn/ha lên 30 tấn/ha, HTX sẽ tiếp tục củng cố lại diện tích nông sản đã có. Đơn vị cũng sẽ tìm nhà đầu tư mới có uy tín để liên kết lâu dài, nhất là khi gặp rủi ro về giá thì cùng nhau hỗ trợ nông dân, vượt qua. Việc phát triển từ nhóm cùng sở thích lên mô hình HTX cũng đã giúp đơn vị có được tư cách pháp nhân, tự tin, tự chủ trong mọi giao dịch với khách hàng lớn. Trong thời gian sớm nhất, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm khoai lang của HTX cũng sẽ được triển khai, giúp hàng hóa nông sản của HTX có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Lê Dung

Nghiên cứu thành công mô hình tưới bán phần trên khoai lang

Nguồn tin: Báo An Giang

Tiến sĩ Dương Văn Nhã, Khoa Nông Nghiệp-Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học An Giang vừa nghiên cứu thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng mô hình tưới bán phần trên cây khoai lang ở Tri Tôn, An Giang”, mở ra công nghệ mới có thể ứng dụng vào thực tế giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguồn nước sạch.

Đề tài được thực hiện nhằm xác định thời điểm và lượng nước khi ứng dụng tưới bán phần xen kẽ (APRD) để bảo đảm năng suất; đánh giá ảnh hưởng của APRD đến chất lượng và hình thái củ; đánh giá hiệu quả sử dụng phân (FUE) và hiệu quả sử dụng nước (WUE) của APRD và dựa trên kết quả đạt được xây dựng APRD phù hợp cho cây khoai lang. Hai thí nghiệm được triển khai kề nhau trên vùng đất cát tại Tri Tôn. Thí nghiệm 1 được tưới bằng thùng với 4 mức độ về lượng nước tưới là giảm 20%, 30%, 40%, và tưới toàn phần theo nông dân, ba nghiệm thức đầu được áp dụng tưới bán phần xen kẽ tại 15, 25, 35, 45 ngày sau khi trồng khoai. Thí nghiệm 2: Có hai nghiệm thức tưới tràn toàn phần (FIf) và tưới tràn bán phần xen kẽ (APRDf), với giảm 50% so với FIf) được áp dụng tại 15 ngày sau khi trồng. Cả hai thí nghiệm được thiết kế giống nhau (bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên một nhân tố, 3 lần lặp lại). Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm: Sinh khối dây, ẩm độ đất, hình thái củ, trọng lượng củ, năng suất, N, P, K của củ, dây và đất, chất lượng củ.

Ứng dụng mô hình tưới bán phần trên cây khoai lang ở Tri Tôn

Kết quả cho thấy, các nghiệm thức của thí nghiệm 1 cho ẩm độ như nhau nhưng rất thấp qua các đợt lấy mẫu, trong khi đó, ẩm độ đất của FIf cao hơn nghiệm thức APRDf. Ở thí nghiệm 1, nghiệm thức APRD-40-45 (nước giảm 40% so với nông dân được áp dụng lúc 45 ngày sau trồng) có ích lợi về mặt tiết kiệm nước cao nhất và duy trì được năng suất tương đương so với ưới tay theo nông dân. Nghiệm thức APRDf cho năng suất và hiệu quả sử dụng nước củ cao nhất. Chất lượng củ của thí nghiệm 1 thấp hơn so với thí nghiệm 2; nghiệm thức FIf cho chất lượng củ tốt nhất. Ở thí nghiệm 1, nghiệm thức APRD-40-45 và tưới tay theo nông dân cho hiệu quả sử dụng nước dây và củ tốt nhất; các nghiệm thức ND, APRD-40-45, FIf và APRDf cho FUE cao, trong đó APRDf cho hiệu quả phân đạm cao nhất. Khi so sánh giữa đạm, lân và kali, bón phân lân mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo tiến sĩ Nhã: Vùng núi Tri Tôn diện tích trồng khoai lang khá lớn, khoảng 178 héc-ta. Một trong những vấn đề khó khăn mà người dân gặp phải là sự xâm nhập mặn và hạn hán xảy ra trong mùa khô dẫn đến thiếu nước sạch. Cây khoai lang vùng Tri Tôn, Tịnh Biên cũng không ngoại lệ vì đây là vùng đất cát, giữ nước kém lại thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Đây cũng là loại cây chịu hạn tốt nhưng cũng bị thiệt hại năng suất bởi hạn hán. Do vậy, tiết kiệm nước tưới là một trong những phương thức chủ yếu để đề phòng khan hiếm nước. Kỹ thuật tưới nước bán phần là một mô hình tiết kiệm nước sáng tạo ứng dụng dựa trên sinh lý cây trồng hệ thống rễ nhận chế độ tưới khô và ướt luân chuyển, có thể tiết kiệm đến 30-40% lượng nước tưới so với tưới theo nông dân. Lợi ích của tưới bán phần mang lại trực tiếp cho người trồng cây trồng cạn (màu) như tăng hiệu quả sử dụng nước và tăng hiệu quả sử dụng phân đạm nhưng năng suất được duy trì. Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sáng tạo tưới tiết kiệm nước bán phần vào thực tế cho cộng đồng đang gặp khó khăn về nước như Tri Tôn là điều cần thiết.

Thí nghiệm được triển khai trong mùa nắng tại vùng đất cát thuộc huyện Tri Tôn, trồng thử nghiệm trên cây khoai lang tại ruộng nông dân, để tìm tỷ lệ nước tiết kiệm tối ưu khi thử nghiệm ứng dụng mô hình tưới bán phần trên cây khoai lang với các mức tiết kiệm nước khác nhau (20, 30, và 40% so với nông dân đang áp dụng). Đánh giá về hiệu quả sử dụng nước trên củ và sinh khối, năng suất, chất lượng củ (hàm lượng tinh bột, lượng đường, ngoại hình), hiệu quả sử dụng phân bón của mô hình tưới nước bán phần tương ứng ở các mức độ tiết kiệm nước khác nhau. Đánh giá hiệu quả của mô hình tưới tiết kiệm nước đến độ phì của đất ở các mức độ tiết kiệm nước khác nhau.

Kết quả cho thấy, phương pháp tưới, chế độ tưới và thời điểm tưới có ảnh hưởng đáng kể đến năng suất khoai lang và chất lượng củ, hiệu quả sử dụng nước của dây và củ, đồng thời hiệu quả sử dụng nước, phương pháp tưới, thời điểm tưới và chế độ tưới có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng phân bón (đạm, lân và kali) đối với củ. Giữa các loại phân bón đạm, lân và kali, bón phân lân mang lại hiệu quả cao nhất. Qua kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Nhã kiến nghị: Nghiệm thức APRDf có thể khuyến khích ứng dụng vào thực tế trong điều kiện thiếu nước như các vùng đất cát ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm thời điểm áp dụng APRDf kết hợp nâng mật độ trồng, tối ưu hóa lượng phân cho cây khoai lang để tối ưu hóa chất lượng và năng suất.

HẠNH CHÂU

Hà Nội: Mỹ Đức ứng dụng công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Vụ Xuân 2016, huyện Mỹ Đức đưa công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất lúa. Bước đầu, công nghệ mới này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập.

Giảm chi phí, tăng năng suất

Vụ Xuân năm 2016, được sự giúp đỡ của Hội các ngành sinh học Hà Nội, huyện Mỹ Đức đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cấy lúa hàng biên với quy mô 0,95ha, trên 4 giống TBR 225, Nếp 97, RVT và Khang dân 18 tại xã Lê Thanh. Là một trong số 5 hộ tham gia mô hình, anh Đỗ Ngọc Sang, ở thôn Lê Xá, xã Hợp Thanh phấn khởi cho biết: "Với phương pháp cấy lúa hàng biên, một ngày 2 lao động của gia đình tôi có thể cấy được tới 5 sào ruộng. Mừng nhất là áp dụng phương pháp này, lúa ít sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".

Tham quan mô hình cấy lúa hiệu ứng đường biên tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ánh Ngọc

Kết quả thực tiễn cho thấy, phương pháp cấy này đã khẳng định tính ưu việt vượt trội so với phương thức cấy lúa truyền thống. Do cấy thưa nên lúa cứng cây, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, nhờ đó nông dân giảm được 50% chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Bên cạnh đó, số hạt và hạt chắc trên bông, số bông trên khóm đều tăng gấp 2 lần nên năng suất lúa tăng 20% so với lúa cấy truyền thống. Hạch toán kinh tế cho thấy, phương pháp cấy lúa hàng biên giúp nông dân tăng thêm thu nhập khoảng 450.000 đồng/sào.

Việc áp dụng công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên rất đơn giản, cấy 2 hàng sông hẹp cách nhau 15cm xong lại cấy một hàng sông rộng 40cm. Tốt nhất là hàng cấy theo hướng Đông Tây. Với lúa lai cấy 15 - 16 khóm/m2, lúa thuần cấy 18 - 20 khóm/m2, áp dụng cho cả 2 vụ trong năm. Bản chất của công nghệ này là biến các cây lúa ven bờ thành các cây lúa trong đám ruộng. Từ đó, phát huy tối đa hiệu ứng của hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa; kích thích lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế được phát sinh của sâu bệnh hại.

Ông Phạm Văn Hai - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Lê Thanh cho hay: "Ban đầu, khi triển khai mô hình, nhiều nông dân bày tỏ e ngại vì nếu cấy với mật độ thưa, năng suất lúa sẽ thấp. Phải đến khi thu hoạch, chứng kiến năng suất lúa đạt cao, nông dân mới thực sự tin tưởng"

Tiếp tục nhân rộng

Với những ưu điểm và hiệu quả mang lại rõ rệt cho nông dân, vụ Mùa 2016, huyện Mỹ Đức tiếp tục nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ cấy lúa hàng biên trên quy mô toàn huyện. Theo đó, Phòng Kinh tế huyện đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp phối hợp với các khuyến nông viên cơ sở tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ này trên các giống lúa lai, giống chất lượng cao. Đến thời điểm này, Mỹ Đức là địa phương đầu tiên của Hà Nội mạnh dạn đưa công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất lúa. Thành công của mô hình đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới cho Mỹ Đức, đó là sản xuất lúa, gạo sạch.

Những năm gần đây, Mỹ Đức luôn đi đầu TP với công nghệ thâm canh lúa cải tiến - SRI. Công nghệ này khá phức tạp, đòi hỏi nông dân cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, trong đó điều tiết nguồn nước đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến - SRI, năng suất lúa chỉ tăng khoảng 10%, thấp hơn so với công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên. Ông Đặng Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định, công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên là giải pháp quan trọng để huyện đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên là đề tài nghiên cứu khoa học của Hội các ngành sinh học Hà Nội. Đề tài này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế độc quyền vào tháng 9/2015; được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) tặng giải Nhì vào tháng 4/2016.

Ngọc Ánh

107 học giả đoạt giải Nobel phản đối chiến dịch chống cây trồng biến đổi gen

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Trong lúc nhiều nơi trên thế giới biểu tình chống thực phẩm biến đổi gen thì hơn 100 học giả đoạt giải Nobel cùng ký bức thư ngỏ kêu gọi tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen.

“Chúng tôi kêu gọi Greenpeace nhanh chóng tái đánh giá những trải nghiệm của nông dân và người tiêu dùng trên toàn thế giới về cây trồng, thực phẩm được cải tiến bởi công nghệ sinh học; công nhận những phát hiện nghiên cứu của các tổ chức khoa học có thẩm quyền và cơ quan chức năng; ngưng chiến dịch chống lại cây trồng biến đổi gen (GMO) nói chung và giống lúa/gạo vàng (golden rice) nói riêng”.

Chiến dịch phản đối quan điểm của Greenpeace được khởi xướng bởi Richard Roberts, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu New England Biolabs và Phillip Sharp, chủ nhân giải Nobel Sinh lý học và Y khoa cho công trình khám phá ra chuỗi gen intron. Nhóm các nhà khoa học ủng hộ chiến dịch này tổ chức buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ. “Chúng tôi là những nhà khoa học. Chúng tôi hiểu tính lô gích của khoa học”. Roberts cho biết thêm, ngoại trừ vấn đề này, ông vẫn ủng hộ nhiều hoạt động khác của Greenpeace. Theo nhà Sinh học tế bào Randy Schekman, Đại học California tại Berkeley, đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013, một quan điểm khoa học được thống nhất là công nghệ chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm “không hề nguy hiểm hơn thay đổi thông qua phương pháp nhân giống truyền thống”. Danh sách chữ ký trong thư là 107 người, trong số khoảng 296 người đoạt giải Nobel còn sống.

ĐĂNG LÃM

Làng buôn chanh ở Nghi Lộc (Nghệ An)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Xã ven đô Nghi Diên (Nghi Lộc, Nghệ An) có nghề buôn chanh phát triển từ hàng chục năm nay, mang lại thu nhập chính cho hàng trăm lao động trong và ngoài huyện.

Anh Nguyễn Đức Minh xóm 1 xã Nghi Diên - một trong những hộ có thâm niên trong nghề cho biết: gia đình anh đã theo nghề trên 12 năm. Lợi thế nhà ở gần đường, có mối tiêu thụ chanh ở Hà Nội, do đó, anh mở đại lý chuyên thu mua chanh. Trung bình mỗi ngày gia đình anh thu mua 10 tấn chanh.

Với giá mua vào trung bình 9.500 đồng/1kg và đưa ra Hà Nội bán cho các đại lý với giá 11.500 đồng/1kg. Mỗi kg chanh cho lãi 2 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công và các chi phí khác, gia đình anh còn lãi ròng xấp xỉ 2 triệu đồng/ngày.

Thương lái nhiều nơi đưa chanh về nhập tại Nghi Diên (Nghi Lộc).

Các lái buôn phân loại chanh trước khi đóng thùng.

Nguồn chanh được các buôn lái khắp nơi trong và ngoài huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Hà Tĩnh đổ về.

Chanh xứ Nghệ được khách hàng Hà Nội ưa chuộng.

Để quả chanh ra đến Hà Nội vẫn còn tươi, ngon, trước khi đóng thùng gia đình phải tuyển chọn rất kỹ để loại bỏ những quả sần, khô. Nhờ nắm được quy trình, kỹ thuật chọn và làm tươi sản phẩm nên đầu ra rất ổn định.

Người dân từ Hà Tĩnh ra nhập chanh cho các đại lý tại Nghi Diên.

Hiện trên địa bàn xã Nghi Diên có 14 đại lý chuyên thu mua chanh để đưa ra Hà Nội và Hải Phòng tiêu thụ. Thời gian thu mua được rải đều trong năm. Tuy nhiên, vụ mùa chính diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12 dương lịch. Trung bình mỗi ngày làng thu mua chanh ở Nghi Diên tiêu thụ khoảng 140 tấn chanh tươi.

1 kg chanh mua về với giá 9.500 đ/kg

Thông qua các đại lý này mà hàng năm đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Chanh ở đây được thu mua và vận chuyển đi trong ngày. Do đó, không kể trời nắng gắt mà cứ đến 12 giờ trưa các buôn lái khắp nơi đổ hàng về cho các đại lý để kịp tuyển chọn phân loại chanh trước khi đóng thùng đưa ra Hà Nội.

Mỗi ngày tiêu thụ hết trên 140 tấn chanh.

Mỗi ngày có khoảng 300 thương lái đưa chanh đến nhập tại các điểm thu mua chanh ở Nghi Diên. Ông Nguyễn Nam ở xã Sơn Trường, huyện Vũ Quang, (Hà Tĩnh) cho biết: “Mặc dù đường xa nhưng tôi rất thích ra đây nhập chanh cho đại lý ở Nghi Diên, bởi vì ở đây thu mua thường xuyên và giá cả ổn định, do đó, mấy năm nay cứ đến mùa chanh là tôi đi hái trong làng đưa ra đây để nhập. Mỗi chuyến tôi chở từ 4,5 – 5 tạ. Sau khi trừ chi phí mỗi chuyến tôi còn lãi 400 ngàn đồng”.

Trước khi đóng hàng anh Minh chủ đại lý phân loại chanh.

Theo ông Xuân, nghề buôn chanh được coi là nghề phụ, nhưng lại là nghề thu nhập chính cho gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác trong làng; nhiều nhà nuôi được con cái ăn học, trưởng thành cũng từ quả chanh.

Thu Hiền

Trái cây mất mùa vì hạn mặn, nông dân thua lỗ

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

Nông dân Chợ Lách thất mùa măng cụt do hạn, nhiễm mặn - Ảnh: T.T

Tháng 5 âm lịch là thời điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long vào mùa thu hoạch trái cây, thế nhưng năm nay không khí mua bán vắng lặng lạ thường, hàng loạt chủ vựa ở Tiền Giang, Bến Tre đóng cửa còn nông dân thì âm thầm cắt tỉa chăm bón lại mảnh vườn chờ mùa sau.

Anh Nguyễn Văn Lợi (xã Long Khánh, Cai Lậy, Tiền Giang) vừa mua phân về bón cho 5 công sầu riêng than thở: “Năm rồi, tui thu gần 10 tấn trái, năm nay mới cắt hơn 1 tấn đã vét vườn, tính ra lỗ nặng vì tiền phân thuốc và công chăm sóc phải bán 3 tấn trái mới đủ”. Vườn sầu riêng anh Lợi chăm sóc rất tốt, thuê kỹ thuật xử lý ra hoa, sử dụng toàn phân thuốc đắt tiền... nhưng bông trái vẫn rụng đầy đất không giữ được vì nguồn nước nhiễm mặn kết hợp với nắng nóng kéo dài. Kế vườn anh Lợi, ông Tư Long ra thăm vườn sầu riêng cũng lắc đầu: “Tui trồng sầu riêng hơn 20 năm, chưa năm nào thất mùa nặng như năm nay. Riêng tiền phân thuốc lỗ gần 100 triệu đồng, thất mùa nhưng cũng phải xuất tiền mua phân bón tiếp cho cây chờ mùa tới”.

Chợ Lách (Bến Tre) cũng là vương quốc trái cây, nông dân có tay nghề cao nhưng nhiều vườn cũng phải đầu hàng với khí hậu thất thường năm nay. Anh Lê Văn Công (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) năm nào cũng trúng mùa măng cụt sớm, riêng vụ này coi như mất trắng. “Chợ Lách bị nhiễm mặn nặng nề, măng cụt vừa nhú bông rụng sạch, coi như thất 80 - 90%. Mỗi năm chờ một mùa măng cụt, giờ thu không đủ chi tiền phân mà còn lỗ gần 50 triệu đồng. Dù mất mùa cũng phải chạy mua phân bón lại cho cây, rửa mặn để nhanh phục hồi, nhưng thời tiết này năm tới không biết ra sao”, anh Công trăn trở.

Vườn chôm chôm Thái 7.000 m2 của ông Đào Văn Tư ở xã Phú Phụng, nơi ít nhiễm mặn nhất của huyện Chợ Lách cũng thất mùa hơn 50%. Ông Tư cho biết, nguồn nước nhiễm mặn rất ít nhưng chôm chôm đang thời kỳ ra bông đậu trái rất nhạy cảm với mặn dù chưa tới 1%o, mặt khác thời tiết năm nay nắng nóng quá gay gắt nên khả năng đậu trái không cao, đậu rồi cũng dễ rụng dù tăng cường bón phân, chăm sóc nhiều hơn. Nếu thời tiết, khí hậu phức tạp như năm nay thì nông dân còn mất mùa dài dài.

Năm nay, tỉnh Bến Tre ngưng tổ chức ngày hội trái cây ngon hàng năm tại Chợ Lách vì thời tiết, nhiễm mặn gây thiệt hại nặng nề tới vườn cây ăn trái. Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, do nhiễm mặn nên toàn huyện đều bị ảnh hưởng, nhiều vườn đang ra bông, đậu trái trong đợt mặn vừa qua bị thiệt hại nặng, năng suất sụt giảm, chất lượng cũng ảnh hưởng. Phòng NN&PTNT huyện chủ động kế hoạch ứng phó, khuyến cáo nhà vườn ngay từ bây giờ để giảm thiệt hại cho vườn cây những năm tới. TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, thời tiết khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến nhà vườn, vì vậy các tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn cần nhanh có kế hoạch sản xuất thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như đổi vụ sản xuất, rải vụ “né” thời điểm nước mặn xâm nhập. Phối hợp tốt với thông tin dự báo thời tiết, nhà khoa học để có biện pháp ứng phó giảm rủi ro. Những vùng có khả năng ảnh hưởng nặng có thể nghiên cứu chọn tạo hay chuyển đổi giống cây ăn trái có khả năng chịu mặn.

PHƯƠNG DUY

Xử lý sầu riêng nghịch vụ gặp khó

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Những ngày qua, một số nhà vườn trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang bước vào đợt xử lý ra hoa nghịch vụ.Việc xử lý đang gặp phải khó khăn do sầu riêng ra hoa ít hơn hẳn mọi năm, thậm chí một số nơi còn gặp tình trạng không ra hoa. Ngoài ra, một số nhà vườn xử lý ra hoa nhưng bị rụng gây thiệt hại.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đợt hạn, mặn lịch sử khiến nước mặn lấn sâu vào đất liền ít nhiều gây ảnh hưởng đến vùng trồng sầu riêng của tỉnh. Anh Trần Văn Thường (ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) có 6.000m2 đất trồng giống sầu riêng Mong Thong hơn 10 năm tuổi. Khoảng hơn 1 tháng rưỡi trước, anh Thường xử lý để kích thích sầu riêng ra hoa nghịch vụ, sau một thời gian số lượng ra hoa chỉ đạt khoảng 40% so với mọi năm.

Theo quan sát của chúng tôi tại vườn của anh Thường, lớp ni-lon đậy gốc sầu riêng để kích thích cây ra hoa đã được lấy ra. Tuy nhiên, có một số cây gần như không ra hoa, số còn lại thì ra hoa nhưng với số lượng ít.

Theo anh Thường, hàng năm chỉ cần khoảng 20 ngày sau khi xử lý là sầu riêng đã bắt đầu ra hoa, còn hiện tại đã hơn 1 tháng rưỡi nhưng sầu riêng ra hoa rất ít. Ở những vườn sầu riêng xung quanh cũng gặp tình trạng tương tự.

Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Khỏe bị thiệt hại do rụng hoa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do mưa nhiều ảnh hưởng tới sự ra hoa của cây.

Còn tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) nhiều nhà vườn xử lý sầu riêng ra hoa nhưng gặp phải tình trạng hoa bị rụng. 2,5 công sầu riêng Mong Thong của anh Nguyễn Văn Khỏe (ấp Bình Ninh, xã Tam Bình) đã được xử lý, tuy vẫn ra hoa như mọi năm, nhưng hiện tại chỉ còn lại một số hoa, ước tính thiệt hại khoảng 90%.

Anh Khỏe cho biết: “Những năm trước đây việc xử lý sầu siêng ra hoa rất suôn sẻ, chỉ có năm nay là gặp tình trạng rụng hoa mặc dù vẫn áp dụng phương pháp canh tác như mọi năm. Tưởng đâu có một mình tôi bị, hỏi thăm mấy ông anh trồng sầu riêng thì cũng bị tình trạng trên”.

Cách đó không xa là vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Nhủ (ấp Bình Ninh, xã Tam Bình), 2 công sầu riêng Mong Thong hơn 10 năm tuổi của anh Nhủ được xử lý ra hoa cách nay hơn 2 tháng và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, sau khi xử lý, vườn sầu riêng gặp phải tình trạng rụng hoa, thiệt hại ước tính khoảng 40%.

Cầm trên tay những bông sầu riêng vừa mới rụng anh Nhủ than: “Mấy tháng trước, nước mặn lấn sâu vào đất liền làm vườn sầu riêng bị ảnh hưởng. Đất bị nhiễm mặn nên sau khi bón phân dẫn đến cây không thích ứng được và đó có thể là nguyên nhân dẫn đến hoa bị rụng”.

Đánh giá về tình trạng khó khăn trên ở sầu riêng, TS. Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, xử lý sầu riêng trong giai đoạn nắng có gió chướng thì cây sẽ ra hoa tốt, còn trong thời điểm mưa dầm cả tháng nay thì cây sẽ rất khó ra hoa.

Nếu người dân chăm sóc cây tốt, có đầy đủ cơ đọt khi gặp thời tiết thuận lợi cây sẽ ra hoa tốt không bị rụng. Đối với những cây bị suy nếu có ra hoa thì cũng không đủ sức nuôi trái dẫn đến bị rụng. Năm nay, nước bị nhiễm mặn gây tác hại khó lường, người dân dùng nước mặn tưới cho cây nên mặn trong đất vẫn còn, khi sầu riêng ra hoa bị rụng là do cây tự cứu lấy nó.

Về cách giải quyết, theo quan điểm của TS. Lê Hữu Hải là nên giữ cây, khi xử lý không ra hoa hoặc ra ít thì nên tháo ni-lon ra, cắt tỉa lá, bón phân hữu cơ cho cây ra cơ đọt bình thường, để mùa thuận cây sẽ ra hoa. Bộ rễ của cây đang bị ngộ độc nếu cứ ép cây ra hoa có thể dẫn đến chết cây. Đối với những nhà vườn chưa xử lý, nếu cây không đủ tán lá thì không nên xử lý, cứ để cho cây ra đủ tán lá khi đến mùa thuận sẽ an tâm hơn.

MINH THÀNH

Trái cây Nam Bộ trên xứ xương rồng

Nguồn tin: Người Lao Động

Sau khoảng 10 năm cải tạo và phát triển, Krông Pha - vùng đất bán sơn địa thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn - đã trở thành thủ phủ cây ăn trái của tỉnh Ninh Thuận

Hàng chục năm trước, tên Krông Pha gắn liền với một số loại cây truyền thống của địa phương có hiệu quả kinh tế thấp. Còn giờ đây, người ta ví Krông Pha như một phiên bản Nam Bộ thu nhỏ khi hầu hết các loại cây ăn trái của đất phương Nam đã có mặt trên vùng đất này.

Từ xoài cát Hòa Lộc đến bưởi Năm Roi

Tháng 7 này, từng đoàn du khách trong Nam ngoài Bắc đã tìm về Ninh Thuận để tận hưởng cái nắng, cái gió đặc trưng của xứ sở cây xương rồng, vốn được ví như “tiểu sa mạc” của Việt Nam. Không ít người trong số này muốn tận mắt chiêm ngưỡng những vườn cây trái Nam Bộ xum xuê ở Krông Pha, “ải địa đầu” trên Quốc lộ 27, dưới chân đèo Ngoạn Mục.

Hầu hết các giống cây ăn trái ở miền Nam phát triển tốt trên đất Krông Pha

Như bao buổi sáng khác, vườn cây ăn trái của ông Đỗ Văn Hoàng đón hơn chục du khách đến từ Quảng Trị. Vườn không lớn lắm, chỉ độ 7 sào nhưng có cả chục loại cây, từ xoài cát Hòa Lộc đến chôm chôm, sầu riêng, dừa dứa và cả bưởi Năm Roi.

Dẫn khách tham quan, ông Hoàng vừa tâm sự: “Hơn 7 năm trước, nhân dịp vào Tiền Giang, tôi được người quen tặng cho vài cây mít và chôm chôm giống. Lúc đầu, tôi nghĩ mang về trồng chơi trong vườn nhà cho vui, không ngờ lại phát triển tốt. Vài năm sau, cây cho quả xum xuê. Vậy là tôi quyết định mua thêm một số loại về trồng”. Chỉ tay về phía hàng dừa xiêm cuối vườn, ông khoe chỉ 40 gốc thôi nhưng mỗi tháng thu hoạch 2 lứa, thu gần 4 triệu đồng. “Có đồng ra đồng vô ổn định cho mấy đứa nhỏ” - ông bộc bạch.

Hàng xóm của ông Hoàng, bà Nguyễn Thị Bé có vườn cây khá “oách” với hơn 5 ha. Khoảng giữa năm 2008, bà Bé đầu tư 500 triệu đồng cải tạo vườn tạp thành vườn Nam Bộ, trồng gần 1.000 gốc măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, sơ ri… Sau hơn một tháng khăn gói vào Đồng Tháp học kỹ thuật canh tác, trở về chăm sóc cây trồng bài bản, vườn nhà bà hiện xum xuê nhất nhì Krông Pha.

“Nhờ thời tiết ổn định, chăm sóc đúng cách, mấy năm nay, trái ra đều đều. Tính riêng tiền bán sỉ cho thương lái cũng được tầm 100 triệu đồng/năm. Các khoản lặt vặt như thu tiền khách tham quan, xe đường dài ghé mua cũng được vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi cất được nhà mới, nuôi đứa út đang học đại học ở TP HCM” - bà Bé khoe.

Chị Nguyễn Thị May - một thương lái ở Ninh Thuận với thâm niên gần 6 năm thu mua nông sản của Krông Pha để bán về các tỉnh miền Trung - cho biết trái cây Krông Pha có nét riêng, ngọt ngào như trái cây Nam Bộ nhưng mùi vị đậm đà hơn, có thể do ảnh hưởng thổ nhưỡng và thời tiết của Ninh Thuận. “Trái măng cụt chẳng hạn, thơm, không ngọt gắt như ở các nơi khác, trung bình 5-6 múi, ít lép. Chôm chôm thì giòn, tróc hạt, ngọt thanh” - chị May so sánh.

Những nông dân Krông Pha mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp thành vườn “giàu” như ông Hoàng, bà Bé không phải hiếm. Số này hiện đã lên đến gần 100. Nhiều gia đình từ chỗ chỉ đủ ăn, đủ mặc, sau vài năm đầu tư cải tạo vườn tạp, đến nay đã xây được nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn, có của ăn của để.

Xây dựng thương hiệu

Theo thống kê của xã Lâm Sơn, mô hình vườn cây ăn trái Nam Bộ nhen nhóm ở đây từ đầu năm 2007. Lúc đó, cả xã chỉ có vài chục hộ chuyển đổi canh tác vườn, với tổng diện tích trên dưới 140 ha. Đến cuối năm 2010, diện tích vườn cây ăn trái lên xấp xỉ 500 ha. Đến nay, tổng diện tích vườn đã cải tạo ở Lâm Sơn gần 700 ha.

Ông Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cho biết hiện nay, một số nông hộ vẫn tiếp tục đầu tư, hình thành mô hình du lịch sinh thái vườn để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua bán trái cây. “Chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này. Chỉ vài năm nữa, Krông Pha sẽ là một trong những vùng trọng điểm du lịch sinh thái của tỉnh, đời sống của người dân sẽ khá hơn” - ông kỳ vọng.

Theo bà Toàn Thị Ổn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn, dù diện tích vườn cây Nam Bộ ở Krông Pha tăng qua từng năm nhưng vẫn còn hơn 50% nông hộ chưa chuyên canh sâu, năng suất và chất lượng chưa thực sự ổn định, có lúc bị thương lái ép giá.

“Huyện đang xây dựng đề án vùng cây ăn quả đặc sản mang thương hiệu Krông Pha để hỗ trợ người dân làm ăn. Sau khi có quy hoạch, xác định được loại cây thế mạnh, huyện sẽ kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho bà con nhằm cho ra các loại quả chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - bà Ổn cho biết.

“Vườn treo” dưới chân đèo

Krông Pha nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, trên Quốc lộ 27, nối 2 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt khoảng hơn 60 km. Nhiều loại cây ăn quả thích hợp với vùng đất này là nhờ ở độ cao hơn 300 m so với mặt nước biển, Krông Pha có khí hậu ôn đới, 4 mùa mát mẻ như cao nguyên Lang Biang.

Từ năm 2007, tỉnh Ninh Thuận đã mời gọi các nhà đầu tư phát triển 2 khu du lịch sinh thái thác Sakai và đèo Ngoạn Mục để thu hút du khách. Do ở trên cao nên những vườn cây ăn trái có nguồn gốc Nam Bộ được trồng ở Krông Pha được ví như “vườn treo”.

Lê Trường

100 tấn thanh long Việt đầu tiên vào BigC Thái Lan

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Công ty Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát (Bình Thuận) vừa ký hợp đồng với Tập đoàn TCC (Thái Lan) để đưa 100 tấn thanh long đầu tiên của Việt Nam sang Thái Lan bán tại hệ thống siêu thị Big C Thái Lan.

Đây cũng là lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam được Tập đoàn TCC phân phối trong hệ thống siêu thị này.

“Để bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu, chúng tôi hợp tác với nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; nhà máy đạt tiêu chuẩn về đóng gói của Mỹ.

Ngoài ra, công ty còn có bộ phận kiểm định chất lượng thường xuyên khi làm việc với nông dân cũng như tại nhà máy để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất”, ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc điều hành Công ty Cao Thành Phát cho hay.

Được biết, không chỉ dừng lại ở những đơn hàng thanh long đầu tiên, tương đương 100 tấn/tháng, Tập đoàn TCC đang đẩy mạnh kế hoạch tìm kiếm các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam, như khoai lang, vú sữa, bơ, chanh...

Công Trí

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop