Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 07 năm 2017

Vào mùa trái cây, du lịch miệt vườn hút khách

Nguồn tin: Người Lao Động

Du khách sẽ trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi miệt vườn như thuê áo bà ba chụp hình, tát mương bắt cá và thưởng thức những món ăn ngon mang đậm chất Nam Bộ.

Những ngày này, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL bước vào vụ thu hoạch rộ trái cây. Đây cũng là thời điểm các vườn trái cây và khu nghĩ dưỡng homestay của nhà vườn đón một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Những vườn dâu Hạ Châu trĩu quả ở Phong Điền

Một ngày đầu tháng 7, theo chân đoàn du lịch đến từ Quảng Trị, chúng tôi đến vườn trái cây Vàm Xáng của ông Năm Liền (tên thật là Trần Văn Liền), ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Giữa không gian bạt ngàn cây trái xanh um, rợp bóng mát và trong lành, du khách như đắm chìm vào thiên nhiên với những hàng dâu Hạ Châu, măng cụt, sầu riêng… trĩu quả. Với phí dịch vụ chỉ từ 50.000 đồng/người, du khách không chỉ được tham quan vườn, ăn trái cây thỏa thích mà còn được chủ vườn hái tặng mang về.

Du khách thỏa thích hái dâu Hạ Châu

Chị Nguyễn Thị Nhung, một khách tham quan du lịch tại khu vườn này, cho biết: "Quê tôi không nhiều trái cây, cũng không có ghe xuồng và kênh rạch chằng chịt như thế này. Đến đây tham quan và được hái trái cây, nghe chủ vườn giới thiệu và diễn giải về nguồn gốc cũng như đặc điểm của từng loại trái cây trong vườn, tôi thấy mở mang thêm kiến thức. Đặc biệt, khi chủ vườn hướng dẫn cách chọn trái măng cụt ngon, cách phân biệt giữa dâu Hạ Châu và dâu thường, tôi thích thú vô cùng".

Bơi xuồng và trải nghiệm đi cầu khỉ

Ông Năm Liền bộc bạch: "Vườn tôi rộng khoảng 3 ha, trồng xen hơn 50 loại cây. Ngoài trồng cây, tôi xen thêm vào những bờ mương là những cây cầu gỗ, tận dụng đất xây thêm ít phòng làm nơi nghỉ ngơi thư giãn, chẳng cần phải những resort cầu kỳ, chỉ cần đơn giản và hòa nhập với thiên nhiên là khách thích".

Mặc áo bà ba chụp ảnh lưu niệm

Cách đó không xa, men theo con đường vào Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, rẽ trái một tý là vườn trái cây Chín Hồng, rẽ phải là vườn trái cây Giáo Dương. Bước vào tháng 6 âm lịch, những vườn trái cây này đang vào vụ thu hoạch rộ chôm chôm và dâu Hạ Châu. Chỉ với vé vào cổng từ 20.000 -30.000 đồng/người, du khách có thể ghé hái trái cây và trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi miệt vườn như thuê áo bà ba chụp hình, tát mương bắt cá và thưởng thức những món ăn ngon mang đậm chất Nam Bộ.

Mua trái cây giá sỉ tại vườn

Ngoài chôm chôm và dâu, du khách khi về cũng có thể mua thêm sầu riêng RI 6, sầu riêng khổ qua xanh, măng cụt với giá bán khá rẻ, chỉ bằng giá sỉ tại vườn cho thương lái, hoặc nếu sợ "chặt chém" thì du khách có thể mua dọc theo đoạn đường trở về.

Du khách nước ngoài nghỉ ngơi tại vườn

Ở đây, đa phần trái cây được các chủ vườn đem ra bày bán nên giá khá rẻ và ngon. Sầu riêng RI 6 hiện tại có giá bán 60.000 đồng/kg, măng cụt 45.000 đồng/kg, mít tố nữ 10.000đ/kg…

Dương Cầm

Quảng Ngãi: Được mùa dưa lưới đầu tiên với giá 10.000 đồng/kg

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng,

Sau 70 ngày kể từ khi xuống giống trồng dưa lưới, một loại dưa mới ngoại nhập có nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản, những nông dân tỉnh Quảng Ngãi tiến hành thu hoạch đợt đầu tiên, với giá 10.000 đồng/kg.

Nông dân xã Bình Phú thu hoạch dưa lưới. Ảnh:Nguyễn Trang

Ông Nguyễn Thanh Phương (xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở trồng vụ dưa lưới đầu tiên trên diện tích 6 sào. Ông cho biết: “Vụ này tôi bán ra 6 tấn dưa, giá 10.000 đồng/kg dưa, thu về hơn 60 triệu đồng” .

Dù là lần đầu tiên trồng loại dưa này, nhưng với kinh nghiệm tiên phong trong trồng dưa mới, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch cao. Theo ông Phương, dưa loại 1 có trọng lượng 1,4-2,5kg/trái, bề mặt dưa đẹp, không tỳ vết thì giá 10.000 đồng/kg, còn lại dưa loại 2 được mua với giá 4.000 đồng/kg.

Hộ ông Phạm Văn Tài (xã Bình Phú, huyện Bình Sơn) cũng trồng 5 sào dưa, thu hoạch gần 6,5 tấn dưa vừa mới xuất bán hết. Ông cho biết, so với các loại dưa Trang Nông, dưa Hắc Mỹ Nhân thông thường thì dưa lưới cho năng suất và lợi nhuận cao hơn, đồng thời, thị trường ổn định.

Cây dưa lưới tại Việt Nam phù hợp với khí hậu nóng, ít ẩm ở miền Đông và Tây Nam Bộ, thời gian gần đây được đưa về tỉnh Quảng Ngãi để trồng. Dưa lưới ở Quảng Ngãi được trồng dưới đất lúa và mắc giàn lưới thấp, trái dưa cho quả hình tròn, vỏ dày và thanh ngọt.

Ông Hồ Minh Sơn-Phó phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn, cho biết: “Dưa lưới mới được đưa về trồng, hiện nay đang hướng dẫn cho nông dân ở các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây năng suất cao, trong đó có dưa lưới. Các xã Bình Phú, Bình Tân là những địa phương trồng nhiều nhất”. Hiện tại, toàn huyện có gần 800 diện tích đất lúa kém hiệu quả, trong đó, riêng vụ hè-thu hơn 300ha, các địa phương chủ động chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Mặc dù dưa lưới vừa có mặt tại tỉnh Quảng Ngãi, so với giá dưa Trang Nông, Hắc Mỹ Nhân thì dưa lưới có giá cao hơn gấp đôi, tuy nhiên, các địa phương cần có quy hoạch để tránh tình trạng ồ ạt trồng, vỡ quy hoạch để không tái diễn vấn đề “giải cứu” dưa, rớt giá thê thảm vào năm 2015 và năm 2017 vừa qua.

Nguyễn Trang

Vải thiều “xuất ngoại” hanh thông

Nguồn tin: Báo Công Thương

Ngoài Mỹ, Úc, Pháp, nhiều thị trường khác trong khu vực ASEAN cũng cam kết nhập khẩu vải thiều Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy trái vải Việt Nam dần khẳng định được vị thế tại thị trường nước ngoài.

Vải thiều được gắn tem, nhãn giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc

Những con số ấn tượng

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu (XK) tới hơn 30 nước trên thế giới. Tính đến ngày 3/7, Bắc Giang đã XK gần 18.370 tấn vải sang thị trường Trung Quốc, 1.300 tấn sang thị trường Úc, 1.000 tấn sang thị trường Thái Lan, 500 tấn sang thị trường Hà Lan và một số nước như: Mỹ, EU, Nhật Bản...

Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nói riêng và trái vải Việt Nam nói chung được Tập đoàn Central Group Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Đây là tin vui cho người trồng vải, bởi Thái Lan là một trong 5 nước XK vải lớn nhất thế giới và cũng rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ hàng nông sản địa phương. Đây còn là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam XK sang Thái Lan, tận dụng cơ hội các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó, theo bà Lương Thị Kiểm - Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương - tổng sản lượng vải thiều của tỉnh năm nay khoảng 30.000 tấn, trong đó, hơn 50% được XK sang thị trường Trung Quốc, khoảng 25 tấn XK sang thị trường Úc.

Khơi thông thị trường

Hướng trái vải XK vào thị trường khó tính là mục tiêu mà các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang nỗ lực triển khai. Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá cao quyết tâm này của Bắc Giang và Hải Dương, đồng thời đề nghị Sở Công Thương Bắc Giang cần tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các vụ ngoài nước (Bộ Công Thương) trong hoạt động xúc tiến thương mại, thăm dò, đánh giá nhu cầu, yêu cầu của một số nước về trái vải; từng bước XK vải thiều vào thị trường cao cấp. Bên cạnh đó, nghiên cứu đưa trái vải và sản phẩm liên quan vào Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia…

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng giám đốc AIC - đơn vị đầu mối triển khai đưa các ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ cho nhân dân vùng trồng vải- khẳng định, vấn đề quan trọng để có giải pháp XK trái vải Việt Nam ra thế giới chính là tiêu chuẩn, quy trình và công nghệ bảo quản quả vải tươi song song với việc marketing.

Kết quả khả quan từ XK trái vải đã mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông sản khác nếu đáp ứng yêu cầu khắt khe trong quá trình sản xuất và xử lý kỹ thuật.

Bộ Công Thương đã và đang tích cực chỉ đạo Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tăng cường tiếp xúc với doanh nghiệp, cơ quan chức năng nước sở tại để tìm kiếm cơ hội XK vải thiều nói riêng và mặt hàng rau, quả Việt Nam nói chung.

Lan Anh - Thanh Tâm

Xuất khẩu 15 tấn vải thiều Lục Ngạn sang Mỹ và Dubai

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Thông tin từ Sở Công thương Bắc Giang cho biết, Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) vừa xuất khẩu thành công 15 tấn vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Mỹ và Dubai.

Cụ thể, đầu tháng 7 vừa qua, Công ty này đã xuất khẩu 2 container quả vải thiều tươi sang Mỹ với tổng khối lượng 13 tấn bằng đường biển. Sau đó, Công ty hoàn thành thủ tục, xuất khẩu 2 tấn vải thiều sang Dubai bằng đường hàng không.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xuất khẩu thành công các lô vải thiều đến các thị trường trên khẳng định vị thế, giá trị quả vải, giúp thương hiệu vải thiều Lục Ngạn được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, góp phần mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Văn Thương

Hào hứng với lúa hữu cơ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

“Nhà tui 4 sào ruộng, trồng lúa hữu cơ hết nên chừ muốn mở rộng cũng không có đất. Từ hiệu quả trên ruộng tui làm, nhiều bà con tin tưởng và mạnh dạn làm lúa loại ni lắm”, ông Nguyễn Song (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) hồ hởi...

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (ngoài cùng bên trái) hỏi thăm nông dân Thủy Phù về tình hình sản xuất lúa hữu cơ

Thủy Phù có diện tích đất tự nhiên rộng và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Xã có hai HTX nông nghiệp, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đều có nhiều đổi mới theo hướng năng động hơn, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, tạo được sự liên kết với các các doanh nghiệp.

HTX nông nghiệp Phù Bài bắt đầu làm lúa hữu cơ từ năm 2016, khi Tập đoàn Quế Lâm và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với Đảng ủy, UBND xã Thủy Phù về mục tiêu phát triển 100 ha lúa hữu cơ tại địa phương. Ngay khi được kết nối, HTX nông nghiệp Phù Bài đã quy hoạch 2 cánh đồng liên thửa liên vùng để tạo điều kiện sản xuất lúa. “Từ 12 ha vào năm 2016, qua vụ đông xuân 2016-2017, xã đã sản xuất 24,5 ha, đến hè thu 2017, mở rộng lên 54,5 ha. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để bà con sản xuất thành công lúa hữu cơ, phấn đấu đến năm 2018 đạt mức sản xuất trên 100 ha”, ông Ngô Toản, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phù nhấn mạnh.

Giống lúa được sử dụng để sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ ở xã Thủy Phù chủ yếu là DT39. Đây là giống có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, sinh trưởng phát triển khá tốt và đang được tập đoàn Quế Lâm sử dụng trong dự án gạo hữu cơ của công ty. Liên kết với Quế Lâm sản xuất lúa hữu cơ, bà con nông dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá bán lại cao hơn lúa thông thường. Lúa sản xuất theo quy trình truyền thống giá bán khoảng 5.400 đồng/kg, nhưng lúa hữu cơ có giá 7.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt mức 16 - 16,5 triệu đồng/ha.

Ông Lê Tranh, Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy Phù, cho biết: Do sản xuất lúa hữu cơ yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc nghiêm ngặt, tốn nhiều công hơn, trong khi năng suất bình quân đạt thấp hơn nên ban đầu vận động bà con tham gia cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua 2 vụ đầu cho kết quả vượt trội nên bà con hưởng ứng. Nhiều hộ tham gia trồng lúa hữu cơ nhưng chỉ bán một phần, phần còn lại dành sử dụng trong gia đình để đảm bảo an toàn.

Tại thời điểm này, hơn 54 ha lúa hữu cơ của xã Thủy Phù đã khoảng 45 ngày tuổi, bám rễ và đẻ nhánh xanh tốt, khoảng 1,5 tháng sau sẽ cho thu hoạch. Ngày chúng tôi về thăm, cánh đồng mát rượi, mặt nước của các chân ruộng phủ mỏng một lớp rêu xanh – màu đặc trưng của đất ruộng sử dụng phân hữu cơ.

Ông Nguyễn Song phấn khởi: “Ngoài lượng phân hữu cơ bón định kỳ theo cán bộ của Quế Lâm hướng dẫn, ruộng nhà tui còn có thêm phân chuồng, nên rất xanh tốt. So với các dòng lúa khác, năng suất lúa hữu cơ có thể không bằng, nhưng hiệu quả đem lại thì lớn hơn rất nhiều: thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp trồng lúa, sức khỏe người tiêu dùng và quan trọng hơn là công của người trồng được trả xứng đáng, gấp rưỡi lúa thông thường”.

Trong chuyến về thăm mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX nông nghiệp Phù Bài vừa qua, ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao cách mà xã Thủy Phù đã vận động được sự tham gia của người dân để thực hiện có hiệu quả mô hình này; đồng thời, khuyến khích xã tận dụng những thế mạnh nông nghiệp của địa phương để tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm chăn nuôi hữu cơ và trồng rau màu hữu cơ.

Cần thêm thời gian để Thủy Phù tiếp tục khẳng định hiệu quả của dòng sản phẩm hữu cơ mới, nhưng với những cánh đồng lúa hữu cơ đang ngày càng được mở rộng như hiện nay, chúng ta có thể vui về tương lai của những con tôm, con cá hữu cơ trên đồng đất ấy.

Lúa hữu cơ thực hiện quy trình sản xuất gắn liền với nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, tạo sản phẩm lúa gạo có hàm lượng dinh dưỡng, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại, góp phần bảo vệ môi trường và cho hiệu quả kinh tế.

Đồng Văn

Sản xuất hồ tiêu gặp khó

Nguồn tin: Báo Công thương

Sau thời gian dài ở mức cao, hiện giá hồ tiêu trong nước đang giảm mạnh. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của việc phát triển “nóng” diện tích, bất chấp các khuyến cáo.

Tại nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm như Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hớn Quản, Lộc Ninh (Bình Phước), Buôn Hồ, Cư Kuin (Đắk Lắk), Đắk Song, Đắk RLấp (Đắk Nông), Chư Sê (Gia Lai), giá hồ tiêu từ đầu tháng 5/2017 tới nay giảm dần. Số giao dịch thành công thấp do phần lớn dân chưa có ý định bán thời điểm này.

Nguyên nhân khiến giá hồ tiêu liên tục giảm do niên vụ 2016 - 2017 được mùa hồ tiêu, sản lượng tăng cao, nhiều khách hàng nước ngoài đã gây áp lực, hạn chế mua vào, ép giá. Bên cạnh đó, phá vỡ quy hoạch cũng là nguyên nhân gây dư thừa nguồn cung, khiến giá giảm sâu. Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, do giá tiêu hồ liên tục tăng cao trong nhiều năm gần đây, có lúc tăng lên 230.000 đồng/kg và lợi nhuận cao gấp 3, 4 lần so với trồng cà phê, điều… nên nhiều nông hộ ở Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của địa phương và các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích.

Trước thực tế này, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam - khuyến cáo người dân không nên bán tiêu dưới mức 80.000 đồng/kg bởi nhu cầu hồ tiêu hiện nay của thế giới vẫn khá lớn (khoảng 200.000 tấn). Bên cạnh đó, người sản xuất cần hết sức quan tâm tới diễn biến, tín hiệu của thị trường thế giới để có định hướng nhằm tránh rủi ro. Người dân không nên phát triển thêm diện tích, chỉ trồng hồ tiêu ở những vùng canh tác thuận lợi.

Được biết, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng hồ tiêu của các thị trường nhập khẩu, mới đây Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam ký kết hợp tác liên kết sản xuất hồ tiêu. Theo đó, Hiệp hội Hồ tiêu vận động DN và nông dân tham gia liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm; Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn và phối hợp với hiệp hội cấp mã số vùng trồng.

Năm 2010 cả nước có 51,3 nghìn ha, năm 2014 là 85,591 nghìn ha, năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 124,529 nghìn ha, tăng 22,54% so với năm 2015, vượt quy hoạch 249,06%.

Nguyễn Hạnh

Cơ hội cho lúa gạo đặc sản Sóc Trăng

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là gia tăng tỷ lệ xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản và gạo Japonica lên 40% tổng lượng xuất khẩu.

Chủ động lai tạo, nhân giống tạo cơ hội lớn cho lúa đặc sản Sóc Trăng trong tương lai.

Theo chiến lược vừa được phê duyệt, việc xuất khẩu gạo sẽ được thực hiện theo hướng tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu từ khâu sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu. Tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy xuất khẩu góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

Với mục tiêu trên, Việt Nam phấn đấu điều chỉnh giảm dần về lượng, nhưng tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam để tăng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2030, các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%. Tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%). Song song với phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, chiến lược còn tập trung tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định. Tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.

Chiến lược trên đã mở ra cơ hội lớn cho những tỉnh đã và đang có vùng nguyên liệu gạo thơm, gạo đặc sản diện tích lớn trên cả nước; trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, khi nói về lợi thế so sánh trong sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản có giá trị cao thì Sóc Trăng gần như là tỉnh đứng đầu. Có thể nói như thế, bởi ngay từ khi các tỉnh còn chạy đua về năng suất, sản lượng, thì Sóc Trăng đã xây dựng cho riêng mình một đề án phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản, với các giống ST làm nòng cốt. Ngoài 4 vùng thuộc dự án là: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Ngã Năm và Thạnh Trị, hầu hết những vùng sản xuất lúa gạo khác của tỉnh đều có một tỷ lệ sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản nhất định.

Với việc chọn hướng đi đúng đắn, trong những năm qua, Sóc Trăng luôn có khoảng 30% diện tích và đến cuối năm 2016, diện tích sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản của tỉnh đã lên đến 41%, tức vào khoảng 150.000ha. Kinh nghiệm đi trước sẽ giúp Sóc Trăng có nhiều ưu thế hơn trong việc nắm bắt cơ hội từ chiến lược xuất khẩu gạo mà Chính phủ vừa phê duyệt. Không những thế, Sóc Trăng còn có lợi thế lớn, khi hầu hết diện tích sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản của tỉnh đều được tổ chức thành cánh đồng lớn hay tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Một lợi thế khác của Sóc Trăng trong việc phát triển lúa thơm, lúa đặc sản theo chiến lược của Chính phủ chính là việc chủ động được nguồn giống. Những giống lúa thơm ST được kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự nghiên cứu, phóng thích, ít nhiều đã tạo được “tiếng thơm” trên thị trường nội địa và thế giới. Một số giống lúa thơm khác, như: RVT, OM… cũng được nông dân Sóc Trăng tiên phong đưa vào sản xuất, nên kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất là điều có thừa.

Không những chủ động được giống, xây dựng được vùng sản xuất, gạo thơm Sóc Trăng và gạo Tài nguyên Thạnh Trị đều được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, gạo thơm Sóc Trăng đang tiến từng bước đến mục tiêu xây dựng thương hiệu, còn gạo Tài nguyên Thạnh Trị cũng được đưa vào xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Cơ hội đang rất rộng mở cho lúa gạo đặc sản Sóc Trăng đến với những thị trường cao cấp, có giá trị gia tăng cao, nên vấn đề còn lại là công tác tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sao cho thật tốt, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho lúa gạo Sóc Trăng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, người trồng lúa ở Sóc Trăng, cũng như doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết mới có được giá trị và lợi nhuận cao, hạt gạo Sóc Trăng mới có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tích Chu

Hai chàng kỹ sư và ước mơ trồng nấm rơm sạch

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Tạm gác lại việc nghiên cứu sinh ở Úc, dừng công việc kinh doanh xây dựng đang cho thu nhập “khủng” để theo đuổi giấc mơ trồng nấm rơm sạch. Đây là câu chuyện khởi nghiệp thú vị của anh Lê Cao Cường (SN 1976) và anh Võ Thành Phúc (SN 1982) ở TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Anh Võ Thành Phúc (bìa phải) và anh Lê Cao Cường (giữa) tại phòng cấy meo nấm

Bỏ tiền tỷ đi tìm “công thức” trồng nấm sạch

Năm 2015, nhân dịp anh Võ Thành Phúc (kỹ sư xây dựng) được anh Lê Cao Cường – Thạc sĩ hóa sinh mời về tư vấn thiết kế xây nhà, trong quá trình làm việc, hai anh đã phát sinh ý tưởng về mô hình trồng nấm sạch.

Anh Võ Thành Phúc tâm sự: “Từ lâu, tôi luôn ám ảnh về việc làm nông nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào các loại phân bón và thuốc hóa học. Gần đây, việc đi về từ cõi chết bởi căn bệnh viêm gan cấp tính là động lực thôi thúc tôi mạnh dạn bước chân sang lĩnh vực làm nông nghiệp sạch. Sau khi chia sẻ và may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của anh Cường, anh em chúng tôi thuê một khu đất để hiện thực hóa ước mơ của mình”.

Con đường đến mơ ước của hai anh không hề đơn giản. Sau khi chật vật với chuyện tìm mặt bằng mở một nông trang nhỏ thì hai anh phải tháo gỡ khó khăn trong kỹ thuật trồng nấm.

Ban đầu, mô hình trồng nấm được anh Phúc và anh Cường trồng thí nghiệm ở hai khu vực, một được trồng ngoài trời dựa trên kỹ thuật truyền thống của nông dân xưa nay; còn lại trồng nấm trong nhà theo phương thức bán công nghiệp.

Do xác định trồng nấm sạch nên trong quá trình trồng, cây nấm không được sử dụng các loại phân bón và thuốc hóa học. Đây cũng là nguyên nhân khiến hơn 1 tỷ đồng của hai anh chàng liều lĩnh “dứt áo ra đi”.

Anh Lê Cao Cường nhớ lại: “Vụ đầu tiên hai anh em mừng thầm bởi năng suất của nấm khá tốt, đến vụ thứ hai năng suất bắt đầu giảm một nửa, vụ thứ 3 thì nấm rơm chỉ thu được một phần, các vụ tiếp theo gần như mất trắng. Do không chủ động được công nghệ quy trình sản xuất nên nấm rơm bị nhiễm (nhiễm bào tử nấm dại) và côn trùng tấn công khá nhiều. Sau hơn 10 vụ, hai mô hình trồng nấm trong nhà và trồng nấm ngoài trời đều thất bại hoàn toàn, hai anh gần như suy sụp vì bao nhiêu vốn liếng coi như đổ sông đổ biển”.

Kiểm tra nấm rơm thành phẩm tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phương Trà

Khởi nghiệp thành công không chỉ cần đam mê

Sau thất bại bước khởi đầu, anh Phúc và anh Cường cùng ngồi lại để tìm ra hướng đi mới.

Một số giải pháp khả thi được vạch ra, song vấn đề là đào đâu ra tiền để đầu tư máy móc, công nghệ cũng như xây dựng các nhà trồng kiên cố.

“Vậy là chúng tôi gần như đi rao ý tưởng về dự án của mình khắp nơi, một dự án được xây dựng chi tiết, rõ ràng và công việc lúc đó của chúng tôi là làm thế nào để thu hút bằng được vốn đầu tư. Tưởng chừng như đã bế tắc, song nhiều anh em, bạn bè tin tưởng đã rót vốn đầu tư cho dự án của hai anh em”, anh Phúc vui sướng kể lại. Đây cũng là tiền đề cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phương Trà (xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh) ra đời.

Ngoài 2 nhân vật liều lĩnh đứng mũi chịu sào là anh Lê Cao Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và anh Võ Thành Phúc - Giám đốc thì công ty còn có sự góp mặt của 16 thành viên. Tất cả các thành viên trong HĐQT đều có học hàm, học vị, chuyên môn sâu trên hầu hết các lĩnh vực: tài chính – kế toán, kinh tế, marketing, kỹ sư hóa – sinh, kỹ sư điện, truyền thông...

Nhờ thành lập công ty cổ phần mà nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ. Việc ưu tiên số một sau thất bại ban đầu là thay đổi, đầu tư công nghệ mới, lần đầu tiên, ý tưởng sử dụng nồi hơi để thanh trùng giá thể trồng nấm được vận dụng.

Anh Lê Cao Cường chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi chỉ xây một nhà trồng khoảng vài mét vuông để thử nghiệm. Nhà trồng được xây dựng kín nhằm mục đích kiểm soát triệt để vấn đề côn trùng, nhiệt độ và độ ẩm. Từ kinh nghiệm đúc kết, chúng tôi nghĩ rằng, nếu giá thể trồng được thanh trùng bằng hơi nước ở nhiệt độ và áp suất cao thì có thể không cần phải can thiệp bất kỳ loại hóa chất nào nấm vẫn phát triển tốt. Sau 6 vụ trồng liên tục, mô hình gần như đạt hiệu quả tuyệt đối. Vấn đề nấm dại và côn trùng không còn là nỗi ám ảnh”.

Sau thành công này, đội ngũ nghiên cứu của công ty, đứng đầu là thạc sĩ hóa sinh Lê Cao Cường lại thành công trong việc phân lập các nhóm giống nấm có đặc tính trội về năng suất. Nhờ đó, trung bình mỗi tháng giúp công ty tiết kiệm được vài chục triệu đồng từ việc mua meo giống bên ngoài do doanh nghiệp có thể tự nhân, cấy meo nấm. Hơn thế, nhờ lai tạo và phân lập giống tốt nên năng suất nấm trồng ở công ty đang dần được nâng lên. Năng suất từ 10% lên 13%, cao gấp 2 – 3 lần so với nông dân trồng nấm ngoài trời.

Bên cạnh đó, nhờ các cộng sự trong HĐQT chu toàn các khâu phát triển thị trường, tìm đối tác,... Thông qua các cuộc họp hàng tháng, các vấn đề khó khăn được giải quyết rốt ráo, nhiều ý tưởng mới về phát triển sản phẩm theo chiều sâu được đề xuất, vận dụng.

Nấm rơm sau khi thu hoạch được phân loại và nhanh chóng chuyển đến khách hàng

Khai thác giá trị nấm rơm sạch theo chiều sâu

Sau những khó nhọc buổi đầu, hoạt động của công ty hiện đang dần ổn định và đi vào quỹ đạo. Với quy mô 6 nhà trồng, trung bình mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường khoảng 5 – 6 tấn nấm tươi. Dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ nâng tổng quy mô nhà trồng lên khoảng 107 cái. Khi hệ thống nhà trồng hoàn thiện, công ty dự định tiến đến chế biến theo hình thức sấy khô và cấp đông.

Khó khăn mới phát sinh trong giai đoạn này là vốn, anh Phúc cho biết: “Để đầu tư nhà trồng và công nghệ chế biến nấm rơm sau thu hoạch, công ty cần một nguồn vốn đầu tư lớn nhưng khả năng nội tại của các thành viên thì có hạn. Công ty rất mong nhận được sự giúp sức từ chính quyền địa phương trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư dành cho đơn vị khởi nghiệp non trẻ như chúng tôi”.

Do sản phẩm sản xuất theo quy trình khép kín, chất lượng nấm được đảm bảo tuyệt đối nên sản phẩm nấm rơm sạch của công ty được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.

Hiện tại, công ty đang tiến hành một số thủ tục để đưa sản phẩm vào hệ thống Saigon Co.op, ngoài ra công ty cũng phối hợp với hệ thống các cửa hành thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh để cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Anh Lê Cao Cường thông tin thêm, giá trị dinh dưỡng từ cây nấm rơm rất cao, vì vậy khi đủ lực, công ty sẽ tiến hành đầu tư chế biến sâu hơn đối với sản phẩm này như nghiên cứu chế biến hạt nêm, nước tương, thực phẩm đóng hộp....

Song song với việc khai thác giá trị sản phẩm nấm tươi, công ty cũng đang phát triển mô hình nuôi trùng quế làm phân hữu cơ từ việc tận dụng nguồn giá thể sau khi trồng nấm. Theo ước tính của công ty, với giá phân trùng quế hiện nay khoảng 8 ngàn đồng/kg và giá trùng quế khoảng trên 100 ngàn đồng/kg thì đây là hướng đi hiệu quả giúp khai thác triệt để giá trị từ cây nấm mang lại.

Mỹ Lý

Mô hình canh tác giống lúa chịu mặn ở các huyện ven biển

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Thu hoạch lúa ở xã An Điền (Thạnh Phú). Ảnh: H. Hiệp

Đươc sự hỗ trợ kinh phí của Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD), Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Trung tâm) triển khai thực hiện mô hình “Canh tác giống lúa chịu mặn cho các huyện vùng ven biển tỉnh Bến Tre”.

Mục tiêu là xây dựng mô hình canh tác giống lúa chịu mặn có tính thích nghi tốt, ổn định đưa vào sản xuất đại trà, tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác lúa ở các vùng đất nhiễm mặn của 3 huyện ven biển. Mô hình được thực hiện tại xã An Điền, Hòa Lợi (Thạnh Phú) với 10ha, mỗi xã 5ha.

Vụ Thu Đông năm 2015, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm phối hợp với cán bộ kỹ thuật huyện, Hội Nông dân 2 xã An Điền, Hòa Lợi triển khai nội dung thực hiện mô hình và tiến hành khảo sát chọn hộ tham gia. Có 25 hộ tham gia với diện tích 10ha (xã An Điền 12 hộ, Hòa Lợi 13 hộ). Chọn giống OM 9921, OM 6162 đã qua khảo nghiệm và đánh giá có khả năng chịu mặn, kháng sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau khi gieo sạ, Trung tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân sản xuất lúa trong xã. Dự án AMD hỗ trợ cho nông dân 100% kinh phí mua lúa giống và 30% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật.

Kết quả cho thấy, tại xã Hòa Lợi, khi canh tác giống OM 6162, các trà lúa phát triển khá tốt. Một vài ruộng không giữ nước và kiểm soát được cỏ nên lúa sinh trưởng kém. Hiện nay, các trà lúa vào giai đoạn trổ đều đến chín, chuẩn bị thu hoạch. Năng suất ước đạt 4,5 - 5 tấn/ha.

Tại xã An Điền, canh tác giống OM 9921, giai đoạn sinh trưởng các trà lúa phát triển khá tốt. Một vài ruộng nằm trong khu vực nuôi tôm công nghiệp bị ảnh hưởng nước thải của vuông tôm và nước nhiễm phèn nên lúa sinh trưởng kém. Hiện nay, lúa vào giai đoạn thu hoạch, năng suất đạt bình quân 4 tấn/ha. Điển hình có hộ ông Nguyễn Văn Nhum, năng suất đạt 5 tấn/ha.

Qua thực hiện thí điểm tại 2 địa phương cho thấy, diện tích lúa thực hiện mô hình ở xã Hòa Lợi không tập trung thành khu vực riêng mà đan xen vườn, ruộng và nông dân quen tập quán canh tác lúa mùa nên gặp khó khăn trong hướng dẫn kỹ thuật. Mặt khác, hệ thống tưới tiêu chưa chủ động, từ đó việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình canh tác khó áp dụng. Lịch xuống giống không tập trung nên phần nào ảnh hưởng đến mùa vụ. Mô hình ở xã An Điền có 2ha lúa nằm trong khu vực nuôi tôm công nghiệp nên bị ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu, hơn 1ha đất bị nhiễm phèn. Một số nông dân còn chủ quan, kiến thức về biến đổi khí hậu hạn chế nên vẫn còn áp dụng kỹ thuật canh tác truyền thống, sử dụng lượng phân đạm cao.

Theo Kỹ sư Võ Hoài Chân - Phó giám đốc Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua mô hình nông dân tiếp cận được giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng canh tác trên vùng đất nhiễm mặn. Sử dụng giống lúa đạt phẩm cấp giúp nông dân giảm lượng giống khoảng 30kg/ha, giảm phân bón 30 - 50kg/ha. Tăng năng suất bình quân khoảng 5 - 10% (tương đương 300 - 500kg/ha) giúp cải thiện thu nhập đáng kể. Tăng thu nhập bình quân 3,5 triệu - 4 triệu đồng/ha.

“Quá trình triển khai thực hiện mô hình giúp cho nông dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến; tiếp cận kỹ thuật canh tác mới và các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt như: bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc… Bên cạnh đó còn giúp nông dân có điều kiện quan sát thực tế sản xuất của các giống lúa triển vọng. Điển hình, giống lúa OM 6162 dễ canh tác, kháng sâu bệnh tốt, năng suất gấp 1,5 lần so với lúa mùa địa phương, phẩm chất gạo ngon, giá bán 7.000 đồng/kg, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông dân” - Kỹ sư Võ Hoài Chân nhấn mạnh.

Tiến Vũ

Quảng Trị: Phát triển cây nghệ vàng ở Gio Linh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Những năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân miền Tây huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích và trồng đại trà giống cây nghệ vàng. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây nghệ vàng sinh trưởng tốt và cho chất lượng cao. Qua thời gian canh tác, người dân dần tích lũy kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chú trọng đến chất lượng của sản phẩm nên diện tích, sản lượng và năng suất cây nghệ không ngừng tăng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Người dân miền Tây Gio Linh trồng cây nghệ xen dưới tán rừng cao su

Xã Gio An hiện có diện tích trồng nghệ 90 ha, phân bố đồng đều trên toàn xã. Giống nghệ được người dân nơi đây trồng là cây nghệ vàng bản địa có tính thích nghi và chịu hạn cao. Anh Cái Viết Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio An cho biết, hiện tại đang giữa mùa vụ, người dân vẫn tiếp tục trồng thêm nên diện tích nghệ vàng sẽ còn tăng. Theo anh Chí, cây nghệ được trồng từ tháng 6 đến hết tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, vì để tăng năng suất, sản lượng nên người dân địa phương đã trồng sớm hơn lịch thời vụ truyền thống 1 tháng. Những năm gần đây, cứ đến đầu tháng 5 âm lịch là nông dân đã ra ruộng cày đất trồng nghệ. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm sau là thời gian người dân tập trung thu hoạch nghệ củ. Nghệ thành phẩm sau khi thu hoạch sẽ được bán đi thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Nội, Quảng Bình, Huế, Nha Trang…

Ngoài ra, nghệ Gio An còn được chế biến và xuất bán dưới dạng gia vị (5%) hoặc tinh bột nghệ (95%). Trước nhu cầu tiêu thụ tinh bột nghệ ngày càng cao của thị trường, người dân đã chủ động mua sắm máy móc, thiết bị để sản xuất tinh bột nghệ. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Gio An có khoảng 200 hộ gia đình làm tinh bột nghệ thủ công và bán lẻ ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của chính quyền và người dân địa phương, từ khi cây nghệ vàng được đầu tư trồng đại trà đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Chị Trần Thị Ngọc Diệp (35 tuổi) ở thôn An Hướng cho hay, gia đình chị có 2,5 ha nghệ vàng. Vụ năm nay, chị trồng gần 3 tấn nghệ giống, trung bình 8 tạ giống sẽ trồng được trên diện tích 1ha. Đến cuối vụ, trung bình 1ha sẽ thu được 15 - 20 tấn nghệ củ thành phẩm. Hiện nay, giá 1kg nghệ tươi được bán tại vườn giao động từ 12.000 - 15.000 đồng. Trung bình 1 tấn nghệ thành phẩm sẽ thu được 10 triệu đồng, như vậy 1ha nghệ sẽ thu được 150 - 200 triệu đồng.

Trong năm 2016, cây nghệ vàng đã mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng cho xã Gio An. Rời Gio An, chúng tôi về xã Gio Bình, một trong những địa phương phát triển mạnh cây nghệ vàng. Anh Bùi Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng trên 225 ha, trong đó, cây nghệ vàng có diện tích 47ha. Hiện nay người dân đang tiếp tục trồng mới. Cây nghệ được trồng ở 6 thôn của xã. Thôn có diện tích trồng nghệ tập trung nhiều là Xuân Mai (15ha), Tân Lịch (15ha).

Hầu hết, các hộ gia đình ở Gio Bình đều trồng từ 0,5 - 1ha nghệ trong diện tích vườn nhà hoặc xen kẽ dưới các tán rừng cao su. Nhiều hộ có diện tích nghệ lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây nghệ như hộ ông Tạ Văn Thú ở thôn Tiến Kim (2ha), hộ ông Nguyễn Tài Quốc (2ha), ông Bùi Văn Lủy (2ha) đều ở thôn Xuân Mai… Đặc tính cây nghệ phù hợp với đất đỏ ba dan, ít bị sâu bệnh, dễ trồng và tốn ít công chăm sóc. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua, xã đã định hướng cho người dân tập trung trồng cây ngắn ngày, đặc biệt chú trọng phát triển cây nghệ, dần thay thế cho cây sắn, đồng thời tổ chức sản xuất tập trung. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn xã có 7 hộ dân chế biến sản xuất tinh bột nghệ bán ra thị trường.

Để người dân mạnh dạn làm ăn, yên tâm canh tác, xã Gio Bình đã tổ chức thành lập tổ hợp tác và quy hoạch địa điểm tổ chức sản xuất quy mô lớn nhằm thu mua sản phẩm của người nông dân làm ra đồng thời khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích. Hiện nay, toàn huyện Gio Linh có tổng diện tích trồng nghệ vàng là 163ha, năng suất 70,4 tạ/ha, sản lượng đạt 1.149 tấn. Cây nghệ được trồng tập trung ở các xã Gio Bình, Gio An, Linh Thượng, Gio Hòa, Hải Thái… Trong đó, 2 xã nổi bật nhất là Gio An và Gio Bình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết, những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng phía Tây đã đẩy mạnh đầu tư trồng đại trà cây nghệ vàng, diện tích nghệ không ngừng tăng. Cây nghệ được trồng ở vùng đất phía Tây của huyện cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao, được thị trường rất ưa chuộng. Do đó, người dân ở các xã đã tận dụng triệt để diện tích đất trống, đất trồng các loại cây không hiệu quả để chuyển sang trồng nghệ. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng phối hợp với nông trường cao su tạo điều kiện cho người dân trồng xen cây nghệ trên diện tích những cánh rừng cao su chưa khép tán.

Về vấn đề cung - cầu và đầu ra cho cây nghệ, ông Thức cho biết thêm: “Huyện đã tham mưu, chỉ đạo các địa phương chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nghệ và tuyên truyền, hướng dẫn người dân nên luân canh, xen canh các loại cây trồng phù hợp. Quan điểm của ngành nông nghiệp huyện là không phát triển tràn lan khi chưa có thị trường ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ để người dân yên tâm sản xuất”.

Trần Tuyền

Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá nguy cơ bùng phát trở lại

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Sau hơn 10 năm (từ năm 2006), bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) “vắng bóng” trên cánh đồng lúa của tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung thì nay lại xuất hiện trên diện rộng và có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Nông dân đang rất lo lắng, ngành chuyên môn đang theo dõi sát diễn tiến để có phương án dập bệnh kịp thời.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành phân tích bệnh VL-LXL của một ruộng lúa ở huyện Châu Thành.

Bệnh VL-LXL đã trở lại

Trong những ngày này, nông dân trồng lúa hè thu chính vụ ở các huyện phía Tây thường xuyên túc trực ngoài đồng ruộng để phun thuốc trừ rầy nâu và xử lý những bụi lúa nhiễm bệnh VL-LXL. Vừa đặt bình thuốc trừ sâu xuống đất, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Tân Hưng Phước, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước cho biết, 1 ha trồng giống lúa Đài Thơm 8 được 43 ngày tuổi liên tục bị rầy nâu hoành hành. Gia đình ông đã tốn trên 2,5 triệu đồng thuốc để phun diệt rầy. Mặc dù vậy, ruộng lúa của ông cũng xuất hiện bệnh VL-LXL lởm chởm, tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 2% - 3%. Những ngày qua, ông cùng với nhân công nhổ bỏ những bụi lúa bị nhiễm bệnh này để tránh lây lan sang những bụi lúa khỏe mạnh. Ông Hùng tâm sự: “Lâu lắm rồi bệnh VL-LXL không xuất hiện, tự nhiên vụ này lại bị trở lại khiến cho tôi trở tay không kịp”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rầy nâu, bệnh VL-LXL xuất hiện rải rác khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Những khu vực gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo “né” rầy của ngành Nông nghiệp đều bị nhiễm rầy hoặc xuất hiện bệnh VL-LXL rất nhiều. Ruộng lúa 1 ha của ông Nguyễn Văn Vũ, ấp Long Hòa B, xã Long Định, huyện Châu Thành gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo đến nay đã được 70 ngày tuổi nhưng bệnh VL-LXL xuất hiện nhiều từ khi cây lúa chỉ mới 1,5 tháng tuổi. Gia đình ông đã tốn rất nhiều chi phí để phun thuốc trừ rầy cũng như nhổ bỏ những bụi lúa nhiễm bệnh.

Trao đổi việc rầy nâu, bệnh VL-LXL xuất hiện trở lại, ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, theo quy luật, sau 12 đến 14 năm thì bệnh VL-LXL sẽ tái xuất hiện trở lại. Và hiện nay, Tiền Giang nói riêng và các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung đã xuất hiện bệnh VL-LXL. Các tỉnh giáp với Tiền Giang như: Long An, Đồng Tháp đang bị rầy nâu, bệnh VL-LXL hoành hành trên lúa hè thu và đang diễn biến rất phức tạp với mật độ, diện tích ngày một tăng cao. Đặc biệt, có nơi bệnh VL-LXL chiếm 50% - 70%. Riêng tại Tiền Giang, diện tích lúa nhiễm rầy nâu cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 3.000 ha; bệnh VL-LXL xuất hiện 49 ha ở huyện Tân Phước, Cai Lậy và TX. Cai Lậy. Trong đó, huyện Tân Phước có 30 ha (nhẹ 15 ha, nặng 15 ha), huyện Cai Lậy 10 ha bị nhiễm nhẹ và TX. Cai Lậy 9 ha bị nhiễm nhẹ. Trong 50 mẫu rầy mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy ngoài đồng, tỷ lệ rầy nhiễm bệnh VL-LXL chiếm 15%, trong đó huyện Cái Bè 20%, Tân Phước 20%, Gò Công Tây 40%. Ngoài ra, bệnh VL-LXL trước đây 20 ngày là phát hiện thì nay đến 35 ngày.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay, diện tích nhiễm rầy nâu là 1.796 ha, tập trung giai đoạn tuổi 4 - 5 và một ít giai đoạn tuổi trưởng thành, mật số trung bình 200 - 400 con/m2, chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, TX. Cai Lậy... Nguyên nhân chủ yếu là do người dân mạnh ai nấy gieo sạ, không theo lịch thời vụ.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phân tích những cây lúa nhiễm bệnh VL-LXL ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước.

Ngành chuyên môn và nông dân túc trực

Trước diễn biến phức tạp của rầy nâu, bệnh VL-LXL, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Hiện cán bộ kỹ thuật của Chi cục tích cực thăm đồng, bám sát đồng ruộng theo dõi diễn biến rầy nâu, bệnh VL-LXL. Đồng thời, chúng tôi tăng cường tập huấn, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và kịp thời xử lý đối tượng rầy nâu. Đối với các diện tích nhiễm bệnh VL-LXL từ nhẹ đến trung bình, chúng tôi khuyến cáo nhổ bỏ những cây bị bệnh nhằm tránh rầy nâu chích hút phát tán mầm bệnh sang những cây lúa khỏe. Trên những diện tích nhiễm bệnh nặng, không có khả năng phục hồi, chúng tôi đề nghị tiêu hủy để cắt đứt nguồn bệnh”.

Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu, bệnh VL-LXL vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại trên các trà lúa, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, bệnh VL-LXL có nguy cơ bùng phát trở lại rất cao. Vì vậy, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phải hết sức cảnh giác loại bệnh nguy hiểm này. Cán bộ của Chi cục phải thường xuyên có mặt ngoài đồng ruộng theo dõi để có biện pháp khuyến cáo nông dân, cũng như xử lý kịp thời các ổ bệnh mới xuất hiện, không để lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng sẽ siết chặt lại lịch thời vụ xuống giống, nếu diện tích nào xuống giống ngoài khung lịch khuyến cáo “né” rầy mà dẫn đến bệnh VL-LXL thì sẽ không được xem xét hỗ trợ.

Tại buổi làm việc mới đây với các tỉnh, thành ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, vụ hè thu 2017 ở các tỉnh, thành ĐBSCL bắt đầu xuất hiện rầy nâu, bệnh VL-LXL. Hiện có hơn 8.000 ha lúa có biểu hiện bệnh VL-LXL nên các địa phương không được chủ quan. Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương phải thực hiện nguyên tắc trên 2% diện tích lúa nhiễm bệnh VL-LXL là phải tiêu hủy ngay, tập trung xử lý dứt điểm dịch bệnh.

Sĩ Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop