Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 08 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 08 năm 2020

Huyện Phú Giáo (Bình Dương): Hình thành vùng cây ăn trái tập trung khoảng 1.300 ha

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đạt khoảng 75 triệu đồng/ha/năm. Theo đó, ngành nông nghiệp huyện có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Hiện, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện đạt 37.614 ha (tăng bình quân hàng năm là 0,25%).

Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, các trang trại trồng cây ăn trái cũng phát triển mạnh, bước đầu hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối, nhiều nhất là cây cam, kế đến là các loại như bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt. Đến nay, các loại cây ăn trái chủ lực của huyện đã hình thành vùng trồng tập trung, với diện tích khoảng 1.300 ha chủ yếu tại các xã An Thái, Phước Sang, An Bình, Vĩnh Hòa và nhiều nhất là xã Tam Lập.

PHƯƠNG ANH

Sầu riêng giảm giá do dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Những ngày gần đây, giá thu mua sầu riêng tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) liên tục giảm. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường khó tiêu thụ.

Đôi bên cùng chịu thiệt

Tại xã Sơn Bình - thủ phủ sầu riêng của tỉnh, không khí mua bán sầu riêng ở các nhà vườn không còn tấp nập như cách đây nửa tháng. Nguyên nhân là do hoạt động thu hoạch sầu riêng đang bước vào thời điểm cuối vụ. Ở một số nhà vườn, quả trên cây chỉ còn khoảng 30% sản lượng, số còn lại đã được bán hết. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ số quả còn lại cũng đã được thương lái chốt giá, đặt cọc. Ông Trần Đình Liên, người chuyên thu mua sầu riêng cho biết, năm nay, nhiều thương lái chịu lỗ nặng vì chốt giá cao mà đến khi ra thị trường lại phải bán giá thấp. Hầu hết thương lái đều chốt giá, đặt cọc sầu riêng Khánh Sơn với giá phổ biến từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg đối với sầu riêng giống Monthong; 40.000 - 45.000 đồng/kg với sầu riêng Ri6 và khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg với sầu riêng Chín Hóa. Tuy nhiên, trong 15 ngày qua, khi ra thị trường, giá sầu riêng đã bị hạ xuống. “Tôi chốt giá sầu riêng Ri6 ở một vườn rộng hơn 1ha ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cách đây hơn 1 tháng với giá 43.000 đồng/kg, đặt cọc gần 100 triệu đồng cho vườn này. Nhưng hiện nay, giá sầu riêng trên thị trường giảm nên tôi thương thảo với chủ vườn giảm được 5 giá, xuống còn 38.000 đồng/kg trên tinh thần đôi bên cùng chịu thiệt”, ông Liên chia sẻ.

Nông dân Khánh Sơn giới thiệu sản phẩm sầu riêng cho người tiêu dùng tại một phiên chợ được tổ chức tại thị trấn Tô Hạp.

Nguyên nhân chính dẫn tới giá giảm được các thương lái cho là do dịch bệnh Covid-19 thời gian gần đây diễn biến phức tạp, việc lưu thông gặp khó khăn, đời sống kinh tế cũng khó khăn. Một số nhà vườn cho biết, thời gian gần đây, các thương lái đã đến nhà vườn thương thảo lại giá thu mua với mức giảm từ 5 đến 7 giá so với trước. “Một số thương lái không thỏa thuận được với chủ vườn đã buộc phải bỏ cọc. Số tiền cọc thường là 100 triệu đồng/ha vì nếu mua với giá cũ sẽ cầm chắc phần lỗ còn nặng nề hơn tiền cọc”, một chủ vườn ở thôn Liên Hòa cho biết.

Chưa hết bấp bênh

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, khảo sát một số nhà vườn trên địa bàn, hầu hết sản lượng sầu riêng còn lại hiện nay đều thuộc các nhà vườn có diện tích lớn. Đây là những nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nhằm làm chủ việc ra hoa, kết trái của cây sầu riêng.

Chủ nhà vườn có hàng chục héc-ta sầu riêng ở thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình cho biết, hàng năm, những nhà vườn lớn đều đầu tư rất nhiều công sức, kỹ thuật nhằm kéo dài thời gian cho thu hoạch trái sầu riêng. Bởi nếu để sầu riêng chín cùng 1 lúc thì sẽ không kịp thu hoạch, lại không được giá do trùng với thời điểm cả huyện, cả tỉnh đều thu hoạch. Vì vậy, các nhà vườn thường tiến hành xử lý cho cây sầu riêng ra hoa, kết quả theo từng giai đoạn khác nhau, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch của vườn từ 1 đến 1,5 tháng. Hiện nay, hầu hết số sầu riêng còn lại thuộc các nhà vườn xử lý kéo dài thời gian thu hoạch này.

Việc giá sầu riêng giảm cho thấy sự bấp bênh của loại trái cây có giá trị kinh tế cao này. Vì thế, việc tìm kiếm các kênh phân phối có tính ổn định, cùng với việc xây dựng hệ thống thu hoạch, bảo quản, đóng gói… nhằm nâng cao giá trị sầu riêng là việc cần được xem xét, xúc tiến trong thời gian tới.

Hồng Đăng

Thanh long rớt giá, người trồng lao đao

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng thanh long rớt giá thê thảm, chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người trồng thanh long ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lao đao.

Gia đình anh Phan Quốc Thiết (thôn 2) có 800 trụ thanh long, trung bình mỗi năm đem lại nguồn thu từ 100 - 150 triệu đồng. Năm nay, vườn thanh long ước đạt 20 tấn. Thế nhưng khoảng một tuần nay, giá thanh long bất ngờ giảm mạnh xuống còn 2.000 đồng/kg khiến gia đình anh đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Anh Thiết than thở: “Giá rẻ bèo, nhưng thương lái chỉ lựa những quả nào to, đẹp mới mua. Thanh long chín không thể neo mãi trên cây nên gia đình tôi đành phải hái mang ra chợ bán, hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng đấy”.

Trồng thanh long hơn 10 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên anh Đoàn Ái Hòa (thôn 2) chứng kiến loại trái cây này rớt giá thê thảm nhưng vẫn không bán được. 450 trụ thanh long trong vườn nhà anh Hòa đang vào giai đoạn chín rộ mà không tìm được người thu mua. Nhìn thanh long chín nứt, hư trên cây, xót của, anh Hòa đã nhờ một số người quen rao bán online nhưng cũng chỉ được hơn 100 kg. Anh Hòa cho biết, đợt đầu năm cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá thanh long giảm nhưng còn bán được với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Còn với tình hình này, anh đành chấp nhận cắt bỏ quả để giữ sức cho cây nuôi trái vụ sau.

Vườn thanh long của gia đình anh Đoàn Ái Hòa (thôn 2) đã chín rộ nhưng không có người thu mua.

Chị Trần Thị Thu Thảo, chủ một đại lý chuyên thu mua thanh long trên địa bàn xã Cư Êbur cho hay, thường vào vụ thu hoạch thanh long, mỗi ngày kho của chị xuất khoảng 4-5 tấn quả phân phối đi Khánh Hòa, Phú Yên, Huế, Đà Nẵng… Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là khi Đắk Lắk xuất hiện ca dương tính với vi rút Sars-CoV-2 đã khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn hơn, kéo theo giá thanh long giảm mạnh. Từ khi giá thanh long xuống thấp đến nay, chị thu mua cầm chừng với số lượng chỉ bằng 1/10 so với trước đây.

Được biết, trên địa bàn xã Cư Êbur hiện có 129 ha thanh long kinh doanh, sản lượng đạt hơn 3.200 tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm đang phụ thuộc vào sức mua của thương lái và các đại lý thu mua trái cây trên địa bàn nên khi giá cả xuống thấp khiến người trồng gặp không ít rủi ro.

Ông Trần Trọng Khánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur cho biết: “Phía tổ hợp tác đang tích cực phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột, Hội Nông dân thành phố tiến hành giới thiệu, quảng bá sản phẩm thanh long của địa phương, đồng thời tìm kiếm các công ty, đối tác thu mua để hình thành chuỗi giá trị liên kết giúp người dân trồng thanh long có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất”.

Tuyết Mai

Bắc Ninh: Toàn tỉnh có hơn 650 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh hình thành 666 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong đó 576 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao quy mô từ 3 ha trở lên; 24 vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên; 66 vùng rau tập trung có quy mô từ 5ha trở lên.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại công ty Delco ( huyện Thuận Thành).

66 tổ chức, cá nhân đã tiến hành tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất, trong đó: 47 trang trại trồng trọt được giao đất, thuê đất và tự chuyển đổi đất nông nghiệp với các hộ khác trên diện tích 423,9 ha; 8 HTX thuê sản xuất nông nghiệp hơn 122ha; 9 doanh nghiệp thuê đất, liên doanh liên kết để sản xuất với diện tích 88,5ha. Qua đó từng bước phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 56 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 213ha. Trong đó: 15 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 188 ha; 41 cơ sở trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng với tổng diện tích 25,9 ha.

Các chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ bước đầu có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ giá trị sản phẩm tham gia chuỗi liên kết bình quân đạt 8% gồm lúa khoảng 2%, rau thực phẩm khoảng 12%, cây trồng khác khoảng 20%.

Nguyễn Hoa

Cà phê Việt Nam ‘hút’ người tiêu dùng EU

Nguồn tin: VOV

EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê Việt xuất khẩu.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu cà phê tháng 7 vừa qua ước đạt 120.000 tấn với giá trị đạt 213 triệu USD. Tính chung 7 tháng, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,06 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, giảm 0,1% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Đức, Hoa Kỳ và Italia tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% (đạt 228,1 triệu USD), 9% (đạt 142,9 triệu USD) và 7,8% (đạt 124,5 triệu USD).

Giá trị xuất khẩu cà phê cũng tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan, Bỉ và Nhật Bản.

EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê Việt xuất khẩu.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng bánh mì, sữa, cà phê... vẫn là những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại EU. Bên cạnh đó, cùng với “cú hích” của Hiệp định EVFTA, mặt hàng cà phê Việt Nam có thể gia tăng giá trị vào thị trường này trong thời gian tới.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, trong 2 quý đầu năm 2020, cà phê có xu hướng giảm giá. Thế nhưng, so với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê trong nước đã tăng 500 – 700 đồng/kg sau một thời gian dài rớt giá thê thảm. Dự báo, thời gian tới, nguồn cung cà phê trong nước hạn chế cùng với tình trạng thiếu nước tại khu vực Tây Nguyên khiến sản lượng thấp sẽ thúc đẩy giá cà phê trong nước tăng lên.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 2 triệu bao, đạt mức 49,5 triệu bao cà phê, chiếm gần 45% lượng nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới; Mỹ - nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của thế giới, cũng được dự báo tăng nhu cầu nhập khẩu thêm 2 triệu bao lên mức 27 triệu bao./.

PV/VOV.VN

Hậu Giang: Khó khăn lúa Hè thu cuối vụ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mưa dầm và kèm theo giông lốc trong những ngày qua đã làm đổ ngã hàng loạt diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân tại nhiều cánh đồng lúa ở huyện Long Mỹ thu hoạch lúa Hè thu.

Mất thu nhập lớn vì lúa sập

Sau thành công của vụ lúa Đông xuân nên nhiều nông dân trên địa bàn xã Long Phú, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), tiếp tục chọn giống lúa đặc sản ST24 và ST25 để sản xuất vụ Hè thu. Cứ nghĩ niềm vui lúa trúng mùa, bán được giá cao sắp đến thì bất ngờ xuất hiện mưa dầm kèm theo giông lốc làm cho bà con phải đối mặt với tình cảnh huề vốn, thậm chí thua lỗ.

Với vẻ mặt buồn bã khi nhìn ra 5 công ruộng phía sau nhà bị mưa kèm theo gió mạnh làm sập hoàn toàn trong nhiều ngày qua, ông Hồ Thanh Trường, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, thông tin trong tiếc nuối, với gần 200 công lúa Hè thu ở cánh đồng này được ông và nhiều bà con nơi đây chọn sạ giống lúa chất lượng cao ST24 và một phần là ST25. Khi chỉ còn 2-3 ngày nữa là thu hoạch thì hầu hết bà con đều đánh giá năng suất lúa sẽ đạt không dưới 700kg/công và giá bán được hợp đồng từ trước với doanh nghiệp là 6.100 đồng/kg đối với giống lúa ST24 và giá 8.200 đồng/kg đối với giống lúa ST25. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp đến thì xuất hiện bão số 2 gây ra mưa dầm liên tục trong nhiều ngày và kèm theo giông lốc đã làm sập hoàn toàn tất cả các diện tích lúa nơi đây. Hiện tại, lúa đã quá ngày cắt nhưng chưa thể thu hoạch do thời tiết mưa liên tục khiến bà con lo lắng. “Dù nông dân tích cực bơm rút nước mưa trên ruộng ra ngoài nhưng do bị sập nhiều ngày nên hạt lúa trên bông đã lên mộng khá nhiều. Với tình cảnh hiện tại, năng suất lúa cao lắm cũng dao động từ 300-500kg/công. Như vậy, với việc giảm năng suất khoảng phân nửa so với lúa đứng bình thường thì 5 công lúa của gia đình trong đợt thu hoạch lần này sẽ mất khoảng 2 tấn lúa, tương đương số tiền 12 triệu đồng”, ông Trường thông tin thêm.

Bị thiệt hại nặng hơn, ông Phạm Văn Phước, ở cùng ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Hơn 1ha lúa của gia đình tôi đều sạ giống ST25, với giá bán được hợp đồng từ trước là hơn 8.000 đồng/kg nên khi nhìn thấy lúa sập nhiều và chắc chắn sẽ giảm năng suất khi thu hoạch thì trong lòng tôi xót lắm. Bởi làm giống lúa thơm thì chi phí cao hơn nhiều so với lúa thường, riêng phần lúa giống là tôi phải mua đến 35.000 đồng/kg (giống ST25 và mỗi công sạ 10kg), còn những bà con canh tác giống ST24 cũng mua lúa giống với giá 22.000 đồng/kg. Như vậy, tổng chi phí đầu tư cho mỗi công lúa dao động từ 1,5-2 triệu đồng. Do đó, với năng suất chỉ còn 300-500kg/công thì coi như bà con chỉ huề vốn sau khi cắt lúa là mừng, riêng hộ nào năng suất thấp hơn thì rơi vào cảnh thua lỗ”. Năm nay, tính nhuần hai tháng 4 âm lịch nên cứ nghĩ thời tiết sẽ thuận lợi, từ đó ông Phước và bà con chọn sạ giống lúa đặc sản. Dù chỉ còn 2-3 ngày nữa là thu hoạch và nông dân sẽ được hưởng niềm vui lúa trúng mùa, trúng giá nhưng nào ngờ mưa chụp đến liên tục đã làm tan biến đi mọi kỳ vọng và đẩy nông dân vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Không riêng gì những hộ làm giống lúa đặc sản ở xã Long Phú gặp khó khăn mà nhiều cánh đồng lúa khác trên địa bàn thị xã Long Mỹ cũng rơi vào cảnh tương tự. Điển hình như tại cánh đồng rộng cả trăm héc-ta tại ấp 6, xã Long Trị A, dù nhiều máy cắt đang nằm chờ sẵn dưới ghe nhưng xuất hiện mưa liên tục nên không chỉ làm cho lúa nơi đây bị sập hoàn toàn khá nhiều mà hiện có không ít hạt lúa bắt đầu lên mộng do bị ngâm trong nước nhiều ngày. Với tâm trạng như đang ngồi trên đống lửa khi hơn 1ha lúa của gia đình bị sập khoảng 80% diện tích nhưng vẫn chưa thu hoạch được, ông Trần Văn Hiệu, ở ấp 6, xã Long Trị A, cho biết: “Mấy đợt mưa ban đầu còn cố gắng bơm rút nước, nhưng mưa ngày càng nhiều và diễn ra liên tục nên nước ngập tràn bờ mẫu, từ đó bà con không còn khả năng bơm nữa. Điều lo lắng là lúa đã lên mộng tương đối nhiều nhưng chưa thể cắt vì tiến độ thu hoạch rất chậm do nước ngập, lúa bị sập. Dù giá lúa đang ở mức hấp dẫn là 5.600 đồng/kg đối với giống lúa OM 18, thế nhưng nông dân không vui vì năng suất giảm khá nhiều khi chỉ dao động từ 300-400kg/công, giảm đi phân nửa so với lúa không bị sập nên giá càng cao thì bà con càng tiếc vì mất nguồn thu nhập khá lớn”.

Chung cảnh ngộ, ông Lư Chí Trung, ở khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Gia đình tôi có 4ha lúa, nhưng hiện chỉ mới cắt được 6 công vì mưa dầm. Nếu lúa không bị sập thì năng suất cũng đạt từ 800-900kg/công nhưng giờ chỉ còn chừng 500kg/công. Như vậy, với việc mỗi công giảm từ 300-400kg thì 4ha đã mất hơn 12 tấn lúa, với giá bán hiện tại là 5.500 đồng/kg thì vụ lúa này gia đình tôi mất nguồn thu nhập hơn 60 triệu đồng”.

Nhiều nông dân trồng giống lúa ST24 và ST25 ở xã Long Phú đang xót lòng khi ruộng lúa bị sập hoàn toàn làm thiệt hại về năng suất và mất nguồn thu nhập.

Giữ giá thu mua như hợp đồng

Nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ tại một số địa phương như thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh với tổng diện tích còn lại gần 10.000ha trong tổng số 77.339ha đã xuống giống. Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình mưa dầm kèm theo giông lốc trong những ngày qua đã làm đổ ngã hơn 718ha lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín đến thu hoạch, tỷ lệ đổ ngã từ 10-100% trên cùng diện tích, ước thiệt hại về năng suất từ 5-20%. Dù lúa có đổ ngã nhưng điều đáng mừng là qua ghi nhận của chúng tôi, hiện thương lái thu mua lúa cho nông dân tại nhiều cánh đồng lúa Hè thu cuối vụ trong tỉnh không giảm giá mua so với hợp đồng ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Thức, một thương lái đang thu mua lúa cho nông dân ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, thông tin: “Do ảnh hưởng thiên tai nên bà con lẫn doanh nghiệp đều gặp khó trong mua bán lúa. Tuy nhiên, hiểu được nỗi vất vả và nhiều khó khăn mà nông dân gặp phải khi lúa bị sập làm giảm năng suất, chi phí thuê mướn nhân công thu hoạch tăng và nhiều khoản tăng khác nên dù lúa bị ướt, độ ẩm tăng và sẽ hao hụt nhiều trong quá trình sấy khô, thế nhưng chúng tôi vẫn giữ mức giá thu mua như hợp đồng từ trước cho bà con với giá lúa dao động từ 5.300-5.800 đồng/kg (đối với 3 loại giống là OM 5451, OM 18 và Đài Thơm 8). Hiện tại, tôi còn khoảng 700 công lúa đã hợp đồng với bà con ở thị trấn Vĩnh Viễn đang nằm chờ cần bán gấp, nhưng do mưa dầm làm dồn công cắt nên tôi đang tranh thủ giải quyết cho từng hộ trong thời gian sớm nhất. Việc bà con làm lúc này là cố gắng bơm rút nước trên ruộng được khô để tranh thủ thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành thu hoạch lúa, khi lúa cắt được bao nhiêu thì tôi sẽ cân hết bấy nhiêu”.

Việc thương lái đang giữ giá thu mua lúa như hợp đồng ban đầu phần nào giảm gánh nặng cho người dân có lúa đang trong giai đoạn thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Bé Ba, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Hơn 5 ngày qua, tôi đã tốn hơn 40 lít dầu để bơm rút nước cho gần 3ha lúa của gia đình. Từ chỗ đánh giá lúa trúng mùa khi đạt khoảng 800kg/công, nhưng giờ lúa bị sập nằm trong nước khá nhiều nên không biết thiệt hại về năng suất tới đây như thế nào. Tuy nhiên, bù lại là thương lái vẫn giữ giá thu mua là 5.600 đồng/kg (giống lúa OM 18) nên tôi và bà con ở đây phần nào cũng an tâm. Chứ lúa thất mà giá giảm nữa thì nông dân gặp khó lắm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện một số hộ đã thu hoạch xong và dù không mấy vui nhưng cũng chấp nhận được trước ảnh hưởng của thiên tai. Hy vọng thời tiết trong những ngày tới sẽ nắng nhiều để bà con thu hoạch dứt điểm diện tích lúa còn lại”.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Đơn vị đang đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi tình hình thiệt hại trên lúa Hè thu cuối vụ do mưa bão gây ra. Trong đó, tổ chức vận động nông dân thu hoạch sớm đối với trà lúa Hè thu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời tích cực chủ động bơm tác nước trên ruộng ra ngoài nhằm chống ngập úng và thuận tiện cho máy cắt vào thu hoạch, tránh thu hoạch lúa bằng tay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho bà con.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Thu nhập ổn định với mô hình nuôi chim trĩ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đến thăm trang trại nuôi chim trĩ của anh Trần Nhật Mỹ - một nông dân cần cù chịu khó làm ăn ở thôn Bảng Đông, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, ấn tượng đầu tiên của tôi là rất nhiều ô chuồng liền kề nhau với vài con đến vài chục con chim trĩ trong mỗi ô chuồng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Mỹ cho biết, anh có thú nuôi chim từ thủa nhỏ, cơ duyên đến với việc phát triển nuôi chim trĩ cũng vậy. Ban đầu thấy chim trĩ đẹp nên anh muốn phát triển để làm cảnh. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh biết được chim trĩ là loài chim dễ nuôi, thịt chim trĩ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, việc nuôi loài chim này lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, anh lại càng quyết tâm thực hiện.

Để bắt đầu cho việc xây dựng mô hình nuôi chim trĩ, anh đã đi tham quan học hỏi thêm các cơ sở nuôi chim trĩ chất lượng ở các tỉnh phía Bắc, tìm hiểu nghiên cứu cách nuôi. Năm 2017, anh cất công ra tận tỉnh Hải Dương, tìm đến các hộ nuôi chim trĩ có uy tín mua 10 cặp chim trĩ bố mẹ và 100 con giống về nuôi.

Hiện anh Mỹ đã xây dựng khu chuồng nuôi rộng 100 m2, chuồng chim được rào bằng lưới thép, phía trên lợp mái tôn tránh chim bay ra ngoài, có treo cành cây ngang cho chim đậu; phía dưới trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Bên trong là các ô chuồng chắc chắn, mỗi ô chuồng nuôi có diện tích khoảng 4 đến 16 m2 anh thả nuôi khoảng 10 con đến 50 con.

Chuồng nuôi chim trĩ của anh Mỹ

Theo anh Mỹ, nuôi chim trĩ cũng giống như nuôi gà và nuôi các loài chim khác, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh như gà. Anh cho chim trĩ ăn bằng thức ăn của gà, uống nước, bổ sung thêm rau cỏ, thân cây chuối để chim có đủ lông, đẹp.

Chỉ với số lượng ít ỏi ban đầu, sau 3 năm đàn chim trĩ của anh đã tăng lên 800 con, gồm 200 con chim trĩ bố mẹ và 600 con chim trĩ thương phẩm. Ngoài nuôi thương phẩm, anh Mỹ còn nuôi chim giống. Khi chim được khoảng 3 tháng, anh bắt đầu tách mái nuôi riêng để lấy trứng. Bắt đầu từ tháng thứ 3 trở đi là cho ăn ngô, thóc, cám gà, bèo, rau xanh. Khi chim chuẩn bị bước vào thời kỳ sinh sản thì không cho ăn bèo mà cho ăn chủ yếu là ngô, thóc và cám công nghiệp. Tỷ lệ nuôi chim đẻ trứng là 5 con mái, 1 con trống. Chim trĩ đẻ trứng theo mùa, kéo dài khoảng 6 tháng từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, chim đẻ đạt nhất từ tháng 1 đến tháng 5. Khi đó, tỷ lệ ấp nở đạt từ 80% trở lên.

Ngoài nuôi và bán chim thương phẩm, cứ mỗi năm anh xuất bán 1500 con chim giống 1 ngày tuổi. Chim trĩ 1 ngày tuổi anh Mỹ bán với giá 27.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi 100.000 đồng/con và chim thương phẩm từ 230.000 - 240.000 đồng/kg. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi trên 120 triệu đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc chim trĩ, anh Mỹ bảo do loài chim này hay mổ trứng, đánh nhau, vì vậy anh Mỹ đã áp dụng tuyệt chiêu độc đáo là đeo kính nhựa cho từng con.

“Sau khi đeo kính cho từng con chim, tôi thấy kính có tác dụng rất nhiều, vừa giúp che khuất tầm mắt của chim vừa bảo vệ trứng, lại phòng được chúng đánh nhau. Ngoài ra, tỷ lệ ấp đàn cao, đạp mái chuẩn, ổn định đàn. Hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt” – anh Mỹ cho biết.

Điều đáng khen ở anh không chỉ sự năng động, nỗ lực của bản thân, tiên phong nuôi chim trĩ thương phẩm và đã thành công với mô hình này mà còn tính nhiệt tình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi với những người có nhu cầu tìm hiểu. Cách nghĩ, cách làm cộng thêm ý chí quyết tâm, mô hình nuôi chim trĩ của anh Mỹ không chỉ thể hiện sự đam mê, tìm tòi mà còn khẳng định đây là một mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Kỹ sư chăn nuôi Tạ Kiều Châu - Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ cho chúng tôi biết, chị đánh giá cao về mô hình nuôi chim trĩ của anh Mỹ. Mong muốn của anh Mỹ mở rộng quy mô và phát triển nuôi theo hình thức bán chăn thả để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay Trạm khuyến nông huyện Cam Lộ đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ gia đình anh xây dựng mô hình nuôi chim trĩ theo theo đúng quy trình kỹ thuật với hình thức nuôi bán chăn thả.

“Từ hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi chim trĩ của anh Mỹ, chúng tôi đã đề xuất UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ anh Mỹ tiếp tục thực hiện mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm theo hướng bán chăn thả trên diện tích 0,2 ha, quy mô 500 con, với mức hỗ trợ 70% giá giống, 30% thức ăn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật để có cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng thích ứng, nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, hình thức nuôi, đồng thời có hướng nhân rộng của đối tượng nuôi mới này”, chị Châu cho hay.

Anh Mỹ và chị Châu kiểm tra chim trĩ

Phan Việt Toàn - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop