Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 11 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 11 năm 2016

Hưng Yên: Khan hiếm nguồn cung, giá chuối tăng vọt

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Năm nay, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1 đổ bộ cuối tháng 7, nhiều vườn chuối trên địa bàn Hưng Yên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, mặc dù giá chuối thời gian gần đây tăng gấp 2 – 3 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Nông dân xã Hùng An (Kim Động) đang chăm sóc chuối

Với diện tích gần 600 mẫu, xã Đại Tập được xem là vựa chuối lớn của huyện Khoái Châu. Khác với mọi năm, hiện nay, người trồng chuối ở Đại Tập hầu như không được thu hoạch. Những ngày này, người dân chủ yếu tập trung chăm sóc những vườn chuối còn “sống sót” sau bão để kịp xuất bán ra thị trường trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Anh Nguyễn Đức Nam ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập cho biết, nhà anh trồng 14 mẫu chuối tây và chuối tiêu hồng. Thời điểm này năm ngoái, chuối đang vào vụ thu hoạch rộ thì năm nay cơn bão số 1 đã “xóa sổ” gần hết. Gia đình anh Nam hiện đang tập trung trồng mới và chăm sóc những cây chuối trưởng thành phục vụ Tết nguyên đán.

Anh Nam cho biết, giá chuối hiện tăng cao gấp 2 – 3 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng không còn hàng để bán. Hiện tại, gia đình anh chỉ lác đác thu hoạch vài buồng chuối tây cuối vụ, còn chuối tiêu hồng thì gần như bị “xóa sổ”.

Dù giá chuối lên “cơn sốt” nhưng theo nhiều đầu mối thu mua, chuối vẫn không đủ số lượng để tiêu thụ nội địa và cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Những ngày đầu tháng 11, đến thăm những điểm cân chuối của công ty Thuận Tâm Thành đặt tại các xã Đại Tập, Đông Ninh… (Khoái Châu), khác với thời điểm này năm trước khi cảnh thu mua chuối diễn ra nhộn nhịp, giờ không khí vắng vẻ đìu hiu. Nhân công tạm thời nghỉ việc bởi mỗi ngày chỉ có dăm ba người đến cân vài buồng chuối tây.

Anh Nguyễn Năng Thành, Giám đốc công ty Thuận Tâm Thành cho biết: “Hiện giá cả mặt hàng chuối tăng mạnh, đặc biệt sau cơn bão số 1 vừa qua. Nếu thời điểm trước bão, giá chuối tiêu hồng chỉ từ 2.500 - 3.000 đồng/kg thì nay giá tăng từ 2 - 3 lần, lên 9.000 - 10.000 đồng/kg. Mặc dù giá chuối tăng cao nhưng nguồn hàng lại khan hiếm vô cùng, đặc biệt là chuối tiêu hồng. Thân cây chuối tiêu hồng giòn hơn chuối tây nên không chống chịu được với gió lớn. Sau cơn bão, hầu hết diện tích chuối tiêu hồng đang nuôi buồng bị gẫy đổ. Hiện tại, các điểm cân chuối của công ty chủ yếu thu mua chuối tây cho bà con nông dân”.

Anh Thành lý giải thêm, giá chuối tăng liên tục từ tháng 8 đến nay cũng một phần do Trung Quốc đang gom mua. Dự báo giá chuối sẽ ở mức cao trong những tháng cuối năm do nhu cầu chuối phục vụ Tết nguyên đán.

Từ nhiều năm nay, ông Trịnh Văn Tâm ở xã Ngọc Thanh (Kim Động) làm đầu mối thu gom chuối cho bà con nông dân trong xã và các địa phương lân cận như: Hùng An, Đức Hợp… (Kim Động). Khoảng 3 tháng nay, cơ sở của ông hoạt động cầm chừng vì khan hàng. Hiện chủ yếu thu mua chuối rừng ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên với giá trung bình 5.000 đồng/kg về bán.

Không chỉ ít hàng tại các đầu mối thu gom, ở các chợ bán lẻ trên địa bàn tỉnh, mặt hàng chuối cũng khan hiếm và tăng giá mạnh. Giá bán tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/nải. Chuối Hưng Yên hầu như không có, chủ yếu nhập chuối từ các địa phương khác.

Bà Đỗ Thị Yên, chủ quầy hàng chuối chợ ở Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Hiện tại, chuối không đủ để bán cho khách hàng. Gia đình phải đặt hàng trước rất lâu với lái buôn thì mới có chuối để bán. Các loại chuối nơi khác không được khách hàng tin dùng vì lo sợ chất bảo quản. Mẫu mã chuối không được to, đẹp nhưng giá thành vẫn cao vì khan hiếm”.

Chị Phạm Thị Quỳnh ở Phố Cao (Phù Cừ) cho biết: “Thời điểm này, ra chợ chọn mua chuối về thắp hương hoặc chế biến thực phẩm rất khó, giá lại đẳt”.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các chủ vườn đang ngày đêm chăm sóc cho cây chuối để kịp thu hoạch phục vụ đợt cao điểm này.

Dương Miền - Nguyễn Nhân

Thời của rau quả... lên ngôi

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Các tỉnh ĐBSCL là nơi sản xuất và xuất khẩu rau quả chủ lực của cả nước. Hiện tại giá cả các loại rau quả tăng cao, cộng với kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng trưởng mạnh, giúp cho nhiều nông dân thu nhập khá. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định thì ngành rau quả đang... lên ngôi.

Xuất khẩu trái cây rất triển vọng.

Giá rau màu tăng mạnh

Các xã Tân Bình, Thành Lợi, Tân Quới… là những nơi có diện tích trồng rau màu mùa lũ lớn nhất ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Hiện tại, dù nước lũ từ vùng đầu nguồn đang đổ mạnh về nhưng bà con vẫn khẩn trương sản xuất và thu hoạch rau màu các loại. Ông Nguyễn Văn Lắm, nông dân ở xã Tân Bình, cho biết: “Hàng năm, mỗi khi tới mùa lũ thì một số nơi ở ĐBSCL bị ngập nước, nhất là những năm lũ lớn thì nước ngập sâu và cầm lâu 3-4 tháng, khiến việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Riêng các xã dọc theo Quốc lộ 54 của huyện Bình Tân nhờ lợi thế nằm cạnh sông Hậu nên nước lên nhanh và rút nhanh. Bên cạnh đó, được Nhà nước đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín, vì vậy không bị nước lũ đe dọa. Chính từ việc chủ động về thủy lợi nên thời gian qua nông dân chuyển từ làm lúa sang chuyên canh rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Theo ông Lắm, vụ rau màu mùa lũ năm 2016 này, gia đình ông canh tác 5 công hành lá. Hiện tại đang vào vụ thu hoạch được thương lái tới mua với giá gần 1 triệu đồng/tạ, cao gấp đôi so với lúc bình thường. Giá này giúp nông dân trồng hành phấn khởi”.

Bà Trần Thị Trang, ở xã Tân Quới, tiết lộ: “Nếu như những tháng không lũ thì giá bắp cải khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg là mừng rồi. Thế nhưng, từ khi lũ lên tới nay, giá bắp cải vọt tới 16.000 đồng/kg, quá hấp dẫn đối với nông dân”. Ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình (tỉnh Vĩnh Long) nhìn nhận, chưa bao giờ giá rau màu các loại lại “nhảy múa” như hiện nay. Dưa leo có giá tới 12.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, khổ qua từ 20.000 - 22.000 đồng/kg… cao kỷ lục. Nguyên nhân đẩy giá rau màu tăng vọt là do mùa lũ; đặc biệt là mưa liên tục hơn 1 tháng nay khiến hàng loạt diện tích rau màu ngập úng, thiệt hại tràn lan. Nguồn cung giảm mạnh, trong khi nhu cầu tăng đã kéo giá lên theo…

Cùng với rau màu thì giá nhiều loại trái cây ở ĐBSCL cũng dao động mức cao. Ông Đào Văn Minh, nhà vườn ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bộc bạch: “Mấy năm nay, bưởi da xanh có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, lúc hút hàng tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng sản lượng ở ĐBSCL không đủ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhờ bưởi da xanh được giá nên 8 công vườn bưởi của gia đình tôi trồng theo tiêu chuẩn GAP cho thu hoạch hơn 30 tấn/năm, lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng”. Chị Đặng Thị Bích Liên, ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, hồ hởi khoe: “Thương lái mua quýt đường từ 20.000 - 25.000 đồng/kg đảm bảo cho người làm vườn có lãi khá. Ngoài ra, cái lợi của quýt đường là cho thu hoạch quanh năm nên tháng nào cũng có tiền vô, thuận lợi cho việc chi tiêu trong gia đình”.

Nâng chất để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt gần 2 tỉ USD, tăng hơn 30% so cùng kỳ; đồng thời vượt qua con số của cả năm 2015 là 1,8 tỉ USD. Đây cũng là lần đầu tiên rau quả vượt kim ngạch của xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cao su và cả dầu thô. Hiện tại, có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu rau quả, vì vậy dự báo cả năm 2016 có khả năng cán mốc 2,5 tỉ USD, kỷ lục từ trước đến nay.

Hiện rau quả của nước ta đã xuất hiện ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính, điều này cho thấy chất lượng và độ an toàn của nông sản Việt ngày càng nâng cao. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Xoài là 1 trong 5 ngành hàng mà tỉnh chọn để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nếu như trước đây nông dân trồng xoài rải rác, thiếu liên kết… thì nay tỉnh vận động bà con vào hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất tiêu chuẩn GAP, hợp tác với các doanh nghiệp tiêu thụ. Bên cạnh đó, mời nhiều đoàn chuyên gia từ Nhật Bản, Thái Lan… sang trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nông dân trồng xoài. Nhờ đó mà chất lượng xoài nâng lên rõ rệt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hiện tại xoài cát chu của Đồng Tháp được xuất sang Nhật Bản và những thị trường khác, mở ra hướng phát triển mới”.

Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “HTX chọn hướng đi riêng bằng cách sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GAP. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt giữa các thành viên với nhau trong sản xuất và tiêu thụ, mỗi thành viên đều có mã số nhằm truy suất nguồn gốc. Từ năm 2015 đến nay, HTX xuất khẩu hàng trăm tấn xoài sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Nga... Hiện tại xúc tiến việc mở rộng xuất khẩu xoài sang Malaysia, Australia…”.

Tại Hậu Giang, tỉnh cũng đang tập trung phát triển các loại cây ăn trái thế mạnh như bưởi Năm Roi Phú Hữu, càm sành, quýt đường Long Trị, sầu riêng, măng cụt, khóm… với diện tích khoảng 21.000ha, sản lượng 150.000 tấn/năm. Trong đó, quy hoạch vùng chuyên canh khóm với giống mới năng suất cao, đạt tiêu chuẩn chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu; đồng thời xây dựng thương hiệu “khóm Cầu Đúc” để quảng bá đặc sản này của địa phương.

Theo Bộ NN&PTNT, với sự tăng trưởng vượt bậc về xuất khẩu của rau quả hiện nay, đã mở ra nhiều triển vọng. Tới đây, ngành rau quả sẽ được tập trung đầu tư nhiều hơn về quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu mua, tồn trữ, chế biến, xuất khẩu… nhằm đưa rau quả đi xa hơn, thu về giá trị nhiều hơn.

HƯNG TÂN

Trồng chuối giống mới, thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ông Trần Đình Quý, nông dân ở xóm 3, thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, ông đã trồng thành công giống chuối mới Dole, có nguồn gốc từ Philippines, đạt hiệu quả kinh tế khá.

Ông Trần Đình Quý giới thiệu vườn chuối Dole.

Sau khi tham khảo trên internet về đặc tính của giống chuối mới, tháng 11.2015, ông quyết định mua giống chuối Dole cấy mô từ tỉnh Bình Dương để trồng trên diện tích 10 sào. Sau 7 tháng trồng và chăm sóc, vườn chuối Dole của ông Quý sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg quả, lứa đầu thu hoạch sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 25 triệu đồng và đang tiếp tục thu hoạch.

Ông Quý cho biết, giống chuối mới cho năng suất cao hơn hẳn so với giống chuối truyền thống. Sau khi trồng khoảng 7 tháng, chuối trỗ buồng và có thể thu hoạch những buồng chuối nặng từ 60 - 100 kg sau 3 tháng kế tiếp. Chuối Dole có hình dạng thon dài, trái chín có màu vàng tươi, được người tiêu dùng ưa chuộng.

ĐÀO MINH TRUNG

Làm giàu từ cây quýt

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Ông Nguyễn Văn Sử, ở bản Mèn, xã Dương Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn), người biến đất hoang thành đồi quýt cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Mới đây, đã đăng ký tham gia mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Từ trồng quý mà có nguồn thu nhập lớn

Con đường vào khu kinh tế của ông Nguyễn Văn Sử rất khó đi, phải gồng mình giữ chắc tay lái chúng tôi mới điều khiển được xe máy đi ngược lòng khe suối để đến vườn quả.

Chỉ tay về phía trước,Ông Nguyễn Văn Sử giới thiệu: “Đồi này gần 3ha, phía trên là quýt, còn dưới này là cam và chanh. Quýt mới chớm vào đầu vụ thu hái. Còn chanh thì từ tháng 9 đến giờ đã bán được hơn một tấn. Chanh năm nay sai quả và rất mọng nước, đầu mùa được giá, còn giờ rẻ quá, có 6.000 đồng/kg, chanh thì giá gấp đôi”.

Đồi quýt của ông Nguyễn Văn Sử hiện có hơn 1.000 cây đã cho quả.

Ông Sử trước đây cũng rất khó khăn, từ Nam Định, gia đình ông lên Dương Phong xây dựng kinh tế mới. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cùng dân bản vào khe Khuổi Dân để phát rừng làm nương rẫy, được vài năm khi đất bạc màu thì bỏ hoang. Chục năm sau, ông đã nhận đất giao khoán của Nhà nước để trồng rừng. Thấy những cây quýt được trồng từ hồi làm nương cho quả dù không chăm sóc, năm 1998, ông đã trồng tăng thêm diện tích. Vừa chăm sóc vừa trồng mới, đến nay, đồi quýt của gia đình ông có hơn 1.000 cây đã cho quả.

Địa hình dốc, cây khá cao, nên việc thu hái quýt phải bắc thang leo lên mới cắt được quả. Quả lấy được phải gánh xuống dưới chân đồi mới vận chuyển bằng xe máy ra tỉnh lộ 257. Vì đất dốc, nhiều lúc gánh quýt bị trượt ngã, quả lăn tứ tung, dập nát. Do vận chuyển trên đường gập ghềnh nên không tránh được việc quả quýt bị dập hỏng, phải loại bỏ. Quýt mang ra ngoài đường cái mới được giá, còn bán ngay tại đồi thì loại to cũng chỉ 10.000đ/kg.

“Cô thấy đường vào đồi quýt rồi đấy, khó đi quá, tôi và các hộ có quýt ở đây cũng muốn làm đường nhưng chưa đủ lực” - ông Nguyễn Văn Sử nói. Trong đồi cây, ông làm đường bê tông để thuận tiện cho việc đi lại thu hoạch và chăm sóc. Chuẩn bị vụ thu hái quả năm nay, vừa rồi, ông lại cùng với các hộ có quýt trong khe Khuổi Dân hợp sức làm đường. Gọi là làm đường, nhưng thực tế là phát quang cây cối hai bên, xếp lại đá, đổ thêm sỏi trong lòng khe suối, để xe máy đi lại dễ dàng hơn thôi.

Chịu khó tìm tòi, áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc

Thấy ông Sử trồng quýt cho thu nhập cao nên dân bản cũng làm theo. Giờ thì nhà nào cũng có quýt, nhưng kinh nghiệm chăm sóc thì không ai được như ông Sử. Đồi quýt của ông cho quả to, sản lượng nhiều.

Theo ông Sử, trồng quýt phải chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Quét vôi quanh gốc để phòng bệnh thối rễ và chảy mủ thân cây. Từ lúc cây quýt bói quả đến khi thu hoạch, cần quản lý côn trùng gây hại như: rệp, rầy, bọ trĩ, nhện đỏ...

Sau chuyến tham quan vườn cam Cao Phong (Hòa Bình) trở về, ông Sử đã làm bẫy diệt ruồi vàng. Thuốc dẫn dụ được ông mua về pha trộn, rồi tẩm bông buộc vào ống nhựa, treo lên cây. Với hơn 20 bẫy dẫn dụ treo khắp đồi quýt, số lượng lớn ruồi vàng đục quả đã bị tiêu diệt.

Ông Nguyễn Văn Sử quét vôi quanh gốc quýt để phòng trừ bệnh thối rễ và chảy mủ thân cây.

Đồi quýt của ông đang có một số cây còi cọc, vàng lá. Đây là bệnh do vi rút gây ra, chưa có thuốc trị, mà chỉ phòng ngừa bằng cách chặt bỏ những cây bệnh và phun thuốc diệt rầy để tránh lây lan.

Khi hỏi về việc sử dụng thuốc hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, ông cho biết: “Tôi chỉ dùng các loại thuốc Nhà nước cho phép sử dụng, có bán tại cửa hàng vật tư nông nghiệp”. Khi phun thuốc phải làm theo đúng hướng dẫn.

Với quýt trồng trên đồi cao thì việc duy trì độ ẩm là rất cần thiết, nhất là khi cây bói quả. Do vậy, ông Nguyễn Văn Sử đã làm hệ thống dẫn nước từ khe Khuổi Dân về tưới cho cây. Từ kiến thức thu được qua tập huấn, ông đã tự tạo giống cây bằng cách chiết cành.

Hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Nguyễn Văn Sử cho biết, so với năm ngoái, quýt năm nay chín muộn hơn. Nếu thời tiết thuận lợi, năm nay sản lượng quýt của gia đình sẽ đạt trên 30 tấn, tăng gần gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, do sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên năng suất và chất lượng chưa cao”.

Khi hỏi về đầu ra, ông mỉm cười: “Quýt Dương Phong đã có chỉ dẫn địa lý. Đến vụ thu hoạch quýt ở chỗ ngoài nhà tôi, nhộn nhịp người và xe cộ. Tôi toàn cân quýt cho khách quen đặt hàng, họ đến từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Điều mà tôi quan tâm lúc này là giá cả, năng suất và chất lượng quýt”.

Được biết, năm 2017, xã Dương Phong triển khai sản xuất 20ha quýt theo tiêu chuẩn VietGAP. Chủ trương là lựa chọn thực hiện mô hình đối với những hộ có điều kiện chăm sóc và có đồi quýt đi lại thuận tiện. Mặc dù đường vào đồi quýt còn khó đi nhưng ông Nguyễn Văn Sử đã đăng ký tham gia thực hiện theo chuẩn VietGAP.

Nếu được lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Văn Sử sẽ có cơ hội sản xuất sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân cũng như người tiêu dùng.../.

Đồng chí Ma Văn Thời- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Dương Phong (Bạch Thông): Ông Nguyễn Văn Sử là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2015, được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng bằng khen. Diện tích quýt gần 3ha ở sâu trong khe Khuổi Dân, chủ yếu do một mình ông Sử chăm sóc. Kinh nghiệm trồng quýt cũng được ông chia sẻ với bà con địa phương”.

Hà Thu

Tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận giống lúa mới

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Vụ đông xuân 2016-2017, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên kết xây dựng 3 mô hình trình diễn tại 3 địa phương ở ĐBSCL và 1 mô hình ở khu vực Nam Trung bộ thay vì chỉ giới thiệu đánh giá giống triển vọng tại Viện như trước đây. Đây là cách làm mới nhằm giúp ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân thuận lợi tiếp cận các giống mới, đánh giá khả năng thích nghi của các giống này với từng vùng sinh thái và chọn lựa được bộ giống phù hợp đưa vào sản xuất.

Theo các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL, thông thường một giống lúa mới khi đưa vào sản xuất sẽ có vòng đời bình quân khoảng 7-10 năm. Sau đó, giống lúa dần bị thoái hóa, không còn duy trì được các tính trạng lúc ban đầu lai tạo, năng suất, chất lượng giảm, khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết, khí hậu cũng giảm. ĐBSCL đứng trước nhiều nguy cơ rủi ro khi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khó lường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa. Vì vậy, Viện luôn nỗ lực chọn tạo và cung ứng những giống lúa mới triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác, đáp ứng nhu cầu của nông dân và nhu cầu thị trường. Đồng thời, chủ động nguồn giống lúa cho từng vùng sinh thái khác nhau trong điều kiện sản xuất lúa đang đối mặt với nhiều bất lợi.

Công đoạn gieo mạ chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân tại các mô hình trình diễn của Viện Lúa ĐBSCL.

Vụ lúa đông xuân 2016-2017, Viện Lúa ĐBSCL xây dựng 3 mô hình trình diễn các giống lúa mới tại 3 tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Cụ thể, ở tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức mô hình trình diễn tại xã Bình Phú, huyện Càng Long với một số giống như OM 10424, OM 22, OM 108, OM 359, OM 355, OM 8959, OM 11735… Trong đó, giống chủ lực được giới thiệu là giống OM 10424 có khả năng chống chịu mặn cao, đã được trồng thử nghiệm ở xã Tân Sơn, huyện Trà Cú trong vụ đông xuân 2015-2016 và cho kết quả khả quan khi vượt qua đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2016 và cho năng suất từ 7-8 tấn/ha. Địa điểm thứ 2 là huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp. Đây là vùng đất phù sa ngọt và một phần đất phèn nên Viện tập trung trình diễn các giống lúa mới chất lượng cao tương đương với một số giống đang phổ biến trên thị trường hiện nay. Cụ thể như: giống OM 348 có phẩm chất tương đương với giống OM 4900, giống OM 341 tương đương với OM 6976. Ngoài ra, Viện cũng giới thiệu đến nông dân giống OM 232 và OM 380 là những giống có chất lượng vượt trội có thể phục vụ xuất khẩu. Địa điểm tổ chức trình diễn thứ 3 là Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng với các giống chủ lực như OM 380, OM 221, OM 3673, OM 10373… Đây cũng là những giống có năng suất, chất lượng, phẩm chất gạo và thời gian sinh trưởng tương đương với các giống phổ biến hiện nay của địa phương.

Theo đó, mô hình trình diễn ở tỉnh Trà Vinh nhằm phục vụ nhu cầu tiếp cận giống mới của khu vực Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Mô hình trình diễn ở Đồng Tháp phục vụ cho tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An. Mô hình ở Sóc Trăng phục vụ cho tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang. Ngoài khu vực ĐBSCL, Viện Lúa cũng tổ chức 1 mô hình trình diễn giống lúa triển vọng vụ đông xuân 2016-2017 tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận để giới thiệu những giống lúa mới phù hợp cho khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ.

Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Tại mỗi điểm trình diễn, Viện sẽ tổ chức trồng đồng loạt 18 giống lúa mới triển vọng để đánh giá khả năng thích nghi của từng loại giống với điều kiện canh tác của địa phương. Tùy theo mỗi điểm trình diễn sẽ xác định nhóm giống lúa phù hợp nhất cho từng vùng sinh thái. Đặc biệt, trong các điểm trình diễn này sẽ trồng đồng loạt 1 bộ giống chủ lực với 5 giống lúa chính là OM 9921, OM 9577, OM 344, OM 368 và OM 121. Đây là những giống có tính năng vượt trội, khả năng thích nghi tốt ở các vùng sinh thái khác nhau và có khả năng sẽ đủ điều kiện để đưa vào bổ sung hoặc thay thế bộ giống chủ lực hiện nay của vùng ĐBSCL trong trường hợp bộ giống hiện tại dần thoái hóa.

Viện Lúa ĐBSCL đang tổ chức xuống giống lúa đông xuân tại các mô hình trình diễn đã chọn. Trong quá trình canh tác, Viện cử cán bộ hợp tác với nông dân làm mô hình thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và ghi chép nhật ký đồng ruộng. Viện cũng phối hợp với ngành nông nghiệp của địa phương nơi tổ chức mô hình trình diễn mời các đơn vị kinh doanh giống và nông dân đến tham quan mô hình và chọn ra những giống phù hợp với nhu cầu thị trường để nhân rộng trong sản xuất. Với việc phát triển nhiều mô hình trình diễn các giống lúa triển vọng tại các địa phương thay vì chỉ tập trung tại trụ sở Viện Lúa ĐBSCL ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, các giống lúa mới triển vọng của Viện Lúa sẽ đến gần với nông dân hơn, để nông dân yên tâm đưa vào sản xuất và thay thế những giống lúa đã thoái hóa đáp ứng yêu cầu canh tác của địa phương và nhu cầu thị trường.

Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giống lúa mang tên OM của Viện Lúa được gieo trồng khoảng 77% diện tích lúa của vùng ĐBSCL và mở rộng ra các vùng miền khác của cả nước. Với những ưu điểm nổi trội như năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, thích nghi với các điều kiện bất lợi của môi trường, các giống lúa OM góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu ra thế giới.

MINH HUYỀN

"Siêu măng" làng Kốp

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Có một giống măng tre được ví là “siêu măng” bởi thời gian sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch chỉ sau 1 năm, sản lượng lại cao hơn bất kỳ giống măng tre nào người nông dân Gia Lai từng trồng trước đó. Giống măng này hiện đang được trồng ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) nhưng lại ít người biết tới.

Giống "siêu măng" có nguồn gốc từ Đài Loan cho thu hoạch chỉ sau 1 năm. Ảnh: N.B

Người đưa “siêu măng” từ tận Đài Loan về làng Kốp (xã Kon Gang) chính là bà Hồ Thị Vân-một người vốn không dính dáng gì đến nông nghiệp. “Tôi sang Đài Loan làm ô sin cho một gia đình khá giả ở xã Trùng Khánh, huyện Gia Nghĩa. Công việc rất nhàn, hàng ngày chăm sóc một cụ già bị bại liệt. Con trai của cụ là chủ một trang trại trồng măng tre. Ngoài thời gian làm việc nhà, thỉnh thoảng tôi tới trang trại giúp họ thu hoạch măng. Thấy tôi chịu khó nên họ rất thương, khi trở về Việt Nam, họ tặng tôi một món quà đặc biệt, đó là 6 mầm măng tre làm giống”-bà Vân kể.

Theo bà Vân, Trùng Khánh là vùng nguyên liệu măng của Đài Loan, nhưng giống măng tre bà được tặng mang về Việt Nam là giống năng suất nhất, được người Đài Loan gọi là “siêu măng”. Tốc độ phát triển của giống măng này rất nhanh, cho thu hoạch chỉ sau 1 năm với sản lượng rất lớn, từ 40 kg đến 50 kg mỗi bụi. Đây cũng chính là cây trồng phát triển kinh tế cho người dân của cả vùng Trùng Khánh. Ưu điểm của giống măng tre này là rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc. Vốn không dính dáng đến nông nghiệp nhưng bà Vân vẫn mang những mầm măng giống ấy về trồng thử ở vườn nhà, xem như kỷ niệm với xứ sở mà bà từng có thời gian gắn bó, làm việc. Không ngờ cây phát triển rất nhanh, trồng chơi nhưng ăn thật. “Ban đầu tôi chỉ trồng 1 bụi, sau nhân giống lên được 20 bụi sau vườn. Trồng ăn cho vui nhưng mỗi năm tôi cũng thu trên dưới 20 triệu đồng. Vào đầu vụ măng tươi có giá 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg nhưng không có để bán. So với măng địa phương, giống măng này ngon hơn, có vị giòn, ngọt, không đắng nên người dân rất thích”-bà Vân nói.

Không phải là người làm nông nghiệp, cũng không có nhiều đất đai để mở rộng vườn măng tre, nhưng trước năng suất vượt trội của giống măng Đài Loan này, bà Vân mong muốn góp thêm loại cây trồng xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Mong muốn của bà đã được ông Nguyễn Duy Đô-một nông dân trong vùng hiện thực hóa khi phát triển vườn măng rộng trên 1 ha ngay tại làng Kốp. Ngoài diện tích măng đã cho thu hoạch nhiều năm nay, ông Đô dẫn chúng tôi đi thực địa vườn măng mới trồng 1 năm tuổi nhưng đã phủ màu xanh đậm đặc trưng lên cả một vùng đất.

Ông giới thiệu: “Mỗi bụi măng chỉ sau 1 năm trồng đã cho thu 50 kg, bán với giá rẻ nhất thị trường thì mỗi bụi cũng thu về 500.000 đồng. Tôi chưa từng thấy giống măng tre nào nhanh cho thu hoạch, năng suất lại cao như vậy”. Từ măng tươi có thể chế biến thành món măng ép theo kỹ thuật của người Đài Loan mà bà Vân học hỏi được trong thời gian làm việc ở đây. Măng ép có thể bảo quản trong tủ lạnh để ăn quanh năm mà không làm thay đổi độ tươi ngon của măng. Kỹ thuật ép tươi khá đơn giản, người dân có thể làm hoàn toàn thủ công mà không cần máy móc như vùng chuyên canh. “Cứ 10 kg măng tươi thu được 1 kg măng ép, ăn có vị giống như măng khô ở ta khi ngâm nước, luộc lên trước khi đem chế biến. Nhưng măng ép tươi ăn ngon hơn nhiều vì vẫn giữ được hương vị và độ giòn ngọt của măng”-bà Vân cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Vân, dù giống siêu măng cho năng suất cao như vậy nhưng để phát triển diện tích trồng măng tre nên cân nhắc, xem xét. “Cây măng tre ở xã Trùng Khánh giống như cây cà phê ở Tây Nguyên vậy, họ xem đây là loại cây phát triển kinh tế nên có chiến lược cụ thể để tiêu thụ cho người nông dân. Họ bán tươi ngay khi vừa thu hoạch, hoặc chế biến thành món măng ép tươi để xuất đi. Nếu ở ta muốn phát triển rộng rãi giống siêu măng này, cơ quan quản lý cần xem xét đầu ra cho sản phẩm, tránh rơi vào quỹ đạo chung mà nhiều năm nay người nông dân vẫn gặp phải, đó là trồng ồ ạt một loại cây gì đó rồi cuối cùng lại không tìm được đầu ra, chẳng hạn như cây chanh dây vừa rồi”.

Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: “Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện từng triển khai cho nông dân một số nơi trồng nhiều giống măng tre như Bát Độ, Điền Trúc, nhưng thực tế rất khó tìm đầu ra nên sau một thời gian thì chuyển đổi cây trồng khác. Chúng ta chưa có công nghệ sấy khô, chủ yếu là làm thủ công nên chất lượng măng tre không đảm bảo. Hiện nay măng tươi và khô chỉ mới bán nhỏ lẻ ra thị trường chứ chưa có nguồn tiêu thụ lớn, hơn nữa quỹ đất các xã hiện không còn nhiều nên chưa có định hướng mở rộng vùng trồng măng”.

Nguyên Bình

Trồng rau sạch theo phương pháp hữu cơ: Mô hình mới, hiệu quả tốt

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Trong những năm qua, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Dương đã mở nhiều lớp tập huấn chuyên môn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật về mô hình sản xuất rau an toàn cho nông dân trong tỉnh, trong đó có mô hình trồng rau sạch theo phương pháp hữu cơ đang mang lại kết quả khả quan.

Mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình chị Phượng ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Mô hình trồng rau hữu cơ nhà màng thí điểm của gia đình chị Đặng Thị Hồng Phượng, ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, tuy mới thực hiện nhưng đã cho kết quả tốt. Chị Phượng cho biết, gia đình chính thức áp dụng mô hình này từ tháng 7-2016. Nhờ được Chi cục BVTV tỉnh hỗ trợ 30% chi phí xây dựng mô hình và 100% cây giống gia đình đã đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích 200m2. Đến nay, vườn rau đã cho thu hoạch đợt đầu tiên, đạt năng suất tốt. Theo chị Phượng, ưu điểm lớn nhất của rau hữu cơ là giá cả ổn định, dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, gấp khoảng 1,5 - 2 lần so với các loại rau khác nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận.

Để bảo đảm trồng rau theo phương pháp hữu cơ, chị Phượng trồng chủ yếu các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau muống, dền, mồng tơi, các loại cải được lấy giống từ những đơn vị cung cấp có uy tín, không dùng các chất hóa học trong khâu xử lý giống. Cùng việc chọn và xử lý giống tốt, khâu chăm sóc, bón phân, nguồn nước tưới cũng được chị Phượng áp dụng theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, nói không với tất cả chế phẩm hóa học. Mọi khâu canh tác cây rau hữu cơ chị đều dùng từ các chế phẩm tự nhiên hữu cơ, bảo đảm không độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Áp dụng mô hình sau 3 tháng với năng suất khả quan cho đợt thu hoạch rau đầu tiên, vườn rau của chị cũng là vườn thí điểm cho bà con ở địa phương học tập kinh nghiệm, vận dụng vào canh tác trên diện tích đất của gia đình.

Theo Chi cục BVTV tỉnh, trồng theo mô hình này, do không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất; năng suất tuy có giảm so với phương pháp sản xuất thông thường nhưng giá thành sản phẩm cao hơn nên hiệu quả kinh tế của mô hình là khá cao. Trong khi đó, hàm lượng dinh dưỡng trong rau hữu cơ cao do thời gian sinh trưởng dài ngày hơn. Rau hữu cơ có mùi đậm đà, tự nhiên hơn do khả năng tích lũy dinh dưỡng trong một thời gian đủ dài. Tuy nhiên, do mô hình này mới được đưa vào trồng thử nghiệm nên chưa có nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ vẫn đang gặp những khó khăn do người tiêu dùng khó phân biệt được rau hữu cơ an toàn và rau không an toàn.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ Phòng Trồng trọt Chi cục BVTV tỉnh, cho biết thế mạnh của mô hình sản xuất rau hữu cơ là trong quy trình sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không”: không dùng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại; không có chất biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ, vì thế thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Đối với vấn đề sâu bệnh, người tham gia mô hình sẽ được cán bộ chi cục hướng dẫn xử lý bằng các chế phẩm sinh học phù hợp với các loại rau, củ, quả. Sau đó hỗn hợp này khi phun vào cây sẽ có tác dụng làm cho trứng sâu bị nóng, ung đi, không sinh nở được hoặc bắt thủ công.

Qua thực tế cho thấy mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại Bình Dương đang mang lại hiệu quả tích cực. Các hộ dân tham gia mô hình này sẽ giảm được chi phí trong sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng thu nhập và góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Cùng với đó, mô hình còn hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

QUỲNH NHIÊN

Đắk Nông: Cà phê tăng giá mạnh, nông dân phấn khởi thu hoạch

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Bước vào thời điểm thu hoạch, giá cà phê nhân đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đang mang lại bầu không khí phấn khởi cho người trồng cà phê ở các vùng trong tỉnh Đắk Nông.

Tập trung thu hái nhanh

Anh Cao Đình Đào, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) đang tập trung thu hoạch vườn cà phê 7 năm tuổi phấn khởi: “Gia đình tôi có 600 gốc cà phê, vào mùa khô, do thời tiết hạn hán kéo dài nên bỏ công sức, tiền của đầu tư chăm sóc vườn cây nhiều hơn mọi năm, chi phí đội lên khoảng 40 triệu đồng. Thế nhưng, cà phê không bị tụt giảm năng suất, ước thu được 4 tấn nhân như mọi năm. Với giá thị trường đang ở mức 45.000 đồng/kg, những nông dân như chúng tôi rất vui mừng vì sau một năm sản xuất vất vả, giờ cũng đã thu được thành quả xứng đáng. Hiện nay, gia đình tôi đang tập trung thu hái nhanh để bán ra thị trường cho được giá”.

Gia đình anh Cao Đình Đào, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) tập trung thu hoạch cà phê để bán cho được giá

Anh Nguyễn Khánh Luận, cũng ở xã Quảng Thành đang thu hoạch 1,5 ha cà phê, sản lượng ước đạt trên 7 tấn nhân. Anh Luận nói: “Với nhiều nông dân, thu nhập chính của gia đình hàng năm là từ vườn cà phê. Gắn bó với cây cà phê nhiều năm, nhưng chưa năm nào tôi thấy giá cao như năm nay, nên rất vui mừng. So với mọi năm, năng suất vườn cây không thay đổi, nên thu nhập của gia đình sẽ tăng thêm khoảng 42 triệu đồng”.

Bước vào vụ thu hoạch cà phê năm nay, điểm chung của nông dân là ai nấy đều phấn khởi vì giá cà phê đang ở ngưỡng khá cao so với các niên vụ trước và có xu hướng tăng lên từng ngày. Theo đó, giá cà phê những ngày qua dao động từ 43.400 - 45.400 đồng/kg nhân, cao hơn khoảng 5.000 – 8.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước.

Theo nhiều nông dân, thông thường vào đầu vụ, giá cà phê sẽ xuống thấp, sau đó mới nhích lên dần dần vào giữa hoặc cuối vụ. Vậy mà năm nay, mới chớm vụ thu hoạch mà giá đã lên cao. Nếu diễn biến giá cả như mọi năm, năm nay nông dân sẽ có một vụ cà phê thắng lợi mỹ mãn.

Bán sớm cho được giá

Theo anh Nguyễn Văn Quảng, chủ đại lý thu mua cà phê ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song), khoảng 15 ngày gần đây, có rất nhiều nông dân ở trên địa bàn huyện liên tục đến liên hệ để bán cà phê. Tâm lý của hầu hết nông dân đều mong muốn bán sớm vì giá năm nay cao nhất trong nhiều năm qua. Nhiều người còn bán nguyên cả quả cà phê tươi mới thu hoạch về cho đại lý để tiết kiệm thời gian, công sức sơ chế, tránh việc giá bị rơi xuống thấp.

Anh Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) nói: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, do thời tiết hay mưa nên nông dân chưa thu hoạch cà phê được nhiều. Mỗi ngày doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 10 tấn cà phê nhân. Với giá cao như hiện nay, hầu như bà con nào đã thu hoạch được cà phê là lập tức bán cho đại lý liền, chứ không chốt hàng chờ được giá như mọi năm”.

Giá cà phê lên cao, nông dân ở các địa phương phấn khởi bước vào vụ thu hoạch

Nhiều nông dân chia sẻ, với giá cà phê cao như hiện nay là một “chiến thắng lớn” cho một mùa vụ sản xuất vất vả, khi phải đối phó với sự biến đổi khó lường của thời tiết. Vì vậy, chỉ cần có sản phẩm là họ sẽ bán ngay luôn để có “tiền tươi, thóc thật”, chứ không thể chần chừ, vì sợ giá cả lại biến động theo chiều hướng bất lợi.

Qua tìm hiểu cho thấy, mặc dù cố gắng thu hoạch nhanh để bán cho được giá, nhưng nhiều nhà vườn vẫn tổ chức thu hái khi cà phê trong vườn có tỷ lệ quả chín đỏ cao. Nông dân ngày càng ý thức được rằng, chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề then chốt để hạt cà phê của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, nên không thể thu hái theo kiểu “xanh nhà hơn già đồng” được.

Phan Tuấn

Vụ đông xuân 2016-2017: Không lo “sốt” giá phân bón

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nông dân tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017 với nhiều nỗi lo về chi phí sản xuất sẽ tăng cao do tác động bởi các yếu tố thời tiết, thủy văn bất lợi. Tuy nhiên, nông dân cũng gặp thuận lợi khi giá nhiều loại phân bón đang giảm thấp so với cùng kỳ năm trước.

* Giá giảm

Nguồn phân bón dồi dào tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất đang bắt đầu tăng do nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL bước vào vụ sản xuất đông xuân. Tuy nhiên, gần đây giá nhiều loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức thấp do nguồn hàng dồi dào và có sự tranh về giá của nhiều thương hiệu phân bón trong và ngoài nước. Anh Phạm Công Chí, ngụ ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay, nước lũ về nhiều hơn so với năm trước nên hy vọng đồng ruộng được bồi lắng một lượng phù sa đáng kể, giúp lúa trúng mùa và đỡ tốn chi phí đầu tư. Đáng mừng là hiện giá nhiều loại phân bón cho cây lúa khá thấp so với cùng kỳ. Vừa qua, tôi mua phân Urê chỉ ở mức 280.000 đồng/bao, DAP 465.000 đồng/bao". Theo ông Nguyễn Văn Quận ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, năm nay lũ về muộn, thời điểm bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân có mưa nhiều nên nông dân phải tốn nhiều chi phí cho bơm tát nước để gieo sạ lúa. Nhưng mừng là giá nhiều loại phân bón đang giảm thấp, giúp nông dân có thể giảm được phần nào chi phí vật tư đầu vào. Hy vọng của nhiều nông dân, khi vào cao điểm vụ sản xuất, giá các loại phân bón vẫn tiếp tục được duy trì ở mức thấp như hiện tại.

Năm nay, lũ cao hơn năm rồi nhưng do vòng quay đất sản xuất tăng, nên để đạt năng suất cao, dự kiến mỗi công ruộng phải bón khoảng 50 kg phân bón các loại trở lên. Giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK, kali… hiện giảm ít nhất từ 20.000 - 100.000 đồng/bao/50kg so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là các loại phân bón Urê. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ (Việt Nam) chỉ còn 300.000 đồng/bao; Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia có giá 270.000 - 290.000 đồng/bao. Giá các loại phân bón Kali (Canada, Israel, Nga, Úc) ở mức 370.000 - 406.000 đồng/bao. Phân bón NPK 20-20-15 Thuận Hưng, NPK 20-20-15 Nguồn Sinh Thái, NPK 20-20-15 Việt Quang, NPK 20-20-15 Cò Bay… phổ biến từ 460.000 - 620.000 đồng/bao, tùy loại. Trong khi đó, giá nhiều loại phân bón DAP (như DAP Đình Vũ, DAP Mỹ, DAP Trung Quốc…) đang ở mức 450.000 - 600.000 đồng/bao.

Giá các loại phân bón đang ở mức thấp do nguồn cung dồi dào, nhất là khi năng lực sản xuất các loại phân bón Urê của các nhà máy trong nước đã được tăng cường, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu. Trong khi đó, các loại phân bón nhập khẩu cũng ngày càng đa dạng về chủng loại và nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới, với giá cả rất cạnh tranh do nguồn cung phân bón tại nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng vượt cầu. Ngoài ra, gần đây nhu cầu tiêu thụ phân bón trên thị trường tăng chậm do nhiều địa phương vùng ĐBSCL mới bắt đầu bước vào vụ gieo sạ lúa đông xuân 2016-2017. Với tình hình nguồn cung dồi dào, giá nhiều loại phân bón được dự đoán sẽ tiếp tục bình ổn trong thời gian tới.

* Nguồn cung dồi dào

Theo nhiều chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, cách đây hơn 1 tháng, các cửa hàng đã chuẩn bị một lượng phân bón rất dồi dào với giá cả đầu vào tương đối thấp để phục vụ cho nhu cầu người dân trong vụ sản xuất đông xuân. Trong ngắn hạn tới đây, giá bán lẻ các loại phân bón trên thị trường rất khó tăng do nhiều cửa hàng bán lẻ có điều kiện ổn định giá bán để "giữ chân" khách hàng. Đặc biệt trong điều kiện thị trường, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu phân bón cũng như các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh mới, nên các cửa hàng phải có chính sách giá tốt nhất để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho rằng: "Không lo phân bón thiếu hàng, tăng giá trong vụ sản xuất này. Bởi ngay từ khá sớm, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh đã chuẩn bị một lượng hàng rất dồi dào. Mặt khác, các tác động của thiên tai, thời biết bất lợi và hạn mặn xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua, buộc nhiều nơi phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng làm giảm diện tích trồng trọt khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm". Giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới đang ở mức thấp và phân bón nhập khẩu vào nước ta còn có điều kiện giảm giá do thuế xuất nhập khẩu giảm theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do nước ta ký với nhiều đối tác và quốc gia trên thế giới. Theo ông Bảo Thọ, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Huyên Thọ ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, gần đây nhiều loại phân bón phải chịu áp lực giảm giá do cung có dấu hiệu vượt cầu và thị trường có nhiều cạnh tranh, nhất là sự cạnh tranh bởi các loại phân bón nhập khẩu. Nhiều khả năng cho thấy, giá một số loại phân bón có thể nhích lên khi bước vào cao điểm vụ sản xuất đông xuân nhưng mức tăng không nhiều do nguồn cung dồi dào và ai cũng muốn ổn định giá để bán được hàng.

Hiện nay, cạnh tranh trên thị trường phân bón rất khốc liệt. Thông qua việc liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các mô hình "cánh đồng lớn", có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vật tư đầu vào cho các hộ dân, bán sản phẩm đến cuối vụ mới thu tiền. Để bán được hàng, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng phải chủ động được nguồn phân bón có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Điều này đã góp phần tích cực trong ổn định thị trường phân bón. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng cần phải tích cực vào cuộc để ổn định giá cả và thị trường phân bón, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng… lợi dụng nhu cầu tiêu thụ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân đang tăng cao để "trà trộn" vào thị trường.

Khánh Trung

Lão nông làm giàu từ cây tiêu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hơn 20 năm gắn bó với cây tiêu đã giúp gia đình ông Nguyễn Tấn Lực, 56 tuổi, ở ấp 4, xã Minh Lập (Chơn Thành, Bình Phước) có kinh tế khá giả. Mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây tiêu của ông đang thu hút nhiều nhà nông trong xã tới tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, góp phần hình thành những vườn trồng tiêu tập trung với quy mô lớn, được đầu tư đúng kỹ thuật tại địa bàn.

Nhận thấy tiềm năng đất đai ở Bình Phước, năm 1990, ông Lực đưa gia đình từ Vĩnh Phúc vào xã Minh Lập lập nghiệp. Gắn bó với nghề nông từ nhỏ nên ông chủ động tìm hiểu tính chất, đất đai ở quê hương mới, quyết định trồng tiêu, điều để phát triển kinh tế. Ông dồn tất cả vốn ban đầu mua rồi cải tạo 1 ha đất canh tác.

Ông Lực giới thiệu vườn tiêu đang cho thu hoạch của gia đình

Nhận thấy cây tiêu mang lại lợi nhuận cao, ông Lực đã trồng hơn 1.000 nọc tiêu giống Ấn Độ. Theo ông, giống tiêu Ấn Độ có đặc tính sinh trưởng mạnh, cho trái sớm, to, dày, năng suất cao. Thời gian mới trồng, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên 300 nọc tiêu của ông Lực bị chết do nhiễm các bệnh: chết chậm, vàng lá và chết nhanh. “Triệu chứng dễ nhận thấy là cây tiêu héo rũ rất nhanh, hạt tiêu bị teo tóp, mạch dẫn bên trong thân thâm sạm, sau đó những đốt trên thân cũng biến màu thâm đen và rụng khiến nọc tiêu có thể chết hoàn toàn trong vòng 1-2 tuần. Vì vậy, thời kỳ đầu, người trồng cần theo dõi vườn tiêu hằng ngày để kịp thời phát hiện bệnh. Khi chăm sóc, làm cỏ, bón phân, nhà nông phải tránh gây những vết thương cho gốc và rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây hại. Những cây bị nhiễm bệnh nặng phải đào bỏ, nhặt hết rễ đem tiêu hủy, rửa vườn, quét gốc, phun các loại thuốc như Eddy 72WP hay Norshield 86.2 WG, Phytocide 50WP kết hợp rắc vôi bột (1kg/hố) để diệt mầm bệnh” - ông Lực chia sẻ.

Ông Lực cho rằng: “Muốn thành công với nghề trồng tiêu, nhà nông cần quan tâm khâu chọn giống. Huyện Chơn Thành có nhiều cơ sở bán tiêu giống, người trồng có thể chủ động mua tại địa bàn để giảm các chi phí phát sinh. Trước khi trồng, phải tìm hiểu các kiến thức cơ bản về cách trồng, chôn nọc; hệ thống thoát nước; quy trình chăm sóc... giúp cây tiêu dễ bám, sinh trưởng nhanh”. Năm 2010, ông mua thêm 2,5 ha đất để mở rộng diện tích sản xuất. Năm 2014, ông cải tạo lại vườn tiêu già cỗi sau hơn 17 năm thu hoạch và trồng mới 2.850 nọc. Do được đầu tư chăm sóc tốt nên năm 2015 ông Lực thu được 1 tấn tiêu từ hơn 1,5 ha đất. Với giá bán 190 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu gần 200 triệu đồng. Dự tính năm nay, vườn tiêu của ông có thể thu được 3 tấn hạt.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Lập nhận xét: Vườn trồng tiêu của ông Lực được hội đánh giá cao. Thời gian qua, đông đảo hội viên nông dân đã đến tham quan thực tế để chia sẻ và tích lũy kinh nghiệm. Từ đây, nhiều nhà nông khác trong xã đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, quy mô trồng tiêu, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn Minh Lập.

Thế Tường

Thu hoạch được củ khoai mỡ nặng 23kg

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 11-11, nhiều người hiếu kỳ vẫn tìm đến nhà bà Phạm Thị Bướm, trú tại thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế để tận mắt xem củ khoai tía (còn gọi là khoai mỡ) khổng lồ với hình thù kỳ lạ mà gia đình bà Bướm mới thu hoạch.

Củ khoai mỡ nặng 23kg của gia đình bà Bướm

Củ khoai nặng khoảng 23kg, có màu đen sẫm với nhiều hình thù như bàn chân gấu. Theo bà Bướm thì cách đây khoảng 8 tháng, bà có mua giống khoai tía mang về trồng tại vườn nhà nhưng thời tiết không thuận lợi nên chỉ được một gốc sống sót và sinh trưởng. Đến thời điểm thu hoạch, gia đình đào lên lấy củ ăn và ngỡ ngàng bởi ra củ khoai này quá to, có hình thù rất kỳ lạ.

Trong khi theo người dân địa phương, giống khoai tía trong vùng trồng nhiều nhưng củ chỉ có trọng lượng từ 3 - 4kg, củ nào nặng nhất cũng chỉ tầm 5kg.

VĂN THẮNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop