Tin nông nghiêp ngày 13 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 13 tháng 11 năm 2019

Nông dân tham gia sân chơi toàn cầu: khó hay dễ?

Nguồn tin:  VOV

Sân chơi toàn cầu không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp mà ngay cả người nông dân cũng cần thay đổi tư duy về canh tác, sản xuất, chất lượng hàng hóa…

Tham gia sân chơi toàn cầu các yếu tố trong chuỗi giá trị nông sản không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn nông dân cũng cần đổi mới tư duy về thay đổi phương thức canh tác, liên kết áp dụng tiến bộ kỹ thuật hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của tiêu dùng và thị trường xuất khẩu.

Sân chơi toàn cầu không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp mà ngay cả người nông dân cũng cần thay đổi tư duy về canh tác, sản xuất, chất lượng hàng hóa…

Không chỉ mạnh dạn tổ chức lại sản xuất, đổi mới phương thức canh tác áp dụng công nghệ vào sản xuất, tham gia sân chơi nông sản toàn cầu nông dân cũng nhận thức phải tăng cường liên kết với nhau để có thể áp dụng mô hình sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, mô hình trồng cà rốt, củ cải đường theo công nghệ tự động của Nhật Bản và Hàn Quốc của anh Nguyễn Văn Linh, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh mỗi năm đem lại doanh thu 9 tỉ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng và khoảng 150 lao động mùa vụ với thu nhập 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày.

Anh Nguyễn Văn Linh chia sẻ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ai cũng có thể áp dụng nhưng quan trọng nhất phải đổi mới tư duy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì mới đủ sức tham gia sân chơi toàn cầu.

“Mình cũng phải đầu tư máy móc của Nhật Bản và nghiên cứu cách canh tác của quốc tế để áp dụng. Việc đưa khoa học công nghệ lúc đầu cũng gặp khó khăn, nhưng khi có hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất, rút ngắn được thời gian, tăng năng suất. Ai cũng có thể làm được ví dụ như mảnh ruộng bé mình cứ coi đây là mảnh ruộng lớn nhưng thay đổi tư duy sẽ đem lại hiệu quả cao”, anh Minh nói.

Là nông dân chăn nuôi quy mô lớn, sau 8 năm xây dựng trại nuôi gà áp dụng công nghệ của Thái Lan và Cộng hòa liên bang Đức đến nay nông dân Nguyễn Văn Công có tổng cộng 5 trại gà đẻ trứng với khoảng 40.000 con cho doanh thu 24 tỷ đồng/năm, tuy nhiên khi đề cập đến những thách thức mà nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vẫn còn không ít băn khoăn.

“Khó khăn nhất của người chăn nuôi nếu những người làm nhỏ lẻ thì ít nhưng với những người làm quy mô công nghiệp đó là vốn đầu tư. Trong xu thế hội nhập hiện nay, đạt được các yêu cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng nhanh sẽ càng tốt. Nếu như không làm được thì phải xác định là mình đánh mất nghề”, anh Công cho hay.

Nông dân và nông sản Việt Nam phải đối mặt cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia, tham gia sân chơi lớn toàn cầu nông dân và nông sản Việt Nam không những phải đối mặt với thách thức là cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm, thì không chỉ mất cơ hội xuất khẩu mà còn mất cả cả thị trường sân nhà.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tích: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế về chính sách, thông tin minh bạch giúp nông dân và doanh nghiệp để định hình sản xuất với mục tiêu cuối cùng hướng đến tiêu dùng và xuất khẩu”.

“Nhà nước đang thúc đẩy mở cửa thị trường và muốn tận dụng được các thị trường xuất khẩu, sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất với các cơ chế, chính sách gắn kết doanh nghiệp với nông dân hiệu quả hơn để sản xuất lớn, chất lượng tốt qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Thắng cho biết thêm.

Nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp liên kết với nông dân để đưa nông sản tham gia sân chơi toàn cầu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò tham gia và dẫn dắt các khâu sản xuất, chế biến sâu gia tăng giá trị nông sản mà còn là lực lượng tiên phong có tiềm lực về vốn, có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm quản trị trong nước và quốc tế, hiểu rõ những quy định của thị trường quốc tế, từ đó sẽ hướng dẫn, đào tạo, dẫn dắt những nông dân sản xuất hàng hóa đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Hà Công Tuấn, 10 triệu hộ nông dân trong suốt thời kỳ đổi mới, họ là những "hạt nhân kinh tế" phát triển, "hạt nhân sáng tạo". Đó là những lao động cần cù làm nên nền nông nghiệp hôm nay.

“Tuy nhiên trong nền kinh tế mở như hiện nay nếu từng hộ gia đình làm sẽ không thể tiếp cận được những yêu cầu, tiêu chuẩn, những biến đổi rất nhanh chóng của thương trường quốc tế. Vì vậy, muốn thâm nhập và phát triển mạnh hơn thì phải liên kết, mà liên kết đó là ai, rõ ràng "đầu tàu" dẫn dắt chuỗi này phải là doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Rất cần những chính sách thúc đẩy được sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hay nói cách khác, làm sao để kết nối hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ hiện nay để có thể tạo thành một chuỗi sản xuất quy mô lớn, có đủ các “mắt xích” liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, phân phối, khi đó mới có thể hội nhập một cách tự tin.

Và cũng chỉ khi đó, những sản phẩm nông sản ngoại nhập sẽ không còn là nỗi lo đối với nông dân cũng như đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản./.

Minh Long/VOV1

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Thiếu và yếu

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Việt Nam là nước nông nghiệp giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, sản xuất NNHC chi phí còn cao, đồng thời nhận thức người tiêu dùng vẫn chưa cao nên khó có thể hướng tới nền NNHC bền vững.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tư chi phí nhiều nên giá thành cao khiến người tiêu dùng còn e ngại

Sản xuất và thị trường còn bấp bênh

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhận định các nhóm hộ nông dân, ông Mai Thanh Thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 (Bộ NN-PTNT), cho hay, phần lớn sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế; cho nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhận định, quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, thị trường cho sản phẩm NNHC không ổn định.

Đã xuất khẩu nhiều sản phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai), nhận định, Việt Nam cần có nhiều diễn đàn hơn để tuyên truyền cho người tiêu dùng, nông dân. Cái gốc vẫn là nông dân. Nếu nông dân sản xuất không “trung thực” thì sản phẩm không đạt chất lượng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đồng bộ. Về phía người tiêu dùng thường không thích sản phẩm hữu cơ do có bề ngoài xấu, dù người nông dân phải đầu tư chi phí rất nhiều.

Ông Nguyễn Hoàng Khang, HTX Tấn Đạt (Vĩnh Long), cho hay, sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm NNHC hầu như không có sẵn.

Chưa tương xứng tiềm năng

Sản xuất NNHC của nước ta phát triển chưa tương ứng với tiềm năng lợi thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trình độ sản xuất và khoa học kỹ thuật của nước ta còn thấp và hạn chế trong kiểm soát sâu bệnh và chất lượng sản phẩm, năng suất chưa cao. Nước ta có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại, trong khi bảo vệ thực vật là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất theo phương pháp NNHC. Hệ thống tổ chức chứng nhận sản xuất NNHC còn thiếu và yếu; việc thực thi pháp luật về chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC, minh bạch hóa quá trình sản xuất sản phẩm NNHC còn chậm; việc chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nước nhập khẩu phải thuê những chuyên gia nước ngoài với chi phí chứng nhận cao.

Một thực tế là thị trường sản phẩm NNHC đang rất hỗn loạn. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm có giá trị cao nhưng chưa chắc nhận được sản phẩm đúng công bố và đúng giá trị. Điều đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm được tự công bố là an toàn hay hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN), cho hay, một trong những giải pháp là thực hiện truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ mã vạch. Sản phẩm có mã vạch được áp dụng không những để quản lý, thu thập thông tin tự động trong cả chuỗi cung ứng mà còn được áp dụng để xác định nguồn gốc sản phẩm, phục vụ cho các hệ thống quản lý theo ISO 22000, HACCP.

Phát triển NNHC cần dựa vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để xác định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phù hợp, ông Mai Thanh Thảo đề nghị Hiệp hội NNHC Việt Nam cần tăng cường hoạt động, thông qua các doanh nghiệp có mô hình thành công, giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới và nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Về phía Bộ NN-PTNT, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển NNHC, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm NNHC theo hướng xã hội hóa. Ngoài sử dụng giống chất lượng cao, các nhà sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phân chuồng, phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đủ về lượng và cân đối về tỷ lệ. Đặc biệt, tăng cường phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt - chăn nuôi, thủy sản - trồng trọt, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, thủy sản cung cấp hữu cơ cho trồng trọt.

THANH HẢI

Hơn 11 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn USDA - NOP

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp Lâm Đồng, trong năm 2019, xã Gia Viễn (huyện Cát Tiên) đã tổ chức làm điểm sản xuất hơn 11 ha lúa theo tiêu chuẩn USDA - NOP tại thôn Cao Sinh. Kết quả trong vụ Hè - Thu vừa qua đạt năng suất 6 tấn/ha.

USDA - NOP là Chứng nhận sản xuất hữu cơ, không làm tổn hại đến môi trường do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp. Đây là quy trình sản xuất với các tiêu chuẩn kiểm soát nghiêm ngặt như: cấm sử dụng nguồn giống lúa biến đổi gien, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh hại, bón phân có nguồn gốc hữu cơ; người sản xuất phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất từ khi xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch.

Được biết, huyện Cát Tiên đang đánh giá mô hình điểm sản xuất lúa theo tiêu chuẩn USDA - NOP tại xã Gia Viễn nói trên để nhân rộng trên địa bàn.

V.VIỆT

Đồng Tháp: Giá kiệu tăng so với năm trước

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Giá kiệu tươi và kiệu giống đang ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với những năm trước, mức tăng này vẫn còn rất thấp.

Nông dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông chuẩn bị vụ kiệu Tết

Theo nhiều nông dân trồng kiệu ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), kiệu tươi hiện được thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg; tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kiệu giống hiện có giá 49.000 - 50.000 đồng/kg; tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nông dân trồng kiệu cho biết, nguyên nhân giá kiệu tăng mạnh là do thời điểm này bà con nông dân chủ yếu tập trung vào sản xuất kiệu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020 nên lượng hàng cung ứng không còn nhiều. Hơn nữa, gần đây do ảnh hưởng thời tiết nên sâu bệnh tăng khiến kiệu bị giảm năng suất.

Trang Huỳnh

Sóc Trăng: Liên kết sản xuất và tiêu thụ vú sữa tím

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Sáng ngày 07/11/2019 đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu trái vú sữa tím niên vụ 2019 - 2020 giữa công ty TNHH XNK Vina T&T (Tp.Hồ Chí Minh) và Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú - huyện Kế Sách - Sóc Trăng).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT Lê Quốc Doanh, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp, UBND tỉnh Sóc Trăng chứng kiến Lễ ký kết.

Lễ ký kết tiêu thụ vú sữa tím giữa HTX Nông nghiệp Trinh Phú và Công ty TNHH Vina T&T

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trinh Phú được thành lập năm 2012 với ngành nghề chính là kinh doanh trái vú sữa, cung cấp cây giống, phân bón, thuốc BVTV… HTX có 42 hộ thành viên, diện tích cây vú sữa được trồng hiện nay tại HTX là 32,7 ha. Hầu hết diện tích vú sữa của các thành viên HTX đều được canh tác theo hướng an toàn và được cấp mã số vùng trồng. Nhiều diện tích được bao trái, thậm chí được bao lưới cả vườn.

Năm 2018, HTX được Công ty TNHH XNK Vina T&T hỗ trợ cấp 02 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích là 32,4 ha và được Công ty thu mua lại vú sữa trái để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, tổng cộng 8,5 tấn, giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 18.000 đồng/kg. Mặc dù sản lượng vú sữa xuất khẩu năm 2018 của HTX chưa nhiều nhưng đây là động lực để tạo niềm tin cho bà con xã viên tiếp tục sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2019, HTX tiếp tục được Ban Quản lý dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 02 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 11,4 ha. HTX vẫn duy trì ký kết hợp đồng với Công ty TNHH XNK Vina T&T để xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng ước đạt 150 tấn, giá 31,000 đồng/kg, cao hơn thị trường 17.000 đồng/kg.

Các đại biểu trao đổi tại vườn trồng vú sữa tím

Ông Nguyễn Văn Sinh – Chủ tịch UBND xã Trinh Phú cho biết: “Nếu giá bao tiêu trái vú sữa với Công ty TNHH Vina T&T ổn định như hiện nay (31.000 đồng/kg) thì doanh thu từ vú sữa ở đây là không dưới 1 tỉ đồng/ha, chi phí chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu. Đó là tính với năng suất trung bình 30 – 35 tấn/ha, cá biệt có những hộ năng suất cao 60 – 70 tấn/ha, như hộ ông Hồ Văn Hội ở ấp 2”.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá rất cao mô hình này và cho biết đây là mô hình có thu nhập và phát triển mang tính bền vững cao, cần nhân rộng./.

Ngô Văn Đây - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Cát Tiên (Lâm Đồng): Đẩy mạnh phong trào trồng cỏ nuôi bò vỗ béo

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nhiều năm nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo được hàng ngàn nông dân trong huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) thực hiện bởi không chỉ để thoát nghèo mà còn là sinh kế làm giàu của bà con nông dân.

Nuôi bò sinh sản, vỗ béo đang là hướng đi mang lại thu nhập cao cho người nông dân Cát Tiên

Nuôi bò lai “hái” ra tiền

Về huyện Cát Tiên, ghé qua các xã Đức Phổ, Tư Nghĩa, Phước Cát 1, Mỹ Lâm, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe nông dân râm ran chuyện nuôi bò. Trên những cánh đồng, vườn nhà nào cũng phủ xanh cỏ voi, cỏ VA06 để nuôi bò. Nuôi bò nhiều nhất theo tỉ lệ hộ dân có lẽ là ở xã Đức Phổ; ở nơi đây, hầu như hộ nào cũng chăn nuôi bò.

Theo chân anh Nguyễn Văn Hòa, cán bộ khuyến nông xã Đức Phổ, chúng tôi đến thăm ông Mai Anh Đào ở Thôn 1, hộ chăn nuôi bò kỳ cựu. Với đàn bò lai vỗ béo luôn thường trực trong chuồng từ 6 - 7 con, mỗi năm ông Đào thu về lợi nhuận trên 80 triệu đồng. Ông Đào chăn nuôi bò rất bài bản, chủ yếu nuôi bò lai, chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; chú trọng phòng chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng cho bò.

Bên cạnh đó, nhằm ổn định nguồn thức ăn, ông Đào còn mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất vườn sang trồng cỏ. “Cái nhọc của nuôi bò vỗ béo là phải bỏ công đi dạo khắp các nơi trong và ngoài huyện để tìm mua những con bò gầy gò về nuôi thúc cho béo. Phải lựa con nào mõm to, ngắn, ăn mạnh, khung xương lớn thì về sẽ thúc dễ dàng, nhanh xuất bán, có lãi hơn. Đổi lại, sau mỗi đợt nuôi 3 - 4 tháng là bò đã có thể xuất chuồng, thu lãi 3 - 4 triệu đồng/con. Ngoài ra, nuôi 7 con bò một người chăm sóc là đủ vì hàng ngày chỉ dọn vệ sinh, và ra ruộng cắt cỏ về cho bò ăn” - ông Đào cho hay.

Còn ông Trần Văn Thuận ngụ cùng thôn cũng đang nuôi 3 con bò sinh sản, 5 con bò vỗ béo. Cứ mỗi năm, 3 con sinh sản lại cho 3 con bê, còn 5 con bò vỗ béo cứ nuôi xoay vòng từ 3 - 5 tháng là xuất chuồng. Ông Thuận hạch toán: “Trước đây, với hơn 4.000 m2 đất vườn, tôi trồng sắn, bắp xoay vòng, mỗi năm trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc, nhân công… thì tôi chỉ đút túi được 15 triệu đồng. Nhưng từ khi đầu tư vào nuôi bò thì 3 con bò sinh sản mỗi năm cho 3 con bê, nuôi 6 tháng thu mỗi con 15 triệu đồng. Còn 5 con vỗ béo, cứ nuôi xoay vòng 3 lứa/năm, trừ hết chi phí cũng kiếm được 60 triệu đồng. Tính ra, trên một diện tích 4.000 m2, trồng cỏ nuôi bò cho hiệu quả gấp hơn 5 lần”.

Ông Cao Xuân Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Đức Phổ cho biết: Từ nhiều năm nay, các mô hình nuôi bò lai vỗ béo, bò sinh sản được rất nhiều nông dân trong xã thực hiện. Bởi xã có diện tích lớn trồng lúa, sắn, bắp. Việc đưa con bò lai vào nuôi sẽ tận dụng nguồn thức ăn lá, đọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Có thể nói rằng, nuôi bò trở thành cứu cánh thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân Đức Phổ. Trên địa bàn xã không có con vật nuôi nào đem lại hiệu quả cao đến vậy.

Theo ông Nghiêm, thay vì phương pháp nuôi truyền thống thả rông như trước đây, hiện nay nông dân trong xã đã đầu tư nuôi bò gần như khép kín.

Hiện toàn xã có tổng đàn bò lên đến gần 1.500 con, chủ yếu là các giống bò lai. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 - 7 con, có hộ nuôi đến vài chục con. Bò được nuôi nhốt, không thả rông nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Chất lượng đàn bò không ngừng được nâng lên

Nếu như năm 2011, tổng đàn bò của huyện Cát Tiên có 5.746 con với tỷ lệ bò lai chiếm 63%, thì đến nay, số lượng đàn đã tăng lên trên 10.000 con với tỷ lệ bò lai đạt hơn 94%. Để đạt được kết quả này, những năm qua, huyện Cát Tiên đã triển khai thực hiện rất có hiệu quả Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò.

Thông qua Đề án, huyện đã triển khai xây dựng thành công các mô hình nuôi vỗ béo bò, nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao... Các hội, đoàn thể, nhất là Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, đã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để nông dân đầu tư nuôi bò. Huyện cũng đã xây dựng một số mô hình trồng cỏ voi, vận động người chăn nuôi chuyển những vùng đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, tạo nguồn thức ăn ổn định phục vụ chăn nuôi. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Mấy năm gần đây, nông dân trong huyện đầu tư nuôi bò rất mạnh, chủ yếu bò lai với số lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Qua đó, khẳng định việc phát triển đàn bò tại địa phương Cát Tiên là định hướng đúng đắn và phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá cả thịt bò không ổn định ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý của người chăn nuôi. Để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, UBND huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ nâng cao chất lượng, thể trạng đàn bò (đặc biệt quan tâm đến chất lượng thịt) như thụ tinh nhân tạo các giống bò ngoại chất lượng cao như Brahmam, RedAngus, BBB.

Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý dịch bệnh, quản lý chất lượng đàn bò, ngành nông nghiệp huyện sẽ thực hiện việc theo dõi bấm số toàn bộ số con bò lai sinh ra để truy xuất nguồn gốc, tạo nguồn giống hàng hóa chất lượng cao cung cấp trên thị trường. Khuyến khích đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại, THT, HTX để thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Qua đó, tạo nguồn hàng hóa đủ lớn để thúc đẩy việc liên kết tiêu thụ. Hiện huyện Cát Tiên đang kêu gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp liên kết phát triển chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm bò thịt tại địa phương.

HOÀNG SA

Giá lợn hơi tiếp tục tăng ‘sốc’: ‘Thương lái đang thao túng giá’

Nguồn tin: Lao Động

Giá thịt lợn liên tục phi mã trong tháng qua. Ảnh: Kh.V

Giá lợn hơi ngày 10.11 cao nhất: 73-76 nghìn đồng/kg. Cục chăn nuôi khẳng định: Thương lái đang "làm giá" gây nhiễu loạn thị trường.

Giá lợn hơi hôm nay ở thị trường miền Bắc tuần qua tiếp tục tạo nên cơn sốt giá mới với mức giá 73.000 đồng/kg tại Hà Nội, đặc biệt, lợn hơi loại 1 trọng lượng lớn bắt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có nơi lên tới 76.000 đồng/kg.

Hà Nội là "thủ phủ" chăn nuôi lớn thứ 2 cả nước (sau Đồng Nai), nhưng hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đã khiến số lượng lợn thương phẩm sụt giảm.

Tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, giá lợn hơi thấp hơn nhưng cũng đang ở mức 71.000-72.000 đồng/kg. Tại nhiều tỉnh, giá lợn hơi phổ biến ở mức 69.000 đồng/kg – 70.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi trong 3 ngày qua đang tăng rất nhanh và gần đuổi kịp giá lợn hơi phía Bắc. Giá lợn hơi tại khu vực Đông Nam Bộ duy trì mức giá 65.000 đồng/kg trong suốt cả tuần, ở các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương. Một số nơi thấp hơn chút ở mức giá 60.000 đồng/kg như Vũng Tàu.

Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giá lợn hơi tăng từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Tại Cần Thơ, giá lợn hơi ở mức 63.000 đồng/kg; Tiền Giang, Bến Tre cùng đạt 62.000 đồng/kg; Long An và Cà Mau 61.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Trung cũng đã cán mức 72.000 đồng/kg. Giá lợn hơi cao nhất tập trung tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, từ 71.000-72.000 đồng/kg.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá lợn hơi dễ chịu hơn với mức cao nhất tại Đắk Lắk cũng chỉ 58.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, giá lợn dao động ở mức khá cao so với thời gian trước, từ 58.000 đồng/kg – 59.000 đồng/kg (Quảng Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa).

Do giá lợn hơi tăng quá nhanh trong tuần qua nên sức mua chậm lại. “Hiện nay lượng thịt bán ra chỉ đạt 50% so với trước đây. Do giá thịt lợn loại 1 đã ở mức 140.000-160.000 đồng nên nhiều người chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác”-bà Nguyễn Thị Tuyết-kinhdoanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch-Cầu Giấy-Hà Nội) cho biết.

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 10.11, ông Nguyễn Xuân Dương-Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: "Nguồn cung chúng ta không thiếu, nhưng khâu lưu thông đang có vấn đề. Hiện nay giá lợn hơi tại miền Bắc CP bán ra với mức giá 66.000 đồng/kg, nhưng khi mua về, thương lái đã đẩy giá lên mức 71.000-73.000 đồng/kg. Cần phải xử lý được vấn đề này".

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng, lợn bị bệnh và bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi chỉ khiến lượng thịt lợn thiếu hụt khoảng 5,7% trọng lượng thịt lợn, nhưng thương lái mượn dịch tả lợn Châu Phi để làm lũng đoạn thị trường thịt lợn nhằm kiếm lời.

L.V

Bắc Ninh: Chăn nuôi bò lai BBB đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trước đây, người dân chăn nuôi bò thịt chủ yếu sử dụng giống bò vàng, bò lai Sind. Trong những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ miễn phí tinh bò cho các hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo mà các giống bò lai tốt đã dần được mở rộng, mang hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Một trong những giống bò lai điển hình đó là giống bò lai BBB đang được nhiều người chăn nuôi ưa chuộng.

Năm 2019, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí mua tinh bò cho các hộ chăn nuôi bò cái sinh sản. Tinh bò lai BBB được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh ký hợp đồng đặt hàng Trung tâm Giống gia súc lớn (Viện Chăn nuôi), để hỗ trợ cho công tác thụ tinh nhân tạo, cải tạo chất lượng đàn bò của các hộ chăn nuôi. Nguồn gốc tinh bò BBB nhập ngoại từ Bỉ.

Một trong những hộ tiên phong trong phong trào chăn nuôi bò sinh sản tại Bắc Ninh là hộ gia đình ông My, thôn Công Cối, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ. Gia đình ông nuôi bò sinh sản đến nay đã được khoảng 20 năm. Những năm gần đây, gia đình ông luôn duy trì 5-7 con bò cái sinh sản. Trao đổi với chúng tôi, ông My cho biết, bò cái sinh sản nhà ông mỗi năm đẻ 1 lứa. Gần đây, ông hoàn toàn sử dụng tinh bò BBB để phối trên nền bò cái lai Sind. Bê con khi sinh ra có trọng lượng 25 – 30 kg/con, bê khỏe mạnh, nhanh thích nghi với điều kiện môi trường sống. Bê dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh. Tốc độ tăng trọng của bê bình quân 20 – 25 kg/tháng, tùy thời điểm. Sau cai sữa khoảng 4 tháng đạt, bê đạt trọng lượng từ 110 – 120 kg/con; từ 16 - 18 tháng tuổi, trọng lượng bình quân từ 350 – 400 kg/con. Thông thường ông nuôi khoảng 8- 9 tháng, bê đạt trọng lượng khoảng 200 kg là xuất bán. Ông bán với giá khoảng 20 - 25 triệu đồng/con, cao hơn so với các giống bê lai khác cùng tháng tuổi khoảng 1,5 lần. Trung bình mỗi năm ông xuất bán được 3-5 con bê, thu về được trên 100 triệu đồng.

Được hỏi về quy trình chăm sóc bò cái sinh sản cũng như bê lai sau khi sinh ra, ông cho biết: Thức ăn chủ yếu để nuôi bò là rơm, cỏ và có bổ sung thêm cám gạo, cám ngô. Để bê lai F1 BBB sinh trưởng tốt nhất thì ngoài chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, phải bảo đảm định mức thức ăn qua từng giai đoạn. Điều kiện vệ sinh thú y cũng cần được chú trọng, bò lai BBB phải được tiêm phòng đầy đủ theo các quy định của ngành để phòng ngừa một số loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng…

Được hỏi về chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông My rất phấn khởi cho biết: “Tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến người chăn nuôi. Tôi chăn nuôi bò cái sinh sản thì tinh bò dùng để phối đều được nhà nước hỗ trợ miễn phí. Ngoài ra, hàng năm tôi còn được hỗ trợ thuốc khử trùng chuồng trại,…, có thú y viên đến tận nhà kiểm tra đôn đốc thường xuyên”.

Bê lai F1 BBB rất dễ nuôi và lớn nhanh

Giống bò thịt BBB có ngoại hình đẹp, cơ bắp phát triển siêu trội, hiền lành, khả năng sử dụng thức ăn tốt nên tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon. Để phát triển giống bò lai BBB, trong thời gian tới, các cấp chính quyền tại Bắc Ninh cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt F1 BBB và hỗ trợ tinh bò BBB cho các hộ chăn nuôi bò sinh sản. Tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nghề chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho các hộ nông dân. Xây dựng, hoàn thiện mô hình trang trại mẫu làm nơi tham quan, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho các hộ. Thực hiện chương trình tuyên truyền giới thiệu và quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiện cho sản phẩm thịt bò BBB. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thịt bò BBB.

Đỗ Thị Vui - Trung tâm Khuyến nông và PTNN CNC Bắc Ninh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop