Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 3 năm 2019

Sông Hinh (Phú Yên): Mô hình nấm linh chi đỏ đạt sản lượng cao

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ảnh minh họa: N.HÙNG

Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) vừa tổ chức hội thảo sơ kết mô hình trồng nấm linh chi đỏ. Mô hình được thực hiện tại hai hộ gia đình là ông Trần Duy Nhất ở thôn 2/4, xã Ea Ly và ông Nguyễn Dầu ở thôn Đức Hòa, xã Đức Bình Đông.

Trong diện tích 30m2, mỗi mô hình nuôi trồng 1.500 bịch phôi trọng lượng 1,3kg. Sau 67 ngày, đường kính nấm đạt từ 7-17cm, dày 0,8-1,2cm, sản lượng ước đạt 34,45kg nấm khô, cao hơn 5kg so với sản lượng lý thuyết. Với giá bán hiện tại là 800.000 đồng/kg nấm khô, trừ chi phí 13,7 triệu đồng (mua bịch phôi, nhà trồng, dàn kệ, dàn phơi, dàn tưới, điện nước, công lao động), mô hình cho lãi ròng 12,4 triệu đồng.

Mô hình trên thuộc dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi huyện Sông Hinh, được triển khai từ tháng 1/2019. Mô hình được huyện hỗ trợ phôi giống, kỹ thuật, phần còn lại do hộ dân đối ứng.

Nấm linh chi là một dược liệu quý, có tác dụng tốt với sức khỏe con người. Mô hình được đánh giá phù hợp với thực tế địa phương, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các hộ dân mong muốn có sự bao tiêu sản phẩm để mở rộng sản xuất.

VĂN THÙY

Có 3 giống lúa mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định số 725/QĐ-BNN-TT (ngày 5-3-2019) “Về việc công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới”. Theo danh sách này, có 3 giống lúa mới được công nhận chính thức gồm: Giống lúa thuần Nàng Tiên, giống lúa thuần OM18 và giống lúa Thuần Kim Cương 111.

Giống lúa thuần Nàng Tiên của Công ty TNHH Hạt giống Hoa Tiên và giống lúa thuần MO18 của Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo được công nhận thích nghi với các vụ và vùng trồng lúa tại các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, giống lúa OM18 đã được Viện Lúa ĐBSCL ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và sử dụng độc quyền cho Tập đoàn Lộc Trời từ tháng 4-2018. Giống lúa thuần Kim Cương 111 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam thích nghi với các vụ, vùng trồng lúa tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Với việc công nhận chính thức 3 giống lúa thuần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị có giống lúa mới được công nhận chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến giống lúa mới được công nhận vào sản xuất theo đúng quy định.

MINH HUYỀN

Thừa Thiên Huế: Quảng Thái phát triển mô hình mướp đắng VietGAP

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Sau một năm thực hiện dự án (DA) trồng mướp đắng theo hướng VietGAP tập trung trên địa bàn, người trồng mướp thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Mướp đắng thôn Tây Hoàng

Toàn xã Quảng Thái có hơn 15 ha mướp đắng, nhiều vùng mướp đắng được trồng quanh năm. Tuy nhiên, vấn đề chính quyền địa phương trăn trở là tình trạng người dân lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường sản phẩm bấp bênh, không tiêu thụ được hoặc phải bán với giá thấp, ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Trước khó khăn, được huyện hỗ trợ xây dựng mô hình trồng mướp đắng theo quy trình VietGAP. Sau khi tổ chức tập huấn, đào tạo, tham quan các mô hình VietGAP tại các địa phương, các hộ trồng mướp đắng trên địa bàn bắt tay thực hiện.

Theo ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, hiện thôn Tây Hoàng có 104/209 hộ dân tham gia DA với tổng diện tích thực hiện là 15 ha, năng suất ước đạt 12 tấn/ha (5-6 tạ/sào). Dự kiến năm 2019, UBND xã sẽ đầu tư thêm các thiết bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: máy cắt, máy sấy khô để sản xuất trà mướp đắng sấy khô Quảng Thái.

Ông Văn Hùng, thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái chia sẻ: Được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ thuật trồng mướp đắng theo quy trình VietGAP, chúng tôi ghi chép lại quá trình trồng, thời gian cách ly và sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…nhằm đảm bảo an toàn trong trồng và tiêu thụ sản phẩm. Với 3 sào trồng mướp đắng, trung bình sau 2 tháng chăm sóc, gia đình bắt đầu thu hoạch được trên 30 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với cách trồng thông thường nhờ sản phẩm đã được khẳng định về chất lượng.

Theo nhiều hộ trồng mướp đắng, sau khi ứng dụng quy trình VietGAP, sản phẩm mướp đắng có đầu ra ổn định hơn, giá cả cũng cao hơn. Hiện, mướp đắng VietGAP bán được 20.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường.

Ông Bá Nhật ở thôn Tây Hoàng cho biết, do trồng lúa kém hiệu quả, chi phí đầu tư cao nên ông đã chuyển sang trồng mướp đắng theo hướng VietGAP để nâng cao hiệu quả canh tác. Dẫn chúng tôi thăm vườn mướp của gia đình, ông chia sẻ: Để tạo độ màu mỡ cho đất, gia đình chủ yếu sử dụng phân chuồng để bón lót; trồng mướp đắng cần xây dựng các giàn thật cao ráo, giai đoạn mướp ra nhánh thì phải tỉa cành, ngắt lá nhằm tạo sự thông thoáng, giảm sâu bệnh. Vì trồng trên đất cát nên phải tưới nước thường xuyên nhất là mùa khô hạn, khi ra trái phải làm các loại bẫy tự nhiên để hạn chế ong bướm chích hút gây chín trái.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, người dân trồng mướp đắng ở Quảng Thái áp dụng các biện pháp luân canh, tăng vụ hoặc kết hợp trồng với các loại cây trồng khác như thuốc lá, ớt… Các hộ trồng mướp đắng thuộc DA được chính quyền hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón.

Bài, ảnh: THÙY NHUNG - NGUYỄN HẠNH

Trồng atiso hướng hữu cơ, thu lãi 300 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Hơn 2 tháng đầu năm 2019, khu vườn 1 ha trồng chuyên canh atiso theo hướng hữu cơ của nông hộ Nguyễn Văn Lý ở phường 11, Đà Lạt liên tục thu hoạch bán ra với giá 1.800 đồng/kg lá tươi, 60.000 đồng/kg bông tươi và khoảng 500.000 đồng/kg thân - rễ khô. Hạch toán khấu trừ toàn bộ chi phí đầu tư, công lao động... trong một năm vừa qua, hộ gia đình anh Lý thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha trồng atiso theo hướng hữu cơ này.

Thời điểm đầu tháng 3/2019, giá bông tươi atiso của hộ gia đình anh Lý bán ra 60.000 đồng/kg

Đây là khu vực diện tích đất nằm theo địa hình bậc thang, được hộ gia đình anh Lý cải tạo trồng các loại rau ngoài trời như bắp cải, cà rốt... từ hơn 10 năm trở về trước. Đến 10 năm trở về sau, hộ anh Lý chuyển đổi hoàn thành 1 ha sang trồng chuyên canh atiso. Thời gian đầu tiên chăm sóc atiso đạt tiêu chuẩn an toàn, sau đó nâng lên đạt tiêu chuẩn VietGAP. Và khoảng 1 năm vừa qua, hộ anh Lý chuyển đổi từng bước quy trình canh tác atiso theo hướng hữu cơ.

Hiện hộ anh Lý đã tham gia thành viên HTX Nông nghiệp Minh Thọ Organic ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, hộ anh Lý đi vào triển khai hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm atiso theo hướng hữu cơ vừa nêu.

VĂN VIỆT

Xử lý dứt điểm bệnh khảm lá vi rút hại mì ở Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11 là yêu cầu của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 385/SNNPTNT-TTBVTV nhằm mục đích phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì niên vụ 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 5 huyện, thị xã phát hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì gây hại với diện tích hơn 145,2 ha tại các huyện: Ia Pa 49,3 ha, Phú Thiện 60,5 ha, Krông Pa 17,7 ha, Chư Pưh 14,7 ha và thị xã Ayun Pa 3 ha. Giống nhiễm bệnh chủ yếu là KM419, HL-S11, K98/5. Đến nay, các địa phương đã tiêu hủy 135,5 ha, diện tích nhiễm bệnh còn lại trên đồng ruộng là 9,6 ha.

Người dân chăm sóc mì cao sản. Ảnh: L.N

Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: “Để chủ động phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì, các địa phương cần triển khai biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về việc nhập giống mì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giống mì bị nhiễm bệnh vào địa bàn. Riêng đối với huyện Krông Pa, khẩn trương thu hoạch những diện tích mì đang bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút trên đồng ruộng, tiêu hủy ngay nguồn bệnh sau khi thu hoạch. Còn tại huyện Ia Pa, cần khoanh vùng diện tích mới phát hiện bị nhiễm bệnh, vận động nhân dân tiêu hủy ngay khi cây mì mới bị nhiễm bệnh, tránh lây lan ra diện rộng”.

Theo kế hoạch năm 2019-2020, toàn tỉnh trồng khoảng 65.000 ha mì, trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ia Pa 7.500 ha, Krông Pa 18.230 ha, Kông Chro 7.000 ha, Ia Grai 3.900 ha, Mang Yang 4.590 ha, Chư Prông 5.100 ha, Kbang 2.900 ha, Chư Pah 2.680 ha, Phú Thiện 1.390 ha, Đak Pơ 2.150 ha… Để phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì trong niên vụ 2019-2020, ngành Nông nghiệp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của bệnh khảm lá vi rút hại mì và các giải pháp phòng trừ dịch bệnh.

Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai sản xuất vụ Đông Xuân, UBND huyện đã họp các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất, triển khai các giải pháp phòng-chống hạn, phòng-chống dịch bệnh… Đồng thời, chỉ đạo cho các xã, nhà máy mì tập trung hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân chọn giống sạch bệnh, sản xuất đúng thời vụ, theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Quan điểm của huyện là tuyệt đối không trồng giống mì HL-S11 vì tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao. “Ngoài ra, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Công an huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán giống cây trồng lưu thông trên địa bàn. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh năm trước, người dân đã chuyển đổi qua trồng cây điều và liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao để trồng chuối tiêu hồng. Diện tích còn lại đang bỏ đất trống để chờ mưa xuống thì trồng đậu, mè”-ông Hùng cho biết thêm.

Tương tự, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cũng cho hay: “Niên vụ trước, người dân mua giống mì trôi nổi trên thị trường nên xảy ra bệnh khảm lá vi rút hại mì với diện tích hơn 60 ha. Do đó, ngay từ đầu vụ này, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh khảm lá vi rút hại mì và khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh vụ trước, người dân phải luân canh để cách ly nguồn bệnh vì mầm bệnh vẫn còn trong đất. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán giống cây trồng dạo trên các tuyến đường, không để tình trạng đưa giống từ nơi khác vào địa bàn”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong niên vụ 2018-2019, trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên xuất hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì gây thiệt hại hơn 145 ha. Do đó, bước vào niên vụ này, nông dân nên chuyển những diện tích trồng mì bị nhiễm bệnh khảm lá do vi rút năm trước sang trồng các loại cây khác như: bắp, đậu đỗ, mía... ít nhất 1 năm. Trước khi xuống giống nên làm đất kỹ và để đất đủ độ ẩm mới tiến hành trồng. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11, hạn chế sử dụng giống mì KM419, K98-5 và nên sử dụng giống KM94. Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá mì.

LÊ NAM

Trồng mít Thái ‘hái bạc triệu’!

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Nhìn nét mặt tươi vui của lão nông Trần Văn Phương bên cây mít sai trái, chúng tôi cảm nhận được sự hài lòng của ông về thành quả bao năm lao động trên vùng đất Đồng Tháp Mười vốn một thời nổi tiếng phèn chua.

Trên 2 hàng mít ông trồng dọc 2 bên bờ đi trước sân nhà rợp bóng mát, mỗi cây có từ 1 - 3 trái. Ông cho biết, do mít đang có giá cao (loại 1 có giá 59.000 đồng/kg, loại 2 là 49.000 đồng/kg, loại 3 là 39.000 đồng/kg) nên những cây mít mang 3 trái sẽ cho thu hoạch bạc triệu.

Ông Phương tươi vui bên cây mít Thái trồng 5 năm tuổi sắp “hái bạc triệu”.

Ngày về xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước), chúng tôi được biết ông Phương là một trong những người có công đưa cây mít Thái về trồng và đạt hiệu quả cao ở ấp Mỹ Lộc.

Đó là vào năm 2014, sau khi trồng thử nghiệm 2 cây mít Thái trước nhà cho kết quả tốt (trồng 2 năm cho trái chiếng), ông quyết định chuyển toàn bộ 1,2 ha đất trồng khóm nhiều năm không còn cho năng suất cao sang trồng mít Thái.

Từ đây, ông sang Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) mua giống và vào tận vườn để tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những người dân trồng mít Thái ở đó để về áp dụng có hiệu quả trên vườn nhà.

Đến đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy vườn mít Thái trồng trên vùng đất Đồng Tháp Mười vẫn có thể tốt tươi không thua mít trồng trên vùng đất ven sông Tiền của huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy quanh năm nước ngọt, phù sa.

Theo đó, trên mặt liếp rộng 5 m, ông trồng cây cách cây 3 m. Do đặc thù của cây ăn trái nên mặc dù có ô đê bao lớn của huyện bao quanh và trạm bơm điện chống ngập úng vào mùa mưa, lũ, nhưng ông vẫn đắp ô bao nhỏ quanh vườn nhà và lắp đặt máy bơm nhỏ sẵn sàng bơm rút nước trong mương vườn ra kinh lớn để lúc nào cũng giữ cho mặt liếp cao hơn mặt nước trong mương vườn.

Đồng thời, ông lắp đặt hệ thống tưới phun để tưới nước cho cây trong mùa nắng. Ông Phương cho biết, trồng mít ít tốn công chăm sóc hơn cây khóm, hay cây có múi. Điều quan trọng là không lạm dụng bón nhiều phân hóa học để “thúc cây, thúc trái”, mà bón nhiều phân hữu cơ.

Cũng không “tham” để nhiều trái trên cây (thường mỗi cây từ 2 - 3 trái), để cây cho trái to, không bị suy sau thu hoạch ảnh hưởng đến năng suất trái vụ sau. Nếu có công thì nên bao trái để phòng, chống sâu bệnh, trái đẹp.

Nhờ được chăm sóc tốt, nên chỉ sau 2 năm trồng (2016) vườn mít Thái của ông Phương đã cho trái chiếng. Đến năm thứ 3 và thứ 4 (năm 2017 và 2018), vườn mít đã “đãi” công người trồng “ngoài mong đợi”, với mỗi cây cho thu hoạch từ 2 - 3 trái to, đẹp và bán được giá cao.

Theo đó, mít Thái loại 1 (9 kg trở lên) có giá 60.000 đồng/kg, loại 2 (từ 7 - 8 kg) 50.000 đồng/kg, loại 3 (từ 5 - 7 kg) 40.000 đồng/kg, loại 4 (dưới 5 kg) từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.

Nhờ vậy, 2 năm qua, mỗi năm ông đều bán mít tại vườn cho các mối lái ở xã Long Khánh (TX. Cai Lậy) thu được hơn 450 triệu đồng. Theo ông Phương, trồng mít Thái cho lãi gấp hơn 7 lần so với trồng khóm.

Mải mê với chuyện lập vườn của ông Phương trên vùng đất mới đến chiều không hay, chúng tôi đành chia tay ông với lời hẹn trở lại khi vườn cho thu hoạch rộ và sẽ thưởng thức vị ngọt, hương thơm lừng của mít Thái múi vàng tươi ươm trồng trên vùng đất Đồng Tháp Mười.

Còn từ giờ tới đó, tuy vườn mít Thái chưa vào mùa thu hoạch, nhưng theo ông Phương, trong vườn hiện có một số cây cho trái sớm, mít đang có giá cao nên ông cũng có nguồn thu đáng kể từ tiền bán mít.

NGỌC LAN

Đồng Tháp: Nông dân huyện Lai Vung phấn khởi vì giá mận tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời điểm hiện tại, nông dân trồng mận trên địa bàn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) rất phấn khởi vì giá mận đang tăng.

Nông dân trồng mận tại huyện Lai Vung phấn khởi vì giá mận tăng

Tại xã Vĩnh Thới và xã Phong Hòa, hiện mận được nhiều nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây với giá 14.000 - 15.000 đồng/kg (loại 1), loại 2 giá 10.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với năm trước. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lời hơn 4.000 đồng/kg.

Theo nhiều nông dân trồng mận tại huyện Lai Vung, nguyên nhân khiến mận tăng giá là do gần đây nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu tăng.

Ngoài ra, những năm qua, nông dân trồng mận trên địa bàn huyện đã biết áp dụng phương pháp trồng trùm mùng nên hạn chế được việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng an tâm hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên thị trường tiêu thụ mạnh hơn.

Trang Huỳnh

Trồng cam thâm canh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Từ cuối năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình trồng cam thâm canh theo phương thức hữu cơ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên địa bàn 4 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Triệu Phong với tổng diện tích 10 ha. Đến nay, những vườn cây cam Vinh được trồng thử nghiệm đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng…

Cây cam Vinh được trồng thâm canh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh

Mới 9 giờ sáng, ông Phan Văn Luy (60 tuổi) ở thôn 1B xã Hải Thái, huyện Gio Linh đã ra vườn kiểm tra từng ống nước tưới nhỏ giọt được nối đến từng gốc cây cam đang độ lớn. Cạnh đó, vợ và con trai lớn của ông cần mẫn đào đất, rải phân để trồng dặm thêm những cây cam mới. Đầu tháng 9/2018, được chính quyền địa phương cho mượn 0,5ha đất đồi, ông Luy trồng thử nghiệm giống cây cam Vinh. Bước đầu, ông Luy được hỗ trợ 100% cây giống, 50% kinh phí đầu tư vật tư phân bón và 75% hệ thống nước tưới, còn lại ông tự bỏ tiền đối ứng khoảng 100 triệu đồng để đầu tư thêm hệ thống điện, hàng rào và công làm đất. “Đây là giống cây mới nên chúng tôi tuân thủ đúng theo quy trình kĩ thuật trồng đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Trên diện tích 0,5 ha, tôi trồng với mật độ 700 cây/ha, cây cách cây 3,5m, hàng cách hàng 4m…”, ông Luy nói.

Liền kề với thửa đất của ông Luy là vườn cam của ông Võ Viết Dũng (51 tuổi), trú tại thôn 4B. Cũng như ông Luy, trước khi trồng giống cam mới này, ông Dũng cùng nhiều người khác ra thành phố Vinh, Nghệ An để tham quan các mô hình trồng cam Vinh và tham gia nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng cam, xử lí đất và bón phân cho cây… “Chúng tôi phải lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để đảm bảo đủ độ ẩm cho cây. Cách 2-3 ngày, tưới nước 1 lần, mỗi lần tưới khoảng 3 giờ. Bên cạnh đó, vì trồng cam theo hình thức thâm canh hữu cơ nên chúng tôi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Từ quy trình làm đất, bón phân để trồng cây và tỉa cành, chúng tôi đều thực hiện theo quy trình kĩ thuật mà cán bộ nông nghiệp đã hướng dẫn. Hiện tại, cây đang lên rất tốt và đều đẹp”, ông Dũng chia sẻ.

Ở xã Hải Thái, ngoài ông Luy và ông Dũng còn có 2 hộ khác tham gia mô hình trồng cam thâm canh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt là hộ ông Nguyễn Lưu ở thôn 5B và hộ ông Phạm Quý Chỉ ở thôn 2B. 4 hộ này trồng cam thâm canh trên diện tích 2 ha được chính quyền địa phương cho mượn đất. Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh cho hay, khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, xã quyết định chọn ra 4 hộ trên để trồng thử nghiệm giống cây cam Vinh vì thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây khá phù hợp. 2ha này trước đây là đất trồng cao su của nông trường nên để trồng cây cam, các hộ dân đã thuê máy san ủi đất, tạo mặt bằng rồi chủ động làm hàng rào, nối trụ điện và hệ thống nước tưới để phục vụ canh tác. Theo qui trình kĩ thuật thì trong 3 năm, cây cam sẽ cho thu hoạch bói lứa đầu tiên. Nếu giống cây này đạt hiệu quả thì địa phương sẽ nhân rộng và khuyến khích người dân mở rộng diện tích.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Trung Hậu cho biết, mô hình trồng cam thâm canh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được triển khai trên địa bàn 4 huyện với diện tích 10 ha từ nguồn vốn của 2 chương trình, đó là chương trình khuyến nông trung ương và chương trình nông thôn mới. Đối với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến nống trung ương, người trồng cam sẽ được hỗ trợ 100% về cây giống, 50% kinh phí vật tư phân bón và 75% hệ thống nước tưới. Toàn tỉnh có 12 hộ thuộc 3 xã: Hải Thái (Gio Linh), Cam Thành (Cam Lộ) và Hướng Tân (Hướng Hoá) trồng thử nghiệm trên 5ha. Trong 5 ha này, có 2 ha ở xã Hải Thái và xã Cam Thành được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt… Đối với chương trình nông thôn mới, có 4 hộ ở xã Triệu Thượng (Triệu Phong) trồng giống cam Vinh trên diện tích 5 ha. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 50% cây giống, 30% vật tư phân bón thiết bị.

Để nâng cao hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo kĩ thuật sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục hoặc đã được ủ bằng các chế phẩm vi sinh; kĩ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, ra hoa đúng quy trình; bón phân ở từng thời kì sinh trưởng của cây; nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại; giữ ẩm cho cây trong mùa khô hạn; kĩ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…

“Qua thời gian triển khai cho thấy cây sinh trưởng tốt. Đặc tính cây cam Vinh nếu được chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao, số quả bình quân 25 quả/cây, trọng lượng quả bình quân 4 quả/kg. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả xã hội. Đó là tác động tích cực về mặt nhận thức, giúp hộ tham gia mô hình cũng như các hộ trồng cam lân cận thay đổi tập quán canh tác”, ông Hậu cho biết thêm.

Trần Tuyền

Chủ động ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn cho vùng ÐBSCL

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Theo các nhà khoa học, tại ÐBSCL, hạn hán ngày càng hiện hữu ở các con sông, kênh, rạch; xâm nhập mặn đang lấn sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Các địa phương trong khu vực ÐBSCL cần chủ động ứng phó, triển khai các biện pháp công trình và phi công trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…

Cống giữ nước ngọt, ngăn mặn được xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Cảnh báo khô hạn

Những tháng đầu năm 2019, hiện tượng El Nino đang có khuynh hướng quay trở lại theo chu kỳ khiến cho tình hình thời tiết khắc nghiệt hơn, khô hạn, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện. Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, vào tháng 3-2019, mặn sẽ xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Trong tháng 5, nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông sẽ vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6. Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, ĐBSCL không chỉ bị uy hiếp mà còn chịu những tổn thất nặng nề từ hạn mặn.

Tại TP Cần Thơ, ngay thời điểm này, vào những ngày nước kém, mực nước trên sông, rạch xuống thấp làm ảnh hưởng đến tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản của người dân. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: "Nắng nóng kéo dài, mực nước trên sông rạch ngày càng xuống thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kinh nghiệm của tôi, với tình trạng này, những tháng tới khô hạn có thể xảy ra, sản xuất lúa, rau màu sẽ gặp khó khăn hơn".

Ở huyện Đông Hải, một trong những vùng nuôi tôm sinh thái trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, người dân địa phương đang lo lắng vì khô hạn, xâm nhập mặn liên tục tăng cao, dẫn đến dịch bệnh phát sinh, lây lan hàng trăm héc-ta đất nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến làm dịch bệnh phát triển. Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đông Hải, thời gian tới, độ mặn tiếp tục tăng cao, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ diễn biến khó lường.

Theo ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, những tháng đầu mùa khô, huyện đã tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, tránh khô hạn; điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước một cách hợp lý, hiệu quả trên địa bàn.

Tại TP Cần Thơ, công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng được ngành nông nghiệp thành phố, các quận, huyện tập trung thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Năm 2019, thành phố tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, như: phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng chống sạt lở các sông, rạch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Ngành nông nghiệp thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn… để triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng cứu kịp thời, có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do khô hạn gây ra; phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng sản xuất của người dân".

Còn ở Hậu Giang, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân. Theo đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2019. Đặc biệt, khi độ mặn ngoài sông, kênh đạt mức 1,5%o thì địa phương xây dựng các đập thời vụ cải tiến để ngăn tất cả các dòng kênh chảy vào đồng tại các khu vực bị nhiễm mặn…

Cần giải pháp căn cơ

Hiện nay, ở các tỉnh ven biển duyên hải như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng lấn sâu hơn so với năm 2018. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng nhanh hơn, nước ngọt giảm đi nhiều, đặc biệt ở thượng nguồn Tứ giác Long Xuyên nước ngọt mất đi khá nhanh.

Lý giải thêm cho tình trạng khô hạn ngày càng khốc liệt, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, ngoài biến đổi khí hậu còn có yếu tố con người gây ra. Việc chúng ta tập trung sản xuất lúa và các loại hoa màu tiêu hao nhiều nước ngọt khiến cho mực nước bị mất cân bằng. Khi nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm thì buộc người dân phải lấy nước ngầm phục vụ sản xuất, khi đó tình trạng lún sụt gia tăng hơn, kéo theo nguồn nước mặn đi sâu vào đất liền. Ngoài ra, năm nay một số đập thủy điện tích nước ở thượng nguồn khiến cho nguồn nước ngọt sẽ về ĐBSCL ít hơn, càng ngày càng khó khăn hơn cho sinh hoạt, sản xuất, nuôi thủy sản của người dân đồng bằng.

TP Cần Thơ cũng đang triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, thành phố hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại các vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Qua đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước cho mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát lũ và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi... Với quy hoạch này, TP Cần Thơ được chia thành 7 vùng thủy lợi cơ sở: vùng I (vùng Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh); vùng II (vùng Cái Sắn - Thốt Nốt), gồm cả khu vực đô thị; vùng III (vùng Thốt Nốt - Ô Môn); vùng IV (vùng Ô Môn - Xà No); vùng V (vùng Bình Thủy - Ninh Kiều) khu vực đô thị; vùng VI (vùng Nam Cái Răng); vùng VII (khu vực cù lao Tân Lộc và cồn Sơn)... khi hình thành các vùng thủy lợi, TP Cần Thơ sẽ từng bước thích ứng và giảm tác hại do hạn hán, biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai.

PGS-TS Lê Anh Tuấn đưa ra giải pháp là các tỉnh khu vực ĐBSCL nên giảm trồng lúa, vì giảm trồng lúa sẽ hạn chế sử dụng nước ngọt. Lúa sản xuất ít lại nhưng tập trung vào sản xuất lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, để tiết kiệm và giữ nguồn nước ngọt PGS-TS Lê Anh Tuấn cũng khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước càng nhiều càng tốt; những vùng trũng cần tìm mọi cách trữ nước, giữ lại nước. Vụ hè thu 2019 sắp tới, nếu thấy không hiệu quả thì các địa phương trong vùng cần mạnh dạn giảm bớt diện tích sản xuất lúa. Các vùng ven biển, không nên tiếp tục canh tác lúa, nên duy trì và phát triển mạnh mô hình lúa - tôm…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Vĩnh Long: Nhóm 3 cây, 3 con vào Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Ngày 6/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Long có Quyết định 527 về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Long, với nhóm 3 cây, 3 con cụ thể.

Đó là, nhóm sản phẩm trồng trọt gồm cây lúa, khoai lang, cây có múi (bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành); nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm heo, bò; nhóm sản phẩm thủy sản là cá (cá tra, rô phi).

Việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để các ngành, các cấp tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt là việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, đưa công nghệ cao vào sản xuất, vào nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm hàng cấp tỉnh… phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương và đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp- PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện- thị- thành tổ chức công bố thông tin rộng rãi để quảng bá, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại và hỗ trợ liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

LÝ AN

Hội thảo xác định lại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Cà Mau

Nguồn tin:  CTV Cà Mau

Tôm – Gỗ – Lúa chất lượng cao và con Cua, dự kiến sẽ là 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Cà Mau trong giai đoạn tới. Kết quả này dựa trên sự thảo luận và có sự thống nhất của các nhà khoa học, đại diện ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thành phố Cà Mau tại Hội thảo xác định lại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Cà Mau do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn ra ngày 07/3.

Việc thống nhất lựa chọn ngành hàng chủ lực của tỉnh được dựa trên 4 tiêu chí ưu tiên, đó là: Tiềm năng phát triển, giá trị – quy mô ngành hàng, lợi thế cạnh tranh và ảnh hưởng của ngành hàng được lựa chọn đối với đời sống của Nhân dân. Trong 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực vừa được xác định, 3 sản phẩm là Tôm – Gỗ – Lúa chất lượng cao cũng nằm trong danh sách 13 sản phẩm chủ lực của cả nước vừa được công bố. Riêng ngành hàng chủ lực đặc thù của tỉnh là con cua, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức lại sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và thương hiệu Cua Năm Căn Cà Mau.

Mặt hàng chuối được đưa ra khỏi danh sách ngành hàng chủ lực do diện tích cây chuối chất lượng cao mới chỉ đạt 300 ha, 500 ha còn lại chủ yếu là diện tích chuối tự nhiên, chuối truyền thống chưa mang lại giá trị kinh tế cao, công tác liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm còn quá khó khăn.

Việc tham vấn ý kiến của các sở, ngành, địa phương và chuyên gia trong việc xác định lại ngành hàng nông nghiệp chủ lực sẽ là cơ sở tiền đề để Cà Mau hoàn thiện điều chỉnh đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung chỉ đạo phát triển trọng tâm trong thời gian tới./.

PV: Phạm Thư

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop