Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 13 tháng 9 năm 2019

Chợ phiên nông sản TPHCM: Phát hiện và tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Sáng 10-9, Chợ phiên Nông sản lần thứ IX năm 2019 gắn với Chương trình “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thành phố” do Hội Nông dân TPHCM phối hợp cùng nhiều sở, ngành đã khai mạc tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Chợ phiên sẽ diễn ra đến hết ngày 16-9, đến tham dự có đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.

Chợ phiên nông sản TPHCM lần thứ 9 thu hút nhiều sản phẩm chủ lực của Thành phố

Trải qua 8 lần tổ chức, Chợ phiên nông sản đã thu được nhiều kết quả tích cực, tổng doanh thu các kỳ chợ phiên đạt trên 71 tỷ đồng, ký kết hơn 80 hợp đồng với giá trị 14 tỷ đồng. Chợ phiên năm nay có trên 200 gian hàng đến từ các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nam Bộ, giới thiệu, quảng bá các thành tựu của ngành nông nghiệp đô thị và các tỉnh thành khác; từ đó trở thành nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; trở thành cầu nối giúp nông sản, nhà sản xuất thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Hơn 200 gian hàng đến từ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác của Thành phố, các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nam Bộ

Những sản phẩm trưng bày tại chợ phiên do những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là những mô hình ứng dụng công nghệ cao. Cũng trong lễ khai mạc, tổ chức chương trình lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được bình chọn cho 24 nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã gồm sản xuất bánh tráng, hoa lan, cây mai, cá kiểng, sữa, yến sào, cây bonsai…

Nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố, công ty Ba Huân phát triển với nhiều nhà máy, trang trại

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, cho hay thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú, tôi tin tưởng rằng Chợ phiên nông sản lần thứ 9 sẽ tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và người nông dân tiếp cận, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu lẫn nhau và của người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cùng với Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai trao tặng bằng khen cho doanh nghiệp

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trao bằng khen tôn vinh doanh nghiệp

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, nhờ vậy mà phát hiện và tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP, sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ sinh học; động viên, khích lệ sáng tạo những sáng chế của người nông dân, nhà khoa học, các viện trường, các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo hợp đồng, chuỗi giá trị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành dần các vùng sản xuất hàng hoá nông sản chất lượng cao.

Người nông dân chuyên nghiệp với việc xây dựng thương hiệu, khẳng định thương hiệu có uy tín để tham gia mở rộng và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

THANH HẢI

Lục Ngạn thâm canh cây có múi: Thay đổi cơ cấu giống, tăng diện tích sản xuất sạch

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Năm 2019, diện tích cây có múi của Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đạt 6.740ha, tổng sản lượng ước đạt 58 nghìn tấn, tăng khoảng 5 nghìn tấn so với năm 2018. Hiện Lục Ngạn đang chỉ đạo tăng diện tích thâm canh theo quy trình sản xuất sạch, cơ cấu lại giống và thay đổi kỹ thuật trồng, hướng tới xuất khẩu.

Tập trung thâm canh

Hộ ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải trồng hơn 10ha cây ăn quả. Trong đó, có 6ha bưởi da xanh, 2 ha cam đường, còn lại là những loại cây khác. Ông Hữu tâm sự, do cam, bưởi được giá nên nhiều nhà vườn tại Lục Ngạn để lượng trái quá nhiều khiến tuổi thọ cây rút ngắn, nhanh thoái hóa.

Thương lái Trung Quốc đến thu mua bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải.

Rút kinh nghiệm từ các hộ này nên 100% diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cam, bưởi được ông trồng theo quy trình VietGAP, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng chăm sóc cây hoàn toàn có nguồn gốc hữu cơ. Khoảng cách giữa các cây luôn bảo đảm kỹ thuật, do đó cây không bị vóng và ít sâu bệnh, đất không bị bạc màu nhanh. Ngoài ra, ông còn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới bán tự động đến toàn bộ diện tích cây trong vườn.

Vì thế, bưởi, cam của ông Hữu luôn cho chất lượng thơm ngon. “Năm 2018 thương lái Trung Quốc đã đến thu mua toàn bộ bưởi của gia đình tôi với giá cao hơn mức trung bình toàn huyện 2 nghìn đồng/kg, tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng”, ông Hữu khoe.

Với cùng cách làm của ông Hữu, hộ ông Trần Văn Trụ, thôn Xẻ Cũ; ông Lý Văn Bảo, thôn Mịn To, xã Trù Hựu năm nay cũng hứa hẹn “trúng lớn” vì có những vườn quả đẹp.

Tuy vậy, nhiều vườn cây có múi trong huyện do khai thác lâu năm đã thoái hóa, năng suất thấp. Ông Chu Văn Khải, thôn Sàng Nội, xã Tân Quang, ông Khải cho hay, mặc dù hơn 1ha cam, bưởi của gia đình mới trồng được 7 năm nhưng nhiều cây đã còi cọc, cho trái ít, chất lượng không cao. Hiện ông đã trồng thay thế khá nhiều cây mới, trong đó có cả giống bưởi Phúc Kiến.

Không chỉ hộ ông Khải, hiện trong xã Tân Quang có nhiều hộ do trước đây khai thác quá mức nên ngoài giống cây bị thoái hóa thì đất cũng cằn cỗi và đã nhiễm mầm bệnh. Ông Dương Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, xã đã khuyến cáo người dân không trồng cây có múi đại trà, phải chọn đất thích hợp mới trồng.

Ngoài ra, xã cũng chỉ đạo các thôn hướng dẫn người dân bổ sung thêm các loại cây ăn quả khác như na Thái Lan hoặc quay trở lại trồng vải thiều sớm trên diện tích đất đã phá bỏ cây có múi.

Xây dựng các mô hình giống mới

Cách đây hơn 10 năm khi cây có múi cho những trái đầu tiên trên đất Lục Ngạn, cam đường có giá lên tới 80 nghìn đồng/kg, bưởi từ 30 đến gần 100 nghìn đồng/quả. Nhưng nay, giá những loại quả này chỉ đạt một nửa. Nguyên nhân là do diện tích trồng cây có múi của huyện ngày một nhiều, người dân lại chủ yếu dùng phân hóa học để chăm sóc khiến cây và đất dần bị thoái hóa, chất lượng sản phẩm suy giảm. Cùng đó, thị trường tiêu thụ các loại quả này phần lớn là trong nước, lượng xuất khẩu rất ít.

Ông Trần Văn Trụ, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải chăm sóc cam.

Nhằm thâm canh cây có múi bền vững, hướng đến xuất khẩu, huyện Lục Ngạn đang tiến hành xây dựng mô hình trồng thử nghiệm 15ha tại xã Phượng Sơn và Biên Sơn bằng các giống cam mới: BH, CT36 của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.

Hai giống cam này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cam khác như: Ít hạt; kháng được bệnh nhện đỏ, vàng lá chè; chín sớm, quả còn xanh đã rất ngọt, có thể bán rải vụ. Đặc biệt, cam BH quả đơn, to (chỉ 4 quả/kg), năng suất cao.

Về chất lượng, cam BH và CT36 được đánh giá cao nhờ màu sắc quả khi chín vàng rực trông rất bắt mắt; có hương thơm, vị ngọt thanh… Trong khi đó, cam đường, cam lòng vàng (hiện được trồng phổ biến tại Lục Ngạn) lại có hình thức không đồng đều, dễ nhiễm bệnh, nhiều hạt… nên không phù hợp cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ và phân vi sinh để sản xuất an toàn, bền vững. Toàn huyện đã có 1,8 nghìn ha cây có múi được sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, tăng hơn năm ngoái 500ha.

Đồng thời, hướng người dân thay đổi kỹ thuật canh tác, trồng mật độ cây phù hợp, bảo đảm dinh dưỡng, ánh sáng… để cây sinh trưởng tốt hơn, chu kỳ cây kéo dài, giảm chi phí sản xuất. Huyện cũng định hướng người dân ứng dụng KH-KT, tăng năng suất lao động.

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây cam và bưởi Lục Ngạn. Có được điều này sẽ giúp cho việc bảo hộ hàng hóa và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dẫn tới tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Thế Đại

Thu nhập cao từ trồng cây bơ ghép chín muộn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chỉ với hơn 1 sào đất nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, thời gian qua, từ thành công với mô hình trồng cây bơ ghép chín muộn, ông Phạm Văn Tĩnh (Tổ 26, Liên Nghĩa, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. Mô hình trên không những giúp gia đình tăng thu nhập mà còn là điểm đến để học tập của nhiều người dân trong khu vực.

Giống bơ 034 thì có nhiều người trồng, nhưng cho quả hơn 1 kg/quả và dài gần nửa mét như bơ do ông Tĩnh trồng thì thuộc hàng hiếm!

Vợ chồng ông Phạm Văn Tĩnh vốn gắn với nghề buôn bơ vài chục năm nay; các con của ông bà được ăn học đến nơi đến chốn cũng từ những đồng tiền thu được từ nghề buôn bơ của cả hai ông bà. Cũng vì quá quen thuộc với cây bơ nên loại bơ nào ngon, loại bơ nào dở, ông bà chỉ cần nếm thử là đã biết được ngay. “Năm 2009, sau nhiều năm theo nghề buôn bơ, trong một lần đi mua bơ của một người dân ở Ka Đô, huyện Đơn Dương, tôi mới thấy giống bơ đó thật sự rất ngon. Vậy là vợ chồng tôi quyết định lấy giống của loại bơ đó về ghép với cây bơ của nhà mình” - ông Phạm Văn Tĩnh nói về “duyên” đến với nghề trồng và ươm giống bơ của hai vợ chồng ông bà.

Mặc dù đã đi và viết về loại cây trồng này cũng khá nhiều, nhưng khi được ông Tĩnh và vợ dẫn tham quan một vòng vườn ươm và vườn bơ xung quanh nhà ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, “mắt tròn, mắt dẹt”, khi được chứng kiến những cây bơ lúc lỉu quả, có trái bơ dài gần cả nửa mét, nặng cả ký, cây nào vợ chồng ông cũng phải dùng cây chống và dây để kéo lên, nếu không, trái sẽ bị sà xuống tận đất hoặc bị gãy cành. Sau khi chúng tôi đã “mãn nhãn”, ông Tĩnh mới chậm rãi giới thiệu từng loại bơ trong vườn, gồm giống bơ Booth, bơ 034 và giống bơ tứ quý ra trái mùa mà ông đã bỏ nhiều công sức ghép được và đã cho thu hoạch được 6, 7 năm nay. “Loại bơ mới ghép này tôi đặt tên là bơ ông Tĩnh và đã cho thu hoạch 6-7 năm nay, mỗi năm tầm 2 tạ/cây, với thu nhập trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/cây và hiện trong vườn có khoảng 20 cây giống này. Đây là loại bơ vừa vàng, dẻo và thơm, ngọt rất đặc biệt nên tháng 7 vừa rồi tôi quyết định gửi đăng ký thương hiệu lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài Bộ cũng vừa gửi máy dán tem thương hiệu vào cho tôi và họ hẹn khoảng cuối tháng này sẽ có giấy công nhận thương hiệu tạm thời gửi vào và một hoặc hai năm sau sẽ được công nhận chính thức” - ông Tĩnh thông tin.

Ông Tĩnh cũng cho biết thêm, bơ là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt với cả đất nghèo dinh dưỡng, chống chịu được hạn hán. Trồng bơ chỉ vất vả 3 năm đầu, còn đến lúc được thu hoạch thì chỉ việc bón phân, tỉa cành... Và các giống bơ đều được ông dùng phân vi sinh, sinh học để chăm bón. Tuy nhiên, để nhân giống thành công được giống “Bơ ông Tĩnh”, ông cũng phải trải qua nhiều lần thất bại, lúc thì quả không đạt do các loại bệnh trên cây bơ như rệp sáp, nhện đỏ, bọ xít muỗi… hoặc có khi nhiều nước quá, cây bơ cũng không chịu. Ngoài ra, ông rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng bơ đi trước, hễ nghe đâu có cây bơ ngon là ông lại tìm đến để học thêm kinh nghiệm chăm sóc, bón, tỉa…

Vừa giới thiệu cho chúng tôi đặc tính, cách chăm sóc từng loại bơ trong vườn, ông Tĩnh vừa cho biết thêm, trong tổng diện tích hơn 1 sào đất trong vườn, ông dành 400 m2 làm nhà kính ươm giống “Bơ ông Tĩnh” để bán và cũng để trồng thử nghiệm 3 giống bơ trên. Và điều đặc biệt là các loại bơ ông trồng trong nhà kính ngoài đặc tính kháng bệnh tốt, thì mỗi năm cây đều cho ra 2 vụ/năm. Ông cũng hào hứng “khoe thêm”, hiện cây giống “Bơ ông Tĩnh” được ông ươm khoảng 10.000 cây giống, trong số này, có người đã đặt 4.000 cây, với giá trung bình 60 ngàn đồng/cây. Ngoài cây “Bơ ông Tĩnh” và bơ 034 cho trái trung bình 8 lạng - 1 kg hoặc hơn 1 kg/quả, đang cho thu hoạch thì cây bơ Booth vào vào cuối tháng 10 âm lịch mới cho thu hoạch trái mùa. Và tất cả các loại bơ nhà ông đều cung không đủ cầu, mặc dù giá luôn cao gấp đôi so với thị trường.

Trong khoảng thời gian chúng tôi đến thăm vườn nhà ông, người tìm đến mua bơ và cây giống cũng khá nhiều. Anh Vòng Thành Hổ (xã Mê Linh, Lâm Hà) là một trong số người khách đó, anh cho biết: “Tôi có bà con đã mua giống của vợ chồng ông Tĩnh vài năm nay, riêng tôi trước khi quyết định đến đây mua giống về trồng thì cũng đã ghé mua bơ về ăn thử. Nói thật, ngoài thị trường giá bơ chỉ khoảng 40-50 ngàn đồng/kg, nhưng bơ ông Tĩnh bán 100 ngàn đồng/kg, quả là hơi đắt, nhưng ăn rồi mới biết là cũng đáng đồng tiền nên hôm nay tôi quyết định đến đây mua giống về trồng và cũng học hỏi thêm ông về cách chăm sóc cây bơ”.

THY VŨ

Nâng tầm cho bưởi Năm Roi Bình Minh

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Là loại trái mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, nhiều năm qua, bưởi Năm Roi Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) luôn được nông dân chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở hơn. Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn thị xã chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Việc phát triển trồng bưởi Năm Roi Bình Minh còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng. Ảnh: Tuyết Hiền

Yêu cầu cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Bình Minh- cho biết: TX Bình Minh có diện tích trồng bưởi Năm Roi trên 2.000ha, ở 2 xã Mỹ Hòa và Đông Thành, cung cấp cho thị trường 24.000 tấn bưởi/năm.

So với các loại giống cây trồng khác, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Năm Roi mang lại luôn cao và ổn định. Với năng suất bình quân 30 tấn/ha, giá bán trong các năm qua luôn ổn định, thu nhập của nông dân từ cây bưởi cao gấp 7- 9 lần so với trồng lúa. Điều này giúp nông dân trồng bưởi yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Dân, việc phát triển cây bưởi Năm Roi trên địa bàn TX Bình Minh có nhiều thuận lợi như cơ bản đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Hệ thống giao thông vận chuyển mua bán sản phẩm bưởi dễ dàng, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. “Đây là điều kiện thuận lợi so với các vùng trồng bưởi khác. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, bưởi Năm Roi Bình Minh chưa rơi vào tình trạng “thừa hàng, ế chợ” hay trúng mùa, mất giá”- ông nói thêm.

Thời gian qua, để hỗ trợ phát triển cây bưởi Năm Roi, các dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã có sự chuyển hướng tích cực từ việc chỉ tập trung nâng cao năng suất, phòng trừ dịch bệnh chuyển dần sang nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, tập trung về mặt xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, xây dựng nhãn hiệu và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn GlobalGAP, VietGAP, hiệu quả mang lại rất khả quan, giá bán luôn cao hơn bên ngoài, được nông dân đồng tình ủng hộ cao.

Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn thị xã chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, sức cạnh tranh, giá trị tên tuổi trên thị trường có chiều hướng giảm, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Dù đã hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn nhưng quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, điều này gây khó khăn khi cần áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác thống nhất để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã.

Bên cạnh đó, theo Sở Khoa học- Công nghệ, công tác quản lý và phát triển chưa tốt, hầu hết các loại bưởi từ các nhà vườn đều được thương lái “gắn mác” bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hoặc bưởi Năm Roi Bình Minh.

Lợi dụng sự khó nhận biết, một số cơ sở thu mua đã trà trộn bưởi trồng ở các nơi khác, thậm chí móc nối với các nhà vườn đánh đồng các loại nông sản trôi nổi với bưởi Năm Roi Bình Minh và đẩy giá thành bưởi lên cao.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm, giữ vững và nâng cao thương hiệu bưởi Năm Roi Bình Minh trên thị trường, cần có sự vào cuộc quyết liệt và sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Trong đó, việc thực hiện dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh của tỉnh là yêu cầu cấp thiết.

Nâng tầm và phát huy danh tiếng bưởi Năm Roi Bình Minh

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng cao nên việc nông sản cần có chỉ dẫn địa lý càng cần thiết. Theo đó, Sở Khoa học- Công nghệ đã triển khai dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh cho các hộ dân trồng bưởi trên địa bàn thị xã.

Sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh cần được nâng tầm. Ảnh: THẢO NGUYÊN

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ cho hay: “Mục tiêu của dự án là thiết lập và vận hành được mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, góp phần đảm bảo chất lượng, phát huy danh tiếng của sản phẩm.

Đồng thời, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm bưởi Năm Roi, bảo vệ giá trị thương hiệu không thể nhầm lẫn với các sản phẩm khác của các vùng miền khác, bởi bưởi Năm Roi Bình Minh có đặc trưng ngọt thanh, không hạt, vỏ múi tróc. Do đó, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là rất quý”.

Ông Nguyễn Thành Chua- Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cũng cho rằng: “Chỉ dẫn địa lý cũng được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ tin tưởng hơn. Từ đó, thị trường tiêu thụ cũng sẽ được mở rộng hơn, “tiếng thơm” bưởi Năm Roi Bình Minh sẽ đi xa hơn”.

Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài.

Ông Nguyễn Trọng Danh: Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau. Dự án thực hiện thành công thì kết quả tham khảo rất lớn cho các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể khác của tỉnh như: cam sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, tàu hủ ky Mỹ Hòa… Đồng thời, các địa phương lân cận cũng có thể tham khảo mô hình và biện pháp hữu ích từ việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bình Minh”

THẢO NGUYÊN

Nhân giống thành công giống sầu riêng ruột đỏ

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sầu riêng ruột đỏ. ảnh: CTV

Theo một số cơ sở sản xuất giống cây ăn trái ở Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), sau 2 năm ươm nhân giống sầu riêng ruột đỏ MuSang King đến nay đã có cây con bán ra thị trường trong vùng ĐBSCL. Cây giống có in tên cơ sở sản xuất, đảm bảo chất lượng với nhà vườn. Lúc đầu giá bán 400.000 đồng/cây, nhưng hiện giảm còn 180.000-190.000 đồng/cây. Tuy nhiên, một số nhà vườn mua trồng thử giống mới sầu riêng ruột đỏ cho biết giá cây giống vẫn còn ở mức cao. Trong khi so sánh với giống cây sầu riêng Ri6 ruột vàng hiện giá 130.000-135.000 đồng/cây (cây có gốc đường kính cỡ 1,7-1,8cm). Riêng giống mít Thái siêu sớm vẫn còn sức hút khá với giá bán 25.000 đồng/cây đến 30.000 đồng/cây và 50.000 đồng/cây, tùy theo cây lớn nhỏ.

Theo nhiều cơ sở bán cây giống, tâm lý nhà vườn thường chuộng các loại giống cây trồng mới lạ, như: bưởi ruột đỏ, cam ruột đỏ, ổi ruột đỏ, nhãn tím… cho trái ngon và có sức mua mạnh trên thị trường. Thời gian qua trái sầu riêng ruột đỏ từ Malaysia nhập khẩu bán trên mạng Internet xấp xỉ 1 triệu đồng/trái và hiện nay vẫn còn ở giá cao 250.000-300.000 đồng/kg. Giống cây sầu riêng ruột đỏ này đã được ươm nhân giống thành công tại khu vực ĐBSCL và sẽ nhân rộng phát triển, trồng ở TP Cần Thơ và một số địa phương trong khu vực ĐBSCL, mang lại sự đa dạng sản phẩm cây trồng trong tương lai.

H.VĂN

Liên kết trồng khoai tây Doobak

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nông dân huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina xuống giống 30 ha khoai tây giống Doobak. Đây là giống khoai tây đến từ Hàn Quốc có đặc tính sinh trưởng tốt, có khả năng kháng bệnh, kháng virus, năng suất cao phù hợp với chế biến thực phẩm như khoai tây chiên. Công ty cung cấp giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, có cán bộ giám sát quy trình canh tác đồng thời thu mua củ thành phẩm với giá 9 ngàn đồng/kg. Liên kết trồng khoai tây giữa nông dân huyện Đức Trọng và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina là một thành công cho mối quan hệ doanh nghiệp - nông dân, đảm bảo an toàn cho đầu ra của nông sản.

D.Q

Những chuyển động để hội nhập của ngành hồ tiêu Đắk Nông

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Tại Đắk Nông, việc phát triển hồ tiêu thời gian qua chủ yếu chạy theo chiều rộng, phát triển "nóng" về diện tích mà chưa quan tâm nhiều đến đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng, ổn định năng suất.

Thống kê toàn tỉnh hiện có trên 32.700 ha hồ tiêu, năm 2018 sản lượng đạt 51.853 tấn. Diện tích hồ tiêu đã tăng hơn 3 lần so với định hướng quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh (quy hoạch là 10.000 ha).

Trang trại Duy Hùng, xã Đắk Ha (Đắk Glong) sản xuất 15 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu

Năm 2018 là năm dịch bệnh trên hồ tiêu lớn nhất những năm gần đây. Thống kê thời kỳ cao điểm vào tháng 11/2018, toàn tỉnh có 2.698 ha hồ tiêu bị bệnh, trong đó 1.569 ha bị chết, chiếm 4,7% so với tổng diện tích. Những tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh trên cây trồng này đã hạ nhiệt so với năm ngoái, diện tích tiêu nhiễm các bệnh khoảng 100 ha.

Để phát triển hồ tiêu bền vững, theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, tỉnh đang định hướng, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học. Phát triển các vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững đáp ứng các nhu cầu về liên kết với doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Qua thực tế nhiều mô hình ở các huyện, thị xã trong tỉnh cho thấy, việc phát triển theo hướng hữu cơ, sinh học vườn cây ít xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm bởi đất đai, môi trường được bảo vệ. Hơn thế, việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học sẽ giúp cho người trồng nâng cao được chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra mẫu của các vườn cây phát triển theo hướng hữu cơ, sinh học đều đạt và vượt các chỉ tiêu về hóa học, vi sinh vật, tạp chất, độ ẩm…

Với vai trò của mình, những năm qua, trong các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật, ngành chức năng đã đẩy mạnh việc tập huấn, xây dựng các mô hình về chương tình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Cấu thành nên IPM là hệ thống các biện pháp phòng ngừa về kiểm dịch thực vật, điều tra phát hiện các tác nhân lạ gây hại cây trồng và nông sản để có biện pháp bao vây tiêu diệt kịp thời. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh cũng đã có khoảng 8.000 ha tiêu được phát triển theo chương trình IPM, chiếm gần 1/4 diện tích hồ tiêu của tỉnh. Trong đó có 136, 6 ha ứng dụng công nghệ cao trong tưới nước, bón phân…

Theo bà Lê Thị Kim Liên, thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), gia đình bà đang sản xuất 5 ha hồ tiêu theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, hữu cơ. Quy trình này đã giúp vườn cây của bà hạn chế được các đối tượng dịch hại, cây sinh trưởng và phát triển khỏe hơn, giảm tỷ lệ rụng trái. Chi phí đầu tư cho vườn cây cũng giảm so với cách sản xuất lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 5 - 20 triệu đồng/ha, nhờ đó hiệu quả kinh tế cũng cao lên.

Không riêng gì bà Liên, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hộ nông dân chuyển sang sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học và đạt kết quả tốt. Mặc dù vậy, để mô hình sản xuất này trở nên phổ biến, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ đối với nông dân...

Bài, ảnh: Trần Lê

Mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm

Nguồn tin: VOV

Mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm mang lại thu nhập cao cho nông dân Bạc Liêu. Năm nay, tỉnh đã mở rộng diện tích sản xuất lên hàng nghìn ha.

Theo đó, năm nay tỉnh Bạc Liêu có kế hoạch gieo sạ hơn 39.000ha lúa trên đất nuôi tôm, tăng gần 2.000 ha so với năm ngoái. Thực hiện khung lịch thời vụ sản xuất của ngành nông nghiệp, những ngày qua, tranh thủ điều kiện thuận lợi, lượng mưa tương đối nhiều, nông dân đã xuống giống được hơn 1.000 ha. Hiện, phần lớn diện tích đang được bà con khẩn trương rửa mặn, cải tạo đất để tập trung gieo sạ vào giữa tháng 9 này.

Nông dân Bạc Liêu cải tạo đất chuẩn bị gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm.

Dự báo, năm nay, mực nước ngọt đầu nguồn đổ về thấp, mùa mưa kết thúc sớm nên ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên tranh thủ điều kiện thuận lợi, tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa trên đất nuôi tôm sớm để tránh tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở giai đoạn lúa cuối vụ.

Ban chỉ đạo điều tiết nước của tỉnh cũng đã vận hành hệ thống cống ngăn mặn vùng ngọt và vùng mặn. Các cống vùng mặn sẽ mở ra một chiều hoặc đóng lại. Các cống vùng ngọt hạn chế mở tiêu úng, xổ phèn vào những ngày triều cường và lấy nước mặn vào nuôi tôm vùng phía Nam Quốc lộ 1A.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, qua thực tế triển khai thực hiện mô hình lúa-tôm thời gian qua tại vùng phía Bắc Quốc lộ 1A cho thấy, mô hình này đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng xuất và lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15-30% so với độc canh lúa hoặc tôm.

Nếu chỉ độc canh con tôm như trước đây thì hiệu quả bình quân khoảng 45 triệu đồng/ha/năm nhưng khi kết hợp với trồng lúa thì hiệu quả tăng lên hơn 56 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận tăng thêm gần 11 triệu đồng/ha/năm./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Vĩnh Long: Khả năng nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn theo hướng an toàn thực phẩm

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Thu hoạch lươn nuôi

Nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi đối tượng và phương thức sản xuất để phù hợp với điều kiện của vùng đô thị và ven đô thị, trong hai năm 2018, 2019, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long triển khai dự án “Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng ứn

Trong các mô hình đã triển khai, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo hướng an toàn thực phẩm đạt hiệu quả thiết thực, đặc biệt tại thành phố Vĩnh Long, nông dân không những duy trì mô hình mà còn mở rộng quy mô nuôi.

Năm 2018, nhận thấy mô hình sản xuất này phù hợp để phát triển nông nghiệp đô thị, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân thành phố Vĩnh Long đã triển khai 5 điểm thực hiện mô hình, trong đó: phường 2 (01 điểm), phường 8 (03 điểm) và phường 9 (01 điểm). Các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ 2000 con lươn giống/điểm. Lươn giống hỗ trợ là con giống được sinh sản bán nhân tạo, đồng cỡ từ 12 – 15 cm/con (tương đương 200 - 300 con/kg). Các hộ dân được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thực hiện ghi chép nhật ký nuôi để làm cơ sở hạch toán kinh tế và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua thực hiện, mô hình thể hiện nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống: chi phí thấp hơn; việc quản lý, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của lươn thuận tiện hơn; môi trường nuôi tốt hơn, bệnh hại lươn ít phát sinh. Từ đó, góp phần đảm bảo tỷ lệ sống của lươn trong mô hình đạt tốt, trên 70%.

Sau 12 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 150-300g/con. Chất lượng lươn đạt an toàn, không có kháng sinh. Với giá bán bình quân 165 nghìn đồng/kg, trừ vốn đầu tư 22 triệu đồng, tại mỗi điểm nuôi, nông dân có lợi nhuận từ 12 triệu -14 triệu đồng.

Với hiệu quả đạt được, trong năm 2019, các hộ tham gia mô hình đã xây thêm bể, mở rộng quy mô nuôi. Hội Nông dân phường 8 đã giới thiệu cho nhiều nông dân trong phường được vay vốn để thực hiện mô hình.

Để các hộ nuôi mới nắm vững kỹ thuật, đồng thời tiến tới lập tổ sản xuất nuôi đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế này, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long sẽ tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi lươn thâm canh không bùn theo hướng an toàn thực phẩm nhằm giúp người dân địa phương phát triển kinh tế gia đình khi quỹ đất ngày cành đô thị hóa.

Kim Huệ - Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long

Lâm Đồng: Giá kén tằm giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, giá kén tằm dao động ở mức từ 100.000 - 115.000 đồng/1 kg, thấp hơn từ 20.000 - 30.000 đồng so với hơn 1 tháng trước.

Giá kén tằm giảm mạnh so với năm 2018 nhưng với mức giá 100.000 - 115.000 đồng/kg, người trồng dâu nuôi tằm vẫn có lãi

Mức giá này được cho là thấp nhất trong hơn 2 năm qua, vào thời điểm này năm ngoái, giá kén đạt từ 150.000 - 165.000 đồng/kg, cao nhất có thời điểm lên tới 220 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều người dân nuôi tằm, mức giá này không dưới giá thành sản xuất nên tính toán tiền trồng dâu, mua trứng giống, chăm tằm…thì trừ các chi phí vẫn có lãi.

Các hộ nuôi tằm cho biết, nguyên nhân của giá kén xuống thấp một phần là do 2 tháng nay trên địa bàn tỉnh mưa gió nhiều nên chất lượng kén tằm bị giảm sút. Ngoài ra, nguồn thu mua từ các thị trường, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc (theo đường tiểu ngạch) bắt đầu giảm, không còn sôi động như thời điểm trước và sau Tết năm 2019.

Hiện, theo thống kê tới đầu năm 2019, Lâm Đồng có trên 6.770 ha dâu, chiếm 67% diện tích dâu cả nước, sản lượng lá dâu đạt 124.660 tấn với sản lượng kén đạt khoảng 8.904 tấn, sản lượng tơ đạt 1.187 tấn. Toàn tỉnh hiện có trên 14.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, khoảng 10 đơn vị nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc (trên 90%) về cung ứng cho trên 100 hộ nuôi tằm con tập trung, 150 cơ sở thu mua kén tằm, 22 cơ sở ươm tơ, dệt lụa.

Địa phương trồng nhiều dâu nuôi tằm nhất hiện nay là huyện Lâm Hà (1.700 ha), huyện Đạ Tẻh (1.400 ha), huyện Đức Trọng (1.320 ha)…TP Bảo Lộc theo thống kê chỉ có khoảng trên 500 ha dâu tằm nhưng tập trung số lượng nhà máy ươm tơ, nhà máy dệt hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh.

C.THÀNH

Yên Bái: Hiệu quả mô hình nuôi vỗ béo bò thịt tại các vùng chăn nuôi chính

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên nên có nhiều lợi thế trong chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc của tỉnh vẫn còn phát triển chậm, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có nhiều trang trại chăn nuôi lớn; thức ăn chủ yếu là tận dụng cỏ tự nhiên và sản phẩm phụ trong nông nghiệp. Do vậy chất lượng đàn bò thương phẩm sau khi loại thải không cao dẫn đến giá trị thu nhập của các hộ chăn nuôi còn thấp.

Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên nên có nhiều lợi thế trong chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc của tỉnh vẫn còn phát triển chậm, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có nhiều trang trại chăn nuôi lớn; thức ăn chủ yếu là tận dụng cỏ tự nhiên và sản phẩm phụ trong nông nghiệp. Do vậy chất lượng đàn bò thương phẩm sau khi loại thải không cao dẫn đến giá trị thu nhập của các hộ chăn nuôi còn thấp.

Các hộ tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt; được hỗ trợ 50% thuốc thú y (để tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, sán lá gan); hỗ trợ 50% lượng thức ăn hỗn hợp đảm bảo độ đạm 16% (135 kg/con). Các hộ cũng được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo đúng các biện pháp kỹ thuật của mô hình, ghi chép đầy đủ số liệu theo dõi để đánh giá khả năng tăng trọng của bò trong từng khung trọng lượng/tháng.

Các hộ tham gia mô hình được cấp thuốc thú y

Đến nay mô hình đã mang lại những kết quả theo đúng yêu cầu mục tiêu của mô hình như: 100% các hộ tham gia đã biết áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt vào chăn nuôi; Chuồng trại luôn luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng theo đúng định kỳ, chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật; Khi đưa bò vào vỗ béo các hộ đã chủ động tẩy giun, sán trước 7 – 10 ngày mới cho ăn thức ăn hỗn hợp để đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho bò sinh trưởng, phát triển.

Khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thấy đàn bò tăng trưởng nhanh. Mô hình tại xã Đại Lịch, bò tăng trọng bình quân đạt 724 g/con/ngày; mô hình tại xã Cát Thịnh bò đạt 730gam/con/ ngày. Đàn bò không bị dịch bệnh nên ngoại hình đẹp, khối lượng thịt xẻ nhiều hơn, giá bán cao. Sau ba tháng vỗ béo lợi nhuận thu được từ 01 con bò sau khi trừ chi phí như thức ăn, thuốc thú y (chưa tính công lao động) lãi gần 2 triệu đồng/con, tăng trung bình 12,9% so hộ nuôi nuôi chưa áp dụng quy trình nuôi vỗ béo.

Từ quy mô hỗ trợ ban đầu 205 con với 70 hộ tham gia, sau thời gian triển hai đã nhân rộng thêm 52 con với 22 hộ tham gia. Thông qua mô hình bước đầu đã thay đổi nhận thức của nhân dân vùng khó khăn về hình thành một nghề mới là vỗ béo bò giúp tạo thu nhập ổn định, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bền vững. Mô hình được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cơ sở và các hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình đánh giá cao, có khả năng nhân rộng.

Ngô Đăng Sỹ - Trung Tâm Khuyến nông Yên Bái

Trang trại chăn nuôi quy mô lớn phải cách khu dân cư tối thiểu 400m

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Đây là quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về hoạt động chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, nguyên tắc xác định khoảng cách từ trang trại chăn nuôi đến đối tượng bị tác động là khoảng cách từ chuồng nuôi hoặc khu vực chứa chất thải chăn nuôi đến đối tượng bị tác động.

Đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 100 m; trường học, bệnh viện, chợ là 150m.

Đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 200 m; trường học, bệnh viện, chợ, đường giao thông chính, nguồn nước mặt là 300m.

Đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 400 m; trường học, bệnh viện, chợ, đường giao thông chính, nguồn nước mặt là 500m.

Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50m.

Quy định về quản lý chăn nuôi ong mật

Dự thảo nêu rõ, quy mô đàn đối với các điểm đặt ong từ 50 đàn trở lên đối với ong nội và từ 100 đàn trở lên đối với ong ngoại. Mật độ nuôi ong trên 01 ha có nguồn hoa không quá 60 đàn đối với ong nội và 40 đàn đối với ong ngoại.

Khoảng cách các điểm đặt ong tối thiểu giữa 02 điểm đặt ong nội là 01km; giữa 02 điểm đặt ong nội với ong ngoại và giữa 02 điểm đặt ong ngoại là 02 km.

Phương thức di chuyển, cây trồng, vùng hoa nuôi ong mật, sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng: Khi di chuyển đàn ong từ khu vực này sang khu vực khác phải di chuyển bằng phương tiện phù hợp; đàn ong phải có nguồn gốc rõ ràng và phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về thú y;

Nuôi ong mật có lợi cho cây trồng, sử dụng ong mật để thụ phấn cho cây trồng, không được xua đuổi ong mật dưới mọi hình thức.

KL

Lợi nhuận cao từ mô hình nuôi rắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Mô hình nuôi rắn của gia đình anh Lê Thanh Tuấn (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã mang lại lợi nhuận cao cho gia đình. Ảnh: NGỌC HÂN

Triển khai từ năm 2008, nhờ kiên trì, cần cù, chịu khó, đến nay gia đình anh Lê Thanh Tuấn ở khu phố 2 (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) đã gây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu thương phẩm (bán thịt và trứng), mỗi năm cho thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi rắn của vợ chồng anh Lê Thanh Tuấn để tận mắt thấy mô hình phát triển kinh tế của gia đình.

Vui vẻ rót nước mời khách, anh Tuấn không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề nguy hiểm và có phần đặc biệt này. Vợ chồng anh vốn làm nghề buôn bán rắn thương phẩm nên thường xuyên vào Nam ra Bắc. Năm 2008, qua một số bạn hàng, anh được tham quan các mô hình nuôi rắn hổ mang ở tỉnh Vĩnh Phúc, thấy hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm. Anh Tuấn quyết tâm học hỏi và trút hết vốn liếng tích lũy có được mua 200 con rắn hổ mang và ráo trâu về nuôi thử nghiệm. Sau thời gian nuôi, đàn rắn của gia đình bắt đầu sinh sản và cho xuất bán lứa đầu tiên. Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc nuôi rắn nên vợ chồng anh tiếp tục lấy vốn quay vòng mở rộng mô hình. Đến năm 2016, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi rắn rộng 300m2 với hơn 1.400 ô chuồng nuôi.

Dẫn khách vào tham quan các chuồng nuôi rắn, mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình, rợn tóc gáy khi thấy anh Tuấn rọi đèn pin mở cửa chuồng bắt ra một con rắn hổ mang. Bị làm phiền, con rắn dựng đầu, bành mang đe dọa nhưng anh làm việc này rất thành thạo, một tay nắm đuôi, một tay cầm móc ngoắc con rắn đưa ra xa, đề phòng nó quay đầu tấn công. Con rắn to bằng bắp tay người lớn, dài ngoằng, thở phì phì nên chúng tôi chỉ dám đứng từ xa quan sát và chụp ảnh.

Theo anh Tuấn, khác với kiểu nuôi truyền thống trước đây, các chuồng nuôi được xây dựng theo thiết kế hiện đại, được đóng xếp tầng từng ô để tiết kiệm diện tích và tiện cho việc chăm sóc và xuất bán; đồng thời được lắp đặt hệ thống phun sương làm mát, quạt thông gió đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè để rắn sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện trang trại của gia đình thường xuyên duy trì nuôi hơn 1.000 con rắn hổ mang và gần 300 con rắn ráo trâu.

Thông thường, rắn thịt nuôi khoảng 15 tháng, sẽ đạt trọng lượng 1,8-2,5kg và dài hơn 2m/con. Nuôi rắn lãi nhất là lúc vào vụ mùa đẻ trứng, mỗi một con rắn cái đến mùa đẻ trứng cho từ 15-20 quả và đẻ liên tục trong vòng 1 tháng, có giá bán 70.000 đồng/quả, thu về hơn 1 triệu đồng tiền trứng/con rắn cái. Còn rắn bán thịt, với giá 650.000 đồng/kg rắn hổ mang và 450.000 đồng/kg rắn ráo trâu, bình quân mỗi năm xuất bán gần 1.500 quả trứng rắn và từ 2-3 tạ rắn thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi rắn, anh Tuấn cho biết: “Rắn thường hay bị bệnh phổi, ướp xác khiến chậm lớn và bị chết. Vì vậy, để đảm bảo cho rắn sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, cứ 10 ngày gia đình tôi dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ và cho ăn thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh. Thức ăn chính của rắn là cóc, vịt con thải loại. Nuôi rắn tốn ít thức ăn, nhân công lao động vì từ 3 ngày mới phải cho ăn 1 lần nhưng giá thành bán ra thị trường rất cao. Tuy nhiên, nuôi rắn hổ mang là loại rắn cực độc, vì vậy, trong quá trình nuôi phải thật sự cẩn thận, nhất là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường rất dữ tợn và hay tấn công người”.

Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh cho rằng: “Nuôi động vật hoang dã được xem là xu thế phát triển kinh tế mới, không chỉ giúp nông dân làm giàu, làm phong phú thêm động vật nuôi ở địa phương mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt trái phép, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên”.

Anh Lê Thanh Tuấn là hộ duy nhất ở địa phương đầu tư nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu thương phẩm. Đây là vật nuôi ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ phong phú. Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh

NGỌC HÂN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop