Tin nông nghiêp ngày 14 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 14 tháng 01 năm 2020

Lục Ngạn (Bắc Giang): Thu gần 600 tỷ đồng từ cam, bưởi

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đến thời điểm này, các chủ vườn trên địa bàn huyện đã thu hoạch gần xong diện tích cây ăn quả có múi, ước tổng giá trị đạt gần 600 tỷ đồng.

Thu hoạch cam lòng vàng của một hộ dân ở thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Do nhiều diện tích cam năm nay bị mất mùa nên giá bán tăng hơn năm trước. Trong khi đó, giá bán các loại bưởi thì vẫn giữ giá ổn định. Việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi, các thương nhân đưa xe ô tô về tận vườn thu mua.

Cụ thể, diện tích cam ngọt với sản lượng đạt gần 26,8 nghìn tấn, giá bán từ 35 - 45 nghìn đồng/kg; cam lòng vàng gần 13,8 nghìn tấn, giá bán từ 12 -20 nghìn đồng/kg; cam V2 đạt 1,3 nghìn tấn, giá bán khoảng 20 nghìn đồng/kg (bắt đầu thu hoạch); bưởi ngọt 12,6 nghìn tấn, giá bán 18 -25 nghìn đồng/quả; bưởi da xanh gần 2,6 nghìn tấn (đã thu hoạch xong), giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg.

Nhiều khách du lịch đến tham quan vườn cũng háo hức mua về làm quà.

Ngay sau khi thu hoạch xong ở các vườn quả, người dân đã nhanh chóng cắt tỉa cành, tạo tán cho cây và tưới nước, chuẩn bị phân bón để bón thúc, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, giúp cây có lực phát triển tốt, cho quả đều ở những vụ sau.

Thành Nam

Lào Cai: Bát Xát vào vụ thu hoạch chuối

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Hiện này, toàn huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) gần 1.000 ha chuối cấy mô, được trồng tập trung ở các xã Cốc Mỳ, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung… Chuối chính vụ được thu hoạch từ tháng 1 – 3 hàng năm.

Những ngày này, người dân trên địa bàn đang khẩn chương thu hoạch chuối để xuất bán.

Chuối sau khi thu hoạch sẽ được tập kết tại địa điểm thuận lợi cho việc vận chuyển.

Chuối sẽ được cắt từng nải.

…sau đó rửa qua nước, để ráo trước khi đóng hộp.

Theo yêu cầu của khách hàng, mỗi hộp sẽ đóng 4 nải chuối, trọng lượng từ 8 – 10kg/hộp.

Vùng trồng chuối của huyện Bát Xát đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Mỗi ngày hàng chục tấn chuối được doanh nghiệp thu mua, đóng gói ngay tại các vùng trồng chuối của huyện Bát Xát.

Trung bình mỗi mỗi ha chuối sẽ cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả, trừ chi phí người dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Nhờ trồng chuối, nhiều hộ dân có thu nhập cao.

KIM THOA

Cam Lâm (Khánh Hòa): 20 ha xoài được chứng nhận VietGAP

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) vừa phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 3, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hòa Phát (trụ sở tại xã Cam Thành Bắc) và các hộ trồng xoài tại thôn Tân Thành, Cam Thành Bắc chứng nhận VietGAP cho 20ha xoài trên địa bàn.

Theo đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hòa Phát đứng ra vận động bà con trồng xoài sản xuất theo mô hình VietGAP, sản phẩm được đơn vị bao tiêu toàn bộ. Mô hình triển khai từ tháng 6 đến tháng 12-2019. Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 3 hướng dẫn, tập huấn cho bà con về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất theo VietGAP, đồng thời lấy mẫu đất, nước để kiểm tra, đánh giá quá trình sản xuất xoài phù hợp tiêu chuẩn VietGAP. Qua 6 tháng triển khai, năng suất xoài đạt 6 - 8 tấn/ha, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, người trồng xoài phấn khởi.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hòa Phát cho biết, đơn vị sẽ luôn đồng hành với người trồng xoài, xây dựng theo mô hình VietGAP để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, đơn vị đã xuất khẩu 3 container xoài sạch sang Hồng Kông với tổng sản lượng 36 tấn.

V.L

Đồng Tháp: Kiệu mùa Tết tăng giá, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Còn khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, không khí thu hoạch kiệu trên khắp cánh đồng trồng kiệu của huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đang rất nhộn nhịp và tất bật. So với cùng kỳ năm trước, giá kiệu Tết năm nay tăng mạnh nên nhiều nông dân trồng kiệu rất phấn khởi.

Giá kiệu Tết tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019

Hiện tại, kiệu tươi được thương lái thu mua tại ruộng có giá từ 13 ngàn – 15 ngàn đồng/kg; kiệu giống từ 25.000 – 28.000 đồng, so với cùng kỳ năm 2019, giá kiệu Tết năm nay tăng từ 4.000 – 5.000 đồng/kg.

Anh Trần Minh Tân ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020, năm nay, gia đình xuống giống hơn 1ha, hiện tại đã thu hoạch gần hết. So với năm ngoái, giá kiệu Tết năm nay có phần khả quan hơn. Song do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất kiệu năm nay không cao, năng suất trung bình khoảng từ 3 – 3,5 tấn/ công (1.300m3), chi phí sản xuất dao động từ khoảng 25 triệu – 30 triệu đồng/công. Sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi công lãi khoảng 10 triệu đồng, so với trồng lúa thì trồng kiệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, toàn huyện xuống giống 95ha kiệu, tập trung nhiều nhất ở 3 xã: Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thành B. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của nhiều đợt giảm giá sâu từ đầu năm và giữa năm 2019 nên toàn huyện hiện chỉ có khoảng 20ha kiệu phục vụ Tết Nguyên đán, giảm trên 50% diện tích so với cùng kỳ năm trước. Do nguồn cung khan hiếm, trong khi đó nhu cầu sử dụng kiệu để làm dưa vào dịp Tết tăng cao nên giá kiệu năm nay tăng mạnh so với mùa Tết năm ngoái.

Mỹ Lý

Hồ tiêu trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung. Kỳ II: Chính sách phát triển hồ tiêu quên vị thế nông hộ?

Nguồn tin: Công Thương

Vị thế của nông hộ đóng vai trò trung tâm đầu vào của mặt hàng xuất khẩu tỷ USD nhưng thực tế cho thấy chiến lược phát triển hồ tiêu - với tư cách một mặt hàng xuất khẩu tỷ USD - vẫn thiếu những cơ chế, chính sách phù hợp.

Hồ tiêu, một mặt hàng quan trọng được thị trường nông sản thế giới thường xuyên điểm mặt. Ở trong nước, với nhu cầu tiêu dùng tiêu toàn cầu tăng khoảng 2%/năm, ngành hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi giá vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu. Chi phí sản xuất hồ tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017, trong khi giá bán hồ tiêu lại giảm trên 30%.

Thời đình điểm, 1 ha đất trồng tiêu tại Chư Sê có giá lên tới cả tỷ đồng, nhưng giờ đây không ai hỏi mua

Trên thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển cây công nghiệp như một cách đảm bảo sinh kế cho người nông dân, đảm bảo đầu ra cho các ngành hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng phát triển diện tích tiêu tự phát, thiếu kiểm soát của chính quyền địa phương dẫn ngành tiêu đứng trước nguy cơ đổ vỡ đang là một thực tế tại các tỉnh trồng tiêu ở Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2010 cả nước có 51,3 ngàn ha, đến hết 2017 theo số liệu của các tỉnh là 151,9 ngàn ha, tăng 196% so với năm 2010, vượt định hướng phát triển trên 100 ngàn ha. Diện tích hồ tiêu bắt đầu giảm từ năm 2018 xuống 149,8 ngàn ha và dự kiến năm 2019 giảm còn 140 ngàn ha.

Chính sách hỗ trợ nông dân thường có độ trễ nhất định, nhưng ngành hồ tiêu, đặc biệt là các nông hộ, đang cần những chính sách phù hợp thị trường, điều kiện và tập quán canh tác. Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang – nêu một thực tế, Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ trong đó quy định rõ về các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên, mới dừng lại ở mức theo Tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng HTX Nam Yang làm chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường này thì không được hỗ trợ.

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê trao đổi với phóng viên Báo Công Thương

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, hầu hết các chính sách này vẫn nằm trên giấy. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không đi vào cuộc sống và được thay thế bằng Nghị định 57/2018/NĐ-CP, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, việc khó nhất là nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nông dân vẫn chưa được giải quyết. Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” hiệu quả mang lại không cao. “Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê vận động mấy năm mới được 4 lớp học nghề, mỗi lớp 50 người – đây là con số như muối bỏ biển”, ông Hoàng Phước Bính nói.

Cây hồ tiêu vẫn đang trong cơn bão dịch bệnh và giảm giá. Các nông hộ trồng hồ tiêu rơi vào cảnh trắng tay. Trong bức tranh chung này, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trend – cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung hàng hóa nông lâm sản toàn cầu, tuy nhiên, các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ thường vắng bóng trong các câu chuyện thành công trong xuất khẩu. Các cơ chế chính sách hỗ trợ cho khu vực này khi tham gia vào chuỗi cung toàn cầu vẫn rất mờ nhạt. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với ngành hồ tiêu mà còn cả ngành gỗ, cà phê….

Những người đầu tư về sau chưa thu được đồng nào từ cây tiêu bây giờ mang nợ ngân hàng

Hiện 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Nông hộ là nhóm yếu thế. Ông Tô Xuân Phúc nhận định, các Hiệp định thương mại tự do - với cả cơ hội và rủi ro rất lớn đang chờ đợi các hộ nông dân - nhóm dễ bị tổn thương - ở phía trước. Để định vị lại vai trò của các nông hộ trong ngành hàng nông sản xuất khẩu, cần có cơ chế chính sách giảm thiểu rủi ro cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ tham gia chuỗi cung toàn cầu. Chính sách hỗ trợ phát triển mô hình liên kết cần dựa trên quan điểm về thị trường, chia sẻ lợi ích và nhà nước phải đứng ở giữa và bảo vệ nhóm yếu thế.

Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam lớn, nhưng chủ yếu là sự tập hợp từ những mô hình quy mô nhỏ, tạo ra một lượng lớn sản phẩm “thô”. Trong khi đó, chuỗi giá trị của các ngành hàng còn rất ngắn dẫn đến hiệu quả không cao. Theo ông Stein Hansen - Giám đốc vùng, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), các quốc gia có thu nhập cao đã tạo ra 200 USD giá trị gia tăng đối với 1 tấn hàng hóa nông sản đã qua chế biến trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50 USD. Nguy cơ rủi ro về thị trường, lãng phí tài nguyên, sản phẩm đang là một thực tế chính trong ngành hồ tiêu Việt và nông hộ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Số liệu của Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ ngành tiêu đến cuối năm 2017 là 17.019 tỷ đồng, cuối năm 2018 là 20.540 tỷ đồng và đến cuối tháng 6/2019 là 17.967 tỷ đồng, giảm 12,5% so với đầu năm 2019, trong đó dư nợ tập trung tại Tây Nguyên là 12.083 tỷ đồng chiếm 67,2% tổng dư nợ ngành hồ tiêu trên toàn quốc.

Nguyễn Hạnh

Nông nghiệp vượt khó

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Năm 2019, trong nhiều thời điểm, dịch bệnh bùng phát trên đàn heo, nắng hạn thiêu đốt cây lúa, mía…, người nông dân trải qua không ít khó khăn. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa vẫn khép lại 1 năm với những tín hiệu tích cực.

Nhiều khó khăn

Năm 2019, nông nghiệp Khánh Hòa trải qua không ít khó khăn. Tháng 3, khi vụ xoài bước vào thu hoạch, giá liên tục giảm. Xoài Úc loại ngon lúc cao giá nhất cũng chỉ đến mức 45.000 đồng/kg (nhưng xoài loại 1 chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng của loại này). Còn xoài Úc loại 2 chỉ khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg. Một số giống xoài khác phổ biến từ 5 - 10 nghìn đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với trung bình năm trước. Không những vậy, do sâu bệnh, thời tiết bất lợi, năng suất xoài năm 2019 cũng giảm so với năm trước.

Trang trại chăn nuôi 1.100 con bò tại Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh.

Tháng 4-2029, khi một số mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi trên đàn heo của người chăn nuôi xuất hiện ở xã Diên Điền (huyện Diên Khánh), không lâu sau, dịch bệnh nguy hiểm này đã từng bước lan ra các địa bàn: Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Nha Trang, Cam Ranh. Đỉnh điểm của dịch xảy ra vào cuối tháng 9 và tháng 10-2019. Thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2019, dịch tả heo châu Phi đã khiến hơn 13.600 con heo với tổng khối lượng gần 760 tấn phải tiêu hủy.

Tháng 7-2019, đến lượt những người nuôi trồng hải sản đối mặt với cơn bão rớt giá được xem là nặng nề nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, những người nuôi tôm hùm xanh ở TP. Cam Ranh phải chứng kiến cảnh tôm chết hàng loạt, thiệt hại tới 50% vì dịch bệnh. Đến khi xuất bán, giá tôm cũng chạm đáy, chưa đầy 600.000 đồng/kg, mất nửa giá so với những vụ tôm trước. Người nuôi tôm chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép. Chưa kể con đường tiểu ngạch xuất khẩu hải sản qua nước khác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc nuôi trồng thủy sản.

Với những người trồng mía đường, năm 2019 cũng chưa có tín hiệu tích cực hơn so với năm 2018. Mía mất mùa, giá thu mua giảm, tiền bán mía hầu hết không đủ bù chi phí. Nhiều người dân đã “bỏ thí” cây mía theo kiểu được chừng nào hay chừng ấy thay vì đầu tư phân bón, tưới tiêu, chăm sóc như mọi năm.

Tín hiệu tích cực

Bên cạnh những khó khăn, năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh ghi nhận một số thành tựu. Nông dân toàn tỉnh chuyển đổi được 653ha cây trồng. Trong đó có 209ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang các cây trồng hàng năm khác như: khoai, mì, đậu, hẹ... Còn lại 444ha diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái. Bưởi da xanh, sầu riêng, dừa xiêm... là những loại cây được nông dân ưu tiên chọn lựa khi chuyển đổi.

Gắn với những cây trồng mới là sự đổi thay ở cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận với nông nghiệp của người nông dân để từng bước làm ra những nông sản mà thị trường cần, thay vì chỉ làm ra những thứ mình có như trước. Song hành với sự nỗ lực của người nông dân còn là những chính sách ngày một gần gũi, dễ thực hiện, dễ đi vào đời sống hơn mà nòng cốt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, năm qua, thêm 3 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn được chứng nhận gồm: chuỗi cung cấp thịt heo sạch, chuỗi cung cấp thịt gà sạch và chuỗi cung cấp xoài sạch. Cả 3 sản phẩm này đều đã hình thành được chuỗi an toàn bao gồm sản xuất theo VietGAP, chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được đưa ra thị trường dưới kênh phân phối hiện đại. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 7 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, gồm: thịt heo, thịt gà, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, tỏi sẻ và rau sạch.

Năm qua, ở Khánh Vĩnh xuất hiện một trang trại chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản có tổng đàn ban đầu lên tới 1.100 con được chăm sóc theo quy trình hiện đại, khép kín. Trang trại này rộng tới 162ha còn mở ra nhiều hứa hẹn trong việc tạo công ăn việc làm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cũng liên quan đến chăn nuôi, năm qua, tuy dịch bệnh hoành hành trên đàn heo, nhưng tổng đàn heo trên toàn tỉnh vẫn đạt 285.000 con vào cuối năm 2019, tăng 8,5% so với năm trước. Sản lượng thịt heo hơi đạt tới 7.200 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại tăng lên cả về số lượng trại và mật độ nuôi trong mỗi trại.

Về lĩnh vực thủy hải sản, sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt hơn 97,7 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 11,3 nghìn tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản trong năm 2019 đạt 620 triệu USD, tăng 8,26% so với năm 2018.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát huy kết quả đạt được, trong năm 2020, sở tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị đồng hành với người nông dân trong quá trình đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả; phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp và hợp tác xã. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình trọng tâm như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn; đề án phát triển kinh tế hợp tác... Triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến, từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng bình quân tổng sản phẩm khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt hơn 2%; 58/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ số xã nông thôn mới đạt 61,7%...

Hồng Đăng

Cơ hội phát triển đàn bò ở An Giang

Nguồn tin: Báo An Giang

Trong bối cảnh bệnh dịch tả heo Châu Phi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn heo, khiến lượng cung không đủ cầu thì đây cũng là cơ hội phát triển các loài vật nuôi thay thế thịt heo, trong đó chăn nuôi bò là một trong những thế mạnh của An Giang. Tuy nhiên, cần chú trọng chất lượng con giống, xây dựng vùng nguyên liệu đồng cỏ và liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững.

Điều kiện phù hợp

Khi Tập đoàn TH quyết định đầu tư chuỗi giá trị gia tăng bò sữa tại An Giang với tổng vốn dự kiến 6.000 tỷ đồng, quy mô 900ha, có ý kiến hoài nghi về tính hợp lý của dự án này. Tuy nhiên, với những người am hiểu về An Giang, lựa chọn đầu tư phát triển đàn bò hoàn toàn có cơ sở.

“An Giang xây dựng được hệ thống đê bao khép kín, có thể canh tác liên tục mà không lo ngập nước. Đặc biệt, ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có diện tích đất nông nghiệp rộng, một số cây trồng như: lúa, màu chưa phát huy hiệu quả. Nếu chuyển sang trồng cỏ, có thể cung cấp thức ăn tươi quanh năm cho đàn bò. Ở Úc, New Zealand, vào mùa đông không trồng được cỏ, họ phải dự trữ thức ăn cho đàn bò, An Giang có điều kiện thuận lợi hơn” - TS Hồ Việt Hiệp (nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy) phân tích.

Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện

Theo “Bản kế hoạch châu thổ Mekong” do Chính phủ Hà Lan và Việt Nam phối hợp xây dựng thì An Giang, Đồng Tháp và Long An được xác định nằm trong tiểu vùng thượng nguồn. Về dài hạn, đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa, đảm bảo dự trữ chiến lược cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

An Giang đang định hướng sản xuất theo quy mô lớn, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới để liên kết với các DN có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp. Sản xuất lớn sẽ tạo ra lượng phụ phẩm nông nghiệp tập trung, như: rơm rạ, cám gạo…

Đây sẽ là nguồn dự trữ và bổ sung thức ăn quan trọng cho đàn bò. TS Hồ Việt Hiệp cho rằng, bên cạnh duy trì diện tích lúa nhất định để đảm bảo an ninh lương thực, có thể chuyển một phần diện tích để liên kết trồng cỏ nuôi bò theo yêu cầu của DN.

“Khi cần, những diện tích chuyển đổi hoàn toàn có thể quay trở lại trồng lúa bởi điều kiện sản xuất giống nhau. Chỉ mất vài tháng là có ngay nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu quốc gia” - TS Hiệp nhấn mạnh.

Triển vọng giống bò mới

Ở góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Viết Năng, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Dịch vụ khoa học công nghệ nông nghiệp Tây Nam Bộ (Công ty Tây Nam Bộ), cho biết, dù chăn nuôi bò là một nghề truyền thống lâu đời của nông dân Việt Nam nhưng do chất lượng con giống thấp, phương thức chăn nuôi chủ yếu là tận dụng nguồn thức ăn có sẵn nên đàn bò trong nước chỉ cung cấp khoảng 4,5-5% tổng sản phẩm thịt do ngành chăn nuôi sản xuất.

Tính toán của Cục Chăn nuôi cho thấy, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 chỉ 3,15kg thịt xẻ/người, xấp xỉ 1/3 bình quân chung thế giới (9,46kg/người) và chưa bằng 1/10 mức tiêu thụ của người Mỹ (36,48kg/người).

“Điều này cho thấy, cùng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao loại thịt đỏ này, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới” - ông Năng đánh giá.

Đại diện Công ty Tây Nam Bộ cho biết, là 1 tỉnh có diện tích đất tự nhiên rộng hơn 353.666ha, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp, An Giang có lợi thế phát triển đàn bò. Trên thực tế, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 11-8-2017 về phê duyệt Dự án “Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao” giai đoạn 2017-2020 với nhiều hình thức hỗ trợ như: cung ứng tinh và bò giống chất lượng cao, tập huấn chuyển giao công nghệ mới, xây dựng liên kết ngành hàng…

Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát triển đàn bò bền vững, cần hỗ trợ các hộ nuôi, DN đầu tư trang trại quy mô lớn, phát triển đồng cỏ và công nghệ chế biến thức ăn thô xanh, chú trọng chất lượng con giống.

“Thời gian qua, nhằm cải tiến chất lượng đàn bò địa phương, An Giang đã chủ trương đẩy mạnh công tác lai tạo bằng cách nhập, sử dụng tinh và con giống bò ngoại cao sản. Các thế hệ con lai F1, F2 của các giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, Charolaise, Brahman, Droughtmaster… với bò cái địa phương, lai Sind... đã chứng tỏ được ưu thế lai rõ rệt, không chỉ được người chăn nuôi mà cả thương lái, người tiêu dùng ưa chuộng” - ông Năng nhận xét.

Cùng với các giống hiện tại, Công ty Tây Nam Bộ đã thử nghiệm thành công giống bò Senepol. Đây là giống bò quý đang được nuôi rộng rãi ở nhiều bang của Hoa Kỳ, Australia, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi... với các đặc điểm nổi bật như: hiền lành không sừng, thành thục sớm (12-13 tháng), hệ bầu vú phát triển tốt, mắn đẻ (1 lứa/năm), cho sữa nhiều, khả năng sinh trưởng nhanh, sức sản xuất thịt cao, chất lượng thịt tốt (thịt mềm, màu sắc đỏ tươi, tỷ lệ mỡ giắt cao), dễ nuôi, chịu khó gặm cỏ (đặc điểm mà người chăn nuôi rất ưa chuộng), có tính kháng bệnh cao, chống chịu ký sinh trùng, ve, chét rất tốt. Nhờ khả năng sản xuất sữa tương đối tốt nên giống bò Senepol còn được gọi là giống bò kiêm dụng thịt sữa.

“Giống bò Senepol có khả năng chịu nhiệt rất tốt nên còn gọi bò thịt nhiệt đới, phù hợp điều kiện nuôi ở An Giang. Giống bò này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh” - ông Năng nhận định.

NGÔ CHUẨN

Thương lái lùng mua gà 'mặt quỷ'

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Một số trại nuôi gà "mặt quỷ" - có nguồn gốc từ Indonesia, nổi tiếng bởi thịt chúng cực kỳ thơm ngon, có hàm lượng dinh dưỡng cao - tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết đã hết hàng dù các thương lái vẫn tiếp tục lùng mua.

Gà “mặt quỷ”, đặc sản dịp tết được nhiều người săn đón - Ảnh: M.CHIẾN

Ông Lê Công An - chủ trang trại nuôi giống gà này tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) - cho biết gia đình ông nuôi 100 con gà "mặt quỷ", nhờ giá gà "mặt quỷ" tăng mạnh trong những ngày cận tết, bình quân gần 2 triệu đồng/con nên cho thu nhập rất tốt.

"Đây là lứa gà cuối cùng trong năm, tất cả đều đã được thương lái mua sạch từ hồi cuối tháng 10 âm lịch, tôi chỉ giữ lại vài con để gây giống và để biếu tặng" - ông An cho biết.

MINH CHIẾN

Theo những mùa hoa đi ‘đánh’ mật

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Để có những giọt mật ong sóng sánh, sắc ngọt, những người nuôi ong phải sống cảnh “du mục” nay đây mai đó khắp mọi miền đất nước. Mỗi chuyến đi của họ là những đợt di chuyển theo từng mùa hoa đặc trưng trên mỗi miền .

Đời “du mục”…

Cách khu dân cư xã Đắk Phơi (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) chừng 1 cây số là lán trại nuôi ong của ông Lại Văn Cầm, quê huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Vì ở tạm trong một thời gian ngắn nên lán trại ông Cầm nói riêng, tất cả những người nuôi ong nói chung đều được dựng tạm bợ, đủ để che mưa, che nắng. Với diện tích khiêm tốn khoảng 10 m2, đủ đặt 1 chiếc giường, 1 bếp ga và 1 góc rất nhỏ để va ly quần áo đủ mặc cho những tháng ngày theo ong đi lấy mật – là nơi tá túc của ông Cầm cho đến hết mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên.

Đây là năm thứ 7 liên tục ông Cầm đưa đàn ong vào đặt tại xã Đắk Phơi, ông xem đây như quê hương thứ hai của mình. Ông Cầm bộc bạch, nghề nuôi ong nay đây mai đó, đâu cũng là nhà, là quê hương. Do đó, nơi đâu cho nhiều hoa trái, khí hậu ôn hòa, đặc biệt là an ninh trật tự tốt thì người nuôi ong như ông sẽ tìm đến. Gia đình có truyền thống nuôi ong từ lâu đời, nên cuộc sống “du mục” đối với ông trở nên quen thuộc.

Ông Lại Văn Cầm kiểm tra cầu ong của gia đình.

Cách trại ong của ông Cầm tầm 2 cây số là lán của anh Trần Công Liền quê huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Được biết, vào hồi tháng 9 năm 2019, anh đưa 350 thùng ong vào xã Đắk Phơi đánh mật. Với anh, nghề nuôi ong rất vất vả, nhưng cũng nhờ “lộc trời” mà hơn 10 năm nay, anh có tiền trang trải nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó 2 cháu học đại học, 1 cháu đang học cấp 2. Anh tâm sự, mỗi năm số ngày đoàn tụ với gia đình của anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ khi nào đưa ong lấy mật ở một số tỉnh lân cận tỉnh Hải Dương thì may ra tranh thủ về thăm nhà hoặc vợ con đến thăm anh. Do đặc tính theo mùa nên nghề nuôi ong phải di chuyển nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau để có những lít mật ngọt, mang vị đặc trưng của mỗi loài hoa.

Theo những mùa hoa

Cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, khi những nụ hoa cây cộng sản bắt đầu bung nở, đàn ong kéo nhau đi hút mật. Cây cộng sản hay còn gọi là cây cỏ Lào, cây bớp bớp – là loài cây dại mọc tự nhiên ở các tuyến đường, nương rẫy, bìa rừng. Ở xã Đắk Phơi, cây cộng sản mọc khắp nơi, là nguồn thức ăn dồi dào cho những đàn ong từ nhiều nơi đến cư ngụ tại đây. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong từ các tỉnh phía Bắc vào đây, thời gian nở của cây cộng sản không lâu, thường kéo dài khoảng 1 tháng từ tầm giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, nếu đặt ong ở những bìa rừng hay vườn cây có nhiều cây cộng sản mọc thì sản lượng mật cũng rất cao.

Một cầu ong đầy mật tại trại ong của anh Trần Công Liền.

Anh Trần Công Liền cho biết, mật hoa cây cộng sản còn gọi là mật hoa bông trắng, có màu vàng tươi, mùi thơm dễ chịu, nhưng vị hơi nhẩn đắng đặc trưng của loài hoa này. Những người nuôi ong ví vị mật hoa bông trắng như vị sôcôla nguyên chất, những người sành ăn sẽ tìm chọn sản phẩm này về dùng. Cũng như các loại mật nhãn, mật cà phê… mật hoa bông trắng dần khẳng định chất lượng trên thị trường, với giá bỏ sỉ dao động từ 90 – 100 nghìn đồng/lít.

Ông Lại Văn Cầm: "Để đưa đàn ong từ vùng đất này đến vùng đất khác, bắt buộc phải qua 7 giờ tối, khi tất cả đàn ong đều đã vào thùng, thì người nuôi ong mới đóng nắp lại, bốc vác lên xe và di chuyển trong đêm".

Khi mùa hoa cộng sản tàn, cũng là lúc người dân Tây Nguyên bắt đầu vụ tưới, bạt ngàn sắc trắng hoa cà phê – là nguồn thức ăn dồi dào của hàng trăm đàn ong di cư từ nhiều địa phương khác đến. Từ lâu, mật hoa cà phê là sản phẩm mật

đặc trưng của vùng Tây Nguyên, với vị ngọt sắc, thơm lừng. Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi ong, thì vào mùa hoa cà phê là người nuôi ong nhàn hạ nhất, bởi số lượng hoa nhiều nên không phải bổ sung thức ăn cho ong, nếu đặt đúng vị trí, sản lượng mật mang lại rất cao. Theo dự tính của anh Liền, hết mùa hoa cà phê này, với 350 thùng ong, anh sẽ thu về tầm 5 tấn mật, trong đó chủ yếu mật hoa cà phê. Cũng như anh Liền, ông Cầm đang hy vọng một mùa bội thu với sản phẩm mật ong hoa cà phê trong năm nay, dự kiến khoảng trên 2 tấn mật.

Cuối mùa khô Tây Nguyên, khi mùa hoa cà phê không còn, những người nuôi ong như anh Liền, ông Cầm sẽ di chuyển đàn ong đến vùng đất mới. Đó là mùa hoa nhãn cuối tháng 3 ở Hưng Yên, mùa hoa sú vẹt vào tháng 5 ở Ninh Bình hay mùa hoa keo vào tháng 9 ở huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) để mang về những sản phẩm mật đặc trưng, gắn với từng loài hoa, cây cỏ.

Hoàng Tuyết

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop