Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 02 năm 2020

Hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển. Bên cạnh việc tạo ra nông sản an toàn, những mô hình này còn mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Kiểm tra chất lượng rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt

Đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao của bà Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), cảm nhận đầu tiên của phóng viên Báo Hànộimới là sự đầu tư bài bản từ nhà lưới, nhà kính đến cách thức chăm sóc. Theo bà Đặng Thị Cuối, gia đình bà đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng 8.000m2 nhà màng, toàn bộ nguyên liệu đều nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). “Hiện trên diện tích đất canh tác 5ha, chúng tôi trồng các loại rau xanh hữu cơ theo mùa, ngoài ra còn có một số loại rau đặc biệt như: Su hào ăn lá, bắp cải tí hon… bình quân một tháng thu hoạch 6-7 tấn rau sạch, giá trị đạt 6-7 tỷ đồng/ha/năm. Trước đó, cũng trên diện tích này, chúng tôi chỉ trồng lúa, hoa màu cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/năm”, bà Cuối cho hay. Rời huyện Đan Phượng, chúng tôi tới xã Yên Mỹ của huyện Thanh Trì để thăm mô hình trồng rau thủy canh. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cho biết, được sự giúp đỡ của huyện, hợp tác xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất để triển khai nuôi trồng 2.600m2 rau thủy canh theo công nghệ của Israel. Hiện nay, sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng - cao gấp 10 lần so với trồng lúa…

Về hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho rằng, dù diện tích sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao không nhiều, song giá trị mang lại cho người dân rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, huyện tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân vốn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, mở rộng các mô hình trồng rau thủy canh (ở xã Yên Mỹ) hay mô hình nuôi “cá trong sông” (xã Đại Áng)...

Toàn thành phố hiện có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội quy mô tuy nhỏ nhưng đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nông nghiệp đại trà khoảng 20-30%. Đặc biệt, những mô hình này phù hợp với thực tế đất đai của Hà Nội và đang khẳng định vị thế trong điều kiện hiện nay.

“Để tiếp tục mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, cá nhân đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sở cũng hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0; đồng thời, hướng tới xuất khẩu để tạo giá trị cao hơn nữa”, ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

NGỌC QUỲNH

Bắc Giang: 50 ha vải thiều được cấp mã vùng đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản

Nguồn tin: Khuyến nông VN

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả vải thiều tươi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản năm 2020.

Theo đó, năm nay, các cơ quan chuyên môn phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp &PTNT, các doanh nghiệp xuất khẩu lập hồ sơ, khảo sát cấp mã số vùng trồng diện tích khoảng 50 ha, với sản lượng 300 - 400 tấn đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, duy trì 18 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với diện tích 218 ha và 40 ha vải thiều đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn năm 2019. Tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, ban điều hành, tổ hợp tác và nông dân quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản, GlobalGAP, hữu cơ; ban hành hướng dẫn quy trình sản xuất, phòng chống dịch hại, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và các yêu cầu khác của thị trường Nhật Bản. Lựa chọn doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để ký hợp đồng liên kết với người sản xuất. Xây dựng quy trình xông hơi khử trùng quả vải bằng khí methyl bromide, lựa chọn đơn vị, địa điểm thực hiện phù hợp; Ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản. Thời gian thực hiện từ tháng 2 năm nay.

Sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả vải thiều tươi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản năm 2020

Trong thời gian tiếp theo, triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ Juran (Israel) đảm bảo cho sản phẩm vải thiều giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc, dinh dưỡng và kéo dài thời hạn sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…

Các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 40% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật (tương đương 10 triệu đồng/ha) để sản xuất 50ha; hỗ trợ xây dựng mới, nâng cấp kho cất giữ bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ; hỗ trợ kinh phí thử nghiệm công nghệ màng bao quả…

Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu và UBND huyện Lục Ngạn tổ chức khảo sát, lựa chọn và cấp mã vùng trồng. Triển khai tập huấn, tuyên truyền cho các hộ sản xuất thực hiện quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu tiêu chuẩn của Nhật Bản. Phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác.

Hương Giang - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Thu tiền tỷ từ trồng sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trước đây, trên 3 ha đất canh tác của gia đình, ông Nguyễn Thanh Hải (ở buôn Ea Kiêng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu trồng cà phê.

Tuy nhiên, những năm gần đây cà phê bắt đầu già cỗi, năng suất, sản lượng giảm, giá cả bấp bênh, hiệu quả đem lại không cao. Dù gia đình ông đã triển khai rất nhiều biện pháp nhưng năng suất vườn cây vẫn không được cải thiện nhiều.

Qua quá trình tham quan, học hỏi từ các mô hình kinh tế ở một số nơi, nhận thấy đất đai của gia đình phù hợp với trồng cây ăn trái, năm 2013 ông Hải đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn chuyển hướng sang trồng sầu riêng chuyên canh. Sầu riêng được ông trồng xen trong vườn cà phê, đến khi bắt đầu cho thu hoạch thì mới phá bỏ toàn bộ cây cà phê. Với cách làm này, ông vừa chuyển đổi được cây trồng mà vẫn bảo đảm được nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Hải chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.

Vốn có nhiều năm sống ở vùng đất Krông Pắc nơi có phong trào trồng sầu riêng phát triển mạnh của tỉnh nên ông Hải thuận lợi trong việc nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vườn sầu riêng được ông đầu tư hệ thống tưới bằng van tự động phân bổ đều khắp rẫy, không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới, chi phí thuê nhân công mà còn chủ động hơn trong việc chăm sóc vườn cây.

Nhờ được chăm bón đúng kỹ thuật nên những năm qua vườn sầu riêng của gia đình ông Hải luôn phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Hiện nay, với 500 cây sầu riêng, trong đó có 400 cây đang trong giai đoạn kinh doanh, mỗi năm gia đình ông thu được hàng chục tấn sầu riêng. Năm 2019, gia đình ông thu hoạch 55 tấn sầu riêng (bình quân mỗi cây đạt trên 100 kg). Ngoài việc bán lẻ số lượng ít cho người tiêu dùng tại chỗ có nhu cầu, sầu riêng của gia đình được thương lái tìm đến tận vườn thu mua, tùy thời điểm giá bán trên thị trường dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, đặc biệt có những thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg... Theo tính toán, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, chăm sóc, nhân công, gia đình ông có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cà phê. Thời gian tới, thu nhập của gia đình ông sẽ còn cao hơn nữa khi sầu riêng vào vụ thu hoạch chính và những cây sầu riêng còn lại bước vào giai đoạn kinh doanh...

Ông Hải (giữa) giới thiệu với cán bộ xã về mô hình kinh tế của gia đình.

Nhờ làm ăn hiệu quả, cuộc sống gia đình ông Hải đã dần được cải thiện và nâng cao, là một trong ít hộ trong buôn Ea Kiêng sắm được ô tô… Hiện, nhiều nông dân tìm đến vườn sầu riêng của gia đình ông tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đều được ông hướng dẫn tận tình từ khâu chọn giống, tưới nước, bón phân, đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây để mang lại hiệu quả cao nhất.

Trung Dũng

Khuyến cáo nông dân các biện pháp chăm sóc thanh long

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Vấn đề đặt ra lúc này là bên cạnh chính quyền tìm các giải pháp đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, tránh tình trạng thanh long ùn ứ, dư thừa, bị ép giá trong thời gian đến, nông dân cần dành thời gian để chăm sóc, dưỡng cây…

Nông dân nên tập trung chăm sóc thanh long.

Tại Bình Thuận, thời điểm này dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm dịch bệnh do virus corona gây ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến tiêu thụ thanh long thì đã rõ. Thực tế nhu cầu tiêu thụ của một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc bị chững lại do diễn biến phức tạp của dịch bệnh này. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Đầu tháng 2/2020, cửa khẩu Hữu Nghị đã mở cửa nhưng chưa giải quyết được số hàng tồn do không có hợp đồng tiêu thụ; sức mua bên Trung Quốc giảm do các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ đóng cửa. Còn tại các nhà vườn ở Bình Thuận, dự kiến tổng sản lượng thanh long đến kỳ thu hoạch trong tháng 2 và tháng 3/2020 trên địa bàn tỉnh 88.426 tấn. Do đó, người trồng thanh long cần xây dựng mùa vụ sản xuất và tiêu thụ thanh long trước ảnh hưởng dịch corona gây ra. Đó là một trong những khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương và Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cần khuyến cáo người dân và hội viên tổ chức sản xuất thanh long phải phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Một trong số đó là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại với hệ thống kênh phân phối và thị trường sẵn có, đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ sản phẩm trái thanh long cho các thành viên liên kết trong thời điểm hiện nay. Khuyến cáo thành viên có kế hoạch sản xuất hợp lý phù hợp với thị trường, tiếp tục tìm kiếm khách hàng và duy trì mua bán với giá cả hợp lý giúp nông dân tiêu thụ hết sản phẩm trong giai đoạn này. Đối với những vườn đã xử lý đèn và cho ra nụ, búp, trái xanh, cần chú ý chăm sóc tỉa bớt nụ, búp, trái nhỏ, trái có vết bệnh nhằm giảm từ 1/2 đến 2/3 lượng trái trên cây. Qua đó, nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi trái, giảm tối đa chi phí vật tư đầu vào và đảm bảo sinh trưởng của cây.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng cho biết, đối với những vườn đã thu hoạch, thời điểm trong tháng 2/2020 tạm dừng kích thích xử lý đèn thanh long ra hoa trái vụ, cần chủ động chăm sóc tưới tiêu, tỉa bớt cành bệnh, cành già, vệ sinh vườn sạch sẽ và chăm sóc tốt lứa chồi đang có. Riêng những vườn có hợp đồng tiêu thụ thì phải làm việc ngay với đối tác để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Những vườn chưa có hợp đồng tiêu thụ đang xử lý chong đèn, những vườn đã xử lý đèn dưới 10 đêm thì nên ngưng xử lý, những vườn đã xử lý đèn trên 10 đêm có thể cân nhắc duy trì xử lý hoặc ngưng xử lý. Song song, về lâu dài cần tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp, HTX thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem, mã số, mã vạch trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ. Tạo cơ sở tiếp cận các tập đoàn phân phối lớn nội địa, xuất khẩu và mở rộng thị trường chính ngạch trong thời gian tới.

Kiều Hằng

Bình Phước: Vụ điều 2020: Được mùa nhưng chưa được giá

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Dọc tuyến đường từ xã Phú Trung, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) ra QL14, những chiếc xe máy nổ giòn chở 2-3 bao hạt điều nặng từ trong rẫy chạy ra nối nhau đi bán cho các đại lý thu mua nông sản. Gặp ông Nguyễn Văn Hoàng (63 tuổi) ở thôn Phú Bình, xã Phú Trung cũng chở 1 bao hạt điều to chạy chậm hơn nên tôi vừa chạy xe theo vừa hỏi chuyện. Ông nói lớn để át tiếng pô xe nổ bành bạch: “2 chú cháu tôi mới nhặt một góc vườn trong rẫy còn nhiều trái rụng lắm. Năm nay điều được mùa nhưng giá thấp, chỉ 26.000 đồng/kg thôi”.

Dù là ngày thứ bảy nhưng khi nghe tôi gọi điện thoại ngỏ ý muốn được đi thăm vườn của một số hộ dân để tìm hiểu về vụ điều năm nay, Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung Vũ Văn Tấn nhận lời ngay. Sau khi xỏ ủng và mặc lên người bộ quần áo lao động, ông Tấn chạy xe máy dẫn tôi băng qua một số lô cao su tới vườn điều của hộ anh Vũ Văn Cường (38 tuổi) ở thôn Phú Tâm. Đây là hộ chăm sóc tốt vườn điều và đạt năng suất cao.

ĐIỀU PHỤC HỒI TỐT, NĂNG SUẤT CAO...

Đổ xong giỏ điều vừa nhặt vào bao, tranh thủ ít phút trò chuyện, anh Vũ Văn Cường cho biết: “Gia đình có 3 ha điều 17 năm tuổi. Mấy năm trước, sâu bệnh hoành hành khiến cây kiệt sức, nhưng nay đã phục hồi tốt. Kết thúc vụ điều năm ngoái, tôi dọn rẫy, tỉa cành, bón phân để cây phát triển. Những tháng cuối năm 2019, tôi tiếp tục vệ sinh vườn điều bằng cách dùng máy, nối cần đưa vòi lên tận ngọn phun thuốc có gốc đồng đỏ (Norshield) để trừ các loại nấm; đồng thời xịt thuốc trừ sâu sinh học để diệt bọ trĩ và các loại côn trùng hại trái non, đọt. Khi cây điều ra khoảng 3-4 lá non thì tôi xịt thuốc có hàm lượng lân và kali cao giúp phân hóa mầm bông, đậu trái đồng loạt. Đây là giai đoạn quyết định để tránh bị những cơn mưa bất chợt, trái mùa gây hại”.

Vườn điều của gia đình ông Vũ Văn Tấn (xã Phú Trung, huyện Phú Riềng) áp dụng phương pháp dùng bạt phủ nông nghiệp nên năng suất hằng năm luôn đạt cao

Rẫy của gia đình anh Cường thoai thoải dốc. Khoảng cách hàng, cây (8x8m) vừa đủ để điều khép tán và quang hợp. Những cành điều trĩu trái chín đỏ, vàng. Lứa đầu đang chín rộ, lứa sau hạt xanh, tươi bắt đầu vào mẩy. Anh Cường cho biết thêm: Thời tiết, khí hậu năm nay tương đối thuận lợi, tỷ lệ đậu trái cao. Đến ngày 8-2, gia đình tôi thu được 4 tạ rồi, dự kiến cuối vụ sẽ thu khoảng 10 tấn, bình quân 3,5 tấn/ha.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung VŨ VĂN TẤN: Canh tác điều theo phương pháp hữu cơ bền vững có nhiều lợi ích kinh tế và môi trường. Mỗi năm phát cỏ từ 2-3 lần, sau đó thu gom gọn gàng, dùng bạt phủ nông nghiệp cho cỏ rác hoai mục làm phân hữu cơ. Chi phí bạt và nhân công không đáng kể. Từ cách làm này, hằng năm nguồn phân hữu cơ tăng lên và giảm dần các loại phân hóa học, giúp cây điều có sức bền từ bộ rễ, ít sâu bệnh, năng suất cao. Trong khi những hộ bón phân hóa học chi phí rất cao, phát sinh nhiều sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân. Bên cạnh đó, việc đốt lá dễ xảy ra nguy cơ cháy rẫy, hư hại bông điều, những thiên địch có lợi cũng bị tiêu diệt, ảnh hưởng bộ rễ và làm chai đất.

Cách rẫy anh Cường chừng 500m, gia đình bà Bùi Thị Lý (72 tuổi) ở cùng thôn Phú Tâm đang thuê 2 người thu hoạch. Con trai bà đang dùng máy thổi lá, thu gom thành hàng để lượm điều dễ dàng. Bà Lý phấn khởi khoe: “Chú thấy không, rẫy của tôi bằng phẳng như sân bay. Chỗ này 10 ha nên phải thuê nhân công thu hoạch. Năng suất năm nay cũng được lắm, mới nhặt từ 3 hôm nay đã được trên 500kg. Điều trồng từ năm 1986 nên thân to, tán rộng. Trái rụng hàng loạt nên từ sáng tới giờ tôi lê la nhặt mấy cây này chưa xong”. Bà Lý vừa nhặt điều vừa kể tiếp, cuối vụ năm ngoái, gia đình bà mua 1 tấn vôi bột rắc quanh rẫy nhằm khử chua và diệt các loại sâu bệnh có nguy cơ gây hại. Quá trình chăm sóc bón phân 2 lần. Riêng xịt dưỡng bông, đậu trái 7 lần. Bà Lý hy vọng vụ này sẽ thu trên 30 tấn.

Để thỏa mãn thông tin, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Tấn tiếp tục dẫn tôi về thăm 5,5 ha điều của gia đình mình. Nhờ áp dụng mô hình dùng bạt phủ nông nghiệp từ vài năm trước, tận dụng cành lá điều ủ làm phân hữu cơ nên rẫy điều của gia đình ông có sức sống khác hẳn những rẫy kế bên. Cây điều cao lớn, khỏe mạnh, rất hiếm cây bị sâu bệnh. Điều chuẩn bị chín rộ, rất nhiều cành sai trái trĩu xuống. Là Bí thư Đảng ủy của xã thuần nông (Phú Trung) với khoảng 2.000 ha điều, ông Tấn đặc biệt quan tâm tuyên truyền người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất điều hữu cơ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, bảo vệ môi trường. Vì trên thị trường, điều hữu cơ được các công ty thu mua với giá cao hơn và nông dân sản xuất bền vững hơn.

...NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC GIÁ

Thời điểm này, nông dân mới bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Ghi nhận thực tế tại Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và Phú Riềng là những huyện có diện tích điều lớn của tỉnh được biết, năm nay đa số điều ra bông đậu trái đồng loạt, tỷ lệ đậu trái cao. Dù một số nơi xuất hiện bọ trĩ, số ít diện tích bị khô bông nhưng các cấp, ngành cùng nông dân làm tốt công tác tuyên truyền, thăm vườn điều, chủ động phòng trừ, chăm bón nên vườn cây không bị sâu bệnh gây hại. Dự kiến năng suất năm nay sẽ đạt cao.

Vườn điều của gia đình anh Vũ Văn Cường ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung (Phú Riềng) dự kiến đạt năng suất 3,5 tấn/ha

Tại huyện Bù Đăng, các đại lý: Trang Thoa, khu Tân Hưng, thị trấn Đức Phong; Sáu Đây, thôn 3, xã Đoàn Kết; Oanh Thọ, chợ Thọ Sơn; Thùy Linh, xã Đắk Nhau... đã tổ chức thu mua với số lượng lớn từ 13-15 tấn/ngày. Anh Bùi Xuân Tiến, chủ đại lý thu mua điều Thảo Vi ở thôn 3, xã Minh Hưng cho biết, gia đình anh mở đại lý thu mua nông sản từ năm 2014, với 3 xe tải 20 tấn, hằng năm mua điều khắp các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và một số xã lân cận tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Vụ điều năm nay, đại lý khai trương thu mua từ ngày 3-2-2020 (tức mồng 10 tháng giêng năm Canh Tý), số lượng mua tăng dần và hiện đạt khoảng 15 tấn/ngày, thời điểm giữa vụ có thể mua 100 tấn/ngày. Trước tết Nguyên đán Canh Tý, giá điều dao động khoảng 30-31 ngàn đồng/kg, tuy nhiên thời điểm đó chưa có nhiều điều chín. Đến nay, giá điều thô chỉ còn 27-29 ngàn đồng/kg. Có nơi như xã Phú Trung, huyện Phú Riềng và xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú giá chỉ 26-26.500 đồng/kg.

Anh BÙI XUÂN TIẾN, chủ đại lý thu mua điều Thảo Vi, thôn 3, xã Minh Hưng (Bù Đăng): Giá điều phụ thuộc vào nhiều yếu tố và do thị trường quyết định chứ không do một tổ chức, cá nhân nào. Nhiều năm qua, điều tại khu vực Bom Bo, Đắk Nhau, Đường 10 của huyện Bù Đăng và xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập luôn có giá cao hơn vì hạt mẩy, da sáng, tỷ lệ thu hồi nhân đạt cao. Tuy nhiên, nếu gặp mưa, hạt điều ngấm nước, tỷ lệ nảy mầm cao, chất lượng giảm thì giá điều sẽ đồng loạt giảm. Vụ nào ít điều mà nhiều công ty thu mua, sản xuất, chế biến thì giá tăng lên do cạnh tranh. Giá điều còn phụ thuộc vào hoạt động xuất, nhập khẩu điều trên thị trường quốc tế...

Trước biến động về giá điều, những hộ kinh tế khá như anh Vũ Văn Cường (xã Phú Trung) quyết định phơi khô điều trữ lại, đợi được giá cao sẽ bán. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Phú Bình, xã Phú Trung) nhặt đến đâu, bán ngay đến đó để có tiền trang trải cuộc sống. Ông Hoàng cũng như nhiều hộ nông dân rất lo lắng vì càng về cuối vụ, giá điều càng xuống thấp. Do vậy năm nay, điều được mùa nhưng giá không cao.

Quang Minh

Hiệu quả chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều nông dân Đồng Tháp đã quyết định chuyển đổi sang trồng sen kết hợp làm du lịch để cải thiện kinh tế gia đình.

Cánh đồng sen của gia đình chị Mai Thị Thoa ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TX.Hồng Ngự thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh

RUỘNG SEN NHỘN NHỊP

Đó là mô hình trồng sen kết hợp làm du lịch của gia đình chị Mai Thị Thoa ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TX.Hồng Ngự. Nhờ chuyển đổi sang mô hình này, thu nhập của gia đình đã tăng hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Chị Thoa chia sẻ, 1ha đất của gia đình chị trước đây chuyên canh trồng lúa nhưng hiệu quả rất thấp, mỗi vụ nếu trúng chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, còn phần lớn thất bát do chuột cắn phá, thời tiết thất thường. Thấy nhiều hộ ở Tháp Mười, Tam Nông trồng sen lấy gương giá trị cao nên vợ chồng chị bàn tính chuyển hết diện tích sang trồng sen.

Để có giống sen tốt, vợ chồng chị phải xuống tận Long An mua giống về trồng. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, giống sen Đài Loan chị trồng bắt đầu cho thu hoạch, với trọng lượng khoảng 14 gương/kg. “Để có một gương sen phải ròng rả mấy tháng trời, nhưng khi đem ra chợ bán, lái chỉ thu vô 8.000 đồng/kg, quá thất vọng nên tôi quyết định về lại ruộng cất trại bán gương sen tại chỗ cho khách qua đường. Nhờ sen mới hái từ ruộng lên rất ngọt nên khách rất thích, có ngày bán khoảng 100kg sen, giá bán 20.000 đồng/kg”, chị Thoa cho biết.

Cùng với bán gương sen, người đi đường ghé mua và chụp hình tại ruộng sen của gia định chị Thoa càng đông. Được nhiều người động viên, chị quyết định đầu tư thêm các tiểu cảnh tại ruộng sen như: xây 2 cây cầu bằng tràm để khách lên tham quan, chụp ảnh; xây dựng các bè cây bằng tre để khách bước xuống ruộng sen, cùng với đó là trang trí thêm xuồng, cầu khỉ để du khách có nhiều sự lựa chọn “tự sướng cùng sen”... Theo chị Thoa, nhờ cảnh đồng sen thơ mộng nên khách rất ưa thích và tìm đến checkin, có ngày trên 100 khách đến tham quan, với mỗi vé người lớn là 10.000 đồng, học sinh 5.000 đồng.

Thương lái đến ruộng mua sen gương của anh Nguyễn Văn Thuận, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Ảnh: M.NHÂN

SEN LỤA HIỆU QUẢ KHÔNG KÉM

Cũng chọn cách chuyển đổi 10ha đất trồng lúa sang trồng sen để bán gương (sen lụa), anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười đã khấm khá lên. Theo anh Thuận, nếu thời điểm giá sen lên mức 29.000 đồng/kg, mỗi ha sen lãi 50 triệu đồng/ha/vụ (mỗi năm 2 vụ sen) là chuyện bình thường. Trồng sen chỉ cực việc hái sen, còn việc chăm sóc cũng tương đối dễ, chủ yếu là trừ bệnh thối rễ trên cây sen. Thường sen trồng ăn được 2 vụ (1 năm) là phải cày xới trồng lại để sen cho gương to, chắc hạt. Nếu để vẫn tiếp tục có thu hoạch nhưng gương sen sẽ nhỏ.

Theo anh Thuận, anh chỉ mới làm sen được 1 năm nhưng thấy “ăn” hơn lúa rất nhiều. Với giá sen lụa (hạt sen tươi chưa tách vỏ, bỏ tâm sen) từ 14.000 - 29.000 đồng/kg, năng suất trên 1,5 tấn/ha, năm rồi mỗi ha sen, anh thu lãi trên 50 triệu đồng. Từ hiệu quả bước đầu, năm 2020, anh tiếp tục phát triển trồng sen, đồng thời dành ra 3ha sen để đầu tư làm du lịch theo hướng mở cửa cho khách đến tham quan, chụp ảnh và phục vụ ăn uống tại cánh đồng sen thơ mộng, tạo điểm tham quan, du lịch mới cho du khách trong và ngoài tỉnh.

“Đến thời điểm này, nếu so về lợi nhuận thì trồng sen cao gấp mấy lần trồng lúa. Đặc biệt, nếu biết kết hợp với du lịch thì thu nhập còn được nâng lên hơn, người dân có thể sống khỏe trên cánh đồng của mình”, anh Thuận khẳng định.

MN

Ba Tri (Bến Tre): Lúa thiệt hại do mặn xâm nhập sâu nội đồng

Nguồn tin: Bá Đồng Khởi

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), gần 4,5 ngàn héc-ta lúa Đông Xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tri phần lớn đã bị nhiễm mặn; trong đó, hơn 15% diện tích bị chết, diện tích còn lại không phát triển do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Nông dân cắt lúa non cho dê ăn do ảnh hưởng của mặn xâm nhập nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri cho biết, 0,7 héc-ta lúa của gia đình vào giai đoạn đẻ nhánh nhưng đang bị nhiễm mặn làm cho cây lúa có dấu hiệu ngừng sinh trưởng, lá lúa bị ngả màu vàng (cháy lá). Theo ông Đức, ngành chức năng khuyến cáo không gieo sạ nhưng do tiếc đất bị bỏ trống nên ông gieo sạ lúa với hy vọng nước mặn sẽ không cao và ông sử dụng giống lúa chịu mặn. Dù vậy, hiện tại nước trên ruộng độ mặn đã hơn 3,5%o. Nước ngoài kênh cũng nhiễm mặn xấp xỉ 3%o. Do đó, càng bơm nước lên ruộng, độ mặn trên ruộng sẽ tăng dần do thời tiết nắng nóng. Ông Đức đã xả nước ra khỏi ruộng (tránh tích tụ mặn trong đất) chịu thiệt hại để đất làm vụ tới.

Ông Nguyễn Văn Lân, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri cho hay, 0,4 héc-ta đất lúa gần hai tháng tuổi của gia đình ông bị nhiễm mặn không phát triển nên ông cắt lúa về cho dê, bò ăn. Ông Lân lý giải, thấy người ta sạ nên ông sạ theo. Nếu nước không bị mặn thì thu hoạch lúa bình thường, còn nhận thấy nước mặn ảnh hưởng sự phát triển của lúa ông Lân sẽ cắt cho dê, bò ăn, vì hiện nay nguồn cỏ để cho 100 con dê và 4 con bò ăn đang thiếu do hạn mặn cỏ chậm phát triển.

Hiện nay, các kênh rạch nội đồng tại huyện Ba Tri đều bị mặn xâm nhập từ 1,8 - 3%o. Đặc biệt, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp cũng đang bị nhiễm mặn, độ mặn đo được 1,5%o. Ông Nguyễn Đình Dũng - quản lý Nhà máy nước hồ Kênh Lấp cho biết, do đang cao điểm mùa hạn mặn nên trữ lượng nước hồ giảm phân nửa, chỉ còn khoảng 500 ngàn mét khối nước. Bình quân, mỗi ngày nhà máy cấp khoảng 2 ngàn mét khối nước để cung cấp cho người dân và hòa mạng với Nhà máy nước Tân Mỹ, làm giảm độ mặn từ Nhà máy nước Tân Mỹ khi cung cấp cho người dân.

Ông Dũng cho hay, tiêu chuẩn nước không đạt do nhiễm mặn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân, lượng nước hồ sẽ cung cấp đủ qua mùa mặn.

Theo ông Dương Văn Chương - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri, tình hình hạn mặn trên địa bàn đang diễn ra phức tạp. Ngoài trồng trọt (sản xuất lúa), chăn nuôi cũng sẽ gặp khó khăn nếu tình trạng hạn mặn kéo dài. Ông Chương cho biết, người dân đã chủ động các phương án ứng phó với hạn mặn so với các năm trước đây. Ngoài ra, ngành chức năng đã kêu gọi người dân trữ nước mưa, nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi.

Nhiều mô hình hộ dân tổ chức trữ nước hiệu quả được nhân rộng, nhưng nếu tình trạng hạn mặn năm nay kéo dài, lo lắng lượng nước dự trữ sẽ bị thiếu hụt. Do đó, huyện có phương án chuyển nước ngọt từ nơi khác về để cung cấp cho hộ dân nếu tình trạng hạn mặn kéo dài.

Đối với tình trạng nhiễm mặn của hồ Kênh Lấp, ông Chương cho hay: Do hồ mới đưa vào sử dụng không lâu, ngành chức năng đã tiến hành rửa mặn nhưng chỉ mới có thể rửa được nước lớp mặt, nước mặn ở tầng đáy tích tụ từ nhiều năm trước vẫn còn. Do đó, huyện có kiến nghị với đơn vị quản lý khai thác hồ Kênh Lấp có phương án rửa mặn phù hợp để thời gian tới sẽ trữ được nước ngọt cung cấp cho người dân.

Huyện Ba Tri có 12 ngàn héc-ta đất trồng lúa 3 vụ cùng đàn bò 100 ngàn con, lớn nhất tỉnh. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, Ba Tri có trên 8 ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại, chiếm khoảng 80% diện tích vụ Đông Xuân. Cùng với đó là tình trạng khan hiếm nước ngọt để sinh hoạt, chăn nuôi.

Bài, ảnh: Phúc Hậu

Bình Định: Thu nhập cao nhờ nuôi gà nòi

Nguồn tin: Báo Bình Định

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đã đẩy mạnh nuôi gà nòi làm kinh tế, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Hầu như những hộ nuôi gà nòi ở huyện Phù Cát và Phù Mỹ đều xuất phát từ chỗ thích nuôi gà nòi để đá, sau đó phát triển mô hình nuôi và chuyển sang làm kinh tế.

Ông Lê Sơn Hoàng, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát kể: “Tôi ham thích đá gà từ nhỏ. Ban đầu tôi nuôi gà nòi để lọc những con gà tốt để đá, sau đó do có nhiều người đến hỏi mua vì thấy gà của tôi đá hay, tôi bèn gầy giống để bán. Tôi chọn những con cồ và mái to khỏe để phối giống. Những con gà cồ khỏe mạnh, mình nuôi để làm gà đá, còn gà mái nuôi lớn lấy thịt. Cứ chọn lọc như thế, dần dần tôi có được một đàn gà tốt. Ban đầu chỉ khoảng chục con, giờ đàn gà của tôi có khoảng 100 con. Đàn gà này mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình tôi”.

Ông Lê Sơn Hoàng, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát vừa trồng lan kinh doanh vừa nuôi gà chọi mang lại thu nhập ổn đinh.

Theo ông Hoàng, ở huyện Phù Cát, những hộ nuôi vài con gà để đá cho vui thì rất nhiều, nuôi gà nòi làm kinh tế thì ít hơn nhưng gần đây đang nhiều lên. So với gà thường, gà nòi sinh trưởng nhanh hơn. Cùng nuôi trong 3 tháng nhưng gà nòi sẽ lớn nhanh và nặng ký hơn. Giá bán gà nòi cũng cao hơn nên mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn.

Cũng đam mê chơi gà đá từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ chia sẻ, nuôi gà nòi để lấy thịt không khó vì giống gà có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh. Hơn nữa, đặc tính nổi trội của giống gà này là rất hay vận động nên chúng rất khỏe, chất lượng thịt tốt, thơm ngon. Khác với chế độ ăn khá đặc biệt của gà đá, thức ăn của gà nòi đơn giản như: Cám, rau, thóc... “Chăm sóc gà nòi lấy thịt điểm quan trọng là phải tiêm phòng cho gà ngay từ khi còn nhỏ và giữ vệ sinh môi trường sống để hạn chế mầm bệnh. Còn lại thì cũng như nuôi gà ta!”- ông Hùng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ chăm sóc đàn gà nòi khoảng 30 chục con trong sân vườn.

Ông Đặng Văn Thuận, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát chia sẻ, giá một con gà nòi có thể dùng làm gà đá, cỡ nhỏ tầm 1 - 1,5 triệu đồng; cỡ trung bình giá khoảng 2 triệu đồng; một con gà đá hoàn chỉnh lên tới 5 - 7 triệu đồng. Nếu đó là một con đá tốt giá cao hơn nhiều lần. Tuy gà đá giá cao, nhưng để đào tạo được một con gà đá chiến phải mất nhiều năm, tốn nhiều thời gian và công sức từ chọn lọc đến huấn luyện. Đàn gà của gia đình ông hiện có 40 con, mang lại nguồn lợi khoảng 20 triệu đồng/tháng, tính ra hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần gà ta lấy thịt thông thường.

Ông Đặng Văn Thuận cho hay: Gà chọi của Bình Định có tiếng trong nước. Giống gà trong tỉnh thường có dòng tông chuẩn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên rất được thị trường ưa chuộng. Hiện, nhu cầu mua gà chọi Bình Định ở các tỉnh phía Bắc rất cao, chiếm 70% số lượng tiêu thụ. Thương lái thường tìm đến tận nhà để thu mua.

Tuy nhiên, hầu như các hộ nuôi gà nòi ở huyện Phù Cát và Phù Mỹ hiện nay đều nuôi nhỏ lẻ và xem nuôi gà chọi là nghề tay trái nên chưa đầu tư chuồng trại bài bản. “Nếu những hộ nuôi gà nòi ở đây đầu tư chuồng trại bài bản, gà Bình Định có thể trở thành nguồn cung ổn định cho nhiều tỉnh thành và mang lại doanh thu rất lớn” - ông Lê Sơn Hoàng nhận định.

Ông Lý Văn Vỹ, chuyên viên Phòng Nông nghiệp & PTNN huyện Phù Mỹ, chia sẻ: Một số hộ gia đình trong huyện đã thích ứng nhanh với thị trường chuyển sang nuôi gà chọi làm kinh tế, mang lại thu nhập khá, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.

HỒNG HÀ

Đồng Tháp: Lãnh đạo tỉnh tìm giải pháp liên kết tiêu thụ trứng vịt cho nông dân

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và hơn 15 nông dân là đại diện cho các hộ chăn nuôi vịt của các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã có chuyến tham quan, làm việc tại Công ty Cổ phần Ba Huân (TP.Hồ Chí Minh). Chuyến tham quan nhằm bàn về việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm trứng vịt cho nông dân Đồng Tháp.

Để hoàn thiện chuỗi ngành hàng vịt, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty Cổ phần Ba Huân thông tin đến đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp về nhu cầu thu mua sản phẩm trứng vịt an toàn của công ty trong năm 2020 và giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được kết nối với tỉnh Đồng Tháp trong việc xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ trứng vịt an toàn. Để chuỗi liên kết được thực hiện hiệu quả trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp cũng cho rằng, người nông dân cần phải liên kết và có những thay đổi trong tư duy sản xuất. Trong đó, việc xây dựng chuỗi sản xuất chăn nuôi khép kín, có kiểm soát an toàn sinh học là những yếu tố tiên quyết để thực hiện chuỗi liên kết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ngành hàng vịt là 1 trong 5 ngành hàng được tỉnh chọn phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, để hoàn thiện chuỗi ngành hàng này, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân. Đáng lưu ý là ngành nông nghiệp đã hướng người nông dân từ nuôi vịt chạy đồng sang nuôi vịt rọ đảm bảo an toàn sinh học. Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh về xây dựng truy suất nguồn gốc cho sản phẩm trứng vịt của Đồng Tháp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để sản phẩm trứng vịt được tiêu thụ ổn định hơn tại các kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ thị trường nên thời gian qua giá trứng vịt không ổn định, dẫn đến người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng đang ngày một khắt khe hơn từ thị trường thì người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, cần chú trọng sản xuất an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời, Bí thư Lê Minh Hoan cũng nhắn nhủ, để chuỗi liên kết được thực hiện hiệu quả thì cần phải xây dựng niềm tin và sự thấu hiểu - chia sẻ từ các bên. Ngoài ra, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan sớm xây dựng kế hoạch hợp tác với Công ty Cổ phần Ba Huân.

Mỹ Lý

Giá vịt, trứng các loại ở Bắc Giang giảm vì dịch viêm phổi cấp

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Hơn một tuần qua, dưới tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã làm giá vịt thịt, vịt giống và trứng các loại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giảm, người chăn nuôi gặp khó.

Theo đó, trứng gà có giá 1,2 nghìn đồng/quả; trứng vịt 1,7 nghìn đồng/quả. Cả hai loại trứng này đều giảm 400 đồng/quả.

Theo các chủ trang trại nuôi gia cầm, thủy cầm lấy trứng, với giá cả như hiện tại người nuôi chỉ hòa mà không có lãi. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều chủ nuôi sẽ bị thua lỗ.

Giá trứng xuống thấp khiến nhiều chủ trang trại gặp khó vì không không có lãi. Ảnh: Thu hoạch trứng ở trang trại chăn nuôi gà tại thôn Cấm, xã An Dương (Tân Yên).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá trứng xuống thấp là do các trường cho học sinh, sinh viên nghỉ học vì lo ngại bệnh dịch nCoV lây lan. Vì thế lượng lớn trứng tiêu thụ trong các trường học không tiêu thụ được.

Hiện giá vịt thương phẩm cũng chỉ đạt 25 nghìn đồng/kg, giảm 15 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này cũng là do dịch bệnh nCoV.

Được biết, phần lớn vịt thương phẩm của Bắc Giang được tiêu thụ tại tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh để phục vụ lễ hội ở các địa phương này và xuất sang Trung Quốc (theo đường tiểu ngạch). Tuy nhiên, vì dịch bệnh nCoV, các lễ hội không tổ chức nên lượng khách du lịch đến rất ít dẫn đến nhu cầu sử dụng vịt thịt giảm mạnh. Cùng đó, các đường biên với Trung Quốc đều bị cấm vận chuyển động vật nên vịt của Bắc Giang không thể xuất bán.

Thêm nữa, theo tập quán, người dân vùng xuôi ít sử dụng thịt vịt vào đầu năm mới. Trong khi đó thời gian qua nhiều chủ chăn nuôi lợn tại Bắc Giang đã chuyển sang chăn nuôi thủy cầm nên lượng vịt thịt dồi dào (khoảng 2 triệu con). Bên cạnh đó, các trang trại nuôi vịt thương phẩm truyền thống vẫn giữ đàn để bán vào dịp sau Tết Nguyên đán như mọi năm khiến tổng lượng vịt thương phẩm tồn dư khá nhiều.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) đã chuyển từ nuôi lợn sang chăn nuôi vịt.

Thịt giảm giá cũng khiến giá vịt giống giảm còn 6 nghìn đồng/con, giảm gần 20 nghìn đồng/con so với cuối tháng 11-2019 và giảm hơn 10 nghìn đồng/con so với dịp trước Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Hòa thông tin, giá vịt con giảm mạnh nên nhiều hộ dân tại địa phương tiếc rẻ lại ồ ạt vào đàn. Hiện tổng đàn vịt của Hiệp Hòa đạt khoảng 400 nghìn con.

Vịt là vật nuôi ngắn ngày, chỉ sau từ 45 đến 60 ngày (tùy từng giống) là được xuất bán nên nguy cơ khủng hoảng thừa trong thời gian tới là rất dễ xảy ra.

Thế Đại

Hiếu Giang tổng hợp 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop