Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 04 năm 2021

Bắc Ninh: Làm nông nghiệp thời công nghệ 4.0

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh

Bây giờ làm nông nghiệp không còn cảnh người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và cơ bản phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thời vụ như xưa nữa. Sản phẩm nông nghiệp lại phong phú, đa dạng, năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng “khắt khe” của thị trường, bảo đảm ngon, sạch, có mặt quanh năm, chứ không chỉ “mùa nào, thức ấy” như trước. Đó là câu chuyện sản xuất nông nghiệp thời công nghệ 4.0, theo phương châm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích, giải phóng sức lao động, hướng tới một nền nông nghiệp thông minh hiện đại.

Những vùng nông sản sạch hiện hữu

17 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại Khu thực nghiệm xã Việt Đoàn (Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), Sở Khoa học và Công nghệ là minh chứng cho sự thành công trong việc tích hợp các giải pháp nông nghiệp thông minh vào sản xuất. Các mô hình sản xuất giống nấm, nấm thương phẩm; sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất lan rừng, lan vũ nữ; trồng mít thái; nuôi ngan trên sàn .... dần đi vào ổn định, cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp cao cấp của Khu thực nghiệm có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Anh Bùi Hữu Thơ, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Làm nông nghiệp bao giờ cũng vất vả hơn các ngành, nghề khác, rủi ro lại cao, nên thực sự phải có niềm đam mê, tinh thần cầu thị chịu khó học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu mới có thể cho ra những sản phẩm nông nghiệp thực sự chất lượng. Vì vậy, trong quá trình đưa CNC vào sản xuất, cùng với những kỹ sư, cán bộ chuyên môn giỏi, Trung tâm còn mời PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia về sản xuất nông nghiệp CNC làm cố vấn chuyển giao KHKT và đào tạo tay nghề cho cán bộ, kỹ sư của Trung tâm nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giá trị.

Sản xuất rau sạch tại Công ty TNHH Ánh Dương, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh).

Hiện nay, Trung tâm đã có những bước tiến quan trọng về ứng dụng CNC như: Quy trình sản xuất Dưa lê vàng (Dưa lê Hàn Quốc); sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; áp dụng tiến bộ KHKT phục tráng, chọn lọc, nhân thuần nhằm bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất giống gà Hồ thuần chủng, tiếp tục nhân đàn, duy trì đàn gà sinh sản tại Trung tâm; bàn giao, hỗ trợ phát triển đàn gà thương phẩm ở các mô hình vệ tinh tại các huyện Gia Bình, Thuận Thành; xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily quanh năm; lắp đặt hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả 10.000 m2 nhà lưới trồng hoa lily, 2.000 m2 nhà lưới trồng hoa lan Hồ điệp, cung ứng ra thị trường hơn 24.000 cây hoa lan, 15.000 cành hoa lily đạt tiêu chuẩn… Trong những năm tiếp theo, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây là cơ sở sản xuất thử nghiệm, trình diễn những thành tựu mới về KHKT trong nông nghiệp để nông dân học tập, làm theo.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC được hình thành và khẳng định thương hiệu trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Lương Tài); Công ty TNHH rau sạch Ánh Dương (thành phố Bắc Ninh); HTX rau công nghệ cao Liêm Anh (Việt Đoàn, Tiên Du); HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm, Gia Bình); HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong); HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh (Đông Thọ, Yên Phong), trang trại Delco (Nguyệt Đức, Thuận Thành)... Cho thấy xu hướng sản xuất sạch có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, khẳng định sự năng động, nhạy bén của người nông dân trước xu thế hội nhập.

Bắt nhịp cùng thời đại

Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, phục vụ quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp thì một nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu sẽ không thể tồn tại. Để bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững, ổn định chính trị- kinh tế- xã hội, các cấp lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến sản xuất nông nghiệp CNC, cùng nông dân gỡ các “nút thắt” về cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn, kỹ thuật…nhằm bắt nhịp cùng thời đại công nghệ 4.0.

Hoa lan hồ điệp của Khu thực nghiệm, xã Việt Đoàn (Tiên Du) được thị trường trong nước ưa chuộng.

Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “ Tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, nhưng có ý nghĩa to lớn về bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Vì vậy, Sở tham mưu với tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, hiện đại, phù hợp với thực tiễn sản xuất. Hiện nay, tỉnh đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, an toàn, hiệu quả, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hàng loạt các giải pháp nông nghiệp thông minh được ứng dụng rộng khắp, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, bảo đảm sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch; áp dụng KHKT về giống cây trồng, sử dụng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt, hệ thống cảm biến điều khiển chế độ dinh dưỡng, thiết bị máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng thủy canh, canh tác tiên tiến ICM, GAP, VietGAP… vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế tăng cao. Trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng các giải pháp công nghệ chuồng kín, hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Biogas; công nghệ nuôi cấy tế bào trong phòng, chống dịch bệnh; nuôi thâm canh, siêu thâm canh các loại thủy sản trong ao đất và trong lồng trên sông… từng bước đưa chăn nuôi, nuôi trồng thủy, trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng chiếm hơn 51% tổng giá trị sản xuất.

Bắc Ninh tự hào là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 7 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; 14 vùng sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín; 162 vùng nôi trồng thủy sản CNC. Nông nghiệp thông minh được xác định là một cực tăng trưởng xanh không thể thiếu cho những vùng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Tỉnh đang đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực năng động, nhạy bén, tiếp cận, thích ứng nhanh với công nghệ 4.0, đồng thời rà soát, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 để hòa cùng nhịp tăng trưởng chung của tỉnh.

PV

Bến Lức đã có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Long An

Thời gian qua, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đang đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh và đạt được những kết quả nhất định.

Chanh ở Bến Lức đã có mặt tại thị trường nhiều nước

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, dện tích trồng chanh toàn huyện Bến Lức hiện nay 7.137ha, trong đó chanh không hạt hơn 6.564ha. Sản lượng trái xuất khẩu gần 90% sang các nước trong khu vực, chủ yếu thị trường Trung Đông.

Cây chanh ở huyện được trồng và tăng nhanh tập trung ở các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức. Những năm qua, cây chanh đang mang lại lợi nhuận cao và khá ổn định cho nông dân.

Theo quy luật phát triển, để nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xuất khẩu, huyện đã sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay huyện đã có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng Gap. Sản phẩm thu hoạch đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

"Để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao giá trị, lợi nhuận, huyện Bến Lức đề ra mục tiêu đến 2025 có thêm 1.500ha chanh ứng dụng công nghệ cao để nâng diện tích trồng chanh ứng dụng công nghệ cao của toàn huyện lên 2.700ha", ông Lê Thành Út cho biết./.

Lê Đức

Thị trường cây giống kém sôi động

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời điểm này năm ngoái, sức mua nhiều loại cây giống ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ rất sôi động, nhưng năm nay sức mua lại giảm mạnh. Dù vậy, giá phần lớn các loại cây giống vẫn duy trì ở mức cao.

Nhiều loại cây giống tại Cơ sở cây giống Sáu Hòa ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Giá “neo” ở mức cao

Hiện giá một số loại cây giống có giảm so cùng kỳ nhưng nhìn chung vẫn đang ở mức cao.

Giá cây giống sầu riêng sầu riêng Ri 6, Mỏn Thon… đã giảm ít nhất từ 20.000-30.000 đồng/cây so với cùng kỳ năm 2020. Song, do thời gian qua giá cây giống sầu riêng đã tăng cao kỷ lục nên với mức giảm như trên vẫn chưa đủ sức kéo giá cây giống sầu riêng xuống mức thấp. Tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ cây giống sầu riêng hạt lép Ri 6, Mỏn Thon (gốc ghép cỡ 1,5-2cm) được bán với giá từ 80.000-100.000 đồng/cây.

Bên cạnh sầu riêng, giá nhiều loại giống nhãn cũng ở mức rất cao như nhãn Phát Tài, nhãn tím ở mức 140.000-150.000 đồng/cây; Thanh Nhãn và nhãn Hồng Phúc có giá 50.000-60.000 đồng/cây; nhãn xuồng cơm vàng và Ido giá trên dưới 35.000 đồng/cây.

Thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá mít giống có giảm nhưng gần đây đã tăng trở lại hơn 10.000 đồng/cây. Mít giống loại cây ghép được 1-2 cơi lá (gốc ghép có đường kính cỡ 0,8-1,4cm) tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ đang ở mức 20.000-35.000 đồng/cây, còn mít giống ghép gốc có đường kính từ 1,5cm trở lên có giá từ 40.000-45.000 đồng/cây.

Ðối với nhiều loại cây giống khác thì gần đây giá khá bình ổn, như xoài, mãng cầu, cóc, ổi, vú sữa, cam, cây có múi như na Ðài Loan 55.000-60.000 đồng/cây; bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, na Thái và mãng cầu Thái giá từ 18.000-25.000 đồng/cây; cóc cầy và cà na Thái: 30.000-35.000 đồng/cây; ổi Ruby 20.000-25.000 đồng/cây; ổi lê Ðài Loan và ổi nữ hoàng:15.000-17.000 đồng/cây…

Giá cây giống duy trì ở mức cao do giá thành sản xuất cao, nhất là khi gần đây giá phân bón và nhiều chi phí sản xuất đầu vào phục vụ sản xuất cây giống tăng liên tục. Bên cạnh đó, nguồn cung một số loại cây giống còn hạn chế, trong khi nhiều người lại tập trung chọn mua nên có giá bán cao. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh cây giống tại Cần Thơ phải lấy nguồn cây giống ăn trái từ các địa phương khác về bán lại làm tăng thêm chi phí vận chuyển, thuê mướn nhân công...

Sức mua giảm mạnh

Những năm qua, nhu cầu tiêu thụ cây giống ăn trái không ngừng tăng cao do nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển diện tích vườn cây ăn trái để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, năm nay sức tiêu thụ cây giống ăn trái tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn TP Cần Thơ có sự giảm mạnh. Trong đó, có một số loại cây giống như xoài, sầu siêng… bán rất chậm.

Chị Dương Kim Pha, chủ cơ sở kinh doanh cây giống ăn trái và hoa kiểng Út Nữa ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Thời điểm này năm trước, có rất nhiều người tìm đến mua cây giống với số lượng hàng trăm cây nên thị trường rất sôi động. Tuy nhiên, hiện nay tình hình có vẻ trầm lắng do ít người mua. Sức tiêu thụ nhiều loại cây giống tại cơ sở của tôi hiện đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước”. Cũng theo chị Pha, cơ sở của chị lấy nguồn cây giống từ các cơ sở sản xuất cây giống có uy tín tại tỉnh Bến Tre và luôn hướng dẫn, hỗ trợ người mua cách lựa chọn cây đạt chất lượng, chăm sóc cây đúng cách, hạn chế hao hụt. Do vậy, có nhiều khách hàng sau khi mua cây giống tại cơ sở đã tin tưởng quay trở lại mua khi có nhu cầu và giới thiệu cho người thân và bạn bè cùng mua. Nhiều khách hàng, năm nay giảm mua cây giống do lúa bán được giá cao, nông dân đã quyết định tạm thời dừng kế hoạch chuyển đổi từ đất lúa sang lập vườn trồng cây ăn trái.

Theo các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống ăn trái tại các quận, huyện Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Ðỏ, Phong Ðiền... từ đầu năm đến nay sức mua đã giảm mạnh từ 40-50% so với cùng kỳ. Lý giải về nguyên nhân sức mua giảm, ông Phan Văn Phiêu, Chủ cơ sở cây giống Sáu Hòa ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho rằng: “Do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá nhiều loại trái cây bị sụt giảm mạnh và năng suất vườn cây cũng đạt thấp bởi hạn mặn và biến đổi khí hậu nên người trồng không có lời. Từ đó, nông dân hạn chế trồng cây ăn trái, nhất là những nông dân đang làm lúa, bởi lúa đang có giá cao mà lại trúng mùa. Ngoài ra, nông dân cũng còn gặp khó về nguồn vốn đầu tư để phát triển vườn cây và nhiều người cũng có tâm lý muốn đợi xem giá cây giống có giảm không và chờ đến mùa mưa mới mua cây về trồng đỡ công chăm sóc, tưới nước và tránh tình trạng cây có thể bị chết khi trồng trong điều kiện nắng nóng hiện nay”.

Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống ăn trái ở TP Cần Thơ kỳ vọng, sức mua các loại cây giống sẽ tăng trở lại trong những tháng tới khi bước vào mùa mưa. Theo nhận định của cơ sở kinh doanh cây giống ăn trái ở TP Cần Thơ, hiện nay sức tiêu thụ cây giống tại nhiều cơ sở bị giảm so cùng kỳ còn do trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở kinh doanh cây giống, khiến thị phần bị chia nhỏ. Bên cạnh đó, còn có nhiều người bán cây giống ăn trái dạo, sẵn sàng đem hàng đến tận nơi để chào bán hay bán qua mạng xã hội. Song, với việc hình thành các cơ sở kinh doanh cây giống cố định, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng và luôn nhiệt tình tư vấn, cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở cây giống ở Cần Thơ tự tin sẽ thu hút và “giữ chân” được khách hàng.

TP Cần Thơ hiện có khoảng 286 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 116 cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống và hơn 70 cơ sở kinh doanh giống cây ăn trái. Các cơ sở cây giống ăn trái cung ứng hơn 750.000 cây/năm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Đẩy mạnh phát triển mô hình cánh đồng lớn

Nguồn tin: Báo Long An

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An tích cực đẩy mạnh thực hiện mô hình cánh đồng lớn (CĐL) bằng nhiều hình thức. Trong đó, nổi bật là việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) để ổn định đầu ra cho nông sản, qua đó, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Nông dân có thu nhập ổn định từ mô hình cánh đồng lớn

Từ mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ban đầu hình thành trong quá trình thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay phong trào xây dựng mô hình CĐL phát triển mạnh mẽ, dần trở thành xu thế trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020, toàn tỉnh thực hiện được 129 cánh đồng với diện tích 14.020,5ha, 3.097 hộ tham gia, trong đó có 7.740,7ha được DN, HTX nhận bao tiêu sản phẩm. Đến cuối tháng 3-2021, vụ Đông Xuân 2020-2021 có 22 DN đăng ký tham gia thực hiện mô hình CĐL với 219 cánh đồng, tổng diện tích 22.203,5ha. Hầu hết, lợi nhuận của các mô hình này bình quân đạt từ 20-25 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập của người dân cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ so với cách làm truyền thống.

Những năm gần đây, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện CĐL với diện tích 200ha tại khu phố 2 và khu phố 3. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Phong Thạnh - Nguyễn Văn Phol cho biết: “Theo thống kê, thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu đầu ra cho HTX TMDV Nông nghiệp Gò Dồ và HTX Hương Trang với tổng diện tích 149ha, 59 hộ. Khi tham gia CĐL, người dân được cung ứng vật tư nông nghiệp đến cuối vụ, không tính lãi. Đồng thời, hàng tuần, nhân viên kỹ thuật của công ty xuống thăm đồng, theo dõi tình hình sản xuất để kịp thời hướng dẫn người dân xử lý sâu, bệnh nếu có xuất hiện”.

Ông Trần Văn Lánh, ngụ khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống. Khi địa phương có chủ trương xây dựng CĐL, tham gia HTX và liên kết DN, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký tham gia và chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất mà công ty đưa ra. Sản phẩm đến cuối mùa được DN đến tận ruộng thu mua với mức giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg”.

Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, các cơ chế, chính sách của mô hình CĐL ở nhiều địa phương còn giúp nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hơn. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng thông tin: “Việc tập trung đất đai và tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn theo mô hình CĐL gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa đã từng bước khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khí hậu, tranh thủ được thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và giảm giá thành, chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thời gian qua, nhờ mô hình CĐL mà nông dân mạnh dạn hơn trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, năng suất lúa cũng vì vậy mà tăng đều qua từng năm”.

Tại huyện Tân Thạnh, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, năm 2020, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho biết: “Năm qua, địa phương xây dựng thành công CĐL với diện tích trên 1.028ha liên kết với DN thu mua. Lợi ích của mô hình CĐL là tăng cường tính liên kết “4 nhà” và các bên tham gia mô hình đều được hưởng lợi ích cao nhất. Lợi ích của nông dân và DN đều được quan tâm; đồng thời, cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống”.

Anh Phạm Văn Là, ngụ ấp Trại Lòn Nam, xã Nhơn Ninh, bộc bạch: “Mô hình CĐL giúp nông dân giảm chi phí giống, lượng phân bón, số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận của nông dân trong mô hình cũng cao hơn so với bên ngoài từ 1,5-3 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, vật tư đầu vào được cung ứng kịp thời, chủ động, giá hợp lý, bảo đảm chất lượng và được tư vấn hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn, góp phần khắc phục tình trạng mua bán vật tư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc”.

Năm 2021, dự kiến mô hình CĐL sẽ được triển khai tại 130 cánh đồng với diện tích thực hiện 24.650ha, trong đó diện tích vụ Đông Xuân 2020-2021 là 14.670ha. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn, thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy hình thành, phát triển các mô hình CĐL hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tích cực đẩy mạnh xây dựng các mô hình CĐL, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức DN, HTX liên kết với nông dân đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tại các mô hình CĐL, các bên cần phối hợp xác định một giống lúa có lợi thế trên thị trường để định hướng phát triển sản xuất một cách hợp lý theo nhu cầu, hạn chế tình trạng “được mùa - rớt giá”.

“Song song đó, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại vật tư nông nghiệp như giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sản phẩm được cung ứng chất lượng tốt, ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho sản xuất và nông dân; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho nông dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng CĐL, lợi ích của việc tham gia vào CĐL; tăng cường mời gọi, thu hút DN xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo mô hình CĐL. Ngoài ra, các ngành có liên quan cần tăng cường phối hợp thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản tại các CĐL” - ông Sơn cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Tiền Giang: Mô hình trồng nấm bào ngư mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp một lượng đáng kể chất đạm, đường bột, nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời là dược liệu quý giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe phòng, chống nhiều bệnh và cũng là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị, hơn nữa, lại là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh. Dựa vào những đặc tính như trên, nhiều nông dân xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã và đang trồng thử nghiệm nấm bào ngư, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi nấm bào ngư đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhặn và bà Trịnh Thị Lệ Hương, tại ấp Tân Hiệp, xã Tân Hội đã có hơn 04 năm trồng nấm bào ngư. Hiện tại, 5.000 phôi nấm của gia đình ông bà đã cho lên kệ đang trong giai đoạn tất bật tưới nước chờ ngày thu hoạch.

Theo ông Nhặn và bà Hương, trồng nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao. Nguồn phôi nấm cũng không khó tìm, hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều có sản xuất (01 bịch phôi nấm có giá khoảng 15.000 đồng). Phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 02 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra, sau đó tưới nước cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới nước 01 - 02 lần. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tiến hành tháo nút, khoảng 06 ngày sau nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ nấm mà tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch nấm xong thì tiến hành vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại tiếp tục tiến hành tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo. Đặc biệt, nông dân nên thu hoạch vào sáng sớm nhằm đảm bảo nấm được tươi và bán cho thương lái được giá cao.

Bà Hương chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thồng làm nghề nông. Mấy năm gần đây, việc trồng lúa thất bát, giá cả lại không ổn định, nhờ sự hướng dẫn của người quen nên gia đình tôi chuyển sang trồng nấm. Ban đầu, chúng tôi chỉ trồng ít xem như thử nghiệm. Sau một thời gian, nhận thấy năng suất thu hoạch nấm cao, đầu ra tương đối ổn định, mang lại giá trị kinh tế hiệu quả, nên gia đình tôi chuyển hẳn sang trồng nấm cho đến nay.

Hiện nay, tại các chợ nông thôn và khu vực huyện, thị xã, nấm thương phẩm có giá bán lẻ từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại nhà có giá hơn 40.000 đồng/kg. Qua mỗi lần thu hoạch nấm cho từng đợt gieo, gia đình ông Nhặn, bà Hương thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Nếu so với các loại cây trồng mà nông dân xã Tân Hội trồng trước đây như lúa và sen thì trồng nấm chỉ cực vào lúc thu hoạch và xử lý nắp phôi. Đối với không gian để trồng nấm bào ngư, nông dân có thể tận dụng sàn nhà làm nơi nuôi trồng nấm.

Mặc dù đây là mô hình mới trồng thử nghiệm, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Tân Hội.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội cho biết: Sau khi phát động phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", Hội Nông dân xã Tân Hội đã tích cực vận động, khuyến khích hội viên, nông dân thực hiện các mô hình mới, cách làm hay, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Nổi bật là mô hình trồng nấm bào ngư. Dù đây là mô hình còn tương đối mới trên địa bàn xã Tân Hội, nhưng nhiều nông dân đã áp dụng thực hiện thành công. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ hội viên, nông dân nhân rộng mô hình này.

Với điều kiện đất đai tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, nông dân xã Tân Hội đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tăng nguồn thu nhập ổn định cho nông dân trên vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Cẩm Mai

Nuôi dế hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Anh Nguyễn Kim Ngữ, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là một trong những hội viên nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương. Với mô hình nuôi dế, anh Ngữ không chỉ có nguồn thu nhập lớn mà còn thu hút nhiều hội viên tham gia liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Mô hình nuôi dế của anh Nguyễn Kim Ngữ cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2010, anh Ngữ dành toàn bộ vốn liếng tích góp của bản thân đầu tư nuôi dế bởi dế dễ nuôi, sức đề kháng tốt, công chăm sóc ít mà thị trường tiêu thụ lớn, hiệu quả kinh tế đem lại cao. Thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm nuôi dế còn thiếu, nguồn giống không bảo đảm chất lượng nên dế nuôi bị chết nhiều, thất thu hơn 100 triệu đồng. Sau đó anh vào Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh để tìm và nhập giống dế có chất lượng về nuôi. Anh cũng quan tâm hơn đến môi trường sống của dế, chịu khó lên mạng nghiên cứu cách thiết kế chuồng nuôi bảo đảm nhiệt độ môi trường, mua thêm vỉ xốp để làm nơi trú ngụ cho dế.

Hiện nay, anh Ngữ thiết kế các chuồng nuôi với mái tôn chống nóng, lồng nuôi tách biệt, lắp đặt 4 máy điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ nuôi cho phù hợp. Anh chia sẻ thêm: Nuôi dế quan trọng nhất là luôn bảo đảm nhiệt độ trong lồng nuôi đúng với yêu cầu của từng độ tuổi dế. Đối với dế con cần lắp thêm bóng đèn sưởi và bổ sung cám cùng các loại rau xanh cho dế ăn nhằm tăng sức đề kháng. Kinh phí đầu tư mỗi lồng nuôi cũng không quá tốn kém, chỉ hết 200.000 đồng/lồng nuôi và có thể nuôi được từ 10 - 12kg dế thành phẩm. Hiện nay, toàn bộ khu vực nuôi dế của gia đình anh rộng gần 200m2 với 30 lồng nuôi dế, đem lại nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh còn nuôi thêm cá truyền thống, kinh doanh cây cảnh nên tổng thu nhập một năm của gia đình đạt gần 500 triệu đồng.

Anh Ngữ cho biết: Nuôi dế không tốn công chăm sóc, buổi sáng chỉ cần cho ăn rau xanh và thu dọn chuồng nuôi, tôi có thêm thời gian chăm sóc cây cảnh, đi giao hàng cho khách ở nhiều nơi. Nuôi dế tốn nhất là tiền điện với khoảng 40 triệu đồng/năm nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vốn đầu tư chỉ 100.000 đồng/kg dế con và sau 3 tháng nuôi có thể thu về từ 5 - 6kg dế thành phẩm, giá bán thị trường 100.000 đồng/kg. Với mô hình này, gia đình tôi đã thu hút được 5 hộ dân trong xã cùng tham gia liên kết nuôi dế và bao tiêu sản phẩm cho họ. Các thành viên trong tổ liên kết hiện nay cũng có nguồn thu bình quân từ 120 - 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi dế thương phẩm.

Ông Trịnh Xuân Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bách Thuận đánh giá: Mô hình nuôi dế của hội viên Nguyễn Kim Ngữ là hướng đi mới trong phát triển sản xuất ở địa phương. Anh Ngữ đã duy trì mô hình liên kết các hộ nuôi dế với nhau được hơn 10 năm nay và tạo thị trường đầu ra ổn định cho con dế của hội viên, mang lại thu nhập cao cho hội viên nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Bách Thuận sẽ tổ chức các lớp tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi dế từ anh Ngữ để nhân rộng mô hình nuôi với những hộ có điều kiện. Hàng năm, Hội Nông dân xã cũng sẽ động viên, khen thưởng kịp thời đối với các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi như anh Nguyễn Kim Ngữ nhằm tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong hội viên nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiến Đạt

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop