Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 05 năm 2021

Hậu Giang: Sầu riêng đầu vụ giá cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện một số diện tích trồng sầu riêng ở huyện Châu Thành A đã cho thu hoạch sớm.

Ông Lê Hồng Phúc, ở thị trấn Rạch Gòi, canh tác khoảng 300 cây sầu riêng giống Ri 6, vụ này năng suất đạt khoảng 15 tấn. Ông Phúc cho biết, đến nay đã bán được 6 tấn trái với giá 55.000-58.000 đồng/kg. Với giá cao như hiện nay, ông có lợi nhuận khá cao.Theo thống kê, hiện nay huyện Châu Thành A khoảng 63ha trồng sầu riêng, trong đó 55ha là giống Ri 6. Đây là giống sầu riêng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá luôn cao hơn các giống sầu riêng khác.

VIỆT PHƯƠNG

Thu 250 triệu đồng từ 600 cây mít Thái

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Anh Đặng Phúc Quý, thôn 3, xã Đắk N'drót (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích hồ tiêu sang trồng 600 cây mít Thái da xanh góp phần mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Năm 2016, khi thấy cây hồ tiêu thường bị nhiễm bệnh, giá giảm mạnh, anh Quý đã chuyển đổi 1,3 ha đất trồng tiêu sang trồng mít Thái da xanh.

Mỗi cây mít, anh Quý giữ từ 4-6 trái để chăm sóc

Anh Quý cho biết, 1.300 trụ tiêu đang cho thu hoạch thì xảy ra dịch bệnh dẫn đến cây tiêu bị xoắn đọt và chết dần. Thấy bệnh trên cây tiêu không thể kiểm soát được, anh đã tìm hiểu và quyết định chọn mít Thái da xanh để trồng thay thế.

Mít Thái da xanh không cần chăm sóc nhiều, nhưng phát triển khỏe, cho quả quanh năm, ít sâu bệnh. Giống mít Thái da xanh với nhiều ưu điểm như trái to, múi mít dày, ngọt đậm, thơm giòn… Quan trọng hơn, sản phẩm loại mít này mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác tại địa phương.

Sau gần 2 năm, vườn mít của anh Quý bắt đầu cho thu hoạch. Để cây phát triển tốt, cho trái đẹp, anh Quý dành nhiều thời gian để chọn lựa và chỉ giữ những trái sát thân cây mẹ.

Mỗi cây mít anh Quý giữ từ 4-6 trái. Vì vậy, cây mít phát triển khỏe, cho trái rất to, chất lượng vượt trội. Để tránh côn trùng chích hút, sâu đục quả, trong giai đoạn quả non, anh Quý tiến hành bọc quả bằng túi lưới chuyên dụng.

Theo anh Quý, ưu điểm của loại mít này là sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, tán rộng và dày, nên có khả năng chịu hạn rất tốt, chống xói mòn, che chắn gió, điều tiết nhiệt độ cho môi trường.

Đây cũng là loại cây ít sâu bệnh gây hại, cho trái quanh năm và khá sai trái. Trồng mít Thái da xanh không tốn nhiều công, chi phí chăm sóc, chủ yếu là vốn đầu tư ban đầu. Nếu thị trường gặp khó trong khâu tiêu thụ quả tươi, bà con có thể bán cho các cơ sở chế biến mít sấy khô.

Để thuận lợi cho việc thu hoạch và bán sản phẩm, mỗi năm anh Quý chỉ cho cây mít ra quả 2 đợt, tập trung vào tháng 2, 3 và tháng 9, 10. Đây là những thời điểm khan hiếm sản phẩm mít trên thị trường nên giá bán cao.

Vườn mít Thái da xanh của gia đình anh được nhiều thương lái biết và đến thu mua ngay tại vườn. Với 600 cây mít, mỗi năm gia đình anh Quý thu hoạch khoảng 30 tấn quả. Mít có giá bán ổn định từ 10.000-15.000 đồng/kg, tổng thu nhập của gia đình anh đạt 250 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).

Anh Quý cho biết, nếu chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân. Hiện nay, đầu ra của cây mít có nhiều thuận lợi hơn đối với cây trồng khác. Mít không những dùng để ăn tươi mà còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nước hoa quả, sấy khô, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu...

Tuy nhiên, do hình thức đầu tư, sản xuất mít còn nhỏ lẻ, nên tình trạng tư thương ép giá thường xảy ra. Vì vậy, anh Quý mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ, có chính sách kịp thời giúp bà con ổn định sản xuất, thị trường tiêu thụ...

Bài, ảnh: Đức Hùng

Nông dân Cư K’nia sản xuất hồ tiêu hữu cơ

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Xã Cư K’nia huyện Cư Jút (Đắk Nông) có khoảng 200 ha hồ tiêu. Thời gian qua, giá hồ tiêu xuống thấp. Cùng với đó, nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp nên không ít người dân bỏ bê, ít chăm sóc cây trồng này. Trong bối cảnh đó, một số hộ nông dân trên địa bàn xã đã chuyển hướng sang trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, mang lại hiệu quả cao.

Gia đình anh Bùi Xuân Vụ ở thôn 8, xã Cư K’nia (Cư Jút) có 2 ha hồ tiêu. Trước đây, gia đình anh sản xuất tiêu theo thói quen, bón các loại phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn tiêu…

Nông dân ủ các loại phân bón hữu cơ cho cây tiêu

Sau một thời gian, vườn tiêu phát triển không như mong muốn, đất đai bị bạc màu, độ phì nhiêu trong đất kém, tuổi thọ của cây tiêu không cao. Sau quá trình tìm hiểu, mấy năm trở lại đây, anh Vụ dần chuyển sang chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ. Anh sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc sinh học để phòng, trừ bệnh hại trên cây. Đồng thời, anh chú trọng tưới tiêu bằng nguồn nước sạch, chăm sóc theo quy trình hữu cơ bền vững khiến đất đai tơi xốp, có độ ẩm cao và giun đất nhiều. Nhờ vậy, vườn tiêu của gia đình đến nay đã phát triển xanh tốt, năng suất tăng.

Tương tự, gia đình chị Vũ Thị Thuần, thôn 8, xã Cư K’nia có 3 ha tiêu phát triển tốt, năng suất cao. Chị Thuần chia sẻ, gia đình chị tự ủ các loại phân bón cho tiêu từ cá, đậu nành, phân bò… Việc tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp tạo thành các loại phân bón cho cây trồng mang lại hiệu quả cao. Việc chăm sóc vườn tiêu hữu cơ theo một quy trình khoa học theo từng giai đoạn phát triển của cây. Cây tiêu phát triển đồng đều, xanh tốt lâu hơn; trong khi đó, sau khi có kinh nghiệm chăm sóc theo hướng hữu cơ có thể giảm chi phí từ 30 - 40%.

Hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ, được thu mua giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg

Trồng tiêu hữu cơ là một trong những hướng đi bền vững, không chỉ giúp vườn cây phát triển tốt, bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn tăng giá trị sản phẩm so với các loại tiêu trồng truyền thống. Tại địa phương, các doanh nghiệp ký hợp đồng mua tiêu trồng hữu cơ, bảo đảm chất lượng có giá bán cao hơn thị trường 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Thành ở xã Cư K’nia cho biết, hiện nay, các thành viên và người dân liên kết với Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất tiêu hữu cơ. Đơn vị cũng đã liên kết với các công ty thu mua tiêu hữu cơ, tiêu sạch. Nhờ đó bảo đảm được đầu ra và bán sản phẩm giá cao hơn.

Theo ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, những vườn tiêu chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế sâu bệnh gây hại, năng suất ổn định, giá bán cao hơn thị trường… Hiện nay, trên địa bàn xã mới có trên 30 ha hồ tiêu trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững. Để bảo đảm ổn định diện tích cây trồng, địa phương tuyên truyền, vận động người dân không nên ồ ạt, mở rộng diện tích hồ tiêu, mà chỉ chuyển hướng sang trồng tiêu sạch, tiêu hữu cơ, tận dụng các loại phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp tại địa phương; khuyến cáo bà con tích cực liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến tiêu hạt...

Bài, ảnh: Nguyễn Nam

Phú Thọ: Hiệu quả từ mô hình trồng cây sachi ở huyện Thanh Sơn

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Những năm gần đây, bên cạnh những ngành nghề sản xuất truyền thống, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ khuyến khích người nông dân tìm tòi, phát triển những hướng đi mới. Mô hình trồng cây sachi của hộ ông Vũ Xuân Trường (khu Đồng Tiến, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn) là ví dụ điển hình cho hướng làm kinh tế mới bước đầu mang lại kết quả khả quan. Men theo con đường đồi vào trang trại của gia đình ông Vũ Xuân Trường, chúng tôi được chiêm ngưỡng quả đồi phủ màu xanh ngắt của cây sachi và một số loại cây trồng khác. Được người dân mệnh danh là lão nông thích tìm tòi cái mới, ông Trường bắt đầu làm kinh tế từ năm 1975. 5 năm sau, khi đất nước mở cửa, ông là người đầu tiên ở xã Hương Cần mua ô tô hành nghề vận tải. Đến năm 1997, khi dân làng đổ xô ra đường lớn thì ông Trường lại mang vợ con vào đồi núi lập nghiệp. Trải qua 24 năm gắn bó với kinh tế đồi rừng và nhiều lần trải qua thất bại, không khó hiểu khi ông Trường dám tiên phong trồng loại cây chưa ai dám trồng.

Ông Vũ Xuân Trường chăm sóc cây sachi đang trong thời kỳ sinh trưởng Cây sachi là loại cây thuộc họ dây leo có nguồn gốc từ vùng rừng rậm châu Mỹ. Quả của cây sachi có hình ngôi sao, hạt cây sachi “soán ngôi vua” của dầu oliu về hàm lượng dinh dưỡng. “Ông vua của các loại hạt” này có tỷ lệ các chất dinh dưỡng và các axit béo không bão hòa đạt tới 96%. Ngoài ra, hàm lượng Omega 3,6,9 dồi dào cũng giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, viêm khớp, điều hòa huyết áp, nâng cao trí lực và chống lão hóa….. Tin tưởng loại cây này sẽ cho giá trị kinh tế cao, năm 2015, ông Trường mạnh dạn ký hợp đồng với doanh nghiệp, mua hạt giống sachi về trồng tại vườn nhà mình. Hành trình trồng loại cây mới này ban đầu cũng lắm gian nan. Ông cho biết: Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, tôi dựng giàn bằng cọc tre và dây thép gai. Nhưng sau gần 1 năm, giàn bị gió quật đổ”. Sau đó, ông rút kinh nghiệm chuyển sang làm cọc bê tông hình chữ T, cao từ 1,5 đến 1,8m, bên trên trụ căng dây thép gai 50 – 60cm để cây leo, tạo tán và đón được nhiều ánh sáng. Khi cây cao khoảng 1m, ông tiến hành hãm ngọn để cây phát triển cành, thân, nhanh chóng phủ trên tán. Nhưng về sau, khi cây đã phát triển thì có thể cắt cành dưới gốc, giúp cây dành chất dinh dưỡng nuôi cành mới và quả tốt hơn. Sachi là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng. Qua 6 năm trồng thử nghiệm, ông nhận thấy giống cây này ít có sâu bệnh trên diện rộng, trồng từ 6 – 8 tháng có thể cho thu hoạch. Cây sachi cho quả quanh năm và đạt tối đa năng suất thu hoạch trong 15 năm. Từ năm thứ ba trở đi, cây có thể cho sản lượng từ 3 tấn/ha. Với giá bán hiện tại từ 30.000 đồng/kg thì lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân là rất khả quan.

Qua một năm, ông đã thu được sản lưởng khoảng 300 kg quả khô Bên cạnh sự nỗ lực của người dân địa phương, chính quyền địa phương đang đồng hành tích cực với bà con trong việc phát triển những mô hình sản xuất mới. Ông Khuất Hồng Quân – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Cần cho biết: “Cùng với việc khuyến khích, xã kiến nghị với các ngành chức năng có biện pháp giúp đỡ bà con nông dân tiếp cận với các chuỗi liên kết sản phẩm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị hàng hóa nông sản”.

Quả sachi sau khi thu hoạch Tư duy tìm hướng đi mới, cách làm mới của ông Vũ Xuân Trường nói riêng và những người nông dân hiện đại nói chung cần được khuyến khích để có thêm nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Thùy Trang

Giá nhiều loại rau, củ, quả giảm mạnh

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Chung đà giảm giá của thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, giá nhiều loại rau, củ, quả… cũng tiếp tục giảm mạnh; thị trường kém sôi động do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua có xu hướng giảm. Giá một số mặt hàng như bí xanh, mướp, bầu giảm mạnh.

Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố như: Chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), chợ Xanh (quận Cầu Giấy), chợ Hà Đông... cho thấy, so với cùng kỳ tháng trước, giá bí xanh 6.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; bầu 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; mướp 8.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg… Các loại rau vụ xuân hè như rau muống, rau ngót, mồng tơi… giá không giảm sâu như các loại bầu, bí xanh, mướp nhưng vẫn thấp so với trung bình năm trước, dao động từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/mớ.

Bà Nguyễn Thị Nụ, tiểu thương bán bí xanh tại chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, hiện nay, các vùng trồng bí xanh tập trung ở các tỉnh: Hòa Bình, Nghệ An, Sơn La… bắt đầu vào mùa thu hoạch chính. "Tuy thời tiết thuận lợi, năng suất cao nhưng sức mua của thị trường chậm nên tôi cũng chỉ dám nhập 2 tấn về bán, vừa bán buôn vừa bán lẻ mà sức tiêu thụ vẫn chậm, cả 3 ngày nay vẫn chưa bán hết", bà Nụ nói.

Thu hoạch rau, củ, quả tại huyện Chương Mỹ.

Mặc dù không đối mặt với việc tiêu thụ khó khăn nhưng tại các vùng rau khu vực ngoại thành Hà Nội, giá các loại rau xanh đầu mùa hè cũng không được như mong muốn. Ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cho hay, mọi năm giá rau muống, đặc biệt là loại rau muống tiến vua - đặc sản của Hợp tác xã đều được giá nhưng thời điểm này, giá rau muống có xu hướng giảm nhẹ, dao động từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/mớ, nếu được giá 7.000 đồng/mớ thì nông dân sẽ phấn khởi, yên tâm sản xuất hơn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng - một hộ trồng dưa chuột tại thôn Đan Thê (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) cho hay, nếu như đầu vụ, giá bán tại ruộng là 18.000-20.000 đồng/kg thì đến giữa và cuối vụ, giá chỉ được 5.000 đồng/kg.

Chia sẻ về giá một số loại rau, củ bị giảm mạnh, các tiểu thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua giảm, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tích trữ tiền bạc để đề phòng trường hợp giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều bếp ăn tập thể ngừng hoạt động.

Về tình hình sản xuất, tiêu thụ rau xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin: Hiện, diện tích rau màu vụ xuân hè trên địa bàn thành phố đã trồng, sinh trưởng phát triển tốt. Rau vụ xuân hè đang cho thu hoạch khoảng 3.000ha (khoảng 42% diện tích) và đang cho thu hoạch gối theo lứa, chủ yếu các loại: Cà chua, khoai tây, cải các loại, rau ăn lá ngắn ngày, bí xanh, mướp, ngô... Trung bình mỗi ngày, khoảng 200-250ha rau cho thu hoạch, cung ứng cho thị trường khoảng 2.000-2.200 tấn rau xanh các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân Thủ đô.

"Đối với diện tích rau an toàn hơn 5.000ha, diện tích đến kỳ cho thu hoạch khoảng 2.000ha, cung ứng cho thị trường 450 tấn/ngày, trong đó 40 mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ rau hiện có, áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia cung cấp sản lượng rau khoảng 140 tấn/ngày, giá cả ổn định do có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh. Các loại rau, củ, quả giảm giá sâu chủ yếu là loại rau sản xuất mà không ký kết được với các kênh tiêu thụ ổn định", ông Phương cho biết thêm.

BẠCH THANH

Hà Tĩnh: Hơn 2.000 con trâu, bò, 13.000 con lợn chết vì dịch bệnh

Nguồn tin: Lao Động

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện dịch bệnh viêm da nổi cục ở địa phương này đang từng bước được khống chế, nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp.

Ngày 12.5, ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 16.886 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có 2.224 con chết, phải tiêu hủy. Số trâu, bò khỏi triệu chứng lâm sàng và đã qua 21 ngày là hơn 7.000 con.

Hiện dịch bệnh có chiều hướng giảm, các địa phương làm tốt công tác tiêm phòng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Từ ngày 1.5 đến ngày 10.5 số lượng trâu bò chết do viêm da nổi cục trung bình 34 con/ngày, giảm 23% so với giai đoạn từ 20.4 - 30.4.

Hiện ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên dịch bệnh viêm da nổi cục đã giảm. Tuy nhiên, ở huyện Đức Thọ và Hương Sơn là 2 địa phương có số trâu, bò chết vẫn đang tăng.

Về công tác phòng, chống, theo ông Trần Hùng, đến nay toàn tỉnh đã nhận gần 37 nghìn lít hóa chất và hơn 100 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng tại các vùng dịch; đã tiêm 123.000 liều vaccine, đạt gần 80% số trâu, bò thuộc diện phải tiêm.

Về dịch tả lợn châu Phi, lũy kế đến nay tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy là 13.457 con và tình hình dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp, số lợn mắc bệnh, chết tiêu hủy tăng nhanh.

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh chia sẻ, hiện tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ đang hết sức phức tạp, tăng nhanh số lượng gia súc mắc bệnh, chết, tiêu hủy.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thuận lợi cho các loại côn trùng, động vật trung gian truyền bệnh phát triển, hoạt động mạnh, mầm bệnh phát tán nhanh, khó kiểm soát nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang rất cao.

TRẦN TUẤN

Huyện Dầu Tiếng (Bình Dương): Đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ chế biến chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), huyện đang đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ chế biến trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng bị động trong việc thu mua sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện có 252 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có 123 trại gia cầm, 129 trại nuôi gia súc, ước tổng đàn gia súc 188.800 con, đàn gia cầm 2,8 triệu con; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 116.000m2. Trên địa bàn huyện còn có 13 hộ gia đình nuôi các loại động vật hoang dã với 1.653 con các loại. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra công tác kinh doanh, giết mổ, kiểm dịch, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

TIỂU MY

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop