Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 06 năm 2016

Gia Lai: Nỗi lo từ cây giống chiết ghép

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Mùa mưa bắt đầu cũng là thời điểm các cơ sở gieo ươm và kinh doanh chuẩn bị cung ứng các loại cây giống như: cà phê, hồ tiêu, bời lời cùng với cây ăn quả để nông dân lựa chọn trồng mới. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng, xuất xứ, nhất là các giống cây có nguồn gốc chiết ghép, vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Hàng năm, mỗi khi chuẩn bị bước vào mùa mưa cũng là lúc hàng trăm cơ sở ươm cây giống và bán giống tại các địa phương như: Chư Pah, Chư Sê, TP. Pleiku… (Gia Lai) bắt đầu cung cấp các loại cây giống như hồ tiêu, cà phê, bời lời ra thị trường.

Một cơ sở xuất bán lượng lớn tiêu giống tại huyện Chư Pah. Ảnh: N.D

Tại các vườn ươm khu vực xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), các phường Yên Thế, Trà Bá… (TP. Pleiku) những ngày này xuất hiện nhiều xe tải nhỏ đang bốc cây giống phục vụ cho mùa trồng mới. Các vườn ươm bời lời trên địa bàn huyện Chư Pah; vườn ươm dọc đường Trường Chinh, phường Trà Bá (TP. Pleiku) kinh doanh các giống cây ăn trái chiết ghép như chôm chôm, sầu riêng ghép, măng cụt, bơ ghép… dù giá bán cao vẫn thu hút nhiều người mua. Dù vậy, chất lượng cây giống chiết ghép là băn khoăn của nhiều người bởi một số người mua các giống cây ăn trái có nguồn gốc từ chiết, ghép về trồng 5-6 năm vẫn không ra hoa, kết trái nên đành phải chặt bỏ trồng lại cây khác.

Anh Lê Trung Thông-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ) cho biết: “Các vườn ươm và bán cây giống bây giờ chỗ nào cũng có. Hôm nay trên đường từ Pleiku về nhà, tiện đường nên ghé vào một cơ sở kinh doanh cây giống trên đường Trường Chinh mua 200 dây tiêu cùng một số cây dừa nước và cây khác về trồng. Thấy người ta bán thì mình mua chứ làm sao biết được có đảm bảo chất lượng hay không. Nói chung là do hên xui thôi”.

Nỗi lo của anh Thông là có cơ sở khi mới đây, đoàn thanh tra của Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra 10 cơ sở gieo ươm, kinh doanh cây giống tại huyện Chư Pah và TP. Pleiku. Qua kiểm tra chỉ 2 cơ sở gieo ươm giống cây cà phê và hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Ngọc (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) và bà Nguyễn Thị Thanh Bình (TP. Pleiku) thực hiện đầy đủ các quy định của ngành. Riêng 8 cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả chiết ghép thì phát hiện đến 7 cơ sở vi phạm với các lỗi như không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không xuất trình được các hồ sơ chứng minh nguồn gốc cây giống mình đang kinh doanh. Đoàn đã đình chỉ 7 cơ sở vi phạm, hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của ngành mới tiếp tục cho phép kinh doanh cây giống không có nguồn gốc.

Ông Vũ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Những năm trước đây, khi chưa có công tác thanh-kiểm tra định kỳ, nhiều người mua cây giống chiết ghép về trồng 5-6 năm nhưng không ra hoa, kết trái phải chặt bỏ. Thời gian qua, công tác thanh-kiểm tra luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT nên công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp nói chung và cây giống nói riêng đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn như lực lượng thanh tra mỏng, kinh phí còn hạn chế, phương tiện bị động. Đặc biệt, một số cơ sở đôi khi không chịu hợp tác và cố tình né tránh gây khó cho đoàn kiểm tra.

Ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Năm nay, Sở sẽ tập trung công tác thanh-kiểm tra chất lượng cây giống dài hơn và kiên quyết xử lý mạnh các cơ sở ươm bán cây giống kém chất lượng tương tự như xử lý chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, tiến tới triệt tiêu những cơ sở cung cấp cây giống kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt sẽ nêu tên các cơ sở vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, đồng thời hướng dẫn người dân tìm đến mua ở những cơ sở tin cậy, có địa chỉ rõ ràng, không mua các giống cây trôi nổi…

Nguyễn Diệp

Phát huy thế mạnh cây chè Shan tuyết ở xã Tân Lập (Hà Giang)

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Tân Lập là xã vùng 3 của huyện Bắc Quang (Hà Giang), có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sự phát triển của cây chè Shan tuyết. Hiện xã có 451,49 ha chè Shan tuyết thì có đến trên 100 ha là chè cổ thụ. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cây chè vẫn được coi là loại cây “chiến lược” xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn ở của địa phương.

Tiềm năng chưa khai thác hết...

Hiện xã Tân Lập là địa phương có diện tích chè Shan tuyết tập trung nhiều nhất của huyện Bắc Quang. Trong những năm qua, cây chè được coi là cây có thu nhập cao và ổn định của xã, mức thu nhập bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/ha. Năng suất cây chè của xã ngày một tăng qua các năm. Bên cạnh cây chè vùng thấp, Tân Lập có giống chè Shan tuyết trồng trên núi bốn mùa mây phủ, búp to, phủ tuyết trắng, có tuổi thọ trên 100 năm. Có những cây chè Shan tuyết to cả người ôm, khi thu hái bà con phải bắc thang để trèo lên ngắt từng búp một. Cũng chính vì ưa lạnh và sống trên núi cao, sức sống mãnh liệt nên búp chè mượt mà, óng ả, chỉ hút tinh tuý của trời đất nên chè có vị rất ngon, nước pha vàng sánh như mật ong.

Người dân thôn Chu Thượng thu hái chè Shan tuyết.

Nếu năm 2011, tổng diện tích chè toàn xã là 633,96 ha thì đến năm 2012 diện tích là 645,96 ha. Cho đến thời điểm hiện tại và hết năm 2015, tổng diện tích chè toàn xã là 451,49 ha. Nguyên nhân giảm diện tích là do giá cả thị trường biến động, dẫn đến thu nhập và diện tích chè người dân bị giảm. Trong đó tập trung chủ yếu tại các thôn như: Thôn Chu Thượng trên 60 ha, Chu Hạ trên 70 ha, Minh Thượng 51 ha, Minh Hạ 86 ha, Khá Thượng 67 ha, Khá Trung 41 ha, Khá Hạ trên 16 ha và Nậm Siệu trên 44 ha. Sản lượng chè tươi thu hoạch được trên 1.200 tấn/năm, diện tích chè phân bổ tại 8/8 thôn, bản của xã. Thu nhập từ cây chè cũng chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất của xã. Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất chè, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè Shan tuyết trên thị trường... xã cũng đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, quy hoạch và phát triển vùng chè cho bà con. Hàng tháng, xã đều cử cán bộ khuyến nông xuống thôn bản thăm nom, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, thu hoạch chè sao cho đạt hiệu quả cao. Xã cũng xây dựng và đưa việc phát triển cây chè Shan tuyết vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu diện tích chè đạt trên 600 ha. Ngoài ra, xã cũng chủ động trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức để sản xuất, hướng đến xây dựng sản phẩm chè an toàn. Năm 2015, xã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc đầu tư thí điểm dự án chè VietGAP tại 2 thôn là Chu Hạ và Chu Thượng với 17 hộ tham gia dự án. Viện đã mở được 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, kỹ thuật đốn chè với 89 hộ tham gia, hỗ trợ phân bón vi sinh trên 20 tấn và hỗ trợ 3.500 cây chè cành giống cho các hộ tham gia trồng dặm. Hiện nay ở khu vục trung tâm xã có 3 cơ sở khá lớn chế biến chè và nhiều xưởng chế biến chè búp tươi ở các vùng lân cận đã tạo điều kiện thuận lợi để thu mua chè cho bà con. Chất lượng và sản lượng chè những năm gần đây của xã được thị trường ưa chuộng.

Phát triển gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm

Tiềm năng của cây chè Shan tuyết ở Tân Lập thì đã rõ, song thực tế việc bảo tồn và phát triển bền vững thì còn nhiều vấn đề phải bàn như: Khâu chế biến chưa được đầu tư, sản phẩm của bà con làm ra thời gian gần đây tuy được giá cao nhất so với các vùng khác trong huyện, nhưng cũng bị rớt giá do biến động thị trường. Ngon là vậy, giá trị là vậy, tiềm năng là vậy nhưng những năm qua, giống chè Shan tuyết vùng cao Tân Lập vẫn chưa phát huy hết hiệu quả vốn có. Những diện tích trồng ở vùng cao trước đây, nhiều diện tích bỏ hoang hóa mọc như cây rừng. Dẫu giống chè này có sức sống tốt nhưng vẫn cần phải có sự đầu tư và chăm sóc từ kiến thiết cơ bản thì cây mới cho thu hoạch đều. Nhận thức của bà con thiểu số về phát triển cây chè chưa được chú trọng, làm theo kiểu được chăng hay chớ dẫn tới năng suất thấp. Đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt lớn, nhiều đồi núi cao, việc vận chuyển sản phẩm chè đến nơi tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp, các hộ chủ yếu là bán chè búp tươi chưa tạo được giá trị gia tăng từ chế biến chè, giá trị mang lại từ sản phẩm chè còn thấp.

Khi được hỏi về định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, anh Triệu Chàn Khuân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: “Xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn của xã, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng Đề án phát triển cây chè Shan tuyết giai đoạn 2016 – 2020 đưa vào Nghị Quyết. Trong đó chú trọng chuyển đổi những diện tích đất đồi, vườn tạp chuyển sang trồng chè ở những thôn như: Nậm Siệu, Khá Hạ, Minh Hạ, Chu Hạ, Minh Thượng và Chu Thượng. Thực hiện mở rộng diện tích trồng chè, trồng mới 60 ha/năm. Quy hoạch vùng chuyên sản xuất, phát triển về cây chè theo hướng VietGAP. Cùng chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật trồng, thâm canh, sản xuất chè an toàn bằng các phương pháp truyền thống kết hợp hiện đại đảm bảo an toàn theo hướng VietGAP thông qua các buổi họp thôn. Đặc biệt, khi chương trình giảm nghèo CPRP hoạt động, nhiều hộ dân trồng chè kỳ vọng vào sự đầu tư tại xã sẽ là cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho gia đình mình. Tiềm năng là vậy, nhưng việc phát triển cây chè ở Tân Lập rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành cấp trên, nhất là vấn đề đầu ra”.

Hy vọng rằng, với việc xây dựng Đề án “Phát triển cây chè Shan tuyết giai đoạn 2016 - 2020”, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã và sự tự giác của người trồng chè sẽ góp phần đưa cây chè Shan tuyết thực sự là cây chủ lực, mũi nhọn, cây thoát nghèo trong phát triển kinh tế của Tân Lập trong thời gian tới.

MỸ HẰNG

Bình Thuận: Nhiều cây trồng lợi thế gặp khó vì thời tiết và thị trường

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận tình hình nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến năng, sản lượng các cây lâu năm. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ, giá sản phẩm đầu ra của một số cây lâu năm được xem là cây trồng lợi thế của tỉnh sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và phát triển diện tích loại cây trồng này.

Tổng diện tích trồng cây lâu năm đến thời điểm hiện tại là 102.504ha, tăng khoảng 1% so cùng kỳ; trong đó cây công nghiệp lâu năm là 62.463ha, giảm gần 0,1% và cây ăn quả là 37.594ha, tăng 3% so cùng kỳ 2015.

Thanh long: Được xem là một cây trồng “lợi thế nhất” của Bình Thuận trong những năm qua, hiện có tổng diện tích khoảng 26,6 nghìn ha, tăng gần 4% so cùng kỳ 2015; sản lượng thu hoạch đạt trên 266 nghìn tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ. Diện tích tăng chủ yếu ở các địa phương: Hàm Thuận Nam (509ha), Bắc Bình (190ha), Hàm Tân (103ha). Những năm trước giá thanh long tăng ổn định, hầu hết nhà vườn thu lãi cao nên người dân ồ ạt mở rộng diện tích, nhưng một năm trở lại đây giá thanh long liên tục giảm, thời tiết thất thường, nhiều sâu bệnh, khó chăm sóc, cùng với đó là tình hình hạn hán kéo dài thiếu nguồn nước tưới, nhiều nhà vườn bị thua lỗ nên diện tích trồng có phần chững lại.

Cây điều: Diện tích khoảng 16,47 nghìn ha, giảm 0,7%; sản lượng thu hoạch trong 5 tháng đạt 10.395 tấn, giảm 1,32% so cùng kỳ. Do phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh phần lớn đều già cỗi, diện tích điều cao sản chưa phát triển nhiều, đa số người trồng điều thường chỉ áp dụng các biện pháp như bón phân, tỉa cành, phun thuốc, làm cỏ theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Cây điều hầu hết được trồng trên những vùng đất bạc màu, vùng khô hạn nên gặp thời tiết bất thường sâu bệnh dễ phát triển làm giảm năng suất. Một số nơi nhà vườn chặt bỏ cây điều để trồng các loại cây khác hiệu quả kinh tế hơn.

Cây cao su: Diện tích khoảng 42,5 nghìn ha, xấp xĩ diện tích cùng kỳ 2015; sản lượng thu hoạch đạt 12.080 tấn. Do thị trường tiêu thụ cao su gặp khó khăn nên diện tích trồng mới không đáng kể, trong lúc một số nơi có hiện tượng người dân chặt bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác. Hiện nay giá mủ cao su đang đứng ở mức thấp, từ 6 - 7 nghìn đồng/kg mủ tươi.

Cây ca cao: Diện tích đến nay khoảng 179ha, bằng cùng kỳ năm 2015; sản lượng thu hoạch 147 tấn (tăng 1,38%). Cây cao cao chủ yếu trồng xen dưới tán điều, gần đây giá giảm nên nhà vườn không mở rộng thêm diện tích.

Cây hồ tiêu: Trong các loại cây lâu năm, chỉ cây hồ tiêu có chiều hướng phát triển tốt. Diện tích đến nay khoảng 1.623 ha (tăng 2,75% so cùng kỳ); sản lượng thu hoạch đạt 1.749 tấn (tăng 3% so cùng kỳ). Do giá tiêu ổn định ở mức cao (180 - 200 nghìn đồng/kg), các nhà vườn đã chủ động mở rộng diện tích và tập trung đầu tư nhiều hơn so với các cây trồng khác.

Tình hình trên cho thấy, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng, ngoài việc xác định cây trồng lợi thế phải hết sức chú ý đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ; sản xuất phải gắn với chế biến, bảo quản để tránh dư thừa quá lớn sản phẩm trong mùa vụ chính. Các cây thanh long, cây cao su trước mắt nên khuyến người dân không mở rộng diện tích, tập trung đi sâu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với cây điều cần phải có chính sách và hỗ trợ người dân thay thế giống điều cao sản thay thế cho diện tích điều già cỗi hiện nay. Đối với cây hồ tiêu phải đặc biệt chú ý khâu phòng trừ dịch bệnh để không xảy ra tiêu chết hàng loạt như trước đây, gây thiệt hại cho người sản xuất.

T.NAM

Nông dân nhấp nhỏm theo giá mủ cao su

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Giá mủ cao su trên thị trường bắt đầu giảm mạnh từ năm 2014 và kéo dài đến nay khiến người trồng cao su tiểu điền lao đao. Để tự cứu mình, nông dân ồ ạt chặt bỏ cao su chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như mì, mía… Có nơi, nông dân còn chặt bỏ cao su chỉ để trồng cỏ nuôi bò! Bước vào vụ thu hoạch năm 2016, giá mủ cao su quay đầu làm lóe lên hy vọng cho người trồng cao su...

Cuối tháng 5-2016, khi những trận mưa đầu mùa xuất hiện cũng là thời điểm bước vào vụ thu hoạch mủ cao su. Giá mủ nước nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây khá ổn định với mức cao hơn so với cuối năm 2015. Cụ thể, tại khu vực Dầu Tiếng giá mủ nước hiện ở mức 8.800 - 8.900 đồng/kg (290 đồng/độ); khu vực Bàu Bàng giá 8.600 - 8.700 đồng/kg (280 đồng/độ). Mức giá này cao hơn từ 90 - 100 đồng/độ, tăng trên 40%, so với quý IV-2015.

Người cạo mủ thuê cũng nhấp nhỏm đợi chờ giá mủ cao su lên để có người thuê cạo mủ

Còn cao su sơ chế SVR3L, quý I-2016, giá dao động ở mức 26 - 28 triệu đồng/tấn, cuối tháng 4 bất ngờ vọt lên 37 triệu đồng/tấn nhưng chỉ kéo dài 1 tuần, đến ngày 15-5 giá quay đầu xuống còn 32 - 33 triệu đồng/tấn. So với mức giá chạm đáy hồi đầu năm 2016 là 26 triệu đồng/tấn thì với mức giá 32 - 33 triệu đồng/tấn liệu có đem lại niềm hy vọng cho nhà vườn và các doanh nghiệp trồng cao su khi mùa thu hoạch mủ năm 2016 chỉ mới bắt đầu?

Nhiều chủ vườn cao su tiểu điền tại Bình Dương vẫn chưa yên tâm với giá mủ cao su hiện tại, bởi trong những năm gần đây, giá mủ cao su chưa bao giờ tăng cao đột biến, vì thế mà bà con cũng chưa dám khai thác mủ ồ ạt. Chị Lan, một nông dân có 10ha cao su tại xã Minh Hòa, cho biết: “Mấy năm nay, vào đầu mùa cao su luôn được giá nhưng cứ đến giữa mùa, cuối mùa thì giá mủ lại xuống. Chờ thêm thời gian nữa, nếu giá mủ cao su vẫn giữ được như vậy thì gia đình tôi mới dám thuê người cạo. Nếu tốn tiền đầu tư phân bón, tiền thuê người cạo mà giá mủ thấp thì lỗ là cái chắc!”. Còn người cạo mủ thuê thì cũng nhấp nhỏm đợi chờ. Với mức lương bèo bọt từ 3,5 - 4 triệu/người/tháng, biết là thu nhập không đủ chi tiêu nhưng người cạo mủ thuê vẫn hy vọng có người thuê cạo mủ còn hơn không có việc làm!

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá mủ cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sau khi Thái Lan, một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cao su, cho biết sản lượng cao su của nước này giảm 50%. Điều này ít nhiều đã khiến giá cao su các nước trong khu vực tăng giá trong thời gian qua. Một lý do nữa khiến giá mủ cao su tăng là do tiêu thụ săm lốp ô tô trên thế giới đang có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, giá dầu tăng trong những ngày gần đây cũng là động lực kéo giá cao su tăng. Cả ba yếu tố trên đã đẩy giá mủ cao su liên tục tăng trong thời gian qua.

Sau 3 năm liên tiếp rớt giá, liệu giá mủ cao su có trở lại thời kỳ vàng son như đã từng được ví von là “vàng trắng” hay không thì phải chờ. Tuy nhiên, với diễn biến của giá mủ cao su những ngày gần đây cũng tạm làm “ấm lòng” người trồng cao su tiểu điền. Hy vọng thị trường mủ cao su sẽ khởi sắc để người nông dân nói chung và những lao động sống bằng nghề cạo mủ thuê tìm lại được nụ cười với cây cao su.

TRẦN ĐỖ

Việt Nam mới tự chủ được 33% giống lúa

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, song Việt Nam mới tự chủ được 1/3 số lượng giống lúa, số còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đó là thông tin được Bộ KH&CN đưa ra tại hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo

Đánh giá tại của Bộ KH&CN cho thấy, đổi mới công nghệ trong ngành nông nghiệp đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua khi mà các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác như lực lượng lao động, quỹ đất ngày một giảm đi. Những năm qua, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa ngành hàng lúa gạo nước ta không những đảm bảo được an ninh lương thực mà còn vươn lên giữ vị thế top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh tăng cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng đang gặp rất nhiều trở ngại, thách thức. Điều này đòi hỏi cần phải có chiến lược đổi mới và phát triển với nền tảng công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi từ nền nông nghiệp phát triển theo chiều rộng sang tập trung vào chiều sâu, hướng tới sản xuất theo chuỗi hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới và tiếp cận công nghệ sản xuất, lai tạo giống nhưng cho đến nay Việt Nam chỉ có 17 đơn vị tham gia chọn tạo giống chính (6 DN và 11 viện, trường) cùng với khoảng 260 DN sản xuất, kinh doanh giống lúa. Chính vì vậy, các giống lúa mới tạo ra phần lớn không đạt chất lượng và tỷ lệ đưa vào sản xuất rất ít và khó kiểm soát được chất lượng. Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu gạo từ các giống lúa chất lượng cao vẫn còn thấp, thậm chí chưa có giống lúa xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.

Mô hình trình diễn giống lúa lai tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Những năm gần đây, phân khúc gạo cao cấp đang có chiều hướng tăng nhưng xuất khẩu gạo chủ yếu vẫn là phân khúc trung bình và thấp do chưa chủ động được về giống. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có khả năng đáp ứng được 33% nhu cầu về giống, tương đương 1,2 triệu tấn, còn lại vẫn phải nhập khẩu giống từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá trị nhập khẩu khoảng 35 triệu USD/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn và tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ từ hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ cho đến lộ trình đổi mới công nghệ. Trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo nhằm tạo ra những giống lúa thuần chủng chịu hạn, mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu cũng như điều kiện canh tác lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Chính vì vậy, tại hội thảo này, các nhánh công nghệ mới đối với ngành hàng lúa gạo được xác định cần phải tập trung trong thời gian tới là công nghệ lai hữu tính, công nghệ chỉ thị phân tử, công nghệ đột biến bằng tác nhân vật lý và công nghệ gen.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm, định hướng cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) cấp quốc gia cũng như các kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để đưa ra các chiến lược phát triển cụ thể cho ngành hàng lúa gạo. Đây cũng là tiền đề để xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu tiếp theo phục vụ cho công tác chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 5, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016 với sản lượng ước tính 10,12 triệu tấn, giảm khoảng 1,13 triệu tấn (10,2%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do hạn hán, nhiễm mặn trên diện rộng, đặc biệt tỉnh Bến Tre thiệt hại 100% diện tích gieo trồng do nhiễm mặn…

Thiên Tú

Hà Nội: Khôi phục thương hiệu chè Long Phú

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Từ những nương chè bị bỏ quên hàng chục năm, HTX Long Phú, xã Hòa Thạch (Quốc Oai, Hà Nội) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng chè Long Phú đã trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho nhiều doanh nghiệp chế biến cả nước.

Thu hái chè tại Hợp tác xã Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Ảnh: Anh Tuấn

Theo chân Giám đốc HTX Long Phú Lê Đình Long đến thăm nương chè rộng hơn 10ha được sản xuất theo mô hình VietGAP mới thấy không khí tất bật của nông dân trồng chè. Ông Long cho biết, chè Long Phú vốn nổi tiếng một thời được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Sau khi khối Đông Âu tan rã, việc tiêu thụ chè Long Phú trở nên khó khăn.

Đặc biệt, từ sau khi Công ty Chè Long Phú không thu mua chè cho nông dân thì sản xuất chè tại Long Phú gần như đình trệ. Nhiều năm trở lại đây, chè Long Phú sản xuất chủ yếu để phục vụ nhân dân địa phương dưới dạng chè tươi. Phần lớn các nương chè được trồng từ năm 1988 đến nay đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn là nguồn thu nhập của người dân địa phương. Cách đây gần 3 năm, HTX Long Phú ra đời với 228 hộ trồng chè - tiền thân là công nhân Nhà máy Chè Long Phú với mục đích củng cố lại diện tích trồng chè.

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Vùng chè Long Phú vốn có truyền thống từ lâu nhưng do nhiều năm không được thâm canh, cải tạo nên chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện đề án "Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè sạch an toàn của TP Hà Nội", năm 2014, Trung tâm phối hợp với UBND xã Hòa Thạch, HTX Long Phú triển khai mô hình sản xuất chè an toàn. Năm 2016, Trung tâm đã xây dựng thành công mô hình trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và mô hình trồng 10ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trương Văn Hồng, xã Hòa Thạch cho biết: Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình sản xuất chè VietGAP cho năng suất chè khô trung bình đạt 1,5 tấn/ha/năm, giá trị đạt 225.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với chè sản xuất đại trà. "Điều quan trọng là khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn các khâu kỹ thuật, từ chăm sóc đến thu hái cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; được hướng dẫn các biện pháp xử lý tránh tồn dư thuốc trừ sâu trên sản phẩm. Người trồng chè cảm thấy yên tâm, còn người thu mua thì hài lòng với chất lượng chè thương phẩm. Đây là thuận lợi để chúng tôi tiếp tục nhân rộng và sản xuất chè an toàn" - ông Hồng cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Kim Anh, Long Phú hoàn toàn có thể phát triển trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất chè tại Thái Nguyên tìm nguồn nguyên liệu từ các vùng chè Hà Nội. "Nếu nông dân Long Phú cam kết sản xuất chè sạch, an toàn, có chứng nhận, Công ty sẵn sàng thu mua sản phẩm cho nông dân" - ông Nguyễn Quốc Anh khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Toàn huyện có hơn 300ha sản xuất chè, Long Phú chiếm 180ha. Đến nay thương hiệu chè Long Phú dần được khôi phục trên thị trường qua mô hình sản xuất chè VietGAP. Hiện sản phẩm chè Long Phú hoàn thành các thủ tục để gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, trong tháng 6 sẽ công bố. Đây không chỉ là thành công của HTX Long Phú mà còn là bước phát triển đột phá cho kinh tế huyện Quốc Oai nói chung và người trồng chè Long Phú nói riêng.

Việt Phong

Vì sao rau an toàn khó tiêu thụ?

Nguồn tin: Kinh tế thị trường

Để người dân Thủ đô được sử dụng thực phẩm sạch, Hà Nội đã thực hiện Đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) giai đoạn 2009 - 2015”, đồng thời giao một số DN bán lẻ phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn.

Tuy nhiên đến nay, hệ thống kinh doanh các cửa hàng RAT đang ngày càng teo tóp do khó tiêu thụ RAT.

Gieo trồng phát triển, teo tóp cửa hàng

Theo đề án, dự kiến đến năm 2015, Hà Nội mở rộng phát triển diện tích RAT ở các vùng sản xuất tập trung, đưa tổng diện tích đạt từ 5.000 - 5.500ha. Số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện, diện tích RAT của TP đạt khoảng 5.100ha, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu của người tiêu dùng. Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy, nếu như diện tích gieo trồng RAT đã cơ bản hoàn thành đúng yêu cầu đề ra thì hệ thống bán lẻ sản phẩm này giảm mạnh. Năm 2011, TP Hà Nội có 260 điểm kinh doanh RAT nhưng hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có 19 điểm.

Rau an toàn bán tại siêu thị Hapro Đông Anh vắng khách. Ảnh: Hoài Nam

Ngay trong những ngày đầu tháng 6/2016, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tìm đến cửa hàng 68 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), đây là một trong những điểm kinh doanh RAT được Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khai trương trong hệ thống chuỗi cửa hàng rau, thực phẩm an toàn - Hapro Food vào năm 2010. Dù ngoài biển hiệu vẫn ghi cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Hapro Food nhưng bên trong không bán rau mà chủ yếu bày bán bia rượu, bánh kẹo, hàng tạp hóa… Nhân viên bán hàng cho biết cửa hàng đã ngừng bán rau từ hơn một năm nay. Trong khi đó, tại siêu thị Hapro Food 135 Lương Định Của (quận Đống Đa) mặc dù vẫn bày bán sản phẩm này nhưng trên kệ hàng chỉ có một vài quả bầu, bí và một ít rau xanh.

Không chỉ hệ thống cửa hàng của Hapro mới lâm vào tình trạng này mà hầu hết các DN tổ chức điểm tiêu thụ RAT đều trong tình trạng tương tự. Trước đây người dân phường Trung Tự và Kim Liên (quận Đống Đa) được tiếp cận sản phẩm RAT tại điểm bán hàng của Công ty An Việt trước cổng trường Tiểu học Trung Tự. Nhưng sau 5 năm tổ chức kinh doanh điểm bán này cũng chỉ lơ thơ ít rau củ. Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu sản phẩm xanh Việt Nam Nguyễn Thành Lưu (DN tổ chức sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội) than thở: Những ngày đầu mở sàn giao dịch RAT, DN mở được gần 80 điểm tiêu thụ. Nhưng sau một thời gian tiêu thụ chỉ còn 30% cửa hàng đạt sản lượng 50kg rau/ngày.

Doanh số ít không nuôi nổi cửa hàng

Vì sao hệ thống kinh doanh RAT không phát triển mà ngày càng teo tóp là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Về vấn đề này, lãnh đạo Hapro cho biết, dù hiện nay một số điểm, một số đơn vị trong chuỗi vẫn bán RAT song chủ yếu dưới dạng kết hợp với những sản phẩm tiêu dùng. Có như vậy là sức tiêu thụ RAT rất thấp, chẳng hạn tại siêu thị rau thực phẩm an toàn Hapro Food ở 135 Lương Định Của mỗi ngày chỉ bán được khoảng 5 – 7kg rau, củ, quả. Vì vậy, siêu thị chỉ duy trì cho có đủ mặt hàng. Bên cạnh đó, nguồn hàng hóa cũng là một vấn đề vì Hapro chỉ là đơn vị phân phối nên gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi cũng liên kết với nhiều địa phương nhưng không cạnh tranh được với thương lái do chi phí vận chuyển quá lớn, không thể kham nổi”- đại diện Hapro than phiền.

Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, việc tìm kiếm địa điểm bán hàng lưu động cũng không dễ dàng bởi những điểm do Sở Công Thương giới thiệu chủ yếu nằm ở khu vực ngõ hẹp, khu đất trống ngoài trời, vỉa hè… ảnh hưởng đến giao thông nên UBND quận không đồng ý tổ chức. Điều này khiến RAT không thể cạnh tranh được với các hộ tiểu thương. Thu không đủ bù chi, càng bán càng lỗ, buộc DN phải đóng cửa nhiều điểm bán hàng RAT.

Thực tế cũng cho thấy việc tiêu thụ RAT gặp nhiều khó khăn còn do nguồn cung tuy lớn nhưng phân tán, thiếu ổn định. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng RAT mới chỉ dừng ở mức chứng nhận vùng, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT. Ngoài ra, công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng về RAT chưa được UBND các cấp chú trọng cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này.

Thu Hương

Giá tiêu ổn định - cây gòn đang lên ngôi

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Giá tiêu tăng kỷ lục khiến nông dân Bình Phước mở rộng diện tích. Ngoài những loại nọc sống quen thuộc như tầm vông, lồng mức, anh đào, cây gòn cũng đang là lựa chọn của nhiều nông dân do đặc tính dễ trồng, ít nhiễm bệnh cho cây tiêu.

Chị Võ Thu Hằng, chủ trang trại ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (Phước Long) cho biết: “3 năm trước, gia đình tôi đầu tư nhân giống cây gòn vì dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và rất thích hợp cho việc trồng tiêu. Vườn tiêu 3 năm của gia đình tôi đang được trồng bằng trụ cây gòn. Trồng tiêu bằng trụ gòn có nhiều ưu điểm: Chuỗi tiêu ra đều và dày, vườn tiêu thông thoáng, thẳng tắp. Trước khi đưa trụ gòn vào trồng tiêu phải chọn cây gòn cao tầm 2m, đường kính 5-6cm, trồng thành luống thẳng. Chăm sóc đầy đủ và tỉa cành định kỳ để tạo độ thoáng cho vườn tiêu phát triển tốt”.

Hộ anh Đặng Đức Trường ở thôn 7, xã Long Hưng (Phú Riềng) cũng sử dụng cây gòn làm nọc sống. Anh chia sẻ: Trồng cây gòn làm trụ tiêu rất lợi thế, vì thân cây thẳng đứng, rất khó đổ, lại cao, có thể chừa phần cho tiêu leo từ 5 - 6cm tùy ý để tăng năng suất. Việc tỉa cành, tạo dáng rất dễ dàng, hạn chế được việc tranh dinh dưỡng với cây tiêu. Trồng cây gòn làm trụ tiêu với kích thước hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m rất thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới tiêu và phòng trừ sâu bệnh tốt.

Gòn là loại cây phát triển mạnh, ít tốn công chăm sóc, không phải xịt thuốc, chỉ tỉa nhánh cho cây tập trung lên thẳng. Một sào đất có thể trồng được gần 8.000 cây. Khoảng 18 tháng khi cây có đường kính gốc 4,4cm, cao tầm 3,5m là xuất bán với giá từ 20 - 25 ngàn đồng/cây. Hiện cây gòn ở trang trại của gia đình chị Võ Thu Hằng đang rất hút hàng.

Lê Cát

Thanh long ruột đỏ - đặc sản mới của Nghệ An

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Với vị ngọt đậm và thơm, màu sắc hấp dẫn, cây thanh long ruột đỏ trồng tại xã Hoa Sơn (Anh Sơn) được khách hàng ưa chuộng.

Đến thăm mô hình trồng cây thanh long đỏ của gia đình chị Phạm Thị Sinh ở thôn 1 xã Hoa Sơn, khi vườn cây thanh long bạt ngàn quả chín đỏ khoe sắc. Đang thu hoạch thanh long, chị Sinh vui vẻ cho biết: Đầu năm 2007, địa phương có chủ trương cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, gia đình đã vào Ninh Thuận mua giống thanh long đỏ trồng trên 4 sào đất vườn. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây thanh long bắt đầu cho những quả đầu tiên.

Vườn thanh long của chị Phạm Thị Sinh ở thôn 1, xã Hoa Sơn.

Thanh long ruột đỏ có vị ngọt đậm, mát, nên được rất nhiều người thích. Lúc đầu còn ít người biết, nhưng rồi khi đã quen mối, khách đến tận nhà mua, nên chị không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Gần 170 trụ thanh long của chị mỗi năm thu hoạch hơn 2 tấn, với giá bán tại vườn 20.000 - 25.000 đồng/kg thu được hơn 40 triệu đồng.

Hiện nay, toàn xã Hoa Sơn có 3 ha diện tích trồng thanh long đỏ với trên 15 hộ tham gia chủ yếu trồng trong đất vườn. Thanh long đỏ có thể trồng ở bất cứ vùng đất nào, từ đất khô cằn đến đất cát. Đây là loại cây chịu hạn tốt, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc chỉ cần bón gốc cây bằng phân chuồng và đảm bảo đủ ánh sáng.

Từ hiệu quả bước đầu người dân xã Hoa Sơn đang nhân rộng mô hình này.

Ðể trồng thanh long cần dựng trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được hưởng nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời như nhau. Chỉ sau hơn 1năm trồng, cây đã ra những quả bói đầu tiên, nhưng từ năm thứ 2 trở đi sẽ bắt đầu ổn định về năng suất.

Mỗi cây thanh long đỏ cho thu hoạch khoảng 10- 15 kg quả, mỗi vụ kéo dài từ tháng 5 khi bắt đầu nắng ấm đến hết tháng 11, cứ 25 ngày lại cho một đợt thu hoạch. Điều đặc biệt là cây thanh long có tuổi đời dài, khoảng 20 năm mới phải trồng lại cây mới. Với giá bán trung bình 20 đến 25 nghìn đồng/kg, một sào thanh long ruột đỏ sẽ cho thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng, giống cây này cho năng suất gấp 3 đến 4 lần so với trồng các loại cây nông nghiệp khác.

Thanh long ruột đỏ vị ngọt, thơm màu sắc đẹp đang được khách hàng lựa chọn

Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Hoa Sơn đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo./

Lê Na - Đài Anh Sơn

Đông Triều (Quảng Ninh): Mùa vải buồn

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Thời điểm này bắt đầu vào mùa thu hoạch vải. Thế nhưng ở Bình Khê, vùng vải lớn nhất của Đông Triều (Quảng Ninh), khung cảnh vẫn đìu hiu, không còn cảnh từng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào “ăn” vải như những năm trước. Có lẽ chưa năm nào Bình Khê mất mùa vải như năm nay.

Anh Nguyễn Văn Chính, thôn Đồng Đò ngẩn ngơ trước vườn vải không quả.

Theo thống kê của TX Đông Triều, toàn thị xã có trên 1.100ha vải, nằm rải rác tại các xã trên địa bàn, trong đó Bình Khê có diện tích lớn nhất khoảng 350ha. Bình quân mỗi năm, Bình Khê thu hoạch 2.500 - 3.000 tấn vải, doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng, chiếm đến 50% sản lượng và giá trị vùng vải Đông Triều. Thế nhưng năm nay theo ước tính sản lượng vùng vải Bình Khê chỉ đạt khoảng 200 - 300 tấn, chỉ đạt 10% sản lượng bình quân hàng năm chất lượng quả vải cũng kém hơn. Kể cả mô hình 20ha vải Vietgap do Sở NN&PTNT triển khai điểm tại thôn Đồng Đò Bình Khê với quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bổ sung dưỡng chất cho cây kỹ càng, quy mô, có đầu tư hơn hẳn các vùng vải khác cũng chỉ đạt năng suất khoảng dưới 30% năm ngoái... Cụ thể gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Đồng Đò có 60 cây vải đang ở độ ra quả, năm ngoái chị thu hoạch được 7 tấn quả thì năm nay gia đình chỉ thu được khoảng 1 tạ quả. Buồn hơn nhà chị Ngân, gia đình anh Nguyễn Văn Chính gần đó có tới 110 cây vải đang tuổi cho quả với sản lượng trung bình hàng năm đạt 10 tấn, thế nhưng năm nay cả vườn cũng chỉ đủ hái được 2 đĩa thắp hương các cụ. Anh Chính tâm sự: Vài chục năm trồng vải, tôi chưa thấy vụ vải nào lại mất mùa nặng như mùa vải này, gần như mất trắng.

Nguyên nhân vải Bình Khê mất mùa như trên được cho là do tác động bất lợi của thời tiết. Ông Đặng Văn Diềm, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Thời điểm tháng 11, 12 âm lịch, là thời tiết khô hanh phù hợp với cây vải sinh trưởng, nhưng năm nay thời tiết bất thường trời mưa nhiều, kéo dài khiến cây ra lá nhiều, nhưng ít hoa dẫn đến số lượng đậu quả ít. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất mùa như hiện nay…

Vải mất mùa, gần như không thu hoạch được đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của nhiều hộ dân Bình Khê, bởi với hầu hết các hộ dân Bình Khê, vải là nguồn thu nhập chính của họ. Bí thư Đảng ủy xã Bình Khê Hoàng Ngọc Tân, cho biết: Tình trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng, phát triển kinh tế dịch vụ và mở rộng các mô hình kinh tế gia đình của người dân trong thời gian tới, thậm chí còn có thể xảy ra tình trạng chặt phá cây vải để thay thế các loại cây trồng khác như một số năm vải mất giá trước đây. Điều này là rất nghiêm trọng, bởi quả vải đang được xác định là nông sản chính của địa phương, TX Đông Triều cũng đang triển khai lộ trình đảm bảo chất lượng và sản lượng để đưa quả vải Đông Triều xuất khẩu sang Úc và một số nước khác, mang lại giá trị lớn…

Điều đáng nói tất cả các vùng vải còn lại của Đông Triều như An Sinh, Tràng Lương, Việt Dân, Tân Việt… đều nằm trong tình trạng mất mùa vải như Bình Khê, thậm chí sản lượng ước đạt được chỉ còn khoảng 5% so với vụ trước.

Việt Hoa

Phát triển cây mãng cầu ghép trên vùng phèn trũng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Mặc dù là cây trồng xuất hiện trên địa bàn thị xã Ngã Năm, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng từ lâu, nhưng gần đây, cây mãng cầu gai ghép bình bát mới được nhiều nông dân chú trọng phát triển. Bởi cây cho hiệu quả kinh tế cao và thích ứng tốt trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn.

Dọc theo tuyến đường nông thôn ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, người đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều cây mãng cầu mọc xanh mướt ven lộ. Theo chia sẻ của nhiều người, những năm gần đây, cây mãng cầu gai ghép bình bát có giá khá ổn định nên nhiều người trong xã dần chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang loại cây này. Là một nhà vườn gắn bó lâu năm với mô hình trồng mãng cầu gai ghép bình bát, ông Lê Văn Vui, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, chia sẻ: "Từ những năm 1976, người dân ở đây đã trồng cây mãng cầu gai ghép bình bát này. Tuy nhiên, lúc đó giá cả còn rất bấp bênh, nên phần lớn hộ trồng mãng cầu gai đều đốn bỏ. Riêng tôi thì vẫn giữ diện tích vườn mãng cầu. Năm 2005, mãng cầu gai bắt đầu có giá và được tiêu thụ mạnh, tôi cải tạo vườn tạp, đốn xoài trồng thêm các gốc mãng cầu".

Nếu như vào năm 2008, vườn mãng cầu nhà ông Vui có 6.000m2, thì hiện nay ông đã mở rộng diện tích lên đến 17.000m2. Ông Vui hào hứng kể thêm: "Cách đây khoảng 4 tháng, 29 hộ trồng mãng cầu ghép bình bát đã cùng nhau liên kết thành lập tổ hợp tác, với tổng diện tích 15ha và tôi được bầu làm tổ trưởng. Hiện nay, đầu ra của loại mãng cầu này khá ổn định, được thương lái đến tận vườn thu mua, nhưng tổ hợp tác vẫn không đủ hàng cung cấp. Vừa rồi, Phòng Kinh tế của thị xã Ngã Năm cũng đặt 4.000 cây giống để hỗ trợ cho bà con khác để nhân rộng mô hình này".

Mãng cầu ghép bình bát đem lại hiệu quả kinh tế và thích ứng được hạn, mặn.

Xã Vĩnh Quới được xem là địa phương có diện tích trồng mãng cầu nhiều nhất trên địa bàn thị xã Ngã Năm, với khoảng 137ha, tập trung tại các ấp: Vĩnh Kiên, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trung và Vĩnh Đồng. Theo chia sẻ của nhà nông, so với mãng cầu bình thường, mãng cầu ghép bình bát chịu được phèn, mặn tốt hơn. Đợt mặn vừa qua, nhiều hộ chỉ tưới ít nước nhưng cây cũng phát triển tốt, nên một số nhà vườn có trái thu hoạch quanh năm. Giá bán hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, lúc xuống thấp cũng được 16.000 đồng/kg, lại được thương lái các nơi vào tận vườn thu mua, nên có nhiều hộ đang muốn chuyển sang loại cây trồng này.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, nhiều nhà vườn tại địa phương đã mạnh dạn phá các vườn tạp, diện tích đất sản xuất cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang đầu tư trồng cây mãng cầu gai ghép bình bát. Anh Nguyễn Minh Đưa, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, cho biết: "Tôi đang chuyển diện tích trồng lúa sang trồng mãng cầu. Lúc còn nhỏ, cây mãng cầu không mất nhiều diện tích đất nên tôi vừa trồng mãng cầu, vừa gieo sạ lúa để có thêm thu nhập. Sau khoảng 2 năm, khi cây mãng cầu cho trái thì chuyển ngừng trồng lúa để tập trung cho cây mãng cầu đạt hiệu quả kinh tế cao".

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, địa phương đã có định hướng phát triển diện tích trồng cây mãng cầu ghép bình bát ở một số vùng thích hợp. Để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và hiệu quả cho người trồng, trong tháng 6 này, thị xã tổ chức ra mắt Hợp tác xã trồng mãng cầu gai ghép bình bát nhằm kết nối cung cầu, cũng như phổ biến khoa học kỹ thuật cho các hộ áp dụng mô hình.

Trong tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, việc chọn cây trồng thích hợp đối với nhiều địa phương vẫn còn là bài toán khó. Với những hiệu quả nhất định khi áp dụng mô hình mãng cầu ghép bình bát, nông dân thị xã Ngã Năm đang từng bước góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

THIỆN HẢI

Xã Bắc Ruộng (Tánh Linh, Bình Thuận): Xoài rớt giá thảm

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Mấy ngày qua, nông dân trồng xoài ở xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) vô cùng lo lắng khi mùa xoài năm nay rớt giá mạnh chưa từng thấy. Theo nhiều nông dân, đây là giống xoài mủ, trái có kích cỡ vừa có mùi thơm đặc trưng, ăn rất ngọt nhưng thương lái vào tận vườn mua với giá rẻ bèo 500 – 1.000 đồng/kg. Trước tình hình trên, anh Lê Huy – dân địa phương đang sinh sống ở Tp.HCM đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người chung tay mua xoài giúp nông dân Tánh Linh với giá 3.000 đồng/kg. Anh và một số người bạn nhờ sự lan truyền rộng rãi của facebook đã gom được đơn hàng hơn 3 tấn chỉ sau vài ngày. Sau khi thuê người hái,thuê xe tải vận chuyển vào Sài Gòn, giá thành khi đến tay khách hàng là 5.000 đồng/kg, vẫn rẻ hơn rất nhiều so với công chăm sóc, tưới tiêu của nông dân.

Hiện toàn xã còn rất nhiều vườn xoài chín cây không người mua, hoặc bị thương lái ép giá. Hi vọng sẽ có nhiều chuyến xe tải nữa của các nhóm bạn trẻ vận chuyển xoài đến các huyện, thành phố khác giúp nông dân xã Bắc Ruộng vượt qua giai đoạn khó khăn được mùa mất giá.

M.Vân

Xoài Việt vào Úc phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe

Nguồn tin: Người Lao Động

Ngày 10-6, Thương vụ Việt Nam - Bộ Công Thương tại Úc cho biết Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã công bố điều kiện nhập khẩu xoài Việt Nam vào nước này.

Theo đó, phía Úc sẽ đánh giá các điều kiện như doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do cơ quan quản lý nước này cấp. Xoài phải được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan; xoài phải được chiếu xạ bắt buộc với liều lượng theo quy định. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải đi kèm với mỗi lô hàng và phải được hoàn thành một cách chính xác. Các lô hàng xuất khẩu không được có côn trùng và bệnh dịch, không được lẫn các chất ô nhiễm như hạt cỏ dại, những mảnh vụn, các loại thực vật khác… Ngay cả bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật; bao bì không được làm bằng vật liệu chưa qua chế biến.

Xoài Việt Nam vừa được cấp phép nhập khẩu vào Úc Ảnh: TẤN THẠNH

Nếu có bất kỳ vật liệu được phát hiện có nguy cơ rủi ro an toàn sinh học mà không thể xử lý bằng chiếu xạ, lô hàng sẽ bị giữ lại với chi phí do nhà nhập khẩu chịu và có thể phải tiêu hủy. Các lô hàng có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mà không được xác nhận một cách chính xác, hoặc trong trường hợp Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước không thấy giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc sẽ bị giữ lại cho đến khi trình được giấy chứng nhận gốc.

“Bộ Nông nghiệp Úc có thể rà soát chính sách nhập khẩu bất cứ lúc nào sau khi thương mại bắt đầu hoặc khi tình trạng sâu bệnh và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam bị thay đổi” - quy định nêu rõ.

Xoài là mặt hàng trái cây thứ hai của Việt Nam (sau trái vải) được Úc cấp phép nhập khẩu.

L.Anh

Miễn phí kiểm dịch vải thiều xuất khẩu

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu các đơn vị không thu phí kiểm dịch thực vật đối với các lô quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không trong mùa vụ 2016.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các đơn vị bố trí nhân lực, thiết bị để ưu tiên công tác kiểm dịch cho quả vải xuất khẩu nhanh nhất.

Năm nay là năm thứ 2 quả vải của Việt Nam được xuất khẩu đi Mỹ, Australia.

Ông Đặng Quang Thiệu, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, giữa tháng 6 tới, mùa vải sẽ vào chính vụ. Đây cũng là năm đầu tiên Trung tâm Chiếu xạ tại Hà Nội chính thức được đưa vào hoạt động sau khi thực hiện nâng cấp hạ tầng để chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận chuyển nội địa đưa vải vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ.

Hiện mẫu bao bì đóng gói vải sau chiếu xạ đã được Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội gửi sang Cơ quan kiểm dịch Australia và đang chờ phản hồi từ phía đối tác. Riêng với thị trường Mỹ, ngày 13/6 tới một đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ sang làm việc với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để kiểm tra kỹ thuật chiếu xạ cho quả vải Việt từ phía Bắc.

Năm nay là năm thứ 2 quả vải của Việt Nam được xuất khẩu đi Mỹ, Australia. Do đây là hai thị trường khó tính, nên vải thiều xuất khẩu sang các thị trường này phải đảm bảo các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác về chất lượng quả, kiểm dịch thực vật, chiếu xạ.

Diệp Anh

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop