Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 07 năm 2016

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 11 - 17/7)

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Châu chấu tre tiếp tục phát sinh gây hại tại Sơn La, Bắc Kạn... cần theo dõi và phòng chống kịp thời không để lan sang lúa và rau màu.

1. Trên lúa

a) Các tỉnh phía Bắc

- Sâu đục thân 2 chấm: Trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng; sâu non gây hại nhẹ trên mạ.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Tiếp tục gây hại ở mức độ nhẹ do đang ở cuối lứa 4. Dự kiến trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 nở rộ từ khoảng thời gian từ 12 - 20/7, sâu non tuổi ra rộ từ 20/7 đến cuối tháng 7. Sâu non lứa 5 có khả năng phát sinh mật độ cao, trên diện rộng và gây hại trên lúa hè thu thời kỳ cuối đẻ nhánh đến làm đòng, lúa vụ mùa thời kỳ đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của lúa. Đặc biệt ở lứa 5 có thể có hiện tượng gối lứa do đó thời gian gây hại của sâu non sẽ kéo dài.

- Ốc bươu vàng: Tiếp tục gây hại mức độ hại trung bình, hại nặng trên những ruộng bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh khu vực gần ao hồ, đầm lầy chưa được phòng trừ kịp thời.

b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

- Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại tập trung trên lúa xuân hè, hè thu sớm giai đoạn làm đòng - trỗ chắc.

- Bệnh lem lép thối hạt phát sinh hại chủ yếu lúa xuân hè giai đoạn trỗ - chắc, hại nặng các giống lúa hạt tròn, vỏ mỏng và trỗ bông trong điều kiện thời tiết nắng nóng xen kẽ có mưa giông.

- Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại nhẹ trên lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng.

- Sâu non đục thân 2 chấm hại cục bộ gây bông bạc trên lúa đòng trỗ và dảnh héo trên lúa đẻ nhánh - làm đòng.

- Bệnh đạo ôn lá phát sinh hại nhẹ rải rác trên lúa hè thu sớm và lúa rẫy ở Tây Nguyên.

- Chuột: Hại nhẹ trên lúa xuân hè, hè thu giai đoạn xuống giống - đòng trỗ.

- Ốc bươu vàng: Phân bố trên đồng ruộng theo nguồn nước tưới.

c) Các tỉnh phía Nam

- Rầy nâu trên đồng phổ biến tuổi 2 - 3, xuất hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình trên lúa đẻ nhánh - đòng trỗ. Các tỉnh theo dõi sát diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý, không để lây lan sang diện rộng và truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sang các trà lúa thu đông mới gieo sạ.

- Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa thu đông: Khuyến cáo nông dân vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất, khơi thông thủy lợi nội đồng, tăng cường bơm rút nước hạn chế thấp nhất ngập úng do mưa sau khi xuống giống.

- Điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển và có thể gia tăng tỷ lệ nhiễm. Vì vậy trên các ruộng đã có bệnh đạo ôn xuất hiện cần tích cực phòng trị bệnh đạo ôn lá, khi phun thuốc đảm bảo nguyên tắc 4 đúng.

- Ngoài ra, cũng cần lưu ý ốc bươu vàng, bệnh bạc lá ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh; bệnh lem lép hạt, chuột ở giai đoạn trỗ - chín. Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại thấp.

2. Trên cây trồng khác

- Châu chấu tre tiếp tục phát sinh gây hại tại Sơn La, Bắc Kạn... cần theo dõi và phòng chống kịp thời không để lan sang lúa và rau màu. Châu chấu tre lưng vàng trưởng thành vẫn tiếp tục di chuyển với số lượng lớn từ Lào sang, có nguy cơ lan rộng xuống các bản lân cận của xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

- Sâu đục thân, sâu cắn lá hại ngô; sâu đục thân đậu tương; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy... hại rau có chiều hướng gia tăng, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời.

- Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại.

- Cây thanh long: Bệnh đốm nâu gây hại tăng.

- Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn gây hại ở các tỉnh ĐBSCL, nặng cục bộ các vườn không phòng trừ nhện lông nhung kịp thời.

- Cây có múi: Diện tích nhiễm nặng bệnh greening đang có xu hướng giảm nhẹ. - Cây sắn, mía: Bệnh trắng lá mía và rệp sáp bột hồng gây hại tăng ở Phú Yên và Nghệ An.

- Cây tre, luồng: Châu chấu tre lưng vàng tiếp tục hại.

Cục Bảo vệ thực vật

Lộc Bình (Lạng Sơn): Nông dân lao đao vì bí đao

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg bí đao (bí xanh), nông dân Lộc Bình (Lạng Sơn) không chỉ buồn tê tái mà còn đang lao đao với vụ quả này bởi không biết có thu hồi đủ số vốn đầu tư cho ruộng bí.

Nông dân xã Đông Quan (Lộc Bình) bán bí đao cho thương lái chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg

Chúng tôi có mặt tại xã Đông Quan - vùng trồng nhiều bí đao nhất huyện Lộc Bình vào một ngày cuối tháng 6/2016. Dọc con đường vào xã có gần chục điểm bày bán bí đao của nông dân chờ thương lái đến thu mua. Tại thôn Khòn Phạc, chị Hứa Thị Thu vừa xếp bí vừa nói với chúng tôi “Các cô phóng viên lấy được bao nhiêu quả thì chị biếu. Rẻ quá chỉ có 2.000 đồng/kg chị cũng chẳng bõ lấy tiền”. Vừa nói, chị Thu vừa nhanh tay cho vào bao hơn chục quả bí, mỗi quả cũng ngót nghét 2 - 3kg. Nghĩ đến công sức của nông dân nên chúng tôi nhất định trả tiền. Đưa chị Thu 50.000 đồng, chị còn cố nhét vào bao thêm mấy quả bí cho chúng tôi.

Cũng giống như chị Thu, gia đình anh Vy Văn Tuyên, thôn Khòn Phạc, xã Đông Quan cũng thất thu vụ bí: “Nhà tôi trồng 3 sào bí, ước sản lượng khoảng 3 tấn thì bây giờ còn gần một nửa chưa bán được. Số bí đã bán chỉ được 2.000 - 2.500 đồng/kg. Cả vụ này mà bán được hết thì may ra thu được khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này chỉ kéo lại được tiền mua giống, phân bón. Coi như công cốc 3 tháng trồng bí”.

Ông Phan Văn Trưởng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Quan cho biết: Toàn xã có diện tích bí đao trên 23 ha. Đến nay, chỉ có một phần đã thu hoạch và tiêu thụ được. Số còn lại, bà con nông dân không biết tìm cách nào để tiêu thụ, đành phải chờ tư thương đến mua với giá bị ép. Không bán được đành để bí thối ở ruộng bởi lợn và gia súc không ăn loại quả này.

Không chỉ tại Đông Quan mà tình trạng giá bí đao quá thấp, lại khó tiêu thụ đang khiến nhiều hộ nông dân ở Lộc Bình “khóc dở, mếu dở”. Bà Vy Thị Ngoan, thôn Bản Chành, xã Lợi Bác chia sẻ: “Năm ngoái bí đao được giá từ 8.000 - 10.000/kg nên năm nay tôi mới bỏ trồng ớt chuyển sang trồng bí. Ai ngờ giá năm nay quá thấp lại không có người mua. Hằng ngày, vừa tìm người đến mua vừa tranh thủ gánh ra chợ bán, không biết bao giờ mới kéo lại vốn của 2 sào bí”.

Bí đao không phải là loại cây trồng mới ở Lộc Bình. Tuy nhiên, những năm trước, diện tích trồng ổn định chỉ dao động từ 30 - 40 ha, như năm 2015 là 39 ha. Cùng đó, các địa phương khác chưa trồng loại cây này nhiều nên giá bán trên thị trường ổn định từ 8.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó vụ bí năm nay, toàn huyện Lộc Bình có diện tích trồng bí đao lên tới 137 ha, tăng 3,5 lần so với vụ bí năm ngoái. Ước tổng sản lượng cả vụ bí gần 3.000 tấn, tổng thu chỉ khoảng hơn 6 tỷ đồng, xấp xỉ bằng tổng giá trị vụ bí đao năm ngoái.

Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: do vụ trước thấy bí đao được mùa, được giá nên năm nay nông dân ồ ạt bỏ trồng các loại cây được bao tiêu sản phẩm đi trồng bí, bất chấp sự cảnh báo của các ngành chức năng. Trong khi đó sức tiêu thụ của thị trường không tăng nên dẫn đến tình trạng giá bí đao thấp, nông dân thất thu. Nhiều hộ may mắn bán được, thu hồi được vốn, nhiều hộ không biết tiêu thụ bí đao đi đâu.

Đây là bài học quý báu trong sản xuất nông nghiệp đối với người nông dân Lộc Bình. Với loại cây gì cũng vậy, trước khi trồng, bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ thị trường, không nên tự phát trồng ồ ạt như bí đao năm nay. Nếu cứ trồng tự phát thì việc “mất mùa - được giá”, “được mùa - mất giá” vẫn sẽ tiếp diễn.

MINH ĐỨC

Hãy tạo “điểm tựa” cho người trồng rau sạch

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Là người trồng rau, cần tuân thủ quy trình chăm sóc, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Tuy nhiên, để có nguồn rau sạch đúng nghĩa, người trồng rau phải có “điểm tựa”.

Vùng trồng rau ở khu phố Phú Cường (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc). Ảnh: N.Lân

Chi phí quá “nặng”

“Muốn trồng rau sạch phải trồng trong nhà lưới bao quanh, ngăn chặn côn trùng xâm nhập, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nguồn nước sạch. Mùa mưa, lưới che cản tốc độ rơi của mưa tránh rau bị dập. Mùa khô, nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn bên ngoài nếu không thông gió, phải có hệ thống phun để giảm nhiệt độ nắng nóng. Các hộ trồng rau trong khu phố như tôi đã được tập huấn về cách trồng rau an toàn và có cả giấy chứng nhận, nhưng khó có thể thực hiện. Do chi phí đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun khá cao. Cứ 1 sào rau, tiêu tốn hơn 150 triệu đồng cho chi phí đầu tư ban đầu”, ông Nguyễn Gia Phong, kinh nghiệm 14 năm trồng rau ở khu phố Phú Cường (thị trấn Phú Long - Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) giải bày.

Một số nông dân khác giải thích thêm, vùng rau của khu phố Phú Cường là một vùng trũng, có độ triền lô nhô. Nước tưới ruộng rau chủ yếu sử dụng từ mạch nước nhỉ, chứa sẵn trong ruộng; với giếng đào thì nhiễm phèn không thể tưới. Bởi vùng trũng khi mùa mưa đến, ruộng rau bị san bằng một màu nước phủ trắng xóa. Để trồng được rau sạch ở vùng này, ngoài việc đầu tư nhà lưới, hệ thống phun “nặng” vốn, thì người trồng rau phải cải thiện vùng đất để tránh tình trạng mùa mưa bị ngập úng. Chi phí cao nên một số nông dân Phú Cường không có vốn để làm.

Không có thị trường

“Nếu trồng rau sạch (rau an toàn), thì giá thành sản phẩm phải cao hơn rau ruộng bởi chi phí đầu tư lớn. Vốn dĩ, giá rau xanh không ổn định, người trồng rau thường rơi vào cảnh được mùa mất giá. Tôi thấy, nhiều nơi trồng rau sạch ra, phải tìm nơi tiêu thụ rất khổ. Nếu không có địa điểm tiêu thụ thích hợp thì trồng rau sạch khi bán ra các chợ cũng như rau thông thường; đôi khi còn được xem là rau lứa 2, lứa 3 bán với giá rẻ vì mẫu mã rau không bắt mắt”. Đó là nhận định của ông Võ Thanh Tuấn, thương lái rau xanh vùng Hàm Thuận Bắc.

Chị Ánh, tiểu thương bán rau hành tại chợ Phú Thủy cho hay: “Trước đây, nhiều hộ trồng rau sạch tại nhà bỏ mối cho sạp hàng của tôi với giá cao hơn so với thương lái, nhưng không thể bán được rau. Người đi chợ cho rằng rau sạch và rau ruộng lẫn lộn, không phân biệt được. Cuối cùng, giá rau sạch và rau ruộng như nhau, người mua thì thích giá rẻ, rau mướt. Trong khi giá rau sạch luôn cao hơn rau ruộng gấp đôi, màu sắc không xanh mướt như rau ruộng, nên không thu hút người đi chợ”.

Cho điểm tựa

Từ thông tin trên cho thấy, khâu sản xuất và tiêu thụ rau sạch, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Người tiêu dùng muốn ăn rau sạch, nhưng sợ mua “nhầm” hàng, người trồng rau sạch thì không có nơi tiêu thụ.

“Là người trồng rau, để đảm bảo nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép với nhóm thuốc hoạt chất sinh học nhằm giảm ngộ độc dư lượng thuốc hóa học và tuân thủ quy trình chăm sóc, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Để có nguồn rau sạch đúng nghĩa, hãy tạo cho chúng tôi “điểm tựa”. “Điểm tựa” về vốn đầu tư nhà lưới, hệ thống phun; “điểm tựa” về thị trường tiêu thụ…”, nhiều nông dân khẳng định.

TRANG HIẾU

Buồn vui vụ màu

Nguồn tin: Báo An Giang

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nông dân trồng rau màu đứng ngồi không yên vì năng suất giảm mạnh, chất lượng bị ảnh hưởng và xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại cho rau. Bù lại, giá các mặt hàng rau, củ hiện đang ở mức cao, giúp nông dân an tâm phần nào.

Rầu thúi ruột vì… mưa

Theo những nông dân canh tác rau màu có kinh nghiệm, khi xuất hiện mưa liên tục tuy có lợi nhưng tác hại còn lớn hơn. Thuận lợi là mưa ẩm sẽ làm rau màu phát triển thân và lá nhanh hơn, dinh dưỡng phân giải tốt nên cây hấp thu nhanh. Nhờ lượng nước mưa tự nhiên đáp ứng nhu cầu của cây trồng nên hầu như nông dân không cần tưới nước cho rau màu. Tuy nhiên, khi thân, lá phát triển nhanh cũng dễ hư hại bởi các bộ phận này lại mềm và mỏng. Anh Nguyễn Văn Duy Khánh, nông dân xã Bình Thủy (vùng chuyên canh rau màu của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cho biết, mưa kéo dài làm cho diện tích hành của gia đình anh cùng các hộ lân cận thiệt hại đáng kể. Cách đây không lâu, khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới gây mưa nhiều, hành của các hộ dân bị mưa, giông làm ngã, thối lá… ảnh hưởng đến năng suất, nhiều hộ phải nhổ bỏ để trồng lại. Khi hành đang phát triển thì lại bị cháy phần ngọn, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cây. “Hành đang lớn thì bị mắc mưa nhiều ngày, cọng bị ứa nước nên rất dễ bị thối. Ngoài ra, mưa trong thời gian dài, sau khi nắng lại thì hành rất dễ bị cháy phần ngọn, nếu vào thời điểm rộ hàng, dễ bị thương lái chê” – anh Khánh lo lắng.

Do mưa kéo dài nên hành bị cháy ngọn

Tuy vậy, nhờ giá ổn định nên những hộ trồng hành như anh Khánh an tâm phần nào. Anh cho biết, giá hành hiện nay dao động khoảng 350.000 – 400.000 đồng/tạ. Bình quân mỗi công, anh Khánh tỉa từ 30 - 40 tạ hành giống, thu hoạch đạt năng suất 70 – 75 tạ/công. Với 2,4 công đất trồng hành, vụ này gia đình anh lãi trên dưới 10 triệu đồng.

Theo dõi kỹ diễn biến thời tiết

Theo những nông dân trồng rau màu, vụ này, nông dân tốn chi phí phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh nhiều, năng suất không cao trong khi công chăm sóc vất vả hơn so với các vụ khác. Những lúc mưa lớn kéo dài, nhằm tránh hiện tượng rau bị ngập úng, nông dân phải thường xuyên bơm, thoát nước. Bù lại, giá các loại rau màu trong mùa này khá cao, sức tiêu thụ ổn định nên cũng thu hút nhiều nông dân tham gia sản xuất. Đặc biệt trong những ngày qua, nhu cầu tiêu thụ rau màu tăng cao, thương lái đến tận ruộng mua nên nông dân không lo rau màu bị ứ đọng. Rau màu trồng mùa này thường phổ biến với các loại, như: Củ cải trắng, hành, rau muống… do có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ hơn 1 tháng là thu hoạch. Trong đó, có nhiều loại rau đang hút hàng, bán được giá cao so với các vụ khác. Anh Trần Văn Nghé, nông dân ấp Bình Thới (xã Bình Thủy, Châu Phú), cho biết, mặc dù chất lượng củ cải trắng thời điểm hiện tại không được tốt nhưng do hút hàng, thương lái vẫn chấp nhận mua giá 3.000 đồng/kg, cao hơn các vụ trước.

Trồng rau màu thời điểm này trùng với vụ hè thu, dù có nhiều bất lợi nhưng nông dân bán được giá cao và có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến cáo, bà con cần theo dõi kỹ diễn biến thất thường của thời tiết để ứng phó kịp thời. Do cây trồng dễ mắc bệnh nên bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và có biện pháp phòng trị đúng lúc các đối tượng gây hại, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Những lúc mưa lớn kéo dài, để tránh hiện tượng rau bị ngập úng, nông dân cần thường xuyên bơm tiêu, rút nước ra khỏi ruộng. Bà con cần ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, phun phòng hoặc phun trừ tập trung, đúng lúc, đồng thời chú ý thời gian cách ly theo quy định để tránh ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

ĐỨC TOÀN

Ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho 50 hécta bắp

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của các xã viên, Ban giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vừa ký kết hợp đồng bán bao tiêu sản phẩm bắp hạt với Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) với sản lượng khoảng 1.200 tấn/năm, tương ứng với diện tích khoảng 50 hécta, chiếm hơn 30% diện tích canh tác của hợp tác xã. Thời gian hợp đồng kéo dài đến năm 2020. Theo nội dung ký kết, giá thu mua được tính cao hơn, hoặc tối thiểu bằng giá tại thời điểm của thị trường.

Hiện Hợp tác xã thương mại - dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến là đơn vị đi đầu của huyện Xuân Lộc trong việc sản xuất, đóng gói gạo sạch bằng chính nguồn nông sản của các xã viên.

Hải Đình

Lạc Dương (Lâm Đồng): 80% cây mắc ca giống hỗ trợ người dân Đạ Sar bị chết

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Bà Liêng Jrang K’Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, có tới 80% cây mắc ca thuộc dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương hiện đã bị chết.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạ Sar trồng mắc ca xen trong vườn cà phê với diện tích 5 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian gieo trồng (khoảng 6 tháng), nay chỉ khoảng 1 ha diện tích cây mắc ca là còn sống nhưng cây phát triển rất chậm. Ngoài mắc ca, người dân địa phương còn được hỗ trợ giống cây bơ ghép để trồng xen với cà phê, với tổng diện tích là 87 ha. Cũng như mắc ca, phần lớn diện tích cây bơ trồng tại địa phương do Trung tâm Nông nghiệp huyện hỗ trợ giống đều bị chết.

Bà Liêng Jrang K’Sáu dẫn chứng ngay gia đình bà được hỗ trợ 70 cây bơ, trồng xen trên diện tích 7 sào cà phê nhưng nay chỉ sống được vài cây.

Theo Hội Nông dân xã Đạ Sar, nguyên nhân dẫn đến cây mắc ca và bơ giống được hỗ trợ cho bà con địa phương bị chết hàng loạt có thể là do người trồng và chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, cũng không ngoại trừ cây giống không bảo đảm chất lượng.

Văn Báu

Huyện Tam Nông (Đồng Tháp): Nông dân ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Đến nay, nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa hè thu năm 2016 với 4 công ty và hợp tác xã được 3.568ha.

Nông dân liên kết sản xuất gắn với ký hợp đồng tiêu thụ lúa

Giá lúa IR 50404 ở mức 4.300 - 4.350 đồng/kg; lúa chất lượng cao như: Nàng Hoa 9 và OM 7347 có giá từ 5.100 - 5.200 đồng/kg; lúa thơm VD20 giá từ 6.200 - 6.800 đồng/kg…

Các diện tích lúa ký kết hợp đồng tiêu thụ sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 7/2016.

Hiện nay, nông dân ở huyện Tam Nông đã thu hoạch được hơn 6.270ha lúa hè thu 2016, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha

Các công ty ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa, gồm: Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty TNHH Bình Minh, Công ty Lương thực Tân Hồng và Hợp tác xã Tân Cường đã thực hiện thu mua được 100ha, với hơn 500 tấn tại Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (thị trấn Tràm Chim).

Dương Út

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất thanh long

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Để nông dân có kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và hiệu quả, hàng năm Chi cục BVTV tỉnh Bình Thuận tổ chức khoảng 80 lớp huấn luyện cho nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả trên các loại cây trồng, trong đó phổ biến nhất là trên cây lúa, thanh long và rau.

Nông dân Hàm Thuận Bắc chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Đ.H

Tuy việc tập huấn đã góp phần cung cấp kiến thức sử dụng thuốc BVTV và các biện pháp quản lý sâu bệnh cho nông dân, nhưng tình hình sử dụng thuốc BVTV tại Bình Thuận còn bất cập. Thực tế cho thấy, hiện không ít bà con còn quá lệ thuộc vào thuốc BVTV trong việc quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng. Mặt khác, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, không đảm bảo thời gian cách ly trên cây trồng vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trên cây ăn quả và cây rau. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (dư lượng thuốc). Quan trọng hơn, hiện nhiều người dân vẫn chưa chú ý đến vấn đề an toàn lao động trong việc sử dụng thuốc BVTV. Nông dân một số vùng trồng rau quả chưa chú ý đến việc sử dụng thuốc theo đúng quy định, gây ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm…

Từ thực trạng trên, theo đại diện Chi cục BVTV tỉnh, để tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV của nông dân và các cơ sở buôn bán thực hiện theo đúng với những quy định của Nhà nước, Chi cục BVTV đã đề ra một số kiến nghị giải pháp. Trong đó nhấn mạnh, thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.Vì vậy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV trước khi kinh doanh. Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV phải thường xuyên cập nhật thông tin qua các lớp tập huấn định kỳ của Chi cục BVTV Bình Thuận và các phương tiện truyền thông khác. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV khi kinh doanh, cần phải nắm được danh mục thuốc BVTV hàng năm của Việt Nam và chỉ buôn bán và hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng danh mục.

Riêng về việc sử dụng thuốc BVTV, khuyến cáo bà con sử dụng những loại thuốc có độ an toàn cao đối với môi trường và sản phẩm. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV trên thanh long, cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Trong đó sử dụng thuốc BVTV phun trên trái thanh long phải đúng khuyến cáo của Chi cục BVTV và theo danh mục thuốc được sử dụng trên rau quả. Mặt khác, khi gặp phải các đối tượng bệnh hại mới trên cây thanh long, bà con nên liên lạc với Trạm BVTV địa phương hoặc Chi cục BVTV để có biện pháp phòng trừ hợp lý, không nên tự ý sử dụng thuốc phun xịt. Quá trình phun xịt, nông dân phải trang bị bảo hộ lao động để giảm thiểu tác động của thuốc lên người lao động. Đáng lưu ý, hiện nay bệnh đốm nâu trên thanh long đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất trái thanh long. Xuất phát từ sự lo lắng này, hầu hết các hộ dân đều sử dụng thuốc BVTV để phun xịt nhưng hiệu quả thấp (chưa có thuốc đặc trị), để lại dư lượng trên trái thanh long. Do đó, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng biện pháp quản lý tổng hợp, chú trọng việc vệ sinh tiêu hủy cành, trái bệnh và lấy chồi né bệnh, không tưới vào chiếu tối…

“Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ước tính tại Bình Thuận mỗi năm nông dân sử dụng khoảng 1.400 tấn thuốc BVTV, trong đó thuốc trừ cỏ khoảng 400 tấn, thuốc trừ sâu 700 tấn, thuốc trừ bệnh 300 tấn, với chi phí ước 247 tỷ đồng mỗi năm”.

KIỀU HẰNG

Vườn bơ sáp vàng trên đồi đá Lộc Phú

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ông Nguyễn Văn Tắc bên gốc bơ sáp vàng cho năng suất cao

Trang trại bơ sáp Đức Mạnh của ông Nguyễn Văn Tắc ở thôn 1, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là mô hình chuyên canh cây bơ đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Điểm mới lạ của mô hình là cây bơ trồng thuần trên đồi đất đá, quả sai trĩu cành, tán cây xòe ra bốn phía để đón ánh sáng giữa bạt ngàn hecta cà phê xanh tốt. Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân khắp nơi kéo về tham quan mô hình và mua giống bơ quý này về trồng.

Tiếp chúng tôi với gương mặt hết sức phấn khởi, ông Nguyễn Văn Tắc, chủ trang trại bơ khoe với chúng tôi những quả bơ vừa hái. Đó là những quả bơ hình trái bầu thu nhỏ, dài khoảng 20 - 30 cm, da màu xanh bóng trông rất lạ. Đây là giống bơ BLĐ 034 được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng công nhận là giống bơ hội tụ nhiều ưu điểm vượt trội nhất tỉnh hiện nay, sẽ chín tự nhiên sau một tuần nhưng vỏ vẫn giữ màu xanh, cơm vàng dẻo, có vị béo ngọt tự nhiên rất đặc trưng. Ông Tắc chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng 15 ha cao su nhưng tôi nhận ra cây bơ có tiềm năng phát triển rất lớn. Mặc dù bơ là loài cây rất khó trồng, tỷ lệ sống không cao và thường được người dân địa phương trồng xen trong vườn cà phê nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư thâm canh 1.000 cây bơ ghép giống BLĐ 034 đạt tiêu chuẩn, phát huy tính trạng trội và giữ nguyên những đặc tính tốt từ cây đầu dòng của ông Nguyễn Văn Dậu trên diện tích 4 ha vào tháng 10 năm 2011”.

Khó khăn lớn nhất là vùng đất ông trồng bơ trước đây là đồi đá, rất khó canh tác. Tuy nhiên, nhờ tận tâm tìm hiểu kỹ thuật trồng bơ qua các phương tiện thông tin truyền thông, ông đã áp dụng linh hoạt các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, trang trại bơ sinh trưởng phát triển tốt và cho thu bói 5 tấn quả vào tháng 5 năm 2014. Khi cây bơ đạt 4 năm tuổi vào năm 2015, sản lượng đạt 10 tấn, tương đương 100 kg/cây, trong đó có 7 tấn chính vụ và 3 tấn trái vụ và 200 ngàn chồi ghép.

Năm 2016, khi cây bơ đã đạt đến thời kỳ kinh doanh ổn định, ông áp dụng chế độ bón phân và kích thích ra hoa đậu quả, tác động để bơ cho trái thu hoạch sớm hơn 2 tháng. Đến thời điểm khi bơ cho thu hoạch rộ thì trang trại ông đã thu 14 tấn quả, chiếm khoảng 2/3 sản lượng với giá bán đầu mùa là 70.000 đồng/kg, tương đương 980 triệu đồng. Khi vào mùa bơ, trang trại chỉ còn khoảng 6 tấn quả để đưa ra thị trường với giá 40.000 đồng/kg tăng thêm thu nhập là 240 triệu đồng. Theo cách này, tuy sản lượng có giảm nhưng giá bán cao bù lại thì tính ra đạt hiệu quả kinh tế hơn.

Ông cho biết thêm, riêng 1 tỷ đồng thu được từ tiền bán 200 ngàn chồi bơ ghép cho các cơ sở sản xuất cây giống lớn trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng với giá 5.000 đồng/chồi đủ để chi trả cho các khoản đầu tư phân bón, thuốc phòng bệnh và công chăm sóc trong một năm. Như vậy, lợi nhuận ròng của trang trại chính là tổng thu nhập từ tiền bán quả bơ đạt 1.220 triệu đồng/4 ha, tương đương 305 triệu đồng/ha gấp 3 lần lợi nhuận 1 ha cà phê.

Không chỉ phát triển cây bơ ở Lâm Đồng, ông còn thường xuyên thực hiện các chuyến đi khắp các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Hành trang ông mang theo là những cây bơ ghép hoặc những mầm chồi ghép và kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn về kỹ thuật ghép cây bơ sao cho đạt tỷ lệ sống cao, cách tỉa cành tạo tán, quy trình bón phân, chăm sóc, phòng bệnh để hướng dẫn, chia sẻ với mọi người, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp đỡ nhiều người dân gắn bó với nông nghiệp nâng cao thu nhập.

Thành công đạt được hôm nay chứng minh rằng, nếu ai đó có đủ bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và kiên trì theo đuổi ý tưởng đột phá của mình sẽ luôn được bù đắp xứng đáng. Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ và tự hào về ông..

NGUYỄN THỊ XUÂN MAI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop