Bắc Kạn: Tìm đầu ra cho cây ăn quả có múi
Nguồn tin: Báo Bắc Kạn
Hiện một số cây trồng có múi như: bưởi, cam, quýt đến mùa thu hoạch, việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản này trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn khó khăn.
Với sản lượng hơn 20.000 tấn mỗi năm, người dân mong muốn có nhà máy chế biến, không bị tư thương ép giá.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang dần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, gắn với xây dựng thương hiệu, liên kết, xuất khẩu, nâng cao giá trị. Diện tích trồng được mở rộng, nhưng ít được chế biến mà chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi khiến cây ăn quả có múi gặp khó khăn đầu ra bởi nguồn cung lớn mà không có nơi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Ngọc Cương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay, sản lượng cây trồng có múi được quy hoạch thành vùng chuyên canh và đã trở thành hàng hóa có diện tích 3.315ha, diện tích cho thu hoạch hơn 2.300ha, đạt 105% kế hoạch, năng suất ước đạt hơn 101 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 23.600 tấn, đạt 101% kế hoạch. Diện tích cam, quýt cải tạo, thâm canh 534/585ha, đạt 91% kế hoạch, bằng 106% so với cùng kỳ; diện tích được chứng nhận ATTP hoặc VietGAP 41/50ha, đạt 82% kế hoạch; trồng mới 97/80ha đạt 121% kế hoạch.
Với sản lượng đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh phối hợp các ngành liên quan thực hiện nhiều cuộc xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội nghị giới thiệu tuần lễ cam, quýt và các sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Đã từ lâu, quýt Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngọt mát… không trộn lẫn với bất cứ sản phẩm quýt của vùng khác. Từ đầu những năm 1980, người dân khu vực xã Quang Thuận (Bạch Thông) đã phát triển thành các vùng chuyên canh cây quýt. Diện tích cây quýt được trồng mở rộng dần ra những xã, vùng lân cận và đến nay đã trở thành hàng hóa. Năm 2012, Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn, đến nay diện tích cam, quýt đạt 3.300ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch hơn 2.100ha, sản lượng dao động trên 20.000 tấn/năm.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Đến nay trong tỉnh có 02 hợp tác xã có chế biến quýt làm tinh dầu và múi quýt làm đồ uống, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 100 tấn/năm/HTX. Tuy nhiên, sản lượng này chỉ chiếm số lượng nhỏ so với số lượng cần tiêu thụ. Sau nhiều năm mời gọi đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến cây có múi, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư đủ lớn tham gia vào lĩnh vực chế biến sản phẩm cây có múi của Bắc Kạn, chúng tôi đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ hai HTX, đầu tư dây chuyền chế biến cây có múi và tìm đầu ra cho các sản phẩm, bước đầu đánh giá sản phẩm được khách hàng đón nhận.
Chị Vi Thùy Dương- Giám đốc điều hành HTX Hương Ngàn cho biết: HTX chuyên chiết xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp như: Tinh dầu sả, quýt, bưởi, quế, hồi, từ nay đến cuối năm HTX tập trung chế biến các sản phẩm từ quýt như: Mứt quýt, trà tan từ quýt, nước quýt lên men... Do thị trường chưa mở rộng, HTX còn khó khăn về vốn cũng như kinh nghiệm kinh doanh nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, các cấp chính quyền đồng hành cùng HTX để giải quyết đầu ra cho cây có múi.
Người trồng cây ăn quả có múi cũng mong muốn có nhà máy chế biến loại quả này, để người dân có thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng bị ép giá, tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng, phát triển sản phẩm nông nghiệp xứng tầm./.
Trần Tuyến
Nông dân thị trấn Chư Ty thu nhập khá nhờ trồng cây ăn quả
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Nhiều hộ dân ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập khá.
Tháng 6-2013, sau khi học tập kinh nghiệm từ người khác, ông Trần Văn Bấm (tổ 2) đã trồng 30 cây sầu riêng Thái và 20 cây bơ booth trên 3 sào đất. Nhờ trồng xen hợp lý và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của ông Bấm phát triển rất tốt và đạt năng suất cao. Năm 2019, ông thu được 4 tấn sầu riêng. Với giá bán 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi 200 triệu đồng. Cùng với đó, 20 cây bơ booth cho thu nhập thêm 20 triệu đồng.
Ông Bấm cho hay: “Thấy vườn cà phê bắt đầu già cỗi nên tôi trồng xen sầu riêng và bơ. Đến khi 2 loại cây này cho thu bói, tôi bắt đầu phá bỏ hết cà phê. Cách làm này đã giúp gia đình có thu nhập ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Hà (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: R'Ô Hok
Ông Bấm chia sẻ thêm, để cây sầu riêng phát triển tốt, điều quan trọng là phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh, nhất là sâu đục thân, sâu cuốn lá, nhện đỏ, rầy xanh... để có phương án phòng trừ. Ngoài ra, việc đảm bảo nước tưới cũng cực kỳ quan trọng. Để tiết kiệm chi phí và công sức, ông Bấm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, vườn cây ăn quả của ông luôn đạt năng suất ổn định.
“Vừa rồi, có vài cây sầu riêng đạt năng suất hơn 3 tạ/cây. Tôi thấy trồng sầu riêng chi phí đầu tư và công chăm sóc không nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê”-ông Bấm bày tỏ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hà (tổ 4) cho biết: Năm 2017, vườn hồ tiêu của gia đình bị chết hàng loạt. Một lần tình cờ thấy trên ti vi giới thiệu về giống chanh tứ quý đạt hiệu quả cao nên ông mua 350 cây giống từ các tỉnh miền Tây về trồng trên diện tích 7 sào. Sau 1 năm, vườn chanh phát triển tốt và bắt đầu cho thu bói.
Nhờ đặc tính cây ra quả quanh năm, bình quân mỗi ngày, gia đình ông Hà thu hái từ 70 kg đến 1 tạ chanh. Với giá bán ổn định khoảng 15.000 đồng/kg, ông thu về 1-1,5 triệu đồng/ngày. Riêng năm 2019, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông lãi 300 triệu đồng.
Theo ông Hà, chanh là loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất. Các loại sâu bệnh thường gặp là nấm, ghẻ quả, sâu cuốn lá. Nếu sâu bệnh bùng phát thì trong khoảng 10-15 ngày phải phun thuốc diệt trừ một lần. Đặc biệt, cần sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ môi trường, tránh bị thoái hóa đất, giữ cho vườn cây phát triển bền vững. Ngoài ra, nhằm giữ ẩm cho cây vào mùa khô, ông thường xuyên tưới nước và bón phân chuồng ủ hoai.
Để tăng thu nhập, ông Hà còn trồng thêm 200 cây ổi Đài Loan, trong đó có 100 cây trồng xen với chanh tứ quý. Ông Hà nhẩm tính, vài tháng nữa, giống ổi này sẽ cho thu bói. Nếu giá ổn định ở mức 12.000-15.000 đồng/kg thì sẽ có thêm nguồn thu gần 100 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Hào-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Ty-cho biết: “Trên địa bàn hiện có 48 hộ trồng cây ăn quả trên diện tích khoảng 80 ha, chủ yếu là sầu riêng, bơ, mít, bưởi da xanh... Phần lớn hộ dân chuyển đổi từ diện tích cây hồ tiêu, cà phê bị chết, già cỗi sang trồng cây ăn quả và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các hộ thường xuyên hỗ trợ nhau về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả để nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.
R'Ô HOK
Mang Thít (Vĩnh Long): Giá nông sản giảm, nông dân gặp khó
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít (Vĩnh Long), từ đầu năm đến nay, giá một số nông sản giảm và kéo dài như: giá cá tra thương phẩm chỉ còn từ 17.000- 18.000 đ/kg, trong khi giá dừa, xoài, thanh long, sầu riêng… cũng giảm do tiêu thụ chậm làm cho người dân thua lỗ, không an tâm sản suất.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn diễn biến phức tạp, trong 9 tháng đã xảy ra 14 ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm.
Một số địa phương do nông dân tự phát chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây khác không tập trung, xen lẫn với đất trồng lúa gây mâu thuẫn nội bộ, gây khó khăn trong công tác quản lý lịch thời vụ, dịch hại và thủy lợi.
Toàn huyện có trên 6.100ha trồng cây ăn trái, tăng trên 153ha so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 9 tháng ước gần 51.900 tấn. Từ đầu năm đến nay, có 26,5ha cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, trên 153ha đất lúa chuyển lên vườn.
Bên cạnh đó, do giá thấp nên một số hộ nuôi cá tra chỉ nuôi cầm chừng hoặc treo ao. Diện tích thả nuôi cá tra xuất khẩu 9 tháng qua là 66,2ha, giảm 2,1ha so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch là 37,4ha, sản lượng gần 13.800 tấn.
THẢO NGUYÊN
Kiên Giang: Cho phép sử dụng tên địa danh làm yếu tố cấu thành nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ‘Xoài Hòn Tre – Kiên Hải’; ‘Khô Trâu Giang Thành – Kiên Giang’; ‘Tôm Sú An Minh – Kiên Giang’
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang
Ngày 09-10-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Công văn thống nhất cho Hội Nông dân huyện Kiên Hải được sử dụng tên địa danh “Hòn Tre - Kiên Hải” để làm một trong các yếu tố cấu thành nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Xoài Hòn Tre - Kiên Hải”; Hội Nông dân huyện Giang Thành được sử dụng tên địa danh “Giang Thành - Kiên Giang” để làm một trong các yếu tố cấu thành nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Khô Trâu Giang Thành - Kiên Giang” và thống nhất cho Hội Nông dân huyện An Minh được sử dụng tên địa danh “An Minh - Kiên Giang” để làm một trong các yếu tố cấu thành nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Tôm Sú An Minh - Kiên Giang”.
Xoài Hòn Tre - Kiên Hải.
Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ, việc sử dụng tên địa danh đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm của địa phương là vì lợi ích chung của địa phương và tính pháp lý hoàn toàn phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ, hiện Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng, lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm trên để nộp về Cục Sở hữu trí tuệ để xin đăng ký bảo hộ theo quy định.
(Các Công văn số: 1414/UBND-KGVX; 1415/UBND-KGVX và 1416/UBND-KGVX, ngày 09/10/2020)
Minh Ngọc
Mỹ Tú (Sóc Trăng): Chuyển đổi mô hình trồng mía sang trồng cây khổ qua
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp; thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các huyện, thị trong tỉnh thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để cải thiện thu nhập cho nông dân.
Tại huyện Mỹ Tú, một số khu vực trồng mía không hiệu quả cũng đã được Chi cục triển khai thực hiện thí điểm một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Một trong những mô hình đang cho thấy tín hiệu khả quan là trồng khổ qua trên nền đất mía.
Ngoài Cù Lao Dung và Long Phú, Mỹ Tú cũng từng được xem là vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh với diện tích chuyên mía trên 1500 ha. Cây mía được trồng tập trung ở các xã: Hưng Phú, Long Hưng, Mỹ Tú và Mỹ Thuận. Một thời gian dài cây mía cũng là đối tượng được người dân nơi đây ưu tiên lựa chọn để phát triển kinh tế bên cạnh cây lúa, cây tràm. Từ sau 2010, giá mía giảm dần, giá đường không hồi phục, nông dân trồng mía đã chuyển dần sang trồng cây ăn trái, trồng lúa, tràm Úc, hoặc trồng các loại rau màu khác. Tuy vậy, không phải người trồng mía đều có vốn cải tạo đất để trồng lúa, hoặc lập vườn trồng cây ăn trái do nhiều năm thua lỗ, vốn tái sản xuất gần như cạn kiệt. Tận dụng đất mía để trồng khổ qua là hướng để nông dân tái tạo vốn khôi phục sản xuất.
Đầu năm 2020, cây khổ qua được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai trồng thí điểm trên nền đất mía tại hộ ông Nguyễn Văn Kịp ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng với diện tích 01 ha. Thực hiện mô hình trồng thực nghiệm để nông dân nhân rộng, Chi cục hỗ trợ 50% giống, 50% phân, vật tư nông nghiệp. Sau 45 ngày gieo hạt là khổ qua bắt đầu cho thu hoạch và năng suất tăng dần theo tốc độ phát triển của cây. Trung bình cứ mỗi đợt thu hoạch, ông Kịp sẽ thu được từ 2 đến 3 tấn trái, với giá bán được thương lái thu mua tại ruộng từ 6 đến 8 nghìn đồng/kg; sau khi trừ chi phí, gia đình có thể thu về lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/1 công. Thấy được tính hiệu quả của cây khổ qua, ông Kịp tiếp tục đầu tư tiếp 2 ha đất trồng mía còn lại với hi vọng mô hình chuyển đổi này sẽ giúp gia đình cải thiện thu nhập sau nhiều năm bấp bênh vì cây mía. Ông Kịp chia sẻ: “Khổ qua này cũng dễ trồng, trồng không bị chết dây. Giá này là còn rẻ nên lãi chưa được nhiều, chứ giá 9 hay 10 nghìn đồng 1 kí thì lợi nhuận gấp đôi so với trồng mía”.
Cây khổ qua đã giúp nhiều bà con trồng mía tại Mỹ Tú cải thiện đời sống
Từ hiệu quả của mô hình thí điểm, cây khổ qua bắt đầu được nhiều nông dân trong vùng trồng nhân rộng trên đất mía, đất bờ bao, nhiều hộ còn còn thực hiện trồng theo hướng sạch, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học trong suốt quá trình chăm sóc. Đây là xu thế sản xuất rất tiến bộ, bởi nông sản làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn thì người trồng sẽ không còn lo chuyện đầu ra và giá trị sẽ tăng lên, đất đai cũng chậm bạt màu so với dùng phân hóa học.
Hiện nay, diện tích trồng mía tại Mỹ Tú giảm chỉ còn 500 ha, trong số 400 ha đất mía được chuyển đổi sang trồng rau màu thì đã có hơn 30% diện tích là trồng khổ qua. Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện, Mỹ Tú sẽ nhân rộng mô hình trồng khổ qua ở các xã Hưng Phú, Mỹ Phước và Mỹ Tú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vùng trồng mía ổn định lại sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Hoàng Cơ – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú thông tin: “Ngành cũng sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật, các buổi hội thảo vào cuối vụ để đánh giá lại hiệu quả mô hình. Về đầu ra thì hiện nay có 2 nguồn đầu ra ổn định thu mua tại rẫy khi bà con thu hoạch, có thể đảm bảo số lượng tiêu thụ mỗi ngày hơn 10 tấn trái”.
Nếu như việc cải tạo từ đất mía sang đất trồng lúa mỗi ha đất phải mất từ 70 đến 80 triệu đồng thì đối với giải pháp đưa cây màu lên nền đất mía, nông dân chỉ cần cải tạo mặt bằng là có thể xuống giống. Cây khổ qua không phải là đối tượng cây trồng mới nhưng khi tận dụng để phát triển trên nền đất mía đã khẳng định tính hiệu quả. Người trồng mía Mỹ Tú đã thật sự tìm được cây trồng thay thế và không còn cảnh trông chờ may rủi vào giá mía như trước đây.
Ngọc Thơ
Sản xuất lúa gạo thắng lợi
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Nông dân ĐBSCL đang trải qua một năm được mùa, được giá lúa gạo, bởi những tác động tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới. Thêm một thuận lợi là mới đây ở An Giang lô gạo thơm đầu tiên được xuất sang thị trường châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra hướng đi triển vọng cho ngành hàng lúa gạo…
Nông dân ĐBSCL phấn khởi vì lúa trúng mùa được giá.
Trúng mùa, trúng giá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những ngày này nông dân ÐBSCL cơ bản thu hoạch xong vụ lúa hè thu 2020 với tổng diện tích khoảng 1,5 triệu héc-ta, năng suất bình quân từ 5,6-5,9 tấn/héc-ta. Thương lái thu mua lúa tươi giống IR 50404 tại ruộng từ 5.800-6.100 đồng/kg, lúa thơm Ðài từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000-7.500 đồng/kg… sau khi trừ chi phí, nông dân lời từ 20-25 triệu đồng/héc-ta.
Ông Nguyễn Văn Son, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Nếu như trước đây mỗi khi tới vụ thu hoạch lúa thường hay gặp cảnh rớt giá, thì nay tình hình diễn ra theo hướng thuận lợi cho nông dân. Lúa thu hoạch xong bán cho thương lái ngay tại ruộng với giá cao và nhận tiền liền, điều này làm cho nông dân rất vui”. Cùng niềm vui ấy, ông Nguyễn Văn Ðời, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp), nhìn nhận nhờ tác động tích cực từ thị trường xuất khẩu trên thế giới nên nhiều tháng qua giá lúa trong nước duy trì mức cao. Ðiều này mang đến sự phấn chấn cho nông dân bởi hầu hết ai canh tác lúa cũng có lời.
Sau khi thu hoạch lúa hè thu, Bộ NN&PTNT đưa ra 2 phương án cho sản xuất vụ lúa thu đông ở ÐBSCL. Phương án 1, ước gieo sạ 750.000ha, tăng 25.800ha so với cùng kỳ 2019; sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 215.000 tấn. Cần thấy rằng diện tích sản xuất lúa thu đông trong 5 năm trở lại đây ở ÐBSCL dao động từ 730.000ha-770.000ha, năm cao nhất là 2016 với 825.000ha. Vì vậy, phương án 1 được cho là khả thi nhất. Còn phương án 2, dự kiến xuống giống 800.000ha, tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn.
Do dự báo mùa lũ năm nay ở mức thấp, đồng thời giá bán lúa thương phẩm vụ đông xuân và hè thu 2020 khá cao, nên lợi nhuận cũng tăng và nhiều dự báo giá lúa vẫn tiếp tục ổn định. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng phương án 2 nhằm tăng sản xuất lúa thu đông để nắm bắt cơ hội gia tăng lợi nhuận và bù đắp một phần cho sản lượng lúa thiếu hụt của vụ đông xuân 2019-2020 do ảnh hưởng hạn mặn… Thế là nhiều địa phương chọn phương án 2 để sản xuất khoảng 800.000ha lúa thu đông và đến nay cơ bản xuống giống xong. Tại một số nơi gieo sạ lúa thu đông sớm, hiện đang thu hoạch.
Ông Lâm Văn Sáu, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư cho vụ thu đông này khá thấp; trong khi năng suất lúa khoảng 5,5-6 tấn/héc-ta; giá lúa ổn định mức cao, điều này giúp nông dân thu hoạch sớm có lời từ 20-30 triệu đồng/héc-ta”.
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, trong tháng 8 loại gạo 5% tấm đã có lúc vượt giá gạo Thái Lan vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn.
Tại ÐBSCL, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng giá gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao bởi chất lượng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thị trường thuận lợi, cộng với nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng cao do ảnh hưởng dịch COVID-19, đã giúp những doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, từ đầu tháng 8-2020 khi EVFTA có hiệu lực, tạo thêm động lực quan trọng để các doanh nghiệp tăng cường đưa gạo ngon, chất lượng cao, giá tốt… vào thị trường châu Âu đầy triển vọng.
Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gạo thơm đầu tiên xuất sang châu Âu của Tập đoàn Lộc Trời với số lượng gần 126 tấn, loại giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vào EU. Ðây là lợi thế của Lộc Trời, bởi trong nhiều năm qua tập đoàn đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu trên khắp các vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất, chế biến. Lộc Trời đặt mục tiêu kiểm soát chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường EU, tăng diện tích vùng trồng nhằm tăng sản lượng xuất khẩu, đa dạng hóa các loại giống… với mong muốn trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU thời gian tới.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những năm qua tỉnh luôn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Cơ cấu sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm của tỉnh tăng dần qua từng năm và đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất. Song song đó, gần 5 năm qua An Giang tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) đến với 1.200 hộ nông dân, với tổng diện tích qua các mùa vụ hơn 22.000ha; đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn Global GAP.
“Thị trường xuất khẩu gạo của An Giang liên tục được mở rộng, đến nay đã xuất sang 39 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường châu Á chiếm gần 80% sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh. Nay, gạo của An Giang đã vào châu Âu theo EVFTA sẽ mở ra hướng đi mới trong thời gian tới”, ông Trần Anh Thư kỳ vọng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận việc xuất khẩu gạo thơm vào châu Âu cho thấy: nông dân và các doanh nghiệp đã có khả năng sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng cao mà những thị trường khó tính đặt ra. Thuế xuất 0% có ý nghĩa rất quan trọng là thừa nhận chính thức về chất lượng, tiêu chuẩn gạo của chúng ta. Ðây là tiền đề nhằm tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, nâng cao chất lượng hàng hóa, hướng tới sự phát triển bền vững… Tới đây để tận dụng lợi thế trên, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp; ngoài ra cần quan tâm đến bao bì, nhãn mác để khai thác tốt hơn ở thị trường EU…
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH
Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Công Phúc, xóm Hương Đình, xã Tân Phú xuất bán 1.500-2.000 con thỏ thương phẩm cho Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản.
Với những tiềm năng và lợi thế của địa phương, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn T.X Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đã đưa vào áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng tính cạnh tranh và bám sát nhu cầu thị trường.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Thị xã hiện có hơn 100 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Trong những năm qua, cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, Thị xã đã chỉ đạo các địa phương kết nối với đơn vị, doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi, nhằm ổn định đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn Thị xã có gần 20 mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 3 triệu con gà, lợn, thỏ... doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Với hình thức này, doanh nghiệp là đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận kinh phí theo hợp đồng.
Theo đánh giá của các hộ nông dân, chăn nuôi theo hình thức liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách chăn nuôi truyền thống. Bởi, mô hình có sự quản lý chặt chẽ từ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng. Đặc biệt, thông qua hình thức này, người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó thay đổi nhận thức chăn nuôi theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Điển hình như trang trại chăn nuôi gà lông trắng của gia đình anh Nguyễn Trọng Thái, xóm Hang Dơi, xã Phúc Thuận với quy mô gần 1.500m2, liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Vĩnh Phúc). Tháng 5-2020, anh Thái đưa vào chăn nuôi lứa gà đầu tiên với số lượng 12.000 con, sau 45 ngày xuất chuồng, trọng lượng trung bình đạt 3,5kg/con. Được Công ty bao tiêu sản phẩm với giá 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 140 triệu đồng.
Anh Thái cho biết: Trang trại được thiết kế với hệ thống làm lạnh cùng quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định. Hệ thống máng nước, khay để thức ăn tự động được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. Cùng với việc cung cấp con giống, thức ăn và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà, trang trại của gia đình anh còn được Công ty hỗ trợ 400 triệu đồng để làm hệ thống chuồng lạnh. Hiện, anh đang chuẩn bị xuất bán lứa gà thứ hai, dự kiến thu về hơn 400 triệu đồng. Từ mô hình của gia đình anh Thái, đến nay, xã Phúc Thuận đã nhân rộng được 6 mô hình chăn nuôi gà lông trắng theo hình thức liên kết với công ty.
Với những kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn và trên các phương tiện thông tin truyền thông, năm 2006, ông Nguyễn Thái Long, ở tổ dân phố Sơn Trung, phường Bắc Sơn đã mạnh dạn thuê hơn 3ha đất để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp theo mô hình khép kín với hơn 1.000 con lợn thịt, 500 lợn nái và lợn hậu bị. Với công nghệ hiện đại, khép kín, khoa học và tuân thủ các quy trình chăm sóc của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (chuyên bao tiêu các sản phẩm về lợn), hằng năm, đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt, không bị dịch bệnh, đảm bảo chất lượng cũng như số lượng cung cấp cho Công ty. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, trang trại của ông Long xuất bán trên 4.000 con lợn thịt, lợn nái sinh sản và lợn hậu bị cho Công ty, tương đương trên 500 tấn lợn/năm, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Hiện, trang trại của gia đình ông Long cũng đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi theo quy mô nhỏ có ưu điểm tận dụng được nguồn lực lao động gia đình, phụ phẩm nông nghiệp, không cần nhiều vốn hoặc kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nhược điểm là khó kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng sản phẩm; khó tiếp cận thị trường tiêu thụ, dễ bị ép giá, ô nhiễm môi trường… Với hình thức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, ngoài khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điều khiến người dân yên tâm nhất chính là hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi, không lo về đầu ra, chất lượng giống cũng như dịch bệnh…
Các mô hình đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn T.X Phổ Yên cho thấy hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thời gian tới, Thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực, chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong trồng trọt, nhằm nâng cao thu nhập.
Trịnh Phương
Vĩnh Long: Đàn heo phát triển theo hướng công nghiệp, trang trại
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, đàn heo của tỉnh Vĩnh Long đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi tập trung với quy mô gia trại, trang trại. Toàn tỉnh hiện có 690 trang trại chăn nuôi, trong đó, có 174 trang trại nuôi heo với trên 30.600 con.
Đây là phương thức chăn nuôi tiên tiến vừa giúp quản lý tốt dịch bệnh, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ chăn nuôi được rút ngắn, đồng nghĩa với hệ số xuất chuồng tăng lên.
Chăn nuôi heo tập trung giúp cho việc tái đàn thuận lợi hơn, cũng như tiêm ngừa phòng chống dịch bệnh, chủ động được khâu xuất chuồng.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển trang trại quy mô lớn, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm; nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, khuyến cáo các trang trại chăn nuôi heo cần nâng cấp và tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học, không được chủ quan để bảo vệ đàn heo- đặc biệt đàn heo giống để tái đàn sau khi hết dịch.
THẢO NGUYÊN
Hiếu Giang tổng hợp