Tin nông nghiêp ngày 14 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 14 tháng 11 năm 2019

Nho xanh Phước Thể ghi tên vào tour khám phá Bình Thuận

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Thời gian gần đây khi các đoàn du khách phương xa đến du lịch tại huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đều không quên ghé tham quan vườn nho tại thôn 1, xã Phước Thể. Tranh thủ cơ hội này, các công ty lữ hành cũng thiết lập lịch trình tour du lịch gắn với tham quan vườn nho cho khách mối khi đến với vùng nắng gió Tuy Phong. Trung bình mỗi tuần các điểm tham quan nơi đây đón khoảng vài trăm lượt khách, đặc biệt mùa cao điểm con số này nhiều hơn.

Hình thành chuỗi điểm đến để thu hút khách

Mới đây, ghé thăm các vườn nho tại thôn 1, xã Phước Thể, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi hàng chục đoàn khách du lịch ghé lại tham quan các vườn nho và mua các sản phẩm từ nho do người dân tự làm như rượu nho, mật nho... Bà Trần Thị Nga – Chủ điểm tham quan Như Huyền chia sẻ, trước đây người dân trồng nho tại xã Phước Thể này đa phần được giá thì mất mùa mà được mùa thì mất giá, cộng với thời tiết nơi đây khắc nghiệt nên đời sống nông dân hết sức khó khăn. Tận dụng lợi thế nằm trên trục quốc lộ 1A, gia đình mạnh dạn xây dựng cơ sở tạo điểm đến cho khách tham quan vườn nho. Qua gần 3 năm thực hiện đời sống gia đình bà ổn định và dần khấm khá.

Vườn nho xanh ở xã Phước Thể. Ảnh: Đ.Hòa

Hiện nay, khu vực này đã hình thành một chuỗi các điểm đến cho khách tham quan vườn nho. Để tránh tình trạng khi khách đến tham quan nhưng không có vườn nho chín, nhiều nhà vườn trồng nho đã liên kết lại với nhau để luôn có sản phẩm phục vụ khách. Chị Hồ Thị Hường – một du khách Đồng Nai đến tham quan vườn nho rất phấn khích khi tận mắt ngắm nhìn những chùm nho lủng lẳng, được xem người dân trực tiếp sản xuất và được thưởng thức những sản phẩm từ nho khá chất lượng. Chị cho biết lần đầu tiên đến đây nhưng bản thân thấy rất thích thú.

Hiện xã Phước Thể có khoảng 50 hộ dân sản xuất nho trên diện tích 20 ha tập trung tại thôn 1. Để giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, năm 2017, UBND xã Phước Thể thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng nho Phước Thể, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ người dân sản xuất các giống nho mới. Hơn 3 năm nay, nông dân đã áp dụng giống nho xanh với 10 ha và giống nho Hồng Nhật với 4 ha. 2 giống nho này tuy khó chăm sóc hơn nho đỏ nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt nho tại Phước Thể được đánh giá có hình thức đẹp và chất lượng ngang ngửa với vùng nho nổi tiếng Ninh Thuận.

Thời điểm hiện tại UBND xã Phước Thể đã trình UBND huyện công nhận nho là cây trồng chủ lực tại xã Phước Thể để có chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, phát triển. Ông Đặng Thiện Viên – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thể cho biết: Các vườn nho trên địa bàn được người dân làm khá bài bản, dù chỉ là tự phát nhưng thể hiện được sự chuyên nghiệp. Nhờ thế được du khách gần xa biết tới và đánh giá cao.

Tại huyện Tuy Phong, ngoài các điểm đến tham quan vườn nho tại xã Phước Thể, thôn La Bá của xã Phong Phú cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo ra các sản phẩm đặc trưng địa phương có chất lượng cao như: bơ, mít, sầu riêng. Thời gian qua, rải rác xuất hiện các đoàn khách đến tham quan vườn mít, sầu riêng, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng.

Phải trang bị thêm kiến thức làm du lịch

Ông Nguyễn Văn Thành – chủ điểm tham quan vườn nho Tư Thành cho biết: Dù các điểm đến thu hút được khá nhiều khách tham quan nhưng người dân cần trang bị những kiến thức căn bản về làm du lịch. Đồng thời chính quyền cũng cần có chính sách hỗ trợ, làm việc với các trung tâm xúc tiến du lịch, các công ty lữ hành tạo ra tour, điểm đến du lịch tại huyện Tuy Phong gắn với tham quan vườn nho hay vườn táo, vườn sầu riêng để mang lại hiệu quả cao hơn.

Được biết hiện tại nho xanh có giá từ 50 – 60.000 đồng/kg, còn giá nho Hồng Nhật là 100.000 đồng/kg. Với phương thức chuyển đổi giống, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch bằng các sản phẩm tự tay làm ra, người dân trồng nho xã Phước Thể đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Huyện Tuy Phong được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với các điểm du lịch tâm linh như: Chùa Cổ Thạch, bãi đá bảy màu, lăng ông Nam Hải… Bên cạnh đó là bờ biển dài với nhiều loài hải đặc sản cũng là điểm nhấn du lịch tại địa phương. Tuy nhiên qua đánh giá các sản phẩm du lịch tại Tuy Phong còn nghèo nàn, chất lượng du lịch chưa cao. Do vậy nếu kết hợp phát triển giữa các vùng, kết nối các điểm đến giữa du lịch tâm linh với du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng đồng thời có những chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh du lịch, chắc rằng chất lượng sẽ nâng lên. Ngoài Khu du lịch Bình Thạnh cũng như các điểm đến quen thuộc, Tuy Phong cũng đã xem xét để hình thành tuyến du lịch khám phá cung đường Tà Năng - Phan Dũng thuộc xã Phan Dũng.

Phi Hải

Cần Đước (Long An): Nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định

Nguồn tin:  Báo Long An

Hiện nay, nhiều nông dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An sản xuất theo mô hình vườn, ao, chuồng và chuyển đổi, trồng những loại cây phù hợp trên vùng đất nhiễm phèn, mang lại hiệu quả kinh tế.

Gia đình anh Võ Văn Thành, chị Trần Thị Khắp có thu nhập ổn định từ việc nuôi gà

Tận dụng 7.000m2 đất, vợ chồng anh Võ Văn Thành, chị Trần Thị Khắp (ấp Chợ Mỹ, xã Mỹ Lệ) vừa nuôi gà, vịt xiêm, vừa trồng thêm phát tài. Mỗi năm, anh chị nuôi 3 đợt gà với số lượng 2.000 con/đợt, sau 3 tháng đạt trọng lượng khoảng 2,5kg/con, bán giá bình quân khoảng 50.000-55.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh chị còn nuôi 4 đợt vịt xiêm, mỗi đợt 500 con và trồng 500m2 phát tài. Tận dụng phân gà, anh chị làm thức ăn nuôi cá. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh chị có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Anh Võ Văn Thành chia sẻ: “Tôi học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất và dự nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức. Tôi áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Mô hình trồng dừa xen tre lấy măng của ông Lê Tấn Phước, ấp 4, xã Long Sơn

Còn ông Lê Tấn Phát, ngụ ấp 4, xã Long Sơn, mạnh dạn chuyển đổi 1,2ha đất nhiễm phèn, trồng lúa năng suất thấp sang đào mương trữ nước tưới, lên liếp trồng 800 gốc dừa lùn xen 200 gốc tre lấy măng. Hiện nay, ông bắt đầu thu hoạch măng, bán với giá 10.000 đồng/kg, thu nhập khá ổn định. Cây dừa cũng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phát triển khá tốt.

Vườn, ao, chuồng là mô hình khá lý tưởng đối với nhiều nông dân Cần Đước, vừa đa dạng hóa cây trồng, vừa mang lại nguồn thu nhập cao. Ngoài ra, mô hình trồng xen canh cũng được nông dân áp dụng hiệu quả, nhất là trên vùng đất nhiễm phèn ở địa phương./.

Kim Khánh - Kim Thoa

Trồng ớt cho thu nhập đón tết

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Giá ớt đang ở mức 14.000 đồng/kg thu mua tại vườn, vài năm trở lại đây ớt xiêm đỏ trở thành cây trồng được nhiều hộ nông dân xã Phú Lạc (Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) mở rộng diện tích lên đến 20 ha, cho thu nhập ổn định.

Tại thôn Phú Điền, nơi tập trung diện tích trồng ớt nhiều nhất xã với khoảng 10 ha, ớt còn trồng rải rác ở 2 thôn còn lại là Vĩnh Hanh, Lạc Trị. Những ngày này, đi dọc trên con đường đất, những đoạn lởm chởm đá dẫn vào thôn Phú Điền dễ dàng bắt gặp màu xanh trải dài, điểm tô trên nền xanh ấy là sắc đỏ của những chùm ớt chín rộ, sai quả. Trên từng mảnh vườn, dáng nông dân lom khom cười, nói rộn ràng hái ớt, làm cỏ, bón phân… báo hiệu một mùa vụ đầy hứa hẹn.

Chị Hoa đang thu hoạch ớt.

Chị Dương Thị Kim Hoa thôn Phú Điền đang tất bật trên thửa ruộng trồng giống ớt xiêm đỏ của mình. Năm nay thời tiết thuận lợi, sau gần 3 tháng chăm chút, thửa ruộng trồng ớt của gia đình chị đã bắt đầu cho thu hoạch lứa thứ 2. Ớt được mùa, được giá khiến chị cũng như những nông dân trồng ớt ở Phú Lạc hết sức phấn khởi. Theo chị Hoa cho biết, nếu giá ớt bình thường 10.000 đồng/kg thì người trồng ớt như chúng tôi cũng có lãi, những ngày qua giá ớt nhích lên giữ ở mức 14.000 đồng ai cũng vui. “Với 4 sào ớt, một mình tôi thu hoạch thì mỗi ngày cũng hái được hơn 40 kg, hái xong 1 lứa là quay vòng hái lứa tiếp theo cho thu nhập thường xuyên. Vụ ớt này cho thu hoạch đến qua Tết Nguyên đán”, chị Hoa cho biết.

Cây ớt trồng đúng thời vụ là vào tháng 12 âm lịch, sau gần 3 tháng là cây cho trái. Nếu chăm bón tốt, đúng quy trình kỹ thuật, cây ớt có thể cho thu hoạch đến 9 tháng, năng suất đạt khoảng 15-22 tấn/ha. Tuy nhiên, cây ớt vào mùa thu hoạch rộ vào khoảng tháng 4 giá thường không cao hay bị ép giá, vì vậy nhiều nông dân thường xuống giống sớm hơn trước thời vụ tầm tháng 6 âm lịch. Cây ớt có khả năng chịu nắng nóng, hạn hán rất tốt, đây là loại cây trồng rất ít sâu bệnh và cho năng suất cao, cho thu nhập thường xuyên nên nông dân thường gieo trồng luân canh với cây hành vừa để cải tạo đất, đa dạng các loại cây trồng trên cùng diện tích. Qua thời gian canh tác, cây ớt cho năng suất khá tại xã Phú Lạc. Tuy nhiên, nông dân nơi đây đang vẫn lo lắng là việc trồng ớt cũng chỉ dựa theo kinh nghiệm chứ chưa được hướng dẫn về kỹ thuật từ cán bộ ngành nông nghiệp nên khi cây ớt bị nhiễm bệnh không biết đó là bệnh gì, phun thuốc phòng trừ ra sao, như thối thân, gãy cành, rụng trái. Vì vậy, mong muốn của nông dân trồng ớt là được tư vấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng cũng như cách phòng trừ sâu bệnh để mạnh dạn thâm canh, đầu tư và đạt hiệu quả cao hơn.

T.Duyên

Giá lúa tiếp tục nhích lên

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Do nguồn cung giảm, giá nhiều loại lúa tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện tăng thêm từ 100-200 đồng/kg so với cách nay 2 tuần.

Thu hoạch lúa thu đông 2019 ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tại nhiều tỉnh, thành như: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… lúa tươi Đài Thơm 8 ở mức 5.700-6.000 đồng/kg; các loại lúa tươi hạt dài như: OM 6976, OM5451 có giá từ 5.200-5.500 đồng/kg; nếp tươi có giá 6.500-6.700 đồng/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo hàng hóa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã giảm mạnh so với trước vì phần lớn nông dân đã thu hoạch và tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa vụ thu đông 2019, còn lúa vụ đông xuân 2019-2020 mới bắt đầu gieo sạ. Dự báo giá lúa có nhiều khả năng còn tăng và tiếp tục đứng ở mức cao trong thời gian tới. Thời điểm này, tiểu thương và doanh nghiệp cũng tăng cường thu mua các loại lúa gạo ngon, lúa thơm và nếp để chuẩn bị phục vụ thị trường dịp lễ, nhất là Tết Nguyên đán 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ thu đông 2019, toàn thành phố xuống giống gieo trồng được 64.248ha lúa. Tính đến ngày 6-11, nông dân tại thành phố đã thu hoạch được 63.993ha, với năng suất ước đạt 51,54 tạ/ha.

Tin, ảnh: V. CỘNG

Hà Nội đẩy mạnh sản xuất rau an toàn

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Những năm qua, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng mô hình trồng rau an toàn ở các huyện, tạo thu nhập cho nông dân và nguồn rau sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Qua đó, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Các mô hình trồng rau an toàn đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Quỳnh Dung

Dựa vào nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các huyện của Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có phát triển những vùng trồng rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Theo bà Hoàng Thị Minh, ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), gia đình bà trồng 1 sào rau an toàn, chủ yếu là các loại: Cải ngồng, cải ngọt, các loại rau ăn lá… bán giá bình quân 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 10-12 triệu đồng/sào, cao hơn 10% so với rau trồng theo cách truyền thống.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm), toàn xã hiện có 250ha rau, trong đó 150ha trồng theo hướng an toàn. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật, rau an toàn ở Đặng Xá tiêu thụ mạnh tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, bếp ăn tập thể. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 15 tấn rau ăn lá các loại, cao điểm có ngày lên tới 100 tấn (chủ yếu những tháng mùa đông).

Về hiệu quả của các mô hình sản xuất rau an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận xét: Đến nay, diện tích rau an toàn trên địa bàn thành phố được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 5.044ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Diện tích rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha. Nhìn chung, sản phẩm rau an toàn bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; hiệu quả kinh tế cao hơn rau thường 10-20%, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, khoảng 1.200ha đạt giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm do sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ…

“Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, thông qua tập huấn kỹ thuật và được tuyên truyền, vận động, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau an toàn từ 60% trở lên, giảm 30% số lần sử dụng thuốc; chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau an toàn giảm 50%, nông dân đã tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm” - ông Nguyễn Mạnh Phương nói.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất rau an toàn, thành phố đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới sản xuất rau an toàn đến năm 2020, theo đó diện tích sản xuất rau an toàn đạt 16.276ha, hình thành 151 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với diện tích 6.644ha (trung bình 44ha/vùng)… Hướng tới mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các huyện rà soát chuyển đổi những vùng có lợi thế trồng rau an toàn; thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho người dân. Cùng với đó, Sở tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết hài hòa lợi ích giữa các khâu, có thể chứng minh và truy tìm nguồn gốc; đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản nói chung và rau an toàn nói riêng.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các địa phương chú trọng phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn xa chợ đầu mối. Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn theo hình thức: Bố trí quầy rau an toàn tại các khu dân cư, hỗ trợ mở quầy bán rau an toàn tại các chợ khu vực nội thành; phối hợp với các siêu thị nhằm tăng sản lượng rau an toàn qua kênh phân phối hiện đại.

NGỌC QUỲNH

An Giang: Trái xoài ở Chợ Mới nhận giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP - triển vọng xuất khẩu

Nguồn tin: Báo An Giang

Trung tuần tháng 10-2019, UBND huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) tổ chức lễ công bố và trao giấy chứng nhận 311ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và 7 mã số vùng trồng đối với 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) cho Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới - An Giang. Nâng tổng số xoài ở huyện Chợ Mới lên 437ha xoài được chứng nhận VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Chợ Mới là huyện có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh với gần 6.000ha, tập trung 3 xã cù lao Giêng vớI 4.235ha, sản lượng gần 48.500 tấn/năm. Nghề trồng xoài trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ tại cù lao Giêng, đặc biệt ngành hàng trái xoài đem lại ngoại tệ cho người dân thông qua con đường xuất khẩu. Dù trải qua thời gian dài xuất hiện trên thị trường, song trái xoài đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhất là khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); luật chơi về số lượng, chất lượng an toàn thực phẩm và truy nguyên nguồn gốc trở thành rào cản cho trái xoài khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận VietGAP

Trước yêu cầu phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ, cũng như làm cơ sở mở rộng sản xuất xoài hàng hóa theo hướng chất lượng cao và an toàn thực phẩm, việc xây dựng mô hình sản xuất xoài đạt chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội. Vì thế, tỉnh đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ chủ quản, hỗ trợ kinh phí, được thực hiện tại 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân). Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án, đánh giá khắc phục và hoàn thiện hồ sơ, ngày 16-5-2019, Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC chính thức công nhận Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới - An Giang có 345 thành viên, với diện tích 311ha xoài đạt chứng nhận VietGAP, với mã số VietGAP-TT-12-03-89-0001, sản lượng dự kiến 9.300 tấn/năm.

Ngày 15-7-2019, hợp tác xã tiếp tục được Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II cấp 7 mã vũng (code) xuất khẩu vào Mỹ, Úc, New Zealand và Hàn Quốc, gồm các mã: 12836, 12837, 12838, 12839, 12840, 12841, 12842. Như vậy, trái xoài 3 màu của Hợp tác xã GAP Chợ Mới - An Giang trước khi cung cấp ra thị trường đảm bảo thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đây là kết quả quan trọng cải thiện chất lượng trái xoài 3 màu thông qua xây dựng mô hình sản xuất VietGAP.

Như vậy, 3 xã cù lao Giêng đã có 437ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và 7 mã vùng xuất khẩu vào các nước: Mỹ, Úc, Newzealand, Hàn Quốc. Dự án thành công bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong tổ chức sản xuất và cung ứng xoài 3 màu theo hướng liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm, cải thiện và quản lý chất lượng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Giúp nông dân tự tin hơn trong sản xuất, tạo sự chuyển biến theo hướng liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm, cải thiện và quản lý chất lượng xoài theo hướng an toàn thực phẩm. Đây là tiền đề quan trọng nhằm đưa trái xoài ngày một vươn xa hơn và đem về lợi nhuận lớn cho người nông dân, tăng giá trị sản phẩm hàng nông sản và bảo đảm đầu ra ổn định cho trái xoài cù lao Giêng.

Năm 2019, Chợ Mới đã xuất khẩu gần 65 tấn xoài vào thị trường Úc, Hàn Quốc. Mới đây, Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới-An Giang đã ký thỏa thuận với Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), Công ty TNHH Kim Nhung (Đồng Tháp), Công ty TNHH ORGA Việt Nam, Công ty VINA T&T GROUP cung ứng và tiêu thụ sản phẩm trái xoài, mở ra nhiều triển vọng cho trái xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao chia sẻ, trước yêu cầu phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ, cũng như làm cơ sở mở rộng sản xuất xoài hàng hóa theo hướng chất lượng cao và an toàn thực phẩm, việc xây dựng mô hình sản xuất xoài đạt chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Ông Vũ Minh Thao yêu cầu hợp tác xã phải tuân thủ và hoàn thiện sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu và tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn để đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong và ngoài nước. TS Võ Hữu Thoại (Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, gần 450ha sản xuất xoài đạt chứng nhận VietGAP ở Chợ Mới minh chứng cho thấy nông dân cù lao Giêng hoàn toàn có khả năng sản xuất xoài theo quy trình VietGAP, nếu được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền và nhà quản lý.

Chính vì thế, cần thiết từng bước phải mở rộng cho được mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Chợ Mới. Xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất xoài hàng hóa tập trung và có chất lượng, phục vụ tốt thị trường nội địa và xuất khẩu. Để làm được điều này, các bộ, ngành Trung ương và ngành chuyên môn của tỉnh cần có những chính sách, giải pháp cụ thể để ưu tiên, khuyến khích nông dân thay đổi tư duy sản xuất, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, khuyến khích nông dân, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết hộ nhỏ lẻ thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, giúp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được thuận lợi; góp phần thay đổi tập quán canh tác, áp dụng theo hướng chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập, nông sản có vị trí và chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Chuyển đổi 12.593ha trồng cây ăn trái giá trị cao

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 11-11, Bộ NN-PTNT cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 12.593ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; trong đó cây mít có diện tích trồng nhiều nhất với 4.728ha, kế đến là xoài 1.470ha, cam xoàn 1.470ha, thanh long 1.234ha…

Nông dân ĐBSCL mở rộng diện tích trồng mít Thái đem lại hiệu quả cao

Ước tính của các địa phương ở ĐBSCL cho thấy, cây sầu riêng đem lại lợi nhuận cao nhất với khoảng 910 triệu đồng/ha; trong khi bưởi da xanh, cam xoàn, thanh long cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha; mít Thái hơn 364 triệu đồng/ha… Tất cả đều cao hơn gấp nhiều lần so cây lúa.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện rải vụ cây ăn trái, tập trung chính vào 5 loại cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn) với diện tích 59.000ha. Việc rải vụ nhằm tạo điều kiện tốt để tiêu thụ, giảm áp lực đầu ra khi sản lượng tập trung thu hoạch vào chính vụ; nhờ đó giá trái cây rải vụ luôn ổn định, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất cao hơn chính vụ khoảng 2 lần.

Bộ NN-PTNT dự báo, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tình hình hạn mặn phức tạp; do đó chính quyền địa phương và người dân cần chủ động các giải pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây ăn trái. Sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ từ rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Củng cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước và không tưới nước có độ mặn cao hơn 1‰ cho cây; đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,5‰ nhằm tránh bị thiệt hại…

NGỌC DÂN

Giá heo hơi không ngừng tăng cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

So với cách nay hơn 2 tuần, giá heo hơi tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg và đang ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm 2019 đến nay.

Lượng heo tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện cũng đang có phần hạn chế. Trong ảnh: Chăn nuôi heo tại một hộ dân ở TP Cần Thơ.

Giá heo hơi tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang phổ biến từ 60.000-65.000 đồng/kg, trong đó heo hơi loại 1 tại một số tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang, Long An... đã ở mức 65.000 đồng/kg. Giá heo hơi liên tục có chiều hướng tăng trong những tuần qua do nguồn cung giảm vì đàn heo tại nhiều địa phương bị thiệt hại nặng do bệnh dịch tả heo châu Phi và gần đây người dân cũng hạn chế phát triển chăn nuôi heo vì sợ rủi ro.

Hiện nhiều trại chăn nuôi heo không còn heo để bán hoặc “neo” lại để chờ giá tăng thêm nên thương lái nâng giá thu mua lên để có hàng phục vụ giết mổ. Theo nhiều doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh thịt heo, giá heo hơi tại ĐBSCL dự báo còn tăng do heo hơi tại nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc hiện vượt lên mức trên 70.000 đồng/kg và đang có sự dịch chuyển nguồn cung heo hơi từ nơi có giá thấp sang nơi có giá cao. Đặc biệt, nhiều thương lái thu mua heo hơi từ ĐBSCL đem tiêu thụ tại các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và miền Bắc.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Xuân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình): Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ được xã Xuân Hòa (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chú trọng.

Trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Phạm Văn Khoa.

Gia đình ông Phạm Văn Khoa, thôn Thanh Bản 1 là một trong những hộ chăn nuôi số lượng gia súc, gia cầm nhiều ở xã Xuân Hòa và cũng chính từ chăn nuôi mà 8 năm nay gia đình ông có cuộc sống khá giả. Ông Khoa cho biết: Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là thách thức đối với nông dân. Bởi chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Ý thức được điều này, ngay từ ngày khởi nghiệp, tôi đặc biệt quan tâm đến khâu vệ sinh môi trường. Chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng, trong đó phân vật nuôi được thu gom bán lại cho các hộ nông dân tận dụng để bón cây, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể biogas xử lý rồi mới xả ra môi trường. Ngoài ra, xung quanh trang trại, gia đình còn trồng các loại cây xanh, tạo không gian xanh thoáng mát. Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, trên 3 tấn lợn các loại bị bệnh phải tiêu hủy, gia đình ông Khoa tập trung đẩy mạnh phát triển những con vật nuôi khác mà từ trước tới giờ gia đình vẫn nuôi rất ổn định như gà, vịt thương phẩm và lấy trứng, chim bồ câu với số lượng gần 10.000 con. Ngoài ra, gia đình ông mạnh dạn đưa bò thương phẩm và bò đực giống vào nuôi với số lượng 20 con. Mặc dù mới nuôi bò nhưng với tính cần cù, chịu khó lại ham tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi bò qua những người chăn nuôi quy mô lớn, ông Khoa nhanh chóng nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò theo hướng an toàn, dự kiến đến tết Nguyên đán sẽ xuất bán. Theo ông Khoa, nếu giá cả ổn định như hiện nay sau khi trừ chi phí mỗi con bò thương phẩm lãi 5 - 7 triệu đồng.

Còn đối với gia đình ông Đỗ Duy Hiền, thôn Phương Tảo 2, sau khi 6 con lợn nái, 40 con lợn thịt bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã tập trung làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi bảo đảm sạch sẽ, giảm thiểu tình trạng xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh. Đồng thời, chuyển hướng đầu tư từ chăn nuôi lợn sang nuôi trên 200 con ngan. Ông Hiền cho biết: Đến nay gia đình đã xuất bán 2 lứa ngan thương phẩm, hiện đang chuẩn bị tái đàn lợn phục vụ thị trường sau tết Nguyên đán.

Là xã duyên giang, Xuân Hòa có 3km đê sông Trà Lý, đây là điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi của xã phát triển. Hiện toàn xã có 7 trang trại, 63 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Hà Văn Cường, Quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định phát triển chăn nuôi gắn với BVMT. Một trong những giải pháp được triển khai thực hiện là xây dựng các hầm biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các đoàn thể trong xã đẩy mạnh tuyên truyền tới người chăn nuôi những lợi ích của hầm biogas như BVMT quanh khu dân cư, chất thải gia súc sau khi ủ sẽ được dùng để bón cho cây trồng, đặc biệt là giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí mua chất đốt phục vụ đời sống hàng ngày. Qua đó, hầu hết người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô đều tự xây dựng hầm biogas. Xã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, việc triển khai mô hình xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu vực dân cư được xã quyết tâm thực hiện. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và triển khai hiệu quả mô hình này, xã đã giao Hội Nông dân và các đoàn thể tiến hành truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh; chỉ đạo các đoàn thể, đoàn viên, hội viên và nhân dân tăng cường công tác vệ sinh môi trường; tổ chức cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ký cam kết không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời những vi phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với BVMT, thời gian tới, xã Xuân Hòa sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn gắn với BVMT; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Đức Dũng

Trà Ôn (Vĩnh Long): Xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên bò

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Trong những ngày đầu tháng 11/2019 trên địa bàn huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) bắt đầu xuất hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng trên đàn bò, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Tích Thiện, Thiện Mỹ.

Hiện cơ chuyên môn đang phối hợp với UBND các xã và cán bộ thú ý tiến hành thống kê số lượng bò đã chết, đang bị dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn hộ chăn nuôi trị bệnh cho đàn bò.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn cho biết: LMLM là một bệnh truyền nhiễm gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người nuôi bò. Bệnh do vi rút LMLM gây ra và lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Vì thế các hộ chăn nuôi bò cần thực hiện tốt khâu vệ sinh thú y, giữ chuồng khô, sạch và ấm áp; thực hiện định kỳ tiêu độc khử trùng; tăng cường bổ sung thức ăn thô- xanh có nhiều dinh dưỡng; tiêm vắc xin LMLM 6 tháng/lần; kiểm dịch nghiêm ngặt khi phải vận chuyển bò qua lại các địa phương.

Tố Loan

Hơn 800 gian hàng tham gia Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV

Nguồn tin:  Báo Công Thương

Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV năm 2019 và lễ "Tuyên dương các điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc về phát triển hợp tác xã trong hai năm (2018-2019)" sẽ diễn ra tại Vĩnh Long từ ngày 13 - 19/12/2019. Thông tin vừa được Ban tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV cho biết tại buổi họp báo sáng ngày 12/11.

Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV – Vĩnh Long năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 13 - 19/12/2019.

Theo Ban tổ chức, Festival Lúa gạo năm nay sẽ diễn ra chuỗi sự kiện gồm: Hội chợ, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, hội thi Gạo ngon thương hiệu Việt; Món ngon độc đáo chế biến từ sản phẩm lúa gạo - nếp Việt Nam; Hội thi Nhiếp ảnh nghệ thuật với chủ đề "Đồng xanh sinh lúa vàng - Ruộng sạch cho gạo ngon".

Festival Lúa gạo Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần, 3 lần tổ chức trước do các địa phương Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An đăng cai tổ chức.

Riêng năm nay, điểm nhấn của Festival Lúa gạo là Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến có thành tích phát triển hợp tác xã xuất sắc trong 2 năm 2018-2019; Trao Cúp "Hạt ngọc vàng" cho các doanh ngiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo; Trao Cúp "Tạo dựng mùa xanh" cho các đơn vị hậu cần đắc lực - phục vụ sự phát triển bền vững hạt gạo Việt Nam gắn với Lễ khai mạc Festival lúc 20h00, ngày 13/12/2019, tại Sân khấu chính của Festival.

Trong khuôn khổ Festival còn diễn ra 4 cuộc hội thảo với các nội dung: "Khung khổ pháp lý và chính sách phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp"; "Đào tạo nghề nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp"; "Điều kiện cần và đủ để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp - trọng điểm là cây lúa - hạt gạo Việt Nam" và hội thảo "Hỗ trợ người trồng lúa làm giàu bền vững và phát triển kinh tế nông thôn: Liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo, chế biến sản phẩm sau gạo, mời gọi đầu tư chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm".

Theo ông Trương Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long, đây là sự kiện có ý nghĩa về kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Vĩnh Long nói riêng cũng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước nói chung. Festival lần thứ IV nhằm tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Festival lần này cũng nhằm tăng cường hiệu quả các giải pháp quảng bá hình ảnh và năng lực cung ứng, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đến với bạn bè quốc tế; Cung cấp các giải pháp xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân hoạt động có hiệu quả và giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế…

10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 5,56 triệu tấn, với kim ngạch giá trị đạt 2,43 tỷ USD, tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị, nguyên nhân do giá gạo giảm. Philippines là thị trường tiêu thụ số 1 trong các thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Thu Hà

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop