Tin nông nghiêp ngày 14 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 14 tháng 12 năm 2019

Những ‘cù lao tỷ phú’ ở miền Tây

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Giữa vùng sông rạch Đồng bằng sông Cửu Long, có hàng trăm cù lao nằm rải rác từ thượng nguồn tới hạ lưu của sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông… Vài năm trở lại đây, những nơi này được mệnh danh là "cù lao tỷ phú" bởi nông dân ở đây đã có cuộc sống khá lên từ nuôi trồng thủy sản và trồng cây trái.

“Tỷ phú” cây trái cù lao Vĩnh Long

Tìm về vùng đặc sản sầu riêng miền Tây, chúng tôi đến cù lao Dài thuộc 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Dải đất giữa dòng sông Cổ Chiên này trải dài 12km, diện tích khoảng 4.000ha, trong đó có hơn 1.000ha trồng sầu riêng.

Đón chúng tôi ở bến đò Quới An, dẫn đoàn đi dưới bạt ngàn bóng xanh của những vườn sầu riêng hai bên con đường nhỏ xuyên cù lao, ông Hồ Văn Trọn, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, toàn xã có 12 ấp thì người dân 6 ấp trồng sầu riêng. Trái cây mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những nông dân làm ăn giỏi như ông Phạm Văn Sinh (Ba Sinh), Huỳnh Hữu Đèo, Phạm Văn Trèo, Huỳnh Văn Điệp…

Nông dân miền Tây thu hoạch sầu riêng.

Ông Ba Sinh ở ấp Thanh Lương, một trong những nông dân giỏi trồng sầu riêng chia sẻ: “Trồng sầu riêng trái vụ hiệu quả sẽ rất lớn, bởi giá luôn ở mức cao, lên tới 80.000-100.000 đồng/kg. Vì vậy, một trái sầu riêng có thể có giá 300.000-400.000 đồng, cao hơn bất kỳ loại nông sản nào khác”. Đến ấp Rạch Vọp xã Quới Thiện gần đó, chúng tôi vào vườn sầu riêng của gia đình chị Ngọc Mai. Chị Mai có 10 công đất trồng sầu riêng trong vườn nhà (1 công là 1.000m2). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và có bí quyết riêng, mỗi năm gia đình chị thu hoạch đến 200 tấn trái, thu lời hơn 1 tỷ đồng. Ông Lê Văn Bảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm, chỉ cần 4-5 công đất trồng sầu riêng, nông dân đã có thể thu về được 1 đến 1,2 tỷ đồng mỗi năm.

Tạm biệt những vườn sầu riêng trĩu quả ở cù lao Dài, chúng tôi đến xã cù lao Ninh Hòa nằm giữa sông Tiền thuộc huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Tại đây, ai cũng biết đến tỷ phú nông dân Võ Văn Thiện (ông Tư Thiện), 61 tuổi ở ấp Bình Hòa 2. Dẫn chúng tôi ra vườn ươm hàng trăm cây giống quý, ông Tư Thiện chia sẻ, thu nhập chủ yếu của gia đình hiện nay đến từ việc ươm giống cây nhãn Hồng Phúc và mãng cầu Hoàng Hậu, những đặc sản trái cây miền Tây cho trái to, thơm ngon, bán được giá.

Hiện mỗi năm, ông Tư Thiện bán ra thị trường vài chục nghìn cây giống, có giá 20.000-200.000 đồng mỗi cây. Trừ chi phí, ông thu lời trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2018, ông Võ Văn Thiện đã được UBND tỉnh Vĩnh Long và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.

Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào làm giàu trên đất cù lao, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thông qua Nghị quyết số 112/NQ-HĐND năm 2018 về điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các cù lao vùng ven sông Tiền và sông Hậu sẽ trở thành những vùng chuyên canh cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài, có tổng diện tích hàng nghìn héc ta.

Kiếm tiền tỷ từ nuôi trồng thủy sản

Nếu trên những cù lao nằm phía thượng nguồn các nhánh sông ở miền Tây, nông dân có xu hướng trồng cây ăn trái thì ở phía hạ nguồn, người dân cù lao lại chú trọng nuôi thủy sản. Theo tài liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong về phân bổ và sinh thái một số loài cá sông quan trọng ở hạ nguồn sông Mekong, nước sông quanh các cù lao hạ nguồn là nước lợ (có độ mặn dưới 10%), thích hợp với các loại như tôm càng xanh, tôm thẻ, cua, hàu… Đó cũng là lý do, khi xuôi về hạ nguồn sông Tiền, Cổ Chiên, Ba Lai… có vô vàn các đầm nuôi thủy sản của nông dân. Trên những cù lao nhỏ bé như cù lao Đất, cù lao Linh hay những cù lao rộng lớn như cù lao Tân Phú Đông, cù lao Dung…, những đầm nuôi thủy sản san sát nhau. Những chiếc máy bơm cánh quạt sục khí ôxy quay suốt đêm ngày trên khắp đầm nuôi.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, 36 tuổi, ở cù lao Đất (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), một cù lao nằm ngay nơi sông Hàm Luông đổ ra biển cho biết, mấy năm qua đã dành dụm được gần 2 tỷ đồng nhờ nuôi tôm càng xanh và sắp xây một căn nhà mới. Theo anh Hiệu, tôm càng xanh rất khỏe, ít bệnh tật và dễ nuôi. Tôm càng xanh càng nuôi lâu càng to, giá càng đắt, chuyên bán phục vụ khách hàng cao cấp. Ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho hay, với tôm càng xanh, nếu bán tại đầm, có giá 220 nghìn đồng/kg (loại 12 con/kg), tôm thẻ giá 150 nghìn đồng/kg (loại 20 con/kg), còn cua là 310 nghìn đồng/kg (loại 3 con/kg). Tính mỗi vụ, nông dân cũng thu lợi vài trăm triệu đồng trên mỗi héc ta diện tích mặt đầm.

Cũng từ nuôi trồng thủy sản 10 năm qua, anh Lâm Thành Lâm, 35 tuổi, ở ấp An Quới (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) hiện thu được tiền lời hơn nửa tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá bông lau và tôm sú. Vừa bơi xuồng cho cá ăn giữa ao tôm rộng 2.000m2, anh Lâm vừa kể: “Từ năm 2018 đến nay, tôi tham gia dự án thử nghiệm nuôi cá bông lau chất lượng cao theo mô hình "Nuôi cá bông lau trong ao đất" do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ triển khai".

Với khoảng 4.000 con cá giống mà anh Lâm thả nuôi, sau 16 tháng đã cho trọng lượng khoảng 1,5kg/con, thu hoạch ước tính 6 tấn cá. Trừ chi phí, anh Lâm đã thu lời gần 400 triệu đồng. Tính cả tiền lời bán tôm thẻ chân trắng, năm qua, anh Lâm đã đạt lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng từ nuôi thủy sản. “Tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi cá bông lau thời gian tới, vì thu lời nhiều hơn nuôi tôm thẻ”, anh Lâm phấn khởi cho biết.

Ở miền Tây, danh sách các "tỷ phú cù lao" còn nhiều, với những con người gắn với các địa danh như cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); hay cù lao Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)… Có thể nói, những cù lao miền Tây ngày nay đã có sự chuyển mình rõ rệt. Đời sống người dân từ chỗ bị tách biệt với cộng đồng hai bờ, nay đã giàu đẹp hơn, góp phần tô điểm cho sự trù phú của miền Đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang.

HÀ PHẠM

Huyện Long Mỹ (Hậu Giang): Dưa hấu tết được bao tiêu 6.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, dưa hấu tết ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) được thương lái đến tận rẫy bao tiêu với giá 6.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.500 đồng/kg so với vụ dưa tết năm trước. Nhiều nông dân trồng dưa hấu tết cho biết, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, do nắng nóng gay gắt đã xuất hiện bọ trĩ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của dưa.

Nông dân chăm sóc vụ dưa hấu tết.

Theo tính toán, một công dưa hấu cho năng suất trung bình từ 3-4 tấn, với giá bao tiêu 6.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận từ 13-17 triệu đồng/công. Vụ dưa tết năm nay, nông dân huyện Long Mỹ xuống giống hơn 100ha.

Tin, ảnh: MINH TIẾN

Nước mặn đến sớm uy hiếp hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái ở Bến Tre

Nguồn tin: VOV

Mấy ngày gần đây, gió thổi mạnh, triều cường dâng cao kéo theo nước mặn tràn vào đất liền uy hiếp hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái ở Bến Tre.

Theo các ngành chuyên môn của tỉnh Bến Tre, kết quả đo mặn tại 13 điểm trên các sông chính của tỉnh cho thấy, hiện nay, độ mặn 4%o đã xâm nhập, cách các cửa sông chính gần 40 km.

Tại 2 con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, nước mặn đều tăng nhanh, đang uy hiếp hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của người dân. Đặc biệt, tại vùng đầu nguồn là huyện Chợ Lách, nước mặn ở mức 1 phần nghìn. Hơn 5.000 ha vườn chôm chôm, sầu riêng đang cho trái và gần một chục sản phẩm hoa kiểng, hàng triệu cây giống đang có nguy cơ thiếu nước ngọt.

Sông Hàm Luông đoạn xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre bị nước mặn 1 phần nghìn tấn công.

Hiện nay, chính quyền và người dân tỉnh Bến Tre đang khẩn trương ứng phó với nước mặn tấn công, trong đó chú trọng việc ngăn mặn, trữ ngọt, theo dõi độ mặn theo từng con nước triều để chủ động trữ nước ngọt.

Về kinh nghiệm ứng phó với nước mặn, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Sông Cổ Chiên và Hàm Luông đều bị mặn, độ mặn 1 phần nghìn. Bây giờ khả năng đe dọa hết 5.000 ha vườn cây ăn trái của gia đình tôi. Có mấy giải pháp, thứ nhất là ngăn không cho nước mặn vô, đóng nắp cống ngoài; thứ hai là trữ nước ngọt, đóng nắp cống trong trữ nước. Thứ ba, kiểm tra thấy nước ngọt thì bơm trữ nước liền. Đối với hoa kiểng, bắt buộc phải chứa nước tưới vì hoa kiểng, cây giống mau khô phải có nước tưới. Nếu mặn nhiều, nước ít thì phải che bớt, che nắng, che gió cho bớt bốc hơi nước”./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Giá nhãn giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Giá nhãn giảm khiến nông dân lo lắng

Nông dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang lo lắng vì giá nhãn đang giảm mạnh. Hiện, nhãn loại 1 được thương lái đến vườn thu mua giá 18.000 – 20.000 đồng/kg, giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Mức giá này giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá nhãn giảm do nhu cầu thị trường đang có chiều hướng chững lại, khiến cung vượt cầu, đồng thời nhu cầu xuất khẩu chế biến cũng đang giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trang Huỳnh

Khơi dòng chảy trái cây Tiền Giang đến với thị trường

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu trái cây. Toàn tỉnh hiện có trên 77.700 ha cây ăn trái các loại, tăng gần 10.000 ha so với thời điểm năm 2013 và sản lượng cả năm lên đến 1,5 triệu tấn. Được mệnh danh là "Vương quốc trái cây", tỉnh có nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim,…

Địa phương quan tâm phát huy tiềm năng kinh tế vườn hướng đến xuất khẩu mà trọng tâm là tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đi lên làm ăn quy mô lớn, quy chuẩn theo tiêu chí GAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, mang lại giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đó và dựa theo đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, tỉnh đã quy hoạch lại sản xuất phù hợp đối với từng chủng loại cây ăn trái.

Vùng kinh tế - đô thị trung tâm gồm các huyện Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho phát triển diện tích cây thanh long. Vùng kinh tế - đô thị phía Đông gồm các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công chú trọng phát triển cây mãng cầu Xiêm, sơ ri, thanh long. Vùng kinh tế - đô thị phía Tây gồm các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và thị xã Cai Lậy, mở rộng diện tích chuyên canh xoài cát, sầu riêng, khóm (dứa),… Từ định hướng trên, đến nay, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng trên 12.000 ha, vùng trồng thanh long xuất khẩu trên 7.900 ha, vùng trồng khóm (dứa) trên 15.000 ha, bưởi gần 5.000 ha, mít trên 5.000 ha… Đây là những mặt hàng nông sản có giá trị, được ưa chuộng trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản kể trên mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới theo hướng hiện đại. Thu nhập của nông hộ trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản rất cao nhờ vườn cây trúng mùa, trúng giá. Cụ thể, thanh long ruột trắng cho bà con lợi nhuận ròng 300 - 360 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, xoài cát Hòa Lộc lợi nhuận bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm, sầu riêng lợi nhuận ròng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Những xã nổi tiếng chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản: Tam Bình, Long Tiên, Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy); Phú Kiết, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) đều sớm được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới tốp đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang.

Nằm trong chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh cây ăn trái, đưa trái cây đặc sản địa phương đến với thị trường, tỉnh đã thực hiện nhiều phần việc quan trọng: Bình tuyển và nhân giống cây ăn trái tốt, chất lượng cung ứng cho nông dân; ứng dụng, chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến gắn với đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng kênh mương, thủy lợi, giao thông nông thôn phục vụ vùng chuyên canh cũng như xây dựng nông thôn mới.

Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên lĩnh vực kinh tế vườn, khâu làm đất đã được cơ giới hóa đạt tỷ lệ 61,09%, tưới tiêu bằng động cơ chiếm 83,55%, phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón dạng lỏng chiếm tỷ lệ 80,73%, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân chiếm 8,18%... Đây là những tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng có hiệu quả thời điểm sau năm 2013 trở lại đây, giúp giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và nâng chất lượng trái cây ra thị trường.

Ngoài ra, các kỹ thuật canh tác tiên tiến khác: Giải pháp bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, điều tiết nước, kìm hãm sinh trưởng,… để điều khiển ra hoa trái vụ, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ ruồi đục trái, phòng trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long, sử dụng rộng rãi phân bón hữu cơ vi sinh,... và áp dụng tiêu chí VietGAP, GlobalGAP rộng rãi đã thực sự mang lại cuộc cách mạng mới trên lĩnh vực thâm canh vườn cây ăn trái, nâng cao trình độ canh tác cho người nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 700 ha cây ăn trái đặc sản gồm: Thanh long, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng… đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Xúc tiến thương mại nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa chủ lực được đặc biệt quan tâm, khơi dòng chảy trái cây đến với thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua khảo sát, thị trường tiêu thụ trong nước chiếm từ 75 - 80% sản lượng hiện có, xuất khẩu chiếm thị phần khiêm tốn còn lại nhưng cũng chủ yếu dưới dạng trái cây tươi. Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, dứa (khóm), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long… đều được xuất khẩu sang nhiều nước trên khắp thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm qua, Tiền Giang xuất khẩu 10.552 tấn trái cây các loại, đạt 17,2 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 20,11% về trị giá so năm 2017. Năm 2019, tỉnh đề ra chỉ tiêu xuất khẩu trái cây đạt mức 20 triệu USD, tăng khoảng 3 triệu USD so với năm 2018. Đây là xuất khẩu chính ngạch, còn thực tế, một số lượng trái cây rất lớn xuất khẩu tiểu ngạch, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc chưa thể thống kê được. "Mà xuất khẩu tiểu ngạch đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức và rào cản" - ông Đoàn Văn Phương cho biết.

Thời gian tới, tỉnh gắn việc tổ chức lại sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu trái cây hiệu quả theo hình thức liên kết chuỗi giá trị. Trọng tâm là phát huy vai trò các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết doanh nghiệp đảm bảo từ khâu đầu vào đến đầu ra nông sản hàng hóa; khuyến khích nông dân gia nhập các tổ hợp tác, hợp tác xã và hưởng ứng làm ăn hợp tác kiểu mới. Đây là hướng đi tất yếu trong giai đoạn mới. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực kinh tế vườn. Trong quý III/2019, tỉnh đã công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hai mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh là sầu riêng Cai Lậy và sả Tân Phú Đông.

Mặt khác, tỉnh đã ra mắt được 44 hợp tác xã (HTX) trên lĩnh vực cây ăn trái làm đầu mối sản xuất theo tiêu chí GAP, tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nổi bật có HTX xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) tổ chức sản xuất 100 ha xoài cát theo tiêu chí VietGAP với sản lượng mỗi năm cung ứng thị trường trên 1.000 tấn xoài cát Hòa Lộc. Vừa qua, cùng với được chấp nhận nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, xoài cát Hòa Lộc còn được đưa lên phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm xúc tiến và quảng bá thương hiệu trái xoài cát Hòa Lộc nói riêng, trái cây đặc sản tỉnh Tiền Giang nói chung.

HTX Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) quy mô sản xuất 100 ha thanh long, trong đó có 30 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, vốn điều lệ 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương. Theo ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An, HTX đã ký hợp đồng cam kết với các thành viên thu mua thanh long giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg ở mọi thời điểm và cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Nhờ vậy, các xã viên HTX hưởng lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài từ 10 - 20%, nên an tâm sản xuất, không lo tình trạng "trúng mùa, mất giá" do lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và con đường xuất khẩu tiểu ngạch như trước.

Đối với thị trường trong nước, Tiền Giang thỏa thuận hợp tác với những tỉnh, thành lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội nhằm tiêu thụ nông sản sạch nói chung và trái cây đặc sản nói riêng. Đây là những thị trường có tiềm lực và đầy tiềm năng, mở thêm cơ hội lớn cho trái cây Tiền Giang mạnh mẽ thâm nhập. Theo thông tin từ ngành chức năng, trung bình mỗi tháng sản lượng trái cây đưa về tiêu thụ tại chợ đầu mối Hòa Cường (thành phố Đà Nẵng) mỗi tháng đạt khoảng 1.750 tấn. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, thông qua hoạt động hợp tác, lượng rau quả Tiền Giang đưa về tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối ở đây từ 180.000 đến 200.000 tấn.

Xúc tiến thương mại hiệu quả nhằm phát huy tốt tiềm năng kinh tế vườn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh và giảm nghèo nông thôn. Trên lĩnh vực này, "dư địa" của Tiền Giang còn rất lớn. Tỉnh có lợi thế nhiều mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng, chủng loại đa dạng, nhiều giống trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao... Nỗ lực vượt qua những rào cản, thách thức, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, khơi thông dòng chảy trái cây chất lượng của Tiền Giang vào thị trường thông qua những giải pháp đúng, cách làm hay sẽ giúp cho tiềm năng kinh tế vườn tỉnh nhà thăng hoa, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương đẹp giàu.

Minh Trí

NESCAFÉ Plan 10 năm gắn kết nông dân nâng cao chất lượng cà phê Việt

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Trong khuôn khổ “Ngày Cà phê Việt Nam”, công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ về hành trình “Gắn kết với nông dân” của dự án phát triển cà phê bền vững NESCAFÉ Plan trong suốt 10 năm qua.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nestlé đồng hành cùng “Ngày Cà phê Việt Nam” do Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức. Tiếp nối các năm trước, Nestlé Việt Nam tổ chức Hội thi Nông dân sản xuất bền vững với sự tham gia của 90 trưởng nhóm nông dân xuất sắc tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng với mục tiêu tạo sân chơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong thực hành nông nghiệp bền vững.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, nhận xét dự án NESCAFÉ Plan đóng góp hết sức tích cực trong việc hỗ trợ nông dân kể cả trong thời điểm thị trường bấp bênh với năng suất vườn cà phê tham gia vào dự án đạt 4,5 tấn - 5 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình của cả nước là 2,6 tấn/ha. Hoạt động hỗ trợ tái canh của dự án cũng đóng góp rất lớn vào mục tiêu tái canh tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi là 130.000 ha trên tổng diện tích cà phê gần 650.000 ha.

Ông Will Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng, Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ: “Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật canh tác và kết nối với nông dân, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi tích cực cải thiện đời sống của cộng đồng nông dân sản xuất cà phê và chất lượng hạt cà phê. Chúng tôi tin tưởng rằng những người nông dân sẽ tiếp tục gắn kết với mục tiêu phát triển cà phê bền vững, đồng hành cùng dự án NESCAFÉ Plan”.

Dự án toàn cầu NESCAFÉ Plan được Tập đoàn Nestlé triển khai từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia thuộc các khu vực trồng cà phê trọng điểm trên thế giới nhằm mục tiêu mang lại những giá trị bền vững cho người nông dân trồng cà phê, cho cộng đồng và cho hành tinh. Dự án cũng thể hiện cam kết của Nestlé nhằm tạo giá trị chung cho chuỗi giá trị cà phê. Trong số các nước đang triển khai dự án, cùng với Brazil, NESCAFÉ Plan tại Việt Nam được đánh giá là dự án có quy mô lớn và thành công nhất.

Là quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, tuy nhiên, cà phê Việt Nam gặp phải những vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, đó là chất lượng cà phê còn hạn chế do các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học-kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng, nguồn tài nguyên nước bị khai thác không hiệu quả gây lãng phí, không có đội ngũ nông dân kế cận…

Kể từ khi triển khai vào năm 2011, NESCAFÉ Plan đã tích cực đưa ra những giải pháp cũng như các hoạt động cụ thể nhằm phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.

Trong 10 năm qua, đội ngũ các chuyên gia nông nghiệp của Nestlé đã gắn kết chặt chẽ với nông dân và sát cánh cùng đối tác quan trọng là Viện Khoa học kỹ Thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), góp phần thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống bằng kỹ thuật tiên tiến thông qua NESCAFÉ Plan (ví dụ: Kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, nhân giống, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tỉa cành, kỹ thuật thu hoach cà phê chín và bảo quản sau thu hoạch…), góp phần cải tạo diện tích cà phê già cỗi bằng hoạt động phân phối cây giống cho nông dân, cải thiện kinh tế cho các nông hộ, duy trì một môi trường canh tác bền vững để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu.

Về mặt xã hội, dự án đã nâng cao cai trò và vị thế của người phụ nữ, thông qua việc đào tạo đội ngũ nữ trưởng nhóm nông dân, phát triển đội ngũ nông dân kế thừa. Dự án đã mang tới những tác động tích cực. Cụ thể, đã tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho hơn 230.000 lượt nông dân, giúp 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C.

Đồng thời, phân phối trên 36 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân, từ đó tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân với kỹ thuật NESCAFÉ Plan.

Đối với cộng đồng, dự án đã xây dựng cộng đồng trồng cà phê bền vững với 274 trưởng nhóm nông dân; cải tạo 36.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh. Đặc biệt, nâng cao chất lượng hạt cà phê với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.

Đối với toàn cầu, đã tiết kiệm 40% lượng nước tưới; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu; giới thiệu mô hình xen canh hợp lý góp phần cải tạo đất và tăng thu nhập cho nông dân…

Nhằm kết nối chặt chẽ hơn với người nông dân, các chuyên gia của NESCAFÉ Plan cũng đã đưa vào áp dụng phần mềm FARMS để quản lý dữ liệu trực tiếp của mỗi trang trại nhằm hỗ trợ kịp thời cho từng nông hộ. Phần mềm cũng tạo cơ sở dữ liệu về các kinh nghiệm canh tác tốt nhất đối với mỗi nông hộ để các nông hộ khác có thể tìm hiểu và áp dụng trên nông trại cà phê của mình.

Với những đóng góp kể trên, Công ty Nestlé Việt Nam gần đây đã vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao bằng khen với thành tích xuất sắc đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình hợp tác công tư - PPP, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn.

Minh Thi

Liều trồng riềng thu trăm triệu mỗi năm

Nguồn tin: VOV

Khi anh Hậu và anh Long tiến hành đầu tư trồng riềng nhiều người dân tại địa phương không tin rằng họ có thể thành công.

Từ ý tưởng tạo ra sự khác biệt để đi lên trong làm kinh tế, anh Nguyễn Thiện Hậu (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) đã mạnh dạn đầu tư trồng loại cây ở địa phương chưa ai dám trồng để làm “cây kinh tế”. Qua vài năm phát triển, loại cây trồng này giúp gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. “Cây kinh tế” anh Hậu lựa chọn là cây riềng.

Nhiều năm trước, vợ chồng anh Hậu rời vùng đệm đất rừng U Minh hạ lên TPHCM tìm hướng phát triển. Cuộc sống mưu sinh nơi thị thành với vật giá đắt đỏ khiến gia đình anh sống khá chật vật. Trong một lần đi chợ, anh nông dân đã phải mua 1 củ riềng với giá bằng 1 kg riềng được bán tại vùng đất rừng mình lớn lên và anh đã quyết định về quê lập nghiệp bằng cây riềng.

Mô hình trồng riềng thu hàng trăm triệu mỗi năm.

Ban đầu, anh Hậu đầu tư trồng thử nghiệm riềng trên diện tích khoảng 300 m2 tại xã Biển Bạch (huyện Thới Bình). Thấy cây riềng phát triển tốt nên anh rủ người bạn Châu Thanh Long qua vùng đất than bùn xã Khánh An (huyện U Minh) đầu tư trồng thêm 2 ha.

“Trồng riềng nơi vùng đất này thuận lợi là nguồn nước và đất than bùn phù hợp. Chỉ cần vun luống cao là trồng rất đạt. Từ đó, hạn chế dùng phân bón hóa học tạo ra sản phẩm theo hướng sạch nên được thương lái ưa thích” - anh Nguyễn Thiện Hậu chia sẻ.

Khi anh Hậu và anh Long tiến hành đầu tư nhiều người dân tại địa phương không tin rằng họ có thể thành công. Nhưng với bản tính kiên định, muốn tìm hướng đi mới để vươn lên nên mỗi người bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để cây riềng bén rẽ. Hiện nay, mỗi năm họ có nguồn thu khoảng 300 triệu đồng/ha, số tiền này còn cao hơn mỗi chu kỳ thu hoạch rừng tràm truyền thống (khoảng 5 năm) người dân tại địa phương.

Giá riềng có chiều hướng giảm nhưng vẫn có thu nhập cao.

“Hồi xưa hai anh em trồng riềng thì bị nói. Làm mấy cái chuyện khác người ta nên người ta nói, ai cũng vậy thôi. Khi bắt tay vào rồi thì gắng làm. Đất này trồng riềng rất tốt, củ nhiều. So với cuộc sống trước đây thì cây riềng giúp gia đình đỡ hơn nhiều, sống được” - anh Châu Thanh Long cho biết.

Tuy nhiên, hai người nông dân làm liều đang cảm nhận được những khó khăn khi người dân địa phương bắt đầu thực hiện mở rộng diện tích trồng riềng. So với lúc mới cho thu hoạch cách đây hơn 1 năm, giá riềng đã giảm khoảng 20%, ở mức khoảng 10.000 đồng/kg. Với mức giá này vẫn giúp họ có thu nhập cao, tuy nhiên, lo lắng về bức tranh nông sản “được mùa mất giá” vẫn diễn ra hằng ngày là điều khó tránh khỏi.

Anh Nguyễn Thiện Hậu băn khoăn: “Tính theo giá thị trường từ 8.000 – 10.000 đồng 1 công một năm trung bình khoảng 4 tấn. Một ha kiếm được 300 triệu đồng. Hiện thương lái thu mua cung cấp cho thị trường Cà Mau và Kiên Giang thì chỉ vài trăm kg. Khó khăn hiện nay là chưa đảm bảo được đầu ra, chưa có người bao tiêu sản phẩm nên bấp bênh. Đổ xô trồng nhiều chắc chắn giá sẽ tiếp tục giảm.”

Bên cạnh nguồn thu nhập cao từ cây riềng mang lại, hai anh nông dân làm liều còn đang trồng xen thêm các loại cây trồng khác trên diện tích đất canh tác để tăng thu nhập. Đặc biệt, trong quá trình gắn bó với cây riềng, anh Nguyễn Thiện Hậu đã tận dụng phế phẩm từ củ riềng để làm “bài thuốc” trị sâu bệnh cho các loại cây trồng và mang lại hiệu quả tích cực. Anh Hậu đang ấp ủ việc thử nghiệm củ riềng như một loại “chế phẩm sinh học”, giúp người dân địa phương khắc chế sâu bệnh trên cây trồng./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Ia Pa (Gia Lai): Thất bát vụ mì

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Năm nay, do thời tiết bất lợi cộng với bệnh khảm lá vi rút bùng phát nên năng suất mì ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) giảm rõ rệt. Đã vậy, giá mì còn xuống thấp khiến nông dân rơi vào cảnh thất thu, thậm chí lỗ vốn.

Giữa vụ, bệnh khảm lá vi rút lan rộng khắp huyện Ia Pa khiến những rẫy mì đang tươi tốt bỗng nhiên xoăn lá rồi lụi dần. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, toàn huyện có 1.488 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút. Trong đó, xã Pờ Tó có 150 ha, Chư Răng 48,7 ha, Kim Tân 140,1 ha, Ia Ma Rơn 160 ha, Ia Trok 11 ha, Ia Kdăm 70 ha, Chư Mố 286 ha, Ia Tul 110 ha, Ia Broăi 80 ha... Mì bị bệnh khảm lá cộng với thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm rõ rệt.

Nông dân xã Ia Kdăm thu hoạch mì. Ảnh: H.P

Ông Phạm Văn Thủy (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) cho biết: Năm ngoái, rẫy mì 5 ha của gia đình ông có vài khoảnh nhỏ bị bệnh khảm lá. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, gia đình đã tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy. Năm nay, ông tiếp tục trồng 5 ha mì và hầu hết đều bị bệnh khảm lá. Thời điểm này, gia đình ông đang thu hoạch nhưng năng suất đạt thấp. Không những vậy, giá mì còn thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Hiện giá mì tươi dao động trong khoảng 1.500-1.600 đồng/kg (giảm khoảng 300 đồng/kg so với năm ngoái). “Chưa năm nào người trồng mì bị thiệt hại kép như năm nay”-ông Thủy than thở.

Vụ mì năm nay, gia đình ông Ksor Thoan (thôn Kdranh, xã Chư Mố) trồng 4 sào nhưng bị chết gần một nửa, chỉ thu được khoảng hơn 5 tấn củ. Ông cho hay: “Tôi trồng mì đã nhiều năm nhưng chưa khi nào thất bát như năm nay. Nhiều hộ trong thôn cũng có mì bị chết vì dịch bệnh, không thu được đồng nào. Tôi lo vụ sau sẽ thiếu giống mì để trồng”.

Theo ông Tạ Tiến Hải-cán bộ địa chính-nông nghiệp xã Chư Mố, năm nay, toàn xã có 850 ha mì, trong đó có hơn 286 ha bị nhiễm bệnh và chết do nắng hạn kéo dài. Năng suất mì vụ này ước chỉ đạt hơn 2 tấn/sào, giảm hơn 30% so với năm ngoái. Giá bán cũng thấp nên nhiều người trồng mì bị lỗ nặng.

Thời điểm này, gia đình chị Nay H'Ly (làng Toan 1, xã Ia Kdăm) cũng đang thu hoạch mì. Chị bộc bạch: “Gia đình mình bị thiệt hại nặng khi cả ruộng mì gần 1 ha bị nhiễm bệnh, năng suất giảm rất nhiều. Năm ngoái, cũng với rẫy mì này, gia đình mình lãi hơn 10 triệu đồng nhưng năm nay chưa chắc đã huề vốn”.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, vụ mì năm nay, nông dân trong huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập do dịch bệnh, giá mì nguyên liệu giảm. Không những vậy, bệnh khảm lá vi rút bùng phát còn đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất vụ tới. Ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện tích cực hướng dẫn bà con chăm sóc, làm cỏ, không để cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với cây mì. Về phía người dân cần tiếp tục theo dõi những diện tích mì chưa bị nhiễm bệnh để làm giống cho vụ sau. Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân nên dùng giống mì KM94 để trồng nhằm hạn chế nhiễm bệnh”.

HÀ PHƯƠNG

Không để dịch bệnh bùng phát vào dịp cuối năm

Nguồn tin: Báo Long An

Diễn biến bất lợi của thời tiết vào dịp cuối năm là môi trường thuận lợi cho các loại vi-rút “tấn công” đàn vật nuôi. Do đó, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An cần chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB) cho gia súc, gia cầm (GSGC).

Người chăn nuôi không nên lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh vào những tháng cuối năm

Không lơ là trong phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 110.000 con heo, giảm 41,6%; 7.300 con trâu, giảm 2,59%; 125.000 con bò, tăng 8,8%; 9 triệu con gà, vịt, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Những tháng cuối năm là thời điểm các hộ chăn nuôi trong tỉnh tích cực nhập con giống vào nuôi để chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường tiêu dùng, do đó nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh; đôn đốc, chỉ đạo chính quyền cơ sở và người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp PCDB; giao trách nhiệm ấp, xã nắm chắc tổng đàn, phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống cho cán bộ và người chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ GSGC. Thông tin kịp thời, chính xác các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn. Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên GSGC trên địa bàn, tránh chủ quan, lơ là trong công tác PCDB. Khi phát hiện GSGC ốm, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch lây lan diện rộng. Làm tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành ở huyện, xã; kiểm soát chặt chẽ, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở buôn bán, giết mổ GSGC.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ - Kiều Xuân Hải cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có trên 15.000 con GS và trên 300.000 con GC. Sau khi có chỉ đạo tăng cường công tác PCDB trên GSGC dịp cuối năm, trung tâm phối hợp các địa phương triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn với trên 150 lít thuốc sát trùng, tiêm phòng miễn phí vắc-xin cúm A/H5N1 trên vịt, gà và tiêm có thu phí vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên bò. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát và triển khai chính sách hỗ trợ vắc-xin, phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng bệnh trên GSGC cho người dân”.

Ông Lê Văn Cường, ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Những tháng qua, tình hình dịch bệnh trên heo diễn biến rất phức tạp nên tôi chủ động xử lý vệ sinh chuồng trại và chọn con giống tốt trước khi tái đàn. Khâu chọn con giống được ưu tiên hàng đầu, kế đến là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, nói: “Chăn nuôi heo hơn 5 năm nay, lúc nào tôi cũng chủ động PCDB cho vật nuôi, nhất là thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Tôi chủ động tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo lịch và vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên”.

Còn ông Huỳnh Văn Trừ, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Tôi nuôi heo đã hơn 10 năm. Hiện nay, số lượng đàn heo của gia đình đã giảm, chỉ còn vài chục con do tình hình dịch bệnh. Giá heo hiện đang tăng cao, đây là thời điểm người chăn nuôi tái đàn nhưng nếu không thận trọng sẽ bùng phát dịch bệnh lần nữa. Vì vậy, khi tái đàn, tôi chủ động tiêm phòng vắc-xin theo lịch của ngành chuyên môn và khuyến cáo của cán bộ thú y địa phương. Tôi còn chủ động tiêm phòng thêm một số loại vắc-xin để phòng ngừa các dịch bệnh trên heo như tai xanh, huyết trùng, thương hàn,... Bên cạnh đó, gia đình tôi còn quan tâm tiêu độc, khử trùng chuồng trại với tần suất 2 ngày/lần; trộn thêm kháng sinh, vitamin và các khoáng chất cần thiết vào thức ăn để bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho đàn heo”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà Tân Mỹ (huyện Cần Đước) - Võ Đông Triều, không những heo mà đối với con gà, việc chọn giống, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi cũng vô cùng quan trọng để phòng dịch bệnh. Thời gian qua, HTX luôn hỗ trợ các thành viên nâng cao kiến thức trong việc PCDB cho đàn vật nuôi; thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại; nhập con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng an toàn; thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… “HTX có hơn 80.000 con gà với hơn 30 hộ dân tham gia. Để PCDB cho đàn vật nuôi, các thành viên chủ động các biện pháp tiêm phòng kết hợp vệ sinh chuồng trại, bảo đảm chất lượng thức ăn theo khuyến cáo của ngành thú y” - ông Triều nói thêm.

Nỗ lực phòng, chống

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác PCDB trên GSGC dịp cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền người chăn nuôi không giấu dịch, khi có dịch xảy ra phải báo cáo cơ quan thú y hoặc UBND cấp xã để kịp thời xử lý; chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi hiệu quả.

Các địa phương thành lập đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp PCDB tại cơ sở. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động giám sát dịch bệnh trên GSGC, nhất là các khu vực từng có dịch bệnh xảy ra, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm, tránh tình trạng vứt xác động vật chết làm ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.

Sở cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thực hiện tốt công tác PCDB; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm GC, bệnh dại, tai xanh tại các khu vực đã xảy ra dịch, các địa bàn có nguy cơ cao và các địa phương bị ảnh hưởng do lũ, lụt; tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp ra, vào tỉnh./.

Huỳnh Phong

Nuôi bò trên đệm lót sinh học

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Thời gian qua, nhiều mô hình chăn nuôi bò của nông dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) đã khẳng định hiệu quả về kinh tế.

Nền chuồng khô ráo, sạch, ấm nhờ đệm lót sinh học, giúp đàn bò phát triển khỏe mạnh.

Tuy nhiên, cùng với lợi ích thì việc phát triển đàn bò còn hạn chế do ảnh hưởng xấu đến môi trường từ lượng chất thải chăn nuôi bò chưa được xử lý. Mới đây, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, gia đình ông Đoàn Văn Cường, thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội (Vũ Thư) đã ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò tại trang trại, bước đầu cho thấy hiệu quả cao, khác biệt rõ rệt với chăn nuôi thông thường.

Ông Cường chia sẻ, ông bắt đầu nuôi bò từ năm 2016, quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 40 - 50 con, hiện là 52 con bò sinh sản. Mặc dù đã quy hoạch chuồng trại khá khoa học, thoáng khí nền bê tông thuận lợi cho công tác vệ sinh chuồng trại, chú trọng thực hiện vệ sinh, thu dọn phân bò hàng ngày nhưng bên trong chuồng trại vẫn có mùi hôi nặng, những hôm có gió lớn thổi tạt mùi hôi vào khu dân cư. Ông đã nỗ lực nhưng không biết xử lý thế nào. Vừa qua, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện vận động, chuyển giao mô hình ứng dụng chăn nuôi bò trên nền đệm lót sinh học, ông Cường rất phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình.

Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Triển khai mô hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ người chăn nuôi toàn bộ chế phẩm vi sinh, cán bộ của Chi cục, của Trạm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học chăn nuôi bò. Đệm lót được làm bằng các nguyên liệu: trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa... sử dụng chế phẩm EM thứ cấp phun đều lên nguyên liệu, sau đó dàn đều nguyên liệu ra nền chuồng, có độ dày khoảng 40cm, đậy kín bằng bạt hoặc nilon. Sau 1 tuần, đệm lót lên men vi sinh, tiến hành thả bò vào chuồng để chăn nuôi như bình thường. Đặc điểm của con bò là hàng ngày thải ra lượng phân, nước tiểu rất lớn, nếu không xử lý được sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nặng. Nền chuồng là nền bê tông, nền đất như thông thường dễ khiến con bò - nhất là bò đang mang thai bị ngã do trơn trượt hoặc mất vệ sinh khiến bò bị bệnh lở mồm long móng; vào ban đêm, con bò không dám nằm hoặc bị chướng bụng do nền chuồng lạnh. Áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò có thể khắc phục hầu hết các hạn chế trên. Chúng ta đang cần chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường thì sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi bò, chuồng trại rất vệ sinh, mùi hôi được xử lý triệt để do chất thải được các vi sinh phân hủy hết, góp phần bảo vệ môi trường. Công tác an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi bò được thực hiện có hiệu quả nhờ ứng dụng đệm lót sinh học vì trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt sẽ ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm phần chân, bụng cho bò giúp bò tiêu hóa tốt hơn, giảm hẳn tình trạng chướng bụng, bệnh lở mồm long móng, giúp người chăn nuôi hạn chế sử dụng thuốc thú y. Đối với nuôi bò sinh sản thì đệm lót sinh học còn xử lý dứt điểm tình trạng bò mẹ mang thai, bê con bị ngã do trơn trượt, gây thiệt hại kinh tế lớn. Chi phí làm đệm lót sinh học khoảng 110.000 - 120.000 đồng/m2, thông thường sau 3 tháng bổ sung thêm giá thể (nguyên liệu trấu, mùn cưa, xơ dừa...) và sau khoảng 6 tháng thì thay thế nền đệm lót. Phần đệm lót sinh học này sau khi thay thế được tận dụng làm phân bón chất lượng cao cho cây trồng.

Ông Vũ Văn Hải, người lao động tại trang trại chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Đoàn Văn Cường cho biết: Trước kia, khi trang trại chưa dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày tôi và 1 lao động khác phải mất tối thiểu 5 giờ để xịt rửa, gom phân và nước tiểu của bò nhưng chuồng trại vẫn rất hôi. Sau khi dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày tôi chỉ cần 1 - 2 giờ để san, đảo đều phân trên bề mặt đệm lót, không vất vả lại sạch mùi hôi, chuồng trại khô ráo. Tình trạng ruồi muỗi ký sinh trên bò và ở trong chuồng trại cũng giảm trên 90%. Bản thân ông Hải thường xuyên ở trong chuồng trại và tiếp xúc với bò nên khi chuồng trại sạch sẽ, bò khỏe mạnh, ông rất mừng, cảm thấy yên tâm hơn về sức khỏe của mình. Ông Hải mong muốn trang trại sẽ luôn áp dụng đệm lót sinh học này trong chăn nuôi bò vì những lợi ích nó mang lại.

Gia đình ông Hà Văn Hòa, thôn Thanh Bản 1, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) hiện có 3 con bò và 1 con bê. Hàng ngày ông chăn thả bò ngoài đồng, chỉ ban đêm và hôm trời mưa mới nhốt bò tại chuồng. Mặc dù số lượng bò ít và thời gian bò ở chuồng trại cũng không nhiều thế nhưng khu chuồng trại của bò vẫn rất hôi, mất vệ sinh do chất thải của bò thải ra và nhiều ruồi muỗi. Chuồng lại cách nhà ở của gia đình khoảng 20m nên gia đình thường xuyên phải chịu tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi. Ông Hòa rất mong muốn được hỗ trợ về chế phẩm vi sinh và kỹ thuật để thực hiện đệm lót sinh học cho chuồng trại nuôi bò của gia đình mình.

Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết thêm: Mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò của gia đình ông Đoàn Văn Cường là mô hình đầu tiên của huyện Vũ Thư và là 1 trong 16 mô hình toàn tỉnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ chế phẩm vi sinh. Địa bàn huyện hiện có trên 8.000 con trâu, bò, trong đó có một số trang trại chăn nuôi quy mô 20 con bò trở lên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đầu tư kinh phí, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật để nhân rộng ứng dụng đệm lót sinh học tại nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Quỳnh Lưu

Làm giàu từ nuôi dế

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

“Sử dế” là tên quen thuộc mà người dân ở ấp 1, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), hay gọi anh Trần Thanh Sử, người đã nỗ lực vươn lên làm giàu từ nghề nuôi dế.

Anh Sử bên đàn dế nuôi của mình.

Tâm sự với tôi, anh Sử cho rằng anh vốn sinh ra và lớn lên nơi vùng quê sông nước, cuộc sống quen với nghiệp nhà nông, sở thích của anh là tìm tòi học hỏi các mô hình nông nghiệp. Nhưng chăn nuôi nhiều con, trồng nhiều cây rốt cuộc gia đình cũng chẳng khấm khá hơn ai. Năm 2015, khi xem tivi thấy mô hình nuôi dế vốn đầu tư ít, mà vẫn đem lại lợi nhuận cao, anh mày mò tìm hiểu kỹ qua sách báo để học hỏi thêm kỹ thuật nuôi. Từ 1kg con giống ban đầu nuôi thử nghiệm, do còn lạ lẫm và chưa am hiểu nhiều về đặc tính của loài dế, quy cách chuồng trại, kỹ thuật nuôi, nhất là thời điểm dế đẻ trứng nên nở con chưa đạt yêu cầu. Không nản lòng sau lần thất bại ấy, anh quyết theo đuổi nghề nuôi dế, mặc cho vợ con khuyên ngăn, hàng xóm chê cười. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng chưa phù hợp nên ban đầu dế giống chết nhiều, nhưng nhờ kinh nghiệm cùng sự linh hoạt trong áp dụng và thay đổi kỹ thuật, anh cũng thành công.

Anh Sử cho biết: “Để dế phát triển tốt, ngoài tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, cần phải đa dạng các nguồn thức ăn mà chủ yếu là rau, cỏ. Sau khi tách đàn, số lượng dế trong chuồng sẽ được điều chỉnh phù hợp với quá trình tăng trọng của từng loại. Nhờ vậy, có thể tránh được nhiều dịch bệnh sau này và dế phát triển tốt hơn”.

Đến nay, anh Sử đã có trại nuôi dế gần như khép kín với diện tích khá quy mô, mỗi tháng anh xuất bán hơn 300kg dế thịt, những con dế không đạt yêu cầu anh dùng nuôi rắn mối, tắc kè hoặc bán cho các cơ sở nuôi chim với giá 60.000 đồng/kg đã mang lại cho anh nguồn thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Nhu cầu người mua ngày một nhiều, hiện trại dế của anh không chỉ có khách hàng quen biết tại địa phương, mà còn có cả những người từ nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… tìm đến đặt mua với số lượng nhiều.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dế, anh Sử cho hay: Dế là loài côn trùng có tên khoa học Acheta assimilis, có nhiều loài như dế dũi, dế mèn, dế than… là loài bọ cánh thẳng, có râu dài, cặp chân sau to, khỏe, đào hang sống dưới đất, chuyên ăn hại rễ cây. Một lứa dế thường có chu kỳ nuôi 45 ngày, đầu tiên các khay trứng dế sẽ được ủ trong thùng xốp, phải chú ý luôn giữ nhiệt độ ở mức trên 300C; vào mùa hè khoảng 7 ngày, mùa đông thì khoảng 12 ngày thì trứng dế sẽ nở thành con. Sau đó, lấy khay trứng ra và bỏ thêm rơm rạ vào thùng xốp làm nơi trú ẩn cho dế mới nở. Khi dế được tầm 15 ngày tuổi thì chuyển qua nuôi trong thùng làm bằng bìa các tông hoặc thùng gỗ nuôi đến khi dế xuất chuồng.

Chuồng nuôi có thể làm bằng xô, thau, khay, chậu… có nắp đậy nhưng phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát. Nắp đậy có thể là cái lồng bàn hoặc nắp xô đục nhiều lỗ tạo thông thoáng, ban ngày mở ra, chiều tối đậy lại để phòng tránh dế bay đi và mèo, chuột bắt dế… Trước khi nuôi phải rửa sạch, phơi khô chuồng nuôi và trang thiết bị phục vụ chăn nuôi dế. Bên cạnh đó, tùy theo phương tiện và điều kiện nuôi mà bố trí số lượng nuôi hợp lý. Ngoài ra, để nuôi được dế giống bố mẹ (ép đẻ) trong xô có dung tích 40-50 lít nên thả chung khoảng 20 dế cái, 10 dế đực, xô lớn hơn thì khoảng 30 dế cái và 15 dế đực…

Thức ăn cho dế có thể tận dụng được nhiều loại thực vật như cỏ, lá rau các loại, lá khoai lang, lá mì, lá đu đủ, rau muống, dưa hấu, dưa leo... Tất cả các rau, cỏ cho dế ăn đều phải rửa sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh cho dế. Ngoài ra, người nuôi còn có thể cho dế ăn bổ sung thêm các loại cám mịn, nước sạch để dế uống. Muốn dế khỏe mạnh thì nên giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không nên để chuồng nuôi quá nóng, hoặc chuồng nuôi bị nước đổ vào lẫn phân dế gây ô nhiễm môi trường, hay thức ăn dế bị ôi mốc, nước uống lẫn phân dế dơ bẩn… Có như vậy, mới phòng ngừa được nhiều bệnh cho dế và người nuôi cũng tránh được nhiều rủi ro.

Một số hộ dân trong ấp cho biết mô hình nuôi dế của anh Sử rất hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Nếu như những năm về trước gia đình thật sự khó khăn thì giờ đây anh là người có của dư, của để trong nhà. Một số hộ nghèo trong ấp cũng muốn học hỏi làm theo mô hình nuôi dế của anh để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop