Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 3 năm 2019

Tiền Giang: Mở rộng mô hình trồng thanh long áp dụng tưới nước tiệt kiệm

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là vùng đất nhiễm phèn. Từ năm 2010 đến nay, đã có nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng cây thanh long với diện tích gần 900 ha.

Thanh long là cây chịu hạn và cần có sự điều tiết lượng nước tưới khá đặc biệt. Nếu thiếu nước thì năng suất không cao, chất lượng quả kém, nhưng nếu thừa nước thì năng suất giảm, cây bị chết. Trước đây, phương pháp tưới phổ biến được nông dân áp dụng đối với cây thanh long là tưới gốc, tức là dùng máy bơm rồi kéo ống tưới cho từng gốc thanh long, điều này mất rất nhiều công sức, thời gian.

Qua kết quả thực hiện điểm trình diễn “Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trên vườn cây thanh long” của Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước, anh Dương Văn Thông, sinh năm 1980 ở xã Hưng Thạnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp giảm lượng nước, tiết kiệm năng lượng tưới, giảm công tưới, tăng thu nhập 5-10% so với phương pháp tưới truyền thống. Cây cho năng suất ổn định và tăng chất lượng quả góp phần sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Anh Thông bên vườn trồng thanh long của gia đình

Anh Dương Văn Thông trồng 1,1 ha thanh long từ năm 2014 với 1250 gốc thanh long ruột đỏ H14. Đầu tháng 4/2018, anh Thông đầu tư 45 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm gồm ống pvc, mô-tơ, dây, pec phun gốc...

Theo anh Thông, từ tháng 5 đến tháng 10/2018, chi phí cho 1,1 ha trồng thanh long là 250 triệu đồng (gồm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, xông đèn, vuốt tai...). Cũng thời gian đó, anh thu hoạch 24,8 tấn. Tuy nhiên, trong năm 2018 giá thanh long lên xuống thất thường, quân bình 15000- 20.000 đồng/kg, anh thu 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu.

Cũng theo anh Thông so sánh, với cách trồng tưới nước theo tập quán cũ thì áp dụng hệ thống tiết kiệm có lợi nhiều, nhất là khâu mướn công tưới, bón phân, bởi hệ thống chỉ cần 2 người để pha phân tưới cho thanh long là đủ, còn canh tác theo kiểu tưới gốc anh cần mướn phải 4 - 5 nhân công. Quan trọng năng suất tăng được 1 tấn, giảm 50% công tưới nước.

Thiết nghĩ trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiếu nước, hạn mặn thì việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm như anh Thông, vừa tưới nước vừa bón phân sẽ tránh lãng phí nước tưới, giảm công lao động, qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất, đồng thời hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Trương Hồng Huy - Trung Tâm DVNN huyện Tân Phước, Tiền Giang

Nông dân ‘8x’ dám nghĩ, dám làm

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Bén duyên với loại cây ăn quả được cho là “khó tính” này từ năm 2005, khi đó, anh Vũ Văn Muôn đang học tại Trường Thể dục Thể thao Hà Tây (nay là Hà Nội). Vào những dịp nghỉ cuối tuần, anh Muôn đến tham quan những mô hình trồng cây cam đường Canh ở quanh trường và thấy vào dịp tết, các vườn cam đường Canh thu hút rất nhiều người tìm mua và đặt hàng. Anh Muôn mong muốn sẽ đưa mô hình kinh tế này về phát triển tại quê hương. Nhưng cũng phải mất 10 năm lao động vất vả, tích góp được vốn, anh mới thực hiện được ước mơ của mình.

Năm 2015, anh Muôn xuống Học viện Nông nghiệp Hà Nội mua 500 cây giống cam đường Canh về trồng, trên 1 ha đất trồng ngô. Trong quá trình trồng, để giảm công chăm sóc, anh đầu tư thêm hệ thống tưới bằng van quay tự động với tổng chiều dài 2.300 m và một máy xới cỏ. Sau gần 3 năm chăm sóc, không phụ công người, những trái cam đầu tiên đã cho thu hoạch. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, vườn cam đường Canh của anh đã cho thu hoạch trên 18 tấn quả, với giá bán từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi từ 300 đến 350 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ của anh chủ yếu trên địa bàn huyện Bắc Sơn, thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên), thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh.

Anh Vũ Văn Muôn bên vườn cây cam đường Canh

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam đường Canh, anh Vũ Văn Muôn cho biết: Cam đường Canh là loại cây ăn quả khó tính. Người trồng phải chăm sóc rất công phu, áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa theo mong muốn là người làm vườn phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết và chăm sóc, bón các loại phân khác nhau. Để đảm bảo cam sạch và an toàn, anh Muôn dùng phân trâu, phân bò hoai mục và phân lân pha loãng để bón cho cây theo từng giai đoạn. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, vụ cam đầu tiên thời tiết không thuận lợi nên ngay từ đầu vụ, gia đình anh đã chủ động chăm sóc, tìm cách hãm cam chín muộn hơn để được bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Quá trình trồng thử nghiệm cây cam đường Canh, anh Muôn thấy cây hợp đất và hợp khí hậu. Anh Muôn trồng xen thêm một số loại cây khác như: 300 cây cam mác, 200 cây bưởi Diễn và bưởi da xanh. Từ hiệu quả kinh tế vụ cam đầu tiên đem lại, anh Muôn mở rộng thêm 1 ha với 1.000 cây cam đường Canh. Hiện, gia đình anh đang có 2 ha cây cam đường Canh, trong đó 500 cây đã cho thu hoạch và 500 cây bưởi các loại.

Ông Triệu Long Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Anh Vũ Văn Muôn là nông dân trẻ, dám nghĩ, dám làm và cũng là người đầu tiên của xã Vũ Sơn trồng thành công mô hình cam đường Canh cho thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Muôn luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên nông dân trên địa bàn; gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới; qua vườn cây nhà anh còn tạo công ăn việc làm theo thời vụ cho nhiều người dân trong vùng. Hiện anh Vũ Văn Muôn là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã cây ăn quả xã Vũ Sơn.

HOÀNG LAN (Bắc Sơn)

Nông dân Gia Lai lao đao vì giá nông sản xuống thấp

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Vài năm trở lại đây, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai liên tiếp xuống thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp và nhân công luôn ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của đa số nông dân. Thêm vào đó, nguy cơ hạn hán, mất mùa thường trực khiến nhiều nông dân e ngại đầu tư cho sản xuất vì sợ lỗ.

Giá nông sản lao dốc

Ông Phạm Dần (làng Bông, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Gia đình tôi hiện có 4.000 trụ hồ tiêu kinh doanh và 4,5 ha cà phê. Những năm trước, giá hồ tiêu cao nên tôi còn đầu tư chăm sóc vì biết sẽ có lãi. Còn hiện nay, giá hồ tiêu xuống thấp, dao động ở mức 42.000-43.000 đồng/kg nên đầu tư sẽ bị lỗ. Cũng may là nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đúng cách nên vườn hồ tiêu của gia đình tôi không bị chết nhiều như của các hộ khác”. Cũng theo ông Dần, không chỉ hồ tiêu rớt giá thảm hại mà cà phê cũng đang trong tình trạng tương tự. Hiện tại, giá cà phê chỉ còn 32-33 triệu đồng/tấn nhân khiến người trồng hết sức khó khăn. Bởi lẽ, với mức giá này, sau khi thu hoạch cà phê, nông dân chỉ đủ trả tiền công và vật tư nông nghiệp, thậm chí bị lỗ.

Nông dân huyện Chư Pah tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: N.D

Ngoài hồ tiêu, cà phê, giá hạt điều cũng giảm mạnh. Những năm trước, giá hạt điều thô đạt 45.000-50.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 30.000-32.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Ba (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) buồn bã nói: “2 năm trước, giá hạt điều ở mức cao đã kích thích người dân đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên, năm nay, giá hạt điều giảm sâu nên chúng tôi không khỏi hụt hẫng. Với mức giá này, sau khi trừ tiền thuê công nhặt điều cũng chỉ còn đủ vốn đầu tư. Như gia đình tôi mới bán hạt điều xong, sau khi trừ chi phí cũng chỉ thu về được hơn 40 triệu đồng từ 2,5 ha”.

E ngại đầu tư vì sợ lỗ

Vài năm trở lại đây, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh liên tiếp lao dốc gây nhiều khó khăn cho nông dân trong việc tái đầu tư sản xuất. Đã vậy, giá vật tư nông nghiệp, công lao động lại tăng so với những năm trước khiến nhiều hộ nông dân hiện nay không muốn tái đầu tư sản xuất bởi sợ bị lỗ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nói: “Giá cả các mặt hàng nông sản thấp như hiện nay khiến hầu hết nông dân đều gặp nhiều khó khăn vì không có tiền tái đầu tư cho vụ mới. Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ khi gần 3 ha cà phê kinh doanh trong vụ thu hoạch vừa rồi vừa mất mùa lại mất giá nên đến giờ mới chỉ bón phân được một đợt chứ đúng ra đã phải 2-3 đợt. Hiện tại, gia đình tôi tự tưới nước, làm cành chứ không thuê công lao động như trước bởi mức giá thuê 200 ngàn đồng/người/ngày còn phải nuôi ăn thì sẽ không có lãi”.

Có cùng suy nghĩ này, ông Phạm Dần cho biết: “Các mặt hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên nói chung đang rớt giá. Với mức giá hồ tiêu, cà phê như hiện nay, gia đình tôi không dám đầu tư nhiều vì sợ lỗ nặng. Thay vào đó, gia đình tập trung giữ vườn cây phát triển ổn định, chờ giá cả thuận lợi mới dám đầu tư trở lại”.

Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như cao su, hồ tiêu… một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, “vàng đen”… giờ đây lại đang trở thành nỗi lo của nhiều nông dân bởi giá cả xuống thấp, đầu tư nhiều không thu được bao nhiêu, thậm chí lỗ vốn. Vì vậy, hầu hết nông dân đều mong giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực sớm ổn định trở lại để cuộc sống đỡ vất vả hơn.

NGUYỄN DIỆP

Trồng rau công nghệ cao ở xã vùng sâu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Vườn cà chua trong nhà màng của anh Phạm Phú Cường nằm ở xã vùng sâu Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nhưng vẫn thu hút được nhiều khách ghé thăm, chọn mua rau sạch. Hiện anh Cường đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng trồng rau sạch vì có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu.

Anh Phạm Phú Cường giới thiệu vườn cà chua trồng trong nhà màng ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên

* Mê làm rau sạch

Anh Cường kể: “Gốc gia đình tôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm nên bước đầu lập nghiệp, tôi vẫn giữ nghề này của gia đình. Tuy thu nhập tốt nhưng tôi vẫn thử nghiệm trồng nhiều loại rau quả khác vì mê làm rau sạch”. Anh Cường từng giăng mùng chống muỗi, côn trùng để trồng thử nghiệm 100 cây cà chua theo hướng an toàn. Quan sát thấy cây cà chua trồng theo hướng hữu cơ cho năng suất cao, chất lượng ngon, anh quyết định đầu tư nhà màng để làm rau sạch.

Anh Cường đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng để làm khoảng 3.300m2 nhà màng trồng rau sạch. Trong đó, anh trồng được nhiều giống rau mà xưa nay nông dân vùng này chưa trồng như: cà chua, ớt chuông, dưa lưới... Từ sản xuất theo cách truyền thống chuyển sang làm rau sạch công nghệ cao, anh phải bỏ nhiều công học hỏi, tìm hiểu những kỹ thuật mới. Trong đó, những đợt thử nghiệm bước đầu không phải lúc nào cũng thành công nhưng anh không nản chí. Vì với chàng thanh niên này, trồng rau sạch không chỉ giữ cho môi trường trong lành nơi gia đình mình sinh sống mà còn là niềm vui làm ra sản phẩm an toàn cho mọi người cùng sử dụng.

Với nguồn động lực này, anh không ngại thử nghiệm trồng những loại rau trái mới, từ những loại rau khá thân thuộc như: dưa leo, xà lách, cà chua đến những sản phẩm ít phổ biến hơn như: dưa lưới, ớt chuông, cà rốt... Theo anh Cường, để trồng thành công nhiều giống rau của vùng ôn đới ở xứ nóng, việc chọn đúng loại giống phù hợp rất quan trọng. Cụ thể, anh chọn trồng các giống cà chua chịu nhiệt nhập khẩu từ Nhật Bản, Israel với giá cao hơn nhiều so với nguồn hạt giống từ xứ lạnh Đà Lạt.

* Làm hàng xuất khẩu

Hơn 2 năm đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao, anh Cường luôn giữ quan niệm làm rau sạch nhưng giá phải hợp lý để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Theo đó, những khách hàng đầu tiên của vườn rau công nghệ cao này chính là những người dân quê ngay tại địa phương.

“Tôi lập trang mạng xã hội Facebook Rau sạch Phú Cường để quảng bá rộng rãi sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng. Từ một tiệm tạp hóa nhỏ cách vườn vài cây số cho đến khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh đặt 5-7kg cà chua, rau sạch, tôi đều bỏ công gởi hàng cho họ” - anh Cường cho biết. Hiện nay, vườn rau sạch của anh Cường đã có rất nhiều đại lý bán hàng là các trang Facebook cá nhân, nhiều cơ quan nhà nước, trường học cũng trở thành khách quen.

Anh Cường vui vẻ khoe: “Ngoài khách hàng tại địa phương, tôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các cửa hàng rau sạch, siêu thị, đặc biệt đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Tôi đang hợp tác với một số người bạn đầu tư mở rộng diện tích nhà màng, đăng ký thành lập hợp tác xã để trồng rau sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.

Bình Nguyên

Thủy chung với cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trải bao thăng trầm và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng người nông dân ở Đắk Lắk vẫn luôn "thủy chung son sắt" với cây cà phê. Có khác chăng là họ đang nỗ lực từng bước nâng tầm giá trị hạt cà phê mà họ làm ra.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đang diễn ra, lượng khách từ mọi miền đất nước “đổ” về tham gia các sự kiện của Lễ hội ngày càng gia tăng. Không khí tất bật, rộn ràng của Lễ hội đã và đang len lỏi từ phố thị đến nông thôn. Thế nhưng có lẽ ít người để ý rằng, nắng hạn, giá cà phê tuột dốc đang đè nặng lên đôi vai của bà con nông dân.

Du khách tham gia Lễ hội đường phố chiều 9-3.

Ông Lê Văn Minh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) nhớ lại, năm 1996 ông rời quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào xây dựng cuộc sống mới ở Đắk Lắk. Những ngày đầu trên vùng đất mới rất khó khăn khi phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống và tập quán sản xuất. Đặc biệt là chuyển nghề từ trồng lúa sang trồng và chăm sóc cà phê, bởi loại cây này quá mới đối với những người như ông. Trong khi đó, đất mới khai hoang nên chưa thuần, việc trồng đậu, bắp xen canh “kiếm cơm” rất khó khăn trong thời gian 3 năm cây cà phê đang kỳ kiến thiết cơ bản đã khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng. Đến những năm 2000, khi cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch cũng là thời điểm đời sống bà con nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Đó cũng là một trong những thời điểm hoàng kim nhất của cây cà phê. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay giá cà phê luôn sát giá thành sản xuất (hiện tại là hơn 30 triệu đồng/tấn), tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho tình trạng thiếu nước tưới xảy ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó cây cà phê ngày càng “yếu” đi vì già cỗi khiến lợi nhuận ngày càng giảm. Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, mỗi héc - ta có thể thu về 3 tấn cà phê nhân, tương đương gần 100 triệu đồng, nhưng người nông dân chỉ thu được 25-35 triệu đồng, bởi chi phí sản xuất hiện nay đã "ngốn" hết đa phần doanh thu.

Khó khăn là thế, nhưng hầu hết bà con nông dân ở Đắk Lắk vẫn không có ý định từ bỏ loại cây đã gắn bó với mình bao năm qua. Với mong muốn kế tục và gắn bó với nghề trồng cà phê gần 20 năm của gia đình, anh Lê Anh Thắng (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân) đang tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của vườn cây thông qua chế biến sâu quy mô nông hộ. Cụ thể, anh bắt đầu tìm hiểu về cách thức chế biến cà phê từ nguồn nguyên liệu gia đình tự sản xuất vào năm 2015. Năm 2016, anh bắt đầu rang thử cà phê bằng bếp củi để sử dụng, tặng người thân và bán ra thị trường theo đơn đặt hàng. Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu và sử dụng cà phê rang mộc nguyên chất ngày càng tăng, năm 2017 anh đầu tư gần 100 triệu đồng mua hệ thống máy rang, xay cà phê. Đồng thời, anh tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật chế biến nhằm từng bước nâng cao chất lượng cà phê từ khâu sản xuất trên vườn đến thu hoạch, chế biến để mở dịch vụ rang cà phê cho nông dân quanh vùng cũng như đăng ký logo Tuny cafe tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, song hành với chế biến cà phê rang xay thông thường, anh còn chế biến cà phê chất lượng cao, cà phê theo tiêu chuẩn đặc sản cung cấp ra thị trường.

Cà phê là thức uống được gia đình anh Lê Anh Thắng (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) dùng để đón tiếp khách đến thăm nhà.

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) hiện nay cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn thu từ cà phê. Ông Y Căl Êban, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, năm 2018 giá cà phê quá thấp khiến HTX phải bù lỗ cho nông dân, nhân viên HTX 6 tháng nay làm việc nhưng vẫn chưa có lương bởi giá cà phê bán ra thấp hơn giá cà phê mua vào. Tuy nhiên, cà phê hiện tại đang là cây trồng chủ lực của người dân địa phương nên HTX tiếp tục lấy chất lượng làm đầu để đưa ra các chiến lược phát triển của HTX. Cụ thể, HTX đang tận dụng mọi nguồn lực kiểm tra mẫu đất, nước, lá, cà phê nhân để sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ; dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành quy trình sản xuất cà phê hữu cơ, năm 2021 tiếp cận chứng chỉ cà phê Organic quốc tế; các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường ở Nga được gấp rút triển khai. Ngoài ra, HTX còn tham gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao của mình tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. Đồng thời, sẵn sàng tiếp đón du khách khi đến thăm, tìm hiểu, trải nghiệm nghề trồng, chăm sóc cà phê, cùng thưởng thức ly cà phê theo văn hóa của đồng bào Êđê trong nhà dài truyền thống.

Đó là những cách làm mới, thể hiện sự năng động, sáng tạo của người trồng cà phê nhằm thích nghi với điều kiện mới. Dẫu sao, để tạo nên dư vị đắng vừa, ngọt hậu đặc trưng của giống cà phê Robusta, cây cà phê phải trải qua bao mùa nắng mưa, chắt lọc hương vị đất trời dưới bàn tay chăm chút của người nông dân. Vậy nên, nếu có dịp, hãy về rẫy cà phê thưởng thức ly cà phê rang mộc trên sườn đồi, nghe những tâm tình của nông dân để hiểu hơn, yêu hơn hương vị cà phê.

Thanh Hường

Nông dân ‘thấp thỏm’ với giá phân bón

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá nhiều loại phân bón trên thị trường dù có giảm so với trước nhưng vẫn đang ở mức cao, khiến nhiều nông dân không khỏi lo lắng khi bước vào vụ sản xuất hè thu 2019. Đây là vụ sản xuất nông dân thường phải tăng cường bón phân cho lúa và các loại cây trồng nhằm đảm bảo cho cây phát triển tốt trong điều kiện trời nắng nóng bất lợi...

Bán phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ông Nguyễn Tiến Hòa, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2018-2019, tôi mua phân lạnh (Urê) với giá 450.000 đồng/bao, còn phân DAP với giá 690.000 đồng/bao. Gần đây, giá phân bón có giảm nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao, với trên 400.000 đồng/bao đối với phân lạnh và trên 650.000 đồng/bao đối với phân DAP. Tôi lo tới đây nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng mạnh khi bước vào cao điểm vụ sản xuất hè thu, giá phân bón có thể lại tăng lên so với hiện nay”. Ông Trần Hoàng Anh, ngụ xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, cũng cho biết: “Giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất chưa được kéo giảm như mong muốn của nông dân. Thời gian qua, nông dân vẫn luôn thấp thỏm với nỗi lo giá phân bón, vật tư tăng cao khi bước vào vụ sản xuất bởi thường xuyên xảy ra. Đa phần nông dân không có tiền mua phân bón dự trữ, chờ tới vụ mới mua, khi đó giá cao cũng phải mua. Nông dân rất mong giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm đầu ra ổn định với mức giá phù hợp để đảm bảo sản xuất có lời”.

Trên thực tế, gần đây giá nhiều loại phân bón trên thị trường có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới giảm. Ngoài ra, sức tiêu thụ phân bón trên thị trường cũng giảm vì lúa đông xuân 2018-2019 tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL bước vào giai đoạn chín và thu hoạch. Cụ thể, so với cách nay khoảng 2 tháng, giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK… đã giảm khoảng 10.000-70.000 đồng/bao 50kg. Song, nhìn chung giá nhiều loại phân bón trên thị trường vẫn còn cao do đã tăng giá trước đây.

Ngày 5-3, giá Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ còn ở mức 360.000- 370.000 đồng/bao 50kg (tiền mặt), trong khi trước đó hơn 1 tháng trước có giá 430.000- 450.000 đồng/bao. Riêng những nông dân không có tiền mặt, phải mua thiếu thì hiện vẫn phải chấp nhận mua Urê với giá 390.000-410.000 đồng/bao, thậm chí cao hơn. Giá DAP Hồng Hà- Trung Quốc và DAP (Hàn Quốc) trước đây ở mức 690.000- 710.000 đồng/bao, nay còn khoảng 630.000- 650.000 đồng/bao (tiền mặt), còn mua thiếu: 660.000-670.000 đồng/bao. Giá Kali (Nga, Canada) đang ở mức 400.000-430.000 đồng/bao, tùy mua tiền mặt hay mua thiếu. Các loại phân bón NPK 20-20-15 Đầu Trâu, NPK 20-20-15 Cò Bay... có giá 650.000- 690.000 đồng/bao... Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, Urê là loại phân bón có mức giá giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây, mức giảm lên đến 60.000-70.000 đồng/bao, riêng các loại phân bón khác có mức giảm nhẹ hơn, có loại bình ổn. Trong khi đó, gần đây giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao chứ không có xu hướng giảm trở lại. Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở huyện Thới Lai, cho rằng: “Giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm do giá phân bón thế giới giảm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu được nguồn nguyên liệu và phân bón giá thấp phục vụ nhu cầu trong nước. Hiện nay, nước ta đã tự chủ sản xuất được Urê và một số loại phân bón khác nhưng vẫn còn nhiều loại phân bón phải nhập khẩu sản phẩm của nước ngoài hoặc nhập nguyên liệu về để sản xuất. Do vậy, giá phân bón trong nước còn phụ thuộc nhiều vào giá thế giới”. Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, hiện nhìn chung giá các loại phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường vẫn còn ở mức khá cao so với cùng kỳ các năm trước. Đây là bất lợi lớn cho nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cần phải có nguồn vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với giá rẻ và ổn định để chủ động giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Không chỉ nông dân và cả các cửa hàng bán lẻ phân bón đều mong muốn giá phân bón tiếp tục giảm, tạo thuận lợi kinh doanh...

Hầu hết các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều phân phối, bán lẻ trên thị trường theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” và phải trải qua nhiều trung gian mới đến tay người tiêu dùng nên rất khó bình ổn giá. Anh Biện Văn Thừa ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho rằng: “Nông dân là người chịu thiệt nhất, trong khi nông dân thiếu vốn sản xuất, phải mua phân bón thiếu chịu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Trong khi đó, nhiều cửa hàng bán lẻ phân bón cho biết họ không được lấy hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất và nhập khẩu, cũng không được bán hàng theo mức giá được ấn định sẵn để được hưởng hoa hồng, nên mua giá cao thì phải bán lại cho nông dân với giá cao”.

Nhiều nông dân có chung kiến nghị, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để người dân được mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất hoặc mua từ các cửa hàng bán lẻ theo giá niêm yết của công ty ở mức phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý và sản xuất kinh doanh các loại phân bón giả, kém chất lượng.

KHÁNH TRUNG

Đồng Nai: Đổ nợ với cây tiêu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Một thời chưa lâu, cây tiêu được mệnh danh là “vàng đen” do giá cao, lợi nhuận lớn, tương tự cây cao su được coi là “vàng trắng” lúc hoàng kim. Nhưng giờ đây, nông dân trồng tiêu đang bị vây khốn bởi nợ nần. Nhiều hộ dân đang thế chấp sổ đỏ vay nợ duy trì vườn tiêu nhưng hiện giá tiêu rớt xuống thấp nhất trong 3 năm trở lại đây với mức chỉ hơn 40 ngàn đồng/kg.

Vườn tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Vân (TX.Long Khánh) bị chặt bỏ ngay sau vụ thu hoạch

Vụ thu hoạch năm nay, nhiều vườn tiêu chín đỏ cây, rụng đầy gốc vì không kịp thu hoạch do khó khăn về công lao động. Thu không đủ bù chi khiến nhiều nông dân bỏ mặc vườn tiêu dần lụi tàn vì dịch bệnh, khô hạn. Tại nhiều địa phương, nông dân tiếp tục chặt bỏ cây tiêu vì càng làm càng lỗ.

* Khốn đốn vì thu hoạch tiêu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2018, toàn tỉnh có trên 19 ngàn hécta tiêu, sản lượng thu hoạch đạt trên 29,3 ngàn tấn. Kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn trên 18,9 ngàn hécta tiêu nhưng năng suất sẽ đạt gần 30,4 ngàn hécta. Trong khi đó, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, về quy mô diện tích của cây tiêu chỉ đạt từ 9-10 ngàn hécta.

Chỉ những gốc tiêu đầy những chùm trái chín rụng, ông Lê Văn Đảo, nông dân trồng tiêu tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) xót xa: “Năm ngoái thời điểm này, vườn tiêu của tôi đã thu hoạch gần xong nhưng hiện mới thu được một nửa vì chỉ có 2 vợ chồng già làm do giá công hái quá cao. Thu trễ, nông dân thiệt hại nhiều đường vì không chỉ bị hao hụt lớn về năng suất vụ này mà sức cây cũng bị ảnh hưởng vụ sau”.

Theo ông Đảo tính toán, năng suất vụ tiêu năm nay không bằng một nửa năm ngoái. Cả vụ, 2 vợ chồng ông không dám nghỉ trưa để lo thu hoạch tiêu nhưng cầm chắc lỗ vốn vì tiêu đang dưới giá thành sản xuất. 3 năm nay, chi phí sinh hoạt trong nhà đều nhờ con cái đi làm gửi về thêm vì vườn tiêu không có thu nên với vợ chồng ông Đảo vốn đầu tư cho vườn tiêu trong vụ tới là bài toán chưa có lời giải.

Khi tiêu còn có giá, nhà vườn thường chỉ phải bán một phần nhỏ tiêu thu hoạch là đủ tiền trả công người hái. Năm nay, nhiều nhà vườn chọn cách chia 50-50 lượng tiêu hái để tính công thu hoạch. Nhưng những vườn bị mất mùa, công hái yêu cầu trả tiền mặt vì bán tiêu không đủ tiền công ở mức 250 ngàn đồng/người/ngày.

Ông Lê Văn Đảo (huyện Cẩm Mỹ) lo lắng vì vườn tiêu chín rụng mà không có công thu hoạch Ảnh: B.Nguyên

Vụ thu hoạch tiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Bay, Tổ trưởng Tổ hợp tác cụm 3 xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) sụt cân vì quá vất vả, vừa hái tiêu vừa lo vì giá tiêu lại rớt xuống mức đáy mới. Thời điểm vườn nhà bà Bay thu hoạch, giá tiêu giảm chỉ còn hơn 40 ngàn đồng/kg nhưng hái xong bà buộc phải bán ngay mới có tiền trả công thợ. Theo bà Bay: “Rất nhiều hộ đã buộc phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng trồng tiêu, chăm vườn giờ không có khả năng trả vì 3 năm liên tiếp trở lại đây, giá tiêu luôn ở mức thấp, thu không đủ bù chi. Nhiều nông dân kiệt quệ không còn tiền để duy trì vườn tiêu nên đi đâu cũng thấy những vườn tiêu đang lụi tàn dần, có vườn đã chết khô vì dịch bệnh”.

* Tiếp tục chặt tiêu

Vừa thu hoạch xong 1 hécta tiêu 5 năm tuổi, thời điểm vườn tiêu đạt năng suất cao nhất nhưng bà Nguyễn Thị Thúy Vân, nông dân tại xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) vẫn quyết định chặt bỏ tiêu để chuyển sang trồng mít siêu sớm. Bà Vân tính toán: “Vốn trồng 1 hécta tiêu và chăm sóc cho đến khi được thu hoạch không thể ít hơn 400-500 triệu đồng. Tôi mới thu hoạch tiêu được 1-2 vụ nhưng vẫn quyết định chặt bỏ dù chưa thu được vốn đầu tư vì càng làm càng lỗ. Thu hoạch tiêu lại tốn quá nhiều công lao động nên cứ vào vụ thu hoạch là lo”.

Ông Bành Văn Vũ, người chuyên mua cây gỗ tại các vườn tiêu của bà Vân cho hay: “Từ cuối năm ngoái đến nay, tôi toàn đi mua củi, mua gỗ tại các vườn tiêu, vườn điều bị dân chặt bỏ. Tôi làm không hết việc vì các nhà vườn chặt tiêu, bán củi rất nhiều. Vụ thu hoạch năm nay, vùng quanh đây rất nhiều vườn tiêu tiếp tục bị chặt bỏ”.

Trảng Bom là địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của Đồng Nai. Từ khi cây tiêu rớt giá, nông dân địa phương chặt bỏ cây tiêu khá nhiều, chủ yếu chuyển sang trồng chuối xuất khẩu cho lợi nhuận cao. Theo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, do giá hồ tiêu xuống thấp suốt thời gian dài vừa qua nên nông dân trên địa bàn huyện đã chặt bỏ 750 hécta hồ tiêu. Diện tích tiêu bị chặt bỏ này đa số là các vườn già cỗi, năng suất kém để chuyển sang trồng chuối, bưởi da xanh…

Biểu đồ thể hiện diễn biến giá tiêu ở thị trường trong tỉnh qua các năm từ 2015 đến nay và sản lượng, giá trị xuất khẩu tiêu của tỉnh từ năm 2017 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

* Thị trường khó khởi sắc

Không chỉ nông dân gặp hạn vì cây tiêu mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng rơi vào cảnh khó khăn vì nông sản liên tục rớt giá. Ông Phạm Đây, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Hoàng Long Tân (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cho biết, doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng nông sản vì giá cả thị trường biến động quá bất thường dẫn đến rất nhiều rủi ro. “Giá hồ tiêu liên tục rơi theo chiều thẳng đứng, có ngày giảm giá đến vài lần khiến doanh nghiệp càng trữ hàng càng lỗ vốn. 2-3 năm trở lại đây, Trung Quốc giảm nhập hàng, đầu ra thu hẹp trong khi nguồn cung luôn dư thừa khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị bạn hàng chèn ép, càng làm càng thua lỗ” - ông Đây nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (tỉnh Bình Dương) - doanh nghiệp thu mua tiêu tại Đồng Nai dự báo: “Giá tiêu có thể sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp trong thời gian tới vì nguồn cung cho thị trường vẫn rất dồi dào do nhiều nước trên thế giới đang vào mùa thu hoạch. Mặt khác, nông dân lâm vào cảnh nợ nần cũng buộc phải bán đổ bán tháo sau một thời gian dài cầm cự, tỷ lệ người tiếp tục trữ tiêu rất ít”.

Cũng theo ông Lâm, hiện thị trường thế giới, nguồn cung vẫn đang vượt hàng trăm ngàn tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tiêu mỗi năm chỉ tăng từ 10-15% trên tổng sản lượng nên về dài hạn, cán cân cung - cầu của thị trường tiêu có cân bằng lại hay không lại tùy vào việc bao nhiêu nông dân giữ lại vườn tiêu và bao nhiêu nông dân bỏ cây trồng này.

Bình Nguyên

Nông nghiệp Bạc Liêu: Đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Nông nghiệp là 1 trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đang đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm hướng đến xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

Cánh đồng lúa Nàng hoa được Hợp tác xã Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình) bao tiêu sản phẩm.

Khu sản xuất tôm giống của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham quan. Ảnh: M.Đ

Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Qua đó, phấn đấu đạt tổng sản lượng 1,12 triệu tấn lúa; giúp nông dân có lãi tối thiểu 30% so với tổng doanh thu. Xây dựng tốt lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp; thực hiện kế hoạch phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn hại lúa.

Bên cạnh đó, khuyến cáo cơ cấu giống lúa sản xuất đại trà theo hướng giống lúa chất lượng cao đạt 80 - 90%. Nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trong sản xuất, thực hiện các giải pháp để giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha. Giữ ổn định vùng sản xuất chuyên trồng lúa nước (sản xuất 2 - 3 vụ/năm); thực hiện chuyển dịch mô hình 3 vụ lúa ở các khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt sang mô hình 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Phát triển các loại hoa màu (bắp, đậu nành, rau màu...) trên đất ruộng dựa trên nhu cầu thị trường. Mở rộng diện tích đất trồng lúa - tôm theo quy hoạch ở các vùng hội đủ các điều kiện sản xuất…

Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống ngập úng, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Khuyến cáo nông dân áp dụng sản xuất lúa theo chương trình IPM, quy trình “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”; sử dụng tiết kiệm nước; quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cộng đồng. Quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có hiệu quả. Khuyến khích nông dân cơ giới hóa các khâu sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng.

Chủ động phòng chống ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn cho lúa. Ưu tiên đầu tư nạo vét các kênh mương bị bồi lắng; củng cố bờ bao giữ nước; xây dựng các trạm bơm nước; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng. Tiếp tục phát động, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng các cánh đồng rau an toàn, rau sạch.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nông nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung khẳng định, năm 2019, Bạc Liêu tập trung xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; nâng cao thu nhập, cải thiện nhanh đời sống cư dân nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi đổi với các sản phẩm chủ lực, cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất, sản lượng, giá trị tôm nuôi như xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; xây dựng khu, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh theo quy hoạch.

Minh Châu

Quảng Ninh: Ứng dụng khoa học công nghệ Đài Loan vào sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Khuyến Nông VN

Năm 2014 - 2015, tỉnh Quảng Ninh đã cử cán bộ tham gia hai lớp bồi dưỡng ngắn hạn về ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản và trồng trọt tại Đài Loan.

Sau khi trở về đơn vị công tác, thành viên Đoàn học tập đã tích cực, chủ động áp dụng, ứng dụng và thử nghiệm kỹ thuật, công nghệ thu được vào thực tế sản xuất tại địa phương. Từ năm 2015-2018, nhiều mô hình, dự án áp dụng toàn bộ hoặc một phần công nghệ Đài Loan được triển khai, qua đánh giá là phù hợp và từng bước nhân rộng trong sản xuất, cụ thể như sau:

Lĩnh vực trồng trọt

Kỹ thuật trồng thanh long bằng giàn (ống sắt mạ kẽm) tại Ba Chẽ

Tại địa phương Ba Chẽ, thanh long trồng chủ yếu theo phương thức truyền thống bằng trụ bê tông, mật độ 700 - 1.000 trụ/ha, tương ứng với 3.000 - 4.000 hom giống/ha. Cách thức triển khai cũng phức tạp từ khâu đổ trụ, vận chuyển, dựng trụ trước khi trồng. Các biện pháp chăm sóc cũng chưa được áp dụng theo hướng thâm canh tiên tiến, năng suất chỉ đạt 30 - 35 tấn/ha.

Năm 2015, học tập kỹ thuật làm giàn của Đài Loan, mô hình được triển khai với quy mô 1.100 m2, sử dụng vật liệu ống kẽm có sẵn trên thị trường. Kỹ thuật này tận dụng được không gian ánh sáng, tăng mật độ trồng trên đơn vị diện tích: 10.000 - 12.000 hom giống/ha (tăng 3 lần). Cùng với biện pháp tăng mật độ, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc theo Đài Loan cũng được áp dụng đồng bộ: kỹ thuật tỉa cành được thực hiện từ năm thứ hai với nguyên tắc giữ ổn định số cành/cây suốt thời gian kinh doanh; sửa cành, tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch; thụ phấn, ngắt tỉa hoa, quả, giữ lại số lượng quả nhất định/cành/cây/năm; bao quả bằng túi; kỹ thuật bón phân theo từng thời kỳ; tăng cường ngâm ủ, bón phân hữu cơ để tăng chất lượng quả. Việc áp dụng kỹ thuật của Đài Loan đã làm tăng năng suất quả gấp 2,5 lần, đạt 85 tấn/ha, mã quả sáng đẹp, chất lượng quả ngon, ngọt hơn, giá bán trung bình 30- 35 nghìn đồng/kg. Đến nay, các địa phương trong tỉnh như Uông Bí, Hải Hà đã áp dụng rộng rãi mô hình này và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng na dai, táo, ổi theo công nghệ Đài Loan

+ Mô hình trồng táo: Quy mô 600m² tại Uông Bí, Đông Triều, với giống táo Đài Loan, áp dụng kỹ thuật làm đất toàn diện, bón phân hữu cơ là chủ yếu. Mô hình lần đầu tiên hình áp dụng kỹ thuật bao phủ màng lưới trùm cả vườn quả nên hạn chế sâu bệnh hại, đặc biệt là đối tượng ruồi đục trái, thuận lợi cho khâu chăm sóc. Mô hình tiếp tục được các hộ duy trì sản xuất, tuy nhiên mức độ nhân rộng còn hạn chế do cây táo chưa được quan tâm nhiều.

+ Mô hình trồng ổi: Quy mô 300m² tại Hoành Bồ, bằng việc ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa tạo khung tán thấp ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản. Một mặt thông qua kỹ thuật cắt tỉa giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, rải vụ thu hoạch quả liên tục trong năm, mặt khác tán cây thấp nên thuận lợi cho khâu chăm sóc, bao quả, thu hoạch. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn thực tế tại ruộng vườn, hiện nay nông dân tại địa phương đã nắm được các nguyên tắc, các khâu kỹ thuật tạo khung tán cho vườn quả ngay từ ban đầu, đốn tỉa cải tạo vườn quả có sẵn, chủ động áp dụng các biện pháp trong chăm sóc rải vụ thu hoạch trong năm.

+ Mô hình trồng na: Quy mô 300m² tại Đông Triều. Mô hình áp dụng các kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc, thụ phấn và ngâm ủ phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất vườn, cây sinh trưởng bền, nâng cao chất lượng quả, đặc biệt là tăng độ đường và hương vị tự nhiên đặc trưng của quả.

Thành công của mô hình trồng na, táo, ổi giúp mở ra một hướng mới trong việc kiến thiết các vườn quả ngay từ ban đầu và đặc biệt là cải tạo các vườn cây ăn quả có sẵn tại địa phương, kéo dài thời gian khai thác, ổn định chất lượng và nâng cao sản lượng hàng năm.

Mô hình bao quả vải

Vải chín sớm Phương Nam có lợi thế sản phẩm vào thời điểm ít, hiếm nên giá bán cao. Để mẫu mã quả đẹp, không sâu cuống, trong quá trình chăm sóc phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Kỹ thuật bao chùm quả vải được áp dụng với quy mô 300 cây với mục tiêu hạn chế, tiến tới giảm thiểu sâu bệnh gây hại quả vải, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Túi bao quả được sử dụng là loại túi màng giấy không tan, bao theo từng chùm quả. Kết hợp với kỹ thuật cắt tỉa, nạo vỏ cành kích thích ra hoa. Mô hình đã hạn chế được 70% sâu cuống mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giúp hạn chế quả rụng, tăng thời gian bảo quản quả 5 ngày so với không bao túi; mẫu mã của quả cũng đẹp hơn do chùm quả được bảo vệ. Áp dụng kỹ thuật này để hướng đến hình thành vùng sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh.

Dự án phát triển vùng trồng cam tập trung tại huyện Đầm Hà, Vân Đồn giai đoạn 2015-2018

Dự án đã triển khai trồng mới diện tích 120 ha, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh với mục tiêu xây dựng vùng cam chất lượng cao tập trung trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc ứng dụng các giống cam có khả năng thích nghi rộng với các điều kiện ngoại cảnh, chất lượng tốt, thời gian chín lệch nhau nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, rải vụ để giảm áp lực về thị trường, cụ thể: Dự án chủ yếu sử dụng 02 giống cam chính là giống cam chín sớm CS1, thời gian chín từ tháng 10 - 11; giống cam chín muộn Valencia (cam V2), thời gian chín từ tháng 2 - 5. Bên cạnh đó, sử dụng một số giống cam chín chính vụ như: cam đường canh, cam địa phương (cam sen, cam sáp, cam tẩu,...). Áp dụng các kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa theo Đài Loan để tạo tán cây thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ các hộ tham gia một số máy làm đất, làm cỏ, hệ thống tưới và thùng ngâm ủ phân hữu cơ vi sinh.

Hiện nay, diện tích trồng mới năm 2016 (70 ha), cây sinh trưởng, phát triển đồng đều, chiều cao cây từ 1,4- 2,0m, đường kính gốc đạt 3- 5cm, một số hộ đã để quả bói, chất lượng quả tốt, quả ăn ngọt, đậm hơn so với một số giống cam của địa phương (trừ các giống cam ngọt: cam đường canh, quýt ngọt,...). Đối với diện tích cam trồng năm 2017, chiều cao cây đạt 1,0-1,6m, cây sinh trưởng, phát triển khỏe, ít sâu bệnh, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.

Nghiên cứu kỹ thuật ghép na Đài Loan trên cây na xiêm tại thị xã Quảng Yên

Tại các vùng ngập nước, bán ngập nước, đất bị nhiễm phèn, mặn, cửa sông ven biển tại Quảng Ninh, đặc biệt là thị xã Quảng Yên, Uông Bí có diện tích lớn cây na xiêm mọc hoang (người dân gọi là na dại hay na biển). Với mục tiêu cải tạo gốc na xiêm hiện có thành vườn na ăn quả thông qua phương pháp ghép na Đài Loan và các giống na hiện có trong tỉnh trên gốc cây na xiêm hoang và tạo cây giống na ghép để trồng mới trên những diện tích bán ngập nước tương tự. Qua nghiên cứu, xác định các cây có cùng họ na (Annona) nên có thể ghép được với nhau, tuy nhiên các đối tượng lại sống trên các loại thổ nhưỡng, lập địa khác nhau hoàn toàn (đất ngập, bán ngập nước, phèn, mặn và đất vườn đồi, pH trung tính hoặc hơi kiềm, nước ngọt) nên việc nghiên cứu kỹ thuật ghép phải dựa trên cơ sở khoa học trong và ngoài nước, liên quan đến đối tượng. Đây là vấn đề hoàn toàn mới trong tỉnh và trong nước, đã sử dụng vật liệu trung gian là Annona reticulata, kết quả tiếp hợp kém, tỷ lệ sống thấp; hiện vật liệu trung gian (Annona reticulata x Annona atemoya) đang giai đoạn ươm cây con. Đây là nghiên cứu cơ bản, nếu thành công sẽ phát triển được đối tượng rất mới tại Quảng Ninh.

Cây na dứa

Trồng thử nghiệm, theo dõi sinh trưởng, phát triển giống na dứa của Đài Loan. Qua 4 năm theo dõi, cây na dứa sinh trưởng rất khỏe, ít sâu bệnh, các chỉ tiêu về chất lượng tương đương với bên Đài Loan, trọng lượng quả bình quân 500 gram (tối đa 700gram), việc điều chỉnh thời gian, thời điểm thu hoạch chủ động, có thể nhân rộng vào sản xuất để hình thành vùng na dứa với dòng sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Nghiên cứu thử nghiệm một số dòng na mới tại thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh

Qua chuyến học tập tại Đài Loan, nhận thấy một trong những lý do thúc đẩy nông nghiệp Đài Loan đạt những thành tựu mà chính phủ Đài Loan đánh giá là đã hoàn thành sứ mạng của ngành nông nghiệp là yếu tố giống. Rất nhiều giống mới, giống năng suất, chất lượng được tạo ra và được bảo hộ bản quyền. Trong số đó có nhiều giống mà tỉnh Quảng Ninh cũng có những diện tích lớn, thậm chí là vùng sản xuất tập trung như na, cam, ổi... Với mục tiêu đánh giá một số dòng na nhập nội so với giống na dai, na bở đang trồng phổ biến tại Quảng Ninh, qua đó xác định được dòng na có hiệu quả để đa dạng cơ cấu giống, cải tạo dần các giống đã thoái hóa để nâng cao chất lượng vùng na tại Quảng Ninh, từ 9/2017, 02 giống na của Đài Loan đã được nhập về trồng và đang theo dõi sinh trưởng để so sánh với các giống na hiện có trong tỉnh.

Lĩnh vực thủy sản

Sinh sản nhân tạo giống ốc nhảy

Được thực hiện tại Vân Đồn, kỹ thuật sinh sản ốc nhảy nhân tạo thành công nhờ áp dụng công nghệ nuôi tảo đáy, tảo sệt theo công nghệ Đài Loan và dùng các loại tảo này làm thức ăn ban đầu cho ấu trùng ốc nhảy. Thông thường mỗi con ốc mẹ sinh sản được khoảng 13.000 trứng, số này nở thành ốc con, tuy nhiên tỷ lệ sống của ấu trùng rất nhỏ do trước đây chủ yếu cho ăn tảo phù du. Nuôi được tảo sệt, tảo đáy làm nâng cao tỷ lệ sống của ấu trùng gấp 10 lần so với trước đây. Hiện tại, kỹ thuật đang được áp dụng cho sinh sản nhân tạo ở quy mô lớn tại xã Bản Sen.

Sinh sản nhân tạo giống sá sùng

Vận dụng kiến thức, kỹ năng học tập sau chuyến công tác Đài Loan, khi trở về áp dụng vào điều kiện thực tiễn tại Quảng Ninh, các kỹ sư thủy sản của đoàn đã phối hợp cùng với trường Cao đẳng Thủy sản IV cho sinh sản thành công đối tượng sá sùng tại Quảng Yên, từ nguồn bố mẹ được nuôi vỗ tại chỗ nhờ công nghệ nuôi tảo. Số giống sinh sản ra đang được nuôi theo nhiều hình thức tại các bãi nuôi sá sùng (huyện Vân Đồn và huyện Đầm Hà). Các thành viên vẫn tiếp tục phối hợp nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất giống cũng như quy trình nuôi để giúp người nuôi phát triển đối tượng có giá trị này.

Mô hình nuôi cá biển bằng lồng thân thiện với môi trường

Nghề nuôi cá biển đã phát triển tại Quảng Ninh từ lâu bằng kỹ thuật nuôi trong lồng. Lồng được làm bằng khung gỗ hoặc tre với phao bằng xốp. Các loại vật liệu này không bền, đặc biệt là khả năng chịu lực va đập do sóng, gió thấp. Khi không còn giá trị sử dụng thì vật liệu này thường thả trôi trên biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan.

Nuôi cá lồng bằng vật liệu nhựa chịu lực và thân thiện với môi trường

Xây dựng và triển khai dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu nhựa HDPE chịu lực và thân thiện với môi trường với 30 lồng nuôi cá trên biển tại Vân Đồn, Đầm Hà. Lồng được thiết kế trên cơ sở mô phỏng lồng của Đài Loan và được điều chỉnh thông qua tiếp thu ý kiến của người nuôi. Cùng với việc thay thế phần lớn nguồn thức ăn cá tạp (mô hình truyền thống) sang thức ăn công nghiệp và nuôi bán công nghiệp giúp kiểm soát được nguồn thức ăn khi trái mùa, kiểm soát môi trường nuôi, hạn chế lượng thức ăn thừa thải loại ra môi trường gây ô nhiễm. Nhóm thực hiện dự án đã tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh với giải pháp thiết kế lồng nuôi nói trên và đạt giải ba.

Mô hình nuôi bào ngư theo công nghệ Đài Loan

Mô hình được thực hiện với sự phối hợp với Viện nghiên cứu Hải sản Hải Phòng triển khai tại huyện Cô Tô, trong đó có 01 mô đun đưa lên bể nuôi theo công nghệ nuôi bào ngư của Đài Loan. Với công nghệ nuôi trên bể thì mật độ nuôi tăng gấp 1,5 - 2 lần; nguồn nước và thức ăn tồn dư được kiểm soát, xử lý, đặc biệt là dễ kiểm soát được dịch bệnh, xử lý triệt để khi xuất hiện, tránh lây lan.

Qua tham gia lớp tập huấn ngắn hạn tại Đài Loan, rất nhiều kiến thức học được, tuy nhiên việc triển khai ứng dụng các kiến thức học được vào thực tiễn tại Quảng Ninh còn gặp khó khăn như: công tác quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả (vùng chi tiết) tại các địa phương chưa hoàn thiện; việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất còn nhiều hạn chế như: đường giao thông, điện, nguồn nước tưới,... nhất là tại các thôn vùng sâu, vùng xa. Tại một số địa phương, tuy đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất song mức độ áp dụng còn hạn chế do sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực, điều kiện kinh tế hộ. Một số thành viên đoàn học tập làm việc trên cương vị quản lý nhà nước, thời gian dành cho chuyển giao, áp dụng kỹ thuật Đài Loan vào sản xuất chưa nhiều. Công tác tuyên truyền, vận động hạn chế nên người dân tiếp cận các thông tin chưa đầy đủ. Nhiều kiến thức được kiểm chứng qua thực tiễn sản xuất, tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc, phát sinh trong quá trình áp dụng. Trong năm 2019 đề nghị tiếp tục cho phép một số cán bộ ngành nông nghiệp được sang Đài Loan kiểm chứng lại nội dung còn vướng mắc; công nhận kết quả tự nghiên cứu đối với cây na dứa; sơ kết 5 năm áp dụng kỹ thuật Đài Loan tại Quảng Ninh và tiếp tục áp dụng 5 năm tiếp theo./.

Nguyễn Khắc Dũng – Hoàng Thị Thế - Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh

Hếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop