Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 6 năm 2019

Đồng Tháp: Nông dân Sa Đéc thu nhập cao nhờ chuyển sang trồng sứ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Nổi tiếng với sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian gần đây việc chuyển đổi sang trồng cây sứ đã giúp nhiều nông dân Sa Đéc có thu nhập khủng. Không những hấp dẫn người mua với bộ sưu tập nhiều giống sứ mới lạ mà chính kỹ thuật trồng sứ “không giống ai” của nông dân nơi đây đã cho ra đời nhiều kiệt tác độc lạ, mang đến sự hấp dẫn cho du khách khi tới thành phố hoa Sa Đéc.

Với sự tinh tế và tài hoa của mình, nông dân Sa Đéc mang lại nhiều lựa chọn thú vị cho người tiêu dùng khi đến với thành phố hoa miệt sông nước

Sứ chân dài mang vẻ đẹp của cây bao báp

Nếu ai đã từng biết đến cây bao báp (một loại cây biểu tượng của lục địa Châu Phi), ắt hẳn sẽ cảm thấy rất thú vị khi được tận mắt chiêm ngưỡng những cây sứ “chân dài” của nông dân Trần Duy Phong ngụ khóm Tân Mỹ, phương Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc. Sứ “chân dài” có hình dáng bên ngoài thon cao, thẳng tắp, khác hẳn với hình dạng bên ngoài của họ hàng nhà sứ, những cây “sứ chân dài” trong vườn của anh Phong nhìn tựa như cây bao báp nhưng chỉ khác là kích thước nhỏ gọn hơn nhiều lần so với cây bao báp ở lục địa đen.

Bắt đầu năm 2015, anh Phong chuyển một phần diện tích vườn sang trồng sứ. Tuy nhiên, nhận thấy trồng sứ với kỹ thuật truyền thống thì không mang lại giá trị kinh tế cao, do đó anh bắt đầu tìm chọn những giống sứ mới nổi trội về hình dáng bên ngoài để chế tác ra loài sứ có hình dáng khác thường. Kéo rễ của cây sứ dài ra để làm thân là một trong những kỹ thuật lạ đời được anh Phong áp dụng.

Chia sẻ về bí quyết kéo chân dài cho cây sứ, anh Trần Duy Phong tâm sự: “Không phải giống sứ nào cũng có thể kéo chân ra cho dài được, tùy từng giống sứ có đặc điểm sinh trưởng khác nhau mà mình chế tác cho phù hợp. Ví dụ giống sứ có rễ cái to khỏe thì có thể tuyển chọn để làm sứ “chân dài” còn giống sứ có đặc điểm rễ xòe thì để tạo tác sứ bonsai rễ xòe. Phần lớn các giống sứ trong vườn hiện nay đều được nhập từ Thái Lan”.

Ngoài việc tìm chọn được giống sứ phù hợp để chế tác thì kỹ thuật, sự tỉ mẫn của nhà vườn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo anh Phong, sứ sau khi gieo hạt khoảng 8 tháng thì bắt đầu được nhổ lên, cắt tỉa hết phần rễ chỉ để lại một rễ cái to, thẳng. Sau đó rễ này sẽ được buộc cố định vào 1 thanh tre, phần đuôi rễ được cắm lơ lửng vào trong một chai nhựa để rễ cái này mọc ra rễ mới, khi phần rễ mới mọc ra đủ lớn thì tiếp tục được nhổ lên, quá trình như vậy sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi nào cây có chiều cao đủ theo độ cao mong muốn. Theo anh Phong, một cây sứ “chân dài” được đánh giá là đạt chuẩn, thì phần thân cây phải cân đối, suông, thẳng, vỏ trên cây mượt mà và có màu xanh.

Với kỹ thuật trồng sứ độc lạ của mình, anh Phong giúp gia đình bỏ túi mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, những sản phẩm sứ “chân dài” của anh Phong được mối lái khắp nơi trong cả nước đến đặt hàng. Ngoài sản phẩm sứ “chân dài”, hiện anh Phong cũng đang nghiên cứu, sáng tạo thêm một số giống sứ khác.

Nhiều giống hoa sứ mới không ngừng được lai tạo bởi nông dân trồng hoa Sa Đéc

Sứ ghép hút hồn người chơi hoa

Với sự nhạy bén và chịu khó của mình, những năm qua, nông dân TP.Sa Đéc đã lai tạo và cho ra đời những giống hoa sứ có màu sắc độc đáo, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người chơi hoa khi đến với thành phố hoa Sa Đéc.

Theo ông Bùi Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.Sa Đéc, mô hình trồng sứ xuất hiện ở địa phương cách đây khoảng 10 năm. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây trồng sứ trở thành xu hướng mới của nông dân trồng hoa. Nhờ giá sứ những năm gần đây khá tốt nên nhiều nhà vườn cũng chuyển sang trồng hoa sứ thay cho những giống hoa khác. Với đặc tính dễ trồng, không quá khó trong khâu chăm sóc nên nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chuyển sang trồng sứ.

Tuy nhiên, không phải loại sứ nào cũng hút hàng, để níu chân khách hàng, nông dân Sa Đéc luôn phải thay đổi và thích ứng liên tục. Ngoài việc sáng tạo ra những loại hình bonsai mới cho cây sứ thì khâu lai tạo ra những giống hoa sứ mới có màu sắc và hình dáng hoa độc đáo cũng là thế mạnh của nhà vườn TP.Sa Đéc.

Sứ chân dài có hình dáng độc đáo giống cây bao báp ở Châu Phi

Theo Hội Sinh vật cảnh TP.Sa Đéc, hiện tại ở địa phương có trên 100 giống sứ. Tùy nhu cầu khác nhau của khách hàng mà nông dân Sa Đéc tạo tác, chăm sóc phù hợp. Tùy từng lứa tuổi, giống sứ và yếu tố nghệ thuật mà sứ có giá bán khác nhau. Sứ cây con nguyên liệu hiện có giá từ 22 - 25 ngàn đồng/cây. Giá sứ ghép chồi khoảng 2 tháng tuổi giá dao động từ 55 - 60 ngàn đồng/chậu. Sứ trưởng thành có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/chậu, tùy giống sứ. Đặc biệt đối với những giống sứ hiếm, nghệ thuật, giá mỗi cây khoảng vài chục triệu đồng cho đến khoảng 100 triệu đồng.

Theo bà con trồng sứ ở làng hoa Sa Đéc, sở dĩ loại hình trồng sứ hưng thịnh trong những năm gần đây là do sứ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp để trồng và chưng ở nhiều khu vực khác nhau từ hộ gia đình cho đến công viên, khu du lịch, resort... Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cũng cho rằng, để trụ với nghề trồng sứ lâu dài thì đòi hỏi phải bỏ thêm nhiều chất xám hơn cho từng sản phẩm. Bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay càng ngày càng hiện đại, người chơi hoa không những chỉ thưởng thức cái đẹp đơn thuần là còn cảm nhận sự tinh tế trong từng tác phẩm hoa kiểng.

Mỹ Lý

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) đang mang lại nguồn thu nhập cao và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân địa phương này.

Mô hình trồng dưa lưới của hộ anh Nguyễn Vũ Xuyên

Đó là hộ Anh Nguyễn Vũ Xuyên ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, sau khi học đại học tốt nghiệp bằng cử nhân luật. Anh lại không đi theo con đường đã chọn trước đó mà chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Lúc đầu do đam mê học hỏi anh đã lặn lội lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ cao. Về nhà anh vay mượn được 180 triệu đồng xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo mô hình công nghệ cao trên diện tích 1.000 m2. Màng lưới được bao phủ toàn bộ diện tích. Đây là loại lưới được nhập khẩu từ nước ngoài, để chống côn trùng cắn phá bảo vệ cây trồng bên trong và anh đã trồng được trên 2.400 chậu dưa lưới giống của Hà Lan bên dưới có sử dụng màng phủ nông nghiệp, nhằm hạn chế sâu bệnh xâm nhập và cỏ dại. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt có thể điều khiển lưu lượng nước tưới cho từng gốc cây, cung cấp lượng phân bón phù hợp và tiết kiệm được nước tưới thời gian trồng khoảng 3 tháng là thu hoạch.

Sản phẩm dưa lưới

Đây là giống cây được thụ phấn bằng tay, tỉ lệ đậu trái đạt trên 90%, từ khi thụ phấn đến xuất bán là 40 ngày. Bằng cách trồng trên anh đã thu hoạch cho năng suất bình quân 2,5 tấn/ công, bình quân mỗi trái dưa lưới nặng từ 2kg đến 2,2 kg, với giá được doanh nghiệp bao tiêu 34.000 đồng /kg, gia đình anh thu vào hơn 85 triệu đồng/ công, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ công. Theo anh cho biết: “Đây là vụ thứ 4 mà anh đang trồng. Dưa lưới trồng trong nhà kính nên quản lý được sâu hại, dịch bệnh, cho sản phẩm chất lượng, đồng đều và mẫu mã đẹp, tiết kiệm được công lao động. Tuy nhiên đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao nên chi phí đầu tư cao hơn so với trồng bình thường”.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của hộ anh Nguyễn Vũ Xuyên bước đầu thành công do sử dụng hệ thống nhà màng, có mái che, chống côn trùng bằng lưới chuyên dùng hạn chế các tác nhân gây hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, một nhà màn có thể sử dụng từ 5 đến 10 năm.

Tham quan mô hình cùng chúng tôi, Anh Nguyễn Văn Tú- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, thị trường đang rất ưa chuộng sản phẩm dưa lưới công nghệ cao với tiêu chuẩn chất lượng và sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Sản phẩm dưa lưới công nghệ cao ở Tiểu Cần được các thương lái, các siêu thị ở Tp. Hồ Chí Minh đến thu mua ngay tại nông trại

Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần chuyển dần hình thức sản xuất rau màu theo hướng nhỏ lẻ, thủ công sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm an toàn, tăng năng suất. Đây là mô hình trồng thử nghiệm dưa lưới đầu tiên ở huyện Tiểu Cần, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần cho sự phát triển của địa phương.

NGUYỄN TÂN

Trái vải thiều Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Kể từ trước Tết Đoan Ngọ (mùng 5- 5 Âm lịch) đến nay, giá bán trái vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tại thị trường TPHCM liên tục đứng ở mức rất cao.

Vải thiều Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc

Tại nhiều gian hàng trái cây khu vực các chợ bán lẻ, giá bán vải thiều vận chuyển bằng xe lạnh ở mức từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, vải thiều vận chuyển bằng máy bay có giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, tùy cửa hàng và điểm bán.

Điều đáng lưu ý, mặc dù giá bán cao nhưng sức mua trái vải đầu mùa không giảm. Nguyên nhân chính là nhiều hộ trồng vải đã áp dụng sản xuất hữu cơ, VietGAP, ít sử dụng phân hóa học để kích thích trái vải lớn nhanh, chín ép nên chất lượng có sự khác biệt.

Vải thiều Lục Ngạn cũng được các thương nhân, người tiêu dùng Trung Quốc tin dùng. Đây là thị trường chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu vải của huyện này. Ngoài ra, vải thiều còn được xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89ha đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

HẢI HÀ

Bình Thuận: Giá ớt đỏ tăng cao

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Những ngày qua, giá ớt đỏ tươi (loại nhỏ) được bán ở các chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết tăng cao đột biến so với trước đó khoảng 1 tháng. Cụ thể, giá bán lẻ ớt tươi hiện có giá từ 95.000 đồng đến 100.000 đồng/kg (trước đó từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg). Riêng giá bán sỉ khoảng 80.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân tăng giá bán loại trái này, một số tiểu thương tại chợ Phú Thủy (Phan Thiết) cho biết, do thời gian gần đây, trên một số địa bàn trong tỉnh có mưa, gây dập, thối trái, dẫn đến sản lượng thu hoạch thấp.

K.H

Đắk Nông: Ứng dụng khoa học và công nghệ: Nhiều nông dân huyện Đắk R'lấp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Thời gian gần đây, một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) đã thực hiện việc khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene. Việc áp dụng phương pháp khai thác mới này đã góp phần giảm bớt công lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp khai thác mủ cao su truyền thống trước đây.

Hơn 1 năm về trước, ông Lê Công Đầu, ở thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) đã thử nghiệm khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene. Lúc mới thực hiện, ông Đầu mua 200 dụng cụ ép khí thực hiện cho 200 cây cao su. Sau khi thử nghiệm, ông Đầu nhận thấy phương pháp mới này vừa đỡ công lao động mà năng suất, chất lượng mủ cũng vượt trội hơn trước. Sau đó, ông tự tin áp dụng đại trà để khai thác 800 cây cao su còn lại của gia đình.

Ông Lê Công Đầu áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylen

Ông Đầu cho biết, phương pháp khai thác mới này hạn chế việc tiếp xúc với bề mặt thân nên cây sẽ không bị mất da, cho gỗ tốt, hạn chế được bệnh khô miệng và nấm. Việc này sẽ giúp tăng tuổi thọ khai thác mủ cây cao su so với khai thác theo phương pháp cạo mủ truyền thống. Với phương pháp này, ông chỉ cần 1 lần chọc mủ trên diện tích 1 ha cao su thì đã thu hoạch được 110 kg – 120 kg mủ (hơn rất nhiều so với 50 – 60 kg của phương pháp cạo mủ truyền thống).

"Trong thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, công lao động tốn kém, nếu khai thác theo phương pháp truyền thống, người nông dân chúng tôi đành bỏ vườn cao su chứ không dám khai thác vì giá bán không bù nổi tiền thuê nhân công. Phương pháp khai thác mủ cao su này đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, chứ không phải bỏ hoang vườn cao su như trước"- ông Đầu khẳng định.

Thấy phương pháp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene mang lại hiệu quả, bà Vũ Thị Luyện, ở thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cũng không ngần ngại đầu tư tiền mua trang thiết bị về áp dụng cho vườn cao su của gia đình.

Sau khi sử dụng, bà Luyện cảm nhận: “Theo phương pháp cũ, người trồng cao su phải dậy sớm từ 2-3 giờ sáng để khai thác. Phương pháp này rất vất vả và nguy hiểm do phải làm việc vào ban đêm. Từ khi áp dụng công nghệ mới này, gia đình tôi đã thoải mái hơn trong việc khai thác cây trồng, trong khi năng suất mủ cao su lại tăng cao, còn chi phí nhân công giảm mạnh”.

Phương pháp khai thác mủ cao su này được thực hiện bằng cách ép khí (bơm khí Ethylene vào cây cao su). Các dụng cụ thực hiện phương pháp này bao gồm: nắp chóp, túi giữ khí, ống bơm khí... Theo đó, sau khi đóng nắp chóp và bơm khí, các hóc môn Ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây trong khoảng thời gian 24 giờ. Sau đó, người nông dân sẽ dùng máy khoan cầm tay khoan 1 lỗ trong bán kính 20 – 30 cm xung quanh nắp chóp để gắn ống nhựa cho mủ cao su chảy ra.

Bộ thiết bị gồm túi khí, bình bơm khí Ethylene, nắp chóp với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 15.000 đồng/cây, khoảng 10 triệu đồng cho 1 ha, sử dụng từ 3-5 năm. Cách thức hoạt động của công nghệ mới này là sau khi gắn nắp chóp và bơm khí, khí Ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây để quy tụ mủ. 4 ngày khoan 1 lần, một tháng khoan 7 lần, lượng mủ tăng lên từ 10 - 30% so với phương pháp truyền thống nhưng chất lượng mủ, sức khỏe của cây không giảm so với cách khai thác truyền thống.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp, Ethylene thực chất là một loại hóc môn thực vật có trong cây cao su. Trong quá trình cây cao su bị khai thác thì hóc môn Ethylene sẽ ngày càng giảm theo số lượng da cây mất đi. Việc ứng dụng thành công phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí Ethylene của một số nông dân đã tạo tiền đề để các hộ gia đình khác trên địa bàn huyện học tập, làm theo. Mặt khác, phương pháp khai thác mủ cao su bằng cách ép khi Ethylene đã mở ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận cho người trồng cao su trước những biến động về giá cả, thị trường như hiện nay.

Bài, ảnh: Ngọc Lê

Hiệu quả nhà phơi sấy năng lượng mặt trời, bảo quản nông sản, thực phẩm và thủy sản

Nguồn tin:  Báo An Giang

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh An Giang vừa thực hiện thành công mô hình nhà sấy bằng năng lượng mặt trời, nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch bảo quản nông sản, thực phẩm và thủy sản, ứng dụng năng lượng mặt trời vào xây dựng nhà sấy và sấy thử nghiệm một số loại nông sản đặc sản của tỉnh.

Phơi khô cá lóc và cá sặc rằn trong nhà sấy

Mục tiêu xây dựng mô hình nhà sấy bằng năng lượng mặt trời tại Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ và thử nghiệm sấy các sản phẩm: ớt, khô cá sặc, khô cá lóc. Xây dựng mô hình nhà sấy bánh phồng bằng năng lượng mặt trời tại thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân). Hoàn thiện quy trình thu bào tử và thương mại hóa sản phẩm bào tử nấm linh chi. Kết quả đã lắp đặt được 2 mô hình nhà phơi sấy năng lượng mặt trời (48m2/mô hình) tại huyện Châu Thành và Phú Tân. Mô hình được thiết kế nền bê-tông dài 9m, rộng 7m; khung nhà bằng thép mạ kẽm có cấu trúc dạng vòm (parabol) dài 8m, rộng 6m và cao 3,5m; nhà được che phủ bằng vật liệu Polycarbonate (PC).

Quá trình thử nghiệm phơi một số loại nông sản nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến trong nhà sấy cho thấy: đối với ớt khi phơi trong nhà sấy sẽ giảm được 50% thời gian phơi so với phương pháp phơi truyền thống, sản phẩm ớt sấy giữ được màu sắc đỏ tươi, mùi thơm nhẹ đặc trưng của sản phẩm. Độ ẩm khoảng 7% sau thời gian 3 ngày phơi trong nhà sấy năng lượng mặt trời. Đặc biệt, sản phẩm không có aflatoxin (độc tố gây ung thư gan). Đối với thủy sản (khô cá sặc rằn, cá lóc) khi phơi trong nhà sấy sản phẩm đảm bảo được vấn đề vệ sinh và rút ngắn thời gian phơi từ 30-32% so với phơi truyền thống.

Nhà phơi sấy năng lượng mặt trời có thể được ứng dụng để phơi bánh phồng. Kết quả thử nghiệm tại huyện Phú Tân cho thấy, với nhà phơi sấy 48m2 có thể bố trí phơi 1.056 cái bánh phồng (tương đương 17,6kg nếp nguyên liệu). Kết quả khảo sát cho thấy, thời gian sấy bánh phồng bên trong nhà sấy giảm từ 34,28% so với phương pháp phơi truyền thống. Sản phẩm sau sấy khô đều hơn so với phương pháp phơi bên ngoài, đảm bảo độ trương nở khi nướng và giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ThS Trần Phú Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, ưu điểm của mô hình nhà phơi sấy là có thể sấy được hầu hết các loại nông, thủy hải sản như: ớt, nấm linh chi, các sản phẩm thủy sản, bánh phồng... Quá trình sấy giúp giảm phát thải khí CO2, tiết kiệm ít nhất 50% năng lượng và rút ngắn 30-50% thời gian sấy. Bên cạnh đó, mô hình được sử dụng đơn giản, không tốn thêm bất kỳ chi phí vận hành nào khác. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và người dân có thể chủ động được thời gian bảo quản nông sản của mình.

Mô hình trồng nấm linh chi thu bào tử được áp dụng phương pháp thu bằng cách sử dụng túi bao công nghệ nano (Bikoo), kích thước 20x30cm bao tai nấm khi bắt đầu phát sinh bào tử. Kết quả thử nghiệm cho thấy, trung bình mỗi tai nấm có trọng lượng 34,34g (trọng lượng tươi) thu được 2,53g bào tử. Nhà trồng nấm linh chi thu bào tử được cải tạo từ nhà trồng nấm có sẵn tại Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, việc nghiên cứu lựa chọn hoàn thiện quy trình kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch bảo quản nông sản, thực phẩm và thủy sản được thực hiện đã đánh giá được hiệu quả thử nghiệm quá trình phơi sấy một số loại nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến như: ớt, khô cá sặc rằn, khô cá lóc, bánh phồng bằng mô hình nhà phơi sấy năng lượng mặt trời. Từ kết quả trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình nhà phơi sấy cho từng loại sản phẩm khác nhau; nghiên cứu giải pháp bổ sung nhiệt để có thể phơi sấy được vào thời điểm mưa kéo dài.

Trong quá trình bảo quản cất giữ và sơ chế, nông sản luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường mà biến đổi chất lượng, gây nên những tổn thất đáng tiếc, ảnh hưởng không ít đến thu nhập của người sản xuất. Việc đảm bảo và nâng cao chất lượng nông sản có ý nghĩa rất lớn. Việc nghiên cứu tìm các quy trình bảo quản phù hợp với một số loại nông sản là rất cần thiết. Và, việc đảm bảo những loại nông sản phẩm chất tốt sẽ cung cấp cho công nghiệp chế biến nguyên liệu tốt để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Hội quán nông dân - cầu nối làm giàu

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Hội quán nông dân là cách làm mới ở tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện liên kết nông dân với nhau, nông dân với nhà khoa học, với doanh nghiệp và cả chính quyền để không chỉ phát triển sản xuất mà còn tạo đầu ra cho nông sản. Đây là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL thành lập mô hình hội quán, quy tụ nông dân bàn phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Bằng các hình thức sản xuất đa dạng, một số Hội quán đã có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu.

Một buổi sinh hoạt của Hội quán nông dân ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tuy chỉ mới thành lập chưa đến nửa năm, nhưng hiệu quả hoạt động của Nhân nghĩa Hội quán ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh được chú ý. Hội quán hiện có 45 thành viên, chủ yếu là trồng lúa và rau màu, với tổng diện tích gần 200ha, trong đó rau màu 40ha, mùa này chủ yếu là trồng ớt. Hội quán tổ chức họp định kỳ mỗi tháng 1 lần.

Ông Trương Thanh Việt, Phó Chủ nhiệm Hội quán xã Tân Nghĩa, chia sẻ: Mỗi kỳ họp, thứ nhất là phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy trong phát triển nông thôn để mọi người cùng làm; thứ hai là mời các nhà khoa học đến chuyển giao kỹ thuật; thứ ba là bà con cùng bàn bạc kinh nghiệm sản xuất, tính toán đầu ra sản phẩm, cuối cùng là bàn bạc chuyện xóm, chuyện làng…

Nhà nông Huỳnh Văn Nao, cho biết: Qua sinh hoạt tôi học kinh nghiệm của những hội quán khác như rải phân hữu cơ vi sinh nên ớt không bệnh, năng suất tốt. Những kinh nghiệm của các hội quán khác rất là hay, hoạt động vậy rất là đúng, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau phát triển. Hội quán tham gia là nông dân tự nguyện học hỏi kinh nghiệm sản xuất, thấy có lợi tui tham gia. Còn ông Lê Tấn Bửu, cho biết thêm: “Hồi đó sạ dày khó quản lý, nặng nề về sâu rầy. Nay vô hội quán nghe sạ thưa nên năm nay quản lý rất nhẹ công chăm sóc. Bạn bè trao đổi rút kinh nghiệm rất hay!”.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nói: Hội quán là một thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, nó khác những thiết chế mà chúng ta cũng đang tập hợp, ví dụ như các đoàn thể. Còn cái này là một tổ chức rất tự nguyện mà Đồng Tháp hướng đến kích hoạt xã hội nông thôn lên, kích hoạt người nông dân lên. Xưa giờ chúng ta quen áp đặt từ trên xuống, còn bây giờ thiết chế từ cộng đồng dân cư, thông qua cấp ủy, thông qua chính quyền, thông qua sự gợi ý, sự truyền cảm hứng để người ta tập hợp lại và người ta tự hoạch định chuyện cuộc sống của họ và tới tiếp tục là sản xuất- kinh doanh của họ, không ai làm thay người dân được hết.

Bà Trần Thị Thanh Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: Qua 6 lần sinh hoạt hội quán thì hiệu quả rõ ràng. Đây là nơi gặp gỡ nghe nhau nói và nói nhau nghe, bàn chuyện làng, chuyện xóm, an ninh trật tự, cây lúa, hoa màu của quê hương Tân Nghĩa. Qua những lần sinh hoạt như vậy, nông dân tập hợp lại làm cùng một loại giống, sử dụng cùng một loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cùng ký liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó được chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng cho sản xuất lúa cũng như hoa màu, các cây trồng chủ lực của xã Tân Nghĩa.

Kỹ sư Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, bộc bạch: Câu lạc bộ Khuyến nông dừng lại ở mức độ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, còn đối với hội quán là khi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn định hướng người dân gắn kết với liên kết tiêu thụ. Và hội quán là nơi nông dân và ngành nông nghiệp có những thông tin để phân tích, định hướng giúp dân sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Huyện Cao Lãnh là địa phương có phong trào thành lập các Hội quán mạnh nhất trong tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã lên con số 12/18 xã. Ở xã Phong Mỹ, Phong Tân, Hội quán được thành lập cách nay gần 2 năm, hiện tập hợp 57 nhà vườn canh tác chủ yếu là cam xoàn và xoài. 6 tháng qua Hội quán đã là cầu nối để doanh nghiệp ký bao tiêu cho 15ha cam của bà con ở đây.

Ông Dương Văn Thành, Chủ nhiệm Phong Tân Hội quán, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, cho biết: Mấy năm trước bà con bán trái cây cho thương lái, nay có Công ty Đại Thuận Thiên ở Cần Thơ bao tiêu. Cam thu về kiểm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, qua nhiều lần như vậy thấy cũng ổn. Nông dân phấn khởi vì bán cho doanh nghiệp được giá cao, nếu thị trường giá 15.000 đồng/kg, thì doanh nghiệp mua giá 16.000-17.000 đồng/kg, đầu ra ổn định. Khi cam chín thì công ty đến hái mua, chứ bán cho thương lái bên ngoài rất bấp bênh, nhiều khi thương lái bỏ cọc không mua.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, cho biết: Tâm lý bà con trên địa bàn rất thích vào hội quán vì được hỗ trợ cách sản xuất sản phẩm sạch, được liên kết tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Trong kỳ họp cuối năm 2018, các thành viên của Phong Tân Hội quán xã Phong Mỹ được tập huấn về bảo vệ xoài, cây trồng chiếm diện tích khá lớn trong đất vườn của bà con, với tổng diện tích khoảng 20ha.

Hiện nay chính quyền các địa phương rất quan tâm đến hoạt động của các Hội quán nông dân, tạo điều kiện và có những định hướng phát triển lâu dài, đồng bộ các hội quán này. Hiện nay ở huyện Cao Lãnh đã có 3 Hợp tác xã nông nghiệp hình thành từ hoạt động hiệu quả của Hội quán nông dân. Đồng Tháp đang từng bước phát triển thận trọng các Hội quán nông dân, bởi trước mắt các Hội quán đã là cầu nối làm giàu khi tăng được hiệu quả sản xuất, tổ chức tiêu thụ ổn định sản phẩm đầu ra với giá bán cao cho nông sản hàng hóa của nhà nông.

Bài, ảnh: Kỉnh Huy

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop