Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 9 năm 2019

Dịch chuối: Sản phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Huyện Đức Cơ, Gia Lai đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch chuối của cơ sở Vườn lan Khaly (tổ 1, thị trấn Chư Ty) để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương trong năm 2019.

Chị Trần Thị Thu Thủy-chủ cơ sở Vườn lan Khaly-cho biết: “Khi cơ quan chức năng của huyện và UBND thị trấn Chư Ty thông báo, tuyên truyền về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cơ sở đã đăng ký sản phẩm dịch chuối. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm về việc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Ngoài sản phẩm dịch chuối, thời gian tới, cơ sở sẽ đầu tư sản xuất thêm các sản phẩm từ quả chuối như: chuối sấy, chuối viên nén, chuối hột dược liệu…”.

Nhân viên cơ sở Vườn lan Khaly (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) dán nhãn mác cho sản phẩm dịch chuối. Ảnh: L.N

Sản phẩm dịch chuối của cơ sở Vườn lan Khaly được dùng để phun cho nhiều loại cây trồng như: phong lan, địa lan, rau sạch, cây kiểng, hoa hồng... Chị Thủy cho hay: Đây là sản phẩm hữu cơ được chiết xuất 100% từ thân, hoa và quả chuối. Sản phẩm có thể thay thế phân hóa học nhằm cung cấp nhiều vitamin, các hợp chất auxin, cytokinin tự nhiên có trong quả chuối, rất an toàn cho cây ở mọi giai đoạn, giúp cây phát triển mạnh bộ rễ, tăng sức đề kháng. Ngoài ra, sản phẩm còn giúp cải tạo đất, trung hòa độ PH trong đất. Đặc biệt, sản phẩm dịch chuối không độc với con người, không gây ô nhiễm môi trường và rất phù hợp với việc trồng phong lan, rau sạch, các loại hoa trong nhà lồng, nhà lưới hay ở gần khu dân cư.

Năm 2017, cơ sở Vườn lan Khaly đã nghiên cứu chiết xuất ra sản phẩm dịch chuối và đưa vào phun thử nghiệm trên một số vườn lan ở huyện Đức Cơ. Đến năm 2018, cơ sở đã đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ và công nhận nhãn hiệu “Dịch chuối thần dược cho phong lan”. “Hiện mỗi ngày năng lực cơ sở sản xuất khoảng 5.000 lít dịch chuối, cung cấp ra thị trường cả nước hơn 2.000 lít. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện không đủ cung cấp nên chúng tôi đang phải nhập từ các huyện lân cận. Do đó, để có nguồn nguyên liệu ổn định, sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai mô hình liên kết trồng chuối với người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ. Chúng tôi sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân từ thân, hoa và quả chuối với giá 3.000 đồng/kg tươi. Hiện tại, với khả năng sản xuất của mình, chúng tôi có thể liên kết trồng khoảng 200 ha chuối”-chị Thủy chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: “Chúng tôi thấy dịch chuối của cơ sở Vườn lan Khaly là sản phẩm hữu cơ đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp sạch. Ngoài ra, việc cơ sở có thể bao tiêu sản phẩm chuối còn là cơ hội để người dân chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất. Chúng tôi đang phối hợp với cơ sở để đánh giá theo đúng quy trình và xem xét công nhận dịch chuối là sản phẩm OCOP của huyện”.

Cũng theo ông Tư, chương trình OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. “Hiện tại, UBND huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tiếp tục đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong giai đoạn 2019-2020, huyện Đức Cơ đặt mục tiêu có 1-2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Riêng năm 2019, với kinh phí 104 triệu đồng, huyện triển khai công tác tập huấn và hỗ trợ đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP”-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ thông tin thêm.

LÊ NAM

Trồng đậu phộng trên đất lúa, màu kém hiệu quả: Giải pháp chuyển đổi cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Mô hình trồng đậu phộng tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất lúa, màu kém hiệu quả tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Mô hình chuyển đổi cây trồng này mang lại hiệu quả cao nên thời gian đến, các địa phương trong tỉnh tiếp tục nhân rộng.

Lợi nhuận cao hơn trồng lúa

Mô hình trồng đậu phộng giống TB25 được triển khai trên diện tích 8ha tại xứ đồng Gò Chàm, Soi Dưới, Soi Trên, thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An (huyện Phú Hòa), với 48 hộ tham gia. Năng suất thực thu đậu phộng tươi đạt 46 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 30 triệu đồng/ha.

Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Hòa An cho hay: Vùng đất này, trước đây người dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 8 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng lúa trên 20 triệu đồng/ha. Đầu ra ổn định, có thương lái tiêu thụ. Không những thế, trồng đậu phộng trả lại đất nguồn dinh dưỡng, dây đậu phộng sau khi thu hoạch có thể làm phân xanh.

Ông Trần Hay, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Trên chia sẻ: Tôi trồng 3 sào (1.500m2) đậu phộng, cuối vụ thu hoạch được gần 900kg, với giá bán 17.000 đồng/kg, thu trên 14,7 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí từ khi làm đất đến thu hoạch, còn lãi hơn 6,3 triệu đồng. Còn trước đây trồng lúa, trên 3 sào đất nhà tôi bình quân thu 600kg, với giá bán 5.500 đồng/kg thì thu 3,3 triệu đồng. Đó là chưa trừ chi phí phân thuốc, cày bừa…

Còn theo ông Nguyễn Thành Phương, nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứ đồng Gò Chàm, gia đình ông trồng 3 sào, hôm tổ chức hội nghị tham quan mô hình, nhổ thí điểm 1m2 được 22 bụi, quy ra năng suất đạt 220kg đậu tươi/sào. “Trước khi trồng, gia đình tôi được nhận hỗ trợ 36kg giống, tương đương mỗi sào 12kg…”, ông Phương cho biết.

Tiết kiệm nước tưới

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cũng triển khai mô hình trồng đậu phộng giống TB25, LDH.01 tại xứ đồng Soi Họ, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), trên diện tích 8ha; trong đó giống LDH.01 trồng 5ha, TB25 trồng 3ha, với 56 hộ nông dân tham gia.

Tại hội nghị tổng kết tham quan thực tế mô hình trồng đậu phộng tại Soi Họ, năng suất giống LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha, giống TB25 là 40 tạ/ha, với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi ròng đối với giống LDH.01 gần 15 triệu đồng/ha, còn giống TB25 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng bắp trên cánh đồng này thì lợi nhuận chỉ đạt 2,3 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Bình tham gia mô hình cho hay: Tôi tham gia mô hình trồng đậu phộng trên diện tích 1.000m2. Trước khi xuống giống, tôi được tập huấn kỹ thuật từ khâu cày bừa đất, làm sạch cỏ dại, bón lót phân chuồng, vôi, phân lân. Bón lót kết hợp với các biện pháp phòng trừ mối, kiến để khi gieo giống xuống không bị kiến, mối ăn. Đến khi đậu phộng ra hoa 10-15 ngày, tôi bón vôi, sau đó phun Bidamin 15WP (thuốc ức chế tăng trưởng) để giúp đậu phộng tập trung dinh dưỡng nuôi củ, chắc hạt.

Theo bà Đặng Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hai, mô hình trồng đậu phộng thuộc dự án Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, mô hình này còn giúp tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ trồng cây màu và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Thông qua mô hình, nông dân nắm bắt kỹ thuật trồng cây đậu phộng giống mới. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trên những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Trồng đậu phộng về mặt chi phí đầu tư cũng tương tự như trồng bắp nhưng đậu phộng có giá bán cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, nếu trồng đậu phộng trên nền đất lúa kém hiệu quả sẽ giảm được lượng nước tưới từ 60-70% so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với định hướng của ngành Nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay Phú Yên là một trong những tỉnh đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Những yếu tố này khiến người trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí tăng, hiệu quả thấp. Trong khi đó, đậu phộng là loại cây trồng ngắn ngày, cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa, lại tốn ít nước tưới. Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu để tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng đậu phộng trên vùng đất trồng lúa, màu kém hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian đến cần được nhân rộng tại các địa phương...

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Đậu phộng là loại cây trồng ngắn ngày, cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa, lại tốn ít nước tưới. Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu để tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng đậu phộng trên vùng đất trồng lúa, màu kém hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng.

MẠNH LÊ TRÂM

Lợi ích từ mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Đưa được cơ giới hóa vào sản xuất để giảm công lao động và nhiều khoản chi phí khác trong canh tác lúa là kết quả mà dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” do Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Hậu Giang hực hiện lần đầu trong vụ lúa Hè thu tại huyện Long Mỹ.

Nông dân đánh giá cao tính hiệu quả dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” mang lại.

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, trong đó lúa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh khi chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Theo đó, tổng diện tích canh tác lúa cả 3 vụ trong năm (Đông xuân, Hè thu, Thu đông) của tỉnh thường đạt trên 200.000ha và sản lượng hơn 1,2 triệu tấn/năm. Tuy diện tích lúa nhiều nhưng lợi nhuận mà nông dân có được là không cao do phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Trong đó, vấn đề gieo sạ mật độ dày là tác nhân chính gây nhiều hệ lụy và tăng chi phí sản xuất. Do đó, để thay đổi tập quán trong sản xuất lúa cho người dân, trong vụ lúa Hè thu đã và đang thu hoạch, Hậu Giang là một trong những tỉnh của khu vực phía Nam được TTKN Quốc gia hỗ trợ kinh phí và giám sát việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa”, nhằm giải quyết các vấn đề còn bất cập trong canh tác lúa hiện nay, nhất là mật độ gieo sạ.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc TTKN Hậu Giang, cho biết: Trong canh tác lúa, nếu năng suất thấp hoặc chi phí đầu tư cao sẽ khiến nông dân không có lời, từ đó ảnh hưởng đến đời sống. Do đó, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai không ít chương trình, dự án nhằm giúp người trồng lúa đạt hiệu quả cao trong sản xuất và dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” là một minh chứng cụ thể. Điều đáng phấn khởi là mô hình đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực và được người dân đánh giá cao về mặt hiệu quả.

Theo đó, khi được TTKN Quốc gia hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình, TTKN tỉnh đã tiến hành chọn vị trí triển khai tại cánh đồng lớn trong canh tác lúa ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. Tổng diện tích đất tham gia mô hình là 72ha, của 37 hộ dân và giống lúa bà con chọn canh tác là OM 5451. Bên cạnh đó, nông dân áp dụng mô hình còn được hỗ trợ 2 máy cấy lúa đi bộ và 10 bình phun thuốc bằng động cơ để giúp bà con đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Đang cùng bà con đi thăm ruộng lúa 1ha của gia đình gần đến ngày thu hoạch, ông Tăng Văn Xiêm, là một trong 37 hộ dân áp dụng mô hình ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, cho biết khi tham gia mô hình bà con được cán bộ kỹ thuật của TTKN tỉnh, huyện tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hình thức sản xuất sinh thái (SRI). Tức là, áp dụng biện pháp máy cấy và sạ theo khóm với lượng lúa giống sử dụng chỉ 50kg/ha. Đồng thời, hướng dẫn bà con quản lý và phòng trừ dịch hại trên cây lúa theo nguyên tắc IBM và quản lý nước trên đồng theo hình thức ngập, khô xen kẽ để tiết kiệm nước và đây là giải pháp rất hữu ích khi vùng đất này thường bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm.

“Do áp dụng biện pháp cấy máy và sạ theo khóm nên nông dân giảm được hơn phân nửa tiền mua lúa giống. Bên cạnh đó, khi sạ thưa thì thấy cây lúa ít bị sâu bệnh tấn công nên trong vụ lúa này đã giảm được từ 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời lúa cũng ít bị đổ ngã do mưa, bão nên hạn chế thất thoát khi thu hoạch. Nhờ vậy, kéo theo nông dân giảm được công lao động, bảo vệ sức khỏe, môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Xiêm thông tin thêm.

Dự kiến, các ruộng lúa áp dụng mô hình sẽ thu hoạch lúa vào ngày 10-9. Tuy chưa cắt lúa, nhưng qua phân tích và đánh giá của cán bộ TTKN tỉnh thì ước năng suất lúa của mô hình cấy máy và sạ theo khóm có khả năng đạt lần lượt là 7,32 tấn/ha và 7,57 tấn/ha. Với năng suất này thì ruộng lúa áp dụng mô hình đạt cao hơn ruộng đối chứng 1,18 tấn/ha. Ông Trần Văn Nghiêm, hộ dân có ruộng lúa nằm cặp ranh với ruộng thực hiện mô hình, cho hay: “Do vùng đất nơi đây bị nhiễm phèn, ít màu mỡ nên năng suất lúa vụ Hè thu chỉ đạt khoảng 600-650kg/công (1.300m2) là trúng nhất. Tuy nhiên, khi thấy bà con trong mô hình đạt năng suất gần 800kg/công và còn giảm được nhiều khoản chi phí trong sản xuất nên tôi và nông dân bên ngoài rất tâm đắc với cách làm theo mô hình. Do đó, trong vụ lúa Đông xuân tới đây, tôi sẽ học tập kinh nghiệm để áp dụng cho gần 2ha lúa của mình nhằm có được nguồn lợi nhuận cao sau khi bán lúa”.

Giống như ông Nghiêm, ông Nguyễn Văn Non, nông dân ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Khi được mời tham quan mô hình, tôi và một số bà con ở cùng địa phương đánh giá cao kết quả mà mô hình mang lại, nhất là việc giảm lượng lúa giống, giảm số lần phun thuốc, bón phân… nhưng năng suất đảm bảo ở mức cao. Bên cạnh đó, nông dân trong mô hình còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và mua lúa với giá cao hơn 500 đồng/kg so với thị trường. Từ đó, giúp bà con trồng lúa đạt hiệu quả cao trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Đặc biệt là đưa được cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất lúa nên nhẹ công lao động rất nhiều. Từ những hiệu quả của mô hình mang lại, trong vụ lúa Đông xuân tới, tôi cùng nhiều bà con ở cánh đồng lúa của mình sẽ áp dụng mô hình này và chọn phương pháp sạ theo khóm”.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc TTKN Hậu Giang, cho biết thêm: Nếu chúng ta giảm được lượng lúa giống gieo sạ còn 50kg/ha cho toàn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh như mô hình thì đồng nghĩa với việc nông dân sẽ giảm ít nhất 13.000 tấn lúa giống mỗi năm, đồng thời giảm được nhiều khâu khác trong sản xuất nên giúp nông dân tăng được lợi nhuận đáng kể. Do đó, dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” cần được các địa phương trong tỉnh nghiên cứu nhân rộng. Ngoài ra, TTKN tỉnh cũng đề xuất TTKN Quốc gia tiếp tục xem xét hỗ trợ kinh phí cho Hậu Giang để mở rộng thêm quy mô, diện tích về mô hình này. Qua đây, giúp cho nhiều người trồng lúa của tỉnh được tiếp cận và áp dụng, từ đó đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung ngày càng theo hướng hiện đại, an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị, nguồn lợi nhuận…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện tại mật độ gieo sạ lúa giống của nông dân trên địa bàn tỉnh ở mức dưới 100kg/ha chỉ chiếm khoảng 5% diện tích lúa của tỉnh, còn mật độ từ 100-150kg/ha thì chiếm đến 47% và trên 150kg/ha là 48%.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Đắk Nông: Sầu riêng giảm giá, diện tích vẫn tăng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Sau một vài vụ tăng giá liên tục, hiện nay, giá sầu riêng chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Tuy giá bán giảm như vậy, nhưng nhiều người dân vẫn tăng diện tích sầu riêng...

Theo các nhà vườn, thời điểm sầu riêng có giá bán thấp nhất là khi các nông dân đi vào thu hoạch chính vụ. Giá bán thấp đã đành, càng vào địa bàn các xã xa trung tâm, sầu riêng càng khó bán vì thương lái không thường xuyên đến mua. Gặp khó khăn là vậy thế nhưng, theo ngành chức năng, từ đầu mùa mưa đến nay, đã có hàng trăm ha sầu riêng được nông dân trồng mới...

Thương lái bỏ vườn

Gia đình ông Đào Quang Minh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), trồng xen trên 1,5 ha sầu riêng trong vườn cà phê. Theo ông Minh, tại thời điểm tháng 7 năm ngoái, mỗi kg sầu riêng bình quân 50.000 – 70.000 đồng, có lúc tại vườn lên tới 120.000 đồng/kg.

Nhưng năm nay, giá sầu riêng Ri6 loại 1, thương lái mua với giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Các loại sầu riêng giống ghép Thái Lan, Mongthong, Đô Na... giá mua càng thấp hơn và không ổn định. Có thời điểm, sầu riêng Thái Lan không có người hỏi mua.

Ông Đào Quang Minh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), thu hoạch sầu riêng cuối vụ nhưng giá bán bằng một nửa so với năm ngoái

Còn gia đình bà Lê Thị Liễu, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), hiện có 3 ha sầu riêng. Những năm trước, kết thúc vụ thu hoạch, vườn sầu riêng đạt sản lượng gần 15 tấn quả, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình ông hàng tỷ đồng. Mấy năm qua, gia đình bà Liên đã ký hợp đồng bán sầu riêng theo kiểu "bao vườn" cho thương lái (tức là giao vườn sầu riêng cho thương lái tự chăm sóc, thu hoạch theo giá thỏa thuận ban đầu). Nhờ đó, gia đình tránh được tình trạng thất thu khi sầu riêng giảm giá. Thế nhưng, năm nay chứng kiến giá sầu riêng xuống thấp, thương lái chịu lỗ, nên gia đình bà cũng phải bù lỗ ít nhiều cho thương lái.

Tương tự, hơn 1,5 ha sầu riêng ước thu hoạch gần 15 tấn trái của ông Nguyễn Văn Lại, ở xã Đắk D’rung (Đắk Song) có thời điểm đang giữa chừng thu hoạch thì thương lái bỗng ngừng mua. Ông điện thoại cho nhiều người chuyên mua sầu riêng nhưng nhiều người bảo đợi vài hôm. Có người đồng ý mua nhưng với giá hạ xuống một nửa. Ông Lại cho hay: “Năm nay, khi sầu riêng vào mùa thu hoạch rộ là "đầu ra" lại gặp khó. Vườn sầu riêng của gia đình tôi có nhiều hôm kêu hoài mà không có ai đến mua”.

Qua tìm hiểu, tại một số xã ở Đắk Glong, Đắk Song, nhiều thương lái dù đã đặt cọc khoảng 50% số tiền để "bao vườn" sầu riêng, nhưng cũng bỏ vườn, không đến thu hoạch. Ông Đỗ Hồng Khanh, quê ở Bình Phước, một thương lái chuyên đi mua vườn sầu riêng ở Đắk Nông vài năm nay cho biết: “Với giá sầu riêng năm nay, những người đi mua theo kiểu "bao vườn" đều phải chịu lỗ. Nếu đặt cọc trước 50% cũng bỏ vườn vì không bù được chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã chặt gần 2 ha cà phê để trồng sầu riêng và cây ăn trái khác

Cơn sốt trồng sầu riêng chưa hạ nhiệt

Sau khi chứng kiến mấy vụ liền sầu riêng được giá, nhiều hộ dân thu về hàng tỷ đồng, đặc biệt giá mua cao duy trì đến thời điểm vụ trồng mới cây ăn trái 2019. Vì vậy, nó trở thành động lực để bà con mở rộng diện tích trồng loại cây ăn quả này.

Cơn sốt sầu riêng tăng cao, kèm theo đó là những rủi ro tiềm ẩn. Theo các chuyên gia, nếu trồng sầu riêng đúng quy trình thì sau 2 - 4 năm tuổi mới được thu hoạch và để cây đạt năng suất ổn định thì phải chờ từ 5 - 7 năm. Mặc dù năm nay, giá sầu riêng liên tục giảm vào nửa cuối mùa trồng, nhưng không ít hộ nông dân vì trót đầu tư nên cũng phải xuống giống. Trong đó, đáng chú ý là diện tích trồng xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu nên khó có thể thống kê chính xác được. Do việc phát triển diện tích mang tính tự phát, chạy theo lợi nhuận, dẫn đến cung vượt cầu nên nguy cơ người trồng sầu riêng gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ có thể xảy ra.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh những năm vừa qua tăng lên rất nhanh. Năm 2017, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh là hơn 1.200 ha. Đến năm 2018, toàn tỉnh có trên 2.000 ha sầu riêng, sản lượng đạt trên 8.300 tấn. Còn năm nay, do dư âm của cơn sốt giá của trước đó, nên diện tích trồng mới đã tăng thêm khoảng 300 ha. Do đó, nếu trường hợp giá sầu riêng có phục hồi nhưng với diện tích sầu riêng tăng ồ ạt như hiện nay thì nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là rất cao.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú Đắk R’lấp, trước thực tế thị trường sầu riêng không ổn định, bà con nông dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích để tránh gặp bất lợi về đầu ra trong tương lai. Thực hiện khuyến cáo, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ sẽ giúp các thành viên và nhà vườn trồng sầu riêng ở các huyện phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, về lâu dài sẽ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn cao hơn. Qua đó, giúp các nhà vườn kết nối cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, tiến tới khẳng định thương hiệu sầu riêng của Đắk Nông với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Cây ăn quả - Trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk

Nguồn tin: VOV

Cây ăn quả sẽ thực sự trở thành trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su… tạo nên sự vững chắc cho nền kinh tế của tỉnh.

Sáng 10/9, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Hội cây ăn quả tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp quản lý sâu, bệnh hại trên cây sầu riêng, bơ và mít”, nhằm đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao của tỉnh đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay.

Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 20.000 ha cây ăn quả, trong đó có những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao như: cây bơ khoảng 6.000 ha, sầu riêng gần 7.000 ha, cây mít gần 2.000 ha, xoài hơn 1.000 ha… Doanh thu hàng năm từ các loại cây ăn quả ước đạt 500 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 20.000 ha cây ăn quả.

Tuy nhiên, tại hội thảo các đại biểu cho rằng, khó khăn hiện nay là diện tích trồng cây ăn quả tại Đăk Lăk còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu trồng theo hướng tự phát, trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu. Cây giống, độ tuổi, chất lượng giống chưa đảm bảo nên sản phẩm quả chưa đồng đều về hình dạng, màu sắc, kích thước. Kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch của người dân còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến việc không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để vượt qua các yêu cầu của thị trường, ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch Hội cây ăn quả Đăk Lăk đề xuất nông dân cần liên kết để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.

Cây ăn quả sẽ thực sự trở thành trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk.

“Mặc dù các loại cây ăn quả đã được người dân trồng từ lâu cũng đã có những kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên để mang tính chất đồng bộ, cho ra một sản lượng nông sản lớn đồng nhất về mẫu mã, kích thước, chất lượng thì chưa được vì vậy việc tham gia các hội, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng được chuỗi liên kết cũng như vùng nông sản tập trung người dân cần liên kết để giúp việc đàm phán thương mại được dễ dàng và cho giá trị kinh tế cao hơn” - ông Chương nói.

Với xu hướng phát triển nhanh về diện tích cây ăn quả cùng hàng chục nghìn ha sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh trong những năm tới, điều này đồng nghĩa với sản lượng trái cây cũng sẽ tăng.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk: Khi người dân nhận thức đúng về vai trò trách nhiệm của người sản xuất, chính quyền có định hướng, quy hoạch rõ ràng và các doanh nghiệp giải quyết tốt công tác thị trường, sẵn sàng về công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Cây ăn quả sẽ thực sự trở thành trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su… tạo nên sự vững chắc cho nền kinh tế của tỉnh.

“Tỉnh hướng tới phải tập trung mạnh hơn nữa về diện tích sản lượng, chất lượng cây ăn quả và đối tượng quan trọng nhất cần hướng tới là phải lôi kéo, thúc đẩy được các doanh nghiệp vào cuộc từ sản xuất đến thu mua, chế biến còn người nông dân họ sản xuất phải hướng tới liên kết tổ chức lại sản xuất đảm bảo chất lượng chung, tiêu chuẩn chung theo yêu cầu xuất khẩu” - ông Côn nói./.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Hậu Giang: Trồng khóm MD2 thu nhập 20 triệu đồng/công/vụ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trồng khóm MD2 thu nhập cao gấp 4 lần so với trồng mía.

Hiện nông dân trồng khóm MD2 ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đang vào vụ thu hoạch đợt thứ 2 trong tổng diện tích 5ha, được trồng thí điểm có liên kết bao tiêu từ Công ty Westfood, thành phố Cần Thơ. Đợt này khóm đạt năng suất 8 tấn/công, trừ hết chi phí sản xuất, nông dân còn lãi trên 20 triệu đồng/công/vụ. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long, cho biết nông dân trồng khóm MD2 vô cùng phấn khởi, vì qua hai đợt thu hoạch, khóm lợi nhuận đạt khá cao. Đặc biệt, trong canh tác khóm, nông dân còn hỗ trợ ngày công, từ đó giảm chi phí, nâng cao được thu nhập. Từ hiệu quả bước đầu, đến nay vùng khóm MD2 xã Phương Bình đã phát triển trồng được 31ha và đã thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long, với 22 hộ tham gia. Dự kiến, tổ hợp tác sẽ tăng diện tích trồng khóm MD2 lên 100ha trong thời gian tới.

Tin, ảnh: QUỐC HƯNG

Lai Vung khôi phục lại vườn cây có múi

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời gian qua, bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi diễn biến rất phức tạp khiến nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung thất thu, hoạt động sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thí điểm mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Đến nay, cây bị nhiễm bệnh đang có dấu hiệu phục hồi tốt, góp phần mang lại sự hi vọng khôi phục lại cây trồng thế mạnh của địa phương.

Các chuyên gia tham quan vườn nhà ông Nguyễn Văn Đầy và thấy được sự phục hồi của các cây bị nhiễm bệnh

Sự hồi phục kì diệu từ việc xeo đất, sử dụng phân hữu cơ

Để phòng, chống bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ và UBND huyện Lai Vung tiến hành chọn ra 5 vườn bị nhiễm bệnh nhằm xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi.

Từ tháng 4/2019, các đơn vị liên quan đã tiến hành thực hiện thí điểm tại các vườn cây đang nhiễm bệnh, xử lý cây đã chết, quản lý chăm sóc cây chưa nhiễm bệnh tại các vườn cây có múi (diện tích 1.000 - 2.000m2/điểm). Tại các điểm này, các chuyên gia hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình khắc phục theo qui trình và so sánh với tập quán sản xuất cũ giữa các vườn trồng cây có múi.

Vườn nhà ông Nguyễn Văn Đầy ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung là 1 trong 5 điểm được chọn thực hiện thí điểm trên diện tích 1.300m2. Theo ông Đầy, trước đây canh tác theo tập quán cũ nên gia đình thường sử dụng từ 75 - 100kg phân hóa học/1.000m2/vụ. Khi cây chết hàng loạt, sau khi kiểm tra phổ diện đất nhận thấy đất bị nén chặt, không còn độ tơi xốp và phát hiện trong 0,5kg đất có chứa từ 500 - 700 tuyến trùng gây hại bộ rễ.

Ông Nguyễn Văn Đầy thực hiện phương pháp ủ rơm kết hợp bón chế phẩm tricodecma cho vườn quýt bị nhiễm bệnh

Qua ghi nhận của cán bộ phụ trách mô hình, hiện trạng vườn nhà ông Đầy có diện tích quýt bị nhiễm bệnh gần như hoàn toàn. Trong đó, nấm Fusarium chiếm 90-100% diện tích vườn (cấp 4 - 5); nấm Phytophthora hơn 50% số cây (cấp 1 - 3); có kê liếp 1 lần bằng đất ruộng. Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã sử dụng là Nokarph, Basudin, Furadan, Tervigo...

Kết quả phân tích lý tính ban đầu của đất liếp trong vườn nhà ông Đầy cho thấy, ở tầng đất từ 0-20cm đất tương đối còn độ tơi xốp. Tuy nhiên, tầng đất 20 - 40cm sét pha thịt nên rễ khó phát triển sâu; vì vậy cần xeo đất tạo độ thoáng.

Để hỗ trợ cho vườn nhà ông Đầy, qua từng giai đoạn, các chuyên gia đã khuyến cáo sử dụng bón phân hữu cơ hỗ trợ; đồng thời ủ lớp rơm mỏng kết hợp phun Tricodecma - Fusarium (5 - 10gram/gốc). Sau 15 ngày, tiến hành bón AT2 (100gram/gốc) kết hợp việc bổ sung Calmag (150gram/gốc) và xử lý Tricodecma - Phytophthora. Trong các tán cây cũng được bổ sung thêm Calmag, vôi nóng và tro trấu trị phèn kết hợp việc xới sâu.

Sau thời gian 2 tháng, tiến hành xeo đất vùng quanh gốc (sâu 30 - 35cm, cách gốc 1m); bón hỗn hợp trấu, tro và CalMag để xử lý pH thấp; bón phân hữu cơ ủ hoai; tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai truyền thống + Tricoderma; bổ sung vi sinh vật có lợi trong đất (chế phẩm Trico-thối rễ, Trico-tuyến trùng, Trico-Phytop); cung cấp dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp cây sớm hồi phục. Kết hợp với đó, nông dân còn thực hiện treo bẫy trên mô hình để nhận diện rầy chổng cánh, bọ trĩ; trồng cỏ sài đất để giữ ẩm và bổ sung hữu cơ cho cây. Đến nay, liếp các cây trong mô hình đã có sự khác biệt rõ về sự phát triển rễ non và cơi đọt so với liếp đối chứng.

Cũng là một trong những hộ được chọn thí điểm, ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hậu cho biết: “Khi tham gia mô hình này, giai đoạn đầu, nông dân sẽ tập trung bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý theo giai đoạn và tuổi cây, không bón thừa phân đạm, hạn chế bón phân hữu cơ khoáng chất có hàm lượng đạm cao. Đồng thời thường xuyên kiểm tra pH đất định kỳ hàng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh và cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Nhìn chung, tới thời điểm hiện tại đa số cây trong mô hình phát triển tương đối tốt hơn so với ngoài mô hình (đất được giữ ẩm hơn, cây ra đọt non, rễ non nhiều hơn)”.

Theo TS.Dương Minh - Giảng viên Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, từ lâu, nông dân có tập quán bồi đất cho cây không đúng cách khiến ảnh hưởng nhiều đến bộ rễ. Đồng thời việc lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học khiến đất bị lão hóa và dần không còn đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, qua phân tích, chúng tôi đã hướng dẫn nông dân cách xeo, xới đất phá váng tạo sự thông thoáng cho đất. Kết hợp với đó là việc cải tạo đất giúp cây hồi phục. Kết quả phân tích pH đất đến ngày 31/7 cho thấy có cải thiện hơn so với đầu vụ. Cụ thể, cây có dấu hiệu ra nhiều rễ non và rễ nhánh. Để làm được điều này là nhờ vào sự hợp tác của nông dân theo đúng qui trình khuyến cáo.

Theo ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, thay vì lợp (đắp) đất cho vườn, nông dân được khuyến cáo sẽ chuyển sang hình thức ủ phân hữu cơ từ xác bả rơm mục, phân chuồng ủ hoai, kết hợp nấm Tricoderma. Đồng thời sử dụng cân đối phân bón hữu cơ khoáng với phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích phát triển và tránh làm tổn thương bộ rễ. Điều này giúp tiết kiệm cho nông dân khoảng 20 triệu mỗi năm.

Phương pháp giữ cỏ trong vườn cũng được các chuyên gia đánh giá cao trong việc bảo vệ cây có múi

Tiếp tục triển khai và có kế hoạch nhân rộng

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, chuyên gia đến từ các Viện, trường tìm ra nhiều giải pháp khôi phục vườn cây có múi.

TS.Dương Minh cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân trong việc xeo đất và rải tro trấu cho vùng xung quanh gốc để hạn chế tình trạng oi nước vào mùa mưa. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề theo hướng nâng pH đất, tăng độ tơi xốp, nâng cao độ hấp thu dinh dưỡng cho cây trồng, kích thích ra rễ phục hồi...”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nông dân nên sử dụng vôi nhằm cung cấp dưỡng chất canxi cho cây, giúp hạ phèn, ức chế sự phát triển của nấm bệnh, giải độc cho cây, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ, ngăn chặn sự suy thoái đất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là nông dân cần lưu ý chu kỳ bón vôi phải theo cơ cấu đất. Thời điểm bón vôi tốt nhất là vào đầu mùa mưa, trộn đều vào đất và tưới đủ nước sau khi bón... Đồng thời kiểm tra pH đất định kỳ hàng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh, cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Vuông ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phước, huyện Lai Vung đề xuất: “Trước mắt, nông dân như tôi đã có cơ hội khôi phục lại vườn cây có múi thông qua các giải pháp của chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, để vườn cây có múi sớm trở về với vị thế xưa nay, đề nghị các ngành, chuyên gia có sự hỗ trợ nguồn giống tốt, sạch bệnh cho nông dân, tránh việc sử dụng cây có gốc bị nhiễm bệnh gây ảnh hưởng”.

Nói về phương pháp phòng, chống các đối tượng sâu bệnh gây hại, ông Trần Thanh Tâm - Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo: “Thời gian tới, nông dân nên sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV ít độc cho thiên địch, môi trường; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc BVTV. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học tưới vào gốc để phòng trị bệnh vì làm ảnh hưởng đến các vi sinh vật có ích trong đất, dẫn đến việc quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh không hiệu quả”.

Ông Huỳnh Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, nhằm sớm vực dậy diện tích cây có múi, huyện sẽ phối hợp với các ngành liên quan trong việc hỗ trợ nông dân trong việc tìm nguồn giống tốt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với đó, sẽ phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn huyện đảm bảo cung ứng tro, trấu cho việc sử dụng làm nguồn phân hữu cơ cho cây có múi.

Khánh Phan

Heo bị dịch bệnh, bò ‘lên ngôi’

Nguồn tin: Báo An Giang

Từ khi bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, giá thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó. Thay thế thịt heo trong bữa ăn hàng ngày, người tiêu dùng đẩy mạnh ăn thịt bò. Động thái tiêu dùng này đã làm cho giá thịt bò trên thị trường tăng khoảng 30%. Đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để có được lợi nhuận cao.

Nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò

Cơ hội tái đàn

Những ngày qua, ông Nguyễn Chí Hiền (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) rất phấn khởi vì gia đình ông vừa xuất chuồng được 8 con bò thịt (trong số tổng đàn 16 con). Với 8 con bò vừa bán, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 100 triệu đồng. Không riêng gia đình ông Hiền, nhiều hộ nuôi bò ở các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành cũng phấn khởi vì bò hơi đang được thương lái mua giá cao. “Hơn 5 năm qua, chưa năm nào nông dân phấn khởi như hiện nay. Thương lái tìm đến chuồng mua với giá từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, trong khi trước đó, bình quân họ chỉ trả giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân đẩy mạnh tái đàn, gỡ lỗ trong những năm 2014, 2015 và 2016” - ông Hiền thông tin.

“3 năm trước, bê 1 năm tuổi có giá bình quân dưới 10 triệu đồng/con, nay muốn mua về vỗ béo, phải cầm từ 15 triệu đồng mới mua được. Con bò “lên ngôi” nhưng tôi rất lo vì có nhiều hộ tái đàn, rồi đây 1 năm nữa, không biết bò thịt còn có giá như hiện nay, bởi bà con mình cứ chạy theo phong trào, trong khi ngành chức năng đến nay vẫn chưa đưa ra được dự báo về thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản hàng hóa, trong đó có thịt bò..” - ông Trần Văn Lanh (xã An Mỹ, Chợ Mới) phân tích.

Nỗi lo của ông Lanh hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những năm 2011, 2012, bò hơi trên địa bàn tỉnh cũng có giá rất cao. Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn cả nước như: Hoàng Anh Gia Lai, Vissan chưa tiến hành nhập thịt bò Úc vào Việt Nam để xẻ thịt. Thấy bò giá cao, nhiều người đổ xô tái đàn, làm cho giá con giống cao ngút và trở nên khan hiếm. Lúc này, tình hình chẳng khác con giống cá tra vào năm 2017, 2018 vừa qua. Hậu quả là sau thời gian có quá nhiều người thả nuôi thì thị trường “cung vượt cầu”, thua lỗ đã xảy ra. “Điều nông dân trong tỉnh mong muốn nhất hiện nay là cơ quan chức năng của nhà nước cần đưa ra dự báo về thị trường cho các loại nông sản hàng hóa để từ đó khuyến cáo nông dân trong vụ này, năm này nên trồng cây gì, nuôi con gì để có thị trường tiêu thụ dễ dàng” - ông Lanh kiến nghị.

Áp dụng kỹ thuật

Bò thịt có giá, nông dân các xã: Mỹ An, Tấn Mỹ, An Thạnh Trung (Chợ Mới), Vĩnh Hòa, Tân An, Long An, Phú Vĩnh (Tân Châu), Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ (Châu Phú) đã đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi. Nếu trước đây, bà con cho bò ăn rơm, bánh liếm, uống sô-đa hột gà, dây cốc và tăng thêm thức ăn hỗ hợp để bò mau lớn thì nay, ngoài những kỹ thuật vừa nêu, nông dân chăn nuôi bò giỏi như ông Bảy Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), ông Sáu Thành (xã Mỹ An, Chợ Mới), ông Tư Dễ (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) còn cho bò uống các loại nước dinh dưỡng, tăng lực, trong đó có hỗn hợp các loại vi sinh để kích thích tiêu hóa, giúp bò ăn nhiều, ngủ nhiều để mau lớn. Ngoài việc mau lớn, loại nước này còn giúp cho con bò đi ra phân không hôi. Đây là những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò hiện nay. “Tôi được cán bộ khuyến nông thị xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, trong đó có sử dụng loại nước uống tăng lực làm cho bò khỏe, ăn nhiều, ngủ nhiều, mau lớn. Tôi thấy cách nuôi này rất hiệu quả. Tôi sử dụng loại nước tăng lực này 2 tháng nay, mỗi ngày tôi pha 3cc vào 10 lít nước cho bò uống. Sau 2 tháng, bò rất mướt lông, tăng trọng nhanh, tôi rất phấn khởi”- ông Nguyễn Văn Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) phân tích.

Nếu trước đây, nông dân chuyên chăn nuôi bò của tỉnh nuôi bò vỗ béo phải mất từ 8 - 12 tháng mới xuất chuồng thì nay, bà con chỉ nuôi khoảng 8 tháng là bán cho lái, từ đó đồng vốn quay nhanh, 2 năm bà con nuôi được 3 lứa. Tranh thủ lúc bò có giá, nhà nào cũng tăng đàn, từ đó làm cho bê giống cũng tăng giá theo. “Để hạn chế việc tăng giá bê giống, chúng tôi đã tìm đến các trại giống ở chợ bò Tà Ngáo (Tịnh Biên) mua bò Italia của Campuchia về nuôi vỗ béo, chứ mua các giống bò ở Bến Tre như bò cọp, 3B thì giá cao lắm…”- ông Trần Văn Thành (xã Mỹ An, Chợ Mới) phân tích.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng đã giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có nguồn thu nhập ổn định.

Do không có đất sản xuất nên gia đình bà Nguyễn Thị Gấm chọn chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế. Cách đây 4 năm, bà mua 2 con dê giống Bách Thảo với giá trên 10 triệu đồng về nuôi. Đến nay, đàn dê của bà đã tăng lên trên 40 con, trong đó có 1 con đực giống và 15 con dê cái sinh sản, 2 giống dê chính là Bách Thảo và Bách Thảo lai Boer.

Bà Gấm chia sẻ, dê là loài vật dễ nuôi, ít mắc bệnh, người nuôi chỉ cần bỏ công, chặt các loại lá cây có sẵn trong tự nhiên cho dê ăn nên ít tốn kém. Nếu chăm sóc tốt, bình quân mỗi năm một con dê mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa được 2 con. Cứ thế, dê cái thì để nuôi, còn dê đực thì nuôi từ 5 - 6 tháng đã cho xuất chuồng với trọng lượng đạt từ 25 - 30 kg. Giá dê thịt thời điểm thấp nhất là 90.000 đồng/kg, còn hiện nay đang ổn định ở mức 130.000 đồng/kg. Bên cạnh việc bán dê thịt, gia đình bà Gấm còn bán phân dê. Bình quân mỗi năm chăn nuôi dê mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.

Chăn nuôi dê mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Nguyễn Thị Gấm (bên trái).

Cũng nhờ chăn nuôi dê mà hơn 10 năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Liễu có nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Hiện nay gia đình chị có đàn dê 26 con dê giống Bách Thảo, trong đó có 1 con dê đực giống và 12 con dê mẹ sinh sản. Ngoài bán dê thịt, gia đình chị còn tận dụng nguồn phân dê để chăm bón cho 1 ha cà phê xen hồ tiêu và bơ. Hiện nay mỗi năm nguồn thu nhập bình quân từ chăn nuôi dê và vườn cây của gia đình chị Liễu khoảng hơn 200 triệu đồng.

Thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, tháng 6-2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Quảng Phú đã chọn Chi hội phụ nữ tổ dân phố 8 để thành lập tổ hợp tác nuôi dê, thu hút 26 hộ hội viên tham gia với số lượng đàn dê gần 750 con. Chị Nguyễn Thị Công, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố 8 cho biết: Việc thành lập tổ hợp tác đã giúp chị em đổi mới tư duy từ chăn nuôi riêng lẻ sang chăn nuôi theo hướng liên kết tập trung, bền vững, an toàn để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay việc chăn nuôi của chị em cũng gặp một số khó khăn, nhất là chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô chăn nuôi và chuyển đổi giống dê mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

H’Xiu Êban

Tổng đàn heo của Đồng Nai giảm hơn 40%

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Sáng 10-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh.

Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn gần 1,6 triệu con, giảm hơn 40% tổng đàn so với đầu năm. Tình hình dịch tả heo châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 2 tuần qua, toàn tỉnh tăng thêm 40,2 ngàn con heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi; nâng tổng số heo bị tiêu hủy lên trên 357 ngàn con với gần 4 ngàn cơ sở, hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Theo nhận định của các địa phương, tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; nhất là các huyện có tổng đàn lớn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hạn chế, ngăn chặn dịch lây lan.

Công tác hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại được các địa phương tập trung triển khai nhưng chỉ có một số địa phương như: Thống Nhất, Biên Hòa thực hiện nhanh, đa số các huyện còn lại còn chậm chi trả cho người chăn nuôi bị thiệt hại do gặp vướng mắc về quy trình hồ sơ, thủ tục.

Theo Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Chánh, hiện có dấu hiệu mệt mỏi và tư tưởng buông xuôi trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi, các địa phương phải tập trung hơn trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo là các sở, ngành cần sâu sát hơn, kịp thời hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc tăng đàn, tái đàn, thậm chí không cho tái chăn nuôi trong vùng dịch hoặc ở khu vực chăn nuôi không đạt chuẩn an toàn sinh học; nhất là chăn nuôi trong khu dân cư. Tuy nhiên, do tổng đàn heo của tỉnh giảm mạnh, nếu tiếp tục giảm thêm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp, vấn đề an ninh thực phẩm. Ngành nông nghiệp cần làm việc với các doanh nghiệp đầu tư trong ngành chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học về kế hoạch bảo vệ và tăng trưởng đàn heo. Ngoài ra, các địa phương quan tâm phát triển chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản để bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt trong thời gian tới.

Bình Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop