Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 01 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 01 năm 2021

May ‘áo giáp’ cho cây dừa

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Ai cũng biết kẻ thù đáng sợ của cây dừa là con kiến vương. Chúng tấn công cây dừa mạnh nhất ở giai đoạn cây 1- 3 năm tuổi. Riêng hộ bà Trần Thị Bảy (ấp Phú Ân, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) thì không còn sợ kiến vương cắn phá vườn dừa nhà mình. Vì sao?

Đầu năm 2020, bà Trần Thị Bảy cải tạo 4,5 công vườn kém hiệu quả để trồng mới 160 gốc dừa xiêm giống xanh lùn Bến Tre.

Do đất mới cải tạo kết hợp áp dụng các biện pháp canh tác tốt nên dừa trồng mới được 6 tháng tuổi đã phát triển rất tốt. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau thì những cây dừa đang tươi tốt đột nhiên bị héo lá dần. Kiểm tra thì bà phát hiện thân cây dừa bị đục 1 lỗ to bằng ngón tay. Qua tìm hiểu, bà Bảy mới biết là bị kiến vương tấn công.

Thấy vậy, bà Bảy liền mua thuốc bảo vệ thực vật về phun ướt toàn bộ cây dừa nhằm xua đuổi kiến vương. 2 tuần sau, một số cây dừa lại tiếp tục héo lá và chết như cây đầu tiên. Bà Bảy tiếp tục mua thuốc bảo vệ thực vật về phun và kết hợp bỏ thuốc ở gốc dừa. Lần này bà nghĩ là có thể trị dứt điểm bọn kiến vương kia.

Nhưng, chỉ sau 3 tuần thì kiến vương tiếp tục trở lại đục khoét vườn dừa. Kiểm tra 5 cây dừa thì bắt được 4 con kiến vương, bà Bảy rất buồn do chưa tìm được giải pháp tốt để bảo vệ vườn dừa nhà. Hỏi người này, người khác, họ đều hướng dẫn phun thuốc bảo vệ thực vật với liều mạnh làm bà Bảy đắng đo.

Tình cờ trong lúc đi thăm vườn dừa, bà Bảy thấy chú Út giăng lưới trên ruộng lác để bắt chim và bà phát hiện 1 con kiến vương đã dính lưới chết khô. Bà Bảy liền nảy ra ý định mua loại lưới bén giăng cá sặt về bọc quanh các gốc dừa trong vườn nhà để chống kiến vương xâm nhập.

Cuối cùng bà Bảy đã ngăn chặn loài kiến vương hiệu quả và cái tên “may áo giáp cho cây dừa” được hình thành từ đây. Những chiếc áo được may vừa vặn đảm bảo cho việc sinh trưởng cho cây và không còn tình trạng dừa bị chết héo do kiến vương tấn công.

Qua kiểm vườn dừa, cây phát triển bình thường, kiến vương bị chiếc “áo giáp” giữ lại và không thoát được chờ chết. Bà Bảy rất vui mừng vì đã bảo vệ được vườn dừa nhà mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Với cách làm như trên, bà Trần Thị Bảy tiết kiệm rất nhiều chi phí mà lại thân thiện với môi trường vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với quy trình canh tác an toàn thực phẩm hiện nay. Vườn dừa ngày càng phát triển tốt không bị kiến vương tấn công.

Thông qua bài viết này, tôi xin chia sẻ với quý độc giả mô hình “may áo giáp cho cây dừa” an toàn sinh học này để nhân rộng, giúp nhà vườn giảm tối đa thiệt hại do kiến vương gây ra và giúp giảm mật số kiến vương trên diện tích vườn dừa của huyện, của tỉnh.

Bài, ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Bưởi da xanh giảm giá

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Bưởi da xanh là mặt hàng được nhiều người chọn mua để chưng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán nên giá bán thường khá cao. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của nông dân trồng bưởi huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), hiện giá nông sản này đang sụt giảm.

Thu hoạch bưởi da xanh

Hiện, bưởi da xanh loại 1 được thương lái và các cơ sở trái cây trong tỉnh thu mua với giá khoảng 40.000 đồng/kg; bưởi loại 2 có giá 20.000 đồng/kg. Mức giá này giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 10/2020. Nguyên nhân khiến giá bưởi da xanh giảm là do nguồn cung bưởi da xanh trên thị trường tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm. Cùng với đó, dịch Covid - 19 ảnh hưởng đến việc xuất khẩu khó khăn, khiến cầu vượt cung.

Trang Huỳnh

Thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng hạnh

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Hơn một năm qua, ông Trần Văn Hiền, ấp Thái Thịnh, xã Mỹ Thái (Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), trồng hạnh (còn gọi là tắc, quất) với diện tích 5ha, thu hoạch bình quân 1 tấn quả/ngày, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Thu hoạch hạnh.

Là người làm nông nghiệp lâu năm, ông Trần Văn Hiền từng canh tác khoai lang, khoai môn và một số loài cây ngắn ngày nhưng qua thực tế sản xuất, giá cả thường bấp bênh, hiệu quả kinh tế là không bền vững. Ông Hiền chia sẻ: “So với nhiều loại cây khác, hạnh là loại cây dễ trồng như cam, quýt, ít rủi ro, giá trị kinh tế khá ổn định. Nhận thấy vùng đất khí hậu, thổ nhưỡng với vùng đất Mỹ Thái phù hợp nên tôi quyết định triển khai mô hình trồng hạnh ở đây từ năm 2017”.

Sau khi học hỏi kinh nghiệm của người dân ở tỉnh Đồng Tháp, ông Hiền lên liếp trồng hạnh với diện tích 5ha. Theo kinh nghiệm canh tác của ông Hiền, ban đầu trồng hạnh, đất phải được làm tơi xốp, tạo điều kiện thuận lợi cho hạnh sinh trưởng tốt. Sau 9 tháng từ khi trồng, hạnh bắt đầu cho thu hoạch. Việc xử lý để hạnh ra trái hàng ngày cần phải bón phân hữu cơ khoảng 20 ngày/lần, nhánh cây cũng phải được cắt tỉa thường xuyên. “Giá bán hạnh bình quân khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, sản lượng đạt được khoảng 1 tấn quả/ngày, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 3 triệu đồng/ngày, tính cả năm đạt khoảng 1 tỷ đồng“, ông Hiền cho biết.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thái Vũ Văn Tỵ, giá hạnh là khá ổn định, hiệu quả kinh tế đạt được gấp 3 - 4 lần so với lúa. Đặc biệt, mô hình trồng hạnh của ông Hiền hiện còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động địa phương mỗi ngày, làm các công việc như: cắt, đóng bọc, tưới nước, bón phân. Bình quân thu nhập mỗi lao động khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Ông Vũ Văn Tỵ cho biết: Mô hình trồng hạnh có thể nhân rộng tại địa phương bởi nguồn nước ngọt ở đây quanh năm, rất thích hợp cho các loại cây ăn trái, trong đó có cây hạnh. Nhiều hộ dân tại địa phương đang bước đầu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hạnh từ ông Hiền để áp dụng mô hình. Nếu canh tác đúng quy trình kỹ thuật, cây hạnh sẽ cho năng suất cao, ổn định, mang lại lợi nhuận cao.

Sản phẩm hạnh hiện được thương lái thu mua tại vườn và xuất chủ yếu sang Campuchia để làm nước ép. Sắp tới, ông còn tiếp tục lên liếp, mở rộng diện tích trồng quất lên 10ha để phát triển mô hình. Theo ông Vũ Văn Tỵ, thời gian tới sẽ đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ thủ tục công nhận mô hình sản xuất hạnh đạt tiêu chuẩn VietGAP để tăng giá trị sản phẩm có chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước, các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.

Ông Trần Văn Hiền cho biết, ông còn đang đầu tư máy móc để làm sản phẩm mứt, nước ép từ hạnh và tận dụng nguồn lao động tại địa phương, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho bà con. Ngoài ra, sản phẩm hạnh chín có thể dùng làm nước tẩy rửa, phần xác trái hạnh sau khi ép chín còn được sử dụng làm phân hữu cơ, giúp bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòn Đất Trần Xuân Nghi, mô hình trồng hạnh của ông Hiền không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, mà còn có thể nâng giá trị lợi nhuận sản phẩm sau khi được công nhận VietGAP. Hội Nông dân sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, chính quyền xã Mỹ Thái hỗ trợ làm các thủ tục để công nhận mô hình này đạt tiêu chuẩn VietGAP; giúp từng bước nhân rộng mô hình, tạo công ăn việc làm cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Hồng Đạt

Gieo sạ sớm né mặn vụ lúa Đông Xuân sớm trúng mùa được giá

Nguồn tin: VOV

Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là các địa phương vùng ven biển đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sớm.

Chính quyền địa phương và bà con nhận định, nhờ tranh thủ xuống giống né mặn cuối vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày nên bà con thu hoạch lúa an toàn, né được mặn xâm nhập, giá cả đạt cao.

Đang thu hoạch 3 công lúa đặc sản ST25 trong vụ Đông Xuân sớm, ông Lê Văn Long, nông dân ở xã Long Đức, huyện Long Phú phấn khởi cho biết, ước năng suất đạt 800kg/công. Hiện nay, thương lái đặt cọc 7.700 đồng/kg, mỗi công ông kiếm lợi từ trên 3 triệu đồng. Ngoài ra, ông Long còn sản xuất 7 công giống lúa Đài Thơm 8, đây cũng là lúa chất lượng cao, chắc chắn cũng sẽ có lời nhiều.

“Bây giờ bình quân Đài Thơm 8 luôn thì mỗi công thu khoảng 800kg. Năm nay không có sâu bệnh, chi phí nhẹ. Tất cả tiền cắt, tiền giống, phân nước … hết khoảng 2 triệu/công” - ông Long nói.

Nông dân Sóc Trăng phấn khởi vì lúa Đông Xuân sớm trúng mùa được giá.

Cách đó không xa, ông Võ Văn Ba, cùng làm giống lúa Đài Thơm 8 trên diện tích 1 ha. Ông Ba cho biết, trà lúa của gia đình khoảng 1 tuần nữa sẽ thu hoạch, hiện thương lái đặt cọc 6.750 đồng/kg, với giá này nếu trừ chi phí xong, ông kiếm lời khoảng 25 triệu đồng/ha. Ông Ba cho biết thêm, lúa trúng mùa nhờ bà con tranh thủ xuống giống sớm để tránh ảnh hưởng của hạn mặn vào cuối vụ.

“Chi phí 1 công khoảng 1,8-2 triệu đồng/công trở lại thôi. Năm nay lợi nhuận cao. Nếu tính 1 công bán ra được trên 5 triệu đồng, là có thể lời từ trên 3 triệu đồng” - ông Ba chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước xuống giống muộn, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại, huyện Long Phú đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo người dân xuống giống sớm để né hạn mặn vào cuối vụ. Bên cạnh đó, phấn đấu tăng diện tích lúa cao sản, đặc sản với trên 70% diện tích được sản xuất để nâng giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Huyện ủy Long Phú, cho biết, hiện lúa Đông Xuân sớm tại địa phương đã bắt đầu thu hoạch và kéo dài từ nay đến Tết Nguyên đán. Thật phấn khởi khi bà con trúng mùa, bán được giá.

“Đảng bộ Long Phú tập trung chỉ đạo khuyến cáo người dân xuống giống sớm, để né hạn mặn vào cuối vụ. Trên điện tích của địa bàn Long Phú là trên 16.000ha, đến nay đã thu hoạch trên 1.500ha. Từ giờ đến trước tết Nguyên đán là sẽ thu hoạch khoảng 13.000ha. Còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 1 âm lịch. Về cơ cấu giống lúa thì chúng tôi ưu tiên cơ cấu giống lúa chất lượng cao thí dụ như ST25, Đài Thơm 8, một số giống chủ lực”

Vụ Đông Xuân 2020-2021, tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 100.000 ha, tập trung nhiều ở các giống lúa như: ST25, ST24, OM18, Đài Thơm 8… đây đều là giống lúa đặc sản, chất lượng cao, với năng suất trung bình đạt từ 5-8 tấn/ha. Theo đó, có 40.000ha đang trong giai đoạn thu hoạch.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cũng đã chỉ đạo quyết liệt tập trung cho bà con xuống giống, để làm sao thu hoạch trước khi hạn mặn về. Như vậy, đối với địa bàn của Sóc Trăng các huyện ven biển có thể thu hoạch trước tết và những huyện vùng trong, hạn mặn về muộn hơn thì có thể sau tết Nguyên đán 10 ngày là con tổ chức thu hoạch”.

Tại chuyến kiểm tra tình hình sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021 tại Sóc Trăng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và nông dân các tỉnh ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng trong chủ động sản xuất, tránh tác động của biến đổi khí hậu.

Đến nay, cả khu vực có từ 30-40% diện tích lúa Đông Xuân sớm đã bắt đầu thu hoạch, né được nước mặn xâm nhập. Có thể khẳng định là các trà lúa sớm vụ Đông Xuân năm nay được mùa, trúng giá./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Năm 2021, diện tích cây lâu năm của Hà Nội đạt khoảng 24.850ha

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Theo Sở NN& PTNT Hà Nội, năm 2021, Hà Nội dự kiến diện tích trồng cây lâu năm đạt 24.850ha, tập trung vào 2 nhóm cây chính là cây ăn quả và cây chè.

Đối với cây ăn quả, diện tích trồng khoảng 22.350ha với các cây trồng chính là bưởi, cam, chuối, nhãn... Trong đó, với cây bưởi, tập trung phát triển giống có giá trị kinh tế cao như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Quế Dương..., tại các huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai. Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển vùng nhãn chín muộn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh mới nhằm tăng năng suất và chất lượng gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nhãn chín muộn tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ; duy trì và nâng cao hiệu quả vùng cam Canh tại các huyện: Thanh Oai, Hoài Đức, Gia Lâm; xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung và khu trồng chuối ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Sóc Sơn...

Đối với cây chè, Hà Nội duy trì khoảng 2.500ha, tập trung thay thế giống chè cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao tại vùng đồi gò các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì. Thành phố cũng sẽ tăng cường đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm…

ĐỖ MINH

Tìm hướng đi cho cây tiêu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Với hơn 4.300 ha, hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước). Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng tiêu ra bông nhiều nhưng không đậu trái, cộng với giá xuống thấp khiến nhiều nông hộ trồng tiêu ở Bù Đốp gặp khó khăn. Giải pháp nào cho người trồng tiêu là trăn trở của ngành chức năng huyện nhà. Nhiều kịch bản cho người trồng tiêu đã được xác định với hy vọng giúp nông dân khôi phục sản xuất.

Thăng trầm “vị cay”

Từng là một trong những vựa tiêu lớn nhất tỉnh, cây tiêu đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình ở Bù Đốp. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất các vườn tiêu liên tục giảm sút, cây tiêu chết hàng loạt, khiến nhiều nông hộ nơi đây bỏ vườn hoặc đầu tư cầm chừng. Nguyên nhân được xác định, ngoài yếu tố do biến đổi khí hậu, mưa, nắng trái mùa, dị thường tác động đến năng suất cây tiêu, còn có yếu tố con người. Giá tiêu giảm sâu, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thuê nhân công thu hái, chăm sóc không giảm. Chính điều này đã khiến nông dân thiếu đầu tư chăm sóc và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất vườn tiêu giảm mạnh.

Trong khi những vườn tiêu khác mất mùa, sâu bệnh, vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Đô ở xã Thanh Lương, TX. Bình Long vẫn cho thu hoạch vụ năm 2020với trái sai, nặng hạt - Ảnh minh họa: Ngọc Bích

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: “Tiêu là một trong những loại cây trồng khó tính, rất dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Những năm trước, do giá tiêu tăng đột biến, nhiều nông hộ chạy theo lợi nhuận, trồng ồ ạt trên diện tích không phù hợp hoặc đã xảy ra dịch bệnh nhưng không được xử lý đúng quy trình trước khi trồng. Vì vậy, hiện nay rất nhiều vườn tiêu bị dịch bệnh, năng suất thấp. Tiêu ra bông nhiều nhưng không đậu trái”.

Dạo quanh các xã Phước Thiện, Thiện Hưng, huyện Bù Đốp những ngày này, điều dễ nhận thấy là những vườn tiêu xanh tốt một thời nay đã không còn. Thay vào đó là những vườn điều non đang lấn dần các trụ tiêu hoặc là những vườn tiêu vàng úa, cỏ mọc um tùm. Một vài vườn đang được xen canh trồng bưởi da xanh. Một số hộ tận dụng nọc tiêu trồng hoa thiên lý. Lác đác vài vườn tiêu non xanh mướt đang trong giai đoạn kiến thiết, được trồng và đầu tư chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ sinh học với mục tiêu đón đầu cơ hội ở phía trước…

Hướng đến sản xuất bền vững

Nhận định những khó khăn của thị trường và biến đổi khí hậu, kỹ thuật đầu tư, chăm sóc đối với cây tiêu những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Bù Đốp đã tập trung định hướng nông dân đầu tư tái canh hoặc thâm canh đối với những diện tích hội đủ các điều kiện. Ngành cũng định hướng nông dân chuyển đổi những diện tích không phù hợp hoặc đã xảy ra dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn, hoặc trồng cỏ chăn nuôi.

Phó chủ tịch UBND xã Thiện Hưng Nguyễn Mạnh Cường (bìa phải) thăm vườn tiêu hữu cơ của gia đình anh Phương Thành Danh

Ông Trần Văn Thành cho biết thêm: “Hiện nay, rất nhiều nông hộ ở Bù Đốp một thời trồng tiêu nay chuyển sang trồng cỏ nuôi bò hoặc dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ chuyển sang trồng điều, cây ăn trái. Đặc biệt, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cũng đã định hướng nông dân giải quyết một cách đồng bộ từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và thực hiện tốt công tác thị trường trong sản xuất tiêu. Đồng thời hướng dẫn bà con đăng ký thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tìm đầu ra ổn định”.

Trên cơ sở định hướng của ngành, thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở Bù Đốp đã chuyển sang tái canh vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học. Cây hồ tiêu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, nhờ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và phân bón hữu cơ vi sinh nên vườn tiêu luôn xanh tốt, cho năng suất cao và được thị trường đón đợi.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng tiêu, hiện gia đình anh Phương Thành Danh ở thôn 10, xã Thiện Hưng đang có 9 ha tiêu. 3 năm trở lại đây, hộ anh đã chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới phun tự động nên các vườn tiêu xanh tốt và cho năng suất trung bình từ 4-5 tấn/ha. Bởi vậy, dù giá trên thị trường giảm nhưng gia đình anh luôn có sản lượng bù lại và không lo đầu ra sản phẩm.

“Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI. Đối với cây tiêu, huyện cũng đã xác định, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị hữu cơ và mở rộng chuỗi cung ứng “Hồ tiêu bền vững đạt tiêu chuẩn Rain Forest”. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tạo liên kết vùng sản xuất tiêu Bù Đốp - Lộc Ninh”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành

Anh Phương Thành Danh cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, muốn bền vững thì phải sản xuất theo xu thế thị trường. Thị trường thế giới hiện nay luôn có nhu cầu về tiêu sạch. Bởi vậy, các công ty gia vị liên kết với mình và yêu cầu sản xuất theo đơn đặt hàng. Làm được điều này thì mình không lo đầu ra cho sản phẩm và giá thị trường”. Nhờ chủ động nắm bắt thị trường, tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, các vườn tiêu của gia đình anh Danh luôn đạt năng suất cao. Đây cũng là mô hình, điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông hộ trồng tiêu trong bối cảnh hiện nay.

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh doanh cả chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, việc nông dân phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, quy trình kỹ thuật canh tác và chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp “mạnh ai nấy làm” đã để lại hệ quả nhãn tiền. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự định hướng của ngành nông nghiệp, cần thiết phải hình thành các vùng chuyên canh hồ tiêu, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học có sự liên kết, bao tiêu, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Minh Luận

Trải nghiệm sự khác lạ của Vườn táo Sáu Hồi

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Vườn táo của ông Trần Văn Hồi (thường gọi vườn táo Sáu Hồi) là một trong những điểm đến mới tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được nhiều bạn trẻ và du khách gần xa yêu thích, bởi sự khác biệt và khung cảnh thiên nhiên nơi đây.

Một góc vườn táo Sáu Hồi.

Vườn táo tọa lạc tại ấp Kênh Ngang, xã Tân Thành. Đến với vườn táo, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên, thoải mái khi hòa mình vào thiên nhiên với 2 bên là ruộng lúa và hơn 1 ha diện tích trồng táo lâu năm.

Vườn táo được chia ra nhiều khu nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc và phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, vườn táo nơi đây được chăm sóc tỉ mỉ từ khi trái còn nhỏ nên rất an toàn cho người dùng.

Hệ thống ao dài hơn 100 m, thích hợp để du khách bơi xuồng thư giãn, trải nghiệm cùng với các tiểu cảnh mang đậm chất miền quê Nam bộ kết hợp ruộng lúa hai bên tạo nét hài hòa kết hợp giữa vườn cây, ruộng lúa. Đồng thời, cảnh quan vườn táo luôn thay đổi không trùng lắp để thu hút du khách.

Du khách đến tham quan vườn táo Sáu Hồi.

Dọc đường đi là những mái lá, hàng bông soi bóng xuống bờ ao, xa xa là những chiếc cầu khỉ lắt lẻo, chênh vênh… như những nét chấm phá trong tổng thể hài hòa bức tranh làng quê nông thôn Nam bộ.

Ẩm thực cũng là một điểm thu hút du khách đến với vườn táo. Thực đơn phong phú với những món ăn đặc trưng của vùng quê yên bình và đặc sản địa phương như: Cháo gà đất, các loại ốc, nghêu Gò Công... sẽ chinh phục khẩu vị ngay cả những du khách khó tính nhất bằng hương vị đậm đà khó quên.

Du khách Nguyễn Vũ Khanh (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Chúng tôi thường tổ chức những buổi dã ngoại tại vườn táo Sáu Hồi nhằm tạo sân chơi thư giãn vào cuối tuần và những dịp lễ, tết cho nhân viên. Chính nét mộc mạc, chân quê của quan cảnh nơi đây và sự nhiệt tình của chủ vườn kết hợp ẩm thực rất ngon của vườn táo đã thuyết phục được chúng tôi trở lại thăm quan nhiều lần".

Đến vườn táo Sáu Hồi, du khách còn thỏa sức bơi xuồng, trải nghiệm tự tay hái những trái táo tươi ngon trên cây, thay trang phục chụp hình với áo bà ba do nhà vườn cung cấp. Ông Trần Văn Hồi, chủ vườn táo Sáu Hồi cho biết: “Vườn táo đã có từ rất lâu, tuy nhiên, xuất phát từ xu thế cải tạo vườn, trang trí, làm thêm những tiểu cảnh mà tôi đã đón được nhiều du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan”.

PHƯƠNG DANH

Biogas- lợi ích kinh tế và môi trường

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Vĩnh Long có đàn gia súc, gia cầm mà nếu tận dụng chất thải ủ khí biogas thì sẽ thu khoảng 13,5 triệu m3 khí đốt hàng năm.

Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Vĩnh Long đã và đang phát triển mạnh. Nhưng chất thải trong quá trình sản xuất, chế biến do ngành này gây ra đối với môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc, cần giải quyết. Xây dựng công trình khí sinh học (KSH)- biogas sẽ mang lại nhiều lợi ích và là một trong những giải pháp vừa phát triển chăn nuôi bền vững, vừa bảo vệ môi trường.

Lợi ích về kinh tế và môi trường

Biogas là hỗn hợp KSH (trong đó chiếm tới 70% là khí mê tan), được tạo từ quá trình phân hủy những chất thải của người, động vật và cả thực vật trong điều kiện được ủ kín. Theo tính toán, 1m3 khí này tương đương với 2,2KWh điện năng, nên có thể dùng để đun nấu, thắp sáng hoặc có thể được sử dụng làm nguồn nhiên liệu để chạy các loại động cơ máy bơm nước, máy phát điện...

Ở tỉnh Vĩnh Long, cuối năm 2020 với tổng đàn heo hơn 232.000 con, đàn bò khoảng 89.000 con, đàn gia cầm trên 9,5 triệu con nuôi trong 712 trang trại và hơn 71.000 hộ nuôi riêng lẻ, thì lượng phân thải ra khoảng hơn 500.000 tấn/năm.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mỗi con heo thải ra môi trường khoảng 1 tấn phân/năm. Nếu thu gom hết, sử dụng sản xuất biogas thì mỗi năm có thể sản xuất được 13,5 triệu m3 khí mê tan, cung cấp gần 30 triệu KWh điện năng!

Ở mỗi gia đình nông thôn, nếu biết cách sử dụng biogas có thể tiết kiệm được vài triệu đồng, làm giảm đáng kể giá thành chăn nuôi (khoảng 7- 10%).

Ngoài ra, chất thải từ công trình biogas gồm nước thải lỏng và phụ phẩm đặc (bã thải) là những sản phẩm có giá trị được sử dụng vào nhiều mục đích, làm phân bón, nuôi cá, nuôi trùn... Sau khi được lấy ra từ hầm, túi ủ, chất thải này hầu như không còn các loại vi sinh vật gây bệnh như trước khi đưa vào bể ủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng phụ phẩm lỏng phun trên lá giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 10% so với bón trực tiếp vào đất.

Ngoài ra, bón bã thải kết hợp với phân vô cơ sẽ làm tăng độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất; đồng thời hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng NPK lên 10- 30%...

Thực tế, ở nông thôn trong tỉnh, bà con nông dân, nhất là những hộ chăn nuôi tập trung, những lò giết mổ tập trung, quy mô tương đối lớn đã có xây dựng công trình để sử dụng khí biogas như túi ny lông và xây dựng công trình kiên cố bằng gạch xây, bê tông cốt thép theo kiểu hộp chữ nhật hoặc hình vòm cầu.

Hầm biogas theo kiểu này tốn khoảng 1,2- 2 triệu đồng, dung tích trên 3m3, tuổi thọ trung bình khoảng 10- 15 năm, kỹ thuật xây dựng hầm khá đơn giản, các gia đình ở nông thôn có thể tự làm dựa trên những bản vẽ thiết kế đơn giản, diện tích xây dựng hầm ủ không lớn, có thể làm chìm dưới đất.

Hiện tại trên thị trường có nhiều loại hầm bằng vật liệu mới (nhựa composite) các kích thước khác nhau, rất bền và nhẹ. Có 4 loại hầm: hầm loại nhỏ (đường kính 1,9m), hầm loại trung bình (đường kính 2,25m), hầm trung bình (đường kính 2,45m), hầm đại (đường kính 2,9m), giá từ 10- 15 triệu đồng/hầm, phù hợp cho những hộ chăn nuôi quy mô lớn, từ 20 con trở lên. Thông thường sử dụng 5- 7 con heo, 2- 3 con bò/hầm.

Dù sử dụng loại nào cũng cho hiệu quả kinh tế đáng kể, thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông hộ. Theo tính toán của những hộ sử dụng công trình hầm biogas, nếu chuồng nuôi từ 20- 25 con heo, xây dựng một hầm cỡ 6- 8m3, gia đình sử dụng để nấu ăn, thắp sáng, đun nấu khác thì tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình khoảng 280.000- 300.000 đ/tháng. Mỗi năm tiết kiệm được 4- 5 triệu đồng/năm…

Về lợi ích môi trường, chất thải từ chăn nuôi gồm chất thải rắn (như phân, thức ăn dư thừa, phụ phẩm gia súc, gia cầm sau khi giết mổ) và chất thải lỏng (nước tiểu, nước uống dư thừa, nước vệ sinh chuồng trại và nước rửa trong khi giết mổ).

Nếu không được thu gom để đưa vào hầm ủ khí biogas thì chẳng những chúng ta bỏ đi nguồn nhiên liệu quý giá mà còn góp phần làm ô nhiễm môi trường nông thôn. Biogas giúp hạn chế mùi hôi thối, ruồi nhặng, giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường xung quanh khu chăn nuôi.

Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ sử dụng

Qua nhiều giai đoạn, trung ương và tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chương trình, dự án KSH với mục đích bảo vệ môi trường, cải thiện kinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Hộ dân đủ điều kiện tham gia được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng công trình KSH và được đào tạo, truyền thụ kiến thức về sử dụng công trình hiệu quả.

Từ năm 2009- 2011, Cục Chăn nuôi thực hiện dự án “Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam” với sự hỗ trợ kỹ thuật và quản lý từ Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) nhằm mục tiêu: Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam từ các lợi ích thị trường và phi thị trường của việc xây dựng các công trình KSH và phát triển ngành KSH định hướng thị trường. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2003- 2020 trên khắp cả nước.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng trên 180.000 công trình KSH mang lại lợi ích cho 889.160 người, đào tạo trên 1.000 kỹ thuật viên tỉnh và huyện, 1.700 đội thợ xây và thợ lắp đặt KSH và tổ chức trên 140.000 ngàn hội thảo tuyên truyền và tập huấn cho hàng trăm ngàn người sử dụng KSH.

Dự án đã phát hành trên 3 triệu tín chỉ các bon theo cơ chế tiêu chuẩn vàng tự nguyện và trên 2,9 triệu tín chỉ các bon đã được bán ra thị trường các bon toàn cầu thu về doanh thu khoảng 160 tỷ đồng để tái đầu tư vào các hoạt động của dự án.

Tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện từ tháng 7/2009 đến năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao theo dõi kết quả thực hiện, giám sát xây dựng, quản lý chất lượng công trình và xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ KSH...

Theo kế hoạch từ năm 2009- 2011, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 900 công trình trên toàn tỉnh, đồng thời đào tạo kỹ thuật viên, đội thợ xây. Hộ ở các huyện- thành tham gia dự án được hỗ trợ tiền xây là 1,2 triệu đồng/hầm và được hướng dẫn cách sử dụng khí sau khi xây hầm. Mỗi hầm có dung tích 5m3 chứa ủ 20kg phân heo, trung bình chi phí xây dựng mỗi hầm biogas cũng trên 7 triệu đồng. Các năm sau, hộ tham gia được hỗ trợ nhiều hơn (2 triệu đồng/hầm).

Chất thải từ chăn nuôi nếu được thu gom đưa vào hầm ủ khí biogas là nguồn nhiên liệu quý giá làm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.

Từ năm 2017- 2020, hộ chăn nuôi trong tỉnh được tiếp tục hỗ trợ xây công trình KSH biogas từ Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long với số lượng là 2.298 công trình. Riêng năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) đã thực hiện 700 công trình. Công trình KSH hỗ trợ lần này bằng chất liệu composite có định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình/hộ, tổng vốn hỗ trợ tương đương 11,490 tỷ đồng.

Các hộ tham gia công trình đa số là quy mô chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh thấp, chất thải chăn nuôi được thải trực tiếp ra môi trường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ khi tham gia chương trình KSH, chất thải chăn nuôi được xử lý, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, phân gia súc sau khi xử lý qua hầm biogas đưa ra ao lắng trước khi ra bên ngoài, môi trường được cải thiện đáng kể, giúp người dân tăng thu nhập giá trị kinh tế mà lượng KSH đem lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Qua đó góp phần chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, con người do ảnh hưởng của chất thải trong chăn nuôi gây ra, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Chuyển hướng chăn nuôi thời dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Để duy trì sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chuyển hướng sang nuôi gia cầm trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn còn diễn biến khó lường. Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dám mạnh dạn tái đàn do lo lắng DTHCP.

LO NGẠI TÁI ĐÀN HEO

Giữa năm 2019, DTHCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, khiến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Đến thời điểm này, việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó. Dù giá heo đang ở mức khá hấp dẫn, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn do giá heo giống đang ở mức cao, nguồn cung hạn chế, trong khi đó rủi ro DTHCP vẫn còn “rình rập”.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, trước khi xảy ra dịch, đàn heo của xã hơn 55 ngàn con, nhưng nay chỉ còn khoảng 13 ngàn con, chủ yếu tập trung ở các trại lớn, các hộ nuôi nhỏ lẻ đã ngừng nuôi do lo ngại dịch bệnh.

Công tác tái đàn heo đang được tỉnh Tiền Giang tích cực triển khai.

Anh Thiền, một hộ chăn nuôi heo ở xã Xuân Đông cho biết, trại heo của gia đình chỉ còn khoảng 20 con heo nái và 200 con heo thịt. Trước khi dịch bệnh xảy ra, trại heo của anh có khoảng 200 con nái.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Anh, hiện đàn heo của huyện khoảng 57 ngàn con, không tăng so với những tháng trước. Tình hình tái đàn đang khá chậm.

Thời gian qua, nguồn cung gia cầm, chủ yếu là gà rất dồi dào nên giá ở mức thấp. Hiện giá gà Tam Hoàng ở mức khoảng từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, gà ta Bình Định, gà lai Bến Tre có giá khoảng 48.000 đồng/kg.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng cho biết, đàn heo của huyện còn khoảng 9.000 con. Đến thời điểm này, tình hình DTHCP ở huyện cơ bản được không chế. Do nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, nên đến giờ người chăn nuôi chưa thể tái đàn.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, tháng 10-2020, DTHCP xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh. Dù công tác phòng, chống dịch đã được triển khai xuyên suốt, nhưng vi rút DTHCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và chưa có vắc xin phòng bệnh nên dịch bệnh đã xảy ra.

Do dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và đang xảy ra, con giống không đảm bảo nên công tác tái đàn heo diễn ra chậm. Theo thống kê, đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 260 ngàn con. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang nhập và tái đàn với số lượng ít. Đến nay, có 14 trại chăn nuôi gia công đã đăng ký và được kiểm tra đánh giá đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và tái đàn với số lượng hơn 12 ngàn con.

CHUYỂN HƯỚNG SANG GIA CẦM

Xã Xuân Đông được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi heo của huyện Chợ Gạo. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của DTHCP, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã “treo” chuồng, một số hộ chuyển sang nuôi gia cầm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Mười, hiện đàn gia cầm ở xã khoảng 600 ngàn con; trong đó, chủ yếu là gà tre và gà Lương Phượng lấy thịt. Trong năm 2020, đàn gia cầm ở xã tăng nhiều so với những năm trước do chuyển từ nuôi heo sang nuôi gà.

Chị Nguyễn Thị Phượng Uuyên (ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông) cho biết, trước đây, gia đình chị nuôi heo nhưng lo ngại dịch bệnh xuất hiện trở lại nên không dám tái đàn và chuyển sang nuôi gà tre. Theo chị Uyên, ở xã có khá nhiều hộ nuôi gà tre lấy thịt nên gia đình cũng đầu tư chăn nuôi giống gà này.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, đàn gia cầm phục vụ Tết Nguyên đán 2021 ở huyện đang rất dồi dào. Người chăn nuôi ở huyện chủ yếu nuôi gà đẻ, song thời gian gần đây phát triển thêm nuôi gà tre lấy thịt. Ngoài gà tre, các giống gà lấy thịt khác như: Gà ta Bình Định, gà lai Bến Tre cũng được nuôi, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan. Tổng đàn gia cầm trong năm 2020 của huyện khoảng 7,9 triệu con, tăng nhiều so với năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, trong năm 2020, việc tái đàn heo trên địa bàn còn gặp khó. Do đó, để duy trì kinh tế, bù đắp sản lượng thịt heo thiếu hụt, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia cầm. Do đó, đàn gia cầm của huyện tăng cao so với năm 2019.

Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 16,7 triệu con gia cầm, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trước ảnh hưởng của DTHCP, một số hộ chăn nuôi đã linh hoạt chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm để duy trì kinh tế gia đình.

TRỌNG ĐẠT

Hậu Giang: Nhiều biện pháp bảo vệ đàn gia cầm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thời điểm này, các xã, phường, thị trấn tại Hậu Giang đang tập trung tiêu độc khử trùng môi trường đợt 3. Khâu tiêm phòng cúm gia cầm đã được siết chặt nhằm bảo vệ đàn an toàn trước tác động của đợt không khí lạnh.

Hộ nuôi chủ động tiêm phòng đúng lịch cho đàn gia cầm.

Hiện nay, tiêm phòng cúm gia cầm không còn xa lạ, mà trở thành việc của người chăn nuôi phải làm. Theo rà soát, tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm ở các địa phương đạt mức tương đối cao, số đông hộ chăn nuôi chủ động hơn khâu tiêm phòng để bảo vệ đàn gà, vịt; giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Tại huyện Long Mỹ, tổng đàn gia cầm hiện có khoảng 1,2 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng của địa phương đạt từ 70-85%. Còn tại huyện Phụng Hiệp, tỷ lệ đạt khoảng 92%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Để đạt kết quả trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp lâu dài. Nhưng chủ yếu là rút kinh nghiệm từ mấy năm gần đây huyện không xảy ra dịch cúm gia cầm, từ đó người dân ý thức được hiệu quả của công tác tiêm phòng và có chủ động hơn. Thứ hai là khâu tuyên truyền vận động có hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu. Kinh phí, vắc-xin được cấp đầy đủ, kịp thời. Kế hoạch tiêm phòng được rà soát thường xuyên nhằm đảm bảo tối đa tỷ lệ miễn dịch cho đàn gia cầm toàn huyện.

Còn tại huyện Vị Thủy, với tổng đàn gia cầm hiện có trên 700.000 con, tỷ lệ tiêm phòng cúm đạt trên 75%. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, cho hay: Trạm thường xuyên rà soát tổng đàn để nhắc nhở hộ nuôi tiêm phòng bổ sung đối với các đàn gần hết hạn miễn dịch. Tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm khoảng 75%, các trường hợp không tiêm phòng chủ yếu là hộ nuôi nhỏ lẻ. Đối với trường hợp này, huyện có thống kê danh sách để bà con xác nhận; đây cũng là cơ sở để xử lý khi xảy ra dịch bệnh.

Mặt khác, góp phần tăng tỷ lệ tiêm phòng phải kể đến vai trò của lực lượng thú y cơ sở bám sát địa bàn. Từ đó, tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng khi bà con gặp vấn đề khó khăn. Lâu dần, hộ nuôi cũng chủ động hơn, thận trọng phòng bệnh và áp dụng những khuyến cáo khoa học.

Bà Ngô Thị Bế, ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ rằng bí quyết hạn chế rủi ro dịch bệnh cho đàn gia cầm là chủ động ngừa đúng, đủ bệnh. Với tổng đàn vịt chạy đồng khoảng 1.800 con, nhờ tiêm ngừa đủ bệnh và có kỹ thuật chăm sóc tốt nên không xảy ra hao hụt nhiều. Thỉnh thoảng xuất hiện các bệnh thông thường, bà Bế tự trị cho chúng trong 2 đến 3 ngày là khỏi. Trường hợp khó, bà nhờ thú y địa phương xem rồi điều trị nhanh.

Bà Bế cho hay: “Nuôi ít vài chục con thì không sao, chứ nuôi quy mô cả ngàn con thì nó là cả gia tài. Đã là gia tài thì ai cũng dốc sức bảo vệ hết. Tôi chuẩn bị tuần này cho đàn vịt đi chạy đồng ở Bạc Liêu. Nhờ tính kỹ, kiểm tra đầy đủ giấy tờ và trừ hao thời gian lưu trú nên chưa từng bị nhắc nhở vấn đề gì liên quan đến thủ tục. Chuẩn bị lượng hóa chất phun khử trùng cứ 2 ngày 1 lần. Nhờ chủ động nhiều cách nên mỗi mùa di trú, vật nuôi đều an toàn”.

Theo cơ quan chuyên môn, để việc tiêm phòng cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, trước khi tiêm, người chăn nuôi cần khai báo tình trạng sức khỏe gia cầm với cán bộ thú y. Tuân thủ đúng lịch, đủ liều lượng. Đối với thú y cơ sở, lưu ý bảo quản vắc-xin đúng hướng dẫn, tiêm đúng kỹ thuật, liều lượng…

Các địa phương đang thực hiện cao điểm tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 3 từ ngày 22-12-2020 đến 22-1-2021.

Nhằm vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát động đợt cao điểm tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là lần thứ 3 ngành nông nghiệp triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt tồn lưu của vi khuẩn trong môi trường, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra dịch, giúp nông dân có nguồn thu nhập đáng kể từ chăn nuôi.

Lúc này, các xã, phường, thị trấn đã đồng loạt ra quân phun khử trùng theo kế hoạch. Qua thống kê mới nhất của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ ngày 22-12-2020 đến ngày 8-1-2021, đã phun khử trùng trên 2,5 triệu m2 ở các hộ chăn nuôi và chợ. Tại hộ nuôi nhỏ lẻ, các đội phun tiêu độc được gần 2,4 triệu m2. Đối tượng vệ sinh, tiêu độc khử trùng là các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; chăn nuôi hộ gia đình; các ổ dịch cũ, hố chôn gia súc, gia cầm. Các cơ sở ấp trứng, thu gom, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các điểm, chợ mua bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm gia súc, gia cầm…

Bài, ảnh: KỲ ANH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop