Tin nông nghiêp ngày 15 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 15 tháng 02 năm 2020

Liên kết sản xuất để nông sản được tiêu thụ tốt hơn

Nguồn tin:  Báo An Giang

Liên kết sản xuất để nông sản làm ra được tiêu thụ tốt hơn là một trong những nhu cầu bức thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Thực trạng

Khảo sát tại các địa phương cho thấy, những ngày qua, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) xuất hiện, Trung Quốc tiến hành các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, họ đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh, từ đó các mặt hàng nông sản như: lúa, gạo, cá tra, trái cây và nhiều mặt hàng khác bị ảnh hưởng.

Tại thị trường nội tỉnh An Giang, ngoài lúa và cá tra, mặt hàng xoài Keo, xoài Tượng da xanh, mít, ớt… bị “rớt” giá mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Ở các địa phương có diện tích trồng xoài Keo nhiều, như: xã Khánh An, Khánh Bình (An Phú); xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu); xã An Thạnh Trung, Mỹ An (Chợ Mới)… giá xoài ép nước được thương lái thu mua chỉ có 3.000 đồng/kg, giảm mạnh so với trước.

“Những nông dân có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp (DN) thì việc tiêu thụ diễn ra bình thường. Đối với những nông dân không ký hợp đồng tiêu thụ với DN thì gặp khó khăn, vì xoài xuất sang Trung Quốc không được, thương lái hạn chế thu mua” - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Bình Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

An Giang là tỉnh nông nghiệp, nhận thức được vấn đề này, ngay từ rất sớm, tỉnh đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển phong trào kinh tế hợp tác thông qua mô hình HTX và tổ hợp tác (THT). Song, qua 15 năm phát triển phong trào HTX, tính đến nay, toàn tỉnh mới đạt 138 HTX nông nghiệp với 12.083 thành viên, trong đó HTX sản xuất lúa chiếm số đông; các lĩnh vực như: thủy sản, chăn nuôi, cây ăn trái chiếm tỷ lệ thấp…

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết tình hình phát triển HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được UBND tỉnh tổ chức, hội nghị đã chỉ ra, nơi nào có phong trào kinh tế hợp tác phát triển tốt thì nơi đó, việc tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân được thuận lợi. Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế của việc phát triển phong trào kinh tế hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Giải pháp

Đánh giá về những hạn chế, tồn tại, nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân chưa được như mong đợi là do nhiều nông dân, mặc dù đã nhận thức được lợi ích và hiệu quả của việc tham gia liên kết sản xuất, nhưng chưa thật sự tin tưởng nên tham gia còn hạn chế.

Nông dân vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của DN đề ra, chưa quen với hình thức liên kết (còn thói quen bán nông sản qua thương lái), quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của DN, từ đó dẫn đến việc mở rộng diện tích qua các năm rất hạn chế.

Về phía DN, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân và HTX nông nghiệp. Một số DN có đăng ký nhưng thực tế triển khai thấp hơn diện tích đăng ký ban đầu, gây nhiều khó khăn trong công tác vận động nông dân của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể ở địa phương.

Liên kết sản xuất để nông sản làm ra tiêu thụ được tốt hơn. Từ chủ trương này, trong năm 2020, ngành nông nghiệp đã đề ra kế hoạch thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản làm ra trên diện tích khoảng 80.000ha với 30 DN. Trong đó, vụ đông xuân 2019-2020 là 35.000ha, vụ hè thu 2020 là 20.000ha; vụ thu đông 2020 là 25.000ha.

“Trong liên kết, chúng ta sẽ ưu tiên thực hiện với các DN có cung ứng vật tư, giống; có đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như: kho bãi, cơ sở chế biến” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.

Tiếp tục xây dựng mới các HTX có bổ sung nhân sự từ DN hoặc có các nhân tố trẻ, có trình độ cơ bản vào củng cố nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất - kinh doanh của các HTX tham gia các chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao.

Thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các quy định khác để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chuỗi liên kết về hạ tầng, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ vật tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng lực và tiếp cận thị trường, để nông sản của nông dân làm ra được tiêu thụ dễ dàng hơn.

“Một trong những giải pháp để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản được thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của HTX, THT trong nông nghiệp; phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX có ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng, an toàn” - ông Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Sản xuất tập trung, nâng cao giá trị nông sản

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Hình thành các vùng sản xuất tập trung; đưa công nghệ, kỹ thuật mới và sản xuất theo chuỗi liên kết "4 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), tạo nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao... là những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp Quảng Ninh khi thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung.

Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) thu hoạch khoai tây Atlantic năm 2019.

Trồng khoai tây Atlantic tại TX Đông Triều là mô hình sản xuất có sự liên kết của "4 nhà". Trong đó, nhà khoa học và doanh nghiệp đảm nhận 2 khâu quan trọng là cung ứng giống và chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Vụ đông 2019, diện tích trồng khoai tây Atlantic toàn TX Đông Triều đạt 216ha, năng suất dự kiến đạt từ 13-14 tấn/ha. Sau 3 tháng canh tác, mỗi 1ha trồng khoai tây Atlantic, nông dân Đông Triều thu được từ 75-80 triệu đồng. 100% sản lượng khoai tây đạt tiêu chuẩn đã được Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) bao tiêu.

Bên cạnh vùng trồng khoai tây, thời gian qua, TX Đông Triều còn triển khai nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Để đảm bảo hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn, thị xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa ngoài thực địa tại các xã, phường. Qua đó, hình thành 37 vùng lúa chất lượng cao, 7 vùng trồng na, 3 vùng trồng vải tập trung, 4 khu chăn nuôi theo hình thức trang trại... Sản xuất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất hàng hóa, như chủ động, tiết kiệm nước tưới, áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch, giảm chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch... Từ đó, nâng cao giá trị trên mỗi diện tích canh tác.

Kỹ sư Tập đoàn Việt - Úc kiểm tra chất lượng tôm giống vụ đông xuân 2019-2020 tại khu sản xuất tôm giống xã Tân Lập (huyện Đầm Hà).

Nhiều địa phương của tỉnh cũng đã quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt từ Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND “Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020” đã tạo tiền đề mạnh mẽ để ngành Nông nghiệp tỉnh tăng tốc trong việc tái cơ cấu, nâng cao giá trị.

Tỉnh không tăng ngân sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất hằng năm, mà để các địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế. Qua đó, các địa phương đã chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất; hỗ trợ cửa hàng, điểm trưng bày các sản phẩm OCOP; hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất tập trung; giảm hỗ trợ trực tiếp thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Từ chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh, đến nay đã thu hút nguồn lực lớn ngoài ngân sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cứ ngân sách tỉnh bỏ ra 1 đồng hỗ trợ, thì sẽ thu hút được 34 đồng ngoài ngân sách đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tư duy phát triển nhỏ lẻ, manh mún dần thay thế bằng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị nông sản.

Ngành Nông nghiệp của tỉnh đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với hướng đi là lựa chọn một số loại cây, con có ưu thế phù hợp với tiểu vùng khí hậu, sinh thái đặc thù của tỉnh để phát triển thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại. Đồng thời, đã thu hút một số nhà đầu tư nghiên cứu quy hoạch và định hướng phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vân Đồn, Móng Cái, Đông Triều, Đầm Hà. Nhiều vùng sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn được hình thành như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, diện tích 1.690ha ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn, diện tích 348ha ở TX Quảng Yên; vùng trồng cây dong riềng, diện tích trên 516ha ở huyện Bình Liêu...

Trong các lĩnh vực chăn nuôi, hướng sản xuất đã dần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm. Đối tượng vật nuôi chủ lực được xác định thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Đến nay, toàn tỉnh có trên 210 trang trại, tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Tỉnh đã mở rộng các vùng nuôi trồng tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh, phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.

Nguyễn Thanh

Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Bình Phước hiện có 14.500 ha cây tiêu với sản lượng 25.000 tấn. Để có sản phẩm tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ và các thị trường khó tính, từ năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững thông qua việc hình thành các câu lạc bộ, tổ, nhóm.

Đoàn công tác của Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan thăm mô hình sản xuất tiêu sạch của hộ anh Nguyễn Tiến Quân, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng)

Sau 7 năm thực hiện với 3 giai đoạn, đến nay, dự án đã được triển khai trên địa bàn 6 huyện và thành lập được 66 câu lạc bộ, tổ, nhóm sản xuất tiêu sạch với khoảng 2.000 nông hộ tham gia.

Tham gia dự án, nông dân được tập huấn nguyên tắc, kỹ thuật canh tác tiêu bền vững theo mùa vụ, kỹ năng kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu, an toàn lao động, thu hoạch, phơi sấy... Năm 2019, dự án đã đánh giá độc lập việc sản xuất tiêu của 1.090 hộ dân tham gia dự án. Qua đánh giá cho thấy, các hộ dân cơ bản tuân thủ tiêu chí đề ra; tiêu sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao hơn.

Đặc biệt, năm 2019, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã thu mua 3.950 tấn của các câu lạc bộ tham gia dự án với giá ưu đãi hơn so với giá thị trường. Ngoài ra, công ty còn thu mua của các hộ dân ngoài dự án với tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đều được công ty trả thêm phần lợi nhuận để khuyến khích nông dân sản xuất tiêu an toàn và tăng cường mối liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Dự án đã làm thay đổi nhận thức của người dân, từ canh tác truyền thống sang canh tác có trách nhiệm. Không chỉ sản xuất ra sản phẩm có chất lượng mà còn quan tâm tới môi trường sinh thái, sức khỏe người lao động và người tiêu dùng. Năm 2020, dự án đưa vào vận hành kho trung tâm ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú), tăng cường năng lực hỗ trợ nông dân và thu mua trên địa bàn, tiến tới thực hiện một số khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng”.

Minh Luận

Hải Dương: Chế phẩm Emina nâng cao năng suất, chất lượng trên cây hành

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Với mục tiêu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho cây trồng, vụ Đông năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu Emina, phân hữu cơ trong sản xuất hành” tại các xã/phường: An Sinh, Lạc Long và Thượng Quận (Kinh Môn) với quy mô 03 ha (01 ha/xã), có 30 hộ tham gia.

Emina (Effective Microorganisms of Institute of Agrobiology) là chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu do Viện Sinh học Nông nghiệp phân lập và sản xuất theo kết quả của một dự án cấp Bộ. Chế phẩm này được Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường.Chế phẩm Emina là tập hợp hệ vi sinh vật hữu hiệu, bao gồm bốn nhóm vi sinh vật chính: Vi khuẩn quang hợp tía, vi khuẩn lactic, vi khuẩn Bacillus, nấm men. Đây là các chủng vi sinh vật được phân lập tại Việt Nam, được phối trộn chung lại thành chế phẩm, không độc hại với người và vật nuôi cũng như với môi trường.Emina khi vào môi trường làm lệch cân bằng theo hướng có lợi cho con người, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng và vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngày 15/01/2020, tại phường An Sinh (thị xã Kinh Môn), Viện Sinh học Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kinh Môn, UBND phường An Sinh tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình ''Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu Emina, phân hữu cơ trong sản xuất hành''.

Kết quả tại hội thảo cho thấy, hành sử dụng chế phẩm Emina có năng suất khoảng 6,5 tạ/sào, tăng 14% so với hành không sử dụng chế phẩm. Cây hành cứng, không bị đổ, ít sâu bệnh nên chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật giảm. Dùng chế phẩm này còn làm tăng độ màu mỡ, tơi xốp cho đất. Với giá bán tại ruộng tại thời điểm thu hoạch là 15.000 đồng/kg, mỗi sào hành cho thu nhập gần 10 triệu đồng, cao hơn đối chứng hơn 1 triệu đồng/sào.

Trần Cảnh - Trung tâm Khuyến nông Hải Dương

Luân canh trồng màu, né hạn

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020, nông dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ không tiếp tục gieo sạ lúa vụ hè thu mà chuyển sang luân canh trồng các loại rau màu trên nền đất lúa, nhất là trồng mè. Cách làm này vừa giúp bà con giảm được chi phí bơm tưới nước để thích ứng với điều kiện nắng hạn đang diễn biến phức tạp, vừa “cắt đứt” được các mầm sâu bệnh trên đồng ruộng và cải tạo đất, giúp những vụ lúa sau trúng mùa.

Nông dân ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt sử dụng máy tẹt hàng để làm đất chuẩn bị gieo sạ mè trên ruộng lúa.

Trồng mè né hạn

Ông Lê Thanh Phong ngụ khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, có 21 công ruộng, cho biết: “Vụ hè thu 2020, nắng hạn hơn mọi năm và đất của tôi thuộc khu vực gò cao khó giữ nước cho đồng ruộng nên tôi quyết định không sạ lúa mà xuống giống trồng màu cho 21 công đất, trong đó, tôi trồng mè 18 công và 3 công trồng dưa hấu. Vụ hè thu năm trước, tôi cũng đã có trồng 5 công mè và đạt hiệu quả rất cao. Mè cho năng suất đạt 9 giạ/công (tầm lớn 1.300m2 và bán được giá 50.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời gần 7 triệu đồng/công”. Ông Phạm Văn Kiệu, ngụ phường Thuận An, cũng cho biết: “Vụ hè thu 2020 này, tôi tiếp tục gieo sạ mè trên 5 công đất của mình, ít phải tốn chi phí chăm sóc và bơm tưới nước so với trồng lúa mà hiệu quả sản xuất cao hơn gấp 2-3 lần nếu mè trúng mùa, trúng giá. Vụ hè thu 2019, 5 công mè của tôi với năng suất đạt 8 giạ/công và giá bán hạt mè dao động ở mức 50.000-51.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời bình quân 5-6 triệu đồng/công. Năm nay, tôi hy vọng mè tiếp tục trúng mùa”.

Mè được đánh giá là loại cây trồng tiết kiệm nước do chịu hạn tốt và có khả năng thích ứng với các điều kiện nắng nóng trong vụ hè thu. Sản xuất luân canh giữa lúa và mè không chỉ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất hè thu mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Đặc biệt, các ruộng lúa sau khi trồng mè giúp cải tạo đất và tiêu diệt lúa cỏ và nhiều mầm sâu bệnh hại lúa. Anh Nguyễn Văn Thư, ngụ khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, cho biết: “Gần đây, lúa cỏ (lúa lộn) xuất hiện khá nhiều trên đồng ruộng, nông dân phải tốn nhiều công sức để nhổ và cắt bỏ. Hơn nữa, làm lúa liên tục nhiều vụ trong năm khó trúng mùa, sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân, tôi chuyển một số diện tích đất lúa sang luân canh trồng mè và các loại rau màu đang có đầu ra tốt nhằm né hạn và “cắt đứt” lúa cỏ và các mầm sâu bệnh hại lúa. Tôi có 23,5 công ruộng, vụ hè thu này tôi chỉ sạ lúa 12 công đất tại khu vực đảm bảo nước tưới, còn lại 5 công đất tôi trồng mè và 6,5 công đất trồng rau tần dày lá”.

Cây mè có thời gian trồng khá ngắn, chỉ khoảng 75 ngày là thu hoạch. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản được trong một thời gian rất dài, có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Đây cũng là những nguyên nhân nông dân chọn trồng mè trong vụ hè thu.

Hướng đến sản xuất bền vững

Hiện nay, điều mà nhiều nông dân trồng cây mè và các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày nói chung chưa an tâm là còn thiếu các đơn vị, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Do vậy, giá cả đầu ra của sản phẩm còn thường biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân khi bước vào các mùa thu hoạch rộ. Ông Lê Văn Hoàng, ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: “Thấy giá lúa vụ đông xuân 2019-2020 tương đối thấp, tôi chuyển 8 công đất sang luân canh trồng mè với hy vọng có giá đầu ra tốt hơn và nhẹ chi phí sản xuất. Song, do chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào tham gia bao tiêu mè nên tôi vẫn còn lo cho giá cả đầu trong tương lai”.

Nông dân cũng còn thiếu thông tin và hạn chế về trình độ kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây mè và các loại rau màu để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến rất phức tạp, nắng nóng bất thường và mưa trái mùa do biến đổi khí hậu, rất dễ gây thiệt hại về năng suất cho cây mè và nhiều loại rau màu. Mặt khác, do còn thiếu các máy móc cơ giới để phục vụ việc chăm sóc, thu hoạch mè và các loại rau màu nên nông dân cũng ngán ngại trồng vì thiếu nhân công. Theo ông Nguyễn Văn Khang, ở phường Thốt Nốt, ngoài việc luân canh trồng mè, những năm qua nông dân tại quận Thốt Nốt cũng đã phát triển nhiều loại cây trồng khác trên nền đất lúa trong vụ hè thu: trồng dưa hấu, mướp hương, bầu, bí, ớt... và đã có thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình sản xuất này còn gặp khó vì nông dân lo ngại năng suất đạt thấp, đầu ra không có do nhiều người cùng trồng. Các cơ quan chức năng cần quan tâm tăng cường tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ kết nối giữa nông dân với các nhà tiêu thụ nông sản để bà con an tâm sản xuất.

Năm 2020, dự kiến diện tích trồng mè và các loại rau màu trên địa bàn quận Thốt Nốt đạt hơn 580ha, tăng hơn 50ha so với năm trước. Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, quận rất quan tâm việc khuyến cáo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để tiết kiệm nước tưới, thích ứng với các điều kiện sản xuất bất lợi và gắn với nhu cầu thị trường. Hiện quận đã có 200ha đất lúa nông dân chuyển sang luân canh trồng mè trong vụ hè thu 2020 và con số này còn tăng trong thời gian tới do nông dân đang tiếp tục xuống giống thêm nhiều diện tích.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Trồng xoài cát hồng cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tại ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), gia đình lão nông Mười Tùa (Nguyễn Văn Tùa) đã ghép trồng thành công giống xoài cát hồng lên thân cây xoài cát Hòa Lộc, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Tùa đang chăm sóc vườn xoài của mình sắp đến ngày thu hoạch.

Theo anh Út Vàng (Nguyễn Thanh Nhàn) con trai út của ông Tùa thì tình cờ anh đọc được trên mạng internet biết được giống xoài lạ này là của một nhà vườn ở xã Bình Phú Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đang trồng. Thấy trái xoài to, màu sắc hồng, hỏi ra mới biết đây là giống xoài Đài Loan mà nhà vườn này đang trồng bị đột biến gen nên ra trái lạ. Khi xoài chín, chủ vườn đã mang cho nhiều người dùng thử, thấy thịt xoài có màu vàng tươi, ít xơ nhiều nước, mùi vị ngọt, thơm, da dày, trái để lâu không úng.

Do không biết nguồn gốc xuất xứ trái xoài từ đâu mà có nên nhiều nông dân, cũng như thương lái mua xoài thấy trái xoài có hình dáng bầu tròn giống trái xoài cát Hòa Lộc, chỉ khác biệt là chỗ phần da trái xoài có màu hồng nên bà con tự đặt tên là “xoài cát hồng”. Ưu điểm của giống xoài này là thân cây khỏe tốt, khi trồng phát triển nhanh và mạnh, cây có thể cho trái sau 24 tháng trồng và trồng được ở bất cứ thời gian nào trong năm, tốt nhất là vào đầu mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Anh Vàng cho biết xoài cát hồng có thể trồng được trên nhiều loại đất, chỉ cần đất có độ tơi xốp, đường thoát nước tốt không bị ngập úng và không bị nhiễm mặn là có thể trồng được.

Nhận thấy đây là giống xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời có nhiều ưu điểm hơn so với những giống xoài khác mà anh đang trồng nên từ diện tích 1,5ha trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan đang cho trái, anh Vàng thuê mướn người cắt ngọn tỉa cành, rồi ghép thêm bo giống xoài cát hồng vào thân, nhánh cây xoài cát Hòa Lộc, tạo thành 1 cây 3 thứ giống như cát Hòa Lộc, Đài Loan, cát hồng, cả 3 giống đều ra hoa kết trái cùng một lúc. Anh Vàng cho biết thêm với cách cấy ghép này thì cây ghép chỉ 1 năm là cho trái, năng suất trái từ nhánh ghép còn cao hơn cây trồng trực tiếp ở lứa đầu tiên khoảng 3 lần. Trọng lượng trung bình của trái nhỏ nhất cũng đạt từ 700gram, còn trái to hơn từ 2kg/trái.

Từ vài trăm cây xoài giống ban đầu trồng thử nghiệm, giờ thì vườn xoài cát hồng của ông Tùa đã phủ kín diện tích hơn 2ha, trong đó hơn 1,5ha xoài đang cho trái. Đánh giá về mức độ hiệu quả, anh Vàng cho biết xoài cát hồng dễ trồng, dễ ghép như xoài Đài Loan. Khi cây ra hoa đậu trái thì ngoài việc bón phân tưới nước, bước tiếp theo cần phải thực hiện là bao trái để tránh côn trùng, sâu bọ đeo bám đục phá trái mà không cần phải phun xịt thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến chất lượng trái và sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ áp dụng đúng theo quy trình khoa học kỹ thuật nên năm đầu tiên vườn xoài nhà ông Tùa thu hoạch được hơn 11 tấn trái giống cát hồng, gần 5 tấn trái xoài Đài Loan, thương lái vào tận vườn mua xô xoài Đài Loan giá 15.000 đồng/kg, xoài cát hồng 47.000 đồng/kg, riêng những ngày cận tết thương lái mua giá lên đến 60.000-70.000 đồng/kg. Kết thúc vụ xoài cát hồng đầu tiên, trừ đi các khoản chi phí ông Tùa còn lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Và con số này, còn đang tăng dần theo từng mùa mỗi năm của mỗi vụ xoài.

Với nụ cười toại nguyện, ông Tùa thừa nhận: “Nhờ áp dụng mô hình kinh tế kết hợp ao - vườn, trên cây dưới cá, phụ thêm nghề ươm bán cây giống nên gia đình ông mỗi năm tích lũy được số tiền 500-600 triệu đồng. Đó cũng là nhờ ông biết nhạy bén chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng thực hành theo đúng theo quy trình khoa học kỹ thuật mà ngành nông nghiệp đã hướng dẫn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Bữu Sơn, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, cho biết hiện trạm đang lập kế hoạch cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh tới đây sẽ có buổi làm việc với hộ gia đình để thực hiện quy trình hỗ trợ dán tem nguồn gốc xuất xứ trên trái xoài các hồng của ông Tùa đang trồng. Đây cũng là cách giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ của trái xoài, nơi nông dân sản xuất trong việc tiêu dùng và mua bán.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Lối mở cho sản xuất cây giống

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Năm 2020, việc đăng ký cây đầu dòng trong sản xuất cây giống ở tỉnh sẽ dễ dàng và rút ngắn thời gian hơn nhờ Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho 2/10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là hoa kiểng và cây giống.

Sản xuất cây giống cần sự chia sẻ cây đầu dòng.

Quan tâm cây đầu dòng

Để biết được chất lượng của cây giống, nhiều người mua chỉ căn cứ vào uy tín, danh tiếng của người bán, còn cơ sở để xác định chất lượng cây giống thì không dễ chút nào.

Chị T.Đ., thường mua dừa giống ở TP. Bến Tre chia sẻ: “Giờ đi mua cây giống rất khó, phải biết chỗ tin cậy mới dám mua. Nếu không thì vừa mất tiền, mất công chăm sóc, lại tốn đất đến mấy năm. Tôi có người bạn có vườn bưởi trồng hơn 3 năm, đến khi cây có trái, mới biết chất lượng giống không phải như loại đặt mua. Thế là phải chặt bỏ cả vườn”.

Không ít người mua cây giống về trồng đến vài năm mới “té ngửa” biết cây kém chất lượng. Cái giá phải trả cho cây giống “dỏm” khá nặng. Mặc dù Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Chính phủ ký ban hành tháng 5-2016 đã được triển khai nhiều năm qua, nhưng đến nay tỉnh chưa xử phạt trường hợp nào trong lĩnh vực giống cây trồng.

Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Văn Dũng cho biết: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan được giao quyền thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Chi cục trưởng có quyền ký phạt cao nhất đến 50 triệu đồng. Tỉnh là một trong những địa phương được xem là làm tốt trong lĩnh vực quản lý giống cây trồng.

“Thời gian qua, chúng tôi chưa xử phạt vi phạm hành chính trường hợp nào liên quan lĩnh vực giống cây trồng theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP. Vì theo nghị định, không phạt được đối với hộ sản xuất cây giống không đăng ký kinh doanh. Còn hộ sản xuất cây giống có đăng ký kinh doanh thì có giấy tờ đầy đủ” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.

Tỉnh hiện có 39 cây đầu dòng các loại được công nhận và trên 230 vườn cây đầu dòng các loại được công nhận. Đây là nỗ lực của người dân và tỉnh. Bởi theo quy định cũ thì để công nhận cây đầu dòng phải mất gần 10 năm để đánh giá.

Chứng minh quy trình sản xuất

Trong khi Nghị định số 31/2016/NĐ-CP được cho là còn “kẽ hở” thì thị trường ngày càng đòi hỏi khắc nghiệt, cây giống phải đảm bảo chất lượng. “Mấy hôm trước, tôi có đi qua Campuchia, nơi một tập đoàn lớn của Việt Nam đang đầu tư, người đại diện tập đoàn muốn mua cây giống. Họ hỏi tôi có đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc không. Tôi lại không có” - anh C.T, một nông dân sản xuất cây giống ở huyện Chợ Lách bày tỏ tiếc nuối.

Trong vai trò là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, ông Huỳnh Thiên - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách nêu ý kiến: Thiếu đất tạo vườn đầu dòng không phải là nguyên nhân chính. Vì một vườn đầu dòng có 50 cây (chiếm diện tích đất 1.000m2) đủ cung cấp mắt ghép sản xuất 10 ngàn cây giống/năm.

Cái khó nhất hiện nay trong tạo vườn cây đầu dòng là chủ nhân của cây đầu dòng không muốn chia sẻ. Họ muốn giữ cái riêng, độc quyền sản xuất nên ít chịu ký giấy chuyển giao, công nhận cho loạt cây giống họ sản xuất từ cây đầu dòng. Hậu quả là, cây giống chất lượng từ cây đầu dòng vẫn tung ra thị trường nhưng không có nhãn mác, thương hiệu. Điều này rất dễ cho việc giả mạo, trà trộn cây giống kém chất lượng. Từ đó, làm mất uy tín, thương hiệu cây giống Bến Tre.

Luật Trồng trọt được Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018, có hiệu lực vào ngày 1-1-2020 đã mở ra cơ hội cho người sản xuất giống ở Bến Tre, nhất là đối với các giống mới.

Triển khai mô hình mới

Ước tính của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mỗi năm, tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 45 triệu sản phẩm cây giống, với số lượng vườn đầu dòng đã được công nhận chỉ đáp ứng trên 50% sản phẩm cây giống cung cấp ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết: “Theo quy định cũ, một giống mới phải qua khảo nghiệm 7 năm và 3 năm liên tiếp để khảo nghiệm tính ổn định, thế thì mất đi tính mới, tính thời sự của giống mới, cạnh tranh. Luật Trồng trọt đã bỏ quy định cũ này. Giờ đây, một giống mới chỉ mất 31 ngày đăng ký cây đầu dòng. Tuy nhiên, người dân phải báo rõ đặc tính của cây giống mới để chính quyền địa phương hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận”.

Trong năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre sẽ triển khai mô hình “Thực hành sản xuất cây giống tốt” theo quy trình: hộ sản xuất cây giống phải có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc để người mua biết cây giống lấy mắt ghép từ cây đầu dòng nào, ngày ươm gốc, ngày ghép, đường kính gốc ghép, chiều cao cây…”

Khi đạt những điều kiện trên, hộ sản xuất cây giống sẽ được cấp chứng nhận “Đủ điều kiện sản xuất cây giống tốt”. Đây là “bùa hộ mệnh” cho người dân khi bán cây giống trên thị trường. Qua đó, giữ thương hiệu và tăng uy tín cho cây giống Bến Tre, để nghề sản xuất cây giống Bến Tre không mai một mà ngày càng vươn xa.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Bắc Giang thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch ở vật nuôi

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Mới bước vào đầu xuân, thời tiết mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt kết hợp với không khí lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát triển. Hiện các cấp chính quyền cùng các chủ chăn nuôi trong tỉnh Bắc Giang đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

Chăn nuôi an toàn, hiệu quả cao

Năm 2019 đánh dấu bước thăng trầm của ngành chăn nuôi. Khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát đã khiến gần 280 nghìn con lợn của Bắc Giang bị chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, có thời điểm giá lợn xuống thấp làm chủ nuôi lỗ nặng.

Kiểm tra thân nhiệt phòng dịch bệnh trên đàn lợn tại trang trại của gia đình bà Hoàng Thị Thái, thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên).

Khi lượng thịt lợn thiếu hụt tác động tới tình hình chăn nuôi các loại vật nuôi khác. Đặc biệt là đàn gia cầm, thủy cầm phát triển khá mạnh. Do thịt lợn khan hiếm, đắt đỏ nên người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu thụ thịt gà, vịt nhiều hơn, kéo theo giá gà tăng đột biến, cao hơn năm 2018 khoảng 20% và hiện vẫn giữ ổn định ở mức cao. Người nuôi gia cầm thu lãi từ 40 đến hơn 65 triệu đồng/1.000 con gà sau 4 tháng nuôi.

Trong đợt DTLCP vừa qua tại Tân Yên và Yên Thế, đa phần các chủ nuôi áp dụng hiệu quả phương pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh nên tỷ lệ lợn chết do mắc bệnh DTLCP thấp nhất tỉnh. Cùng đó, tổng đàn gia cầm cũng được duy trì ổn định. Thực tế cho thấy, những cơ sở chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh đều thu lãi lớn bởi nhờ phương pháp này mà họ đã bảo vệ được đàn gia súc, gia cầm.

Nhiều cơ sở chăn nuôi hiệu quả như: Gia đình bà Hoàng Thị Thái, thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) với hơn 10 nghìn con lợn; HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa) chuyên chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm từ lợn; HTX Nông nghiệp xanh (Yên Thế) chuyên chăn nuôi, giết mổ, chế biến các sản phẩm từ gà... Các cơ sở này đều thu lãi từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng trong năm 2019.

Đơn cử tại hộ bà Phạm Thị Bích, thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế), bà Bích chia sẻ, để bảo vệ đàn lợn của gia đình, bà thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly khu chăn nuôi với bên ngoài, luôn cho lợn ăn đủ khẩu phần và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Riêng năm 2019, bà đã chi gần 36 triệu đồng mua các loại thuốc khử trùng, vôi bột, xây bể sát trùng ngoài cổng để hạn chế người và phương tiện mang mầm bệnh vào khu chăn nuôi. Ngày nào bà Bích cũng phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, vì thế đàn lợn luôn được bảo vệ tốt. Hiện gia đình bà có 25 lợn nái và 78 lợn con. Với giá lợn giống cao như hiện tại, gia đình tôi thu lãi hơn 1 triệu đồng/con giống.

Không chủ quan, lơ là

Thời điểm này, toàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bị ốm chết do mắc bệnh DTLCP nên Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tới các địa phương hướng dẫn, thẩm tra các điều kiện để công bố hết dịch. Tuy nhiên, theo thông báo từ Cục Thú y, năm 2019 bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố. Ngày 7-1 vừa qua xảy ra 1 ổ dịch cúm AH5N6 tại Quảng Ninh - tỉnh tiếp giáp với Bắc Giang, cùng với đó kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm A tại 26 tỉnh, TP trong cả nước rất cao (37,72%).

Bắc Giang là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn khoảng 18 triệu con, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm tại một số địa phương trong tỉnh còn thấp, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những nguyên nhân trên làm nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao.

Năm 2020, Bắc Giang phấn đấu (trung bình năm) tổng đàn trâu đạt 40 nghìn con; đàn bò đạt 137,5 nghìn con; đàn lợn đạt 1 triệu con (năm 2019 là 800 nghìn con); đàn gia cầm đạt 18,4 triệu con. Thịt hơi các loại đạt 219 nghìn tấn.

Đặc biệt, gần đây, tại huyện Sơn Động đã có hàng chục gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó xã Long Sơn là địa phương có nhiều nhất với 32 con trâu. Năm nay cũng xuất hiện loại dịch bệnh mới nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người đó là dịch nCoV, gây tác động xấu đến đời sống, kinh tế trong nước cũng như toàn cầu, trong đó có ngành chăn nuôi.

Để tránh nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại, vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND các huyện, TP, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đến thời điểm này, 100% huyện, TP đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020, kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, phấn đấu tiêm phòng bảo đảm đạt 100% gia cầm thuộc diện phải tiêm.

Các địa phương cũng bắt đầu thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 1 trong năm (từ ngày 10-2 đến ngày 10-3). Nhiều địa phương như Yên Thế, Lục Ngạn đã chủ động phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh nCoV kết hợp với phòng dịch cho gia súc, gia cầm từ ngày 7 và 9-2.

Ông Lê Văn Dương, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trong thời gian tới cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tuyên truyền tới các địa phương, chủ trang trại, hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng dịch, thông qua tiêu độc, khử trùng và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi.

Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn. Các chủ nuôi cũng cần chung tay, không chủ quan lơ là, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch từ gia đình mình.

Thế Đại

Thu nhập cao với mô hình nuôi le le sinh sản

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Le le hay còn gọi là vịt cổ xanh, vừa biết bay, vừa biết bơi, nên cần thiết kế chuồng trại rộng, thoáng mát, có cây xanh bao phủ, tạo môi trường hoang dã để chúng phát triển. Thức ăn của le le chủ yếu là lúa, cá, tép và một số loại rong, bèo trong ao, mương.

Anh Triều và lực lượng kiểm lâm huyện kiểm tra ổ le le đang đẻ.

Anh Bùi Văn Triều, ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết le le rất dễ nuôi, từ khi mới nở tới lúc sinh sản mất khoảng 7 tháng, thường sinh sản vào mùa mưa hàng năm. Mỗi con le le mái có thể đẻ từ 6-7 lứa trong năm, mỗi lần đẻ gần 10 trứng. Le le con sau nở một tháng được bán với giá từ 700.000-800.000 đồng/cặp.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Cả nước đã tiêu hủy 43.202 con gia cầm nhiễm vi rút cúm A/H5N6

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 13-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020.

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Cục Thú y nhận định, chủng vi rút cúm A/H5N6, được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hằng năm vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do vi rút này.

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin cúm cho đàn gia cầm tại một số địa phương còn thấp, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Tiêm vắc xin để phòng chống hiệu quả cúm gia cầm.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các loại bệnh trên đàn gia súc kịp thời, hiệu quả, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của Luật Thú y. Các địa phương hướng dẫn người dân tái đàn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phù hợp nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu; tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm.

Các địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo dịch bệnh kịp thời. Đặc biệt, các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y để giám sát dịch bệnh tới từng thôn xóm.

Các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm gia cầm, các loại bệnh trên động vật, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, động vật khác; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh...

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop