Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 04 năm 2021

Xuất khẩu xoài đạt trên 180 triệu USD

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 12-4, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực về xuất khẩu xoài của Việt Nam”, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các tỉnh ĐBSCL, các viện trường, doanh nghiệp xuất khẩu, cùng nhiều hợp tác xã sản xuất xoài…

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, toàn vùng ĐBSCL có hơn 47.000ha xoài các loại, năng suất bình quân đạt từ 11-13 tấn/ha, sản lượng khoảng 567.732 tấn/năm. Trong số này, có 1.789ha xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP phục vụ xuất khẩu. Năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng xoài đạt hơn 180 triệu USD. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản…

Tại hội thảo, các nhà chuyên môn và các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, trong năm qua tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu còn khiêm tốn (hơn 180 triệu USD), điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ xoài trên thế giới rất tiềm năng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T Group cho biết: “Từ tháng 4-2019, công ty chúng tôi đã xuất lô xoài đầu tiên với sản lượng 27 tấn sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không và đường biển. Trong 3 tháng đầu năm 2021, công ty xuất khẩu mỗi tuần khoảng 35 tấn xoài. Lợi thế hiện nay là xoài được cấp phép xuất vào thị trường Hoa Kỳ và Australia với công nghệ bảo quản 30 ngày; song song đó là các hiệp định thương mại tự do được ký kết giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường trong khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, xoài là loại trái cây có mùa vụ quanh năm, chất lượng ổn định nên doanh nghiệp thuận lợi trong chủ động ký kết các hợp đồng xuất khẩu…”.

Xuất khẩu xoài của cả nước đạt hơn 180 triệu USD trong năm vừa qua

Bộ NN-PTNT cho rằng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…

Cục Bảo vệ Thực vật, đề nghị các địa phương ĐBSCL tiếp tục đăng ký vùng trồng xoài, cấp mã số; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo. Đối với cơ sở đóng gói, xử lý, phải được kiểm tra giám sát định kỳ và có sự chấp nhận của nước nhập khẩu…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cả nước hiện có khoảng 87.000ha xoài, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 48% diện tích, đây là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài thì vai trò của các HTX là rất quan trọng; HTX chính là đầu mối để phối hợp, liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX sẽ quy tụ các xã viên để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp, hình thành nên vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu của nhiều thị trường khác nhau…

Xoài cát chu Cao Lãnh - thế mạnh của Đồng Tháp

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tiết lộ: Từ những năm 2005 - 2006, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cho ngành hàng xoài như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đê bao chống lũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái, sản xuất tiêu chuẩn GAP... Đặc biệt là xây dựng mô hình “cây xoài nhà tôi” để bán hàng qua mạng. Từ đó, hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Xoài cũng là 1 trong 5 ngành hàng mà Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện Đồng Tháp có 977,6ha xoài được cấp mã vùng xuất khẩu sang những thị trường khó tính và 4.228ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc... Đồng Tháp cũng thành lập 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073ha với hơn 10 doanh nghiệp... Mặt được là vậy, nhưng cái khó là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều; diện tích sản xuất đạt GAP còn hạn chế... Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.

HUỲNH LỢI

Bình Thuận: Toàn tỉnh có trên 11.400 ha thanh long VietGAP

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến nay toàn tỉnh có 11.419 ha thanh long VietGAP. Trong đó, Hàm Thuận Nam gần 6.891 ha, Hàm Thuận Bắc 3.546 ha, Bắc Bình 603 ha…

Thanh long VietGAP.

Về kế hoạch thực hiện chương trình sản xuất thanh long VietGAP thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông đã đăng ký làm việc với Ban chỉ đạo phát triển thanh long bền vững (Ban chỉ đạo) các huyện, thị xã, thành phố để triển khai chương trình sản xuất thanh long VietGAP năm 2021. Mặt khác, đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh sớm có quyết định kế hoạch chỉ tiêu VietGAP năm 2021. Riêng Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát, củng cố và duy trì công tác thông tin tuyên truyền, sớm thành lập các tổ, nhóm mới chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021.

Đến nay, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh khoảng 33.750 ha, tăng 6.719 ha so với năm 2016. Trong đó, ngoài 11.419 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn có 517 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là và một số cơ sở đang triển khai thực hiện sản xuất theo GlobalGAP như Hợp tác xã thanh long Nam Thuận Việt, Trang trại Thuận Quý, Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Tân Thuận, Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Khu Lê...

K.Hằng

Trồng dừa hữu cơ, hướng đi tất yếu nâng cao giá trị xuất khẩu dừa Bến Tre

Nguồn tin: VOV

Để nâng cao giá trị trái dừa thương phẩm, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, gần đây, tỉnh Bến Tre phát triển mô hình sản xuất hữu cơ theo hướng liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp, đảm bảo sản phẩm chất lượng “sạch”.

Xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre có hơn 1.100 ha dừa; trong đó 190 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ với 175 nhà vườn tham gia. Đây là mô hình trồng dừa theo tiêu chuẩn “sạch” hạn chế tối đa phân, thuốc hóa học.

Ông Phạm Quang Đằng, nhà vườn ở xã Châu Hòa cho biết, từ khi trồng dừa hữu cơ có nhiều cái lợi, nhất là hạn chế được chi phí sản xuất, năng suất, giá cả trái dừa tăng lên: “Dừa hữu cơ so với dừa thường rất có hiệu quả, trái dừa và năng suất dừa ổn định quanh năm. Đầu ra thì giá cả rất tốt, hiện giờ các công ty mua dừa hữu cơ giá cao hơn dừa thường từ 5%-10%. Trồng dừa hữu cơ không phải là dễ, phải có quy trình riêng, mình cần thay đổi tập quán canh tác của nông dân thì làm được”.

Bến Tre rợp bóng vườn dừa

Bà Lê Thị Bé Tám, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa cho biết, do hiệu quả kinh tế cao nên xã viên đang nhân rộng mô hình trồng dừa hữu cơ. Mới đây, Hợp tác xã đã ký hợp đồng sản xuất dừa hữu cơ với các doanh nghiệp theo hướng bao tiêu sản phẩm như: Công ty Betrimex, Công ty Dừa Lương Quới. Bước đầu, Công ty Betrimex đã liên kết bao tiêu với HTX trên diện tích 150 ha, 142 hộ của 7 ấp xã Châu Hòa, thu mua trái dừa với giá hơn 90.000 đồng/ chục, cao hơn dừa ngoài mô hình là 15.000 đồng/chục.

“Dừa hữu cơ bây giờ giá từ 80.000 đồng/chục trở lên và có thể hơn nữa. Nói chung, những người trồng hiệu quả thì thích dừa hữu cơ. Mình chăm sóc dừa hữu cơ thì đất sạch, không bị ô nhiễm hay hư đất. Hiện tại bây giờ HTX đang hợp tác với Công ty Betrimex thu mua dừa hữu cơ. Dừa hữu cơ giá tốt, tới đây, HTX sẽ cố gắng với Công ty Betrimex tuyên truyền cho bà con mở rộng, tham gia trồng dừa hữu cơ”, bà Lê Thị Bé Tám cho biết thêm.

Dừa hữu cơ năng suất cao, đạt chất lượng xuất khẩu

Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương đang phát triển mạnh mô hình trồng dừa hữu cơ của tỉnh Bến Tre. Chính quyền và nhân dân địa phương xác định chỉ trồng theo hướng hữu cơ thì trái dừa mới nâng cao chất lượng, có sức cạnh tranh và đủ điều kiện để “xuất ngoại”. Nhà vườn trồng dừa hữu cơ là hướng tất yếu để thu lợi nhuận cao.

“Hiện nay, huyện rất quan tâm dừa hữu cơ. Định hướng sắp tới, chúng tôi tiếp tục liên kết các doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành Trung ương để tiếp tục nhân rộng mô hình hữu cơ, nâng cao hiệu quả cho bà con trong sản xuất nông nghiệp. Dừa hữu cơ chúng tôi đã triển khai rất nhiều địa phương rồi như: xã Hưng Lễ, Châu Bình… Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng các xã còn lại”, ông Lê Văn Nhân, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là định hướng của ngành nông nghiệp địa phương; trong đó mô hình sản xuất dừa hữu cơ đang được tạo điều kiện và khuyến khích nhà vườn nhân rộng. Đến thời điểm này, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và EU đạt trên 10.500 ha; trong đó, diện tích được chứng nhận đạt gần 5.200 ha và diện tích đang chuyển đổi trên 5.300 ha. Hiện tại, đã có 9 doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu dừa hữu cơ, điển hình như: Công ty dừa Lương Quới, Betrimex, BEINCO... Ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, chi phí sản xuất cho nhà vườn, tích cực phòng trị sâu bệnh, khắc phục thiệt hại do hạn mặn để phát triển cây dừa hữu cơ.

“Để nhân rộng dừa hữu cơ trong thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, để nâng có nhận thức cộng đồng về dừa hữu cơ cũng như cách làm hữu cơ, được lan tỏa, được sự ủng hộ của cộng đồng. Thứ hai, chúng tôi quy hoạch lại địa bàn nào có thể làm dừa hữu cơ, tập trung đầu tư phát triển nó. Chúng tôi liên kết với doanh nghiệp để khai thác thị trường dừa hữu cơ để sản phẩm hữu cơ có chỗ đứng, tạo giá trị tăng thêm. Chúng tôi chú trọng công tác chuyển giao kỹ thuật để làm hữu cơ, xây dựng các quy trình chuẩn về hữu cơ để nhân rộng”, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre khẳng định.

Thu hoạch dừa khô tại tỉnh Bến Tre

Trong chuyến tham quan mô hình trồng dừa hữu cơ ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao mô hình sản xuất này. Theo ông Trần Thanh Nam, sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, huyện Giồng Trôm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất dừa hữu cơ; xây dựng mô hình dừa hữu cơ thí điểm theo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.

Bến Tre có tổng diện tích vườn dừa thương phẩm trên 73.000 ha, dẫn đầu cả nước. Giá trị ngành dừa chiếm hơn 50% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Do đó, việc sản xuất dừa “sạch” – dừa hữu cơ là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng, giá trị trái dừa, xây dựng thương hiệu trái dừa Bến Tre phục nhu cầu càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Thu nhập ổn định nhờ trồng bí đỏ leo giàn

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trồng bí đỏ leo giàn theo quy trình hữu cơ, sinh học, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mô hình sản xuất này đang được nghiên cứu để nhân rộng tại một số địa phương...

Sau thời gian canh tác khoai lang, ngô theo phương pháp truyền thống, anh Phạm Minh Vương, ở bon Choih, xã Đức Xuyên (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Chi phí sản xuất các loại cây trồng này ở mức cao, nhưng giá bán lại không ổn định. Chính vì thế, vụ đông xuân năm nay, anh Vương đã quyết định chuyển đổi 4 sào đất sang trồng bí đỏ theo hình thức cho cây leo giàn. Quá trình sản xuất, anh Vương áp dụng quy trình tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học.

Trước đó, anh Vương đã đi học tập kinh nghiệm trồng bí đỏ tại tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Được những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm, anh Vương đã thay đổi thói quen canh tác trước đây đó là chế biến các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh từ các chế phẩm sinh học, dược liệu để chăm sóc vườn cây.

Vườn bí đỏ leo giàn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Vương

Anh Vương cho biết, khí hậu, thổ nhưỡng ở Đức Xuyên khá phù hợp với cây bí đỏ. Trên 4 sào đất, anh trồng 6 loại bí đỏ khác nhau và đều phát triển tốt. Bước đầu cho thấy, cây bí có nhiều ưu điểm nổi bật, năng suất đạt cao.

Trước hết, về mặt thời gian, bí đỏ từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch mất khoảng 40 - 45 ngày và duy trì cho thu hoạch liên tục trong hơn 1 tháng. Mỗi quả bí có trọng lượng từ 0,5 kg trở lên, năng suất đạt bình quân khoảng 1,5 tấn/sào/vụ.

Hiện nay, gia đình anh Vương đã kết nối với thương lái ở tỉnh Lâm Đồng để được bao tiêu sản phẩm với giá từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi vụ trồng bí, anh Vương có thu nhập từ 100-120 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Theo anh Vương, các loại sâu hại trên cây bí đỏ chủ yếu sâu xanh, sâu đục quả, bọ trĩ, rầy rệp, nhện đỏ... Để phòng ngừa những loại sâu bệnh này, anh dùng ớt, tỏi, sả, vỏ quýt, vỏ trứng gà ngâm lên men rồi phun hằng ngày cho vườn bí. Anh sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây bí. Điều này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, mà còn bảo đảm an toàn sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao.

Trồng bí đỏ cho leo giàn có nhiều ưu điểm hơn so với để cây bò tự do trên mặt đất. Cây bí leo giàn sẽ có điều kiện để tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn, nên ít bị sâu bệnh. Bí đỏ leo giàn có thể trồng với mật độ cao gấp gần 2 lần so với trồng thông thường. Cụ thể, mỗi sào đất, bà con có thể trồng khoảng 500 cây bí đỏ và năng suất vẫn bảo đảm.

Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước cho bí đỏ leo giàn cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Quả bí được treo trên giàn, không phải tiếp xúc trực tiếp với đất, nên tỷ lệ tương đối đều và có màu sắc đẹp.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Xuyên, gia đình anh Vương là người tiên phong trong việc sản xuất cây bí đỏ leo giàn theo hướng hữu cơ tại địa phương. Đây là hướng phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm kỹ thuật cao.

Mô hình trồng bí của anh Vương bước đầu được đánh giá khá hiệu quả, có thể nhân rộng để xây dựng vùng nguyên liệu cây ngắn ngày ở Đức Xuyên. UBND xã Đức Xuyên sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tìm kiếm thị trường để người dân phát triển mô hình trồng bí đỏ leo giàn một cách ổn định, hiệu quả cao.

Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu, đánh giá hiệu quả mô hình trồng bí của anh Vương để triển khai, nhân rộng tại một số địa phương khác.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Hòa Bình: Đặc sản tỏi tía Mai Châu

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Với địa hình vùng núi cao, nhiệt độ không khí thấp và sương mù bao phủ ... xã Thành Sơn (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) rất phù hợp để phát triển giống tỏi tía - một trong những giống tỏi đặc sản của Việt Nam. Tỏi tía đã được người dân trồng từ lâu đời tại xã vùng cao này và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN chính thức cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Tỏi tía Mai Châu" vào tháng 12/2020.

Các đại biểu thực hiện truy suất nguồn gốc đối với sản phẩm tỏi tại lễ công bố Chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Tỏi tía Mai Châu".

Nói đến tỏi tía Pù Bin, Nong Luông (nay thuộc xã Thành Sơn) có lẽ không ai không biết. Những ngày giáp Tết, có dịp đi chợ phiên Mai Châu, du khách không thể bỏ qua những túm tỏi tía được buộc thành từng túm cao, cuống khô quắt nhưng củ mẩy và thơm nồng. Chị Trần Vân Anh, TP Hòa Bình chia sẻ: Mỗi lần lên Mai Châu tôi đều tìm mua tỏi tía bởi thích loại tỏi này tuy củ nhỏ nhưng vị rất thơm. Tỏi của bà con nông dân trồng tại vườn nhà đem bán nên rất yên tâm. Tôi thường mua về dùng như gia vị, cũng là một vị thuốc chữa cúm rất tốt.

Thực vậy, tỏi tía Mai Châu được xếp vào giống tỏi đặc sản của Việt Nam. Chất lượng củ tỏi không chỉ được khẳng định bởi "cảm nhận" của thực khách mà còn qua quá trình nghiên cứu khoa học. Đồng chí Trần Đình Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thông tin KH&CN (Sở KH&CN) cho biết: Tỏi tía Mai Châu là loại tỏi củ nhỏ, tép màu vàng, chứa rất nhiều tinh dầu, vị cay, thơm. Đặc biệt, dược tính tốt, nhất là hàm lượng allicin cao từ 6,81 - 7,23mg/g. Đây là hoạt chất chỉ sản sinh sau khi cắt mỏng hoặc dập nát củ tỏi. Allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin.

Một điều khác biệt nữa làm nên chất lượng tỏi tía Mai Châu chính là quy trình sản xuất củ tỏi. Mùa trồng tỏi bắt đầu từ tháng 10 năm trước và đến tháng 1 năm sau. Thời điểm này, địa bàn Pù Bin, Nong Luông mây mù luôn luôn bao phủ từ chiều hôm trước đến gần trưa hôm sau, nhiệt độ xuống thấp và điều đặc biệt là tất cả sản phẩm tỏi tía bán ra thị trường đều là tỏi một mùa. Lý giải điều này, đồng chí Hà Văn Diễn, Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn cho biết: Do điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, tỏi tía Thành Sơn không để được lâu. Vì vậy, tất cả tỏi bán ra thị trường đều là tỏi mới, thu hoạch trong năm được bà con phơi sấy, bảo quản gác bếp. Tỏi chỉ tiêu thụ trong một thời gian ngắn và không phải lúc nào cũng có tỏi tía Mai Châu trên thị trường.

Hiện nay, diện tích trồng tỏi tại xã Thành Sơn đạt hơn 10 ha. Nhiều hộ nông dân tại đây tiếp tục duy trì đặc sản tỏi tía theo phương pháp canh tác cổ truyền. Sản phẩm tỏi tía Mai Châu có chất lượng tốt và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Để xây dựng thương hiệu tỏi tía Mai Châu, UBND huyện đã phối hợp với Sở KH&CN xây dựng nhãn hiệu tập thể tỏi tía Mai Châu. Tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể tại Quyết định số 102266/QĐ-SHTT, ngày 3/12/2020. Qua đó, bước đầu khẳng định thương hiệu "Tỏi tía Mai Châu", là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm ra thị trường.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh: Để bảo vệ sản phẩm tỏi tía, Sở KH&CN cũng đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (tem thông minh QR code) tỏi tía Mai Châu. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cũng sẽ tạo điều kiện tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngành cũng đã phối hợp với các ngành chức năng bước đầu xây dựng thị trường và kênh phân phối tỏi tía Mai Châu tại TP Hòa Bình, đồng thời quảng bá tại các cửa hàng bán sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP tại TP Hòa Bình.

Hiện nay, UBND huyện Mai Châu cũng đang nghiên cứu để duy trì vùng trồng tỏi tía và tiếp tục quy hoạch vùng phát triển tỏi trong toàn vùng để tương xứng với tiềm năng. Đồng thời đã xây dựng phương án thiết thực hỗ trợ về giống, phân bón để nhân rộng vùng trồng tỏi. Tuy nhiên, để cây tỏi tía thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, rất cần những chính sách nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, có cơ chế theo dõi và giám sát hỗ trợ để duy trì chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu đối với sản phẩm tỏi tía nói tiêng và các sản phẩm đặc sản nông nghiệp của tỉnh nói chung.

Đinh Hoà

Đắk Nông: Gần 22.000 ha cây trồng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

Theo Chi cục Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng mở rộng diện tích các cánh đồng mẫu lớn và các loại cây trồng sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…

Mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cư K’nia (Cư Jút)

Hiện nay, UBND tỉnh đã công nhận 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC xã Buôn Choáh (Krông Nô) với diện tích gần 540 ha; 2 vùng sản xuất hồ tiêu ƯDCNC tại huyện Đắk Song với tổng diện tích 1.549 ha. Trong đó, vùng hồ tiêu ƯDCNC xã Thuận Hà có quy mô hơn 416 ha; vùng hồ tiêu ƯDCNC xã Thuận Hạnh hơn 1.133 ha.

Tính đến hết tháng 3/2021, tổng diện tích cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trên địa bàn tỉnh đạt gần 22.000 ha, sản lượng ước đạt 92.000 tấn. Trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.763 ha; GlobalGAP 10 ha; hữu cơ gần 400 ha và các tiêu chuẩn khác như: UTZ, 4C, Flo… với hơn 19.756 ha.

Văn Tâm

Tiền Giang: Các đập ngăn mặn, trữ ngọt phát huy hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Ngày 12-4, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Thiện Pháp cho biết, sau đợt triều cường vào cuối tháng 2 âm lịch này, dự báo, tình hình xâm nhập mặn sẽ giảm dần.

Vườn sầu riêng của người dân tại xã Phú Quý, TX. Cai Lậy phục hồi và ra hoa.

Với diễn biến của xâm nhập mặn, dự kiến, sau đợt triều cường này, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành tháo dỡ 7 đập thép gồm: Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười. Đồng thời, sau con nước Rằm tháng 3, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tháo dỡ đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Đến thời điểm này, các công trình phòng, chống hạn, mặn trên đã phát huy hiệu quả, đảm bảo mặn không xâm nhập vào vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh và đảm bảo được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nước sinh hoạt cho 2 nhà máy nước trên địa bàn tỉnh và 1 nhà máy ở tỉnh Long An.

Trước đó, căn cứ diễn biến của xâm nhập mặn, UBND tỉnh đã quyết định triển khai đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kinh, rạch gồm: Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười.

Sau thời gian nỗ lực thi công, các đập thép này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2021.

TRỌNG ĐẠT - NGỌC HÂN

Quảng Bình: Quyết liệt phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp

Tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), bệnh VDNC trên trâu bò xuất hiện từ đầu tháng 3-2021, tại xã Sen Thủy. Đến ngày 8-4, bệnh VDNC đã xuất hiện tại 9 xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy, làm 434 con trâu, bò bị bệnh, trong đó có 14 con bị chết.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh tại xã Sen Thủy, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã nhanh chóng khoanh vùng, tập trung xử lý số lượng trâu bò bị bệnh VDNC. Đồng thời, lực lượng chức năng tích cực phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện qua lại tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để tiếp xúc với mầm bệnh.

Người dân xã Dương Thủy (Lệ Thủy) phun tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng, chống bệnh VDNC.

Ông Nguyễn Hữu Tín, ở thôn Tây Thiên, xã Dương Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Để phòng chống dịch bệnh VDNC cho đàn bò, tôi đã cách ly 2 con bò mắc bệnh ở riêng. Đồng thời, cho bò uống nước chanh để cung cấp Vitamin C, uống sữa, nước cám và cho ăn thêm cỏ tươi; tiêm thuốc bổ và thuốc kháng sinh nên 2 con bò bị bệnh cũng đã dần khỏi bệnh. Tại chuồng trại, tôi cũng đã rải vôi, phun tiêu độc, khử trùng và thuốc diệt ruồi, muỗi, bọ chét…; nhân viên thú y xã cũng đã tiêm vacxin phòng bệnh cho số bò chưa bị bệnh”.

Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh VDNC, huyện Lệ Thủy đã được tỉnh cấp 5.500 liều vắc xin để tiêm cho đàn trâu, bò. Đến nay, huyện đã tiêm xong trên 2.000 liều, trong đó có 7 xã, thị trấn đã hoàn thành tiêm vắc xin, gồm các xã: Tân Thủy, Thanh Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy và thị trấn Kiến Giang. Các địa phương còn lại sẽ phấn đấu đến ngày 15-4 hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò”. Cũng theo ông Hán, cái khó nhất của huyện lúc này là thiếu nguồn vắc xin phòng bệnh; huyện cần khoảng 10.000 liều mới có thể tiêm hết cho đàn trâu, bò trên 16.000 con. Hiện, huyện cũng đã đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm vắc xin để sớm tiêm phòng cho đàn trâu, bò.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có 14 xã xuất hiện dịch VDNC trên trâu, bò với 261 con bị nhiễm bệnh, trong đó có 5 con chết, buộc phải tiêu hủy. Nguy cơ dịch VDNC trên trâu, bò tiếp tục xâm nhiễm diện rộng vẫn rất cao do đây là loại dịch bệnh mới, chưa có đầy đủ phác đồ điều trị…Hơn nữa, thời tiết đang ở trạng thái nóng, ẩm, các động vật trung gian truyền bệnh, như: muỗi, ve… phát triển nhanh, mật độ dày đặc. Trong khi đó, tổng đàn trâu, bò có nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn toàn huyện khá lớn với 12.575 con.

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn Nuôi và Thú y, từ ngày 8-2 đến ngày 8-4-2021, dịch bệnh VDNC đã xuất hiện tại 1.845 hộ/308 thôn/83 xã/8 huyện, thị xã, thành phố làm 2.887 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 92 con bò chết do bệnh. Các địa phương trong toàn tỉnh đã phun 2.492 lít hóa chất và rải 16.310kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò.

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng. Trong đó, cần tập trung tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, toàn bộ các vùng có nguy cơ cao; khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch.

Ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động mua ngay thuốc phun diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi. Thời điểm này, các hộ tại vùng có dịch không được chăn thả rông trâu, bò. Đối với các vùng chưa xuất hiện dịch bệnh, bà con cần hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại.

Cán bộ Thú y xã Phúc Trạch (Bố Trạch) tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò.

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, VDNC trên trâu, bò là loại dịch bệnh mới, khả năng lây nhiễm lớn nên các ngành, địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp cần thiết để phòng chống, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Ngành chăn nuôi và các địa phương tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân hiểu về căn bệnh và cách phòng tránh, không hoang mang, dẫn đến việc bán tháo, giết mổ đàn trâu bò; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ thịt hay việc mua bán trâu, bò từ các địa phương khác tới nhằm quản lý tốt công tác phòng dịch.

“Đây là loại dịch bệnh dễ lây lan, thời gian ủ bệnh dài, không làm gia súc chết ngay lập tức như các loại dịch bệnh khác. Vì vậy, khi thấy gia súc có dấu hiệu bị bệnh VDNC, người dân cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh, tích cực chăm sóc vật nuôi, tăng sức đề kháng để trâu, bò nhanh lành bệnh. Sau khi Bộ Nông nghiệp-PTNT công bố vắc xin phòng bệnh VDNC, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách mua 40.800 liều vắc xin để tiêm phòng cho trâu, bò. Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thành việc tiêm phòng cho trâu, bò. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục mua thêm 50.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC để tiêm cho trâu, bò. Qua 2 đợt tiêm phòng, dự kiến sẽ có hơn 80% tổng đàn, trâu bò trong toàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC”, ông Mai Văn Minh cho biết thêm.

Để phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh đang lan rộng; cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo các chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền liên tục cho người dân tự giác thực hiện các giải pháp phòng, chống; tập trung nhân lực để thực hiện phun thuốc diệt muỗi, ve; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên; giám sát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc…

Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn cùng với sự tích cực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, dịch VDNC trên đàn trâu, bò sẽ sớm được kiểm soát, không chế.

L.Chi-X.Vương

Nhiều tiềm năng phát triển bò lai ở Đắk Nông

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Thời gian qua, việc phát triển đàn bò theo hướng chất lượng cao đã được ngành chức năng triển khai thực hiện và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Ngành chức năng đã đề ra chỉ tiêu cụ thể đối với phát triển chăn nuôi bò trong thời gian tới.

Chất lượng bò giống được nâng lên

Từ nhiều năm nay, Đắk Nông đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt. Cụ thể, giai đoạn 2010-2018, cơ quan chuyên môn đã đưa 350 con bò đực giống Brahman đỏ để lai tạo với đàn bò cái nền địa phương.

Từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện dự án lai tạo thử nghiệm giống bò BBB trên nền đàn bò cái lai Zebu (lai Brahman, lai Sindhi), góp phần nâng cao thể trạng, chất lượng đàn bò giống, bò thịt trên địa bàn tỉnh.

Ông Huỳnh Đức Ánh, thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phát triển chăn nuôi bò từ năm 2017. Ban đầu, gia đình ông nuôi giống bò vàng truyền thống. Tuy nhiên, do hiệu quả không cao nên ông đã chuyển sang nuôi bò lai. Hiện gia đình ông có 14 con bò lai. Năm 2020, nguồn thu nhập từ đàn bò của gia đình ông đạt gần 200 triệu đồng. Ông Ánh cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ nuôi bò lai cao hơn nhiều so với bò vàng. Nuôi 1 con bò vàng giống địa phương phải mất 1 năm mới xuất chuồng, lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhưng nuôi 1 con bò lai, chỉ cần 6 tháng đã bán được 25 triệu và lãi 10 triệu đồng”.

Hằng năm, ông Huỳnh Đức Ánh, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) có thu nhập cao từ việc nuôi bò lai

Tính đến tháng 12/2020, tổng đàn bò của tỉnh là 31.400 con, trong đó, bò lai đạt 26.500 con, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng đàn bò của tỉnh. Đàn bò lai có khả năng sinh trưởng vượt trội so với đàn bò truyền thống, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT), hiệu quả nổi bật của việc phát triển đàn bò lai những năm qua là khả năng di truyền giống rất thuận lợi. Ngành Nông nghiệp, các địa phương, người chăn nuôi đã có sự phối hợp hiệu quả, tạo ra thế hệ con giống mới có chất lượng cao.

Điển hình là tổ hợp giống bò hướng thịt Brahman lai với giống bò địa phương. Dòng bò lai này có những đặc tính vượt trội hơn so với bò bố và bò mẹ, khả năng chịu được điều kiện chăn nuôi, môi trường tự nhiên của tỉnh. Bò lai Brahman chống chịu bệnh tật tốt hơn các giống bò khác.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, cải tạo đàn bò bằng lai tạo đã thể hiện tính ưu việt và đúng hướng. Quá trình cải tạo đàn bò đã đáp ứng được yêu cầu của nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới.

Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đã giải quyết được "bài toán khó" về nguồn bò giống cho bà con nông dân. Đây là tiền đề để tiếp tục thúc đẩy phát triển đàn bò theo hướng chất lượng cao trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Đức Ánh dành 3 sào đất để trồng cỏ, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò

Mục tiêu và lợi thế phát triển

Năm 2020, sản lượng thịt bò của tỉnh đạt khoảng 1.728 tấn, nhưng mới đáp ứng 60% nhu cầu của người dân trong tỉnh. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt của tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới, nhất là tận dụng các lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu...

Tháng 3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 288 phê duyệt Chương trình phát triển đàn bò lai hướng thịt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tăng số lượng đàn bò lên 38.000 con. Trong đó, bê lai F1 được tạo ra từ Chương trình khoảng 3.600 con, qua đó chọn lọc, tạo đàn bò cái sinh sản có chất lượng cao, phục vụ sản xuất giống bò thịt. Lực lượng thú y đề ra mục tiêu thực hiện phối giống cải tiến, cấp tiến cho khoảng 1.500 bò cái nền lai để tạo ra con lai có trọng lượng tăng gấp 1,5 lần so với bê lai hiện nay.

Thống kê của ngành Nông nghiệp, trọng lượng bình quân bê lai mới sinh trên địa bàn tỉnh đạt 23 kg/con, cao hơn 9 kg/con so với giống bê truyền thống của Việt Nam. Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, bê lai đạt 118 kg/con, cao hơn bê truyền thống 46 kg/con. Giai đoạn 24 tháng tuổi, bò lai có trọng lượng khoảng 250 kg/con, cao hơn bò truyền thống 105 kg/con.

Ngành chức năng, các địa phương tập huấn, tuyên truyền cho khoảng 800 lượt người chăn nuôi bò được tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới về chăm sóc, nuôi dưỡng giống bò lai hướng thịt. Các kỹ thuật về chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh; trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản thức ăn cho bò được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.

Mỗi huyện, thành phố đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất một mô hình về nuôi bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm để người dân học tập, nhân rộng...

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nông dân gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm bởi làm cho chi phí giá thành sản xuất tăng cao. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Triệu Phong đang (tỉnh Quảng Trị) canh cánh với nỗi lo thua lỗ.

Giá thức ăn tăng cao gây khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh: T.H

Liên tục nhiều ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến hàng loạt hộ chăn nuôi gia cầm hết sức lo lắng. Xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong có hàng chục trang trại chăn nuôi gia cầm. Thời điểm này người chăn nuôi trên địa bàn lao đao vì giá thức ăn tăng cao trong khi giá gia cầm lại giảm. Chị Đoàn Thị Hiếu ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa là hộ nuôi vịt đã nhiều năm nay. Hiện gia đình chị nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ kết hợp với lò ấp trứng, mỗi ngày thu hơn 800 quả trứng. Khoảng 2 - 3 ngày, chị Hiếu cho toàn bộ số trứng vịt thu được vào lò ấp và cho ra lò khoảng 2.000 vịt con để bỏ mối cho các thương lái. Mỗi năm nhờ mô hình nuôi vịt đẻ kết hợp với lò ấp trứng, gia đình chị Hiếu thu lãi gần 150 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay giá thức ăn cho vịt tăng cao, từ 320.000 đồng/bao trước đây thì nay lên tới 360.000 - 380.000 đồng/bao, trong khi đó vịt con bán ra thị trường với giá rất thấp, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/con (trước đây 5.000 - 6.000 đồng/con), cộng với các khoản chi phí khác thì người nuôi khó có lãi. Chị Hiếu cho biết: “Trung bình mỗi bao thức ăn đội giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Khoản chi phí thức ăn bỏ ra trong ngày quá cao, cứ theo đà thức ăn tăng như vậy thì chi phí đầu vào của nghề nuôi vịt cao hơn so với giá trị thu nhập về, cộng với các khoản chi phí khác thì người nuôi khó có lãi, thậm chí phải bù lỗ”.

Anh Trần Quốc Quý, một hộ nuôi lợn ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn cũng cùng nỗi lo như chị Hiếu. Hiện nay gia trại của anh Quý nuôi 120 con lợn, trong đó có 12 lợn nái. Trước đây, khi giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng thì mỗi ngày đàn lợn của anh tiêu thụ khoảng 800.000 đồng tiền thức ăn. Tuy nhiên do giá thức ăn hiện tăng cao nên chi phí tăng thêm từ thức ăn khoảng 400.000 đồng/ngày. Theo tính toán của anh Quý, mỗi con lợn thịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 4 tháng ăn hết hơn 9 bao cám, với giá thức ăn tăng cao như hiện nay sẽ mất chi phí hơn 3 triệu đồng, cộng với tiền giống khoảng 2 - 2,2 triệu đồng, ngoài ra thêm các khoản như tiêm vắc xin, thuốc phòng dịch bệnh, điện, nước… thì tổng chi phí đến khi xuất chuồng gần 6 triệu đồng. Trong khi đó, giá lợn hơi chỉ giao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg tùy thời điểm, mỗi con lợn xuất chuồng có trọng lượng hơn 80 kg - 90 kg, bán thu về khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, sau 4 tháng chăm sóc, người nuôi lợn gần như không có lãi hoặc lãi không đáng kể, chưa kể công chăm sóc. Anh Quý cho biết: “Giá thức ăn nuôi lợn liên tục tăng và không biết bao giờ mới ổn định, chưa tính tiền thuốc, tiền tiêm phòng bệnh, nên người chăn nuôi đối mặt với quá nhiều rủi ro trong khi thị trường lợn hơi có thể biến động tăng giảm nhanh chóng, khó lường, chưa kể dịch bệnh còn tiềm ẩn”.

Theo tìm hiểu thị trường, chủ các đại lý thức ăn chăn nuôi cho biết, từ tháng 1/2021 đến nay, thức ăn chăn nuôi nhiều lần tăng giá nên việc tiêu thụ hàng hóa giảm đáng kể. Giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, các trang trại đều nuôi cầm chừng, nhiều chủ trại không dám tái đàn, mở rộng quy mô, thậm chí có nhiều trang trại chăn nuôi còn giảm đàn mạnh, nhiều người tính đến chuyện nghỉ nuôi. Do vậy lượng thức ăn tiêu thụ ra thị trường cũng giảm đáng kể.

Ông Trần Văn Nhuận, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong cho biết: “Hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh đe dọa, người chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn do chi phí đầu vào cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Do đó, người chăn nuôi trước hết cần thực hiện tốt các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, thức ăn chăn nuôi đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Để chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao thì người chăn nuôi nên đầu tư theo hướng chăn nuôi theo công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn và chăn nuôi có sự liên kết với các công ty để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giảm rủi ro do dịch bệnh. Riêng đối với các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nên nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi hữu cơ và hướng canh tác tự nhiên để tăng giá trị sản phẩm, tạo ra các sản phẩm sạch. Chọn các đối tượng vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng, địa phương để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường”.

Thanh Hằng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop