Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 07 năm 2016

Nhiều nông dân bất an khi sản xuất vụ lúa thu đông

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vụ lúa hè thu năm nay, ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (chủ yếu là xã Thường Thới Tiền) có hàng chục hecta lúa non chết, khiến nông dân lao đao. Nhiều nông dân lo lắng, sợ tình trạng lúa chết tiếp tục tái diễn ở vụ thu đông.

Nhiều diện tích lúa còn sót lại đang mang bông nhưng thân chết khô, đổ ngã (ảnh chụp ngày 23/6/2016)

Càng gỡ càng thua

Đầu vụ hè thu, xã Thường Thới Tiền có khoảng hơn 30ha lúa non mới sạ vài ngày bị chết. Nông dân làm đất, sạ lại 2,3 lần; mua mạ, thuê nhân công dậm vá; chi mạnh vật tư nông nghiệp... với hy vọng cứu lúa để gỡ vốn đầu tư. Nhưng thực tế, càng đeo theo thì càng lỗ vì chi phí đội lên trong khi năng suất và chất lượng lúa thấp. Bên cạnh nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, số ít lúa mà nông dân cố cứu thì cũng thất mùa; hạt bị lép, đen. Dù còn đang mang bông nhưng thân cây lúa chết khô kiến dễ đổ ngã, làm giảm năng suất.

Anh Nguyễn Văn Phú (SN 1987) ở ấp Thượng 1, xã Thường Thới Tiền cầm nắm lúa chết khô trong tay, xót xa nói: Tôi có 24 công ruộng, phải sạ lại 2 lần nhưng bị thiệt hại 22 công. Tôi cố gắng dưỡng 2 công lúa còn lại để kiếm gạo ăn. Tổng chi phí lúa giống, vật tư nông nghiệp... 24 triệu đồng để đổi lại là 2 công lúa èo uột. Năng suất chỉ trên dưới 10 giạ/công, lại không sáng đẹp, nếu bán cũng không ai mua.

Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, ông Nguyễn Văn Quyết ở ấp Thượng 1 cũng nỗ lực dùng mọi cách để cứu 3ha lúa. Đến nay, ông tốn gần 40 triệu đồng nhưng chỉ dưỡng được khoảng 1,5ha trong tình trạng lúa bị cháy lá, năng suất và chất lượng thấp. Ông Quyết cho biết: “Lúa chết khi còn non nếu tôi bỏ lúc đó thì có lẽ chỉ lỗ khoảng 10 triệu đồng chi phí ban đầu, bây giờ thì lỗ nặng”.

“Tôi định đi Bình Dương làm thuê vì vụ này lúa thiệt hại, tôi lâm nợ rồi” - anh Lê Văn Tình ngụ ấp Thượng 1 cho hay. Kinh tế gia đình khó khăn, anh Tình thuê 2ha ruộng với giá 2,7 triệu đồng/công/3 vụ. Dùng mọi cách, anh chỉ “dưỡng” được khoảng 1ha lúa với năng suất giảm 50% so với bình thường nhưng phải tốn chi phí hơn 26 triệu đồng (chưa kể tiền thuê đất). Không chỉ anh Phú, anh Tình, ông Quyết mà ông Lý Văn Đàng, Võ Văn Hoàng, Bùi Hữu Nghĩa... cùng ở ấp Thượng 1 cũng chịu tình cảnh tương tự.

Nông dân cho rằng nước thải ao nuôi cá thải vào cống và thoát ra kênh Út Gốc

Lo sợ lúa tiếp tục thiệt hại ở vụ thu đông

Nguyên nhân lúa chết đã được nhà khoa học xác định chủ yếu do ngộ độc hữu cơ. Nhưng dường như lý do này chưa thuyết phục được nông dân. Nhiều người khẳng định nguyên nhân chính là do nước thải từ các ao nuôi cá lóc lân cận thải ra kênh Út Gốc, nước này được lấy tưới lúa. Bà con đang trong tình cảnh “đứng ngồi không yên” vì không lâu nữa sẽ xuống giống vụ thu đông.

Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: Huyện sẽ giải quyết tình trạng xả nước thải từ ao nuôi cá lóc ra môi trường; xây dựng hệ thống tưới tiêu đảm bảo phục vụ cho bà con sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp xây dựng hệ thống tưới tiêu đòi hỏi phải có kinh phí và thời gian. Vụ lúa thu đông sắp tới có thể sẽ không bị ảnh hưởng, thiệt hại như vụ hè thu vì thời tiết mưa nhiều, đất ruộng sẽ được rửa, hạn chế ngộ độc hữu cơ...

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự thông tin: Vụ lúa thu đông tới, nếu nông dân sản xuất đúng lịch thời vụ, đảm bảo thời gian cách ly và thời tiết mưa nhiều... thì lúa không bị ngộ độc hữu cơ, sẽ không thiệt hại. Chính quyền địa phương cũng có hạn chế là chưa giải quyết được tình trạng người nuôi cá xả thải ra kênh Út Gốc. Lúa chết có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc nông dân xuống giống không đúng lịch thời vụ nên không lấy được nước sông mà chủ yếu bơm “nguyên xi” nguồn nước thải từ ao nuôi cá tưới cho lúa.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa thu đông, nhiều nông dân lo lắng vì sợ sẽ bị thiệt hại như vụ hè thu. Bà con rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng có giải pháp sớm triển khai thực hiện để nông dân an tâm sản xuất vụ sau và những vụ tiếp theo.

HÒA HIỆP

"Cà phê PPP" không chỉ tăng năng suất

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chương trình hợp tác công - tư (public- private partner, viết tắt là PPP) đã qua 4 năm phát triển cà phê bền vững ở Lâm Đồng. Kết quả không chỉ tăng năng suất và thu nhập, mà còn tạo cơ hội mới cho người sản xuất tham gia vào các mô hình hợp tác lâu dài.

HTX sản xuất cà phê bền vững ở xã Nam Hà, Lâm Hà đang thu hút nhiều hộ nông dân tham gia

12 nhóm “cà phê PPP”

Một cuộc họp mới đây giữa Công ty Nestle, Điều phối viên và 12 nhóm trưởng thực hiện Chương trình PPP tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, đã đánh giá: Triển khai từ năm 2012 đến nay, Chương trình PPP phát triển cà phê bền vững ở Lâm Đồng tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động 12 nhóm sản xuất với hơn 1.140 nông hộ. 12 trưởng nhóm đồng thời là chủ hộ của 12 vườn cà phê mẫu, được thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn 4C về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tính riêng trong niên vụ cà phê 2015 - 2016, tất cả 12 nhóm trưởng thông qua Điều phối viên Chương trình PPP Lâm Đồng đã tham gia 2 đợt tập huấn kỹ thuật và tiếp cận kinh nghiệm tại các vùng sản xuất cà phê tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Những chuyên đề chuyên sâu qua 2 đợt tập huấn gồm: thời gian tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; kỹ năng tổ chức và cách thức tập huấn cho nông dân; hướng dẫn ghi nhật ký nông hộ và báo cáo định kỳ; phát triển sản xuất theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; tìm hiểu công nghệ tưới nước tiết kiệm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên…

Với vốn tích lũy kiến thức gắn với thực tiễn sản xuất cà phê theo Chương trình PPP, 12 nhóm trưởng hàng năm đã vận dụng khá linh hoạt trên vườn cà phê mẫu của mình, đồng thời tích cực chuyển giao đến từng nông hộ quanh vùng. Cụ thể ở niên vụ cà phê năm 2015 - 2016, qua kiểm tra của Điều phối viên phối hợp với các đối tác của Chương trình PPP Lâm Đồng, cho thấy: Trước diễn biến thời tiết thay đổi mưa, nắng thất thường, có nơi sương muối xâm nhập, dẫn đến một số vườn cà phê phát sinh nhiều loại bệnh như: thán thư, vàng lá, rỉ sắt… đã gây hại trong các thời điểm cây phát triển chồi cành mới hoặc ra hoa, đậu trái. Đáng nói, tình trạng này chỉ xuất hiện ở những khu vườn cà phê đối chứng; trong khi những khu vườn mẫu “cà phê PPP” thì gần như không bị ảnh hưởng, phần lớn cành lá xanh tốt, vươn dài, ít rụng trái…

Điều phối viên của Chương trình PPP Lâm Đồng, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn nhận định: “Những vườn mẫu cà phê PPP rất ít gặp sâu bệnh so với vườn cà phê đối chứng ở Lâm Đồng là nhờ tiến hành các biện pháp sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, cũng như thực hành đầy đủ hướng dẫn canh tác của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Qua đó, người sản xuất đã tiết kiệm nhiều công lao động và chi phí đầu tư khác...” Theo đó, một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi vườn “cà phê PPP” khắc phục rụng trái trong thời gian qua là bón thêm các loại phân có nguyên tố trung và vi lượng, bên cạnh nguyên tố đa lượng, nên thường xuyên cung cấp cân đối dinh dưỡng trong đất. So sánh trong các vụ mùa thu hoạch vừa qua, đa số vườn cà phê mẫu đã đạt năng suất cao hơn vườn cà phê đối chứng từ 9% - 25% (cá biệt có vườn cà phê mẫu đạt 10 tấn nhân/ha/năm); tỷ lệ lợi nhuận trung bình cũng theo đó vượt hơn khoảng 20%.

Hợp tác phát triển “cà phê PPP”

Bên cạnh việc chăm sóc vườn “cà phê PPP” đạt giá trị kinh tế cao, 12 trưởng nhóm đã tích cực xuống thăm vườn cà phê của nông hộ, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm và viết nhật ký sản xuất hàng ngày. Một năm vừa qua, 12 trưởng nhóm đã mở gần 10 lớp tập huấn cho hơn 400 lượt nông dân. Và trong cuộc họp do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp với công ty Syngenta, công ty phân bón Yara tổ chức, vai trò nhóm trưởng đã mạnh dạn nêu những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong canh tác cà phê bền vững. giúp các đối tác tìm cách tháo gỡ kịp thời cho nông dân.

Đến nay, Chương trình PPP Lâm Đồng phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà triển khai nhiều hình thức mở rộng hoạt động của HTX sản xuất cà phê bền vững xã Nam Hà, trong đó phát huy chức năng trưởng nhóm PPP là thành viên Ban Quản trị. Bước đầu HTX Nam Hà đã liên hệ cung ứng phân bón cho các thành viên, đồng thời tiêu thụ một số sản lượng cà phê theo hợp đồng với Công ty Nestle. Kế hoạch đến cuối năm 2016, Chương trình PPP Lâm Đồng tiếp tục tạo thêm điều kiện thuận lợi cho HTX Liên Hà thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia mô hình mua chung, bán chung, giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập hơn nữa trên từng đơn vị diện tích thâm canh cây cà phê bền vững trên địa bàn huyện Lâm Hà nói riêng, trong tỉnh Lâm Đồng nói chung. Chương trình hợp tác công - tư (public- private partner, viết tắt là PPP) đã qua 4 năm phát triển cà phê bền vững ở Lâm Đồng. Kết quả không chỉ tăng năng suất và thu nhập, mà còn tạo cơ hội mới cho người sản xuất tham gia vào các mô hình hợp tác lâu dài.

VĂN VIỆT

Cao su Phủ Quỳ được mùa

Nguồn tin: Báo Nghệ A

Theo dự đoán, giá mủ cao su năm 2016 sẽ ấm dần lên sau nhiều năm liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, tại Công ty TNHH 1 thành viên cà phê cao su Nghệ An, cao su được mùa, song giá vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, nhưng do được đầu tư chăm sóc tốt và khai thác đúng quy trình kỹ thuật nên gần 100 ha cao su của đội sản xuất Nghĩa Sơn, nông trường Tây Hiếu 1 vẫn cho năng suất và chất lượng đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Mậu - đội trưởng, cho biết: Năm nay cao su được mùa. So với 2015, lượng mủ năm nay nhiều hơn, trung bình cho 40kg mủ/ngày, chất lượng mủ cũng đạt độ đặc theo quy định.

Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chăm sóc chu đáo, cây cao su trên vùng đất Thị xã Thái Hòa phát triển tốt. Ảnh Hoàng Vĩnh

Công ty TNHH 1 thành viên cà phê - cao su Nghệ An có gần 3.000 ha cao su. Trong đó diện tích cao su đang độ tuổi thu hoạch chiếm 2.000ha, số còn lại nằm trong diện kiến thiết cơ bản. Tính đến thời điểm hiện nay, sản lượng mủ nước quy chuẩn của toàn công ty đã vượt từ 8 đến 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy vậy, việc giá mủ trên thị trường trong nước và thế giới liên tục biến động giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Sản lượng, chất lượng đều đạt chuẩn, nhưng giá mủ cao su tiếp tục nằm ở ngưỡng thấp trong khoảng từ 5.000 đến 5.500đ/kg mủ nước. Mặc dù có nhích hơn năm 2015, song vẫn giảm 5 lần so với thời điểm cao nhất là 25.000 đồng/kg vào năm 2011. Trong khi đó giá giống cây, phân bón và mọi chi phí khác cho cuộc sống nhìn chung đều tăng.

Chị Cao Thị Mừng – công nhân đội sản xuất Nghĩa Sơn, nông trường Tây Hiếu 1 chia sẻ: Thu nhập của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Vì thế thu nhập của công nhân và người lao động gắn bó với cây cao su - một thời là niềm ao ước của nhiều người, chỉ ở mức trung bình, nếu không muốn nói là chật vật.

Sản phẩm cao su xuất khẩu. Ảnh: HV

Ông Trần Đức Tiến - Phó tổng Giám đốc công ty cho biết: Định mức năm nay của công ty là 4.000 tấn mủ nước quy chuẩn, đến nay mới 2 tháng đi vào thu hoạch đã đạt 565 tấn, đạt 18% kế hoạch. Nhưng giá mủ không tăng ảnh hưởng đến tâm lý và thu nhập của công nhân. Chúng tôi đã chỉ đạo các nông trường cố gắng đảm bảo chế độ, điều kiện để công nhân và kể cả cán bộ không bị giao động.

Cao su vốn là cây trồng chủ lực trên đất Phủ Quỳ, nhưng nhiều năm qua, giá mủ bất lợi đã khiến cho công ty cũng như 2.200 công nhân và rất nhiều hộ nhận khoán phải gồng mình chống chọi. Vì thế, dù giá thu mua mủ giảm, đời sống công nhân còn vất vả nhưng diện tích cây cao su vẫn được duy trì.

Đàm Thủy - Đài Thái Hòa

Long Mỹ (Hậu Giang): Vụ lúa Hè thu nông dân không lời nhiều

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Đến nay, toàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã thu hoạch được 6.500ha lúa Hè thu năm 2016, năng suất bình quân ước đạt 5,76 tấn/ha. Hiện giá lúa vẫn đang ở mức thấp. Cụ thể, các loại giống hạt dài như: OM 6976, OM 5451, OM 4218 hiện có giá từ 4.300 - 4.600 đồng/kg, lúa khô dao động từ 5.400 - 5.600 đồng/kg; còn nếu thu hoạch bằng tay thì giá thấp hơn khoảng 800 - 1.000 đồng/kg. Riêng giống IR 50404, nếu thu hoạch bằng máy thì có giá từ 4.000 - 4.100 đồng/kg còn thu hoạch bằng tay thì dao động ở mức 3.000 - 3.300 đồng/kg. Với mức giá trên, nếu lúa đứng và có năng suất, sau khi trừ các khoản chi phí người dân có lợi nhuận từ 500.000 - 800.000 đồng/công và ở chiều hướng ngược lại nhiều hộ không có lợi nhuận do ảnh hưởng của thời tiết, lúa bị sập, làm thất thoát năng suất và chi phí thu hoạch tăng cao.

MINH ĐƯƠNG

Lục Nam (Bắc Giang): Khoai sọ cho thu gần 150 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Vụ xuân năm nay, nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) trồng hơn 300ha khoai sọ, tập trung chủ yếu ở các xã: Yên Sơn, Khám Lạng, Bảo Đài, Bắc Lũng, Nghĩa Phương, Bảo Sơn...

Khoai sọ có ưu điểm: Ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, chất lượng tốt, mùi thơm, bở. Năng suất ước đạt 12 tấn/ha. Thời điểm này, khoai sọ đang cho thu hoạch rộ, thương nhân ở TP Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn thu mua với giá 12 nghìn đồng/kg, mỗi ha cho thu gần 150 triệu đồng.

Ngọc Tâm

Phòng trừ bệnh thối trái sầu riêng trong mùa mưa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển gây hại cây trồng. Đối với cây sầu riêng, bệnh thối trái rất phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng.

Bệnh thối trái do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Nấm gây hại trên nhiều bộ phận của cây. Trên thân, nấm tấn công gây bệnh thối gốc chảy nhựa. Triệu chứng đầu tiên là trên vỏ thân có đốm sậm màu, hơi ướt. Sau đó, vết bệnh chuyển màu nâu đỏ, vỏ bị nứt và chảy ứa ra các giọt nhựa trong vàng, phần gỗ cây tại vết bệnh cũng hóa nâu, làm lá vàng héo và rụng dần. Đôi khi nấm còn tấn công các cành phía trên cao. Bệnh tấn công trên lá, làm lá bị cháy, triệu chứng cháy từ chót lá vào. Quan trọng hơn cả, nấm gây hại trên trái, làm trái bị thối hàng loạt. Vết bệnh khởi đầu một vài chấm nhỏ màu nâu đen, thường xuất hiện dọc theo chiều từ cuống trái trở xuống chung quanh trái. Sau đó, phát triển từng lõm lan rộng và ăn sâu vào thịt trái, làm thịt trái bị nhũn, có mùi hôi chua, khó chịu. Trời ẩm thấp, trên vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng. Bệnh làm trái nhỏ, chín sớm (chín háp), bệnh nặng làm thối cả trái và lây lan sang những trái khác. Bệnh có thể gây hại từ trái nhỏ đến trái sắp thu hoạch và cả trái sau thu họach.

Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn trồng dày, đất ẩm thấp đọng nước và nhất là các chùm trái nằm trong tán. Ngoài ra, vết đục của sâu đục trái còn tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh. Từ các vết bệnh ban đầu của sợi nấm sẽ sản sinh rất nhiều bào tử và lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa hay lũ lụt. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây.

Để phòng trừ bệnh thối trái sầu riêng trong mùa mưa, nông dân cần thực hiện các biện pháp sau đây:

- Đối với vườn mới trồng, nên trồng với mật độ thấp, khoảng cách từ 8 - 10m, tạo thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển thông thoáng. Vệ sinh vườn cây, tỉa bớt cành lá gần mặt đất, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy. Vườn cây cần cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa. Phủ gốc bằng rơm khô hay cỏ khô, không phủ bằng xơ dừa. Tăng cường bón phân chuồng hoai mục (tốt nhất là sử dụng phân gà) kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trico để hạn chế bệnh phát triển. Dùng vôi hoặc thuốc gốc đồng quét lên thân cây cách mặt đất khoảng 1m vào đầu mùa mưa để ngừa nấm tấn công thân.

- Giai đoạn sầu riêng mang trái nên thăm vườn thường xuyên, phát hiện bệnh mới chớm phun các loại thuốc hóa học: Mexyl-MZ 72WP, Alpine 80WP, Mataxyl 25WP... Chú ý, nếu bệnh xuất hiện trễ vào giai đoạn trái lớn, khi phun thuốc nên đảm bảo đúng thời gian cách ly để tránh dư lượng thuốc tồn trong trái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuyệt đối không nên nhúng trái vào thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch.

Nguyễn Thị Nguyệt

Ít khách tại gian hàng giống cây trồng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tham gia Hội chợ Công thương vùng ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang lần này có 11 gian hàng trưng bày, quảng bá về các loại giống cây trồng, chủ yếu đến từ các cơ sở tại tỉnh Bến Tre và Hậu Giang. Đây là một trong các chuỗi sự kiện của Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL - MDEC Hậu Giang 2016. Tuy nhiên, theo phản ánh của các chủ gian hàng trưng bày nơi đây, hiện khách hàng đến tham quan và mua giống cây trồng trong 2 ngày qua rất thưa thớt.

Hiện các gian hàng giống cây trồng còn thưa khách.

Ông Nguyễn Văn Tân, chủ gian hàng giống cây trồng đến từ tỉnh Bến Tre, cho biết: Hai ngày qua, mưa nhiều nên việc mua bán khá chậm. Mặt khác, các gian hàng cây giống thường đắt khách vào những ngày gần bế mạc hội chợ nên chúng tôi kỳ vọng sẽ thu được kết quả vào những ngày cuối.

HỮU PHƯỚC

An Giang: Hiệu quả từ phong trào cải tạo vườn tạp

Nguồn tin: Báo An Giang

Bằng việc cải tạo vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nhiều nhà nông trong tỉnh An Giang đã thành công với bước đi đúng đắn này. Hiệu quả trước tiên của mô hình là cho năng suất cao, nhẹ công chăm sóc, lợi nhuận thu được tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Là một trong những hộ tiên phong cải tạo vườn tạp ở ấp Phú Bình (xã Phú An, Phú Tân), ông Nguyễn Hữu Trí cho biết, trước đây, với gần 3 công đất vườn nhà chỉ trồng một vài loại cây lặt vặt, không mang lại hiệu quả kinh tế. Ông cùng nhiều hộ nông dân khác cũng muốn trồng chuyên một loại cây trồng hiệu quả, nhưng chưa định hướng được và còn ngán ngại về kỹ thuật, đầu ra cho nông sản. Lúc này, ở địa phương phát động phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cải tạo diện tích đất vườn kém hiệu quả. Thấy vậy, ông Trí đã mạnh dạn cải tạo diện tích vườn tạp của mình sang chuyên canh cây ổi lê Đài Loan. Chỉ sau 8 tháng trồng, vườn ổi nhà ông Trí đã cho đợt trái đầu tiên, cứ như thế mỗi ngày ông thu hoạch từ 20 - 30kg. Bán cho thương lái với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, thu nhập rất ổn định. Chỉ chưa tới 3 công đất, biết thay đổi nhận thức, nắm bắt kỹ thuật cũng như xu thế phát triển đã giúp ông Trí thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/năm. “Ổi lê Đài Loan không những dễ chăm sóc mà lại có năng suất nên mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nhờ cải tạo lại diện tích vườn tạp này mà gia đình có thêm điều kiện lo cho con cái đi học, các lao động nhàn rỗi đều có thể tận dụng chăm sóc ổi, không cần phải thuê mướn. Vì vậy đã giảm thêm phần chi phí sản xuất, tăng thu nhập”- ông Trí chia sẻ.

Dâu tằm có thể chế biến ra nhiều sản phẩm như: thức ăn, nước uống, làm thuốc… nên rất được ưa chuộng

Ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) cũng rất thành công khi chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả của mình sang trồng cây dâu tằm kết hợp cho du khách tham quan theo kiểu du lịch sinh thái. Ông Thuận cho biết, trước đây, với hơn 1,5 công đất vườn trồng nhãn cũng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, gần đây, nhãn bị lão nên năng suất kém, kèm thêm dịch bệnh chổi rồng do nhện lông nhung gây hại gần như mất trắng, không thu được gì. Từ đó, dẫn đến thu nhập bấp bênh, vì đây chính là nguồn thu chính của gia đình. Điều này khiến ông Thuận không khỏi băn khoăn, lo lắng đi tìm một mô hình mới với loại cây trồng thích hợp để phát triển, mang lại thu nhập cho gia đình. “Tôi trồng dâu tằm cũng tình cờ lắm, trong lần đi tham quan ở Thoại Sơn, được giới thiệu về giống dâu tằm Đà Lạt, dễ trồng, thích hợp thổ nhưỡng đất ở vùng ĐBSCL, nên tôi xin vài cây giống về trồng xen với nhãn, sau một năm dâu phát triển tốt, tôi mở rộng và phá nhãn bỏ”- ông Thuận giải thích. Sau 2, 3 năm chăm sóc, cây dâu tằm cho năng suất cao, lợi nhuận thu được cao gấp 3, 4 lần so với trồng nhãn. Đến năm 2014, ông Thuận quyết định đầu tư vốn, mở rộng diện tích lên gần 3.000m2, nâng tổng diện tích hiện có khoảng 4.000m2. Thành công với mô hình trồng dâu tằm, ông Thuận không “giấu nghề” mà luôn niềm nở chia sẻ kinh nghiệm với các nông dân khác đến học hỏi. “Vì là mô hình mới, lạ, lại ở ngoại ô TP. Long Xuyên nên được báo, đài truyền tải thông tin nhiều lắm. Nhờ vậy, người dân tìm đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn, đến tham quan, dùng thử dâu tằm rất đông”- ông Thuận cho hay.

Ông Thuận thành công với mô hình trồng cây dâu tằm

Với diện tích đất trồng dâu tằm, ông Thuận áp dụng kỹ thuật xử lý cho cây dâu ra cả 3 vụ trong năm để du khách đều có dịp đến thưởng thức hương vị trái dâu tằm. Đồng thời, ông Thuận còn chiết cành bán cho những người dân cho nhu cầu trồng thử và tư vấn kỹ thuật để bà con trồng đạt hiệu quả. Dịp cuối tuần, du khách tìm đến vườn dâu của ông Thuận rất đông, ông Thuận đều không thu phí mà vui vẻ mời mọi người thưởng thức. Tại đây, ông Thuận còn bán cả rượu, mật và trái dâu tằm tươi. Mô hình chuyển dịch từ nhãn sang trồng dâu tằm của ông Thuận còn giúp giải quyết lực lượng lao động tại địa phương từ 10 - 15 người vào mùa thu hoạch trái, với thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc cải tạo diện tích vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả đã giúp nông dân đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất của mình.

ÁNH NGUYÊN

Đồng Tháp: Giá chuối tăng, nông dân vẫn lo

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hơn 3 tuần qua, nông dân trồng chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi vì giá chuối nguyên liệu các loại tăng cao. Song, nông dân vẫn lo vì giá chuối trên thị trường bấp bênh, thiếu ổn định đầu ra.

Chuối là cây trồng có thể mang lại thu nhập khá cho nông dân

Theo ghi nhận, chuối xiêm hiện có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/nải lớn; loại nhỏ 10.000 - 12.000 đồng/nải; chuối già 10.000 - 15.000 đồng/nải; chuối cau loại lớn 20.000 đồng/nải; loại nhỏ 13.000 - 15.000 đồng/nải; tăng hơn 30% so với thời điểm đầu năm.

Là người gắn bó nhiều năm với nghề trồng chuối, bà Nguyễn Thị Chính ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Sản lượng chuối vườn nhà tôi thu hoạch đều đặn mỗi tháng vài chục buồng, mỗi buồng cho từ 7 - 10 nải. Hơn 3 tuần nay, giá chuối bất ngờ tăng mạnh nên gia đình tôi có thêm khoản thu nhập khá. Nhờ giá tăng nên nông dân gỡ lại được phần nào để tiếp tục đầu tư sản xuất loại cây trồng này”.

Theo nhiều nông dân, chuối là loại cây dễ canh tác vì ít đầu tư phân thuốc, công chăm sóc, chỉ sau khoảng 9 tháng là cho trái. Bên cạnh đó, loại cây trồng này có thể thu hoạch quanh năm, sản lượng chuối cho trái nhiều là từ tháng 1 đến tháng 4.

Tuy vậy, nhiều nông dân trồng chuối có chung một nỗi lo là giá chuối thường không ổn định. Ông Trần Văn Sanh ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long, huyện Lai Vung chia sẻ: “Nếu giữ mức giá ổn định thì chuối là loại cây trồng có thể mang lại thu nhập cao cho nông dân. Bên cạnh nguồn thu chính từ chuối nguyên liệu thì bắp chuối cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Việc thu hoạch chuối mỗi tháng diễn ra 2 đợt, mỗi đợt kiếm được hơn 400.000 đồng. Điều lo lắng là giá chuối luôn thay đổi thất thường và phụ thuộc theo việc thu mua của thương lái”.

Tuy chuối là loại cây dễ trồng nhưng thời gian gần đây do ảnh hưởng thời tiết nên bị một số loại sâu bệnh tấn công, gây ảnh hưởng tới năng suất. Anh Nguyễn Hữu Bình - thương lái thu mua chuối ngụ tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thời điểm hiện tại, chuối nguyên liệu các loại tăng giá do nhu cầu sử dụng chuối cho việc xuất bán đang tăng cao. Các chủ vựa lớn thu mua chuối để xuất bán cho các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, miền Trung và xuất khẩu sang các nước lân cận. Thế nhưng, những năm trở lại đây, lượng chuối cung ứng tại các nhà vườn cũng giảm đi phân nửa khiến việc thu mua chuối gặp khó khăn”.

Hoài Minh

Bến Tre: Bưởi da xanh, mãng cầu xiêm “được thời” sau hạn mặn

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Củi sầu riêng, chôm chôm chất đống ven nhiều tuyến đường tại huyện Châu Thành.

Sau đợt hạn mặn lịch sử 2016, diện tích cây ăn trái, đặc biệt là hai loại trái cây đặc sản Bến Tre là sầu riêng và chôm chôm giảm mạnh. Thậm chí có những xã bao đời nay kinh tế chính dựa vào 2 loại cây ăn trái trên cũng đang băn khoăn vì khó giữ lại được nếu hệ thống thủy lợi không được đầu tư sớm.

Theo báo cáo đánh giá của 2 huyện Châu Thành và Chợ Lách, đã có đến hàng ngàn héc-ta gồm sầu riêng, chôm chôm, măng cụt bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai hạn mặn. Được biết hiện nay, nhiều xã ở vùng “vương quốc trái cây” vẫn chưa đánh giá đầy đủ và thống kê hết diện tích cây bị ảnh hưởng. Và thực tế là đã có rất nhiều nhà vườn trong số này chặt bỏ vườn cây sầu riêng, chôm chôm để trồng loại cây khác chịu mặn tốt hơn như bưởi da xanh. Thậm chí một số nơi người dân đã chuyển qua trồng hoặc manh nha trồng cây mãng cầu xiêm - loại cây sống tốt ở vùng đất nhiễm mặn, phèn.

Chia tay... cây đặc sản

Một buổi trưa đầu tháng 7, chúng tôi đến xã Tiên Long, huyện Châu Thành. Địa phương này đang diễn ra mạnh mẽ phong trào đốn sầu riêng, chôm chôm để trồng bưởi da xanh. Hầu hết vườn cây ăn trái hai bên đường đều cháy lá rũ rượi, thậm chí có nhiều gốc to tướng hàng chục năm tuổi đã chết khô từ lâu. Đâu đâu cũng thấy củi sầu riêng, chôm chôm chất đống ven đường chờ xe đến chuyển đi. “Đã mấy tháng nay tôi không buồn vào vườn chôm chôm của mình. Vừa rồi tôi cũng đã gọi điện thoại cho người em trai kêu vào đốn hạ cây lấy củi bán. Tôi có ý định trồng bưởi da xanh, tuy nhiên lúc này do cây giống đắt quá nên tôi chưa liên hệ với lái để đặt mua” - một cán bộ xã Tiên Long nói với chúng tôi.

Tạt vào khu vườn 8 công của ông Văn Công Đáo (82 tuổi, ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long), nhiều thân cây chôm chôm nằm ngổn ngang do bị đốn chặt từ nhiều ngày qua, đốt nhánh chỉ còn lại tàn tro ngay tại vườn. Một số cây gần nhà được giữ lại để dành ăn thì lưa thưa trái trên cành. Ông Đáo dự kiến sẽ chặt bỏ toàn bộ vườn chôm chôm để trồng bưởi da xanh. “Cả đời tôi sang hèn cũng nhờ vào chôm chôm! Mỗi năm tôi thu hoạch bao nhiêu là trái, sâu bệnh gì tôi cũng hiểu rõ mồn một. Vậy mà nay buộc lòng phải đốn hạ vì theo dự báo của các ngành chức năng, tôi nghĩ không thể “chung thuyền” với chôm chôm nữa rồi!”- ông Đáo nói với giọng buồn rười rượi, dõi mắt hướng về những gốc chôm chôm hơn 20 năm tuổi đang nằm la liệt trong vườn.

Đến ấp Tiên Chánh, Tiên Đông và cả cồn Tiên Lợi, chúng tôi cũng chứng kiến và nghe lời tâm tình hết sức ray rứt của nhiều hộ nông dân khi nói về “cuộc chia tay” với cây sầu riêng và chôm chôm.

Ông Nguyễn Văn Vàng - Phó chủ tịch UBND xã Tiên Long cho biết, xã được bao bọc bởi hệ thống sông, kênh rạch - toàn diện tích đất giống bán đảo, cộng với cồn Tiên Lợi. Trong khi đó, hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh, các cống chưa có hệ thống ngăn mặn nên dễ dàng bị mặn xâm nhập. Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua đã khiến cho 550/789ha cây ăn trái của 1.318/1.995 hộ làm nông bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn là các vườn chôm chôm và sầu riêng - hai loại cây ăn trái chủ lực của xã và là trái cây đặc sản của tỉnh, bị thiệt hại nặng nhất. Nguyên nhân là do hai loại cây này rất mẫn cảm với nước mặn.

Phó chủ tịch UBND xã Tiên Long Nguyễn Văn Vàng chia sẻ kinh nghiệm gần 20 năm trồng bưởi da xanh của mình: “Giá bưởi tuy cao nhưng thường không ổn định. Mặt khác, để chăm sóc được trái loại I không dễ dàng nên thường chỉ có khoảng 1/3 trong số trái của mỗi cây đạt, trong khi giá của những loại khác nhau chênh lệch rất lớn. Vậy nên 1ha bưởi da xanh, với thời giá đắt đỏ như thời gian qua, mỗi tháng sẽ thu khoảng 20 triệu đồng và thu hoạch được 11 tháng trong năm. Trong khi đó, nếu là 1ha sầu riêng, mỗi năm sẽ cho khoảng 25 tấn trái và lợi thế là thu hoạch đúng 1 lần trong năm, giá khoảng 30 - 35 ngàn đồng/kg - cây chôm chôm cũng đạt năng suất như vậy nhưng giá thấp hơn chút ít. Tôi đã tính rồi, cây bưởi da xanh khó có thể so sánh được với 2 loại cây truyền thống này”.

“Dù biết người dân chọn cách chặt bỏ hai loại cây trên là vội vàng nhưng xã không dám đến khuyên người dân giữ cây lại vì hệ thống đê bao hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh, rủi mặn tiếp tục xâm nhập và gây thiệt hại nữa thì không biết ăn nói sao với bà con” - ông Vàng nói tiếp. Thực trạng tương tự cũng đã và đang xảy ra ở nhiều xã của huyện Châu Thành và Chợ Lách.

Phân vùng sản xuất

Ông Nguyễn Hữu Thiết - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, huyện vẫn ưu tiên phòng, chống hạn mặn hơn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do đó, huyện vẫn khuyến khích người dân tiếp tục tích cực dưỡng cây. Còn những vườn cây đã bị nhiễm quá nặng thì mới chặt bỏ để trồng cây khác. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 900/7.000ha cây ăn quả bị thiệt hại; con số thiệt hại có thể sẽ còn tăng lên cao hơn nữa bởi vẫn còn một số xã chưa báo số liệu.

Việc đốn bỏ cây chôm chôm, sầu riêng để trồng bưởi da xanh là một trong những hướng đi được nhiều nhà vườn chọn lựa. Tuy nhiên, một số nhà vườn cũng đang lo ngại vì thực tế đợt hạn mặn vừa qua đã khiến nhiều vườn bưởi da xanh cũng bị thiệt hại do độ mặn quá cao. Do đó, một nhà vườn tại huyện Châu Thành đã chuyển sang trồng thử cây mãng cầu xiêm trên khoảng 2 công đất của mình vì loại cây này có thể sống được trong điều kiện đất bị nhiễm mặn. Ngoài ra, nhiều nhà vườn khác tại huyện Chợ Lách cũng đã tham khảo các ngành chức năng để chuyển hướng sang trồng loại cây này.

Việc nông dân chọn cây mãng cầu xiêm đã khiến nhiều lãnh đạo địa phương băn khoăn vì thị trường của loại cây ăn trái này vẫn khá mờ mịt và rất khó để phát triển thị trường như một số loại cây ăn trái đặc sản của Bến Tre. Điều này đã được phản ánh tại buổi làm việc mới đây giữa Thường trực Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về định hướng sản xuất ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã nắm tình hình thực tế, có một số nhà vườn đang tham khảo ý kiến cơ quan chức năng để trồng mãng cầu xiêm. Tuy nhiên, việc trồng loại cây này trên địa bàn huyện không có trong quy hoạch và thực tế đầu ra chưa ổn định. Theo tôi, người dân không nên nóng vội vì chủ trương của huyện là vẫn giữ ngọt địa bàn này, khi đó những nhà vườn tự chuyển đổi cây trồng sẽ bị đơn độc, sản phẩm không bán được”, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết.

Ông Liêm cho biết thêm, hạn mặn đã khiến 6.000ha cây ăn trái trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 500ha chôm chôm và sầu riêng bị ảnh hưởng, thiệt hại từ 30% - 100%.

Nhiều nông dân của một vài xã cánh trên (gần huyện Châu Thành) của huyện Bình Đại đã canh tác cây mãng cầu xiêm từ lâu. Chia sẻ về kinh nghiệm qua theo dõi nông dân trồng loại cây này, ông Võ Văn Quân - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại nói: “Nếu dùng gốc mãng cầu trồng trên mô thì cây khỏe, sống lâu hơn nhưng trái chua; nếu trồng gốc bình bát sau khi tháp xong mang vào trồng thì cho trái ngọt hơn… và cũng tùy vào mục đích sử dụng mà thương lái cho giá mua loại mãng cầu chua hay ngọt. Trên cơ bản thì rất khó dự báo tương lai của loại cây này nhưng cũng chưa đến mức nói là rủi ro lớn”.

Việt Phương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop